Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Quy luật của muôn đời - Nodar Dumbadze (ch 1 - 2)

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch : Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Quy luật của Muôn Đời là một tác phẩm nổi tiếng của Dumbatzé. Nhân vật chính trong tác phẩm là Batsana, một nhà văn nhà báo lớn, Câu chuyện diễn ra khi ông bị nhồi máu cơ tim, phải nằm trong bệnh viện. “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua..” (Lời Batsana). Thân thể nằm bất động trên gường bệnh, bằng suy tưởng, hồi ức, bằng trò chuyện với 2 người bệnh cùng phòng là Đức Cha Iôram và bác thợ giày Bulika, Batsana tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Ta sinh ra đời để làm gì? Hạnh phúc là thế nào? Bản chất của cái Thiện là gì? Cuối cùng ông đã tìm ra câu trả lời: Đó chính là Quy luật của Muôn đời.

Chương 1

Cơn đau nhói lên ở vai phải. Tiếp đó nó luồn xuỗng ngực và mắc ở một chỗ nào dưới vú bên trái. Rồi tuồng như có bàn tay chai sạn của ai không rõ thọc vào trong ngực, nắm lấy tim và bắt đầu bóp như vắt nước chùm nho. Bàn tay bóp chậm chạp, nỗ lực: một - hai, hai - ba, ba - bốn… Cuối cùng, khi trái tim bị vắt kiệt không còn lấy một giọt máu, vẫn bàn tay ấy dửng dưng quẳng nó đi. Tim ngừng đập. Không, thoạt tiên nó rớt xuống như con chim sẻ non đâm sầm vào kính cửa sổ, nó rơi xuống, bắt đầu giẫy giụa, run lên bần bật, rồi lặng hẳn. Nhưng tim ngừng đập vẫn chưa phải là cái chết đã đến, đấy mới là đôi mắt trợn ngược vì khiếp hãi quá chừng và sự mong chờ khổ sở: trái tim chết tiệt có còn đập lại nữa hay không?!
- Không được nguyền rủa trái tim, batono ạ (hình thức xưng hô lịch sự đối với một người đàn ông). Cần nâng niu nó, nhè nhẹ hà hơi vào nó như thổi vào sữa đang sôi… - Chị y sĩ nói.
- Bà chị kính mến ơi, tôi chẳng thiết gì văn chương nữa đâu! Giúp tôi với!
- Nadia, cho anangin!... Sẽ bớt đau ngay thôi mà!
- Nhưng ông ấy say rượu, thưa bác sĩ.
- Điện tâm đồ!
Đôi tay ai không rõ ôm lấy người bệnh.
- Thế nào? - Bác sĩ hỏi.
- Rất sâu… Tôi không biết như thế này thì ta có thể làm gì được…
- Đau không?
- Bác sĩ ơi, làm sao cho hết đau… hoặc là giết tôi đi!
- Promedon!
… … …
Năm phút sau.
- Thế nào, đỡ rồi chứ?
Người bệnh toan mở mắt nhìn con người đã hỏi câu ngây ngô đó, nhưng không sao hé mắt ra được: đôi mi như bị đè ép bởi những tấm chì nhỏ nặng chịch, lạnh lẽo.
- Morfin! - bác sĩ ra lệnh, ông đã nản lòng và nhấc ống điện thoại lên. - Tôi đây, Antilava. Bỏ mônitơ và chuẩn bị đifibrilatơ [tên các máy dùng chữa bệnh tim]. Nhanh lên!
- Ối, ối, giết tôi đi cho xong! - người bệnh van vỉ.
- Azốt! - bác sĩ ra lệnh.
Người bệnh cảm thấy có tấm gạc ướt chạm nhẹ vào mặt. Rồi thân thể ông được nâng lên một cách gượng nhẹ, đặt vào một con thuyền...
...Con thuyền hơi chòng chành, lướt trên mặt biển êm ả phẳng lặng. Đột nhiên người chèo thuyền vớ lấy một chiếc đinh gỉ to tướng, kê mũi nhọn vào ngực người bệnh và nắm tay đập một cái thật mạnh, đóng dính người bệnh vào chiếc ghế băng.
- Làm cái gì thế, đồ quái vật! - người bệnh rên lên.
- Không thế thì ông lăn tùm xuông nước mất! - người chèo thuyền trả lời.
Rồi vẫn bằng những chiếc đinh gỉ như thế, anh ta đóng rịt cả hai tay hai chân người bệnh vào ghế, còn anh ta nhảy xuống nước.
- Đừng đi, đừng ruồng bỏ tôi, bạn thân mến, - người bệnh van vỉ. - Ai sẽ nhổ đinh ra cho tôi?!
- Người ta sẽ nhổ ra cho, khi nào sang đến bờ bên kia! - tiếng người chèo thuyền từ xa vẳng lại.
Người bệnh nghe thấy cả những tiếng nói khác trầm đục từ trên bờ vọng đến, nhưng không thể hiểu đấy là tiếng gì; những lời tiễn biệt, những tiếng la to khuyên ông phải đề phòng, những lời an ủi hay tiếng gào khóc của những người thương xót ông.
... Rồi tiếng người im bặt, tan biến. Chỉ còn lại cái đau âm ỉ, sự chờ đợi mệt mỏi, biển bao la không bờ bến và bản thân ông bị đóng đinh vào thuyền, bị mọi người bỏ quên.
- Trời ơi, trời ơi, sao anh lại bỏ rơi tôi! - người bệnh thều thào, nhưng ông hiểu ngay rằng những lời đó không phải do ông thốt lên, vì vậy thượng đế không thể nghe thấy được.
Còn con thuyền vẫn lắc lư đều đều trên những lượn sóng êm ả của biển xanh...
Một nghìn năm trôi qua, bỗng nhiên người bệnh cảm thấy một cái va chạm. Lập tức cảm giác đau buốt do cái va chạm đó gây nên xuyên thấu qua ông. Thuyền cập bờ.
Một đám người rất đông xúm quanh thuyền.
- Trời ơi, ông ta bị đóng đinh, khốn khổ chưa! - một người nào đó vừa kéo thuyền lên bờ vừa tỏ ý thương người bệnh.
- Nhổ đinh ra cho tôi, tôi không thể chịu đựng nổi nữa! - người bệnh van vỉ.
- Iasvili đâu? - một trong những người ra đón hỏi.
- Tôi đây!
- Nhổ ra!
- Cắm sâu quá..
- Thế thì ta cùng hiệp lực! Nào... Một, hai, dô hò! ...
Trời ơi chẳng lẽ họ không nhổ được ư? - người bệnh nghĩ và cố giơ một tay lên.
- Không được cử động! - có người nào ngăn ngừa và liền đó nói với các bạn mình: - Nào, một lần nữa, dô hò!
Lại một nghìn năm nữa trôi qua. Người ta dùng răng nhổ đinh ra khỏi người bệnh.
- Thế nào? - người đứng đầu hỏi.
- Đang lên! - những người cấp dưới trả lời.
- Bao nhiêu?
- Sáu mươi!
- Được, khoan lo đến huyết áp, bây giờ hãy lo chăm sóc tim đi!
- Mạch năm mươi!
- Hình như đã thoát khỏi cơn nguy rồi! - người đứng ở máy mônitơ nói.
- Nó lăn xuống! - người bệnh thở dài.
- Cái gì lăn xuống? - bác sĩ ngạc nhiên, hỏi.
- Bánh xe đã lăn xuống! - người bệnh nhắc lại.
- Bánh xe nào? Ở đâu ra? - tiếng bác sĩ run run.
- Ở chỗ này, từ chỗ này, bantônô ạ! - người bệnh đặt tay lên tim và mỉm cười.
Bác sĩ thở dài nhẹ nhõm, lau mồ hôi lạnh trên người bệnh.
- Xem chừng đã cứu thoát được rồi! - ông thốt lên.
- Hừm, ở tuổi ông ấy mà đã bị nhồi máu... có hơi sớm quá không? - có người nào hỏi, mấy ngón tay run run rút điếu thuốc lá trong hộp.
Một lần nữa người bệnh lại cố mở mắt nhìn cái người đã nêu ra câu hỏi ngây thơ đó, nhưng không thể được: những thanh chì lạnh lẽo càng đè nặng hơn trên mi ông.
... Thế rồi bắt đầu một trạng thái ngây ngất như liều thuốc thần diệu, và người bệnh lại khởi hành, nhưng lần này không phải là đi trên mặt biển, mà leo một cái thang dốc bất tận. Duy có điều đáng ngạc nhiên: ông xuống thang, vậy mà dường như mỗi lúc một lên cao, cao mãi...

Chương 2


Áo blu đen bỏ ngoài quần, ngang lưng thắt sợi dây thừng để thòi ra con dao làm bằng gỗ dán, bác thọt Avêtic Babaiantx miệng lầm nhầm một khúc ca ngắn, bước vào sân. Theo sau bác ta là một người đàn bà lưng đeo cỗ đàn thụ cầm. Một con chó Bôlônca [loại chó xù nhỏ, lông rất dài] nòi chó Pháp chạy theo sau người đàn bà. Qua túm lông trắng như tuyết xõa xuống trán con chó, thấy long lanh hai con mắt đen ánh xanh, nhỏ như hai chiếc cúc áo.
Gánh hát rong của Babaiantx thiết lập ngay giữa sân. Bác thọt mỉm cười hể hả nhìn các bà chủ nhà đứng đầy chặt các ban công của ngôi nhà bốn tầng, bác chống tay trái lên con dao một cách rất điệu, tay phải gửi các bà một cái hôn gió và tuyên bố các tiết mục biểu diễn của gánh hát:
- Kính thưa công chúng và các quý bà quý ông Tbilixi! Gánh hát lưu động của nghệ sĩ công cộng Gruzya là Avêtic Babaiantx hôm nay sẽ trình diễn hầu quý ngài vở “Ôtenlô” mới cải biên theo lối hiện đại. Các vai gồm có:
Ôtenlô - do Avêtic Babaiantx đóng.
Đexđêmôna - do Marya Pavlôvna đóng.
Iagô - do con chó Bôlônka đóng.
Khúc nhạc mở màn do Marya diễn tấu bằng thụ cầm.
Giá vé hai mươi côpếc. Trả tiền trước
- Bắt đầu đi, đồ ngốc!
Marya quay tay đàn. Trong tiếng nhạc rè rè, Babaiantx cất tiếng hát:

Một con ruồi bay đi từ Batđa
Một con ruồi bay đi từ Batđa
Ai-đa-đa-đa, ai-đa-đa-đa...
Trong các vị ai là người đáng mến nhất.
Xin hãy ném tiền ra mau mau!
Ai-đa-đa-đa, ai-đa-đa-đa...

Một trận mưa tiền loảng xoảng dội xuống lớp đá sỏi trong sân. Trẻ em như bầy chim sẻ đói xô đến nhặt tiền.
- Này bọn lỏi con, chớ có thủ tiền vào túi đấy nhé!
- Ở đây có cả xu đồng, bác Babaiantx ạ!
- Hãy ủ cho những đồng xu ấy nóng lên rồi dán chúng vào một chỗ duy nhất trong người, còn những đồng trắng thì đưa đây.
- Thế những đồng nằm sấp thì sao!
- Đưa đây, đưa đây, vào trong túi nó sẽ nằm ngửa!
- Ô-hô, được bao nhiêu là tiền!
- Không nhiều hơn lương bố mày đâu!... Ê, Marya, đồ chó cái, trút tiền ở tạp dề ra đi!
Việc quyên tiền đã xong, Babaiantx tháo dây lưng, đổ tiền vào chiếc túi khâu ở mặt trong quần, rồi rút ở túi ngoài ra một tờ báo gập nhỏ, mở rộng ra và quẹt diêm đốt. Khi tờ báo đã cháy hết, bác cẩn thận vét tro vào lòng bàn tay, nhổ nước bọt vào và lấy tay kia chà xát lên. Rồi bác xoa cả hai tay lên mặt và xoay mình lại, biến thành anh chàng Morơ trước con mắt thán phục của khán giả.
- Xtenla! Ra đi. - Ôtenlô ra lệnh
Con chó chạy tới. Ôtenlô cúi xuống, ghé sát tai vào cái mũi đen bóng của con vật. Con chó Iagô sủa ba tiếng và đứng lên bằng hai chân sau.
- Ô! - Ôtenlô kêu lên với khán giả. - Iagô nói rằng Đexđêmôna vợ tôi gian díu với Kaxxiô! Rồi làm vẻ mặt buồn, Ôtenlô cúi xuống gần con chó, và con chó lại sủa lên ba tiếng: lần này thì to hơn và dữ tợn hơn.
Ôtenlô sững sờ. Anh ta im lặng, lượng định tình thế đã xảy ra. Rồi đột nhiên anh ta cười phá lên:
- Ha-ha-ha! không thể thế được! Mày nói láo, con chó kia!
Xtenla chạy tới gần Marya, ngoạm lấy tấm khăn hoa Batđa, giật khỏi tay chị và đem đến cho anh chàng Morơ. Ôtenlô nhìn tấm khăn và ngây người ra.
- Đúng, đây là chiếc khăn ta tặng nàng năm ngoái! - Anh thốt lên bằng giọng thảm thiết và đập đầu ba lần vào cây phượng. Những con chim sẻ hoảng sợ bay vút lên.
- Marya, ra đây! - Chàng Morơ gọi Đexđêmôna.
Vợ Ôtenlô dựa cỗ đàn thụ cầm vào cây phượng và đến trước chồng, đầu cúi gục xuống.
- Mình cất chiếc khăn tôi tặng mình vào đâu rồi? - Ôtenlô hỏi, nhìn vợ bằng con mắt dò xét. - Ông hoạnh họe cái gì vậy? Làm sao tôi biết được chiếc khăn tay của ông ở đâu? Hẳn là chính ông đánh mất hay nhét vào chỗ nào, rồi bây giờ làm tình làm tội tôi! - Đexđêmôna hậm hực đáp.
- Ôi, quân hèn hạ! Thế mà cũng mang danh là một người phụ nữ! Mi đánh đổi ta lấy một thằng như thế nào? Lấy thằng Kaxxiô đê mạt ư? - Nổi khùng, Ôtenlô bóp cổ Dexđêmôna.
- Nhẹ tay chứ, đồ ngốc! - Đexđêmôna vùng ra khỏi tay Babaiantx và nằm xuống tấm khăn đã trải sẵn trên mặt đất.
Ôtenlô lại phá lên cười hô hố một lần nữa, rồi quỳ xuống, áp tai vào ngực Đexđêmôna, và khi biết chắc cô ta đã chết, anh chàng hãi hùng ôm đầu, rồi rút con dao bằng gỗ dán ra, cắm vào nách như cắm cái cặp nhiệt độ và nằm dài xuống cạnh xác người vợ vô tội của mình. Con chó Iagô nhân lúc đó, chạy đến chỗ cây phượng, hếch một chân lên, đái vào cỗ đàn thụ cầm dựa vào thân cây.
Tấn bi kịch đến đây là hết.
- Hoan hô, Babaiantx! - Các ban công reo hò.
- Hoan hô, Ôtenlô! - Các hành lang reo hò.
- Hoan hô Đexđêmôna! - Các bà gào lên.
- Hoan hô Xtenla! Hoan hô Iagô! - Trẻ em reo the thé...
* * *
Trong nhà ăn, đèn vẫn sáng. Ba người nói chuyện khe khẽ, gần như thì thầm, tuồng như sợ làm cho một người thứ tư nào đó thức giấc. Đồng hồ treo tường điểm hai tiếng.
- Nhanh lên một chút, chúng tôi còn phải đến mấy nơi nữa...- Một người đàn ông lên tiếng.
- Ôlya, chị cậy nhờ em... Đưa cháu về Khôni [tên của thành phố Txulukitzê] cho mẹ...
Người đàn bà hai tay run run xếp áo xống vào vali, vẻ cầu khẩn nhìn người đàn bà kia đang khóc trong góc phòng.
- Đừng lo, chị Anikô! - Chị ta khóc nức lên.
- Ngay ngày mai!
- Chẳng cần dặn dò như thế, kanbatônô [cách xưng hô lịch thiệp với phụ nữ]! - Người đàn ông chen vào. - Thì tôi đã bảo rồi mà: người ta chỉ hỏi bà mấy câu về vụ của chồng bà, rồi sẽ để bà về thôi. Bà sửa soạn càng nhanh thì càng chóng được về...
- Chớ nên thế mà phải tội với trời! - Người đàn bà van vỉ - Hãy thương lấy đứa trẻ khốn khổ! - Hai tay người đàn bà run run, chiếc vali không đóng lại được. Người đàn ông giúp một tay, đóng vali lại và đưa cho người đàn bà.
- Nhanh nhanh lên, kanbatônô, sáng rồi!
- Tôi mà anh gọi là kanbatônô à?... Nếu trong anh còn lấy một giọt máu người thì anh đã thương tôi... Anh hãy nói là anh không gặp tôi ở nhà... Tôi sẽ biến mất ngay hôm nay, biệt tăm tích... Giọng nói của người đàn bà rung lên một âm thanh hy vọng yếu ớt, khó nhận thấy.
- Không, không thể được!
- Thế thì thư thư cho một lát để tôi từ biệt con trai tôi, - Người đàn bà cầu xin.
- Từ biệt nhau ba lần rồi còn gì!
Người đàn bà đi về phía phòng ngủ, nhưng người đàn ông vượt lên trước và đứng tựa lưng vào cửa.
- Này thôi đi! Cái gì cũng phải có phép tắc chứ!
- Một lát thôi mà!
- Không!
- Chẳng lẽ anh không có vợ con gì ư?
- Hiện tại không có và sẽ không có, tôi là con người tự do - gã mỉm cười.
- Anh là kẻ nô lệ, chứ không phải người tự do! Một tên nô lệ khốn nạn, thằng ăn mày và đứa đểu cáng, thế đấy! - Người đàn bà nổi giận.
- Ai trong hai ta là kẻ nô lệ và đểu cáng thì rồi sẽ rõ, còn bây giờ thì đi đi, trong lúc tôi còn...- Mặt người đàn ông tái đi.
- Còn làm sao?
- Với những kẻ phản bội tổ quốc thì không có cách nào khác!
- Anh mà cũng nói đến tổ quốc ư? Thằng lưu manh!
- Nhớ lấy những lời ấy nhé!
- Nhớ chứ!
Gã đàn ông nắm lấy khuỷu tay người đàn bà và lôi về phía lối ra.
- Ôlya! - Người đàn bà thét lên.
- Anikô! Chị yêu quý của em!
Một lúc yên lặng. Rồi đột nhiên vang lên tiếng khóc to, nức nở của hai người đàn bà.
- Khổ quá, cái số ta là số ăn mày! Tự dưng bị phái đi làm cái việc này! - Gã đàn ông nghiến răng, - Thôi đi các bà! Rút cuộc thì tôi cũng vẫn là con người thôi! - Một cái gì dâng lên tắc nghẹn trong họng, gã cố nuốt xuống cho xuôi.
* * *
Tiếng sập cửa vang ầm làm đứa trẻ thức giấc. Nó nhổm ngay dậy trên giường và nhìn sang giường mẹ. Giường bỏ không.
- Mẹ ơi! - Đứa trẻ gọi. Không ai trả lời nó. - Mẹ ơi! - Nó lại gọi khe khẽ. Rồi nó đến gần giường mẹ và vén tấm chăn lên. Chăn đệm vẫn còn ấm.
Nỗi sợ dâng lên từ hai bàn chân, qua đầu gối, nhập vào khoang bụng, rồi bó chặt lấy phổi và cuối cùng đọng lại trong hai con ngươi. Chân đi đất, mặc chiếc áo ngủ tráng dài đến gót, đứa trẻ chạy ra cửa và đẩy cửa.
Trong phòng ăn, trên chiếc tăcta [di-văng cứng, có gối đầu, trải thảm] thấp, dì Ôlya ngồi gục đầu vào hai bàn tay. Vai dì run run. Đứa trẻ dừng lại trước dì và hỏi:
- Dì Ôlya! Mẹ cháu đâu?
Người đàn bà không trả lời.
- Dì Ôlya, mẹ cháu đâu? - Đứa trẻ nhắc lại câu hỏi, đưa bàn tay lạnh giá gầy guộc chạm vào vai người đàn bà.
- Batsana ạ, mẹ cháu...- Người đàn bà nghẹn lời.
- Mẹ cháu đi đâu rồi?!
Người đàn bà ôm lấy đứa trẻ, áp đầu nó vào ngực mình và đưa bàn tay bịt miệng nó để khỏi phải nghe câu hỏi ghê rợn ấy. Đứa trẻ im bặt, nhưng nhìn đôi môi mấp máy của nó, chị đoán được nó vẫn nhắc đi nhắc lại câu hỏi ấy.
Đứa trẻ run bắn lên, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng trên người nó. Môi nó tím ngắt đi và không còn mấp máy nữa.
- Trời ơi, thượng đế chí công, chẳng lẽ Người không nhìn thấy ư? Nếu người nhìn thấy thì uy quyền của Người ở đâu?!
Kiệt lực, người đàn bà quỳ xuống trước đứa trẻ...
* * *
- Thằng bé có tật tim và loạn thần kinh chức năng thể cấp...
- Duyên do vì đâu? Tại sao, thưa bác sĩ? - Dì Ôlya ngạc nhiên hỏi.
- Tật tim do hoàn cảnh sống tạo ra... Cháu có bị chấn thương nặng lần nào không?
- Dạ không.
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- Chín tuổi.
- Ờ..ờ... Lạ thật... Rất kỳ lạ...
* * *
Đoàn xe hỏa như con sâu xanh chậm chạp rời khỏi ga Tbixili. Dì Ôlya cởi quần áo cho Batsana, mặc cho nó chiếc áo ngủ dài, cho nó nằm ở tầng ván trên, kê dưới đầu nó chiếc vali lớn bằng da.
- Ngủ đi! - Chị bảo thằng bé và ngồi ở một chỗ phía dưới, cạnh cửa sổ, Batsana quay mặt vào vách toa.
Trong toa xe chật ních, không khí ngột ngạt.
- Này, trước khi ngủ người ta thường nói thế nào? - Người dì nhắc.
- Chúc ngủ ngon! - Thằng bé mỉm cười với hành khách và lại quay vào vách.
- Chà, thằng bé lễ phép quá! - Một hành khách gầy gò tỏ vẻ ngạc nhiên. - Các con tôi thì chỉ biết gọi nhau là đồ chó đẻ, mà lại ngay trước mặt tôi kia chứ!... Nó là thế nào với chị? Con trai chị à?
- Vâng, con trai.
- À, ra thế... Nhưng nó chẳng giống chị chút nào. Chắc là giống bố phải không?
- Vâng.
- Thế chứ... Người ta nói không sai: quả táo rơi không xa gốc táo...
- Này, hạ tấm che xuống. - Tiếng nói oai vệ của người phụ trách toa xe.
- Có chuyện gì vậy? - Dì Ôlya hỏi.
- Zaghex! [nhà máy thủy điện Zêmô - Avtxanxkaia (ở gần Tbilixi)] - Có tiếng đáp.
- Thế thì sao?
- Sợ phá hoại ngầm. - Vẫn tiếng nói ấy giải thích.
- Phá hoại ngầm... Phá hoại ngầm... - Batsana nhắc lại, nửa thức nửa ngủ, - Sáng ra, ta sẽ hỏi dì xem tiếng đó là thế nào...
Liền đó, cơn buồn ngủ làm chú díp mắt lại...
* * *
Ban đêm mẹ đến. Chị thận trọng rút chiếc vali dưới đầu thằng bé và thay vào đó chiếc gối mềm độn lông tơi. Thằng bé cựa quậy. Thường ngày mẹ vẫn hay đặt lại gối cho nó, bởi vậy thậm chí nó không mở mắt ra, mà chỉ quấn chăn cho kín hơn.
- Đặt đầu lên gối đi, con trai bé bỏng của mẹ...- Batsana nghe thấy tiếng thì thầm và cảm thấy bàn tay chạm vào má... Nhưng tại sao bàn tay ram ráp như thế? Tay mẹ mềm mại hơn nhiều... Có lẽ đấy là bố chăng? Đúng, chắc là bố, cố nhiên bố đặt món quà xuống dưới chiếc gối...
- U-u-u...- Xe lửa gào thét.
Batsana ngủ ngon lành. Chú ngủ và mơ một giấc chiêm bao tuyệt diệu... Trong phòng gương của Cung thiếu niên, các cô bé và cậu bé đứng xếp hàng... trắngnhư tuyết... Những chiếc khăn quàng đỏ thắm... Batsana cũng ở trong số đó. Hôm nay là một ngày phi thường: Hôxê Diax và Đôlôrex Ibarruri phát cho các em thiếu niên những chiếc mũ có quả tua: quà tặng của các em thiếu niên nước Cộng hòa Tây Ban Nha... Đôlôrex Ibarruri là một phụ nữ cao lớn, nước da rám nắng, xinh đẹp, bà thay mặt một nam thiếu niên xứ Baxk trao tặng Batsana chiếc mũ chùm.
- Sẵn sàng! - Ibarruri nói.
- Luôn luôn sẵn sàng! - Batsana chào đáp lại.
- Xin chào! - Ibarruri nói, nắm tay giơ cao trên đầu rồi xoa má Batsana và mỉm cười nồng hậu...
* * *
Xe hỏa lao như cơn lốc ra khỏi đường hầm Txipxki, không dừng lại, gào thét vượt qua ga Marêlixki khiến những người đứng túm tụm trên sân ga hoảng sợ chạy dạt cả ra và nó tiếp tục lao đi.
- Cứ thế này thì một giờ nữa ta sẽ đến Xamtrêđya! - hành khách cổ quấn tấm băng bẩn thỉu thốt lên bằng giọng khàn khàn.
- Thế đến Xamtrêđya nó có dừng lại không? - Dì Ôlya lo lắng, hỏi.
- Ở Mơsơkhêta người ta móc thêm vào đoàn xe của chúng ta một toa xe kỳ lạ chở cái gì không rõ, - Người hành khách gầy gò ban nãy đã khen Batsana lễ phép xen vào câu chuyện. - Đứng trên các bậc toa là những quân nhân. Vừa đúng lúc tôi xuống lấy nước, chính mắt tôi nhìn thấy...
Còn đoàn xe vẫn chạy băng băng, vượt qua những ga nhỏ và ga xép.
- Nửa giờ nữa đến Xamtrêđya! Dừng ba phút! - Người phụ trách đi dọc toa xe, gõ chìa khóa vào từng giường.
- Hôm nay toa xe của ông chạy nhanh quá - Người hành khách gầy gò nói với người phụ trách toa, - Có lẽ sẽ phải trả thêm tiền chăng?
- Đến nơi thì hỏi trưởng ga ấy! - Người phụ trách toa xe cằn nhằn.
- Thế trưởng ga sẽ ra đón tôi chứ? - Người hành khách gầy gò hỏi với vẻ ngây thơ giả tạo.
- Nếu chính phủ không quên báo trước cho ông ấy thì cố nhiên ông ấy sẽ ra đón!
- À, về trí nhớ của chính phủ ta thì tôi không có gì phải phàn nàn... Cho đến hôm nay, chính phủ vẫn nhớ tôi đã bỏ phiếu cho ai năm chín trăm linh năm trong cuộc mít tinh ở sân nhà thờ Ilorxkaia...
- Hừ, cái anh chàng này! Có mồm thì cắp có nắp thì đậy và hãy tạ ơn thượng đế là ta vốn nặng tai! - Người phụ trách toa xe mắng ông ta.
Người gầy còm im thít. Xe hỏa tăng tốc độ.
- Kanbatanô, hình như bà xuống Xamtrêđya thì phải? - Người hành khách trẻ tuổi chạm tay vào dì Ôlya đang thiu thiu ngủ.
Dì giật mình, mở mắt.
- Cái gì?
- Tôi bảo là sắp đến Xamtrêđya rồi. Bà xuống chứ?
- Vâng. Dì đứng phắt dậy, đâm bổ đến chỗ Batsana. - Batsana, dậy đi, bé yêu quý! Ta xuống thôi!
Batsana ngồi nhỏm dậy trên giường.
- Nhanh lên, bé yêu quý!
Dì loay hoay với chiếc túi xách. Thằng bé vươn tay về phía đầu giường và sững sờ.
- Dì Ôlya, mẹ cháu đâu?
- Bé hỏi gì kia, Batsana? - Giọng dì Ôlya run lên.
Hành khách ngạc nhiên, hết nhìn thằng bé lại đến người đàn bà mặt tái mét.
Ôlya hiều rằng câu chuyện đêm qua sắp lặp lại. Chị nhanh chóng đặt thằng bé xuống sàn, ôm ghì nó vào ngực và đưa tay bịt miệng nó.
- Các ông cá bà ơi, giúp tôi với!
Xe hỏa dừng lại.
* * *
Người trực ga Xamtrêđya giật chuông ba lần. Khi đoàn xe ở đường tàu số hai chậm chạp chuyển bánh rồi khuất hẳn, người trực ga vẫn đứng sững tại chỗ: trước mặt anh ta, trên sân ga vắng tanh có hai người: một người phụ nữ không có măng tô, tóc buông xõa, mặt nhăn nhó và một thằng bé đi chân đất, mặc chiếc sơ mi trắng dài đến gót. Tay nắm tay, cả hai cùng không nhúc nhích. Người trực ga ngây ra nhìn họ giây lát, rồi như cái máy, giật sợi dây chuông. Trong đêm khuya thanh vắng vang lên tiếng chuông buồn thảm.
Din-na-u...Din-na-u... Din-na-u...
- Ôxxim, - Trưởng ga nói với người giúp việc của mình, - làm ơn bắt tên vô lại kia câm họng đi hộ tôi với! Hắn lại rượu vào rồi mới dẫn xác đến trực ban!
Người đàn bà và đứa trẻ vẫn đứng như thế trên sân ga vắng tanh. Chuông vẫn rền rĩ một điệu buồn thảm như thế.
Din-na-u... Din-na-u... Din-na-u...
--------------
Còn tiếp

(Nodar Dumbadze là một trong số ít nhà văn Xô Viết tôi yêu. Trong tay tôi có hai quyển tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản ở VN, “Quy luật của muôn đời” và “Tôi thấy mặt trời”)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét