Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Gia đình Lily - Eve Garnett (chương 8)

Chương 8: Ông Ruggles bắt được của.

Dù đã có vợ và bẩy đứa con, ông Ruggles vẫn là người rất yêu đời. Khi gió đông thổi về làm bay lung tung rác rưởi trong các thùng rác của ông, vào cả mắt mũi, ông có bực tức thật. Nhưng chỉ một lát thôi. Chỉ cần là ông có việc làm, gia đình ông mạnh khỏe, hạnh phúc, ông có thể hút cái tẩu thuốc của ông và làm vườn, gặp các bạn bè tuần lễ một hai lần ở câu lạc bộ Người Lao Động, mơ tới con heo của ông, giải trí trong những ngày nghỉ, thế là ông chẳng muốn gì hơn.
Ông Ruggles luôn luôn sử dụng những ngày nghỉ hợp lý. Vào tháng Tám ông có thể làm thêm những việc phụ kiếm được, rồi đưa cả gia đình ra biển cách nhà sáu dặm chơi suốt một ngày. Họ thường ra đi vào lúc tám giờ, trên chuyến xe bus đầu tiên. Mỗi người trong gia đình mang một thứ: người thì mang phích nước, người thì mang túi bánh sữa, và bà Ruggles bế đứa con bé nhất đi đoạn hậu.
Nếu trời đẹp thì họ hưởng một ngày tuyệt diệu. Đầu tiên họ đi bộ dọc bờ biển. Cả nhà ngồi thành một hàng ăn pate lợn và chuối.
Sau bữa trưa, họ bỏ ra vài penny xem những phim trong máy tự động: những trận đá banh, đấu bốc, khúc côn cầu hoặc những cuốn phim như “Ngôi nhà cháy” v.v.
Những lần xem này được mọi người ưa thích và ông Ruggles luôn luôn phải bỏ ra tới ba penny trả tiền. Còn Rosie thì cứ nói rằng, cái đó hoàn toàn không phải để trẻ con xem. Xem xong, họ thường bơi lội một lúc, cái đó thì bà Ruggles thích hơn ai hết. Bà bảo:
- Ngày nào tay tôi cũng ngâm nước rồi, bây giờ phải cho chân tôi ngâm nước chứ.
Sau khi bơi là đến bữa trà. Bữa trà là giây phút tuyệt diệu trong ngày. Gia đình Ruggles thường đi uống chung với vài người bạn.
Có rất nhiều chỗ bán nước trà và có nhiều loại trà. Nhưng gia đình Ruggles biết chỗ nào họ nên vào. Họ cẩn thận quan sát bên trong quán, nếu thấy có yêt thị là không bán nước trà cho những người có đem theo thức ăn riêng là họ tiếp tục đi. Vì họ luôn luôn mang theo bánh mì, bơ, và đôi khi cả trà nữa để tiết kiệm tiền. Họ nghĩ là, tốt hơn nên để tiền tiêu vào các việc khác ở ngoài bờ biển.
Phần lớn các tiệm trà có những cái tên như: “Nhà dễ thương”, “Trang trại cổ” v.v… Nhưng gia đình Ruggles ưa nhất là quán “Nước trà như mẹ pha”. Ở đây người ta có thể ăn bánh mì và bơ mang theo. Bà mẹ - một bà già to lớn - phục vụ họ tốt hơn tất cả những chỗ khác trong thành phố này. Ông Ruggles nghĩ như vậy.
Ngay cả một ngày nghỉ mưa gió cũng có thể sử dụng  rất thú vị ở Braitơoen. Vì họ có thể nghỉ ở một chỗ nào đó có mái che và đôi khi kết thúc bằng một chầu xem phim.
Đôi khi ông Ruggles thuê một xe hơi cũ để họ đi về nông thôn chơi cả một ngày. Nhưng sau đó bà Rosie cho thế là chán.
Mong muốn lớn nhất của ông Ruggles là một ngày nào đó sẽ đưa cả gia đình về London, đi thăm quảng trường Karl Horse trong công viên Regent. Ông Charlie - anh ruột ông - cũng làm cùng một nghề như ông, luôn luôn viết thư mời ông đem gia đình lên chơi. Cỗ xe ngựa chở rác của ông Charlie đã được nhiều giải trong các cuộc thi triển lãm xe ngựa, xe bò. Ông viết là trông nó rất đẹp, chắc Jo và Rosie sẽ thích. Có chỗ cho ít nhất là hai mươi người trong chiếc xe ngựa của ông và lũ trẻ tha hồ vui chơi. Nhưng, lạy chúa, ông Ruggles chưa bao giờ để dành được đủ tiền - ngay cả làm thêm nữa - để đi chơi London.
Hàng năm ông anh đều viết thư cho họ và mỗi năm Jo lại phải viết trả lời: “Sợ năm nay chưa đi được, có lẽ phải sang năm”.
Cuối cùng ông Charlie viết thư nói rằng, nếu ông giành được giải nhất năm nay - ông rất hy vọng giật giải nhất - ông sẽ gửi cho ông em ít nhiều để có thêm tiền mua vé tàu. Nhưng không may, con ngựa của ông bị gãy chân hai ngày trước cuộc thi và Charlie chỉ được giải nhì. Tất cả những hy vọng chờ đến ngày lễ Whitsun lại biến thành mây khói. Ông Ruggles thông thường khi gặp khó khăn về kinh tế, thì lại quay về nghĩ tới vấn đề nuôi heo. Nếu ông mua ngay bây giờ một con heo và nuôi cho béo thì ông nghĩ có thể bán được đúng vào dịp lễ Whitsun năm tới. Cả nhà sẽ có tiền đi chơi London. Trong mấy ngày ông đã suy nghĩ về việc này và cuối cùng đem nói với vợ.
Bà kêu lên:
- Thực thế ư, ông Jo Ruggles. Hãy suy nghĩ thêm một tí đi. Không phải chỉ có tiền mua lợn mà còn phải có tiền nuôi nó nữa.
Jo nói:
- Thế thì sao? Chúng ta có đủ tiền nuôi và có thiếu thì ông hàng xóm Hook vui lòng cho chúng ta mượn số tiền để dành của ông. Ông ta chả luôn luôn bảo thế là gì!
- Thế ông có nghĩ là nuôi được bao lâu thì bà Smith và ông Thanh tr Vệ sinh đến thăm ông không? Chỉ hai ngày thôi là tôi sẽ bảo cho bà ấy biết ngay. Được, tôi không có trách nhiệm gì cả. Nếu ông thích heo thì ông thuê lấy một nơi rộng hơn mà nuôi nó, nhốt nó.
Ông Ruggles nghĩ : “Mua một con lợn lại thuê một chỗ rộng hơn để nhốt nó, thế thì tốn tiền quá. Lúc này mà ông làm cả một lúc hai việc đó thì sau này dù có bán được con lợn giá hời cũng không còn dư tiền để lấy vé đi London, mà nếu không bán được giá hời thì biết trông nợ vào đâu đây”.
Ông tự nhủ:
- Được, ta hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra cách kiếm tiền. Hoặc sẽ có một việc gì đó làm thay đổi tình trạng này.
“Việc gì đó làm thay đổi tình trạng này” đã đến sớm hơn ông Ruggles mong đợi, nhưng lại theo một cách mà ông không mong đợi nhất.
* * *
Sau đó chưa được một tuần lễ, một buổi sáng ông Jo đi lấy rác cùng với bạn là ông Berg. Họ thường thay tua nhau: một người dắt ngựa, một người vào lấy thùng rác. Không phải là con ngựa già màu xám cần phải dắt mà đúng hơn là vì các thùng rác nặng, vác ra mệt nên cần phải có thời gian đứng nghỉ một lúc.
Hôm đó đến lượt ông Ruggles đi lấy rác. Ông gõ cổng bên nhà số 9 Đại lộ Uýttêriơ. Ngôi nhà này không biết vì lý do gì luôn luôn khóa chặt nên ông không thể nhìn thấy gì bên trong ngoài ông chủ nhà, một nhà văn có tác phong riêng của ông ta. Cứ ngày thứ ba hàng tuần là hiện tượng này lại diễn ra. Sau năm sáu tiếng gõ cửa của ông Jo, ông nhà văn xuất hiện ở cửa sổ trên lầu (vẫn còn mặc quần áo ngủ, mặc dù đã quá mười một giờ), ném xuống cái chìa khóa và nói: “Khi nào làm xong thì gọi nhé”. Ông Ruggles làm xong, ném cái chìa khóa lên, ông nhà văn bắt lấy, nói “cám ơn” rồi đóng cửa sổ lại. Nhà số 9, công việc ở đây nhanh thôi, các thùng rác bao giờ cũng nhẹ, chỉ toàn hộp sắt tây và giấy. Chưa từng có cái gì hơn ở đây. Ở một vài nhà họ kiếm được vài thứ khá hơn - những đôi giày cũ, những cái tem nước ngoài trên các bức thư cũ, (ông Berg thu nhặt cho con ông), những tờ báo ảnh, nhiều chai rỗng, và có một lần có cả một chai bia đầy nữa, một chai bia to chưa mở. Có lẽ họ đã vứt lầm và Jo không thể tưởng tượng được sao nó lại không vỡ.
Họ đã ngồi bên nhau thưởng thức thú vị chai bia ấy, ngay cạnh bãi đổ rác ngoài thành phố, lần lượt tu từng ngụm lớn. Sau đó ông Berg cứ luôn hy vọng còn tìm được thứ gì hay ho nữa, nhưng ông Ruggles thì kém lạc quan hơn. Ông đã làm nghề này lâu hơn ông Berg và cho đến nay thì chai bia là vật quý nhất ông đã gặp. Nhưng mấy ai đã biết là như vậy.
Khi ở nhà số 9 đi ra, ông bảo ông Berg:
- Cuộc sống dễ dàng quá. Chỉ viết rồi ngủ đến tận quá mười một giờ.
Ông Berg đáp:
- Ông Ruggles ơi, không ra tiền đâu, không ra tiền đâu! Thời buổi này có quá nhiều sách rồi! Hãy nhìn xem, riêng trong tỉnh này đã có hàng trăm thư viện, chưa kể đến các hiệu sách nữa. Hãy nhìn các hộp sắt tây trong cái rổ rác của chúng ta, đủ cho một gia đình mười người! Ông hãy tin vào lời tôi, ông Ruggles ơi! Khi một người mà ăn đến chừng này đồ hộp thì công việc của y chẳng trôi chẩy đâu!
Làm xong ở Đại lộ Uýttêriơ - con đường cuối cùng trong một tua của họ - họ đem rác ra đổ ở bãi rác ngoài thành phố. Hôm đó là một ngày nóng trong năm, khi họ tới bãi rác thì ông Berg nhớ ngay đến chai bia đã có lần họ nhặt được.
Ông nói:
- Không bao giờ còn tìm được một chai nữa, Jo nhỉ!
- Tôi sợ rằng như thế đấy.
Ông Ruggles vừa trả lới vừa rút tấm ván sau xe ngựa để đổ rác ra. Họ luôn luôn đổ rác ra rồi lấy gậy chọc để tìm “dịp may”. Họ làm việc trong im lặng, được một lát thì ông Ruggles gọi:
- Berg ơi! Cho anh mấy con tem này.
Rồi ông cúi xuống nhặt lên một cái thư. Ông Berg đứng thẳng lên nói:
- Đưa đây xem nào ông bạn. Nếu chúng ta không tìm được bia thì cũng được vài con tem.
Nhưng ông Ruggles không đưa cái thư cho ông Berg mà lại bắt đầu xem xét. Ló ra ngoài bì thư là một tờ giấy bạc. Ông lôi tờ giấy bạc ra, đưa ra chỗ sáng nhìn dường như không tin vào mắt mình nữa.
Ông Berg hỏi một cách mỉa mai:
- Gì đấy Ruggles, tìm được một tờ năm bảng chắc?
Jo đáp:
- Đúng, tôi tìm thấy sáu tờ.
Ông nhìn vào trong bức thư rồi nhỏ nhẹ nói thêm:
- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, mười một tờ.
Ông Berg vứt gậy xuống, tới chỗ ông Ruggles đứng, nói:
- Anh đang đùa tôi đấy phỏng. Đấy không phải là tiền thật.
Jo nói:
- Này, theo tôi thì đúng là tiền thật đấy. Nhưng có thể là anh đúng. Bắt được một lúc quá nhiều tiền như thế này thì khó mà tin là thực được.
Ông Berg nhìn tập tiền nói:
- Coi bộ chắc là tiền thật. Thế là anh đang nghĩ đến một con tem cũ thì lại tìm được chỗ tiền này. Còn tôi thì vừa mới nói rằng chai bia là vật đầu tiên và cuối cùng mà ta bắt được.
Ông Ruggles cười, nói:
- Và anh đã hỏi mỉa, có phải tôi tìm thấy một tờ năm bảng phải không? Sao, thế mà đây có những bốn mươi mốt bảng. Nhưng thật không tốt!
Một lát sau ông buồn bã nói:
- Chúng ta không thể giữ lại số tiền này. Một kẻ khờ dại giầu có nào đó đã đánh mất nó và chắc đang kêu la ầm ĩ lên đấy. Anh sẽ thấy cho mà xem. Đến trình công an thôi, Berg ạ.
Ông Berg hỏi:
- Coi bộ đáng ngạc nhiên nếu nghĩ rằng anh đã nhặt được ngần ấy tiền mà lại đem trả lại cả. Anh có thể giữ lại một hoặc hai tờ trong số đó chứ. Anh nghĩ sao?
Ông Ruggles đáp:
- Tôi không nghĩ rằng tôi có thể giữ lại. Làm như thế là bước đầu không tốt rồi. Vả lại, người mất tiền khi nhận được tiền ta trả lại, sẽ biết ngay là thiếu, thế thì thật là không hay.
Ông buồn rầu nói thêm:
- Có lẽ họ sẽ biểu dương cả hai chúng ta đấy, phải thế không?
Rồi ông nghĩ đến con heo, quảng trường Karl Horse và số tiền mua vé đi London. Bây giờ ông đang cầm trong tay số tiền đủ mua được hai trăm cái vé tàu.
Ông Berg nói:
- Này, Ruggles, anh không bao giờ nghĩ đến việc chia số tiền đó à?
Jo trả lời:
- Ồ, tất nhiên là có, Berg ạ! Chúng ta vẫn luôn luôn chia nhau các thứ chúng ta tìm được, phải thế không?
Ông Berg đáp:
- Phải, đúng thế. Nhưng lần này coi bộ có cái gì khang khác ấy.
Ông Ruggles nói:
- Chắc chắn là có hể nói như vậy được, bởi vì chẳng có gì để mà chia cả, nếu như họ không cho chúng ta chút ít. Tôi không mong đợi gì điều đó. Nếu có được đền ơn, chắc cũng chỉ một món tiền nhỏ đủ để uống một ly bia thôi. Mới hôm kia, tôi đọc báo, thấy một người lái taxi nhặt được trong xe của mình một chuỗi hạt ngọc trị giá hàng nghìn. Ông ta trả lại và được đền ơn năm shillings, Người đàn bà có chuỗi ngọc ấy đã nói rằng: ông ta chỉ làm đuungs nhiệm vụ của mình! Bà ta nói đúng quá! Đừng trông mong gì cả thì hơn, Berg ạ.
(đơn vị tiền tệ Anh quốc trước 1971. 1 bảng (pound) = 20 shilling; 1 shilling = 12 penny)
Ông Berg nói:
- Tôi không trông mong, nhưng tôi không thể không hy vọng. Tôi tự hỏi, không biết ai là kẻ khờ dại lại đi ném cả món tiền to như thế này đi.
Ông đọc trên bì thư: “Xoóctơ - 9 Đại lộ Uýttêriơ”.
- Xoóctơ, đúng thế, bây giờ thì gã đúng là Xoóc và te tua thật - số 9 Đại lộ Uýttêriơ. Này Jo Ruggles! Tôi chắc như một với một bằng hai, số tiền ấy là của ông nhà văn có những cái hộp sắt tây đấy. Ông ta chả ở nhà số 9 là gì.
Ông Ruggles nói:
- Đúng thế thật! Phred Berg ơi! Điều đó nói lên rằng, những cái hộp rỗng không phải luôn có nghĩa là túi cũng rông đâu!
* * *
Ông Ruggles hôm ấy về nhà ăn bữa trưa chậm. Trông ông như người bệnh. Vợ ông đang sung sướng vì sáng nay người ta nói cho bà biết Peg và William được khen. Đúng, quả thật chúng được khen.
Khi ông vừa về đến nhà, bà hỏi ngay:
- Cái gì thế, anh thân yêu? Anh có điều gì phiền muộn thế? Hôm nay anh về muộn quá. Em đã để phần anh bữa cơm nóng và dành cho anh một thứ rất ngon cơ, một miếng pho mát mà anh rất thích.
Ông Ruggles ngồi phịch xuống ghế, nói:
- Nó làm tôi mất cả hứng ăn.
Rosie hỏi:
- Cái gì làm, mùi pho mát ấy à?
Ông Ruggles nói tiếp:
- Tôi rất phiền lòng. Dĩ nhiên không có gì lạ khi tôi mất cả hứng ăn, hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Bà Ruggles hỏi:
- Anh nói gì đấy? Ai hoặc cái gì làm anh mất cả hứng ăn - Lại một con mèo chết à? (Chả là đôi khi ông Ruggles nhìn thấy những vật như thế, hoặc cái mà ông không thích gặp là những con mèo con chết trong thùng rác của ông).
Cuối cùng ông nói:
- Rosie, tôi vừa mới từ đồn công an về.
- Việc gì thế, một tai nạn trên đường phố à?
Jo vẫn im, không trả lời. Rosie kêu lên:
- Jo! Có việc gì đã xảy ra cho một người quen của chúng ta hay sao?
Ông Ruggles nói:
- Không! Rosie! Đây không phải là tai nạn!
- Nào, dù là cái gì đi nữa thì vì Chúa, xin hãy nói ra ngay đi, hay là để cho bữa tối của anh nguội ngắt nguội ngơ đi.
Câu “nói ra đi” làm cho ông Ruggles cuối cùng kể hết cả câu chuyện bất ngờ ông gặp sáng nay.
Rosie lắng nghe hết sức chăm chú. Lũ trẻ cũng chậm đi học buổi chiều, đứng hoặc ngồi chung quanh nghe, miệng há hốc, mắt tròn xoe.
Liếc nhìn xung quanh, Rosie nói:
- Đi học đi!
Không một đứa nào động đậy. Bà Ruggles đang thích thú nghe câu chuyện của chồng nên cũng không để ý.
Ông Ruggles kể tiếp:
- Chúng tôi đến đồn công an xin gặp một người công an. Em có biết anh gặp ai không? Này, chính là ông John Simon. Rosie! Em có nhớ ông ta không? Cái ông ngồi cạnh chúng ta ở rạp chiếu bóng cùng vợ và các con trong ngày nghỉ lễ Giáng Sinh lần trước ấy mà.
Rosie gật đầu, nói:
- Tiếp đi, tiếp đi!
Ông Ruggles nói tiếp:
- Thế rồi, chúng tôi đã nói với ông ta rằng chúng tôi đã nhặt được cái gì và đoán nó là của ai. Ông ta nói rằng, ông hy vọng cả hai chúng tôi sẽ được đền ơn một cái gì đó. Nhưng chúng tôi thì không trông đợi điều đó. Rồi thời gian sẽ trả lời cho biết.
Ông nói tiếp một cách mộc mạc:
- Chúng tôi ra về. Nhưng Rosie ạ! Điều này làm tôi choáng váng. Bắt được món tiền to như thế mà không thể nào lấy được một đồng để tiêu, trong khi đó thì rất cần tiền để mua vé, ấy là chưa nói đến chuyện mua một con heo.
Bà Ruggles rất thông cảm. Bà gọi Lily Rose, bảo con:
-Đem cho ba nửa lít bia. Những đứa khác đi học, mau!
Lily Rose mang bia đến cho bố rồi đi ra. Những đứa khác còn ở lại. Kate hỏi bố:
- Ba không thể giữ lại được một pound à, ba?
Rosie kêu lên:
- Các con có đi không nào? Các con không thấy là ba đang buồn à?
Lũ trẻ nhà Ruggles tản đi như những con thỏ.
Bà Ruggles nói:
- Anh thân yêu, bây giờ hãy ăn trưa đi đã!
* * *
Sau ba ngày ông Ruggles không nghe thấy nói gì thêm về vụ bắt được của rơi của ông. Cả gia đình chờ đợi xem ba có được đền ơn không. Nếu được đền ơn thì số tiền thưởng sẽ đủ mua một cốc bia thôi hay đủ mua vé cho cả nhà đi London hoặc như Kate nghĩ: “Chỉ đủ mua vé cho măng và Ba đi thôi, chẳng đủ cho tất cả chúng ta đâu”. Nhưng vẫn chưa thấy gì hơn. Hoàn toàn chưa thấy nói gì đến chuyện đền ơn.
* * *
Cùng lúc đó tại nhà số 9 Đại lộ Uýttêriơ, ông nhà văn Xoóctơ đã được đồn công an trả lại cho số tiền đã mất, đang ngồi suy nghĩ, hút hết điếu thuốc lá này đến điếu thuốc lá khác.
Ông đã trải qua hai ngày lo phiền khi mất số tiền và chân thành biết ơn khi được trả lại số tiền ấy. Nó không phải của ông mà của một người bạn già làm thủy thủ đã để dành trong nhiều năm gửi về nhờ ông gửi vào Ngân Hàng London giúp. Ông Xoóctơ không biết làm sao họ lại nhặt được trong thúng rác, chắc là ông đã ném nhầm nó vào đó thay vì ném cái thư từ Thụy Điển gửi đến cùng ngày hôm đó. Chà, thật là cảm ơn Thượng Đế, bây giờ thì số tiền đó đã nằm an toàn ở bưu điện London rồi. Vấn đề bây giờ là phải trả ơn cho người phu hốt rác đã nhặt được nó. Nghĩ đến đó, ông lại thở dài sườn sượt. Ông nghĩ là phải đền ơn con người lương thiện ấy ngay lập tức. Ông muốn tới ngay nhà ông Ruggles, nói cho tất cả mọi người biết hành vi cao quý của ông ta, dúi vào tay ông ta một tờ năm pao, ép ông phải nhận và hứa kết bạn với ông suốt đời. Nhưng đó là ý muốn mà thực tế thì… ông lại thở dài. Ông có thể đi đến nhà người phu hốt rác này, nói cho ông ta biết sự thật - nói cho người lao động chân tay đã có vợ (và hình như có mười đứa con, ông công an đã nói với ông như vậy) này biết rằng ông chỉ là một người chưa có vợ con, sống trong một ngôi nhà ở Đại lộ Uýttêriơ, không thiếu thốn lắm, nhưng lúc này chỉ còn có 10 shilling thôi. Ông lại nghĩ, thế thì thật vô ích. Mặt khác, ông không muốn làm cho một người lương thiện như ông Ruggles nghĩ rằng ông ta đã làm một việc tốt như thế mà lại không được đền ơn. Có thể vì vậy mà từ nay trở đi ông sẽ không bao giờ còn muốn trả lại những món tiền bắt được nữa. Không, chỉ còn mỗi một cách là ông phải viết ngay một cái thư cảm ơn ông Ruggles và giải thích cho ông biết mình đang mắc công chuyện nên chưa thể ghé thăm ông ngay được, nhưng hy vọng là tuần tơisẽ đến. Lúc đó - nếu không phải là sớm hơn - nhà văn sẽ có tiền, ông có thể tặng ông Ruggles, chẳng phải chỉ năm pound mà còn có thêm cái gì nữa đặt vào tay ông Ruggles. Ông lấy bút ra viết ngay một bức thư ngắn gửi đi. Viết thư xong ông lại thở dài. Ông đã làm xong nhiệm vụ và có thể nghỉ ngơi: hút thuốc lá, đọc báo và nghỉ. Ông ngồi xuống, nhưng chưa đươc một giây đã đứng bật dậy, vứt tờ báo xuống, nhìn đồng hồ, rồi lấy mũ đội, vội vã ra khỏi nhà đi về hướng Phố Cao, vừa đi vừa châm một điếu thuốc lá.
Cũng buổi chiều hôm đó, khoảng năm giờ, có tiếng gõ cửa nhà sô 1 Phố Cụt. Bà Ruggles ra mở cửa. Đứng trên bậc cửa là một người đàn ông nhỏ bé, vác cái gì trông như cái hộp trên vai.
Ông ta hỏi: “Bà Ruggles phải không?”, rồi không đợi trả lời, đưa cho bà tấm danh thiếp in hàng chữ: “Ông Uôntơ Uynkin - Nhà Báo”. (Walter Wilkins ?)
Ông kính cẩn ngả mũ cúi chào Rosie và nói tiếp:
- Tôi là phóng viên Nhật báo Otwell. Tôi đã được nghe những tin tức rất hấp dẫn về chồng bà, thưa bà. Ông nhà văn Xoóctơ (Sorter ?) đã ghé tòa báo chúng tôi sáng nay kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ông ta được trả lại tiền. Chúng tôi muốn kể lại trên tờ Nhật báo số ra ngày mai câu chuyện này. Chúng tôi rất muốn như vậy! Ông Ruggles không có nhà ư?
Ông ta đi qua mặt Rosie vào trong bếp, nhìn khắp xung quanh. Rosie cảm thấy hơi khó chịu, đáp:
- Không, nhưng sẽ về ngay đấy! (Đi bộ gì mà chậm thế! Được, dù thế nào thì ông nhà văn của Jo - ông Xoóctơ (Sorter ?) - vẫn còn sống, đã nhận lại đủ tiền. Đáng tiếc là ông ta không tới thăm!)
Ông Uynkin ngạc nhiên khi thấy hết đứa trẻ này đến đứa trẻ khác về, nhìn ngó ông.
- Chao ôi! Một gia đình lớn quá! Sáu, bảy, tám… bao nhiều cháu?
Rosie tự hào nói:
- Bảy.
- Bảy cháu! A ha ha. Ồ, chúng toi sẽ có một cột về vấn đề này bà Ruggles ạ, một cột!
Rosie nghĩ bụng, không biết ông này có tỉnh táo không mà cứ nói những cột với kèo. Bà mong Jo già về ngay để xem ông ta nói gì nữa.
- Nào, bà Ruggles, chụp một tấm ảnh cho cả nhà chứ, một gia đình hạnh phúc - bà, chồng bà và tất cả các cháu - để đăng báo.
Ông đặt cái hộp của ông lên bàn, phủi hai tay vào nhau, mỉm cười dường như muốn nói rằng, ở đời không gì sướng hơn là được ông Uôntơ Uynkin chụp ảnh đăng lên Nhật báo Otwell.
Rosie kêu lên:
- Chụp ảnh! Ông định chụp thật à? Cứ mặc quần áo làm việc thế này mà chụp à?
Ông Uynkin hình như luôn luôn cứ phải nhắc lại những điều ông đã nói đến hai ba lần:
- Cứ y như thế thôi, bà Ruggles ạ, cứ y như thế thôi.
Rosie nghĩ, may mắn là lũ trẻ đang mặc quần áo đi học, đủ sạch sẽ rồi, nhưng còn bà và Jo…
Đây, cám ơn Chúa, Jo đã về!
Ông nhà báo kêu lên:
- Xin chào ông Ruggles. Tôi là phóng viên Nhật báo Otwell, tôi đã được nghe việc “bắt được tiền” của ông. Ông nhà văn Xoóctơ, ông biết đấy, đã kể lại.
Ông ta kêu lên: “Ông vào đi chứ”, khi thấy ông Ruggles cứ đứng ngoài ngưỡng cửa.
Ông Ruggles chậm chạp đi vào. Cuối cùng phần thưởng là như thế này đây. Cái ông nhà báo hình như cứ coi đây là nhà mình, mời ông Ruggles vào bếp.
Khi Jo già đóng cửa lại, nhà báo bắt đầu nói:
- Bây giờ, thưa ông Ruggles. Tôi nghĩ rằng vài shilling không phải là vô ích và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể kể lại đầy đủ câu chuyện của ông, thật đầy đủ. Bây giờ tôi muốn ông…
Nhà báo rút ra một cuốn sổ, nói tiếp:
- …Kể lại cho tôi, bằng lời lẽ của ông, thật chính xác, ông đã bắt được số tiền này như thế nào. Xin ông chớ vội vàng, ông Ruggles ạ, xin ông chớ vội vàng.
Nhà báo kéo ghế cho ông Ruggles ngồi. Ông Ruggles ngồi xuống, đưa mắt nhìn Rosie cầu cứu.
Bà kêu lên:
- Jo! Nói ra đi!
Nhưng ông Ruggles ngượng ngập. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng bắt đầu kể lại những điều bất ngờ ông gặp.
Khi ông kể xong, nhà báo Uynkin gấp cuốn sổ nhỏ lại, coi bộ rất vui vẻ kêu lên:
- Ông là người sinh ra để kể chuyện, ông Ruggles ạ, một người kể chuyện rất hay. Bây giờ đến chụp ảnh! Đáng tiếc là thiếu ông bạn Berg của ông. Không có thời gian, thôi, khỏi phiền, ông ấy sẽ chụp sau. Có lẽ phải ra ngoài chụp.
Ông Uynkin hướng dẫn mọi người:
- Nào, bây giờ các vị phải ngồi chỗ khung cửa ấy. Ông Ruggles hãy hút cái tẩu của ông - ông có hút tẩu không? - Tất nhiên! Còn bà Ruggles, mời bà đứng ngay cạnh ông. Đấy, như thế và bế cháu bé nữa. Cô bé này thì ra đây (ông để Peg đứng lên trước). Cô con gái lớn đứng chỗ này. Bây giờ, để tôi xem, còn bốn người nữa. Hai anh em sinh đôi đâu? Tôi phải ghi lại điều này mới được!
Ông rút sổ tay ra, ghi lại vài dòng. Ông gập sổ lại, nói tiếp:
- Các cháu thân yêu, bốn cháu ngồi trên bậc cửa này. Được rồi, chờ một phút để tôi mang máy ảnh tới nhé. Đừng động đậy nhé.
Ông ta chạy vào nhà lôi cái hộp bí ẩn để trên bàn trong bếp ra.
Rosie nghĩ, không biết hàng xóm láng giềng sẽ nghĩ gì về nhà mình. Kìa, bà Smith đã ra đứng ở cửa nhà bà ta, hai cái đầu đang ló ra ở cửa sổ nhà đối diện! Đúng lúc đó thì ông Uynkin đã chuẩn bị xong máy ảnh, đang sửa lại chỗ đứng cho gia đình Ruggles.
Đến nửa Phố Cụt ra xem. Cái gì ở nhà số 1 thế nhỉ? Nhà Jo Ruggles đang được chụp ảnh. Ghê chưa!
Ông Wilkins kêu lên:
- Bây giờ nhìn cả vào tôi một phút nhé!
Ông quay ra nói với đám người đến xem:
- Xin giữ trật tự nhé. Xin các vị lùi xuống cho một chút. Nào, một, hai, ba...
Vừa lúc ấy bà Smith lại nhoi lên trước đám đông.
- Kìa, xin bà lùi xuống. Cảm ơn. Nào…
Một tia chớp lóe lên. Rosie suýt đánh rơi cả William. Ông Jo suýt đánh rơi tẩu. Tất cả mọi người đều nhắm tịt mắt lại.
Ông Uynkin kêu lên:
- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!
Ông bắt đầu thu xếp đồ nghề của mình. Ông nghiêng mình trước Rosie nói:
- Xin chào ông Ruggles, xin chào bà.
Trước khi mọi người trong gia đình Ruggles kịp tản ra thì ông nhà báo đã lách qua đám đông, đi biến mất.
Cuối cùng họ cũng mời được đám láng giềng đi khỏi và vào nhà yên ổn. Rosie đặt ấm nước lên lò, nói:
- Chúng ta hãy uống trà. Đừng buồn nữa, ông già ơi! Một điều chắc chắn là, ông nhà văn của anh vẫn còn sống, mà tục ngữ có câu: “Ở đâu có cuộc sống, ở đấy còn hy vọng”.
* * *
Hôm sau, người ta có thể thấy ở khắp các sạp bán báo ở Otwell tờ Nhật báo Otwell, có đăng những hàng tít: “Điều may mắn của một nhà văn nổi tiếng” và “Của bắt được hấp dẫn”.
Người bưu tá ít khi đến làm phiền nhà Ruggles hôm ấy cũng ghé vào nhà sô 1 Phố Cụt đưa cho ông Ruggles một tờ Nhật báo Otwell của ông chủ bút gửi biếu kèm theo những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Lại còn hai bức thư nữa gửi ông Ruggles. Rosie mở tờ báo ra. Chao ôi! Tất cả gia đình họ trên tấm ảnh của tờ báo, trông hơi có vẻ sợ sệt, nhưng rất tự nhiên, y như lúc thường. Không thể nào còn mong đẹp hơn được nữa! Dưới tấm hình là dòng chữ: “Ông Ruggles cùng vợ và các con. Xem trang 5”.
Bên dưới là cái đầu và đôi vai rộng của ông Berg, bạn ông Ruggles. Dưới hình ông là dòng chữ: “Người bạn của ông Ruggles - ông Berg. Con ông chơi tem”.
Kate hỏi:
- Cái gì ở góc này thế, bên cạnh ngón tay Măng ấy!
Bà Ruggles nhìn kỹ hơn. Đúng - không thể là - đúng - đúng là một mẩu ảnh nhỏ của bà Smith - Cái mũi to tướng của bà ta ở trên tấm ảnh của họ!
Ông Ruggles đang bận đọc bức thư, nói:
- Nghe này, Rosie. Coi bộ cái công việc văn chương này cũng đáng giá đấy. Đây là năm shilling gửi cho tôi vì hôm qua đã ngồi ghế kể lại chuyện mình cho nhà báo nghe.
Bà Ruggles reo ngay lên vui sướng.
Ông Ruggles nói:
- Chờ một tí đã nào. Đây là cái thơ của chính ông nhà văn gửi cho tôi, cảm ơn tấm lòng lương thiện của tôi và nói rằng ông quá bận nên chưa ghé vào thăm nhà mình ngay được, nhưng ông hy vọng tuần tới sẽ đến. Chắc đâu ông ta đến lại không mang theo cái gì nữa. Rosie, đừng làm ầm lên.
Lũ trẻ bắt đầu nhảy cỡn lên, hò reo. Ông nói thêm:
- Ông nhà văn có thể đến bằng xe buýt, lại quên hết mọi điều và có thể lại vứt hết cả số tiền của ông ta đi vào tuần sau. Em hãy đừng than van vội, hãy chờ ông ta đến đã. Hãy ngậm miệng lại nếu không thì sẽ lắm chuyện đấy.
Rosie lật trang 5 tờ báo ra xem, kêu lên:
- Nhìn này, Jo! Anh chưa nói tất cả những điều này!
Dưới đầu đề: “Lòng trung thực của một con người - Tiền bạc trong thùng rác”, bài báo này không chỉ nói đến những chuyện bất ngờ bên bãi rác mà còn nói đến những nhận xét của ông về thời tiết, về tình hình chính trị, về các gia đình lớn, về sự ưu việt của Otwell trên tất cả các tỉnh khác và về nhiều vấn đề khác!
Cũng có nhiều điều viết trong bài “Ông Xoóctơ - Nhà văn nổi tiếng”, nói về các kế hoạch của ông và một bảng kê các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Ông Ruggles đã đọc kỹ cả bài này.
Khi xem hết, ông nói:
- Rosie, tôi thấy hình như trong thành phố này có nhiều người có đầu óc lắm!
Trước khi bà Ruggles có thể nghĩ ra được câu trả lời thích hợp thì ông đút tờ báo vào túi rồi đi làm.
* * *
Thứ Ba tuần sau, theo thường lệ, ông Ruggles và ông Berg lại gọi cửa ngôi nhà số 9 Đại lộ Uýttêriơ. Thực sự lần lấy rác cuối cùng mới các đây có một tuần lễ thôi, chứ có lâu la gì đâu! Ông Ruggles không muốn vào. Ông bảo lần này đến lượt ông giữ ngựa. Vì thế ông Berg đến gõ cửa. Như thường lệ nhà văn xuất hiện ở cửa sổ. Nhưng thay vì ném chìa khóa xuống, ông nói là sẽ xuống ngay. Chỉ mấy phút sau ông đã xuất hiện trong cái áo khoác choàng ra ngoài bộ quần áo ngủ, mỗi tay cầm một chai bia! (Cảm ơn Chúa, tiền hôm nay đã tới. Nhà văn hoàn toàn quên mất buổi lấy rác hàng tuần này. Quả thực là, trông làm sao được nếu nhà văn giải thích là không có tiền trong nhà).
Ông Berg và ông Ruggles được mời vào nhà. Trong khi họ uống bia thì nhà văn tự pha trà cho mình và một hộp cá Sardine. Ông giải thích: “Bữa sáng của tôi”. Ông Berg thật khó giữ không nhìn vào mắt ông Ruggles.
Thật là một bữa ăn dễ chịu! Ông Xoóctơ rất thích những con người đang gặp và hôm nayoong lại đang rất vui nữa. Uống xong chai bia, ông Ruggles ngà ngà, cảm thấy tự nhiên như ở nhà. Chẳng bao lâu, ông Xoóctơ đã được nghe kể về ông Charlie Ruggles, quảng trường Karl - Horse và những dự định nuôi một con heo của ông Ruggles.
Cuối cùng, ông Berg lưu ý rằng còn phải đi làm tiếp. Ông Xoóctơ  mở cửa trước ra, ấn vào tay ông Ruggles một cái gì đó và nói: “Để lấy tiền đi London, chúc ông may mắn!”.
Ông Ruggles thì hầu như đã quên không còn nghĩ đến chuyện được trả ơn nữa.
Hai pao! Hai pao! Chao ôi! Thế là đủ tiền mua vé cho cả nhà và có cả chút ít cho ông Berg nữa! Cuối cùng đã thấy Charlie và London. Ông ứa nước mắt khi nghẹn ngào cảm ơn nhà văn.
Nhà văn nói:
- Đừng! Tôi còn muốn tặng ông nhiều hơn cơ, nhưng thời buổi khó khăn…
Rồi ông đóng cửa lại sau họ. Ông nhà văn không còn thấy vui nữa. Những lời cám ơn của ông Ruggles làm ông băn khoăn. Tám nhân mạng (ông nghĩ là đứa bé sơ sinh không mất tiền mua vé) sẽ được hạnh phúc hơn nhờ có năm shilling một đầu người. Năm shilling! Những lời cảm ơn!... Không biết một người tội nghiệp như ông Ruggles có nghĩ mình là con người hạnh phúc không? Ông Sorte thấy cuộc đời thật rất lạ lùng. Ông gạt bữa ăn sáng sang một bên, gieo mình vào chiếc ghế bành, gác đôi chân lên bàn, châm thuốc lá hút và suy nghĩ hết cả buổi sáng về vấn đề này hàng nghìn lần.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét