Eve Garnett
Gia đình Lily
(The Family from One End Street )
Nữ văn sĩ người Anh,
bà Eve Garnett xuất bản tác phẩm “Gia đình Lily”, nguyên tác The Family from One End Street , năm
1937.
Truyện kể về một gia
đình lao động đông con. Đời sống của họ rất chật vật, khó khăn, nhưng gia đình
tràn ngập tình thương yêu và thật đầm ấm. Vợ chồng họ khéo nuôi dậy con cái
bằng chính việc làm của mình: cần cù, trung thực, giản dị, lương thiện.
Gần 1 thế kỷ trước,
người bình dân Anh quốc sống, làm việc và thương yêu nhau thế đấy.
Chương 1: Gia đình Ruggles
Bà Ruggles là thợ
giặt, còn chồng bà là phu hốt rác.
Tên của ông Ruggles
là Josiah nhưng bạn bè thường gọi tắt là Jo. Vợ ông thì gọi ông bằng nhiều tên
lắm, nào là “này anh ơi”, “bố nó ơi”, “ông via ơi”. Và đôi khi vào những chiều
chủ nhật, bà muốn tỏ ra hiền hậu thì gọi chồng là “mình thân yêu ơi”.
Tên của bà Ruggles là
Rosie. Trừ những đứa con bà ra thì không ai nghĩ đến việc cho bà thêm một cái
tên nào khác.
Nhà họ Ruggles có rất
nhiều trẻ con - các cậu con trai, các cô con gái, và một đứa bé sơ sinh nữa, nó
cũng là con trai thực sự đấy, nhưng vì còn bé quá nên chưa được tính vào số các
cậu con trai.
Hàng xóm láng giềng
rất thương Jo và Rosie phải cáng đáng một gia đình đông đúc như thế. Nhưng
người phu hốt rác và bà vợ rất tự hào về những đứa con trai con gái họ. Chúng
lớn nhanh như thổi và khỏe mạnh, đứa nọ sau đứa kia như các bậc thang. Chúng có
thể chuyển quần áo cho nhau từ đứa lớn nhất đến đứa mới sinh. Thành thử, thực
sự thì bà Ruggles chỉ phải mua quần áo cho một đứa con gái, một đứa con trai
thôi, vào mùa hạ và mùa đông. Chỉ có giày là gay go đấy.
Giày thực sự là một
vấn đề trong gia đình Ruggles. Họ luôn luôn phải cởi giày ra, đem đến hiệu nhỏ
ở góc phố để chữa, đi cho được lâu hơn. Gần như tuần nào người ta cũng thấy một
đứa trẻ nhà Ruggles, mỗi tay xách một chiếc giày chạy đến hiệu sửa chữa hoặc là
từ hiệu trở về với một gói bọc giấy cũ màu nâu.
Gia đình Ruggles sống
trong một thành phố nhỏ. Có ba rạp chiếu phim ở cách nhà họ chừng năm phút đi
bộ, nhưng không có các cánh đồng xanh thoáng đãng với đôi ba cây to thấp thoáng
trên đồng. Thành phố này tên là Otwell,, nhưng ở ga xe lửa thì người ta gọi nó
là Otwell - trên sông Ouse, (Otwell-on-the-Ouse). Thật ra gọi như thế là không
đúng, bởi vì dòng sông nhỏ đục ngầu Ouse chảy qua các cánh đồng ra biển ở bên
ngoài thành phố đến sáu dặm. Chỉ có chỗ dòng sông uốn khúc ở đằng sau ga xe lửa
là từ đó có thể nhìn rõ cảnh thành phố. Cho nên thực sự chỉ có Cầu Xe Lửa và
hộp tín hiệu là có thể nói được ở trên sông Ouse.
Gia đình Ruggles sống
ở Phố cụt số 1, ngay ở trung tâm thành phố, gần các rạp chiếu bóng nhất và xa
các cánh đồng cũng nhất. Từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, vào buổi sáng, ngôi
nhà vốn đã cũ kỹ và nhỏ bé, sặc sụa hơi nước và mùi quần áo ướt, quần áo khô.
Nhưng đến chiều thứ sáu và ngày thứ bảy thì lại sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng như
các nhà khác trong thành phố. Bên ngoài ngôi nhà có treo tấm biển viết chữ to màu trắng: “Hiệu giặt lý tưởng. Giặt tay
cẩn thận”.
Sau nhà có một cái
sân nhỏ là nơi phơi các đồ giặt giũ trong những ngày nắng ráo, cũng là nơi ông
Ruggles trồng mảnh vườn rau nhỏ trong những lúc rỗi rãi, nuôi ba con gà mái
trong một cái hòm cũ và có lúc ông đã từng mơ đến một con heo nữa.
* * *
Lily Rose, con gái
lớn của gia đình Ruggles, được gọi theo tên mẹ. Cô bé đã mười hai tuổi rưỡi và
đã học lớp hai ở trường. Nỗi phiền muộn lớn của cô bé trong đời sống chính là
cái tên cô. Vì cô bé là một đứa trẻ mập mạp, tóc đỏ trông chẳng giống với loại
hoa huệ (lily) hoặc hoa hồng (rose) nào cả.
Đứa bé tiếp theo cũng
là con gái. Jo bảo lần này đến lượt ông đặt tên cho con, nhưng rồi mẹ nó cũng
tranh lấy việc đặt tên, gọi con là Kate hết xảy. Rosie nói:
- Con bé sẽ hết xảy
về mặt này hoặc mặt khác. Nhưng con tôi thật là một nhan sắc, phải không mình
thân yêu.
Nhưng, lạy chúa! Kate
đã tự chứng minh cho cái tên của nó. Nó lớn lên vùn vụt, thành một đứa trẻ mảnh
khảnh, hai chân dài lêu đêu trái ngược hẳn với cô chị Lily Rose mũm mĩm.
Tiếp theo là hai đứa
con trai sinh đôi. Sau khi chúng ra đời, ông Ruggles đã đến câu lạc bộ giải trí
cả ngày chủ nhật. Tâm trí ông luôn luôn phải suy nghĩ đến nhiều việc quá. Lúc
này hai đứa trẻ ra đời một lần càng làm ông thêm bận. Ông phải nghĩ đến cái góc
vườn của ông, đến những luống rau mùa xuân đang mọc lên xanh tốt. Ông phải nghĩ
xem tại sao cà rốt của ông Huck phố cụt số 2 lại mọc tốt hơn cà rốt của ông. Rồi
lại còn vấn đề nữa là có nuôi thêm được một hoặc hai con gà mái nữa vào trong
cái hòm cũ không. Ông Ruggles nghĩ, nếu gia đình to lên như hiện nay, thì càng
tăng gia thêm được nhiều thực phẩm ở nhà bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Tất
nhiên là ông luôn luôn nghĩ đến việc nuôi thêm một con heo. Không còn phải suy
nghĩ gì nữa, trong cái góc sân này, ở giữa cái hòm chuồng gà và cái lều nhỏ để
đựng dụng cụ có một chỗ đủ để làm cái chuồng lợn nhỏ. Ông có thể xén bớt đi một
mảnh nhỏ đất trồng hoa ở đây, còn Rosie có thể thu ngắn bớt cái dây phơi quần
áo lại một chút. Được như thế thì ông sẽ phá ngay cái lều để dụng cụ đi, đem
dụng cụ vào trong bếp, chỉ có điều là Rosie không thích như thế. Nhưng dù thế
nào chăng nữa, thêm hai đứa trẻ sinh đôi trong nhà thì đã tới lúc thật sự phải
nghĩ đến chuyện nuôi thêm một con heo.
Lại còn một vấn đề
nữa là tên hai đứa trẻ sinh đôi. Rosie hoàn toàn nín lặng không nói gì về việc
này. Nhưng ông chắc rằng bà đã bí mật nghĩ sẵn rồi. Ông thì không thích những
cái tên hoa mỹ, đài các cho các con trai ông. Cuối cùng ông quyết định đặt tên
cho hai đứa là James và John.
Khi ông vào nhà nói
cho vợ nghe ý định của ông thì Rosie cáu kinh hỏi:
- Ông quyết định à?
Được, tôi cũng quyết định. Chúng sẽ lấy tên là Roland và Nigel. James và John,
thật là...
Ông Ruggles kêu lên:
- Roland và Nigel!
Tôi không đồng ý. Ai lại lấy những cái tên hoa mỹ đó cho các con của anh hốt
rác.
Rosie hỏi lại:
- Anh hốt rác thì có
gì là xấu nào? Tôi muốn biết nếu không có ông và cả tôi nữa để giặt giũ quần áo
và quét dọn thành phố thì những người sống ở đây sẽ ra sao?
Giô nói:
- Có lẽ thế. Nhưng
tôi không muốn các con trai tôi tên là Roland và Nigel!
- Thôi xin ông hãy đi
thả lũ gà mái ra, ông đã quên thả chúng ra sáng nay đấy.
Nhưng một lần nữa, Jo
vẫn làm theo ý của ông. Rosie đã mệt vì việc trông nom hai đứa nhỏ, chẳng còn
nói gì thêm về Lily Rose, Kate và sau hết về Roland và Nigel nữa. Có lẽ, bọn
trẻ phải buồn cười về họ. Thế là hai thằng nhỏ sinh đôi được gọi là James và
John.
Trong hai năm trời,
gia đình Ruggles không tăng thêm nhân khẩu nào nữa. Nhưng sang đến năm thứ ba
thì một chú bé lại ra đời. Jo nói:
- Chẳng có gì khó
khăn về tên đứa con này nữa. Nó sẽ lấy tên bố. Nó lấy tên là Jo.
Nhưng vẫn lại có khó
khăn như thường. Trong một nhà có những hai Jo. Thế là ông Ruggles trở thành “Jo
già”, đôi lúc mệt mỏi ông bảo, ông cảm thấy già thật.
Hai năm nữa trôi qua
thì đứa bé tiếp theo lại chào dời. Lần này là con gái. Bà Ruggles nói:
- Thật là may. Tôi
mệt quá với lũ con trai rồi. Lần này đến lượt tôi đặt tên.
Bà tiếp tục quan sát
kỹ ông “Jo già” đang ngồi hút cái tẩu thuốc của ông, rồi tiếp:
- Đúng, đến lượt tôi.
Lần này tôi sẽ có cách chọn tên của tôi. Tôi sẽ đặt tên con gái tôi là Margaret
Rosie, đó là tên tôi ghép cùng với tên một nàng công chúa nhỏ dễ thương. Nếu
cái tên đó quá cao quý đối với con gái ông hốt rác thì... được, ông có thể gọi
nó là Peggy. Tôi không phiền lòng gì về chuyện đó.
Mặc dù ông Ruggles đã
phân trần là, đã có một đứa con gọi theo tên bà rồi; nhưng bà có cách của bà,
đứa con gái vẫn lấy tên là Margaret Rosie, rồi lập tức trở thành Peggy và cuối
cùng là Peg khi nó chưa đầy 2 tuổi.
Dường như là bà
Ruggles vẫn còn giữ một đứa con nhỏ nhất của gia đình Ruggles trong bụng nên
bốn năm sau, mặc dù đã mệt mỏi với lũ con trai, bà lại cho ra đời một chú bé
nữa. Rosie đã nói:
- Đứa út này thì dù
là gái hay trai tôi đều thích cả.
Chẳng có gì khó khăn
trong việc đặt tên cho đứa bé lần này, vì Rosie đã nảy ra một ý kiến.
Bà nghĩ rằng thật là
chu đáo và tế nhị lấy tên con theo tên của cha xứ, người luôn tỏ ra ân cần tử
tế với gia đình bà. Ông Ruggles nói:
- Trước hết ta phải
biết tên cha xứ là gì đã.
Ông sợ nhỡ tên cha xứ
lại là Roland hoặc Nigel hoặc một cái tên thuộc loại như vậy.
Bà Ruggles đi hỏi ý
kiến cha xứ xem ông có phản đối việc bà lấy tên ông đặt cho đứa con út của bà
không.
Cha xứ trả lời rằng,
ông rất vui lòng, nhưng tên ông là James mà nếu ông không lầm thì một trong hai
cậu con sinh đôi đã lấy tên này rồi. Vì vậy có lẽ nên lấy thêm một tên phụ là
William.
Bà Ruggles nói:
- Ồ, đúng quá. Quả
thật là như thế. Xin cảm ơn cha xứ lắm. Như vậy thì chồng tôi sẽ không còn phải
phàn nàn gì về cái tên của con trai ông phu hốt rác nữa.
Có lẽ để tỏ ra lịch
thiệp, cha xứ đã nói rằng, có nhiều con như vậy thì việc đặt tên cho chúng rất
là khó khăn.
Bà Ruggles đi như
chạy về ngay Phố Cụt số 1 với những tin tức tốt đẹp.
Chồng bà gặp bà ở cửa
vội hỏi:
- Thế nào? Bà đã làm
việc đó ra sao rồi?
Rôdiơ kêu lên “Một
cái tên hoa mỹ!”. Rồi nâng bổng đứa bé đang ngủ trong tay mình lên và hôn nó
mạnh đến nỗi nó thức dậy, khóc ré lên. Bà lại tiếp: “Một cái tên hoa mỹ nữa!”.
Jo kêu lên:
- Cái gì? Tôi không
muốn có những cái tên hoa mỹ trong gia đình tôi, ngay cả cho một đứa con trai
cũng vậy.
Rosie kêu lên
- Nó là William.
William thương yêu của mẹ!
Ông Ruggles thở ra
như trút được gánh nặng.
Thế là đứa bé tên là
William, Đó là đứa con út trong nhà.
----------
Còn tiếp.
----------
Còn tiếp.
Hay quá ạ, tìm khắp nơi không thấy cuốn này, cả sách in lần ebook. Mong bác đăng tiếp để được đọc lại. Cảm ơn rất nhiều ��
Trả lờiXóaRất vui được bạn chia sẻ.
XóaMình đã lăn lộn tìm cuốn sách này. Mình đã từng có nó từ những năm 1989-1990. Đã đọc đi đocj lại không biết bao nhiêu lần. Hình như ko có ai tái bản nó nữa. Ước gì nhà xuất bản nào in lại cuốn này.
Trả lờiXóa