Chương 9: Quảng
trường Karl Horse
Ngày Chủ nhật những
đứa trẻ nhà Ruggles đã làm một việc chưa từng thấy: chúng mặc quần áo như ngày
thường khi đi đến lớp học Chủ nhật. Khi thấy chúng đi qua cửa sổ, bà Smith -
người hay thọc mũi vào mọi chuyện - đã nhận xét điều này với chồng. Bà kêu lên:
- Cái gì xẩy ra đấy!
Mẹ chúng bị ốm chăng. Ông thấy thế nào!
Chồng bà nói:
- Chắc là bà ta phát
cuồng lên vì được đền ơn đấy! Tôi đã nghe nói về những điều như thế xẩy ra
trước đây - những người thắng giải các cuộc đua lớn và những việc tương tự như
thế - Họ bị choáng đầu.
Bà Smith nói:
- Nhưng không phải
tất cả mọi người đều như vậy. Để tôi lẻn sang xem Rosie Ruggles có khỏe mạnh
không!
Chồng bà nói:
- Bà sẽ không được
cảm ơn đâu. Tốt hơn là hãy cứ để mặc họ.
Nhưng bà Smith đã
sang gõ cửa nhà số 1.
Một cảnh tượng bà cho
là lạ lùng hiện ra trước mắt khi cửa mở ra. Không có gì khác thường cả. Bà Ruggles
mặc cái váy lót và cái áo chui đầu đang cầm bàn ủi trong tay. Ông Ruggles thì
chỉ đánh cái quần đùi đang giặt đôi ủng da nâu vàng. Thế thì cảnh tượng lúc
chiều vừa rồi là cái gì? Lòng bà Smith đầy tức giận.
Bà Rosie lạnh lùng
hỏi:
- Bà muốn gì đây?
Bà Smith nói một cách
dũng cảm trong khi Rosie đang nhìn bà ghét cay ghét đắng:
- Tôi đã nhìn thấy lũ
trẻ đi qua, trông chúng… không… không được bình thường như những ngày Chủ nhật
khác…
Rosie chen ngang,
nói:
- Và bây giờ bà thấy
Jo và tôi trông cũng không giống như chúng tôi bình thường mà bà vẫn thấy vào
mọi ngày Chủ nhật chứ gì?
Bà Smith nói:
- Quả là như thế, để
tôi nói cho bà nghe, bà Ruggles ơi! Khi bà gặp những ngày khó khăn, mà tôi chắc
rằng chúng chẳng xa đâu, bà hãy cứ coi như ngày Chủ nhật. Không nên đến nhờ vả
tôi!
Rosie nói:
- Chắc chắn tôi không
đời nào đến đâu! Xin chào!
Rồi đóng sập ngay cửa
lại.
Ông Ruggles buồn rầu
nói:
- Rosie, em làm bà
cho bà ấy thù oán mình suốt đời đấy!
Rosie phấn khởi nói:
- Thế cũng tốt. Còn
lâu bà ấy mới lại dí mũi vào nhà này.
Lúc đó đã quá 10 giờ
tối. Cái bếp nhà Ruggles trông đã sạch sẽ và ngăn nắp như mọi chiều Chủ nhật.
Lũ trẻ đã ngủ say trên gác. Quần áo sạch sẽ mặc ngày Chủ nhật đã để sẵn bên
cạnh chúng để sáng hôm sau lên đường. Rosie hôn chồng, chúc ngủ ngon và nói:
- Này, ông già ơi!
Thế là cuối cùng ngày đi thăm London của chúng ta đã tới. Anh hãy chú ý để đồng
hồ cho đúng nhé! Em chỉ lo chúng ta đi chậm nhỡ tàu thôi.
Ông Ruggles cũng rất
sợ ngủ quên nên để đông hồ báo thức sớm lên 1 tiếng. Tức là cả nhà sẽ được đánh
thức dậy từ 5 giờ chứ không phải 6.
Rosie bảo các con:
- Sớm còn hơn muộn.
Măng sẽ có thì giờ để cắt bánh kẹp thịt và trông nom xem mọi người đã ăn mặc
chỉnh tề chưa. Tất cả chỉ nên mặc quần áo trong mà ăn sáng.
Bà nói thêm:
- Măng không muốn
phải giặt những quần áo có dây vết bẩn thức ăn đâu.
Lũ trẻ nhà Ruggles
nghĩ đây thật là một ý nghĩ tuyệt diệu, nhưng ông Ruggles bảo ông có thể mặc
sơmi và quần đùi ăn sáng. Bữa ăn trôi qua rất nhanh. Bây giờ đến việc quan
trọng là mặc quần áo. Chỉ một lát sau mọi người đều đẹp đẽ, ngay cả William
cũng không phải phiền lòng gì về bộ quần áo len vàng, đôi ủng vàng và cái mũ
len đẹp của nó nữa.
Bất chợt mọi người
nghe thằng Jo la lên, rồi những tiếng hò hét giận dữ om sòm và cuối cùng là
tiếng khóc của Jo và tiếng cười phá lên của hai thằng bé sinh đôi.
Rosie vừa lên khỏi
thang gác, kêu lên:
- Các con đang làm gì
thế này!
Thì ra Jo đang đứng
giữa phòng ngủ, cái áo nịt chùm một nửa lên đầu và mặt, phần thò ra ngoài thì
đang vung vẩy loạn xạ trong không trung. Mẹ nó chạy lao vào khó khăn lắm mới
kéo được cái áo nịt ra.
Mặt Jo đỏ bừng lên,
nó kêu om sòm vì sợ và cáu kỉnh cái trò đùa của hai thằng anh sinh đôi.
Bà Ruggles nói:
- Yên lặng! Các con
không thấy Jo khó chịu thế nào à?
Bà đem cho Jo hai cốc
nước và nhiều cái hôn.
Cuối cùng mẹn nó nói:
- Nào, cố gắng mặc áo
vào cho chỉnh tề nào.
Jo cố gắng, mẹ nó kéo
áo xuống và cuối cùng với sự giúp đỡ của Lily Rose và hai thằng anh sinh đôi,
Jo đã mặc được cái áo nịt vào.
Jo nói:
- Con không thể thở
được.
Rosie nói:
- Đừng có kéo căng ra
như thế. Con sẽ làm nó rách ra từng mảng mất. Đây, Măng sẽ để hở cổ áo ra, con
không cần phải thắt cravat nữa. Bây giờ con thở được chưa?
Jo nói:
- Khá hơn, nhưng con
không mặc nó đâu.
Mẹ nó nói một cách
nghiêm khắc:
- Không mặc, con định
nói gì đấy? Con sẽ mặc nó đi chơi hoặc con sẽ ở nhà hẳn. Không còn cái áo nịt
sạch nào đâu!
John nói:
- Mà em cũng không
thể cởi ra được nếu không có chúng tôi giúp.
Jo rất cáu, nhưng
đúng như thế thật.
Bà Ruggles bảo Lily
Rose:
- Trông em, giữ cho
sạch sẽ.
Rồi bà vội vàng đi
ra.
Thằng bé Jo tội
nghiệp! Chẳng còn gì làm nó vui sướng nữa. Nó không thấy thoải mái dù là không
đeo cravat - một trong những cái làm nó vui thích.
Nó ngọ ngoạy rồi lại
ngọ ngoạy, mong làm cho cái áo đỡ bó chặt.
Lily Rose nói:
- Yên nào, em làm
rách áo bây giờ đấy!
Jo đáp:
- Em rất muốn đấy.
Chị nó nói:
- Cả nhà sẽ để em lại
nếu em cứ không ngoan như vậy!
Jo muốn đấm cho chị
nó một quả. Nó rất cáu, nhưng nó chợt nảy ra một ý. Nó không ngọ ngoạy nữa,
trèo lên ghế, ngồi im như bụt, suy nghĩ rất lung.
Cuối cùng mọi người
đều đã sẵn sàng, bắt đầu lên đường ra ga. Đi đầu là Lily Rose và Kate, trông ra
dáng những cô gái nhỏ gương mẫu trong những bộ
quần áo mới. Bộ của Lily Rose thì xanh da trời và hồng, bộ của Kate thì
xanh sẫm và vàng (lần đầu tiên trong đời Kate không mặc quần áo cũ của chị nó.
Bộ quần áo này mới thực là của nó, đã được mua bằng tiền phần thưởng của nó. Nó
cảm thấy nó rất quan trọng). Chúng đội những cái mũ vải lanh hoa, đi vớ màu xám
sẫm, dép xăng dan màu nâu sạch sẽ, chỉ có hơi rộng một tí vì mua phòng lớn.
Lily Rose một tay cầm
cái túi giấy trong có hai chai sữa, mấy quả chuối, còn tay kia cầm cái áo
choàng ngoài của nó để phòng mưa. Kate cũng mang theo cái áo choàng ngoài, một
quyển sách để xin chữ ký (biết đâu nó lại chẳng gặp nhân vật nổi tiếng Charlie
Chaplin ở công viên Regent) vài cái bánh kẹp jambon.
Tiếp theo là cô bé
Peg đi giữa hai thằng anh sinh đôi. Peg mặc một cái áo liền váy của Lily Rose
cắt ngắn đi, đội cái mũ cũ của Kate, đi giầy và vớ trước kia là của Jo. Các anh
nó đều mặc quần soóc xám, áo nịt các màu khác nhau trông rất đẹp. Những bộ quần
áo đẹp được như thế là nhờ được giặt kỹ, là cẩn thận và phơi nắng, hong gió đầy
đủ.
Cái áo của John màu
hồng nhạt, cái của James màu xanh non. Cả hai đứa con trai này đều không đội
mũ, những cái đầu trần của chúng ửng lên dưới ánh nắng mặt trời. Chúng đều mang
theo áo choàng và túi đồ ăn. Riêng James còn được mẹ cho thêm mấy miếng đường
đê cho con ngựa của bác nó - con Bernard Shaw.
Kế đó là Jo trong cái
áo nịt chật căng và cái quần soóc chữa từ cái quần cũ của ông Ruggles. Nước mắt
của nó đã biến đâu mất. Nó mỉm cười luôn, đi tung tăng và cầm một gói giấy màu
nâu.
Ông bà Ruggles đi sau
cùng.
Rosie trông rất duyên
dáng trong cái áo lụa tơ nhân tạo mới tinh, với ba bông hoa trắng trên cái mũ
mùa đông của bà. Bà bế bé William mặc bộ quần áo màu vàng và còn cầm thêm một
cái túi đựng nhiều thứ khác.
Ông Ruggles mặc bộ đồ
đẹp nhất của ông - màu đen. Nhưng lần này có thêm cái áo len đỏ, cái cravat và
cái khăn quàng đồng màu nữa. Đôi ủng màu nâu vàng sáng bóng và cái mũ đã giặt
sạch làm cho bộ lễ phục của ông thêm long trọng. Ông còn cài thêm ở khuyết áo
một bông hồng mà ông thấy rất hợp với mùa này. Ông mang các thứ còn lại của gia
đình: mấy cái áo choàng, một túi to giày ủng và những túi thức ăn nữa.
Trước lúc ra đi,
Rosie đã nhìn chồng và nói:
- Trông ông đẹp quá,
bố nó ạ! Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta chọn anh làm một trong những
trọng tài. Có điều em hơi phiền là có một lỗ thủng dưới cánh tay áo bên phải
của anh. Anh nhớ là có vẫy ai thì dùng tay trái nhé.
Ông Ruggles hứa sẽ
nhớ và bảo vợ ông rằng: trông bà cũng rất đẹp.
Khi họ đi qua nhà số
4, bà Ruggles còn mải trông William, nhưng ông Ruggles nhìn thẳng vào ngôi nhà
này và trông thấy bà “Smith Thóc Mách” đang nấp trong một góc cửa sổ nhìn ra!
Ở ga, ông Jo đã đi
mua vé và rất sung sướng thấy vào ngày nghỉ lễ, trẻ con dưới mười bốn tuổi chỉ
phải trả nửa tiền.
Người bán vé nhìn
Lily Rose nói:
- Cô này lớn quá rồi!
Nhưng ông Ruggles
nói:
- Vâng, cháu lớn đấy,
nhưng chưa quá tuổi mười bốn đâu. Chẳng lẽ ông lại muốn khi ra khỏi nhà người
ta phải đem theo giấy khai sinh hay sao?
Người bán vé không
nói gì thêm, cho William qua không phải lấy vé vì nó thuộc loại “còn phải bế”.
Cả gia đình họ lên
tàu.
Gia đình Ruggles
chiếm hết cả một ngăn. Ông bà Ruggles, Lily Rose và Kate ngồi ở bốn góc, những
đứa trẻ khác ngồi vào giữa.
Rosie thò tay vào túi
xách lấy chuối và sách ra, nói:
- Nào, bây giờ thì có
thể giải trí được rồi, nhưng phải giữ yên lặng đấy. Đây là chuối, mỗi người một
quả. Còn ba quyển tranh truyện này cho tất cả các con xem.
Ông Ruggles tròn xoe
mắt ra nhìn những thứ này. Ông nói:
- - Những ba quyển
truyện tranh! Em đã tiêu nhiều tiền quá.
Vợ ông đáp:
- Sáu penny. Đáng giá
đấy. Rồi anh sẽ thấy.
Bà nói có lý. Trong
suốt thời gian tàu chạy, gần một tiếng rưỡi đồng hồ, lũ trẻ rất ngoan ngoãn.
Phần lớn bọn chúng được đi tàu lần đầu tiên nên chỉ riêng việc đó thôi cũng đủ
làm cho chúng yên lặng và thích thú rồi. Nhưng một lúc sau thì mắt chúng mỏi vì
nhìn mãi những cây cối, những cánh đồng lùi chạy vùn vụt bên ngoài. Những cây
cối, các cánh đồng lùi về các thành phố nhỏ xa xa và những cái chúng thấy trở
nên quen hơn và kém hấp dẫn. Chúng rất vui sướng có các tập truyện tranh và
những tập sách này đã lôi cuốn chúng cho đến tận lúc nhìn thấy London. Còn
William thì ngủ yên và chỉ tỉnh dậy khi họ đến nơi.
Trên sân ga Victoria,
bà chị dâu ông Ruggles - bà Charlie Ruggles (bác Aivy) đang đứng đợi. Bà sung
sướng kêu lên khi thấy cả gia đình ông Ruggles bước ra khỏi tàu an toàn.
- Các em đem theo cả
William chứ! Ồ! Nó ngoan quá!
Bà hôn lấy hôn để
thằng William. Để chống lại, nó khóc thét lên, vừa lúc đó thì cái đầu máy huýt
một tiếng còi làm cho William nín bặt và lại nhìn lên mỉm cười.
Bác Aivy nói tiếp:
- Charlie đang ở công
viên với cái xe và con ngựa. Lũ trẻ cũng ở đấy cùng với bà chị tôi - bà Perkins
- và các con bà. Rosie ơi, chắc em chưa gặp bà ấy, chồng bà ấy là thợ làm đồ gỗ
mỹ thuật. Ông ta nghĩ ông ta cao hơn những người phu hốt rác một tí. Nhưng tôi
bảo ông ta rằng không có gì khác nhau nhiều đâu giữa mùn cưa và các loại bụi
khác. Dù sao chăng nữa tôi nhận thấy hôm nay ông ta rất sung sướng đến dự và đi
xe ngựa của chúng tôi. Nào, đi thôi. Chúng ta không nên đứng lâu ở đây.
Bà lại tiếp:
- Cuộc diễu hành vòng
tròn đầu tiên sẽ bắt đầu vào lúc chín giờ rưỡi. Các cháu có muốn đến gặp bác
trai trước lúc bác đi diễu hành không? Bác trai rất mong các cháu sẽ đi diễu
hành cùng với bác ấy.
Lũ trẻ nhà Ruggles
nhìn nhau, chỉ có mỗi mình James là diễn đạt được ý nghĩ của nó thành lời:
- Nhưng tất cả chúng
ta có thể đi được không?
Bác Aivy trả lời:
- Sao, cháu thân yêu
ơi, được. Nhưng cháu biết đấy. Tất cả xe ngựa đều phải đi vòng qua để được nhận
xét. Cái đó mất nhiều thời giờ lắm, khó mà chờ nếu xe ở các hàng phía sau. Năm
ngoái xe chúng tôi là xe thứ sáu trăm ba mốt. Nhưng tất cả chúng ta tới cuộc
đua lớn này vào buổi chiều thì chỉ còn các xe ngựa được các giải nhất đi diễu
hành thôi. Những xe không được giải thì chỉ đi buổi sáng, buổi chiều không đi
nữa.
James lại hỏi:
- Nhưng làm sao bác
biết được là bác sẽ giật giải nhất?
James còn nghĩ, nếu
bác Charlie không giật được giải nhất thì có lẽ không người nào trong gia đình
nó đi dự cả, trừ ba nó thì bất kỳ cuộc thi xe ngựa nào cũng có mặt. Rồi James
lại nghĩ về Hội Bàn Tay Đen, chúng sẽ cười như thế nào khi nó và John kể lại
nhiều chuyện trong chuyến đi London, về cuộc diễu hành lớn mà chính chúng đã
tham gia.
Rosie nghiêm giọng
nói:
- Đừng có ngốc thế!
Bác con luôn luôn thắng giải nhất!
Bác Aivy mỉm cười
nói:
- Đúng như vậy đó.
Đứng lo. Bác đã thắng những giải nhất trong mười một năm rồi. Lần nào bác cũng
thắng, trừ năm ngoái, thật là rủi, con ngựa bị gãy một chân. Nhưng năm nay thì
sẽ không có gì xảy ra với con Bernard Shaw đâu. Thôi, chúng ta đi nào.
Rosie nói:
- Peg và Jo đeo lấy
ba nhé. Những đứa khác thì hãy đi theo bác Aivy, đừng có để mất hút bác một
phút nào đấy.
Những đứa trẻ nhà
Ruggles cố gắng hết sức nhưng thật khó mà theo dõi được bác Aivy trong lúc
chúng còn đang thích thú nhìn vẻ đẹp của
nhà ga Victoria, những đường sắt ngầm chui xuống đất và những con tàu điện
trông ngồ ngộ buồn cười làm sao.
Tuy nhiên, họ đã lên
được xe điện ngầm yên ổn, ngồi yên lặng nhìn cảnh vật chung quanh.
Xe điện rất nóng và
ồn. Không một người nào trừ bác Aivy có thể nói chuyện được. Bác luôn luôn mỉm
cười hét vào tai Rosie. Còn Rosie thì chốc chốc lại gật đầu để tỏ ra rằng đã
nghe thấy những câu chuyện hấp dẫn bà kể. Ở mỗi ga lại có thêm người lên nhưng,
lạy Chúa, không có ai xuống cả. Xe điện ngày càng nóng thêm, chật ních hơn.
Lily Rose nhấc Peg ngồi lên lòng cho rộng chỗ. Bác Aivy cũng muốn làm như thế
với Jo, nhưng nó lắc đầu không đồng ý. Chỉ khi ba nó đứng dậy nhường chỗ cho
một bà mập bế một đứa bé và ôm một bó hoa to tướng, bảo nó, nó mới nghe.
Khi bác Aivy nhấc nó
ngồi lên lòng, hỏi thật to:
- Cái gì trong gói
này thế?
Nó vẫn không trả lời.
Phải! Người ta có thể
bắt nó ngồi lên lòng người khác, nhưng không thể bắt nó phải nghe rõ mọi điều
người ta nói trong tiếng ồn thế này.
Mấy phút sau, bác
Aivy hét lên:
- Ga tới chúng ta
xuống nhé.
Rosie gật đầu, nhìn
quanh báo cho chồng biết. Ồ, anh thân yêu! Jo già đang giơ cái tay không nên
giơ lên - cái lỗ thủng rộng ít nhất cũng tới năm xăngti-mét chìa ra! May mà ga
tới họ đã xuống rồi.
Một lần nữa họ lại ra
khỏi ga. Ga nhộn nhạo những người là người. Họ đi tới ga hoặc từ ga tỏa đi mọi
hướng. Gia đình Ruggles và bác Aivy đi có vẻ trầm lặng hơn, vì trời nóng và họ
đã mệt.
Cuối cùng, họ đã tới
cổng công viên. Có hàng loạt những tràng hò reo “kìa”, “ồ”, “kia, họ kia kìa”
từ các gia đình có người đi thi xe ngựa đang đứng xem. Thật thế, chính ông Ruggles
vừa đứng được một tí đã reo: “kia, họ kia kìa!”.
Coi bộ phải có đến
hàng trăm, hàng trăm xe và ngựa, đủ các loại xếp thành hàng dài hút tầm mắt.
Những chiếc xe chở
than, những chiếc xe của ngành đường sắt và nhiều loại nữa, cuối cùng nhưng
không phải là kém giá trị là các xe chở rác đủ các loại.
Tất cả những ngựa và
xe đó trông cứ giống như là những thứ
bày ở một cửa hàng đồ chơi lớn nhất ấy chứ không phải là những thứ trong đời
sống thật.
Rosie kêu lên:
- Hãy nhìn xem kìa!
Con ngựa đen to kia mới đẹp làm sao. Còn cặp ngựa có những vòng hoa đeo ở cổ
kia nữa trông chúng mới rực rỡ chứ!
Những người lái xe
ngồi tự hào và tươi tỉnh cầm những cái roi được trang trí bằng những vòng tròn
tượng trưng cho những giải thưởng mà họ đã giành được. Một vài người có một
hoặc hai vòng, có người có đến mười hai vòng. Mấy ông già được nhiều giải đến
nỗi cái roi của họ hầu như đầy kín những vòng.
Ông Ruggles không nói
được nữa, bận rộn tìm anh.
Bác Aivy hình như
quen rất nhiều người, thỉnh thoảng lại reo lên gọi khi bác gặp họ. Đoàn diễu
hành đi rất chậm rồi dừng lại một lát. Từ một chiếc xe ở phía trước một người
vung roi tít lên phía họ. Bà Charlie chạy ngay lên trước, cầm lấy cái roi ngựa
của chồng. Ông Charlie nhảy xuống xe đến chào mừng ông em và gia đình em.
Ông Charlie bận một
bộ lễ phục long trọng, cài một bông hồng ló ra sau tai bên trái của bác. Chụp
lên mái tóc dầy của bác là cái mũ lưỡi trai đội ngược, cái lưỡi trai của mũ lại
quay ra sau. Bác mặc một cái sơmi màu vàng, quấn một cái khăn quàng xanh đỏ
quanh cổ, quần mầu sẫm và đi giầy thể thao màu trắng. Bác hoàn toàn trái hẳn
với ông anh đồng hao làm thợ mộc đóng đồ gỗ mỹ thuật - ông Lexơlai Perkins.
Ông Perkins đang ngồi trên xe ngựa hút thuốc
lá, mặc một bộ đồ đen, cài một bông hoa hồng màu vàng trên khuyết áo - đó là
điểm rực rỡ duy nhất trên người ông.
Bác Charlie bắt tay
ông em rồi vui sướng đấm vào lưng em ba cái, bác hôn Rosie thật mạnh suýt làm
rơi cả mũ của bà, bác bắt tay các cháu trai, cháu gái, nhớ tên từng đứa rất
chính xác. Lần đầu tiên bác nhìn thấy hai cháu bé út Peg và William.
Bà Charlie giới thiệu
bà Perkins với mọi người: “Đây là bác Mabel” (tên riêng của bà Pớckin). Bà Perkins
mặc bộ váy áo tơ dệt những bông hoa hồng chen lẫn hoa nâu. Đôi tay đeo găng của
bà ôm một cái giỏ đẹp đựng bữa ăn trưa của gia đình bà. Đứng bên cạnh bà là hai
đứa trẻ con - Anthony bảy tuổi mặc bộ nhung màu nâu và Pamela chín tuổi mặc váy
áo màu hồng, đội cái mũ cài những bông hoa (gây ra sự tức giận kín đáo của Lily
Rose và Kate) và lại mang găng tay vải bông nữa! Cả bọn họ làm thành một nhóm
rất đẹp. Nhưng một điều tối rất lấy làm tiếc nói ra là hầu hết cả gia đình Ruggles
đều không thích họ ngay lập tức.
Khi gia đình Ruggles
được giới thiệu với gia đình Perkins xong, bà Ruggles hỏi:
- Thế còn các cháu
của bác đâu, bác Aivy?
Bác Charlie trai
cười, hét lên:
- Chui ra!
Một giây sau đã thấy
những bộ mặt tươi cười của nhiều đứa trẻ ló ra.
Jo già cười, còn
Rosie hỏi:
- Những đứa nào là
con bác, Aivy? Tất cả bọn trẻ con này ở đâu ra mà nhiều thế! Có phải con bác Mabel
không?
Bà Perkins không
thích ai hỏi, bà nói cho qua:
- Chắc chắn là không
rồi. Tôi chỉ được có hai đứa: Anthony và Pamela thôi.
Rosie nói:
- Xin lỗi. Bà thấy
đấy, tôi đã quen với những gia đình lớn rồi.
Bà Charles giải
thích:
- Đấy là trẻ con hàng
xóm nhà chúng tôi. Còn đây là con tôi.
Hai đứa con gái và
hai đứa con trai rời những đứa trẻ kia trèo xuống xe một cách khó khăn.
Bà đẩy lên phía trước
hai đứa con gái và thằng con trai lên chín tuổi, nói thêm:
- Em hãy xem hai đứa
sinh đôi này - Mary và Dorrit - còn đây là Frank. Còn chú út này là Alfred cùng
tuổi với William.
Alfred là một chú bé
sáu tuổi, có cái cười hồn nhiên ngoác đến tận mang tai.
Trong khi Rosie đang
hôn các cháu trai, cháu gái trông không lấy gì làm sạch sẽ lắm, nếu không nói
là bẩn, thì bác Charles trai bế các đứa bé khác ra khỏi xe, vì đoàn diễu hành
lại sắp đi tiếp. Ông đùa kêu lên:
- Cút đi! Trở lại lúc
một giờ.
Lũ trẻ chạy xa ra
khỏi xe, còn Jo, Rosie và lũ trẻ nhà Ruggles thì vây quanh cái xe và con ngựa Bernard
Shaw.
Bernard Shaw quả là
một con ngựa hết xảy. Da lưng nó bóng loáng. Nó đã được tắm, kỳ cọ cẩn thận và
chải lông sạch sẽ. Quanh cổ nó là những hoa hồng bằng giấy đỏ chen lẫn những
cái lá xanh và mười cái huy chương tròn đeo
ở trước ngực - Đó là những huy chương giải nhất đã giành được trong mười
năm qua. Chiếc xe ngựa này, kiẻu hiện đại có bánh bọc cao su, còn đang bốc lên một
mùi dễ chịu. Ông Ruggles nói:
- Như là ba cái bệnh
viện tập trung vào đây ấy!
Bác Charles trai nói
rằng, bác rất sung sướng nghe thấy thế vì bác đã phải tốn nhiều tiền để tẩy uế
nó.
Con Bernard Shaw bắt
đầu bồn chồn.
Bác Charles nói:
- Nó biết lại sắp đi
đấy!
Đúng như vậy, đoàn xe
ngựa dài dằng dặc lại bắt đầu chuyển động. Bác Charles kêu:
- Nhảy lên, Jo!
Ông Ruggles trèo ngay
vào trong xe. Ông Charles cầm cái roi có đeo mười vòng huy chương đỏ và một
vòng huy chương xanh, đập nhẹ vào mông con Bernard Shaw.
Họ lại đi. Ông Ruggles
vẫy tay. (Rosie vội kêu lên: “Này, Jo, cái tay rách!”)
Ông Perkins bỏ điếu
thuốc trên môi xuống, nói:
- Tạm biệt!
Cả hai bà Ruggles và Charlie
cùng kêu lên một lúc:
- Tạm biệt! May mắn
nhé!
Tất cả lũ trẻ con kêu
lên:
- May mắn!
Đến cả bà Mabel
Perkins cũng thấy vẫy một bàn tay đeo găng!
* * *
Khi đoàn xe đi khỏi, Bernard
Shaw chỉ còn là một đốm nhỏ ở xa tít. Rosie hỏi:
- Chương trình bây
giờ là gì nào? Tôi sung sướng được ngồi xuống đây một lát. Phải nói là William
khá nặng! Bế nó mỏi quá.
Bà Perkins cũng nói:
- Tôi cũng muốn ngồi
nghỉ quá. Tôi biết có một cái ghế dưới bóng mát đằng kia đang chờ đón chúng ta.
Những đám lá xanh trông mới đẹp làm sao!
Khi bà và cô em dâu
đã ngồi thoải mái trên ghế, bà Aivy nói:
- Chúng ta còn phải
ngồi chờ hai giờ đồng hồ nữa họ mới quay trở về, bây giờ phải làm gì với những
đứa trẻ đây?
Cả sáu đứa trẻ nhà Ruggles
- đều cầm áo choàng và xách túi - bốn đứa con trai con gái không được sạch sẽ
lắm của bác Aivy và hai đứa anh em họ của chúng đều đang đứng thành một nhóm
chờ chỉ dẫn. Mắt chúng để cả ra hồ nhìn ngắm những chiếc thuyền nhỏ đang bơi.
Bà Perkins nhìn Jo,
nói:
- Thằng con trai bác
trông ngốc quá! Cái áo nịt của nó chật phải không?
Rosie đáp:
- Nó lớn nhanh quá!
Nó là một thằng bé bảy tuổi quá lớn. Bác hãy xem Anthony của bác đấy. Bác không
nghĩ là cháu nó cũng bảy tuổi, đúng không?
Bà Perkins nói bà
thấy đúng như vậy và trước đây bà cũng không biết chúng là anh em họ với nhau.
Rồi bà nói:
- Không thể cho chúng
chơi ở đây được, không nên chơi gần hồ, rất nguy hiểm.
Bác Aivy đang nhìn
quanh, nói:
- Có một Vườn Chơi ở
phía bên trái ấy. Nên cho chúng đến đấy chơi thì an toàn hơn.
Bà Perkins nói:
- Ồ, đôi khi ở những
chỗ đó có những đứa trẻ rất xấu, bác sẽ không bao giờ biết được là diều gì sẽ
xảy ra cho con bác đâu. Tôi thấy là nên cho Anthony và Pamela của tôi chơi yên
tĩnh ở đây, dưới bóng cây này thì tốt hơn.
Bác Aivy kêu lên:
- Ôd, Mabel! Hai ba
giờ chờ đợi sẽ làm cho lũ trẻ mệt mỏi. Còn nếu cơ sự mà như em nói thì mọi việc
đều có thể xảy ra vào một ngày nghỉ. Chà, tôi cảm thấy vật gì trên xe điện đã
làm tôi đau thế này.
Bà Perkins lại hạ thấp
giọng nói:
- Lại còn vi trùng
nữa.
Rosie kêu lên:
- Ồ, vi trùng. Đừng
nghĩ đến vi trùng. Các con tôi trông đều mạnh khỏe cả, đấy là do chúng chơi
ngoài trời hết, không thích xem chiếu bóng. Hãy cho Pamela đi găng tay vào mà
chơi nếu như bác sợ vi trùng.
Bà Mabel nói:
- Chắc chắn không
được, đó là đôi găng tay tốt nhất của cháu đấy.
Rosie nói:
- Nào, ở đây thì sẽ
không an toàn cho các con tôi. Chỉ sau hai phút là chúng đã ở ngoài hồ rồi. Ra
vườn chơi thôi. Trẻ xấu hay vi trùng thì đối với chúng cũng như nhau cả thôi.
Bác Aivy cũng cho như
thế là phải và cuối cùng bà Mabel cũng đồng ý nốt.
Dù là thế, trước khi
đi, bọn trẻ còn được nghe rất nhiều huấn thị của các bà mẹ, chủ yếu là bà
Perkins căn dặn cậu Anthony và cô Pamela của bà.
Bà nói:
- Cả hai con không
được chơi trên cát. Không được nói chuyện với người lạ và nhớ là, nếu họ có nói
với con điều gì thì con phải bảo họ là “Mẹ tôi đang quan sát chúng tôi. Cảm ơn”.
Nghe chưa? Pamela, không được làm rách quần áo, nghe không. Còn Anthony, con
phải giữ cẩn thận bộ quần áo nhung của con đấy. Mỗi con chỉ được ăn một cái kem
thôi. Pamela, con không được mua kẹo đấy, con biết là kẹo hay làm con đau bụng
chứ. Không được…
Bác Aivy nói:
- Này, Mabel, làm sao
chúng nhớ được tất cả những điều đó!
Thấy bà chị chưa hiểu
ý mình, bác nói thêm:
- Nếu nhớ được thì
chúng phải được chụp ảnh đăng báo - thật là những đứa trẻ mẫu mực!
Bác quay lại nói với
đám con bác:
- Bây giờ các con hãy
tỏ cho các anh chị em họ của các con biết, các con ngoan như thế nào, nghe
chưa! Đừng ra khỏi Vườn Chơi nhé, rồi mẹ sẽ đến đón về.
Rosie cũng quay sang
nói với các con:
- Các con chơi ngoan
nhé!
Nhìn thấy Jo muốn
trèo vào cái thuyền gần đấy, Rosie nói:
- Không được, con
không thể trèo vào cái thuyền đó. Chờ ba con về đã, nếu ba con đồng ý nhấc con
lên thì con sẽ được lên thuyền. Còn bây giờ thì không được tự trèo vào mà ngã
đấy. Lily Rose hãy để mắt đến Peg và Jo và nhớ giữ quần áo sạch sẽ nhé. Bây giờ
tất cả các con đi chơi đi.
Bà Perkins gọi với
theo:
- Pamela, nhớ nhé,
không được…
Nhưng lời bà bay theo
gió, Pamela chỉ còn là một đốm nhỏ màu hồng ở tít đằng xa.
-------------
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét