Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Quy luật của muôn đời - Nodar Dumbadze (Ch 9 - 11)

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch : Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 9

Sang ngày thứ hai mươi hai, giáo sư cho phép Batsana trở mình trên giường. Bấy giò ông có thể nằm nghiêng, tay chống đầu và quan sát cả hai người nằm cùng phòng, trong tất cả vẻ rạng rỡ của họ. Rồi theo chỉ định của bác sĩ, ông phải tập thể dục chữa bệnh như thế này: trong hai tuần lễ, ông phải nắm chặt hai bàn tay vào, rồi lại xòe tay ra. Khi Batsana được phép ngồi lên, - đấy là vào ngày hai mươi sau lần “ân xá” đầu tiên - một cô gái vào phòng bệnh, cô đẹp lạ lùng, đến nỗi Bulika bỗng buông rơi lọ matsôni. Khi đấng thiên thần tóc đen nhánh, mắt xanh biếc ấy ngồi ghé xuống giường Batsana, cha Iôram làm dấu chữ thập và kêu lên:
- Bây giờ ông còn không tin Chúa nữa thôi, Batsana kính mến?!
- Tôi sẽ tin, miễn đây không phải là giấc mơ! - Batsana đáp, sửng sốt vì nhan sắc và sự mạnh dạn của cô gái.
- Dù là giấc mơ cũng được, miễn là cô ấy đến ngồi cạnh tôi. - Bulika thốt lên, và đến đây mới nhận thấy mình vẫn ngậm cái thìa trong mồm.
- Tôi sẽ đến cả chỗ các bác nữa! - Cô gái đáp.
- Tôi chờ cô, chờ cô đây, thưa cô! - Bulika mời.
- Chào các bác! Tên tôi là Kêtêvan, họ là Anđrônikasvili. Tôi sẽ phụ trách hướng dẫn thể dục chữa bệnh ở bệnh viện này của các bác! - Cô gái tự giới thiệu.
- Thật ư? Các bác sĩ của chúng tôi nghĩ thế nào vậy nhỉ? Cớ gì họ vẫn làm khổ chúng tôi bằng các loại pantôpôn, perxantin và intenxain nhỉ?! Chỉ riêng việc xuất hiện trong phòng bệnh một phụ nữ như cô đã có tác dụng bằng năm mũi tiêm là ít nhất, nếu không phải là mười! - Bulika kêu lên.
Cô gái mỉm cười hài lòng.
- Thưa ông Batsana! Ông thấy đấy, cô ấy mỉm cười nhé! Hãy chạm vào cô ấy đi! Nếu cô ấy không biến mất thì tất cả đều là thực! - Bulika nài.
- Cô cho phép! - Batsana chạm vào những ngón tay đẹp của cô gái. - Hãy vui mừng đi, Bulika, cô ấy là con người thực đấy! - Ông trả lời Bulika, nhưng vẫn không buông tay ra.
Cô gái thận trọng rút những ngón tay khỏi bàn tay Batsana và bắt mạch ông.
- Ôi, mạch của tôi bây giờ sẽ không nói với cô điều gì tốt lành đâu! Hãy để cho nó hồi tĩnh lại. - Batsana áp tay cô gái vào ngực mình. - Cô nghe thấy nó đập thế nào chứ?!
Cô hướng dẫn viên trưởng rụt tay lại và áp cái tai hồng hồng nhỏ nhắn, đẹp như mảnh vỏ sò vào ngực ông. Batsana nghẹn thở.
- Bác sĩ ơi, sao lại thế, các người định giết tôi chắc? - Ông thì thầm, ném luồng mắt van vỉ về phía cha Iôram. Cha đạo giang hai tay lên một cách bất lực và nhắm mắt, ý nói: tôi không thể giúp gì được...
Lát sau, cô gái vươn thẳng người và hỏi bằng giọng nghiêm trang:
- Ông có thấy đau ở vùng tim không?
- Cơn đau đã qua rồi, còn mạch, trước khi cô đến thì bình thường, bây giờ tất cả lại bắt đầu lại, - Batsana thờ dài.
- Trời ơi! Chẳng lẽ tất cả các bệnh nhân đều được phân phát cùng một văn bản như thế ư?
- Sao, những người khác cũng nói như thế à? - Batsana hỏi, thất vọng.
- Chính thế! Còn ông là nhà văn, ông phải đặc sắc hơn mới đúng! - Cô gái đáp bằng giọng hể hả.
- Đặc sắc hơn làm sao được! - Batsana rên rỉ thảm thiết. - Cô ạ, tôi là người đã chết, vậy mà lại đang nói chuyện với cô...
Cô gái lớn tiếng cười:
- Đấy, thế mới thật là đặc sắc!... Nào, ta bắt đầu đi thôi! - Cô thận trọng nâng Batsana dậy - Ông có nghe nói về ha-tha-yôga rồi chứ?
Batsana ngớ ra.
- Thời thanh niên tôi có đọc đôi chút... Đó là... một học thuyết tôn giáo - Triết lý Ấn Độ thì phải? làm cho tâm hồn và thể xác đạt tới mức hoàn hảo bằng những bài tập thể dục... phải thế không?
- Đúng! - Cô hướng dẫn viên trưởng đồng ý.- Hiện thời ta sẽ tập những tư thế ha-tha-yôga đơn giản nhất, còn về việc tu dưỡng tâm hồn thì tự ông sẽ lo liệu lấy, khi nào ông ra viện...
- Xin vâng! - Batsana ngoan ngoãn cúi đầu.
- Ông có biết tư thế “hoa sen” không? Ít ra ông cũng có nghe nói đến chứ? Chắc ông đã thấy tượng phật ngồi rồi chứ? Chính kiểu ngồi đó gọi là tư thế “hoa sen” đấy.
- Tôi hiểu rồi...
- Nào, ta thử xem!... - Cô gái xắn tay áo và lật tấm chăn của Batsana, Batsana ngượng ngập, lúng túng dùng hai tay che tấm thân gần như trần trụi.
Không để ý đến Batsana, cô nói tiếp:
- Vậy thì thế này nhé: cầm lấy bàn chân phải và đưa nó về đùi bên trái...
Batsana ngoan ngoãn thực hiện chỉ dẫn của bác sĩ và chợt hiểu mình đã gầy đi bao nhiêu trong thời gian ốm: trước kia, ông không tài nào làm nổi động tác đó, dù có dọa giết chết ông đi nữa. Ông mừng rỡ vì cái cảm giác dễ dàng thoải mái trước nay chưa từng có.
- Giỏi lắm! - Cô gái khen. - Bây giờ cầm lấy bàn chân trái, luồn nó xuống dưới chân phải, đưa nó về bên phải, gác lên... cái gì nhỉ?
- Lên đùi...- Batsana nối lời bằng giọng của chú học trò chuyên cần và cố làm động tác cô gái bảo làm. Nhưng uổng công! Bàn chân phải mắc ở chỗ nào giữa chừng, ông cảm thấy đau nhói ở buồng gan và toàn thân đẫm mồ hôi.
- Đừng gắng quá! - Cô gái báo trước. - Nếu không làm được thì trở lại tư thế ban đầu!
Batsana nhanh nhẹn duỗi hai chân ra và thở phào nhẹ nhõm.
- Sao, đau à?
- Đau!
- Không sao, sẽ quen thôi, - Cô gái nói cho ông yên tâm. - Bây giờ nằm xuống và thư giãn cơ thể!
Batsana ngả người lên chiếc gối! Cô hướng dẫn viên sờ nắn cơ bắp ông và lắc đầu không hài lòng:
- Thả lỏng cơ bắp, thả lỏng cơ bắp. Không một chút căng thẳng! Tư thế của người chết ấy!
- Cô nói kỳ quá, cô gái thân mến ơi! Người ta mất bao nhiêu công sức mới làm ông ấy sống lại được, vậy mà cô muốn đưa ông ấy trở lại tình trạng người chết ư?! - Bulika kêu lên.
-  Ấn Độ và..., hatha-yôga tất nhiên là hay ho, con gái ta ạ, nhưng không còn cách luyện tập khác theo kiểu Cơ Đốc hay sao? - Cha Iôram xen vào.
- Cách luyện tập theo đạo Cơ đốc là cầu nguyện, mà chữa bệnh cho người chỉ bằng cầu nguyện thôi thì không được! - Cô hướng dẫn viên giận dỗi.
- Nhưng cầu nguyện mà không phải là thể dục à? Cô nhìn xem! - Và Bulika làm dấu chữ thập mấy lần, khoa rộng cả hai tay. - Thể dục buổi sáng!
- Tôi muốn nguyền rủa bác, kẻ chống Chúa Kitô, nhưng cũng chẳng cần đến những lời nguyền rủa của tôi thì bác cũng vẫn đang theo con đường xuống địa ngục đấy! - Cha Iôram thốt lên bằng giọng cáu kỉnh và quay mặt vào tường.
Cô gái đến giường Bulika.
- Mời cô!... Bulika dịch vào, dành một chỗ trên giường.
- Không cần, tôi đứng...- Cô gái bắt mạch Bulika. - Mạch của bác khá hơn.. Thử tập nhé?
- Bác sĩ ạ, tôi đã làm thử trong lúc cô bắt Batsana kính mến trở về tình trạng người chết... Không ăn thua... Vậy là tôi không thể ngồi theo tư thế “hoa sen” được đâu. Còn nếu cô không áp cái tai nhỏ nhắn xinh đẹp của cô vào tim tôi thì tôi sẽ giết chồng cô, rồi tôi vào tù! Như vậy còn dễ dàng hơn là làm “hoa sen”!
- Lần đầu tiên tôi gặp một phòng bệnh như thế này! Không phải là bệnh nhân nữa, mà là những người pha trò!... Ngày mai tôi sẽ điều một chị y sĩ tới, chị ấy sẽ làm việc với các ông!
- Miễn là cô đừng rời bỏ chúng tôi thì đừng nói tư thế “hoa sen”, ngay đến ngồi vào chảo nóng tôi cũng ngồi được! - Bulika hứa, nhưng cô hướng dẫn viên đã rời phòng bệnh, sập cửa lại.
- Thế mà bảo là người thực... - Bulika thở dài.
- Tất cả là một giấc chiêm bao...- Batsana nói thêm.
- Trong mắt người phụ nữ ấy, tôi nhìn thấy quỉ Xa-tăng! - Cha Iôram từ trước vẫn làm thinh, bỗng quay mặt về phía Batsana và Bulika. - Tôi nói thực với các ông: quỉ Xa-tăng cười trong mắt cô ta! - Nói đoạn, cha lại quay mặt vào tường.
* * *
Cô phụ trách hướng dẫn thể dục chữa bệnh vừa ra khỏi được năm phút thì chị y sĩ Giênya vào phòng bệnh, tay mang chiếc khay. Trên cái khay lót bông nõn trắng muốt có ba ống tiêm sáng loáng.
- Xin gửi lời chào của khoa tim! - Giênya đặt cái khay xuống bàn.
- Chào tâm đồ của trái tim Gruzya! - Bulika đáp lại.
- Có tin tức tốt lành chăng. Gieneska? Mắt chị ngời sáng thế kia kìa! - Batsana nói.
- Một tin chấn động! - Giênya vỗ tay vào tờ báo thòi ra ở túi áo choàng.
- Nào, thế thì hãy làm đã cơn khát cho những người bộ hành khốn khổ trong sa mạc đi! - Cha Iôram giơ hai tay về phía chị ta.
- Tiêm đã, rồi tin lạ sau! - Giênya nói bằng giọng dứt khoát. - Nào, chuẩn bị đi!
Cả ba cùng nhất loạt nằm úp sấp xuống và hất chăn ra. Giênya bắt đầu từ Batsana...
- Mi đừng bay lượn trên mình ta, con quạ đen kia ơi, ta đâu phải của mi! - Batsana vừa ngâm nga vừa xoa chỗ tiêm.
- Chị Giênya thân mến, cứ nhất thiết phải cắm ngập kim tiêm ư? - Cha Iôram hỏi, dùng một góc áo gối gạt nước mắt.
- Xin lỗi, tôi không lượng trước. - Giênya bối rối.
- Ôi, hỡi linh hồn Kitô giáo, tại sao sự lầm lẫn của chị lại xảy ra với chính tôi, chứ không phải với ai khác? Trong phòng bệnh thiếu chi người vô thần và chối Chúa?!
- Bằng sự nhẫn nại của cha... - Chị y sĩ khuyên giải cha đạo và đến chỗ Bulika.
- Cho xem kim đã! - Bulika rên rĩ.
- Đây, xem đi!
- Ối bà con ơi! - Bulika tru tréo lên. - Nếu đây là kim thì như thế nào mới gọi là dùi được kia chứ!
- Này thôi, ngày nào cũng phải mặc cả với ông, tôi mệt lắm rồi! Nằm xuống! - Giênya mắng.
- Ồ thì quýt làm cam chịu, nhẽ nào mà chả vậy!... Chính cô nằm xuống đi! Để tôi xem cô sẽ cất tiếng hát ra sao! Nào, nằm xuống đi?
- Khéo kẻo nghẹn thở đấy!
- Tôi sẽ không thốt lên một lời nào trái ý chị đâu! - Bulika tuyên bố và cắn chặt chiếc gối.
Giênya cắm ống tiêm như phóng chiếc giáo.
- Xong rồi chứ? - Bulika hỏi, khi Giênya bắt đầu xoa chỗ tiêm.
- Xong!...
- Tôi thật là thằng đần! Tôi nên học nghề y mới phải! Tôi kém gì những kẻ khác? - Bulika rên rỉ.
Giênya đi ra cửa.
- Thế còn tin chấn động dư luận? - Cha Iôram gào to.
Giênya ném tờ báo lên giường cha đạo. Ông vồ lấy tờ báo, tìm kính. Sốt ruột, Batsana ném cho ông kính của mình.
- Kính của tôi cũng dương ba. Đọc lên, cha!
- Cám ơn! - Iôram bắt đầu từ trang cuối. - Hừm, đội “Dinamô” của chúng ta thua “ Ararat”!
- Tin chấn động chỉ là thế thôi à? - Bulika xua tay - Tôi cũng thừa biết đội ta sẽ thua!
- Tỷ số? - Batsana hỏi.
- Hai - không. - Cha Iôram vừa đáp vừa bỏ kính.
- Bọn “Ararat” đến làm tôi phát điên lên mất! - Bulika vỗ tay lên trán. - Suốt năm nó chỉ chuẩn bị để thắng chúng ta! Thua kẻ khác nó cóc cần!
- Mà chơi với đội “Ararat” thì đội ta bao giờ cũng giữ thế mandragiơ! - Cha Iôram buột miệng nói.
- Hoan hô, cha! Cha học được ở đâu cái tiếng ấy đấy? - Bulika ngạc nhiên.
- “Nhưng tất cả chúng ta đều là người, đều do thế giới này sinh ra...”. - Cha Iôram viện dẫn Nikôlôdơ Baratasvili [30] để bênh vực cho mình.
- Tôi mà được tùy quyền quyết định thì tôi sẽ thành lập đội bóng của chúng ta chỉ gồm toàn các cầu thủ người Acmêni ở Tbilixi... Các ông biết đấy, họ thật là cừ khôi! Họ sẽ cho đội “Ararat” nếm mùi cay đắng... - Bulika mơ ước.
- Cha ạ, giở các trang khác xem, chứ tin tức bóng đá thì có gì là lạ? - Batsana nói.
Iôram mở tờ báo, tìm đến trang nhất và sững sờ.
- Tôi không tin! - Ông kêu lên và ném cho Batsana tờ báo cùng với kính.
- Chuyện gì mà cha không tin? - Batsana vừa đeo kính vừa hỏi lại. - Không có lẽ! - Ông cũng buột miệng kêu lên.
- Cái gì mà “không có lẽ”? Chiến tranh ư?! - Bulika sợ hãi hỏi.
- Nêbiêritzê bị cách chức! - Batsana nói, chúi mũi vào tờ báo.
- Nêbiêritzê á? Chính cái gã... - Mắt Bulika trợn ngược lên vì ngạc nhiên.
- Chính hắn..
- Chà - à... - Bulika băn khoăn lắc đầu. - Bây giờ người của hắn sẽ trượt như vũ ba lê trên băng...
- Thú thật là tôi không ngờ... - Đọc xong tờ báo, Batsana trầm ngâm thốt lên và đặt tờ báo sang bên.
- Lạ thật!... Mới hôm qua hắn còn... Thế mà bỗng nhiên... Đến là khó hiểu! Tôi không thể tin được! - Cha Iôram nói.
- Bị cách chức hay được giải phóng? [31] - Bulika hỏi.
- Gôghilasvili, bị cách chức hay được giải phóng thì có khác gì nhau? Cái chính là trước đây có nhân vật ấy, bây giờ không còn nhân vật ấy nữa? - Iôram nhún vai.
- Sao lại không khác gì là thế nào? - Bulika quay về phía cha đạo. - Thế nào là giải phóng? Như vậy nghĩa là người đó sống gay go, bị chèn ép... Có người nào đó ra tay cứu giúp, giải phóng cho... Ví dụ như châu Phi chẳng hạn... Nhân dân ở đấy gặp tai nạn, cần giải phóng cho họ!... Còn thế nào là cách chức? Ây là khi một kẻ ngồi lỳ trong chiếc ghế bành, bỗng nhiên bị tháo đi như tháo chiếc bu lông, hay bị bắt đi như nhổ chiếc đinh... Rõ chưa?
- Ở đây viết là “được giải phóng” - Batsana nói.
- Như vậy nghĩa là anh ta lâm vào cảnh ngộ gay go và đã được người ta giải thoát cho.
- Và việc này đã được chuyển sang viện kiểm sát...- Batsana bổ sung.
- Tại sao vậy chứ? - Bulika ngạc nhiên.
- Vì không thi hành những biện pháp chống hối lộ và tham nhũng, vì thói bao che, không quan tâm đến sự khiếu tố của những người lao động.
- Khoan, khoan, trong tất cả những cái đó, chỉ mình Nêbiêritzê có lỗi thôi ư?
- Tạm thời là như thế?
- Nêbiêritzê giỏi lắm! Té ra y làm việc rất cừ! Thế còn tất cả những người khác. Không có mắt hay sao, báo không viết gì về điều đó à?
- Thế bản thân bác thì mắt để đi đâu? - Cha Iôram hỏi Bulika.
- Cha hỏi tôi đấy à? - Bulika ngạc nhiên.
- Chính thế, hỏi bác đấy! Bác là giai cấp công nhân. Bác ở đâu, nghĩ đến chuyện gì khi kẻ khác làm những việc xấu như vậy?
- Cha thật dốt nát về chính trị, cha ạ. Thứ nhất, tôi không phải là giai cấp công nhân, mà là thợ tiểu thủ công, thứ hai việc của tôi là chữa những đôi giầy của cha đã bị mòn vẹt trong phòng khách của Nêbiêritzê...
- Này, chuyện đó chẳng dính líu gì đến tôi cả. - Cha Iôram rũ trách nhiệm. - Nêbiêritzê là giáo chủ của các ông chứ, ơn nhờ Chúa, tôi có chúa tể của tôi!
- Thế cha vẫn làm lễ rửa tội cho con cái các ngài tai mắt, kiếm tiền bằng cách đó thì sao, vậy là không can gì à?
- Bác ngu ngốc quá, Gôghilasvili ạ! Đấy là để làm vừa lòng Chúa mà thôi! Nếu tôi rửa tội được cho tất cả những người cộng sản thì sang thế giới bên kia tôi sẽ ngự ngay bên cạnh thượng đẳng thiên thần!
- Thôi được, cứ cho là việc trần thế không dính líu gì đến các cha đạo đi... Nhưng còn các ông, thưa ông Batsana? Các ông ở đâu, mắt các ông nhìn đi đâu? - Bulika chuyển sang tấn công nhà văn.
- Các ông là ai? - Batsana giả ngây giả ngô.
- Các ông, nhà văn các ông chứ còn ai.
- Chúng tôi ấy à?... Chúng tôi... Chúng tôi ở đâu ư? - Batsana tuồng như mất trí nhớ. “Chẳng lẽ chúng ta lâu nay vẫn khoanh tay ngồi yên ư?” - ông tự hỏi, và không nhớ được điều gì đáng yên lòng, ông nói bằng giọng hối tiếc: - Bulika thân mến, chúng tôi ngồi bên cạnh bác, chữa chính loại giầy cũ nát ấy...
- Đúng thế đấy! - Bulika mừng rỡ. - Bây giờ xin ông cho biết, hắn ta sẽ ra sao?
- Sẽ bị trừng phạt, hẳn là thế...
- Vì lẽ gì?
- Vì lẽ gì thì tôi nói rồi...
- Như vậy thì suy ra là hắn chẳng hiểu gì, chẳng biết gì mà vẫn cứ lãnh đạo công việc ư?
- Phải.
- Suy ra như thế hay đúng là thế? - Bulika chưa chịu thôi.
- Đúng thế!
- Vậy thì bây giờ xin hãy nghe tôi nói. Nếu tất cả những điều đó đúng như vậy thì còn nên khen thưởng hắn, trả lương hưu cao cho hắn, hôn vào cả hai má hắn và để hắn yên ổn ra về, bắt tay hắn thật thắm thiết lúc từ biệt là đằng khác!
- Hắn có công lao gì?
- Công lao gì là thế nào? - Bulika ngồi dậy trong giường. - Chẳng hạn, ông là nhà văn, tổng biên tập, Batsana Ramisvili đáng kính. Ông thậm chí không biết rõ đâu là hướng bắc, đâu là hướng nam, trong đời ông chưa hề thấy biển, thấy tàu thủy... Đột nhiên người ta gọi ông đến và bảo: “Đồng chí Ramisvili, chúng tôi trao cho đồng chí chiếc tàu thủy cùng với đội chạy tàu, hành khách, tài sản và mọi thứ khác. Chúng tôi cử đồng chí làm thuyền trưởng! Hãy nhận lấy con tầu và đưa tầu từ Ôđexxa về Arkhanghenxk...”. Thế rồi ông khởi hành... Tàu đi một ngày, rồi ngày thứ hai, ngày thứ ba... Con tàu chòng chành, quăng vật người đi tàu từ thành bên này sang thành bên kia, có những người đã nôn thốc nôn tháo... Rút cuộc, bằng cách này hay cách khác, trên con tàu đã gần vỡ nát, ông vẫn đến được Arkhanghenxk... Bây giờ tôi hỏi ông: ông là một người dốt đặc về nghề hàng hải, vậy mà ông không đánh chìm tàu, vẫn đưa được tàu đến nơi quy định, như thế ông lại không đáng khen thưởng sao? Đáng quá đi chứ! - Bulika trả lời câu hỏi do chính mình đặt ra.
Batsana phì cười.
- Thưa cha, cha hãy hỏi xem ông ấy cười gì? - Bulika nói với Iôram.
- Bác nói có lý, có lý lắm, Bulika ạ! Nhưng cái tên ngu dốt ấy của bác, khi được cử làm thuyền trưởng, đáng ra hắn phải từ chối, phải nói rằng hắn chẳng hiểu mô tê gì về công việc này chứ!
- Có thể hắn cũng có nói, nhưng người ta không nghe thì sao? Người ta bảo hắn: cứ nhận đi, rồi chúng tôi sẽ giúp đỡ... Thế là hắn bắt tay vào việc. Vả chăng, ông biết đấy, không dễ gì từ chối khi người ta mời anh làm thuyền trưởng. Nhất là người thuyền trưởng trước anh cũng chẳng lấy gì làm tài giỏi như Nenxơn... Thế trong bọn nhà văn các ông chẳng lẽ không có tình trạng như vậy sao? - Bulika đặt câu hỏi với Batsana.
- Rủi thay, chuyện ấy vẫn có, mà không phải là hiếm, - Batsana đồng ý.
- Vậy thì kết luận ra sao?
- Kết luận là mỗi người phải làm đúng việc của mình. Chẳng thế mà Ruxtavêli đại phước đã nói: “Những gì số phận ban cho ta đều là nguồn an ủi. Người lao động hãy cứ làm lụng, người chiến binh cứ chém giết nơi chiến địa”. - Cha Iôram đọc với vẻ sùng kính.
- Thưa cha Iôram kính mến, xin cha cắt tóc đi và cải theo đạo của chúng tôi, hẳn cha sẽ thành người cộng sản tốt! - Batsana khuyên bằng giọng bông đùa.
- Theo đạo nào? Theo chủ nghĩa cộng sản ấy à? - Linh mục khiếp sợ. - Theo đuổi những khoái lạc trần tục, chối bỏ chúa trời ư?! Ồ không, xin miễn!...
- À... thì ra cha chẳng hiểu tý gì về chủ nghĩa cộng sản cả, cha ạ: Chủ nghĩa cộng sản chính là những điều cha vừa hạ cố nói lên bằng lời Ruxtavêli! Chủ nghĩa cộng sản là đỉnh cao phồn vinh chót vời của nhân loại, là thời kỳ mà mỗi người có thể làm công việc mình có khả năng nhất, thích hợp nhất với khả năng và năng lực thể chất và trí tuệ của mình, đem lại cho mình niềm thích thú thực sự về tinh thần, hay có thể nói là về phần hồn!... Những người cộng sản chúng tôi đã đọc Phúc âm của các vị. Các vị cũng nên đọc Phúc âm của chúng tôi ít nhất lấy một lần, điều đó không có hại cho các vị đâu, tôi xin thề trước Đức Chúa của các vị!... Còn việc chăm lo đến những phúc lợi vật chất, đến cái dạ dày, theo như cách nói của cha... Ồ vâng... Cha nói đúng! Chúng tôi sẽ vẫn chăm lo đến điều đó! Con người trước hết phải được bảo đảm về mặt vật chất! Cần phải như thế để cho những dự định, lực lượng tinh thần, tài năng và nguyện vọng của con người không phải dồn vào việc kiếm miếng ăn hàng ngày, mà nhằm đạt tới những mục đích cao cả hơn, quan trọng và đáng quý hơn! Chúng tôi khẳng định lao động tự do và hòa bình trên trái đất, chứ không phải là sự cạnh tranh, ghen ghét lẫn nhau giữa người với người và sự đổ máu! Muốn vậy cần làm cho con người được no đủ, cha ạ!... Học thuyết của chúng tôi, tôn giáo của chúng tôi là thế đấy! Chúa của chúng tôi là Chúa nơi cõi trần, có thực, chứ không phải là bay lượn trên các tầng trời, - Batsana dứt lời, và đè nén sự xúc động tràn ngập trong lòng, ông quay mặt vào tường.
Cha Iôram lặng thinh, không dám tiếp tục cuộc tranh cãi.
- Thôi được, Chúa sẽ nghe thấy lời ông, ông Batsana kính mến ạ! - Cha nói khẽ và cũng quay mặt vào tường. Rồi không nén được, cha nói thêm: - Mà này, ông có thể trở thành một linh mục khá đấy!
Buổi chiều, Xvêta, vợ Bulika đến thăm chồng, khệ nệ mang theo vô số thực phẩm. Chị niềm nở chào hỏi mọi người, chia quà cho từng người, rồi vén tấm chăn, nhũn nhặn ngồi ghé vào một chỗ đằng chân Bulika.
- Mình thấy trong người thế nào, azix? [32] - Chị hỏi, vui mừng hớn hở và tự hào về chồng.
- Như sư tử! - Bulika trả lời, và để chứng thực điều vừa nói, bác bẻ một đùi của con gà luộc, cắm ngập răng vào cái đùi gà và trong nháy mắt, đưa cho vợ cái xương đã gặm sạch trơn.
- Chết nghẹn mất, quỷ ạ! - Chị sợ hãi.
- Yên trí! - Bulika bẻ nốt cái đùi kia và nói tiếp, mồm đầy thức ăn! - Này, ông thấy tôi có người vợ như thế nào chứ, thưa ông Batsana?
- Tuyệt vời!
- Ông có thấy trong số phụ nữ Acmêni có người nào đẹp như thế chưa?
- Chưa từng thấy...
- Bởi vì vợ tôi là người đẹp duy nhất!
- Tất nhiên!... Thì ông bạn của chúng tôi cũng là một người đàn ông đẹp trai mà... - Cha Iôram mỉm cười mỉa mai.
- Giá mà các ông được thấy người tình của tôi!... Nàng mới thực là trang tuyệt sắc! - Bulika nháy mắt với vợ.
- Rõ bẻm mép, khốn khổ thân ông... - bà vợ nhăn mặt.
- Các con đâu? Sao chúng nó không vào thăm bố?! - Bulika hỏi, vờ làm ra vẻ nghiêm khắc.
- Chúng nó còn ở đâu nữa, Aptanđin-gian? Hôm nay là thứ bảy mà, Nêxxtan đi học tiếng Anh, Tarien đi học piano.
Bulika làm bộ quan trọng.
- Con bé nhà tôi lớn lên có thể làm bộ trưởng ngoại giao, ông Batsana kính mến ạ! Nó có nói được tiếng Acmêni không? Có! - Bulia bắt đầu gập từng ngón tay lại. - Nó có biết nói tiếng Gruzya không? Đương nhiên! Nó đang học tiếng Anh chứ gì? Đang học! Ở trường có dạy tiếng Pháp không? Có! Nó còn đang học ít nhiều tiếng Kurdơ, do Gơvantxa, con gái người quét sân khu nhà chúng tôi dạy cho... bây giờ xin cho biết, có bộ trưởng nào của chúng ta biết năm thứ tiếng không? Trả lời đi, cha!
- Con gái bác thật giỏi giang, cầu Chúa ban sức khỏe cho cô bé!
- Thế còn thằng bé? Paganini!
- Paganini chơi viôlong, azix ạ, còn thằng bé nhà ta chơi pianô. - Xvêta chữa lại, hổ thẹn vì sự dốt nát của chồng.
- Đừng có dạy khôn! Tôi thừa biết ai chơi nhạc cụ gì! Paganini là lý tưởng của tôi! Hiểu chưa? Rồi tôi sẽ chuyển thằng bé sang học viôlông! Đằng nào cũng phải trả tiền, học môn gì mà chả thế? Mình nghĩ sao?
- Tùy mình thôi, azix ạ, mình muốn làm thế nào thì làm, nhưng đừng nổi nóng, vì Chúa!... Giáo sư bảo rằng một tuần nữa sẽ chữa cho mình khỏi hẳn, tuần sau nữa sẽ cho mình về nhà. Miễn là ông ấy phải nghe lời chúng tôi, giáo sư nói như vậy.
- Tôi mà không nghe lời ư? Tôi uống tất cả các thứ thuốc cho uống, tiêm đủ các mũi... Này xem, họ biến mông tôi thành cái gì... - Bulika lật phắt chăn ra...
- Đắp vào, thật không biết xấu hổ! - Xvêta cuống quít. - Ở nhà ông ấy cũng thô lỗ như vậy đấy, các ông thứ lỗi, vì Chúa...
- Cớ gì mà phải xin lỗi, tất cả chúng tôi đều cùng chung một cảnh như thế cả thôi! - Batsana nói cho chị ta yên tâm.
- Hơn nữa, mình yêu quý của tôi ạ, giáo sư chưa biết đấy, chứ tôi đã đi lại được từ lâu rồi. Đây này! - Bulika buông đôi chân trần xuống sàn và vênh vang đi trong phòng mấy lần. - Nào, tôi còn phải làm gì nữa? - Ông ta nhìn quanh. - Xvêta, đứng lên!
Người đàn bà ngạc nhiên, đứng lên. Bulika ôm ngang lưng vợ.
- Ấy chớ! Chớ có liều! Buông ngay chị ấy ra! - Cha Iôram kêu lên, nhưng muộn rồi. Bulika bế xốc vợ lên, hôn vào cổ vợ một cách thèm thuồng. Xvêta kêu lên vì bất ngờ, chị ngượng đỏ mặt, Bulika còn tung vợ lên mấy lần, rồi đặt về chỗ cũ.
- Thấy chưa? - Bác ta kêu lên vui vẻ. - Xvêta, mang quần áo đến cho tôi, ngày mai tôi sẽ rời khỏi đây! Tôi nằm ườn mãi trên giường đủ rồi!
Bulika ngồi xuống mép giường. Bác thở hồng hộc, nhưng mặt rạng rỡ vui sướng.
- Bác làm cái trò dại dột gì thế, đồ ngốc! - Cha Iôram giận dỗi thốt lên. Bulika xem mạch mình. Bác đăm chiêu im lặng một lúc, rồi mỉm cười hể hả:
- Ổn rồi! Thế là chấm dứt cái bệnh nhồi máu cơ tim! Cuộc sống muôn năm! - Và bác ôm lấy vợ.
- Này thôi đi! Phải nể người khác chứ! - Xvêta vùng ra khỏi vòng tay của chồng và bắt đầu sửa lại tóc.
Cha Iôram và Batsana giữ ý ngoảnh mặt đi.
- Hình như mình nặng hơn bình thường! Hay hớm cái nỗi gì, hả? Coi chừng đấy! - Bulika cau mày và giơ tay dọa Xvêta, nhưng lập tức nháy mắt với vợ.
- Lạy Chúa tôi! Xin hãy làm cho tai con và lưỡi ông ấy héo rụng đi. - Cuối cùng, người phụ nữ ngượng ngùng, vung hai tay lên, Bulika phá lên cười và lớn tiếng gọi.
- Quay mặt lại đi, các vị, tấn hài kịch đã chấm dứt.
-------------
[30] Nhà thơ lãng mạn xuất sắc của Gruzya (1817-1845)
[31] Tiếng Nga “được giải phóng khỏi cương vị”... nghĩa là thôi giữ chức vụ nào đó. Ở đây phải dịch sát từng chữ, vì còn liên quan đến câu dưới. (N.D)
[32] Lối gọi âu yếm.

Chương 10


Mặt trời ngự trên chiếc giường màu trắng bạc. Đầu của vì tinh tú quấn cầu vồng bảy sắc. Gối trên sườn núi Kadơbêc tuyết phủ đời đời. Hai tay của mặt trời buông rũ xuống.
Mặt trời thở hổn hển.
Mặt trời vĩnh biệt cuộc sống.
Batsana. cha Iôram và Bulika quỳ gối, giơ hai tay về phía tinh cầu đang hấp hối, cầu van:
- Xin đừng bỏ chúng tôi, hỡi Mặt trời! Đừng chết, ơi Mặt trời vĩ đại!
Nước mắt họ tuôn chảy như những dòng sông sủi bọt trên sườn Kavkaxiôni, réo ầm vang như sấm, băng băng lao xuống phía dưới, nơi đất bằng chìm ngập trong sương mù màu trắng sữa.
Còn mặt trời nằm trên chiếc giường khổng lồ màu trắng bạc, và lắng nghe lời cầu khẩn của những người khóc nức nở ở đầu giường mình. Buổi sáng, mặt trời trỗi dậy ở phía trên Kavkaxiôni, lấy bộ dạng chững chạc và toan bay lên khoảng trời xanh thẳm thì bỗng cảm thấy đau nhói ở ngực... Nó quỳ một gối xuống, rồi quỳ một gối bên kia, tựa lưng vào sường núi Kadơbêc và cứ thế đờ ra.
Cả loài người khiếp sợ ngước nhìn thiên thể đang hấp hối. Người đổ ra đầy chật các đường phố và các cây cầu, các cánh đồng và các con đường, các ban công và mái nhà. Cành cây trĩu xuống và trẻ con trèo lên.
- Xin đừng rời bỏ chúng tôi, hỡi Thái Dương! - Loài người rên rỉ.
Nhưng tiếng người không đến được vì tinh tú hấp hối. Vì tinh tú chỉ thấy những cánh tay vươn về phía mình và những cặp mắt mở to vì sợ hãi.
- Họ lo lắng gì vậy? - Mặt trời thều thào.
- Họ van vỉ ngài đừng rời bỏ họ! - Batsana đáp qua tiếng nức nở.
- Muộn rồi... - Mặt trời thốt lên. Một mắt mặt trời đã tắt.
- Đừng đẩy chúng tôi vào chỗ chết, hỡi đấng ban sự sống! - Cha Iôram phủ phục xuống.
- Ngài khó ở thế nào, Ngài đau ở đâu? Xin cho chúng tôi biết, thưa vì Tinh tú! - Bulika khóc nức lên.
- Sự đau đớn của trái đất làm ta không yên, - Mặt trời nói. - Sự đau đớn của trái đất.
- Nhưng tất cả đều do quyền lực của Ngài: sự đau đớn và sự sống của trái đất! - Cha Iôram kêu lên.
- Trái đất là tim ta, nó và chỉ có nó sống và thở trong ta. Tất cả các cái khác là tế bào của ta, mọi bộ phận khác của ta đã bất lực, đã chết từ lâu... Chẳng lẽ các ngươi, những kẻ tôn sùng ta, các người không biết điều đó sao?
- Bản thân Ngài là ai, thưa đấng thiên thể? - Ngạc nhiên, Batsana hỏi.
- Ta là linh hồn rực cháy của những người đã an nghỉ trong tình yêu. Sự sống của ta được nuôi dường bằng linh hồn những người đã chết trong tình yêu... Hãy trả cho ta cuộc sống trong tình yêu, ta sẽ hồi sinh từ những người chết... Ta van các người, hỡi những con người, hãy cho ta sự sống được vun đắp bằng tình yêu của con người!... - Mặt trời thở gấp hơn, giãy giụa.
- Ôi, thiên thể! Đừng lìa bỏ chúng tôi, hãy thương chúng tôi! Chúng tôi sẽ yêu mến nhau và từ nay chúng tôi sẽ làm cho cái chết của mình thành tình yêu!... Chúng tôi sẽ đi - Aptanđin, cha Iôram và tôi sẽ nhân danh Ngài cầu xin mọi người trên trái đất trả lại tình yêu cho Ngài! Tôi tin nhân loại sẽ nghe tiếng gọi của Ngài, sẽ quên hận thù, sẽ gây trồng lại tình yêu trên trái đất!... Chỉ xin Ngài cho chúng tôi hạt giống và ban phước cho chúng tôi! - Batsana cầu khẩn.
Thế là mặt trời chạm bàn tay nóng rực của mình vào đầu Batsana, Batsana cảm thấy tình yêu thương muôn loài nhập vào cơ thể mình cùng một lúc với hơi ấm của mặt trời. Mặt trời giật nảy lên, duỗi dài ra lần cuối cùng và... tắt ngấm.
Bỗng nhiên Bulika gục vào ngực vầng thiên thể chưa nguội lạnh hẳn và khóc nức lên:
- Hãy đem tôi theo với, hỡi Mặt trời! Tôi không thể sống thiếu mặt trời!... Hãy đón nhận tôi vào lòng như đón nhận tình yêu!... Tôi van Ngài, Mặt trời!...
Batsanan và cha Iôram khiếp hãi thấy Bulika tan ra trên ngực thiên thể đã chết, bác chảy tràn ra thành những tia sáng và hòa nhập với Mặt trời chói lọi hào quang bảy sắc cầu vồng.
* * *
... Hai mươi thế kỷ trước khi Kitô ra đời và hai mươi thế kỷ nữa sau khi Chúa xuất hiện, Batsana và cha Iôram mang Mặt trời đã tắt đi khắp thế giới. Mắt đầy lệ nóng sôi, họ cầu xin loài người tình yêu và lòng nhân từ để trả lại thái dương cho bầu trời côi cút và trả lại ánh sáng cho trái đất bị bóng tối bao phủ. Nhân loại lặng ngắt, đầu để trần, tiễn đưa sự sống của mình - tức là Mặt trời - lên đoạn đường chót tới nghĩa trang của các thiên thể, bởi vì không tìm đâu ra trên trái đất một chỗ xứng đáng với Mặt trời... Rút cuộc, khi Batsana và cha Iôram đã đạt được mục đích và đặt Mặt trời vào cái hầm mộ bằng mây trắng như tuyết thì trên nền trời tối thẫm xuất hiện hai cái đĩa đen, một cái to khổng lồ, cái kia nhỏ xíu, để ý kĩ mới nhận thấy nó ẩn trong bóng của cái thứ nhất. Batsana nhận ra cái đĩa thứ nhất là Mặt trời đã tạ thế, còn cái kia là Bulika tan ra trên ngực mặt trời, tan ra vì tình yêu. Nhận ra Mặt trời và Bulika. Batsana khóc nức lên một cách chua xót.
- Người ơi, hãy yêu thương nhau! - Ông lớn tiếng gào và phủ phục xuống mặt đất đóng băng...
... Batsana không nhớ ông nằm như thế có lâu không. Khi ông cảm thấy làn hơi ấm khó nhận thấy, nhưng quen thuộc đến đau lòng chạm vào tay mình, ông nằm ngửa lên và nhìn lên trời bằng cặp mắt mờ lệ. Ông thấy vẫn cái đĩa tròn khổng lồ ấy, bây giờ đỏ như đồng. Cái đĩa tròn dần dần nóng sáng lên. Cả cái đĩa nhỏ xíu cũng đổi sang màu đỏ. Khi cái đĩa lớn chói rực đến cực độ, lại biến thành mặt trời và ngời sáng như trước trên nền trời, cái đĩa nhỏ tách khỏi bầu trời, như một thiên thạch sa xuống đất.
Trên trái đất, ngày đã đến. Mặt trời tỏa sáng trên Kapkaxiôni - hơi nhợt nhạt hơn, yếu hơn mọi khi, nhưng vẫn sung sướng và tười vui như trước. Mặt trời thở. Mặt trời sống.
- Cảm ơn thiên thể của tình yêu! Quang vinh thay cuộc sống! - Batsana thốt lên lời ca ngợi mặt trời... - Ông khóc và cười.
* * *
- Batsana!... Ông Batsana kính mến!... Tỉnh lại đi! - Sợ hãi, cha Iôram lắc Batsana.
Batsana bừng tỉnh. Trong giây lát, ông nằm mở to mắt, không hiểu mình đang ở đâu và có chuyện gì xảy ra với mình. Rồi khi đã định thần, ông ngồi dậy trên giường. Tim ông đập gấp. Mặt trời đã lên, nhưng trong phòng bệnh vẫn còn nhá nhem.
- Ông làm sao thế, Batsana kính mến? Suốt đêm ông vùng vẫy như điên, lúc khóc lúc cười... Hay ông mơ thấy điều gì chẳng lành?
Batsana dụi mắt và mỉm cười ngây ngô. Iôram trở về giường, nằm xuống.
- Tôi nằm mơ, thưa cha Iôram, và mơ thấy một việc mà ngay chính Kôpernic có lẽ cũng phải ghen với tôi...
- Ông mơ thấy gì!
- Sự diệt vong của Mặt trời!
- Cái gì?! - Iôram tưởng đâu mình nghe nhầm.
- Tôi mơ thấy Mặt trời của chúng ta băng... và cha có biết những ai khóc Mặt trời không?
- Ai?
- Tôi, cha và Bulika... Ngoài ra không còn ai nữa...
Suốt một giờ, cha Iôram nghe Batsana, không ngắt lời. mãi đến khi Batsana nhắc lại lời Mặt trời nói, cha Iôram mới làm dấu một cách cuồng nhiệt. Rồi ông lót hai tay dưới đầu và đăm đăm nhìn lên trần, vẻ trầm ngâm.
- Ông mơ thấy một giấc mơ tiên tri, Batsana kính mến ạ! - Linh mục thốt lên sau một lúc im lặng dài.
- Lần thứ hai! - Batsana đồng ý.
Im lặng. Bỗng nhiên cha Iôram bật dậy khỏi giường và rón rén tới gần giường Bulika.
Bulika nằm mở mắt, tái nhợt và bình thản.
- Aptanđin! - Cha Iôram khẽ gọi.
Batsana ngạc nhiên: từ khi Bulika yêu cầu đừng gọi bác ta là Aptađin, không một lần nào họ gọi bác ta bằng cái tên ấy nữa. Tại sao lúc này cha đạo lại cần đến cái tên ấy.
- Aptanđin! - Cha Iôram gọi lần nữa to hơn.
- Đừng đánh thức bác ấy, cứ để bác ấy ngủ... Tôi sẽ thuật lại cho bác ấy sau - Batsana nói.
- Aptanđin! - Iôram lay Bulika.
- Bác ta ngủ say lì! - Batsana nói.
- Vâng, say lì... Cả ông cũng ngủ đi! Quay mặt vào tường và ngủ đi.
- Bây giờ còn ngủ gì nữa!
- Tôi bảo ông lập tức quay mặt vào tường và ngủ đi! - Linh mục ra lệnh, rồi tay run run, thận trọng vuốt khuôn mặt lạnh ngắt của Bulika từ trên xuống dưới.
- Có chuyện gì thế, cha Iôram? - Batsana hỏi, giọng lạc hẳn đi, và một nỗi ngờ vực khủng khiếp khiến hai thái dương ông bốc nóng bừng bừng.
- Giấc chiêm bao của ông đã thành sự thực... Mặt trời đã thăng hà!...
Cha Iôram mở cửa phòng bệnh...
Batsana chùm chăn kín đầu, úp mặt vào gối và cắn chặt lấy chiếc gối, cố nén tiếng khóc rống cuộn lên trong cổ họng.
 - Lạ thật, người chết mở mắt sao mà giống căn nhà bị rời bỏ mà chủ nhân quên đóng các cửa sổ... - Cha Iôram nói, khi thi hài Bulika đã được đưa ra ngoài.

Chương 11


Gần hiệu thuốc ở phố Mêlikisvili, một nhóm thanh niên Vêre [33] đã chuếnh choáng say đang tranh cãi náo nhiệt.
Cuộc tranh cãi bắt đầu từ khasi [34]. Taiska chứng minh rằng khasi là thành tựu vĩ đại của nhân loại trong việc tìm kiếm những thứ làm giã rượu. Kôka và Kôpic ủng hộ anh ta. Kôpaka thiên về trà không có đường, Batsana chỉ thừa nhận chỉ có “borgiômi” [35], Borđơzêna thích “Nabêglavi” hơn [36]. Còn Đatikô thì thích cô-nhắc và axpirin hơn. Sau khi kiểm phiếu chính thức, đương nhiên Tsiska giành được thắng lợi, tuy mỗi người tham gia bỏ phiếu vẫn giứ ý kiến của mình. Tuy nhiên, còn một nhóm nữa cả quyết rằng phương tiện duy nhất triệt để làm giã rượu là tắm nước lưu huỳnh. Nhóm này không tham gia bỏ phiếu, vì họ chiếm đa số tuyệt đối và ở ngoài vòng đua tranh, vả chăng họ không thể tham gia bỏ phiếu được vì trung thành đến cùng niềm tin của mình, lúc này họ đang ở nơi họ cần có mặt: các nhà tắm nước lưu huỳnh.
Cuộc tranh cãi chuyển sang rượu vang, nhưng không lâu: địa vị đứng đầu được nhất trí tặng cho con số tám hồng phúc [37]. Tiếp đó, cố nhiên họ đề cập tới các vấn đề chính trị. Không đạt được sự nhất trí hoàn toàn, nhưng cuối cùng vẫn sắp xếp được ổn thỏa vị trí của các nhà chính trị và các tướng lĩnh hiện đang còn sống.
Sau chính trị đến bóng đá. Đến đây thì xuôi thuận cả. Trên toàn thế giới, chỉ có một người duy nhất đáp ứng được những đòi hỏi về thể thao và đạo đức của thanh niên Vêre: đó là Bôrin Paitsatzê [38]. Họ cũng bàn cả về nghệ thuật: vẫn như mọi khi, ở đây uy tín của Berdơzêna thắng thế: vòng hoa nguyệt quế của người chiến thắng dành cho Sôta Ruxtavêli và Mikenlănggiêlô mà Berdơzêna gọi một cách trìu mến là Mikêla.
... Khi con gái của người bán dầu hỏa ở Vêre, cô Apônlôna Kapgiaxatzê Guranđa, một cô gái có cái cổ thiên nga và cặp đùi cao mĩ miều, đi qua trước mặt những người tham gia tranh cãi, làm cho linh hồn tội lỗi của họ bàng hoàng thì cuộc tranh cãi có chiều hướng di truyền học.
- Đấy kìa, thế này thì cứ phủ nhận vai trò của gien đi xem nào. - Tsiska reo lên bằng giọng thán phục, - Nhìn xem, có kém gì con giâyran [39] không?! Con cô ta sau này sẽ xinh đẹp biết nhường nào!
- Gien với giếc quái gì! Cứ cho tớ quần, giày dép và ăn uống như cô ta thì chính tớ cũng thành một anh chàng xinh trai! - Bằng một cái búng khéo léo, Kôpic bắn mẩu dưa chuột vào thúng rác.
- Ờ, đu-úng, cô gái quả là khớ! Con nhà nòi! - Berđơzêna trở lại đề tài chính. - Chỉ tiếc là người cô ta có mùi dầu hỏa...
- Chẳng hiểu ai đã nhận các cậu vào đại học nhỉ?! Các cậu đần độn thật! Chẳng lẽ cho đến giờ các cậu vẫn không hiểu là chẳng có gien, nòi giống và chủng tộc gì hết ư? Mọi người đều bình đẳng, còn sự đào luyện con người tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và sự giáo dục! Lý thuyết chúng tộc đã đưa Hitle vào con đường diệt vong, vậy mà vì cô gái đẹp Guranđa kia, cậu lại muốn trở lại thuyết ấy ư? - Kôka nói bằng giọng dạy đời.
- Ai cũng từng nói như thế nhỉ? Công tước Amirêgibi [40]. Thật đáng xấu hổ, Kôka ạ. - Tsiska buồn rầu lắc đầu.
- Tớ cóc cần Amirêgibi! Tớ là người duy vật!
- Cậu không phải là người duy vật, cậu là kẻ hám rượu! Thế đấy! - Tsiska nói và giật điếu thuốc lá của Kôka.
- Các cậu nói những chuyện dớ dẩn làm gì thế! - Batsana bỗng bật lò xo. - Tớ giống bố tớ, bố tớ giống bố của bố tớ, ông tớ giống ông của ông tớ, đấy không phải là gen ư? Điều đó không phải là nói về nòi giống của tớ ư?!
- Có, nhưng còn tùy theo nòi giống thế nào chứ! - Kôpaka cười khúc khích.
Ai thì chẳng rõ, chứ Kôpaka [41] thì không thể bảo là cậu ta không phải con dòng cháu giống. Kôpaka giống như đúc chân dung Ghêorghi Xaakatzê [42] in trên sách giáo khoa lịch sử Gruzya. Thân hình lực sĩ, vai rộng hiên ngang, hai mũi nở phồng như mũi con ngựa đua Ả-rập, mắt rất to, Kôpaka chưa hề thấy có ai địch nổi mình về khoản đấm đá, tính từ Vêra cho tới tận Naptơguli.
- Phủ nhận gene là hợp ý những kẻ vô tông tộc hơn ai hết! - Tsika tuyên bố.
- Vậy ra tớ và Koplic là những kẻ vô tông tộc à? Ý các cậu là như thế phải không? - Kôka mếch lòng.
- Sao, cậu hóa điên rồi chắc? Chính cậu chứng minh rằng không có chủng tộc, gene và dòng giống gì hết, thế mà bây giờ cậu lại hằm hè với chúng tớ à?! - Kôpaka xạc anh chàng.
- Thôi đừng nhao nhao lên nữa! Giáo sư Imêdasvili đang đi kia kìa, ta sẽ hỏi giáo sư! - Berđơzêna vỗ về những người đang tranh cãi.
- Nhưng ai sẽ hỏi? - Kôplic thắc mắc.
- Kôpaka. Cậu ấy là người dòng dõi nhất trong chúng ta! - Batsana châm chọc.
- Sao lại tớ? Để Berđơzêna hỏi! - Kôpaka từ chối dứt khoát.
- Không! Tớ nhường cái vinh dự ấy cho Tsiska. Xin thêm là cậu ấy nom rất giống một sinh viên chuyên cần! - Berđơzêna thoái thác.
- Được, tớ đồng ý! - Tsiska tách khỏi nhóm và chuẩn bị tới gặp giáo sư, ông đi thong thả, chiếc cặp màu đen cắp dưới nách.
Giáo sư đi qua chỗ mấy chàng thanh niên, thậm chí không để ý gì đén họ. Tsiska chạy tắt ngang tới gặp ông và kính cẩn chào:
- Kính chào giáo sư!
- Chào anh! - Giáo sư đáp.
- Xin giáo sư thứ lỗi... Chúng em tranh cãi về một vấn đề và chúng em muốn biết ý kiến giáo sư...
- Sao lại thế... Ngay ở đây, giữa đường phố thế này ư? - Giáo sư bối rối nhìn quanh và sửa lại kính.
- Xin mời giáo sư lại đây! - Tsiska khoác tay giáo sư và dẫn tới gần các bạn. Các bạn anh lễ phép dãn ra, nhường cho giáo sư một chỗ bên bức tường đã tróc hết lớp trát.
- Tôi nghe các anh đây! - Giáo sư chuyển cái cặp từ tay nọ sang tay kia.
- Dạ, thưa giáo sư Ectime Nikôlaiêvits, - Kôplic mở đầu. - Ở đây chúng em vừa tranh cãi về việc có gene, có dòng giống không, có thể nói là như vậy. Tsiska bảo rằng...
- Ai? - Giáo sư hỏi lại.
- Tsiska!
- Là cái gì vậy?
- Tsiska là anh này đây ạ! - Kôplic đặt tay lên vai bạn. - Tên cậu ấy là Đavit, chúng em gọi cậu ấy là Tsiska.
- Hiểu rồi. Thế Tsiska nói sao?
- Cậu ấy và Kôpaka bảo rằng...
- Kôpaka là ai vậy?
- Anh này ạ!
- Trong giấy chứng minh cũng ghi là Kôpaka à?
- Dạ không, trong giấy chứng minh cậu ấy tên là Tenghix! - Berđơzêna đáp.
- Còn đây là ai?
- Đây là Berđơzêna.
- Người Hi lạp à? [43]
- Không ạ, người Guzya! [44]
- Sao?
- Người Gruzya.
- Tên anh là gì?
- Mêráp.
- Còn anh?
- Kôplic.
- Ơn trời, cuối cùng tôi đã nghe thấy những tên bình thường!... Vậy anh cần gì, Kôplic?
- Em bảo rằng... Họ bảo rằng trong thiên nhiên có gen và nòi giống, còn em và Kôka...
- A - ha, lại còn cả Kôka nữa ư? Có nước hay khan? [45] - Giáo sư hỏi và phá lên cười vì câu nói đùa của mình. Cả các chàng trai cũng cười phá lên, họ thích thú vì đã làm cho giáo sư vui.
- Vậy là anh và Kôka cho rằng có chủng tộc và có gene. Đúng không?
- Đúng thế ạ! - Kôplic gật đầu.
- Các anh nói đúng!... Lý thuyết chủng tộc là phản khoa học, phản động. Đấy là lý thuyết phát xít. Còn về di truyền học nghiên cứu tính di truyền và biến dị của các cơ thể thì ở đây vấn đề có hơi khác...
- Xin lỗi giáo sư, - Berđơzêna ngắt lời ông. - Thế còn những động vật giống thì sao? Người ta vẫn gây những giống ngựa tốt nhất kia mà? Ở vườn hoa Alêcxanđrơ của chúng ta đấy, người ta tổ chức những cuộc triển lãm đặc biệt những con chó nòi, tặng huy chương cho chúng nữa kia!
- Anh tên là gì?
- Mêrap!
- Này, anh bạn Berđơzêna thân mến ạ, suốt nhiều thế kỷ, bằng con đường chọn lọc tự nhiên, trong giới động vật...
- Thế con người không phải là một động vật xã hội à? - Tsiska không để cho giáo sư nói nốt. - Trong nông nghiệp chẳng phải là chúng ta vẫn chọn giống, lai giống, gây giống mới đấy ư. - Các bạn trẻ ơi, sao các bạn cứ như cái radio, chỉ biết nói, không biết nghe vậy?! - Giáo sư giơ hai tay lên và buông rơi chiếc cặp.
Batsana từ nãy vẫn im lặng, liền nhanh nhẹn nhặt cái cặp lên, luồn nó vào nách ông và nói một cách nhũn nhặn:
- Kính thưa giáo sư, xin cho nghe ý kiến của thày...
- À-à... tên anh là gì nhỉ?
- Batsana.
- Thế này nhé, hỡi tất cả các chàng Batsana, Kôka, Kôplic, Berđơzêna, Tsiska và Kôpaka thân mến của tôi, những vấn đề như thế người ta không giải quyết ở đường phố... Xin mời đến giảng đường của tôi, từ năm đến sáu giờ, hoặc đến nhà, từ mười giờ tối đến sáng, chúng ta sẽ thảo luận, lâu bao nhiêu tùy ý các bạn. Bằng lòng chứ? - Giáo sư hỏi những chàng trai đang ngơ ngác.
- Nếu có thể được, chúng em sẽ đến nhà giáo sư, - Batsana đáp.
- Thế thì nhất!
- Người ta có cho chúng em vào không ạ? - Kôplic hỏi, liếc nhìn đôi giày cao cổ của mình.
- Tất nhiên! Chỉ cần các anh xưng tên: chúng tôi là các thanh niên Vêre đến gặp giáo sư.
- Tạm biệt, thưa giáo sư kính mến! - Tsiska chào chia tay.
- Chúc các bạn khỏe mạnh! - Giáo sư nhích chiếc mũ phớt lên một chút và tiếp tục đi đường mình. Đám thanh niên cúi đầu tỏ ý kính trọng.
- Ông ấy là người tốt, đáng tiếc lại là giáo sư! - Tsiska tổng kết cuộc nói chuyện.
- Các cậu ơi, Margô ngây dại đang đi kìa! - Berđơzêna bỗng kêu lên.
Margô - cô gái mà cả vùng đều biết - đi từ phía chợ Vêre, phía bên trái phố Mêlikisvili, vừa đi vừa vung vẩy hai tay và khe khẽ hát một bài vui vẻ:

Tàu lướt sóng biển khơi
Tới bến bờ hải ngoại.
Đem về tặng phẩm quý.
Ơi con tàu mến thương!

- Khabarđa [46]! Margô của Vêre đấy! - Đôi lúc nàng ngừng hát, rồi lại tiếp tục:

Tôi sẽ khiêu vũ cùng các bạn
Cả điệu Iêzghinka, cả điệu tănggô.
Hãy đến đây ngắm nhìn
Nàng Macgô kiều diễm...

Margô say. Những người qua đường biết Margô đều mỉm cười chào cô, rồi quay đi, lắc đầu thương hại và tiếp tục đi. Những người không biết nàng thì lảng tránh người phụ nữ say rượu rõ ràng là không bình thường, vội vã rời khỏi hè xuống đường.
Đến chỗ các chàng trai, Margô đặt hai tay lên môi, rồi dang tay ra như đôi cánh, gửi cho họ những cái hôn gió.
- Margô say rạp đầu chào các chàng trai Vêre!
- Chào Margô! - Các chàng trai giơ tay lên chào nàng.
- Thế nào, các bạn thân mến, lại uống rượu cho rã con say hôm trước và trong túi lại chỉ có phân chuột thay cho tiền phải không? Đến chỗ tôi, các bạn quý hóa của tôi, chúng ta sẽ xuống Tantxơ-Ghêurôc, tôi thết các bạn chầu bia! - Margô lấy trong cooc-xê ra mấy tờ ba mươi rúp, khua lên trong không khí. - Đi đi, đừng ngại! Rồi ngày mai các bạn sẽ lại thết đãi tôi mà!
- Margô thân mến, đi đi, về nhà nghỉ ngơi đi. Chúng tôi uống đủ rồi,- Kôpaka nài nỉ nàng.
- Chà-ng ơi, cưng ơi, tôi biết đi đâu được, mái đầu khốn khổ của tôi phải kính cẩn cúi xuống ở nơi đâu?! Cho tôi theo về với! Margô dở người cần một ông chủ chính như thế! Ai là người có thể chăm sóc Margô chu đáo hơn anh? Hãy lấy tôi làm vợ! Hãy thương tôi! Suốt đời tôi sẽ mơ ước về anh, ngôi sao của tôi! Cho tôi ôm bộ ngực tráng sĩ của anh dù chỉ một lần thôi! Hay tôi không xứng đáng với anh? Anh xem, vóc dáng tôi như thế nào và đồ lót của tôi có tuyệt không! - Margô một tay chạm vào đùi, tay kia vén áo váy, phô ra bộ đồ lót trắng như tuyết viền đăng ten. - Mai tôi sẽ mặc hàng Crép! - Nàng nhanh nhẹn vượt ngang qua đường và tới chỗ các chàng trai.
- Đi đi, Margô, về nghỉ đi! - Kôpaka ôm lấy vai người phụ nữ.
- Tôi chẳng cần gì hết, các anh ạ! Tôi sẽ lấy một người trong các anh. Tôi yêu tất cả các anh như nhau, sao lại nhăn răng ra thế, Berđơzêna? Chỉ có anh là tôi không muốn lấy! Tính anh quá đồng bóng, anh sẽ đầu độc tôi suốt đời! Tsiska thì lại là chuyện khác! Anh ấy là trí thức...
- Chị vừa bảo là chị yêu tất cả chúng tôi như nhau kia mà, - Batsana xen vào.
- Cả anh cũng ở đây ư, cậu bé côi cút đáng thương của tôi? Tôi sẽ đến thăm cậu, nhất định tôi sẽ đến! Tôi sẽ tắm rửa, chải tóc cho cậu, sẽ giặt áo, là quần cho cậu, rồi tôi sẽ ra về... Cậu giống ai vậy? Hãy soi gương xem.
- Thôi được, đủ rồi, Margô... Chị thấy đấy, mọi người đang xúm lại... Đi đi, bạn thân mến, tôi tiễn chị...- Kôpaka năn nỉ, khoác tay người phụ nữ.
- Tôi bất chấp thiên hạ!... Các chàng trai Vêre muôn năm! - Margô ôm lấy Kôpaka, kéo đầu anh vào ngực mình và cất tiêng hát:

Ta sẽ đi, anh yêu, ta sẽ đi,
Đôi ta cùng nhau đi khắp thế gian...

Đến góc phố, Kôpaka chia tay với Margô và để nàng đi. Anh đứng chờ một lát, khi biết chắc người phụ nữ về nhà, anh trở lại với các bạn.
- Này, này, Kôpaka, đừng có làm bộ mặt đưa đám! - Tsiska nạt nộ khi thấy bộ mặt rầu rĩ của bạn.
Margô ở cuối phố Pêtriasvili, trong căn buồng nhỏ nửa nổi nửa chìm ẩm ướt có hai cửa sổ.
Từ sân, bốn bậc thang gỗ dẫn vào buồng. Một chiếc bàn trải khăn, một chiếc giường sắt với những vòng mạ kền đã han rỉ, một cái tủ, hai cái ghế, một chiếc bàn là, tấm ván là - đấy là tất cả tài sản của chị. Trên cửa chính vào buồng có hàng chữ viết bằng phấn: “Margô điên” - tác phẩm của bọn trẻ ở sân. Chị không xóa và không giận chúng.
- Thứ nhất, đó là bàn tay thiên thần viết, thứ hai - đó là sự thực.
Mất bố sớm, Margô là con gái một của mẹ. Có nhan sắc, vóc dáng tuyệt đẹp, chị lớn lên trong tình yêu thương của cả khu phố, mỗi năm một kiều diễm hơn. Người Vêre tự hào về mỹ nhân của mình. Cứ như thế cho đến cái ngày bất hạnh năm 1936, khi trận lụt chưa từng thấy ào vào thành phố, quét sạch một nửa Nakhalôpka cuốn băng mất cái nhà xay ở Pêxki [47], dìm chết người trong các hầm của các nhà tắm nước lưu huỳnh. Hôm ấy mặt trời của Margô đã tắt, bánh xe hạnh vận của chị lăn xuống dốc.
Năm ấy, các bà già Vêre làm mối Vargô cho Vanô, con trai nuôi bác thợ làm đồ vàng Gôghia. Theo tập tục ở thành phố này thời ấy, phải làm lễ xem cô dâu: cô gái phải đến nhà tắm, ra mắt mẹ chồng và em gái chồng sau này trong trạng thái như lúc mẹ sinh ra cô, để không có sự lừa dối, không có chuyện người ta tráo đưa cho chú rể một cô gái khuyết tật. Cả bà mẹ chồng, cô em chồng và bà mẹ bất hạnh của Margô đều có tội với trời! Lại còn bày ra chuyện kiểm tra cái hay cái đẹp của một cô gái như thế kia chứ! Thỉnh thoảng, khi Margô chạy trên phố Pêtriasvili như một con đama, rồi tiếp tục đi trên phố Mêlikisvili, những người bán và người mua túm tụm ở cửa các tiệm buôn há hốc mồm nhìn theo cô bằng con mắt thán phục.
Sáng chủ nhật hôm ấy, người ta dẫn Margô vào nhà tắm công cộng của phụ nữ. Khi cô gái cởi hết áo váy, đứng trước bầy quạ vây quanh cô, đầu cất cao kiêu hãnh, những búp tóc đen như mun xõa xuống bộ ngực tròn căng, toàn thân trắng muốt và cân đối như bức tượng điêu khắc bằng cẩm thạch, khi các bà già sửng sốt vì vẻ đẹp của cô dâu, xì xào khen ngợi và chép chép những cái miệng móm thì những luồng nước ùa vào nhà tắm. Các bà các cô khiếp sợ, gào rú đâm bổ ra cửa, và đáng lẽ giật cửa về phía mình thì trong lúc kinh hoảng và nhốn nháo, họ dồn đống cả lại ở cửa và tự bịt mất lối ra. Trong nháy mắt, nước phù sa đục ngầu tràn ngập hầm. Tiếng la gào và tiếng khóc bặt hẳn... Lát sau, những người chạy đến cứu hiểu rằng chẳng còn ai mà cứu nữa... Liền đó, có người nào nhận thấy một cô gái với đôi mắt điên dại vì sợ hãi, dán người vào mạng song sắt trên trần một hầm nhà. Người ta bẻ gãy mạng song sắt, nhưng không gỡ ngay nổi hai bàn tay đã cứng đơ của nàng.
Margô nằm bệnh viện một tháng. Nàng chẳng nhớ gì hết: cả cái chết của mẹ và của những người họ hàng tương lai, nói chung cũng không nhớ đến trận lụt khủng khiếp, dường như ngày hôm ấy không hề có chuyện gì xảy ra... Mọi cố gắng của các bác sĩ nhằm làm cho cô gái tỉnh lại đều vấp phải sự im lặng ngây độn, dai dẳng của nàng... Sau đó người ta chuyển nàng sang bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Margô ở đấy nửa năm. Cuối cùng, nàng tỉnh lại, bắt đầu nói, nhưng mọi người đều hiểu rằng cô gái đã loạn trí không cách gì vãn hồi được.
Suốt trong thời gian ấy, tên xỏ lá Vanô không đến thăm vợ chưa cưới lần nào, không bận tâm đến số phận nàng, không gửi tiền cho nàng...
Trở về nhà, Margô ngồi trong buồng mình suốt tuần, không cho ai vào. Một buổi sáng, hàng xóm nghe thấy tiếng hát từ buồng nàng vẳng đến. Họ dùng sức mạnh xộc vào buồng nàng. Margô ngồi bên bàn, trước mặt nàng là hai chai “Xaravi”, một chai cạn sạch, chai kia đầy.
Thấy hàng xóm vào, nàng mỉm cười cất tiếng hát:

Tôi sẽ khiêu vũ cùng các bạn
Cả điệu lêzghinka, cả điệu tăngô,
Hãy đến đây ngắm nhìn
Nàng Macgô kiều diễm...

Hàng xóm và những người quen bận bịu ngập đầu ngập cổ về những lo âu riêng, dần dần lãng quên tai họa của Margô. Chính nàng cũng quen với sự cô đơn của mình. Nhưng cô gái bị mọi người bỏ rơi không ra phố ngửa tay xin bố thí.
Nàng bắt đầu nhận quần áo lót của những gia đình phong lưu đem về giặt là. Tiền kiếm được hoàn toàn đủ nuôi sống nàng. Rồi tự hồi nào không hay, cô gái nghiện rượu vang. Nàng ăn vận bao giờ cũng sạch sẽ, tề chỉnh, ngày nào cũng thay đồ lót. Cứ sau mỗi lần lĩnh tiền thường kỳ, uống rượu say, nàng lại đi rong chơi trên phố, khe khẽ hát những bài ca ưa thích và vén áo lên trước mặt khách qua đường: xem này, tôi mặc đồ lót đẹp chưa! Liền đó, nàng nói tên người khách có bộ đồ lót ấy...
Dần dà, rượu bắt đầu có ảnh hưởng tai hại. Mặt Margô mất vẻ tươi tắn và màu hồng trước kia, hằn những nếp nhăn nhỏ. Bây giờ, khi thấy người phụ nữ tàn tạ quá sớm, say rượu, vừa hát vừa đi trên đường phố, chỉ có những người sống lâu năm ở khu phố lắc đầu buồn rầu nhớ lại thời thanh xuân và nhan sắc của nàng, cùng với phong thái kiêu hãnh và ánh long lanh của đôi mắt màu mã não.
Trong thời gian dân phố còn chưa quen hẳn với những thói quen của người phụ nữ điên, trong số họ có những người dám chế nhạo người phụ nữ xấu số, chính hồi đó Margô đã học được những câu chửi tục. Nàng ra giữa đường, văng vào mặt kẻ xúc phạm mình  lời chửi tục tĩu đến nỗi người qua đường phải bịt tai lánh xa. Nhưng hễ thấy trên phố một đứa trẻ là nàng lập tức thôi chửi và bình tĩnh đi về nhà.
- Không ai có quyền làm bẩn tai thiên thần, ngay cả chính Thượng đế đi nữa! - Nàng nói.
Thêm nữa, suốt thời gian sống trong cảnh ngộ thảm thương. Margô không hề đánh mất danh dự và phẩm giá trinh nữ của mình. Bất cứ người dân nào của Vêre cũng có thể viện Phúc âm ra mà thề rằng nàng trong trắng như thiên thần...
Buổi chiều Margô đến nhà Batsana.
- Anh bạn côi cút của tôi, anh có nhà đấy ư? - Nàng lớn tiếng gọi, và vào buồng, không đợi trả lời.
Batsana ngồi bên bàn, chuẩn bị môn kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, đến thứ tư anh sẽ thi.
- Gì đây, Margô? - Anh hỏi, đặt bản ghi tóm tắt sang bên.
- Có gì giặt thì đưa đây! - Margô đáp và bắt đầu giở những trang ghi tóm tắt.
- Còn giặt giũ cái quái gì kia chứ! Có bao nhiêu tôi mặc ráo cả trên người đây này!
- Sẽ tìm được một cái gì đó! - Margô không chịu thôi.
Batsana mở tủ, ném xuống sàn hai chiếc sơmi cũ và chiếc quần cũ sờn.
- Xin làm ơn giặt cẩn thận cho, không giặt nó cũng đã bục rồi đấy. - Anh đề nghị, rồi lại chúi mũi vào bản ghi tóm tắt.
- Chẳng lẽ bài ghi của anh thú vị đến nỗi anh không thể rời lấy một phút ư? - Margô vừa hỏi vừa mở chiếc tủ con ăn vào tường.
- Rất thú vị, thêm nữa tôi sắp thi đến nơi rồi!
- Ngốc ơi là ngốc! Nếu thú vị thì người ta đã chẳng trả tiền cho anh để anh học, ngược lại người ta sẽ bắt anh phải trả tiền thì có! - Margô nói và bất bình sập cửa tủ lại. - Giữ trong phòng cái hòm rỗng tuếch này làm qué gì? Vứt quách nó ra sân cho xong!... Ở đây có cái gì uống không?
- Những giọt valêrian. [48]
- Hãy đem những giọt đó cho giáo sư của anh trước khi thi!
Margô cúi xuống, bắt đầu nhặt chiếc quần và những chiếc sơ mi. Lúc đứng thẳng lên, nàng ôm bụng, nhăn mặt:
- Đồ quỷ, không để cho người ta yên! - Rồi nàng trải rộng một chiếc sơmi ra và lắc đầu:
- Cái gì thế này: áo sơ mi hay khăn trải bàn? Tất cả thực đơn của Tants - Ghêurốc đều có ở đây! Anh không biết xấu hổ sao?
- Rất xấu hổ là đằng khác, Margô thân mến của tôi ạ, nhưng tôi biết làm thế nào được?
- Lấy vợ đi, ngốc ạ, lấy vợ đi!
- Vậy ư? Nhưng tôi lấy gì nuôi nàng, vợ tôi ấy mà?
- Ăn lẫn nhau!
- Được, tôi sẽ làm như vậy! - Batsana hứa.
- Mai tôi sẽ mang trả quần áo của anh. Chuẩn bị năm rúp! - Margô đi ra cửa. Bỗng nàng dừng lại, vén áo dài lên, cho xem chiếc quần đùi bằng vải crêp. - Này đoán xem, tôi mặc đồ lót của ai vậy?
Batsana nhún vai.
- Của Bộ trưởng văn hóa giao thông ngoại giao!
Margô thốt lên bằng giọng tự hào và rời khỏi buồng.
* * *
Chiều hôm sau, nàng không đến. “Hẳn là chị ta đã đánh chén say và đang ngủ bù ở đâu đó” - Batsana đoán chắc và thân hành đến tìm nàng.
Cửa buồng mở, đèn sáng. Margô mặc chiếc áo ngủ màu hồng có hình thêu, nằm trong giường. Mặt nàng đỏ bừng, mắt sáng quắc.
- A... a, anh bạn côi cút của tôi, tôi biết anh sẽ tới mà. - Nàng mỉm cười với Batsana, rồi lấy chiếc cặp nhiệt độ ở nách ra. - Này, xem hộ xem bao nhiêu? Tôi chẳng thấy gì cả, mắt chỉ toàn nhìn thấy những vòng tròn màu vàng...
Batsana nhìn cái cặp nhiệt độ và bàng hoàng: ba mươi chín độ chín.
- Chị sao thế, Margô?
- Tôi không biết, bạn thân mến ạ, tên đểu cáng nào cứ đâm, cứ khoan bụng tôi bằng cái xiên nóng bỏng... Rượu vang cũng như vôt-ka đều không làm đỡ chút nào... Tôi gắng chịu đựng đến chiều... Bây giờ thì quỵ... Bao nhiêu đấy?
- Cao... - Batsana đặt cái cặp nhiệt độ xuống bàn.
- Nhưng bao nhiêu mới được chứ?
- Ba mươi tám...
- Áo sơ mi và quần của anh ở trên bàn... Ơn trời, tôi đã kịp là... Mở tủ ra, lấy ít giấm, pha thêm nước thấm vào khăn mặt và đắp lên trán tôi... Đầu nóng rừng rực... Bộ óc khốn khổ của tôi lại đến thế này nữa thì thật là hết nước...
Batsana đáp ứng lời yêu cầu.
- Tôi sẽ đi lôi một người nào đến đây. - Anh nói.
- Ai?
- Một bác sĩ!
- Ai cần đến tôi, một kẻ dở người?... Ở chỗ họ người bình thường còn chết không được chăm nom nữa là... - Margô mỉm cười...
Batsana lẳng lặng ra khỏi phòng và cắm đầu chạy trên phố Pêtriasvili.
Mấy chàng trai đứng gần hiệu thuốc, oang oang tranh cãi gì không rõ.
- Margô sắp chết! - Batsana thở hổn hển, buột ra.
- Sao lại sắp chết là thế nào?! Hôm qua chị ta ở đây kia mà?! - Tenghix ngạc nhiên.
- Đúng thế, nhưng bây giờ sắp chết! - Batsana nhắc lại.
- Vô lý! Nói cho rõ đi! - Kôplic lắc anh.
- Tớ nói với các cậu là chị ta sắp chết rồi!
- Chị ta làm sao? - Tsiska hỏi.
- Đau bụng, nhiệt độ bốn mươi!
- Vì sao thế, Đatikô? - Kôpaka hỏi.
- Tớ không biết, Tenghix ạ. Cần một bác sĩ giải phẫu.
- Ta chạy đến tìm Satirisvili! - Kôka quát...
- Satirisvili là thằng khốn khiếp! Không có tiền, một bước hắn cũng chẳng chịu đi đâu, vả lại chắc bây giờ hắn ngủ rồi! - Berđơzêna nói và khinh miệt nhổ bọt sang bên cạnh.
- Cóc cần hắn! Mình đến bố của Văctangơ, bác Igơnati, bác ấy là người đứng đắn! - Tsiska thét to và lao đi.
Năm phút sau, mấy gã trai rón rén vào buồng Margô và lẳng lặng đứng xếp hàng bên giường. Người phụ nữ vật vã. Thấy các chàng trai, nàng ngạc nhiên chống khuỷu tay nhỏm lên, rồi lại vật mình xuống chiếc gối và bật khóc nức nở. Rồi nàng bật cười, tiếng cười hạnh phúc, nóng nảy:
- Các bạn thân mến của tôi... Tôi chờ các bạn và tôi đã không lầm... Các bạn quý hóa của tôi. Giãn ra đi, sao các bạn lại đứng như làm lễ cầu hồn vậy... Mong sao tất cả bệnh tật của các bạn trút cả sang cho Margô điên dại...
- Đừng sợ, Margô, Tsiska đưa bác sĩ đến bây giờ đấy. - Tenghix gắng lắm mới buột ra lời.
- Tôi cần bác sĩ làm gì? Bây giờ tôi không chết được đâu... Cơn đau đã hết, nhiệt độ cũng đã hạ... - Margô giật chiếc khăn ướt khỏi đầu, quẳng xuống sàn và vỗ tay.
Batsana nhúng ướt khăn và lại đắp lên trán người ốm.
- Anh bạn côi cút ơi, anh làm náo động anh em đấy phải không? Hãy xin lỗi anh em đi! Ngay bây giờ!... Ô-hô-hô! Có ai trong số người ốm, nhất là lại điên, đã từng mơ thấy những người như thế đến thăm mình chưa?! Hoan hô Margô! Margô cừ lắm! - Nàng òa khóc.
Các chàng trai đứng cúi đầu, không biết cất tay và mắt vào đâu.
Đã hơi yên tâm, Margô gọi Batsana:
- Kia, trên tủ có cái tráp gỗ. Đưa nó cho tôi... Thế... - Nàng đặt cái tráp lên ngực mình, nghĩ ngợi điều gì, rồi đưa cái tráp lên gần tai, lắc và mỉm cười sung sướng, mở nắp ra. Trong tráp có những chiếc nhẫn, vòng đeo tay, hoa tai và những vật linh tinh khác sáng lấp lánh.
- Mặt đá vô giá này đem từ Kabun, thủ đô Apganixtan về dành riêng cho nữ hoàng Tamar... - Margô lấy trong tráp ra một chiếc nhẫn nhỏ bằng đồng nạm thủy tinh xanh, trị giá hai rúp. - Tôi tặng anh, Kôpala... Khi nào lấy vợ, anh đeo cho vợ anh chiếc nhẫn này vào ngón giữa của bàn tay phải. Nói với nàng rằng nếu tôi trẻ hơn chút nữa thì nàng đừng hòng lấy được anh... Tôi cầu phúc cho anh!... Cầm lấy!...
Tenghix cầm lấy chiếc nhẫn, và Batsana thấy những cục u của anh ta chuyển động.
- Còn cái này tặng vợ anh, công tước Kôka Amirêgibi, những chiếc khuyên bằng san hô Ấn Độ... Nó hợp với người phụ nữ mặt trắng, tóc đen, mắt xanh... Cầm lấy, đừng ngại... - Margô bỏ vào bàn tay chìa ra của Kôka đôi khuyên đồ chơi đáng giá một xu.
- Còn cái vòng đeo tay bằng vàng này là của anh, Berđơzêna!... Công trình của những tay thợ lành nghề Đaghextan... Chiếc vòng tay như thế thích hợp với người vợ cao lớn, ngực tròn căng, mắt đen... Tôi tặng anh! - Berđơzêna kính cẩn nhận từ tay Margô cái vòng hình bầu dục dẹt phẳng làm bằng sắt tây đồ hộp và không thốt lên lời nào, chạy khỏi phòng.
- Còn cái này phần tôi! - Margô áp vào ngực mình một chuỗi hào bạc. - Suốt cả thời thanh xuân, tôi chưa hề xa rời chuỗi ngọc này, vì thế tôi không thể nhường nó cho ai... Đừng giận!... Batsana, lại gần tôi!
Batsana đến.
- Tôi dành cho anh viên ngọc bích Ba Tư này... Còn anh thì nên lấy một cô gái mồ côi nghèo, cô gái khác sẽ không hiểu nổi anh... Cầm lấy, và cầu trời cho anh hạnh phúc trong cuộc sống! - Batsana cầm lấy từ tay Margô chiếc cúc màu xanh da trời xâu bằng sợi dây thép. - Những thứ còn lại thì anh phân phát đi...
Batsana bê cái tráp đi khắp lượt trước các bạn, và mỗi người, không nhìn vào tráp, lấy ra một vật.
- Tôi mệt rồi... Vậy mà nó vẫn thọc và đâm bằng những cái xiên... - Margô rên rỉ và kiệt lực, ngật đầu ra phía sau.
- Gắng chịu một chút, Margô, bác sĩ sắp đến rồi! Đừng sợ! - Kôplic dỗ dành, tay đỡ cho cằm khỏi run.
- Ai bảo anh là tôi sợ? Tôi vẫn chờ mãi cái ngày này, như chờ mong mặt trời mọc... Đến đi, đến với ta, thần chết, đừng làm tình làm tội ta nữa!... - Margô nhắm mắt. Nước mắt chảy ròng ròng trên má nàng.
- Đến rồi! - Có người nào reo lên.
Giáo sư và Tsiska vào phòng.
Giáo sư gật đầu chào mọi người, rồi đến giường Margô. Ông ngồi xuống chiếc ghế người ta đưa ra cho ông ngồi, bắt mạch người bệnh, rồi đặt tay lên vầng trán bốc lửa của nàng. Margô mở mắt.
- Chào cô nàng thân mến! - Giáo sư mỉm cười.
Margô đưa tay dụi mắt và nhìn chằm chằm vào người mới đến.
- Cầu trời ban sức khỏe cho bác Igơnati kính mến! - Nàng đáp và cũng mỉm cười.
- Chị biết tên tôi à?
- Ai mà không biết? Một nửa Gruzya nhờ giáo sư mà được trở về từ thế giới bên kia!
- Mới non nửa thôi! - Giáo sư nói đùa. - Bây giờ xin cho biết, chị khó ở thế nào?
- Tôi phiền lòng vì mấy tay tướng cướp này dám quấy quả giáo sư giữa đêm khuya!
- Về chuyện ấy thì không ngại. - Giáo sư nói cho Margô yên tâm, - nghề nghiệp của tôi là phải như thế, ban ngày tôi sẽ ngủ bù... Xin cho biết, chị đau ở đâu, chỗ nào?
- Tôi cháy, bác sĩ ạ, cháy như đốt trên lửa...
- Cái đó bắt đầu từ bao giờ?
- Từ sáng... Không, hôm qua, hôm kia... Trước đây tôi làm giảm đau bằng Vôtka... Hôm nay thì tôi quỵ...
- Nào, bỏ chăn ra! - Giáo sư yêu cầu.
- Bác sĩ ơi, tuy tôi điên nhưng vẫn biết xấu hổ...
- Trong chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều điên, bởi vậy chúng ta không xấu hổ gì hết. - Giáo sư lầm bầm và lập tức tự tay lật tấm chăn. Các chàng trai quay đi. Giáo sư bắt đầu thận trọng sờ nắn bụng người bệnh bằng bốn ngón tay, hỏi: - Đau ở đây à?... Còn ở đây?... Ở đây?...
Margô bặm môi, im lặng. Chỉ sau khi giáo sư đã thăm bệnh xong, nàng mới rên rỉ:
- Đau khắp nơi, bác sĩ ạ, đau đến nỗi thà chết còn hơn...
Giáo sư gạt tấm chăn sang một bên, uốn gập chân phải Margô và chậm chạp kéo nó lên phía trên, tới gần bụng. Margô kêu thét lên. Giáo sư đứng nhanh dậy.
- Có máy điện thoại ở đây không?
Tsiska nhìn Margô, và dò hỏi.
- Ở nhà Đuglatzê, - Nàng rên rỉ.
- Gọi ngay về chỗ “cấp cứu”. nói rằng Igơnatijiki bảo gọi, yêu cầu cho xe đến đây ngay!
Tsiska chạy đi.
- Bệnh tôi nguy kịch ư, thưa bác sĩ? - Margô ngồi dậy trên giường.
- Đừng cử động, cô em thân mến ạ. Cô không được động đậy! - Giáo sư đặt Margô nằm xuống, khẽ vỗ vào má nàng. - Trước nay cô đã chữa ở đâu?
- Không sao, thưa bác sĩ, chết đối với tôi là một ngày hội. Xin đừng mất công...
Giáo sư đến ngồi bên bàn, hai tay đỡ lấy đầu và im lặng.
Kôka lén bỏ tiền vào túi ngoài áo vét của giáo sư. Không nhìn Kôka, giáo sư lấy tiền ra, đặt lên bàn. Rồi ông lấy ở trong túi trong ra một tập giấy bạc mười rúp, đặt cạnh số tiền kia. Đoạn ông đứng dậy và ra khỏi buồng. Các chàng trai ra theo ông.
- Có hy vọng gì không, thưa giáo sư? - Berđơzêna hỏi.
Giáo sư lắc đầu.
- Không có hy vọng gì ạ? - Tenghix hỏi lại.
- Một phần trăm...
- Cô ấy làm sao, thưa giáo sư?
- Viêm màng bụng.. thủng ruột thừa... Bị như thế thì hôm nay là ngày thứ ba... Lạ thật.
Mười lăm phút sau, xe “cấp cứu” đến. Người ta đặt Margô lên cáng và khiêng ra xe. Khi rời khỏi căn buồng nhỏ của mình, nàng quay về phía các chàng trai:
- Vĩnh biệt các chàng trai Vêre! Vĩnh biệt các bạn trẻ yêu quý của tôi! - Nàng bỗng nhỏm dậy trên cáng và cầu khẩn thốt lên: - Đừng đến nhà tắm nước lưu huỳnh! .. Tôi van các bạn! Đừng bao giờ đến đấy! Đấy là lời trăng trối của tôi cho các bạn!
* * *
Xác được đưa ra vào thứ ba, từ phòng giải phẫu của chính cái bệnh viện mà Margô đã vào nằm trong ngày xảy ra trận lụt năm 1936.
Cả Vêre, các phố Pêtriasvili và Mêlikisvili đông nghịt người, người tò mò nhiều hơn người quen.
Chiếc quan tài ngập trong hoa, đặt trên cáng gỗ, được khiêng lên dốc Vêre bởi tám chàng trai, đi bên cạnh có tám chàng trai khác để thay thế. Đi trước quan tài là một chiếc ô tô kết hoa. Hoa nhiều đến nỗi tưởng chừng như một bó hoa khổng lồ sống động đang tự đi đến nghĩa trang.
Trên phố Mêlikisvili, dòng chuyển động dừng lại. Ô tô buýt, ô tô, xe điện đứng chết gí tại chỗ. Ở góc phố Peetriasvili, một số thanh niên làm cho đám tang ngừng lại năm phút. Một chiếc ô tô nổi còi, rồi chiếc thứ hai, chiếc thứ ba, bỗng nhiên cả khu phố tràn ngập tiếng còi ô tô inh ỏi, liên hồi.
- Chuyện gì quái lạ thế! - Người lái của một chiếc ô tô ngẫu nhiên lọt vào đám tang thò đầu ra khỏi ca-bin. - Định không cho chúng ta đi qua chắc?!
- Bấm còi đi! - Một chàng trai người khu phố nói với anh ta.
- Tại sao? - Người lái xe ngạc nhiên.
- Cần như thế!
- Cần là thế nào? - Người lái xe cãi bướng.
- Là thế này này! - Gã trai bấm còi.
- Bỏ tay ra! Ắc quy hết điện mất!
- Không sao! Chúng tôi sẽ đẩy xe - Gã trai đáp, tay không rời nút bấm còi.
- Đám tang nhân vật cỡ bự nào mà phải bấm còi? - Gã lái xe nổi cáu, lại thò đầu ra khỏi cabin.
- Đám tang Margô ở Vêre...
- Ai?!
- Nghe đây, bảo gì làm nấy, chừng nào tay còn lành lặn! - Gã trai ấn đầu người lái xe vào cabin. - Hiểu chưa?
Tay lái xe hiểu rằng gã trai không đùa, và ra sức bấm còi. Chàng trai đến chiếc xe khác. Năm phút sau, cả chiếc xe đó cũng nổi còi. Chờ gã trai đi khỏi, người lái xe cả cười:
- Đám tang Gian Đa chắc?!
- Không, đám tang Margô điên! - Một người tham dự đám tang, đi qua đấy, đáp.
- Người điên à?! Đám tang người điên mà như thế ư?!
- Chúng tôi làm lễ tang như thế đấy! - Một người Vêre đồng nghiệp với anh lái xe trả lời anh ta.
- Hoan hô anh em! Sống trong một khu phố như thế này có chết cũng không ân hận! - Người lái xe hoan hỉ kêu lên.
Buổi chiều, quán rượu Tantx - Ghêurka đông nghịt các chàng trai Vêre. Các bàn bầy biện sơ sài: bánh mì, pho mat, rượu vang, củ cải. Không có người chủ trì. Khi ai nấy đã ngồi yên vị và trong hầm nhà bắt đầu lặng phắc như tờ, Tsiska đứng lên, rót rượu vang đầy cốc, rỏ mấy giọt xuống mẩu bánh mì và lên tiếng:
- Vì nỗi đau xót của khu phố ta, vì những giọt nước mắt và niềm vui sướng của khu phố ta, vì trang nhan sắc đã mất của khu phố ta!
Tất cả đứng lên và lẳng lặng cạn cốc.
Hôm ấy, trong nhà hầm Tanxt - Ghêurka, không ai nói thêm một lời nào nữa, không ai uống thêm một cốc rượu nào nữa.
* * *
- Kém, kém, Ramisvili ạ... - Giáo sư miễn cưỡng giở quyển sổ ghi điểm của Batsana -Sao thế?
Batsana im lặng.
- Có chuyện gì thế, Ramisvili? - Không thấy anh trả lời, giáo sư hỏi.
- Em ốm, thưa giáo sư, em không kịp chuẩn bị...
- Không phải là ốm, mà là bận bịu với cô gái điên ấy!... Em tưởng tôi không thấy hôm qua em đi sau quan tài cô ta như người ruột thịt của cô ấy sao?
- Chị ấy không điên, thưa giáo sư! - Batsana bác lại.
- Thế chị ta là người thế nào? Vua Irakli ư? Quái lạ, cả khu phố như hóa rồ! Hai tiếng đồng hồ tắc nghẽn giao thông!
- Chị ấy ốm, thưa giáo sư, bệnh tâm thần! - Cảm thấy vị mặn mặn trong miệng, Batsana đứng dậy.
- Em đi đâu? - Giáo sư ngạc nhiên.
- Em sẽ đến lần khác,- Batsana khẽ đáp.
- Chị ta là chỗ thân quyến gì với em sao?
Batsana im lặng một lúc lâu, rồi nhìn giáo sư và nói:
- Đấy là chị ruột em...
Giáo sư chăm chú nhìn vào mắt Batsana. Không chịu nổi cái nhìn, Batsana cúi đầu xuống. Bắt đầu im lặng. Rồi giáo sư đóng quyển sổ ghi điểm lại, đưa cho Batsana và nói:
- Về đi, Ramisvili - Chính ông đứng lên và tới gần cửa sổ.
Batsana bỏ quyển sổ ghi điểm vào túi và đi ra.
- Thế nào? Điểm mấy? - Các sinh viên vây lấy anh. Batsana không trả lời. Anh đi ngang qua hành lang, xuống thang, ra vườn trường đại học và ngồi xuống chiếc ghế dài lúc này không có ai ngồi. Batsana ngồi một mình hồi lâu, chẳng để ý đến ai và bất cứ cái gì. Rồi anh lấy quyển sổ ghi điểm của mình ra và buồn tay, anh mở quyển sổ.
... Đấy là điểm năm đầu tiên Batsana nhận được trong suốt cả đời anh.
Anh đóng sập quyển sổ lại, và lại mở ra, nhưng không nhìn thấy gì.
Mắt Batsana đẫm lệ.
Batsana khóc.
-----------
[33] Tên cũ của một quận ở Tbilixi
[34] Một món ăn rất phổ biến ở Kapkadơ
[35] Tên các thứ nước khoáng
[36] Tên các thứ nước khoáng
[37] Ý nói rượu vang No8 của Kakhêlin
[38] Cầu thủ bóng đá nổi tiếng một thời gian dài lãnh đạo “Đinamô” Tbilixi.
[39] Một loại sơn dương.
[40] Dòng họ công tước lâu đời ở Gruzya.
[41] Tiếng Gruzya nghĩa là chó chăn cừu.
[42] Chính khách và tướng lĩnh xuất sắc của Gruzya (khoảng 1580 - 1629)
[43] Tiếng Gruzya nghĩa là người Hi Lạp.
[44] Một tỉnh của Gruzya.
[45] Chơi chữ: “kôka” tiếng Gruzya nghĩa là “cái bình”.
[46]“Tránh ra!”, “nhường đường!” - Tiếng lóng thành phố.
[47] Nakhalôpka, Pêxki, tên cũ của các quận ở Tbilixi.
[48] Thuốc an thần (N.D)
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét