Chương 5. Cuộc phiêu lưu trên xe hơi
John Ruggles thích
mọi thứ đồ vật có bánh xe chạy nhanh được. Nó biết hình dáng của hầu hết các
loại xe oto trên đường. Phần lớn những lúc rỗi rãi nó đi lang thang quanh các
nhà để xe và đứng ở các trạm xăng. Nó cũng đi tới sân xe lớn ở bên dưới lâu đài
Otwell, nơi các bác lái xe đôi khi trao đổi những tin thú vị về các xe khác nhau
trong sân. Nhiều khách du lịch đã đến thăm lâu đài này và đôi khi John cũng được
họ cho vài cái bánh kẹp thịt hoặc bánh ngọt. Nhưng cái thích hơn cả là có thể
được họ thuê trông cái xe của họ. Coi bộ đối với John thì điều đó còn thích hơn
là trông cậu em William nhiều!
Sân xe là một nơi rất
thú vị đối với một Hôi viên Hội Bàn Tay Đen. Vào đúng ngày định đi phiêu lưu
mạo hiểm, John đã chẳng phải suy nghĩ gì lâu, mà quyết định ngay bắt đầu từ
đây. Lúc chia tay anh nó ở góc Phố Cụt, nó đi thẳng tới sân xe.
Lúc nó đến còn sớm.
Chưa có một khách du lịch nàu, chưa có một xe ô tô nào, ngoài cái xe có một con
chó to ngồi bên trong. Con chó nhe hàm răng sắc ra khi John đến gần làm nó vội
vã lùi lại, kiếm một chỗ ngồi ở chân bức tường của lâu đài. Chốc chốc nó lại
nhìn trời. Ngày hôm đó, trời mới đầu thì rực rỡ, nhưng coi bộ đang có sự chuyển
mình, dường như sắp có bão. Nó mong trời sẽ không mưa, vì mưa sẽ phá hết mọi kế
hoạch của nó.. Đồng hồ của nhà thờ gần đấy điểm mười tiếng, mấy cái xe đã bắt
đầu đến. Chợt một cái xe ô tô to vụt tới. Năm bà người Mỹ bước ra khỏi xe. Họ
vội vã đi vào lâu đài, còn người lái xe ngồi lại trông xe. John buồn rầu lảng
đi. Nó đứng từ xa nhìn cái xe này. Bụi phủ mờ cả màu xẫm của chiếc xe. Thật là
tuyệt nếu được viết lên lớp bụi hai chữ thật to J.R (John Ruggles) ở giữa
khoảng trống đẹp đẽ ở lưng chiếc xe kia. Nhưng nó - John Ruggles - không điên
đến như vậy đâu, nó không thể làm điều đó trong khi gã lái xe đang ngồi ngay
đấy. Dù thế nào đi nữa, nó vẫn rất khoái làm điều đó đến nỗi nó phải đút hai
bàn tay vào túi quần và cố xua đuổi ý nghĩ đó đi. Nó sung sướng thấy những
người Mỹ đã quay ra và vội vã đi ngay. Một cái xe đua chở hai người trẻ tuổi
đến chiếm chỗ đó. Họ hỏi nó đường đến sân banh, rồi đi bộ theo hướng ngược lại.
Nó đang bận xem xét cái xe của họ thì một cái xe màu xám cỡ trung bình, rất
sạch sẽ chạy đến. Một người đàn ông trẻ tuổi bước ra, theo sau là một bà.
John chạy lại hỏi:
- Thưa ông, cháu
trông xe cho ông chứ ạ!
Người đàn ông nhìn nó
mỉm cười và nói:
- Được, nếu cháu hứa
không sờ vào còi và không viết tên lên lớp bụi trên xe.
Rồi ông quay lại nói
với vợ:
- Chúng ta không có
nhiều thời gian, gần mười một giờ rồi.
Họ vội vã đi về phía
lâu đài.
John tự mỉm cười với
mình. Người đàn ông này biết cái gì sẽ xảy ra... đừng sờ vào còi... và viết lên
lớp bụi! Có lẽ ông ta làm việc ở nhà máy sửa chữa ô tô. Có lẽ xưa kia ông ta
cũng là một đứa trẻ trông xe như nó. Một ngày nào đó có lẽ nó - John - sẽ làm
việc trong một nhà máy sửa chữa ô tô và sẽ có một cái xe hơi như thế này. Nó đi
tới đi lui, chẳng hề để ý đến gió đang thổi vù vù và mây đen kéo đến đầy bầu trời.
Những giọt mưa bắt đầu rơi, rồi một đám mây phủ kín sân xe. Trời ơi! Mưa to
quá.
John nhìn vu vơ chung
quanh. Chẳng có một chỗ nào để ẩn mưa được - Ta sẽ bị ướt hết ngay thôi - Thế
là phải đi về nhà - Có lẽ lại phải trông thằng William - Thật lãng phí thời
gian quá! Coi bộ chỉ còn mỗi cách là, mở nắp sau của xe ra, chui vào trong! Có
rất nhiều giỏ và các túi thức ăn ở trên chiếc ghế đằng sau xe. John ngồi bệt
ngay xuống sàn. Trận mưa đá mới khiếp chứ! Sân xe trắng xóa như có một trận bão
tuyết thổi qua. Thật là vui, ngồi trong này mà nghe tiếng mưa đá rơi. Nó tự hỏi
không biết giờ này Jim ở đâu. Nó mong Jim đã tìm được một chỗ ẩn tốt. Sau
khoảng năm phút thì mưa đá ngừng rơi, nhưng mưa nặng hạt còn tiếp tục như trút
nước xuống. John thu xếp chỗ ngồi cho thoải mái hơn. Một lát sau nó mới nhận ra
là những người chủ xe đã quay trở lại, nhảy vội vào xe, thở hổn hển và bị ướt.
Họ mở máy xe và lái đi.
Nó nghe thấy người
đàn bà nói:
- Em ướt hết cả. Em
chưa bao giờ thấy một trận mưa đá như vậy.
Ông chồng không trả
lời, ông đang vội lái xe vượt qua các đèn giao thông ở góc phố. Lúc này John đã
bình tĩnh lại, cố gắng đội cái nắp xe lên, lấy hết can đảm làm cho họ chú ý đến
nó. Họ đã ở khá xa con đường London. Tốc độ kế chỉ sáu mươi dặm một giờ! Đây
quả là một cuộc phiêu lưu thật sự!
Ông bà Lawrence - những người chủ
của chiếc xe này - không hề bực tức khi John sợ hãi giải thích cho họ nghe sự
việc đã xảy ra.
Bà Lawrence nói:
- Tất nhiên là em
không thể ở ngoài được dưới một trận mưa đá như thế. Trời vẫn còn hơi mưa. Từ
đây về nhà em có xa không!
John nhìn ra xung
quanh. Có những cánh đồng và rừng cây khắp chung quanh, chắc phải xa Otwell
rồi, nhưng nó chẳng biết đây là đâu. Nó nói một cách bẽn lẽn:
- Em sẽ hỏi thăm
đường về!
Thế là họ quyết định chở
nó quay lại.
Nó mới dại dột làm
sao chứ! Tại sao nó không ngồi yên lâu hơn, có phải sẽ được đi xe hơi thú vị
nhiều dặm xa trên đất nước không!
Bà Lawrence chợt kêu
lên:
- Dừng lại! Đừng đi
nữa, tôi nảy ra một ý này!
John nín thở chờ đợi.
Bà quay về phía chồng nói:
- Henry, quay lại đi,
chúng ta cũng đã chậm rồi. Hãy dẫn nó về với chúng ta và nó cũng sẽ dự tiệc.
Peter sẽ thích có nó!
Henry nói:
- Rồi làm sao dẫn nó
về nhà được. Chiều nay tôi bận.
Bà vợ nói:
- Nó sẽ đi xe buýt.
Cứ hai giờ có một chuyến xe buýt.
Bà quay lại hỏi John:
- Cháu có thích đi dự
tiệc không? Nào, đi đâu!
John suy nghĩ: Hay là
đến nhà họ dự tiệc rồi tối nay về bằng xe buýt!
Ông Lawrence nói:
- Nhanh lên! “có” hay
“không”.
John nói:
- Vậy thì ô kê!
Nhưng nó nhớ ra ngay
là bà Ruggles không thích nói cái kiểu ấy nên vội nói thêm:
- Cháu muốn nói là “có”,
thưa ông bà.
Thế là họ tiếp tục
đi. Bữa trưa họ ăn ngoài trời, ngay bên lề đường và John lần đầu tiên được uống
cà phê (nó quyết định nếm thử xem có giống như mùi tỏa lên không). Bà Lawrence
giải thích cho nó tại sao họ lại vội vã như vậy. Sáng nay họ phải đi thăm bạn,
hôm nay lại là ngày sinh đứa con nhỏ của họ, buổi chiều họ sẽ tổ chức một bữa
tiệc lớn và họ không muốn về chậm. Bà chỉ vào một hộp to trên ghế và nói: “Đây
là bánh sinh nhật của nó, cà phê và sô cô la, chín ngọn đèn cầy nữa”. John mấy
tuổi nhỉ? Ô, John cũng lên chín. Nó có một đứa anh sinh đôi và năm anh chị em
nữa.
Đúng lúc ấy thì họ về
tới nhà. Ông bà Lawrence sẽ biết được nhiều hơn về đời sống của những người thợ
giặt, của người phu hốt rác - những đôi giày vá, và cách kiếm tiền của trẻ con
ở các nhà máy chữa ô tô và trạm xăng - ít ra cũng biết nhiều hơn là họ đã biết
sáng nay, lúc mới ra đi.
* * *
Ôi! Cái nhà mới to
làm sao! To hơn cả nhà bà Beaseley ở đường Sykemo, to hơn cả nhà ông cảnh sát
trưởng, to hơn cả... John không nghĩ thêm đươc cái gì nữa.
Còn những cái phòng
kia! Cái nọ tiếp cái kia... rồi cái cầu thang to rộng - rộng hơn cả các cầu
thang ở trường học và đẹp hơn nhiều?
Bà Lawrence mở một
cánh cửa màu trắng ra giới thiệu:
- Đây là phòng học.
John tưởng sẽ thấy
những cái bàn học, bản đồ, nhưng không phải thế, nó nhìn thấy một căn phòng đầy
ánh sáng mặt trời, sơn màu sáng, không có lấy một cái bàn hoặc bản đồ nào. Thay
vào đấy, trên một cái bàn rất to ở giữa phòng có hai cái bát to nuôi cá vàng và
một cái chuồng nhỏ bằng gỗ, nhốt hai con chuột bạch đang sống hẳn hoi! Quanh
tường có vài giá sách, một con ngựa bập bênh cũ kĩ, một cái tủ sách - cửa tủ
đang mở - bên trong đầy những đồ chơi trông giống như cửa hàng Chợ lễ Giáng
sinh trên Phố Lớn Otwell!
Trên cái bàn nhỏ cạnh
cửa sổ một miếng gỗ cắt hình Peter đang đứng - có lẽ bằng một con dao hơi cùn -
một thằng con trai bằng tuổi nó có mái tóc đậm, đôi mắt sẫm, mặc một cái áo nịt
len còn bẩn hơn cả cái áo nịt của John nữa!
Bà Lawrence dẫn chúng
vào rồi đi ra, chúng đứng nhìn nhau im lặng đến mấy phút.
John nghĩ: “nó nhỏ
hơn mình nhưng mập hơn”.
Peter nghĩ: “nó lớn
hơn mình mà mặc một cái áo nịt màu xanh nhạt trông như một đứa con nít ấy!”
Nhưng sau khi Peter
giới thiệu cho John xem bát cá vàng, con chuột bạch, lắp ráp bộ trò chơi cần
cẩu trong không đầy năm phút (mà Peter rất thích) và cưỡi con ngựa rập rình (mà
Peter đã chán - nó đã không dùng ít ra là hai năm rồi) thì chúng đã bắt đầu
chuyện trò với nhau thoải mái. Nửa giờ sau, bà Lawrence ló đầu vào, bảo cả hai đứa đi rửa
ráy, vì các khách của Peter khoảng nửa giờ nữa sẽ đến..
Peter đi trước dẫn
đường vào phòng tắm. Nó mở vòi nước, lễ phép nói: “Anh rửa trước đi”.
Nhưng John còn đứng
lại ở ngưỡng cửa. Cái phòng tắm mới luých chứ! Tất cả đều sơn trắng hoặc mạ kền
sáng loáng, làm nó nhớ đến một nơi nào... đúng, bệnh viện Otwell. Nó đã vào đấy
khi bị thương ở chân, nhưng mùi thì khác..., khác đấy. Nó nghĩ có lẽ giống cái
mùi ở hiệu thuốc tây hơn. Còn việc tắm rửa! Hừ, người ta có thể tắm hai lần một
tuần trong cái bồn tắm này. Nó khác xa với cái chậu tắm ở sau bếp nhà John, với
nước xà phòng của Lily Rose và Kate mà Jim và John thường kêu la chờ đến lượt
chúng.
Lại còn cái gì trông
hay thế kia ở trên cao?
Theo tia mắt người
khách này nhìn, Peter giải thích:
- Đấy là cái hương
sen. Anh có muốn dùng thử không?
John không biết hương
sen là cái gì, có phải là cái trông như cái nón tròn nhỏ chứa nhứng hạt sen mà
nó vẫn ăn không, nhưng nó sẵn sàng thử xài mọi thứ. Nó gật đầu và nhe răng ra
cười.
Peter cũng cười toe
toét, bảo nó:
- Cởi áo nịt ra.
John cởi áo nịt ra và
đến lượt Peter ngạc nhiên. Sao một đứa thiếu niên lại thắt thắt lưng nhỉ! Tất
nhiên đó là một điều lạ đối với những người không biết rằng cái quần của John
chính là cái quần cũ của ông Ruggles cắt ngắn đi. Peter không nói gì, mở vòi
hương sen - nhưng nó vặn mạnh hơn ý định (nó chỉ định cho chảy vài giọt nước
lên đầu John thôi. Và bây giờ hình như không thể khóa nước lại được.
Năm phút sau, bà Lawrence vào xem cái gì ầm
ĩ lên trong nhà tắm , thì thấy vị khách của bà ướt như chuột lột và trong phòng
tắm nước ngập đến một đốt ngón tay!
Bà nói:
- Tôi tưởng cháu sợ
ướt mới chui vào trong xe để núp cơ mà.
John đáp:
- Cháu sợ ướt. Nhưng
đây là loại ướt khác.
Nửa giờ sau, khi họ
xuống thang gác thì John đã sạch sẽ và gọn gàng, nó mặc bên trong một cái sơ mi
trắng và ngoài là bộ quần áo flanen màu xám của Peter. Ông Lawrence gặp họ nói:
- Này, anh bạn trẻ,
tôi muốn biết địa chỉ của cháu, chúng tôi không thể giữ cháu ở đây suốt ngày,
mà không báo cho cha mẹ cháu biết, là cháu vẫn khỏe mạnh an toàn. Tôi sẽ gởi
một cái điện tín cho bố mẹ cháu.
Mắt John dài ngoẵng
ra buồn hiu. Một cái điện tín! Nếu một người ở Phố Cụt nhận được điện tín thì
tất cả hàng xóm láng giềng đều biết ngay lập tức, và thông thường thì họ đều
biết trước khi trời tối. Nếu như có đứa nào trong Hội nghe được bức điện thì
cuộc phiêu lưu thú vị này sẽ chẳng còn gì đáng ngạc nhiên nữa!
Ông Lawrence nói:
- Bức điện này sẽ chỉ
nói là cháu vẫn khỏe mạnh thôi! Nào nghe đây! Tôi sẽ viết thế này: “John hoàn
toàn bình yên. Tối nay sẽ trở về bằng xe buýt chuyến bảy giờ”
Ồ, thế thì không có
gì phải lo rồi - vẫn thú vị và bí ẩn như thường! Nó hỏi:
- Thưa ông, bao lâu
thì bức điện tới nhà?
Ông Lawrence cho biết
khoảng một giờ.
Tuyệt! Cả nhà nó lúc ấy
đang dùng trà, có lẽ chỉ thiếu Jim. Lily Rose, Kate và Jo chắc sẽ ngạc nhiên
lắm!
* * *
Khách khứa đang đến.
John cảm thấy bẽn lẽn ra đứng sau một cái cây. Mọi người đều rất sạch sẽ, gọn
gàng. Họ hình như đều quen nhau cả ấy. Chỉ có John là cảm thấy ngỡ ngàng. Bà
Lawrence đã phát hiện ra nó đang đứng sau cái cây và đã giới thiệu nó rất tế
nhị với những đứa trẻ mới đến, làm cho nó không còn cảm thấy là một thằng bé
đứng kiếm xe hơi để trông nữa, mà thấy mình là một nhân vật quan trọng.
Bằng cách này, cách
khác, bà Lawrence
đã làm cho nó yên lòng. Trước khi John có thời giờ để lại cảm thấy ngượng ngùng
thì đã đến lúc tiệc trà.
Nó đã đói vì bữa ăn
trưa ngoài trời rất nhẹ, lại thêm ý nghĩ về những loại bánh ngọt, sôcôla, cà
phê kia, càng làm cho nó thèm ăn.
Trên cái đĩa bạc to
đặt ở giữa bàn ăn là một loại bánh ngọt nó chỉ mơ thấy chứ chưa nhìn thấy bao
giờ. Cái bánh to, cao, được phủ một lớp kem sôcôla chung quanh, từ chân lên đến
đỉnh. Chín ngọn đèn cầy gắn vòng tròn trên mặt cái bánh. Trên mặt bánh còn có tên
Peter và hàng chữ “Chúc khỏe mạnh sống lâu”.
John không thể nào
rời mắt khỏi cái bánh đó để nhìn đến các thứ kẹo bánh khác. Nó chưa bao giờ
nhìn thấy một bữa tiệc trà to như vậy. Có nhiều bánh ngọt phủ một lớp đường màu
hồng nhạt hoặc xanh thẫm, nhiều bánh bích qui sôcôla thuộc loại ngon nhất.
Đầu tiên chẳng ai nói
gì, nhưng khi một cậu bé đánh đổ nước trà lên áo một cô gái thì họ bắt đầu vui
vẻ chuyện trò, không khí sinh động hẳn lên.
Ngồi bên cạnh John là
một phu nhân trẻ mười một tuổi, cho đến lúc ấy cô chưa hề nói một câu nào. Đột
nhiên cô dí một cái đĩa sát mũi John hỏi:
- Cậu có thích kẹo
chanh không?
John thứ nào cũng
thích nên nói ngay:
- Có
Cô bạn ngồi cạnh nói:
- Tớ thì không thích.
Tớ ăn mấy cái ở bữa tiệc sinh nhật tuần trước và bị nôn ở ngoài vườn ấy. Thật
là kinh khủng.
Kinh khủng ư! John
cảm thấy rất lạ. Nó chưa biết thế nào là nôn ra vườn. Tuy nhiên nó vẫn lấy một
cái kẹo và tròn xoe mắt nhìn cô gái này.
Cô lại hỏi:
- Cậu có đi học
không?
John gật đầu.
Cô bé nói tiếp:
- Tớ học lớp ba. Cậu
học lớp mấy?
John đáp:
- Tớ học lớp bốn
Và kiêu hãnh nói
thêm:
- Chị tớ học lớp bảy,
chị ấy được học bổng đấy.
Cô gái không tỏ ra
khâm phục, nói:
- Tớ có người chị họ
cũng được học bổng. Chị ấy vào học trường Oxford .
Chị của bạn có học trường Oxford không!
- Không! Chị ấy học
trường trung học Otwell
- Cái tên này nghe
như là tên của một ga xe lửa ấy. - Rồi cô nói thêm: - Cậu chưa mời tớ thứ gì
cả, tớ thích một cái bích quy sôcôla.
John đưa đĩa bánh cho
cô. Khi cô lấy một cái ăn thì John mặc dù chưa ăn hết cái kẹo chanh cũng lấy
một cái bánh nữa. Tất nhiên đó là một sai lầm. Vì cậu bé ngồi cạnh John ở phía
bên kia, nhìn nó một cách khó chịu và cầm lấy đĩa bánh.
Mặc dù cậu bé này
không tốt lắm, John nghĩ cứ thử bắt chuyện xem sao. Nó ngượng ngập hỏi:
- Cậu có đi học
không?
Thằng bé xấu chơi
đáp:
- Tất nhiên! Cậu
không à!
- Có
- Ở đâu!
- Trường Đường công
viên, Otwell
- Chưa bao giờ nghe
nói đến.
Xấu chơi nói rồi quay
lưng vào John, bắt đầu nói chuyện với người ngồi phía bên kia. John lấy một cái
bánh bích quy sôcôla nữa và mấy phút sau thì bà Lawrence nói rằng nếu tất cả đã ăn uống xong
thì ngoài vườn có những điều bất ngờ đang chờ họ. Thế là mọi người đứng lên đi
ra ngoài.
John nhận xét ngầm
trong bụng, cái vườn này rộng như công viên Otwell nhưng đẹp hơn nhiều. Ở đây
không có những bảng niêm yết “Không đi lên cỏ”, “Xin đừng hái hoa”. Có đến mấy
sân quần vợt, một sân đã tháo lưới, mặt sân đặt những hàng cờ nhỏ. Peter giải
thích, những cái đó là để chuẩn bị cho các cuộc đua. Năm phút sau thì John quên
hết mọi điều phiền muộn, trông đợi dự cuộc thi “buộc chân trong bị chạy đua”
dành cho những người dưới mười tuổi. Nó đã về thứ ba và không hài lòng về mình
lắm. Năm ngoái nó đã là nhà thể thao số một ở trường cơ mà. Nó nghĩ cuộc đua
sắp tới - cuộc đua trứng và muỗng - nó phải cố gắng hơn.
Trong buổi liên hoan
lớn này, các thìa đều bằng bạc, các quả trứng đều là trứng thật chứ không phải
trứng giả. Đánh rơi một quả trứng thật thì hồi hộp hơn đánh rơi một quả trứng
giả nhiều! Mọi người đều tham gia cuộc đua này. John đã về nhất với quả trứng
của nó và nó cảm thấy thật sự tự hào.
Nó hỏi bà Lawrence:
- Cháu có thể giữ quả
trứng này của cháu được chứ?
Nó nói thêm:
- Cháu muốn mang về
cho Măng cháu.
Bà mỉm cười nói:
- Được chứ! Và chúng
ta sẽ kiếm thêm vài quả nữa cho chúng có bầu có bạn. nhưng cháu phải chuẩn bị
để thi trò “Tìm kho báu” đã.
Tìm kho báu! Giá một
người nào trong hội được phiêu lưu mạo hiểm như thế này nhỉ!
Ba đồ vật được giấu
đi: một vợt quần vợt, một con dao của hướng đạo sinh và một máy ảnh.
Người dự thi có thể
chọn một thứ để đi tìm. Bà Lawrence đang phân phát các tấm bìa nhỏ, trên đó có
ghi những manh mối để đi tìm các đồ vật kia.
John biết nó sẽ đi
tìm cái gì. Nó đã chẳng từng mong có một con dao của hướng đạo sinh bao nhiêu
lần rồi đấy ư. Nó phải tìm ra con dao! Bốn đứa trẻ khác cũng chọn con dao,
trong số đó John lấy làm tiếc đã gặp lại thằng bé Xấu chơi trên bàn tiệc.
John nghiên cứu tấm
bìa mách đầu mối của nó “Đi ba bước về phía Tây Bắc”. Điều này thật dễ, dù thế
nào đi nữa người ta vẫn có thể nhìn thấy những người khác… “quay tròn ba lần
rồi chạy tới nhà hóng mát và hãy mở ra cái mà anh thấy ở đó”.
Ông Lawrence gọi:
“Sẵn sàng chưa?”, rồi thổi một tiếng còi… “Một, hai, ba”. Chúng bắt đầu chơi.
Khi tới nhà hóng mát,
Giôn nhìn thấy có bốn bọc nằm trên một cái bàn. Thằng Xấu chơi đang bận rộn xem
một bọc nó đã lấy. Các bọc đều giống hệt như nhau, đều bọc giấy nâu, buộc lại
bằng dây và trên mỗi bọc đều viết: “Không được cắt nút ra”. Ồ! Những cái nút
này! Thằng Xấu chơi đang cởi nút, tháo dây ra, mở được cái bọc rồi! Cuối cùng
John cũng tháo được hết các nút, gỡ được mảnh giấy ra. Bên trong là một cái
hộp. Và kìa! Ác nghiệt chưa, bên trong cái hộp này lại có hộp nữa, được buộc
rất nhiều nút.
Bên trong cái hộp
cuối cùng là một bao thơ, trong đó có (chắc là vật cuối cùng mà người ta muốn
tìm) một mảnh giấy thấm. Trên giấy thấm có những chữ viết đã bị xóa đi và ở đáy
hộp viết câu này: “Đọc manh mối trên tờ giấy thấm, nhìn đằng sau nhà hóng mát”.
John đoán “hẳn phải
là cái gương”, vì nó biết không có cách nào đọc được những chữ viết trên tờ
giấy thấm, và nó biết chắc có một cái gương nhỏ treo ở cái đinh sau nhà hóng
mát. Câu manh mối cuối cùng là “Hãy tìm manh mối tiếp theo ở dưới cây Linh
Sam”. Cây Linh Sam ở đâu? Thẳng qua đầu kia của sân quần vợt, thằng Xấu chơi đang
chạy ở phía đó. John bắt đầu chạy hết sức tới đó. Một cậu bé nữa cũng đang chạy
sát ngay sau nó. Rồi một người nào đó chạy qua, nó nhìn thấy đôi chân dài duy
nhất của cô gái duy nhất tham gia cuộc đua tìm con dao này. Nó nghĩ, không biết
cô bé dùng con dao ấy làm gì!
Dưới cây Linh Sam có
nhiều xô nước, trên những mảnh giấy dán vào các xô này có viết câu “Hãy mang
tôi đi cẩn thận đấy - Hãy đến lán để dụng cụ (ĐB) - Đổ khoai tây đầy vào cho
tôi và đem tôi trở về đây.”
Đ.B là gì? Ồ, tất
nhiên là Đông Bắc rồi. Những cái xô nặng gớm mặc dù chỉ có nửa xô nước. Thật
khó mà xách xô chạy, lại không làm sánh nước ra ngoài. Giôn đã vật lộn, đem
được xô nước đến nơi, ngay sau cô bé chân dài. Nó ngạc nhiên thấy bà Lawrence đang ngồi trong
lán dụng cụ.
Nó nói:
- Cháu đánh đổ mất
một ít.
Bà kêu lên: ”Không
sao, đổ chỗ còn lại đi, nhanh lên!” Ngay sau khi xô của nó đã đổ hết nước, bà
ném vào xô nó một củ khoai tây để mở đầu. Ngay lập tức cả năm đứa trẻ đều ở
trong lều, va chạm cả vào nhau trong khi nỗ lực xếp khoai tây cho đầy xô của
chúng. Cuối cùng xô của John đã đầy. Khoai tay nặng hơn là nước, cho nên dường
như đoạn được trở về cây Linh sam dài vô hạn. Khi John tới thì đã thấy hai cái
xô đứng ở đấy rồi. Thằng Xấu chơi và cô bé chân dài đã chạy đâu mất. John không
biết phải làm gì nữa. Manh mối tiếp là gì và ở đâu?
Peter đang đứng coi,
thì thầm “Xem bìa ấy”. John rút tờ bìa ra khỏi túi nhìn: ”Manh mối cuối cùng.
Hãy đọc cẩn thậtn”. John đọc cẩn thận. Bìa nói:
“Anh sẽ thấy bên cạnh nhà kính
Xưa kia chúng tôi là sáu, nay là ba
Trong cái lều ở phía phải chúng
Sáng bóng và rực rỡ
Có đính một cái nhãn. Đó là tôi!”
Thế nghĩa là thế nào!
Dù sao đi nữa cũng phải bắt đầu từ tòa nhà kính. May mắn là nó đã thấy tòa nhà
kính ở ngay cạnh lán dụng cụ. Chạy nhanh lên. Nó chạy không kịp thở nữa. Nó
sung sướng thấy những đứa khác cũng đều mệt cả. Mấy phút sau thì cả năm đứa đã
đứng ngắm tòa nhà kính, đầu tiên đứng ở phía này, lát sau lại sang phía kia.
“Ngày xưa chúng tôi có sáu”. Câu đó nghĩa là gì… “chúng tôi” là ai.
John bắt đầu cảm thấy
ốm cả người vì bị kích động quá. Bất cứ lúc nào một trong đứa có thể phát hiện
ra ý nghĩa câu manh mối và…con dao! Nó chưa bao giờ suy nghĩ căng thẳng đến thế
trong đời nó. Điều này thật còn tệ hơn cả các bài toán số học thầy giáo cho
trong một tuần lễ!
Cái nhà kính có ba
mặt. Tựa vào một mặt là cái ghế gỗ cũ kỹ. Cái cửa chiếm gần hết mặt thứ hai.
Còn bên cạnh mặt thứ ba là một đống các chậu hoa phần lớn đã vỡ, mấy cái bồn
hoa đĩa cũng cũ rồi. Trong một lát sự chú ý của John dừng lại bên những cây
này. Ông láng giềng Hook cạnh nhà nó cũng có hai cây này. Chúng là niềm kiêu
hãnh của ông. Mọi người ở Phố Cụt đều biết câu chuyện ông đã trồng chúng như
thế nào từ những cây con mà ông trưởng vườn ở công viên Otwell đã cho ông. Nămm
tới ông mong có được ba cây! Ngẫu nhiên John đếm những cây hoa đĩa có ở đây:
một, hai, ba! “Bây giờ chúng tôi có ba”. Nó đến gần hơn. Ở đây ngay trên cỏ nếu
nhìn kỹ sẽ thấy ba vết - vết của những bồn hoa xưa kia đã đứng ở đây. Bà với ba
là sáu, “xưa kia chúng tôi là sáu”. Nó đã hiểu được rồi. Còn “trong cái lều ở
bên phải chúng”… Bên phải chúng là thế nào - các cây không có bên phải bên
trái. Dù thế nào thì cũng chỉ có một cái lều thôi - cái lều dụng cụ, nơi mà
chúng đã lấy khoai tây. John chạy ngay về phía đó.
Bà Lawrence vẫn còn
đang ngồi đó, mỉm cười với nó. Một phút sau thằng Xấu chơi cũng lao đến.
Những vấn đề, những
vấn đề có ở khắp nơi. Những cái mai, những bồn hoa, những bình nước, đủ để cung
cấp cho một cửa hiệu. Người ta không biết phải bắt đầu từ đâu. John đứng thừ
ra, nhìn ngắm. Nó bắt gặp ánh mắt của bà Lawrence .
Bà trông rất vui. Hừ, nó chợt nghĩ, sao bà lại ngồi đây. Hình như đây là một
chỗ có vẻ khang khác, một chỗ rất khác lạ! Nó tới gần bà hơn nhìn, ngó. Trên
đầu gối bà có một túi xách tay màu đỏ tươi. Miệng túi hé mở, lộ ra một cái gì
sáng bóng, một cái gì sáng bóng và rực rỡ có đính một cái nhãn. Đúng, một cái
nhãn nhỏ màu trắng đang treo vào đó… John lao tới. Thằng Xấu chơi cũng lao tới.
Cả hai đến cùng một lúc. Thế là xảy ra cuộc vật lộn. cô bé chân dài chạy đến, lao
vào đầu cả hai đứa. Bà Lawrence với cái túi xách tay của bà - theo lời bà kể
lại - đã trở thành vật hy sinh trong cuộc vật lộn này!
* * *
John đã ngồi trên xe
buýt về Otwell, lúc đó gần chín giờ, bên ngoài trời đã tối. trong xe đèn bật
sáng trưng nhưng John buồn ngủ quá. Trên chỗ ngồi bên cạnh nó là nhiều bọc: cái
áo nhỏ còn ướt của nó, một giỏ trứng, một bộ đồ chơi lắp ráp cần cẩu (giải
thưởng của cuộc đua Trứng và Muỗng), một gói trong đó có miếng bánh sinh nhật
rất to, nhiều bánh bích qui sôcôla và nhiều thứ rất thích khác cho các anh chị
em nó. Còn trong túi bộ quần màu xám của Peter là bức thơ gửi cho bà Ruggles.
Bà Lawrence khi tạm biệt nó đã dặn:
- Hãy đưa cái này
trực tiếp cho mẹ cháu ngay khi về đến nhà. Tôi tin rằng mẹ cháu sẽ không giận
cháu đâu.
John đã giữ nó rất
cẩn thận, chống chốc nó lại thò tay vào túi kiểm soát để yên tâm là bức thơ vẫn
còn nằm nguyên ở đó. Trong túi bên kia của John là con dao hướng đạo sinh thật
đẹp, thỉnh thoảng John lại lấy ra ngắm nghía nó rất yêu quý. Chỉ chậm một giây
thôi thì giờ này con dao đã theo thằng Xấu chơi về nhà nó rồi! Đây là một câu
chuyện làm cho Hội phải sửng sốt, ngạc nhiên. Một câu chuyện làm cho mọi hội
viên phải tái người và ghen tị. Nó bắt đẩu điểm lướt qua trong óc các việc đã
xảy ra trong ngày hôm đó. Lẻn ra khỏi nhà thật nhanh để mẹ không kịp bắt, đó là
giây phút thật hồi hộp… rồi chờ đợi ở sân xe… chui vào trong ôtô… Thu xếp chỗ
ngồi và nhận ra xe ôtô chạy đi… bữa ăn trưa trên đường (có cà phê)… nhà và
những con chuột của Peter, cái hương sen tắm (đến đây John tự cười mình)… Cái
điện tín của ông Lawrence …
tiệc trà… trò chơi thể thao… tìm kho báu… Chà! Có đủ những chuyện phiêu lưu mạo
hiểm để kể khi họp mặt.
Một tiếng nói vang
lên:
- Dậy đi, cậu bé, dậy
đi!
John mở mắt ra. Một
người nào đó đang lay nó:
- Dậy đi!
Nó nhắm mắt lại mơ
màng. Thế thì ra tất cả những điều đó chỉ là một giấc mơ. Nó cũng chẳng hơn gì
những đứa trẻ trong các truyện phiêu lưu mạo hiểm. Chúng đã làm nhiều điều kỳ
lạ, rồi ở trang cuối cùng, tác giả lại nói một cách thản nhiên là chúng đã mơ
thấy tất cả những điều ấy.
Người soát vé lại lay
nữa và nói:
- Cậu bé này mới
khiếp chứ! Dậy đi. Cậu có phải John Ruggles không? Có một ông đang tìm cậu kìa!
John nặng nhọc đứng
lên. Nó thọc tay vào túi… Đúng, con dao vẫn nằm đây…và các thứ nữa…còn cái gói
đang nằm trên ghế. Thật sự là tốt đẹp cả. Và kìa, ông Ruggles đang đứng ngoài
cửa, gọi người soát vé:
- Không phải nó,
không phải nó!
John kêu lên:
- Con đây, ba ơi!
Rồi thu nhặt các gói
đi ra.
Thì ra ông Ruggles
đến xe buýt cứ đi tìm cái áo nịt xanh. Nhưng ông không thể lầm được cái đầu tóc
đỏ của con trai ông dù là cái áo nịt xanh đã biến đổi một cách bí ẩn thành một
bộ đồ xám rất đẹp.
Khi John đặt tất cả
các bọc xuống đất, đưa cho ông Ruggles xem con dao của hướng đạo sinh tuyệt đẹp
và kể cho ông nghe những việc đã xảy ra cho nó ngày hôm đó thì ông kêu lên:
- Ba không thể tưởng
tượng được!
Ông còn lặp lại câu
đó nhiều lần trên đường đi về nhà. Lúc về đến nhà thì hình như bà Ruggles cũng
không thể tưởng tượng được là như thế.
Bà Ruggles hỏi:
- Nào, con lấy bộ
quần áo này ở đâu ra thế?
John vẫn nhớ lời dặn
của bà Lawrence ,
nên trước khi mẹ nó có thời gian để hỏi thêm, nó đặt ngay giỏ trứng và cái thơ
vào tay mẹ rồi chạy lên lầu xem James có còn thức không (nếu như nó có nhà).
Mấy phút sau, mọi người gọi nó xuống. Vừa bước vào bếp nó biết ngay là bà
Ruggles đã vui rồi vì Măng đang quàng tay ôm lấy cổ Ba trông rất chi là thú vị.
Cái gì làm bà vui như thế! Chắc chắn không phải là giỏ trứng rồi! Không! Phải
có cái gì hơn là giỏ trứng mới đền bù lại được cho bà Ruggles. Bà phải lo lắng
suốt một ngày vì John, khi thì phỏng đoán thế này, khi thì phỏng đoán thế khác.
Những dòng chữ này -
như bà Lawrence
giải thích - là của một người mẹ viết cho một người mẹ. Bà hy vọng rằng bà
Ruggles không quá lo lắng về việc John vắng nhà. Rồi bà nói, bà đã vui thích
biết bao khi nói chuyện với nó: nó thông minh, cư xử lịch sự, luôn luôn thương
Măng, muốn đem trứng về cho Măng. Cả hai vợ chồng bà sẽ rất sung sướng được gặp
ông bà Ruggles. Bà dặn là trong những ngày sắp tới; càng sớm càng tốt, họ phải
đến chơi và đem cả lũ trẻ đến chơi một ngày ở miền quê. Bà gửi lời chào chân
thành và tái bút ghi thêm là, xin bà Ruggles đừng bận tâm về việc gởi trả bộ đồ
xám John đang mặc, vì nó đã chật đối với con bà.
Khi đã đọc to hết bức
thư bà Ruggles nói với chồng:
- Anh yêu! Bà này mới
là một bà mẹ thật sự.
Ông Ruggles trả lời
là, không phải phân vân gì về điều đó và mặc dù đã khuya ông còn nhồi thêm một
tẩu thuốc hút. Đáng lẽ phải về giường đi ngủ thì John bằng cách này, cách khác
cố ngồi lại ở cái bàn trong bếp kể lại một lần nữa những việc đã xảy ra ngày
hôm đó cho ba má nó nghe.
Nửa giờ sau, nó vẫn
còn ở đấy và các anh chị em nó thì nấp sau cánh cửa bếp hé mở, dỏng tai lên
nghe. Giá như Jo không bất chợt gây ra một tiếng động thì nó tin rằng - hôm sau
nó nói lại với James - nó sẽ ngồi đến tận nửa đêm.
Mọi việc đã diễn ra
như thế đấy. Bà Ruggles đưa chúng về giường ngủ, nói rằng một việc như thế sẽ
không bao giờ xảy ra nữa!
Trước khi rơi vào
giấc ngủ, John còn tự hỏi, không biết bà Lawrence
viết gì trong bức thư của bà gởi cho Măng nó.
* * *
Ba ngày sau, khi hai
anh em sinh đôi vừa kể xong câu chuyện của chúng ở cái lò gạch cũ thì thủ lĩnh
của Hội - ông Henry Oates mười hai tuổi - nói:
- Tao không tin đến
một nửa những chuyện đó. Chúng mày đã tưởng tượng ra hoặc là đọc ở trong sách!
James đỏ mặt, chỉ tay
vào cái trán bươu của nó kêu lên:
- Thế cái này là cái
gì?
Trên trán nó có một
vết sưng to màu vàng, xanh sẫm và xanh nhạt.
Rồi nó rút trong túi
ra một mảnh giấy, đưa cho thủ lĩnh xem và nói: “Cái này nữa!”. Đó là bức điện
của ông Lawrence
nói về John.
John vung con dao
hướng đạo sinh của nó lên không, kêu lên:
- Và nói thế nào về
vật này!
Tất cả hội viên của
hội cười vang lên. Một người kêu to:
- Hoan hô ba lần anh
em Ruggles đầu tóc đỏ!
Trong tiếng ồn ào
tiếp theo, ông Henry Oates lần đầu tiên trong đời cảm thấy mình bị coi thường
quá.
Tuy nhiên, ông lại
cảm thấy tốt đẹp ngay. Chính ông đã nhận những chàng trai này vào hội trong khi
hội còn chưa muốn nhận chúng. Ông kêu lên khi sự ồn ào đã lắng xuống:
- Tao đã bảo chúng
mày mà! Tao đã chẳng nói là, hai anh em sinh đôi thì luôn luôn chiến thắng là
gì!
Mặc dù một vài hội
viên nghi ngờ, không biết chúng có nghe thấy thế hay không, nhưng Henry Oates
là một thằng bé lớn con và rất khỏe, vì vậy chúng đồng ý rằng hai anh em sinh
đôi chắc chắn là luôn luôn chiến thắng.
-----------
Còn tiếp
-----------
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét