Chương 10: Một ngày
đẹp
Hai giờ đồng hồ sao
mà trôi qua nhanh thế, chưa đủ thời gian để nói hết được về bạn bè và họ hàng
(luôn luôn có rất nhiều chuyện về họ) thì bà chị dâu đã nhìn thấy Jo đang đi
tới:
Bà Aivy kêu lên:
- Trở lại rồi! Nhanh
lên! Hãy nói cho chúng tôi biết kết quả nào.
Ông Ruggles nói:
- Rất tốt! Tẩm ngẩm
tầm ngầm mà đấm chết voi đấy! Charlie đã đoạt giải nhất. Một người trọng tài
thích con Bernard Shaw vô cùng. Bây giờ phải nói đến chuyện ăn một tí gì chứ.
Rosie, họ còn chờ ngoài kia kìa. Các con đâu cả?
Bác Aivy nói:
- Chúng đang chơi yên
ổn cả ngoài vườn chơi. Tôi sẽ đem chúng về cho.
Nói rồi bà chạy đi.
Bad Aivy hình như đi
quá lâu.
Bà Perkins nói:
- Trời ơi! Tôi hy
vọng không xảy ra điều gì. Hai giờ đồng hồ lâu đấy, nhưng tôi quá say sưa nghe
câu chuyện về ông em rể của Aivy và mấy người hàng xóm nên quên khuấy mất.
Ông Ruggles nói:
- Này, tôi đã trông
thấy thằng James của chúng ta đằng kia kìa. Đúng là cái đầu tóc đỏ của nó trong
cái đám đông bên cạnh hồ ấy.
Rosie cũng kêu lên:
- Này, bế lấy William.
Để tôi đi xem nào. Kìa, đúng là nó rồi. Sao nó là Kate, rồi Peg với một ông
công an. Trời ơi!
Bà chạy lao đi.
Khi bà Ruggles chạy
đến gần đám đông thì Kate chạy ngay lại gặp mẹ kêu lên “Ôi, Măng, nhanh lên!”.
Nó kéo tay mẹ lôi đi nói: “P-Pamela đang ở trong hồ và c-công an bảo Peg của
chúng ta ăn cắp!”.
- Trời ơi!
Bà Ruggles kêu lên,
rồi rẽ đám đông đi tới.
Không còn nghi ngờ gì
nữa, Peg đây rồi, đang khóc thút thít trong tay người công an. Còn Pamela thì
không phải ở dưới hồ mà đang đứng trên mặt đất, ướt như chuột lột và cũng khóc
nốt. Lily Rose và bà trông vườn thì đang cố sức vắt khô bớt cái áo lụa màu hồng
cho Pamela.
Bà Ruggles nhìn quanh
một cách giận dữ kêu lên:
- Các con đã làm
những gì thế này? Những đứa khác không làm sao chứ?
Đúng, chúng đều có
mặt ở đây cả: hai thằng sinh đôi, thằng Frank Ruggles, thằng Anthony - bộ quần
áo nhung của nó rách và bẩn - Mary và Dorrit còn bẩn hơn và lôi thôi lếch thếch
hơn trước nhiều, Alfred thì lấm đầy bùn nhưng vẫn ngoác miệng ra cười. Tất cả
đều có mặt, chỉ thiếu Jo!
Bà Ruggles kêu lên:
- Jo đâu?
- Nó vẫn bình yên,
Măng! Nó ở trong vườn, con để nó chơi đu trong ấy. - Lily Rose nói.
Người công an chỉ
Peg, nói:
- Đây là con gái của
bà, phải không? Bà nên dạy cho cháu biết không được hái hoa trong vườn hoa công
cộng.
Ông đặt Peg đang khóc
vào tay mẹ nó. Bà Ruggles tội nghiệp nhìn thấy mấy bông hoa hồng trong bàn tay
bụ bẫm của Peg.
Rosie kêu lên rất bực
bội:
- Trước đây nó không
bao giờ làm một việc như thế.
Rồi bà lắc Peg một
cái, nói thêm:
- Có im đi không. Nói
với ông công an này như vậy đi.
Nhưng người công an
đã không còn chú ý gì đến việc đó nữa, đang bảo đám đông giải tán.
Bà trông vườn chỉ vào
Pamela đang còn ướt sũng, hỏi:
- Đây có phải con bà
không?
Rosie đáp:
- Không! Nó không
phải con tôi.
Bà làm vườn nói tiếp
với Pamela:
- Cháu đã làm gì mà
đến nỗi thế? Cháu thật là một cô bé hư. Tôi tin là mẹ cháu sẽ không vui lòng
đâu. Tốt hơn là cháu nên cởi ngay váy áo đó ra, đem phơi ra nắng cho khô đi.
Cháu mặc như thế thì nó không khô được đâu.
Pamela vừa khóc vừa
nói:
- Ứ ừ, đây là cái váy
áo đẹp nhất của cháu.
Bà Ruggles quát lên:
- Tôi không cần biết
cái váy áo đó thế nào! Lily Rose cởi áo ra cho nó không thì nó chết lạnh mất.
Cháu hãy nhìn cháu xem kìa. Khiếp chưa! Trời ơi! Mũ của cháu đâu rồi.
Frank Ruggles kêu
lên:
- Cháu đã vớt được nó
đây, thím ơi!
Rồi nó giơ cái gậy, ở
đầu có treo một vật ướt sũng lên, nói:
- Cháu đã cứu được
nó.
Lúc này bà Aivy và bà
Mabel đã tới. Bà Mabel kêu lên giọng đầy nước mắt:
- Tôi biết thế nào
cũng có chuyện xảy ra mà! Tôi đã cảm thấy thế. Vậy mà tôi cứ mải ngồi nghe
chuyện ông em rể của bác và về bác Pơxi, trong khi Pamela bé bỏng của tôi suýt
chết đuối! Trời ơi! Tôi biết làm thế nào cho nó bây giờ đây. Nó không thể đi
ngang qua công viên như thế được, gần như là trần truồng thế kia kìa. Còn thằng
nhỏ Anthony, hãy xem nó kìa.
Bác Aivy kêu lên:
- Ồ, đừng nói những
lời vô ích nữa, Mabel. Pamela vẫn bình yên, nó đã không chết đuối vì đã biết
kêu cứu ầm lên. Bây giờ nó có đi bộ không có váy áo mặc thì cũng chẳng có ai
lưu ý hoặc quan tâm đến nó đâu. Anthony cũng bình yên. Mặc dù nó có ngã đau một
chút nhưng nó sẽ còn gặp nhiều điều tệ hơn nữa trước khi nó trưởng thành. Tôi
lấy làm tiếc rằng chắc chắn sẽ xảy ra như thế đấy, dù lũ trẻ có được dặn dò bao
nhiêu đi chăng nữa.
Bác nắm cánh tay Dorrit,
giật nó một cái và nói thêm:
- Mẹ không biết tại
sao, mẹ chẳng bảo các con không được ra khỏi Vườn Chơi là gì?
Còn hàng tràng những
lời giải thích nữa.
Bà Rosie phải kêu
lên:
- Khiếp quá! Tôi
không thể chờ nghe cho hết được đâu. Kate, hãy trông Peg, đừng để cho nó đụng vào
một cái hoa nào nữa. Mẹ phải đi tìm Jo về. Có trời biết được nó đang mưu tính
gì đây.
Rồi bà vội vã chạy
đi.
Đến Vườn Chơi bà
Rosie nhìn quanh hy vọng thấy Jo, nhưng không thấy nó đâu cả. Quái thật, Lily
Rose đã nói: “Con để nó chơi đu ở đây” mà. Nhưng đã lâu quá rồi.
Bà đi tới hết đám trẻ
này đến đám trẻ khác tìm Jo, nhưng không thấy bóng thằng nhỏ mập mạp mặc cái áo
nịt xanh chật căng đâu. Bà đang định đi hỏi người coi vườn xem có nhìn thấy
thằng bé nào giống như Jo không thì thình lình một tiếng gọi ré lên ngay trên
đầu bà: “Alo! Măng, đã đến giờ ăn trưa rồi à?”
Ngẩng đầu lên, bà Ruggles
thấy một cái bóng ở trên ngọn cây đang chuẩn bị trèo xuống. Trên mình Jo chắc
chắn không còn thấy cái áo nịt xanh chật nữa, thay vào đó là một cái áo dệt
rộng rãi, thoải mái. Mẹ nó nhận ra ngay lập tức đó là cái áo của James đã cũ,
rách và bẩn!
Bà Ruggles kêu lên:
- Xuống ngay.
Và lập tức Jo trèo
xuống. Nó chưa kịp đứng xuống đất, bà đã nghiêm khắc nói:
- Áo với xống trông
khiếp chưa kìa!
Trông nó như một
thằng nhỏ nhố nhăng, kỳ lạ. Khi nó đứng thì cái áo nịt dài đến tận đầu gối,
nhưng mà nó đã xắn lên mấy gấu nên trông rất gọn. Bà Ruggles nắm lấy cánh tay
nó, cáu kỉnh hỏi:
- Con lấy đâu ra cái
áo này?
Jo mỉm cười rất là dễ
thương, nhưng không dám nhìn mẹ, chỉ liếc trộm rồi nói:
- Con đã mang nó đi.
Đây là cái áo của James. Mặc cái áo của con nóng lắm!
Bà Ruggles kêu lên:
- À, thì ra cái gói
con mang theo là cái áo này! Thế mẹ hỏi, cái áo kia của con đâu rồi? Thế nào,
nói cho mẹ nghe đi. Con đã tự cởi được cái áo đó ra à? Trả lời mẹ đi.
Jo lờ đi không trả
lời câu hỏi đầu, chỉ nói:
- Bọn trẻ con trai đã
giúp con.
Bà Ruggles kêu lên:
- Hãy trả lời câu hỏi
của mẹ - cái áo nịt kia đâu?
Jo vẫn im lặng.
Bà Ruggles nói một
cách chắc chắn:
- Con hãy nói cho mẹ
biết cái áo đâu, nếu không thì con sẽ phải nhịn cơm trưa.
Cuối cùng Jo nói:
- Con cho đi rồi.
Bà Ruggles kêu lên:
Thế nào? Con nói gì?
Jo nhắc lại:
- Con cho đi rồi. Nó
chẳng còn dùng được đâu.
Bà Ruggles hình như
không còn nói được nữa vì tức giận. Cho đi rồi, một cái áo đẹp như thế, một năm
nữa là Peg mặc vừa, ấy là chưa kể còn để lại cho William nữa.
Bà hỏi:
- Con cho ai?
Jo nói:
- Ồ, cho một bà nào
ấy. Con để áo lên ghế và bà ấy bảo, hình như con không muốn mặc nó nữa, mà con
bà ấy mặc thì rất vừa. Con đã không muốn cho. Nhưng sau bà ấy cho con một penny
để lấy cái áo.
Nó có vẻ tự hào về sự
khôn ngoan của nó!
Bà Ruggles quát lên:
- Mẹ sẽ phạt con khi
chúng ta về nhà! Bây giờ hãy chỉ cho mẹ người đàn bà ấy. Nhanh lên!
Nhưng không may, bà
ấy đã đi mất rồi.
Jo đang đứng khóc, bà
Ruggles bảo nó:
- Im ngay! Coi bộ
không khóc thì con chưa giống một người mới từ hố rác chui lên phỏng? Con làm
cho mọi người phải nhìn vào con mà cười.
Jo càng khóc to hơn.
Mẹ nó bảo:
- Cứ khóc tiếp đi,
rồi con sẽ không được đi diễu hành đâu.
Nước mắt Jo lập tức
ngừng chảy, dường như nó có phép thần thông ấy.
Bác Charlie đã được
giải nhất rồi! Lúc này họ đã dừng lại ở chỗ cái hàng rào, gần đấy con ngựa Bernard
Shaw đang đứng, trông vẻ rất hớn hở. Cái cách nó nhìn đủ làm cho mọi người phấn
khởi vui lên. Bên trong hàng rào, trên bãi cỏ xanh trải một cái khăn bàn trắng
tinh, bên trên bày đủ mọi thứ đã mang theo trong các túi và các giỏ. Thật là
một mâm thức ăn thức uống tuyệt diệu! Tất cả những người dự ngồi vòng quanh,
hát theo tiếng nhạc đệm của chiếc kèn harmonica bác Charlie đang thổi bài “hãy
cất tất cả phiền muộn vào túi dết”. Cảnh mới đẹp làm sao! Bà Ruggles nghĩ, nếu
không nhìn thấy co bé Pamela đang ngồi kia, trần như nhộng, váy áo của nó và
cái mũ của Lily Rose đang phơi trên hàng rào thì bà có thể tưởng giờ phút này
là trong mơ, nhưng có lẽ lại là ác mộng!
Bác Charlie vẫy cây
kèn harmonica kêu lên:
- Nào vào đi, cô gái
già Rosie! Tất cả chúng tôi đều đói cả rồi, chỉ còn chờ cô và thằng nhóc kia là
bắt đầu thôi!
Bà Ruggles cũng đang
đói, rất cảm ơn khi thấy mọi thứ đã bày sẵn cả, bà quên hẳn cơn giận về cái áo
nịt và diện mạo lố lăng của Jo, (nhưng bà có thể nghe thấy bà Perkins đang có
nhận xét).
Bà vừa ngồi xuống vừa
nói:
- Coi bộ các vị phấn
khởi lắm, dù có thế nào chăng nữa.
Bác Charlie nói:
- Đó là nhờ bài hát
nhỏ của tôi. Không có gì làm cho người ta vui bằng âm nhạc.
Bác quay đầu nhìn về
phía cái váy áo của Pamela và cái mũ của Lily Rose đang phơi trên hàng rào, nói
thêm:
- Thật ra những đứa
trẻ cũng chẳng có lỗi, Aivy sẽ nói cho các vị nghe…
Nhưng bà Ruggles cảm
thấy tốt hơn là hãy để vấn đề này lại, chờ ăn uống xong đã, lúc mọi người no nê
rồi hãy kể cũng vừa.
Ăn uống xong, bác
Charlie nằm dài trên cỏ, lấy tờ báo che đầu cho khỏi chói mắt và chống ruồi. Bà
Ruggles nghe kể lại mọi việc đã xảy ra và sẽ biết vì sao mà bọn trẻ lại không
có lỗi.
Bác Aivy kể:
- Hình như cái hồ này
chảy qua cả Vườn Chơi. Trừ Peg và Jo đang mải chơi đu, còn tất cả bọn trẻ đều
đi thẳng ra hồ. Chúng đang mải ngắm những chiếc thuyền thì một bà đến nói với
hai đứa trẻ sinh đôi của em - thế đấy, Rosie ạ - hãy ra đứng năm phút cho bà vẽ
chúng, rồi bà sẽ cho chúng đi thuyền chơi. Chả là bà thích những cái đầu tóc đỏ
của chúng. Thế là bà vẽ chúng, xong rồi cho tiền để chúng đi thuyền. tất nhiên
là cả những đứa khác cũng thích đi thuyền. Thế là bà ta cho tất cả bọn chúng
ngồi vào một cái thuyền. Kate kể là, Pamela hơi hồi hộp một tí nhưng bà ta nói
rằng bà sẽ đứng trên bờ trông cho chúng an toàn bơi thuyền ra. Mọi việc đều êm đẹp cho đến khi cái mũ của Lily Rose bị gió
thổi bay xuống nước. Nó cố vớt lên. Cả bọn xô về một bên mạn thuyền. Dĩ nhiên là
chúng quá đông nên Pamela lộn ngay cổ xuống nước. May là chúng đang còn ở chỗ
nông của hồ, nước chỉ ngập hết chân thôi, người coi vườn trông thấy ra bế nó
lên ngay lập tức. Em không nên giận chúng, vì đây là ngày nghỉ, đi chơi thoải
mái. Sở dĩ xảy ra như vậy chính là vì em, Rosie ạ, em đã có hai đứa con trai
sinh đôi tóc đỏ. Nếu không thì đã chẳng có điều gì xảy ra. Còn Peg của em hái
hoa trong vườn như thế nào thì chị không nghe nói, dù sao thì nó đã hái của
người ta mấy bông hồng đẹp…
Bà Perkins nói:
- Tôi không giận ai
cả, ngoài cái bà họa sĩ kia. Tại sao bà ta lại đi nói chuyện với những đứa con
người khác và vẽ chúng ở nơi công cộng như thế?
Rosie nói một cách
sắc sảo:
- bác không nên nói
là bà ta vẽ các con bác. Aivy ơi, bà ta ở đâu? Tôi chưa nhìn thấy một họa sĩ
nào bao giờ.
Bác Aivy đáp:
- Dorrit nói rằng
trong khi chúng đang bơi thuyền thì có một người bạn trai đến gọi bà này, bà
liền cầm cuốn sách vẽ vẫy chúng, hét to chào tạm biệt rồi đi với bạn.
Bà Perkins tức giận
nói:
- Bà ta trông cho
chúng an toàn như thế đấy. Tôi không thể tưởng tượng được! Không thể nào tin
vào các nghệ sĩ được. Có một ông ở xưởng của Lexơlai…
Đúng lúc đó thì lũ
trẻ con nhà láng giềng và nhiều đứa khác nữa chạy đến gọi:
- Ông Rugglesơi, mời
ông dậy đi, một giờ rồi.
Bác Charlie bỏ tờ báo
xuống, ngồi lên, rút cái đồng hồ quả quýt to tướng trong túi ra xem rồi kêu
lên:
- Đến giờ thật rồi!
Thu xếp mau lên! Họ sắp đi đấy!
Bà Mabel lại kêu lên:
- Trời ơi! Không biết
váy áo của Pamela đã khô chưa. Nó không thể đi như thế này được.
May quá, nó hoàn toàn
khô rồi. Nhưng, chao ôi! Nó đã ngắn đi nhiều.
Rosie nói:
- Tơ nhân tạo! Đôi
khi lạ như thế đấy!
Bà nhìn Lily Rose lúc
này đang đỏ mặt lên và bận rộn hử cái mũ vừa mới phơi khô lên đầu. May mắn nó
lại không bị co.
- Chúng ta có bao nhiêu
người tất cả? - bác Charlie nói và bắt đầu đếm số người tham dự cuộc diễu hành.
- Tám người nhà Ruggles,
không kể William, bốn người nhà Perkins,
sáu người nhà mình, hai ông bà Baklơ hàng xóm vừa mới đến và khoảng hai tá trẻ
con hàng xóm…
Ông bắt đầu tính
toán, rồi nói một cách chắc chắn:
- Sáng nay chỉ có
mười người, mà bây giờ đã lên đến ba mươi. Đủ cho con Bernard Shaw hoặc bất cứ
con ngựa nào thử sức!
Một việc lớn là phải
sắp xếp cho tất cả mọi người được lên xe đi. Cuối cùng thì họ đều được đi cả.
Bác Charlie và già Jo
ngồi trên ghế xà ích. Ông già Baklơ (đến đúng lúc họ sắp khởi hành, và lên xe
cùng với những tiếng rên của bà Baklơ: “Ôi, cái bệnh tê thấp của tôi, xin lưu ý
đến cái chân khốn khổ của tôi!”), ông bà Perkins, bác Aivy, Rosie với thằng
William trên lòng thì ngồi trên cái ghế dài đặt sau xe. Cái ghế này quá chật
đối với một số người đông như vậy, nhưng bác Aivy nhận xét rằng chật như thế
càng hay, nếu Bernard Shaw có giở chứng gây chuyện bất ngờ thì khỏi bị ngã.
Bà Mabel sợ sệt hỏi:
- Nó sẽ làm gì?
Bác Aivy trả lời:
- Mabel, tôi làm sao
biết được, có thể nó sẽ lồng lên một hoặc hai lần, đó là tất cả những điều tôi
đã từng thấy nó làm. Tôi chắc rằng nó có thể…
Bà Mabel vội hỏi: “Có
thể gì?”, nhưng bác Aivy nhìn thấy một người bạn trong đám đông bên đường, còn
đang bận rộn chào hỏi lẫn nhau, không nghe thấy. Lũ trẻ ngồi hai bên thành xe đứa nào cũng có thể nhìn rõ cảnh bên ngoài.
Cái xe đằng trước bắt đầu tiến lên. Bernard Shaw cất cao đầu, hý vang. Những
người xem hoan hô rầm rầm. Họ đang tiến lên. Cuộc Diễu Hành Lớn bắt đầu.
* * *
Cuộc diễu hành mới
thú vị làm sao. James và John hích nhau ra hiệu, lại có chuyện kể cho Hội nghe
rồi. Người ta tự hào biết bao được ngồi
trên xe nhìn xuống đám đông đang vẫy tay, hoan hô. Và sung sướng biết bao nghe
những lời nhận xét về phong thái con ngựa Bernard Shaw! Ngay cả bác Charlie
đang hưởng những tràng vỗ tay hoan hô cũng không biết được họ hoan hô bác và bộ
lễ phục của bác hay là hoan hô cỗ xe đẹp và con ngựa. Thật khó mà biết được.
Bác mỉm cười vẫy tay
và sẵn sàng trả lời mọi nhận xét, vì bác Charlie ưa thích những lời phê bình
của quần chúng. Bác đã đi học trường dành cho những người lao động, một tuần ba
tối.
Họ đi từ lúc một giờ
rưỡi và đã đi được một tiếng đồng hồ mới bắt đầu nhìn thấy lễ đài ở phía xa xa.
Thêm hai mươi phút nữa họ mới tới lễ đài. Trời nắng và rất nóng. Ông Perkins
nói, nếu họ cứ đi chậm như thế này thì sẽ về nhà rất muộn, qua giờ đi ngủ của
Anthony mất. Bác Aivy thì nhận xét là năm nay có rất nhiều xe, nhưng bác phấn
khởi thấy xe của bác coi bộ không đến nỗi ở sau quá trong dòng xe diễu hành.
Còn ông già Baklơ - xưa kia là người đánh xe chở than, đã tham gia diễu hành
trên ba mươi năm - thì đang hồi tưởng lại trước kia có lần xe ông chỉ đi trước
có ba xe cuối cùng, con ngựa của ông đã mệt quá đến nỗi về đến nhà là nó lăn
ngay ra sân, lúc đó đã qua hai giờ đêm.
Tuy nhiên, cuối cùng
họ đã đến lễ đài. Bác Charlie nghiêng người về phía trước nhận phần thưởng do
một bà bệ vệ trong một bộ váy áo tơ xám, môi đỏ chót, móng tay cũng đỏ chót,
trao tặng. Bà chúc mừng bác Charlie, nhận xét về con ngựa đẹp của bác và hỏi
tên con ngựa. Không biết bác Charlie nói gì mà nghe xong, bà nhướng cặp lông
mày lên, hỏi:
- Thật thế ư? Nhưng sao
lại thế?
- Thưa bà, vì nó là
một con ngựa già nên mọi người đều không tin là nó còn làm được gì tới đây nữa.
Như để chứng tỏ những
lời này là đúng, Bernard Shaw thình lình cất cao đầu, lồng lên chạy.
Bà Mabel rú lên,
William cũng thét lên sợ hãi, bà Baklơ kêu “ôi, cái chân khốn khổ của tôi”.
Trong khi đó thì ông Baklơ lại hồi tưởng lại một việc đã xảy ra vào năm 1910 (hoặc
vào năm 1911). Khi đó con ngựa của người bạn ôngcũng lồng lên y như thế này,
mọi người trên xe đã bị ngã và phải vào bệnh viện nằm một tuần lễ.
Chỉ có những đứa trẻ
con là thực sự vui vẻ, chúng ngã dúi vào nhau, lăn xuống sàn xe, James và John
lại hích nhau - thêm một chuyện nữa để kể cho Hội!
Hai người đàn ông
nhảy ngay lên trước giữ lấy cương ngựa và con Bernard Shaw bình tĩnh lại ngay
lập tức. Những người ngồi trên ghế dài hơi bị lắc một chút nhưng không ai bị
đau. Còn lâu nữa đoàn diễn hành mới ra khỏi công viên.
Ông bà Perkins bắt
đầu nói rằng, có lẽ họ phải xuống xe ra về vì nà họ ở xa.
Bác Charlie kêu lên
ngạc nhiên:
- Thế nào? Ngày lễ mà
ba giờ chiều đã về nhà ư? Aivy và tôi đang nghĩ là hai bác không được vui.
Chúng ta không nên có một ngày như thế. Jo đây và tôi, chúng tôi hơi ngạc nhiên
về các bác đấy. Này, chúng ta đã dự định uống cà phê ở một quán trong công
viên, nhưng các vị nghĩ thế nào, hay là vào hẳn Hiệu Cà Phê uống. Có ai ưng thế
không?
Ồ, còn phải nói gì
nữa, tất cả mọi người đều đồng ý. Bây giờ mọi người đều yên lặng, nhưng chưa
được năm phút thì họ hát vang, chỉ có bác Charlie không thổi kèn đệm cho bài
hát vì bác còn phải tập trung chú ý theo dõi con Bernard Shaw xem nó có giở trò
gì không.
Bác nói:
- Vì nó là một gã bạn
tốt vui tính.
Jo già hỏi:
- Cái gì làm cho anh
nói dối bà trao giải thưởng về con Bernard Shaw đấy?
Vì Jo biết nó còn rất
trẻ, nhưng bác Charlie chỉ cười, không giải thích.
Sau lúc bốn giờ thì
hàng xe của họ trong đoàn diễn hành mới ra đến đường cái. Những đứa trẻ con
hàng xóm được gửi về, còn tất cả tốp người tham dự thì ở lại đấy chờ bác
Charlie đi gửi ngựa. Anh con trai của ông Baklơ làm tài xế cho một ông bác sĩ,
lái xe đi suốt ngày, đã có lòng tốt cho gửi con Bernard Shaw vào trong nhà để
xe của anh. Bác Charlie đã vui vẻ vẫy tay khi bác đem ngựa đi gửi. Chỉ một lát
sau bác đã quay lại và chưa đầy một giờ vừa đi xe buýt vừa đi thang máy, họ đã
ngồi trong một phòng đông đúc, quanh hai cái bàn to ở một hiệu cà phê vào loại
to nhất. Một người đàn ônglịch sự trong bộ lễ phục buổi tối cúi đầu chào họ,
trong khi một cô hầu bàn trông cứ như một ngôi sao màn bạc đứng ở bên chờ họ
đặt món.
Kiểu cách vương giả
như thế làm cho mọi người cảm thấy hơi ngượng ngập, chỉ có bà Perkins là vẫn
bình thường như ở nhà, không để ý gì đến người đàn ông mặc bộ đồ buổi tối lịch
sự cũng như bộ mặt diễn cảm của cô hầu bàn có dáng tài tử điện ảnh. Bà ngồi
xuống, tháo găng tay ra một cách bình thản dường như bà uống trà hàng ngày ở
những nơi như thế này.
Hình như đến mấy phút
không ai có thể gọi được món gì, sau đó ông Perkins loan báo một tin thật đáng
ngạc nhiên, là ông muốn mời mọi người một món gì đó, ông hỏi không biết có thể
bắt đầu bằng món xade không? Không có người nào trong gia đình Ruggles biết
xande là món gì. Cả hai ông bà Baklơ chắc chắn cũng không biết. Tuy nhiên chỉ
có một người duy nhất dám nói ra điều đó là ông Baklơ. Thật là sung sướng khi
nghe nói đó chỉ là một trong những loại kem ngon nhất thôi. Mọi người đều đồng
ý, thế là ông Perkins gọi một cách tự nhiên, hình như đối với ông, việc gọi một
lúc hai chục ly mứt kem là việc bình thường ấy.
Khi mứt kem đem tới,
bà già Baklơ reo lên ngạc nhiên:
- Món mứt kem tuyệt
diệu!
Ông Baklơ sau khi nếm
một hai muỗng kem, lại bắt đầu hồi tưởng đến một câu chuyện có liên quan đến
kem, trong khi đó thì dàn nhạc chơi bài “Những người làng Halếch”. Bác Charlie
giơ một ngón tay kêu lên:
- Đây là âm nhạc phục
vụ chúng ta. Xin hãy thưởng thức.
Trong tiếng nhạc, ông
già Baklơ ăn nốt ly kem của ông hết sức ngon lành.
* * *
Bữa trà đã qua. Thức
ăn còn nhiều nhưng nói thật là họ buồn ngủ. Trong căn phòng nóng bức, có dàn
nhạc sống, họ ngồi yên lặng trên những chiếc ghế dựa. Bà Baklơ quên đi bệnh tê
thấp của mình, đang gật gù. Chồng bà thì đang hồi tưởng đến một chuyện gì đó xa
xưa cũng im thin thít, Ngay cả lũ trẻ cũng yên lặng.
Chỉ có bác Charlie
đang ngắm cái kèn harmonica yêu quý của mình và hạ giọng hỏi ông em xem liệu
dàn nhạc có đồng ý cho ông hòa tấu với họ không? Bác Mabel nghe lỏm được ý định
này, nói ngay là bác mong ông Charlie không làm điều gì thất thố ở đây. Khi
tràng vỗ tay hoan hô bài “Những người làng Halếch” vừa kết thúc, bà nói thêm là
muốn họ chơi bài “Điều mong ước của trái tim tôi”. Bà quay lại nói với Rosie:
- Họ đã chơi bài này
ở Hiệu cà phê Acadi gần nhà chúng tôi. Lexlai và tôi thỉnh thoảng vẫn đến đấy
ăn tối.
(Vậy là rõ tại sao bà
Mabel cứ tự nhiên như ở nhà và ông Lexlai biết tất cả các món xande. - Rosie
nghĩ - thì ra mọi vấn đề đều có lý do cả).
Rosie mỉm cười buồn
ngủ rồi nói cần gọi thêm món gì cho bác Lexlai.
Thế còn bác Charlie
bây giờ đang làm gì nhỉ? Bác đang hoạt động tích cực ở giữa những cái bàn phía
dàn nhạc. Thấy chồng đang nói gì với người chỉ huy dàn nhạc, bác Aivy kêu lên:
- Tôi tin là ông ấy
sẽ tham gia biểu diễn đấy!
Nhưng không! Bác
Charlie đã trở lại, người chỉ huy dàn nhạc
đang hướng về phía họ nghiêng mình cúi chào. Một phút sau, dàn nhạc tấu
bản “Điều mong ước của trái tim tôi”.
Khi bác Charlie vừa ngồi
xuống, bà Mabel reo lên:
- Ồ, Charlie! Cậu làm
thế nào mà họ chơi ngay bài đó thế?
Ông đáp:
- Tôi nghĩ rằng người
chỉ huy dàn nhạc ưa bộ mặt của tôi, hoặc có lẽ khuôn mặt của chị, chị Mabel ạ.
Tôi đã đề nghị ông ta chơi bài này phục vụ bà đội mũ nâu đấy.
Bà Mabel đỏ mặt lên,
mỉm cười và sau hết làm như không để ý gì đến việc đó cả.
Khi bản nhạc này kết
thúc, những tiếng vỗ tay vang rền, bà Mabel reo lên:
- Đây chính là bản
nhạc tôi cho là tuyệt vời, hoàn toàn…
Câu nói của bà Mabel
bị ngắt vì tiếng kêu bất chợt của Rosie:
- Jo, Jo! Nhìn đồng
hồ xem! Coi lại thời gian đi… Xe lửa của chúng ta… Ồ, chúng ta chưa bao giờ bị
nhỡ tàu cả… Vé của chúng ta có giá trị đến… Nhanh lên, nhanh lên!
Làm sao họ có thể
quên nhỉ? Sao lại có thể như vậy? Những cái vé chỉ có giá trị trong một thời
gian thôi.
Bác Charlie bảo vợ và
ông bà Perkins:
- Tốt nhất là em và
các bác cứ ngồi cả đây, tôi sẽ đưa họ ra ga. Không đầy một tiếng đồng hồ tôi sẽ
trở lại. Yên lặng nào, chúng ta đi thôi.
Bác gọi gia đình Ruggles
nhặt túi, áo choàng rồi chào “cảm ơn, tạm biệt”. Cả gia đình Ruggles theo bác
Charlie ra thang máy, đi ra đường và chen lên xe bus đông ơi là đông.
Bác Charlie chốc chốc
lại nói: “Chúng ta sẽ kịp tàu”, nhưng coi bộ bác cũng nghi ngờ. Bác nói với ông
em:
- Chú đã chuẩn bị vé
sẵn sàng chưa? Xuống xe chúng ta sẽ chạy nhanh đến cho kịp. Tôi ẵm hai đứa trẻ
cho.
Họ chạy nhanh đến ga
tàu hỏa. Bác Charlie một tay ôm Jo, một tay ẵm Peg. Rosie bế William. Lily Rose
và Kate dắt hai thằng bé sinh đôi đi giữa. Ông Ruggles thì ôm áo choàng, túi đi
sau cùng.
- Chậm mất rồi!
Người soát vé nói và
đóng cửa ga lại ngay trước mũi họ.
Đằng kia, chuyến tàu
của họ đã chuyển bánh, lên đường.
William biểu lộ cảm
giác chung của cả nhà, hét to lên một tiếng.
Một nhân viến lịch sự
hơn đang đứng gần đấy hỏi:
- Các vị đi đâu? Otwell
à? Thế thì chưa sao. Chúng tôi còn một chuyến tàu nữa đi Otwell. Được, vé của
các vị đi được ra sân ga số 15, năm phút nữa tàu sẽ chạy.
Gia đình Ruggles thở
ra như trút được gánh nặng, vội vã ra sân ga số 15. Tất cả các toa đều đầy ắp
người. Họ đi mãi, đi mãi dọc sân ga tìm chỗ.
- Đây, đây có hai
chỗ.
Cuối cùng bác Charlie
kêu lên, mở cửa toa sát cuối đoàn tàu, giục mọi người: “lên đi, lên đi”.
Bác nhấc hết đứa trẻ
này đến đứa trẻ khác lên tàu.
Rosie bế thằng
William trên tay cảm thấy ngạt thở, đứng trong một góc toa. Một giây sau bà
đứng thẳng lên thì thấy ngay trước mặt là bà “Thóc Mách” - tay đang cầm quả
chuối, mồm há ra cắn từng miếng to tướng! Góc đằng kia là ông chồng của bà đang
ngồi xem báo. Rosie vội tìm xem có cầu nối đi sang toa khác không, nhưng rất
tiếc là không có.
Trong khi đó thì ông Ruggles
đang đứng ở cửa sổ nói chuyện với ông anh.
Rosie đặt William
xuống ghế, lách lại gần chồng, nói to:
- Tạm biệt anh
Charlie thân mến! - rồi đưa tay ra bắt.
Nhưng bác Charlie
đang bận rộn với cây kèn harmonica của bác.
Bác đưa kèn lên môi,
lấy hơi thổi một bản nhạc trong khi tàu bắt đầu chuyển bánh. Rosie còn kịp nghe
thấy những nốt nhạc của một bài hát xưa.
Bác Charlie còn chạy
theo tàu, cố chơi một điệu nhạc gì nữa, ông Ruggles hỏi vợ:
- Bài gì đấy? Bác ấy
còn cố chơi bản gì nữa đấy?
Tàu tăng tốc. Bác
Charlie đứng lại. Bà Ruggles vẫy vẫy tay lần cuối, rồi quay lại trả lời chồng:
- Bài “Kết thúc một
ngày đẹp”, mình thân yêu ạ!
Và bà hôn lên mũi
ông.
Hết
Cảm ơn add đã đăng câu chuyện này!
Trả lờiXóaĐây là một chuyện rất hay, rất dễ thương mà tôi đã đọc hồi nhỏ và giờ tôi lại đọc cho con tôi nghe. Cháu rất thích.
Nhân tiện xin phép add cho tôi dùng những nội dung văn bản add đã nhập để đóng thành ebook có được không?
Rất vui vì bạn cũng thích truyện này. Bạn cứ thoải mái sử dụng. Tôi rất vui khi được mọi người cùng chia sẻ.
XóaCám ơn bác đã đăng truyện này, đây là truyện gắn với tuổi thơ của mình. Mình từng có sách nhưng bị mất chương cuối, mình cứ nghĩ sẽ không bao giờ được đọc trọn vẹn tác phẩm này. Cám ơn lần nữa và chúc sức khoẻ bác.
Trả lờiXóa