Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Quy luật của muôn đời - Nodar Dumbadze (Ch 3 - 5)

Quy luật của muôn đời 

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch : Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 3

Cái buồng bệnh ba giường thấm đượm mùi iôđôfooc lẫn với mùi cồn, mùi long não và mùi hơi ẩm của sàn nhà mới lau chùi. Để khỏi ngạt thở, bằng một cử động thận trọng Batsana kéo chăn che kín mũi, rồi cũng thận trọng như thế, ông tự xem mạch của mình. Tim đập như thời thơ ấu khi Basana nheo mắt, tựa đầu vào tấm vách, bắt đầu đếm: “Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, tám rưỡi, chín, chín rưỡi, mười!”. Batsana thôi không bắt mạch nữa và đặt tay lên tim. Tim im lặng. Sợ hãi, ông lại xem mạch. Mạch vẫn đập. Thế là ông chậm rãi thò mũi ra khỏi chăn. Một mùi găn gắt xông lên.
- Cửa sổ... - Batsana khẽ thốt lên.
- Cái gì? - Giường bên lên tiếng.
- Ô-hô! Ông ấy còn sống ư? - Giường kia hỏi.
- Chẳng lẽ người ta lại đưa người chết đến đây à? Đây là phòng bệnh hay nhà xác? - Giường thứ nhất đáp bằng giọng bực tức.
- Nghe nói là một nhà văn. - Giường thứ hai đáp. - Chỗ của nhà văn là ở Mơtatxminđa [nghĩa đen là “Núi Thần” - ngọn núi ở Tbilixi, nơi có lăng các nhà hoạt động xã hội xuất sắc], chứ không phải là ở đây.
Batsana nghe thấy cuộc đối thoại giữa hai giường kế cận, nhưng đối với ông, cái chủ yếu bây giờ là không khí, không khí tươi mới, trong lành, ngoài ra không cần gì hơn.
- Cửa sổ! - Ông nhắc lại.
- Ở đây có cái gì không vừa ý ông ta, không rõ là không khí hay cửa sổ.
- Không khí. - Batsana nói.
- Thưa ông, ông biết đấy, chúng tôi không được phép trở dậy, thậm chí không được phép cử động nữa kia. - giường thứ hai cho biết. - Vì vậy, chừng nào cô hộ lý chưa đến thì ông đành bằng lòng với thứ không khí mà tôi và ông Bulika đáng kính vẫn thở vậy.
Batsana hiểu rằng Bulika là tên giường thứ nhất. Bây giờ cần biết rõ người nằm giường thứ hai là ai.
- Mấy giờ rồi? - ông hỏi.
- Theo tôi, bây giờ là lúc cha làm dấu thập ác và cầu nguyện đức Chúa Trời! - giường thứ nhất trả lời.
Batsana nghiêng qua giường thứ hai và nhìn thấy bộ râu đen với những sợi râm bạc. “Chắc là một cha cố” - ông nghĩ và hỏi lại:
- Mấy giờ rồi?
- Mười giờ. - Bộ râu đáp.
- Thế ông không quan tâm đến thế kỷ à? - Bulika tò mò.
Người ốm thường bông đùa hoặc trước khi chết hoặc sau khi bình phục, Batsana vẫn nhớ bây giờ là thế kỷ thứ mấy, nhưng lúc này ông quan tâm đến vấn đề khác: bộ mặt của người đã bình phục này. Đầu giường Bulika ở phía chân Batsana, vì thế ông chỉ có thể nhìn thấy quãng đầu hói của ông ta.
Batsana bất giác mỉm cười, và không muốn làm mếch lòng người nằm giường bên, ông hỏi:
- Bây giờ là thế kỷ thứ mấy?
- Đúng rồi, thưa cha, ông ấy từ những vùng rất xa xôi trở về, - Bulika nói với giường thứ hai. - Tôi thì chưa đi xa đến như thế.
- Ờ thì bác chỉ thiếu máu cục bộ vách sau tim. Còn ông ấy không phải chỉ thương tổn vách sau, mà là cả một đống hoang tàn Bagrachi [Đền thờ Bagrat (thế kỷ X-XI), gần thành phố Kutaxi].
- Nếu vậy thì ông bạn thân mến ạ, đối với ông bây giờ là thế kỷ đầu của kỷ nguyên mới! - Bulika nói rõ hơn.
Batsana không đáp. Ông bắt đầu quan sát buồng bệnh.
Cửa ra vào. Một giường bệnh. Một giường bệnh nữa. Hai cái tủ con thấp, trên để những lọ matxôni [Sữa chua đặc], những lọ thuốc, những trái cây có đậy tấm khăn ăn. Những bức tường trắng. Một cửa sổ lớn. Một chiếc bàn dùng chung có một bình nước và những bông hồng đã tàn héo. Dưới giường thứ nhất là một chiếc bô màu trắng, dưới gầm giường thứ hai có cái gì thì Batsana không nhìn thấy. Ông nằm giường số ba. Ông nghiên cứu khá kỹ quãng đầu hói của người thứ nhất ở giường kế cận. Ông cảm thấy khuôn mặt trông nghiêng của người thứ hai, người có râu, nom khá dễ ưa: trán cao, mũi thẳng, bộ râu rậm điểm bạc... Hôm nay là ngày thứ mấy? Tháng nào?
Những câu hỏi liên tiếp nảy ra trong đầu Batsana và ông không thể tìm ra câu trả lời nào cả. Thôi, thây kệ những câu hỏi đó, ít ra cũng cần biết năm nay là năm bao nhiêu!
- Năm nay là năm bao nhiêu? - Ông buột miệng nói.
- Ông ấy mê sảng hay lỡm chúng ta! - Bulika nói.
- Không, chẳng qua là ông ấy thiếu ôxy, vì thế lẫn trí. Tôi cũng đã có lần như thế. - Bộ râu đáp. - nên cố tìm cách mở cửa sổ ra.
Trong phòng bỗng nhiên đầy sương mù màu hồng quen thuộc, và Batsana lại ở trên cái thang dốc.
- Ông tên là gì, thưa ông? - Bulika từ xa đưa lại.
“Tên tôi là Batsana, họ là Ramisvili!” - Batsana toan trả lời, nhưng lại im lặng. Bulika ở xa, xa lắm.
- Thôi đi, ông ấy đang thiêm thiếp ngủ! - Bộ râu đáp khe khẽ.
“Ồ không, tôi không ngủ đâu, tôi đang bị kéo xuống thang! giúp tôi với, cho tôi trở lại phía trên!” - Batsana muốn kêu lên mà không được. Bắt đầu một trạng thái ngây ngất màu hồng, lưỡi không tuân theo ông nữa. Để khỏi mất hẳn những người đó, những người ở các giường bên, Batsana ngồi xuống bậc thang.
- Ông ấy ngủ rồi! - Bulika nói.
Batsana không ngủ. Ông nghe thấy hết.
Từ gậm giường của Bulika, một con chuột cống bò ra, hếch mồm đánh hơi, ngọ nguậy ria.
- Nó đã hạ cố đến thăm ta, - Người bệnh No-1 nói.
- Một mình nó hay cả gia đình? - Bulika hỏi.
- Lúc này mới có một mình nó.
- Xem xem có phải nhà văn của chúng ta đã chết rồi không? Cha ạ, chuột thường kéo đến khi đánh hơi thấy mùi xác chết. - Bulika nói và thận trọng ngóc đầu lên nhìn con chuột, nhưng không kịp. Tiếng kẹt giường làm con chuột kinh hoảng, nó chạy vụt về hang. Bulika chỉ kịp trông thấy cái đuôi nó. - Nó chuồn rồi. - Bác ta nói bằng giọng tiếc rẻ.
- Nó sẽ quay lại. - Người bệnh giường No-2 an ủi Bulika, lấy trong chiếc tủ con ra một mẩu đường và ném xuống sàn. - Nó sẽ trở lại cùng với cả gia đình.
- Nhưng ông hãy cứ xem xem nhà văn còn sống hay không?
Người có râu quay đầu về phía giường Batsana. Ông nằm không nhúc nhích, hai bàn tay xanh mét ấp trên ngực.
- Chăn động đậy và mi mắt rung rung.
- Chăn động đậy tức là ông ấy thở, thở tức là tim hoạt động. Mi mắt rung rung tức là ông ấy không ngủ, không ngủ tức là nghe thấy chúng ta, nghe thấy là phải trả lời, không trả lời tức là bệnh tình nghiêm trọng... Bulika kết luận. - Đồng chí nhà văn kính mến, đồng chí còn sống chứ?
“Còn sống, tôi đang ngồi trên thang và chờ đợi các bạn đưa tôi lên trên”. - Batsana muốn trả lời.
Hỡi ôi, chỉ là mong muốn thế thôi. Bulika không thể đoán được mong muốn của người khác.
- Nó mà bò lên, chui ra thì tôi sẽ tin thượng đế!... - Bulika nói với người có râu.
- Thì nó chui ra kia rồi! - Người có râu mừng rỡ, - Lại dẫn theo cả gia đình nữa chứ!
Lần này, con chuột cái dẫn theo cả chồng và hai con. Nó đi diễu một vòng quanh cái bô, rồi xộc thẳng tới chỗ miếng đường. Không thèm tốn công tha thức ăn vào hang, nó gọi người nhà, và cả gia đình nó lần lượt gặm miếng đường.
- Con vật khốn khiếp, nó cảm biết chúng ta không thể trở dậy được! Nếu không thì ngay cả hổ cũng không dám láo đến như thế, - Bulika tức giận lắc đầu. Con chuột quay đầu lại, đứng lên bằng hai chân sau và tò mò nhìn người nói.
- Thậm chí nó hiểu cả tiếng nói của chúng ta, quân trời chu đất diệt! - Bulika ngạc nhiên.
- Thế giới vô sinh có tiếng nói bí ẩn kỳ diệu của riêng nó.
Loài người không hiểu nổi.
Nào ai biết: con người tinh khôn có khám phá ra không
Cái sáng suốt đã được thấu hiểu từ lâu trong thế giới nọ?
- Thơ gì thế, “Dũng sĩ khoác da hổ” [Tác phẩm của nhà thơ cổ Gruzya, thế kỷ XII, Sôta Ruxtavêli] phải không? - Bulika hỏi.
- Không, “Dũng sĩ” thế này kia:
Nghe tiếng Avtanđin, thú vật đàn đàn lũ lũ kéo ra khỏi các khu rừng sồi.
Chúng nghe chàng và ngạc nhiên về tính chân thật của chàng.
- Hừm, nó sống sướng hơn người. Chén đường không phải trả tiền, không bị nhồi máu cơ tim, không mắc chứng đau thắt ngực, chứng tim đập nhanh... Chúng ta lại đọc thơ cho nó nghe!... Xem kìa, nó béo tròn béo trục như con lợn vậy!
- Chứ sao, điều kiện sống thích hợp...
- Vậy là thế nào? Nếu xét vấn đề về mặt lịch sử xã hội và loại trừ sự phản vệ sinh và lập luận một cách lôgic và khách quan thì phải thừa nhận rằng chuột cống sinh ra do hoàn cảnh dư thừa thực phẩm. Thành thử tôi không thấy sự việc đó có gì dơ dáy... Nói chung chuột cũng là một tạo vật của chúa... Chỉ tiếc rằng nó reo rắc bệnh dịch hạch, cái đó thì có...
- Chỉ xin cha đừng làm ồn và dừng gọi tôi là kẻ vô thần, nhưng cha làm ơn cho biết: Chúa của cha cần tạo ra chuột cống để làm gì, hả cha? Ít ra cũng nên cho nó một bản chỉ dẫn mới phải chứ! Ồ, công dụng của nó dưới cõi trần này là gì? Chơi nhạc ư? Không! Làm món toonma [Món ăn làm bằng thịt ở vúng Kavkazơ, tương tự như món thịt băm bọc lá cải bắp] ư? Không! Thế thì nó làm gì? Gặm nhấm đường, gặm sàn, gặm sắt, gieo rắc dịch tả, dịch hạch, mọi thứ bệnh truyền nhiễm! Nó là thế đấy, tạo vật ấy của cha do chúa sinh ra! Hừ, mẹ cha nó!... - Bulika nhổ bọt và quay mặt vào tường.
- Anh thật là đần độn! Chúa tạo ra chuột cống để những kẻ ngu dốt như anh thấy sự toàn năng của Chúa! Và hãy giữ mồm giữ miệng, kẻo sau khi anh chết, Chúa lại bắt hồn anh đầu thai vào chính con chuột này đấy! - Người có râu hăm dọa.
- Muốn vậy thì Chúa chỉ cần một con chuột cống thôi là đủ! - Bulika hạ giọng.
- Ném cho con chuột miếng đường, tôi hết ráo cả rồi! - Người bệnh No-2 nói.
- Có lẽ cần dâng cho nó “khúc đuôi tôm” chăng? Liệu nó có nảy mụn trứng cá ra không nhỉ? - Bulika hỏi với giọng khinh miệt, lại quay về phía người nói chuyện với mình.
- Mọi sinh vật trên đời đều là tạo vật của Chúa. - Người kia trả lời với giọng dạy đời. - Và ta nên sống hoàn toàn hòa hợp.
Ăn xong chỗ đường, mấy con chuột bắt đầu đánh hơi cái tủ con của Batsana, nhưng không tìm thấy ở đấy thứ gì ăn được - Batsana chưa kịp trữ thực phẩm - nó chuyển sang khu vực của người bệnh No-2. Nhưng ở đây cũng không có gì thích hợp, thế là chúng bắt đầu gặm chân chiếc tủ con.
- Hừ, chúng mày chết tiệt đi cho rảnh! - Người bệnh No-2 bỗng kêu ré lên và ném chiếc giầy vào con chuột, ném mạnh đến nỗi Bulika hoảng sợ ấp hai tay lên tim.
- Chớ phá hủy sự hài hòa, thưa cha! - Bác ta nói một cách mỉa mai và để phòng ngừa sự bất trắc, bác đặt một viên notrôglyxêrin dưới lưỡi.
- Có chuyện gì thế? - Chị y sĩ hỏi, nghe thấy tiếng ồn ào, chị vào.
- Thưa chị Giênya, - Người bệnh No-2 nói với chị y sĩ bằng giọng lo lắng, - Hoặc chị bảo vệ chúng tôi khỏi những con vật đáng tởm, hoặc xin chị đặt một cái bẫy chuột.
- Ông định nói gì thế?
- Cố nhiên, không phải là “Bẫy chuột” của Vagiơ Psaven! Hãy giải thoát chúng tôi khỏi những con chuột cống! Không thể tiếp tục chịu đựng sự có mặt của chúng được nữa.
- Lạ thật, thưa batônô, đã ba chục năm tôi làm việc ở đây mà không hề thấy một con chuột nhắt nào cả!
- Thì tôi có nói đến chuột nhắt đâu. Chuột cống kia chứ!
- Thế thì lại càng không có!
- Tôi nói quyết với chị rằng ở đây đầy chuột cống! - Người bệnh No-2 khăng khăng nhắc lại. - Giầy của ai đây? - Chị y sĩ tránh trả lời.
- Của tôi, chị Giênya ạ, giầy của tôi, tôi muốn ném chết con chuột cống!
- Thế sao bảo là “Không được sát hại sinh linh”, thưa cha?
- Điều răn ấy không cần chị giảng giải thêm, mà nói chung, một người phụ nữ ở tuổi chị phải phân biệt được người với chuột cống! - Người bệnh No-2 bực tức.
- Tuổi của tôi không phải là chuyện đáng cho cha bận tâm! - Giênya nổi nóng, - Tôi không phải là y sĩ về chuột cống! Cần thuốc thì nói với tôi, còn về bẫy chuột và Xtricnin thì hỏi thủ kho!
- Trong phòng chúng tôi hiện giờ có một nhà văn! Chắc là ông ấy sắp hồi tỉnh, ông ấy sẽ chính mắt nhìn thấy hết và sẽ đưa các người lên báo! - Bulika đe dọa.
Chị y sĩ tới gần giường Batsana, ngồi ghé xuống bên giường và bắt mạch cánh tay không còn sức sống của ông...
- Ôi chao, ông ấy còn hơi sức đâu mà... - Chị thở dài.
- Làm ơn, mở hộ cửa sổ ra, ông ấy vừa tỉnh lại và đòi không khí. - Người bệnh No-2 nhớ ra.
...Giênya đứng phắt dậy khỏi giường đến gần cửa sổ và mở toang cửa.
Không khí tươi mát tràn trề sức sống, thấm đượm hương thơm hoa phượng tràn vào phòng.
Phòng bệnh ngát hương thơm mùa xuân.
* * *
- Đứng dậy, leo lên đi! - Một giọng rất quen gọi Batsana lúc ấy đang ngồi trên thang, ông đi theo tiếng gọi ấy. Cái thang đưa ông tới một bãi trống nhỏ nằm lọt giữa những cây phượng nở hoa, trên bãi rải rác những bông anh túc đỏ như máu. Giữa đám hoa anh túc có một chú ngựa non trắng như tuyết với cỗ bờm lộng lẫy. Nó nóng nảy giậm một chân trước xuống đất như gọi Batsana đến với nó.
- Hãy đến cưỡi lên lưng tôi! - Batsana nghe thấy. Ông cưỡi lên con ngựa, hai tay ôm lấy cổ nó và gục đầu vào cổ nó. Con ngựa phóng đi. Móng nó không bịt sắt nện vang giòn. Nó lao như bay, đưa Batsana đến gần ngôi nhà thờ trắng và cất tiếng hí vang, nghe như hàng nghìn cái chuông lớn nhỏ đổ hồi. Cổng nhà thờ mở rộng và Đức mẹ đồng trinh hiện ra, tay bế Chúa hài đồng. “Lạy chúa tôi”, - Batsana nghĩ, quỳ xuống...
... Lúc tỉnh lại, Batsana thấy chị y sĩ mặc áo blu trắng đang đếm mạch ông. Ông cảm thấy máu chảy trong mạch và ở một chỗ nào đó cạnh tim, nhịp co bóp của tim chậm lại, vấp phải một trở ngại vô hình. Nhưng máu vẫn dai dẳng mở đường chảy, ép vào các vách tim. Dòng chảy của máu mỗi lúc một mạnh hơn, nhanh hơn. Bây giờ máu không chảy, mà vỗ đập, phụt tia, sôi lên, đến nỗi Batsana buốt hai bên thái dương. Nhưng đấy là cái đau khác, đặc biệt. Và Batsana hiểu rằng sinh mạng đã rời bỏ ông nay lại trở về với ông, vào trong phòng, đến ngồi xuống giường cạnh ông và chạm vào ngực ông. Tất cả những cái đó, thoạt tiên Batsana cảm thấy, rồi nghe thấy, rồi nhìn thấy hẳn hoi.
- Xin chào! - Ông mỉm cười với sinh mạng đã quay trở lại.
- Chào ông! - Cả chị y sĩ và hai người bệnh giường bên đều buột thốt lên.
Tiếng “chào ông” đó chứa đựng tất cả sự bất ngờ, niềm vui sướng, ngạc nhiên.
- Chào các bạn! - Batsana nhắc lại, mỉm cười với mọi người.
- Ông ấy đã trở về! - Bulika nói.
- Đã trở về! - Batsana xác nhận.
- Trước đây ông ở đâu? - Bulika tò mò.
- Chắc chắn là ở Viflêêm! - Batsana mỉm cười.
- Hình như bây giờ ông ấy vẫn ở đấy! - Bulika buồn rầu.
- Ồ không, tôi thực sự đã trở về rồi! - Batsana nói cho người kia yên tâm.
- Tôi ở đây bao nhiêu ngày rồi? - Ông hỏi chị y sĩ.
- Một ngày một đêm, - chị vừa trả lời vừa đặt lại chiếc gối ngay ngắn.
- Cảm ơn.
- Ông thấy trong người thế nào?
Batsana suy nghĩ. Tim ông đập không đều, nhưng không yếu lắm: ông nghe thấy tiếng tim mình. Ông động đậy chân tay, nhưng không cảm thấy thân thể. Ông cảm thấy lâng lâng, thú vị vì một cảm giác bay bổng tự do. “Chắc hẳn đấy chính là trạng thái không trọng lượng” - Batsana nghĩ.
- Ông cảm thấy trong người thế nào?
- Như nhà du hành vũ trụ! - Batsana đáp, cả quyết như một nhà du hành vũ trụ dày dạn.
- Có khó chịu ở tim không?
- Hơi đau, nhưng không đau như ban nãy...
- Tôi biết, - chị y sĩ ngắt lời ông. - Tôi sẽ tiêm Ghêparin và Pantôpôn cho ông ngay bây giờ. Ngủ đi cho khỏe sức, đừng nói chuyện, không được cử động... Chiều, giáo sư sẽ đến.
- Không được cử động tí nào ư?
- Tuyệt đối không!
- Chỉ động đậy một chút thôi thì sao?
Chị y sĩ nghĩ ngợi, rồi nói khẽ, nhưng bằng giọng kiên quyết dứt khoát và khốc liệt:
- Ông sẽ chết!
Batsana nuốt nước miếng một cách khó nhọc. Rồi ông ngoan ngoãn chịu hai mũi tiêm (chị y sĩ lập tức đặt túi sưởi nóng vào chỗ tiêm) và ông im thít.
- Có gì cứ gọi tôi. - Chị y sĩ nói với ông. - Còn các ông, - Chị quay về phía hai người kia, - thì uống xêđuxen và ngủ đi. Tôi cũng có nhận thấy một điều gì đó cả trong các phòng bệnh khác, nhưng chớ vì thế mà làm náo loạn cả trần gian lên!
Chị đi ra.
- Tôi sẽ kể hết với giáo sư! - Bulika hét với theo, nhưng chị y sĩ không nghe thấy.
- Ấy là vì trước khi ông trở lại với thế giới chúng ta, giữa chúng tôi đã có một cuộc tranh cãi nhỏ về chuột cống. - Người bệnh No-2 giải thích với Batsana.
- Chuột cống nào?
- Nó sắp đến bây giờ đấy, khi ấy ông sẽ làm quen với nó, Còn bây giờ thì xin phép tự giới thiệu: cha cả của nhà thờ Ba ngôi tại Ortaisala, Iôram Kanđêlaki, còn đây là bác thợ giày ở Vakê [Tên cổ của các khu trong thành phố Tbixili], Aptanđin, cũng còn có tên là Bulika, Gôghilasvili.
- Tại sao lại tên là Bulika?
- Thuở bé, tôi gọi “Bulka” [Có nghĩa là bánh mì trắng] là “bulika”. Vì thế có cái tên nhạo là Bulika. Ông cứ gọi tên tôi như thế cũng được. - Bulika trả lời.
- Rất hân hạnh... còn tôi là Batsana Ramisvili, nhà văn.
- Chúng tôi biết rồi, nhưng vì sao ông bị nhổi máu cơ tim?
- Thú thực là tôi không thể nói được! - Batsana thở dài.
- Có lẽ ông... Chính cái ấy chứ gì? - Bulika búng vào cổ họng mình một cách ý vị. - Nghe nói các nhà văn rất khoái món đó...
- Không, không phải thế đâu! - Batsana mỉm cười.
- Tịnh không à? - Bulika ngạc nhiên.
- “Tịnh không” là thế nào? - Đến lượt Batsana ngạc nhiên.
- Chính vậy đấy! ... Không thì lạ thật: không uống thì viết làm sao được?! Chẳng hạn như ông thì bao nhiêu?
- Ồ... một, hai, ba...
- Hai ba ly à?
- Hai-ba-chai!
- Tôi biết mà! Cừ lắm!... Nhưng bây giờ ông sẽ phải tạm chuyển sang nước quả.
- Không phải là tạm, mà vĩnh viễn! - Cha Iôram thốt lên.
- Nói thế! Như vậy thà tự sát còn hơn! - Bulika kêu lên.
- Đúng, đổi sang nước quả. Nếu ông uống nước quả thì sẽ không phải nằm bẹp tại đây! - Cha Iôram nói bằng giọng dạy đời.
- Thế còn cha? Cha không uống rượu vang, thế tại sao cha lại nằm cạnh tôi, hả? - Bulika hỏi, mỉm cười cay độc.
- Vâng, đến phải như vậy thôi... Nước quả. - Batsana nói.
- Nói chung thì điều đó đúng... Tôi có quen một nhà văn cũng như ông, tôi chữa giày cho ông ta. Cú mỗi lần tôi say rượu, ông ấy lại gào lên như con quạ.
Ơi Bulic mến thân, tự nay nên chừa rượu.
Kẻo rồi khốn vào thân, hãy tin lời tôi khuyên!
Tôi không tin ông ta, tôi cho rằng ông ta cũng không bình thường như mọi nhà thơ thôi... Thế là tôi đã đến nông nỗi này! Tôi mới chưa đầy ba  mươi mà đã thành người tàn phế... Quỷ tha ma bắt nó đi, món rượu vang ấy, - Bulika thở dài, - Đâu đâu tôi mơ thấy những điếu thuốc lá, như mơ thấy người đẹp!... Nói chung, sau khi bị nhồi máu cơ tim, thật không muốn sống nữa!...
- Sau khi bị nhồi máu cơ tim, con người đâm ra sợ, nỗi sợ hãi đáng ghét! Ông có sợ không! - Cha Iôram hỏi Batsana.
- Sợ chứ, rất sợ là đằng khác! - Batsana thú nhận.
- Lầm! - Bulika xen vào. - Hiện giờ ông còn bị tác dụng của thuốc mê, nhưng rồi sẽ qua hết... Thế ông không mường tượng thấy gì ư? Không mơ thấy ai ư?
- Có, tôi có thấy một người. - Batsana đáp, sau một lúc suy nghĩ.
- Đấy là chuyện thường xảy ra... Đôi khi ta còn nói trong lúc mơ... Phun ra hết mọi điều bí mật của ta!... Nếu có người tình thì phải coi chừng, chớ có gọi tên nàng trước mặt vợ!...
- Cám ơn, tôi sẽ lưu ý. - Batsana mỉm cười.
- Nói chung, - Bulika nói tiếp, - người thông minh thì kiếm người tình có tên trùng với tên vợ mình. Như tôi chẳng hạn, khi tôi lâm vào tình trạng như ông bây giờ, cái trạng thái như nhà du hành vũ trụ phải không, tôi luôn luôn nhớ đến Xvêta người tình của tôi... Té ra Xvêta vợ tôi ngồi bên giường và khóc nức nở “Vaimê, Bulik - gian, tôi không ngờ mình yêu tôi đến thế!”. Tôi cứ huyên thuyên thỏa thích về người tình của tôi... Nếu phụ danh của hai người đàn bà đó lại trùng nhau nữa thì ông chồng đúng là sống trên thiên đường! Nhưng có lần tôi vẫn bị hố! Ấy, có cha Iôram đây làm chứng...
- Sao vậy? - Batsana linh hoạt hẳn lên.
- Số là trong lúc mê sảng tôi nói lảm nhảm như sau: “Xvêta-gian, em ạ, trái quả đầu tiên con lợn cái được hưởng, - con lợn cái là ý nói vợ tôi, - nhưng không sao, nếu nhờ trời anh ra được khỏi đây thì anh sẽ cưới em làm vợ!”. Nghe những lời như thế, vợ tôi khóc toáng lên và đâu như còn đập đầu vào chiếc giường bây giờ ông đang nằm, hồi ấy giường bỏ không. “Vaimê, Bulika của tôi lẫn hẳn rồi, thậm chí không nhớ cả lễ cưới của chúng tôi!”. Giá mà bà ấy biết lúc ấy tôi hoàn toàn tỉnh thì nguy tai!... Thế đấy!...
Bulika đột nhiên dứt lời và nhìn Batsana chằm chằm. Batsana nằm nhắm mắt, vẻ khoan khoái hiện rõ trên mặt và thở đều đều, bình tĩnh.
- Chà, con người kỳ lạ làm sao, ông ta đi đến nơi ấy và quay trở lại nhanh chóng quá chừng! - Bulika nói với cha đạo bằng giọng giận dữ.
- Hãy để ông ấy yên, đấy là do tác dụng của Pantôpôn... Để ông ấy ngủ.
Còn Batsana xuyên qua màn sương mù màu hồng, xuống cái thang dốc quen thuộc, nhưng lần này ông cảm thấy rõ rệt mình lên mỗi lúc một cao...

Chương 4


- Đây là giấy gửi con đi khám nghiệm con bé bỏng của ta ạ... Đến Tsôkhatauri [Một trung tâm huyện ở phía bắc Tbixili] chụp điện... Ta không thích đôi mắt sáng ngời và cặp má ửng hồng của con!
Batsana gập tư tờ giấy và cất vào túi.
- Cháu bị làm sao, bác Epghêni? - Chú bé bình tĩnh hỏi bác sĩ.
- Cháu hay bị sốt đã lâu chưa?
- Chừng một tháng nay, có lẽ thế!
- Có đổ mồ hôi không?
- Ban ngày ra mồ hôi tay, ban đêm thì đúng là bơi trong mồ hôi. - Batsana chùi đôi tay đẫm mồ hôi vào quần.
- Có ho không?
- Thỉnh thoảng, nhưng ho dữ như con chó, - Batsana pha trò một cách buồn rầu.
- Có thấy máu trong đờm không?
- Tuần trước có ra ít máu, bằng ngần này này, - Batsana giơ ra móng ngón tay út.
- Sao đến giờ con mới nói, con bé bỏng của ta? - Giọng bác sĩ run lên.
- Cháu bị làm sao, hả bác? - Batsana lo lắng.
- Bác xem phim chụp điện, rồi sẽ cho biết.
- Bệnh đó gọi là gì ạ?
- Infintrat [Đám thâm nhiễm (thuật ngữ y học)]... Biến chứng phức tạp hơn thì thành brônkhônđênit [Viêm hạch phế quản (thuật ngữ y học)].
- Tiếng Gruzya là gì ạ? - Batsana không chịu thôi.
Bác sĩ không trả lời. Ông ngồi xuống bên bàn và bắt đầu lục lọi giấy tờ, không có chủ định gì hết.
- Chữa bệnh đó dùng thuốc gì ạ? - Batsana lại hỏi.
- Pênêxilin và xunfiđin. - Bác sĩ đáp, không ngẩng đầu lên.
- Có thể tìm được không ạ?
- Được! Cần mười ngàn rúp, ở Tbilixi! - Bác sĩ nhìn đôi mắt ngạc nhiên mở to của Batsana.
- Lấy đâu ra số tiền như thế được?
Bác sĩ nhún vai, giang hai tay ra tỏ ý bất lực.
- Còn những thứ thuốc gì nữa, bác Epghêni?
- Thuốc nữa à? Bơ, sữa, dầu cá, trứng cá, đường, mật ong, độ ẩm và Băcmarô [Một nhà an dưỡng trên núi cao ở Gruzya]... Thuốc như thế đấy!
Batsana cảm thấy khô cả cổ... Tất cả những thứ bác sĩ nêu ra đắt gấp đôi những thứ thuốc kể trên. Chú đứng lặng thinh hồi lâu, không động đậy, rồi chú lấy trong túi ra tờ giấy khám nghiệm, cẩn thận trải ra, đặt lên bàn, và cũng lẳng lặng như thế, đi về phía cửa.
- Đi đâu thế, chú mày? - Bác sĩ gọi.
- Cháu đi đây, bác Epghêni ạ, cháu sẽ tự tìm ra một cách gì chữa khỏi bệnh của cháu. - Batsana nhăn nhó nói.
- Khoan đã! Đến hiệu thuốc, mua ghêmatôghen [Loại thuốc bổ huyết], uống ngày ba lần, mỗi lần một cùi dìa. Cái đó có ích đấy... Bác sĩ lấy trong túi ra một tờ mười rúp, đưa cho Batsana. - Cháu cầm lấy này...
Batsana cầm lấy tiền và đặt cạnh tờ giấy xét nghiệm.
- Tiền thì ông cháu sẽ cho... Cảm ơn bác lắm lắm, bác Epghêni ạ! - Batsana mở cửa.
- Bảo ông đến gặp bác nhé.
- Ông cháu ốm, bác Epghêni ạ, ông cháu đi lại khó khăn - Batsana nói dối.
- Vậy thì nói lại với ông rằng... - Lời nói tắc trong cổ họng bác sĩ.
- Nói gì kia ạ?
- Bảo ông rằng... - Bác sĩ nghẹn lời. - Con đừng sợ, con ạ. Chưa muộn đâu! Con là một chàng trai cường tráng, bệnh tật không quật nổi con đâu!
- Bảo với ông cháu thế nào, bác Epghêni?
- Thế này này! - Bác sĩ bỗng buột ra. - Bảo với ông già bất hạnh là lập tức bán hết mọi thứ đi, - nhà, sân, linh hồn và thể xác mình, - và mua Pênixilin cho cháu! Nghe thấy chưa?! Ngay lập tức!
Bác sĩ đâm bổ tới gần bàn, chộp lấy tờ giấy gửi khám nghiệm xé vụn ra và tung lên trần nhà, rồi quay về phía Batsana, mặt biến dạng hẳn đi, thét lên.
- Sau sự việc này mà tôi còn tự xưng là con người được ư?! Tôi còn tự nhận là bác sĩ được ư?!
Không chịu được cái nhìn của bác sĩ. Batsana ra khỏi phòng.
* * *
- Cô Agrafêna, cho cháu hai chai Ghêmatôghen. Chủ nhật cháu sẽ đem đào đi bán ở Tsôkhatauri và trả tiền cô. - Batsana nài nỉ người bào chế khi chỉ còn hai người với nhau trong hiệu thuốc.
- Chú bé ơi, cháu cần Ghêmatôghen để làm gì? Đấy là thuốc cho người ho lao.
Batsana run lên, hai tay chú đẫm mồ hôi, chân bủn rủn. Chưa ai lớn tiếng gọi thẳng tên cái bệnh khủng khiếp ấy, ngay trước mặt chú như vậy.
- Để cho ông cháu... Bác Epghêni bảo uống... Bác ấy bảo yếu sức uống có lợi...
- Lấy đi, con, lấy đi... Có điều... Cô nghi ngờ về những quả đào của cháu...
- Sao kia ạ, thuốc đắt tiền phải không ạ?
- Chín rúp sáu mươi một chai...
- Thế thì cho cháu một chai, chủ nhật cháu sẽ đem tiền đến trả.
- Con làm sao thế, con yêu quý? Tại sao con tái mặt đi thế? - Agrafêna hỏi, giọng ái ngại.
- Dạ không, không sao cả ạ, da cháu vẫn tái như thế, - Batsana cầm lấy chai thuốc, ra khỏi hiệu thuốc, và để khỏi ngã, chú ngồi xuống bực cầu thang đã mục ải.
* * *
- Chào bác Glakhuna!
- Chào cháu! Ờ, nhưng bác không nhận ra cháu là ai... - Ông chủ nhiệm trại chăn nuôi nheo mắt.
- Cháu là Batsana, cháu ông Lômkatsa Ramisvili.
- Chết chửa! Cháu lớn quá rồi đấy, cháu ạ! - Glakhuna ngạc nhiên. - Ông cháu thế nào?
- Cũng bình thường ạ...
- Ờ... Mất những người con trai như thế... Vậy mà ông lão vẫn không đến nỗi hồn lìa khỏi xác... Cháu là con người nào?
- Con ông cả.
- Con Akatsi à?
- Vâng.
- Ôi chao, bố cháu trước kia mới gớm chứ! Hồi bằng tuổi cháu, bố cháu một mình tay không đi săn gấu!... Ờ, thế ông Lomkatsa cần gì? Không có việc cần hẳn cháu đã không đến gặp bác.
- Bác Glakhuna, xin bác nhận cháu vào chăn gia súc trong trại...
- Con còn nhỏ quá, con ạ, con không đuổi theo dê và bê được đâu.
- Bác bảo là hồi bằng tuổi cháu, bố cháu đã đi săn gấu kia mà.
- Nhưng bố cháu khỏe như con bò mộng, còn cháu thì thế nào? Thổi một cái là cháu bay vèo đi. Cháu bao nhiêu tuổi?
- Mười lăm!
- Thế ông cháu ra sao? Liệu ông cháu có cho đi không?
- Nếu bác đồng ý thì ông cháu sẽ cho đi!
- Làm sao ta có thể đồng ý được! Ông cháu biết rõ hơn cả ta công việc của người chăn gia súc trong núi vất vả như thế nào!
- Cháu van bác, bác Glakhuna!
- Ta không thể làm thế được con ạ!
Miệng Batsana méo xệch đi, mắt đẫm lệ.
- Đừng từ chối cháu, bác Glakhuna.
- Vì sao lại nôn nóng thế?!
- Cháu bị ho lao, bác Glakhuna! - Batsana nuốt nước mắt.
- Im đi, đồ ngốc! Có thể đùa bỡn như thế được không?! - Glakhuna nổi cáu.
- Bác Epghêni bảo rằng... Bác ấy bảo cháu cần ăn nhiều bơ, uống nhiều sữa, thở hít không khí trên núi, như vậy cháu có thể thắng được bệnh...
- Trời giết tôi đi! - Glakhuna Kerkatzê rên rỉ, ôm lấy Batsana. - Thế ngộ nhỡ cháu bị cảm lạnh trong núi vì mưa hay tuyết thì sao? Ngộ nhỡ cháu chết thì sao? Khi ấy ta biết làm thế nào? Ta còn mặt mũi nào nhìn vào mắt người ông xấu số của cháu nữa? Cháu cưng của ta ơi! Cái cần cho cháu không phải là núi rừng, mà là chăn và đệm lông chim kia!
- Đừng từ chối cháu, bác Glakhuna! - Batsana ôm lấy Glakhuna và òa khóc.
- Được, được, con yêu quý! Ta sẽ đem con theo, sẽ cho con uống sữa chim, chứ đừng nói gì sữa dê! Ta sẽ giữ gìn con như lòng ngươi con mắt! Trong hai tháng, ta sẽ bồi dưỡng cho con khiến con có thể một tay quật đổ con bò đực ba tuổi! Lặng đi, lặng đi, con yêu quý của ta, đừng khóc! Chúng ta bất chấp bệnh tật! Ta coi khinh bệnh tật! Nín đi, đồ chó đẻ!
Batsana đã nín khóc từ lâu, nhưng bây giờ Glakhuna Kerkatzê khóc như đứa trẻ và chẳng có ai dỗ ông...
* * *
Hai mươi ba con bò cái, hai bò đực, hai mươi bảy con dê, ba con ngựa và một con lợn đực - đấy là tất cả số gia súc lấy sữa và thịt mà nông trang Kvêđôban có trong tay vào mùa hè năm 1943. Trại ở bãi chăn trên núi, trên sườn dốc Tsơkhakaura thuộc vùng ngoại vi Bakhơmarô. Mùa hè, cùng với gia súc chung, nông trang viên lùa cả gia súc riêng ra bãi chăn - phần lớn là bò cái tơ và bê, - vì người ta không thể không cần đến bò sữa trong ba bốn tháng vào những năm chiến tranh đói kém này, đó là lẽ tất nhiên.
Việc bảo vệ số tài sản thảm hại đó của hai mươi hộ do hai con chó chăn cừu và ba người đàn ông đảm nhiệm: chủ nhiệm trại chăn nuôi Glakhuna Kerkatzê, Xipitô Guđavatzê và Iôna Ôragơvêlitzê, Batsana là người thứ tư, nhưng chẳng ai thực sự đếm xỉa đến chú.
Con lợn đực duy nhất trong đàn thuộc phần Glakhuna. Hôm nay, con lợn đó sắp phải chịu chung số phận cay đắng của những con đồng loại bị hoạn. Con lợn giống hai tuổi khỏe mạnh cố nhiên không hề đoán được gì. Nó khoan khoái xục xạo đám rác, cái mõm ngắn và khỏe cày xới đất chẳng khác lưỡi cày máy. Trong lúc con lợn nhởn nhơ làm công việc của mình. Glakhuna đứng dưới mái hiên và liếc lưỡi dao vào sợi dây cương treo trên đỉnh.
- Cháu thương con lợn, bác Glakhuna! Không nên hoạn nó! - Batsana nài xin.
- Nó chẳng cần gì phải một mình chạy nhông khắp rừng để kiếm vợ như thế! Ở đây có phi như ngựa suốt bảy ngày cũng không tìm đâu ra con lợn cái! Ta hoạn đi thì nó sẽ không còn nghĩ đến chuyện gì, ngoài cái ăn! Nó sẽ tu tỉnh, sẽ béo mập lên, rồi cháu xem! - Glakhuna nói cho Batsana yên tâm.
- Nhưng bác ạ, Xipitô của chúng ta cũng một mình lang thang trong rừng mà ta có hoạn cậu ấy đâu! - Iôna Ôragơvê litzê bênh vực con lợn...
- Này thằng ăn bám kia, nếu chúng tao kịp thời thiến chính mày đi thì bây giờ trên đời đã không có kẻ thừa tự thiên tài của mày! Thằng ngốc ấy mười bảy tuổi rồi mà không phân biệt nổi lê với táo! - Xipitô từ dưới mái hiên đi ra, xổ luôn một tràng.
- Có mày là đồ ngu thì có! Con tao lúc bé bị ngã từ trên cây xuống, chuyện ấy ai cũng biết! Còn mày? Cả đời mày chưa hề trượt chân lần nào, vậy mà chín năm liền ngồi lì ở một lớp! Quên rồi à?
- Bác Glakhuna, - Xipitô nói với ông chủ nhiệm chăn nuôi. - Ta bắt tay vào việc đi thôi, không thì thằng chó đẻ này làm ta hết sống nổi. Bác ạ, lưỡi hắn vẫn la liếm trong đám phân bò mà.
- Glakhuna, nói thật đi, ai trong hai đứa tôi đúng? - Iôna đòi Glakhuna phân xử.
- Đáng dứt lưỡi cả hai, xong việc con lợn, tao sẽ ra tay ngay! - Glakhuna đe, rồi gạt lưỡi dao cạo vào móng ngón tay cái và nói tiếp: - Thôi đừng giở trò ngu ngốc ra nữa, bắt con lợn đi!
- Chúng tôi đọ với nó sao được! Nó đào xuyên xuống đất bây giờ đây này. - Iôna nói.
- Gãi bụng nó đi. - Glakhuna bảo Batsana.
Batsana lấy trong căn nhà kho lụp xụp một nắm ngô vàng chóe và đi về phía con lợn.
- Ỉn-ỉn-ỉn...
Con lợn hếch mõm lên và thấy ngô, nó đâm bổ tới chỗ Batsana, ngọ nguậy đôi tai một cách kỳ cục.
- Con vật ngu ngốc, tự mình chạy đến đoạn đầu đài! - Iôna thương con lợn.
Xipitô đã chuẩn bị xong nước ấm và tro, Iôna mang đến sợi dây thừng, Glakhuna gập lưỡi dao lại, giắt vào thắt lưng, rút ở tấm dạ lót yên ra chiếc kim khâu giày to tướng xâu sợi chỉ tơ và bắt đầu xắn tay áo.
- Gãi đi, gãi đi! - Ông lớn tiếng bảo Batsana.
Batsana ngồi xổm trước con lợn và gãi bụng nó. Con lợn nhai ngô rào rạo, không để ý đến Batsana. Ăn hết ngô nó bỗng ngây ra, nhắm mắt và ủn ỉn vì thích thú. Trong giây lát, nó đứng yên, đắm mình trong khoái lạc, rồi nó khuỵu hai chân trước xuống, đổ kềnh sang một bên và đờ ra.
- Hừ, con vật đần độn, mày không biết mày mất cái gì để đổi lấy hai hạt ngô! - Iôna thốt lên, tròng thòng lọng vào chân sau con lợn. Con vật thậm chí không động đậy: nó nhắm mắt nằm yên, ủn ỉn. Batsana gãi bụng nó bằng cả hai tay.
Con lợn cảm thấy có điều chẳng lành khi Iôna trói nốt chân sau nó. Nó vùng ra, nhưng muộn rồi. Xipitô cưỡi lên nó, Iôna nắm tai nó, Batsana đứng ngay tại đấy và hồi hộp chờ xem mọi việc diễn ra sau đó. Trong lúc Glakhuna dùng nước ấm rửa cái chỗ sắp rạch dao, con lợn rít lên khe khẽ. Nhưng Glakhuna đã mở lưỡi dao... và tiếng kêu xé ruột của con vật vang động khắp vùng.
- Lẽ ra bác nên dùng cái gì bịt miệng, không chừng làm nhiễm trùng vết thương cũng nên.
- Xipitô nói với Glakhuna.
- Im mồm đi! - Glakhuna bực tức đối lại.
Cuộc mổ xẻ tiếp tục. Tiếng kêu ré của con lợn khiến người ta có cảm giác như bầu trời sắp nứt vỡ và núi sắp đổ.
- Nó gào mới khiếp chứ, quỷ tha ma bắt nó đi! - Xipitô nói.
- Nếu đằng ấy bị như nó, tớ muốn xem đằng ấy sẽ kêu gào như thế nào! - Iôna đáp.
- Bắt đầu rồi, hả? - Xipitô cảnh cáo.
- Thôi được. Nhưng nếu tớ là Xtalin thì sau chiến tranh tớ sẽ gọi Glakhuna đến và ra lệnh cho bác ấy hoạn Hitle và cả bè lũ, hệt như hoạn con lợn này! - Iôna nói.
- Tớ không biết những đứa khác thì thế nào, chứ Hitle thì tớ cho rằng chẳng cần gì phải hoạn... Hắn không có vợ con và nghe nói hắn tịnh không muốn có vợ con... - Xipitô rêu rao điều bí mật của nội các đế quốc Đức.
- Nói chung ăn thịt người là tính chất của tất cả những kẻ bị hoạn... Có nhớ chuyện Aga-Môhamet-khan không? Cái tên đã đốt cháy Tbixili ấy mà [Vua Iran, năm 1795 đã cướp phá Gruzya, đốt cháy và cướp bóc Tbilixi]. Y cũng là một kẻ bị... như thế... Y hy vọng vào việc tắm nước suối lưu huỳnh... khi thấy không ăn thua gì, y nổi cáu và ra lệnh đốt cháy thành phố, - đến lượt Iôna phơi trần bí mật của triều đình Iran.
- Này, bạn thân mến ơi, nếu nước lưu huỳnh kiến hiệu thì Efrôxinya của chúng ta sẽ là người phụ nữ giàu nhất thế gian, trong sân nhà bà ấy có cả một nguồn nước lưu huỳnh! - Glakhuna khâu mũi cuối cùng, cắt chỉ, lau mồ hôi trán bằng mu bàn tay đẫm máu và khà một tiếng, đứng dậy.
- Thả con lợn ra! - Ông nói.
Xipitô và Iôna thả con lợn bị trói và tránh sang bên. Con lợn thoạt tiên không tin rằng cảnh địa ngục đã chấm dứt và vẫn kêu inh ỏi. Rồi cảm thấy nhẹ nhõm, nó chồm lên và đột nhiên đâm bổ vào rừng.
- Chao ôi, chúng ta là thú vật chứ không phải là người! - Batsana nói. - Trước khi hoạn, cho nó uống ít vốtka thì tốn kém gì?
- Thôi, rửa tay đi! - Glakhuna bảo chú bé.
- Bác phải tội với giời, bác Glakhuna Kerkatzê ạ! - Xipitô trách ông trưởng trại. - Bây giờ gặp lợn cái trong rừng nó biết làm thế nào, nó sẽ nhục nhã, con vật khốn khổ! - Xipitô đưa cặp mắt buồn rầu nhìn theo con lợn đang chạy đi.
- Thôi, cười đủ rồi! Vắt sữa gia súc đi và lùa chúng lại đây! - Glakhuna quát bảo mấy người kia. - Còn cháu nữa? Sao cứ trân mắt ra nhìn con lợn? - Ông quay về phía Batsana. - Đi đi, hôm nay, vắt sữa con dê Ghênô, còn con của cháu ngày mai thế nào cũng đẻ. Mà coi chừng đấy, phải uống cạn sạch vò sữa, không để sót giọt nào! Bác thấy cháu đã bắt đầu nhiễm thói làm ẩu rồi đấy! Cháu đâm ra bạo dạn quá rồi! Coi chừng! Ta sẽ đập cả vò vào cái đầu đần độn của cháu cho mà xem!
Batsana lẳng lặng đi vắt sữa dê.
- Cầu trời cho bác khỏe mạnh và sống lâu trăm tuổi, bác Glakhuna! - Iôna nói, khi Batsana đi khuất. - Bác đã cứu thằng bé! Không nhận ra nó được nữa! Mặt đỏ hồng, bấm ra sữa!
Glakhuna bỏ ngoài tai lời lẽ của Iôna, cầm cái xô và đi về phía mấy con bò cái.
Một giờ sau, gia súc của trại chăn nuôi nông trang Cơvêđôban đã la rống và kêu be be chạy tản tác trên sườn núi Tsơkhakôura xanh tươi.
* * *
Buổi tối, chủ tịch nông trang Gervaxi Patsatxya lên trại chăn nuôi, cùng đi với ông có hai chiến sĩ dân quân vũ trang bằng tiểu liên. Tiết trời mát mẻ. Chủ khách ngồi bên đống lửa. Củi thông nổ lép bép vui vẻ, tỏa ra mùi thơm thơm. Trong nồi đang luộc một con dê con. Mấy con chó vừa sủa vừa chạy quanh đống lửa. Trong lúc chờ đợi những khúc xương ngon lành thưởng công phục vụ trung thành.
- Có gì mới không, ông? - Glakhuna hỏi chủ tịch nông trang, đồng thời đưa trả tờ báo gập tư.
- Đồng chí còn muốn biết tin gì nữa? - Gervaxi ngẩng đầu lên và vuốt ve cái bao khẩu Maode trên đùi.
- Về tài sản còn bỏ lại ở làng thì chúng tôi không hỏi, - Iôna xen vào, - Chắc đồng chí không thêm được gì vào đấy... Tình hình mặt trận thế nào?
- Tình hình mặt trận ư?... Nguy thay nước Đức! - Gervaxi lại vuốt ve khẩu Maode của mình.
- Xin cất nó đi cho, chạm cò thì khốn! - Xipitô càu nhàu, dịch ra xa.
- Thế nào, nước Đức ra sao?
- Sao nữa! Ê mặt ở gần Xmôlenxka, nhục nhã ở gần Matxcơva và còn bị những vố ê chề ở đâu nữa? - Ông tự hỏi, và không nhớ ra, ông khoát tay, - Nói chung nước Đức vãi cả ra quần, có thế thôi. Đang chầy chật lo giữ Rumani, Tiệp và Italya...
- Bao giờ chiến tranh chấm dứt? Xtalin nói gì?
- Xtalin nói rằng chiến tranh sắp chấm dứt, nhưng không nêu rõ thời hạn. - Gervaxi dang hai tay ra.
- Lẽ ra nên nói rõ, điều đó đối với đồng chí ấy có khó gì? - Iôna ngạc nhiên.
- Nói lạ? Chiến tranh với Đức có phải như việc hoạn lợn của các cậu ấy à! - Gervaxi bào chữa cho Xtalin.
- Hoạn lợn cũng không phải chuyện dễ, đồng chí Gervaxi của tôi ạ! - Glakhuna bênh vực uy tín nghề nghiệp của mình.
Xipitô lấy cái nồi trên đống lửa, cầm một chân con dê, lấy nó ra khỏi khối nước sôi sục. Không khí ngào ngạt mùi thơm ngon của thịt luộc, hành và lá nguyệt quế.
- Nào, các cậu, lôi cái đó đến đây! - Gervaxi ra lệnh.
Các chiến sĩ của tiểu đoàn lôi cái bao da đựng rượu đến gần đống lửa. Glakhuna phân phát những chén đất nung. Mọi người lần lượt cầm chén đến chỗ Gervaxi, và nhận xong phần rượu của mình, ai về chỗ nấy. Cả Batsana cũng đến lấy phần rượu. Gervaxi đưa mắt nhìn Glakhuna dò hỏi. Glakhuna gật đầu ưng thuận.
Gervaxi uống trước tiên.
- Loại dây leo tuyệt diệu! Cầu trời ban phước cho rễ cây của người. - Ông thốt lên bằng giọng khoái trá. Câu cảm thán đó được coi là lời chúc chén đầu tiên.
- Cầu trời ban phước! - Tất cả cùng nhắc lại và uống cạn một hơi.
Gervaxi rót mỗi người chén nữa. Và một lần nữa, trước khi rót rượu cho Batsana, ông đưa mắt hỏi ý Glakhuna -. Glakhuna ưng thuận.
- Có nhiều quá không? - Gervaxi hỏi.
- Thêm ba chén nữa! - Glakhuna nói.
- Tùy anh! - Ông chủ tịch đồng ý.
Gervaxi lên tiếng.
- Chén này chúng ta chúc sức khỏe Đảng ta và bộ chính trị của Đảng đứng đầu là đồng chí Xtalin! - Ông uống cạn sạch chén rượu.
- Chúc mừng Đảng, chúc mừng Xtalin! - Mọi người nói theo và dùng thức nhắm.
- Chén thứ hai chúc mừng chính phủ ta, đứng đầu là Xtalin vĩ đại!
Mọi người nhất loạt cạn chén.
Lát sau, Gervaxi nâng chén chúc mừng lần thứ ba.
- Mừng sức khỏe của Hồng quân đứng đầu là Xtalin vĩ đại!
Lời chúc rượu này cũng được mọi người nhất trí ủng hộ, nhưng mỗi người theo cách riêng của mình.
- Chúc sức khỏe Hồng quân!
- Mừng thắng lợi của Hồng quân!
- Cầu trời phù hộ các chiến sĩ Hồng quân!
- Cầu cho mỗi viên đạn của chiến sĩ Hồng quân chúng ta đều hạ sát quân thù!
- Vì hòa bình trên trái đất!
Gervaxi nâng chén:
- Còn bây giờ, có Xtalin vĩ đại đứng đầu...
- Bác Gervaxi! - Iôna ngắt lời ông. - Tôi gần như sắp đổ, nhưng hiện thời vẫn còn đứng vững, ta hãy uống chúc mừng chú bé! Nâng cốc chúc tụng Xtalin như thế đủ rồi... Ơn trời, chẳng cần đến bác, đồng chí ấy cũng đảm đương được công việc của mình...!
- Cậu nói không đúng, Iôna Ôragơvêlitzê! - Ông chủ tịch bực tức. - Nếu không có sự ủng hộ của chúng ta...
- Đồng chí thân mến ơi, sự ủng hộ của chúng ta là ở chỗ nuôi dạy cho Nhà nước những gã trai cường tráng!
- Cậu nói đúng, đúng đấy! - Ông chủ tịch nhượng bộ. - Ta sẽ uống mừng Batsana Ramisvili! Hãy nghe ta, Batsana!... Hãy nhớ lấy ngày này và con người này. - Gervaxi đặt tay lên vai Glakhuna Kerkatzê ngồi cạnh ông. - Cháu phải hôn những vết chân bác ấy, cháu của bác ạ! Cháu phải thay thế con trai bác ấy đã hy sinh ở mặt trận... Sẽ không ai dựng tượng kỷ niệm Glakhuna của chúng ta và bác ấy sẽ không được tặng thưởng huân chương!... Cháu phải trở thành cả huân chương, cả tượng đài của bác ấy!... Hãy nhìn xung quanh, hãy suy nghĩ và nên hiểu, cháu yêu quý của ta ạ: mọi cái cháu thấy trên đời là của cháu! Lúc này, hàng triệu người chết với viên đạn trong ngực, và sẽ không ai mang theo cái gì. Tất cả đều để lại cho cháu, cho các bạn cùng lứa... Nước mắt tưới tắt các bếp lửa. Những người mẹ góa con côi nức nở. Các cánh đồng bỏ hoang đang rên xiết. Đất không chủ khóc than... Chúng ta đang giành lại cho mình tất cả những gì đã bị bọn ăn thịt người cướp đi... Nhưng liệu cánh già chúng ta có đủ sức khôi phục đất nước bị tàn phá hay không? Ta không biết... Cháu và các bạn cháu phải làm việc đó... Các cháu phải gây dựng lại đất nước!... Lớp già chúng ta có một điều lớn lao cầu xin các cháu: hãy quên những tiếng “ngôi làng trước kia”, “thành phố trước kia” đi... Sao cho thế hệ tiếp sau các cháu chỉ biết về chiến tranh qua những câu chuyện các cháu kể lại!... - Gervaxi giơ hai tay lên trời, đưa mắt nhìn những ngọn núi láng ánh trăng bạc. - Hãy yêu mến và giữ gìn vẻ đẹp của Tổ quốc... Đó phải là một tình yêu cao cả, trong trẻo, tươi sáng. Tổ quốc, đó là ngôi nhà thờ thiêng liêng mà ta phải quỳ gối cầu nguyện trước bàn thờ. Không chỉ cầu nguyện, mà còn cấm súng bảo vệ nơi ấy, không để cho ma quỷ làm ô uế thánh đường của chúng ta. Còn điều này nữa: hãy luôn luôn là người đầu tiên trong số những người dâng lễ lên bàn thờ Tổ quốc!... Bác không còn điều thỉnh cầu và mong muốn nào khác nữa! Ta cạn chén! - Gervaxi đưa chén lên môi một cách sùng kính.
- Bác Gervaxi Batsatsya! - Iôna hân hoan thốt lên - Nếu tất cả những điều bác nói không phải do bác đọc được ở đâu đó, mà là những điều sôi sục trong tim bác thì thề rằng tay tôi sẽ liệt đi nếu tôi không bầu bác làm chủ tịch lần nữa!
- Tôi đến đây không phải là để ứng cử, - Gervaxi đáp. - Hai người này có mặt ở đây không phải là không có việc gì!
- Chuyện gì vậy, bác Gervaxi? Định bắt chúng tôi chắc? - Xipitô phá lên cười.
- Số là... tên khốn khiếp rốt cuộc đã đâm ra càn rỡ!
- Bác nói ai vậy, bác Gervaxi? - Glakhuna hỏi.
- Manutsar Kicvatzê chứ còn ai!
- Thằng lưu manh ấy mà khó tóm đến thế ư? Nó đào ngũ đã ba năm rồi, vậy mà cho đến giờ các anh vẫn không tóm được nó à? - Iôna nói với các chiến sĩ.
- Lùng bắt một người trong rừng không phải chuyện dễ! - Một chiến sĩ toan thanh minh.
- Thêm nữa, hiện giờ nó thận trọng như quỷ xa tăng. - Người thứ hai nói thêm. - Hầu như ngày nào nó cũng đổi chỗ... Trước kia nó còn có cách này cách khác tìm được chỗ trú thân: người thì do sự quen biết cũ, người thì vì sợ... Bây giờ mọi người đều từ bỏ nó. Và nó cũng không còn đường về Xupêbi: ở đấy nó đã cưỡng hiếp hai em gái nhỏ tuổi và còn làm các em lây thứ bệnh ghê tởm gì đó... Mẹ một em bé gái đã phát điên, khổ thân bà ta.
- Thế ông bố không có mắt à! - Xipitô buột ra một tràng.
- Bố ở mặt trận... - Người chiến sĩ giang hai tay ra.
- Đấy là câu trả lời của các anh phải không?
- Lần nọ ở Kvêmô - Tsala, nó chầy chật lắm mới thoát khỏi tay chúng tôi, vậy mà một tuần sau nó đã cắt lưỡi Bônđô Skipurisvili chẳng có tội tình gì, vì nghi ngờ anh tố giác nó... Bà góa Kaptsivatzê ở Amaglep từ chối không cho nó vào nhà, thế là ngay đêm hôm ấy nó đốt cháy nhà bà ta... Phải, bây giờ nó nguy hiểm như con chó sói điên...
- Nó phải chết, tôi nói điều đó trước thượng đế! Nếu các anh không đủ sức làm việc đó thì đưa vũ khí cho chúng tôi, chúng tôi sẽ làm! - Glakhuna Kerkatzê bỗng nói và không hiểu sao lại nhìn Batsana. Trong mắt Glakhuna, Batsana thấy lấp lóe ánh lửa phản chiếu làm chú lạnh người.
- Mới đây Kicvatzê đến trại Habêglap, lấy mất một bao tải phô mát. Rất có thể nó sẽ đến cả đây, bởi vậy nếu các bạn có cái gì nộp cho nhà nước thì ngày mai đưa về làng... - Gervaxi vừa nói vừa đứng dậy.
- Đáng đời các ông! Tại sao lại tước mất vũ khí của chúng tôi? - Xipitô thốt lên.
- Lúc này không phải là lúc bàn cãi! Đưa cho chúng tôi hai mươi khúc pho mát và hai con dê con, nhiều hơn nữa thì chúng tôi không tải được đâu! - Gervaxi nói, rồi quay về phía các chiến sĩ: - Sửa soạn đi, đến sáng chúng ta phải có mặt ở làng! - Và ông đi về phía chuồng ngựa.
- Này, các ông chiếm hết cho mình thì còn lại gì cho Manutsar Kicvatzê? - Iôna châm chọc.
- Cậu thật là đứa độc mồm độc miệng! - Ông chủ tịch bực tức. - Tôi có bao giờ lấy tài sản của nông trang? Tôi đưa về cho vườn trẻ, cho cháu của cậu đấy! Hay cậu còn nghi ngờ?
- Tôi nói đùa đấy mà, nói đùa thôi! - Iôna bối rối. - Vả chăng... Ông chủ tịch trước cũng nói như thế, nhưng sau đó, những con dê con ấy nhảy nhót trong sân nhà ông ta. Thế đấy!
- Hừm, có lẽ tôi cũng phải đi làm cướp và dứt phăng cái lưỡi đáng nguyền rủa của cậu đi chăng? Đồ nỡm!... - Gervaxi phảy tay và thắt lại cái đai bụng ngựa.
- Xong cả rồi, - Glakhuna tới gần, - Hôm nay chúng tôi sẽ lừa ngựa về, mai sẽ chuyển về làng mọi cái còn lại.
- Tốt lắm! Này, cẩn thận nhé! Thôi, tạm biệt! - Gervaxi nhảy lên ngựa.
- Gervaxi! - Glakhuna gọi.
- Gì vậy?
- Để lại cho chúng tôi khẩu Maode của đồng chí.
- Không có vũ khí thì tôi làm ăn thế nào?
- Hai tiểu liên là đủ rồi. Còn khẩu Maode thì chủ nhật tôi sẽ đem trả.
Gervaxi lưỡng lự.
- Có gì mà phải ngần ngừ, quyết định đi!
Gervaxi miễn cưỡng tháo dây đeo khỏi vai và đưa cho Glakhuna khẩu Maode.
- Nên nhớ là tôi không cho khẩu súng đâu nhé! Phải trả lại đấy!
- Nhưng đồng chí phải nghe thấy nó nổ đã! - Glakhuna cầm lấy khẩu Maode từ tay Gervaxi và đưa cho Batsana. - Này, cất vào khurgin!
Batsana bỏ khẩu Maode vào túi khurgin rỗng đến một nửa treo trên cột, còn Gervaxi cùng với các chiến sĩ quay ngựa và phi nước kiệu xuống núi.
Lát sau sương mù đã nuốt chửng ba người cưỡi ngựa. Còn nghe thấy tiếng vó ngựa lộn xộn một lúc, rồi tất cả im ắng. Mọi băn khoăn lo nghĩ của những người ờ lại trên sườn núi Tsơkhakôura cũng theo những người cưỡi ngựa bay về thung lũng.
- Bây giờ đi lùa ngựa của chúng ta về đây. - Glakhuna nói với người của mình. - Buổi sáng tôi thấy chúng ăn cỏ ở đằng kia, phía Đôchi. - Glakhuna trỏ tay. - Sau hai giờ có thể về đến nơi. Cho thằng bé theo... Đem theo đóm nhựa thắp sáng.
Xipitô vắt dây thừng qua vai, giắt rìu vào thắt lưng và thắp đóm nhựa. Glakhuna đi về phía mái hiên.
- Thư thư một chút cũng được, can gì vội vã thế? - Xipitô lớn tiếng nói với theo. - Để rạng sáng hãy đi... Lần mò đi đâu lúc tối mịt thế này?
- Bảo thế nào cứ làm thế, không đòi hỏi gì hết! - Glakhuna trả lời.
- Phải thương đứa trẻ mới chứ! - Xipitô thử làm cho Glakhuna động lòng thương.
- Sẽ không có chuyện gì xảy ra cho nó cả! Cần tập cho nó quen đi!
Xipitô và Iôna đi theo con đường mòn ngược lên núi, Batsana lon ton chạy theo họ như con sói con!
Trong trại vang lên tiếng be be thảm thiết. Con dê của Batsana trở dạ đẻ...
* * *
Lúc rạng sáng trở về, những người chăn gia súc khiếp sợ. Cả hai con chó chăn cừu nằm lăn bên đống lửa, đầu bị đạn xuyên thủng, bò và cừu không được vắt sữa, đói ăn kêu rống ầm ĩ trong chuồng. Không thấy Glakhuna đâu. Những người chăn gia súc đâm bổ đi tìm ông, nhưng không hề thấy vết tích gì của ông. Đột nhiên Batsana lại đổ mồ hôi tay như trước kia. Xipitô Guđavatzê muốn nói điều gì, nhưng chỉ ú ớ như bị câm, phát ra những tiếng rời rạc và ngồi phệt xuống đất.
- Đây là do bàn tay Manutsar Kicvatzê! - Iôna vừa kêu lên vừa nhảy lên lưng con ngựa không thắng yên.
- Đi đâu? - Xipitô thốt lên một cách khó nhọc.
- Cần đi trước hắn! - Iôna đáp và giục ngựa phi nước đại.
Batsana đâm bổ tới chỗ khurgin, sờ nắn. Khẩu Maode vẫn ở đó. Thế là chú đến ngồi bên Xipitô, đặt bàn tay lạnh giá lên đùi anh.
- Đừng đi, chú em! - Xipitô vừa nói vừa lau vầng trán ướt.
Batsana cảm thấy đầu gối Xipitô run và chú hiểu rằng Xipitô sợ hãi hơn cả chú.
- Bác... đừng sợ, bác Xipitô. - Batsana nói.
Xipitô mỉm cười khổ sở và duỗi cái chân run rẩy.
- Ta không sợ thế nào được, hả con? - Anh nói và bỗng òa khóc.
* * *
Lưng cõng cái giỏ đầy pho mát, Glakhuna lảo đảo đi ở phía trước, Manutsar đi sau, hai tay lăm lăm khẩu súng đã lên cò.
- Nhanh lên, nhanh lên, Glakhuna! Đùa bỡn với ta thì khốn đấy! - Manutsa thúc giục Glakhuna.
Glakhuna cắn môi.
Nỗi căm tức khiến ông trưởng trại nghẹt thở. Thằng khốn nạn này đã làm cách nào lẻn tới được? Làm thế nào nó đã bắn chết được hai con chó mà Glakhuna quí vô cùng? Làm sao nó lại ép được Glakhuna đi với nó, lại còn bắt ông cõng trên lưng giỏ pho mát?
Máu làm Glakhuna rối trí, máu chó! Trong đời ông đã từng nhìn thấy máu không ít, nhưng thứ máu này, máu do đạn làm đổ ra, hẳn là thứ máu đặc biệt!... Xấu hổ và nhục nhã cho mi, Glakhuna! Thế thì mi cần đến khẩu Maode để làm gì? Để giấu nó trong khurgin à? Điếm nhục, điếm nhục! Tại sao lại không nhảy bổ tới lấy vũ khí? Nhưng tên gian phi ấy đứng lù lù trên đầu! Mà ai có thể nhanh tay hơn nó, nó là kẻ cướp kia mà?! Nhục nhã cho mi, Glakhuna!
Nỗi căm tức và nước mắt khiến Glakhuna nghẹn thở! “Tim ta ơi, hãy vỡ tung ra đi”, - ông van vỉ. Nhưng tim không vỡ tung... Tệ hơn nữa Glakhuna lại rảo bước. Ô nhục, thật là ô nhục!...
Phía trước là một vũng nước. Vầng trăng tròn đầy soi bóng trong vũng nước, tưởng chừng trăng rọi sáng từ phía bên kia, qua cái lỗ xuyên suốt lòng đất. Lúc này Glakhuna sắp bước vào cái lỗ và sa xuống đấy, biến mất tích. Nhưng vũng nước không phải là cái lỗ, và Glakhuna ngồi xuống vũng nước.
- Đứng dậy, thằng biếng nhác! - Manutsar quát mắng ông.
Glakhuna đứng lên và nhìn Manutsar.
- Thế nào, Glakhuna Kerkatzê, đuối sức rồi hả! - Manutsar cười hềnh hệch. - Đúng quá rồi! Này, thế ngài chủ tịch ăn mày và các chiến sĩ anh hùng của các người cần gì? Định bắt ta hả? Thì ta có mặt ở đây! Ta đã có mặt tại đây và đưa cả ba đứa lên đầu ruồi mũi súng như nhắm bắn những con sáo! Thế tại sao không sục vào rừng? Sao? không dám phải không? Đích thị là thế. Các vị anh hùng ấy biết rằng ta sẽ dùng tiểu liên bịt miệng các vị ấy lại! - Manutsar cười, tiếng cười khàn khàn, điên loạn.
- Mày cứ cười đi, Manutsar Kicvatzê, nhưng dù sao mày cũng đến ngày tận số rồi! - Glakhuna lên tiếng.
- Chuyện ấy sau chiến tranh ta sẽ bàn! Còn bây giờ thì vác cái sọt lên và cất bước! Muốn nằm lẫn trong bùn thì sau này vẫn còn kịp, bọn bônsêvich sẽ cấp giấy phép cho nhà ngươi đi Tsơkhantubô [Cơ sở an dưỡng thủy lý pháp ở Gruzya] không mất tiền. Vì có công với chính quyền Xô viêt!... Đi!...
- Mày là thằng đê tiện, nếu sau chiến tranh người ta không kết liễu đời mày thì chính tao sẽ treo cổ mày lên cây tiêu huyền cao nhất vùng Tsơkhaturi. Tao sẽ treo cổ mày lên, sẽ vằm nát cái xác thối rữa của mày và rắc muối vào! Toẹt! - Glakhuna nhổ bọt vào mặt Manutsar.
Kicvatzê sững người. Rồi hắn bỗng vung tay đánh một đòn cực mạnh khiến Glakhuna lộn nhào.
Glakhuna ngã vào vũng nước. Ông đứng lên, đưa tay lau máu trên mặt và nói bằng giọng khàn khàn:
- Giết thì giết đi, thằng khốn khiếp, tao không đi đâu với mày nữa! - Ông lại ngồi xuống.
- Nói dóc, Glakhuna! Mày chưa mang pho mát đến nơi đến chốn thì đừng có xin được chết!
- Mày chiến đấu chống lại ai, thằng nhãi ranh kia? Nói rõ đi!
- Với các người, thưa ông Glakhuna, với bọn bônsêvich các người! Hai mươi hai năm các người giày xéo đất của cha ta... Đủ rồi! Bây giờ đã đến thời của chúng tao!
- Chúng tao là ai?
- Của tao và của nước Đức.
- Thế nước Đức ở đâu?
- Nước Đức sẽ tới, Glakhuna ạ, sẽ tới! Khi ấy trên cây tiêu huyền mà người dọa treo cổ ta, ta sẽ treo cổ tất cả các ngươi! Đi đầu sẽ là tên bí thư huyện ủy của các người, tay cầm lá cờ đỏ!... Bây giờ đứng lên đi.
- Ta còn sống thì ta sẽ không rời khỏi chốn này, ta chết rồi thì mi muốn đem ta đi đâu tùy ý! Nhục thay cho ta đã đi theo mi cho đến lúc này, đủ rồi!
Kicvatzê hiểu rằng tay hắn sắp phải nhuốm máu một nạn nhân nữa.
- Thế thì quay mặt đi và hãy cầu nguyện thượng đế, nếu mi biết cầu nguyện... Dù sao thượng đế cũng nhào nặn ta và mi bằng cùng một thứ đất...
Glakhuna quì xuống và giơ hai tay lên trời:
- Thượng đế chí tôn! Hôm nay con đã hứa với Người sẽ tự tay kết liễu đời tên súc sinh này... Thế mà hóa ra con phải chết vì tay hắn... Xin đừng để xảy ra như thế, hỡi Thượng đế! Tính mạng con là của Người, xin hãy nhận lấy nó! Nếu Người có thật và nghe thấy tiếng nói của con, xin hãy giết con đi!... Còn nếu con và con vật này được tạo ra bằng cùng một thứ đất thì con chẳng đáng sống làm gì!
Tiếng vang dội đi dội lại ầm ầm ba lần trong rừng Tsơkhakôuri. Glakhuna nằm úp mặt, vẫn trong vũng nước mà mới rồi ông đã nhìn thấy mặt trăng ngời sáng từ bên kia trái đất.
Glakhuna cảm thấy sáng rõ lạ thường, lồng ngực đất mở rộng ra, đất tiếp nhận ông vào lòng, rồi cái lỗ hổng khép kín lại, đất đưa bàn tay khổng lồ vuốt mi mắt ông và bầu trời phủ tấm chăn đen...
Trời đã sắp rạng khi Xipitô Guđavatzê, Iôna Ôragơvêlitzê, Gervaxi Papatsya và hai chiến sĩ dân quân đưa thi hài Glakhuna về đến trại. Không một lời, không một giọt nước mắt, năm người đàn ông đứng chờ mặt trời mọc. Mãi đến lúc sáng rõ, Iôna mới nhận thấy Batsana đã biến khỏi trại.
- Còn thiếu cái nước này nữa thôi! - Xipitô thất vọng kêu lên, đập hai tay xuống đùi. - Batsana! - Anh gào lên. - Batsana! - Iôna lặp lại. - Batsana-a-a-a!... Batsana-a-a-a - Tiếng gào lo lắng vang khắp xung quanh.
Tiếng vang nhảy bổ từ sườn núi này đến sườn núi khác, lao vào hẻm núi, vòng qua các vách đá và khe ngòi, len lỏi vào rừng, và không tìm thấy thằng bé, nó quay trở lại trại, trở lại với mấy người đàn ông thẫn thờ như xác không hồn vì đau xót và tuyệt vọng.
Khi những tia sáng mặt trời đầu tiên ló ra, thằng bé rời khỏi rừng, lên con đường mòn, khurgin đeo vai. Nó ngồi bên nguồn nước, tháo đôi tsuviaki [Loại dép mềm, không có gót] thủng lỗ chỗ, xoay đôi dép trong tay, quẳng đi và thõng đôi chân sưng phồng vào nước nguồn giá buốt. Rồi nó rửa ráy, nằm lên cỏ đẫm sương, dùng khurgin làm gối đầu và thở dài não nuột. Một con diều hâu lượn nhịp nhàng trên khoảng trời xanh.
- Chao ôi, ước gì ta có cánh! - Thằng bé nghĩ. - Từ trên ấy hẳn là thấy rõ hết như trong lòng bàn tay...
Thằng bé nhắm nghiền mắt và nằm một lúc lâu, không động đậy, chẳng nghĩ ngợi gì.
Bỗng từ trên sườn dốc, đá lăn rào rào xuống đường. Thằng bé nhỏm phắt dậy, nhìn quanh. Đứng ở rìa nền đất đắp là một người đàn ông râu ria không cạo, gầy nhom, cằm dưới nhô ra, tay cầm súng. Tim thằng bé giật nảy lên.
- Mày là ai? - Người đàn ông hỏi.
Thằng bé im lặng.
- Mày câm à?
- Cháu ở Tsơkhakôra! - Khó nhọc lắm thằng bé mới thốt được lên lời.
- Mày đi đâu?
- Về Dôchi.
- Đến ai?
- Đến nhà bà con.
Gã đàn ông nghĩ ngợi. Rồi nhìn xoáy vào thằng bé bằng con mắt dò xét, gã hỏi:
- Đối diện với làng mày là trại Cơvêđôban. Mày có qua đấy không?
- Không, trại cách xa làng cháu. Cháu đi qua rừng, vòng qua trại, như thế gần hơn... - Thằng bé liếm cặp môi khô và hỏi: - Nhưng chú là ai vậy chú?
- Ta là người coi rừng, có việc đến gặp những người chăn gia súc. Mày có cái gì trong khurgin thế? Thằng bé ngẩn người ra, nó không biết có những gì trong khurgin. Nó vươn tay ra, thọc tay vào nửa thứ nhất của khurgin, lấy ra cái chai nút bằng lõi bắp cải và đặt trên cỏ.
- Cái gì thế này? - Người đàn ông hỏi.
- Vôtka.
- Sao, mày uống vốtka à, thằng nhóc?
- Ít ít thôi! - Thằng bé mỉm cười.
Rồi nó lấy trong khurgin ra miếng pho mát bọc lá dương xỉ, một nửa cái bánh tráng bột ngô, và cuối cùng là thịt dê luộc.
- Ô-hô, ta sẽ nhấm nháp chơi! - Người đàn ông nói và bắt đầu xuống sườn dốc.
- Mời chú! - Thằng bé nói và ngồi lên khurgin.
 - Vậy là chú mày không vào trại ư? - Gã ngồi lại gần thằng bé, đặt khẩu súng lên đùi.
Thằng bé lắc đầu, và để che giấu cơn run, nó lót hai tay xuống dưới người.
Gã đàn ông lẳng lặng bắt đầu ăn. Đã đỡ đói, hắn nói với thằng bé:
- Mày còn chờ đợi gì nữa? Ta sẽ ăn một mình chăng?
Người đàn ông cầm lấy cái chai, lắc:
- Hẳn là rượu ác liệt lắm đây! - Hắn nói.
- Đúng thế, rất ác! - Thằng bé trả lời.
Người đàn ông xoa tay vào cổ chai, dốc ngược cái chai vào miệng, ho mấy tiếng.
- Quỷ quái! Lửa, chứ không phải rượu nữa! - Hắn kêu lên và úp mặt vào khuỷu tay trái.
“Lạy trời cho con sức mạnh, rồi sau giết con đi cũng được!” - thằng bé nghĩ và vươn tay về phía khurgin. Rồi nó đứng phắt dậy.
Sau khi đã thở lấy hơi, gã đàn ông nhìn thằng bé và ngây ra. Thằng bé cầm khẩu Maode trong tay và chĩa vào hắn.
- Đứng lên, Manutsar Kicvatzê! - Thằng bé nói, mắt không rời gã kia.
Kicvatzê muốn đứng lên nhưng không được.
- Đứng lên thằng khốn khiếp! - Thằng bé nhắc lại.
- Mày là ai, chú em, mày cần gì ở tao! - Manutsar đã tỉnh hẳn lại.
- Ta là Glakhuna Kerkatzê!
Manutsar sững sờ.
- Ta là Glakhuna Kerkatzê, và ngươi sẽ chết bởi tay ta!
Khẩu Maode nặng nhảy nhót trong bàn tay thằng bé, nó liền cầm súng bằng cả hai tay.
Manutsar quỳ xuống và lắc cái đầu đẫm mồ hôi, như một người tắm sông vừa lên khỏi nước.
- Đừng nghịch dại, chú mày!... Ở tuổi chú mày không được quyền giết người... - Tiếng Manutsar run lên. - Đừng bắn!... Làm sao chú mày có thể sống trên đời, đi lại trên mặt đất với cái vết nhơ của kẻ giết người?
- Thế mày thì sao? Làm sao mày vẫn sống và thở hít khí trời?!
- Ta mà vẫn sống và thở hít khí trời ư?!
- Mày phải chết, Manutsar!
- Ít ra mày cũng nói rõ tên mày là gì và tại sao mày muốn tự tay giết tao chứ? - Manutsar van vỉ và cắn môi đến rớm máu.
- Tao nói rồi, tao là Glakhuna Kerkatzê!
Manutsar còn mấp máy môi, nhưng thằng bé không nghe gã. Tai nó choáng ù, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hai bên thái dương như vang lên tiếng quai búa tạ. Thằng bé cảm thấy chẳng những nó mất thính giác, mà mất cả thị giác, vì khuôn mặt của Manutsar đang trườn tới gần nó lúc thì thành hình chập đôi, lúc thì thành hình chập ba, rồi hoàn toàn tan biến. Thằng bé bấm cò.
Nó không nghe thấy tiêng đạn nổ, không đếm số viên đạn đã bắn ra. Nó chỉ cảm thấy khẩu Maode rung bần bật trong những ngón tay nắm chặt lấy chuôi súng bạc, và cổ tay nó giật nảy lên. Rồi khẩu Maode thôi giật, thằng bé bỗng hết hơi sức, hai tay nó mở ra, khẩu Maode rơi “kịch” một tiếng bên cạnh cái đầu nát nhừ của Manutsar Kicvatzê.
Thằng bé quay lưng về phía xác chết, ngồi thụp xuống đất, rúc đầu vào đùi gối và rống lên như con chó sói con lạc trong rừng.
Nửa đêm, cụ Lômkatsa Ramisvili thức giấc vì tiếng đập cửa dữ dội. Cụ rời khỏi giường, thắp ngọn đèn dầu, tới bên gần cửa và hỏi to.
- Ai đấy?!
- Cháu đây, Batsana! - Người ngoài cửa trả lời.
- Không phải Batsana! - Lômkatsa không nhận ra tiếng cháu. Tim cụ đập thình thịch vì lo sợ.
- Cháu đây, ông ơi, mở cửa cho cháu!
Lômkatsa kéo then cài, mở toang cửa. Trước mặt cụ là Batsana, đầu cúi gằm, áo quần rách bươm, hai chân đẫm máu.
- Vào đi!
Batsana không động đậy. Cụ Lômkatsa liền nắm lấy vai cháu và đưa cháu vào nhà. Cụ đặt cây đèn lên bàn, rồi ngồi xuống ghế.
- Có chuyện gì vậy? - Ông già hỏi, giọng run lên.
- Cháu đã giết người! - Batsana đáp và cằm chú run lên. Mặt ông cụ Lômkatsa méo xệch đi, cụ đưa hai tay lên ôm ngực chỗ tim đập. Im lặng một lúc lâu. Cuối cùng cụ Lômkatsa trấn tĩnh lại và khó nhọc thốt lên lời, hỏi:
- Thế suốt năm năm ông đọc Phúc âm cho cháu để làm gì?
Batsana không trả lời. Chú cúi đầu đứng yên, chùi hai tay đẫm mồ hôi vào quần.
- Cháu giết ai? - Cụ Lômkatsa phá vỡ sự im lặng và chờ câu trả lời, tâm trí căng thẳng.
- Cháu giết đứa đã giết Glakhuna Kerkatzê, ông ạ!
Lômkatsa trợn tròn mắt ngạc nhiên. Cụ muốn đứng lên, nhưng đôi chân không theo ý cụ.
- Cháu giết... Manutsar Kicvatzê ư? - Cụ hỏi lại, giọng thì thầm.
- Cháu giết Manutsar!
Cụ Lômkatsa thở phào, gắng gượng đứng dậy, đến gần cửa ra vào, khép cửa lại, rồi trở lại cạnh cháu và ôm ghì đầu chú vào ngực.
- Có ai biết việc ấy không? - Cụ thì thầm.
Cháu lắc đầu.
- Ông có hai vị thần, - cụ khẽ nói. - Cháu và Glakhuna. Một người chết về tay Manutsar... - Batsana chạm bàn tay nóng rực của chú vào bàn tay chai sạn của ông. Tay ông lạnh như băng. - Cháu ơi, nghĩ cho kỹ đi... Đừng nhận vào mình máu do những người khác làm đổ ra... Đó là một việc nghiêm trọng... - Cụ Lômkatsa nói với vẻ trầm ngâm và bỗng cảm thấy máu sôi sục từ bàn tay nóng bỏng của cháu chảy vào những đường mạch già lão của cụ, làn sóng máu nóng hổi ấy thoạt tiên chảy vào lồng ngực cụ, rồi tràn lên thái dương. Lômkatsa nhìn chằm chằm hồi lâu vào mắt cháu, và ông hiểu rằng không còn thằng bé Batsana mười lăm tuổi ốm yếu nữa. Lômkatsa không chiụu nổi cái nhìn cháy bỏng của cháu và đưa mắt đi nơi khác. Cụ đoán ra câu hỏi không lời ẳn trong cặp mắt rực lửa của con người đã biến đổi này và hiểu rằng việc cụ trả lời câu hỏi ấy thế nào sẽ quyết định cả cuộc đời sau này của cháu, - Làm thế là đúng, cháu ạ! Địa vị ông, ông cũng sẽ làm như thế! - Cụ nói và ôm ghì lấy cháu. Batsana bỗng kiệt sức, nhủn người ra, tuột khỏi vòng tay ông và ngồi phịch xuống sàn. - Đức chúa trời toàn năng, sao sự trả thù của Chúa lại hiện hình trong đứa trẻ này! - Lômkatsa rên rỉ, buông mình xuống cạnh cháu.
Rạng sáng, khi Xipitô Gudavatzê lo lắng, hớt hơ hớt hải xộc vào nhà Lômkatsa thì hai ông cháu vẫn ngồi trên sàn và khóc: Batsana khóc to, nức nở, Lômkatsa khóc không thành tiếng...

Chương 5


Giáo sư Antêlava vào phòng bệnh, cùng đi có bác sĩ điều trị và chị y sĩ. Batsana nằm nhắm mắt, lắng nghe tiếng tim đập. Ông hài lòng: tim đập mạnh, bây giờ nó không ngừng đẩy máu đi khắp cơ thể. Batsana cảm thấy mỗi ngày trái tim suy kiệt của ông càng thêm sức lực, trí óc càng sáng rõ. Ông nghe thấy giáo sư đã đến, nhưng ngây ngất bởi cảm giác khoan khoái vì được hồi sinh, ông vờ ngủ.
- Chào các ông! - Giáo sư chào hỏi.
- Kính chào giáo sư! - Bulika nhỏm dậy.
- Chúc sức khỏe giáo sư! - Cha Iôram đáp.
- Này, các ông thế nào? - Giáo sư hỏi một câu chung chung, đồng thời chăm chú xem bệnh án. - Chúng tôi sắp chuyển các ông sang phân khoa hồi phục! - Giáo sư nói bằng giọng hể hả.
- Tôi thích được ân xá hơn! Tôi cảm thấy khỏe khoắn, hôm nay là ngày thứ ba tôi tự đi ra nhà vệ sinh, thành thử nếu giáo sư không phản đối, tôi có thể về nhà ngay hôm nay! - Bulika nói, và dường như để chứng tỏ mình đã bình phục, ông thò đôi chân trần ra khỏi chăn.
- Tôi đã báo trước rồi kia mà! - Giáo sư nói với bác sĩ.
- Tôi không thể trói ông ta vào giường được! - Bác sĩ giang hai tay ra.
- Phải trói mới đúng! Ông không được trở dậy, hiểu chưa. Hay cái bô không vừa ý ông? - Giáo sư nói đùa và đẩy nhẹ một cái, bắt Bulika nằm xuống.
- Ồ không, thưa giáo sư! Chẳng qua là quấy quả những con người đáng kính thì thật không tiện... - Bulika cười toác miệng.
- Không sao! - Giáo sư nói cho ông ta yên tâm.
- Thêm nữa, lương tâm giày vò tôi: vì tôi mà một nửa thành phố Vakê chắc là phải đi chân không!
- Thế ông rất muốn cả Vakê đi chân không à?
- E hèm... Xin lỗi giáo sư kính mến, tôi xin im miệng! - Bulika hiểu ý câu nói của giáo sư và nằm xuống một cách thận trọng, như thể thực sự dân chúng cả Vakê chỉ chờ ông bình phục.
- Hôm nay giáo chủ gọi điện, hỏi thăm cha. Nói lại với giáo chủ thế nào, thưa cha Iôram? - Giáo sư hỏi cha cả nhà thờ Ba Ngôi Ortatsala.
Cảm động vì sự quan tâm của giáo chủ, mắt cha đạo đẫm lệ.
- Đấng tối cao chưa tiếp nhận linh hồn tội lỗi của tôi là nhờ lời cầu nguyện của giáo chủ, xin nhờ giáo sư nói lại với đấng bề trên như vậy! - Ông ta trả lời.
- Vậy ra chúng tôi không can dự phần nào trong việc đó à? - Giáo sư vờ làm ra vẻ giận.
- Các bác sĩ được giao giữ cổng địa ngục, giáo chủ giữ cổng thiên đường; - Iôram biện bạch và làm dấu chữ thập.
- Không, cha ạ, đường sang thế giới bên kia dẫn đến một cổng chung, các bác sĩ chúng tôi được cắt đặt gác cái cổng đó. Thiên đường và địa ngục chỉ là những phần của thế giới bên kia, và Chúa quyết định con người đến phần nào là việc của Chúa. Chúng tôi được lệnh không mở cổng cho người ta sang thế giới bên kia trước kì hạn. Thế đấy.
Iôram ho một cách ngượng ngập và im lặng.
- Ông ấy vẫn ngủ à? - Giáo sư vừa hỏi vừa xem mạch Batsana.
- Ngủ suốt hai mươi tư tiếng! - Bác sĩ trả lời.
- Càng tốt! - Giáo sư lấy bệnh án treo ở đầu giường Batsana. - Phản ứng lắng hồng cầu chậm đi, côlextêrin ít hơn. Tốt! - Ông nói, vẻ hài lòng. - Ồ, vẫn còn ngoại tâm thu à? Điều trị thế nào?
- Êrranđin. Như vậy có hiệu quả nhất.
- Các cơn đau thế nào?
- Nhẹ thôi.
- Chu kỳ?
- Nửa giờ một lần, lúc không ngủ.
- Tiếp tục dùng pantôpôn.
Giáo sư thận trọng lật tấm chăn lên, chăm chú xem ngực Batsana hồi lâu, rồi thở dài nhẹ nhõm:
- May là đã tránh được chứng phình mạch!
Batsana mở mắt.
- Kính chào giáo sư!
- Ông không ngủ à? - Giáo sư ngạc nhiên.
- Nói chung tôi không ngủ được.
- Thế là thế nào?
- Thật đấy. Tôi thức mà vẫn nằm mơ.
- Mơ như thế nào?
- Lúc thì mơ thấy những điều thú vị, lúc thì mơ thấy điều gở.
- Trước khi ngủ, hãy cố nghĩ tới những chuyện thú vị, như vậy thì sẽ mơ thấy những điều dễ chịu.
- Theo đồng chí thì thế nào, thưa giáo sư, tôi có qua khỏi được không? - Batsana hỏi.
- Đấy chính là điều tôi muốn hỏi đồng chí!
Batsana bối rối:
- Tôi cho rằng.. Hình như... Tôi thấy có phần khá hơn...
- Thế thì rất tốt! - Giáo sư áp ống nghe vào chỗ tim Batsana.
- Thế nào ạ? - Batsana hỏi, giọng run lên.
- Nghe rõ. Hôm qua kém hơn.
Giáo sư định đi.
- Nếu tôi sống qua đợt này, tôi sẽ đặt làm hai bức tượng bán thân của giáo sư bằng vàng! - Batsana mỉm cười.
- Tại sao lại hai?
- Một để biếu giáo sư, bức tượng kia tôi sẽ đặt trên bàn viết của tôi để tôn thờ.
- Gôghilasvili thực tế hơn đồng chí, ông ấy chỉ hứa làm một bức tượng thôi!
- Và đôi khuyên kim cương biếu vợ giáo sư. Ngoài ra, suốt đời chữa giầy không lấy tiền. - Bulika nói thêm.
- Cầu Chúa ban sức khỏe cho ông! Bây giờ tôi sẽ đi báo cho vợ tôi dùi lỗ tai sẵn đi! Còn cha hứa cho cái gì, cha Iôram?
- Một cây nến to bằng người giáo sư và tôi sẽ suốt đời cầu phúc cho giáo sư!
- Các ông ạ, sau khi bị nhồi máu cơ tim, người ta thường mắc tính hay quên, thành thử...- giáo sư phá lên cười. - Nào, thế còn điều gì đáng phàn nàn nữa không?
- Dạ có, chúng tôi muốn nói về những con chuột cống. Nhưng giáo sư đến làm chúng tôi vui mừng đến nỗi quên bẵng đi mất... - Bulika liếc nhìn chị y sĩ.
- Chuột cống nào? - Giáo sư sửng sốt.
- Do chứng nghiện rượu kinh niên nên bác ta tưởng tượng thế thôi, thưa giáo sư! - Chị y sĩ ấp úng.
- Ừ được, tôi mắc chứng mê sảng rượu, thế còn đức cha? Cha cũng tưởng tượng nốt à? - Bị xúc phạm, Bulika giơ tay chỉ Iôram.
- Nói chúng thì chúng vô hại... - Cha thốt lên, có ý dàn hòa. - Chúng chui ra, dạo chơi tý chút, thưởng thức chút đường ngọt...
- Gọi trưởng phòng quản trị! - Giáo sư ra lệnh.
- Đồng chí ấy đi lấy đường cho chuột, - Bác sĩ trả lời.
- Lại còn chuyện quái gở gì thế nữa: đường cho chuột?! Ở bệnh viện của nước cộng hòa đã sinh sôi nhiều chuột đến nỗi chúng có khẩu phần riêng kia à?! - Giáo sư nổi giận.
- Đấy là thuốc độc, thưa giáo sư! - Bác sĩ giải thích.
- Thạch tín! - Chị y sĩ nói rõ.
- Quái gở! - Giáo sư kêu lên và không từ biệt, rời khỏi phòng bệnh.
- Có lẽ không nên nói chuyện ấy chăng? - Bulika lo ngại.
- Nói hay không thì sự thực vẫn rành rành! Giá ông ấy chờ một phút thì sẽ thấy tận mắt. - Cha Iôram đáp. - Đấy kìa! - Và ông ném miếng đường cho con chuột bò ra từ gầm giường Bulika.
Lát sau, mấy người vào phòng bệnh, bác sĩ trưởng của bệnh viện, trưởng phòng quản trị, nhân viên khử trùng, hai hộ lý, bác sĩ điều trị và chị y sĩ Giênya.
- Chuột đâu nào? - Anh nhân viên khử trùng hỏi một cách nghiêm khắc.
- Đây! - Bulika trả lời, xoay ngón tay quanh mi mắt bên phải.
- Ông giở trò khiêu khích phải không?
- Thế miếng đường này thì ai gặm, tôi chắc?! - Bulika trỏ miếng đường vứt trên sàn, bị gặm nham nhở.
Mấy hộ lý chui xuống gàm giường, rồi đi quanh phòng bệnh, dùng thạch tín bịt kín các khe hở.
- Thạch tín hơi cũ rồi, nhưng không sao. Ta đợi đến sáng mai, nếu không ăn thua gì thì chúng tôi sẽ đem đến một con mèo. - Người nhân viên khử trùng vỗ về các bệnh nhân, rồi quay về phía mấy người hộ lý. - Rắc cả bả trong phòng làm việc của tôi, tất cả các chân tủ đều bị chúng gặm, trời chu đất diệt chúng đi!... Còn điều gì đáng phàn nàn nữa không? - Anh ta lại hỏi các bệnh nhân.
- Tại sao Mỹ không rút quân khỏi Nam Triều Tiên?! - Bulika nói.
- Kẻ âm mưu! Kẻ vu cáo nặc danh khốn khiếp! - Tay nhân viên khử trùng nói và đi ra, tức giận sập cửa lại.
- Thằng bố mày là kẻ âm mưu vu cáo nặc danh, còn bản thân mày là con chuột cống! - Bulika quát với theo.
* * *
Lát sau Giênya trở lại phòng bệnh, tay cầm ống tiêm. Chị tới giường Batsana, lật chăn lên và nói một mình:
- Có kẻ đáng được tiêm pantôpôn ngay vào lưỡi để hắn bớt lắm điều đi!
- Nếu đấy là nói về tôi thì ở tôi sẽ có chỗ khác để tiêm pantôpôn! - Bulika lên tiếng.
Giênya không buồn đáp lại. Chị tiêm cho Batsana, xoa chỗ tiêm và lẳng lặng đi ra.
Lát sau chị quay lại.
- Có người đàn ông nào hỏi ông. - Chị nói với Batsana.
- Ai vậy?
- Ông ta bảo là chỗ bà con họ gần với ông.
- Nếu chị cho phép thì xin để ông ta vào.
Giênya ra và trở lại, dẫn theo một người tóc vàng hoe, mặt lấm chấm tàn nhang, tay ngắn ngủn.
- Năm phút thôi đấy nhé! - Giênya báo trước.
- Một loáng thôi! - Người mới vào trả lời và không đợi mời, ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường Batsana. - Kính chào đồng chí Batsana! - Ông ta vỗ nhẹ vào đùi Batsana.
- Chào đồng chí! - Batsana ngạc nhiên, đáp.
- Không nhận ra tôi ư?
Batsana vận dụng hết trí nhớ, nhưng không nhận ra người tóc vàng.
- Thế bây giờ nhận ra chưa? - Người tóc vàng quay người ngôi ở vị trí nhìn nghiêng. Batsana mỉm cười ngượng ngập.
- Hãy nhớ lại đi: Xukhumi, Tserniapka, cầu Vênêxian, trường số mười ba, các dì của đồng chí - Marô, Nina, Tamara, các cô em họ của đồng chí Nenli, Dulâyka, Đôđô, cậu em họ Kôka... - Người tóc vàng gập từng ngón tay để đếm.
- Xin cho biết những điều về bản thân đồng chí, họ hàng nhà tôi thì tôi vẫn nhớ rõ. - Batsana gợi ý.
- Tôi là Nugơza Đarăclêvitzê! Nhớ chứ, dì Nina đã đỡ đầu em gái tôi, đặt tên cho em tôi là Luiza...
- Đến chịu chết thôi... - Batsana bối rối.
- Từ bấy đến giờ, em gái tôi vẫn mang tên Luiza.
- Rất hân hạnh!
- Thế đấy, tôi là anh của Luiza, Nugơza Đarăclêvitzê. - người tóc vàng nói rõ hẳn ra.
- Bác cần gì? - Batsana hỏi.
- Bác thấy trong người thế nào, Batsana kính mến? Nhân dân lo lắng...
- Cũng bình thường...
- Nom bác khỏe khoắn lắm, cầu Chúa ban sức khỏe cho bác! Sắc mặt bác rất tươi. Hơi gầy đi, đúng thế... Mới đây chúng tôi có thấy bác phát biểu trên tivi... Này, bác ạ, tất cả các cán bộ tích cực chúng tôi đều phá lên cười!... Bác nói tài thật!... Ha-ha!... Đặc biệt khi bác nói về những cái trái ngược... Phải, lúc ấy nom bác đẫy đà hơn... Nhưng ngay cả bây giờ, - phỉ phui, nói gở mồm gở miệng. - nom bác cũng rất tráng kiện, thật vui cho bạn bè, khêu gan chọc tức kẻ thù! - Người tóc vàng lại vỗ đùi Batsana.
- Thế còn bác, cô em Luiza của bác ra sao? - Batsana hỏi một cách lịch sự.
- Ôi chao, nói làm gì! Tồi tệ, Batsana kính mến ạ, tồi tệ hết chỗ nói! - Đarăclêvitzê lau mồ hôi trán.
- Chuyện gì vậy? - Batsana tỏ ra lo ngại.
- Số là thế này... Có người ngoài nói ra e không tiện.
- Các ông ấy không được trở dậy và không được rời khỏi giường, cả tôi cũng thế... Vì vậy nếu bác có điều gì muốn nói cứ nói luôn đi...
- Lạy Chúa! Chúng tôi lánh đi ngay đây! - Bulika kéo chăn trùm đầu và quay vào tường.
Cha Iôram cũng làm như thế.
Đarăclêvitzê ngần ngừ một lúc, rồi đánh bạo:
- Chẳng có gì đặc biệt đâu, bác Batsana kính mến ạ, chỉ một chữ ký đẹp đẽ của bác...
- Này ông ạ, người ta mới tiêm pantôpôn cho tôi, vậy ông nói luôn đi, kẻo tôi ngủ mất.
Đarăcvêlitzê một lần nữa nhìn những người nằm giường bên đã trùm chăn kín đầu, rồi bắt đầu nói.
- Ồ, tất nhiên bác thừa biết rằng... tình hình trong nước cộng hòa có hơi... gay go... Bác ạ, chỗ này một nhà hát ôpêra đã bị đốt cháy, chỗ kia một cửa hàng bách hóa bị phóng hỏa... Nghe đâu có người dùng súng tự sát, có người tự cắt mạch máu mình... Tóm lại, tình hình căng thẳng là do... do vấn đề lựa chọn cán bộ... thêm nữa, thịt ở chợ... cũng không lấy gì làm... ờ...
- Còn pho mát thì thế nào? - Batsana mỉm cười.
- Bác bông đùa à, bác Batsana kính mến, tôi hiểu, cố nhiên đấy là do nghề nghiệp của bác... Còn thịt và pho mát thì bác thừa hiểu là do bò cung cấp cho ta...
- Ông gây được giống bò mới à? - Batsana hỏi một cách nghiêm chỉnh.
Đarăclêvitzê chăm chú nhìn Batsana, chờ một đòn xỏ ngầm, nhưng Batsana vẫn không tỏ ý gì. Người tóc vàng yên tâm.
- Không, tôi đến về chuyện khác, - Ông ta nói tiếp.
- Có lẽ ông có dự án thiết kế rạp ôpêra không cháy chăng?
Đarăclêvitzê toát mồ hôi. Ông ta nghi ngờ nhìn về phía Bulika và Iôram vẫn nằm không nhúc nhích, ngập ngừng một lát, rồi cả quyết lấy trong túi ra hai chiếc phong bì.
- Bác Batsana kính mến, tôi nhờ bác nói với các ông lãnh đạo hay viết thư cho bí thư đảng ủy quận ta...
- Chuyện ấy can gì đến tôi nhỉ? - Batsana ngạc nhiên thành thực.
- Có chứ! Bác là một nhà văn có lòng nhân đạo, đại biểu Xô viêt, ủy viên trung ương đảng! Tôi còn nhờ cậy ai, nếu không nhờ đến bác! - Đarăclêvitzê ngạc nhiên, cũng thành thật như thế.
- Thế ông làm việc ở đâu?
- Ở Apkhazya, ngành thu mua thuốc lá.
- Tôi phải viết gì cho lãnh đạo?
- Ai nấy đều biết bác và đồng chí bí thư quận ủy là chỗ bạn bè gắn bó, trước cùng học phổ thông với bác...
- Ai xui ông đến gặp tôi?
- Người muốn điều tốt cho đồng chí bí thư quận ta... Một phong bì là của bác, phong bì kia bác chuyển cho ai tùy bác... - Đarăclêvitzê khéo léo nhét cả hai phong bì xuống dưới chiếc gối.
- Sao, ông bị đưa ra khỏi cương vị công tác ư?
- Cách cổ tôi không dễ đâu, Batsana kính mến ạ. Nhưng sự nâng đỡ ít nhiều không bao giờ thừa. Ngay cả cái kẻ hiện nay đang muốn hất cẳng tôi cũng muốn tìm chỗ dựa!...
Pantôpôn bắt đầu có tác dụng, mi mắt Batsana nặng trĩu, ông không muốn nói chuyện, nhất là không muốn hỏi han người họ hàng từ trên trời rơi xuống.
- Xin nói cho rõ: có chuyện gì xảy ra? - Ông nắm mắt lại, hỏi người tóc vàng. Người kia hiểu rằng cần phải gấp lên và ông ta vội nói:
- Hắn phái một ban kiểm tra đến chỗ tôi!...
Giênya ló đầu vào cửa.
- Xin nhắc, đã hai mươi phút rồi đấy!
- Không sao, không sao, chị Giênya quý mến, để ông ấy ở lại đây thêm chút nữa, ông ấy cho biết những chuyện thú vị lắm! - Batsana nài xin.
- Đúng thế... - Đarăclêvitzê tiếp tục. - Hắn đã phái tới một ban kiểm tra!... Hai mươi năm trời, tôi làm công tác thu mua và chưa bao giờ có ai dám cử người đến kiểm tra công việc của tôi!... Thoạt đầu tôi tưởng hắn đùa!...
- Thế kiểm tra thì sao? - Batsana hỏi chen vào.
- Còn sao nữa! Lũ khốn nạn, chúng tính chi li: ở Apkhazya và Gruzya người ta hút hết bao nhiêu điếu thuốc đầu lọc và thuốc lá thường... Rồi chúng tuyên bố rằng năm nay tuồng như tôi đã trộn một trăm tấn cỏ khô vào ba trăm tấn thuốc lá!... Và những kẻ nói như vậy là người thế nào?! Những kẻ không hề thò mũi ra khỏi phòng làm việc! Mà chúng có biết thuốc lá mọc ở đâu không? Thuốc lá mọc trên cánh đồng, vậy nếu có ít cỏ lẫn vào thì có gì là lạ? Thêm nữa, cỏ là thuốc độc hay sao? Bác đã thấy người nào chết vì cỏ chưa? Ở đây có gì là phá hoại? Bò suốt đời ăn cỏ, dễ nó chết vì cỏ chắc? Thế thì phải cho bò ăn gì, ăn thuốc lá ư? Ép những người như bác dùng ni cô tin đầu độc sức khỏe mới là phá hoại... Như thế còn chưa sao! Họ lại còn tuyên bố rằng chúng tôi bán thứ cỏ đó theo giá thuốc lá và nhờ cỏ kiếm được hàng triệu đồng, bác ạ!... Hừm, một tấn đó giá mười rúp, không hơn, đâu ra hàng triệu?! Chúng nó lại còn dám nói rằng, chúng tôi phun nước vào thuốc lá, thành thử số cân thuốc tăng gấp đôi!... Khôn ngoan gớm!...
- Bao nhiêu triệu cả thảy?
- Tiến bán sản phẩm hay khoản trội thêm?
- Tính tổng cộng.
- Nhiều.
- Nhưng bao nhiêu?
- Nói bác không tin đâu...- Đarăcvêlitzê bắt đầu thoái thác.
- Ban kiểm tra còn nói gì nữa?
- Lắm chuyện lắm!... Bác ạ, chúng còn đến cả nhà tôi nữa chứ... Tại sao nhà đồng chí hai tầng, chúng hạch!... Chúng xộc vào các buồng! Nhưng hai tầng cái quái gì? Định mức chiều cao của một tầng là hai mét rưỡi, mà tầng một của tôi chỉ có hai mét bốn tám...
- Hai centimet có nghĩa lý gì? - Batsana phá lên cười.
- Sao lại thế, bác Batsana kính mến! Viên đạn chỉ có hai centimet mà giết chết tươi con trâu! Và viên đạn giết chết một người năm ngoái, tôi sẽ không nói họ người đó, cũng không quá hai centimet... Không cần nói chuyện đó với bạn của bác, thuận miệng thì tôi kể với bác thế thôi... Rồi chúng còn tính là tám buồng ở tầng trên nữa chứ! Hừ, tôi đã nhổ vào mặt các thằng coi một phòng lớn là buồng ở!... May là chúng còn chưa gộp cả lôtgia [Hành lang lộ thiên, có cột, chạy dọc tường nhà] và phòng bi-a vào số căn buồng đấy! Vậy cũng là tử tế rồi!... Bác Batsana kính mến, tôi trong sạch như pha lê! Mong rằng ông bí thư bạn bác sẽ để tôi yên... Lời của bác là lệnh đối với ông ta!... Bôi nhọ tôi là xúc phạm cả đến bác nữa...
- Tại sao lại xúc phạm tôi? - Batsana mở mắt!
- Chứ còn sao nữa! Bác là chỗ bà con thân thiết với tôi, giả dụ có ai nói điều gì xấu về bác thì chả nhẽ tôi không cảm thấy bị xúc phạm sao?! - Đarăclêvitzê kêu lên.
Batsana bắt đầu đếm lại trong trí nhớ tất cả những người thân thiết của mình và không tìm ra người nào giống Đarăclêvitzê, ông yên tâm.
- Đồ chó đẻ! - Người tóc vàng nổi nóng. - Chỉ vì số tiền mười rúp mà nó bắt giam người ta, còn cái ghế của tôi thì nó muốn bán lấy một triệu đồng!
- Bao nhiêu? - Batsana hỏi lại.
- Nửa triệu! - Đarăclêvitzê rút bớt.
- Thế bác thu nhập cao như thế thực à?
- Đâu có! Chuyện chi mà lạ đời!... Vốn liếng của chúng tôi có ra cái quái gì.
Batsana sờ nắn chiếc phong bì dưới gối đầu.
Đarăclêvitzê đưa mắt nhìn ra chỗ khác.
- Khi nào tôi bình phục, ta sẽ nói chuyện! - Batsana nói.
- Thế thì có mà hết hơi! - Đarăclêvitzê buột miệng nói, nhưng chữa lời ngay. - Là tôi muốn nói bác chưa thể khỏi ngay được, mà vấn đề của tôi ngày kia sẽ đưa ra thường vụ... Rất có thể tôi sẽ bị bắt ngay tại đấy... Vài chữ tự tay bác viết... Chỉ vài chữ...
Batsana lấy dưới gối ra cả hai phong bì và đặt trên ngực.
- Đây là bao nhiêu?
Đarăclêvitzê hớn hở.
- Một limôn [limôn là một triệu thời kỳ tiền mất giá năm 1920-1923 (N.D)] rưỡi!
Batsana ngẫm nghĩ, Đarăclêvitzê nóng nảy ngọ nguậy trên ghế.
- Bác Nugơza kính mến, - Batsana nói, sau một lúc im lặng. - dưới gầm giường tôi có chiếc bô. Bác làm ơn lấy hộ.. Tôi mót quá, xin lỗi... - Đarăclêvitzê ngần ngừ. - Bác đừng ngại, bô sạch ấy mà...
Đarăclêvitzê nhẫn nhục cúi xuống lấy cái bô, đưa cho Batsana. Ông đưa cánh tay yếu ớt cầm lấy.
- Xin lùi ra một chút cho tôi nhờ! - Ông nói với Đarăclêvitzê. Gã kéo dịch ghế ra một quãng, Batsana đưa mắt ước lượng khoảng cách giữa mình và khách, rồi rán hết sức ném cái bô vào đầu Đarăclêvitzê.
Một tiêng xoảng, cái bô vỡ tan. Đarăclêvitzê chậm chạp trượt khỏi ghế và ngã ngửa xuống sàn...
- Bô không à? - Bulika hỏi.
- Bô không. - Batsana đáp.
- Tiếc quá! - Cha Iôram nói với giọng tiếc rẻ và gọi to: - Giênya!... Giênya!...
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét