Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Quy luật của muôn đời - Nodar Dumbadze (Ch 17 - 20)

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch : Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 17

Khi Batsana vào buồng toa xe, ở đó đã có hai hành khách đang mê mải chuyện trò với nhau. Một trong hai người rõ ràng là người vùng quê, người kia là người thành thị. Batsana chào hỏi họ, quẳng cái túi vào ngăn hành lý, ngồi xuống và chúi mũi vào tờ báo.
Người nhà quê nói to:
- Không, thưa ông Rôlanđơ, chúng tôi không thích người cầm súng và người mẹ khóc lóc! Chúng tôi cần một hình tượng gì sao cho con người dẫu tim bằng đá đi nữa cũng phải khóc khi nhìn tượng đài.
- Nếu vậy thì hãy đi tìm Lêônacđô đa Vanhxi hay Mikêlănggiêlô, thưa ông Khuta! - Người trẻ tuổi đáp.
- Người dựng tượng đài “Những anh hùng còn đang lớn lên” ở Macnêuli hoàn toàn không phải là Mikêlănggiêlô! Vậy mà tượng đài ấy như thế nào, hả? Khi tôi nhìn thấy hai đứa trẻ trần truồng với thanh gươm khổng lồ trong tay, xin hãy tin tôi, tôi giàn giụa nước mắt! Hãy làm cho chúng tôi một cái gì tương tự như thế, và anh sẽ trở thành Lêônacđô đa Vanhxi của chúng tôi!
- Tôi không biết... Ông đã xem bản phác thảo của tôi, và hình như ông cũng thích bản phác thảo đó, phải không? - Người trẻ tuổi nói với giọng bực bội.
- Phải, tôi đã tán thành bản phác thảo đó trong Hội đồng nghệ thuật, bởi vì cho đến khi ấy, anh vẫn hứa sửa lại nó. Không thế thì chúng tôi đã chẳng trả tiền cho anh... Nói lời phải giữ lấy lời!... Còn súng và nước mắt thì chúng tôi không cần!...
- Những quả chuông trên đám cây khô héo, cái đó không cần! Chàng trai trần trùng trục cưỡi con sư tử, cái đó không cần! Người lính giậm ủng đè bẹp con rắn, cái đó không cần! Vậy thì xét cho cùng, các ông cần cái gì kia chứ? - Rôlanđơ giơ hai tay lên. - Làm thế nào tôi có thể triển khai đề tài chiến tranh giữ nước và các chiến sĩ tử trận được?!
- Trong thời kì chiến tranh, anh bao nhiêu tuổi? - Khuta hỏi.
- Chẳng có tuổi nào cả! Hồi ấy chưa có tôi trên đời. - Rôlanđơ đáp.
- Vậy anh miêu tả điều đó đi!
- Cái gì? - Rôlanđơ không hiểu.
- Miêu tả chính cái điều ấy: nói chung anh không biết thế nào là chiến tranh!
- Thế là thế nào?
- Còn thế nào nữa!... Mới đây, thằng bé Khuta cháu tôi tìm thấy ở đâu không rõ chiếc mũ cát chiến trận của tôi và bậy vào đấy... anh hiểu không... tóm lại là nó đi tiểu vào đấy, thằng chó đẻ! Thoạt đầu tôi kéo tai nó, rồi tôi đâm ra xấu hổ... Hãy tin tôi, suốt đêm tôi không ngủ!...
- Này ông ạ, trên đời không có những tượng đài như thế... Nói chung, đã có bao giờ một người làm tượng đến gặp ông và dạy cho ông trồng ngô không?!
- Chưa từng có trường hợp nào như thế, nhưng nếu có nhà làm tượng hiểu rõ việc trồng ngô thì tại sao lại không học tập người đó nhỉ?... Thế ý kiến ông thế nào, thưa ông? - Khuta bỗng nói với Batsana.
Batsana đặt tờ báo xuống.
- Xin lỗi, tôi không biết các ông nói chuyện gì. - Batsana nói dối. Ông hiểu rằng hai bên tranh cãi không bên nào chịu từ bỏ lập trường của mình, vì thế ông quyết định không xen vào.
- Số là... - Rôlanđơ lên tiếng. - Tôi được họ đặt làm... tức là nông trang đặt làm... Nông trang xã Xakixiao... Còn ông Khuta Sêlya kính mến đây là chủ tịch nông trang... Tôi phải sáng tác một đài kỉ niệm về đề tài chiến tranh giữ nước vĩ đại... Bây giờ, khi công việc đã bắt đầu và tiền đã tiêu hết, họ lại đòi một phương án mới! Vậy làm thế nào? Bằng cách nào mới được chứ? Với số tiền họ cấp thì không thể sáng tác cái gì khá hơn được! Họ cứ cấp tiền đi, tôi sẽ xây cho họ tháp Effen! Xét cho cùng tất cả đều trông vào đồng tiền! Vì tiền, Lêônacđô đa Vanhxi đã làm việc với Xêza Coriya, kẻ bẩn thỉu nhất thế gian, kẻ mà ngay cả mẹ và em gái mình hắn cũng...
- Thôi! Không được nói một lời nào nữa! - Khuta đập tay xuống chiếc bàn con.
- Sao thế? - Ngạc nhiên, Rôlanđơ hỏi.
- Không được nói những lời như thế! - Sêlya đáp, giọng đã bình tĩnh hơn.
- Những lời như thế nào?
- Như thế!... Bàn về chiến tranh giữ nước thì dù chỉ nghĩ đến những điều bẩn thỉu và đê hèn cũng không được nữa kia, chứ đừng nói tới chuyện phát biểu thành lời!
- Nào tôi có nói điều gì như thê đâu? - Rôlanđơ đỏ mặt.
- Tôi không thể nhắc lại những lời đó và tôi khuyên cậu chớ nên nhắc lại! - Khuta rút một điếu thuốc lá và châm lửa hút.
- Xin thứ lỗi! - Rôlanđơ đứng lên và ra khỏi buồng toa xe.
- Thưa đồng chí Khuta. - Batsana nói với ông chủ tịch - Quả là anh ta chẳng làm thế nào được, nếu như tiền đài thọ cho đài kỉ niệm quá ít.
- Xin cho biết tính danh, thưa ông?
- Batsana Ramisvili.
- Vậy thì, kính thưa ông Batsana, thế nào là không đủ tiền? Chúng tôi không đòi hỏi anh ta làm một công trình khổng lồ... Chúng tôi muốn có một đài kỉ niệm dù là nhỏ thôi, nhưng có ý nghĩa... Nhỏ, nhưng thật có giá trị...
- Nếu anh ta không làm được thì sao? Hãy đặt một người khác! - Batsana khuyên.
- Có thể thế được ư? Tôi sẽ nói thế nào với nhân dân? Tiền thì đã chi hết rồi?... Bây giờ tôi đưa anh ta về xã, mặc anh ta tùy cơ định liệu! Tôi sẽ bắt anh ta làm đúng ý muốn của chúng tôi! Mà không, tôi sẽ lôi anh ta ra khu trồng chè và anh ta sẽ ngoan ngoãn làm việc cho nông trang cho đến bao giờ trừ hết số tiền anh ta đã lĩnh! Hừm, tôi đã từng gặp những tay loại đó! Mà xin nói là tôi có thể trị được cả con trai Taraxi Đaraxêlya nữa kia, cái thằng cứng đầu cứng cổ không chê được!... - Khuta Sêlya mỉm cười với câu nói của mình và mời Batsana một điều thuốc lá. Batsana lấy một điếu nhưng không hút.
- Thế ông muốn một tượng đài như thế nào? - Ông hỏi.
- Một tượng đài sao cho người ta đi qua đấy sẽ không hỏi đây là cái gì, mà chỉ dừng lại và suy nghĩ. Chúng tôi muốn có một tượng đài như thế đấy!
- Quả là một nhiệm vụ khó khăn! - Batsana mỉm cười.
- Tôi không cãi điều đó. Ông có thấy việc gì là dễ dàng không? Mới đây chúng tôi xây dựng một trại chăn nuôi! Tôi mời một họa sĩ, yêu cầu anh ta trang trí khu nhà. Ông có biết anh ta vẽ toàn là bò, lợn, dê và lợn con! “Cái gì thế này?” - tôi hỏi anh ta. “Lần đầu tiên tôi gặp một ông chủ tịch nông trang không nhận ra đại diện các giống gia súc của mình!” - anh ta trả lời. “Đồ chó đẻ, - tôi nói - trong trại còn thiếu súc vật hay sao mà anh còn bôi bác lên tường những con vật đó?”! - “Thế thì vẽ cái gì?” - anh ta hỏi. “Trước hết anh hãy xóa những gì anh vẽ đã, - tôi nói, - rồi sau chúng tôi sẽ quyết định nên làm thế nào!”.
- Thế sau đó thì sao?
- Chẳng sao cả. Tôi ra lệnh cho anh ta vẽ trẻ em, những cô bé và cậu bé trần truồng, tay cầm cốc. Một đồng cỏ xanh tươi. Hoa. Thật nhiều hoa đủ màu rực rỡ. Trên đồng cỏ có một con bò cái. Trẻ em cầm cốc đòi bò cho chúng sữa. Có thế thôi.
- Thế con bò nói sao? - Batsana vừa cười vừa hỏi.
- Hãy đem cỏ đến cho ta, ta sẽ đem sữa, con bò nói như thế! - Khuta cũng cười, trả lời. - Kết quả là được bức vẽ tuyệt vời! Ông biết không, đôi khi tôi đến chỉ cốt để ngắm bức vẽ đó. Cái thằng cha ấy nó biết vẽ đấy, đồ chó đẻ! Việc gì phải viện đến Lêônacđô đa Vanhxi!... Anh cứ vẽ theo ý anh, nhưng vẽ cái chúng tôi muốn! Tôi nói đúng không, thưa ông Batsana?
- Chắc là đúng... Nhưng ông nên đồng ý rằng họa sĩ có thể có những lý do riêng... Nghệ thuật là một việc phức tạp...
- Thì chính là nói về cái đó, về nghệ thuật... Nếu không thì vẽ con bò cái cố nhiên là việc dễ nhất trần đời! Cái đó tôi đã học được từ lớp hai, do Antôn Gugunav dạy. Chúng tôi có một ông thày dạy vẽ như thế... Chính ông ấy đã vẽ những con bò hệt như thật, đến nỗi tự dưng cứ muốn vắt sữa chúng... Còn tay này... Rôlanđơ... Anh ta cứ khăng khăng đòi... người cầm súng! Nếu tôi muốn người cầm súng, tôi sẽ đặt một người đàn ông bằng xương bằng thịt và trao vào tay anh ta khẩu súng thực! Trong xã thiếu gì kẻ vô công rồi nghề! - Khuta phả khói thuốc, Batsana cũng châm thuốc hút.
Có lẽ Rôlanđơ đã chán đứng ở hành lang, hoặc cơn bực tức đã qua đi, anh vào buồng toa xe và lẳng lặng ngồi chỗ của mình.
- Sao thế, con, phật ý à? Thì ta có nói gì tàn tệ với anh đâu? - Khuta đưa bàn tay chai sạn xoa đầu Rôlanđơ và tiếp tục nói với Batsana. - Thanh niên của chúng ta thích sống nhờ vào mọi cái có sẵn! Con trai tôi, sau khi học xong phổ thông, nó lấy một người đàn bà hai con! Ngay cả trong việc đó, nó cũng không muốn tự mình lao động!... Ông có mấy con, thưa ông Batsana?
- Tôi chưa có vợ.
- Ồ - ồ, điều đó không thể tha thứ được, thưa ông Batsana!
- Thế còn ông?
- Có mỗi một mống, chính là thằng mà tôi vừa nói đến. Nhưng tôi không có lỗi. Vợ tôi mất sớm, tội nghiệp bà ấy. Ở mặt trận về, tôi không gặp bà ấy nữa... Còn thằng ấy, thằng con tôi... Nó là một gã trai không đến nỗi tồi, nhưng trong vấn đề này, nó không tán thành ý kiến tôi. Tôi bảo nó: “Hai đứa này là con mày, mà lại không phải đích thị là con của mày, hãy làm lấy ít nhất một đứa con của mình! Súc vật nó cũng khá hơn mày! Xem đấy, con dê cái nhà ta đẻ sinh ba kia kìa!” - Nó trả lời: “Nhưng dê ít phải lo toan: nó chỉ ăn cỏ, còn áo quần hoàn toàn không cần đến, con nó đẻ ra đã có sẵn cả ủng và áo da. Còn con, làm thế nào con lo liệu nổi áo quần giầy dép cho lũ trẻ, khi mà một chiếc quần bò, bọn đầu cơ bán không dưới hai trăm rúp!”.
- Nói đúng đấy! - Rôlanđơ xen vào câu chuyện.
- Thế bản thân anh có mấy con, hỡi người bào chữa kia! - Khuta quay về phía anh ta.
- Thưa ông Khuta, tôi ba mươi tuổi, có ba con, vợ tôi sắp sinh đứa thứ tư! - Rôlanđơ đáp, vẻ hí hửng và quay về phía cửa sổ.
- Cừ lắm! - Khuta cỗ tay. - Cái đó thì tôi hiểu! Người bố anh hùng! Tôi có làm anh mếch lòng đôi chút, xin thứ lỗi!
- Có gì đâu... - Rôlanđơ phảy tay.
- Thứ lỗi cho ta, con ạ, xin thứ lỗi! - Khuta nhắc lại.
- Ồ, ông thật là... - Rôlanđơ bối rối, và để thay đổi câu chuyện, anh hỏi Batsana: - Ông đi đâu, thưa ông Batsana?
- Về Xukhimi, đi công tác.
- Ông thật may mắn... Ông sẽ được tắm biển...
Batsana mỉm cười gật đầu.
- Thế còn công việc của chúng ta thì thế nào, Rôlanđơ thân mến? - Khuta khởi sự.
- Công việc gì kia? - Anh chàng vờ làm vẻ ngạc nhiên.
- Tượng đài ấy mà.
- Tôi đã giải quyết xong rồi, xong rồi, thưa ông Khuta! Có điều, giải quyết theo ý tôi, chứ không phải theo ý ông! - Rolanđơ nói bằng giọng giận dữ và lại quay về phía cửa sổ.
- Nghĩa là thế nào kia? - Khuta chột dạ. - Thế này nhé! Một người lính ở tư thế đứng! Đội mũ cát và tay cầm súng! Một thiếu phụ trẻ, đã làm mẹ, áp sát vào anh ta! Thiếu phụ đi chân đất! Xung quanh nàng là bốn đứa trẻ trần truồng, sợ hãi! Thế đấy! - Mặt đỏ tía tai, Rôlanđơ đặt lên bàn hai nắm tay xiết chặt, như chuẩn bị đánh nhau.
- Thì trước đây tôi gì với anh nào?! - Khuta mừng rỡ, bật dậy và hôn vào trán Rôlanđơ. - Tôi đã nói rồi mà, thưa ông Batsana! Thanh niên của chúng ta lười suy nghĩ! Họ muốn sống bằng mọi cái có sẵn! Chỉ cần động não một chút là họ có thể lật núi lấp biển! Ông thấy rõ rồi chứ?
* * *
Đang đi công tác, Batsana được khẩn cấp triệu về vì tình hình của tòa soạn.
Cán bộ chỉ đạo của Ủy ban trung ương đảng gọi điện về khách sạn:
- Tôi truyền đạt lại chỉ thị của đồng chí bí thư! Mười giờ sáng mai, đồng chí phải đến gặp đồng chí bí thư!
- Về vấn đề gì? - Batsana hỏi, nhưng trong ống điện thoại đã nổi lên những tiếng tu tu liên tục.
Cuộc trao đổi với đồng chí bí thư Trung ương đảng ngắn ngủi thôi. Thực ra, thậm chí không phải là trao đổi: đồng chí bí thư nói, Batsana nghe. Vả chăng, Batsana cũng chẳng biết nói gì. Thậm chí ông không thể hình dung được một tình hình tệ hại hơn; giữa thanh thiên bạch nhật, tại tòa soạn, một cán bộ của ông bị bắt quả tang ăn hối lộ!
Lúc hai giờ chiều, Batsana triệu tập cuộc họp đảng khẩn cấp. Ngoài các ủy viên biên tập và các cán bộ tòa soạn, tại cuộc họp có mặt một cán bộ chỉ đạo của Ủy ban trung ương và một cán bộ Nội vụ điều tra về việc này.
Bí thư đảng ủy khai mạc cuộc họp:
- Trước khi bắt đầu thảo luận vấn đề, tôi muốn yêu cầu đồng chí Sanva Hêlaia thuật lại cho chúng ta nghe vụ hối lộ xảy ra trong hoàn cảnh nào.
Hêlaia hắng giọng, sửa lại chiếc cà vạt đen và lên tiếng:
- Hai tháng trước, phòng chúng tôi nhận được tin báo là Sôta Tsulatzê, cán bộ tòa soạn của đồng chí, tống tiền công dân Kalôian, vì có một lá thư gửi về tòa soạn tố giác Kalôian.
- Đồng chí Hêlaia, tin đó đồng chí nhận được từ hai tháng trước, vậy mà mãi bây giờ đồng chí mới cho tôi biết ư? - Sửng sốt, Batsana kêu lên.
Hêlaia ngập ngừng một chút, rồi trả lời:
- Thưa đồng chí Batsana, chúng tôi kiểm tra xem tin nhận được có xác thực không, vì thế chúng tôi quyết định chưa cho đồng chí biết, để khỏi làm đồng chí lo ngại quá sớm, mà có thể vô cớ gây lo lắng cho cả tập thể và người bị tình nghi.
- Còn bây giờ “người bị tình nghi” đó ngồi tù và cả tòa soạn bị nhục. Đồng chí cho rằng như thế tốt hơn ư? - Batsana hỏi.
- À thì... quả là như thế... Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tsulatzê bị bắt quả tang...
- Đồng chí quan tâm đến cái gì hơn, đồng chí Hêlaia, ngăn chặn việc ăn hối lộ hay bắt kẻ phạm tội? - Batsana cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh.
- Thưa đồng chí Tổng biên tập, tôi rất kính trọng đồng chí, nhưng tôi không hiểu tại sao đồng chí lại bảo vệ người cán bộ của mình đã phạm tội ăn của đút? - Hêlaia trả lời.
- Thế tôi không bảo vệ anh ấy thì ai bảo vệ? - Batsana ngạc nhiên.
- Cần bảo vệ những người vô tội!
- Dù Tsulatzê có tội thế nào đi nữa thì hành động của đồng chí vẫn không đúng!
- Thưa các đồng chí, theo tôi hiểu, các đồng chí mời tôi đến để thông báo. Nếu các đồng chí định khai trừ tôi ra khỏi đảng thay cho Tsulatzê thì xin cứ nói thẳng ra! - Hêlaia giận dỗi.
- Xin lỗi, tôi hơi nóng nảy...
Hêlaia mở cặp bìa và lấy ra một tờ giấy:
- Đây là lá thư nặc danh gửi về tòa soạn, tên người nhận là đồng chí, Batsana Akakiêvits.
- Nó đến tay đồng chí bằng cách nào? - Tìm thấy ở anh chàng Tsulatzê bị bắt giữ. Sau khi nhận được tiền hối lộ, y phải hủy lá thư trước mặt Kalôian.
- Xin cho xem!
Batsana chìa tay ra.
- Xin mời! - Hêlaia trao lá thư.
- Xin đọc lên cho mọi người cùng nghe! - Một trong những ủy viên ban biên tập đề nghị.
Liếc nhìn tờ giấy, Batsana nhận ra ngay bức thư nặc danh và quyết định của chính mình. Lá thư ngắn ngủi, viết bằng kiều chữ in lớn. Xúc động đến cực độ, Batsana cảm thấy không thể đọc hết bức thư. Ông chuyển cho bí thư đảng ủy:
- Đồng chí đọc đi!
“Ông tổng biên tập quý mến! - Lá thư viết. - Ở phố Urơnêli đang xảy ra những việc đen tối. Người cư trú tại nhà No-571, Gaiôzô Kônxtanôvits Kalôian (cửa hàng trưởng) và nhân tình của anh ta, cũng ở ngay tại đấy, Kxênya Gavrilôvna Vactagava (thủ quỹ cũng của cửa hàng đó), nhằm mục đích giết người có phương pháp, bằng cách đưa vào thức ăn những chất độc khác nhau với liều lượng khác nhau vào những lúc khác nhau, họ đầu độc vợ Kalôian là Lili Ghêraximôvan Amacatitzê, và hiện nay vợ Kalôin đang nằm bệnh viện do bị đầu độc.
Kính thưa ông tổng biên tập!
Những tên khủng bố phóng đãng còn dày xéo đất nước ta đến bao giờ nữa? Sự việc mờ ám này còn bị bao phủ bởi bóng tối đến bao giờ nữa? Tôi yêu cầu can thiệp gấp và mong rằng ngòi bút sắc bén của ông sẽ tố cáo những kẻ giết người đồi bại ấy!
Kính thư - Người có lòng nhân đạo”.
- Trên lá thư có ghi quyết định của Tổng biên tập không? - Vẫn thành viên đó của ban biên tập hỏi.
Bí thư đảng đọc:
“Đồng chí S.Tsulatzê. Tôi yêu cầu chuyển lá thư này sang Bộ nội vụ. B.Ramisvili”.
Bầu không khí chợt trở nên yên lặng. Batsana cầm lấy lá thư trong tay đồng chí bí thư và trả lại cho Hêlaia.
- Tsulatzê không gửi bức thư sang Bộ Nội vụ! - Hêlaia nhấn mạnh.
Batsana không trả lời. Ông hiểu hết, ông hiểu mọi sự việc sau đó phát triển thế nào. Còn Hêlaia nói tiếp:
- Sota Tsulatzê không gửi bức thư sang Bộ Nội vụ. Chính y đến nhà Kalônian và cho Kalônian biết nội dung bức thư. Đương nhiên Kalônian phủ nhận hết. Vactagava cũng phủ nhận tất cả các sự việc nêu ra trong bức thư nặc danh. Nhưng Tsulatzê nói với họ rằng tòa soạn có nhiệm vụ phanh phui việc này, rồi ra về. Kalônian muốn tránh những chuyện rắc rối, đã đề nghị số tiền năm trăm rúp với điều kiện Tsulatzê hủy lá thư đó. Tsualatzê không thuận. Thế là Kalônian hứa đưa thêm bằng ngần ấy nữa, Tsulatzê đòi hai nghìn rúp. Khoản tiền đó rõ ràng vượt quá khả năng của Kalônian, thế là hắn gửỉ đơn lên cho chúng tôi, nói rằng một cán bộ phòng văn học của tờ báo là Tsulatzê, vì muốn tống tiền, đã đe dọa hắn và một nữ nhân viên của hắn... Một nhóm công tác đã được thành lập, Kalônian được trao hai ngàn rúp để đưa cho Tsulatzê. Số tiền đúng như gã đòi... Đồng thời chúng tôi tổ chức theo dõi Tsulatzê.
Hêlaia lấy trong cặp bìa ra một tờ giấy và nói tiếp:
- Ngày mười bảy tháng chín, lúc ba giờ chiều, ở cổng số hai của ngôi nhà cửa hàng bách hóa “Dũng sĩ”, có cuộc gặp gỡ giữa Kalôian và Tsulatzê. Theo lời trình của Kalôian, Tsulatzê không nhận tiền, lấy cớ tuồng như Tổng biên tập bắt nghiên cứu sự việc và đăng tài liệu trên báo.
- Xin lỗi đồng chí Sanva, thế đồng chí có biết rằng lời trình của Kalôian không đúng sự thực không? - Thư ký tòa soạn hỏi.
- Không, lúc đó chúng tôi không có trong tay lá thư nặc danh có ghi quyết định của Tổng biên tập.
- Vậy ra trong suốt thời gian theo dõi vụ này, chính Tổng biên tập cũng bị nghi ngờ sao?
- Không, không một phút nào cả. Thì Tsulatzê đã nói rằng chính Tổng biên tập một mực yêu cầu điều tra sự việc.
- Theo đồng chí thì Tsulatzê cần giở thủ đoạn như thế để làm gì?
- Để đòi giá cao hơn!
Thư ký tòa soạn ngừng lời. Heelaia nói tiếp:
- Sau mười ngày, chúng tôi lặp lại thí nghiệm. Cuộc gặp mặt được ấn định ở khu vực Hồ Run, trong một ngôi nhà của viện bảo tàng nhân chủng học, ngay giữa trời. Tsulatzê lại không nhận tiền, vẫn viện lý do như trước… tuy y có hứa với Kalôian rằng sẽ cố thuyết phục Tổng biên tập gửi lá thư sang Bộ Nội vụ. Sau đó Kalôian phải tự lo liệu lấy… Ngày hai mươi bảy tháng mười, biết Tổng biên tập đi công tác và Tsulatzê sẽ hành động mạnh dạn hơn, chúng tôi tiến hành thêm một thí nghiệm nữa. Lần này, sự mong đợi của chúng tôi thành sự thực. Mười giờ sáng, trong trụ sở tòa soạn, Tsulatzê lấy tiền của Kalôian.
- Điều đó được chứng minh rồi chứ? - Cán bộ chỉ đạo của Trung ương đảng hỏi.
- Đã được chứng minh. Đã tịch thu tiền ở Tsulatzê. Y đã thú nhận. Nhưng hôm qua, y thay đổi lời khai và nói rằng đấy là tiền y vay. - Hêlaia đóng cặp lại.
Batsana ngồi bên bàn, sửng sốt bàng hoàng, lặng ngắt.
- Thưa đồng chí Sanva, - cuối cùng ông lên tiếng. - Đồng chí nói rằng hai lần Tsulatzê từ chối không nhận tiền và đến lúc gặp Kaloian lần thứ ba mới lấy. Xin giải thích cho tôi biết, tại sao cần lặp lại thí nghiệm đó ba lần? Phải chăng không thể thừa nhận rằng anh ta đã tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình và từ bỏ ý định tội lỗi? Đồng chí không nghĩ tới điều ấy ư?
- Đồng chí không biết đặc điểm công tác chúng tôi và cố gắng giải thích sự việc bằng những lý do cao quý. Nhưng điều đó không như đồng chí tưởng… Nếu như Tsulatzê ngay từ đầu không mặc cả với Kalôian thì có lẽ chúng tôi cũng tin ở sự đứng đắn của anh ta. Rõ ràng anh ta kéo rê sự việc nhằm mục đích nâng giá!
- Nhưng Kalôian đã đem đến cho anh ta đúng số tiền quy định kia mà? Tại sao anh ta từ chối?
Hêlaia ngọ nguậy trên ghế.
- Tôi vẫn cho rằng Tsulatzê muốn đòi giá cao hơn. Vì thế chúng tôi thử anh ta ba lần.
- Tôi không biết cái mà các đồng chí gọi là thử thách nó là cái gì. Theo tôi đó là sự cám dỗ.
- Mục đích của chúng ta là diệt trừ sự phạm tội - Hêlaia tuyên bố cả quyết.
- Tôi cho rằng mục đích của chúng ta là phát giác, chứ không phải là cám dỗ! - Batsana trả lời. - Nếu kịp thời cho tôi biết mọi chuyện, tôi sẽ đưa Tsulatzê ra khỏi cương vị công tác và sẽ ngăn chặn được sự phạm tội.
- Thưa đồng chí Batsana, chúng tôi không có thời giờ và khả năng vỗ về và mơn trớn những kẻ ăn của đút!
- Thế Kalôian thì sao?
- Vụ Kalôian do một nhóm khác nghiên cứu… Và đồng chí hẳn biết cái gì chờ đợi hắn nếu những sự việc nêu ra trong bức thư nặc danh được xác nhận.
- Cám ơn đồng chí cho biết tình hình, thưa đồng chí Savna! - Batsana đứng lên, nói.
Hêlaia từ biệt mọi người và nhanh chóng rời khỏi phòng làm việc.
- Các đồng chí có ý kiến gì không? - Bí thư đảng ủy nói với những người có mặt.
- Đồng chí cho phép? - Phó tổng biên tập giơ tay!
- Xin mời!
Phó tổng biên tập đứng lên, lật giở những tờ giấy đặt trước mặt. Rõ ràng ông ta đã chuẩn bị trước để phát biểu, tuy thế ông ta vẫn xúc động.
- Ở đây có mặt đại diện của Ủy ban Trung ương Đảng, điều đó khiến tôi, với tư cách đảng viên cộng sản, phải triệt để thành thật - Cố nhiên hôm nay chúng ta sẽ khai trừ Tsulatzê khỏi hàng ngũ Đảng, nhưng điều đó đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn nhiều, nếu như anh ta không có một người che chở và bênh vực mạnh mẽ là tổng biên tập của chúng ta… Tsulatzê bôi nhọ danh hiệu thiêng liêng của nhà báo Xô viết! Hôm nay cả tòa soạn chúng ta bị mất mặt trước dư luận xã hội! Vì thế tôi nhắc lại: toàn bộ trách nhiệm về sự việc đã xảy ra quy cả vào đồng chí Ramisvili. Chính đồng chí Ramisvili đưa bạn mình là Tsulatzê về tòa soạn, tuy anh ta không có công lao gì cả, đồng chí ấy đã bao che anh ta cho đến ngày cuối cùng, và ngay cả hôm nay, nếu các đồng chí để ý thì thấy đồng chí ấy vẫn cố bào chữa cho anh ta… Xét cho cùng thì anh chàng Tsulatzê ấy là cái gì? Một người bạn tồi, - tuy tôi không bao giờ ở trong số bạn bè của anh ta, - một người con tồi, một người anh em tồi, một người bố tồi, một nhà văn bất tài, và cái chính là kẻ ăn hối lộ!... Tsulatzê là như thế đấy! - Tôi bao giờ cũng chống lại việc đưa anh ta vào tòa soạn, và nếu tôi là tổng biên tập thì anh ta hẳn đã không đến với chúng ta… Trước đây tôi đã tuyên bố cả ở Ủy ban trung ương, cả ở Bộ Nội vụ rằng Tsulatzê là tên ăn hối lộ. Vì thế tôi không có trách nhiệm gì hết và yêu cầu quy toàn bộ trách nhiệm đó về đồng chí Ramisvili.
Phó tổng biên tập lấy trong túi ra chiếc khăn tay trắng như tuyết, lau trán và cằm đẫm mồ hôi, rồi thận trọng xốc cái quần là phẳng lì lên và ngồi xuống.
Trong lúc phó tổng biên tập nói, Batsana hình dung như thấy trước mắt những năm thời sinh viên của ông. Batsana nhớ lại ba người chơi thân với nhau như thế nào - ông, người phó của ông hiện nay, và Tsulatzê, ba người đã từng lên biểu diễn trên sân khấu sinh viên, đã tụ họp nhau trong câu lạc bộ trường đại học, đã chia nhau mẩu cuối cùng trong nhà ăn sinh viên mang tên là “tiệm ăn khoa học”, đã đi tham quan Utzô và Siômgơvimê [68], cả ba đã cùng mê một cô gái…
Batsana nhớ lại tất cả những điều đó và tự dưng ông muốn khóc, khóc lên cho tất cả những ai còn nhớ thời thanh xuân của ba người đều nghe thấy tiêng khóc của ông.
- Còn ai muốn phát biểu nữa? - Bí thư đảng ủy hỏi.
- Tôi xin hỏi đồng chí Ghivi một câu. - Một cán bộ phòng văn học nói.
- Hỏi gì? - Phó tổng biên tập ngạc nhiên.
- Đồng chí vừa nói rằng đồng chí biết Tsulatzê là kẻ ăn hối lộ. Đồng chí biết điều đó bao nhiêu năm rồi?
- Năm - sáu năm! - Phó tổng biên tập nói, không chút do dự.
- Thế thì tại sao năm ngoái đồng chí giới thiệu anh ta vào Đảng?
Phó tổng biên tập liếm cặp môi bỗng nhiên khô hẳn đi và nói:
- Câu hỏi không đi vào thực chất… Thứ nhất, tôi không thể nhớ được tôi giới thiệu ai khi nào, thứ hai, việc giới thiệu vào đảng hay đi nước ngoài thường là thủ tục hình thức…
- Ghivi Đaviđôvits, đồng chí nói đùa hay nói thật đấy? - Ngạc nhiên, cán bộ chỉ đạo của Ủy ban Trung ương hỏi.
- Sao kia chứ, đồng chí có nhớ hết những người đồng chí đã giới thiệu vào đảng không? - phó tổng biên tập hỏi vặn lại.
- Dĩ nhiên! Không thể nào khác được! - Cán bộ chỉ đạo giơ hai tay lên.
- Tôi có một câu hỏi. - Bí thư đảng ủy nói. - Giả sử đồng chí không nhớ đồng chí giới thiệu Tsulatzê hồi nào thì cũng được đi. Nhưng tại sao cách đây một tháng, đồng chí cùng đi công tác với anh ta, mặc dù đã biết anh ta là kẻ ăn hối lộ và tên ăn cướp?
- Tôi không thể khước từ việc do Tổng biên tập giao phó!
- Tổng biên tập liên can gì đến đây? Hồi đó đồng chí ấy nghỉ phép. Chính đồng chí ký giấy công tác cả cho mình, cả cho Tsulatzê!
- Vâng, tôi đi với anh ta để anh ta không có cơ hội lạm quyền được! - Phó tổng biên tập chống chế.
Cán bộ văn học phá lên cười. Bí thư đảng ủy gõ bút chì.
- Còn ai hỏi gì nữa không?
Một Ủy viên biên tập có ý kiến:
- Đồng chí Ghivi Đaviđôvits, đồng chí bảo rằng trước đây đồng chí đã báo cho Ủy ban Trung ương và Bộ Nội vụ biết về tư cách không xứng đáng của Tsulatzê. Đồng chí có thể giải thích cho chúng tôi rõ tại sao các cấp đó không có biện pháp gì khi nhận được tin báo của đồng chí!
- Đấy là hồi còn những người lãnh đạo cũ… Nhiều người trong số đó không còn ở cương vị trước đây của họ, số khác nói chung không còn sống…
- Thế tại sao đồng chí không báo cho ban lãnh đạo mới?
- Câu hỏi đó nhằm mục đích gì? - phó tổng biên tập hỏi lại với giọng thách thức.
- Thế này này, đồng chí thân mến ạ: nếu cấp lãnh đạo đã được đồng chí báo cáo đầy đủ mà vẫn không có biện pháp gì thì điều đó có thể giảm nhẹ lỗi của chúng ta trong chừng mực nào đó. Có thế thôi! - Ủy viên biên tập đáp.
- Tôi không cảm thấy mình có trách nhiệm gì hết và chẳng cần sự khoan dung nào cả! - phó tổng biên tập, nói đốp chát một cách lạnh lùng.
Cuộc thảo luận tiếp tục. Mọi người đồng thanh bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về việc đã xảy ra và nhất trí đề nghị khai trừ Tsulatzê ra khỏi Đảng.
Đến lượt Batsana phát biểu. Ông đứng lên và nói rất bình tĩnh, nhưng giọng rè rè.
- Các bạn thân mến của tôi, hầu hết những điều đã nói ở đây đều đúng sự thực. Sôta Tsulatzê là bạn thời thanh niên của tôi... Chúng tôi cùng học đại học, cùng dạo chơi ở Vêkê và Vare... Anh ấy bao giờ cũng là một đồng chí rất tốt, là người bố yêu các con mình, là người con trai tốt của bố mẹ mình... Tôi mời anh ấy về tòa soạn không phải vì tình bạn, mà vì trí tuệ sắc sảo và tài năng làm báo lỗi lạc của anh ấy... Nhưng rõ ràng là tôi chưa đủ kinh nghiệm cũng như khả năng và uy tín để ảnh hưởng đến anh ấy, để theo dõi những hành động và tư cách của anh ấy... Nói thực, việc xảy ra với Tsulatzê, tôi coi là trạng thái bất bình thường về tâm thần... Tôi không có ý lẩn tránh trách nhiệm. Tôi đồng ý với đồng chí phó của tôi: toàn bộ trách nhiệm phải quy cả vào tôi, tôi sẵn sáng nhận lấy...
Batsana ngồi xuống và xin nước.
... Cơn đau nhói lên ở vai bên phải. Rồi nó trườn xuống ngực và mắc ở chỗ nào dưới vú bên trái. Rồi dường như có bàn tay chai sạn của ai thọc vào ngực và bắt đầu bóp kiệt trái tim, như vắt nước chùm nho. Nó bóp chậm chạp, cần mẫn: một - hai, hai - ba, ba - bốn... Cuối cùng, khi trái tim đã bị vắt kiệt không còn một giọt máu, vẫn bàn tay ấy thản nhiên vứt nó đi...
------------
[68]. Những tu viện cổ ở ngoại vi Tbilixi.

Chương 18


Ngày hôm ấy có một người đến thăm cha Iôram. Cuộc trao đổi của họ ngắn ngủi, mù mở và đáng sợ.
- Thưa cha, - Khách nói, sau những lời chào hỏi đầu tiên, - những người bạn của cha đã cưu mang cha trong đêm ấy sẽ rất vui mừng nếu cha quên đi tên của họ!
Khách ngồi quay lưng về phía Batsana, vì vậy ông không thể thấy vẻ mặt của họ. Nhưng căn cứ vào vẻ mặt cha Iôram, Batsana hiểu rằng kẻ đến đây là một kẻ phạm tội.
- Quên cả cây thánh giá? - Cha Iôram hỏi.
- Cả địa chỉ nữa!
- Nhưng địa chỉ thì xe “Cấp cứu” biết rồi, - Mặt tái nhợt, linh mục nói.
- Xe “Cấp cứu” lượm được cha trên đường, nó được gọi tới qua điện thoại tự động.
- Vậy ra mọi việc đã được tính trước cả rồi ư?
- Đúng thế.
- Còn cây thánh giá? - Cha Iôram nhắc lại.
- Tôi không biết đấy là nói về cây thánh giá nào...
- Anh biết!
- Tôi chỉ biết những điều tôi đang nói với cha!
- Anh cho rằng thế giới lợp bằng rơm ư? - Linh mục mỉm cười chua chát.
- Bằng ngói Macxây, thưa cha! - Khách chữa lại.
- Anh bỏ ra bao nhiêu tiền mua cây thánh giá của tên khốn kiếp nọ? - Giọng cha Iôram run lên.
- Xin nói thẳng: những lời cha nói về cây thánh giá, tôi chẳng hiểu gì cả. Nếu đó là một trong những triệu chứng bệnh thì tôi không thể giúp được gì cho cha. Nếu cha cần một cây thánh giá, hay ngược lại, muốn bán cây thánh giá thì cứ nói thẳng, tôi sẽ giúp cha. Đừng ngại, chúng tôi không bao giờ kì kèo về tiền nong...
- Chúng tôi là những ai? - Cha Iôram hỏi.
- Chúng tôi! - Khách trả lời gọn lỏn.
- Thế anh là ai?
- Người trung gian...
- Tôi không muốn nói chuyện với anh!
- Tôi cũng vậy...
- Nếu thế thì tạm biệt...
- Tôi thấy việc chúng ta gặp lại nhau không có lợi gì, vì thế xin vĩnh biệt cha... - Khách đứng lên.
- Anh dọa tôi ư? - Cha Iôram hỏi, nhưng giọng nói cho thấy cha đã hoảng.
- Không, chúng tôi báo trước!
Batsana nãy giờ vẫn lẳng lặng nghe cuộc đối thoại kì dị ấy mà ông chẳng hiểu gì, nhưng mấy lời cuối cùng của người lạ mặt khiến ông mất kiên nhẫn.
- Anh bạn trẻ, xin hãy đến gần đây! - Ông yêu cầu.
Batsana không thú gì việc chuyện trò với tên trâng tráo đó, nhưng ông rất muốn nhớ mặt hắn. Gã lạ mặt chậm chạp quay về phía Batsana và hỏi bằng giọng vờ ra vẻ lễ độ, trong đó lộ rõ ý mỉa mai không che giấu được.
- Ông hỏi tôi ạ?
Batsana giật mình. Tên này không có mặt! Dường như mọi cái đều ở đúng chỗ của nó: mắt, tai, mũi, môi, cằm... Tuy vậy, người này không có mặt, những đường nét của y không biểu lộ điều gì, không một tình cảm, không một diễn biến của tâm hồn, tư tưởng, Batsana hiểu rằng không thể nhớ mặt một người như thế, những kẻ như thế tự chúng tìm ra tất cả những người chúng cần, những người chúng quan tâm. Hiểu được điều đó, Batsana nheo mắt và cố gợi lại trong trí nhớ hình ảnh người khách khác thường đó, nhưng uổng công, hình dáng kẻ lạ mặt tan biến như một ảo ảnh.
Khi Batsana lại mở mắt, kẻ đó không còn ở trong phòng bệnh nữa.
- Ai đấy? - Batsana hỏi vị linh mục đang ngớ người ra. - Lần đầu tiên tôi thấy một người có khuôn mặt trơ trơ như vậy!
- Đấy không phải là người. Đấy là quỷ xa-tăng...
* * *
Con nhồi máu cơ tim khiến cha Iôram phải vào bệnh viện lần này là đợt thứ hai. Và xin bạn đọc đáng kính đừng tưởng rằng cha bề trên của nhà thờ Ortatsala bị đau nặng như thế trong lúc đọc “Chuyện mười ngày” [69] bất hủ hay đoạn miêu tả yến tiệc trong cung điện của Bantađa, do nhà tiên tri Đanien lưu lại cho hậu thế [70].
Cha Iôram là nạn nhân của một việc hoàn toàn bất ngờ đối với cha.
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, ở Pari công tước Xaurmăc Amirêgibili người Gruzya sống lưu vong từ trần, thọ chín mươi tuổi. Trong di chúc, công tước yêu cầu đưa hài cốt của mình về Gruzya để làm lễ cầu siêu trong nhà thờ Ba Ngôi Ortatsala, còn cây thánh giá bằng vàng nạm ngọc bích mà ông ta không hề rời xa cho đến lúc tạ thế thì ông hiến dâng lên ảnh Đức Mẹ cũng của nhà thờ đó.
Chắt của Amirêgibi - Kêtêvan Anđrôđikasvili - Mirôliupxkaia đã làm đúng theo di chúc của người bị đau khổ vì nhớ quê hương. Hài cốt ông già được mai táng ở nghĩa trang Kuki, còn cây thánh giá kèm theo bản di chúc và chú dẫn thích đáng thì trao cho cha Iôram.
Trong phần chú dẫn, ngoài đoạn miêu tả cây thánh giá và chỉ rõ giá trị của nó, còn có phần cho biết cây thánh giá này nguyên là của em gái Văctang Gorgaxau [71] - quận chúa Guranđuctơ - và Gorgaxan, năm mười sáu tuổi, sau khi đã đánh tan quân alankhada và giải thoát được em gái khỏi chốn giam cầm, đã chính tay đeo cây thánh giá lên cổ em.
Khó mà nói được những điều cho biết đó thực đến mức nào và bằng cách nào cây thánh giá ấy đã trở thành gia bảo của dòng họ Amirêgibi, nhưng nó là vật hết sức quý, nhất là đối với nhà thờ Ortatsala lâu nay vẫn sống lay lắt, và cha Iôram tiếp nhận món quà ấy như một ân huệ vô cùng lớn lao của thượng đế.
Từ đó, hàng năm, vào ngày Đức bà Marya, cha Iôram kính cẩn lấy trong tủ sắt ra cây thánh giá đặt trên chiếc gối xa tanh trắng như tuyết và đặt trước ảnh Đức Mẹ.
Giáo dân áp những cặp môi run run vì cảm động vào cái vật kỳ diệu đang từ chiều xa sâu thẳm của thế kỷ thứ năm nhìn họ bằng những cặp mắt xanh lá mạ tuyệt đẹp, còn cha Iôram và trợ tế Aven Argiêvanitzê cũng không kém cảm động, chú ý theo dõi các giáo dân để sự ngây ngất quá đáng vì tình cảm tôn giáo không xui khiến người nào trong bọn họ cầm nhầm cái di vật thiêng liêng mà các giám định viên Pháp về đồ cổ lịch sử đã đánh giá hai trăm năm mươi ngàn đô-la.
Tình hình đó tiếp diễn đến năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba.
Rồi một năm trước đó, sang tuần thứ hai sau ngày lễ Marya, khi cha Iôram ngồi trong trai phòng của mình, mắt ứa lệ vì cảm động, đọc lại đến lần thứ một trăm câu chuyện Iôxip tuyệt mĩ và các anh em của Người thì cửa trai phòng bật mở, và trợ tế Argiêvanitzê xuất hiện một cách đột ngột và khó hiểu, vui vẻ chào cha bề trên của mình:
- Chào ông bạn Iôramisie! [72] - Rồi y nấc lên một tiếng rất to.
Tiếp đó, y vỗ vai vị linh mục đang ngớ ra và y bắt đầu cởi áo mũ, thoạt tiên y bỏ cái mũ chùm trên đầu, ném xuống sàn đá, rồi cởi chiếc áo tế và cũng ném xuống đấy, rồi y dứt dứt cây thánh giá bằng bạc to tướng đeo trước ngực, ném vào mặt cha Iôram và cười hô hố như quỷ Mêfixtôfen.
- Xéo đi, quỷ xa tăng! - Cha Iôram hoảng sợ, chỉ có thể lầm bầm như vậy và nhổ bọt.
- Sẽ đi ngay thôi! - Argiêvanizê hứa và trong lúc linh mục làm dấu thánh bằng cánh tay bỗng trở nên nặng chịch, y bắt đầu thóa mạ cả thế giới cơ đốc:
- Trời chu đất diệt tất cả các ngươi, cha cố, cả cha ngươi, cả con gái ngươi, cả thánh thần của ngươi, cả cái nhà thờ mục nát của ngươi! Ta nhổ toẹt vào các ngươi và vào cái linh hồn hôi thối của ta nữa! Này hãy ngửi mùi linh hồn ta cho mà chết nghẹn! - Viên trợ tế hít một hơi thật sâu, rồi thở hơi trong phổi ra, tiếng thở kèm theo tiếng rít và tiếng khò khè! Trai phòng ngập mùi Khinkala và mùi vôtka lộn mửa. - Hãy lấy tất cả linh hồn ta đi, để rồi xem ngươi sẽ dùng được nó vào việc gì! - Y nhổ bọt vào cái mũ áo tế, dùng chân khoèo và hất tung những thứ đó lên. - Còn cây thánh giá nặng một put này thì ngươi hãy đeo vào cổ ngươi và nhảy xuống sông Kuru, may ra ngươi có thể đếm được dưới đáy sông có bao nhiêu cá đấy!
- Nghĩ lại đi, tên ngu ngốc kia! Đừng chọc giận Chúa! Đấng tối cao sẽ nghe thấy những lời báng bổ của nhà ngươi, ngài sẽ lấy mất lưỡi của ngươi, khốn cái thân đời ngươi! - Cha Iôram thử làm cho viên trợ tế nổi khùng nguôi dịu đi.
- Hai mươi năm ròng ông ta không nghe thấy tiếng ta mà bây giờ lại nghe thấy ư? Chúa của ngươi điếc, cha đạo ạ, ông ta điếc! Ông ta ngồi ở đâu đó trên các tầng mây, và làm bộ làm tịch! Tốt hơn hết là ông ta nên xuống đây và đến bệnh viện Hêtsinasvili, may ra người ta có thể chữa khỏi bệnh cho ông già!... Còn ngươi, cha đạo ạ, ta khuyên ngươi một điều hay: hãy vứt bỏ bộ áo lễ của ngươi đi và nghĩ đến xác thịt! Nó quan trọng hơn linh hồn ngươi!... Còn ta, ta rời bỏ các ngươi đây! Ta chẳng nợ nần gì ai ở đây cả! Các ngươi muốn linh hồn ta ư? Thì đây, hãy hưởng thụ đi! - Argiêvanitzê lại phì phì thở ra. - Còn xác thịt ta thì ta đem đi! Xin chào! Arivêđersi!
Viên trợ tế vẫy tay một cái với linh mục, gửi cho ông cái hôn gió, rồi thè cái lưỡi phồng rộp lên vì ớt và rượu vôtka, lần lượt chế giễu tất cả các ảnh thánh, thọc hai tay vào túi và vừa hát một bài vui nhộn vừa rời khỏi trai phòng của cha Iôram.
Người ta tìm thấy cha Iôram nằm bất tỉnh trong trai phòng của mình. Nhưng lần ấy vẫn chưa phải là nhồi máu cơ tim. Trái tim vững vàng của cha đã trụ được trước cơn chấn động.
Cơn nhồi máu cơ tim xảy đến với cha một năm sau, trước ngày lễ Mẹ Marya, khi cha mở tủ sắt, hai tay nâng chiếc gối xa tanh lên, và thấy trên đó không phải là cây thánh giá, mà là một củ cải mập mạp. Cha Iôram chỉ kịp nghĩ rằng để khiến người ta tin và tôn kính mình, lẽ ra Đức Mẹ Marya có thể thực hiện một phép màu nhân từ hơn, liền đó cha đổ vật xuống như cái cây bị chặt gốc. Đấy là cơn nhồi máu tim thực sự.
* * *
Liền sau khi cha Iôram bị nhồi máu cơ tim lần thứ nhất, đương nhiên Argiêvanitzê bị bắt. Nhưng sự việc không ra đến tòa. Vụ này bị đình lại ngay lần đối chất đầu tiên giữa khổ chủ và người bị tình nghi. Một tuần sau khi cha Iôram ra viện, nhân viên điều tra đưa Argiêvanitzê tới nhà cha. Sau khi đã bảo người công an đi cùng ra khỏi buồng, cán bộ điều tra để viên trợ tế cũ ngồi cạnh giường linh mục, còn ông ta ngồi bên bàn và bắt đầu lập biên bản.
- Ông Kanđêlaki, ông có hỏi gì người bị tình nghi là Argiêvanitzê không? - Ông ta hỏi câu đầu tiên.
Cằm cha Iôram run run và mắt cha ứa lệ.
- Này, thú nhận đi, hỡi linh hồn ma quỷ, ngươi là dòng dõi quỷ xa tăng, ngươi bán cây thánh giá thiêng liêng cho ai? - Ông nói với Argiêvanitzê.
- Thưa ông cán bộ điều tra, những lời vừa được nói ra bằng ngôn ngữ nhà thờ của chúng tôi mà nói theo ngôn ngữ của các ông thì nghe còn tệ hơn câu chửi tục tĩu nhất! Vì vậy, tôi yêu cầu coi cách cư xử của ông này... tên phá hoại tư tưởng cộng sản này, như một hành động càn quấy! - Argiêvanitzê nói bằng giọng của người bị xúc phạm đến những tình cảm tốt đẹp nhất.
Nhân viên điều tra bỏ ngoài tai đòi hỏi của Argiêvanitzê và đến lượt mình, ông ta hỏi y:
- Này, bác Argiêvanitzê, có ai làm chứng cho bác là vụ đánh cắp cây thánh giá không can gì đến bác không?
- Có chúa làm chứng! - Viên trợ tế trước kia giơ hai tay lên trời thốt lên.
- Chớ có cả gan, cấm ngươi nói cái tiếng thiêng liêng đó! - Linh mục chồm dậy trong giường.
- Argiêvanitzê, đừng giả ngây giả ngô! - Cán bộ điều tra quát viên trợ tế trước kia. - Chúng tôi không thể mời Chúa ra làm chứng, hãy nêu tên một người nào trong số những người đang sống!
- Thế thì đây: linh mục Iôram Kanđêlaki!
- Ta-a ấy à-à? - Cha Iôram suýt đổ vật xuống giường.
- Chính thế! - Argiêvanitzê xác nhận.
Sự trâng tráo của viên trợ tế trước kia khiến cha Iôram không nói nổi nữa. Còn viên trợ tế nói tiếp:
- Thưa ông cán bộ điều tra, xin ông hỏi tên vu khống này xem khoảng thời gian giữa lúc tôi rời bỏ nhà thờ và lúc mất cây thánh giá này là bao lâu?
Cán bộ điều tra hỏi linh mục:
- Ông phát hiện ra việc mất cắp vào bao giờ?
- Khoảng một năm sau... Thì tôi chỉ lấy cây thánh giá ra khỏi tủ sắt vào ngày lễ Đức Mẹ thôi mà... Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì! Y có thể đánh cắp cây thánh giá từ trước đó nữa kia!
- Bây giờ xin ông hãy hỏi: lão để chìa khóa tủ sắt ở đâu?
Cán bộ điều tra nhắc lại câu hỏi.
- Ở đây này! - Cha Iôram sờ vào sợi dây chuyền đeo ở cổ.
Cán bộ điều tra ghi: “Chìa khóa tủ sắt luôn luôn đeo ở cổ khổ chủ”.
Và đặt câu hỏi khác:
- Ông phát hiện ra tủ sắt trong tình trạng như thế nào? Nghĩa là tủ đóng hay bị phá?
- Đóng...
- Và chính tay ông mở tủ chứ?
- Chính tay tôi...
- Ông có bao giờ cho Argiêvanitzê mượn khóa không?
- Không bao giờ. - Cha Iôram trả lời và hiểu rằng thế là mọi việc chấm dứt.
- Hãy nghĩ cho kỹ những điều cha nói, cha ạ... Có lẽ cha không được khỏe chăng? Nếu vậy ta hãy hoãn cuộc trao đổi giữa chúng ta. - Cán bộ điều tra bắt đầu thương linh mục.
- Không đời nào! - Argiêvanitzê chồm lên.
- Cha hãy cho biết, - Cán bộ điều tra tiếp tục làm việc - có lúc nào cha rời chìa khóa ra không?
Cha Iôram chỉ lắc đầu: ngay cả lúc tắm, ông cũng không tháo khỏi cổ sợi dây chuyền đeo chìa khóa.
- Liệu có kẻ nào có thể đánh cắp chìa khóa của cha để in khuôn không?
Cha Iôram không cho rằng khả năng đó bị loại trừ. Nhưng ông không tin chắc, vì thế ông thấy không trả lời là hơn. Lần cuối cùng, ông thử kêu gọi lương tâm của Argiêvanitzê:
- Thú nhận đi, tên bán Chúa, nếu như ngươi còn một giọt danh dự: ngươi bán cây thánh giá cho ai và lấy bao nhiêu tiền?!
- Tên bán Chúa đang nói với tôi đấy! - Viên trợ tế trước kia quặc lại.
- Tiền đâu mà ngươi dựng nhà ở Gônđani? Mái nhà thờ vỡ hai viên ngói mà ta còn không thay nổi, vậy nhà ngươi...
- Nhà là của bố vợ ta. Còn về nhà thờ thì ta lấy làm lạ rằng nó vẫn còn nguyên vẹn, tuy nó ở trong tay tên kẻ cướp như ngươi!
Linh mục tím mặt lại. Cán bộ điều tra nạt Argiêvanitzê:
- Thêm một câu đối đáp như thế nữa là ta... - Ông ta không nghĩ ra được là còn có thể làm gì nữa với một người bị bắt vì tình nghi là ăn cắp, vì thế ông ta chỉ ngọ nguậy một ngón tay ra ý cảnh cáo.
- Nhưng chính ông đã kiểm tra giấy tờ về ngôi nhà đó kia mà? - Argiêvanitzê hỏi.
Cán bộ điều tra gật đầu.
- Thế thì ông hăm dọa tôi làm gì? Đáng lẽ bảo vệ người ngay thì ông lại bênh kẻ thờ cúng ư?!
Cán bộ điều tra bối rối.
- Thế còn ô tô? - Cha Iôram chen lời.
- Ông Kanđêlaki! - Cán bộ điều tra nói với linh mục. - Cuộc điều tra đã nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến vụ này... Vì vậy, ông hãy đi vào bản chất sự việc.
- Câu hỏi về ô tô mà không liên can đến sự việc ư? - Linh mục buồn nản.
- Điều tra là điều tra về việc mất cắp cây thánh giá, còn ô tô không dính líu gì đến đây, nhất là nó lại thuộc quyền sở hữu của anh vợ ông Argiêvanitzê.
- Tôi không còn gì để hỏi nữa! - Cha Iôram thờ dài và dốc ngược lọ valiđôn.
- Còn ông có hỏi gì không? - Cán bộ điều tra hỏi Argiêvanitzê.
- Hỏi ư? - Argiêvanitzê đứng lên. - Tôi, người đã tự nguyện đoạn tuyệt với tôn giáo và là ủy viên đoàn chủ tịch Hội vô thần, có chân dung treo trên bảng danh dự ở trụ sở Hội, tôi kiên quyết và chính thức đòi: thứ nhất, lập tức qui trách nhiệm nghiêm khắc cho tên ngu dân này về tội vu khống thâm độc và trừng phạt y một cách đích đáng. Thứ hai, tôi là nạn nhân của sự lộng quyền và vu khống, phải trả lại tự do cho tôi ngay lập tức. Thứ ba, tên tội phạm Kanđêlaki phải bồi thường thiệt hại cho tôi vì công việc của tôi bị đình trệ! Xin hết! - Argiêvanitzê lau bọt mép sùi trên đôi môi và ngồi xuống.
- Quy trách nhiệm gì cho ai là do tòa quyết định, tôi không hỏi ông điều ấy! Hãy hỏi ông Kanđêlaki đây này, nếu ông có điều muốn hỏi!
- Xin vâng! - Argiêvanitzê lại đứng lên. - Tôi hỏi tên phản đạo Cơ đốc và ngu dốt này: y giấu đi đâu món tài sản của nhân dân Gruzya, di vật có một không hai, cây thánh giá của quận chúa Guranđuctơ?!
Cán bộ điều tra nhìn linh mục bằng cái nhìn dò hỏi.
Bỗng nhiên trong trí nhớ của cha Iôram hiện lên một cảnh tượng từ thời trẻ tuổi xa xăm...
... Ông đi toa xe điện số mười đến sân vận động. Đến chợ Đêzectia, có kẻ nào móc túi ông, Iôram chộp lấy tay tên kẻ cắp, nhưng chưa kịp thốt lên lấy một lời thì tên kẻ cắp giáng cho ông cái tát vang giòn và gào to:
- Anh không biết xấu hổ sao, anh bạn trẻ?! Nom anh có vẻ là một thanh niên có văn hóa, cao quý, hẳn là con nhà tử tế! Vậy mà lại móc túi tôi?! Nhục nhã!...
Cả toa đổ xô tới chỗ Iôram, trách móc và dọa nạt. Ông không còn cách nào khác, đành nhảy xuống xe lúc xe đang chạy.
Nhớ đến chuyện ấy, cha Iôram cảm thấy hai má nóng bừng và mắt ông ứa lệ.
- Cha có nói gì không, thưa cha? - Cán bộ điều tra hỏi.
Cha Iôram trườn xuống giường và chân không giày, chỉ mặc đồ lót, khập khiễng đi sang phòng khác. Ở đây, cha lấy trên tường con dao găm lớn của tổ tiên để lại, làm dấu chữ thập, rút dao khỏi bao, hai tay nâng cao con dao trên đầu, và như người điên xộc vào căn phòng nơi người cán bộ điều tra và Argiêvanitzê ngồi.
- Mi chết đi, quỷ xa tăng! - Linh mục thét và ra sức đâm dao xuống đầu Argiêvanitzê. Viên trợ tế trước kia đã kịp ngả người né tránh, còn con dao găm rít lên xé không khí, xẻ đôi lưng chiếc ghế dựa.
Cha Iôram ném con dao găm đi.
- Các người ra khỏi đây đi! - Cha nói bằng giọng âm âm ghê rợn, ngã xuống sàn và òa khóc nức nở.
... Cán bộ điều tra hiểu rằng không thể nào tiếp tục hỏi cung và lập biên bản được nữa. Ông ta hoặc phải lập tức rời khỏi đây, hoặc là trong căn phòng là liệt ánh thánh này có thể xảy ra đổ máu. Người cán bộ điều tra hiểu điều đó, vì thế cùng với kẻ bị tình nghi, ông ta vội vã rời khỏi căn nhà của cha bề trên nhà thờ Ba ngôi Ortatsala bị mất cắp...
* * *
Lần nhồi máu tim thứ hai mà kết quả là cha Iôram hiện giờ nằm cạnh Batsana, xảy ra cách đây không lâu, hai tháng trước, trong nhà một cán bộ nhiều người biết tiếng, cha được mời đến đọc kinh cầu siêu cho bố vợ của chủ nhà vừa qua đời, tất nhiên là vào ban đêm, đến lén lút.
Cha Iôram thậm chí chưa kịp đến tận quan tài thì đột quỵ khi vừa bước qua ngưỡng cửa: cha thấy trên ngực bà chủ, giữa cổ áo xẻ rộng... cây  thánh giá của Guranđúctơ - em gái vua Văctang Gorgavan!
... Tỉnh lại trong xe “cấp cứu” thay cho cây thập tự ao ước, cha thấy một chữ thập đỏ cực to trên cái hòm y tế màu trắng, rồi sau đó, suốt dọc đường đến bệnh viện, thay cho mùi trầm quen thuộc thân thiết, cha cảm thấy mùi nước ammôniăc lộn mửa và mùi long não.
Cha Iôram đã thấm bài học kinh nghiệm cay đắng của trận nhồi máu tim lần đầu, lần này không thốt lên lời nào về nguyên nhân bệnh. Ông khước từ pháp lý, quyết định phó mặc số phận cho đấng tối cao. Ông tin rằng sớm muộn kẻ phạm tội sẽ bị Chúa trừng phạt.
Chỉ có một điều giày vò cha Iôram: tại sao Chúa lại chọn đích là cha, chứ không ai khác, để thử thách? Tại sao chính cha, chứ không ai khác, phải chịu những giày vò đau khổ như thế?
Cha Iôram không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi giày vò cha...
* * *
Batsana ngạc nhiên chăm chú quan sát cha Iôram sau chuyến viếng thăm của người khách kỳ quặc ấy, cha thay đổi đến không nhận ra được, cha gần như không chuyện trò gì nữa. Đấy là chứng thờ ơ, ưu uất hay sợ hãi, chẳng những Batsana, mà ngay chính cha Iôram cũng không rõ. Nhưng dĩ nhiên, một phép màu độc đáo đã diễn ra: linh mục quên hẳn cả địa chỉ ngôi nhà nọ, cả họ của chủ nhà. Ông quên hẳn, như thể người khách không có diện mạo đã dùng dao khoét đi một góc trong trí nhớ của ông, mọi lưu giữ những ký ức về cái đêm khủng khiếp nọ.
Câu chuyện thật về lai lịch bệnh của mình, cha Iôram thổ lộ với Batsana một tuần trước khi ra viện. Nhưng mặc dù Batsana đã dùng hết mọi cách, cố nài nỉ, thuyết phục cha Iôram nói tên người đàn bà có cây thánh giá, ông vẫn không lay chuyển được cha Iôram: cha dứt khoát không chịu trả lời...
* * *
Dịch cúm hoành hành ở Tbilixi. Trong bệnh viện đã tuyên bố hai mươi ngày cách ly. Theo chỉ thị của giáo sư, không được cho ngay cả những người họ hàng thân thuộc vào thăm bệnh nhân, chứ đừng nói gì đến những người tình cờ ghé thăm. Ở các hành lang, nhân viên bệnh viện đeo khẩu trang đi lại như những bóng ma. Mỗi ngày giáo sư thân hành đến các phòng bệnh ba lần. Bệnh viện giống như một pháo đài bị bao vây mà ngay cả một con chim cũng không bay lọt vào được. Cho nên Batsana ngạc nhiên vô hạn khi một buổi sáng, cửa phòng bệnh bật mở và trên ngưỡng cửa hiện ra người bạn thời thơ ấu của ông với nụ cười rộng đến mang tai: Văctang Ambôkatzê.
- Vahô! - Batsana nhổm dậy trên giường.
- Chào ông chủ tịch của những thằng ngố, Batsana thân mến!
Ambôkatzê đặt lên cái bàn chung một gói lớn, tới gần giường Batsana, giang hai tay hộ pháp ôm lấy ông, rồi thận trọng đặt ông nằm xuống gối và ra lệnh dứt khoát:
- Nằm không được động đậy! Giáo sư bảo cậu không được cử động! Chào ông! - Anh ta quay về phía Iôram.
- Chúc ông khỏe mạnh! - Linh mục đáp lại.
- Cậu làm cách nào lọt được vào đây? - Batsana không tin mắt mình.
- Tưởng gì! Thiên hạ người ta còn lọt được vào các nhà băng và lấy tiền đem ra nữa là! Lọt vào phòng bệnh gặp cậu thì có gì ghê gớm! - Ambôkatzê nhếch mép cười.
- Cậu ở đâu ra vậy? - Batsana tiếp tục căn vặn bạn.
Ambôkatzê đưa mắt về phía cha Iôram.
- À, xin giới thiệu, - Batsana sực nhớ ra, - đây là người bạn cũ của tôi, Văctang Ambôkatzê, còn đây là người bạn cùng phòng bệnh với tôi, cha bề trên của nhà thờ Ba Ngôi Ortatsala, cha Iôram Kanđêli.
- Ô-hô, vậy ra cả các cha đạo cũng bị nhồi máu tim à? Đích thân Chúa trời che chở cho các vị kia mà? - Ambôkatzê cười toác miệng và siết chặt tay cha Iôram.
- Nào, ngồi xuống, kẻ chuyện đi! Trận gió nào đã cuốn cậu đến đây thế? Làm sao cậu lại nhớ đến mình?
Ambôkatzê đặt chiếc ghế ở đầu giường Batsana, nhìn ông một lát, lắc đầu rồi đáp:
- Đại loại là thế này... Mình đến gặp anh em. Chúng nó bảo: “Batsô định đi xa...”.
- Cái gì? - Batsana không hiểu.
- Định chết, chúng nó bảo. “Chết là thế nào?” - mình hỏi. “Là thế này, - chúng nó trả lời, - bị nhồi máu toàn bộ, khoanh tay trước ngực và sắp chết!” - “Không có lý! - mình nói. - Thằng xỏ lá thế, nó nói láo toét hết, nó giả vờ đấy! Nó không dám chết mà không từ biệt mình đâu!”. Thế là mình đến cậu. Mankhax đi cùng với mình, nhưng không được vào, hiện đang đứng ngoài đường.
- Làm thế nào mà cậu được người ta cho vào?
- Mình đến thẳng chỗ giáo sư. “Kính thưa giáo sư, - mình nói, - xin cho tôi đến gặp Ramisvili, mười lăm năm nay tôi không gặp anh ấy!” - “Thế ông là ai?” - giáo sư hỏi... “Chẳng là ai cả, - tôi nói... chỉ là một con người thôi!” - “Nếu chỉ là một con người thôi thì đến với ông ấy đi, tôi cho phép!”. Cừ lắm! Cả đời mình chưa từng gặp vị giáo sư nào tốt như thế!
- Nói dối! Cậu còn nói nhăng nói cuội gì với giáo sư nữa?
- Nói gì, nói gì! Mình bảo rằng mình là đứa côi cút bất hạnh...
- Cậu là thằng bíp bợm! - Batsana phá lên cười.
- Đồng ý... Này, nói đi, sức khỏe cậu thế nào? Tim ra sao?
- Dường như nó đã trèo được lên...
- Vậy là chúng ta cùng leo lên được rồi... Này, giáo sư cho mình có ba phút thôi... Thuốc đây này... - Ambôkatzê lấy cái gói trên bàn.
- Khoan, còn thuốc men làm quái gì!... - Batsana ngắt lời. - Mình cho thêm cậu ba phút thuộc phần của mình. Kể đi, lâu nay cậu ở đâu, làm gì, đến đây có lâu không, định làm gì? Có cần mình giúp gì không?
- Mình chẳng cần gì cả, ngoài sức khỏe và hạnh phúc của cậu!... Trên đời không có người nào có thể giúp Văctang Ambôkatzê...
- Thôi được, cứ ngồi đây một lát, cho mình nhìn cậu nào!...
- Cứ nhìn đi, bạn thân mến, nhưng nếu giáo sư đến thì cậu sẽ thanh minh với giáo sư nhé! - Ambôkatzê giao hẹn trước.
- Được! - Batsana đồng ý.
- Vậy thì... Việc ấy cậu vẫn nhớ chứ?... - Ambôkatzê lại liếc nhìn cha Iôram.
- Cứ nói đi, nói đi, cha đây là người thân ấy mà! - Batsana mỉm cười.
- Ừ... Vậy là cậu vẫn nhớ sự việc xảy ra hồi mình đào đường hầm ở núi Lôtkinxkaia [73]... Batsana gật đầu.
- Đấy là nơi nào vậy? - Cha Iôram hỏi bằng giọng ngạc nhiên. Cha sinh trưởng ở Tbilixi, nhưng chưa bao giờ nghe nói đến đường hầm như thế.
- Từ nhà thờ của cha không nhìn thấy được, thưa cha! - Ambôkatzê giải thích và nói tiếp:
- Công việc ấy đem lại phần thưởng từ sáu đến mười hai ngàn. Bởi vì bọn mình có hai người - mình và Bagiatgiơgan, mỗi đứa được sáu ngàn kèm theo giấy đi đường về Arkhanghenxk... Mình ở đấy bốn năm. Cậu biết đấy, mình không thể sống không có công việc gì: Mình đã đốn một nửa rừng Taiga, góp phần to lớn cho công việc gia công gỗ! Rồi mình tham gia chạy maratông. Có mười người chạy. Từ Arkhanghenxk đến tận Karaganda...
- Chạy bộ à? - Cha Iôram ngạc nhiên.
- Khi thì chạy bộ, khi thì đi xe lửa...
- Dù sao các ông cũng giỏi lắm! - Linh mục khen.
- Chúng tôi trở về bằng các toa xe Xtôlưpin. Chỉ có ba người đến đích. Về thành tích này mỗi người được thưởng hai ngàn. Sáu và hai là tám... Rồi mình chuyển về Matxcơva. Ở đấy, mình được coi là một chuyên gia xuất sắc về đường hầm, các bạn mời mình làm một việc lớn. Mình đào một đường hầm đặc sắc, nhưng xong đến nơi thì nó đổ sụp... Ba người chết. Riêng mình còn sống, vì thế tất cả phần thưởng - bảy ngàn - mình được hưởng. Và giấy đi đường về Xverdlôpka... Bảy và tám trước đó là mười lăm. Đúng không?
- Đúng! - Batsana đồng ý.
- Bây giờ mình ở Tbilixi. Đến được ba ngày rồi. Hiện giờ mình chưa có việc làm nhưng nghe nói ở đây khối việc cho mình làm... Còn mình nghĩ thế này: Có nên về hưu không? Thây kệ mọi sự đời, cần nghỉ ngơi... Thế nào? Mình mệt mỏi, người anh em ạ, mệt mỏi rồi... - Ambôkatzê thở dài nặng nề.
- Cậu nghĩ ra điều đó không còn gì hay hơn được nữa! - Batsana mừng rỡ. - Phải rồi, về hưu đi! Quyết định đi! Mình sẽ làm tất cả những gì cậu muốn! Có phải xuống mồ mình cũng cam lòng, miễn là cậu quyết đi! Mình van cậu đấy! Cậu không có nhà ở ư? Ở nhà mình! Vahô, bạn thân mến, hãy hứa là bạn sẽ về hưu! - Tiếng Batsana run lên.
- Ơ kìa ông Batsana Akakiêvits, ông ấy về hưu là thế nào! Người khỏe hơn cả con bò giống thế kia kìa! - Cha Iôram kêu lên.
- Nghề của tôi quá gian nan, cha ạ! - Ambôkatzê mỉm cười cay đắng. - Ba mươi trong số bốn mươi nhăm năm của đời tôi, tôi ở trong nhà kín hay ngầm dưới đất...
- Đã đành, - Linh mục đồng ý, - xây dựng đường hầm là việc vất vả, nhưng cao quý!
- Hẳn cha không ưng, chứ không thì tôi sẵn lòng đổi nghề với cha! - Ambôkatzê nhếch mép cười.
- Vahô, cậu nói điều đó lần thứ hai rồi! - Batsana nhắc nhở.
- Bây giờ thì thế là hết! Mình mệt mỏi rồi! Mình muốn, như Ietim Gurgi đã nói, chết ở Tbilixi thân thương! Cậu nhớ chứ.
Tbilixi thành phố thân thương
Đứa con hư vẫn như xưa gắn bó cùng Người
- Cẩn thận đấy, Văctang, lời nói là lời nói!
- Đúng, Batsô, lời nói là lời nói! - Ambôkatzê đứng lên - Thuốc đây! - Anh ta giở cái gói và trút xuống giường một đống thuốc tiêm, thuốc viên và thuốc bột. - Đây là atêrôit đây là intênxait, đây là panangin, đây là korđarôn, penitrat, perxartin đây là eranđin, punxnorma, xuxtăc, còn đây là thuốc cho người điên: valium!
- Vahô, cậu hóa rồ rồi! Ở đâu ra những thuốc như thế này? - Batsana ngạc nhiên há hốc mồm.
- Nghe thấy không, thưa cha? Suốt đời cứ như thế! Người ta chỉ làm có mỗi một việc là hỏi tôi các câu ngớ ngẩn ấy: ở đâu ra, ở đâu ra! Có ma quỷ biết được ở đâu ra! Nhận lấy, có thế thôi!
- Phải, nhưng đây là những thuốc đắt tiền... Rất đắt! - Batsana trầm ngâm thốt lên và bắt đầu trân trọng xem từng thứ thuốc bột và ống thuốc tiêm, như thể trước mắt ông là một kho báu.
- Chuyện đó mặc cho kẻ nào trả tiền thuốc nghĩ đến, cậu bận tâm làm quái gì?
Ambôkatzê đùa, đánh trống lảng.
- Cha cũng bị nhồi máu tim ư? - Anh ta hỏi linh mục.
- Nhồi máu và tất cả các bệnh khác trên đời! - Cha Iôram thở dài.
- Nếu vậy, một khi hai người cùng ở một phòng bệnh và cùng ăn với nhau thì kính thưa cha, một nửa tài sản này là của cha. Luật lệ là luật lệ!... Thôi, tôi đi đây, thời gian của tôi hết rồi! Còn bệnh cúm của cậu thì mình cóc sợ!
Ambôkatzê ôm Batsana và ghì chặt vào ngực mình.
- Từ biệt cha! - Anh ta nói với cha Iôram và đi nhanh ra cửa.
Đến cửa, anh ta quay lại và chăm chú nhìn Batsana bằng đôi mắt đẹp tuyệt trần và buồn rầu. - Này, Batsô, đừng có ý định chết đấy nhé!
Ambôkatzê phá lên cười và đóng sập cửa lại.
- Người tín đồ cơ đốc cao quý ấy làm nghề gì vậy, thưa ông Batsana? Tôi thậm chí chưa kịp cảm ơn ông ta! - Cha Iôram hỏi.
- Ăn cắp, thưa cha! Kẻ cắp chuyên nghiệp! - Batsana đáp và nuốt nước mắt ứa lên.

Chương 19


Batsana cho ô tô dừng lại bên vệ đường.
Các ngọn đồi và đồng ruộng Xamađơlô [74] ngập dưới lớp tuyết dày. Xung quanh không một bóng người. Trong một xã ở đằng xa, khói bốc cao trên các ngôi nhà, bồng bềnh như những đám mây trắng lướt lên bầu trời xanh trong, ghép thành hình dạng rắc rối. Những cây cối trơ trụi rải rác đây đó trên cánh đồng, nom như những người tình héo hắt vì đau buồn, không sao gặp được nhau, giang tay với gọi nhau.
Batsana ra khỏi xe, bắt đầu xem xét lốp xe. Marya bỏ áo lông, cũng ra ngoài, và không nói gì, bắt đầu chạy trên cánh đồng phủ tuyết.
- Em đi đâu đấy?! - Batsana thét gọi.
Marya không đáp. Nàng chạy, chân thụt trong tuyết ngập đến đầu gối. Chân đi đôi ủng cao màu đỏ, vai choàng chiếc khăn san rộng, sặc sỡ, bản thân nàng giống như một bông hoa khổng lồ. Batsana sung sướng và tự hào nhìn bông hoa sống ấy đang len lỏi trên tuyết, bởi vì ông biết bông hoa ấy là của ông, chỉ của ông thôi, không thuộc về ai hết.
Marya bỗng cúi xuống, hai tay vốc tuyết rắc lên đầu.
- Batsana, lại đây! - Nàng gọi.
Batsana cởi chiếc áo ngắn bằng da lông, ném vào xe và đi theo vết Marya. Đột nhiên ông muốn chạy, vùng vẫy trong tuyết. Đến gần Marya, ông đỡ lấy nàng, bế bổng lên, quay tròn, rồi cả hai cùng ngã nhào, vùi mình trong tuyết. Mặt nóng bừng bừng, tai và mắt bị tuyết lấp đầy, họ lăn lộn trong tuyết một lúc lâu, thở hồng hộc và cười. Cuối cùng, mệt lử, họ nằm vật ngửa ra và im lặng. Marya nằm dang rộng hai tay. Mái tóc đen nhánh của nàng xõa tung trên tuyết, bộ ngực phanh trần phập phồng nhô cao. Lúc này, nàng giống như con dama bị săn đuổi ngã trên tuyết.
Batsana mê thích nhìn khuôn mặt kiều diễm của Marya, rồi không cầm lòng được, ông đưa hai tay ghì chặt lấy đôi tai lạnh giá, nhỏ như vỏ sò của nàng và áp mặt vào đôi môi nóng hổi. Bây giờ họ cùng chung một hơi thở, cùng chung một cuộc đời. Họ nằm một lúc lâu, không động đậy, lắng nghe tiếng đập rộn vang của hai trái tim điên dại.
- Đứng dậy! - Marya bỗng đẩy Batsana ra và nói.
Batsana đứng lên.
- Quay đi.
Batsana tuân lời. Khi ông quay về phía Marya, ông không tin ở mắt mình nữa: Marya khỏa thân đứng trước ông như ảo ảnh của một thiên thần hoàn mỹ đẹp huyền diệu.
Batsana nheo mắt, rồi lại mở mắt ra, Marya nằm trong tuyết, tựa như ngủ. Ông quỳ gối, luồn hai tay xuống dưới vai nàng, hôn vào ngực nàng và thì thầm:
- Em làm gì thế, em ngốc nghếch ơi, cảm lạnh mất đấy...
- Hai năm nay em đợi cái ngày này... Bây giờ mặt trời của em ở bên em... Anh nói chuyện cảm lạnh gì kia chứ? - và Marya ôm lấy Batsana...
... Rồi mặt trời hạ xuống trái đất, đi qua cánh đồng Xamađơlô phủ tuyết, đắp tấm chăn trắng ấm áp lên hai con người dòng dõi Ađam, nằm ghé xuống phía đầu giường họ và ru họ, cho đến khi giấc ngủ ngon lành tuyệt trần làm mi mắt họ nhắm nghiền lại, khi đó mặt trời lại trở về vùng trời trong suốt sáng như gương.
... Batsana chồm dậy, hốt hoảng nhìn xung quanh cánh đồng phủ tuyết lấp lánh ánh nắng. Chỉ có họ với nhau: Marya, Batsana và mặt trời.
Batsana đâm bổ tới xe ô tô, lấy tấm áo da lông, chạy trở lại với Marya, bọc nàng trong tấm áo lông và bế nàng ra xe.
Lát sau, họ đã xuống dốc trên con đường vằng vẻ, đi về Tbilixi.
Batsana nhớ đến những câu thơ Marya đã đọc trong sân nhà thờ Savnabađa.
Mặt trời thân thương,
Đừng ẩn mình sau núi!
Bạn thấy đấy, ở đây một thiếu nữ đang cóng rét,
Hãy lấy thân mình sưởi ấm cho nàng!
Mau mau ôm lấy con bồ câu xinh xắn,
Nói với nàng một lời về tình yêu.
Người đẹp không thể chờ đợi,
Nàng sẽ đi tìm một trang anh tài khác!
Marya ngồi ở ghế sau và khóc. Nhưng đấy không phải là tiếng khóc của người phụ nữ tủi cực, bị lăng nhục. Đấy là một cái gì hoàn toàn khác: sự vĩnh biệt một cái gì lạ lẫm, bí ẩn và không thể hiểu được đối với Batsana. Bằng trực giác, ông đoán ra điều đó, vì vậy ông cố không an ủi Marya đang khóc.
Một cậu bé và một cô bé, sắc đeo vai, từ trường nội trú Kogioocxki trở về, đứng ngây ra tại chỗ, sửng sốt vì cảnh tượng lạ thường.
- Xem kìa, Nachya! - Chú bé kêu lên, chỉ tay. Trên cánh đồng Xamađơlô, tuyết rực lên ngọn lửa màu thanh thiên trong suốt.
* * *
Batsana tìm thấy một lá thư gài vào tay nắm cửa. Linh tinh biên tập viên bảo ông rằng đấy là thư nặc danh. Ông bỏ lá thư vào túi, mở cửa, vào phòng, ngồi vào bàn và sau đó mới mở phong bì.
Đúng là thư nặc danh, thêm nữa lại được minh họa bằng những ảnh khiêu dâm.
Hàng trăm lá thư nặc danh đã qua tay Batsana. Nhưng về sự trâng tráo và hèn hạ, lá thư hiện ông đang đọc vượt hẳn tất cả những gì ông đã từng gặp trong những lá thư tương tự.

“Kính gửi ông Batsana Akakiêvits!
Chúc mừng ông vì ngọn đèn đỏ đã xuất hiện trên cửa nhà ông. Một ả dâm đãng nổi tiếng, sư mẫu của tất cả các con đĩ ở Tbilixi, đã vớ được ông, thế là nó lại tìm được thêm một con bò sữa có sừng nữa (hỡi ôi, không thể gọi ông là con bò đực được! ). Liệu có gì đáng ngạc nhiên khi ả đàn bà đó - một bó bệnh hoa liễu - hiến cho ông một cách hậu hĩ như thể tình yêu của ả?! Đối với ả, tình yêu là thứ thức ăn chăn nuôi hỗn hợp mà ở các trại gia súc người ta cho bò cái ăn để lấy được nhiều sữa hơn. “Sữa” ấy rồi sẽ cạn, kính thưa ông Batsana, và khi ấy sẽ muộn mất nếu muốn loại bỏ ngọn đèn đỏ hiện đang trang hoàng nhà ông và dưới ánh sáng của nó, hiện ông đang đọc lá thư này, thư nặc danh, nhưng được viết ra do lòng thương chân thành đối với ông. Hãy giữ gìn uy tín của mình!...”

Batsana đặt lá thư sang một bên, lau mồ hôi lạnh vã ra trên trán. Lúc đọc lá thư, trong tai ông âm vang một tiếng nói quen thuộc, rất quen thuộc. Dường như bức thư do phụ nữ viết, nhưng Batsana cảm thấy như có một bàn tay đàn ông mạnh mẽ đóng vào ý thức ông, như đóng đinh, từng lời của bức thông điệp man rợ này. Đóng sâu và chắc đến nỗi có lẽ Batsana không bao giờ có thể thoát khỏi chúng. Nhưng tiếng nói!... Ông đã nghe thấy tiếng nói ở đâu, khi nào? Trời ơi, mong sao nhớ ra được!... Vẫn không sao nhớ ra, Batsana bắt đầu xem kỹ những tấm ảnh chụp... Khó lòng tưởng tượng nổi những tấm ảnh đáng ghê tởm và trơ trẽn hơn! Đồng thời... nghi ngờ “tính nguyên bản” của các bức ảnh nghĩa là thừa nhận thiên tài của sự giả mạo... Mắt Batsana tối sầm lại, có tiếng gõ hai bên thái dương. Khi ông tưởng như ánh sáng sắp tắt hẳn thì trong bóng tối dày đặc bỗng lóe lên một tia hy vọng. Trên một bức ảnh, ông thấy...  Marya trần truồng. Và chính bức ảnh đó là sự giải cứu đối với Batsana và là bằng chứng hiển nhiên bóc trần sự giả mạo: Batsana không nhận ra thân thể Marya. Người phụ nữ có khuôn mặt của Marya trên ảnh không phải là Marya!
Batsana ném những tấm ảnh xuống bàn... Ông nhớ lại Marya quỳ trước tượng Đức mẹ, rồi trước cái nhìn trong tưởng tượng của ông hiện lên cánh đồng Xamađơlô phủ tuyết trắng tinh khôi, và Batsana bỗng căm thù cả thế gian... Lòng trống rỗng và mệt lử, ông đưa tay với ống điện thoại để gọi điện cho một người nào trong số bạn bè, chuyện trò cho vơi nỗi đau. Nhưng ông không thể nhớ ra một số điện thoại nào, thậm chí không thể nhớ ra là nói chung ông có lấy một người bạn nào không... Batsana đặt ống nói xuống.
* * *
Một tuần sau khi nhận được bức thư nặc danh, Batsana và Marya ngồi trong căn phòng nhỏ xíu của hiệu ăn Xôlanluc. Trên bàn có hai chai rượu vang, một chảo khoai rán và một bình hồ đào đã bóc vỏ - món ăn Marya ưa thích.
Batsana im lặng, Marya tự nhận là người chủ trì bữa tiệc, nàng nói luôn miệng - về thơ ca, lịch sử, nghệ thuật, về cá heo, về tinh tú, về đĩa bay, về tình yêu, về sự bất tử, về sự đầu thai của linh hồn. Batsana uống rượu.
Nếu đồng ý với Marya thì ông gật đầu, không đồng ý ông cũng không tranh cãi. Ông lẳng lặng nhìn đôi mắt to, ngời sáng ánh lửa tình yêu của Marya và uống rượu. Marya không phải không nhận thấy vè đăm chiêu của Batsana, nhưng nàng không hỏi gì, chỉ thỉnh thoảng ngừng lời, hỏi:
- Anh vẫn nghe em đấy chứ, anh yêu quý?
Batsana gật đầu và Marya nói tiếp. Trong lúc đó, Batsana theo đuổi ý nghĩ riêng: không phải nghĩ về dĩ vãng hay ương lai của Marya, không phải về lòng thành thực và chung thủy của nàng, về sắc đẹp và trí thông minh của nàng. Một ý nghĩ duy nhất choán hết tâm trí giày vò ông, làm ông khiếp sợ: có đưa cho Marya xem bức thư nặc danh hay không, bức thư hiện nằm ở túi áo trong của ông và gây bỏng rát như miếng sắt nung đỏ. Marya rót rượu vang đầy cốc và bỗng hỏi:
- Tại sao anh không hỏi về dĩ vãng của em?
Batsana giật mình.
- Em bảo gì kia? - Ông hỏi lại để có thời giờ tìm câu trả lời.
- Em hỏi: chẳng lẽ anh không quan tâm đến dĩ vãng của em ư? Chúng ta yêu nhau ba năm nay rồi, vậy mà không lần nào anh hỏi em sống thế nào trước khi đến với anh...
- Anh không quan tâm, cho nên anh không hỏi, - Batsana đáp, đưa mắt nhìn đi nơi khác.
- Không đúng... Anh rất quan tâm đến chuyện đó, quan tâm lắm lắm, nhưng anh không hỏi! Tại sao? Anh chờ em tự ý kể hết với anh chứ gì? Phải thế không?
Batsana cúi đầu.
- Anh sợ, anh thân yêu. Và sợ là đúng... Chính em cũng sợ... - Marya nhắp một ngụm rượu vang, thấm ướt cặp môi đã khô hẳn đi vì xúc động. - Em còn sợ nhiều hơn anh. Không phải em sợ mất anh, mà sợ nhớ lại dĩ vãng.
- Marya, ta đừng làm cho buổi chiều nay mất vui... - Batsana năn nỉ.
- Đằng nào thì cũng mất vui rồi... Ngay từ sáng kia... Nói đi, anh thân yêu, có chuyện gì xảy ra? Em nhìn thấy và cảm thấy hết...
- Chẳng có gì đâu, thề có em chứng giám!
- Anh thề thốt đến là dễ dàng! - Marya mỉm cười. Nàng nâng cốc, nhìn qua cốc rượu vang đưa ra trước ánh sáng, rồi nói khẽ: - Ta uống mừng người nào chết trước trong hai chúng ta!
- Marya, anh xin em, đừng biến buổi chiều nay thành lễ cầu hồn... Ban nãy em vui lắm kia mà, có chuyện gì xảy đến với em vậy?
- Uống đi!
Batsana uống. Marya lại rót.
- Bây giờ hãy nghe em nói. Trong đời em, em đã chết năm lần và sống lại cũng đã ngần ấy lần. Lần đầu em chết trong sợ hãi và sống lại trong cô đơn... Lần thứ hai em chết trong cô đơn và sống lại trong tình trạng giả tảng... Lần thứ ba, em chết trong sự giả tảng và sống lại trong trạng thái vô tư lự... Lần thứ tư em chết trong tình trạng vô tư lự và sống lại trong căm hờn... Lần thứ năm em chết trong căm hờn và sống lại trong tình yêu... Bây giờ em sống bằng mối tình lớn lao trùm lấp hết thảy và em biết rằng em sẽ chết trong tình yêu. Đấy sẽ là lần chết cuối cùng của em... Sau lần chết này, không bao giờ em còn sống lại nữa... Em sẽ biến mất, hòa tan trong tình yêu vĩnh cửu... Vì thế, em chẳng tính gì đến chuyện bao giờ em sẽ chết... Em không sợ chết... Em uống mừng lần chết thứ sáu, lần chết cuối cùng của em!
Marya uống cạn chén rượu và nhìn vào mắt Batsana.
Batsana nhìn người phụ nữ tuyệt diệu ấy và không biết trả lời nàng thế nào. Bắt đầu một tình trạng im lặng ngượng ngịu kéo dài. Batsana có cảm giác căn phòng chia làm hai phần: Marya ở một phần, còn ông ở phần khác. Bên phía Marya tràn đầy không khí, sức ấm, sự sống và tình yêu, còn ông ở trong chỗ trống rỗng ghê rợn, đáng kinh hoàng, trong khoảng chân không. Để khỏi chết ngạt, ông đứng nhanh dậy, đi vòng qua bàn, đến ngồi cạnh Marya, ôm lấy nàng và ngả đầu vào ngực nàng, như dựa đầu vào cái cây đời mãi mãi xanh tươi...
Marya hôn tóc Batsana và nói bằng giọng hết sức bình tĩnh:
- Nói cho em biết đi, có chuyện gì làm anh khổ tâm?
Batsana lấy ở trong túi ra chiếc phong bì có lá thư nặc danh và những bức ảnh khiêu dâm, tay run run đặt trước Marya. Nàng nhìn chiếc phong bì một lúc lâu, rồi mở ra. Thoạt tiên Marya chăm chú xem những tấm ảnh, rồi đọc thư.
Batsana nhìn không dứt vào mặt nàng, song không nhận thấy một mảy may diễn biến nào. Nhưng, đọc xong lá thư, Marya ngước đôi mắt to lên nhìn Batsana và ông hiểu mình đã phạm một sai lầm tai hại như thế nào. Trong mắt Marya, thay cho sự phẫn nộ, ghê tởm hay căm thù, ông chỉ thấy sự thương hại sâu xa đối với hai kẻ hèn mọn: kẻ viết bức thư nặc danh và chính Batsana.
Marya đứng lên.
- Sự cô đơn đẩy người phụ nữ vào con đường lầm lạc. Đàn ông cũng thế. Vì vậy hãy gắng đừng bao giờ để mình bị cô đơn.
* * *
Một giờ, hai giờ, rồi sang giờ thứ ba, Batsana ngồi trong hiệu ăn, nhưng Marya vẫn không trở lại. Lòng tự hào của người phụ nữ phi thường này vượt qua mọi sự mong đợi của Batsana.
- Cái bà... ê - ê... bà cùng đi với ông đã ra về lâu rồi... - Người phục vụ bàn ăn lúng ta lúng túng, cuối cùng đánh bạo nói với ông.
- Vâng, vâng, tôi biết. - Sửng sốt, Batsana đáp.
- Xin ông thứ lỗi... nhưng hiệu ăn đã đến giờ đóng cửa... Nếu ông...
- À vâng, tất nhiên, xin lỗi... Tôi phải trả bao nhiêu?
Batsana trả tiền, không nhìn bản thanh toán. Người phục vụ lui ra.
Batsana xé vụn bức thư và những tấm ảnh, ném vào cái gạt tàn và đánh bật lửa. Thoạt tiên những mảnh giấy ảnh bốc cháy, Batsana chăm chú quan sát một lúc những hình người phồng rộp lên, tan ra và biến thành tro. Cái gạt tàn khiến ông liên tưởng đến một địa ngục nhỏ xíu. Khi ngọn lửa bao trùm cả lá thư nặc danh. Batsana lại nghe thấy cái tiếng nói quen thuộc. Ông lặng người đi.
Lá thư nói bằng tiếng của Xanđrô Maglapêritzê.

Chương 20


Cha Iôram được ra viện vào thứ hai, nhưng ông dứt khoát không chịu ra trước thứ ba.
Đêm ấy đã in sâu vào trí nhớ Batsana suốt đời.
Gần nửa đêm, cha Iôram nằm trên giường trở dậy và rón rén đến gần giường Batsana. Batsana giả vờ ngủ.
- Batsana Akakiêvits - Linh mục thì thầm gọi.
Batsana không động đậy. Tin chắc Batsana ngủ, linh mục quỳ xuống.
- Lạy Chúa vĩ đại! - Cha Iôram thốt lên và làm dấu thánh! - Đấng cứu thế của chúng con! Thưa thánh mẫu đồng trinh Marya! Nằm trước mặt Chúa và Mẹ là kẻ nô lệ của Chúa, Batsana Ramisvili, vậy mà chính ông ta không biết rằng ông ta là con của Chúa, là linh hồn của Chúa và lòng từ tâm của Chúa... Xin đừng giận ông ta khi ông ta làm những việc của Chúa nhân danh những người khác. Xin đừng giận, vì ông ta không biết rằng vị thượng đế mà ông ta tin, đã nảy sinh trong lòng Chúa và theo ý Chúa... Lạy Chúa quyền pháp vô biên, xin Chúa phù hộ và che chở cho ông ta và cho ông ta sống lâu hơn một chút trước khi đến trước Chúa, bởi vì ông ta càng sống lâu trên thế gian này thì sẽ càng gieo được nhiều hạt giống của điều thiện và lòng nhân từ trong thế giới do Chúa tạo lập nên. Đối với Chúa thì có khác gì đâu, cho dù nhân danh ai mà hòa bình, công lý, sự chính trực và điều thiện được xác lập trên trái đất này? Mà nếu do số mệnh xui khiến, tên của Chúa phải bị chối bỏ thì công tích của Chúa sẽ lưu lại đời đời, như thế cũng được... Hới Thánh linh Ba Ngôi, sao đấng thiêng liêng lại gieo mầm sự sống và thổi linh hồn bất tử vào con người? Nào đâu có phải vì háo danh, vì tên tuổi và vinh quang của Chúa! Lẽ nào Chúa phủ nhận sự đổi mới linh hồn và lý trí của dòng dõi Ađam?... Đức Chúa mà ông ta phụng thờ thật vĩ đại và uy quyền, bởi vì không thể tin vào sự nghiệp mình hiến thân phục vụ mà không phải là do ý Chúa... Ông ta, Batsana Ramisvili, đang nằm đây trước mặt Chúa, và con, hạt bụi từ chân Chúa, hạt cát của lòng bao dung vô bờ bến của Chúa!... Nếu ông ta phải chết do ý Chúa thì xin hãy thu lấy thể xác và linh hồn con thay thế cho ông ta, bởi vì con không đủ khả năng đè bẹp vị Chúa khác trong ông ta và cảm hóa ông ta tin ở Chúa của con!...
Cha Iôram đứng lên, làm dấu cho Batsana ba lần, rồi tháo cây thánh giá nhỏ đeo ở cổ, thận trọng luồn xuống dưới gối của Batsana, rồi đi nằm...
Batsana mãi không ngủ được... Khi ông thức giấc thì cha Iôram không còn trong phòng bệnh nữa.
Cha đã đi lúc tảng sáng...
* * *
Một tuần sau, Batsana rời khỏi bệnh viện. Cuộc chia tay với các nhân viên y tế thật cảm động. Bác sỹ phụ trách phòng bệnh và chị y sĩ Giênya thậm chí còn khóc, dường như họ lấy làm tiếc khi thấy một người đã bình phục, rời khỏi bệnh viện.
Trước hôm đó, Giênya đã tạt vào phòng bệnh của Batsana. Chị cắm vào lọ ba bông cẩm chướng trắng và ngồi xuống ghế. Batsana tưởng Giênya đến từ biệt, ông mỉm cười chờ đợi. Nhưng Giênya im lặng.
- Bắt đầu đi, Giênya!
Giênya ngập ngừng.
- Ờ, thế thì tôi bắt đầu trước vậy!
Batsana đứng lên, tới gần chị y sĩ và hôn tay chị.
- Giênya thân mến, đang lý tôi phải đem hoa tặng chị, nhưng tôi mong chị y sĩ nhân hậu tha thứ cho sự bất nhã này của người bệnh thô lậu và vô ơn.
- Batsana Akakiêvits, - Giênya ngắt lời Batsana, - trong thời gian ông ốm, ngày nào cũng có một phụ nữ đến đây... Một phụ nữ rất xinh đẹp... hỏi thăm sức khỏe ông... Đúng thế...
Batsana nghẹn thở.
- Người phụ nữ nào, Giênya? - Ông hỏi, tuy đã biết rõ hết.
- Chị ấy năn nỉ tôi đừng nói với ông...
- Tên chị ấy là gì?
- Tôi không biết... Ngày nào chị ấy cũng đến và cứ khóc hoài... Ông không đoán ra chị ấy là ai à?
- Tôi đoán ra rồi, Giênya ạ...
- Chị ấy yêu ông lắm... Chị ấy để lại lá thư, nhờ tôi chuyển đến ông ngày ông ra viện... Thư đây...
Batsana cầm lấy lá thư, cố nén xúc động, bắt đầu xem từng bông cẩm chướng trong lọ.
- Chị ấy yêu ông lắm, ông Batsana Akakiêvits ạ!
- Cảm ơn chị, Giênya!
- Chị ấy rất tốt, rất xinh, ông Batsana Akakiêvits ạ!
Đôi mắt tô lông mày màu đen của Giênya ứa lệ.
- Chính chị là một phụ nữ rất tốt và rất xinh, chị Giênya ạ! - Batsana hôn tay chị y sĩ lần nữa.
Giênya vội đứng dậy và ra khỏi phòng bệnh.
Batsana nằm xuống giường và tay run run mở phong bì.

“Anh yêu quý của em!
Bây giờ, khi Chúa đã nghe thấy lời cầu nguyện của em và ban cho em cuộc đời anh, em muốn - không phải để mong được thông cảm và tha thứ - khóc với anh cho vợi nỗi đau của em, nỗi đau mà em cho rằng cả kho tai họa và bất hạnh của nhân loại cũng không chứa chất nổi, vậy mà chỉ một tờ giấy này lại chứa đựng hết...
Hai mươi năm trước, không có đứa trẻ nào thông minh và xinh đẹp hơn em... và phải chịu một sự giáo dục tệ hại hơn em... Cha mẹ em đã tiêu phí bạc triệu để làm cho em trở thành bất hạnh... Chưa bao giờ em thừa nhận sự bảo trợ của ai, chưa bao giờ em cần những “người đưa tiễn”, dù là ở trường hay ở đường phố. Rồi có một lần, em lên xe ô tô của “những người đưa tiễn” - họ cứ vật nài em lên, thế là... đời em đi đứt và tên em không còn ra gì nữa... Em kể chuyện đó lần đầu tiên, trước Chúa và anh... Em bị đóng đinh câu rút trên cây thập tự trong rừng Tsipgômbo, và cho đến giờ, tuổi trẻ của em vẫn bị treo ở đó, trước cây thập tự cháy xém...
Sau đó, em vẫn sống, vui cười và khiêu vũ... Em đã sống đến ngày nay. Và bỗng nhiên em dừng lại. Em nhớ đến Chúa và làm dấu thánh. Giờ đây, em quỳ trước mặt anh và van xin anh. Hãy tiếp nhận lễ vật của em, hãy tiếp nhận tâm hồn em, một tâm hồn đã qua những cực hình địa ngục và suốt trong những năm ấy luôn luôn hướng về anh... Em cầu chúc cho cái địa ngục ấy, vì con đường đó hóa ra lại dẫn đến anh...”.

Giá lúc đó bác sĩ lấy điện tâm đồ của Batsana thì ông còn phải nằm viện lâu.
Batsana uống hai viên xêđuxen và cầu xin trái tim mình hồi tỉnh lại. Rồi ông lại bị bao trùm trong một đám mây hồng và ngủ thiếp đi. Đây là lần đầu tiên trong suốt thời gian lâm bệnh, ông ngủ không mộng mị.
Buổi sáng, sau khi từ biệt mọi người, Batsana xuống tầng dưới gặp giáo sư. Giáo sư ngồi ở chiếc bàn viết đồ sộ và chăm chú xem xét cái gì bằng kính lúp. Thoạt tiên Batsana không hiểu giáo sư đang mải làm gì, nhưng khi hiểu ra, ông lạnh cả người đi: trên bàn trước mặt giáo sư là một mô hình nhiều màu và hình dạng khác nhau... mô hình tim nhân tạo. Batsana váng vất trong người, đến nỗi ông vội ngồi xuống chiếc ghế cạnh cửa. Giáo sư ngẩng đầu lên, ngạc nhiên nhìn Batsana. Nhận ra Batsana, ông gạt những trái tim bằng chất dẻo sang một bên đứng lên và tới gặp Batsana.
- Hết sức vui mừng được gặp đồng chí Batsana Akakiêvits, nhất là đồng chí lại quá bộ, như người ta thường nói, hạ cố đến thăm tôi!
Hai người siết chặt tay nhau...
- Đồng chí làm sao thế? - Giáo sư chột dạ. - Tay đồng chí lạnh băng!
Batsana không thể rời mắt khỏi những mô hình nằm trên bàn. Giáo sư hiểu hết, vội đến gần bàn, rút ngăn kéo ra và bằng một cái gạt tay, dồn tất cả mô hình xuống đấy.
- Cho tôi valêrianka, nếu có thể được... - Batsana thốt lên một cách khó nhọc.
Giáo sư lấy trong chiếc tủ con ra một lọ valêrianka, nhỏ vào cốc mấy giọt, cho thêm nước và đưa cái cốc cho Batsana.
- Uống đi, và vì Chúa, xin đừng bận tâm gì hết.
Giáo sư bắt mạch Batsana.
- Không có gì đáng sợ, sẽ qua ngay thôi.
Batsana dần dần yên tâm.
- Cái gì thế, thưa giáo sư? - Rút cuộc ông hỏi.
- Có gì đặc biệt đâu... Đồng chí cảm thấy trong người thế nào?
- Cám ơn, qua rồi...
- Tốt lắm. Xin mời đồng chí sang ngồi chiếc ghế bành này... Ta sẽ nói những chuyện dễ chịu.
Giáo sư để Batsana ngồi trong chiếc ghế bành lút sâu. Im lặng một lát, Batsana lại hỏi:
- Thế thưa giáo sư, cái đó là có thực ư? Tim nhân tạo ấy mà?
- Hãy cứ cho là có thực... Đã bốn năm nay, một con bê sống bằng tim nhân tạo... Và đó là điều đáng cho đồng chí vui mừng, chứ không phải là buồn rầu... Số là việc cấy tim sống chưa đem lại kết quả mong muốn. Bệnh của đồng chí là bệnh của mạch máu đúng hơn là của chính trái tim, thành thử sau một thời gian nhất định, bất cứ trái tim lành mạnh nào đem cấy cũng có thể bị nhồi máu và suy động mạch vành... Hiện thời tim nhân tạo là con đường chắc chắn nhất. Điều đó chính Krixchian Becna cũng thừa nhận... Thôi, lúc khác ta hãy nói chuyện ấy! - Giáo sư phảy tay. - Thú thực tôi tưởng đồng chí đã ra viện và không từ biệt tôi, tôi đã giận đấy... - Ông vừa cười vừa vỗ vào đùi Batsana.
- Bởi thế tôi mới qua thăm giáo sư. Trước hết, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm săn sóc của giáo sư. Sau nữa, xin giáo sư thứ lỗi vì giáo sư đã phải qua những đêm không ngủ, túc trực bên giường tôi. Cuối cùng, tôi muốn ngợi ca nghề nghiệp và đôi tay vàng ngọc của giáo sư!... - Batsana rất muốn ôm hôn thắm thiết con người tuyệt vời này, trên gương mặt hơi thô, nghiêm nghị của ông, đôi mắt mệt mỏi ánh lên vẻ đôn hậu và thông minh.
- Chẳng việc gì phải cảm ơn tôi, còn tôi cảm ơn đồng chí về những lời khen ngợi đó!
- Tôi không biết lấy gì đền ơn giáo sư... Những gì giáo sư đã làm cho tôi thì không sao đền đáp được... Vì vậy, chỉ xin giáo sư cho tôi được quyền yêu quý giáo sư như một người anh của tôi, như một người thân thiết...
- Cám ơn!
Giáo sư cảm động và ngượng ngập vì những lời Batsana nói.
- Cám ơn! - Giáo sư nhắc lại và vô tình rút ngăn kéo bàn viết ra, nhưng nhớ tới phản ứng của Batsana, ông đóng ngay lại. Batsana phá lên cười.
- Thấy chưa, đồng chí đã quen rồi đấy! - Giáo sư thốt lên và cũng cả cười.
- Thì còn biết làm thế nào nữa? - Batsana giang hai tay ra.
- Đồng chí sẽ không cần dùng đến tim nhân tạo, nếu đồng chí nhất nhất làm đúng mọi chỉ dẫn của tôi! - Giáo sư nói và đặt đôi tay hộ pháp lên bàn.
- Xin tuân lời! - Batsana đáp một cách ngoan ngoãn.
- Thuốc lá, bỏ! Rượu vang và vôtka, chừa! Món ăn có mỡ, kiêng! Thức đêm, phải tránh! Đàn bà, kiêng!
- Thế thì còn gọi là sống thế nào được? - Batsana buồn xịu, hỏi.
- Nhồi máu cơ tim trừ đi những kiêng kị kể trên, đó là đời sống! - Giáo sư nói dằn từng tiếng, nêu rõ cái công thức hết sức đơn giản về cách sống của Batsana từ nay trở đi.
- Như thế đến bao giờ? - Batsana hỏi bằng giọng của người chết đuối vớ được cọng rơm.
- Hai năm đầu, bắt buộc phải theo. Hai năm sau thì nên theo, hai năm sau nữa thì tùy ý... Tôi không dọa đồng chí đâu, Batsana Akakiêvits ạ, nhưng đồng chí nên hiểu rằng đồng chí bị nhồi máu cơ tim trong phạm vi rộng, không thể đùa với nó được... Chăm sóc tim một cách thích đáng nó sẽ hoàn toàn hồi phục và sẽ còn phục vụ đồng chí lâu bền như từ trước đến nay. Nhưng cần gìn giữ nâng niu nó... Trái tim thích được nâng niu...
- Tôi hiểu, thưa giáo sư... Còn bây giờ xin từ biệt... - Batsana đứng lên.
- Từ biệt, Batsana Akakiêvits! Hãy quên hẳn bệnh viện chúng tôi đi, và cầu trời cho đồng chí không bao giờ phải nhờ cậy đến tôi nữa! Tất nhiên hiểu theo nghĩa là nhờ đến bác sĩ! - Giáo sư nói thêm.
- Từ biệt giáo sư ra về, tôi hết sức hài lòng... Thưa giáo sư Nôđa Grigôriêvits, đối với tôi hai tháng ấy có giá trị bằng cả cuộc đời tôi!
- Tôi không hiểu đồng chí...
- Con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời. Như vậy người đó sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại một cách tỉnh táo và bình tĩnh toàn bộ quãng đời đã qua. Hiểu theo nghĩa ấy, bệnh viện đã đem lại cho tôi một sự giúp đỡ vô giá.
- Theo tôi, con đường đời của đồng chí không cần phân tích lại và đánh giá lại.
- Đồng chí tưởng như thế ư? - Batsana mỉm cười.
- Ít nhất là theo con mắt người ngoài thì cũng có vẻ là như vậy.
- Hai tháng trong bệnh viện của giáo sư là thời gian tôi có được những khám phá kì lạ!
- Đồng chí khám phá được cái gì kì lạ đến thế kia?
- Một quy luật của muôn đời.
- Hừ...ừm... Nếu vậy thì quy luật đó phải có dạng một công thức nào đó, phải thế không?
- Tất nhiên rồi!
- Có thể đồng chí sẽ cho tôi biết công thức ấy chứ? Tôi cam đoan với đồng chí rằng tôi không có ý định chiếm đoạt nó hay nhận mình là đồng tác giả! - Giáo sư nói đùa.
- Thưa giáo sư Nôđa Grigôriêvits, thực chất của quy luật ấy là thế này... Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống...
Giáo sư ngạc nhiên lắng nghe Batsana nói những lời như thế.
- Nhưng cái quy luật đồng chí khám phá ra thực là phức tạp. Batsana Akakiêvits ạ. - Giáo sư nói sau một lúc im lặng kéo dài.
- Phức tạp thật! - Batsana đồng ý.
- Thế đồng chí hy vọng thực hiện được nó trong đời sống này chứ?
- Nếu không thì nói chung không đáng sống, thêm nữa, về phần tôi có lẽ bây giờ tôi đã là cái xác chết rồi.
Batsana chìa tay ra cho giáo sư, giáo sư tới gần ông, và lúc đó Batsana không nén được, đã ôm ghì giáo sư vào ngực mình.
- Đúng... - Giáo sư thốt lên bằng giọng cảm động. - Tim nhân tạo không thích hợp với đồng chí... Mang trái tim nhân tạo đồng chí sẽ không sống được... Đồng chí là con người kì dị!
Khi Batsana cảm thấy đôi tay lực sĩ của giáo sư âu yếm vỗ lên hai vai mình, ông hiểu rằng quy luật của muôn đời đã phát huy hiệu lực...
* * *
Batsana cho chiếc ô tô đến đón ông ra về.
Ông tạt ngang qua đường xe điện ở phố Klara Tsetkin, ra phố 25 tháng hai, và theo phố này xuống đại lộ Plêkhanôp.
Trong hai tháng nằm bệnh viện, Batsana không quen với tiếng ồn thành phố nữa, bây giờ ông hơi chóng mặt và đầu gối run run. Ông đi rất thong thả và thận trọng. Còn Tbilixi vẫn sống cuộc sống bình thường của mình: ồn ào, la hét, xáo động, rên rỉ, cười, gầm rú.
Trên đại lộ Plêkhanôp, hai dòng người chảy theo hai hướng như những dòng sông. Người trôi trong hai dòng chảy ấy như những khúc gỗ thả. Họ xô vào nhau, ngăn cản nhau, nói gì không rõ, tranh cãi, huơ tay múa chân, lại tản đi và hòa vào dòng chảy cuồn cuộn.
Batsana vượt ngang qua đại lộ ở chỗ sang đường và chính ông lọt vào dòng người đó. Ông cố vượt lên trước, không để cho mình bị dừng lại. Từ đại lộ, ông rẽ sang phố Margianivili và ở đây, một nhánh mới của dòng người khổng lồ cuốn ông đi. Batsana cảm thấy nhịp đập của trái tim đã mất thói quen với nhịp điệu thành phố đang dần dần thích ứng với nhịp điệu đó, cũng như bản thân ông dần dần nhập vào mạch sống chung của thành phố. Rút cuộc, tim ông đã tìm lại được nhịp điệu đã mất và trôi trong dòng chảy cũng như mọi người - trôi đi một cách thận trọng, nhưng vững vàng mà mạnh dạn.
Ông dừng bên cây cột áp phích của nhà hát mang tên Bargianisvili. Ngày mai nhà hát mở đầu mùa diễn bằng buổi biểu diễn lần đầu vở kịch của bạn ông: “Các thánh dưới địa ngục”. Có cái gì chảy tan ra trong ngực ông và một hơi ấm dễ chịu lan tràn khắp toàn thân ông. “Các thánh dưới địa ngục!”, ông thầm nhắc lại và mỉm cười.
Đến cầu, Batsana cảm thấy mệt mỏi, không phải cái mệt đau ốm đáng lo ngại, mà là cái mệt nhẹ nhõm, dễ chịu. Ông vẫy một chiếc tắc xi và lên ngồi ghế sau phía bên phải.
- Đi đâu? - Người lái xe hỏi, đồng thời bật đồng hồ đo.
- Đến Marya, - Batsana trả lời.
- Đến ai?! - Người lái xe ngạc nhiên quay lại.
- Đến Marya!...
------------------
[69] Đocameron, tập truyện đặc sắc của nhà văn Ý Bôccaxiô, ra đời năm 1352 (N.D)
[70] Bantada, vua cuối cùng của Babilôn. Sách của Đanien kể câu chuyện trong một bữa tiệc linh đình, hoàng đế truyền lệnh mang đến những chiếc bình thiêng của Nabasôđônêxo, trước đấy đã lấy được ở nhà thờ Giêrayzalem. Liền đó thấy hiện lên một bàn tay viết những chữ bí ẩn. Ngay đêm hôm ấy, Xiruyt đã làm cho sông Ơphrat đổi dòng, rồi đột nhập vào Babilôn và giết Bantađa (N.D)
[71] Vua Gruzya, người sáng lập thành phố Tbilixi (mất năm 502).
[72] Tên gọi thân mật, xuồng xã của Iôram (N.D).
[73] Một vùng ở Tbilixi.
[74] Địa điểm ngoại vi Tbilixi.


                                                     Hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét