Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Cha Và Con - Cormac Mccarthy (Chương 9)

Cormac Mccarthy

Cha Và Con

(Nguyên tác: The Road)

Dịch giả : Thanh Nhã

Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin


Chương 9

Hai cha con bước ra giữa đường đứng trông. Có dấu vết trên tuyết. Một cái xe kéo. Dấu lốp xe cao su. Giữa hai hàng dấu lốp xe là vết ủng. Có người đi về phía nam đã qua đây lúc đêm. Mà có thể là lúc tờ mờ sáng. Họ chạy dọc con đường, có vẻ rất vội. Anh trầm ngâm suy nghĩ về điều đó. Anh thận trọng tránh khỏi chỗ có dấu bánh xe. Có người đã qua đây, họ chỉ cách chỗ cha con anh nhóm lửa chừng hơn chục mét, mà thậm chí không thể đi chậm lại để nhìn. Anh đứng đó, nhìn về phía xa con đường. Thằng bé nhìn anh.
- Mình cần tránh xa đường cái con ạ.
- Tại sao hả cha?
- Sắp có người đến đây.
- Người xấu hả cha?
- Cha e là vậy.
- Cũng có thể là người tốt thì sao ạ?
Anh không trả lời. Như một thói quen, anh lại nhìn lên trời. Nhưng chẳng có gì cả.
- Mình sẽ làm gì hả cha?
- Đi thôi con.
- Mình quay lại chỗ đống lửa được không ạ?
- Không được. Nhanh đi thôi. Có thể mình không còn nhiều thời gian đâu.
- Con đói lắm!
- Cha biết!
- Thế mình sẽ làm gì ạ?
- Phải trốn đi. Tránh xa khỏi đường cái.
- Liệu họ có thấy dấu vết của mình để lại không ạ?
- Có.
- Thế mình phải làm sao bây giờ ạ?
- Cha không biết.
- Liệu họ có biết mình là ai không cha?
- Gì cơ?
- Nếu thấy dấu vết của mình, liệu họ có biết mình là ai không ạ?
Anh vội nhìn lại đống lửa. Một dấu vết khổng lồ trên tuyết.
- Họ sẽ đoán ra, - anh nói.
Anh ngừng một lát. “Phải làm cái gì đó. Mình phải quay lại đó thôi”. Ở phía nam bên kia cánh đồng, anh thấy thấp thoáng bóng dáng một ngôi nhà và một kho thóc. Vượt qua những ngọn cây là một dải cong cong xam xám. Đó là đường cái. Cạnh nhà, nằm giữa thảm cỏ khô là một lối dài cho xe đi. Những dây thường xuân không còn sự sống vắt trên bức tường đá dài. Có một hòm thư. Một hàng rào dài dọc theo con đường. Xa xa là những hàng cây cháy đen và khô khốc. Lạnh lẽo và ảm đạm. Tất cả bị che phủ bởi một màn sương các-bon. Anh quay về chỗ con nằm, ngồi xuống sát bên thằng bé. Tình thế quá đỗi bi thảm đã khiến anh thiếu thận trọng. Anh hiểu mình không bao giờ được phép lặp lại sai lầm ấy nữa cho dù trong trong bất kỳ tình huống nào.
Thằng bé thiếp đi đến vài giờ đồng hồ. Cũng tốt vì nếu thức nó sẽ lại hoảng loạn như lúc trước. Anh nghĩ đến việc đánh thức con dậy nhưng nếu làm vậy thằng bé sẽ không nhớ gì cả. Anh đã dạy con nằm im trong rừng như một con nai. Thằng bé vẫn ngủ, anh vẫn ngồi đó, không biết là bao lâu. Sau cùng, anh rút khẩu súng sau thắt lưng ra, đặt nó dưới tấm chăn bên cạnh thằng bé, rồi đứng dậy đi.
Anh vượt qua ngọn đồi, đi về hướng kho thóc. Dừng lại và nghe ngóng. Rồi anh tiến vào vườn táo đã bị tàn phá. Những gì còn sót lại chỉ là những thân cây, cành cây xương xẩu, đen xì; cỏ khô cao tới ngang đầu gối. Anh dừng trước cửa nhà kho và lắng nghe. Ánh sáng vàng vọt mỏng manh. Đi dọc các gian nhà bụi bặm, anh dừng lại chính giữa nhà kho. Lại lắng nghe nhưng không có một tiếng động hay âm thanh nào. Anh trèo lên căn gác xép. Mệt mỏi và suy kiệt, anh không chắc mình có trèo nổi tới nơi không. Lên tới căn gác, anh bước về phía khung cửa sổ đầu hồi, đưa mắt nhìn quang cảnh bên dưới. Mặt đất bị chia cắt nham nhở. Rồi hàng rào. Rồi con đường. Tất cả xám xịt và chết chóc.
Trên sàn gác xép có vài kiện rơm. Anh ngồi xổm xuống đó, mót từng nắm thóc còn sót lại mà nhai chệu chạo. Khô khốc, ứ nghẹn trộn lẫn với bụi bẩn. Cũng có chút dinh dưỡng. Anh đứng dậy, vần hai kiện rơm đến mép căn gác và đẩy chúng xuống sàn nhà phía bên dưới. Hai cú tiếp đất bụi tung mù mịt. Lại quay ra đầu hồi, anh đứng đó quan sát thật kĩ ngôi nhà. Xong đâu đó anh mới leo xuống.
Thảm cỏ nằm giữa ngôi nhà và cái nhà kho trông thật hoang tàn. Anh đi qua một cái cổng vòm lớp vữa bên ngoài đã mục và bay tứ tung. Có một chiếc xe đạp trẻ con. Cửa bếp đang mở. Anh tiến về phía đó. Gỗ dán tường là loại rẻ tiền đã bị cong lên vì ẩm thấp. Anh đạp cửa. Bên trong nhà có một cái bàn phoóc-mi-ca đỏ. Tiến vào bếp, anh mở tủ lạnh. Có cái gì đó bọc trong một tấm da xám trên ngăn tủ. Anh đóng tủ lại. Rác rưởi vung vãi khắp phòng. Có cái chổi ở trong góc, anh lấy nó, thọc cán chổi vào mọi thứ có trong phòng. Anh trèo cả lên bệ bếp, mò cả trên nóc tủ. Toàn bụi là bụi. Có một cái bẫy chuột. Một gói gì đó. Anh thổi lớp bụi trên cái gói. Bột nho để pha nước. Anh cất nó vào túi áo khoác.
Anh đi khắp ngôi nhà, từ phòng này qua phòng khác. Chẳng tìm được thứ gì. Anh vào phòng ngủ, mở ngăn kéo táp-đờ-luy, có một cái thìa trong đó. Anh cất cái thìa vào túi áo khoác. Phải có áo quần hay chăn chiếu gì đó ở trong phòng, anh đã nghĩ vậy và tìm kiếm lục lọi. Nhưng hoài công. Anh quay trở ra bên ngoài, đi vào gara. Anh xem xét tất cả các dụng cụ. Có mấy cái cào, một cái xẻng. Trên giá có mấy hộp đinh và chốt khóa. Có một cái mở hộp. Anh cầm lấy, đưa nó ra chỗ sáng để nhìn cho rõ. Lưỡi dao đã hoen gỉ hết. Anh đặt cái mở hộp về chỗ cũ rồi nghĩ sao lại nhặt nó lên. Có một cái tuốc-nơ-vít ở trong hộp cà phê. Anh liền tháo chuôi nó ra. Bên trong có bốn lưỡi dao mới. Anh tháo lưỡi dao cũ của cái mở hộp đặt lên giá rồi thay lưỡi dao mới vào. Xong đâu đó, anh vặn lại cái tuốc-nơ-vít và cất tất cả cùng lưỡi dao cũ vào túi.
Quay trở lại gian nhà kho, mang theo một mảnh vải định để đựng hạt thóc khô từ hai kiện rơm. Nhưng khi đến nơi, anh đứng lặng, lắng nghe. Có tiếng gió thổi cái gì đó kêu cót két ngay phía trên mái nhà kho. Một mùi gì đó như mùi những con bò còn vương lại. Anh trầm ngâm nghĩ về những con bò và nhận ra rằng chẳng còn con bò nào cả, chúng đã biến mất hết rồi. Vậy đó là thứ mùi gì vậy? Phải chăng đó là một con bò đâu đó quanh đây, được cho ăn và được chăm sóc. Liệu có thể không nhỉ? Một con bò được giữ lại để làm gì chứ? Nó ăn cái gì? Bên ngoài kia, tiếng những đám cỏ loạt xoạt nghe khô khốc. Anh bước ra ngoài, nhìn qua những cánh đồng về phía rừng thông nơi thằng bé đang ngủ rồi vội vã băng trở lại vườn táo. Có cái gì đó, anh vừa đạp lên nó. Anh dừng lại, lùi một bước, quỳ xuống và rẽ đám cỏ ra. Một quả táo. Anh nhặt nó lên, đưa ra chỗ sáng nhìn cho rõ. Một quả táo thật sự, màu nâu xỉn và nhăm nhúm. Anh lau nó và đưa lên miệng cắn. Khô khốc và gần như chẳng có mùi vị gì. Nhưng nó lại là một trái táo. Anh ăn hết, ăn cả hột cả lõi, rồi mới thả cuống táo rơi xuống đất. Sau đó, chầm chậm, anh nhẹ nhàng bước trên thảm cỏ. Chân anh vẫn bó trong những mảnh tả tơi của tấm áo khoác và miếng vải nhựa. Anh ngồi xuống, tháo chúng ra bỏ vào túi và đi dọc hàng cây bằng đôi chân trần. Đi tới cuối vườn, anh nhặt thêm được bốn trái táo nữa. Anh quay ngược trở lại, đi qua hết các hàng cây đến một chỗ có rất nhiều táo. Nhiều quá anh không thể mang hết được. Chợt nghĩ đến túi quần. Anh nhặt táo, bỏ đầy các túi, bỏ cả vào mũ của áo choàng nhưng vẫn không quên ôm đầy một ôm trước ngực. Anh bỏ tất cả chỗ táo xuống trước cửa kho, ngồi xuống và bó lại đôi chân đã tê cóng.
Trong căn bếp bừa bộn, anh tìm được một cái giỏ đan bằng liễu gai đựng đầy những hộp chứa nước sốt. Anh lôi nó ra giữa sàn bếp, đổ hết ra và vỗ nhẹ cho bụi bẩn ra hết. Đột nhiên anh ngừng lại. Cái gì thế này? Một cái ống thoát nước. Một cái lưới mắt cáo. Thân cây nho đã héo quắt bò dọc thân lưới. Anh đứng dậy, đi trở ra khỏi nhà bếp, ra sân và nhìn bao quát toàn ngôi nhà. Những cửa sổ xám xịt màu thời gian. Cái ống dẫn nước chạy xuống chỗ góc cổng vòm. Anh đặt cái giỏ xuống, leo lên bậc thềm và nhìn lại. Cái ống vòng xuống góc cột mái vòm, dẫn vào một bể chứa bằng xi măng. Anh hất sạch rác và những tấm phủ mục nát trên nóc cái nắp bể, rồi quay trở vào bếp. Khi anh quay lại, mang theo cái chổi và dùng nó quét sạch nắp bể. Xong xuôi, anh để chổi vào một góc, và nhấc cái nắp bể lên. Có một khay lõng bõng nước nhờ nhờ lẫn lá mủn và cành con. Anh nhấc cái khay ra đặt nó xuống sàn. Bên dưới cái khay là sỏi trắng. Anh dùng tay vốc hết sỏi ra. Bên dưới là than củi, những mẩu than tích trữ lại sau khi đốt cành cây. Anh đặt trả cái khay lên trên và chợt thấy một cái vòng bằng đồng màu xanh ở trên sàn. Một cái tay kéo. Anh tiến đến chỗ cái vòng, lấy chổi quét sạch tro bụi quanh đó. Có những vết cưa trên ván sàn. Anh quét thật sạch tấm ván, rồi quỳ xuống, móc tay vào cái vòng đồng, nhấc nó lên. Cánh cửa hầm bật ra. Bên dưới tối om. Đây là một bể chứa nước. Mùi rất thơm và ngọt, anh có thể ngửi thấy. Anh nằm xuống sàn, thò hết nửa người xuống hầm. Anh vừa chạm vào mặt nước. Anh tiến thêm chút nữa. Lại chạm vào mặt nước và vốc một vốc thứ chất lỏng thơm tho đó lên ngửi. Rồi anh nếm nó, uống nó. Anh nằm đó rất lâu, vốc hết ngụm này đến ngụm khác lên uống. Trong trí nhớ của anh, anh chưa nếm qua thứ nước nào ngon như thế này.
Anh quay lại bếp lấy hai bình đựng nước và một cái âu men xanh. Anh lau sạch cái âu, múc sâu xuống bể lấy nước rửa sạch hai bình. Xong, anh với xuống bể, nhấm chìm một bình xuống lấy đầy nước. Nước rất trong. Anh giơ bình ra chỗ sáng nhìn kĩ. Anh nắm lấy cổ bình, nhưng đến gần hết bình, anh ngồi đấy nghỉ, bụng trương phình nước. Anh có thể uống thêm nữa nhưng không làm vậy. Anh trút nốt chỗ nước trong bình vào cái bình kia, lấy đầy nước vào hai bình rồi đậy nắp bể lại. Anh đi qua những cánh đồng về phía rừng thông, trong tay cầm hai bình nước và túi áo quần đựng đầy táo.
Anh đã đi lâu hơn dự định nên cố rảo bước thật nhanh về với con. Nước sóng sánh ùng ục trong hai cái bình, hai cái bình mà anh “lấy trộm”. Anh dừng lại nghỉ một chút rồi lại đi tiếp. Khi anh về tới nơi, thằng bé vẫn đang ngủ. Có vẻ như không có một sự xáo động nào từ lúc anh đi. Anh quỳ xuống bên con, cẩn thận đặt hai cái bình xuống đống cây lá lổm nhổm, cất khẩu súng vào thắt lưng, và ngồi đó nhìn con.
Cả buổi chiều, hai cha con quấn mình trong chăn ăn táo và nhấp nháp nước trong hai bình. Anh lấy gói bột nho ra, đổ vào trong bình, khuấy đều và đưa cho con.
- Cha giỏi thật đấy! - Thằng bé nói.
Sau đó thằng bé ngồi trông cho anh ngủ. Đến tối, hai cha con lấy giày ra đi, họ đi về phía ngôi nhà để nhặt nốt chỗ táo còn lại. Họ đổ đầy ba bình nước, nút bình bằng những miếng bìa lấy từ một cái hộp mà anh thấy ở trên giá trong bếp. Xong đâu đó, anh gói tất cả mọi thứ vào một tấm chăn và cho vào trong balô. Tấm chăn còn lại được anh buộc ngang qua balô để làm dây đeo. Hai cha con đứng lặng trước cửa ngôi nhà nhìn những tia sáng cuối ngày hửng trên nền trời đằng tây. Rồi họ lại lên đường.
Thằng bé bám lấy áo cha. Anh đi sát ra lề đường cố gắng cảm nhận mặt đường trong bóng tối. Đằng xa tiếng sấm rền vang và một lúc sau đó một tia chớp lóe lên mờ mờ ngay trên đỉnh đầu.
Anh lôi tấm vải nhựa trong balô ra để che nhưng nó bé quá. Chỉ một lát sau thì mưa bắt đầu trút xuống. Hai cha con vừa chạy vừa ngã dúi dụi. Chẳng có chỗ nào để trú mưa cả. Họ đội mũ áo khoác lên nhưng cái áo cũng đã ướt sũng nước. Anh dừng lại giữa trời mưa, cố gắng xoay xở với tấm nhựa. Thằng bé thì đang run lên cầm cập.
- Con rét phải không?
- Vâng.
- Nếu dừng lại bây giờ mình sẽ chết cóng đấy!
- Con đang chết cóng đây.
- Con muốn sao bây giờ?
- Mình nghỉ được không cha?
- Ừ. Được rồi.
Đó là một đêm dài như những đêm hai cha con anh từng trải qua. Họ nằm bên vệ đường, trên nền đất ướt át, đắp chăn và che tấm nhựa. Tiếng mưa rơi trên nhựa lộp độp. Anh ôm chặt lấy con. Được một lúc thì thằng bé ngủ thiếp đi sau khi đã hết run lập cập. Sấm rền ở phía bắc rồi im bặt. Chỉ còn tiếng mưa rơi. Anh thiếp đi một lát rồi tỉnh dậy. Mưa lúc này chỉ còn lất phất. Một lát sau thì tạnh hẳn. Anh không biết bây giờ đã nửa đêm không. Những cơn ho kéo đến liên tiếp, mỗi lúc một nặng hơn làm thằng bé thức giấc. Phải rất lâu sau trời mới hửng sáng. Anh dậy đến mấy lần, sốt ruột ngóng về phía đông. Một lát sau thì trời sáng hẳn.
Anh cuốn lần lượt áo của hai cha con quanh gốc một cái cây nhỏ để vắt cho kiệt nước mưa. Anh cởi hết áo của con và cuốn nó vào chăn. Rồi vừa run bần bật anh vừa vắt kiệt nước từ áo mình rồi lại mặc lại. Chỗ hai cha con nằm rất khô ráo nên họ ngồi lại đó, quấn chăn và lại ăn táo, uống nước. Ăn xong, hai cha con lại khởi hành. Xùm xụp và run rẩy trong đống đồ rách mướp trông như những kẻ hành khất.
Đến tối thì quần áo hai cha cũng khô. Họ xem xét, định hướng trên bản đồ nhưng thực sự anh không biết nổi mình đang ở đâu. Hai cha con đã rời quả đồi, men theo một con đường nhỏ, và sau đó đến một cây cầu nơi có một con sông cạn. Họ trườn theo bờ sông xuống dưới và nghỉ tại đó.
- Mình đốt lửa được không cha? - Thằng bé nói.
- Không có bật lửa con ạ.
Thằng bé ngoảnh mặt đi.
- Cha xin lỗi. Cha làm rơi bật lửa rồi nhưng cha không muốn con biết.
- Không sao đâu ạ!
- Cha sẽ tìm vài hòn đá lửa. Cha đang tìm đây. Mình có một ít xăng nữa con ạ.
- Vâng ạ.
- Con lạnh lắm phải không?
- Con ổn ạ.
Thằng bé dựa vào anh, đầu tựa vào lòng anh. Một lúc sau, nó bảo:
- Những người đó sẽ giết những người trong hầm tối phải không cha?
- Ừ.
- Sao họ lại phải làm vậy ạ?
- Cha không biết!
- Họ sẽ ăn thịt những người đó đúng không?
- Cha không biết!
- Họ sẽ ăn thịt những người trong hầm đúng không ạ?
- Ừ.
- Không thể giúp những người đó vì nếu bị bắt mình cũng sẽ bị ăn thịt.
- Ừ.
- Bởi thế nên mình không thể giúp họ.
- Ừ.
- Con hiểu rồi!
Hai cha con lại đi qua nhiều thị trấn, nơi có những tấm biển với dòng chữ nguệch ngoạc cảnh báo mọi người hãy tránh xa. Đó là những tấm biển quảng cáo cũ bằng da cừu. Người ta đã quét một lớp sơn mỏng lên đó để có thể viết lời cảnh báo đè lên. Vẫn còn nhìn rõ màu vàng lợt của miếng da. Hai cha con ngồi xuống vệ đường, ăn nốt những quả táo cuối cùng.
- Có chuyện gì thế con?
- Không ạ!
- Mình sẽ tìm được cái gì đó để ăn. Mình vẫn luôn làm thế mà.
Thằng bé không trả lời. Anh nhìn con.
- Không phải chuyện thức ăn đúng không?
- Không có gì đâu ạ.
- Nói cho cha nghe nào!
Thằng bé quay lại, nhìn xuống cuối con đường.
- Cha muốn con nói cho cha biết. Sẽ không sao đâu.
Thằng bé lắc đầu.
- Nhìn cha này!
Thằng bé quay đầu lại. Nó dường như đã khóc.
- Nói cha nghe nào con.
- Mình sẽ không ăn thịt ai chứ ạ?
- Không, tất nhiên là không rồi.
- Cho dù mình sắp chết đói cũng không ăn chứ?
- Thì cha con mình chẳng đang chết đói là gì.
- Cha đã nói là mình sẽ không chết đói cơ mà.
- Cha nói là mình sẽ không chết. Cha không nói là mình sẽ không bị chết đói.
- Nhưng mình sẽ không ăn thịt ai chứ?
- Không. Sẽ không ăn thịt ai cả.
- Dù thế nào cũng sẽ không ăn chứ ạ?
- Không. Dù thế nào cũng không ăn thịt ai cả.
- Vì chúng ta là những người tốt.
- Ừ.
- Và chúng ta là những người mang lửa?
- Ừ. Chúng ta là những người mang lửa.
- Vâng ạ!
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét