Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Tôi “bị” bố bắt cóc

Tôi “bị” bố bắt cóc

Tác giả: Mitsuyo Kakuta
Người dịch: An Nhiên
Công ty phát hành Alphabooks & Nhà xuất bản Dân Trí, 07-2015

Chương 1

Tôi bị BẮT CÓC, ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè.
Ở nhà một mình, lại chẳng định làm gì, tôi chỉ nằm ườn xem ti vi. Mãi đến đoạn quảng cáo một loại kem mới, thèm quá tôi mới miễn cưỡng rời nhà đi mua. Vừa rẽ qua góc phòng nha khoa Okada, trông thấy tiệm Seven Eleven bên kia đường thì một chiếc xe hơi từ đằng sau trờ tới bên cạnh, giảm dần tốc độ rồi đỗ xịch trước mặt tôi.
- Tiểu thư, lên xe chứ?
Tôi nhìn ông ta chằm chằm rồi lững thững bước đến, mở cửa xe bên kia. Vào trong xe cứ gọi là mát lạnh. Những cây kem chả còn mấy hấp dẫn nữa.
- Haru, cao lên nhiều nhỉ!
Người đàn ông nói. Thủ phạm bắt cóc biết tên tôi.
- Vậy ạ?
Tôi cũng biết người đàn ông này. Bởi, người đàn ông đeo cặp kính mát to đùng nực cười này là bố tôi.
- Cái xe, ở đâu ra thế?
Tôi hỏi trống không. Chiếc xe của bố chạy qua tiệm Seven Eleven, băng băng trên con đường giữa các khu nhà chung cư rợp bóng cây.
- À, xe này hả, của người ta cho.
- Con khoái đi xe hơi. Mà mẹ thì chẳng có bằng lái! Mấy hôm trước, bố của Sayuri có cho con quá giang. Sayuri là bạn cùng lớp, xinh lắm. Được lên xe của nhà nó, thích ghê. Mà… con muốn đi ăn nhà hàng.
Tôi nói liên mồm. Lúc nào cũng vậy. Cứ mỗi lần căng thẳng, từ ngữ lại tràn lên cổ họng tôi, chẳng thể nào ngừng. Tôi căng thẳng là do lâu lắm rồi mới lại gặp bố.
- Đi nhà hàng thì có thể ăn đủ các món, đúng không? Ở gần nhà mới khai trương một cái, ngay khu đường cái ấy. Cũng có lần mọi người đi ăn rồi. Mọi người là mẹ và mấy dì đó. Bố biết mà nhỉ, dì Asako với dì Yuko. Nhưng mấy chỗ như vậy mà đi bộ thì thấy quê không, đi cả đám chứ ít gì, người ta thì đi xe hơi…
- Nghe đây!
Bố dừng xe khi gặp đèn đỏ và nhìn tôi.
- Bố đang bắt cóc mày đấy. Không chừng sẽ không được về đâu. Chuẩn bị tinh thần đi.
- Ưm, được thôi.
Tôi nhìn quanh xe và trả lời giọng bất cần. Gương chiếu hậu treo tòng teng mấy cái bùa màu mè, chẳng lấy gì làm đẹp, bảng đồng hồ thì dán hình mấy con gấu thè lưỡi. Chẳng biết ai cho bố cái xe này nữa.
- Đằng nào hôm nay cũng nghỉ hè rồi. Lại chẳng có dự định gì.
- Vậy thì ngoan ngoãn bị bắt cóc đi nhé!
Bố nói.
- Ưm, để bị bắt cóc thử một lần cho biết luôn.
Tôi trả lời, bố ngoác miệng cười.
Bố lúc nào cũng nhắng nhít vậy. Ngay cả những lúc cần nghiêm túc, bố cũng toàn nói linh tinh. Như lần mẹ bị dị ứng sò biển, mặt mũi xanh lè, lao ra lao vào nhà vệ sinh không biết bao nhiêu lần thì bố lại cứ tí tởn “Chà, chà, có tin vui rồi. Haru sắp có em rồi. Nhưng sao anh không nhớ là khi nào nhỉ. Vậy là con của ai ta?” khiến mẹ khóc tức tưởi. Có lần bố vứt tàn thuốc chưa tắt hẳn vào thùng rác khiến cả nhà khói um cả lên, nhưng bố tỉnh bơ mà bảo là “xông khói”. Có khi lại lấy khăn choàng của mẹ quấn quanh người rồi bắt chước mấy chương trình biểu diễn thời trang, đến nỗi bị mẹ chiến tranh lạnh suốt hai ngày liền.
Biết làm vậy là sẽ bị giận nhưng bố không chừa. Mỗi lần bố bị giận thì cũng đáng thương lắm nên tôi quyết định thôi kệ, cứ đi với bố cho có bạn. Chứ không nghĩ sẽ thú vị hay không. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là ti vi, điều hòa đã tắt cả rồi, mẹ cũng sắp về, rằng tôi có về trễ một tí cũng chẳng sao.
Đi hết con đường đầy cây xanh thì tới vòng xuyến trước nhà ga. Vòng xuyến huyên náo bởi những học sinh trung học. Xe của bố chạy tiếp qua nhà ga, ra đường quốc lộ. Những quang cảnh quen thuộc dần dần lùi lại sau lưng chúng tôi.
- Haru, ăn trưa chưa?
- Chưa, bởi vậy mới nói dẫn người ta đi nhà hàng đi.
- Rồi, hiểu rồi. Kể từ hôm nay, cứ việc thoải mái ăn bằng thích những gì mình muốn ăn nhé!
Bố dõng dạc đáp lời. Tôi ngả người trên ghế, liếc nhìn bố. Tôi đâu có cao lên. Nếu chỉ cần hai tháng mà cao lên được thì tôi đâu phải lúc nào cũng đứng đầu hàng, hai tay chống nạnh làm gì. Thay vào đó, tôi sẽ xếp phía sau, rồi so hàng như các bạn rồi. Bố nói vậy có lẽ do không biết nên nói chuyện gì cho hay ho mà thôi. Cũng như tôi, đói bụng mấy đâu nhưng cứ đòi đi ăn nhà hàng, vậy đấy.
Lâu lắm rồi tôi mới được gặp bố. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là lúc chưa vào mùa mưa. Nhưng thực ra, thậm chí cho đến lúc đó, bố có nhà hay không, mà cho dù có nhà thì lúc bố về tôi đã đi ngủ, lúc tôi mở mắt dậy thì bố đã đi đâu đó hoặc còn đang ngủ khò. Tôi bắt đầu nghĩ có khi bố không về nhà từ năm ngoái. Tối tối, khi ngồi đối diện với mẹ ở bàn ăn, tôi nói “bố về trễ quá nhỉ” thì mẹ chỉ nói “bố bận”, hoặc sáng sáng, khi không thấy bố, tôi có hỏi “bố đâu?” thì mẹ trả lời “bố đi làm rồi”.
Đại loại là những câu trả lời như vậy. Tôi từng nghĩ, bố có phải ông già Noel đâu mà cứ canh lúc tôi ngủ say rồi mới đến, lại tranh thủ bỏ đi trước khi tôi thức dậy, thật lạ lùng.
Cho nên thỉnh thoảng, sáng chủ nhật, khi tôi xuống dưới nhà mà chạm mặt bố đang còn mặc pyjama thì tôi toàn giật nảy mình, chỉ thiếu điều nhảy dựng lên mà thôi. Đó là chưa kể, nếu có lúc nào cả nhà cùng nhau ăn sáng thì tôi thậm chí không biết nói chuyện gì, nhìn đi đâu. Tôi nhận ra người ta chỉ có thể nói “yêu” hay “ghét” ai đó khi được gặp họ hàng ngày. Còn tôi, tôi không biết mình yêu hay ghét bố nữa!
Khoảng hai tháng trước, bố thật sự không về nữa. Sáng cũng như tối, thậm chí cả chủ nhật, bố chẳng xuất hiện ở đâu trong nhà. Mẹ bảo tôi là bố bận việc nên mượn luôn chỗ làm để ở. Nếu có chuyện gì muốn nói với bố thì gọi số này, mẹ viết số điện thoại ra tờ giấy rồi đưa tôi. Tôi chẳng gọi điện cho bố. Một phần vì thấy chuyện đó thật phiền phức, phần vì sợ sợ, và phần vì thật ra cũng chẳng có chuyện gì đặc biệt để nói. Tôi cất miếng giấy nhỏ có viết tám chữ số đó vào ngăn bàn.
Cho dù bố không về nữa thì trong nhà cũng chẳng thay đổi gì mấy. Nói thế thì cũng hơi tội nghiệp bố nhưng sự thật đúng là vậy. Chứ sao, lâu nay đã chẳng thế còn gì, lâu nay bố có ở nhà đâu, và lâu nay tôi cũng đã chẳng còn biết yêu hay ghét bố nữa cơ.
Nếu nói có gì thay đổi thì chỉ có công việc của mẹ bận bịu hơn và trong nhà thì rộn ràng hơn trước gấp nhiều lần. Đó là do, sau khi bố không ở nhà nữa thì em của mẹ - dì Asako (ba mươi mốt tuổi, độc thân, cô giáo dạy vẽ) thường lui tới hơn, mẹ của mẹ - tức bà ngoại cũng hay đến chơi. Một người em gái nữa của mẹ là dì Yuko (hai mươi chín tuổi, độc thân, làm việc bán thời gian) cũng đôi khi góp mặt. Khi mẹ bận việc về trễ thì chắc chắn sẽ có ai đó đến, và có khi tất cả mọi người đều tập trung đông đủ.
Dì Yuko rất thích bày trò nên chỉ cần có chút gì hay ho là dì tổ chức thành sự kiện luôn. Ví dụ như chiếu video. Cả nhà bày bánh kẹo, nước uống ưa thích ra sàn và cùng xem video trong căn phòng tối thui. Chính dì là người quy định trong lúc xem phim không được nói chuyện vậy mà mười lần như chục, dì toàn là người phạm luật, nào “tên này, thủ phạm là cái chắc”, nào “anh này mặt mày đẹp trai mà coi tướng tá không phong độ gì hết”. Có khi dì còn tổ chức trình diễn thời trang. Biểu diễn hài kịch nhại mấy người nổi tiếng. Trò này thì dì Asako cực siêu. Dì bắt chước được rất nhiều người, đến nỗi tôi nghĩ có khi dì nghỉ dạy vẽ đi diễn hài lại nổi tiếng không chừng.
Vì vậy mà nhiều lúc tôi quên béng đi mất. Quên rằng đã từng có bố ở nhà. Quên rằng tôi đã từng có một ông bố. Quên mất bố đã pha trò thế nào khiến mẹ bực tức ra sao. Quên mất những lúc tôi đã phải cố nhe răng ra cười dù những trò hề của bố chẳng hay ho, thú vị chút nào.

Chương 2

Bố cho xe vào tầng hầm, rồi bỏ kính mát ra. Bước xuống xe trước, tôi liền nhảy chân sáo trên bậc tam cấp dẫn lên nhà hàng. Tôi đưa hai ngón tay ra hiệu “có hai người” cho chị phục vụ mặc tạp dề trắng đang cầm quyển thực đơn. Chị ấy nói “chị hiểu rồi, mời em đi lối này” và đi trước dẫn tôi đến bàn ăn, chân váy nhún bèo cứ đong đưa qua lại. Tôi ngồi yên vị ở bàn rồi bố mới bước đến cửa.
Nhà hàng không đông lắm. Bàn phía trước có hai chú mặc vét ngồi đối diện nhau, còn ở xa xa nơi chiếc bàn lớn, mấy người tóc nhuộm đủ màu đang bàn chuyện gì đó ra chiều nghiêm trọng lắm. Bố ngồi trước mặt tôi, lấy khăn ướt lau mặt, cổ, các ngón tay thật kỹ. Tôi thấy bố già già thế nào ấy nhưng không tiện nói ra. Lâu ngày mới gặp nên tự nhiên thấy ngại đủ thứ!
Chúng tôi mở quyển thực đơn để chọn món. Lúc nãy tôi chưa thấy đói lắm vậy mà nhìn hình ảnh thức ăn trong thực đơn, tự nhiên tôi muốn ăn đủ cả.
Tôi rất thích quyển thực đơn có bao nhiêu là hình các món ăn của nhà hàng. Nói sao nhỉ, nó khiến tôi có cảm giác mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Cảm giác những gì đáng sợ hay những gì tôi đang lo nghĩ sẽ bị hút vào bóng của những món ăn đó và biến mất. Tôi chăm chú ngắm từng món, từng món trong thực đơn.
- Phục vụ có đến thì gọi cho bố phần hamburger kiểu Nhật, với ly bia. Còn Haru, muốn ăn gì tùy thích.
Nói rồi bố đứng dậy.
- Đi đâu vậy?
- Gọi điện, cho mẹ.
- Sao vậy?
- Thì báo là bắt cóc mày rồi. Với lại, còn phải ra điều kiện nữa.
- Điều kiện?
- Thì đại loại như mẹ muốn bố trả mày về thì phải làm gì. Chuyện đương nhiên mà hả.
Bố vênh mặt nói. Xem chừng trò bắt cóc vẫn sẽ tiếp tục.
- Mẹ không có nhà đâu. Hôm nay không phải ngày đi làm nên mẹ đi mua hàng giảm giá với dì Asako rồi.
Nghe vậy bố liền hầm hầm ngồi xuống ghế. Tôi lại dán mắt vào quyển thực đơn lần nữa.
- Với lại, bố biết là mẹ đâu có ưng mấy trò đó. Chỉ tổ chọc giận mẹ thôi. Mà cho là bố giỡn chơi thì cũng phải biết là nhà mình đâu có tiền.
- Có ai nói đòi tiền chuộc đâu.
Chị phục vụ bàn lúc nãy lại đến. Sau một hồi đắn đo đã đời, tôi quyết định gọi phần tôm chiên xù và kem bavarian dâu tráng miệng. Chị ấy đem theo quyển thực đơn đi mất. Để lại đó cho người ta cũng có mất mát gì đâu. Tôi vừa được ngắm nghía mấy món ăn lại từ đầu, vừa có chỗ để đánh trống lảng nếu trong bữa ăn, câu chuyện với bố bị đứt quãng một cách mất tự nhiên.
Chị phục vụ mặc tạp dề trắng đi rồi, bàn của bố con tôi cũng yên tĩnh hẳn. Tôi kẹp hai tay xuống đùi, đong đưa hai chân, suy nghĩ xem nên nói chuyện gì đây. Nhưng nát óc mà chẳng ra đề tài nào hay ho cả. Bố cũng im lặng, nắn nắn túi tìm thuốc lá.
Rốt cuộc thì tôi cũng nghĩ ra chuyện, vừa nói “hồi sáng dì Yuko đến…” vừa nhìn ngón tay của bố đang lấy thuốc từ trong túi ra. Ngón tay bố xương, dài, hơi đen đúa.
- Dì có rủ con đi nhưng mà mấy người bọn họ, lâu lắc à, bố biết đấy. Giỏi lắm xem quần áo cho con được một chút, sau đó nói “chờ tí” rồi biến mất tiêu luôn. Đi vòng vòng trong đó cho đã rồi lại quay lại cửa hàng đầu tiên. Nhiều lúc thấy oải như chạy marathon mùa thu vậy.
- Mấy cái vụ đi theo mua sắm đó, bố cũng không ưa.
Bố nói qua làn khói thuốc. Chị phục vụ đem bia đến. Bố cầm lấy, uống ngon lành.
- À, mà hai người họ có nói sẽ mua cho con cái gì con thích nên con đã dặn trước rồi.
- Cái gì thế?
- Váy. Loại hở vai, chân váy chữ A, có in hình hoa hướng dương thật to, vàng rực nữa.
- Gì mà người lớn vậy?
- Nhưng chẳng biết có không nữa. Chỉ là con nghĩ nếu “được giống vậy thì hay” thôi. Có khi bói cũng không ra ấy chứ!
À á, hết chuyện để nói mất rồi. Trong lúc tôi đang cố suy nghĩ xem tiếp theo sẽ nói gì thì bố lên tiếng:
- Cũng dài ngày đấy, có thấy thì bố mua cho. Với lại, mày có đem theo gì đâu đúng không, quần áo để thay, bít tất và đồ bơi nữa. Cần gì cứ nói.
Rồi bố dụi đầu thuốc lá, nói thêm bằng một giọng nhỏ hơn “không mua được đồ đắt tiền quá thôi chứ còn…”
Hamburger của bố được đem ra trước. Bàn chúng tôi lại chìm vào im lặng khi bố ăn. Còn tôi chống cằm nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bên kia lớp cửa kính, ánh nắng chiếu rọi khắp nơi. Mấy chiếc xe hơi nối đuôi nhau chạy ngang qua, cửa xe phản chiếu ánh mặt trời trắng lóa, còn có mấy đứa cỡ tuổi tôi vừa đi bộ trên vỉa hè vừa vung vẩy túi đồ bơi. Kỳ nghỉ hè bắt đầu thì tôi lại thấy thành phố khang khác sao đó so với thường ngày, dù từ hôm qua tới giờ nó có gì thay đổi đâu. Như thể ánh nắng chói chang hơn hôm qua, hàng cây cũng như đậm màu hơn hôm qua, cả thành phố lao xao như trước ngày đi dã ngoại. Tôi nhìn bố đang húp canh xì xụp, nói:
- Vậy giờ mình đi đâu?
- Đâu cũng được.
Bố bỏ bát canh sang một bên, nhìn tôi.
- Có nghĩa là sắp tới đây phải lẩn trốn khá lâu nên đi đâu cũng được. Ưng biển thì đi biển, lên núi cũng hay, hoặc cứ đi, đi hoài đi mãi như kiểu “đi đến nơi vô định” mà không cần lên kế hoạch trước cũng được. Có điều cứ loanh quanh ở đây thì không hay lắm, ai dám nói là sẽ không gặp mẹ chứ, đúng không?
Đồ ăn của tôi cũng đã được mang ra. Bố bặm môi dõi theo hai bàn tay của chị phục vụ đang xếp dĩa. Chờ cho chị đi khuất, tôi hỏi:
- Sao phải trốn?
- Lúc nãy đã nói rồi, là bố đang bắt cóc mày. Mà bắt cóc thì phải chạy trốn khắp nơi để khỏi bị phát hiện. Không chịu nghe người khác nói chuyện gì hết, chắc ở trường cũng bị thầy cô mắng tội lơ là, không tập trung đúng không?
Tôi cáu sườn khi bị nói như vậy.
- Bố mới là dai. Con chán trò bắt cóc này rồi.
Tôi cố tình nói giọng thật lạnh lùng. Tôi còn định nói bệnh đùa dai đó là của mấy ông già nhưng thật ra không thân thiết gì đến mức có thể nói như vậy nên thôi.
- Đâu có đùa!
Bố nhìn vào mắt tôi, nói vậy. Vẻ mặt bố nghiêm túc đến mức tôi phải ngồi lui lại phía sau mấy xăng-ti-mét liền. Tôi nghĩ bụng “hết cách rồi, kệ, cứ đi với bố”. Đương nhiên, lúc đó tôi vẫn nghĩ là đang chơi trò giả bộ, mai hay mốt gì rồi cũng được về nhà. Cho nên tôi chẳng có ý định bảo bố mua cho cái váy hoa hướng dương dù có bắt gặp ở đâu đó. Vì chắc chắn đã có cái váy y như tôi hình dung hoặc có hơi khác một chút xíu nhưng rất dễ thương mà dì Asako lựa cho tôi, đang chờ ở nhà rồi.
Không biết từ lúc nào mà nhà hàng đông khách hẳn lên. Thành ra tôi và bố dù không nói gì thì vẫn có tiếng cười nói đâu đó vang lên, rơi rớt khẽ khàng xuống bàn chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi ngẩng lên nhìn bố qua ly bia còn phân nửa. Bố khom lưng, mặt cúi sát đĩa và ăn. Tư thế ăn uống đó luôn khiến mẹ bực mình. Vậy mà bố vẫn không sửa được. Bên kia lớp chất lỏng vàng óng là khuôn mặt bố đang nhai hamburger, chăm chú như một cậu bé ngồi làm bài tập về nhà vậy.
Mấy cái đĩa không đã được dọn đi, thay vào đó là phần kem bavarian dâu.
- Chắc về rồi đấy.
Bố lẩm bẩm rồi đứng dậy. Một tay cầm thìa, tôi nhìn theo dáng bố bước đi. Cái áo trắng len qua dãy bàn đầy người tới chỗ điện thoại công cộng trước quầy thu ngân. Bố cho thẻ vào máy, tay cầm ống nghe, quay lưng về phía tôi. Đột nhiên trống ngực tôi đập thình thịch khi thấy cái áo trắng không chút cử động kia, cứ như tấm lưng của một người đàn ông xa lạ. Cảm giác lo sợ, biết đâu không được về nhà thật thì sao?
- Về chưa? Mẹ ấy?
Tôi hỏi khi bố quay lại.
- Y như bố đoán, không chấp nhận điều kiện. Đành chịu, xem như mày phải theo bố thôi.
Bố nói mà không hề cười.
- Điều kiện là gì vậy?
- Cái đó không nói được.
Lúc này mới thấy bố cười, lần đầu tiên đấy. Tôi thở phào, chồm người tới:
- Mẹ có nói đã mua váy cho con rồi không?
- Váy gì, có hay không cũng thế. Đằng nào mày có được về đâu.
Bố nói vậy rồi lại rút một điếu thuốc từ cái túi nhăn nhúm.
Lúc chúng tôi lên xe, mặt trời đã đổ bóng. Nhưng bầu trời vẫn cao và trong, ánh nắng vẫn còn chói chang. Khi xe chạy khỏi bãi, tôi hỏi bố:
- Đi đâu đây?
- Đi đâu thì hay nhỉ?
Bố chỉ nói vậy rồi thôi.
Trong xe mát lạnh và im ắng. Tôi nhìn hình con gấu dán trên bảng đồng hồ xe và nghĩ ngợi lung tung. Nếu hỏi lâu nay bố đi đâu thì kỳ kỳ sao ấy. Mà hỏi bố không về nhà nữa à thì cũng cảm giác khó chịu làm sao. Những suy nghĩ hiện lên trong đầu tôi cứ như bị vướng vào một sợi chỉ mỏng nên rốt cuộc chẳng nói được gì. Bố cho băng nhạc vào máy nghe. Một bài hát vang lên, tôi không biết giai điệu đó. Nghe ồn ào, hình như nhạc tiếng Anh.
- Haru muốn đi đâu? Núi, biển, suối nước nóng hay nông trại?
Bố lớn tiếng hỏi giữa tiếng nhạc ầm ĩ.
- Bắt buộc phải là một trong mấy chỗ đó sao?
Tôi cũng hét toáng hỏi lại. Bố đưa điếu thuốc lên miệng.
- Ừ thì chỗ khác cũng được.
- Vậy con muốn đi Masupe!
- Hả?
- Masupe, là Mark & Spencer ấy.
Mark & Spencer là trung tâm mua sắm khổng lồ mới tinh, cách ga gần nhà tôi mười phút xe điện. Mọi người gọi tắt là Masupe.
Thật tình không phải tôi muốn đến đó cho lắm nhưng nghĩ đi Masupe thì có thể về nhà nội trong ngày hôm nay.
- Là gì thế?
Bố hỏi. Tôi liền giải thích Masupe là gì cho bố nghe. Sao bố không biết đến cái Masupe nổi tiếng đó nhỉ.
Cái trung tâm bách hóa to đùng, không ai là không biết, vậy mà… Thì cũng tại trước khi nó khai trương bố đã không còn ở nhà rồi. Tôi từng đến đó với mẹ và dì Asako dịp khai trương giảm giá.
- Ờ, cũng phải mua đồ mà, vậy đi thôi Haru. Nghĩ sẵn những thứ cần thiết cho mình đi!
Bố nói rồi nhả khói thuốc lá. Trong xe mờ một làn khói trắng lãng đãng với một mùi gợi nhớ xa xăm.
Lúc mặt trời bắt đầu chậm rãi chuyển sang màu cam thì xe đến bãi đậu của Masupe. Chúng tôi xuống xe và vào trong bằng thang máy chuyên dụng. Bố rảo bước nhanh đến nỗi tôi phải đi như đuổi theo phía sau. Cứ thế băng qua mấy quầy hàng mỹ phẩm, đồ trang sức rồi lên thang cuốn.
So với thời điểm khai trương thì trung tâm mua sắm bây giờ vắng hơn. Sàn nhà, tường, trần… mọi thứ đều trắng toát. Lên tầng hai rồi tầng ba, tôi cứ như đang thám hiểm một tòa nhà xa lạ trong mơ vậy.
Bố bước khỏi thang cuốn khi đến tầng đồ dùng trẻ em.
- Cần gì nào?
Bố quay lại hỏi, ngữ điệu như thể giáo viên.
- Để xem!
Tôi vừa nói vừa đi lên trước bố, trên cái sàn trắng tinh. Một thằng nhóc bé xíu đang đứng khóc trước quầy hàng em bé. Trong góc, chắc là mẹ của nó, đang bế một em bé sơ sinh như bế một cục bông gòn trắng. Ở quầy hàng váy đầm khá vắng vẻ, có một cô bé tóc dài đang cùng mẹ ngắm váy áo. Chiếc váy ren trắng có đính hạt màu hồng nhạt. Hẳn là để biểu diễn piano đấy mà. Nếu tôi chịu học tiếp piano thì cũng được mặc kiểu váy đầm như vậy rồi. Chúng tôi đi ngang qua quầy hàng xếp đầy những đôi giày nhỏ xíu, nhỏ hơn cả tai tôi nữa. Rồi khi phát hiện thấy đĩa game điện tử bày trong góc một cửa hàng, tôi liền nhanh chân bước tới. Mấy hộp đĩa game xếp san sát trong tủ, tôi gí mũi vào lớp kính để cố tìm cái đĩa trò chơi mơ ước. Là loại game mới được phát hành hồi tháng Tư. Bây giờ hỏi tôi cần gì thì thật sự, tôi chỉ nghĩ đến nó thôi. Tôi đã năn nỉ mẹ hai tuần liền mà mẹ chẳng mảy may động lòng.
- Kia rồi, đó đó, cái đó đó!
Tôi ngước lên nhìn bố và nói. Bố nhíu mày, nghiêm mặt:
- Không phải đến để lựa quà Giáng sinh đâu nhóc con. Cần gì mấy thứ đó, với lại có máy đâu mà chơi!
- Nhưng ngoài nó ra con đâu cần gì. Với lại máy game thì ở nhà có sẵn rồi!
Bố cố tình thở dài rõ to rồi kéo tay tôi đi. Tôi ngoan ngoãn để bố kéo đến quầy hàng quần áo. Mấy cô bán hàng đồng phục tạp dề đồng thanh “kính chào quý khách”. Biết vậy, lúc nãy tôi đã bắt bố mua cái áo đầm “quý-sờ-tộc” kia rồi, vừa đẹp lại khác với thường ngày. Chứ ở đây, một cửa hàng rõ chán, nhìn xem, không có lấy một cái váy đầm xòe, toàn quần jeans với áo thun.
Bố đẩy nhẹ lưng tôi như thể muốn tống tôi vào bên trong.
- Tạm thời lựa hai, ba cái mình thích đi.
Bố hạ giọng nói nhỏ. Tôi quay lại định hỏi thì bố nghiêm mặt, nói bằng một giọng còn nhỏ hơn thế:
- Mà này, đừng có vớ mấy cái đắt tiền quá đấy!
Không còn cách nào khác, tôi đành bước vào trong, thử nhìn ngó mấy kệ hàng xung quanh. Liếc lại thì thấy bố đang khoanh tay dòm chừng tôi ở cửa ra vào. Tôi lựa đồ với tâm trạng bất cần, chẳng cần biết bố đang định giở trò gì, hay trò bắt cóc này sẽ kéo dài bao lâu, tới đâu cho tới luôn. Nào áo ca-rô kiểu. Nào áo thun in chữ tiếng Anh. Nào quần jeans. Nào đầm trơn. Nào quần lửng vải mềm.
Hồi xưa, tôi đã từng đến trung tâm mua sắm với bố thế này. Lúc đó tôi bốn tuổi. Bố dẫn tôi đến quầy đồ chơi và nói tôi lựa món nào ưng ý nhất, món nào cũng được. Bố đứng một góc chờ tôi hết lượn chỗ này rồi sà vào chỗ khác, đắn đo, phân vân gần cả một giờ đồng hồ. Sau đó tôi lựa được một con gấu thật lớn, cao hơn cả tôi và ôm nó đi gọi bố. Bố lật ngửa con gấu xem bảng giá rồi nói gần như khóc: “Ôi, chết tôi. Đắt quá bố không mua nổi đâu. Xin lỗi con, Haru. Bố nghèo lắm!”. Bố nhìn chăm chăm đứa là tôi lúc đó đang thất vọng ghê gớm, rồi tiếp tục nói như thể đang phanh phui một bí mật nào đó: “Nhưng không chừng ông già Nô-en lại có thể mua được đấy”. Sáng hôm sau, đúng vậy, là sáng ngày Giáng sinh, bên gối tôi nằm đã có sẵn con gấu tôi lựa. Từ đó tôi biết rằng chẳng có ông già Nô-en nào cả!
Trong lúc chọn lựa, ngắm nghía từng món đồ được treo trên giá hay nằm ngay ngắn trên kệ, tự dưng tôi thấy bực bội sao sao. Không phải vì bố không chịu ngưng cái trò bắt cóc chẳng chút hay ho này, cũng chẳng phải vì không được bố mua cho đĩa game, tóm lại là tôi chẳng biết lý do tại sao, chỉ thấy cứ bực tức, hậm hực trong lòng. Tôi kiểm tra giá từng món đồ thật kỹ. Định bụng sẽ mua mấy thứ đắt nhất trong tiệm dù không ưng kiểu dáng, màu sắc đi nữa, cho bố biết tay.
Và tôi lựa được bốn thứ. Toàn là những món đồ có kiểu dáng chẳng ăn nhập gì với cái giá ngất ngưởng của nó. Một cái áo thun rộng thùng thình, màu sắc lòe loẹt tới hoa cả mắt. Một cái quần lửng dài đến đầu gối, túi đắp khắp nơi và cũng rộng thùng thình. Cái quần jeans lại được chắp vá bằng nhiều loại vải. Và một cái áo sơ mi như một tác phẩm patchwork  thất bại của mẹ. [Một loại hình nghệ thuật may vá nhiều mảnh vải có hình dáng, màu sắc, kích cỡ khác nhau thành tranh vải treo tường, hay túi xách, chăn… Phụ nữ Nhật hay sử dụng cách may vá này như một sở thích hoặc để làm các loại túi xách đựng giày, đựng cốc, sách học thêm,... cho trẻ con]. Tôi chưa từng mặc kiểu thời trang này, có nghĩa chúng là những món đồ chắc chắn mẹ sẽ chẳng bao giờ mua cho tôi. Đại khái, mẹ luôn bắt tôi mặc mấy kiểu đồ con gái. Và hầu hết đều may từ loại vải trơn, màu trầm. May lắm thì có kẻ ca-rô. Mẹ nói mấy thứ màu sắc lòe loẹt, nổi bật là “rẻ tiền” nên chẳng bao giờ mua. Mẹ tin rằng mấy thứ an toàn mới “đẳng cấp”. Bất chấp cá tính của riêng từng người.
Tôi đưa đống quần áo cho bố, bố đem ra quầy tính tiền. Tưởng tượng mình trong mấy bộ quần áo “rẻ tiền” đó, bực dọc trong lòng cũng nguôi nguôi.
Sau đó, bố đến quầy bán vật dụng du lịch. Bố lựa bàn chải đánh răng, khăn, bột giặt, dao cạo râu và ném chúng vào giỏ. Rồi bố chọn một cái túi lớn cho mình, một cái ba lô nhỏ cho tôi. Luẩn quẩn theo chân bố, tôi bắt đầu chột dạ “mình tiêu rồi”. Xem ra không được về nhà thật. Dễ chừng bố sẽ dẫn tôi đi trốn ở đâu đó cũng nên. Cứ mỗi lần cô bán hàng cầm một món đồ trong giỏ ra, quét mã hàng, là trống ngực tôi lại đập thình thịch. Nhưng bố làm thế để làm gì nhỉ? Đi bắt cóc con gái mình thì có gì hay đâu. Chắc chỉ hôm nay thôi. Chắc hôm nay sẽ ngủ ở đâu đó rồi ngày mai được về nhà ấy mà. Mớ quần áo lúc nãy hẳn là quà bố tặng. Tôi cứ tự an ủi mình như vậy nhưng trong lòng mỗi lúc lại thêm hồi hộp.
Bố cho mọi thứ vào cốp sau và lái xe trên con đường đã bắt đầu chìm trong bóng chiều. Xa xa phía trước, mặt trời màu cam chậm rãi lặn giữa khoảng hở các tòa nhà san sát nhau. Những tòa nhà ấy cắt đường chân trời đang nhuộm hồng thành hình dích-dắc. Xe chúng tôi cứ chạy như thể đích đến là đường màu hồng ấy. Mark & Spencer nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến mất trong gương chiếu hậu. Hai bên đường là những trung tâm học thêm, cửa hàng cho thuê băng đĩa, quán mỳ… đại khái quang cảnh có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu nhưng lại không phải là nơi tôi biết. Còn những nơi chốn tôi biết thì đã dần xa trong gương chiếu hậu rồi. Tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi nhớ lại lần bị lạc khi đi về một mình sau buổi học piano. Cảm giác lo sợ ấy nay bỗng như trỗi dậy. Một mặt băng cát-sét đã chạy hết, tôi tranh thủ hỏi bố. Không thích cảm giác bị phát hiện mình đang lo lắng nên tôi cố gắng làm ra vẻ bình thản:
- Vậy là hôm nay không về nhà? Ngủ lại đâu đó à?
- Đại khái vậy.
Bố thản nhiên đáp lời. Tự nhiên tôi thấy quê quê sao đó.
- Vậy cũng được, nhưng mà nói bố biết rằng mấy chỗ nhỏ xíu, chật hẹp là miễn đi đấy nhé. Không “hoành-tá-tràng” thì đừng hòng con ở. Chỗ nào mà có đèn chùm treo sáng choang lộng lẫy, thảm êm nệm ấm, phòng có bồn tắm mát-xa, sáng thức dậy có quản gia đem đồ ăn đựng trong mâm bạc đến thì con sẽ ngủ cho bố!
Bố liếc nhìn mặt tôi, nói vẻ ngạc nhiên:
- Xem ra biết cũng nhiều nhỉ!
Rồi lật mặt băng nhạc.
- Nhưng khách sạn thì làm gì có quản gia hả?!
Bố nói vậy rồi im lặng.
Ánh sáng phía thành phố mờ dần, hiện lên dưới ánh đèn xe chỉ còn hai hàng cây như bao lấy con đường và những ngôi nhà đang dần chìm vào giấc ngủ. Tôi thật sự thấy lo nên cũng không nói gì nữa. Chỉ còn tiếng nhạc vang lên ầm ĩ. Không biết có phải vì chẳng có mục tiêu rõ ràng hay không mà bố cứ hết quẹo trái rồi rẽ phải, giả sử bị thả xuống đây một mình thì có lẽ vĩnh viễn tôi sẽ không bao giờ về được đến nhà. Nhưng kỳ lạ là dù lo lắng tột bậc nhưng đâu đó trong lòng, tôi lại thấy rất phấn khích. Cứ như trước buổi diễn văn nghệ ở trường vậy.
Xe từ từ giảm tốc độ và đổi hướng, đèn chiếu vào một tấm bảng hiệu cũ kỹ, tróc sơn. Chúng tôi dừng lại. Bãi đậu xe là một khu đất trống đầy sỏi đá. Ánh đèn chiếu rõ bảng hiệu của một quán trọ, xem ra đây sẽ là chốn dừng chân tối nay. Không đùa. Mờ mờ bên kia bãi đậu xe là một quán trọ cũ kỹ, bé tí và chẳng “duyên nợ” gì với những cái gọi là đèn chùm treo lộng lẫy, thảm trải mượt như nhung cả.
Tôi thử hỏi “đây là đâu” nhưng bố không trả lời, rút chìa khóa xe và bắt đầu gom đồ đạc. Vì bố đã bước xuống xe nên tôi cũng lật đật xuống theo.
- Ngủ ở đây á? Có đèn chùm treo không? Có mâm bạc lúc ăn sáng không?
Bố vẫn không trả lời trả lãi gì cả, cứ rảo bước về phía ngôi nhà tồi tàn. Đó là ngôi nhà làm bằng gỗ, hai tầng, bóng đèn bảng hiệu thì chớp tắt liên tục hẳn vì muốn đứt dây tóc. Tôi thử nhìn xung quanh nhưng trừ cái đèn sắp tắt ngóm đó ra thì mọi thứ đều chìm trong màn đêm hết cả, nên cũng chẳng biết ở đó có gì nữa. Chỉ nghe tiếng gió thổi lá cây xào xạc, tôi đoán chung quanh có nhiều cây cối. Trong bụng đánh lô tô nhưng tôi cứ phải đi theo, rồi bố mở cửa cái quán trọ cũ kỹ mờ ảo như nhà ma đó.
Bên trong sáng sủa hơn hẳn nên tôi thở phào. Ít ra thì cũng không có chuyện lũ ma hiện lên tụ tập để khiến tôi mất ngủ. Trong lúc bố nói chuyện với lễ tân, tôi xỏ đôi dép đi trong nhà vào và ngắm nhìn mọi thứ. Quầy lễ tân nằm ngay chính giữa, hai bên trải rộng, phía trái là hàng dãy những cánh cửa, còn phòng ăn ở phía phải. Trong phòng ăn chẳng có ai vậy mà ti vi vẫn để bật. Ngay cửa phòng có một hồ cá lớn, có hai con cá lững lờ bơi trong hồ nước vẩn đục.
Sau khi được dẫn lên căn phòng tầng hai, bố đi gọi điện thoại. Rỗi việc nên tôi hết kéo rèm cửa lại mở tủ lạnh, hay lục cái tủ đựng đồ dùng đã rệu rã, nghĩa là trong phòng có cái gì mở, đóng được là tôi cứ thế mở, đóng và kiểm tra bên trong. Nhưng chẳng có gì hay ho cả. Bên ngoài cửa sổ là bức tường xám xịt của một tòa nhà nhìn ghê ghê, tủ lạnh thì chẳng có đồ uống nào hấp dẫn, trong tủ quần áo chỉ có mấy bộ yukata, chấm hết. [Một loại kimono đơn giản mặc vào mùa hè hoặc mặc ngủ]
Tôi đành ngồi bệt xuống chiếu, bật ti vi. Tôi đổi kênh, dò chương trình hay xem với mẹ. Khi thấy người dẫn chương trình và các nghệ sỹ quen thuộc trên màn hình, tôi nhẹ cả người.
Bố mãi chưa quay lại. Chẳng biết bố có đang thương thuyết với mẹ thật không. Chẳng biết tôi bị bố bắt cóc thật không?
Đêm đó, tôi sắp xếp chăn nệm và ngủ bên bố. Trong chăn có mùi những ngày mưa.
Tôi hỏi “sao rồi” khi bố trở về phòng nhưng bố chỉ làm mặt đau khổ và ậm ừ. Tôi hỏi “mẹ có nói gì không”, bố cũng chỉ “ừm”. Tôi nói “mẹ giận đúng không”, thì cũng chỉ nhận câu trả lời y như vậy.
- Haru thích món gì mẹ nấu nhất?
Bố hỏi bất ngờ khi tôi đã thiu thiu. Giọng bố chậm rãi lan khắp căn phòng dưới ánh sáng cái bóng điện tròn màu cam.
- Chirashi zushi và thịt chiên. [Món cơm dấm trộn với cá, trứng cá, trứng chiên xắt sợi, dưa leo xắt nhỏ… phổ biến của người Nhật]
Tôi đáp tắp lự. Rồi tự nhiên thấy đói bụng. Dạo này tôi không được ăn chirashi zushi lẫn thịt chiên.
- Ờ, thịt chiên đúng là ngon thật. Nhưng bố thấy korokke [Một loại bánh mặn nhân khoai nghiền trộn thịt, tẩm bột chiên xù] ngon hơn. Nhưng korokke đâu phải lúc nào muốn ăn là có. Mùa hè thì là vằn thắn lạnh. Món đó cũng ngon.
- Con thích mỳ spaghetti kem hơn vằn thắn lạnh. À, với lại món kim chi nướng độc quyền nữa.
- Là của trẻ con thôi. Bố không ưa mấy món như spaghetti hay kim chi nướng gì đó, quen khẩu vị người lớn rồi. Rau sống trộn bạch tuộc, cà chua cũng ngon, à a, bố thèm cánh gà chiên giòn. Mà rắc thêm chút tiêu thì hay biết mấy.
Sau đó một lúc lâu, trong bóng tối, bố cứ lần lượt kể những món tủ của mẹ ra và phát biểu cảm tưởng. Tôi vừa nhìn ánh sáng màu cam nhỏ xíu trên đầu vừa nghe tiếng bố thầm thì.
So với lúc trước, dạo này mẹ ít nấu ăn hẳn. Tôi luôn nhớ món thịt chiên với cả cánh gà chiên giòn ngon lắm, nhưng lại chịu, không thể nhớ ra chúng có mùi vị thế nào. Cũng đành thôi, tại mẹ bận quá mà. Vả lại đồ ăn mua ở siêu thị cũng không tệ, hay những món thỉnh thoảng dì Asako nấu cho cũng trong danh sách yêu thích của tôi. Tuy nhiên, nếu xếp thứ tự ưu tiên thì vẫn là thịt chiên và chirashi zushi mẹ làm.
- Cơm trộn đậu hũ chiên và cá cơm cũng hợp với rượu lắm.
Bố tiếp tục. Không hiểu tại sao tôi không thể nói cho bố biết là lâu rồi, cả cơm trộn lẫn spaghetti tôi cũng không được ăn. Tôi lục lọi ký ức và nói:
- Bố biết bom cơm nắm chiên không? Là cơm nắm chiên mà lõi có đủ thứ nhân á. Con cũng thích lắm.
Đoạn hội thoại thình lình bị đứt ngang, từ bên bố nằm vang lên tiếng “rột, rột” như tiếng con mọt gặm gỗ. Tôi bật cười. Bố cũng cười theo.
Phải mà có quyển thực đơn đầy đủ các món của mẹ nhỉ. Một quyển thực đơn như của nhà hàng, có hình minh họa, to hoành tráng. Tự nhiên tôi nghĩ thế. Được vậy thì bây giờ, ngay tại đây, chúng tôi có thể ngồi dậy, bật đèn, trải quyển thực đơn trên cái chăn ngai ngái mùi mưa và lật ngắm từng trang cho bằng hết. Sẽ chẳng còn cảm giác lo lắng, buồn phiền, mà sẽ có cảm giác mọi việc suôn sẻ, như ý. Nghĩ vậy, tự dưng tôi muốn khóc. Và để khỏi rơi nước mắt, tôi đã phải úp mặt vào cái chăn và hít đầy lồng ngực cái mùi mưa đó.

Chương 3

Buổi sáng, đương nhiên không có quản gia bưng mâm bạc đến. Một giọng nói phát ra từ cái loa rè sẹ như tiếng phát thanh thông báo giờ ăn trưa trong trường đã đánh thức chúng tôi dậy. “Đã đến giờ ăn sáng. Mời quý khách tập trung xuống phòng ăn. Đã đến giờ ăn sáng”.
Ánh nắng mặt trời nhuộm hồng tấm màn cửa, ánh sáng lọt cả qua những lỗ thủng đây đó như bị sâu ăn. Tôi tỉnh dậy, gấp chăn nệm và thay bộ quần áo “rẻ tiền” bố mua hôm qua. Cái áo thun đỏ chen vàng loạn xạ. Và cái quần đầy túi là túi. Tôi nhìn mình từ trên xuống dưới (cứ như quần áo mặc tôi thì đúng hơn) rồi ra rửa mặt. Từ bồn rửa mặt, tôi vươn cổ nhìn bố chỉ mới nhổm nửa người dậy, mắt hãy còn nhắm tịt, thu lu một đống. Tóc tai bù xù, sắc mặt lợt lạt, cứ như một cái xác không hồn. Tôi mở toang cửa, bật ti vi mà bố cũng chẳng mảy may cử động. Phải nói “ăn sáng kìa” đến ba lần, bố mới chịu đứng dậy. Bố chẳng buồn nhìn tôi, cứ thế ra khỏi phòng như một con gấu mắc bệnh mộng du.
Đã có vài người ngồi dùng điểm tâm trong nhà ăn. Ba phụ nữ ăn diện chẳng hợp tí nào với cái quán trọ tồi tàn, một cặp nam nữ người đầu vàng kẻ tóc nâu, và hai cặp ông già bà lão đầu tóc bạc phơ. Toàn bộ nhà ăn được lắp cửa kính nên ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào phòng, đến phát ghét. Bên ngoài cửa sổ, cây cối rậm rạp lá, lấp loáng, long lanh.
Bố ngồi đối diện tôi, đầu tóc y như tổ quạ, nhìn lơ đãng đâu đâu và tách đôi đũa tre. Cặp đầu vàng tóc nâu thỉnh thoảng lại liếc nhìn chúng tôi. Họ thấy chúng tôi thế nào nhỉ? Một người đàn ông như con gấu mới bệnh dậy, mặt mũi bơ phờ húp canh miso. Một con nhóc ăn vận hoa lá cành, màu mè sặc sỡ. Mà họ muốn nhìn sao cũng được, có điều tôi đang rất không muốn bị họ nghĩ người đàn ông đầu bù tóc rối vụng về đến nỗi không đập vỡ được quả trứng, còn làm đổ cả lòng trắng ra bàn kia là bố tôi. Sáng nào ông cũng xấu xí đến vậy sao? Tôi gắng hết sức mình để giả vờ như không biết gì, đập trứng đàng hoàng, dùng đũa đúng cách, ăn uống nghiêm chỉnh.
Mãi đến khi ăn sáng xong xuôi, đi mua lon cà phê và ngồi uống trên sofa phòng khách, bố mới trở về trạng thái bình thường. Bố nói bằng một giọng nặng trịch như đội trưởng:
- Bây giờ công bố lịch làm việc hôm nay.
- Còn có lịch làm việc nữa hả?
- Có. Trước tiên, đi trả xe. Sau đó, đi xe điện ra biển. Chiều tối là đến.
Mới hôm qua bố còn bày đặt nói “không biết đi đâu” vậy mà hôm nay có lịch đi biển! Chỉ mới nghe từ “biển” thôi là tôi đã muốn nhảy ùm xuống nước ngay lập tức rồi, cơ mà nếu đồng ý liền thì quê lắm.
- Trả xe là sao? Trả cho ai? Chứ không phải của người ta cho hả? Với lại, bố nói đi biển nhưng quyền chọn lựa là của con mà.
- Haru chỉ biết có mỗi siêu thị, nhà hàng nên xin lỗi nhé, để bố quyết. Và đừng có quên là Haru có chút quyền lựa chọn nhưng người nắm quyền chủ đạo vẫn là bố!
Bố nói với giọng điệu như ma vương trong phim hoạt hình rồi đứng dậy. Quấn lại vạt áo yukata, bố rảo những bước dài về phòng. Thật lòng mà nói, tôi bắt đầu thấy hứng khởi. Nếu không có ai nhìn chắc tôi đã chạy quanh hành lang, nhảy nhót tưng bừng cho hả cơn phấn khích trong lòng rồi. Hướng về phía bố đang đi thật nhanh, tôi hét to:
- Tên bắt cóc kia, sao cũng được nhưng làm ơn sửa lại cái đầu tóc khó coi đó rồi hẵng ra khỏi phòng. Thật xấu hổ làm sao khi phải đi chung với cái đầu đó!
Bố lật đật quay lại, đưa một ngón tay lên miệng khẽ “suỵt”.
Chúng tôi chạy xe khoảng một tiếng đồng hồ trên con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, hai bên đường đều là đồi núi. Khi thấy căn nhà nhỏ thuộc khu câu cá nhân tạo, bố liền cho xe vào bãi.
Bố xuống xe và nói “bố đi trả xe”. Tôi thu gom hành lý rồi cũng xuống theo. Bố biến mất sau lớp cửa kính, tôi ngồi thụp xuống vọc mấy viên đá sỏi lên chơi.
Xung quanh trở nên tĩnh lặng. Chỉ nghe tiếng sỏi tôi ném trúng một viên khác. Tôi ngẩng lên nhìn cánh cửa kính. Bên trong tối om, chỉ thấy bóng tôi ngồi phản chiếu mờ mờ. Tôi không vọc sỏi nữa thì không khí càng yên tĩnh hơn. Nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió. Tự nhiên tôi thấy lo lắng nên đứng dậy định đi gọi bố thì cửa mở, bố bước ra. Có thêm một người đi theo sau. Dáng người cao lớn, đầu đội mũ bóng chày, trông trẻ hơn bố nhiều nhưng cũng không phải là con nít như tôi.
- Chào cháu. Chú là Kanbayashi.
Người đó lên tiếng và lịch sự cúi đầu chào. Lâu lắm rồi mới gặp được một người không xem tôi là con nít nên tôi đâm bối rối, cứ đơ người như rô-bốt và chỉ biết cúi đầu, thậm chí còn không biết đường giới thiệu tên mình.
Bố và chú Kanbayashi đó vừa đi về phía chiếc xe vừa nói chuyện. Tôi đứng như trời trồng nhìn dáng hai người từ phía sau. Họ khoác vai nhau cười nói vui vẻ giữa rừng cây cao lớn như giang tay hướng về bầu trời. Họ như hai người bạn cùng lớp. Bố thấp hơn chú Kanbayashi một cái đầu và cứ như thể một người xa lạ tôi chưa từng quen biết. Tôi không biết người cùng bố nói cười vui vẻ, vai rung khầng khậc vì thích chí, vỗ vai người bên cạnh bồm bộp đó. Tự nhiên tôi thấy yếu đuối, cô đơn như một đứa bé bị bắt cóc thực sự. Tôi lặng nhìn lòng bàn tay mình. Vì vọc sỏi nãy giờ nên nó lấm tấm trắng.
Sau khi cười một trận đã đời về một chủ đề nào đó mà tôi không được biết, hai người quay lại.
- Cháu uống cái gì lạnh lạnh rồi hẵng đi?
Chú Kanbayashi hỏi tôi với cái giọng ngọt ngào như… “tán gái”.
- Hay đi câu cũng được, tùy cháu!
- Sao hả?
Bố nhìn tôi hỏi. Tôi không đáp. Im lặng một lúc, bố lại bảo:
- Thôi, đi!
- Để tôi chở ra ga!
Chú Kanbayashi nói vậy rồi lục chìa khóa loẻng xoẻng, đi đến chỗ để xe. Tôi cứ đứng một cục ở đó nhìn lòng bàn tay mình khiến bố lên tiếng hỏi:
- Haru, sao vậy? Đau bụng hả? Hay muốn đi toa-lét?
- Nhiều chuyện! Đừng có như nựng mèo vậy!
Tôi cố hết sức nói bằng một giọng cực thấp và nhỏ. Bố nhún vai rồi đi tới chỗ chiếc xe.
Bố ngồi ghế trước, cạnh chú kia, còn tôi ngồi một mình phía sau. Bố tám chuyện với chú Kanbayashi suốt. Tôi cố tình dỏng tai lên nghe không sót một từ nào nhưng hoàn toàn chẳng hiểu hai người đang nói gì. Mỗi lần xe dừng đèn đỏ, chú Kanbayashi lại quay xuống bắt chuyện với tôi. Nào là:
- Mang tiếng nghỉ hè chứ khách đến câu cá cũng chẳng mấy. Lần tới cháu rủ bạn đến chơi nhé. Gần đó có con sông nước trong cực kỳ. Chưa biết câu thì chú chỉ cho, vui lắm.
Hay kể cả những chuyện như vầy:
- Chú từng gặp cháu rồi đấy chứ, lúc cháu còn nhỏ xíu, chưa biết bò nữa kìa. Chú mua bánh quy đến làm quà cho cháu thì bị mọi người cười quá trời, vì em bé đã ăn được đâu.
Mỗi lúc như vậy, bố đều giữ nguyên tư thế nhìn thẳng phía trước, thỉnh thoảng chêm vài câu vuốt đuôi “chỗ khỉ ho cò gáy như vậy, khách nào mà đến” hay “sao Haru nhớ mấy chuyện đó được”.
Tôi giả lơ hết thảy. Mặc cho hai người nói gì, tôi cứ quay mặt ra ngoài cửa sổ, nhìn con đường đang lùi dần về phía sau. Chính tôi cũng không rõ mình đang tức giận, đang căng thẳng hay đang muốn khóc. Chỉ biết rằng ngồi trong chiếc xe này, tôi không thấy dễ chịu chút nào. Cứ như có cái gì đó gai gai lạnh lạnh chạy rần rần trong người tôi với một tốc độ khủng khiếp. Cũng có thể là vì bố đã hỏi vô duyên “muốn đi toa-lét hả”, cũng có thể vì bố và chú Kanbayashi cười vụ gì đó mà tôi không biết, cũng có thể vì câu chuyện cứ tiến triển mặc cho tôi chưa hề nói muốn đi đâu, làm gì. Tôi không rõ lý do nhưng tóm lại, tình trạng của tôi hiện nay là “không được vui”, đến nỗi dần dần bực lây cả cách nói chuyện như với một người lớn của chú Kanbayashi, đồng thời tôi cũng giận cả bản thân mình khi hành xử bằng thái độ của một đứa con nít là lờ tịt chú ấy.
Vì tôi chẳng ư hử gì nên hai người ngồi phía trước cũng nản, họ lại nói chuyện riêng với nhau. Nhưng trong câu chuyện, thỉnh thoảng có động đến “Kyoko” (tên của mẹ) nên tôi liền giả vờ không quan tâm, kỳ thực là dỏng tai lên nghe, có điều, những chỗ quan trọng hai người bọn họ lại hạ giọng xuống nên rốt cuộc tôi chẳng nghe được gì.
Xe dừng ở một nhà ga, cái nhà ga im ắng như đang ngủ trưa, chúng tôi xuống xe. Chú Kanbayashi tiễn chúng tôi đến tận cửa soát vé. Trong lúc bố đi mua vé, tôi và chú Kanbayashi đứng bên trong nhà ga. Chắc vì tôi cứ làm mặt bơ nên chú cũng không bắt chuyện nữa. Bố đang nói gì đó với nhân viên nhà ga. Tôi muốn nói là mình đang bị bắt cóc, bây giờ phải làm sao nên ngẩng lên nhìn chú Kanbayashi thì bắt gặp ánh mắt của chú. Chú Kanbayashi nhìn tôi mỉm cười. Thình lình tôi chợt nhớ ra. Nhớ khung cảnh có bố, có mẹ, tôi thì nằm ngủ ở một nơi rất mát mẻ, êm ái, và có cả chú Kanbayashi. Bố và chú Kanbayashi nhìn tôi, đúng rồi, và cười như thế. Sau đó mẹ bế tôi lên. Trong khoảnh khắc, cảnh ấy vụt biến mất trước khi kịp kết nối các hình ảnh lại với nhau. Nó biến mất trước khi tôi kịp nhớ ra chuyện xảy vào lúc nào, ở đâu nên có thể nó không hẳn là ký ức của tôi. Cũng có thể là tôi tự dựng nên quang cảnh đó trong đầu khi nghe câu chuyện lúc nãy. Chứ làm gì có chuyện nhớ nổi những việc xảy ra thời còn bé tí xíu.
Bố quay lại, hai tay ôm hành lý và túi đồ mua hôm qua, còn cố “đèo bồng” mỗi tay một lon nước trái cây nữa.
- Cảm ơn cậu nhé. Tôi sẽ liên lạc sau.
Bố cảm ơn chú Kanbayashi và dúi lon nước cho tôi.
- Haru, khi nào có dịp hãy đến chỗ chú câu cá nhé!
Chú Kanbayashi cúi người, chừng ngang bằng tôi và nói. Trong lúc tôi còn đang cố tìm từ gì đó để trả lời chú, “dạ” cũng được, “hẹn gặp lại” cũng hay, dù chỉ một từ thôi vậy mà tiếng loa từ sân ga vang lên “Xe điện chuẩn bị vào đường ray số hai. Xin hãy lùi xuống dưới vạch trắng!” - giọng người phụ nữ trên loa nhắc đi nhắc lại ồn ào đến mức nuốt trọn những từ ngữ đã chạy tới đầu lưỡi trong miệng tôi.
Bố đẩy lưng tôi đi qua cổng soát vé, làm rớt cả lon nước, cúi xuống lượm rồi nhét vé vào túi, trông thật vụng về. Xe điện trờ tới sân ga, trước khi lên xe tôi quay lại nhìn, thấy chú Kanbayashi đang đứng ở cổng soát vé vẫy tay chào. Vòng xuyến trong tòa nhà của nhà ga lấp loáng trắng.
Khi cả vòng xuyến và sân ga đã khuất dạng, lúc này bố ngồi đối diện tôi, lôi từ túi xách ra nào Pokky [một nhãn hiệu bánh kẹo nổi tiếng ở Nhật với loại bánh dạng que, phết một lớp chocola], nào quýt đông lạnh… ra xếp trên bậu cửa sổ.
- Quá trưa một chút sẽ phải đổi tàu. Lúc ấy mình mua cơm hộp. Ở đó mấy món cơm cá nổi tiếng lắm nhưng sao cũng được, miễn đừng để bụng đói. Cho nên bố mua đủ thứ rồi đây. Thích ăn gì thì ăn.
Tôi nhìn những thứ bánh kẹo bố bày trên bậu cửa sổ y như người ta sắp xếp mẫu vật ở trường bắn: Pokky, bánh quy, sô-cô-la, quýt đông lạnh, mực khô, kẹo ca-ra-men. Chán. Bố đã quên rằng tôi không hề thích đồ ngọt. Hồi nhỏ xíu, có dạo phải “thăm khám” nha sỹ thường xuyên và bị cấm ăn đồ ngọt, thế là không biết từ lúc nào tôi chẳng còn thấy mấy thứ bánh kẹo ngọt đó ngon lành nữa. Có lần hai bố con đã cùng ăn khoai tây chiên và bố nói tôi là một đứa con nít khác biệt, sao lại quên được chứ.
- Chú Kanbayashi lúc nãy là bạn thời sinh viên của bố. Chú ấy nghỉ làm ở công ty rồi ra mở khu câu cá nhân tạo nơi cái xứ khỉ ho cò gáy vậy đấy. Thấy khác người không. Chẳng con cái gì nên không biết cách nói chuyện với con nít. Lúc Haru còn nhỏ xíu kìa, chú bế lóng ngóng đến độ mẹ phát cáu và không dám cho bế nữa. Mà nói gì thì nói, lâu lắm rồi mới lại được đi xe điện nhỉ. Ngồi đối diện vậy cũng hay. Cảm giác như đi đâu xa lắm ấy. Nghỉ hè rồi mà cũng vắng vẻ ghê!
Bố “phát thanh” liên tục. Bố càng nói thì cơn bực tức vô duyên vô cớ trong lòng tôi nãy giờ càng tăng lên gấp bội, cùng đó là một nỗi thất vọng tràn trề. Tôi vẫn ngậm chặt miệng, không nói lời nào. Như lúc còn trên xe hơi, tôi nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Lon nước trái cây bố đưa lúc nãy đã đổ mồ hôi lạnh đầy lòng bàn tay.
- Đến trưa mới đổi tàu, lại tiếp tục lắc lư chừng hai tiếng nữa nên cũng phải chiều tối mới ra tới biển. Thôi, coi như tối nay ngủ tạm rồi ngày mai xuống biển mặc sức mà bơi. Aaa, đồ tắm, áo tắm, quên mua áo tắm rồi. Mà không sao, thể nào ở quanh đó cũng bán.
Bố tiếp tục nói như thể đầu-óc-đang-có-vấn-đề. Tôi thử liếc ngang quan sát thái độ của bố. Bố vừa nói vừa sắp xếp, thay đổi vị trí của đống bánh kẹo với trái cây trên thành cửa sổ một cách vô thức. Và tôi hiểu ra. Không phải vì vui vẻ, phấn chấn mà bố “phát thanh”, thật ra là bố đang lúng túng. Bố lúng túng vì không hiểu nguyên nhân nào khiến tôi cau có, không chịu mở miệng.
- Không biết hút thuốc được không ta? Ừm, mà chẳng có ai hút cả, thôi để tí nữa hỏi nhân viên tàu. Mấy thứ này, ăn đi, đừng ngại. Bố không cấm cảu khó chịu như mẹ đâu, nào không được ăn cái này, nào cái nọ không được xơi. À, mà lúc nãy bố có mua phiếu giờ tàu chạy rồi. Để tính đường đi sao cho gọn chứ lỡ xui xẻo đang mua cơm mà tàu chạy thì tiêu.
Đoạn sau bố gần như nói chuyện một mình và thôi sắp tới xếp lui bánh kẹo, thay vào đó bố lục lọi túi xách. Thành thử tôi lại thấy bố thật tội nghiệp làm sao, tôi biết chỉ cần mình mở miệng nói một tiếng thôi hẳn bố sẽ thấy dễ chịu hơn và chịu im lặng nhưng thật ra, chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại bực dọc thế này, tôi cũng thấy mệt mỏi khi phải im lặng lắm chứ, tôi cũng muốn nói là vẫn còn nhớ chú Kanbayashi nhưng rốt cuộc chỉ làm được mỗi cái việc là nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ. Đâu đó trong lòng tôi muốn thử làm bố khó xử hơn xem sao. Muốn thấy bộ dạng thảm hại của bố thế nào.
Tôi tiếp tục ngậm chặt miệng, nhưng lúc lâu sau thì bố ngủ mất. Tôi bớt căng thẳng một chút, ngắm phong cảnh bên ngoài đang dần lướt qua. Trên cửa sổ, chẳng gói bánh kẹo nào được mở cả. Có hai người ngồi dãy ghế bên kia lối đi mặc kiểu váy tương tự nhau, đầu tóc cũng giống nhau, đang say sưa trò chuyện. Tôi muốn cho quách họ mớ bánh kẹo đó. Khi tàu điện chạy vào đường hầm, bóng họ in trên kính, hai khuôn mặt tiến gần nhau hơn để trò chuyện. Tôi thấy họ như chị em sinh đôi. Không biết họ thấy chúng tôi thế nào nhỉ? Đương nhiên không phải bạn bè rồi, chắc cũng không giống thầy giáo với học trò. Vậy chỉ còn một suy nghĩ là bố con mà thôi. Nhưng nếu là vậy thì tại sao thấy chúng tôi giống bố con? Do tuổi tác? Hay vì có nét nào đó giống nhau? Tôi muốn hỏi họ quá. Nếu nói giống nhau thì chúng tôi có điểm nào giống nhau nhỉ?
Tàu điện lắc mạnh khiến mấy hộp Pokky rơi xuống chân tôi. Hàng cây chạy dọc ngoài cửa sổ thình lình biến mất, mặt biển hiện lên trắng lóa dưới ánh nắng mặt trời. So với biển trong trí nhớ của tôi, biển ngoài cửa sổ rộng lớn gấp mấy lần khiến tôi ngạc nhiên quá, cứ thế gí mặt sát tấm kính để nhìn. “Biển kìa, đến biển rồi kìa!” - tôi đã không thể hét lên như vậy để đánh thức bố.

Chương 4

Sau bữa sáng, bố đi gọi điện thoại với cái đầu bù xù. Trên phòng cũng có điện thoại vậy mà bố phải cất công đi gọi điện thoại công cộng.
Tôi chạy ra khỏi phòng, lén theo dõi bố. Sảnh bên dưới vừa là phòng ăn vừa kiêm khu vực tiếp đón khách, có một cái bàn lớn khoảng mười người ngồi vừa, trong góc là một bộ sofa cũ kỹ. Mọi thứ trông xập xệ, u ám. Điện thoại công cộng nằm một bên góc cửa lùa. Bố đang cầm ống nghe, quay lưng về phía tôi. Tôi ngồi ở góc trong cùng cái bàn lớn, dỏng tai lên nghe. Bố lấy một tay che ống nghe, nói thật nhỏ, nên tôi chẳng nghe được bố nói gì. Không khí hình như có vẻ căng thẳng nhưng vì không thấy mặt bố nên tôi không chắc thế lắm.
- Nhưng em làm vậy thì không công bằng!
Thình lình giọng bố vang lên, tôi chồm người đến nhưng một gia đình vừa xuống cầu thang vừa trò chuyện ồn ào. Bố vẫn đang ôm điện thoại lớn tiếng nói chuyện nhưng tiếng của bố bị cái gia đình nhặng xị kia át hẳn đi. Tôi căm tức nhìn họ. Ông bố đầu hói, bà mẹ thì cao ráo với mái tóc uốn lọn. Thủ phạm gây ồn nhất là một đứa con gái trạc tuổi tôi và một đứa con trai chừng mới học lớp một. Ông bố vác cái ô che nắng, bà mẹ cầm cái xô nhựa, còn hai đứa con mặc đồ tắm, mỗi đứa ôm một cái phao. Ánh mắt đứa con gái mặc bộ đồ tắm hồng chạm ánh mắt tôi và nó liền nhìn đáp trả. Tôi cũng không chịu thua, trừng mắt nhìn lại thì nó cụp mắt lảng đi, choàng tay bà mẹ rồi nói bằng một giọng nhão nhoẹt “bởi vậy mới nói, bố thật là…”. Bốn người bọn họ vừa cười vang vừa kéo cửa bước ra ngoài khu nhà nghỉ dưới nắng chói chang.
“Điên, nhìn cái gì. Già đầu mà còn bày đặt õng ẹo!” - tôi hậm hực trong lòng mà quên mất là mình mới là kẻ nhìn họ gây hấn trước.
Cảm giác như có người đến gần, tôi ngẩng đầu lên thì thấy bố đã đứng đó tự lúc nào. Theo ánh mắt tôi, bố nhìn gia đình bốn người nọ đang đi trên con đường đầy nắng rồi nhìn xuống tôi với vẻ thương cảm, hình như bố hiểu nhầm điều gì đó. Tôi thấy bố đúng là thật thà. Chắc bố tưởng tôi ghen với hạnh phúc của gia đình nọ cho mà xem.
Tôi liền cố tình chọc tức bố:
- Sướng ghê, cả nhà cùng đi tắm biển. Chắc ông bố phải gãy lưỡi với công ty để lấy phép này, rồi còn phải lái xe mấy tiếng đồng hồ chở cả nhà đến đây nữa này. Ghen tỵ quá đi mất, gia đình hạnh phúc. Trong khi mình thì bị bắt cóc, đúng là một trời một vực!
Không ngờ bố lại nói:
- Ừ, quá ư khác biệt ấy. Chưa kể còn phải đi với tên bắt cóc nữa chứ, nhỉ!
Nói rồi bố ngửa mặt lên trần nhà cười ha hả. Nhìn bố, tôi cũng thấy buồn cười theo nên cũng ngoác miệng ra trong bộ dạng y hệt bố.

Chương 5

Chúng tôi đã mua đồ tắm ở nhà ga. Góc trong cùng của một tiệm bán bánh kẹo và quà lưu niệm có treo vài bộ đồ tắm lạc lõng, chúng tôi chỉ còn cách chọn mua ở đó. Tôi cố tình lựa một bộ bèo nhún, diêm dúa mà nhất định tôi sẽ không bao giờ đụng đến nếu không rơi vào tình cảnh như hiện nay. Bố cũng mua một cái quần bơi như quần lót. Cũng muốn có phao bơi, ván lướt này nọ nhưng khi thấy bố ra sức dò xem giá từng món đồ, tự nhiên tôi không thể đòi hỏi gì với bố được nữa. Khi nghe tôi nói “chẳng cần gì nữa” thì bố thở phào, cười nhẹ nhõm. Trông mất phong độ ghê.
- Thương lượng được chứ?
Tôi hỏi bố khi rảo bước trên con đường nhỏ dẫn ra biển, bao bọc hai bên đường là hàng rào cây được xén tỉa gọn gàng.
- Chẳng suôn sẻ gì, mẹ mày đúng là cứng đầu.
Tôi nhìn lên, mép bố lỉa chỉa những sợi râu nhỏ. Nhìn bố như tội phạm bắt cóc trẻ em thứ thiệt. Bên kia hàng rào có vài cây thân cao to, mọc thẳng đứng, tiếng ve từ đó vọng xuống rền vang. Con đường cứ thế thẳng ra biển nhưng trước mặt tôi cứ sóng sánh sao sao khiến tôi cảm giác chẳng còn biết mình là ai, đang đi đâu với tên bắt cóc này.
- Vậy chứ bố đòi mẹ cái gì? Không phải tiền thì bố đòi gì để đổi con?
Bố không trả lời câu hỏi đó mà nói:
- Không chừng phải để Haru gọi điện thoại quá. Lúc đó nhớ là phải la hét như là thảm lắm ấy, nào là “mẹ ơi, con muốn về nhà”, hay “con nhớ mẹ”, đại loại vậy. Chứ đừng có mà nhiều chuyện là đang tắm biển, đang ở nhà nghỉ này nọ đấy.
Hẳn bố tin tưởng tôi sẽ không giả vờ đi vệ sinh rồi gọi điện cho mẹ. Chuyện đó dễ như trở bàn tay. Tôi có thể lén lấy thẻ điện thoại từ ví bố rồi gọi về nhà, báo mình đang ở đâu, mau đến ngay thì mọi chuyện sẽ bại lộ mà. Nhưng đương nhiên tôi không làm mấy chuyện đó. Từ lúc mẹ đi săn hàng giảm giá, tôi không được nghe tiếng mẹ. Nhưng tôi đã tự nhủ khi nào muốn nói chuyện với mẹ, tôi sẽ gọi điện. Không chừng đầu óc bố kém cỏi hơn tôi tưởng nhiều. Không phải loại người có thể phạm tội.
Con đường trở nên thoai thoải dốc rồi thình lình tầm mắt bị cắt ngang bởi bãi biển. Sóng biển trải dài trắng xóa, dọc bãi cát là mấy cái ô to đủ loại màu sắc.
- Biển! Biển!
Tôi nhắm về hướng biển đang trải rộng trước mắt mà chạy. Đôi dép mượn ở nhà nghỉ suýt mấy lần tuột khỏi chân vì quá rộng, nhưng đúng là không thể không chạy khi biển đã ngay trước mặt.
Tôi lao xuống biển, rồi chạy lên bờ, cứ thế không biết bao nhiêu lần, còn bố cứ đeo kính mát mà ngủ suốt dưới ô che. Nhưng mỗi lần như vậy thì có thêm một lon bia bên cạnh bố. Tắm biển cũng đã mệt, còn bố lại nằm ngủ ỳ ra, thế là tôi ngồi xuống bãi cát ngắm người ta qua lại trước mặt mình. Có mấy người bôi dầu đỏ nâu toàn thân bóng loáng đi qua đi lại, tụi con nít lóc nhóc thì nghịch cát sát mép sóng vỗ.
Tôi phát hiện ra con nhóc ở nhà nghỉ lúc nãy. Nó đang ôm phao đi từ dưới biển lên. Ánh mắt chúng tôi lại gặp nhau. Nghĩ nó thể nào cũng nhìn mình bằng đôi mắt mang-hình-viên-đạn nên tôi chuẩn bị tư thế phòng thủ thì không ngờ nó nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Nụ cười rạng rỡ đó thật hợp với quang cảnh bãi biển rực nắng khiến tôi không thể nào không cười đáp trả. Con nhóc đi thẳng tới chỗ tôi, ngồi thụp xuống.
- Tên gì?
Nó hỏi tôi cộc lốc, ra chiều thân thiết như bạn cùng lớp.
- Haru.
- Ưm, tớ là Chizu. Thấy tên lạ không? Thằng em tớ tên Kazu. Ấy lớp mấy?
- Lớp năm.
- Vậy bằng tuổi rồi. Phòng mấy?
- Ờ ờ, phòng số ba.
- Vậy bên cạnh rồi. Ở đến khi nào?
- Khoảng hai ngày nữa.
Tôi nói bừa. Chứ thật ra có biết đến khi nào đâu. Tôi muốn ở lại đây thêm hai ngày nữa nhưng gì thì gì tôi chỉ là một đứa bé đang trong tình cảnh bị bắt cóc mà thôi.
- Chiều mai tớ về rồi. Lại phải đi xe, phát mệt. Thể nào cũng tắc đường cho xem. Kazu lại rên rỉ, mama sẽ bực mình. Xin đi vệ sinh thôi mà cũng bị mắng như chơi.
Tôi bật cười. Thấy cách nói chuyện của Chizu thật hay. Chẳng chút khách sáo, e dè, cứ như bạn thân lâu ngày, chuyện gì cũng tám được vậy.
- Người nãy là bố ấy hả?
- Ứ ừ, là ông chú bà con.
Cứ nghĩ không biết con nhóc sẽ hỏi tiếp những gì - nếu tôi trả lời là bố thì nó sẽ hỏi mẹ đâu, trả lời mẹ ở nhà thì chắc chắn nó sẽ hỏi tại sao? - mà cứ vậy thì không chừng tôi huỵch toẹt ra là mình đang bị bố bắt cóc mất - thật phức tạp, nên tôi lại nói dối cho xong chuyện. “Bố mẹ tớ bận lắm, không dẫn đi đâu chơi hè được nên bán tớ cho ông chú bà con này”.
- Hừm… bận rộn nhỉ. “Chuyện thường ngày ở huyện” của mấy người lớn ấy mà.
Chizu tỏ vẻ người lớn ra mặt. Cứ nghĩ nó sẽ hỏi “sao bận dữ vậy” thì nó lại hỏi một câu thực tôi không ngờ đến:
- Vậy bố mẹ tình cảm không?
Tôi phải nói dối lần nữa:
- Ưm, cũng được. Xem video chung, đi karaoke, đi ăn và để mặc tớ ở nhà. Ngày nghỉ còn bày đặt hẹn hò nữa, già rồi mà còn nhắng lắm.
Tôi thấy bực khi miệng cứ nói dối trơn tru như thế. Nói dối một lần rồi thì cảm giác như “chém gió” kiểu gì cũng được khi trong đầu hiện lên quang cảnh giả tạo đó. Cảnh tôi, rồi cảnh bố mẹ hạnh phúc bên nhau đến mức quên cả tôi.
- Hừm… Nhà tớ thì chẳng vui vẻ gì mấy. Lúc nào cũng tranh qua cãi lại. Được dẫn đi biển thì cũng vui đấy nhưng lúc ngồi trong xe, hay kiểu gì đến tối cũng oải nhất. Cái vụ đi nghỉ này cũng vậy, tranh cãi đến mức hết muốn đi luôn. Xét trên phương-diện-giáo-dục thì rõ ràng chẳng hề tốt đẹp!
Chizu vừa nói vừa khảy cát ướt dính ở chân. Sau đó đột nhiên hỏi:
- Nhìn thấy đơn ly hôn bao giờ chưa?
Tôi lắc đầu thì con bé nói “tớ thấy rồi” và ghé mặt sát vào tôi:
- Tớ thấy tờ đơn đó nằm một cục trong thùng rác. Nhà tớ, “tình hình” nhỉ?
Mấy giọt nước trên tóc Chizu rỏ xuống vai tôi. Nghĩ Chizu chắc không nói dối làm gì nên tự nhiên tôi thấy ngài ngại cho nó. Có lẽ tôi có tố chất của một tội phạm. Ít nhất là hơn bố!
Cứ mỗi lần sóng cao là nghe tiếng ồ lên thích thú. Đứa bé đang cầm xẻng vọc cát giật mình ngẩng lên nhìn sóng ùa tới. Tôi quay lại nhìn, bố vẫn đang nằm ngủ. Bóng ô che bị lệch nên ánh nắng chiếu thẳng vào người bố. Da bố từ trắng chuyển sang đỏ au.
- Không có anh chị em gì hết à?
Chizu hỏi nên tôi quyết định đã lỡ “chém gió” rồi nên phải làm tới luôn. Tôi cứ nói những gì mình nghĩ, những gì mình cho là hay.
- Có một chị. Sang năm lên cấp hai rồi. Ở nhà với bố mẹ, chắc giờ này đang bò ra mà học đấy. Tớ cũng muốn vào trường đó. Học dở như tớ thì hơi bị khó nhưng nếu chị ấy kèm cho thì cũng có tý hy vọng. Chị tớ hiền mà duyên dáng lắm, tình thương mến thương lắm nên tớ chỉ muốn học chung trường với chị ấy thôi.
[Hệ thống giáo dục ở Nhật: bậc tiểu học gồm 6 năm, trung học cơ sở và phổ thông trung học đều gồm 3 năm]
- Ấy học dở lắm à?
Chizu hỏi.
- Ừm.
Chuyện này thì thật. Thành tích học tập của tôi chẳng lấy gì làm sáng sủa cho lắm.
- Tớ thì, học sinh giỏi đấy nhé, lúc nào cũng tốp đầu luôn.
Chizu nghiêm túc nói. Tôi chưa từng gặp ai nói chuyện đó khơi khơi như vậy nên có hơi lúng túng, không biết nói gì. Chizu cười.
- May quá, cũng có cái hơn Haru. Bố mẹ nhà Haru thì tình cảm, nhà tớ thì “ca nhạc” suốt ngày; nhà Haru có chị dễ thương, còn tớ thì cực ghét thằng Kazu; đến đây mà Haru còn học giỏi nữa thì bất công quá.
- Thì bộ đồ tắm của ấy sành điệu hơn đấy thôi.
Tôi cười, Chizu chăm chú nhìn bộ đồ tôi mặc và cười vang “chuẩn không cần chỉnh”.
Thình lình con nhóc im lặng, nhìn hai bàn tay dính đầy cát do vọc cát ướt nãy giờ, rồi lại nói vẻ nghiêm trọng:
- Tớ nghĩ, chẳng may nhà tớ mà có chuyện gì, tớ thì không sao chứ thằng em mít ướt đó còn nhỏ nên tớ phải lo cho nó, tớ phải bảo vệ nó.
Con nhóc nói vậy khiến tôi ngạc nhiên nhìn nó. Khuôn mặt nhìn thẳng về phía trước của Chizu trông thật người lớn như những lời nói của nó vậy, tôi chẳng biết nói sao. Bà chị xinh đẹp, dịu hiền sống trong đầu tôi làm gì giúp được tôi nếu có chuyện không may xảy ra. Tôi nghĩ mình có thể nói bất kỳ chuyện gì với cô bạn này. Bởi chính Chizu đã nói những sự thật của nó cho tôi nghe dù chỉ mới sáng nay thôi, tôi còn nhìn nó căm tức cơ mà. Tôi muốn nói rằng bố mẹ mình đâu có sống với nhau, tớ làm gì có bà chị đáng tin cậy như đằng ấy, chưa kể còn đang bị bố bắt cóc, bố mẹ đang bí mật trao đổi điều kiện gì gì nữa cơ.
Người mẹ có dáng vẻ cao ráo chen qua sóng người, cao giọng gọi “Chi à!”. Cô ấy cười chào tôi và nói với Chizu:
- Chi, sắp bốn giờ rồi, mau về thôi!
- Ơ, phải về rồi sao?
Chizu nói giọng bất mãn, thì cô ấy còn nói với vẻ bất mãn hơn:
- Không nghe bố nói đi suối nước nóng à? Đi chừng ba mươi phút chứ mấy, có trong danh sách một trăm suối nước nóng nổi tiếng đấy.
Cô kéo tay bắt Chizu đứng dậy. Cô bạn hất tay mẹ ra, tự mình đứng lên và nhìn xuống tôi nói nhanh:
- Còn ở lại hai ngày nữa mà phải không? Ngày mai cho tớ địa chỉ nhé.
Tôi gật đầu cái rụp. Chizu bỏ đi trước, mẹ cô bạn lại gật đầu chào tôi với khuôn mặt như giãn ra và đuổi theo sau Chizu.
Mặt trời đã ngả bóng. Những con sóng lúc nãy còn xa bờ nay đã kéo đến tận đây, những bóng người đi trên bãi cát ướt đổ dài, đan vào nhau. Tôi đứng dậy, phủi cát dính trên áo tắm rồi đến chỗ bố đang nằm ngủ. Bóng tôi vắt ngang qua cơ thể đã đỏ như tôm luộc vì phơi nắng của bố.
Tối đó, sau bữa tối thịnh soạn với bao nhiêu là món được bưng đến tận phòng, bố rủ tôi “chơi pháo hoa”. Bố mặc bộ yukata của nhà nghỉ, còn tôi thay cái áo phông mới tinh theo bố ra ngoài.
Phía trước nhà nghỉ tối như mực, giữa những hàng cây âm u như hút trọn màn đêm là tiếng ve rền rĩ. Đầu đường lại sáng chói như cửa đường hầm. Ở đó, quán xá xếp hàng dãy. Ngẩng lên nhìn bầu trời, tôi thấy mặt trăng tròn vạnh và nhỏ xíu lơ lửng như một viên kẹo màu vàng. Xen giữa tiếng ve kêu là tiếng dép của bố và tôi.
Chúng tôi không nói gì, cứ thế đi, được một lúc thì đột nhiên bố nắm lấy tay tôi. Lần nắm tay bố gần đây nhất đã lâu đến mức cứ tưởng như từ mấy trăm năm về trước nên tim tôi cứ lâng lâng, không yên, thực tình tôi thấy thật mất tự nhiên khi nắm tay đi như thế. Bố nắm tay tôi nhẹ nhàng, vừa đi vừa huýt sáo. Ánh đèn của mấy cửa tiệm lớn rõ dần. Tôi vừa đi vừa tự nhủ mình như một con ngốc, mình là con, người đàn ông đi bên cạnh là bố, trên con đường tối đen thế này thì nắm tay nhau không có gì là mất tự nhiên cả, rất ư là bình thường nhưng thật sự trống ngực tôi vẫn không chịu lắng, tôi thử lắc người thật mạnh. Thế là hai cánh tay ở giữa chúng tôi cũng lắc mạnh như xích đu. Mặt trăng bé xíu, tròn vành vạnh, còn bàn tay tôi nằm gọn trong lòng một bàn tay to lớn, ấm áp và tôi đã mong ánh sáng nơi đầu đường kia cứ ở xa tít tắp, sao cho đi mãi vẫn không đến nơi.
Trong lúc bố còn đang ngủ, tôi thức dậy, thay đồ tắm, chuẩn bị mọi thứ, nhét đồ đi biển vào túi nhưng khi ăn sáng, gọi điện thoại xong, bố quay lại và nói “đi khỏi đây thôi”.
- Tại sao? Đi biển đi, con còn muốn bơi nữa.
Bố phớt lờ tôi, cứ thế thu dọn đồ đạc với cái đầu bù xù. Bên ngoài khung cửa sổ đang mở toang là bầu trời xanh trong như muốn bay lên. Bố cởi yukata, mặc áo rồi xỏ chân vào ống quần.
- Bố à, đi biển đi! Tại sao lại phải đi khỏi đây chứ? Mà đi đâu? Ở đây thêm một tối nữa đi.
Tôi vừa đi quanh bố đang thay đồ vừa nói. Bố đáp với cái giọng khàn đặc của người mới ngủ dậy:
- Đi biển vậy đủ rồi. Đi chỗ khác thôi.
Tôi phản đối:
- Chưa đủ! Con muốn bơi nữa. Bố nói là đi chỗ nào con thích mà. Con thích chỗ này, thích ở đây! Bố à, bố!
Bố ra bồn rửa mặt. Nước văng tung tóe ra xung quanh làm ướt cả chân tôi. Tôi giậm chân xuống sàn, nằng nặc như một đứa bé con đòi mua đồ chơi:
- Không đi đâu hết! Có đi bố đi một mình đi, con sẽ ngủ lại đây, một mình. Bố có nghe không vậy?
Tôi tiếp tục một cách ngu ngốc, đòi đi bơi và ngủ lại đây một mình. Đã lâu lắm rồi tôi mới “vận hết nội công” như thế này để sự việc theo ý mình. Nếu là thường ngày, dứt khoát không có chuyện tôi giở trò nhảm nhí thế này. Vì mẹ rất ghét kiểu ăn vạ như vậy, chính tôi cũng biết càng làm thế sẽ chỉ khiến sự thể tồi tệ hơn mà thôi, tôi cũng biết rõ là cái dáng điệu của tôi lúc này trông thật khó coi cỡ nào. Nhưng tôi không thể dừng lại. Tôi mong có thêm một ngày, chỉ một ngày nữa thôi cũng được, một ngày giống hệt ngày hôm qua.
- Hôm trước bố đã nói rồi mà, bố nắm quyền chủ đạo.
Quay khuôn mặt sũng nước sang nhìn tôi, bố nói, giọng nghiêm túc. Bố lau mặt bằng tay áo, rồi nhét khăn, bàn chải đánh răng vào túi xách, kéo khóa. Xem ra có nói gì đi nữa bố cũng không chịu ở lại đây. Tôi không xin xỏ, năn nỉ nữa. Tôi tròng thêm cái áo thun và quần jeans bên ngoài bộ đồ tắm, sang phòng bên cạnh. Tôi gõ cửa và mong Chizu hay mẹ nó xuất hiện. Tôi muốn cho Chizu địa chỉ. Bởi chúng tôi đã hứa với nhau như vậy. Hình như cả nhà Chizu đã đi biển, cánh cửa phòng cứ trơ như đá. “Thế này khác gì bắt cóc thật” - tôi thử nói đùa nhưng chẳng thể nào cười nổi mà lại thấy nghèn nghẹt nơi hốc mũi.
Trong lúc bố thanh toán tiền phòng, tôi đứng ở khu sảnh chờ u ám ấy mà nhìn ra ngoài cửa kính. Con đường hôm qua tối đen như mực là thế nay lấp loáng trắng dưới ánh nắng mặt trời. Tiếng ve kêu như mời gọi tôi tràn qua cả lớp cửa đóng kín. Mũi tôi cứ nghèn nghẹt như thể ăn phải miếng sushi có mù tạt. Chỉ cần tôi mở miệng ra là nước mắt sẽ lăn xuống ngay. Biết đâu khóc một chút thì sẽ thoải mái hơn. Và chắc chắn bố sẽ luýnh quýnh chứ chẳng chơi.
Tôi bậm chặt môi “nhất định không được khóc”. Sẽ không làm cho bố luýnh quýnh. Nhất định không để bố phải dỗ dành gì cả. Nếu bố đã ép buộc tôi phải đi theo đến nơi nào đó thì tôi đây sẽ trả đũa lại. Tôi nhìn trừng trừng ra bên ngoài nắng chói chang đến nhức cả mắt, và lên kế-hoạch-tác-chiến.

Chương 6

 - Đi thôi!
Trả tiền xong, bố quay ra đẩy nhẹ lưng tôi, tuy thật lòng rất muốn hất cái tay đó ra nhưng tôi lại quay lên nhìn bố, nhoẻn miệng cười:
- Phải mà xe buýt đến sớm nhỉ.
Bố có vẻ yên tâm khi thấy tôi cười nên nói vẻ tự tin:
- Không sao, bố có xem giờ rồi. Bố đi mua nước.
Bố cười đáp trả tôi.
Trên xe buýt đầy nam thanh nữ tú da cháy đen vì nắng. Một mùi ngọt ngào như nước hoa ngập đầy cả xe buýt. Một nhóm nữ trông như sinh viên đại học trao đổi bánh kẹo với nhau và nói chuyện rôm rả. Một cô gái mặc bộ đồ hở đến nỗi trông cứ y như mặc đồ bơi vừa ăn vừa thủ thỉ sát tai một anh thanh niên đen thui, trừ mỗi hàm răng là trắng. Bố lôi bảng giờ xe điện trong túi xách ra, lẩm bẩm gì đó trong miệng và lại đứng lật lật, mở mở.
Xe buýt chạy đến vòng xuyến nhà ga. Xung quanh là hàng dãy quán xá, bảng hiệu phô trương. Bảng hiệu cua, bảng hiệu cá. Thật điên hết sức!
Quanh vòng xuyến lổn nhổn nào người chờ xe buýt để ra biển, nào người chuẩn bị lên xe điện về nhà, có người phe phẩy bản đồ, người lại dạo quanh các cửa hàng bán đồ lưu niệm, người uống nước trái cây trong bóng mát.
- Haru, chừng năm phút nữa xe điện đến, bố đi mua vé, con đứng đó chờ nhé!
Nhìn theo bố đang chạy, tay xốc lại túi xách sắp tuột khỏi vai, rồi tôi nhìn ra chung quanh. Quá đáng lắm. Tôi tức giận nhủ thầm trong bụng, thế là mũi lại cay cay. Tôi đâu có đòi hỏi phải ở khách sạn năm sao, cũng chẳng hề đòi đi xe Benz, chỉ là xin thêm một tối ở cái nhà nghỉ đó thôi mà. Quá đáng lắm. Thình lình xuất hiện. Rồi tha người ta đi lung tung cả lên!
Khi bố quay lại với hai tấm vé giơ cao trên tay, trán đẫm mồ hôi, tôi nói nhỏ một lần nữa “quá đáng lắm” và hít một hơi thật sâu.
Thế rồi khi bố chỉ còn ba bước chân nữa là đến trước mặt, tôi lấy hết sức bình sinh la thật lớn. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi la to như vậy.
- Ai đóoooooo… Cứu cháu vớiiiiiii! Ai đóooooo!!! Hãy bắt lấy cái ông này điiiiiii!
Tôi bịt chặt hai tai, mắt mở to, cố sức gào toáng lên giống y như nhân vật chính trong một bộ phim kinh dị từng xem với dì Yuko. Bố dừng chân, cách tôi đúng ba bước, thảng thốt nhìn tôi. Chẳng mấy chốc hàng rào người xuất hiện. Những người lượn lờ quanh vòng xuyến nãy giờ đã bao quanh chúng tôi thành một vòng tròn, nhìn chằm chằm bố và tôi.
- Cháu muốn về nhà! Ai đó cứu cháuuuuuu!
Tôi lại hét lên. Khi tận lực đẩy tiếng hét từ đáy lòng ra, cảm giác thật dễ chịu. Tôi có thể hét như vậy thêm năm mươi, một trăm hay bao nhiêu lần nữa cũng được.
- Con nói gì vậy Haru?
Cách tôi ba bước chân, bố nói bằng một giọng yếu ớt. Với nét mặt không thay đổi, chẳng hiểu sự gì. Tôi nghe tiếng lao xao từ cái hàng rào người kia. Như lúc đi học muộn vậy. Khi bố vừa gọi “Này, Haru!”, tôi lại gào lên:
- Cháu không biết ông này! Cháu không biết ông này! Ai đó cứu cháu vớiiii!
Tôi được đằng chân lân đằng đầu. Tôi nhớ ra “được đằng chân lân đằng đầu” là sao. Và trong khoảnh khắc tôi hiểu ra tại sao đám con trai trong lớp khi cãi nhau với đám con gái thì thình lình giả vờ tụt quần rồi lăn ra cười, hiểu tại sao thằng Morimoto còn diễn màn nhảy múa trên ghế trong lúc bị phạt đứng ngoài hành lang. Thì ra được nước làm tới nó “đã” thế này đây!
Tiếng lao xao mỗi lúc một to, cứ như thể có đàn ong vỡ tổ bay loạn xạ trên đầu. Tôi thấy một chú cảnh sát rẽ hàng rào người bước vào. Thế rồi, không hiểu tại sao mọi thứ phản chiếu vào mắt tôi như một đoạn phim quay chậm, đúng vậy, như trên phim truyền hình ấy. Bố bị hai chú cảnh sát mặc đồng phục kèm hai bên, đám người lớn đứng vây quanh đó say sưa rỉ tai nhau xì xào, túi xách trên vai bố lại tụt xuống, hai tấm vé trên tay rơi xuống mặt đường. Chỉ có tiếng bố, người đang bị cảnh sát kềm hai cánh tay, là vẫn vang lên với tốc độ bình thường “ơ, đó là con tôi, là con gái tôi, tên Haru. Tôi nói thật, đường đường chính chính, là con gái tôi mà. Có thấy mặt chúng tôi giống nhau không, tôi không lừa đảo đâu, nếu không tin thì thử máu đi, thử DNA cũng được. D…N…AAAA!”
Nhờ cái trò “được nước làm tới” này mà tim tôi đập loạn như muốn văng khỏi lồng ngực, cổ họng khan lại, chân không nhúc nhích nổi một bước, tôi chỉ đứng dõi theo tình hình và đâu đó trong lòng lạnh lùng nghĩ “bố đúng là ngốc”.
Thực tế thì tôi đã hơi quá đà. Tôi chỉ muốn “trả thù” bố nên làm vậy mà chẳng hề nghĩ rồi sau đó sẽ thế nào.
Chúng tôi bị cảnh sát dẫn đi. Tôi và bố ngồi trên hai chiếc xe khác nhau và được chở về một đồn cảnh sát thật lớn. Lần đầu tiên tôi được đi xe cảnh sát đấy. Bên cạnh tôi là một cô cảnh sát. Cô nắm tay tôi và hỏi han đủ thứ. Nhà ở đâu? Gặp chú đó ở đâu? Học lớp mấy? Cô cảnh sát giống cô giáo dạy nhạc ở trường của tôi quá. Giống cả giọng nói cao, dịu dàng. Cả bàn tay cũng giống nốt, rất mềm mại. Tôi không trả lời gì cả. Tôi không đủ dũng khí để nói “thật ra đó là bố cháu”, cũng không đủ can đảm giỡn mặt cô để lảng chuyện bằng cách nói “cháu thấy cô làm ca sỹ thính phòng không chừng cũng nổi tiếng đấy”.
Tôi cứ để cô cảnh sát nắm tay và cùng vào thang máy, đến một căn phòng như phòng giáo viên ở trường. Cửa sổ to tướng, bàn ghế xếp cả dãy, mấy người lớn ngồi rải rác và đang làm gì đó. Tôi được ngồi vào cái ghế trong một góc. Giấy tờ, tài liệu trên bàn nhiều đến nỗi muốn rơi hết cả xuống sàn nhà. Cô cảnh sát mua cho tôi lon nước cam mát lạnh.
Một chú nọ có chân mày rậm và cô cảnh sát ngồi trước mặt tôi, hỏi đủ chuyện. Dần dần tôi chẳng hiểu gì hết, cả tiếng đồng hồ hai người thay phiên nhau hỏi mà tôi nghe như tạp âm ở đâu đó xa xa vọng lại, tôi chỉ còn cách nhìn tới nhìn lui hai gương mặt đó. Thậm chí tôi cũng không thể nói rằng “thật ra đó là bố cháu” hay chẳng đủ bơ để có thể hỏi “cô chú đang quen nhau ạ?”. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Bầu trời xanh ngắt như thể được tô màu kỹ lưỡng. Tôi chợt nghĩ không biết bố định dắt tôi đi đâu tiếp, sau khi rời nhà nghỉ.
“Xin lỗi” - tôi cố gắng đẩy những từ đó ra thật nhỏ thì nước mắt chảy dài như thể vừa được nhấn nút khởi động. “Hả?” - chú cảnh sát chân mày rậm và cô cảnh sát có giọng nói như ca sỹ xích lại gần tôi. “Xin lỗi” - tôi nói lại một lần nữa. “Xin lỗi”, “xin lỗi” - cứ mỗi lần lặp lại như vậy, nước mắt tôi lại chảy thật tự nhiên. Những giọt nước mắt cứ liên tục trào ra khiến chính tôi cũng không hiểu mình đang xin lỗi ai, về chuyện gì.
Trong một căn phòng nhỏ chỉ có một chiếc bàn, không khí đầy vẻ căng thẳng, tôi và bố bị một bác cảnh sát đứng tuổi thuyết giáo một trận đã đời. Bác cảnh sát đó béo lắm, từng thái độ, cử chỉ như ngón tay kẹp thuốc lá, bàn tay lau mồ hôi, hết thảy đều rất trịch thượng. Bố cúi gằm mặt, mỗi khi bác ấy cao giọng thì bố lại nói lí nhí “tôi xin lỗi, thật xin lỗi” và cúi đầu thấp hơn nữa. Tôi cũng bắt chước bố, cúi gằm mặt, cố thu người nhỏ thật nhỏ lại.
Khi chúng tôi được thả ra từ sở cảnh sát thì trời đã gần về chiều. Chẳng có ai đưa tiễn, chúng tôi cứ thế xoay cánh cửa trước mặt và bước ra ngoài. Một luồng khí oi bức ập đến. Bầu trời bên kia tòa nhà cũng có màu vàng cam như lon nước cô cảnh sát cho tôi.
Tôi muốn hỏi bố rất nhiều - lúc tôi uống nước cam bố bị người ta làm gì, ở đâu, hay chắc không đến nỗi bị tra tấn chứ - nhưng rốt cuộc không thể nói thành lời. Chẳng những vậy, thậm chí tôi không còn dám nhìn mặt bố. Thật lòng tôi rất áy náy khi gây ra nông nỗi này, với lại tôi nghĩ hẳn là bố đang tức giận lắm. Chứ còn gì nữa, chừng tuổi này rồi mà bị cảnh sát bắt giải đi trước mặt bàn dân thiên hạ, phải thanh minh thanh nga DNA này nọ, rồi còn bị điều tra xét hỏi và bị ông bác già béo ú đó mắng không kịp vuốt mặt cơ mà.
Bố không nói gì, cứ thế bước đi. Tôi nhìn bước chân bố và đi theo sau đó một chút. Những bước chân của bố cũng như đang giận dữ. Chắc bố ghét tôi lắm rồi đây. Chắc bố đang rất hối hận vì đã bắt cóc tôi lắm rồi.
Nếu bây giờ trên bầu trời vàng cam đó có một bà tiên hiện ra cho tôi một điều ước thì tôi sẽ ngay lập tức không đắn đo mà xin bà cho thời gian quay trở lại.Tôi sẽ xin bà cho quay lại lúc bố chạy đi mua vé - vừa nghĩ đến đó thì đôi giày vải trước mặt dừng lại. Tiếng bố vang trên đầu tôi:
- Không ai cho ăn cơm thịt chiên nhỉ.
Tôi ngẩng lên thì thấy bố đang nhìn xuống tôi. Không có vẻ gì là giận, cũng không có vẻ gì mệt mỏi mà cũng chẳng phải đang cười.
- Cơm thịt chiên?
Tôi hỏi.
- Thì có lần trên ti vi nói phòng điều tra của cảnh sát cho người ta ăn cơm thịt chiên. Chờ mãi mà không thấy ai mang cho cả.
Bố chỉ nói vậy rồi tiếp tục đi.
- Con có lon nước cam.
Tôi nói nhỏ.
- Là người bị hại mà. Bố thì không nước trái cây, không thuốc lá, cũng chẳng có cơm thịt chiên.
Bố nói mà không quay lại, rồi nhìn đồng hồ đeo tay lẩm bẩm một mình “cũng muộn rồi, hôm nay ngủ tạm ở đâu nhỉ?”
Tối hôm đó, tôi gọi điện cho mẹ.
Chúng tôi nghỉ tại một nhà nghỉ có hồ tắm lộ thiên, tôi chẳng hiểu hồ tắm lộ thiên và phòng xông hơi có gì hay mà bố cực kỳ phấn khích như trẻ con, cho tôi một đồng năm trăm yên rồi nói “chắc bố hơi lâu, Haru muốn làm gì thì làm, chơi game ở khu trò chơi cũng được, xem ti vi trong phòng cũng được”. Sau đó bố, trong bộ yukata, phấn khởi đi về phía hồ tắm.
“Đúng là một tên bắt cóc bất cẩn” - đến tôi cũng phải nghĩ thầm trong bụng như vậy rồi cất đồng năm trăm yên vào ví mình, còn “xin” thêm từ ví bố năm đồng mười yên.
Bên góc quầy lễ tân có điện thoại công cộng. Tôi cho đồng mười yên vào khe rồi cẩn thận bấm từng số. Không phải vì tôi nhớ mẹ, cũng không phải vì muốn báo chỗ này cho mẹ.
Điện thoại chỉ mới reng một tiếng, mẹ đã bắt máy. Vừa bắt máy, mẹ đã hỏi ngay, giọng run run:
- Takashi?
Takashi là tên của bố.
- Haru ạ!
Tôi nói.
- Haru? Con ở đâu? Có sao không? Con đang làm gì? Có bố ở đó không? Có sao không? Con có nghe không vậy?
Mẹ hỏi tới tấp như súng liên thanh. Lâu lắm rồi mới được nghe giọng mẹ. Giọng nói nhanh, mất bình tĩnh. Tốc độ nói này của mẹ nhanh gấp ba lần tốc độ người nói nhanh tức cấp độ mất bình tĩnh cũng phải gấp một trăm hai mươi phần trăm!
- Con khỏe, không sao hết.
Tôi trả lời ngắn gọn những câu hỏi của mẹ.
- Có bố ở đó không? Con đang ở đâu, làm gì?
- Mà mẹ khỏe không? Con không sao đâu, mẹ đừng lo.
- Có bố ở đó không? Con đang ở đâu, làm gì?
Xem ra mẹ chẳng nghe tôi nói gì cả. “Ở đây hả, là một nhà nghỉ sau bãi biển. Con thấy nó được nhất trong số các nhà nghỉ bữa giờ. Sảnh chờ rộng rãi, dép xếp đầy thẳng tắp, quầy lễ tân rộng, có đèn chùm, nhưng khác với khách sạn năm sao, nghe nói giá phòng rẻ lắm. Bố bảo may phát hiện ra chỗ rẻ mà lại sang. Phòng hai bố con ở tầng ba, mở cửa lan can là thấy biển. Nghe thấy cả tiếng sóng biển luôn. Nhưng bây giờ tối rồi nên không thấy gì hết. Ở đây có phòng tắm công cộng với phòng xông hơi, lớn lắm, có cả hồ tắm lộ thiên nữa, con tắm lúc nãy rồi. Cái phòng tắm quá rộng luôn. Có đến mấy cái bồn tắm. Có cái sủi bọt, có cái thơm nức. Con tắm một chút à. Bố thì thôi rồi, phê luôn trong đó đến giờ này chưa chịu ra. Cũng hơn ba mươi phút rồi đấy. Cứ như con nít. Chắc bố thích hồ tắm có sủi bọt hay sao ấy. Mẹ thấy thế nào?” - tôi nghĩ có tám như vậy mẹ cũng chẳng chịu nghe gì nên đành rút gọn câu trả lời:
- Bố không có ở đây. Con cũng không biết đây là đâu, chỉ biết là một cái nhà nghỉ. Nhưng không có gì để mẹ phải lo đâu.
- Gì mà không có gì để mẹ phải lo. Chứ không phải hai bố con bị dẫn về đồn cảnh sát ư? Tóm lại là đang làm gì? Bố đâu?
Không hiểu tại sao mẹ biết chúng tôi đã phải đến đó. Hay mấy chú cảnh sát gọi điện thoại cho mẹ nhỉ. À á, bố sẽ lại bị mẹ giận đến không thèm nói lời nào cho xem. Còn đáng sợ hơn cảnh sát ấy chứ. Và vì mẹ cứ liên tục tuôn hết tràng này đến tràng khác nên tôi đành cắt ngang:
- Mà thôi, con có chuyện này muốn hỏi mẹ.
- Chứ hai người đang làm gì hả? Đừng có nói là dính vào mấy cái trò rắc rối đấy nhé. Có về nhà không? Mẹ chán cái người đó lắm rồi.
Mẹ chẳng buồn nghe tôi nói lấy một lời nên tôi đành hét thật to:
- Con có chuyện muốn hỏi mẹ mà!
Người phụ nữ đang xếp lại dép ở sảnh chờ cũng phải giật mình nhìn lên.
- Yêu cầu của bố là gì thế? Bố mẹ thương lượng những gì với nhau?
- Mặc kệ mấy chuyện đó đi. Con nghe này, Haru, có ăn uống đàng hoàng không đấy? Không bị dính vào mấy trò vớ vẩn nào chứ? Bố có lo lắng chu đáo cho con không? Mẹ muốn nói chuyện với bố, bố không có ở đấy à?
Một tiếng “bíp” vang lên cắt ngang lời mẹ, điện thoại đã bị cúp.
Tôi gác ống nghe, nhìn cái điện thoại màu xanh lá cây một lúc rồi quay đi, sang khu trò chơi. Tôi hối hận vì đã gọi điện cho mẹ.
Khu trò chơi chẳng có ai, tiếng nhạc vang lên từ cái loa cũ kỹ trong căn phòng trống trơn. Tôi ngồi trước máy bắn súng, ngắm bóng mình mờ mờ trong màn hình cứ thay đổi giao diện liên tục. Sao lại gọi điện thoại cho mẹ chứ. Đâu phải mình muốn nghe giọng nói của mẹ, cũng đâu có gì để nói.
Một đôi nam nữ mặc yukata vào chơi trò thả bi sắt. Bóng họ chiếu lên màn hình. Hai người chẳng chú tâm vào trò chơi mà cứ khoác vai nhau đùa giỡn. Tóc người con trai màu vàng, tóc người con gái màu hồng. Chẳng khác hai con két đứng sát bên nhau là mấy.
Tôi biết rõ lý do tại sao tôi gọi điện thoại. Là vì tôi cũng muốn tham gia. Vào phi vụ của bố mẹ. Vào “tình hình” của bố mẹ dù chẳng hiểu gì mấy. Tôi biết rõ mình không thể tham gia, biết rõ mẹ mất bình tĩnh đến tội nghiệp như thế nào khi quýnh quáng hỏi tôi chuyện ăn uống, chuyện mấy ngày nay ra sao đến líu cả lưỡi. Không cho tôi tham gia cũng được, nhưng ít nhất tôi cũng mong mẹ hỏi thế này. “Haru, con vui không?”. Sau mấy câu “bây giờ đang ở đâu? Có đàng hoàng không? Có ổn không?” đó, tôi đã muốn nghe mẹ hỏi “này, Haru, con có vui không?” biết bao nhiêu.
Tôi lấy hết sức mở rộng lòng bàn tay rồi đập mạnh vào màn hình máy game. Một tiếng “bang” rất to vang lên. Vậy mà cái màn hình vẫn trơ trơ, cặp đôi kia vẫn đùa giỡn, chỉ có hai bàn tay tôi là ê ẩm.
- Aaa, quá đã. Thật là phê. Chịu không nổi!
Bố quay lại và nói vậy, người đỏ như con tôm luộc, rồi bố bắt đầu uống bia. “Haru uống không?” - bố vui vẻ hỏi, tôi gật đầu rồi giơ cốc chờ bố rót cho một nửa thứ chất lỏng vàng óng đó. Bố cầm cốc bia của mình thở ra một hơi thỏa mãn, sung sướng. Thứ chất lỏng trong cốc óng ánh vàng trông thật hạnh phúc dưới bóng đèn tròn, lớp bọt nhỏ như mời gọi, tôi cứ nghĩ nó có vị của giấc mơ nhưng hóa ra nó đắng nghe đắng ngắt. Bố bật cười khi thấy tôi nhổ toẹt ra.
Sau khi nốc cạn ba chai bia, bố nói:
- Haru, đi bơi không?
- Trời tối rồi mà?
- Tối mới hay. Chắc Haru không biết chứ đi bơi buổi tối thích đến mức hết biết trời đất gì luôn đấy. Chưa kể, trời tối thui nên hồi hộp như phim kinh dị vậy. Đi!
Bố rủ rê nghe thật hấp dẫn. Chẳng hiểu sao tôi lại thấy rất phấn khích. Thấy thích hơn cả “đại nhạc hội hài” của dì Asako, hơn cả lúc bắt đầu chiếu video, hơn cả lúc chơi biểu diễn thời trang với cả nhà. “Đi, đi thôi!” - bố đứng dậy rồi chuẩn bị ra khỏi phòng, áo yukata để phanh ngực, tuột xuống như bộ đầm.
- Khoan, chờ con thay đồ tắm đã. Bố cũng mặc đồ tắm đàng hoàng đi!
- Tắm tiên mới thích! Mặc đồ tắm thì còn gì để nói? Buổi tối có ai thấy gì đâu!
Bố nói vậy rồi đi ra. Tôi vội vã chạy theo.
Bãi biển ban đêm không một bóng người. Không có ai chơi pháo hoa, cũng chẳng có cặp đôi nào khoác tay nhau dạo. Biển tối đen, tiếng sóng như tiếng trống vỗ hoài không dứt. Chỉ có những bọt sóng là lấp loáng trắng, cứ đong đưa như những chiếc nơ xinh.
Tôi ra sức ngăn khi thấy bố định cởi yukata vứt đó.
- Sao lại không được?
- Bố là người lớn mà, cởi hết đồ vậy khác nào mấy người biến thái. Lỡ có ai thấy thì lại ầm ĩ cho xem. Tóm lại, con thấy bố không nên “tắm tiên”!
- Vậy à?
Bố suy nghĩ một hồi rồi nói “đành vậy” và xuống biển với bộ yukata trên người. Tôi cởi bỏ quần lửng rồi mặc nguyên áo thun xuống nước. Nước biển lạnh hơn chúng tôi tưởng nên hai bố con vừa rên hừ hừ vừa chầm chậm tiến ra xa.
- Phê ở chỗ nào hả trời, muốn tê tái luôn, ông cuội kia! Như này cũng có thể gọi là ngược đãi trẻ em đấy!
Khi hét to thì dường như cơn lạnh cũng giảm bớt phần nào. Thế là tôi tiếp tục hét to, có nghĩa cũng có mà vô nghĩa cũng có:
- Chịu không nổi, lạnh quá, quá lạnh, về thôi, a…á…a, lạnh quá mẹ ơiiiii!
Tôi cứ nói vậy khiến bố nắm chặt cánh tay tôi và cũng hét to:
- Ra xa một chút là thấy ấm, đảm bảo phê luôn!
Chúng tôi bị sóng hất hụt chân, cứ thế trôi về hướng vịnh. Tôi nhận ra chân mình không chạm đáy nên hơi hoảng:
- Chân, chân con không chạm đáy, chắc chìm quá! Định thủ tiêu người ta hả, ông cuội kia!
Tôi ra sức gào to nhưng hai tay vẫn được bố giữ chặt nên không hề có vẻ gì là sắp chìm. Ngược lại, cảm giác nước biển như ấm hơn. Có bố đỡ lưng nên tôi thả lỏng toàn thân, thế là tôi nổi trên sóng. Bố từ từ thả tay ra nhưng cơ thể tôi vẫn nổi trên nước, thật thú vị. Bố cũng cùng tư thế ấy, bên cạnh tôi. Chúng tôi như hai con rái cá biển nắm tay nhau nổi trên mặt nước. Xung quanh tối đen như mực, trên đầu vài ngôi sao lấp lánh. Cảm giác như không phải ở trần gian, không phải trên biển mà như đang băng qua nơi nào đó gần trời cao. Sóng biển vỗ đong đưa thân tôi khiến tôi thật sự thấy lâng lâng hết biết trời đất gì như bố nói. Tôi nghĩ mình cứ thế mà ngủ cũng được.
Bên kia ngọn sóng, căn nhà nghỉ của chúng tôi le lói ánh sáng. Đây đó mờ ảo ánh đèn vàng chỗ có chỗ không tựa một hàm răng mọc không trật tự khiến tôi nghĩ nó giống như một cái bánh kem Giáng sinh khổng lồ.
- Bố, con xin lỗi chuyện hôm nay!
Tôi thì thầm trong bóng đêm.
- Cứ tưởng người ta cho ăn cơm thịt chiên thì đỡ tiền cơm trưa rồi. Xem như tính sai một nước.
Tiếng bố bên cạnh.
- Trùm sò!
Tôi cười. Thế là cơ thể nhanh chóng chìm xuống. Tôi vội quơ tay nắm lấy bộ yukata trắng của bố đang nổi trên biển.
- Á à! Con bé này, bắt người ta uống nước hử. Hừm, đang phê!
Bố cũng mất thăng bằng, chìm xuống mặt nước, chỉ ngẩng được mỗi cái mặt lên mà cười. Tiếng cười của chúng tôi chạy trên mặt biển hiền hòa.
Tôi căng mắt tìm bộ yukata trắng của bố trong màn đêm, chân đạp rồi bơi, bơi mệt rồi thì thả toàn thân đơ như một khúc gỗ nổi trên mặt biển. Cảm giác như thể một đứa bé không có mối quan hệ nào với cả bố lẫn mẹ. Người tôi gọi điện thoại lúc nãy là một người hoàn toàn xa lạ, cả cái người bên cạnh đây là ai tôi cũng không hay biết. Cảm giác như thể một đứa bé chưa từng có người nào xung quanh để gọi là bố, là mẹ. Nhưng không hề có chút buồn tủi hay cảm thương gì cả, chỉ là trong lòng thấy thoải mái đến nỗi có thể quên hết mọi sự. Rất giống cảm giác vừa nhìn những ngọn đèn vàng mờ mờ xa kia, vừa để những con sóng tối đen vỗ ngang thân mình.

Chương 7

Dì Asako và dì Yuko là em gái mẹ. Bà là mẹ của mẹ tôi. Trong số những người hay đến chơi nhà, tôi thích dì Yuko nhất. Đương nhiên tôi cũng yêu mẹ, thương bà ngoại và cả dì Asako nữa.
Dì Yuko nhộn nhất, có lúc cố tình chọc giận dì Asako nhưng tôi nghĩ thật ra dì không đến nỗi quá đáng. Những lúc có hai dì cháu với nhau, dì chẳng chút ồn ào. Không cười như điên mà cũng chẳng hú hét gì. Nói sao nhỉ, mỗi lúc chỉ có dì với tôi, dì lại nói “ngồi xuống tâm sự cái nào”, đại khái vậy. Chúng tôi nhiều lần nói chuyện với nhau lắm. Tôi biết bí mật của dì Yuko. Có lẽ vì thế mà tôi thích dì chăng. Mẹ cũng hay cố gắng tạo bầu không khí thân mật kiểu “hãy nói thật những gì con nghĩ” nhưng khác dì Yuko hoàn toàn, có vẻ thuyết giáo sao đó.
Kể từ khi biết quan tâm đến mọi việc xung quanh, tôi trở nên thân thiết với hai dì cũng như với bà ngoại. Hơn hẳn ông nội và bà nội. Thứ nhất là do nhà bà ngoại không xa nhà tôi mấy. Với lại, mẹ cũng hay dẫn tôi đến nhà bà chơi. Ở đó không có đám anh chị em họ kiểu con chị thì không hợp gu, thằng em thì khù khờ như ở nhà nội.
Nhà nội ở một nơi rất lạnh lẽo. Tôi chỉ đến đó vài lần ít ỏi, đếm trên đầu ngón tay. Nhưng như thế cũng là quá đủ với tôi rồi. Trước tiên, đó là tôi chẳng hiểu ông bà nội nói gì. Vừa nhanh lại vừa nhịu. Nếu chỉ có vậy thì không đến nỗi nhưng những lời nói của ông bà lại tạo cảm giác ấm áp khiến tôi cứ lãng đãng, bần thần. Mà tôi có đứng đực mặt ra thì hai người vẫn tử tế tiếp đón tôi mới khổ. Có điều, bố lại hay xích mích với ông nội. Khi thì to tiếng, khi thì ném cả đồ đạc.
Thêm nữa, số lượng người ra vào nhà nội cực kỳ đông đúc. Em trai của ông nội, vợ của người đó cộng với mấy cặp vợ chồng con cái cộng mấy đứa con, tiếp đó là em gái của ông nội cùng chồng người đó, rồi vợ chồng con cái người đó, rồi con cái của con cái, tiếp tới là bên bà nội - tóm lại là chả biết ai vào ai. Tôi gặp anh trai của bố lần đầu tiên cũng ở đấy - một ông bác khó chịu. Mặt đầy dầu bóng loáng, đầu tóc bôi keo cứ như hề, mở miệng ra toàn “chém gió”, tâng con mình lên mây. Như vậy không thì tôi còn chịu được nhưng bác thường kết thúc câu chuyện bằng cách khoe khoang bản thân mình, chẳng khác nào “dìm hàng” chúng tôi, tức bố, mẹ, và tôi, xuống hẳn một nấc. Hai đứa con gái của bác đều là “cao thủ” chọc ghẹo người khác. Hai đứa chụm sát nhau, liếc nhìn tôi, thậm thụt to nhỏ ra vẻ bí mật rồi cười hinh hích. Hai đứa lôi kéo đám anh chị em họ bằng tuổi vào một phe, cho tôi ra rìa. Còn lấy khăn tay và con gấu bông nhỏ của tôi giấu biệt. Ngày tôi về, cả đám đứng từ xa cười hả hê mặc tôi lùng sục khắp căn nhà rộng lớn của ông nội để tìm.
Bây giờ tôi chịu, không thể nhớ nổi thằng nhóc lớn hơn tôi một tuổi mà “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, chuyên tốc váy, giật tóc tôi, ăn rồi cứ đụng tay đụng chân sinh sự, nước dãi đầy mồm, là con của ai nhưng nó cũng là một trong những kỷ niệm tồi tệ nhất của tôi. Tóm lại, nhà nội là địa ngục. Tận đáy lòng mình tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi là một đứa trẻ. Vì lúc ấy tôi phải tham gia cuộc chiến “đấu tranh sinh tồn” khốc liệt như thế. Cũng may là nhà ông bà nội xa xôi, bố lại bận rộn nên cũng không mấy khi phải đến đó.
Tóm lại, đằng ngoại hoàn toàn không có chuyện chán mớ đời như vậy nên tôi rất thích qua nhà ngoại. Người lớn thì tập trung người lớn với nhau ở phòng khách, say sưa tán gẫu, thường bỏ mặc tôi nhưng với tôi, chuyện đó không có gì phải buồn khổ. Thà một mình đi quanh căn nhà yên tĩnh còn hơn bị cô lập, bị tốc váy.
Ở nhà ngoại, tôi trở nên thân thiết với dì Yuko. Khi nào chán “tám” thì dì Yuko rời phòng khách, dắt tôi đi dạo hay mua sắm gì đó. Dì Yuko sống một mình, nhà dì nằm giữa đoạn đường nhà tôi và nhà ngoại. Thật ra không phải dì ở một mình nhưng xem như là một mình.
Tôi đến nhà dì Yuko đúng một lần. Tôi cũng quên lý do tại sao mình đến đó rồi. Có thể do tôi bỗng dưng nhớ dì mà đi tìm, cũng có thể dì rủ rê tôi không chừng.
Đó là một căn hộ tầng hai chung cư, cực kỳ nhỏ. Bếp bé xíu và một phòng chiếu trong góc, lúc đó có một người đàn ông ngồi ăn pizza ở cái bàn trong bếp. Khi thấy tôi, người đàn ông vội vã nhét pizza vào mồm, nói “ch…ch…chào cháu”. Người đàn ông đó thuộc loại người tôi chưa từng gặp bao giờ. Không bỡn cợt như bố, cũng không hiền hòa hay đạo mạo, nghiêm trang như thầy giáo trong trường. Trông chẳng khác một con dê ốm là mấy. Khi chú ấy đi mua thuốc lá hay bia rượu gì đó, dì Yuko cười, nói với tôi “chuyện này bí mật nhá”. Tôi giả vờ không hiểu, hỏi “chuyện này?”. “Thì chuyện cháu đến nhà dì mà thấy có đàn ông ăn pizza đó”. Dì Yuko trả lời. “Là ai vậy?” - tôi đặt câu hỏi trước khi người đàn ông như con dê ốm đó quay lại. “Người yêu” - dì Yuko nhón một miếng pizza nguội, phô-mai đã chảy bệt ra cả đĩa rồi nói nhỏ. “Thì ra sống chung ở đây”. Dì Yuko đưa ngón trỏ lên miệng, nói “vụ này cũng bí mật nhá”. Đó là bí mật đầu tiên của chúng tôi.
Từ hôm đó, tôi không đến nhà dì Yuko nữa nên cũng không còn gặp người đàn ông như con dê ốm đó. Thỉnh thoảng tôi nhớ lại, sau mỗi lần nói chuyện với dì Yuko hay sau mỗi lần nhớ lại những việc xảy ra ở nhà ông bà nội. Nào căn bếp bé xíu như đồ chơi, nào ánh sáng bạc từ cửa sổ chiếu vào, nào lời chào “ch…ch…chào cháu” và cả gương mặt dì Yuko cười nói “bí mật nhá”, hết thảy, một lượt.

Chương 8

Quá trưa, chúng tôi đi tàu điện,lên lại xuống, ra đến cửa soát vé thì đã gần năm giờ. Đói bụng kinh khủng. Thật ra, lúc ăn sáng ở nhà nghỉ, bố đã nói “phải ăn luôn phần cơm trưa để tiết kiệm tiền” nên chúng tôi ăn sạch cơm trong thố không chừa một hạt, lúc đó bụng no căng đến nỗi tưởng như không nhúc nhích nổi, vậy mà kỳ lạ thay, đến mười hai giờ bụng lại réo như đồng hồ báo thức. Lúc ngồi trong tàu điện, xe bán cơm hộp được đẩy tới đẩy lui mấy lần nhưng bố không nói mua nên tôi cũng ráng nhịn. Cả bố và tôi đều lảng ánh mắt ra ngoài cửa sổ để khỏi phải nhìn vào bên trong chiếc xe chở cơm đó. Hơn một giờ trưa thì bụng bố sôi rõ to, sau đó bụng tôi cũng reo như hưởng ứng.
Bố lẩm bẩm một mình:
- Đúng là no dồn đói dập. Phải mà ăn dồn một lúc được thì con người ta còn làm được bao nhiêu thứ.
Tôi theo bố xuống một nhà ga nhuộm cam màu nắng chiều. Cả những dãy núi bao bọc sân ga cũng màu cam, cái bảng tên nhà ga cũng cam, cửa soát vé cũng cam, hết thảy như được bọc kín trong một viên kẹo màu cam. Tai trái, tai phải, bên nào cũng rộn tiếng ve. Bố quay lại nói “đi bộ đấy”, gương mặt bố cũng nhuộm cam.
Câu “đi bộ đấy” không đơn thuần là một câu nói đùa. Chúng tôi rời cửa soát vé, băng qua vòng xuyến, qua cả khu phố yên tĩnh với vài quầy hàng và cứ rảo bước dọc con đường chỉ có xe hơi chạy, thế rồi nhà cửa dọc đường cũng thưa dần, thay vào đó là những cánh đồng trải rộng như những tấm thảm xanh, chúng tôi cứ đi trên con đường thẳng duy nhất giữa những cánh đồng, mặt trời đã ẩn mình bên kia dãy núi, bầu trời chuyển màu xanh nhạt mà chúng tôi vẫn tiếp tục đi.
- Đói quá!
Giọng tôi khô khốc. Quần áo mặc trên người nhớp nháp mồ hôi, cổ họng khô đến mức không có cả nước bọt, đói đến mức nhấc chân không lên.
- Bố cũng vậy!
Giọng bố đi phía trước cũng khàn đặc.
- Phải đi đến tận đâu?
Bố dừng lại, chỉ tay về dãy núi hơi nhô lên, mờ mờ bên trái.
- Trên kia.
Bố gần như không còn chút sức lực. Bố xốc lại túi xách, rẽ trái, hướng về ngọn núi mà đi.
- Bố, chắc mình chết dọc đường quá!
Tôi dừng lại nói. Tôi nghĩ như vậy thật. Cơ thể rã rời, bụng đói meo, chung quanh sập tối, làm sao mà đi bộ lên đỉnh núi cho nổi.
- Mình đi taxi đi!
Bố đã đi trước mấy bước, từ từ quay lại nhìn tôi:
- Taxi ở đâu ra?
Mặt bố dài thượt.
- Thì gọi.
- Bằng cách nào?
Nhìn quanh, chẳng thấy điện thoại công cộng, nhà dân hay một chiếc xe nào. Chỉ toàn một màu xanh đến đáng ghét của những cánh đồng.
- Cũng phải ăn cơm chứ?
Tôi không còn sức.
- Ở đâu?
Bố hỏi lại, có vẻ sức tàn lực kiệt.
Đương nhiên, làm gì có nhà hàng, Mc.Donald hay gà rán Kentucky. Chỉ là cánh đồng nối tiếp cánh đồng và ngọn núi sừng sững trước mặt.
Bố nhìn vào mắt tôi rồi nói:
- Đi thôi! Hay quay lại nhà ga theo con đường lúc nãy để kiếm cái gì ăn?
Tôi đứng sững, trong đầu hiện lên con đường dài thăm thẳm đã đi từ chiều đến giờ. Lạnh cả sống lưng.
Tôi nặng nhọc nhấc chân “Đi!”
May có một máy bán nước tự động cũ kỹ, gần như muốn bể đôi, trơ trọi ngay đầu con đường hẹp xuyên qua núi. Chỉ biết là máy bán nước trái cây chứ không biết bên trong có những loại nào bởi mấy miếng nhãn đã bạc màu gần hết. Bố móc tiền lẻ mua hai lon. Tôi còn đang hồi hộp không biết nó còn hoạt động không thì nghe tiếng lục cục lạc cạc và hai lon nước mát lạnh lăn xuống. Bố cà phê còn tôi nước cam, chúng tôi ngồi xuống ngay chân núi, nốc một hơi, cạn sạch. Chẳng còn biết ngon dở. Cảm giác thứ chất lỏng mát lạnh đó trôi tuột qua cổ họng thật dễ chịu vô cùng.
Bầu trời xanh nhạt mỗi lúc đậm dần, ngọn núi xanh lá cây chìm trong màu đen. Chúng tôi cắm cúi leo lên con đường rừng hẹp đến nỗi chỉ một người đi được. Dưới chân cũng tối, ngẩng đầu lên nhìn chỉ thấy bầu trời sẫm màu lấp ló qua kẽ lá, tôi tủi thân đến mức chỉ muốn ngồi sụp xuống mà khóc. Nhưng vì biết rõ nếu làm vậy cũng chẳng có ai hiện lên giúp đỡ nên đành bặm môi leo lên con dốc cao, theo dấu cái áo sơ mi trắng của bố đằng trước.
- Cũng có những lúc như lúc này.
Đột nhiên bố lên tiếng, mặt vẫn hướng về phía trước.
- Cứ nhớ lấy. Cũng có những lúc như lúc này. Không taxi, không ngồi trong nhà hàng máy lạnh, chờ đồ ăn bưng ra. Quay lại cũng không dễ dàng, chỉ còn cách tiến về phía trước.
Bố vừa nói vừa thở.
- Mấy người cứ nghĩ taxi lúc nào cũng sẵn, ở đâu cũng có quán xá hàng ăn, và tin là mỗi khi có chuyện gì chắc chắn sẽ có ai đó ra tay giúp đỡ. Bụng thì lúc nào cũng no đẫy, còn khi khát thì có ngay máy bán nước!
Tiếng bố đứt quãng từng chặp một, vang lên chen giữa tiếng những cành cây khô bị bố đạp phải và tiếng lá cây xào xạc trên đầu.
- Cho nên chưa bao giờ có được cảm giác vui sướng tận đáy lòng khi làm được việc gì đó. Cứ chờ xem, lên đến đỉnh núi sẽ thấy sảng khoái vô cùng, chỉ cần nghĩ mình đói lả người thế này mà vẫn leo lên được đến đấy, lúc đó sẽ thấy bản thân mình tuyệt vời thế nào.
- Ông già!
Bằng một giọng thấp nhất có thể, tôi cắt ngang lời bố.
- Làm ơn tỉnh táo chút đi.
Bố không quay lại. Tôi dừng bước, có nói gì thì cũng không hả dạ mà im lặng thì cũng không đành lòng. Tôi lấy hết sức bình sinh:
- Bố nói đi, “mấy người” là con với ai hả? Mà đói bụng thì kiếm cái ăn, khát nước thì kiếm thức uống là chuyện thường tình, chứ không lẽ để mình chết đói? Bố nói vậy thì giỏi cả đời đừng ăn, đừng uống, đừng đi xe, đừng vào nhà hàng luôn đi. Gì mà vui sướng với chả hạnh phúc tận đáy lòng, gì mà đã làm được gì việc gì đó, dễ thôi, đâu cần phải cố tình để bụng đói đến lả người rồi lê lết trên con đường kinh dị này chứ. Đã keo kiệt kêu người ta ăn dồn bữa sáng mà còn ra vẻ! Đừng có mà dạy đời!
Tôi vừa nói vừa hậm hực vì những lời nói ra không như tôi nghĩ. Không phải tôi muốn nói “thử chết đói xem”. Cũng không phải tôi muốn nói “thất bại trong vụ ăn dồn bữa sáng”. Mà tôi muốn nói rằng tôi đã vui sướng tận đáy lòng khi chơi pháo hoa với bố, và cảm giác như đã làm được điều gì đó khi hét to nhất từ trước đến giờ ở nhà ga để bố bị bắt giải về đồn cảnh sát. Cho dù một trăm đứa trẻ mà bố biết chưa từng cảm thấy vui sướng tận đáy lòng thì bố cũng không cần phải nói những điều như vậy trước mặt tôi, trước mặt một đứa trẻ khác một trăm đứa trẻ kia.
Bố không quay lại, cũng không nói gì, không thay đổi tốc độ, cứ thế dấn bước về phía trước. Cái áo trắng dần lẫn vào trong những lùm cây. Muốn bỏ mặc tôi thì cứ bỏ, tôi cứ đứng yên tại đó, không nhúc nhích. Thế rồi cái lưng áo trắng vụt biến mất như bị bóng đêm nuốt chửng. Tôi ngồi thụp xuống, xoa xoa, đấm đấm hai cái chân đã đơ như cây gậy, lấy lại tinh thần. Chỉ thấy những cành cây mọc chĩa ra hoặc đan xen cùng đám lá ken dày. Hết thảy trông thật nặng nề, u tịch trong màn đêm. Không còn nghe tiếng cành khô bị chân bố đạp phải. Tôi cứ ngồi sụp như vậy, lấy đầu ngón tay vọc đôi giày vải đầy bụi. Tôi nghĩ bây giờ phải làm sao. Lạ là tôi không hề tủi thân hay bất an gì cả. Ngủ bụi à? Tôi chưa từng ngủ bụi bao giờ nhưng nằm ra đây ngủ thì chắc cũng đơn giản thôi. Có bị sâu bọ chích hay con gì như gấu chẳng hạn, nhảy ra gầm gừ, cắn xé cũng chịu.
Nếu chẳng may tôi bị sâu bọ có độc hay rắn cắn, bị gấu hay chó sói vồ mà chết ở đây thì chắc bố sẽ hối hận lắm, rằng đã nói những điều điên rồ chọc giận tôi rồi bỏ mặc vậy mà đi. Sẽ hối hận vì đã bắt cóc tôi. Và rồi có lẽ cả đời bố sẽ không thể nào quên được tôi, cho dù bố có yêu người nào đó hơn mẹ và có thật nhiều con với người đó đi nữa.
Vừa chà tới chà lui đôi giày vải vừa nghĩ vậy, tôi bỗng nghe tiếng chân tiến lại gần. Ngẩng đầu lên tôi thấy cái áo trắng mờ mờ trong màn đêm. Như ánh sáng ngọn nến.
- Bố có lỗi. Bố xin lỗi.
Đứng trước mặt tôi, bố nói. Tôi nắm bàn tay bố chìa ra, đứng dậy, phủi đất dính ở đít quần.
Tôi chẳng mong đợi trên đỉnh núi không một bóng người này có khách sạn năm sao hoành tráng với suối nước nóng, hồ bơi, khu trò chơi hay biệt thự gì nhưng thật lòng, lúc lên đến nơi, tôi vô cùng thất vọng. Có một ngôi chùa nhỏ ở đó. Phía bên kia sườn núi ngược với hướng chúng tôi leo lên là nghĩa trang. Chỉ có vậy. Chẳng có gì gọi là có thể đem lại sảng khoái.
Tôi buông thõng hai vai, buột miệng nói:
- Là ngôi chùa mà!
- Ưm, xem ra không phải là khu vui chơi giải trí nhỉ.
Bố nói rồi mở cổng chùa. Khuôn viên bên trong thật yên tĩnh. Phía trước mặt là cửa chùa đóng kín, bên hông là một ngôi nhà nhỏ. Hiên nhà có một cái đèn tròn màu cam nên xung quanh cũng sáng mờ mờ.
- Đi viếng mộ ai vậy?
Tôi cố nói đùa để chặn lại cảm giác thất vọng đang tụt dốc không phanh. Thế nhưng khi nói ra rồi mới thấy nó chẳng hay ho gì, mà ngược lại còn khiến tâm trạng u ám hơn.
- Không, hôm nay sẽ ngủ nhờ ở đây.
Bố nói và đi thẳng về phía ngọn đèn cam.
- Có người quen ở đây à?
- Không! Có biết túc phòng không? Là chùa cho lữ khách trú chân. Đây là chùa loại đó. Giá phòng cực rẻ mà còn “khuyến mãi” mấy trò cảm giác mạnh nữa.
Chẳng hiểu sao nghe vậy tôi buồn không thể tả. Chỉ vì giá phòng cực rẻ mà phải chịu bầm dập như thế này để lết đến tận đây sao? Thậm chí bố con còn cãi nhau nữa. Chắc là, mà không, chắc chắn là bố nghèo rớt mồng tơi rồi, hoặc keo kiệt đến đáng sợ. Mà bố thuộc loại nào đi nữa tôi cũng buồn.
Vậy chắc điều kiện trao đổi với mẹ là tiền chuộc tôi rồi, chắc luôn.
Bấm chuông cửa bên hông nhà thì một bà lão lưng còng xuất hiện.
- Tôi đọc sách được biết ở đây cho ngủ trọ. Chúng tôi chỉ xin nghỉ một đêm.
Bố nói vậy thì bà lão tỏ ra vô cùng ái ngại:
- A, à, chúng tôi đã nghỉ từ lâu rồi. Ừ nhỉ, cũng phải hai năm. Đọc sách à? Chắc là sách đó cũ lắm? Chứ hai năm trước tôi đã gọi điện thoại cho nhà xuất bản, nói họ đừng đăng nữa rồi mà…
Bà lão nói rồi há hốc miệng nhìn chúng tôi. Hẳn là nét mặt của bố và tôi, cả hai đều quá dễ hiểu. Thế rồi bà nói:
- Mà thôi, đã cất công đến đây rồi mà nói không cho trọ thì hai người cũng phải nửa đêm mới quay ra ngoài đường lớn được. Tôi cho nghỉ lại vậy, nhưng lần này thôi, đặc biệt đấy. Giữ bí mật giùm tôi nhé. Vậy trong sách đó đăng giá bao nhiêu? Năm trăm yên à? Vậy cũng được, cứ theo giá đó.
Cách nói chuyện của bà thật êm ái.
- Cảm ơn bà, thật may cho chúng tôi quá. Với lại, thật ra… cả ngày nay chúng tôi chưa được ăn gì ngoài bữa sáng.
Giọng bố khô khốc, ngập ngừng. Bà lão nhìn chúng tôi từ đầu đến chân - không sai một chữ - và cười to như thể người ta bấm những nốt cao của phím đàn piano vậy.
Bước lên thềm nhà, thấy một hành lang đen bóng, bên phải có một phòng kiểu Nhật nhỏ hẹp, bên trái là nhà bếp và phòng ăn, chúng tôi được dẫn đến phòng ăn. Ở đó để lộn xộn nhiều đồ đạc. Nào thùng các-tông nhỏ, nào thùng gỗ, bình rượu, nhưng giữa phòng có một cái bàn thấp thì lại chẳng đặt để gì, tôi và bố ngồi trước cái bàn đó.
- Thật xin lỗi chứ chúng tôi đã ăn tối rồi. Nhà chỉ có hai người nên nấu cũng ít. Tôi đây lại rất ghét bỏ thừa nên nấu chỉ vừa đủ, thật xin lỗi vì không có gì để mời cả.
Bà lão vừa nói vừa quay lưng lại phía chúng tôi và nấu gì đó trong bếp. Bếp cũng bày đủ thứ vật dụng. Từ gia vị cho đến tạp chí nấu ăn, bao bịch được cuộn tròn, vỏ hộp bánh kẹo bày bừa khắp nơi. Chẳng hiểu sao quang cảnh đó lại làm tôi thở phào nhẹ nhõm.
Bà lão đem ra cho chúng tôi cơm nắm, dưa món và canh miso. Tôi và bố ăn, không đãi bôi khách sáo. Nắm cơm ngon đến nỗi tôi cứ nghĩ đó không phải là cơm nắm, mà là món gì đó hệt cơm nắm, nhưng tôi chưa từng ăn qua. “Ngon quá!” - tôi suýt buột miệng thốt lên như vậy nhưng đã vội vàng nuốt lại những lời này vì không muốn bị bố lên lớp “đó, ý bố muốn nói là vậy đó”. Nhưng khi nuốt ngang lời cảm thán tôi lại nghĩ mình đúng là một đứa trẻ khó ưa. Cuối cùng tôi nói thật nhỏ:
- Ngon quá đi mất!
Bà lão nheo mắt cười.
- Đúng là ngon thật. Chưa từng được ăn cơm nắm ngon đến thế!
Bố cũng lên tiếng. Trong lúc chúng tôi ăn, ông già mặt bóng lưỡng ngó vào phòng ăn rồi khẽ cúi đầu. Chúng tôi cũng cúi đầu chào nhưng chưa kịp ngẩng lên thì ông đã biến mất.
Sau bữa ăn, bà lão đem một trái bưởi chùm ra cho chúng tôi. Trái bưởi nhỏ được cắt làm hai, giữa có rắc đường.
- Không có ai đến xin ngủ lại ạ? Một nơi lý tưởng như thế này mà…
Bố vừa lấy thìa xúc phần thịt bưởi vừa hỏi. Bà lão ngồi xuống cạnh tôi và gật đầu, nói chuyện như thì thầm:
- Cho đến ba năm trước thì có nhưng vì người ta đồn đại mà dần ít đi, một năm chừng một, hai người, không biết có không nữa, mà phải chuẩn bị, phục vụ cơm nước nên chúng tôi thôi luôn.
- Đồn gì ạ?
Bố hỏi. Bà lão nhìn bố, nhìn tôi rồi nhìn mấy đầu ngón tay mình và bắt đầu câu chuyện.
- Chuyện không phải để nói với khách đến trọ thế này nhưng có lẽ nên nói ra thì tốt hơn. Cũng năm, sáu năm rồi. Mùa hè, khách đến đây đông lắm. Tại mát mẻ, xuống núi đi thêm một đoạn là tới biển. Hôm đó cũng đông khách. Đi gia đình cũng có, người yêu nhau và bạn bè đi theo nhóm cũng có. Thế là tôi chia khu bản đường ra rồi mọi người ngủ ở đó, nhộn nhịp lắm, chỗ chật hẹp nên khách nghỉ cùng ngày cũng dễ thân nhau, trẻ con thì ném gối chọc ghẹo nhau, người lớn thì tụ họp bia rượu. Đến chừng hai giờ sáng mọi người mới chịu đi ngủ thì mới yên ắng một chút. Tôi phải chuẩn bị bữa sáng nên thức khuya…
Cánh cửa hơi hé ra, một làn gió êm dịu thổi vào. Tôi nhớ những đêm khó ngủ, có ai đó quạt mát bên gối cho tôi. Là ai nhỉ? Bà ngoại hay mẹ, hay là bố nhỉ? Những hạt đường còn lạo xạo trong miệng, chưa tan hết. Bà lão ngừng nói, quay lại nhìn cánh cửa rồi tiếp tục câu chuyện như thể công nhận có ai đó đến. Tôi cũng nhìn theo ánh mắt bà thì chẳng thấy gì ngoài cái liếp đong đưa chậm rãi.
- Tôi vo gạo, cắt sẵn rau củ ngâm, cho mọi thứ vào nồi kho thì… nghe có tiếng “xin lỗi” nhỏ lắm, như ai đó nói thầm vậy, tôi ngạc nhiên ra thềm xem thì thấy một cô gái đứng đó. Cô ấy mặc bộ yukata màu xanh đậm có hình hoa asagao, da trắng, môi tô son đỏ. Mà không đem theo hành lý gì cả. Chỉ có mỗi cái quạt giắt ở thắt lưng. Tôi hỏi có chuyện gì không thì cô ấy nói có người quen nghỉ ở đây hôm nay nên xin ngủ lại dù đã khuya…
Tôi nhìn bố. Bố không chớp mắt lấy một cái, cũng không nhúc nhích cử động gì, cầm khư khư cái thìa trong tay, ngồi yên nghe bà lão kể chuyện. Ghê quá. Chuyện bà lão kể nghe ớn lạnh. Chắc chắn câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng kinh dị. Tôi cảm thấy thế nhưng không thể đứng dậy bỏ đi, cũng không thể lấy hai tay bịt chặt tai, nên đành ngồi như bố, chăm chú nhìn cặp môi mỏng của bà lão như đã bị những nếp nhăn vùi lấp.
- Tôi nói, nếu tìm người quen thì cứ tự nhiên rồi mời cô ấy đến bản đường, sau đó định quay lại nhà bếp thì nghĩ bụng không biết cô ấy có tìm ra không nên quay lại hành lang, ngó vào. Cô gái mặc yukata nhìn từng người, từng người đang ngủ thật chậm rãi, không gây một tiếng động nào. Cứ như hà hơi vào từng người một vậy. Lúc đó ánh trăng chiếu qua cửa sổ nên cô gái như đang phát ra ánh sáng. Cô xem mặt hết thảy nhưng hình như không tìm thấy người quen. Cô ấy không quay lại chỗ tôi mà nhẹ nhàng mở cửa, đi ra ngoài. Tôi lật đật chạy theo định nói nếu không tìm thấy nhưng cứ ở lại, không sao đâu thì…
Bà lão ngừng kể, nhìn ra hàng hiên một lần nữa. Tôi nghe rõ tiếng bố nuốt nước bọt cái ực.
- Cô ấy không còn ở đó nữa. Chẳng thấy đâu hết. Tôi tìm cả trong khu nghĩa trang nhưng chẳng thấy đâu, cứ như biến mất đi đâu vậy.
Bà lão liếc nhìn tôi, nhìn bố. Chúng tôi không nói gì. Vị bưởi đắng nghét ở đầu lưỡi.
- Hè năm sau cô ấy cũng lại đến. Cùng ngày, cùng giờ. Năm đó khách không đông mấy. Khoảng hai giờ đêm, lại cô gái mặc yukata đó đứng ở bậc thềm nên tôi nói nếu có người quen thì cô cứ tự nhiên, còn nếu không thì cô cứ ở lại đi, không sao cả. Thế là cô ấy trả lời thật nhỏ, còn nhỏ hơn cả tiếng ruồi bay nữa, là không phải tìm chỗ ngủ, mà là đi tìm người quen. Cô ấy nói vậy rồi nhẹ nhàng ra bản đường. Rồi cũng giống y hệt năm trước, cũng đi ngắm kỹ từng người đang ngủ như thổi hơi vào mặt họ, sau đó lại mở đúng cái cửa năm trước đi ra ngoài. Tôi cũng vội chạy theo nhưng y như năm trước, không vết tích, bóng dáng đâu cả. Chỉ khác là bên mé nghĩa trang có tiếng khóc ri rỉ. Tiếng khóc đó nhỏ, nhỏ hơn cả tiếng thở của đứa bé đang ngủ nữa. Tôi vừa sợ vừa lấy làm lạ nên tìm khắp nghĩa trang, vừa tìm vừa nói “cô ở đâu, cứ ngủ lại đây đi. Ra đây đi!” nhưng chẳng có ai hết. Trong khi tiếng khóc thì cứ văng vẳng như thể cả nghĩa trang đang rên rỉ vậy.
Thình lình cửa phòng ăn bật mở, cả bố và tôi đều hét không thành tiếng, nhảy dựng cả người lên mấy xăng-ti-mét. Ông già mặc bộ đồ ngủ xuất hiện ở cánh cửa thông với hành lang.
- Vừa phải thôi.
Ông nói với bà lão rồi đóng cửa. Bà lão le lưỡi, cười với tôi. Tôi thậm chí không thể cười đáp lại nổi.
- Cô… cô gái đó còn đến không ạ?
Tôi phải nuốt nước bọt đến ba lần, thu hết can đảm mới hỏi được như vậy.
- Thì năm nào cũng đến nên mới có lời đồn. Người ta nói ở đây có ma, năm nào cũng đến nhìn mặt khách trọ. Nhưng cái năm chúng tôi quyết định là năm cuối cùng đón khách thì có nói với cô ấy rằng sang năm chúng tôi không làm nữa, cô có đến chắc cũng không tìm ra người quen đâu. Thế là sau đó không thấy đến nữa thật. Cho nên không sao đâu. Hai bố con cứ ngủ ngon.
Bà lão nói rồi dọn cái đĩa đựng bưởi.
Cứ nghĩ bà lão cho chúng tôi ngủ tạm ở phòng nào đó, chúng tôi theo sau bà đi dọc hành lang dài thì đến bản đường rộng thênh thang, sàn gỗ đen bóng, cửa sổ kính đầy ánh trăng, trong góc là một bức tượng Phật uy nghiêm, xung quanh là những vật trang trí mờ mờ trong ánh sáng của hai ngọn nến. Sàn gỗ mát lạnh dưới chân dù tôi đang mang tất, còn toàn thân thì nổi da gà.
- Ngủ ở đây ạ?
Tôi hỏi, miệng khô khốc.
- Ừ, rộng rãi lắm. Nằm đâu cũng được. À, chăn màn trong cái tủ ở góc kia. Có đầy đủ hết, cứ lấy ra mà dùng. Với lại, phòng tắm ở góc hành lang đi từ hiên nhà lúc nãy, hai bố con cứ tự nhiên. Chúng tôi đã tắm rồi nên không việc gì phải ngại nhé. Vậy thôi, chúc ngủ ngon. Chúc hai bố con mơ những giấc mơ đẹp.
Bà lão nói như thể đang đọc lời thoại một vở kịch rồi quay lại hành lang liên phòng. Lúc nãy, bố nghe chuyện bà lão kể như bị thôi miên vậy mà bây giờ, không hiểu đã quên béng nội dung câu chuyện hay là để trấn áp nỗi sợ hãi mà bố lại phấn khởi nói:
- Vậy bố đi tắm đây. Mồ hôi bẩn quá. Haru kéo nệm ra nhé!
Tôi ra sức ngăn lại. Định để tôi một mình trong cái bản đường rộng và tối mờ này sao, đừng có đùa!
- Đang ra mồ hôi, bây giờ mà đi tắm là cảm lạnh đấy. Ở đây cũng mát mẻ mà. Để ngày mai hẵng tắm. Quyết định vậy đi.
Bố nhìn tôi, lẩm bẩm trong miệng “cũng có lý” rồi rảo bước sang bên trái phía sau tượng Phật, lấy chăn nệm ra. Trong cái bản đường rộng cũng phải năm mươi chiếu này, trải nệm ở đâu cũng là cả một vấn đề - bố thì muốn nằm ngay bên cạnh bức tượng. Chẳng may có chuyện gì thì Phật cũng sẽ phù hộ độ trì cho. Nhưng khi nhìn mặt Phật nghiêm trang dưới ánh sáng nến, thêm đôi mắt như nhắm hết nửa phần mà lại như đang chuẩn bị cử động thì tôi nhất định phản đối. Rốt cuộc chúng tôi quyết định nằm sát cánh cửa kéo nối liền hành lang - tôi còn đang tự nhủ “rồi, bây giờ chỉ có việc ngủ, ngủ say thì không sao hết” thì bố lại nói như muốn khiến người ta nhảy dựng cả lên:
- Đi “thử gan” không?
Tôi ngẩng phắt lên nhìn bố sững sờ. Bố thay áo, đứng trên nệm và cười hết cỡ.
- Còn chưa đến chín giờ mà. Đi dạo quanh nghĩa trang một chút đi.
- Đừng có hòng!
Tôi kịch liệt phản đối nhưng giọng nhỏ xíu, không chút khí thế, cứ như một đứa trẻ đánh trống lảng cho qua chuyện khi nói dối.
- Đã nói không sao mà. Bà lão đã nói dạo này không có gì mà, có hai bố con thì không sao mà!
- Sở… sở thích kinh dị!
- Vậy sao? Còn bố thì nghĩ mùa hè là phải đi “thử gan” chứ!
Bố liếc nhìn tôi.
- Vậy thôi, bố đi một mình vậy. Tại chưa thấy buồn ngủ.
Tôi bật dậy hết tốc lực, nắm chặt cánh tay bố.
- Đi thì đi, thử thì thử. Nhưng bù lại, bố không được để con một mình. Bố nên nhớ là để con một mình thì sẽ gặp rắc rối thế nào, con đã cho bố bị cảnh sát bắt rồi đấy thôi, bố mà chọc giận con thì còn hơn, hơn, hơn thế nữa ngay.
- Hiểu rồi, hiểu rồi, hai bố con cùng đi!
Chúng tôi mở cửa bản đường, chiếc cầu thang bằng gỗ kêu kèn kẹt, băng ngang qua đường biên, hướng về khu nghĩa trang. Chung quanh mờ sáng nhờ ánh trăng và có màu như nước rửa cây cọ vẽ màu đen. Không hề có âm thanh nào kể cả tiếng ve inh ỏi lúc chiều tối như thể chúng đã đi ngủ hết. Chỉ thỉnh thoảng có cơn gió thổi khiến cây cối cười vui, tiếng lá xào xạc vang bên tai.

Chương 9

Khu nghĩa trang nằm nghiêng bên sườn núi rộng đến không ngờ. Khoảng cách giữa các ngôi mộ nhỏ hẹp, nối nhau ngoằn ngoèo như mê cung. Tôi siết chặt cánh tay bố bằng tất cả sức lực của các đầu ngón tay. Tôi dỏng tai hết cỡ để cố lắng nghe xem có tiếng khóc ri rỉ nào quanh đây không đến mức đau cả hốc tai.
- Trời mà sáng thì chỗ này vàng rực nhỉ. Được chôn ở đây cũng sướng. À, nhưng leo dốc cao thế này nên chắc chẳng ma nào đến viếng. Mà cũng không hẳn, nhìn kìa, hoa cúng cũng nhiều ghê, ái chà, có cả rượu nữa, bánh nếp đậu nữa, cũng đáng kể đấy chứ.
Bố thong thả chỉ trỏ những ngôi mộ, bên trái rồi lại bên phải, và bình luận. Quả thật, trong ánh sáng mờ mờ, trước mấy tấm bia đá xám cắm đầy các loại hoa đỏ, vàng, tím và những bình thủy tinh đựng thứ chất lỏng trong suốt. Tôi không hề có tâm trí để ý đến những thứ ấy.
Bố rẽ trái, rẽ phải trên con đường hẹp giữa những ngôi mộ. Có cảm giác như ai đó đang nói bằng một giọng yếu ớt trên đầu, tôi ngẩng lên thì chỉ thấy lá cây dày đặc trên cành cao, đong đưa như một bức tranh vẽ bóng.
- Chuyện lúc nãy, có thật không nhỉ?
Cảm thấy bất an khi không nói gì nên tôi hỏi. Lòng thầm mong bố trả lời “đương nhiên là không rồi” nhưng bố lại nói:
- Chắc thật!
Tôi im lặng. Xung quanh trở nên yên tĩnh hẳn. Cảm giác như những ngôi mộ đang âm thầm chiếu ánh mắt sắc lạnh theo dõi những kẻ xâm nhập trái phép về phía chúng tôi.
- Không biết cô gái đó tìm ai?
Tôi đã không muốn nhắc đến chuyện đó nữa vậy mà bố vẫn tiếp tục.
- Ưm!
- Chắc là người yêu rồi. Hẳn đã thề thốt, hay muốn nhắn gửi gì đó. Không biết bây giờ còn đi tìm không ta?
Vẫn để tôi bấu chặt cánh tay, bố rẽ góc rồi thình lình im bặt. Tôi theo sau bố vài bước, cũng nín thở.
Tuy rẽ góc nhưng con đường hẹp giữa những ngôi mộ vẫn cứ kéo dài, trên ngôi mộ trong một góc xa có ánh sáng le lói. Thứ ánh sáng nhỏ như đèn cầy, lung linh, yếu ớt. Và chập chờn như đang đi lững thững giữa không trung.
- Ui, Haru! Đau quá!
Hình như tôi đã bấu bố rất chặt. Thay vì thả ra, tôi dùng cả hai tay nắm chặt cánh tay bố.
- Gì vậy? Đèn cầy à? Hay ai đang thắp đèn?
Bố nói và dò dẫm từng bước một đến chỗ ánh lửa đó. Tôi đã mở miệng để nói “quay lại đi bố, đừng đến đó, về thôi” nhưng không thành tiếng, miệng cứ lập bập mãi không thôi.
Từng bước, từng bước, chúng tôi tiến dần đến ngôi mộ. Lá cây cười trên đầu. Hẳn lúc chập tối, có ai đó đã đến đây trước chúng tôi rồi cắm hoa, thắp đèn cầy thôi mà. Chắc chắn là vậy. Nhưng sao đèn cầy vẫn sáng nhỉ. Gió có thổi mà? Mà đèn cầy thường sáng chập chờn vậy ư? Mà thôi, chắc chắn là cây đèn cầy này dài lắm đây, là loại thắp mấy tiếng cũng không tắt rồi. Với lại, gió thổi nhẹ hều thế này sao làm tắt được. Tôi vừa tự hỏi tự trả lời một mình vừa dò dẫm tiến lên phía trước như bị bố kéo đi. Toàn thân nổi da gà, cảm nhận được làn gió mềm mại lướt qua.
- Haru!
Bố thì thầm giọng thật nhỏ. “Không phải đèn cầy!”
Đến cách ngôi mộ chừng mấy mét rồi mà khi nghe bố nói vậy, tôi muốn tè ra quần, dụi mặt sát vào lưng bố đến mức thiếu điều bẹp cả mũi.
- Là đom đóm!
Tôi nghe tiếng bố phát ra từ lưng, thật gần.
Tôi liền khe khẽ thò mặt qua nách bố. Lần đầu tiên tôi thấy loài sinh vật đó. Có chừng mấy con đậu trên những cành cây là là bên cạnh ngôi mộ chứ không phải ngay trên ngôi mộ của dòng họ Tanaka. Lũ đom đóm ấy, chúng còn nhỏ hơn cả đầu ngón tay út của tôi, tỏa ra thứ ánh sáng trắng trắng xanh xanh, vài giây lại vụt tắt. Ngay lập tức, con bên cạnh lại vụt sáng, chừng vài giây rồi lại tắt ngúm như bị hút đi mất. Tôi và bố nín thở ngắm nhìn ánh sáng kỳ lạ đó. Chỗ này điểm sáng, chỗ kia lóe lên, cứ lập lòe mãi không dứt. Ánh sáng yếu ớt yên tĩnh đó như hút toàn bộ âm thanh xung quanh và cứ lập lòe, chập chờn tắt, sáng, tắt, sáng. Cứ như đêm Giáng sinh không âm thanh. Như một ngày hội mừng không hề có trên cõi đời này.

Chương 10

Sáng hôm sau, bà lão đem điểm tâm đến bản đường cho chúng tôi. Trên cái mâm có chân bày bao nhiêu là bát đĩa. Bà lão mở hết cửa kính bản đường, đặt mâm tránh ánh nắng chiếu trực diện rồi đi ra. Tôi và bố ngồi đối diện nhau. Bữa sáng thật hoành tráng. Trứng chiên vàng như mặt trăng đêm rằm. Cá nục lóc xương chấm củ cải trắng bào nhuyễn. Rau trộn màu sắc mát dịu trong một cái bát nhỏ. Rong biển trộn cà rốt, đậu hũ chiên mỏng. Canh miso cá. Trứng cá tuyết ngâm với môn. Bó xôi trụng trộn vừng. Xới cơm trong thố ra, bố con tôi đồng thanh “itadakimasu”. [câu chào xin phép trước khi ăn uống]
Bên ngoài cánh cửa mở toang là ánh nắng mặt trời sáng lóa rọi xuống màu xanh của cây rừng, rực rỡ đến chói cả mắt. Bóng cây đổ xuống mặt sân trắng và đong đưa nhẹ nhàng. Tiếng ve kêu như bắt chuyện liên tục, không ngừng. Gió tràn vào cửa sổ đang mở khiến không gian phía trước và sau chùa mát mẻ vô cùng. Vài đám mây bồng bềnh trong vòm trời của khoảng cửa mở. Thật yên tĩnh. Tôi cứ gắp hết món này đến thức nọ trên mâm cho vào miệng bằng đôi đũa dài màu đỏ.
Ngỡ thời gian ngừng trôi. Bố không nói gì, cũng nheo mắt nhìn ra khoảng sân rộng bên ngoài như tôi, và cũng không ngừng gắp thức ăn.
Tôi thấy mờ mờ một quang cảnh như chồng lên khoảng sân trắng lóa không màu gì khác ngoài màu tôi tối của bóng cây đổ xuống. Tôi dụi mắt. Quang cảnh đột ngột hiện ra đó dần rõ nét hơn.
Có tôi, có bố, có mẹ. Chúng tôi ngồi bên cái bàn hình chữ nhật màu nâu. Bố và mẹ ngồi đối diện nhau mé cạnh bàn dài, tôi ngồi trên một cái ghế cao mé cạnh bàn ngắn. Sau lưng mẹ là một cửa sổ lớn. Không có rèm che, cửa sổ mở toang, có thể thấy rõ từng đám mây lững lờ trôi qua. Ở đâu nhỉ? Giữa bàn là thịt nguội, cà chua, trứng, cá ngừ sốt mayonnaise, dưa leo xếp đầy trên đĩa như một bảng màu nước đầy màu sắc. Quanh đó nào sốt cà, sốt mayonnaise, tương ớt, bơ, nước tương, muối. Mẹ đang dùng dao xẻ đôi miếng bánh mỳ tròn, sau đó nhét thịt nguội, cà chua, xịt đầy tương cà, sốt mayonnaise rồi đưa bố, hỏi gì đấy. Mẹ lại nói tiếp, còn bố cười. Bố nhìn tôi, tôi cũng cười. Ánh sáng từ cửa sổ sau lưng mẹ rọi vào như cắt xéo chiếc bàn nâu. Ở đâu nhỉ? Mọi người đang trò chuyện nhưng tôi không nghe được gì.
Tôi lại dụi mắt. Cố gắng nhớ lại mọi vật trong quang cảnh đang dần rõ nét hơn là những gì.
Sau lưng tôi cũng có một cửa sổ lớn. Cũng không rèm che. Cũng mở toang và thấy rõ bầu trời xanh trong. Một con gấu bông còn to hơn cả tôi nằm lăn lóc dưới cửa sổ, nhờ vậy cuối cùng tôi đã nhớ ra được nơi ấy là đâu. Đó là căn hộ gia đình tôi đã ở cho đến năm tôi học lớp một. Một nơi chốn tôi chưa từng nhớ lại bao giờ. Cái bàn nâu và con gấu bông khổng lồ. Tại sao hôm nay, ở đây, tôi lại sực nhớ ra như thế này nhỉ.
Một căn phòng nhỏ nhiều cửa sổ. Gấu bông, ba lô của tôi, sách của mẹ đều mau chóng phai màu vì ánh nắng rọi vào từ cửa sổ. Nếu chạy giỡn rầm rầm sẽ bị người ở tầng dưới mắng vốn nên chúng tôi luôn bị nhắc nhở phải đi đứng nhẹ nhàng và chúng tôi đã luôn cố gắng đi nhón chân, rón rén để rồi phải bụm miệng cười sau đó. Phòng của bố mẹ nhỏ lắm. Bên kia bàn là kệ bếp nên mẹ nấu món gì là chúng tôi đoán được luôn, từ trước khi bữa ăn được dọn ra. Mép kệ bếp có đặt hai chậu rau thơm. Có lần sâu ăn hết lá khiến mẹ và tôi cứ nhìn chậu cây mà thở dài thườn thượt cả ngày hôm đó. Những con sâu xanh nhỏ xíu, nhiều đến mức đếm không xuể bò lên bò xuống thân cây không được chăm sóc.
- Gochisosama! [câu cảm ơn sau khi dùng bữa]
Bố đặt đũa xuống. “Ngon ghê!”
Tôi cũng gác đũa. Chúng tôi không chừa lại gì. Cả món bó xôi không mấy ưa thích tôi cũng ăn sạch. Bố lăn kềnh ra ngay tại đó, nói “quá phê” rồi nhắm mắt lại. Tôi bắt chước bố, nằm dài ra sàn gỗ mát lạnh. Gió thổi ngang đầu làm mấy cọng tóc trên trán dựng đứng lơ thơ.
- Bố, con mới nhớ lại cái nhà hồi xưa mình ở.
- Hả?
Bố ngóc đầu dậy nhìn tôi.
- Haru còn nhớ à? Chung cư Hanamiya ấy.
- Con không biết là Hanamiya hay gì nhưng chỗ đó có nhiều cửa sổ, lúc nào cũng phải đi đứng nhẹ nhàng.
Tôi nhìn mấy vân gỗ trên trần nhà thật cao, trả lời.
- Ờ, lạ ghê. Bố cũng mới vừa nghĩ đến nó.
Bố cũng nhìn lên trần nhà và nói:
- Chỗ đó chật chội. Để cái bàn vào bếp là hết cả lối đi. Nhưng thoáng gió, ngày nào nắng ráo là phê luôn, mở toang hết cửa sổ. Nhà mình ở tầng bốn, trên cùng nhỉ. Tầng một là nhà chủ, ông chủ khó tính hay cằn nhằn từ cọng rác đến cái xe đạp.
Câu cuối bố như nói một mình rồi cứ thế dang tay duỗi chân mà ngủ. Tôi cũng từ từ nhắm mắt lại. Cảm giác sảng khoái, lâng lâng như cơ thể đang bay bổng. Ve kêu xa xa đâu đó. Nói mới nhớ, gần đây tôi không còn nghĩ đến nhà hàng nữa. Tôi chập chờn ngủ và nhận ra điều đó. Quyển thực đơn với nhiều món ăn đầy màu sắc của nhà hàng. Tôi thử mở quyển thực đơn trong đầu ra nhưng không hiện lên món ăn nào cả, chỉ có ánh nắng mặt trời phản chiếu trong đôi mắt. Ánh nắng lấp loáng đó như ru hời tôi. Ánh nắng nhạt dần và tôi rơi vào giấc ngủ tự lúc nào.
Tôi mở mắt nhìn quanh. Mâm chén bát ăn sáng đã được dọn đi, cũng không thấy bố đâu.
Tôi chồm nửa người dậy, nhìn ra ngoài vườn trước bản đường. Nắng chói chang khiến tôi nheo cả mắt lại.
Tôi đứng dậy, đi về hướng ngôi nhà của bà lão để tìm bố. Bố đang cầm ống nghe điện thoại đặt ở góc phòng ăn, nói chuyện thật khẽ. Định dỏng tai lên nghe bố đòi trao đổi gì thì bà lão đã khều vai tôi:
- Tối qua, cô gái đó đâu có đến bản đường đúng không?
Nói rồi bà cười như một đứa bé nghịch ngợm.
- Ăn dưa hấu không?
Tôi ngồi ăn dưa hấu với bố bên thềm nhà. Dưa hấu ngọt thật ngọt. “Mẹ khỏe không? Thương lượng ra sao rồi?” - tôi định hỏi bố nhưng từ ngữ chỉ lăn đến đầu lưỡi là bị tôi nuốt lại chung với nước dưa hấu ngọt lịm.
Cao trên đầu, nghe rõ tiếng chim tôi chưa từng nghe bao giờ. Cỏ mọc dại trong vườn như hòa điệu cùng tiếng chim hót, đong đưa, đong đưa.

Chương 11

Sau mấy lần đổi xe buýt và xe điện tốc hành, chúng tôi đến một thành phố huyên náo. Nhà ga chật cứng người. Hầu như không có trẻ em, chỉ thấy nhóm đàn ông lớn tuổi hơn bố hoặc nhóm phụ nữ già hơn mẹ, hoặc một nhóm cả phụ nữ lẫn đàn ông đang túm tụm trò chuyện, uống rượu. Tiếng loa thông báo tuyến xe điện xuất phát, chuyển tàu cứ lặp đi lặp lại không ngớt.
Trong lúc bố tra tìm gì đó ở quầy thông tin có màu xanh lá cây, tôi đứng ngắm bóng mình đang phản chiếu trên lớp cửa kính tiệm quà lưu niệm ở tầng một nhà ga.
Tôi gần như muốn hỏi đứa con gái đang phản chiếu mờ mờ trong lớp kính “mày là ai?”. Đứa con gái đứng trước mặt tôi gần như xa lạ với hình dáng của tôi mà tôi biết lâu nay. Đương nhiên, toàn thể và từng bộ phận là những gì thuộc về tôi, nhìn rất quen, đó là cặp mắt tôi luôn mong nó sắc sảo và dài hơn một chút cho ra vẻ người lớn, cái miệng rộng đến phát ghét. Nhưng, có gì khác nhỉ. Cứ như mọi thứ bên trong đã được hoán đổi, chỉ chừa lại một lớp da mỏng.
Tóc thì bù xù, lỡ cỡ chấm vai, lại còn chĩa lung tung. Áo quần trên người bạc phếch, cổ áo thun giãn rộng ngoác, cái quần lửng đến đầu gối như mượn của một thằng nhóc hay chơi đá bóng có bà mẹ thích ăn mặc lòe loẹt. Tay chân thò ra từ bộ quần áo thì cháy nắng đến phát khiếp. Mặt mũi thì còn tệ hại hơn. Đã đen vì bắt nắng thì chớ, đầu mũi còn đỏ ửng vì bắt đầu lột da nữa chứ.
Nhìn tổng quát thì khá bẩn thỉu. Đúng vậy, cực bẩn. Tôi mơ hồ nhận biết là mình rất bẩn. Bị bố dắt đi, mỗi tối một chỗ nghỉ, ngày nào tôi cũng tắm vậy mà không hiểu sao có cảm giác không rửa sạch được bụi đường. Cảm giác thật kỳ lạ. Tôi đã vò khăn với xà phòng thật kỹ, dốc sức chà toàn bộ thân người sao cho những vết bẩn biến mất nhưng chỉ thấy làn da cháy nắng đau rát mà không có cảm giác sạch sẽ. Buổi sáng, tôi đánh răng lâu hơn bố gấp năm trăm lần - bố chỉ đút bàn chải đánh răng vào miệng được chừng năm giây chứ mấy - rồi tôi đánh bọt xà phòng, rửa mặt thật kỹ. Vậy mà cứ rời phòng trọ, đi xe điện, lên xe buýt là tôi lại có cảm giác mình bẩn hơn hôm qua. Những vết bẩn cứ như một lớp màng bao bọc toàn thân tôi và dày lên mỗi ngày.
Thế nhưng tôi không hề khó chịu chút nào. Tôi ngạc nhiên nhất là mình không lấy làm khó chịu vì điều đó. Dám chắc mẹ mà thấy tôi bây giờ sẽ nhíu mày đến không đếm nổi những nếp nhăn mà hỏi “con bị sao vậy?” cho mà xem. Và bình thường thì tôi đã buồn rầu nghĩ mình là đứa trẻ dơ bẩn nhất thế gian này rồi.
Vậy mà nhìn bộ dạng mình bẩn thỉu hơn bất cứ đứa trẻ nào đang phản chiếu trong tấm kính kia, tôi lại nghĩ “cũng được lắm”. Cho dù mẹ có nhíu mày nhăn mặt hàng trăm nếp. Con nhóc trong tấm kính đang nhìn tôi đây là một đứa con gái vững chãi, bản lĩnh, như đã từng cùng ai đó chạy trốn khắp đất nước từ lúc mới sinh ra.
Từ tấm cửa kính, bóng bố rời quầy thông tin màu xanh lá cây và đi về phía tôi. Bố cũng bẩn kinh hồn. Bố chỉ có hai cái một áo thun và một sơ mi trắng để thay đổi, cách ba ngày thay giặt một lần nhưng cả hai đều đã ngả vàng, những vết bẩn cũng ăn sâu. Nào vết nước tương, nào vết rượu đổ ngả màu.
- Gì? Muốn mua gì à?
Bố đến bên cạnh và hỏi tôi đang đứng như trời trồng trước cửa hàng lưu niệm, hỏi vậy nhưng nói thêm ngay “nhưng bố không có tiền mua đâu”.
Cứ nghĩ từ đây sẽ lại lên xe điện, đi xe buýt nữa thì bố lại đi về hướng siêu thị trước nhà ga.
- Mua gì vậy?
Tôi hỏi khi thấy bố đẩy chiếc xe mua hàng màu bạc. Bố chỉ cười giả lả, không trả lời.
Tôi lờ mờ biết được số tiền bố mang theo đang ít dần đi. Không mua nào đồ tắm, áo quần, bánh kẹo vô tội vạ như lúc trước nữa, thời gian đầu còn ở nhà nghỉ, nhưng từ lúc trọ ở chùa thì mỗi lần nghỉ ở đâu bố đều kiểm tra giá cả từng chút một. Có lần bỏ ra cả ba tiếng đồng hồ hỏi vòng quanh chỉ để tìm cho ra nhà trọ rẻ nhất.
Tôi hỏi bố đang đứng sững người trước quầy rau củ:
- Bộ có tiền sao?
Bố cúi xuống nhìn tôi và cười to đến mức thật thiếu tự nhiên.
- Xem ra không mấy tin tưởng bố nhỉ. Không có tiền thì vào siêu thị làm quái gì. Bí quyết để vui vẻ trong siêu thị là mặc sức mua sắm mà không lo nghĩ đến chuyện tiền nong.
Nói rồi bố ào ào nhặt nào ớt, nào hành tây, bắp sú vào rổ, đúng là mặc sức.
Nghe bố nói không cần phải lo nghĩ nên tôi lấy làm yên tâm, nhìn một lượt siêu thị. Ôi chao, siêu thị! Lâu ngày quá đi mất! Mà sao ở đây rộng quá vậy không biết. Mát mẻ, sáng sủa, sạch sẽ, hết thảy mọi vật đều trật tự, đâu vào đấy. Tuy nằm trước nhà ga nhưng siêu thị vắng vẻ đến lạ lùng. Chỉ có một ông bác mang dép và một người phụ nữ mặc quần lửng đi giữa các kệ hàng như phiền hà lắm vậy.
- Tiếp theo là thịt! Haru! Bổ nhiệm con làm Bộ-trưởng-bộ-thịt. Cứ chọn loại con thích đến chán thì thôi.
Nghe bố nói, tôi ghé mặt gần sát những kệ thịt tỏa ra luồng khí lạnh và say sưa lựa. Thịt bò với từng thớ xen vân mỡ cắt lát trong vỉ dán tem vàng. Tôi chưa từng ăn bao giờ. Thịt gà có xương mẹ hay gọi là tulip. Xúc xích phô-mai. Thịt bò để xào lăn. Tôi cho vào xe đẩy từng ấy thứ rồi liếc nhìn bố.
- Bộ trưởng, Ngài cứ cho vào đi, đừng ngại!
Vì bố nói vậy nên tôi lấy thêm thịt bò săn bóng như châu báu để ăn sukiyaki, vỉ thịt heo xắt mỏng và xếp tròn như bông hoa. Tôi thấy mình thật sự biến thành một đứa trẻ khác. Tôi hưng phấn ghê gớm.
- Con muốn làm Bộ-trưởng-bánh-kẹo nữa.
- Bổ nhiệm luôn. Bộ trưởng, mời lựa bánh kẹo.
Tôi đi như bay từ kệ thịt sang góc bánh kẹo đầy màu sắc, phủ đầy những kệ hàng cao. Có loại potato chips tôi chưa từng thấy bao giờ. Chắc là sản phẩm mới ra hay hàng độc quyền ở địa phương. Loại nào mà tụi Nakayama nói nhỉ, snack cay hay là snack đậu nhỉ. Còn cái này thì giống loại có bán ở tiệm bánh kẹo sau trường năm ngoái hãy còn mở. Mà sao trên đời có nhiều loại bánh kẹo thế này không biết. Nếu tôi là một con bê háu ăn hẳn đã chết vì… mất thời gian lựa chọn!
Tôi lang thang cùng bố hết chỗ này đến chỗ nọ đã hơn hai tuần. Tuy không còn nhớ thứ ngày gì nữa nhưng chắc cũng đã vào tháng Tám rồi, khoảng đó. Trong khoảng thời gian này, tôi chưa từng đặt chân vào siêu thị nào rộng lớn như vậy. Tôi gần như quên mất rằng trên đời cũng có những chỗ rộng lớn, tiện lợi và khiến con người ta phấn khích.
- Bố làm Đại-sứ-gia-vị!
Bố nói và đi lựa nước chấm thịt nướng nên tôi hiểu ra tối nay sẽ ăn gì. Bố cũng phấn khích như tôi, mất thời gian lâu la để ngắm nghía, lựa chọn dù chỉ một chai nước chấm.
Chúng tôi đẩy cái xe chất đầy hàng hóa đến quầy tính tiền, thở phì phò và đứng xếp hàng chờ, ngắm chị nhân viên da trắng cột tóc cao lần lượt quét mã vạch từng món hàng qua cái máy. Cứ mỗi món được quét qua, tổng số tiền lại nhảy lên trên màn hình, kêu píp píp, khi được nửa xe thì bố bắt đầu sốt ruột. Vừa lúc chị nhân viên quét vỉ thịt bò vân mỡ dán tem vàng thì:
- Xi… xi… xin lỗi…
Bố lúng túng, đụng phải tay chị ấy. Chị nhân viên giật mình, rụt tay lại.
- Tôi nhầm, loại bà ấy dặn không phải cái này, thật tình, có đem theo giấy đây chứ mà chỗ này rộng quá, tôi lại ham lựa nên cho cả những thứ không cần thiết vào, kiểu này bị xử chứ chả chơi, xin lỗi cô, bà nhà tôi, “chằn” lắm.
Vừa nói linh ta linh tinh một cách khó hiểu, bố vừa bốc trả lại những món hàng chị nhân viên đã quẹt mã vào rổ. Chị đứng sững nhìn bố sau đó nhìn tôi và cười ra chiều bối rối. Tôi cũng ngại ngần cười đáp trả.
Bố kiểm tra lại giá và đi trả lại từng món hàng, thịt bò, bánh kẹo, rau củ lên kệ.
- Xin lỗi Haru, mức chi nhiều hơn bố tưởng.
Bố đỏ mặt nói với tôi. Tôi không lấy làm bực tức. Cũng không nghĩ bố mất phong độ. Có điều thấy bố hơi tội nghiệp nên tôi nói:
- Chỉ lúc bỏ đầy xe mới thấy vui thôi chứ mua nhiều vậy, hai người ăn sao hết. Lúc nãy quá vui rồi nên đâu có sao.
Bố vẫn đỏ mặt nhìn tôi, quệt mồ hôi trán và nói nhỏ:
- Xin lỗi Bộ trưởng.
Không sao cả. Vì tôi biết rõ tuy có Bộ-trưởng-thịt, Bộ-trưởng-bánh-kẹo, Đại-sứ-gia-vị nhưng đâu có Bộ-trưởng-ngân-khố.
Rốt cuộc, chúng tôi thậm chí không cần đến xe đẩy để mua hàng. Một chút rau, một vỉ thịt heo, một vỉ thịt bò, xúc xích và nước chấm, hết thảy vào vừa đủ một bao nilon và chúng tôi cứ xách nguyên bao lên xe buýt.
Tôi dựa vào cánh tay bố, ngủ thiếp đi trên chiếc ghế hai người ngồi. Bây giờ tôi không còn lo lắng mỗi khi nghe bố nói lên xe trạm nào, đi tàu mấy giờ, đổi tàu ở đâu nữa, cũng không còn nghĩ đến chuyện có thể không về nhà được nữa. Tôi còn thật lòng nghĩ cứ như vậy đến tháng Chín cũng chẳng sao. Giấc ngủ trên xe buýt chập chờn, nông, sâu theo từng chuyển động của xe, đôi khi tôi lại nghe tiếng bao nilon sột soạt bên tai.
Chúng tôi xuống xe ở trạm cuối, đó là một công viên rộng lớn, nhiều cây cỏ um tùm. Cửa ra vào có một tấm pa-nô lớn. Dò nhìn theo những chữ cái phai màu trên tấm bảng, nào quảng trường phun nước, nào khu trò chơi vận động, khu đạp xe, khu tập đua xe mô-tô, khu BBQ, khu cắm trại v.v… mới biết công viên này rộng đến không ngờ.
- Tuyên bố kế hoạch hôm nay!
Bố đứng giạng chân trước tấm pa-nô nói:
- Năm giờ, chuẩn bị cơm tối và những việc khác. Bảy giờ, dùng cơm tại khu BBQ, chín giờ lửa trại, mười giờ đi ngủ.
BBQ, lửa trại thì tôi đoán được nhưng lịch đi ngủ thì tôi không nghĩ đến.
- Bộ trong công viên có chỗ ngủ sao?
Nghe tôi hỏi vậy thì bố chỉ lên khu cắm trại trên tấm pa-nô, dõng dạc trả lời:
- Có!
- Nhưng mình đâu có đem theo lều hay túi ngủ gì?
- Bố có sáng kiến hay lắm, yên tâm đi!
Bố cười rồi hướng ánh mắt về phía quảng trường trước cổng, tiếp tục:
- Từ giờ đến năm giờ, con muốn đi đâu chơi tùy thích, sau đó đến khu BBQ là được. Dụ dỗ mấy nhóc đang cắm trại cũng được, biết đâu được chia cho miếng thịt hay đồ ăn không chừng.
Bố nói rồi rảo bước đến chỗ bốt điện thoại công cộng bên trạm xe buýt. Tôi đứng ở cổng công viên nhìn bố trong chiếc hộp bằng kính vuông góc, áp ống nghe vào tai, vẻ mặt nghiêm trọng. Cầu cho kẹt máy. Cầu cho mẹ không chấp nhận trao đổi. Nhận ra mình đang có suy nghĩ đó trong đầu, tôi quay lưng về phía bố, chạy vào công viên.
Ngay ngoài là một bãi cỏ rộng cùng khu trò chơi vận động ở trong một góc. Cổng vào yên ắng là thế vậy mà bên trong lại khá ồn ào. Trên bãi cỏ, người nằm mơ màng, cặp chơi ném đĩa, nhà có em bé đang ăn cơm hộp.
Khu trò chơi vận động khá đông, mấy đứa trẻ trạc tuổi tôi đứng xếp hàng chờ đến lượt. Tôi không giỏi thể dục thể thao gì mấy. Vì vậy chẳng lòng dạ nào mà chờ đến lượt mới được chơi nên tôi quyết định nằm nghỉ dưới một gốc cây to đầy bóng mát. Quay đầu về bên phải thì thấy nhóm ba người xem chừng là nữ sinh trung học mặc áo tắm nằm ngủ trên tấm trải. Quay sang trái thì thấy một ông già ngậm tẩu đọc báo, cạnh ông là hai con chó trắng và đen hơi to to đang ngồi ngoan ngoãn. Nhìn thẳng lên thì thấy bầu trời xanh qua kẽ lá, lững lờ như một thứ chất lỏng.
Tôi nhắm mắt, định tái hiện bầu trời xanh ngắt dưới làn mi thì có gì đó lạnh, nhẹ chạm vào. Tôi ngồi dậy, nhận ra đó là một quả bóng nhựa. Màu vàng như viên kẹo. Con chó đen ngồi cạnh ông già đuổi theo quả bóng chạy đến, thè lưỡi nhìn như muốn nói gì đó.
- Xin lỗi!
Có tiếng ai đó, tôi liền ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một thằng con trai ăn mặc giống tôi đang đứng đó. Nó cao hơn tôi chừng một nắm tay và chắc tôi phải tắm trắng ba ngày tròn mới mong trắng được như nó. Cái quần lửng đến đầu gối, cái áo thun rộng thùng thình. Có điều đỡ hơn cái áo màu mè hoa lá cành của tôi nhiều.
- Chủ con chó này cũng là mày hả?
Tôi ngạc nhiên khi lời nói vọt từ miệng mình một cách trơn tru, tự nhiên như vậy. Có thể do bố hay gọi tôi “mày” này “mày” nọ, nhưng với một đứa con trai lần đầu gặp mà bị gọi “mày” thì không biết nó có khó chịu không, tôi nói rồi lại thấy hồi hộp.
- Ờ, nó tên Đen, con kia tên Trắng. Đơn giản dễ nhớ đúng không?
Thằng nhóc vừa xoa đầu con Đen vừa trả lời vẻ thoải mái. Thoải mái ở đây có nghĩa là không lấy gì làm khó chịu khi thình lình bị bắt chuyện, bị gọi là “mày” và cũng không có vẻ đề phòng, lại còn kèm cả thái độ thân mật.
- Vậy người đó là ông mày hả?
Tôi đưa quả bóng ra và hỏi nó.
- Ờ, còn bạn đi một mình hả?
- Có bố nữa, đến cắm trại.
- Hừm… thích ghê. Tớ sống gần đây nên chưa bao giờ cắm trại ở đây cả. À, mà cũng chưa từng cắm trại ở đâu hết.
Thằng nhóc nói rồi cười, vẫy tay, ném bóng ra xa. “Đen, chạy đi! Mau!” - nó vừa hét vừa đuổi theo con Đen vừa vọt chạy theo trái bóng.
Hẳn là còn sớm, chưa đến năm giờ nhưng tôi vẫn nhảy bước một, vẻ vụng về, tới khu BBQ. Có lẽ tôi đã thay đổi toàn bộ trừ lớp da bên ngoài. Nếu là tôi không bị cháy nắng thì không thể bắt chuyện với một đứa con trai xa lạ như vậy, mà nếu có bị bắt chuyện đi chăng nữa thì chắc cũng đã mắc cỡ giả vờ không nghe thấy rồi. Làm quen với một đứa con trai, được nó trả lời tử tế, rồi nói chuyện qua lại, cảm giác thật vui, y hệt như đi mua sắm thỏa thích trong siêu thị.
Đúng như dự đoán, khu BBQ thật đông, người nhóm lửa, kẻ lắp bếp lò, ai đó rửa rau. Tôi phải mất cả buổi chứ chẳng nói phét, mới tìm ra bố.
Mặt mày đỏ gay, bố đang nhen bếp ở một khu đất như đã bị vạt cỏ, gần khu nhà vệ sinh công cộng.
- Cái đó, ở đâu thế?
Tôi chỉ bộ lò BBQ hỏi.
- Mượn.
- Hơ, người ta cho mượn hả? Tử tế quá vậy. Lúc nãy con nói chuyện với một đứa nhưng dẹp vụ rủ rê vì nó nói ở gần đây, cũng không có vẻ gì là có thịt thà, rau củ cả. Còn dắt theo cả chó nữa, ở đâu ra thịt chớ.
Tôi cười. Bố ra sức dùng giấy báo quạt mớ than đang bốc khói, chẳng nghe tôi nói gì. Tôi cũng đâu lấy làm phiền, vẫn tiếp tục nói:
- Có hai con chó, buồn cười lắm, con lông trắng thì gọi là Trắng, con lông đen thì gọi là Đen. Chả tinh tế chút nào. Nhưng tụi con trai thì cả đám, đứa nào cũng vậy thôi. À à, nhưng mà thằng đó khác với tụi con trai lớp con. Có vẻ nghiêm túc hơn. Thì ông nó đó…
- Nhờ cái!
Bố cắt ngang lời tôi, có vẻ bực dọc rồi. “Giúp bố một tay!”
Chuẩn bị từ trước năm giờ mà đến gần tám giờ mới có cơm tối. Việc nhen lửa nhóm bếp với chúng tôi quả là cả một vấn đề, trong lúc tôi rửa rau, bố đi đâu đó mua bia mãi đến lúc quay lại thì trời đã tối đen. Những người xung quanh vui vẻ dùng bữa trước đó hầu như biến mất sau khi để lại mùi thịt nướng, mùi nước sốt.
Trong im lặng, chúng tôi xếp thịt, rau lên vỉ, trước khi ăn, kiểm tra kỹ xem đã chín chưa. Mùi nhà vệ sinh bốc lên nồng nặc. Xem ra bố xuống tinh thần trầm trọng. Tôi có hơi bực mình một chút khi bố nhen lửa không ra hồn, chuẩn bị thì lập cà lập cập mà còn đi mua bia (có tiền để mua bia thì mua cho người ta vỉ thịt bò lăn đi) nhưng khi thấy bố ăn miếng thịt nướng, tự dưng tôi thấy tội tội nên bắt chuyện:
- Ngon nhỉ!
Bố chỉ gật đầu rồi lại im lặng một lúc, sau đó mới nói nho nhỏ:
- Bố không ra gì, nhỉ?
Tôi an ủi:
- Con sẽ nhen được lửa thật nhanh, chắc chắn có cách, con sẽ nhớ mà. Còn lúc đi siêu thị, con sẽ hỏi bố có cần bia không? Cho nên… không sao đâu.
Rốt cuộc bố cũng ngẩng đầu lên, nói “vậy à?” và cười nhe hàm răng trắng bóc.
Cách khu BBQ mấy mét là khu cắm trại. Bóng lều mờ mờ trong đêm tối. Cái có ánh đèn, cái không. Có đôi tình nhân đem ghế ra trước lều, ngồi dựa vai nhau uống gì đó. Tôi hỏi bố:
- Ai cho mình mượn lều?
- Không ai cho mượn hết.
Bố nói. Trước khi tôi kịp hỏi “vậy làm sao ngủ?” thì bố nói tiếp “đi tìm thôi!”
Theo kế hoạch của bố thì nhất định sẽ có những chiếc lều không còn sử dụng được nữa vứt ở bãi rác và chúng tôi sẽ mượn từ đó. Tôi hối hận vì đã an ủi bố bằng những lời ngọt ngào lúc nãy. Lẽ ra lúc đó tôi nên nói “à á, bố đúng là không ra gì” mới phải.
Nhưng thực tế thì đúng là ở bãi rác có chiếc lều bị vứt bỏ thật. Bố cong lưng lôi nó ra giữa đống giấy vụn, vỏ hộp bánh kẹo, túi nilon, vỏ lon bia và rồi còn tìm cả phụ kiện như vít, ốc… phớt lờ ánh mắt của những người đem rác đến vứt.
Rút kinh nghiệm thất bại lúc nãy, trong lúc bố dựng lều thì tôi nhóm lửa trại. Tôi xếp chéo mấy khúc than còn sót lúc làm BBQ, nhét giấy báo, châm lửa và ra sức quạt cho lửa khỏi tắt. Làm vài lần như thế thì than từ từ hồng lên, rồi bắt đầu cháy đỏ. Đang ngắm ngọn lửa nhảy nhót reo vui, cao chừng đến đầu gối thì tôi nghe tiếng bố hét toáng:
- Xong rồi!
Quay lại thì thấy tuy hơi nhỏ nhưng đúng là ra cái lều. Trên chóp lều hở một lỗ to như bị cháy. Biết là đồ bỏ đi thì phải chịu thôi nhưng tôi vẫn có chút thất vọng.
Tôi và bố ngồi cạnh nhau, nhìn ngọn lửa cháy không mấy mạnh mẽ cho lắm. Bố uống bia. Hai má và đầu mũi tôi hơi hâm hấp nóng.
- Thương lượng sao rồi?
- Ừ thì đại khái!
Bố nói cho qua chuyện.
Đôi tình nhân ngồi kề vai nhau trước lều lúc nãy đã khoác tay nhau bắt đầu đi dạo. Khi bóng họ khuất sau bóng cây trong đêm tối, bất chợt tôi nghĩ ra:
- Bố và mẹ gặp nhau ở đâu?
Có vẻ như bố rất vui khi nghe câu hỏi đó nên ghé mặt sát vào tôi, phả toàn mùi bia trong lời nói:
- Bố làm thêm ở quán nhậu. Thế rồi mẹ với bạn bè đến đó, bố bị “cưa” đấy nhé!
- Bố bắt chuyện với vị-khách-mẹ hả?
- Không, không, ngược lại. Mẹ là khách, bắt chuyện với bố chứ.
- Chỉ giỏi chém gió!
- Nghiêm túc đấy!
Bố hất cằm vênh váo.
- Không phải mẹ bắt chuyện mà là gọi món thôi chứ gì?
- Đã nói là không phải mà. Người ta bắt chuyện với bố, “anh làm đến mấy giờ?”.
- Hê hê hê…
- Tức là “cưa cẩm” đó!
- Lúc đó bố mấy tuổi?
- Hai mươi ba, mẹ hai mươi mốt.
- Hê hê hê…
Tôi thử hình dung cảnh tượng đó trong đầu. Cảnh bố trẻ hơn bây giờ đem bia ra, mẹ trẻ hơn bây giờ uống bia rồi bắt chuyện với bố. Chẳng ổn tí nào.
- Chắc lúc đó chỉ có bố là đàn ông thôi chứ gì?
- Coi thường bố quá, nhân viên quán lúc đó toàn đàn ông nhé, năm người đấy.
Tôi lại nhắm mắt, hình dung cảnh đó một lần nữa. Nhưng trong đầu chỉ hiện lên cảnh bố và mẹ bây giờ, cười nói, gây gổ, xoay lưng lại với nhau và làm phần việc của mình. Bố lại bật nắp lon bia mới. Tôi thầm nghĩ “chém gió là cái chắc”. Không thể nào tưởng tượng được mẹ lại là người bắt chuyện với một người đàn ông không quen biết. Hình ảnh mẹ không bao giờ mặc váy, rảo bước trong khu chợ, còn dễ hình dung hơn. Ngược lại là cái chắc. Bố mới là người bắt chuyện với khách đến tiệm lúc đó là mẹ. Hẳn bố cứ bám dai như đỉa nên được mẹ chấp nhận hẹn hò; lửa cũng không nhen được, tay chân thì lóng ngóng làm mẹ thấy tội nghiệp nên lỡ nói lời an ủi giống tôi lúc nãy, chắc luôn. Kiểu như “không sao đâu, để em làm cho”.
- Mẹ say bố như điếu đổ ấy chứ!
Mặt bố ửng đỏ vì bia và lửa, bố “cường điệu” như vậy nên tôi càng chắc chắn là bố xạo.
Bố bắt đầu say, đòi “cắm trại mà, hát đi, nhảy múa đi!” rồi lớn tiếng gây ồn ào nên tôi cố sức kéo bố vào lều, chuẩn bị chỗ ngủ. Tôi gom đống báo bố lượm về, trải ra rồi lấy hết quần áo đặt chồng lên để nằm nhưng dưới lưng vẫn lộm cộm, đau cả người. Không biết có phải vì say quá rồi không mà ngay khi nằm lăn ra là bố chẳng còn nhắc gì đến hát hò, nhảy múa nữa mà cất tiếng… ngáy luôn.
Tôi cũng nằm xuống và ngước nhìn mái lều. Một lỗ hổng to bằng cả mặt bố trên chóp. Nhìn qua cái lỗ, tôi thấy đây đó những vì sao. Trong khoảnh tròn như vậy mà thấy được cũng khá nhiều, lớn, nhỏ, đủ cả. Những vì sao cứ nhấp nháy như đang trò chuyện với nhau. Tôi thấy khoảng trời nhỏ xíu xiu, được cắt tròn trịa đó thật hợp với những người đang chạy trốn như bố con tôi.
Lưng thì đau ê ẩm, tiếng bố ngáy thì ồn ào nên tôi không ngủ được, cứ nhìn khoảng trời hình tròn đầy sao trên đầu. Tôi nghĩ ngợi, là ai bắt chuyện trước đi nữa thì trước khi gặp nhau ở quán nhậu, cả bố và mẹ đều là những người xa lạ với nhau. Mẹ không phải là mẹ mà là một thiếu nữ, bố cũng không biết gì về mẹ hay tôi, và không chừng lúc đó cả hai đã có người yêu cùng ăn sáng, đi xem phim rồi cũng nên. Trong một thế giới không có lấy cả một cọng tóc của tôi. Nghĩ vậy là tôi bỗng có cảm giác kỳ lạ vô cùng.
Tôi có cảm giác như cơ thể mình tự nhiên bay bổng, cứ thế bay lên, bồng bềnh giữa các vì sao đang nói chuyện với nhau. Bố đang nằm ngủ bên cạnh cũng bồng bềnh giống tôi và đang ngáy. Mẹ đang ở xa lắc bên kia ngọn núi cũng vậy, cả dì Yuko, dì Asako, người yêu của dì Yuko, mỗi người một vị trí, cũng như bị những vì sao kéo bổng lên. Bên phía đối diện có cả bà lão ở chùa, ông mặt bóng dầu. Cả con Đen, con Trắng, thằng nhóc cũng đang bồng bềnh mà ngủ. Tôi dụi mắt thì thấy xa hơn nữa có chú Kanbayashi, Chizu cũng đang nằm giữa bầu trời đêm yên tĩnh.
Cảm giác chúng tôi đang bồng bềnh giữa bầu trời đầy sao kia là một nhóm những người xa lạ, hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của nhau, bị tách rời cho đến khi là cha mẹ, con cái, anh chị em, người quen của nhau.

Chương 12

Cuộc điện thoại ngày hôm đó lâu hơn bao giờ hết. Tôi ngồi ở băng ghế nhà ga, không rời mắt khỏi bố đang ở bốt điện thoại bên ngoài. Một linh cảm không hay.
Bố quay lưng về phía tôi và không ngừng bỏ những đồng mười yên vào khe điện thoại rồi cúi đầu trước cái điện thoại không biết bao nhiêu lần. Sao bố lại làm vậy nhỉ? Chắc là đang bị mẹ mắng. Mẹ hay cáu với bố lắm.
Tôi nhìn đồng hồ nhà ga. Đã hai mươi phút rồi mà bố vẫn chưa rời khỏi chiếc điện thoại. Trong lòng, linh cảm không hay ngày càng phình to ra, toàn thân tôi ngứa ngáy, khó chịu như có sâu bò vào tận cổ họng. Ngồi yên một chỗ không nổi nữa, tôi đứng dậy, rảo quanh các cửa hàng bán quà vặt trong nhà ga và ngắm nghía. Tôi lần lượt nếm thử các món muối chua, đồ kho khô. Vừa đưa miếng dưa muối có mù tạt vào miệng, tôi nghe tiếng người sau lưng:
- Sao? Đói bụng rồi à?
Quay lại thì thấy bố đứng đó. Tôi nhăn mặt vì mù tạt cay nồng.
- Thương lượng thành công rồi.
Bố thấp giọng đến nỗi như mất hết cả sức lực. Mù tạt sộc lên khiến hốc mũi nồng mù tạt, một giọt nước lăn tròn, nó chui ra từ mắt phải.
- Ngốc à! Còn sớm những mười năm con ạ!
Bố nói rồi cũng cho một miếng dưa muối mù tạt vào miệng.
- Thương lượng thành công rồi! Cho nên bố không có quyền bó buộc Haru nữa. Bố phải trả Haru về chỗ Kyoko. Đã hứa vậy.
Tôi đứng trước quầy muối chua, thất thần nghe bố trịnh trọng tuyên bố. Tôi hoàn toàn không đoán được từ đây sắp tới sẽ thế nào.
- Có điều là nảy sinh một vấn đề nan giải…
Tôi nín thở. Tôi có cảm giác bố sẽ nói “bố muốn hỏi ý kiến con”. Tôi dốc hết tốc lực tóm tắt ý kiến của mình. Tôi đã quyết định. Sẽ cứ thế mà tiếp tục chạy trốn. Trường lớp, mẹ, dì, đúng là có nhiều chuyện phải nghĩ nhưng trước mắt, bây giờ cứ quên hết, bỏ trốn. Một phiếu tán thành duy-trì-hiện-trạng.
- Vấn đề nan giải, đó là không có tiền. Không có tiền đi xe điện từ đây về nhà.
Bố gục đầu nói còn tôi thấy hoa cả mắt. Mất công tôi dốc hết sức lực để tóm tắt ý kiến của mình. Tôi định đưa ra phương án, không có tiền thì lại lượm lều cũ ở đâu đó, ngủ ngoài trời nhưng bố đã chặn trước.
- Bố đi tra thông tin chút đã, Haru cứ ăn thử tiếp đi!
Nói vậy rồi bố đi vào quầy thông tin màu xanh lá cây.
Bố ngồi lên ghế quầy, xem giờ xe điện chạy, giá tiền, bản đồ, lật tới lật lui mấy trang giấy, vẻ chăm chú.
Tôi lại cho miếng dưa mù tạt vào miệng, lần này thật nhiều. Sộc và cay đến nỗi tôi không đứng được mà phải cúi gập người. Vẫn trong tư thế ấy, tôi cố gắng nhai nát miếng dưa. Mù tạt bốc ra một làn hơi như một con dao nhỏ cứa khắp miệng, lan đến tận hốc mũi, mang tai tạo cảm giác đau điếng, tôi ôm chặt hai bên thái dương, nhăn mặt. Mồ hôi toát đầy trán. Tôi cảm nhận mùi vị như đùa đó bằng toàn bộ cơ thể. Trong góc quầy, một bác gái xuất hiện:
- Này cháu, có sao không? Uống ngụm trà đi!
Nói rồi bác đưa tôi một cốc trà lúa mạch.
- Cảm ơn bác!
Tôi nhận lấy, gượng cười, cuối cùng nước mắt mới chịu lăn dài trên má.
- Ôi trời ạ!
Bác ấy khom lưng nhìn tôi rồi cười. Tôi cũng cười. Uống trà lúa mạch rồi mà nước mắt mãi không chịu ngưng. Và cười cũng không dứt.
Khi muốn khóc nhất, tôi lại chỉ có thể khóc bằng cách này. Điều đó thật buồn cười không chịu nổi.
Tôi thấy vang trên đầu tiếng bố giải thích đi đến đâu đó, có người bạn cũ sống ở đấy, và có thể mượn được tiền. Vấn đề là thậm chí không có tiền để đi kia. Nhưng may mắn là từ đây đến đó cũng không xa lắm. Đi bộ thì hơi cực chứ đi xe đạp thì không đến nỗi.
- Vì vậy mà, bây giờ bố sẽ làm một việc xấu. Thật lòng bố không muốn làm và cũng không muốn Haru chứng kiến việc này. Nhưng bố không còn cách nào khác.
Bố nói những lời như lời thoại trong một vở kịch rồi bước ra ngoài nhà ga. Thời tiết thật đẹp. Mặt trời chiếu những tia nắng chói chang, nóng bỏng da. Băng qua bãi đậu taxi, trạm xe buýt, tôi biết bố định làm gì.
- Thôi, đừng làm vậy bố ơi!
Tôi đi theo sau bố nói, người không còn chút sức lực. “Lấy trộm xe đạp có gì hay đâu. Nếu phải làm thế thì đừng về nữa”.
Bố đứng ngắm nhìn dãy xe đạp được xếp trật tự ở bãi xe trước nhà ga rồi quay nhìn tôi, nói như thể rất tâm đắc với cái sáng kiến tuyệt vời của mình:
- Hay mình viết cái thư nói mượn ít lâu?
- Vậy ai đem trả lại?
- Ừ thì… không có ai cả.
Sau lưng bố, đủ loại xe đạp đang lấp loáng trong nắng. Tôi nghĩ bụng nếu không có tôi ở đây hẳn cái người này đã “bắt cóc” một chiếc xe đạp không khóa nào đó mà chẳng cảm thấy chút tội lỗi nào. Nói thật lòng, tôi lại thấy vui khi nghĩ như vậy. Nếu là trước kỳ nghỉ hè, hẳn tôi dám khẳng định bố dứt khoát không làm những việc này. Nhưng bây giờ, tôi đã biết bố là người thế nào và biết rằng chẳng vì thế mà tôi trở nên ghét bố.
Thế nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy việc lấy trộm xe đạp của người khác là cực kỳ xấu. Nếu người đó phải ôm một đống hành lý to đùng mà còn phải đi tìm chiếc xe đạp thì sao? Lỡ chiếc xe đạp đối với người đó chất đầy kỷ niệm thì sao? Giả dụ tôi là người bị mất trộm xe? Đúng là không ổn tí nào.
Phát hiện cách xa bãi xe một chút là đống xe cũ được chồng chất cùng vỏ hộp, chai lọ rỗng, bao nilon, tôi liền tiến lại gần. Chỗ đó như một bãi nghĩa địa xe đạp. Cái thì sườn xe gỉ sét, mất bánh, cái mất yên, cái lại chỉ có mỗi cái yên, cái không có bàn đạp, có cái vẹo sườn. Nhìn sao cũng thấy chỉ là đồ vứt đi.
- Mình tìm cái nào còn tốt, ráp thử?
Tôi nói.
Trước sáng kiến lắp ráp một chiếc xe đạp từ những bộ phận bị vứt đi đó, lại không phải trở thành kẻ cắp xe đạp trước mặt tôi, vừa không phải đi bộ đến nơi cần đến, bố tỏ vẻ mặt vô cùng yên tâm và nói:
- Haru thông minh ghê!
Tôi cảm giác như mình thành bố của con người này!
Chúng tôi bỏ ra ba tiếng đồng hồ, mồ hôi vã ra như tắm, với ý định lắp ráp một chiếc xe đạp thật hoành tráng từ đống rác đó nhưng rốt cuộc lại đành bỏ dở cuộc khổ chiến. Gì thì gì, đó là một cuộc chiến không cân sức. Không kìm, không tuốc-nơ-vít lại chẳng có chút hoa tay, tài nghệ gì. Mặt trời đã ẩn hết nửa sau tòa nhà đối diện nhà ga.
- Lấy cái này đỡ vậy!
Bố lôi trong đống sắt vụn ra một chiếc xe đạp gỉ đen không có lấy một mi-li-mét màu bạc, không cả yên xe, đèn xe thì cong vẹo, bánh xe thì xẹp lép không một chút hơi. Bố nhặt một cái yên và cố gắng nhét nó vào.
- Chắc cũng chạy được.
Bố nói bằng một giọng mệt mỏi tận đáy lòng.
- Chắc được, đi thôi!
Tôi nói. Bố ngồi yên trước, tôi leo lên yên sau. Chiếc xe vừa chạy vừa phát ra âm thanh lịch kịch, tôi quay lại thì thấy bãi chiến trường xe đạp mà chúng tôi loay hoay, cặm cụi sửa nãy giờ đã ngập buồn nắng chiều.
Bố đạp xe đương nhiên vất vả mà tôi ngồi sau thật ra cũng chẳng sung sướng gì. Vì bánh xe đã hết hơi nên mông tôi ê không chịu nổi. Xui nữa là đường quốc lộ chúng tôi đi đang kẹt xe, những người ngồi trong xe hơi gí mặt vào cửa sổ nhìn theo hai người chúng tôi trên chiếc xe đạp tàn tạ.
- Bố à, đi đường trong đi!
Không chịu nổi ánh mắt của họ, tôi nói.
- Lạc là cái chắc!
Bố gạt phăng đề nghị của tôi.
Để tránh ánh mắt của những người ngồi trong xe hơi, tôi quay mặt đi, má phải áp sát lưng bố. Bên trái đường quốc lộ là đồng ruộng, cỏ dại mọc cao. Nhìn những thân cỏ cao mọc ven đường, tôi lấy hết sức hít một hơi thì ngửi thấy mùi lưng áo bố. Mùi của một buổi sáng mùa hè mở toang cửa sổ để làm bay mùi thịt muối chiên. Tôi chuyển ánh nhìn từ cây cỏ dọc đường sang thứ trước mặt, lưng áo bố. Cái lưng to rộng hơn tôi nghĩ, chính giữa chiếc áo sơ mi đã ngả vàng là mồ hôi, đẫm, loang tròn.
Phần đẫm ướt đó trông như một cái bản đồ. Tôi có cảm giác chúng tôi đang chạy thẳng trên tấm bản đồ tới một nơi nào đó.
Tôi không thể tin được là mình phải về. Ừ nhỉ, chưa về đâu. Làm sao mà người bạn nào đó của bố có thể cho mượn tiền khi thấy một ông bố dắt đứa con đến trên chiếc xe đạp tàn tạ nhìn là biết đồ “mượn đỡ” này. Nếu vậy thì chúng tôi sẽ không thể về nhà. Tôi nhìn cái bản đồ nhỏ trên lưng chiếc áo ố vàng.
Cho đến khi những chiếc xe hơi và cánh đồng rộng mênh mông đồng loạt ánh vàng, rồi chuyển sang màu xanh dương nhạt như muốn tan chảy, cuối cùng là mù mờ tối mịt như bị nuốt chửng, tôi vẫn nhìn chằm chằm lưng áo bố. Nó nổi lên mờ mờ trăng trắng trong bóng tối, cái bản đồ lớn thêm hơn. Trên đường không còn chiếc xe nào. Mọi người đã đi đâu hết. Chỉ có tiếng xe đạp cọc cạch, tiếng bàn đạp cọt kẹt vang lên. Đương nhiên xe không có đèn nên chúng tôi hoàn toàn không thấy được cảnh sắc trên đường cũng như chiều ngược lại. Tôi hỏi:
- Bố thương lượng gì vậy?
- Rất chán.
Bố khẽ cười và nói.
- Rất chán là sao?
Bố không đáp, thay vào đó, bánh xe lăn thật buồn.
- Haru, bố xin lỗi!
Đột nhiên bố nói vậy.
- Ê mông lắm phải không?
Lần này thì tôi không trả lời. Tôi áp má vào lưng bố. Lưng bố dưới lớp áo sơ mi ướt lại nóng đến lạ.
Tôi nhắm mắt, không hiểu sao lại nghĩ đến dì Yuko.
Dì Yuko từng nói, nói xin lỗi chứ cho đến lúc lớn, dì ghét mẹ, ghét dì Asako và bà lắm. Hôm đó hình như mẹ bận việc về muộn. Tình cờ dì Yuko đến chơi rồi dắt tôi đến tiệm pizza trước nhà ga. Tiệm nằm tầng trên cùng tòa nhà, rất đông khách nhưng may là chúng tôi có chỗ ngồi sát cửa sổ.
Lúc dì bằng tuổi mày, dì rất ghét mẹ và cả hai chị của mình, thậm chí còn nghĩ sao mình lại sinh ra trong cái nhà thế này. Dì còn nghĩ chắc chắn do bệnh viện nhầm lẫn, thật ra mình là con nhà khác mà do y tá bất cẩn trao nhầm.
Dì Yuko đã bất ngờ bắt đầu câu chuyện như vậy khi dùng dĩa lấy rau trong đĩa rau khai vị được bưng ra cùng một chai rượu nhỏ trước khi món pizza được đem tới.
Hồi xưa, mẹ mày với dì Asako, mà bây giờ cũng vậy, thân với nhau lắm, cũng không phải là ghét bỏ dì đâu nhưng mà hiểu không? Hai người thân nhau như vậy tự nhiên khiến mình có cảm giác lạc loài. Hai người đó cứ dính nhau như sam, đi mua sắm, xem phim, ăn uống, lúc nào cũng có nhau. Họ làm thế sẽ khiến mình sau đó phải hỏi là sao không rủ, thế là họ nói “ớ, mày có nói là muốn đi chung đâu?” Chưa kể, hai người đó còn là con ngoan trò giỏi từ gốc đến ngọn luôn.
Bố của dì, tức ông ngoại mà mày chưa từng gặp bao giờ ấy, là người duy nhất quan tâm đến dì nhưng ông bận lắm, ít khi gặp. Mà ông cũng mất sớm, lúc dì lên cấp ba.
Khi chán đĩa rau rồi thì dì Yuko chuyển sang uống rượu như uống nước trái cây. Châm lửa hút thuốc rồi nhả khói, tiếp tục câu chuyện. Tôi nhìn những ánh đèn sáng đây đó ngoài cửa sổ, và lắng nghe dì Yuko nói. Tôi không có anh chị em, cũng chưa bao giờ nghĩ “nhà này không phải nhà của mình” nhưng lạ là tôi lại hiểu rõ những điều dì Yuko nói.
Tôi đã nhiều lần suy nghĩ tại sao mình không được tự chọn bố mẹ hay anh chị em. Rõ ràng những người này ở suốt với mình mà, việc quan trọng như vậy mà lại không được lựa chọn. Bạn bè thì có thể lựa chọn được. Áo quần, đồ ăn, trường lớp… cái gì cũng có thể lựa theo ý mình, vậy mà chỉ có gia đình là không. Tôi đã từng là một đứa trẻ luôn nghĩ về điều đó và cho rằng điều đó thật sai lầm.
Tôi không thể hỏi dì Yuko sao tự nhiên lại nói chuyện đó với tôi. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi rất hồi hộp. Và muốn nghe dì nói thêm nữa. Khi tôi định hỏi “rồi sao?” thì pizza được đem ra, dì Yuko liền bảo:
- Ăn thôi.
Ăn xong miếng pizza đầu tiên, tôi hỏi dì:
- Bây giờ còn ghét không?
Dì trả lời:
- Không ghét, không đến mức như vậy.
- Tại sao?
Tôi hỏi lại lần nữa thì dì Yuko làm vẻ mặt thường thấy khi “bật mí” điều gì đó và đáp:
- Tại có người để yêu rồi.
- Là sao, không hiểu gì hết.
Tôi nói. Dì Yuko kéo phô-mai trên miếng bánh ra và cười:
- Không hiểu là đúng rồi.
Dì Yuko ăn hết miếng pizza, gọi thêm một chai rượu, sau đó còn uống nữa rồi nói như thế này:
- Khi mình có quyền chọn lựa một việc vô cùng quan trọng khác thì những việc mà mình đã không thể lựa chọn ấy, chẳng còn ý nghĩa gì nữa, sao cũng được, ghét thì quên béng đi là xong, thích thì cùng ở với nhau. Khi nghĩ được như vậy rồi lại nhận ra là không ghét đến mức đấy. Cho nên dì mới hay đến nhà mày chơi đó thôi!
dì cũng chẳng hiểu bản thân mình đang nói gì đâu. Dẫu sao, dì cũng đã uống hết hai chai rượu rồi, dù là chai nhỏ đi nữa. Dì Yuko say đến mức không tự mình đi nổi vậy mà còn nắm tay tôi kéo đi, chốc chốc ré lên cười như điên, về đến nhà thì bị mẹ mắng một trận vì cái tội uống nhiều.
Vì lúc đó tôi không hiểu những điều dì Yuko nói lắm nên sau đó tôi đã quên hầu hết trừ việc dì đã ghét mẹ, ghét dì Asako và bà nhưng giờ chỉ hơi hơi ghét, và nếu để dì ấy uống rượu nhiều thì thật rách việc.
Thế nhưng, chẳng hiểu sao khi dựa vào lưng bố, nhắm mắt trong bóng tối thì tôi nhớ lại chuyện lúc ấy rất rõ, nhớ lại và vẫn không hiểu những điều dì Yuko đã nói, vậy mà trong lòng thấy thoải mái, nhẹ nhõm sao đó.

Chương 13

Chúng tôi đến nhà người quen của bố vào sáng sớm.
Tối hôm qua, hơn chín giờ chúng tôi phát hiện một quán mỳ trơ trọi dọc đường, tôi và bố ngồi ở quầy cùng chia nhau một bát mỳ. Hẳn đó là những đồng tiền cuối cùng còn sót lại nên bố không gọi bia. Không biết chủ quán nhìn bộ dạng chúng tôi và nghĩ gì mà im lặng đem cho một đĩa há cảo chiên.
Sau đó chúng tôi lại tiếp tục đi xe đạp, thật lâu. Đến hơn mười hai giờ bố tuyên bố gục ngã, ghé vào ghế đá công viên gần đó nằm ngủ. Vừa chợp mắt thì mấy con muỗi vo ve bay đến làm tôi chợt tỉnh nhưng liền sau đó ngủ say như chết luôn.
Tôi thức giấc khi toàn thân ngứa ngáy không chịu nổi. Cánh tay, cẳng chân, ở đâu cũng có nốt muỗi đốt. Bố cũng gà gật thức dậy, gãi sồn sột khắp người. Không gian vẫn còn mờ tối nhưng bố trầm giọng nói “đi thôi” nên tôi lại ngồi lên yên sau.
Một dòng sông nhỏ chảy giữa hai bờ cỏ. Tiếng gà gáy sáng. Chung quanh không một tòa nhà cao tầng, rải rác vài ngôi nhà cách xa nhau nhưng tôi trông chúng cứ giông giống nhau. Vẫn một màu xám bàng bạc của bình minh chưa ló rạng, bầu trời mờ mờ trắng chẳng rõ là ban sáng hay chập tối. Không biết đã từng đến đây lần nào chưa mà bố mạnh dạn xuống xe, xăm xăm bước đến một ngôi nhà.
- Còn sớm quá mà…
Tôi nói.
- Không sao. Sasaki dậy sớm lắm.
Bố bấm chuông cửa không chút e dè.
Sau một quãng im ắng đến mức cứ tưởng trong nhà không có ai thì bỗng cửa bật mở. Một người đàn ông mặc pyjama xuất hiện. Vừa dụi mắt vừa nhìn bố rồi “ồ ồ”, còn khi nhìn thấy tôi đứng sau lại “à à”.
Ngồi xuống ghế salon ở phòng khách, trong lúc chờ chú Sasaki rót cà phê, tôi nhìn quanh nhà. Ánh sáng bình minh như mới thức dậy rọi qua lớp rèm cửa đăng-ten khiến căn phòng thật sáng. Trên kệ tủ sát tường đầy tranh ảnh. Góc phòng đặt một chậu cảnh lá thật to nhưng có điều mấy chiếc lá bên dưới nham nhở như bị sâu gặm. Vừa chuyển ánh mắt sang tủ chén bát thì tôi kêu “á” một tiếng thật nhỏ.
Một con mèo trắng khoang đen ngồi trên tủ chén bát trắng như một vật trang trí.
- Cà phê cũng được mà hả?
Chú Sasaki vừa đặt tách xuống bàn vừa hỏi tôi. Tôi đáp thật to:
- Dạ!
Tôi nhìn theo chú Sasaki quay vào bếp lấy gì đó rồi lại kêu “á” một tiếng nữa. Một con mèo trắng muốt ngồi trước tủ lạnh, hai con mắt như hai viên bi cứ nhìn chúng tôi như đang muốn hỏi đôi điều. Không chỉ vậy. Nơi chồng báo chất đống trên bàn là một con mèo nâu, khuất sau thùng giấy ở mép cửa lại là một con mèo mun. Trời! Đến bốn con mèo. Vậy mà bố không màng gì đến lũ mèo, chỉ uống cà phê và khen:
- Ngon quá!
Chú Sasaki đem một rổ đầy bánh mỳ đến trước mặt chúng tôi, nói:
- Ăn miếng bánh mỳ!
- Xin lỗi vì mới sáng sớm đã…
Tôi cúi đầu rồi uống cà phê. Tôi nghĩ bụng không được giở mấy trò trẻ con vớ vẩn như lúc gặp chú Kanbayashi. Chú Sasaki cũng cúi đầu:
- Không sao, không sao.
Chú Sasaki nhìn giống như mèo vậy. Mặt tròn, đầu mũi cũng tròn. Chỉ cần tô đen đầu mũi, vẽ thêm râu là chắc chắn thành con mèo thứ năm. Không biết chú mấy tuổi. Thấy thì có vẻ lớn tuổi hơn bố nhưng cũng có lúc lại cảm giác nhỏ hơn. Chú cũng uống cà phê, một tay cho vào áo pyjama gãi ngực sồn sột.
- Meo…!
Tôi nhìn về nơi phát ra tiếng động thì cửa bếp mở, một người phụ nữ xuất hiện. Người phụ nữ nhìn bố kêu lên:
- Ồ, anh Taka!
Rồi cười. Có hai con mèo đang cọ cọ người vào chân cô ấy. Một con còn nhỏ, trắng đen, một con nâu nhạt. Trời! Những sáu con mèo!
- Xin lỗi đã đến đột ngột!
Bố nói với người phụ nữ. Tôi cũng cúi đầu nói:
- Xin lỗi, mới sáng sớm…
Người phụ nữ cười đáp:
- Chào cháu.
Cô ấy cũng có khuôn mặt giống mèo. Là một con mèo có vẻ nhanh nhẹn hơn chú Sasaki. Chú Sasaki vào bếp, khui hộp đồ ăn cho mèo, người phụ nữ mở tủ lạnh, bật bếp, bố cũng ra đó nói chuyện với họ. Tôi vẫn ngồi ở ghế salon, nhìn sáu con mèo đang ào đến hộp thức ăn.
Đột nhiên tôi nhận ra mùi của nhà người lạ. Tôi nhớ lại lần đến chơi nhà Chisato năm ngoái. Nhà nó cũng giống giống cái nhà này nhưng có mùi khác. Tôi không biết là phải có gì pha với gì thì sẽ ra mùi đó, một cái mùi rất khó giải thích. Hễ lấy hết sức hít hà cái mùi xa lạ đó thì tôi có thể ngồi yên bất cứ đâu. Dù là cái nhà xa lạ ở một nơi xa xôi có hai người lớn khuôn mặt giống mèo sống cùng sáu con mèo ở đó.
Khi tôi suýt gà gật vì quá yên tĩnh thì có tiếng gọi “ăn cơm nào”.
Người phụ nữ và chú Sasaki ngồi đối diện nhau ở cái bàn vuông lớn trong bếp. Ánh nắng mặt trời rọi xuyên qua rèm cửa sáng hơn lúc nãy. Chú Sasaki bật nhạc từ cái máy để dưới chân. Chúng tôi chắp tay “itadakimasu”.
Trên bàn bày nào trứng chiên, xúc xích, khoai tây, cà chua bi, súp, rau trộn, một rổ đầy bánh mỳ và bánh mỳ nướng. Nhớ lại bữa tối xẻ đôi tối hôm qua, tôi thấy đói bụng kinh khủng.
Chú Sasaki và người phụ nữ bắt chuyện với tôi như những đứa trẻ cùng tuổi, rồi lại nói chuyện với bố.
- Đó là Natsuko, bên cạnh là Tomoki, con mèo mun là Matsudaira.
Người phụ nữ cho tôi biết tên lũ mèo. Cái tên Matsudaira nghe ngồ ngộ đến nỗi tôi phải bật cười.
Bố hỏi:
- Sao chỉ có một con là lấy họ?
- Thì nhìn đi, cái mặt nó như Matsudaira còn gì.
Người phụ nữ trả lời.
- Nhưng mà vậy thì thấy Natsuko như Komatasubara hơn.
Tôi buột miệng. Chú Sasaki chồm qua phía người phụ nữ, rồi cả hai cùng nói:
- Hay quá! Komatasubara Natsuko!
Cảm giác bữa sáng như bữa tiệc sinh nhật ở nhà Chisato vậy. Và mọi người như những người bạn cùng lớp, những người bạn to con.
Gần trưa, chú Sasaki và người phụ nữ cùng ba con mèo tiễn chúng tôi ra cửa.
- Lần sau đến chơi nữa nhé!
Cô ấy nói với tôi.
- Thấy mèo bị bỏ rơi thì đem đến đây!
Chú Sasaki nói rồi vẫy tay.
Con mèo trắng đen vẫy đuôi như thể nói “bye bye”.
- Hai người đó là sao với bố?
Tôi hỏi bố lúc trên đường ra ga. Chúng tôi được chỉ cứ đi thẳng qua khu phố chợ là đến ga. Một khu chợ yên tĩnh, trông có vẻ cũ kỹ. Không mấy người qua lại, một bà lão và một phụ nữ bế em bé ngồi trước một cửa hàng, thong thả chuyện trò. Rời khỏi căn nhà đó, tôi cứ có cảm giác bữa sáng bốn người cùng sáu con mèo như đã diễn ra trong mơ.
- Cô Nori là người yêu lúc xưa của bố. Chú Sasaki là đàn em và là người yêu hiện giờ của cô Nori.
Bố trả lời.
- Trời!
- Lâu lắm rồi. Đừng có nghĩ bậy bạ!
- Bố mà lấy cô ấy thì đâu có con nhỉ!
- Vì vậy mà cô ấy không lập gia đình cũng nên!
Bố nói như đang hát bằng giọng mũi.
Quên hẳn chiếc xe đạp, quên cả hai người giống mèo đó, chúng tôi trên đường trở về.
Đến ga, bố đi mua vé. Mặt trời lên cao, ngày sáng tỏ, tôi suy nghĩ mình cần phải nói gì. Nếu tôi nói “mình trốn tiếp đi” thì bố sẽ nói gì nhỉ. Lần này tôi sẽ là tội phạm bắt cóc. “Ngươi có chút tự do nhưng quyền chủ đạo là ta!”. Nhưng người nắm quyền chủ đạo là tôi sẽ làm gì đây?
Bố mua vé rồi đi về phía tôi. Bố cất tiền thừa vào ví, vừa nhìn tấm vé vừa rảo bước. Cổ họng tôi khô khốc. Tôi hồi hộp, toàn bộ cơ thể như bị vỡ tan thành trăm mảnh, tim sém nhảy ra khỏi lồng ngực.
- Một giờ ba mươi lăm phút! Còn chừng hai mươi phút nữa, sao, hay ăn cái gì không?
Bố hỏi. Tôi quay ngoắt đi.
- Cũng đông người, hay xếp hàng đợi luôn?
Bố nói rồi bước vào cổng soát vé. Tôi thất thểu theo sau.
Sân ga đông nghịt. Mọi người tỏa ra mùi đặc trưng của kỳ nghỉ hè. Tụi trẻ con da cháy nắng chạy quanh, mấy bà mẹ quát tháo, mấy ông bố gà gật đọc báo. Mấy cặp đôi thì dính lấy nhau như đang giữa mùa đông. Mấy người đi theo nhóm thì trò chuyện rôm rả. Bố cho tôi xếp hàng sau một gia đình rồi nói đi mua nước và cơm hộp.
- Uống gì? Có ga hay nước trái cây?
Bố hỏi nhưng tôi vẫn quay mặt đi.
- Vậy mua đại nhá!
Bố nói rồi bỏ đi. Xem ra bố cũng đã quen với tâm trạng thất thường của tôi, cũng như tôi, đã quen với sự vụng về, lóng ngóng của bố. Giả lơ không quan tâm thì cũng như cách làm hồi đầu đi xe điện đấy thôi. Tôi bực mình khi thấy mình chẳng tiến bộ gì nhưng không biết phải làm sao. Chẳng còn lòng dạ nào để cười nói kiểu “bố, con uống nước cam, không phải loại có ga đâu, à, mà bố đừng uống bia nữa, đi vệ sinh suốt bây giờ”.
Ông bố bà mẹ đứng xếp hàng trước tôi ngồi bệt xuống sân ga. Hình như họ mới leo núi về, cả hai đều đeo ba lô, chân mang giày leo núi. Hai đứa con, thằng anh chừng lớp hai, đứa em gái chừng mẫu giáo, chạy vòng quanh bố mẹ, cười như nắc nẻ. Thằng anh thấy tôi liền chạy nấp sau lưng bố mẹ rồi thè lưỡi nhe răng chọc quê, nhưng tôi chẳng hơi đâu đáp trả. Con em gái cũng bắt chước, thè lưỡi, nhe răng. Ông bố bà mẹ quay hai tấm lưng như hai tảng đá về phía tôi, không nhúc nhích. Thằng anh mấp máy môi “đồ khùng”. Đứa em gái bên cạnh thì thè lưỡi như điên.
“Vui quá!” - bỗng nhiên tôi nghĩ vậy.
Xe điện đến ga không trễ lấy một phút. Chúng tôi lên xe, bị làn sóng người xô đẩy. Chật như nêm. Tôi phải dụi mặt vào bụng bố. “Chỗ đứng còn không có chứ đừng nói là cơm hộp”. - tiếng bố nói trên đầu. Xe điện bắt đầu chạy.
Người phụ nữ sát bên cạnh cất giọng cười sắc như dao. Mùi nước hoa nồng nặc. Ngửi thấy cả mùi gà chiên bột. Tiếng em bé khóc ở đâu đó.
- Ổn không? Thở nổi không?
Tiếng bố vang lên giữa những âm thanh náo loạn trong xe.
Cứ giả lơ mãi cũng không được. Nếu im lặng, tỏ vẻ khó chịu như vậy thì sẽ bị dẫn về nhà mất. Phải nói, nói cái gì đó. Tôi ngước lên, mặt chà vào bụng bố. Bắt gặp ánh mắt bố.
- Bố, có tiền đó, con để dành. Tiền lì xì từ hồi nhỏ đến giờ, không xài, mẹ bỏ vào ngân hàng bưu điện cho con. Chắc là ít thôi nhưng bố lấy xài cũng được. Cho nên, mình cứ trốn tiếp đi.
Ông bác bụng phệ đứng cạnh tôi nhìn xuống. Tôi mặc kệ, nói tiếp:
- Con sẽ gọi điện cho mẹ nói mẹ gửi sổ ngân hàng. Có thể mẹ không chịu nhưng con sẽ tìm cách để bảo mẹ gửi. Cho nên…
- Suỵt!
Bố đưa ngón tay lên miệng khi phát hiện ánh mắt của ông bụng phệ.
- Mình trốn đi!
Tôi hạ giọng một chút. Tôi nhìn lên nhưng bố lắc đầu. Bố cúi xuống nói:
- Không cần phải trốn nữa.
Xe điện dừng ở ga, hành khách xuống bớt nên chung quanh rộng rãi hơn một chút. Tôi nhấc mặt ra khỏi bụng bố, hít một hơi. Vươn vai nhìn quanh toa xe, tôi thấy gia đình hai anh em thè lưỡi lúc nãy đã yên vị trên ghế. Đứa con gái úp mặt vào đầu gối mẹ nó như muốn ngủ. Xe lại chạy.
- Ga tới thể nào cũng có người xuống…
Tôi cắt ngang lời bố:
- Chắc chắn con sẽ thành người xấu!
- Hả?
Bố cúi xuống ghé tai sát mặt tôi. Tôi lặp lại lần nữa.
- Suỵt! Bố đưa ngón tay lên miệng khi phát hiện ánh mắt của ông bụng phệ. - Mình trốn đi! - Chắc chắn con sẽ thành người xấu! Bị người bố tự tung tự tác như bố vậy, dắt đi lung tung, không được chăm sóc tử tế, bị gí mũi vào những món thơm ngon rồi bị giật lại, “xong xuôi” như thế này thì chắc chắn con sẽ thành người xấu. Con bị dắt đi theo ý thích của bố mẹ. Tại bố hết. Tất cả là tại mấy người hết!
Tôi không khóc. Tôi đã cố nhớ lại mùi vị mù tạt ăn lúc trước nhưng nước mắt không chịu chảy. Tôi biết mặt mình đang đỏ lên. Đâu đó trong lòng, tôi biết rằng mình đang tức giận vô cùng.
Bố không đáp lại trước những lời lẽ của tôi. Chỉ nhìn tôi chằm chằm. Bố không tránh ánh mắt đi nên tôi cũng không lảng ánh nhìn của mình đi chỗ khác. Khi xe đến gần nhà ga tiếp theo, bỗng nhiên bố nắm tay tôi.
- Xuống thôi!
Bố nói nhỏ rồi kéo tôi đi.
Đến ga, đúng là có nhiều khách xuống xe. Cứ nghĩ là xuống xe, bố chịu nghe lời tôi, tiếp tục đi đâu đó thì bố chỉ đứng yên ở sân ga, nhìn tôi. Dòng người cười nói đổ về cửa soát vé, chẳng mấy chốc chỉ còn chúng tôi ở lại.
- Bố… bố là một người lớn không tốt!
Một tay xách túi đựng nước, một tay xách túi đựng cơm hộp và bánh kẹo, bố đứng đấy, giạng hai chân trước mặt tôi và nói vậy. Không hiểu lời bố nên tôi ngước nhìn lên.
- Nhưng không phải vì lỗi của ai mà bố thành người xấu đâu. Cho… cho nên, dù con có trở thành một người lớn không tốt đi chăng nữa thì cũng là do con mà thôi. Không phải tại bố và mẹ. Đúng là như con nói, bố chẳng ra sao này nọ nhưng cho dù bố có tự tiện, có vô trách nhiệm hết thuốc chữa đi nữa thì không phải vì thế mà con thành người xấu. Bố… bố rất ghét cách… cách suy nghĩ đó.
Bố có vẻ bị kích động nên nói lắp.
- Rất ghét và thấy tệ lắm.
Tôi nhìn bố. Khi bố im lặng thì tôi nghe thấy tiếng ve râm ran đâu đó.
- Không phải bố muốn trốn tránh trách nhiệm, nhưng mai mốt, từ giờ về sau, mỗi khi có chuyện gì không như ý mình mà cứ đổ vấy cho ai đó hay đổ thừa tại gì đó thì mọi việc xung quanh Haru sẽ không theo ý Haru đâu.
Bố nói đến đó thì ngưng lại. Rồi lấy lon nước cam trong túi ra, dúi thật mạnh vào tay tôi. Chúng tôi đứng đối diện nhau giữa sân ga không bóng người, bố uống bia, tôi uống nước cam. Lon nước đã bớt lạnh trở nên ngọt lờ lợ. Ve kêu rồi ngưng, rồi lại kêu.
- Mấy ngày nay bố vui lắm. Đi chung với Haru bố vui lắm!
Bố nói, mép còn dính bọt bia. Tôi nghe mà cảm giác bố như một đứa bé vênh váo.
- Con cũng vui lắm.
Tôi nói nhỏ.
Khi bố uống xong lon bia, tôi uống xong lon nước cam thì xe điện lại trờ tới. Rất nhiều người xuống nhưng trên xe vẫn còn rất đông. Nhiều người giống những hành khách đi chuyến lúc nãy đến mức tôi cứ ngỡ chuyến xe điện trước quay vòng lại. Vẫn tiếng em bé khóc đâu đó, vẫn phảng phất mùi nước hoa, mùi thịt gà chiên bột. Mấy đứa trẻ con chọc ghẹo nhau trong lúc bố mẹ ngủ gà ngủ gật, cô gái tóc dài dựa vai anh thanh niên, há miệng ngủ, đứa bé ngậm cái ti giả gục mặt ngủ ngon lành trong lòng mẹ. Trong toa xe chật nêm người, bố nắm chặt tay tôi. Tôi cũng nắm lại.
Bất chợt tôi nghĩ, không phải mình bị giật lại những món thơm ngon mà là tôi đã thưởng thức chúng bằng cả trái tim, đã ăn đến căng bụng. Xe điện lắc trái nghiêng phải, tôi và bố đứng nắm chặt tay nhau giữa tiếng reo hò của bọn trẻ, tiếng cười the thé của những người phụ nữ.

Chương 14

Đến ga, chung quanh đã tối hẳn, bóng đèn trắng của nhà ga chiếu sáng vòng xuyến. Những người phụ nữ tay xách túi hàng như mới đi chợ về, tụi học sinh mang cặp tới lớp học thêm, người người qua lại dưới ánh đèn. Tôi rủ bố về đến tận nhà nhưng bố trả lời:
- Cho bố kiếu!
Tôi nói:
- Bố lại đến bắt cóc nhé!
- Ờ!
Bố đeo cái kính mát to đùng rồi cười.
- Vậy thôi!
Tôi đưa tay ngang mặt, từ từ vẫy chào bố.
- Hẹn gặp lại!
Bố vỗ nhẹ vai tôi.
Tôi tiến về vòng xuyến đông người qua lại. Tôi đã được giải phóng bởi tên bắt cóc. Tôi ngẩng cao đầu, dấn bước bằng những bước chân sải rộng, đánh tay thật mạnh, tay chân tôi rám nắng. Về đến nhà tôi sẽ đi tắm. Phải dành cả đống thời gian để kỳ cọ, tắm rửa cho thật sạch cái cơ thể dơ bẩn, hôi hám này. Sau đó vừa ăn kem vừa xem ti vi. Lâu lắm rồi mới được xem ti vi. Hoặc gọi điện cho dì Yuko cũng được. Chỉ kể cho mỗi dì Yuko nghe chuyện mấy ngày nay thôi. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ những việc sẽ làm sau khi về đến nhà, chân không ngừng bước.
Đến góc rẽ ở vòng xuyến, tôi quay lại nhìn. Tôi thấy bố vẫn đứng ở cửa soát vé, như bị đẩy ra bởi bao nhiêu người qua lại. Nhận ra tôi dừng lại, bố bỏ kính, vẫy tay.
Tôi cảm giác người bố đứng vẫy tay xa xa kia như một người lạ. Như ông bố mặc áo thun đang công kênh em bé trên vai, như người đàn ông tóc nâu đang khoác tay một phụ nữ, như người đeo kính mặc vét kia, thật sự chẳng khác gì một ai đó không quen biết. Thế nhưng, tôi cũng thấy người đàn ông mặc chiếc áo nhàu bẩn, da đen sạm vì nắng, đuôi mắt sụp xuống, lúc ẩn lúc hiện giữa đám đông qua lại kia đang tỏa sáng một cách kỳ lạ. Cứ như được bao bọc bởi một cái kén vàng. Không phải tại ánh sáng nhà ga, cũng không phải nhờ ánh đèn của mấy ki-ốt.
Rồi tôi bỗng nghĩ, chắc lần đầu gặp bố, mẹ cũng nhìn thấy bố tỏa hào quang như vậy chăng? Trong đám đông, chỉ một người, tỏa sáng, theo một cách đặc biệt.
Tôi thấy thích người đàn ông đang vẫy tay liên tục một cách khù khờ đó. Cho dù người ấy không khác gì một người xa lạ. Khi xác nhận trong lòng như vậy, tôi hít một hơi thật sâu rồi quay bước đi.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét