Hàm Cá Mập
Tác giả: Peter Benchley
Dịch giả: Nguyễn Việt Long
NXB Hội nhà văn – 1998
Chương 2
Viên cảnh sát Len Hendricks đang ngồi sau bàn viết trong đồn
cảnh sát Amity đọc cuốn truyện trinh thám “Nỡm ơi, em là của anh”. Vào đúng lúc
chuông điện thoại vang lên thì nữ nhân vật Whistling Dixie của cuốn tiểu thuyết
đang sắp bị một bọn đi mô tô hãm hiếp. Hendricks không thèm nhấc điện thoại lên
cho tới khi Dixie xỉa dao vào tên đầu tiên xông tới cô - con dao dùng để cắt
linoleum cô đã khéo léo giấu trên mái tóc.
Cuối cùng Hendricks cầm lấy ống nghe.
- Trạm cảnh sát Amity, cảnh sát viên Hendricks nghe đây, -
anh ta nói. - Tôi có thể giúp gì được đây?
- Tôi là Jack Foote, sống ở đường Old Mill. Tôi muốn báo là
có một người vừa mất tích. Hay ít ra theo tôi thì cô ấy đã mất tích.
- Đề nghị ông nhắc lại, - Hendricks đã phục vụ ở Việt Nam
trong binh chủng thông tin liên lạc nên thích cách nói kiểu điều lệ.
- Có một cô gái đến ở trọ nhà tôi, - Foote nói. - Cô ta đi tắm
biển quãng một giờ đêm. Nhưng đến giờ vẫn chưa về. Cái cậu cùng đi với cô ấy đã
tìm thấy quần áo của cô ấy ngoài bãi tắm.
Hendricks liền ghi vội vào cuốn sổ.
- Họ tên?
- Christine Watkins.
- Tuổi?
- Tôi không rõ. Đợi một chút nhé. Cứ cho là quãng hăm lăm. Cậu
bạn cô ta cũng đoán thế.
- Chiều cao và cân nặng?
- Đợi một phút nhé, - một khoảnh khắc im lặng tiếp theo. -
Chúng tôi ước khoảng năm bộ bảy insơ. Cân nặng quãng trăm hai trăm ba pao.
[1 insơ = 2,54cm; 1 bộ = 12 insơ = 30cm48]
[1 pound = 0,4536 kg]
- Màu tóc và mắt?
- Này, anh cần gì tất cả những cái đó? Nếu một người đàn bà
bị chết đuối, thì ắt hẳn đối với các anh là người duy nhất, ít ra là trong ngày
hôm nay chứ. Hay là ở đây người ta chết đuối hàng mớ?
- Ông Foote ạ, ai nói là cô ấy chết đuối? Biết đâu cô ấy đi
chơi.
- Cởi trần cởi truồng đi chơi lúc một giờ đêm? Anh đã nhận
được thông báo là có người phụ nữ trần truồng đi dạo ngoài bãi tắm rồi hay sao?
Hendricks sung sướng vì được dịp biểu thị sự điềm tĩnh.
- Không, ông Foote ạ, hiện giờ thì chưa. Nhưng hễ mùa hè bắt
đầu thì có trời mà biết được sẽ có chuyện gì. Tháng tám năm ngoái những người
theo trường phái tắm truồng đã tổ chức nhảy cởi truồng ở ngay trước câu lạc bộ
của họ. Màu tóc và mắt?
- Tóc cô ấy... hình như màu sáng. Đúng hơn là hơi hung hung.
Tôi không rõ mắt cô ấy màu gì. Tôi phải hỏi anh bạn của cô ấy đã nhé. Không,
anh ấy cũng không biết. Cứ coi là màu nâu sẫm.
- Thôi được rồi, ông Foote ạ. Chúng tôi sẽ xem xét việc này.
Hễ có gì sáng tỏ, chúng tôi sẽ liên lạc với ông.
Hendricks treo ống nghe vào chỗ rồi nhìn đồng hồ. Năm giờ mười.
Phải ít ra là một tiếng nữa thủ trưởng mới dậy, mà Hendricks thì không muốn sốt
sắng đánh thức thủ trưởng chỉ vì mỗi cái chuyện là có ai đó đêm khuya không về
nhà. Có nhiều khả năng là cô nàng đã gặp được một anh chàng nào đó ngoài bãi tắm
và bây giờ họ đang hú hí với nhau trong bụi cây đâu đó ở gần đấy. Còn nếu như
thân thể cô ta bị sóng đánh dềnh lên thì sao? Thủ trưởng Brody vốn ưa giải quyết
nhanh gọn trước khi một bà bảo mẫu nào đó họa may đi chơi với mấy đứa trẻ đụng
phải người chết đuối. Chứ không thì dư luận thị trấn sẽ phẫn nộ.
“Có cái nhìn tỉnh táo đối với sự vật, - nhiều lần thủ trưởng
đã nhắc anh, - đấy là điều cần thiết trước nhất đối với một cảnh sát viên”. Nếu
muốn làm việc trong ngành cảnh sát thì phải động não. Chính vì thế mà Hendricks
đã quyết định vào ngành cảnh sát sau khi từ Việt Nam về. Lương bổng cũng khá hậu:
thoạt đầu là chín nghìn đô, sau mười lăm năm phục vụ là mười lăm nghìn, cộng với
các khoản ưu đãi khác. Phục vụ trong ngành cảnh sát hứa hẹn một tương lai bảo đảm,
ngày làm việc định chuẩn, thỉnh thoảng lại có cái gì đó hấp dẫn - đâu phải lúc
nào cũng nện bọn du côn và tóm cổ áo lũ say rượu, mà còn phải biết gỡ một vụ án
cướp bóc, biết bắt kẻ hiếp dâm, tức là, biểu thị một cách thanh nhã hơn, công vụ
này tạo khả năng để có thể trở thành một con người được kính trọng trong xã hội.
Thêm nữa làm cảnh sát viên ở Amity cũng không nguy hiểm lắm, không như làm việc
trong ngành cảnh sát ở một thành phố lớn. Trường hợp bi thảm gần đây nhất với một
cảnh sát viên ở Amity trong khi đang thực hiện công vụ xảy ra năm 1957, khi người
này toan bắt một tay lái xe say rượu đang lao vun vút trên đường quốc lộ
Montauk. Chiếc ô tô đã húc vào viên cảnh sát làm anh ta bắn người vào bức tường
đá.
Hendricks cầm chắc rằng chỉ cần anh thoát khỏi những giờ trực
buồn tẻ này, kéo dài từ nửa đêm đến tám giờ sáng thì công vụ của anh sẽ thú vị
hơn nhiều. Hiện giờ nó đơn điệu hết sức. Anh thừa hiểu rằng tại sao người ta lại
chỉ định anh trực đêm như thế này. Brody muốn đưa các cộng sự trẻ tuổi của mình
nhập việc dần dần, cho họ có dịp phát huy những phẩm chất cần cho một cảnh sát
viên - cái nhìn tỉnh táo đối với sự vật, sự chín chắn, điềm tĩnh, tính lịch sự,
- vào thời điểm này của ngày đêm, khi họ không bị bận bịu công việc thái quá.
Trực từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều là căng thẳng nhất,
nó đòi hỏi kinh nghiệm và sự tế nhị. Ca này có sáu người trực. Một người điều
chỉnh giao thông ở ngã tư các phố Main và Water. Hai người đi tuần các phố bằng
xe cảnh sát. Người thứ tư trả lời các chuông điện thoại gọi đến đồn cảnh sát.
Người thứ năm lo công việc văn phòng. Còn thủ trưởng thì tiếp xúc với công
chúng: nào các bà đến phàn nàn là họ không thể ngủ được vì tiếng ồn thường
xuyên - hai quán bar của thị trấn là “Gấu Randy” và “Saxon’s” về đêm cũng không
đóng cửa, nào các chủ nhà bất bình về việc trên bãi tắm đầy những bọn ma cà
bông đủ loại vi phạm trật tự an ninh; nào các chủ nhà băng, những người môi giới
buôn bán và các luật gia đang nghỉ ở thị trấn - họ đến để nói về việc làm thế
nào giữ Amity ở dạng nguyên khởi và đồng thời bảo đảm cho nó tiếng tăm của một
nơi nghỉ mát mùa hè tuyệt vời.
Trực từ bốn giờ chiều đến nửa đêm thật là vô bổ, đấy là thời
gian mà lũ thanh niên vô công rồi nghề của một trong các “Hampton” [Trên đảo
Long Island (Đảo Dài) thuộc bang New York có một số thị trấn mà tên gọi có đuôi
là “hampton”: Southampton, East Hampton, Bridgehampton...] thường tụ tập ở quán
“Gấu Randy” và gây sự đánh nhau hoặc nhậu nhẹt thả cửa đến mức sau đó, khi đã
ngồi vào tay lái, trở thành một hiểm họa không nhỏ trên đường, đó là thời gian
mà (không thường xuyên nhưng cũng vẫn xảy ra) bọn cướp từ Queens [một quận của
New York] từng tụi hai ba đứa tấn công khách qua đường trong những hẻm phố tối
tăm và cướp bóc họ; cũng vào thời gian này, một tháng hai lần, sau khi đã thu
thập được kha khá chứng cớ, cảnh sát lại vây ráp một trong những ngôi nhà bên bờ
biển để tịch thu marijuana. Sáu người trực từ bốn giờ đến nửa đêm, sáu con người
lực lưỡng nhất của cảnh sát, tất cả đều ở quãng tuổi từ ba mươi đến năm mươi.
Từ nửa đêm đến tám giờ sáng theo lệ thường là yên ả. Nhất là
sau khi mùa nghỉ hè kết thúc. Sự kiện lớn nhất vào mùa đông năm ngoái là cơn
giông, vì nó mà hệ thống tín hiệu nối bốn mươi tám hộ giàu nhất Amity với đồn cảnh
sát bị hỏng. Thông thường vào dịp hè từ nửa đêm đến tám giờ sáng có ba cảnh sát
trực. Nhưng hiện giờ một trong số đó, anh chàng thanh niên Dick Angelo, đã nghỉ
phép hai tuần trước khi mùa nghỉ lên đến cao điểm. Còn người kia, Henry Kimble,
đã tại ngũ trong quân đội ba chục năm, giờ thích trực từ nửa đêm đến tám giờ
sáng, vì như thế thì anh ta có cơ ngủ đẫy giấc trước giờ làm một công việc khác
- ban ngày anh ta đi làm ở quán “Saxon’s”. Hendricks cố bắt liên lạc bằng vô
tuyến với Kimble, để tay này đi tuần dọc bãi tắm ven đường Old Mill nhưng, như
anh đã dự đoán, cố gắng của anh đã không đem lại kết quả. Kimble, như mọi khi,
đang ngủ say trong chiếc ôtô cảnh sát đậu ở phía sau hiệu thuốc. Bởi thế nên
Hendricks nhấc máy và quay số điện thoại nhà ở của thủ trưởng mình.
Brody đang ngủ, nhưng đấy là trạng thái thính nhạy nửa ngủ nửa
thức, lúc mà các hình ảnh thay đổi kế tiếp nhau và sắp sửa đến lúc tỉnh giấc.
Khi hồi chuông điện thoại đầu tiên vang lên thì Brody đang mơ thấy mình hồi còn
đi học và đang xô lấn một cô bé nào đó trên ô cầu thang. Hồi chuông thứ hai cắt
đứt cơn mơ. Brody nhào dậy và nhấc ống nghe lên.
- Thưa thủ trưởng, Hendricks đây ạ. Tôi rất không muốn quấy
nhiễu thủ trưởng sớm thế này, nhưng...
- Mấy giờ rồi?
- Năm giờ hai mươi ạ.
- Leonard, chắc là cậu không đánh thức mình vì một chuyện vớ
vẩn chứ?
- Có lẽ chúng ta sẽ phải giải quyết vụ một cô trôi nổi, thủ
trưởng ạ.
- Trôi nổi? Trời ạ, thế là cái đếch gì vậy?
Từ “trôi nổi” Hendricks lôi từ cuốn tiểu thuyết trinh thám của
mình ra.
- Một cô chết đuối, - anh ta lúng túng giải thích kể cho
Brody nghe chuyện cú điện thoại của Foote. - Tôi nghĩ có thể anh muốn kiểm tra
việc này trước khi người ta kéo nhau ra bãi tắm. Có vẻ như hôm nay đẹp trời lắm
đấy.
Brody cố tình thở dài nặng nề.
- Kimble đâu? - anh hỏi và lại mau chóng nói tiếp: - Vả lại,
có họa ngốc mới hỏi câu ấy. Sẽ có lúc đến phải lắp vào cái đài trong chiếc ôtô
của anh ta một thiết bị khiến anh ta không thể tắt đài đi được ấy.
Hendricks đợi một lát rồi tiếp tục nói:
- Thưa thủ trưởng, như tôi đã nói, tôi rất không muốn làm
phiền thủ trưởng...
- Ừ tôi biết rồi, Leonard ạ. Cậu gọi điện thoại thế là đúng.
Một khi tôi đã tỉnh giấc rồi thì tôi cũng có thể dậy được. Tôi sẽ cạo râu, tắm
một cái, uống cà phê rồi trên đường đến đồn, tôi sẽ ghé vào bãi tắm ở đường Old
Mill và đường Scotch xem cái cô “trôi nổi” của cậu có tình cờ ló mặt ra không.
Sau đó, khi nào bắt đầu phiên trực ban ngày, tôi sẽ lại nhà nói chuyện với
Foote và anh bạn của cô gái. Thế nhé.
Brody đặt ống nghe xuống và vươn vai. Anh nhìn vợ đang nằm cạnh
mình trên chiếc giường đôi. Chuông điện thoại đã làm chị thức giấc, nhưng khi
biết là không có chuyện gì đặc biệt thì chị đã lại đắm mình vào giấc ngủ.
Ellen Brody ba mươi sáu tuổi, chị trẻ hơn chồng năm tuổi,
nhưng nguyên chuyện nom chị chỉ suýt soát ba mươi đã gây cho Brody đồng thời cảm
giác hãnh diện lẫn bừng bực: hãnh diện bởi vì sắc đẹp và sự trẻ trung của vợ chứng
tỏ anh là một người đàn ông có thẩm mỹ và chưa mất đi sự hấp dẫn; bừng bực bởi
vì chị biết giữ sắc đẹp và sự trẻ trung, tuy đã có ba mặt con trai rồi, còn
Brody thì đang lo lắng về huyết áp và cái bụng bắt đầu phình ra của mình, tuy
thực ra anh chưa thể gọi là béo được, cân nặng mới chỉ hai trăm pao với chiều
cao sáu bộ một insơ. Thỉnh thoảng vào dịp hè Brody có bắt gặp mình đang thèm
thuồng nhìn những cô gái tươi trẻ, chân dài, tung tăng trong thị trấn với vẻ
hãnh diện, bộ ngực không có gì nịt đỡ rung rung dưới lần vải mỏng. Nhưng chưa
bao giờ anh được khoan khoái nhẹ nhõm khi nhìn các cô gái ấy, bởi lẽ còn bị dằn
vặt vì nỗi thấp thỏm là không biết Ellen có bị sự khích động ấy choán lấy không
trước cảnh những chàng thanh niên cân đối, da rám nắng, đi bên cạnh những cô
gái chân dài kia nom rất nổi. Chỉ cần nghĩ tới đó là anh thấy cụt hứng ngay, bất
giác anh lại cảm nhận được một cách sâu sắc rằng anh đã ngoại bốn mươi, và phần
lớn cuộc đời đã trôi qua rồi.
Mùa hè là mùa nặng nề đối với Ellen Brody, cứ hễ đến là những
ý nghĩ mà chị vẫn thường xuyên xua đuổi lại ùa đến chi phối chị với một sức mạnh
mới, - những ý nghĩ về những cơ hội đã tiêu tan và về một cuộc sống mà đáng lẽ
chị phải có. Ở đây chị đã gặp những người đã cùng khôn lớn với chị: những bạn học
cùng lớp, - giờ họ đã lấy những ông chủ ngân hàng và những người môi giới chứng
khoán, mùa hè họ ở Amity, mùa đông thì ở New York, - những phụ nữ đẹp, tự tin,
chơi tennis thanh thoát và thoải mái, những người vẫn đùa cợt với nhau (điều
này thì Ellen không còn bán tín bán nghi chút nào) về chị: “Ellen Shepherd đã
buộc phải lấy chính cái tay cảnh sát đã ban cho nó một đứa con ở ngay ghế sau của
chiếc xe Ford đời 1948 ấy”.
Nhưng sự việc hoàn toàn không phải như vậy. Ellen vừa bước
vào tuổi hăm hai khi cô làm quen với Brody. Cô còn phải học nốt một năm nữa ở
Wellesley, cô đến Amity nghỉ hè với cha mẹ. Sau khi hãng quảng cáo nơi bố cô làm
việc đã chuyển ông từ Los Angeles lên New York, thì gia đình cô vẫn tới đây
trong suốt mười năm. Khác với các cô bạn của mình, Ellen Shepherd không vội lấy
chồng, tuy cũng không loại trừ khả năng là sau khi tốt nghiệp đại học một hai
năm, cô sẽ tìm cho mình một tấm chồng từ cùng một môi trường, một vị trí xã hội
và vật chất như cô. Nghĩ đến chuyện đó, cô chẳng cảm thấy hân hoan hay buồn bã
gì cả. Cũng như mẹ cô, cô thỏa mãn với sự phong lưu tàm tạm mà bố cô, người chủ
gia đình đã bảo đảm cho mẹ con cô. Nhưng cô chẳng hề ước muốn sống một cuộc đời
giống hệt như của cha mẹ cô. Nhiều vấn đề sinh hoạt bình thường mà cô đã có dịp
chạm phải, đã gieo vào trong cô một nỗi buồn man mác. Bản tính Ellen là thẳng
thắn và cởi mở, cô vẫn tự hào rằng năm 1953, hồi còn học phổ thông tại Miss
Porter’s School, cô đã được biểu dương là học trò trung thực nhất và điều đó đã
được ghi vào sổ lớp.
Họ gặp nhau lần đầu tiên vào lúc Brody đang thực thi công vụ.
Anh đã giữ cô lại, nói đúng hơn là giữ chàng hiệp sĩ của cô lại, người đang chở
cô về nhà. Lúc ấy đã khuya rồi. Anh bạn cô, sau khi đã nốc nhiều rượu, phóng xe
với tốc độ lớn trên các phố rất hẹp. Anh cảnh sát đã ra cản đường xe. Sự trẻ
trung, vẻ ngoài dễ chịu và sự lịch thiệp đã gây được ấn tượng với Ellen. Sau
khi nói rằng họ đã vi phạm luật giao thông, anh cảnh sát đã giữ chìa khóa xe của
họ lại rồi đưa cả hai người ai về nhà nấy.
Hôm sau Ellen đi mua sắm trong thị trấn và hoàn toàn tình cờ
lại tới ngay cạnh ngôi nhà đóng đồn cảnh sát. Tinh nghịch, cô bước vào tòa nhà
hỏi xem ai trong số cảnh sát viên đã trực quãng gần nửa đêm hôm qua. Thế rồi
khi về nhà, cô đã viết một mẩu thư cho Brody cám ơn anh, đồng thời cô cũng viết
cho đồn trưởng cảnh sát khen ngợi chàng thanh niên Martin Brody. Brody đã gọi
điện cho cô bày tỏ lòng biết ơn.
Khi anh mời cô đi ăn tối và đi xem phim, cô nhận lời mời phần
nhiều vì hiếu kỳ. Trước kia, hãn hữu lắm cô mới có dịp trò chuyện với một cảnh
sát, còn chuyện hẹn hò với một cảnh sát thì quả là chưa hề có bao giờ. Brody cảm
thấy không được tự nhiên, nhưng Ellen có vẻ biểu lộ sự hứng thú chân thành đối
với anh và công việc của anh đến mức làm anh trở nên tự tin hơn, rõ ràng anh đã
thấy thích cô. Vả lại, Ellen cũng thấy anh đáng yêu: cường tráng, khiêm nhường,
tốt bụng, chân thành. Anh làm cảnh sát đã sáu năm. Brody bộc bạch rằng mơ ước của
anh là trở thành cảnh sát trưởng Amity, có các con trai để mùa thu anh dẫn
chúng đi săn vịt, rồi dành dụm được đủ tiền để hai ba năm một lần có thể đi nghỉ
ở đâu đó.
Họ lấy nhau vào tháng mười một năm ấy. Bố mẹ Ellen một mực bảo
cô hãy học xong đại học đi đã, Brody cũng sẵn sàng chờ đến mùa hè sang năm.
Nhưng Ellen quyết không chịu hiểu rằng thêm một năm học nữa thì có ý nghĩa gì
trong đường đời mà cô đã chọn cho mình.
Vào những năm đầu chung sống đôi khi lại nảy ra những tình
thế khó xử. Chả là bạn bè Ellen vẫn mời họ đến ăn cơm hoặc đi picnic bên bờ biển
và họ thường nhận lời, nhưng Brody cảm thấy khó chịu, lạc lõng khi nhận thấy
thái độ kẻ cả đối với mình. Còn khi hai vợ chồng gặp gỡ với bạn bè của Brody
thì những người này tỏ ra giữ kẽ, như thể sợ lỡ có điều gì đó không phải. Dần
dà sự lúng túng cũng mất đi, quan hệ thân tình được củng cố. Nhưng hai vợ chồng
không bao giờ xuất hiện trong đám bạn bè cũ của Ellen nữa. Và tuy chị đã gột bỏ
được nhãn hiệu “dân đi nghỉ” và chiếm được cảm tình của dân gốc Amity, chị cũng
khó mà từ bỏ được hết những gì chị đã quen trước khi lấy chồng. Đôi lúc Ellen
có cảm tưởng như là chị đã chuyển sang ở một đất nước khác.
Ấy thế nhưng mãi đến gần đây sự đoạn tuyệt với quá khứ bắt đầu
gây băn khoăn cho chị. Chị hết sức hạnh phúc và quá bận việc giáo dục con cái để
có thể cho phép mình nghĩ nhiều đến các cơ hội mà chị đã bỏ qua. Nhưng khi cậu
con trai út bắt đầu đi học, thì bỗng nhiên chị cảm thấy quanh mình một nỗi trống
rỗng và bắt đầu hay để tâm tư hồi tưởng lại xem thì giờ trong ngày của mẹ chị
đã được lấp đầy như thế nào khi con cái đã bắt đầu rời bà: đi cửa hàng (việc
này đem lại sự khoan khoái vì tiền có đủ để mua mọi thứ chỉ trừ những vật đắt
nhất), ăn uống với bạn bè, chơi tennis, tổ chức các buổi cocktail, picnic vào
cuối tuần. Và những gì trước kia đã gieo nỗi buồn man mác vào lòng chị, những
gì có vẻ nhỏ mọn và nhàm chán, trong tâm tưởng của chị bây giờ lại hiện ra như
cuộc sống thiên đường.
Ellen toan nối lại các mối liên hệ với những người bạn mười
năm nay chị không gặp, nhưng chẳng còn đâu những nỗi niềm quan tâm hứng thú
chung nữa. Ellen say sưa kể về xã hội ở đây, những sự kiện các loại ở thị trấn,
về công việc hộ lý của mình ở bệnh viện Southampton - về tất cả những gì mà đám
bạn bè cũ của chị, có nhiều người mùa hè nào trong hơn ba chục năm cũng đến
Amity, ít biết, vả lại cũng không muốn biết. Còn họ thì nói về những sự kiện của
đời sống New York, về các bảo tàng tranh, về các họa sĩ và các nhà văn mà họ đã
quen biết. Sau đó họ nhớ lại một chuyện gì đó từ thuở hoa niên, nhớ đến những bạn
bè cũ - giờ đang ở đâu nhỉ? Đa số các câu chuyện chấm dứt ở đó. Lần nào khi
chia tay, ai nấy đều thề thốt, hứa hẹn sẽ gọi điện cho nhau và sẽ lại tập họp
cùng nhau.
Thỉnh thoảng Ellen đã thử bắt quen với những người bạn mới
trong khách sạn vãng lai, nhưng những cuộc làm quen này gượng gạo và không bền.
Lẽ ra những cuộc làm quen ấy có thể tiến triển thành tình bạn, nếu như Ellen ít
ngại ngùng về ngôi nhà của mình, về công việc của chồng với đồng lương ít ỏi.
Bao giờ chị cũng cho tất cả những người quen mới của mình hay rằng hồi trước
khi lấy chồng chị đã có một vị trí khác trong xã hội. Chị hiểu rằng đúng ra chị
không nên làm như vậy, và tự ghét mình về việc đó, vì chị da diết yêu chồng,
thương quý con cái và đa số thời gian trong năm chị thấy hoàn toàn hài lòng với
số phận của mình.
Bây giờ chị không còn xông xáo vào đám những người đi nghỉ,
không cố trở về với cái tôi ngày xưa nữa, nhưng sự bực dọc và nỗi buồn bã vẫn
không tan hết. Chị cảm thấy mình bất hạnh và quy tình trạng không toại nguyện của
mình chủ yếu cho chồng, người hiểu tâm trạng của chị và đã kiên nhẫn chịu đựng
tất cả những sự làm mình làm mẩy của chị. Hàng năm chị những muốn quên đi cả
mùa hè bằng một giấc ngủ say.
Quãng sáu rưỡi, Brody ngoặt sang đường Old Mill. Mặt trời đã
lên khá cao. Nó đã đánh mất ráng hồng trước lúc bình minh và đã chuyển thành
màu da cam. Trên trời không một gợn mây. Chủ các ngôi nhà bên bờ đại dương
không có quyền cản trở lối đi giữa các ngôi nhà. Lối ra biển phải được thông tự
do. Nhưng trong đa số các trường hợp những lối đi này bị chiếm giữ hoặc bị chắn
bởi các bụi cây râm làm hàng rào. Từ đường cái không trông thấy bãi tắm. Brody
chỉ có thể trông rõ đỉnh các đụn cát thành thử cứ cách trăm yard anh lại phải dừng
xe và chui ra xem xét bãi tắm.
Chẳng chỗ nào anh trông thấy người chết đuối cả. Trên cả khoảng
trắng mênh mông có vài mẩu cành cây cong queo, một hai lon đồ hộp và một dải
dài, chiều rộng hơn một yard, toàn cỏ lá, rong rêu biển mà ngọn gió nam đưa
trôi vào bờ.
Đại dương yên tĩnh, nếu có thi thể nào nổi trên mặt thì ắt
anh phải thấy. “Còn nếu như nó nằm dưới nước, - Brody nghĩ, - thì chỉ còn cách
đợi đến khi nó dạt vào bờ”.
Đến bảy giờ thì Brody đã xem xét toàn bộ bãi tắm dọc đường
Old Mill và đường Scotch, nhưng chẳng thấy có gì khác thường, anh chỉ chú ý đến
chiếc đĩa giấy trên có đặt ba cái cốc, miệng hình răng cưa, cắt từ vỏ cam ra, -
dấu hiệu chắc chắn của việc vào mùa hè này đám dân đặc biệt thanh lịch đã đổ đến
Amity. Brody đi ngược trở lại đường Scotch, sau đó quặt vào thị trấn theo con
đường Bayberry và tới đồn cảnh sát lúc đã quá bảy giờ. Khi Brody bước vào,
Hendricks đang viết những dòng nhận xét cuối cùng để giao ban. Dường như anh ta
ngán ngẩm vì Brody không lôi về được một cái xác nào.
- Không may nhỉ, thủ trưởng? - anh ta hỏi.
- Điều đó còn phụ thuộc vào việc cái gì cậu cho là may, còn
cái gì là không may, Leonard ạ. Tôi chưa tìm thấy xác. Kimble đã ló mặt đến
chưa?
- Chưa ạ.
- Thôi được. Hy vọng là cậu ta đã tỉnh ngủ rồi. Tôi đang mường
tượng ra cái cảnh: thiên hạ người ta đã đi cửa hàng rồi, mà thằng cha cảnh sát
vẫn còn khò khò trong xe.
- Anh ta sẽ vác mặt đến đây vào lúc tám giờ, - Hendricks
nói. - Anh ta bao giờ cũng lái xe đến vào giờ ấy.
Brody rót cho mình một tách cà phê, vào phòng làm việc của
anh và bắt đầu xem các báo buổi sáng - số sớm tinh mơ của “New York Daily News”
(Tin hàng ngày New York) và tờ báo địa phương của Amity “Leader” (Thủ lĩnh),
mùa đông ra hàng tuần và mùa hè thì ra hàng ngày.
Kimble đến lúc tám giờ kém năm. Bộ dạng anh ta như thể anh
ta đã để nguyên quân phục mà ngủ. Kimble ngồi xuống cạnh Hendricks và uống cà
phê đợi cho hết ca trực. Hendricks được thay ca vào tám giờ, anh khoác chiếc áo
da vào người toan ra về thì Brody từ phòng làm việc của mình bước ra.
- Mình đánh xe đến chỗ Foote đây, Leonard, - Brody nói. - Cậu
có hứng nhập bọn với mình không? Cũng chả nhất thiết, nhưng mình nghĩ có lẽ cậu
cũng muốn giải quyết đến ngọn ngành cái vụ với... cái cô “trôi nổi” ấy? - Brody
mỉm cười.
- Tất nhiên là sẵn lòng rồi, - Hendricks nói. - Hôm nay tôi
chả có việc gì nữa, mà ngủ cho đẫy giấc thì để đến trưa cũng được.
Họ lên xe của Brody. Khi xe đã dừng lại trước nhà Foote,
Hendricks bảo:
- Xin cuộc với thủ trưởng là họ còn đang ngủ. Tôi còn nhớ
chuyện hè năm ngoái có một phụ nữ gọi điện vào lúc một giờ đêm, yêu cầu sáng
tôi đến, đến sơm sớm vào, vì chị ta áy náy dường như là một phần đồ trang sức
quý giá đã biến đâu mất. Tôi bảo với chị ta là có thể đi ngay lập tức được,
nhưng chị ta không đồng ý, nói là còn ngủ. Tóm lại đúng mười giờ sáng tôi có mặt
ở nhà chị ta thì chị ta ấn tôi ra khỏi cửa. Chị ta kêu: “Tôi có bảo anh đến vào
cái giờ sớm bảnh mắt này đâu”.
- Để rồi xem, - Brody trả lời. - Nếu quả thực họ đang lo lắng
cho tính mạng của tiểu thư kia thì chưa chắc họ đã ngủ.
Cánh cửa mở ra ngay.
- Chúng tôi vẫn đợi tin của các ông, - một người đàn ông trẻ
tuổi nói. - Tôi là Tom Cassidy. Các ông đã tìm thấy cô ấy rồi chứ?
- Tôi là Brody, trưởng đồn cảnh sát. Còn đây là cảnh sát
viên Hendricks. Ông Cassidy ạ, chúng tôi chưa tìm ra cô ấy. Có thể vào được chứ?
- Ờ được được. Xin lỗi các ông. Các ông vào phòng khách đi.
Để tôi gọi vợ chồng Foote nhé.
Sau quãng chừng năm phút thì Brody đã biết hết tất cả những
gì theo ý anh là cần thiết. Tiếp đó anh đề nghị cho xem mớ quần áo của người phụ
nữ đã mất tích - không phải vì hy vọng khám phá thêm được điều gì mới, mà chẳng
qua chỉ muốn biểu thị cho họ biết, những người cảnh sát thực thi trách nhiệm của
mình một cách tận tâm như thế nào. Anh được dẫn vào phòng ngủ và anh xem xét đống
quần áo để trên giường.
- Cô ấy không mang theo áo tắm à?
- Không, - Cassidy đáp. - Nó còn nằm ở ngăn kéo trên kia
kìa. Tôi đã xem rồi.
Brody im lặng trong giây lát để lựa lời, sau đó nói:
- Ông Cassidy ạ, tôi không muốn tỏ ra bất lịch sự, nhưng cô
Watkins này không có chút tính khí kỳ quặc nào chứ? Chẳng hạn, có thói quen ra
khỏi nhà giữa đêm khuya... hoặc đi chơi mà cởi truồng?
- Không, theo chỗ tôi được biết, - Cassidy nói. - Nhưng tôi
cũng không biết rõ cô ấy lắm.
- Rõ rồi, - Brody nói. - Đã vậy thì tôi cho rằng chúng ta
nên vòng ra bãi tắm lần nữa. Ông cũng chả nhất thiết phải đi. Tôi với Hendricks
là được rồi.
- Nếu các ông không phản đối thì tôi sẽ đi với các ông.
- Tôi không phản đối đâu. Tôi lại cứ nghĩ có lẽ ông không
thích đi.
Ba người đi ra bãi tắm. Cassidy chỉ cho hai cảnh sát chỗ anh
đã ngủ thiếp đi - trên cát còn in hình thân anh - và chỗ để quần áo của người
phụ nữ. Brody đưa mắt nhìn bãi tắm một lượt. Quãng hơn một dặm, cả phía bên này
lẫn phía bên kia, bãi tắm vắng tanh, chỉ có những mớ rong biển tụ thành những đốm
đen trên nền cát trắng.
- Ta đi dọc đây một chút, - anh đề nghị. - Leonard, cậu đi
sang phía đông, đấy, đến chỗ doi đất kia kìa. Ông Cassidy, tôi với ông sẽ đi về
phía tây. Cậu có cầm theo cái còi đấy chứ, Leonard? Để phòng sẵn.
- Vâng, - Hendricks đáp. - Tôi cởi giày ra được không? Đi
như thế trên cát ẩm dễ hơn, mà giày cũng khỏi bị ướt.
- Đối với cá nhân mình thì thế nào chả được, - Brody lên tiếng,
- ca trực của cậu đã hết rồi. Cậu có thể cởi cả quần áo ra, nếu cậu muốn. Nhưng
lúc ấy mình sẽ bắt phạt cậu vì hành vi không đứng đắn.
Hendricks bước về hướng đông. Cát ẩm mềm cứ lành lạnh dưới
chân. Hendricks vừa đi vừa cúi đầu và cho tay vào túi, mắt nhìn những vỏ ốc và
những búi rong rêu. Những loại côn trùng nào đó, giống như những chú nhện đen
be bé, bay dưới chân anh, còn khi sóng dềnh lên thì anh trông thấy từ các lỗ
con con do giun dế đào dưới cát, lại sủi lên những bọt tăm không khí. Anh khoan
khoái với cuộc đi dạo này. Kể cũng lạ, anh nghĩ, là mình sống ở đây cả đời rồi
mà hầu như không làm cái việc mà vì nó khách du lịch đã đến đây, tỉ dụ như
không lững thững đi dạo bãi tắm, không thả mình xuống tắm ở đại dương. Anh
không còn nhớ đã tắm biển lần cuối cùng vào dạo nào. Thậm chí không rõ là có
còn quần bơi nữa không hay đã đánh mất rồi. Cũng giống như anh nghe kể về dân
New York - đâu như một nửa trong số họ chưa bao giờ leo lên mái nhà chọc trời
Empire State Building, hay chưa lần nào đến bên tượng Nữ thần Tự do.
Chốc chốc Hendricks lại ngẩng đầu lên xem còn cách xa doi
cát không. Đã mấy lần anh quay lại, - nhỡ đâu Brody và Cassidy đã tìm ra cái gì
đó. Họ đang ở cách anh quãng nửa dặm. Đi thêm được một đoạn nữa, Hendricks
trông thấy ở phía trước một đống cỏ rả rong rêu có vẻ quá to. Khi còn cách ba
chục yard, anh nghĩ: chỗ rong rêu kia chắc là phải quấn vào cái gì đó. Tới đống
rong rêu ấy rồi, Hendricks cúi người xuống để gỡ tí rong rêu ra, thì bất thình
lình sững người lại. Anh nhìn không rời mắt trong mấy giây, toàn thân cứng đờ
vì khủng khiếp. Sau đó lục trong túi quần ra cái còi, anh đặt lên môi toan thổi
mà không tài nào thổi được. Hendricks muốn lộn mửa. Anh lảo đảo rồi khuỵu đầu gối
xuống.
Trên cát, quấn trong mớ rong rêu là một cái đầu đàn bà. Còn
nguyên cả hai vai, một phần tay và khoảng một phần ba khúc thân. Khắp da lốm đốm
những vết thâm, các bắp thịt lầy nhầy từng nhúm. Trong khi ruột gan Hendricks
đang lộn tùng phèo, anh nghĩ bụng - và điều này lại gây nên cơn buồn nôn mới, -
rằng phần ngực còn lại của người đàn bà phẳng chẳng khác nào bông hoa ép trong
sách.
- Hượm đã, - Brody vừa nói vừa với tới tay Cassidy. - Tôi
nghe như có tiếng còi ấy.
Nheo mắt lại vì ánh nắng buổi sáng, anh dõi nhìn cái đốm sẫm
trên cát, đó rõ ràng là Hendricks, và anh lại nghe tiếng còi, giờ đã rõ hơn.
- Ta chạy nhé, - anh nói.
Hendricks vẫn còn đang quỳ khom khom khi hai người chạy tới.
Anh không còn buồn nôn nữa, nhưng đầu cứ ngật ngưỡng trên vai, miệng thì ho ra,
anh thở to, đứt quãng. Brody chạy vượt lên trước Cassidy mấy bước.
- Ông Cassidy, hãy đợi một chút nhé, được không? - Brody lên
tiếng, sau khi đã vén lớp rong rêu đi. Trông thấy đó là cái gì rồi, anh bắt đầu
có cảm giác như cổ họng tắc ứ lại. Brody nuốt nước bọt và nhắm mắt lại. Một
phút sau anh mới nói: - Giờ thì ông có thể xem được rồi, ông Cassidy ạ. Hãy nói
xem có phải cô ấy không nào?
Cassidy đứng im không nhúc nhích. Anh ta lúc thì nhìn
Hendricks đang kiệt sức trong tư thế quỳ, lúc thì nhìn đám rong rêu.
- Đây à? - Anh ta vừa nói vừa chỉ cái đống bầy nhầy rồi bất
giác lùi lại. - Ông muốn nói là...
Brody vẫn ra sức nén cảm giác buồn nôn. Anh đáp:
- Tôi nghĩ rằng đây là tất cả những gì còn lại của cô ấy.
Cassidy miễn cưỡng tiến lại gần. Brody vạch lớp rong rêu để
anh ta có thể nhìn rõ khuôn mặt màu xám với cái miệng há hốc.
- Trời ơi! - Cassidy thốt lên rồi lấy tay áp chặt vào miệng.
- Có phải cô ấy không?
Cassidy gật đầu, mắt vẫn không rời bộ mặt người chết. Sau đó
anh ta quay đi và hỏi:
- Chuyện gì đã xảy ra với cô ấy nhỉ?
- Tôi cũng không biết đích xác, - Brody đáp. - Theo tôi thì
cô ấy bị cá mập tấn công.
Đầu gối Cassidy xiêu xiêu, và sau khi đã bệt người xuống
cát, anh ta lẩm bẩm:
- Hình như tôi sắp nôn thì phải. - Anh ta rũ đầu xuống và
nôn.
Brody ngửi thấy mùi nôn mửa, đã hiểu rằng có cưỡng lại cũng
vô ích.
- Tôi cũng nhập hội với các anh đây, - anh vừa nói xong là
nôn thốc ra.
-----------
Còn tiếp.
-----------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét