Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Quà của Chúa - Ch 5

Quà của Chúa  

Tác giả: Dorota Terakowska
Dịch giả: Lê Bá Thự
Nhà xuất bản Phụ nữ - tháng 4-2009


Chương 5

Ngày Thứ Ba - Đất

Adam ghen với Ewa. Anh ghen với những cảm xúc đa chiều và sâu xa của vợ, những cảm xúc lộ trên gương mặt khi Ewa nhìn Myszka. Thậm chí cả khi Ewa bực mình, lo buồn hay cáu gắt. Anh ý thức được rằng, cái sự pha tạp cảm xúc này lúc thì nâng Ewa lên, lúc thì vùi dập Ewa xuống đất, song vẫn quyết giữ cho sống. Còn Adam nhìn thấy trong Myszka sự đổ vỡ tất cả mọi toan tính, mọi tham vọng, mọi ước mơ, anh cảm thấy trống rỗng và tiếc nuối.
Anh cũng chẳng biết mình tiếc cái gì. Anh thường hay tiếc là đã không thuyết phục nổi Ewa nghe theo quyết định của mình, và anh vẫn thường nghĩ về những ngày, khi bằng phản xạ tự vệ đầu tiên, mà theo anh là một phản xạ lành mạnh, anh đã chuẩn bị và đã ký vào một văn bản, nhờ đó hai vợ chồng sẽ không bao giờ phải nhìn thấy đứa con này nữa. Chỉ có điều họ phải cùng nhau nhất trí trong quyết định này thì mới được.
Rất ít khi Adam cảm thấy hối tiếc là mình không chung lưng đấu cật với Ewa. Những lúc như vậy anh mường tượng anh, một người chỉ biết có thành đạt và quen với thành công, dắt tay một sinh linh bất lực, dị thường đi trên phố, thì đó là công khai thú nhận mình thất bại chứ còn gì. Anh nghĩ, có lẽ anh không chịu đựng nổi những cái nhìn đầy thương hại hoặc tò mò của thiên hạ. Có lẽ anh không biết giải thích rằng, trung bình 600-800 trẻ sơ sinh chào đời thì có một bị bệnh Down, còn đứa con của họ, giả dụ, là trường hợp thứ sáu trăm bốn mươi bảy. Lại nữa, trẻ em khuyết tật là một bằng chứng đầy nghịch lý chứng minh trình độ tri thức của bố mẹ. Các con số thống kê đã chứng minh rằng, trẻ em bị Down thường rơi vào gia đình những người có trình độ học vấn cao, những người biết tính toán việc sinh con vào thời điểm thích hợp, sau khi đã tính hết các tình huống, ngoại trừ một trường hợp bình thường nhất. Như trường hợp của họ.
Bởi vì trong ý nghĩ của Adam có pha trộn nỗi đau xót đối với Ewa, với chính mình và với Myszka, về việc ra đời của đứa con. Nỗi đau xót đối với Myszka luôn luôn nhân lên gấp bội khi Adam nhìn thấy bé, bệnh Down rất dễ đập vào mắt, đó không phải là một căn bệnh sạch sẽ và dễ nhìn, có khi còn được văn học nâng lên như là bệnh lao phổi hoặc bệnh máu trắng. Adam thà thích một đứa trẻ bị khiếm thị hoặc khiếm thính, nhưng không phải là đứa trẻ bị Down.
Chính vào lúc Adam bị ám ảnh không thể chịu đựng, mỗi khi nhìn thấy con gái, tội lỗi về chuyện sinh ra con anh đổ hết lên đầu Ewa. Adam biết, những đứa trẻ bị bệnh Down khi đã thành một người lớn, thường bị mất trí nhớ (nếu chúng sống được đến tuổi người lớn), và anh cho rằng bệnh mất trí nhớ có trong gia đình nhà Ewa có thể là nguyên do dẫn đến việc sinh ra Myszka. Rõ ràng một số gene liên quan đến bệnh này và bệnh kia tồn tại trong chuỗi DNA gia đình của Ewa. Adam cười mỉa mai khi đã không tính chuyện đi tìm chuỗi DNA và các gene trong cô gái mà anh đã yêu, thay vì chỉ để ý đến tóc, mắt môi và dáng hình cô ta. Còn lúc này đây các gene của vợ quan trọng hơn là sắc đẹp của cô ta. Những gene mà giới khoa học đã giải mã được.
Thời đại gene! Gene người không còn là bí mật, các báo đưa tin với những tít lớn, còn lúc này Adam đang sống chung một nhà với một sinh linh vừa khó hiểu, vừa kinh tởm, là con gái của mình.
Thế rồi sau đó, bỗng dưng những ngày anh đau khổ vì cái sự nhỏ nhen của mình ùn ùn kéo đến và anh muốn vứt bỏ tất cả, để đổi lấy sự trong sáng của xúc cảm mà Ewa có. Anh nhìn thấy tận mắt vợ mình mệt mỏi, bất lực hoặc cáu gắt với Myszka, (Adam quan sát hai mẹ con nhiều hơn là hai mẹ con tưởng), anh nghe vợ nguyền rủa như thế nào hoặc vừa khóc vừa nhắc lại câu: “Mẹ ngấy lắm rồi... mẹ ngấy đến tận cổ rồi!”, đồng thời anh cảm nhận chọn Myszka là Ewa đã chọn một loại khổ đau khá hơn loại đau khổ của anh.
Anh đợi sự trừng phạt, nhưng sự trừng phạt không đến. Trong hoạt động kinh doanh anh thành công hơn bất kỳ khi nào. Anh chạm vào cái gì là y như rằng cái đó biến ngay thành vàng, cứ như ở cung vua Midas vậy. Mọi quyết định có liên quan tới đầu tư vốn của công ty, các khoản mua bán, hợp nhất, chuyển dịch vốn hoặc thay đổi nhân sự của công ty đều rất thành công. Càng thành công trong kinh doanh anh càng đau khổ. Anh đã không làm nổi cái việc chung lưng đấu cật với hai mẹ con Ewa và Myszka, và anh không thể chịu đựng lâu dài được nữa cái hố ngăn cách mà anh đã tự đào ra giữa anh và hai mẹ con. Anh muốn tìm một lý do phải đạo để rời bỏ họ.
Càng dao động anh càng căm ghét số phận hoặc quy luật? Cái đã khiến họ sinh ra một đứa con tật nguyền, nhất là chuyện này xảy ra khi khoa học đã tiến thêm một bước trong khả năng điều khiển các gene. Cùng với việc căm thù số phận, càng ngày anh càng thấy chán, thậm chí căm ghét Myszka. Giá nó không sinh ra trên đời, giá không có nó, thì cuộc sống chắc đơn giản bội phần!
“Phải chẳng cuộc sống không thể đơn giản?”. Thỉnh thoảng một giọng nói nào đó thầm thì bên tai anh, thế nhưng Adam bịt hai tai trước điều phân vân này.
Đôi lúc Adam lặng lẽ ra khỏi phòng làm việc, nơi đã trở thành pháo đài của anh trong nhà mình, anh lại đứng nấp ở góc tiền sảnh theo dõi Ewa cùng Myszka, trong bóng của bộ kệ cao cấp đặt các chậu hoa (hoa bị héo, chỉ là không có ai tưới).
Anh choáng váng khi nhìn thấy Myszka bốn tuổi, kiên nhẫn bò quanh nhà, nói lúng búng, thở phì phò, nước dãi chảy ra từ miệng. Ở tuổi này đứa trẻ nào cũng đã biết chạy thoải mái. Anh lắng nghe Ewa phát âm rõ ràng, rành mạch như thế nào từng lời, cố gắng dạy con gái những từ đầu tiên, đúng ra bé đã phải biết nói trọn câu từ lâu rồi.
- Ma, baaa... - Myszka nói và Adam, cũng giống như Ewa, cho dù chị không biết điều này, đã thuộc lòng rằng “baaa” có nghĩa là truyện cổ tích.
Đôi khi Adam nhận biết âm thanh phát ra từ miệng con gái có nghĩa là gì còn nhanh nhạy hơn cả Ewa. Chính anh đã giải mã từ “nhaaa”. Anh không hề cho đó là “bố”, dù chỉ giây lát. Tuy vậy khi anh hiểu “nhaaa” nghĩa là nhảy, nói cách yêu cầu mạnh mẽ của Myszka là được nhảy nhẹ nhàng, thanh thoát như các trẻ em khác thì anh cảm thấy nghẹn họng. Anh hiểu rằng sinh linh bé bỏng tật nguyền này cũng có nhu cầu như mọi đứa trẻ khác, cảm nhận có lẽ cũng như chúng, có khi còn mạnh mẽ hơn là đàng khác, tuy vậy cái vỏ bọc thân tàn của bé không thích bé, giống như con nhộng giam cầm bó trong mình một chú bướm, chỉ có điều đến lúc nào đó rồi chú bướm sẽ bay đi, còn chú bướm này, chú bướm náu mình trong cơ thể Myszka sẽ không bao giờ bay đi được.
Nấp sau cánh cửa hé mở, Adam theo dõi Myszka ra sức nhảy như thế nào. Ngược với vợ, anh nhận biết ngay, những động tác vụng về kia, đáng sợ đối với anh, chính là điệu nhảy. Những cố gắng hết mức và vô vọng cố làm cho đôi chân bứt khỏi nền nhà, những cái vung vẩy tội nghiệp của đôi cánh tay mềm yếu, không vâng lời, những động tác gây sốc cố uốn cong thân người không cân đối, tất thảy mọi thứ đó nhẽ ra phải bay bổng, phải đắm say như “pas de deux” bước nhảy đôi, tựa hồ như “dance macabre” vũ điệu của cái chết.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh mang con đi xem biểu diễn vũ ba lê ở nhà hát? Xem Hồ thiên nga, Nut Cracker, chẳng hạn?”, có lúc Adam đã nghĩ vậy theo phản xạ, nhưng rồi anh lấy làm tức tối, vì nhẽ ra anh đã có thể nói như vậy. Do sợ hãi hoặc do xúc động Myszka có thể sẽ phát ra những âm thanh khò khè, đáng sợ, rồi sau đó có thể bĩnh ra quần, người xem có thể phản đối sự có mặt của bé, người thường trực có thể đưa họ ra khỏi nhà hát, còn anh chắc lĩnh đủ sự bẽ mặt và nhục nhã, lại còn lo, không biết có người thân quen nào cũng đi xem ở đó và nhìn thấy con mình hay không.
Anh đứng nhìn với cảm giác lẫn lộn của tức bực, của bối rối và khâm phục Ewa, khi vợ anh mặc quần áo cho con và dắt con đi dạo chơi. Có lần anh đi theo họ mãi tới tận vườn bách thú, anh quan sát vợ khi Ewa ra bộ không để ý tới những người đi đường, thay tã cho con bé mấy tuổi này. Adam biết, Ewa nhẫn nhục và chịu đựng.
Có lần, trong tủ trưng bày của một cửa hàng có gì đó làm Myszka thích thú, anh nghe thấy con bé phát ra những tiếng rú liên hồi gây sự tò mò không lành mạnh của người đi đường. Myszka rú to không ngừng nghỉ, Ewa cố dỗ con mà không được, người đi đường dừng lại đứng xem đứa bé tàn phế kinh khủng này. Hàng chục cái nhìn đồng cảm hoặc tò mò... Cho dù đứng trong góc, Adam cảm nhận những cái nhìn đó như là những chiếc gai nhọn đâm vào da thịt làm anh nhức nhối. Anh nhìn Ewa bất lực, anh nhìn sinh linh đang vùng vẫy, gầm rú dữ tợn là con gái của anh và anh biết anh không có đủ can đảm để hòa nhập cùng hai mẹ con, chìa tay mình cho đứa con tật nguyền.
Anh sợ nhất là những cái nhìn mà anh cảm thấy tuy nhìn con anh, nhưng cũng là nhìn anh, nhìn suốt cả đời. Anh đã dứt khoát ruồng bỏ Myszka.
“Sao lại có chuyện cầm tay nó?”. Lúc đó anh thoáng nghĩ, nhưng anh nhanh chóng và có chủ định biến ý nghĩ này thành cảm giác ghê tởm.
Anh đã có cách, hễ khi nào sự xót xa cho chính mình khiến anh thấy ngột ngạt thì anh giải tỏa bằng việc nghĩ tới diện mạo của Myszka. Diện mạo mà anh kinh tởm, nó khiến anh liên tưởng tới một cái gì đó. Nhưng mà là cái gì? Một con thú nhỏ kinh khủng trong vườn bách thú chăng? Một con thú nhỏ không thoát được khỏi chuồng, mà thân thể nó là cái chuồng chăng? Những động tác của Myszka, gương mặt của Myszka và nụ cười của bé, tất thảy những thứ đó khiến anh liên tưởng tới một cái gì đó mà anh không biết gọi tên. Tới cái mà anh biết. Nhưng mà là cái gì nào?
Adam đã mua chuộc bác sĩ, người đã chăm sóc Myszka, và giữ bí mật với Ewa, anh trả thêm cho ông ta một khoản tiền thù lao về việc thường xuyên thông báo về sự phát triển của sức khỏe con gái anh.
- Đây là dạng Down trầm trọng nhất! - Bác sĩ nói. - Trong trường hợp bệnh nhẹ nhất thì một số đứa trẻ có thể đến trường đặc biệt, cũng có bé có thể đến trường liên kết, nhưng tôi cũng phải nói thật, các trường này người ta không thích nhận trẻ em bị bệnh Down đâu. Anh thấy đã gọi là trường liên kết nhưng họ chỉ thích nhận những trường hợp không gây phiền hà. Trẻ em bị điếc nhẹ, phát triển chậm không đến nỗi trầm trọng, khiếm thị, đi lại khó khăn, miễn là không phải bệnh Down hoặc hoang tưởng... Trẻ em bị Down, khi sợ hãi phản ứng rất dữ tợn. Đánh các trẻ em khác, hoặc chính mình. Chúng dám đập đầu vào tường, nếu không có người ngăn lại, thậm chí chúng có thể tự giết mình. Nỗi thất vọng mà trẻ em bình thường thể hiện bằng lời nói hoặc khóc lóc, thì chúng thể hiện bằng tiếng rú nghe không chịu nổi và cũng không có cách nào làm cho chúng ngưng được. Không một thầy giáo nào chịu đựng được cảnh như vậy, kể cả họ là những người hoàn toàn tình nguyện. Cha mẹ trẻ em khỏe mạnh kêu ca với nhà trường, mặc dù trước đó họ đã tỏ thiện chí. Anh thấy đó, thiện chí nhưng thực tế...
- Thế còn thể lực của bé thì sao? - Adam hỏi.
- Cũng điển hình. Yếu tim, mắt kém, hệ hô hấp tồi, sổ mũi kinh niên... Tôi nghĩ bé sẽ thu hút mọi lây nhiễm như một cái máy hút bụi vậy. Nếu được chăm sóc chu đáo thì bé sẽ sống lâu hơn. Trên ba mươi năm chăng? Có thể nhiều hơn chăng? Tôi biết có những người bị Down năm mươi tuổi... Họ tựa như những đứa trẻ già, tốt bụng.
Adam điếng người. Myszka năm mươi tuổi chăng? Vậy thì sự thận trọng bình thường nhất, cho dù là sự thận trọng xa lạ với Ewa, đòi hỏi phải đưa con vào trại đặc biệt. Nếu mai kia một trong hai vợ chồng có mệnh hệ gì thì Myszka đã lớn sẽ không được chăm sóc. Vả lại, một khi sớm muộn rồi cũng phải đưa con vào trại, thì hay hơn cả là làm việc này thật nhanh, dù rằng xa mẹ và xa nhà sẽ là một cái gì đó khủng khiếp đối với bé.
- Mặt khác! - Bác sĩ nói tiếp, chẳng thiết tha, - đa số trẻ em bị Down ở thể nặng không sống lâu. Vả lại còn cái vết đen nho nhỏ kia nữa chứ... Nhiều hành vi của con gái anh cho thấy cái vết đen này có nhiều ý nghĩa hơn chúng ta tưởng. Các trẻ em bị Down khác thích ứng tốt hơn con gái anh. Riêng tôi, tôi đoán đứa trẻ này đoản mệnh...
Adam biết, bác sĩ đang kiếm tìm trên gương mặt anh dấu hiệu của sự nhẹ nhõm. Và Adam đã cảm nhận được sự nhẹ nhõm này, tuy nhiên gương mặt tê tái của anh không hề để lộ một xúc cảm nào. Anh tự hào về phản ứng tự kiềm chế này và mãi khi anh đi ra ngoài, anh mới ý thức được rằng, anh cũng đã không tỏ ra đau khổ hoặc hoang mang trước ý nghĩ con gái sẽ chết sớm. “Thế này hay thế kia thì mình cũng đã bộc lộ”, Adam nghĩ, và bực mình.
Adam suy ngẫm. Ewa sẽ cảm nhận ra sao khi biết Myszka sẽ chết sớm, đau khổ hay nhẹ nhõm? Hay là cả thế này, cả thế kia?
“Đứa bé này đã gây ra biết bao kích động và xúc cảm, người ta đã phải đấu tranh với chính mình như thế nào và đã có biết bao luồng ý nghĩ điên rồ”. Adam nói, bực tức trong lòng, và như mọi khi, anh đổ hết sức bực tức này lên đầu con gái.

Mãi đến hôm lại nằm mơ, thấy mình đang leo lên cao, Myszka mới nhớ đến phòng áp mái. Trước đó bé có nhiều việc nặng nhọc và những trò chơi thích thú đến nỗi quên biến mất căn phòng này. Mẹ bắt đầu đưa bé đến nhà một cô giáo để cô này kiên trì dạy bé phát âm. Chẳng biết để làm gì. Đoạn giữa câu thì Myszka phát âm tốt, âm điệu giữa câu nói có lẽ là quan trọng nhất chăng? Tuy vậy, mẹ muốn con gái nói chuẩn xác, cho dù chỉ một câu trọn vẹn, như những đứa trẻ khác, nghĩa là biết nhấn mạnh các từ, lúc nối liền, lúc tách riêng. Đây quả là một việc nhọc nhằn. Ngoài ra, câu nói mà cả hai cố sức tập luyện thì Myszka không thích, lại cứ nhắc đi nhắc lại vòng quanh làm bé chóng chán. Lần nào cũng vậy, các từ tự tách nhau không đúng chỗ, các âm tiết trốn chạy đàng trước, bé không thể đuổi kịp.
- Chaaa... tee... maari.. .siia... Chaa... tee... maaari...
- Cháu tên là Marysia... cháu tên là Marysia! - Cô giáo kiên trì nhắc đi nhắc lại, thế nhưng giọng cô buồn tẻ đến nỗi bé bắt đầu ngáp dài. Bé làm gì có tên là Marysia, chỉ Myszka thôi. Câu sau cũng không phải là câu thực.
- Con yêu cha và mẹ! - Cô giáo ngân nga một giọng đều đều, các chữ “a” và “e” của cô rên rỉ, treo lơ lửng trên không trung căn phòng học nói và chúng ước mong có người giải thoát cho chúng. Còn Myszka vẫn để mất cái âm tiết tiếp theo “a” và “e” là những âm thanh bé không nắm bắt được. Rốt cuộc Myszka không còn biết, bé yêu ai và bé không yêu ai.
- Con hãy nói câu này với bố hôm nào sinh nhật bố! - Mẹ nhắc lại. Chỉ nguyên ý nghĩ bé phải nói gì đó với bố đã khiến Myszka thấy bực rồi, nhất là một câu nói mà bé cảm thấy chẳng có ý nghĩa gì.
Lúc nào cũng vậy, hễ bé nói với bố, cho dù những lời ngắn gọn như “chaoo”, là bé nhìn thấy trong mắt bố một nỗi sợ lạ lùng. Bố sợ con gái. Những tưởng làm gì có chuyện bố sợ con, thế mà có đó. Cho nên bố mới trốn chạy. Không bao giờ bố bước đi bình thường, hầu như bố chạy khi qua tiền sảnh, như ông quảng cáo trên tivi vậy. Và bố tránh nhìn vào mắt bé. Bố cắn môi mỗi khi Myszka nói gì đó, bên ngoài thì bé nói lúng búng, nhưng bên trong lại hoàn hảo. Có điều chắc chắn bố không nghe thấy cái đang có trong người bé. Riêng mẹ thì đôi khi mẹ nghe được.
Myszka để ý bố, khi bố đứng, nấp và quan sát bé qua khe cửa. Bố tưởng là bé không nhìn thấy bố, vì mắt bé vừa lồi lại vừa xếch, tật nguyền như cơ thể bé, vậy mà đôi mắt này nhìn nhiều hơn bố nghĩ. Ý nghĩ của bé chạy ra các hướng lạ, tựa hạt giống bay theo gió thổi, nhưng luôn luôn có một hoặc hai hạt rơi đúng chỗ đất mềm trí tuệ của bé và đâm chồi nảy lộc. Bố không cảm thấy điều này hay sao?
Bố nấp trong bóng tối của kệ đặt các chậu hoa và nhìn ra. Bố thường xuyên làm như vậy. Một sự thường xuyên phi thường. Không bao giờ trong đời Myszka có thể nói với bố “Cooo tee... maaari...”, thế nhưng bé nghĩ bụng, bé sẽ nhảy cho bố xem.
“Mình mà nhảy thì bố sẽ không bỏ chạy đâu. Bố phải đứng lại, ngắm nhìn”, bé nghĩ.
Myszka tin rằng vũ điệu thể hiện tất cả những gì lời nói không diễn đạt nổi. Bé nhìn thấy trên tivi những điệu nhảy của đàn bà với đàn ông. Những điệu nhảy đó mách rằng thân hình của đàn ông và đàn bà muốn được sát gần bên nhau. Khi xem các chương trình địa lý, có lần bé thấy những người da đen, nửa khỏa thân, khăn quấn ngang hông, nhảy múa, biểu lộ niềm vui khi trời đổ mưa, khi săn bắn được thú rừng hoặc khi mùa màng bội thu. Trên một trong những phim như vậy bé nhìn thấy thầy phù thủy khoác da thú, đeo chiếc mặt nạ đáng sợ, và bé biết rằng thầy phù thủy nhảy múa để gọi các hồn ma đáng sợ mà không một tivi nào có thể cho thấy. Và bé cảm nhận các hồn ma này sẽ tới theo tiếng gọi của ông ta. Bé ý thức rằng vũ điệu biết yêu cầu, biết xin lỗi và kêu gọi, biết biểu thị niềm vui và tình yêu, bực tức và căm giận. Bé cảm thấy vũ điệu có sức mạnh tự thỏa mãn. Mạnh hơn cả lời nói.
Bé quyết định giả vờ không nhìn thấy mắt bố trong khe cửa, và nhảy cho bố xem, bé nhảy để xin bố đừng có chạy nhanh như vậy, thỉnh thoảng bố phải đứng lại. Đứng gần bé, cho dù chỉ giây lát.
Myszka biết cái gì cản trở bé trong khi nhảy. Không chỉ thân hình. (Thân hình mẹ cho dù to hơn, nhưng dường như nhẹ nhàng hơn, còn hai chân và hai tay rõ ràng là biết lắng nghe mệnh lệnh của mẹ, mẹ hiểu có thể biết nhảy, nhưng mẹ không biết hoặc là mẹ không muốn biết). Quần áo gây cản trở khi nhảy. Quần áo không thuộc cơ thể và bó chặt người bé. Quần áo là một cái gì đó xa lạ. Một số bộ quần áo ít xa lạ hơn, một số bộ khác cực kỳ xa lạ, và chính bộ quần áo xa lạ này, được gọi là “bộ lễ hội”, như mẹ nói, Myszka đang mặc trên người. Để nhảy thì phải cởi nó ra.
Cảm thấy bố đang chăm chú nhìn mình, bé bắt đầu cởi quần áo. Đây là một việc khó. Cái thời bé kiên nhẫn hơn buộc dây giày đã qua rồi. Cách đây không lâu bé đã học tự mặc và cởi áo len, quần dài, quần lót. Khó nhất là động tác rút tay ra khỏi ống tay áo, thường phải làm rất lâu, bởi áo len hoặc áo lót xoay quanh mặt, làm ngạt thở gây khó dễ làm bé sợ, thế nhưng sau một thời gian ngay cả việc này bé cũng làm được. Bé hãnh diện và đã định khoe với bố.
Myszka chậm rãi cởi quần áo. Bé mừng khi thấy mọi động tác bé làm cực kỳ chuẩn xác. Bây giờ mẹ mà nhìn thấy thì chắc mẹ phải hài lòng.
... trần truồng và sung sướng, Myszka đứng thẳng hai chân và giơ hai cánh tay bé bỏng lên cao. Bé nhảy lên. Lúc này bé cảm thấy mình mềm mại và nhẹ nhàng như một cành hoa và đích thị là đã nhấc được hai chân lên khỏi nền nhà. Bé biết, thực ra bé chỉ nhấc được ở trong lòng mình mà thôi, nhưng bé vẫn tin là rồi bố sẽ nhìn thấy điều này.
Chậm rãi, từ từ, Myszka bắt đầu nhảy. Bé nhấc hai chân lên và quăng sang hai bên, bé giơ hai cánh tay mỗi lúc một cao hơn, bé uốn cong người, bắt chước cỏ non khi gió thổi. Bé phân vân, bố có cảm nhận cái bé đang cảm nhận, bố có biết rằng, Myszka nhảy rất đẹp và bay bổng, chỉ có thân người bé níu giữ bé lại trên nền tiền sảnh mà thôi, bé đã hy vọng là bố đang nhìn thấy bé bay như một con bướm, cho dù thân người bị trói chặt vào mặt đất. Bé rất căng thẳng khi nghĩ liệu bố có biết, bỗng dưng bé cảm thấy bọng đái căng cứng. Tia nước nóng ấm bắt đầu chảy dọc theo chân và đọng lại thành vũng dưới đôi bàn chân trần và phẳng của bé.
Lại có chuyện gì đó xảy ra, vì nó mà mẹ luôn luôn quát mắng bé, cái gì đó mà mẹ gọi là cái “rất xấu” hoặc “bất hạnh nhỏ”.
- Myszka xấu lắm... Myszka rất xấu... - mẹ nhắc lại nghiêm khắc, khi cái “bất hạnh nhỏ” nhằm trúng bé, nhất là khi nó xảy ra trước mắt người lạ. Mà bố là một người lạ trong nhà.
- Trời đất ơi Myszka. Con lại cởi quần áo ra rồi. Và con lại làm cái đó. Mẹ đã bảo con rồi. Con đừng có cởi quần áo ra, Myszka. Không bao giờ được cởi quần áo, làm vậy là rất xấu, -
mẹ thở dài bất lực, vội vàng dắt con vào nhà tắm.
Myszka không hiểu tại sao cởi quần áo ra lại xấu. Bĩnh ra quần thì đúng là xấu rồi, nhưng cởi quần áo thì sao lại xấu? Bé đinh ninh trong bụng, không chỉ mình bé trở nên xinh đẹp hơn khi không mặc quần áo. Mẹ cùng đẹp hơn khi bé thấy mẹ tắm dưới vòi hoa sen (lúc đó mẹ quát mắng và bé không hiểu việc gì mẹ lại phải lấy khăn tắm che người lại). Bố đã đẹp hơn khi tấm áo khoác mặc ở nhà của bố tung bay khi bố chạy từ nhà tắm, qua tiền sảnh vào phòng bố. Đàn bà và đàn ông trên tivi còn đẹp thế. Myszka thích ngắm quần áo, song bé cho rằng quần áo cần riêng rẽ, và con người cần riêng rẽ. Quần áo là để chơi, có thể vò, giật, xé rách. Khi mặc lên người quần áo tước mất của con người một cái gì đó.
Từ cái ngày chết tiệt đó Myszka không còn định nhảy cho bố xem nữa. Vì không phải lúc nào nhảy múa cũng mang lại niềm vui cho bé. Theo lời dặn của thầy thuốc, mẹ ghi tên cho Myszka học môn thể dục đặc biệt, và bé cũng chán ngay lập tức. Đây không phải là môn thể dục mà Myszka đã nhìn thấy trên tivi: Các chị mặc quần áo ngắn đung đưa đôi chân, họ múa hơn là họ tập, theo nhịp của điệu nhạc vui. Đứng trước tivi, Myszka cũng cố nhảy như các chị, khua chân khua tay một cách nhịp nhàng, cho dù bé đã biết, nhảy đẹp như các chị trên tivi thì bé chịu. Nhưng rất vui.
Tại nhà tập thể dục, nơi mẹ đưa Myszka tới, không có chuyện vui chơi. Nghe thấy tiếng thở phì phò, to và mệt mỏi của các trẻ em khác. Mà không phải chỉ mình trẻ em. Ở đây còn có cả người lớn, họ cũng nặng nề chậm chạp như bé, họ không làm nổi động tác khua chân và khua tay cùng một lúc. Nhìn người lớn tập Myszka phát sợ. Cho tới nay bé vẫn đinh ninh rằng, nếu bây giờ bé chỉ nhảy được ở trong lòng thôi thì mai kia lớn lên, bé sẽ nhảy thực sự.
“Mai kia con lớn thì con sẽ nhảy hả mẹ?”. Bé hỏi mẹ, nhưng từ miệng bé chỉ nghe được âm “nhaaa”, còn khi nhìn thấy cảnh những người lớn khác không nhảy được, bé đâm sợ. Thế nhưng mẹ sốt sắng gật đầu, khi Myszka thở mạnh, cố nhảy theo nhịp phách. Chẳng biết ai đã dạy mẹ mà lúc nào mẹ cũng gật đầu, thậm chí cả khi Myszka hỏi rằng cái bé đang làm là xấu. “Mẹ giả dối”, lần đầu tiên trong đời bé nghĩ như vậy trong đầu.
“Mình sẽ mãi mãi nặng ịch”, bé tự nhủ và bé ao ước có một lúc nào đó bé trở nên nhẹ nhàng hơn như cô bé bên nhà hàng xóm, cô bé mà bé thấy đi xe đạp, đi trên ván trượt tuyết và trượt pa tanh. Cô gái này như con bướm mà Myszka vô tình nghiền nát trên cửa kính. Một con bướm bay lên cao, đổi sắc cầu vòng, nhảy múa trong không trung, vỗ cánh và xinh đẹp đến nỗi Myszka thèm được vuốt ve. Chỉ có điều khi bé chìa bàn tay thô kệch, dầy và vụng về của mình đến gần con bướm thì con côn trùng này liền biến thành một cục dinh dính, hình thù chẳng đẹp chút nào. Myszka òa khóc, thất vọng.
“Mình giống con bướm này”, Myszka nghĩ theo bản năng, khi nhìn con bướm bị gí nát.
Cho nên, chẳng lấy làm lạ khi nhìn thấy bé, bố liền nhanh chân bước. Trái lại, bé thấy lạ khi đôi lúc bố đứng nấp sau kệ hoa và nhìn bé. Và bố vẫn tiếp tục làm như vậy, ngay cả sau cái hôm Myszka đã nhảy cho bố xem. Cô bé sợ bố quan sát mình vì bố muốn kiểm tra xem bé lại làm bao nhiêu chuyện xấu như vậy. Và bé đoán rằng bố chỉ ưa cái đẹp.
Mẹ đã đoán trúng, bố làm cho Myszka liên tưởng đến với ông trên quảng cáo mà bé đã nhìn thấy trong tivi. Ông này lịch sự, trang nhã, răng trắng như răng chó sói, đầu chải bóng mượt, chạy qua màn hình với cái điện thoại trong tay. Myszka không hiểu ông nói gì với người xem tivi, vì ông nói quá nhanh, vẻ hài lòng và đầy tự tin. Ông vội vàng đi đâu đó. Như bố, Myszka nghĩ bụng, nơi ông này chạy đến là nơi có cái thế giới mà mẹ đã nói “một nơi đáng sợ, một nơi rất đáng sợ”. Thế giới ở bên kia con phố nhà họ. Mà không, ở bên ngoài hàng rào nhà họ. Một thế giới đầy rẫy điện thoại, quần áo, xe, máy tính, và các bà, các ông đẹp y như bố.
Myszka ao ước một hôm nào đó bé sẽ được nhìn thấy ông tivi dừng lại, đặt chiếc điện thoại màu đen xuống, đi xuống chỗ có cái gì đó không nhìn thấy, cái đang ngồi co ro trong góc màn hình. Và đó chính là Myszka. Rồi ông tivi nói giọng bố:
- Myszka, con gái cưng của bố, bố thích ngắm con. Nào, con nhảy cho bố xem đi nào...
Thế là bé sẽ cởi quần áo ra và nhảy, nhẹ nhàng, bay bổng và không hề xảy ra chuyện “bất hạnh nhỏ”.
Đêm hôm sau bé bay lên cao trong giấc chiêm bao, cho nên lúc ăn sáng bé sực nhớ, bé phải lên phòng áp mái, và để không quên việc này, bé đánh dấu chữ thập lên cánh cửa che cầu thang dốc. Thế nhưng bé cũng rất mau quên, mau quên như bé vẽ nhanh cái dấu hiệu này, cho nên sau khi ăn trưa mẹ hỏi:
- Con không thích lên chơi trên phòng áp mái hay sao?
- Coooo! - Myszka mừng rỡ, và mẹ thở phào nhẹ nhõm.
Ewa không muốn thoát khỏi Myszka, chị chỉ muốn tách mình khỏi thực tế, bay vào niềm đam mê mới lạ, vào những thế giới mới lạ tràn đầy hạnh phúc, vào cuộc sống thuận buồm xuôi gió. Ewa không còn có thể đọc các tác phẩm văn học nghiêm túc được nữa. Trên các trang sách chị đọc có biết bao con người đau khổ đã đi qua, những vấn đề của họ cũng hệ trọng như của chị. Chị thích một thế giới nhẹ nhàng, một thế giới không sắc cạnh và không gai góc...
Myszka leo lên phòng áp mái, bé mừng. Cứ mỗi bước đi bé lại tiến gần tới khoảng không gian bao la không hề bị giới hạn, khoảng không gian này hiện lên trước mặt bé khi vừa đóng lại cánh cửa đàng sau mình. Bé bước vào bóng tối an toàn và tĩnh lặng, với độ đậm đặc và sắc màu khác nhau.
Myszka không hiểu tại sao khoảng không gian trên tầng áp mái không có đầu mà cũng chẳng có cuối và có phép màu nào lại như vậy, sau khi đèn điện bật sáng, phòng áp mái trở thành một căn phòng khép kín từ tường nọ tới tường kia, từ mái nghiêng này tới mái nghiêng kia, còn bàn ghế cũ của người bà mà bé không biết mặt xác định chỗ nền nhà chật hẹp còn trống. Tuy nhiên tất thảy mọi thứ đó biến mất khi các tấm màn xám và đen tiếp theo tạo nên bởi bụi mềm, khi mờ khi tỏ, theo ý nghĩ của Myszka, xoáy tròn trong ánh sáng đã được vén lên. Bụi và chính mức độ dày mỏng này tạo nên màu sắc của các tấm màn. Myszka hứng thú quan sát tấm màn xa nhất, tấm màn đen như bồ hóng, và đàng sau nó trải rộng những khoảng không gian không tưởng tượng nổi.
Myszka cảm nhận theo bản năng, rằng khoảng không gian này, cho dù được mở ra chỉ để cho bé, nhưng đồng thời nó cũng tồn tại khi không có bé, và ai đó người vô hình này vẫn tiếp tục làm công việc sáng tạo trong không gian kia. Ngài làm sai, Ngài nhầm lẫn, Ngài sửa sang lại cái Ngài đã tạo ra, còn cái bay đi xa nhường chỗ cho khoảng trống mới tuân theo ý nguyện của Ngài và ở đó các tạo vật mới được sáng tạo xuất hiện. Myszka đã biết việc này diễn ra không có kết thúc. Và cũng chẳng có bắt đầu. Không bao giờ có cả.
Lần này nước có màu xanh xám và sóng của nước đổ vào đất cằn hiện ra từ sau những màn tối. Đất màu nâu xám, trần trụi và yếu ớt trong cái trần trụi này. Và đúng lúc, khi Myszka nghĩ, bé không muốn nhìn vào đó, bé thích căn phòng áp mái được bóng đèn điện bình thường chiếu sáng, thì bé nghe thấy tiếng thở sâu của đất và bé nhìn thấy những hòn đất nâu to nhỏ chuyển động, gì đó hiện ra với tiếng sột soạt nhỏ nhẹ, ngân nga. Đó là một cái gì đó hết sức lạ lùng, đỏ và rực rỡ đến nỗi nhức cả mắt. Cái đó ló ra từ mặt đất, mỗi lúc một nhanh, càng cao, nó đã cao bằng ngón tay, rồi bằng hai ngón tay, rồi bằng hai bàn tay Myszka chồng lên nhau. Cái đó mềm mại, nhiều lông tơ và thân quen đến lạ lùng, cho dù xa lạ. Đất không còn trần trụi và yếu ớt nữa, mà phủ lớp lông đỏ phi thường, Myszka nghĩ một cách vô hiệu để biết đó là cái gì, và lúc này bé lại nghe giọng nói âm vang và nghi ngại, nhưng nói tựa như hỏi, Myszka biết rằng, không phải hỏi mà là tự vấn chính mình.
Cái này tốt...
Và chính lúc đó, khi bé nghe trong giọng nói này một tí dao động và bất lực, bé hiểu, trước mắt mình đang là cái gì:
Đó là cỏ!
Lúc này cỏ đỏ trải đều trên mặt đất, một làn gió, mắt không nhìn thấy, mơn trớn cỏ, cỏ gợn sóng và tiếp tục mọc, mọc và mọc...
Cái này tốt... - giọng nói thiếu tự tin cất lên và Myszka có cảm giác giọng nói sao mà đơn độc, không hề cho thấy có một tín hiệu nào, đến nỗi bé hét toáng lên cho dù chỉ ở trong lòng, khi bé sợ có ai đó dưới nhà nghe thấy.
- Không! không! Cái này không tốt! Cỏ không thể màu đỏ được! Màu đỏ là cho máu, không phải cho cỏ!
Và bỗng nhiên cỏ đỏ ghìm lại chiều cao mềm mại của mình, cỏ thôi không gợn sóng và cỏ bất động, các thân cỏ mảnh mai lúc này nom như thể những cần ăng ten bằng chất dẻo, chứ không phải là cỏ. Và thình lình cỏ bắt đầu đổi màu. Thoạt tiên màu tím, thứ màu tím rợ nhất, sẫm nhất, cái màu Myszka thực lòng chẳng thích khi nó làm cho bé cảm thấy buồn.
- Ôi! - Bé ngần ngại nói. - Xin Ngài đừng biến cỏ thành màu tím.
- Cái này tốt... - giọng âm vang do dự, rồi thình lình đứt đoạn và thở dài, khiến cỏ tím múa may mạnh hơn trong gió.
Và biển cỏ lại đổi màu. Nom y như có người nào đó dùng cái bút lông khổng lồ chấm lên tấm thảm tím mềm mại những vệt xanh rộng mênh mông, tươi thắm. Myszka thở phào nhẹ nhõm. Còn khi toàn bộ màu tím biến mất, một màu mới được phủ lên, cái màu rất quen với mắt Myszka, lúc đó lần thứ ba giọng như sấm nổ vang lên:
- Cái này tốt!
Lần này cô bé không hề nghe thấy một sự chần chừ nào trong giọng nói, và bé cười sung sướng:
- Cái này tốt! - Bé công nhận, tin tưởng.
Cỏ lại nổi sóng trong gió mà Myszka đã biết sự thật là gì: Tiếng thở của Ngài. Bé cũng thở mạnh rồi cười khoái chí, khi cỏ nhảy múa theo gió thổi.

Ewa đặt cuốn sách xuống. Như thường lệ, Adam vắng nhà. Radio im tiếng, màn hình tivi bất động trong sự thờ ơ màu đục. Không một âm thanh nào từ trong nhà, kể cả từ phía sau các ô cửa sổ hé mở vọng tới. Tứ bề im bặt mọi thứ âm của cuộc sống tựa hồ cuộc sống tạm ngừng chốc lát, tựa hồ mọi người đã đi vào giấc ngủ hoặc tất cả đều im lặng đọc sách như Ewa.
“Sao lại tĩnh mịch như thế này... có thể nghe được cả tiếng cỏ mọc”, Ewa nghĩ và bỗng nhiên, dưới tác động của ý nghĩ đó, chị nghe thấy âm thanh lạ. Nó kéo dài ở ranh giới của im lặng và tiếng vo ve. Nó dịu hơn tiếng muỗi kêu quấy rầy, nhưng mạnh hơn tiếng ruồi bay. Âm thanh này đang hát, cho dù đó là một giai điệu êm, khó nghe thấy. Thế mà Ewa nghe được trên cái nền tĩnh mịch lạ lùng, như chuông ngân này.
Ewa đặt cuốn sách xuống, đứng dậy khỏi đi văng, tiến lại phía cửa sổ kéo tấm màn che ra. Trời đã nhá nhem, không một chỗ nào thấy có ánh sáng. Đèn đường vẫn chưa bật, trong các ngôi nhà người ta vẫn đang để cho mắt quen với màu xám xịt lúc chập tối, chưa vội bật đèn để khỏi lóa mắt. Ewa thở dài và khi đã định kéo màn che cửa lại thì bỗng mắt chị nhìn ra bãi cỏ. Cánh đây ba ngày Ewa gieo hạt cỏ, hy vọng số hạt này sẽ tự tìm được chỗ cho mình dưới đất. Và chúng đã tìm được. Bây giờ một tấm thảm non tơ, thắm xanh trong hoàng hôn, mọc lên từ đất.
“Mình đang nhìn thấy và mình đang nghe tiếng cỏ mọc!”, Ewa ngạc nhiên, thế nhưng sự ngạc nhiên đó nhường chỗ cho sự tò mò, còn sự tò mò nhường chỗ cho sự thông hiểu. Một khi nấm có thể mọc trong một đêm thì tại sao cỏ lại không thể làm như vậy nhỉ? Phải chăng cỏ cũng như nấm chỉ mọc khi con người không nhìn chúng? Phải chăng Ewa không biết là chính chị đang nhìn, đang thấy chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng nói trên và chị đang nghe thấy tiếng vo ve nhỏ nhẹ như tiếng hát kèm theo chuyển động này?
Bỗng dưng Ewa muốn được đi lên bãi cỏ dày, xanh tươi này. Chị cởi giày, đi ra ngoài và với chân trần chị chạy qua bãi cỏ. Cỏ mềm mại và sống động như lông mèo và đang tỏa hương thơm không giống bất kỳ một mùi thơm nào.
“Cỏ mà lại tỏa hương thơm, đồ ngốc”, Ewa tự dạy mình trong ý nghĩ.
Chính chị cũng không biết lúc nào và tại sao chị đã nằm lăn ra bãi cỏ xanh, dang rộng hai tay. Mặt đất ấm áp và an toàn. Bỗng dưng Ewa cảm thấy mình sung sướng.
“Mình không cô đơn. Mình có Myszka. Còn có kẻ cô đơn, bất hạnh, không ai yêu họ và họ cũng chẳng yêu ai. Myszka yêu mình và mình yêu Myszka. Có Myszka còn hơn là chẳng có gì”, Ewa nằm trên bãi cỏ, ngắm mây trời và suy nghĩ. Trời đầy mây, không trăng sao. Tuy nhiên dịu êm trong cái sắc xám sâu thẳm của mình.
Sau chốc lát Ewa nghe thấy tiếng vo ve nhỏ nhẹ của côn trùng. Đúng là côn trùng đã thình lình xuất hiện. Còn bây giờ chúng bay lên. Rất nhiều, chỗ nào cũng có. Ewa nhận ra bướm ngày, bướm đêm, ong vàng, ong đất, rồi ruồi và muỗi thường.
“Thế giới đa dạng và đẹp biết nhường nào. Thích thật”. Ewa nghĩ.
Ewa nằm đó, chẳng biết đã nằm bao lâu. Rốt cuộc, Ewa đứng dậy, phủi váy đoạn đi vào nhà.
“Lạy Chúa, Myszka vẫn bám riết phòng áp mái. Mình phải gọi con”, chị sực nhớ và giọng chị phá vỡ cái tĩnh mịch dịu dàng của hoàng hôn đang xuống. Còn khi chị kéo các tấm màn che cửa ra, chị ngạc nhiên khi nhìn thấy, bỗng nhiên, chính vào lúc này, chung quanh chỗ nào cũng sáng ánh đèn. Cứ như lúc chị nằm trên cỏ thời gian đã ngừng trôi, để rồi bây giờ lại dịch chuyển theo nhịp điệu con người truyền cho. Đèn đường bừng sáng, thứ ánh sáng xanh nhạt, lạnh lẽo, trong các cửa sổ của các ngôi nhà các bóng đèn rực sáng, cây đèn vườn chỗ bãi cỏ tỏa sáng.
“Đúng là cỏ mọc”, Ewa khẳng định trong ý nghĩ, đưa mắt nhìn ra bãi cỏ một lần nữa. “Cỏ mọc khi không ai nhìn nó, và cỏ không biết mình đang nhìn, cho nên cỏ vẫn mọc”. Ewa nghĩ vẩn vơ, đoạn đi vào bếp để làm bữa cơm chiều cho mình và con gái.

Myszka không ngạc nhiên khi trên vạt cỏ tự nhiên xuất hiện những bông hoa. Sau đó đất thở mạnh, rên la, xoay thân mình ra tứ phía, như một con thú khổng lồ. Và lúc này từ dưới mặt đất cây bắt đầu lớn. Cùng với tiếng kêu răng rắc, xuất hiện những thân cây to, cành lá sum suê, tạo nên những tán cây phi thường. Chúng càng lớn càng to hơn. Sừng sững. Những lùm cây thẫm đen và đường viền rành rọt hiện rõ dưới nền trời trong xanh khiến Myszka liên tưởng tới bức tranh trong sách mà mẹ đã chỉ cho bé xem.
Myszka sửng sốt khi một số cây mà không phải là cây mà là những bông hoa khổng lồ, cuống hoa to như thân cây sồi, tràng hoa xòe rộng như cái tán.
“Ngài lại nhầm rồi”! - Bé hoảng sợ, - “Phải báo cho Ngài...”
Bỗng bé hiểu ra rằng, hễ bị nhầm thì Ngài chỉ có thể biết được điều này qua bé mà thôi. Và Myszka sợ mình biết quá ít, lại cả thế này nữa, liệu kiến thức của bé có phải là kiến thức thực hay không.
- Myyyszka! Ăn tối con ơi!
Bé nghe tiếng mẹ gọi dưới nhà, giật nẩy mình. Giọng mẹ bay tới từ xa, yếu nhỏ, chạm vào khoảng không mở rộng trước mắt bé, và quay trở lại dưới nhà.
“Mình mà bỏ đi thì Ngài sẽ để lại những bông hoa khổng lồ lớn bằng cả cái cây to... làm sao đây?”. Myszka nghĩ, sợ hãi, còn ý nghĩ của bé lướt rất nhanh so với tốc độ của chúng khi ở dưới nhà.
- Cái này tốt!
Giọng nói của Ngài vang lên.
Myszka hiểu rằng bé còn một cơ hội cuối cùng.
- Khô ô ô! - Một tiếng thét vang lên, tiếng vọng theo khoảng không vô tận của nước, mặt đất và bầu trời, đập vào tường của phòng áp mái.
“Mẹ sắp lên” bé hoảng sợ và không đợi cho các tấm màn quay trở lại vị trí của mình bé vội bật đèn.
Tất cả biến mất tăm và trước mắt cô bé mở ra căn phòng áp mái bình thường, yên tĩnh trong cái bình thường này. Dưới cầu thang nghe thấy tiếng chân bước vội vàng.
Cô bé hiểu rằng bé sẽ không được là người chứng kiến tất thảy mọi chuyện, bởi khi bé đi xuống nhà, thì Ngài lại tiếp tục sáng tạo và sáng tạo, khi Ngài không ngừng sáng tạo, và vẫn tạo ra cái mới.
“Cái này tốt, thế nhưng xin Ngài hãy sửa lại những bông hoa lớn bằng cái cây to”, bé thầm thì với Ngài lúc chia tay, bé không buồn phiền khi chung quanh bé chỉ còn phòng áp mái, còn ngoài cửa đã xuất hiện dáng hình của mẹ đang hốt hoảng. Ngài hiện diện cả ở nơi đây. Cũng có thể Ngài đã tạo ra cái rương của bà, mấy chú voi bằng loại đá khổng tước thạch của mẹ và cuốn sách về Kopciuszko.
- Myszka... sao con lại làm mẹ sợ như thế? Tại sao con lại thét toáng lên vậy? - Mẹ hỏi.
- Khô ô ô! - Myszka hô lên một lần nữa để chứng tỏ bé thét lên vô cớ vậy thôi, cho dù bé đinh ninh trong bụng, nhất định Ngài đã nghe thấy và Ngài nhớ, cần phải sửa lại những bông hoa khổng lồ.
Và buổi tối đã đến, ngày thứ ba.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét