Quà của Chúa
Tác giả: Dorota Terakowska
Dịch giả: Lê Bá Thự
Nhà xuất bản Phụ nữ - tháng 4-2009
Chương 3
Ngày Thứ Nhất - Phòng áp mái
Dẫu mấy năm nay Ewa không đọc to Kinh thánh
nữa, Chúa trời vẫn làm công việc tạo các thế giới của mình. Ngày nào cũng chan
hòa ánh sáng, đêm và ngày tách biệt nhau, ánh sáng đã khúc xạ thành bảy sắc cầu
vồng.
Khi tạo ra muôn vật Chúa Trời luôn luôn để
mắt đến những món “Quà” của mình, những đứa trẻ ngài đã ban phát khắp trần
gian, ngài gọi một số quay về, để trao cho chúng sự nhẹ nhàng của cánh bướm và
sự khéo léo của vũ điệu. Ngài biết, nhảy múa là niềm vui của cuộc đời, là nỗi mừng
của thế gian, là sự sung sướng của cơ thể mỗi con người, và Ngài đã ban cho
chúng nỗi khát khao nhảy múa. Khát khao điều không thể có. Làm vậy là để chúng
truyền nỗi khát khao sang mọi người.
“Cái
này tốt”, Ngài nói giọng âm vang như sấm nổ, khi ngắm
nhìn những đứa con của Ngài đang nhảy múa.
Myszka ngồi trên nền tiền sảnh, thở phì
phò, cố sức buộc quai giày. Mẹ bảo, con gái lên tám nhất thiết phải biết làm việc
này. Mà việc này dễ như bỡn. Thế nhưng lúc này lại khó. Myszka thở phì phò như
một chiếc đầu máy xe lửa nhỏ, từ cái miệng hé mở những dòng nước dãi chảy ra,
bé đưa mép ống tay áo lên chùi theo thói quen.
“Mẹ bảo dùng khăn tay...” bé sực nhớ, thế
nhưng ý nghĩ này ngay lập tức biến mất. Tất cả mọi ý nghĩ của bé đều vụt biến
khỏi đầu, chúng nhanh, chúng trơn như nước đổ lá khoai, không thể nào kìm giữ
được. Và thậm chí nếu Myszka có muốn nắm bắt một ý nghĩ nào đó thì chúng dễ
dàng vụn nát thành nhiều mảnh như một bông hoa tàn, không còn biết làm gì được
nữa.
Những ý nghĩ của Myszka quay trở lại với mấy
sợi dây giày kỳ cục, bướng bỉnh. Tiếc thay những ngón tay ngượng nghịu, không
khéo léo, cũng không chịu vâng lệnh của cô bé, thêm nữa Myszka lại quên, phải
xâu dây vào lỗ nào. Nước dãi chảy ròng ròng xuống áo lót của bé. Và lúc đó
trong nhà có gì đó rền vang.
“Radio... không, tivi...” Myszka nghĩ, thế
nhưng sau đó từ những loạt âm thanh, bé nhận ra giọng bố.
Giọng bố thì bé không rành cho lắm, tuy
nhiên bé luôn luôn biết phân biệt với giọng của người đưa thư vẫn thường ấn
chuông cửa và từ xa đã hô to, rành rọt:
- Hôm nay chỉ có báo thôi nhá!
Cứ như những ngày còn lại thì có gì đó
khác.
Chỉ có bố mới nói nhanh, lưu loát và gắt
gao, đến nỗi Myszka co rúm người lại, cảm thấy ý nghĩ của mình không bao giờ
theo kịp lời bố nói. Mẹ nói du dương, nhỏ nhẹ, chậm rãi và không chút ưu phiền.
Mỗi câu nói mẹ đều nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho nên Myszka chẳng khó hiểu
chút nào. Nhưng với bố thì ngược lại, nhất là bé lại ít đượcnghe. Bố thường chạy
ngang qua bé, song im lặng. Thế nhưng lúc này giọng bố oang oang khắp nhà.
- Chẳng lẽ em không thấy điều này hay sao? -
Bố quát và giọng nói này, xoáy tròn, xuyên qua cửa và đâm vào tai Myszka như những
chiếc kim nhỏ. - Em không thấy đôi mắt nó nom y như mắt con vật hay sao? Em
không thấy, ngay lập tức thiên hạ nhận ra nó tật nguyền hay sao? Và ngoài phố
ai cũng trố mắt nhìn theo hai mẹ con em hay sao?
- Không phải ai cũng vậy đâu! - Mẹ cãi lại
nhỏ nhẹ, giọng mẹ ca lên khúc nhạc mờ ảo, ưu phiền.
Myszka được ban cho thứ giọng phì phò, chẳng
ngân vang, nhưng bé rất nhạy cảm với nhạc điệu và âm vực khác nhau của lời nói,
với đường âm thanh có trong những câu nói. Tiếng làu bàu của bé mà Ewa có cảm
giác là những âm thanh ngẫu nhiên, đúng là tiếng hát. Myszka thích âm nhạc, thứ
âm nhạc đôi khi vọng tới từ phòng bố và cả thứ âm nhạc bé nghe được từ radio và
trên tivi. Giọng người vang lên trong tai bé như những nhạc cụ có âm sắc khác
nhau, biểu lộ tình cảm, nhịp nhàng. Và chính lúc này, giọng mẹ và giọng bố đang
trình diễn hai thứ nhạc điệu khác nhau, bất hòa.
- Lúc nào cũng thấy nó há hốc miệng! Em
không thể dạy nó ngậm miệng lại được hay sao? Rồi những động tác của nó! Cái bộ
râu nước dãi này... lạy Chúa! - Tiếng bố bỗng gắt gao, xoáy sâu vào hai lỗ tai
Myszka như hai cái máy khoan.
“Khăn tay”, Myszka sực nhớ, rút khăn ra khỏi
túi áo và chùi miệng. Bé hài lòng, cất khăn vào túi. “con nhớ” bé cười toe
toét. Mẹ thường xuyên khen con gái mỗi khi nó nhớ được một điều gì đó.
Giọng nói của bố làm buốt đau, bé bịt hai
tai lại, nhưng cũng chẳng có tác dụng gì. Giọng nói đó xuyên qua cửa phòng, rồi
xuyên qua hai bàn tay nhỏ xíu của bé.
- Nó không bao giờ đếm được đến ba... không
thuộc các chữ cái... không chuyện trò với những đứa trẻ khác... Nó không trả lời
bất kỳ câu hỏi nào... bởi đây không phải là một loại bệnh Down phổ biến, bình
thường, mà là một loại bệnh Down ở mức độ nghiêm trọng! Không điển hình! Ngay đến
họ của mình nó cũng không nói nổi và ơn Chúa, đó là họ của anh. Của anh! Không,
em không được gửi nó đến bất kỳ trường học nào. Con gái của anh sẽ không đến học
ở trường dành cho những người ngu, còn vào trường khác thì không vào nổi!
- Sở Giáo dục đã có thông báo rằng tất cả
trẻ em... - giọng mảnh mai của mẹ ngân lên.
- Nó phải đi đến trại đặc biệt! Có những trại
như vậy. Anh đã thăm dò. Đó là những trại dành cho trẻ em khuyết tật nặng. Ở đó
còn chỗ. Và em đừng có nghĩ là con bé phân biệt được học ở trường này hay trường
kia! - Giọng bố lửng lơ trong không trung, nhọn như chiếc bút chì màu mà mẹ đưa
tận tay cho bé, thế nhưng bé chỉ biết dùng để làm rách tờ giấy khi ấn thật mạnh
cây bút chì. Thỉnh thoảng bé cũng có vẽ như vẽ được một đường, nhưng cong ngoằn
ngoèo, chạy qua tờ giấy, giống như bố, nhanh, chéo, đường ngắn nhất.
- Anh đã thăm dò cái gì hả? - Giọng mẹ còn
mảnh mai hơn khi ngân nga trả lời. Lặng im. Một sự lặng im chờ đợi, tột cùng
căng thẳng, lan tỏa khắp nhà, xuyên qua thân người Myszka và bé không còn một
chút thoải mái nào nữa sau những âm thanh như sấm nổ của giọng bố. Giọng bố tựa
hồ âm thanh của một nhạc cụ mà bé không biết tên: Puzon. Có khi lại như kèn đồng,
giọng nói của mẹ du dương như tiếng vĩ cầm hoặc như tiếng sáo.
- Chẳng lẽ em đành chịu đựng cho đến hết đời
những cái nhìn động lòng trắc ẩn như vậy hay sao? Chúng ta chẳng còn cơ hội có
một cuộc sống bình thường hay sao? Em thích cái gì nào? - Giọng bố chấn động
như luồng gió gắt, ác hiểm trước cơn giông, thình lình đổi hướng và im bặt.
- Em cũng chẳng biết em thích cái gì nữa? -
Giọng mẹ ngân nga lên giai điệu buồn, âu lo. Đôi tai của Myszka không ưa thứ giọng
gây chấn động, chát chúa của bố, kể cả giọng buồn, buông trôi của mẹ.
Myszka thích nghe mẹ cười như thế nào. Rất
ít khi mẹ làm như vậy, nhưng những lúc như thế thì Myszka cũng cười và bắt đầu
nhảy múa. Bé chỉ nhảy múa ở bên trong, trong lòng mình, mẹ không nhận ra điều này.
Mẹ nói: “Hay lắm, Myszka”, khi con gái biết
đặt một vật nào đó vào đúng chỗ, vẽ bút chì màu qua trang giấy hoặc xếp thẳng đứng
bốn thỏi xếp hình. Thế nhưng mẹ chưa bao giờ nói “Myszka, con nhảy đẹp lắm...”.
Và Myszka ngại rằng sẽ chẳng bao giờ mẹ khen mình như vậy.
- Chẳng lẽ em không thấy, nó chẳng khác gì
một con nhộng hay sao? Nó không phải là đứa bé để xuất hiện hay sao? Không có bất
kỳ chỗ nào để cho nó xuất hiện cả. Kể cả một ngôi trường như vậy.
Myszka nghe giọng nói dữ dằn của bố.
- Không phải vậy! Anh không biết con! Anh
không hiểu con, anh không thấy thứ em nhận thấy được ở con. Con gái cảm nhận tất
cả, hiểu tất cả, chỉ không biết chọn từ mà thôi. - Mẹ nói liền một mạch ra chiều
xin lỗi. Giọng bố gây chấn động khi đáp lại.
- Không được làm cho người khác phát sợ vì
nó. Em không biết, tại sao anh không thể cùng ăn với hai mẹ con hay sao? Em
không thấy mỗi lần nhìn nó là anh lại không muốn ăn hay sao?
- Anh cút đi! - Myszka nghe tiếng mẹ, cũng
gây chấn động bởi hàng trăm âm thanh gay gắt. Bé lại bịt hai tai lại thế nhưng
giọng bố vẫn lọt vào, rõ ràng, rành mạch.
- Tại nó mà tình vợ chồng của chúng ta đang
đổ bể.
- Chúng ta có thể ly dị...
- Em muốn thế!... - bố cười to. - Em muốn
thiên hạ người ta sẽ bảo là anh ruồng bỏ đứa con tật nguyền chứ gì!
- Sống với nó cũng dở mà bỏ nó cũng dở.
Đúng như vậy đó, em biết mà! - Mẹ nói bằng thứ giọng khiến Myszka nhức nhối.
“Chắc mẹ cũng nhức nhối vì điều gì đó” con
bé nghĩ.
- Có những trại cứu tế đặc biệt phải đóng
tiền. Chúng ta đủ khả năng chi trả. Anh nói chuyện này lần cuối cùng! - Bố nói
tiếp.
- Em muốn đây là lần cuối cùng anh nói như
vậy! - Giọng mẹ ngân lên tựa tiếng sáo gắt gao, chát chúa, bàn tay của Myszka ấn
mạnh đầu giây vào lỗ giày. Bé vụt đứng dậy sung sướng và chạy ra khỏi phòng.
Đôi chân bé bỏng của bé nện lộp cộp trên nền tiền sảnh, thế nhưng cả bố lẫn mẹ
đều không nghe thấy. Bé tạt vào phòng khách, hãnh diện giơ cao một chiếc giày
trong tay.
- Xâ...
â... giao! - Cô bé vui sướng nói lúng búng trong miệng, gí chiếc giày vào
sát mắt bố mẹ. Thế nhưng khi chạy, bé phải vung vẩy hai tay để giữ thăng bằng,
thì sợi dây lại tụt ra khỏi lỗ giày và lắc lư loạn xạ, điều chứng minh một lần
nữa, Myszka không làm nổi việc gì. - Tuuuu...dâââ...
- Cô bé mặt buồn thiu lẩm bẩm, dòng nước dãi chảy ra hòa lẫn cùng nước mắt.
- Con đừng khóc nữa, con làm lại một lần nữa
đi. Làm dễ thôi mà! - Giọng mẹ ngân lên dịu dàng và điềm đạm.
Một âm thanh dị thường thoát ra từ họng bố.
Một thứ tiếng trống vang lên mạnh mẽ, bé không biết gọi tên, cho dù bé rất
quen.
Ngôi nhà đầy ắp tiếng nhạc hầu như ngày nào
cũng vọng ra từ phía sau cánh cửa bọc da văn phòng của bố. Nhưng không ai chăm
chú lắng nghe những tiếng nhạc đó bằng Myszka. Đối với Adam, âm nhạc là một
trong những phương pháp tự cách ly mình, bức tường âm thanh làm át đi tiếng vợ
và con gái. Nhất là tiếng thở mạnh, phì phò của con. Đối với Ewa, suất nhạc
nghiêm túc nghe hàng ngày này là bằng chứng mách rằng chồng chị đang có mặt ở
nhà và cùng là nguyên do để chị bực mình. Ewa thích nhạc nhẹ, nhạc nhẹ làm nền
cho chị làm những công việc hàng ngày. Chơi ở tiền sảnh, thỉnh thoảng Myszka
nghe thấy, hai thể loại âm nhạc này va đập vào nhau và đối chọi nhau như thế
nào, giống như giọng bố và mẹ lúc này.
Bỗng nhiên bố đấm mạnh tay xuống bàn rồi chạy
biến. Dập cánh cửa đánh sầm. Mẹ giật nẩy mình. Còn Myszka cảm thấy mình có lỗi.
Không phải chỉ vì chuyện chiếc dây giày.
- Nhôô...đââuu?
- Bỗng bé hỏi giọng run run, mắt quan sát căn phòng. Con nhộng mà bố đã nói có
thể từ một chỗ nào đó bò ra bất kỳ lúc nào. Từ gầm tủ, từ phía đi văng, từ phía
sau cánh cửa.
- Nhôô? - Mẹ hỏi khi đó là từ mới.
- Ông...
- Myszka nhắc.
- Ở đây không có con nhộng nào đâu! - Mẹ trả
lời dịu dàng đoạn ôm con gái vào lòng.
Myszka thở sâu, bé cảm thấy mình an toàn.
Đêm nào Myszka cũng nằm mơ, thấy mình đang nhảy
múa như một con bướm, bay lên cao, dù không bay cao được như những chú chim, chỉ
cao hơn căn phòng nhỏ trên cùng chút xíu. “Mình bay lên chăng?” Myszka nghĩ, lấy
làm ngạc nhiên. Bé không còn nhớ lần nằm chiêm bao thấy mụ phù thủy nữa, người
bất chấp những lời nói của mẹ đã đến thăm bé, chỉ có điều không ở trong nhà bếp,
mà trong đêm, trên giường, để bảo rằng: “Myszka ơi, đi lên trên cao...”. Mụ phù
thủy không bao giờ quay lại nữa và có lẽ Myszka đã quên mất lời của mụ nếu
không có chuyện từ ít lâu nay, hàng đêm trong giấc chiêm bao, bé bay lên đâu đó
ở trên cao.
Một buổi sáng sớm nọ, khi bé mở mắt ra, nó
ý thức rằng giấc chiêm bao sẽ lập lại, thế nhưng sẽ không phải là bay lên cao nữa.
“Mình là cô bé vụng về, có gì đó níu giữ
mình bám chặt mặt đất mạnh hơn những đứa trẻ khác”, bé nghĩ, liên tưởng tới cô
bé của nhà láng giềng đi giày pa tanh. “Mình chẳng thể bay được. Mình có thể
leo chăng?”
Bao giờ Myszka cũng nghĩ được trọn câu. Những
từ thoát ra được khỏi miệng bé một cách vất vả và bị biến dạng, phì phò, bị ngắt
giữa chừng, thường chỉ giới hạn ở một chi tiết, trong đầu thì chúng được sắp xếp
đều đặn, dẫu chậm rãi. Có khi rất chậm. Thế nhưng khi đã được sắp xếp xong xuôi
thì chúng chảy như một dòng sông giữa đồng bằng, hiền hòa nhưng kiên định. Chỉ
có điều, so với các trẻ em khác, những từ này thường nhanh chóng chạy đi đâu đó
rất xa và mãi không thấy quay lại, đến nỗi cô bé quên biến. Lần này cô bé cần một
vài giấc chiêm bao trọn vẹn trong đêm để hiểu, trong giấc chiêm bao bé chẳng
bay lên mà cũng không nhảy múa (chính bé thường mơ thấy vậy) mà bé leo.
Sau bữa sáng, khi đi qua tiền sảnh, lần đầu
tiên đôi mắt của bé bắt gặp một cầu thang gỗ, hẹp, dẫn lên tầng áp mái.
“Phòng áp mái!”, Bé liên tưởng trong đầu.
“Mình leo lên đó. Nhưng chưa bao giờ tới nơi...”.
Tầng áp mái là nơi bé Myszka đâu có biết. Mẹ
phải phòng ngừa “những nơi nguy hiểm” đối với con. Cái giếng cũ ngoài vườn là
nơi nguy hiểm, dẫu rằng bây giờ không sử dụng nữa và đã được bịt kín lại, bên
dưới là một cái hố sâu hoắm, tít trong lòng đất. Không bao giờ Myszka ngó nhìn
vào đó. Nơi cực kỳ nguy hiểm là tường rào nửa xây nửa gỗ, bên kia là đường phố,
nơi tuyệt nhiên Myszka không được đi một mình. Bởi bé có thể bị lạc. Mà không
chỉ có vậy. Cho dù mẹ không bao giờ nói ra điều này, nhưng Myszka cảm nhận, bên
kia tường rào là cả một thế giới mênh mông và thế giới này có thể không thích
bé. Nhà hầm cũng là nơi không kém phần nguy hiểm, mặc dù không lớn, thế nhưng mẹ
bảo, bậc cầu thang dẫn xuống đó quá ngoằn ngoèo đối với đôi chân tật nguyền của
bé, theo mẹ, không một bậc cầu thang nào an toàn đối với con gái cả.
- Hay hơn cả là con chỉ đi lại ở những chỗ phẳng
phiu! - Mẹ nhắc.
Tiếc rằng thế giới không phẳng phiu, không
phẳng phiu dưới bất kỳ khía cạnh nào, cho nên Myszka chủ yếu ở nhà, chỉ ra
ngoài khi nào mẹ mang con đi chơi, thí dụ như vào vườn bách thú (nơi mẹ không rời
tay con gái dù chỉ giây lát và cũng chỉ đến vào ngày thường, không bao giờ đến
vào chủ nhật, bởi chủ nhật thường quá đông người, còn mẹ, có lẽ mẹ không thích
đông người).
Thỉnh thoảng hai mẹ con đi cửa hàng. Nhưng
cửa hàng cũng được liệt vào danh mục những nơi cực kỳ nguy hiểm, bởi Myszka có
thể va đập vào các ngăn đựng hàng hóa hoặc cầm hàng lên tay, khi đó là hàng hóa
phát tín hiệu và mẹ phải trả tiền đền vì hàng bị hư hỏng. Có một lần Myszka làm
đổ ngăn đựng hàng mọi thứ có trong đó, và thế là một thời gian dài Ewa không
dám đi mua hàng nữa. Một ông người lạ mặt đi một chiếc xe màu sắc rực rỡ đến tận
nhà, rồi sau đó đi mua hàng theo danh sách mà mẹ đưa cho ông ta cùng với tiền.
Lúc đó Myszka thấy tiếc vì bé thích đi đến các cửa hàng. Ở đó, thiên hạ người
ta chú ý đến hàng hóa nhiều hơn đến bé, cho nên cửa hàng biến thành một nơi an
toàn với bé.
- Đến ngày nào đó con sẽ học và biết cái gì
không nên làm. - mẹ nói với niềm hy vọng, còn Myszka gật đầu. Bé hiểu rõ rằng,
tất cả những gì bé thích nhất đều bị cấm đoán, cho nên bé không muốn học điều mẹ
vừa nói.
Các bậc cầu thang lên phòng Myszka rộng,
thuận lợi, lại còn có tay vịn mà mẹ đã yêu cầu ông thợ mộc làm thêm. Thế nhưng
cầu thang lên tầng áp mái hay xuống tầng hầm thì vừa chật lại vừa dốc.
“Phòng áp mái”, bé lại nghĩ tới sau khi ngủ
dậy được mấy giờ đồng hồ, khi bé đã ăn sáng xong, không còn ngồi bên chiếc đĩa
và sau đó là những thỏi ghép hình nữa, khi dán mắt vào tivi một cách vô ích, đợi
một người nào đó nhảy múa (đúng lúc tất cả mọi người hoặc đang đi hoặc đang ngồi),
khi bé chơi trên nền tiền sảnh, đợi cho tiếng nhạc vọng ra từ phía sau cánh cửa
phòng bố, thế nhưng bố vắng nhà và đàng sau cánh cửa kia hoàn toàn im ắng.
Sau bữa ăn trưa Myszka lại quanh quẩn bên cầu
thang dẫn lên tầng áp mái. Những ý nghĩ không ăn nhập gì với nhau thoảng qua đầu
bé, có những ý nghĩ trôi đi nhanh hơn, có những ý nghĩ trôi đi chậm hơn, và có
một ý nghĩ không để cho Myszka yên lòng.
- Me, amai! - Bé nói trước lúc ăn tối.
- Amai! - Ewa nghĩ ngợi, cố đoán xem lần
này con gái muốn nói gì. Mỗi từ mới đều khiến mẹ mừng, nhưng vẫn là một câu đố.
“amai” là một câu đố khó đoán hơn những câu đố khác. Sau một thời gian Ewa đành
chịu thua và chị bảo con gái hãy chỉ cho mẹ xem “amai”.
- Phòng áp mái hả? - Người mẹ lấy làm ngạc
nhiên. - Trên đó có gì đâu. Chỉ một ít đồ cũ sau khi ông bà qua đời, một cái
kho đồ cũ bình thường...
- Khoooo! - Myszka nói, khi từ mới này làm
bé thích thú. - Amai! - Bé nhắc lại một cách bướng bỉnh.
Bướng bỉnh là một đặc tính bệnh hoạn của
con gái. Ewa đã đọc được điều này trong một tác phẩm y học. Và cho dù tác giả
không giải thích nguyên nhân, Ewa vẫn thấy rằng, bướng bỉnh là kết quả của việc
thiếu tự tin của trẻ em bị bệnh Down. Càng không tự tin một cái gì đó thì trẻ
em bị bệnh này càng bướng bỉnh. Chúng phải bướng bỉnh, đó là cuộc đấu tranh của
riêng chúng với nỗi sợ hãi.
- Thôi được, sẽ có phòng áp mái. - Ewa nói
và chìa tay mình cho Myszka.
Các bậc cầu thang không đến nỗi đáng sợ như
hai mẹ con đã tưởng, còn tay vịn, lạ thay, thấp đến nỗi Myszka có thể với tay một
cách thoải mái. Tay mẹ trở nên không cần thiết nữa.
- Miii...cooo... - cô bé mừng rỡ.
- Tại sao lại chỉ mình con lên phòng áp
mái? - Mẹ hỏi.
- Khooo... - bé trả lời đúng với sự thật,
khi nó còn chưa nhìn thấy căn phòng này.
Khi bật đèn, nhìn phòng áp mái chẳng có gì
hay ho cả. Đây là một kho đồ cũ, toàn là bàn ghế từ thời ông nội, hư hỏng nặng,
không sử dụng được nữa. Trong các thùng các tông chất đầy những đồ vật mà theo
Ewa và Adam không thích hợp với ngôi nhà mới của họ. Có vài chiếc thùng đựng
sách, sách rơi ra ngoài nằm lăn lóc trên nền nhà, là vì cách đây mấy năm, Ewa lục
lọi tìm quyển Kinh thánh. Bây giờ một lớp bụi mềm phủ trên các cuốn sách này.
Thay vào đó, trước khi có ánh đèn sáng, ngắn
thôi, chừng ba mươi giây, trước khi tay mẹ chạm được vào công tắc, phòng áp mái
là một nơi phi thường.
“Thì ra đây”, Myszka nghĩ, “Đây chính là
trên cao”.
Trong vòng ba mươi giây đó Myszka nhìn thấy
một căn phòng rộng, trong đó màu đen có nhiều sắc độ, từ màu xám đen tổ nhện
cho tới màu đen của lớp bồ hóng dính đầy, khiến bé ngạc nhiên, căn phòng sao mà
lắm sắc màu làm vậy. Cho đến nay màu đen chỉ có một: Đêm đen không trăng sao,
cánh quạ đen trên nền tuyết trắng hay lông mèo đen. Ở đây, trong phòng áp mái,
có cảm giác màu đen tạo ra những tấm màn đa dạng, ngăn cách mình với những thế
giới biến đổi. Còn mặt trời chiếu những tia nắng dài qua ô cửa nhỏ vào một vài
trong những tạo vật đó và Myszka kịp nhìn thấy những quái vật óng vàng lạ lẫm,
múa may, được tạo nên bởi vô khối những hạt bụi xoáy tròn. Các quái vật này
hình thù khác nhau và sống động. Tất thảy mọi thứ đó đều biến mất cùng với ánh
sáng nhân tạo tỏa ra từ chiếc bóng đèn điện phủ đầy bụi, nơi mái nghiêng của
ngôi nhà gắn vào nền phòng, nơi chút màu đen còn lại ẩn náu, là còn lại cái gì
đó của cuộc sống trọn vẹn kia của thế giới bí ẩn. Chỉ có ở đây vẫn còn tồn tại.
Khôngbiết là cái gì.
- Mẹ đi đi, mẹ đi đi! - Myszka nói với Ewa.
- Mẹ phải đi chứ gì? Mình con ở lại đây hay
sao? - Ewa ngạc nhiên.
- Miii... cooon... - cô con gái gật đầu.
Thoạt tiên Ewa thấy lo ngại. Nỗi lo vì đứa
con tật nguyền muốn một mình ở trên phòng áp mái là có cơ “một chỗ nguy hiểm, một
chỗ cực kỳ nguy hiểm”, Ewa nghĩ theo nhịp những lời nhắc nhở mà có thời gian cô
thường hay nói với con gái. Thế nhưng ngay lập tức Ewa sực nhớ, đã đến lúc
Myszka tự đi được rồi. Bé tuy chậm chạp, ì ạch, thế nhưng nó đã đi được trên
các bậc cầu thang một cách ngon lành. Trên phòng áp mái không có que diêm để bé
có thể làm cháy cái gì đó, không có những vật quý để bé có thể làm hư hỏng,
cũng không có cửa sổ để bé có thể bị ngã ra ngoài. Duy nhất chỉ có một ô cửa nhỏ,
nhưng lại ở tít trên cao. Thay vào đó Ewa nghĩ, mình sẽ có được phút chốc tĩnh
lặng, một khoảnh khắc dành cho bản thân mình, cái khoảnh khắc lâu nay Ewa thiếu
thốn.
Con gái bám mẹ cả ngày lẫn đêm. Chị bảo mẫu
hay nữ y tá đều bất lực. Theo Ewa, họ không hiểu nổi Myszka. Thậm chí họ có thể
vô tình xúc phạm con bé. Ngoài ra, theo bản năng, chị giấu kín sự tồn tại của
Myszka. Chị giấu con trước các bạn đồng môn thời đại học, trước các bạn gái hồi
còn học phổ thông, trước các bạn cùng cơ quan của Adam. Hễ hai mẹ con đi ra khỏi
nhà là chị phải tìm những nơi hầu như tránh mặt được người quen. Có một hôm,
khi Myszka xem các loài vật trong vườn bách thú vắng tanh (rất may là trời đổ
mưa), bỗng Ewa phát hiện thấy một cô bạn trên lối đi và chị đã nấp sau một chiếc
ghế đá, làm ngơ trước tiếng gọi não nùng của con gái. Và dù hổ thẹn vì phản ứng
này, trước khi đi lại chỗ Myszka, chị đã chờ, đã trốn, cho đến lúc cô bạn khuất
bóng sau lối rẽ. Xấu hổ có nhiều dạng khác nhau, nhưng dạng gì cũng làm chị đau
lòng.
“Phòng áp mái, sao lại không?”, bây giờ Ewa
nghĩ. Chị đã mệt lử. Chị mường tượng, lúc đó mình sẽ làm gì, một chiếc đi văng
thuận tiện, lửa cháy trong lò sưởi, một cuốn sách hay, một tách cà phê và sự
tĩnh lặng. Một giờ, thậm chí hai giờ đồng hồ liền sẽ không có một giọng nhõng
nhẽo nào, không ai đòi hỏi chị một cái gì cả, chị có thể quên đi thế giới của
Chúa. Sau chót, như các cuốn sách cẩm nang dành cho các bà mẹ có con khuyết tật
viết, Myszka phải quen dần với việc tự lập.
- Chúng mình làm thế này! - Chị hồ hởi nói.
- Chúng mình sẽ gọi thợ làm cho một cái chuông đặc biệt, và rồi con có thể chơi
ở trên này một mình. Lúc nào muốn xuống dưới nhà thì con bấm chuông. Còn bây giờ
hai mẹ con mình đi xuống dưới.
Myszka lắc đầu tiu nghỉu. Bé há hốc miệng,
Ewa biết ngay là bé lại lên cơn điên không chịu nổi. Tiếng hét liên hồi, đứt đoạn,
dữ tợn, khủng khiếp bay lên không trung. Thét lên như vậy là Myszka muốn thể hiện
nỗi đau của mình trước thế gian.
Trong cơn điên như thế này, bé cào cấu, bé
đấm đá mẹ (...trẻ em bị bệnh Down khi nỗi sợ hoặc sự thiếu tự tin tăng cao thường
nổi cơn điên, Ewa đã đọc được như vậy trong một cuốn sách. Lúc nào cũng vậy, hễ
tìm được trong sách một đoạn mô tả có liên quan đến hành động không bình thường
của Myszka là Ewa cảm thấy dễ chịu một cách lạ lùng. Quả là một nghịch lý, cái
không bình thường trở nên bình thường, cho dù không kém phần nặng nề).
- Con đừng lo, mẹ hứa, ngày mai chúng mình
sẽ làm một cái chuông, mẹ nói thật đó. Đã ngày mai rồi đó! - Ewa nói ngay để chặn
cơn điên. Và thế là ổn. Hai mẹ con đi xuống dưới nhà.
Thế nhưng trước khi lắp chuông (việc này
không phải ngày hôm sau, mà bốn ngày sau mới làm được, và Ewa có thể nghe tiếng
chuông cả ở trong nhà bếp, trong nhà tắm lẫn trong phòng ngủ và phòng khách, thậm
chí ở phía trước nhà) Myszka quên khuấy phòng áp mái, bao giờ cũng vậy, bé rất
chóng quên mọi chuyện. Chỉ có vài thứ còn đọng lại được trong đầu của bé. Mãi đến
hôm ông thợ điện thử chuông, Myszka lại nhìn thấy phòng áp mái trong khoảnh khắc
ngắn ngủi và diệu kỳ nọ trước khi mẹ bật đèn.
Đêm hôm đó, trong giấc chiêm bao bé trèo
lên cao, bé bay lên cao, rồi sau đó bé nhảy múa trong ngôi vườn huyền diệu, giữa
những lùm cây ngập tràn ánh nắng mặt trời. Sáng dậy, lúc ăn sáng bé nói một
cách tự tin:
- Phòng áp mái.
Sau bữa cơm trưa, hai mẹ con mới leo lên
phòng áp mái. Ewa quan sát, con gái thực sự xúc động, chậm rãi leo lên cầu
thang dốc, bám vào tay vịn. Ewa thở phào, mở cửa phòng áp mái rồi bật đèn. Tiếp
đó mẹ chỉ cho Myszka chiếc chuông điện. Rồi chiếc tiếp theo, chiếc thứ ba và thứ
tư. Trong trường hợp Myszka quên thì đã có mấy chiếc chuông đặt ở nơi dễ thấy.
- Mẹ đi đi, mẹ đi đi, con một mình... - Myszka,
vẻ sốt ruột nói.
Ewa thở dài lo ngại, đi xuống dưới nhà. Trời
nhá nhem.
Và buổi
tối tiếp theo của ngày đầu tiên đã đến.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét