Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Quà của Chúa - Ch 13

Quà của Chúa  

Tác giả: Dorota Terakowska
Dịch giả: Lê Bá Thự
Nhà xuất bản Phụ nữ - tháng 4-2009


Chương 13

Ngày Thứ Bảy - Adam và Ewa

Adam vẫn còn một ngày phép nữa. Anh đã phí mất một ngày ở nhà dưỡng lão Mùa Thu Đẹp để trò chuyện với bà già xa lạ. Adam chẳng biết còn có thể làm gì nữa để chuyện hiểu lầm kia được sáng tỏ. Đưa Ewa đến để nhận mặt bà già thì không ổn rồi, còn bản thân Adam lại không nhớ. Chín năm là quá lâu đối với một đứa trẻ và một người già. Adam không biết và không thể khẳng định đây có phải, như cô nhân viên thường trực cùng cô y tá muốn, là bà của mình bị loạn trí, hay chỉ là một bà già không quen biết có hai đứa cháu mà thôi.
Anh đã phí mất cả một ngày trời, thế mà bây giờ lại còn thêm một đêm mất ngủ trong cái khách sạn thiếu tiện nghi ở vùng khỉ ho cò gáy này. Khó ngủ, Adam bực bội, điều hòa nhiệt độ không hoạt động, cửa sổ không mở được, chỉ cần một người khách nào đó trong khách sạn mở vòi nước là hệ thống ống nước trong cả ngôi nhà liền rú lên như thổi kèn, còn các cánh tủ quần áo trong hàng chục căn phòng phát ra tiếng kêu khó chịu. Ngoài kia, bên ngoài khách sạn, các gã say la hét om sòm và chó sủa không ngớt. Nằm trằn trọc không ngủ được, Adam suy nghĩ miên man, tại sao tiếng la hét của những gã say và tiếng chó sủa ở bất kỳ nơi nào trên trái đất cũng giống hệt nhau đến như vậy.
Sau đó Adam lại phí thêm một ngày nữa. Hóa ra có một địa điểm trùng tên. Địa điểm đích thực, nơi có bệnh viện tại đây bốn mươi năm về trước đã xác minh việc bố mẹ Adam bị tử vong, thì còn phải đi vài trăm cây số nữa và ở vùng khác. Còn ở đây, nơi Adam phải đi vất vả mới tới được, thì không có một bệnh viện nào. Tại vì suốt nhiều năm ròng khi Adam còn là một cậu bé, Adam thường nhìn đăm đăm vào một điểm không đích thực trên bản đồ và đinh ninh trong bụng mình đang được ở bên bố mẹ. Chẳng biết do phép màu nào mà Adam lại lôi ra từ trí nhớ của mình cái tên của tỉnh lỵ mà hồi trước bà có nói tới, và anh đi tới kết luận, giống như hồi trước ngón tay anh đã chỉ nhầm địa điểm trên bản đồ, bây giờ anh đang bị nhầm địa điểm trên thực địa.
“Chẳng những mình không biết nhận mặt bà mà ngay cả địa điểm bố mẹ qua đời mình cũng xác định sai”, Adam nghĩ, bực mình, cảm thấy tất thảy mọi thứ đang hùa nhau phản lại anh, kể cả bản đồ và trí nhớ của chính mình.
Adam nhớ, khi còn là một đứa bé, anh nằng nặc đòi bà phải cho anh đi tới địa điểm xa xôi, nơi bố mẹ đã đâm xe vào một gốc cây to ở bên lối rẽ, góc hẹp. Nhưng bà không cho đi.
- Đến đó mà làm gì hả cháu? Làm vậy bố mẹ cháu cũng có sống lại được đâu. - Bà nói như thế khi Adam chỉ là một đứa bé, và cả sau này, khi anh đang học đại học, thì về nguyên tắc, anh đã có thể tự mình quyết định mọi chuyện. Bà không đáp lại các câu hỏi của Adam, không muốn trả lời, không mặn mà hoặc lờ tịt. Hôm nhận dạng thi hài bố mẹ bà không cho đi đã đành, nhưng hôm tang lễ bà cũng không cho đi nốt.
“Tại sao mình lại đi vâng lời bà?”, Adam nghĩ. “Vì mình không muốn nhìn cái cây đã giết chết bố mẹ mình chăng?”
Đúng là hồi đó Adam không muốn nhìn. Bây giờ cũng không. Thế nhưng Adam đã quyết định nếu cái cây đó vẫn còn sống, nếu chưa có ai chặt cây đó đi, (bốn mươi năm là nhiều đối với một con người, nhưng chẳng là bao đối với một cái cây cổ thụ), thì nhất định anh phải đến xem cái cây này. Tuy nhiên, điều quan trọng số một lúc này là bệnh viện.
“Sau khi bố mẹ qua đời liệu có còn vết tích gì trong bệnh viện này hay không? và ở đó người ta có lưu trữ hồ sơ hay không? Liệu hồ sơ về bố mẹ có đang nằm đâu đó dưới tầng hầm, bị mục nát do ẩm mốc, hoặc hư hỏng vì không được bảo quản và không ai chịu tìm kiếm, kể cả khi mình trả công hay không?”. Adam suy nghĩ khi đang trên đường đi tới địa điểm đích thực. Trước đó Adam đã gọi điện thoại di động và biết chắc rằng ở đó có một bệnh viện, bệnh viện này đã không trở thành nạn nhân của bất kỳ một cải cách nào và không bị phá phách. Tóm lại, đó là một bệnh viện địa phương không lớn. Vẫn đang tồn tại và tiếp nhận bệnh nhân.
“Bố mẹ mình đến đó để tìm cái gì nhỉ?”.
Suốt cả cuộc đời, Adam đã đặt cho mình câu hỏi như vậy. Bà thì không bao giờ chịu nói về chuyện này rồi.
“Một khi bố mẹ đi, thì rõ ràng là bố mẹ phải đi chứ còn gì”! Bà nói vậy và ngay lập tức lảng sang chuyện khác, rõ ràng là bà không muốn nói đến chuyện này. Chắc bà nghĩ, làm rối tung chuyện cái chết của bố mẹ sẽ có ảnh hưởng xấu đối với cậu con trai. Mà có khi ảnh hưởng xấu đến cả bà nữa cho nên bà lẩn tránh chăng? Tóm lại, người mẹ của Adam là đứa con gái yêu quý độc nhất của bà.
Một thị trấn nhỏ, một bệnh viện không lớn và bất thình lình một cái cây, cách bệnh viện chừng hai trăm mét bên lối rẽ gấp. Không có gì là lạ khi người ta chở ngay bố mẹ đến đó...
“Còn sống hay đã chết nhỉ?”, Adam cố nhớ lại, nhưng anh không còn nhớ là thế nào. “Hình như một trong hai người (ai?) còn sống thêm được một hoặc hai ngày nữa”. Có một điều chắc chắn tại bệnh viện người ta đã làm khám nghiệm tử thi. Trong hồ sơ tai nạn bà cất trong hộp đựng của quý của bà, từ lâu Adam đã nhìn thấy những tên gọi rất dài, nhạt mờ, bằng tiếng la tinh, Adam không biết giải mã những từ này, mực nhòe, thế nhưng đó là chứng tích sau khi làm khám nghiệm y khoa.
Sau nhiều giờ xe chạy, Adam tới một quảng trường trung tâm không lớn, một loại quảng trường thường gặp ở các thành phố nhỏ ở Ba Lan. Cũng giống như các quảng trường khác cùng loại, quảng trường trung tâm này khá đẹp, nhưng Adam không có thời gian mà cũng không có hứng thú để chiêm ngưỡng. Anh ghi nhận bằng mắt sự hiện diện của một khách sạn chắc là tồi tàn, nơi anh sẽ tới trọ đêm nay, rồi anh đi tiếp theo bảng chỉ đường. Bệnh viện là một tòa nhà rất quan trọng ở nơi này, đến nỗi có cả bảng chỉ đường đi tới đó.

* * *

- Hoa ở đâu thế con? - Ewa hỏi khi hai mẹ con từ phòng áp mái đi xuống dưới nhà. Myszka nắm chặt trong tay một bông cúc cam.
“Màu vàng cam ư? Như ánh đèn hậu phản quang của xe đạp”, Ewa nghĩ và buột miệng nói: “Không có loại hoa nào như thế này”.
- Đưa mẹ xem nào! - Mẹ nói với Myszka nhưng bé phản đối bằng tiếng thét dị thường tức tối. - Mẹ chỉ xem thôi, mẹ sẽ trả lại cho con. Con nói cho mẹ biết đi, con lấy ở đâu ra hoa vậy? - Ewa kiên nhẫn nhắc lại.
- Vư... - Myszka đáp.
- Mẹ có trồng hoa này trong vườn đâu? - Ewa nói giọng mệt mỏi khi bất thình lình chị nhận ra Myszka bao nhiêu tuổi thì ngần ấy năm chị đã không trồng hoa.
Ewa cảm thấy mình có lỗi. Tai họa thoạt tiên do việc sinh con gái gây nên đã đụng tới không chỉ vợ chồng chị, mà cả ngôi nhà, thậm chí cả ngôi vườn. Đây là ngôi vườn mà cách đây chín năm vợ chồng chị đã thuê hẳn một công ty trang trí thiết kế hết sức độc đáo để làm cho nó trở thành một khu vườn “huyền diệu”. Người ta chở tới đây những mảng cỏ xanh được đặt trên lưới mềm, để vợ chồng chị khỏi phải chờ cho cỏ mọc thành một “bãi cỏ xứ Anh” thứ thiệt. Trước khi hai vợ chồng quyết định tạo hình của ngôi vườn, họ đã tham khảo rất nhiều tranh ảnh quảng cáo và tạp chí.
“Và mọi cái đó để mà làm gì khi bây giờ ở đó chẳng còn gì nữa cả. Không cần một tai họa nào, không cần một trận mưa đá nào, không cần một cơn lốc xoáy nào, không cần một trận băng giá Siberie nào. Chỉ cần sinh ra đứa con”. Ewa nghĩ một cách mỉa mai. Bỗng nhiên chị nhận ra đẳng cấp cuộc sống của chị đã thay đổi quá nhiều. “Như thế tốt hay xấu?”, Ewa suy nghĩ, song không biết trả lời câu hỏi này.
- Vư... - Myszka nằng nặc đòi.
Dẫu đã dốc sức dạy con phát âm, Ewa vẫn không thấy Myszka tiến bộ, con gái vẫn nuốt mất nhiều âm tiết. “Không ai có thể đoán vư... có nghĩa là gì”. Ewa nghĩ, bất lực “Phải chăng con gái tự hiểu mình là đủ rồi?”
- Vư... - Myszka kiên trì nhắc lại, giơ tay đưa hoa cho mẹ.
Ewa đứng nhìn màu vàng cam chói lọi của bông hoa, nghĩ tiếp: “Những cuộc khiêu vũ từ thiện, những chiến dịch quyên góp của cộng đồng, các trường liên kết, chỉ nhằm cho bệnh tật giảm thiểu, tật bệnh không làm khổ ai và không làm mất đi khát vọng của con người”.
- Vư...! - Myszka hét to, nắm tay đấm mạnh vào tường, lết ra phía cửa.
Ewa tự động bước theo Myszka, con mèo Mia nhảy nhót quanh chân hai mẹ con. Ra đến phía trước ngôi nhà, họ rẽ sang góc, nơi có thời đã từng là ngôi vườn được chăm sóc cẩn thận của họ.
- Ở đó chỉ có cây gai, cỏ gấu và cỏ dại. - Ewa nói. - Bị gai đâm, đau, rát rồi con lại khóc cho mà xem.
Myszka lắc đầu. Hai mẹ con đi về phía chiếc cổng phụ làm bằng gỗ chỗ bức tường cao, bức tường che khuất một nơi mà từ mấy năm nay Ewa không hề đặt chân tới. Đó là một mảnh đất khá rộng, khoảng hai ngàn mét vuông, tường bao quanh được xây bằng đá trắng, đẹp và sang trọng. Khi xây nhà Adam đã mua thêm mảnh đất này rồi xây tường bao, khá cao, ngăn cách với chung quanh, những mong đây sẽ là “chốn trốn thế gian” của họ, sẽ là “ngôi vườn mơ ước” với bãi cỏ xanh mịn màng, nhẵn nhụi, một hồ nước nhỏ, những bồn hoa sang trọng, các hòn non bộ và vô vàn những khóm hoa khoe sắc. Thoạt tiên Ewa mường tượng một ngôi vườn không phải như thế này. Sẽ là một vườn cây cối rậm rạp, hoang sơ và tự nhiên, một ngôi vườn có sự tham gia tích cực của bàn tay lao động của họ, nhất là của trí tưởng tượng của họ, thế nhưng Adam kiên quyết giữ nguyên bản thiết kế khu vườn hạng sang, khu vườn điển hình cho các nhà biệt thự thành phố. Dù vậy Ewa đã có thể thay đổi chút ít bản thiết kế này, chẳng hạn thay đổi một số chi tiết đối xứng một cách khiên cưỡng, chí ít ở mức độ khiến Ewa có thể thấy thích khu vườn này.
“Và mình đã ruồng bỏ khu vườn này”, Ewa nghĩ. “Lần cuối cùng mình đóng cánh cổng này cách ngày sinh Myszka bốn ngày”. Cách đây khoảng chín năm về trước. Khu vườn mơ ước đã biến thành khu vườn bãi chiến trường. Thành vương quốc của cây gai và cỏ gà.
Hai mẹ con tiến gần đến cổng phụ xây trong bức tường. Ewa ngửi thấy mùi thơm. Mạnh và kích thích.
“Cỏ dại mà thơm còn hơn các loài hoa”, Ewa lấy làm ngạc nhiên, đẩy mạnh cánh cửa. Hai mẹ con bước vào trong.
Trời nhá nhem, cho nên mọi sắc màu có phần dịu bớt, dẫu vậy hoa trong vườn vẫn tỏa sáng như bông cúc trên tay Myszka. Những bông hoa như vậy nhiều vô kể. Hoa ngập tràn khắp vườn, trên những luống đất gồ ghề tự nhiên, nom như một rừng hoa. Hoa cúc màu vàng cam, hoa diên vĩ màu vàng, hoa mua gam màu lạnh, hoa hồng đỏ ấm áp, hoa huệ trắng ngần... Đây đó thấy có những cây gai, song không có cảm giác đó là cỏ dại, Ewa nghĩ chúng mọc có lẽ vì có ai đó thích tất thảy những loại hoa này muốn ngoi lên mặt đất đều được mọc ở đây. Và tất thảy mọi loài hoa đó gộp lại tạo nên mùi thơm ngào ngạt, ngay cả những loại nước hoa hảo hạng nhất cũng không bì nổi. Dù đã hoàng hôn, Ewa vẫn còn nghe thấy tiếng vo ve của ong mật, tiếng vo vo của ong đất, vẫn còn nhìn thấy những cánh bướm tung bay. Chim hót líu lo trong vườn và Ewa có cảm giác âm hưởng của một bản nhạc được trình tấu hài hòa đang bay vút lên bầu trời nhá nhem, bản hợp xướng chào cuộc sống, được một nhạc sĩ vô danh phối khí rất tuyệt vời.
- Khu vườn đã được cứu vớt! - Ewa hét to, vừa ngỡ ngàng, vừa vui mừng. - Khu vườn tự mình cứu mình đang ở trước mặt. - Chị nói tiếp.
Bỗng nhiên Ewa cảm nhận năng lượng đang tỏa ra từ những cây cỏ trong vườn. Đó là ý chí sinh tồn của chúng, tình yêu mỗi ngày mỗi đêm của chúng, sự kiên trì chờ đợi những tia nắng ban mai và những giọt sương đêm của chúng. Đó là khát vọng sống của chúng bất chấp tất cả.
“Khu vườn vẫn sống, bởi nó không chịu đầu hàng”, Ewa chợt nghĩ.
Việc chấp nhận số phận một cách thụ động và vô song, giờ đây đã biến thành cùng với mỗi lần hít thở hương thơm của hoa cỏ trong vườn, cảm giác lạ thường của sức mạnh. Thực ra, Ewa có xem Myszka là thất bại của cuộc đời mình đâu! Việc chị chăm sóc con, việc chị làm mọi cách để hiểu được con, trước tiên là bằng tình cảm, sau đó bằng lời nói, việc dạy cho con biết được tới ngần ấy thứ mà không một đứa trẻ tật nguyền nào ở mức độ như Myszka biết được, chưa kể con gái còn bị một vết thâm đen trong não nữa, đâu phải là những nguyên do để bảo là chị đã thất bại, trái lại, đó là những nguyên do để bảo rằng đó chính là niềm tự hào! Tại sao Ewa đã phải sao nhãng việc chăm sóc nhà cửa, sao nhãng việc chăm sóc bản thân mình, sao nhãng những sở thích và đam mê của mình, tại sao?
“Mình sẽ sửa chữa tất cả”, Ewa quyết định, cảm thấy một nghị lực phi thường đang thấm vào người chị.
- Nhaaa... - Myszka nói, đoạn chìa hai tay cho mẹ.
Ewa cũng chìa hai tay của mình cho con gái. Ewa không biết từ này có nghĩa là gì, tuy vậy chị cảm nhận theo thói quen, biết mình phải làm gì. Hai mẹ con nắm tay nhau xoay tròn, một vòng, hai vòng, ba vòng, sau đó Ewa nhấc một tay Myszka lên cao và xoay tròn cô con gái mấy lần làm động tác quay tròn. Myszka cười thích thú. Bây giờ người mẹ nắm lấy hai tay con gái và cả hai mẹ con cùng xoay tròn, khu vườn hát theo nhịp nhảy của họ. Khu vườn hát bằng giọng hót của các loài chim, bằng tiếng rì rào của gió, tiếng vo ve nhỏ nhẹ của các loài côn trùng, tiếng lao xao của lá cây.
- Chúng mình có khu vườn! Khu vườn của chúng mình! - Ewa hét to cùng con.
- Cho... - Myszka nói.
- Mẹ phải cho cái gì nào? - Ewa cười.
- Vư... - Myszka trịnh trọng nói.
Đúng thế, có ai đó đã ban cho họ khu vườn. Ewa công nhận, không cần suy nghĩ, lời Myszka vừa nói có nghĩa gì. Không nghi ngờ gì nữa, thời gian chính là người ban phát này. Thời gian đã cứu vớt khu vườn. Và tại khu vườn này thời gian đã trôi theo cách khác. Thậm chí Ewa không nhận ra đêm đã về khuya từ lúc nào.
- Mẹ con mình phải quay về nhà thôi, muộn rồi! - Ewa nói với con gái, lúc này vẫn còn đang thở hổn hển vì vừa nhảy xong. - Ngày mai hai mẹ con mình lại ra đây. Rốt cuộc chúng mình có một nơi muốn làm gì tùy thích, nơi không một ai tò mò nhìn chúng mình!
- Phòng áp mái. - Myszka nhắc mẹ.
Ewa không đáp lại con gái, nhưng giờ đây chị nghĩ khi hai mẹ con phát hiện được khu vườn thì chị dứt khoát sẽ không để cho Myszka ở lì trên căn phòng tối tăm, ngột ngạt và bụi bặm kia nữa. Tuy nhiên người mẹ không nói một lời nào.
Lúc đêm khuya, khi Myszka đã ngon giấc, Ewa lặng lẽ leo lên các bậc cầu thang, khóa cửa phòng áp mái lại, chìa khóa chị cất trong hộp trà đã hết, đặt trên cao, trên nóc tủ đựng thức ăn.

* * *

Adam lật mình trên chiếc giường loại xoàng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bực bội và buồn phiền. Một khách sạn tồi hết chỗ nói, thế nhưng ở một thị trấn nhà quê như thế này thì còn đòi hỏi gì nữa nào? Có khách sạn đã là may lắm rồi. Các cửa sổ đóng kín bưng, khi nhìn gần thì hóa ra người ta đã đóng đinh cố định (chắc các quả đấm không dùng được, cho nên một nhân viên nào đó của khách sạn đã đóng đinh “để bảo vệ” cửa khi có gió).
Trong phòng nồng nặc mùi hôi của chăn nệm bị yếm khí và mùi hôi của khói thuốc lá do hàng trăm khách đã từng ngủ trong phòng để lại. Đệm giường chỗ lồi chỗ lõm, một cái hố sâu giữa đệm chứng tỏ số lượng khách đã từng ngủ trong căn phòng này. Adam kinh tởm nhìn chiếc giường này, như anh đã kinh tởm quần áo của người khác, chăn gối lạ, bát đĩa rửa dối của nhà hàng, cốc chén đã có người sử dụng và Myszka. Tức mình, Adam lấy chăn len trải xuống nền nhà, đặt gối và chăn bông lên đó đoạn nằm thẳng cẳng.
Cũng như ở nhà dưỡng lão, cuộc viếng thăm bệnh viện chẳng đem lại kết quả gì. Ngay phút đầu, mới nói được vài lời, người đàn bà ở phòng thường trực đã nhìn Adam một cách kinh ngạc.
- Tai nạn cách đây trên bốn mươi năm! Anh muốn lục lại hồ sơ? Tại đây? Ở bệnh viện của chúng tôi?
- Người ta đã đưa bố mẹ tôi về đây mà. - Adam nói.
- Còn sống hay đã chết? - Người đàn bà hỏi, Adam có cảm giác hình như chị ta hỏi vì tò mò hơn là muốn giúp đỡ.
- Tôi không biết? - Adam buồn rầu đáp.
- Anh bảo là bố mẹ anh, thế mà anh lại không biết là đã chết như thế nào hay sao? - Người đàn bà, với sự thật thà của một người tốt bụng, nhưng vô giáo dục, lấy làm ngạc nhiên.
- Bố mẹ tôi lao xe vào một cái cây cách đây không xa lắm. Chừng hai trăm mét thôi.
- Cây Sồi Góa Bụa! - Người đàn bà thốt lên.
- Sao? - Bây giờ đến lượt Adam ngạc nhiên.
- Tôi nói chắc đó là Cây Sồi Góa Bụa. Chúng tôi gọi cây cổ thụ mà chắc anh phải đi ngang qua, nhưng anh không để ý, bằng cái tên như vậy. Có thời cây này ở vị trí ngay bên lề đường, nhưng con đường đã được di chuyển từ nhiều năm nay. Có quá nhiều tai nạn đã xảy ra ở đó. Mẹ tôi từng kể cho tôi nghe, cây này là một cây khủng khiếp như thế nào, - người đàn bà hứng khởi kể. - Hình như nó mọc theo kiểu, xe mà đi với vận tốc cao thì đừng hòng thoát khỏi nó. Nó chắn ngay sau lối rẽ. Khi càng ngày càng nhiều tai nạn xảy ra ở chỗ đó thì người ta đã quyết định hoặc phải chặt cây sồi đi, hoặc phải xê dịch con đường. Người ta đã chọn phương án hai, vì Cây Sôi Góa Bụa là di tích thiên nhiên.
- Cây Sồi Góa Bụa? - Adam nhắc lại.
- Chỉ nguyên thời mẹ tôi còn sống đã xảy ra mười lăm vụ tai nạn chết người ở chỗ này và cũng ngần ấy vụ mà nạn nhân chỉ nhờ có phép màu mới thoát khỏi tử thần. Thời cụ bà bên ngoại nhà tôi còn sống, rất nhiều xe ngựa, xe trượt tuyết, thậm chí người cưỡi ngựa, đã đâm vào cây sồi này. Còn trước đó nữa... Ai mà biết được trước đó còn có những gì khi cây sồi đã năm trăm tuổi? Chắc chắn bố mẹ anh đã lâm nạn ở chỗ này vì người ta đã làm con đường mới cách đây chừng ba mươi năm.
Bây giờ khi hóa ra Adam nói về một trong những thảm họa hồi trước, những thảm họa đã từng kích thích óc tưởng tượng của một thị trấn nhỏ, người đàn bà sẵn lòng trò chuyện, mỗi vụ tai nạn được người đàn bà này bình phẩm bằng giọng điệu hết mực ly kỳ, nhớ nhập tâm hàng năm nay.
- Cách đây bốn mươi năm? - Người đàn bà lẩm bẩm, lục lại trí nhớ. - Trong số những tai nạn mà tôi còn nhớ, người ta đã kể cho nhau nghe trong một thời gian rất lâu về một cặp vợ chồng trẻ đã đi qua đây trong một chuyến đi hưởng tuần trăng mật...
- Thế thì không phải là bố mẹ tôi rồi. - Adam ngắt lời người đàn bà.
- Về một chàng trai lấy trộm xe hơi của bố mẹ, sau đó tự giết mình và hai cô gái...
 Adam thở dài, chuẩn bị nghe những ký ức dài dòng.
- Và về một cặp vợ chồng cùng đứa con. - Người đàn bà hào hứng kể tiếp.
- Chỉ bố mẹ tôi đi với nhau thôi. - Adam khẳng định vẻ mặt dửng dưng. - Tôi ở nhà với bà.
- Họ tìm kiếm cái gì ở đây nhỉ? Chẳng phải đi nghỉ? Không phải đường tắt ngang. - Người đàn bà lẩm bẩm, còn Adam im lặng. Điều này anh cũng chẳng biết.
Người đàn bà lại cố nhớ.
- Ai mà biết được người ta có chuyển hồ sơ lưu trữ xuống dưới tầng hầm hay không. Người ta đã hủy chúng rồi hay là chưa? Không có quy định phải giữ loại hồ sơ như thế này tới ngần ấy năm, mà chả biết chừng nào có khi chị Jadwiga vẫn còn giữ lại.
- Jadwiga? - Adam chộp luôn.
- Cán bộ lưu trữ của chúng tôi. Chị ấy nghỉ hưu rồi. Nhưng trước khi về nghỉ, chị ấy đã sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ. Anh biết không, đây là một con người lúc nào cũng cẩn thận. Bây giờ không có những người như thế đâu! - Người đàn bà nói tiếp sau giây lát suy nghĩ.
- Bây giờ đã có máy vi tính làm việc này. - Adam nói.
- Ừ! - Người đàn bà tán thành, chẳng vui vẻ gì.
- Vậy tôi phải tìm bà Jadwiga này ở đâu được đây?

* * *

Jadwiga, một bà già năm nay đã trên sáu mươi, đúng là bây giờ đã có hai máy vi tính thay thế bà ấy. Nhưng bà ấy vẫn tiếp tục làm việc, bà ấy mở một buffet nhỏ trong bệnh viện, phục vụ nhân viên và bệnh nhân.
- Bốn mươi năm, anh bảo... - Bà Jadwiga vẻ đăm chiêu, lẩm bẩm. - Hồi đó tôi chừng hai mươi ba... Tôi nhớ hết. Anh có biết không, tất cả những người lao vào cây Sồi Góa Bụa đều được đưa tới bệnh viện chúng tôi. Nói thật với anh, người ta xây cái bệnh viện này chủ yếu là nhằm như vậy. Bệnh viện và nhà xác. Một ông địa chủ ở địa phương đã bỏ tiền xây bệnh viện này từ hồi thế kỷ mười chín kia, và người ta cứ giữ như thế cho đến tận bây giờ. Ai chết thì có nhà xác, ai sống sót thì có phòng phục hồi chức năng.
Adam ngước mắt nhìn, còn bà Jadwiga giải thích:
- Phòng phục hồi chức năng, chúng tôi gọi như vậy. Khi ra khỏi phòng này, người thì sống, kẻ thì nhắm mắt xuôi tay... Thế xe của bố mẹ anh màu gì? - Bất thình lình bà Jadwiga hỏi theo kiểu đàn bà.
Adam trả lời không cần suy nghĩ:
- Màu xanh lá cây.
Trước mắt Adam lại hiện lên hình ảnh anh thò đầu qua cửa sổ, bà giữ chặt hai vai, và bố mẹ cùng con chó nâu lông xù ngồi vào xe. Mẹ vẫy tay chào tạm biệt. Adam vẫn nhớ mẹ như thế này, mẹ mặc chiếc váy sáng màu, tóc mẹ bay bay, mẹ cười khi nhìn về phía con trai, tay mẹ đặt lên đầu con chó. Mẹ đâu có biết nụ cười này của mẹ, cử chỉ này của mẹ đã mãi mãi đọng lại trong tâm trí của Adam và trong tâm trí đó, mẹ không bao giờ có một cử chỉ nào khác nữa.
- Hai người trạc ba mươi tuổi, đúng không?
- Bố ba mươi tư, mẹ ba mươi. - Adam nói.
- Có một đôi như vậy, nhưng họ đi cùng với một đứa con. Người cha và đứa con chết ngay tại chỗ. Người mẹ còn sống thêm được một ngày. Lúc đó chị ta rất yếu. Liên tục hỏi về chồng và con mình.
- Thế thì không phải bố mẹ cháu rồi. Bố mẹ cháu chỉ có con chó thôi.
- Chó có thể bỏ chạy...
- Cháu chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với con chó. - Adam nói, có phần thấy lạ là hồi đó anh đã quên khuấy mất con chó. Vì là một đứa bé anh phải rất quý con chó mới phải.
Theo đề nghị thiết tha của Adam và sau khi dúi vào tay bà già tờ bạc mới, buffet đóng cửa, bà Jadwiga đi cùng Adam xuống tầng hầm. Trong căn phòng rộng, ẩm ướt, bên cạnh những đường ống lạnh lẽo của hệ thống lò sưởi nước ngưng tụ chung quanh, thấy những thùng các tông cỡ lớn đựng hồ sơ cũ. Chị nhân viên thường trực nói không sai. Bà Jadwiga quả là một người rất cẩn thận. Bên ngoài mỗi thùng hồ sơ đều có ghi rõ năm nào, cho nên họ không gặp khó khăn gì trong việc tìm ra chiếc thùng bên trong có đựng hồ sơ về bố mẹ Adam. Và họ đã tìm được ngay. Trong một chiếc cặp màu xám có quai buộc.
- Bị ẩm mục như thế này đây... - Bà Jadwiga lắc đầu. - Người ta đã cẩn thận xếp theo vần và cho vào từng chiếc cặp, thế mà họ quăng xuống tầng hầm... Để hư hỏng. Mỗi trang giấy là một cuộc đời của ai đó chứ chẳng chơi.
Cuộc đời của bố mẹ Adam được gói ghém trong ba trang giấy nhưng họ của hai người chỉ có thể suy đoán mà thôi.
- Mấy chữ cuối là “icz” vậy thì có thể khớp! - Bà Jadwiga nói không chắc chắn khi nhìn vào những vết mực bị nhòe. - Mẹ là Maria à?
- Vâng! - Adam nói, nín thở. - Maria....
- Maria, kleks, icz. Họ tên mẹ chỉ còn lại có thế. - Adam nghĩ.
- Maria được chở tới bệnh viện lúc 13h40. Mất vào ngày hôm sau, lúc 23h25.
Adam im lặng, anh nghĩ về những thời khắc khi mẹ anh, tỉnh, bất tỉnh? Mẹ nằm trên giường trong căn phòng của bệnh viện nhỏ này. Mẹ đã cảm thấy gì? Mẹ có kịp nghĩ về con trai không? Mẹ có nghĩ là mẹ sẽ chết và không bao giờ nhìn thấy mặt con nữa không? Mẹ sẽ bỏ con? Để con ở lại một mình? Và rằng con trai chỉ mới năm tuổi đầu và rất cần có mẹ?
- Tôi đã bảo, là có ba người. - Bà Jadwiga ngắt lời Adam. Kính trễ xuống mũi, bà phân tích dấu vết duy nhất về bố mẹ của anh, bị nhòe do ẩm mốc, đóng khung trong ba tờ giấy mục.
- Anh xem, ở đây vẫn còn hai người nữa và có lẽ cả hai cùng họ chăng? Đuôi “icz” ở tờ giấy thứ hai bị nhòa, thế nhưng khớp với chữ đầu tiên. “R...”, anh thấy không? Trường hợp thứ nhất là một người đàn ông, thậm chí chúng ta có cả tuổi của người này, ba mươi tư tuổi. Trường hợp thứ hai, tuổi bị nhòa... Khoan... Cũng là đàn ông. Hoặc trẻ con? Bé trai? Ai mà biết được bao nhiêu tuổi khi cột “tuổi” bị nhòa? Nhưng cả hai chết cùng thời gian, ở đây ghi rõ là do bị tai nạn. Có điều cả ba tờ giấy đều được ghim lại với nhau, cho nên cả ba trường hợp đều thuộc về một tai nạn. Chắc là một gia đình. - Bà Jadwiga nói tiếp, rất say sưa, điều Adam không hiểu nổi. Mặt bà đỏ ửng, miệng bà cười. Adam nhớ bà ta đã không nói gì đến cái chết bi thảm của mấy nạn nhân, bà chỉ nói là hồi đó bà ta còn trẻ. Khi người ta chở bố mẹ anh đến bệnh viện, người đàn bà trên sáu mươi tuổi này mới hai mươi ba tuổi. Bà ta còn trẻ, có khi xinh nữa là đằng khác, tràn trề hy vọng và sức sống. Phía trước bố mẹ anh lúc đó chẳng còn gì nữa cả, còn phía trước người đàn bà này là tất cả. Cho nên bây giờ mắt nhìn vào đống hồ sơ mục nát mà có thời đôi bàn tay trẻ trung mịn màng của bà từng cầm, bà ta cười với những ký ức. Adam không coi việc bà ta làm vậy là xấu. Nhưng anh cải chính sự nhầm lẫn:
- Không thể có ba người được.
- Thế mà ở đây có ba người mới lạ? - Bà Jadwiga khăng khăng nhắc lại.
Bất thình lình trong đầu Adam lóe lên một ý nghĩ.
 - Hay là bố mẹ mình đã cho một khách du lịch lữ hành đi nhờ xe... - Adam bắt đầu, sau giây lát anh nói tiếp. - Hay là bố mẹ lao xe vào cây vì định tránh một người khách bộ hành? Và nếu như... - Adam ngừng, lúng túng.
- Nếu như xe chẹt chết người này. - Bà già nói tiếp. - Anh hỏi, chuyện gì khả dĩ xảy ra nếu bố mẹ anh đã chẹt một người nào đó? Liệu người ta có chở cả ba cùng đến bệnh viện? Hẳn là như vậy.
- Người đó có thể say rượu... có thể láng ra mặt đường. - Adam nói theo lối biện giải. Ngay cả bây giờ Adam cũng không muốn, sau nhiều năm, đồng ý với ý nghĩ cho rằng tự mình gây ra tai nạn, bố mẹ anh còn làm thiệt mạng một người khác nữa.
Giọng nói tỉnh táo của bà Jadwiga ập vào đầu đang nghĩ loạn xạ của Adam:
- Tôi chỉ biết một điều rằng tôi là một nữ cán bộ có lương tâm, không bao giờ tôi lại làm cái việc ghim hồ sơ của người ngoài vào hồ sơ gia đình người khác.
- Bà thử cố nhớ lại xem... - Adam khẩn khoản đề nghị.
- Hay là... hay là người ngoài này không có giấy tờ tùy thân và theo thói quen tôi ghim hồ sơ của người này vào hồ sơ của bố anh? Vì họ chết cùng nhau, cùng thời gian, phải vậy không nào?
Adam thở dài. Thế thì về căn bản mọi chuyện đã sáng tỏ. Một người đi bộ say rượu hoặc vô ý, cũng có thể là một đứa bé, người lái xe rẽ đột ngột, nhưng đã muộn, ba người tử vong, trong số đó có một người còn sống thêm được nhiều giờ trong sợ hãi, người này lo ngại cho người thân và đau đớn về thể xác.
“Mình hy vọng lúc đó mẹ không tỉnh”, Adam nghĩ thầm.
- Con chó cùng đi với bố mẹ cháu. - Adam bổ sung cho đầy đủ.
- Con chó có thể đã thoát chết và bỏ chạy. Vả lại... trong hồ sơ quan trọng của bệnh viện đời nào người ta lại ghi chó vào, đúng không? Chó thì vẫn là chó thôi mà! - Bà già nói.
Mắt Adam ứa lệ, hầu như cùng lúc với những lời nói của bà già. Ý nghĩ về con chó điên khùng do hoảng sợ chạy lang thang khắp vùng lạ lẫm, bỗng dưng làm anh bị sốc.
Nhưng Adam trấn tĩnh lại ngay, vì không muốn cho bà cán bộ bệnh viện nhìn thấy anh xúc động. Anh tự nhủ lòng, cất công đi ngần ấy giờ đồng hồ là để làm gì. Phải chăng chỉ là để nhìn thấy nơi bố mẹ anh đã sống những giây phút cuối cùng?
- Thưa bà, người ta có làm khám nghiệm tử thi không? - Adam hỏi.
- Có thể họ đã làm, song qua mấy tờ giấy này thì chúng ta không thể biết được. - Bà Jadwiga trả lời. - Anh nhìn thấy... đầy những vết mực nhòe... những vết bẩn, hoặc chữ viết bị phai màu, không thể đọc được.
- Nhưng mà cháu phải biết! - Adam hét to.
- Cái gì? - Bà cán bộ bệnh viện đã về hưu lấy làm ngạc nhiên.
- Cháu muốn tìm gene của bố mẹ cháu, tất cả các bệnh di truyền đều có thể xác mình bằng các xét nghiệm máu mà chắc chắn người ta đã làm cho bố mẹ cháu!
- Anh cần cái đó để làm gì nào? Bố mẹ anh đã chết còn chưa đủ hay sao? Nhất là chết như vậy? - Người đàn bà hỏi.
- Bà chẳng hiểu gì cả, mà bà cũng không thể hiểu nổi. - Adam nói với thái độ ngạo mạn vô tình. - Chúng ta đang ở thời đại khác xa so với thời đại bà còn nhớ. Trên cở sở những xét nghiệm nhỏ, tưởng như không có ý nghĩa gì nhiều, chúng ta có thể tiên đoán tương lai của nhiều thế hệ. Ngày nay chúng ta có thể làm xét nghiệm máu của một cô bé và trên cơ sở đó sẽ biết trước cô bé này sẽ sinh ra đứa con như thế nào sau hai mươi năm nữa... chúng ta có thể biết sau năm mươi năm nữa đứa trẻ này có bị bệnh mất trí nhớ hoặc khối u, có nguy cơ bị chậm phát triển hoặc các khuyết tật di truyền khác hay không. Chúng ta có thể không để cho... - Adam bị đứt quãng.
“Không để cho cái gì nhỉ?”, bỗng Adam nghĩ. Không để cho một người phụ nữ nào đó sinh con trong đời, vì có xác suất người này sẽ sinh ra đứa trẻ bị Down, bị khối u, bị thiểu não, bị bại liệt chăng?
- Anh cần cái đó để làm gì? - Bà già nhắc lại và Adam nhận ra bà đang nhìn anh với sự thông cảm.
Thật vậy, chỗ của bà Jadwiga trong thời đại ngày nay chính là cái buffet cà khổ của bà trong bệnh viện này, thế mà Adam lại toan trò chuyện với bà như là trò chuyện với đại diện của Homo Sapiens ở tầm thế kỷ thứ hai mươi mốt.
Đôi mắt vàng vọt của bà cán bộ già đã về hưu nhìn Adam mỗi lúc càng thương cảm.
- Cây Sồi Góa Bụa cách bệnh viện chừng hai trăm mét, nhưng bây giờ nó không còn ở bên đường nữa mà trên bãi cỏ. Đến lối rẽ trái đầu tiên anh sẽ nhìn thấy cây sồi này. Có thể đi vào tận nơi, vì có đường mòn. Người ta đã đóng một cây thánh giá trên cây. Để tưởng niệm những người xấu số. Ngày lễ Cầu Hồn dân quanh vùng đến thắp nến, ngày khác có khi họ cũng đến. Anh hãy tới đó đi, anh bỏ công đi ngần ấy cây số là chỉ nhằm có vậy chứ còn gì?
“Chỉ nhằm có vậy?”, Adam ngạc nhiên. Anh đến đây đâu phải chỉ để đứng dưới gốc Cây Sồi Góa Bụa, cũng không phải để biết tên gọi lạ lùng của cây đại thụ sum suê cành lá này, một cây đại thụ xứng danh tượng đài thiên nhiên. Tuy vậy nửa giờ sau đó Adam đã hiện diện dưới cây sồi.
Adam quan sát kỹ lớp vỏ xám, dầy, sần sùi của thân cây, tìm những vết thương đã thành sẹo do bị khối kim loại nặng đâm vào. Tuy vậy anh không tìm thấy một dấu vết nào cả, ngoài một trái tim khắc vào thân cây cùng họ và tên viết tắt của ai đó.
“Một người nào đó đã chết ở đây và một người nào đó nữa đã yêu dưới gốc cây sồi này”, Adam nghĩ.
Khí trời ấm áp, gió thổi nhẹ làm đung đưa các phiến lá và bỗng nhiên Adam có cảm giác cây sồi đang nói với anh bằng giọng lảnh lót. “Mẹ chăng?”, Anh nghĩ.
- A... da... Ada...
- Mẹ... - Bỗng nhiên Adam thốt lên, đoạn ôm lấy thân cây và òa khóc. Nước mắt anh tuôn trào một hồi lâu, không kìm nổi, nước mắt lăn trên má anh, trên cổ anh và trên tay anh.
- A... Ada... lại... đâ...y, lại đâ...y...
Từ hồi không còn là một đứa con cho tới nay chưa bao giờ Adam khóc như vậy. Anh không còn là một đứa con từ rất sớm, khi anh tự mình khẳng định, chỉ những đứa có bố mẹ mới là một đứa con, kể cả khi chúng là người lớn. Adam không còn là một đứa con khi anh lên năm, lúc đó bằng giọng điềm tĩnh không tự nhiên, bà nói với Adam:
- Mẹ và bố không bao giờ quay về nữa đâu cháu ạ.
Bây giờ Adam khóc rất lâu, cho dù đã cạn nước mắt, còn cây sồi kể gì đó bằng thứ ngôn ngữ rì rào, khó hiểu của mình.
- Lại đâ...y, lại đâ..., chúng mình chơi với nhau?... am, Ada... Lại đâ...y. Lại đâ...y.
“Cây sồi này nói với mình bằng giọng trẻ con. Hay đó là giọng của mình khi mình năm tuổi? Và có phải cây sồi biết nói hay không?”. Adam nghĩ, còn cây sồi vẫn thì thầm, đung đưa các phiến lá.
- Lại đâ...y, lại đâ...y, Ada... Lại đâ...y...
- Cây cối không biết nói. - Adam nói to và dứt khoát với thân cây to xám, còn cây im lặng.
Adam lùi lại mấy bước và ngẩng mặt quan sát cây sồi. Một cây sồi khổng lồ. Đã giết chết biết bao người vậy mà nó vẫn sống.
Adam chẳng thương xót cây sồi. Anh nghĩ ngay đến người thứ ba có tờ hồ sơ ghim vào bộ hồ sơ cuối cùng của bố mẹ anh. Người đó là nam giới, (có thể là trẻ con chăng?), người đã lao vào xe của bố mẹ và...
“Gây tai nạn”, Adam nghĩ tiếp, một giọng nói lạnh lùng, logic đến khó chịu, nhắc lại trong đầu anh, “Hay là bố mẹ đi quá tốc độ và đã giết chẳng những chính mình mà còn giết, lạy Chúa, cả người mắc lỗi. Hình như là một đứa trẻ con”.
Adam hiểu, anh không muốn biết sự thật lúc đó là thế nào. Và vô hình chung, có một điều đã được sáng tỏ, đó là tại sao không bao giờ bà muốn trò chuyện với Adam về vụ tai nạn đó. Bà biết lỗi thuộc về phía bố mẹ Adam và bà không muốn bắt cháu mình phải chịu đựng cái tin khủng khiếp này.
Trời đã về đêm. Adam nằm không ngủ trên nền của cái khách sạn chết tiệt này, giở mình hết bên nọ sang bên kia, đẫm mồ hôi, bực và buồn.
“Mình đến đây để làm cái của khỉ gì không biết”, Adam lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại câu này rất lâu, cho tới khi ngủ thiếp đi.
Trong đêm Adam nằm mơ thấy Myszka lột sạch quần áo, trần truồng, ngay tại ngã tư đông người qua lại nhất của thành phố, gần văn phòng của anh, con bé nhảy múa rất kỳ dị, chướng mắt, và nó không biết mình đang làm gì. Chung quanh càng lúc càng đông những chiếc xe màu đỏ chen chúc nhau do tắc đường, còi kêu inh tai nhức óc, dữ tợn như những con bò đực, người ngồi trong xe, vẻ mặt tò mò, thò đầu qua cửa xe ngó nhìn.
“Nó có phải là con gái của ông không, thưa ông chủ tịch?”, cô trợ lý của Adam hỏi một cách lịch sự.
“Không”, Adam đáp lạnh lùng. “Gene của tôi trong sạch. Tôi đã kiểm tra tại Cây Sồi Góa Bụa”.

Sáng sớm hôm sau Adam ngồi vào xe, thậm chí không ăn sáng, lên đường trở về nhà.
“Về nhà ư?”, Anh tự hỏi mình. “Ở đâu đó có ngôi nhà của tôi chăng?”
Và Adam lại nghĩ, Myszka đã lấy đi sạch sành sanh tất cả những gì anh có. Tất cả những gì anh tạo ra, anh gây dựng với niềm đam mê và lạc quan tột bậc và nó đã không đánh đổi được một tí gì cho anh.
Không một tí gì.

* * *

Ewa dọn dẹp nhà cửa, miệng hát. Chị lấy làm ngạc nhiên khi nghe giọng hát của chính mình trong một giai điệu dịu dàng. Ewa biết rằng suốt chín năm trời chị không hề hát thầm, dù chỉ một lần, dù rằng hồi trước, khi chưa sinh Myszka, hễ có cơ hội là chị hát ngay. Ewa cười và hát to hơn.
“Mình sẽ dọn dẹp mọi thứ, mình sẽ sửa sang mọi thứ, mình sẽ làm cho ngôi nhà này lại ngăn nắp và đẹp đẽ trở lại”, Ewa nghĩ với nghị lực phi thường.
Hôm qua trong ngôi vườn được phép màu cứu vớt, Ewa đã nhận ra chị đã sống cho qua ngày đoạn tháng. Lúc ban mai chị ước ao đêm tới và tạm quên đi mọi nỗi sợ, còn khi đêm về chị tự giải tỏa mình bằng cách nghĩ ngày kế tiếp sẽ chẳng thể giống ngày đã qua như hai giọt nước được. Ewa sống trong cảm giác vô vọng, khi chị tận tâm thực hiện nghĩa vụ mà chị phải gánh vác ngoài ý muốn. Nếu bảo chị tự nguyện đảm đương nghĩa vụ này thì chắc chẳng bao giờ chị chịu nhận. Ewa sống không niềm vui, vô vị, dù lương tâm luôn trong sạch. “Chỉ lương tâm trong sạch thôi thì chưa đủ”, Ewa nghĩ. Theo chị, không có tình yêu và niềm vui đi cùng lương tâm trong sạch thì tất thảy mọi thứ sẽ biến thành đắng cay và khổ đau.
Ý chí của sự sống tỏa ra từ ngôi vườn, sắc đẹp, hương thơm và sức mạnh lạ thường của khu vườn đã đến với Ewa, làm bộc lộ sự trống trải bao quanh chị. Nhưng làm sao lại trống trải được và thực tế không hề có chuyện này. Myszka lúc nào cũng ở bên Ewa, cùng Ewa và trong tâm trí Ewa cơ mà. Chính Ewa đã dạy con tập đi, tập nói, tập mặc quần áo, đặt ly cẩn thận, chùi nước dãi trên miệng, buộc quai giày, ăn uống, xem truyện tranh... Chị dạy con tất cả mọi điều mà với những đứa trẻ bình thường thì việc tiếp thu chẳng khó khăn gì. Cho nên hai mẹ con càng phải dốc nhiều công sức cho việc học hành này thì niềm vui của Ewa sẽ càng lớn. Và chính chị, Ewa hàng ngày đón nhận những nụ cười tự tin của con, chính chị mang lại cho con cảm giác an toàn và đổi lại chị được ban thưởng tình yêu.
“Mình yêu Myszka và Myszka yêu mình cơ mà! Mình phải mừng về điều này mới phải vậy mà mình cứ đắm chìm trong vô vọng. Nhưng bây giờ thì mình sẽ sửa lại tất cả. Tất cả. Trong nhà mình. Trong bản thân mình. Và bất kỳ chỗ nào”. Ewa nghĩ nhiệt thành, khi chị đang chải sạch những vết bẩn cũ trên chiếc ghế đi văng từng có màu hồng trà và trên chiếc thảm từng là màu kem, cạo các vết bẩn trên bàn, trên tay vịn cầu thang, cố gắng làm cho ngôi nhà lại sáng sủa, dễ chịu.
Đã lâu lắm rồi, lần đầu tiên Ewa lôi chiếc máy cắt cỏ trong gara ra, miệng hát thầm, chị cắt thảm cỏ trước nhà. Chị kiêu hãnh nhìn tác phẩm của mình, miệng cười tươi.
“Một việc làm nhẹ nhàng, đơn giản như thế này thôi, nhưng lại làm cho mọi thứ nom khác hẳn”, chị nghĩ.
Myszka bước theo chân mẹ từng bước một, chăm chú nhìn mẹ với sự lo ngại không rõ ràng. Mẹ đột nhiên vui tươi hẳn, đó là một cái gì đó rất mới lạ, nên Myszka không thể chia sẻ. Bước theo sau mẹ, chăm chú quan sát mẹ cắt cỏ, Myszka linh cảm có điều gì chẳng hay, sự đổi thay này không nhất thiết báo hiệu điềm lành. Rốt cuộc Myszka nghĩ mình hãy tạm lánh mặt trước sự thay đổi này. Phải chờ xem, điều gì sẽ xảy ra.
- Phòng áp mái! - Myszka nói, vẻ tự tin.
Đối với cô bé, sự đổi thay của phòng áp mái là một cái gì đó tự nhiên. Còn sự đổi thay của tất thảy mọi thứ ở đây, ở dưới nhà, là điều đáng ngại và khôn lường. Trên đó Ngài vẫn tạo ra mọi thứ từ đầu, mới tinh, cho nên việc đợi chờ những thay đổi kế tiếp là một bộ phận của sự hài hòa vẫn tồn tại trong vườn. Những đối thoại ở dưới nhà thường mang tới những kết cục chẳng hay ho gì.
- Phòng áp mái! - Myszka nhắc lại, kéo tay áo mẹ.
Ewa dừng tay đang sắp xếp lại giá sách. Chị lắc đầu và giải thích cho con:
- Không, mẹ không để con chơi một mình nữa đâu. Mẹ đã từng ích kỷ, tìm kiếm những khoảnh khắc yên bình cho riêng mình, bỏ mặc con trên phòng áp mái tối tăm và bụi bặm. Từ nay hai mẹ con mình sẽ mãi mãi bên nhau. Chúng mình sẽ đi dạo chơi, đi công viên, đi bất kỳ chỗ nào con thích. Thậm chí đi đại siêu thị! - Ewa nói tiếp sau giây lát suy nghĩ, sẵn sàng đương đầu với những cái nhìn tò mò gây phiền và làm khó chịu. - Mẹ sẽ không xấu hổ vì con đâu, trái lại mẹ kiêu hãnh vì con... - Ewa nói tiếp, nói với chính mình hơn là nói với con gái, mắt không nhìn về phía con. Ewa sẵn sàng, thậm chí ngay bây giờ, mặc cho con gái bộ váy áo đẹp nhất và cùng con đi tới công ty của Adam.
“Mẹ sẽ vào đó và nói với mỗi nhân viên của công ty rằng, đây là con gái của sếp các người đấy...”, Ewa cười khúc khích khi mường tượng những cặp mắt đang ngơ ngác nhìn của đám nhân viên công ty và sự lúng túng của Adam. “Mẹ sẽ làm như vậy đó”, Ewa nghĩ khi máu báo thù và cơn thịnh nộ trào dâng.
Ewa không nhận ra nét mặt của Myszka thay đổi, mặt bé đanh lại, đỏ lựng và bé cảm thấy khó thở.
Mẹ định tước phòng áp mái của bé. Mẹ định cấm con gái đến chỗ, nơi cô bé có thể là mình, nơi bé cảm thấy mình nhẹ tênh và lanh lợi hẳn lên, nơi bé tha hồ nhảy múa. Nơi bé được đợi, được chờ. Myszka cảm nhận vườn là nơi duy nhất có ai đó vui mừng thật sự khi nhìn thấy bé. Rắn, Người Đàn Bà, Người Đàn Ông và sau chót, Ngài. Đúng, Ngài vô hình, nhưng Ngài xuất hiện bằng giọng nói. Ngài đã xây cho bé một thế giới khác, không phải lúc nào cũng rất xinh, tuy vậy Ngài sửa chữa ngay tức thì những gì hư hỏng và cô bé Myszka đã có thể cùng Ngài quyết định việc này. Tại đây, ở dưới nhà, bé không biết kìm chân bố lúc nào cũng chạy vội, còn theo bản năng, bé cảm nhận trong tình yêu của mẹ không có niềm vui. Cho nên tại đây, ở dưới nhà, bé chẳng được gì.
- Phòng áp mái... - Myszka cố nói một lần nữa, thế nhưng sự bất lực đã lấn tới họng bé và bóp nghẹt không chỉ hơi thở mà cả lời nói.
Myszka cảm thấy phải lấy hơi và bé thét lên. Cùng với không khí ập vào hai lá phổi yếu ớt của bé, miệng bé rú lên não nùng.
Tiếng rú của Myszka thật là kinh khủng, đó là thứ âm thanh Ewa chưa từng nghe thấy bao giờ. Bé đập đầu vào tường. Bé muốn quẳng khỏi đầu mình ý nghĩ khủng khiếp, rằng sẽ không bao giờ bé được leo lên phòng áp mái và được thấy vườn nữa. Bé chẳng nghĩ gì khác, chỉ nghĩ mỗi chuyện này, (trẻ em khuyết tật nặng thường khăng khăng nghĩ về một sự việc và chỉ một mà thôi, việc không diễn đạt được thành lời điều mình đang nghĩ làm chúng hốt hoảng và điên khùng).
Myszka đập đầu rất mạnh vì uất ức, vì sợ hãi, vì quyết đòi, đến nỗi sau vài lần va đập mạnh, trán bé bắt đầu chảy máu, (cơn điên khùng của trẻ em khuyết tật nặng thường biến thành hành vi tự hành hạ mình).
- Myszka! Myszka! - Ewa hét lên, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trong tiếng thét của người mẹ thoạt tiên có sự ngạc nhiên, sợ hãi nhưng liền sau đó có sự điên khùng đau khổ, (khi bị sốc mạnh, bố mẹ trẻ em khuyết tật phải làm chủ bản thân, yêu con hết mình thay vì phản ứng lại, khi như vậy tình yêu trở thành loại tình cảm điều trị, hoặc cũng có thể cáu gắt để bù vào sự thất vọng và cảm giác đau khổ của mình. Lúc này đứa trẻ tật nguyền cần được đối xử theo hướng lập lại cân bằng trong cơn kích động, để cho đứa trẻ cảm thấy an toàn). “Đúng lúc mình sẵn sàng thay đổi lối sống vì con, vui vì có con, thì con làm hỏng bét tất cả!”. Bỗng Ewa nghĩ và tức mình.
Theo phản xạ, hai tay Ewa ôm chặt lấy con, và mới đầu chị cố ghì cho con không đập đầu liên tiếp vào tường, nhưng tay chị lại đấm vào đầu con gái. Ewa đánh con và la hét om sòm khi cảm giác đau khổ và thất vọng dâng trào:
- Tao vì mày! Còn mày! Con quái vật! Con béo phì! Con nhộng!
Ewa buột miệng nói ra những lời tàn nhẫn, tục tằn vì uất ức. Lần đầu tiên từ tám năm nay chị vứt bỏ mọi sự kìm hãm, tuôn ra khỏi lòng mình nỗi ưu phiền bị dồn nén từ lâu, nỗi ưu phiền chôn chặt trong tâm trí chị, như tình yêu của chị đối với con gái vậy.
Chỉ có Myszka mắt xếch liếc nhìn và nhận ra bố đang đứng đàng sau cánh cửa. Đã lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên bố đứng bất động chứ không trốn chạy, bố đang nhìn con gái, vừa ngỡ ngàng, vừa kinh tởm, vừa bất lực.
“Bây giờ bố sẽ bước lại đây và chạm vào người mình. Bố sẽ bế mình lên và cứu mình trước cơn thịnh nộ của mẹ”. Myszka nghĩ và hy vọng.
Adam chìa hai tay, ôm lấy Ewa đang điên khùng, giằng vợ ra khỏi con gái.
Ewa choáng váng trong giây lát, hai tay giơ cao, nín thở. Sau đó chị lấy hơi và khóc nức nở.
- Maa... maaa... - Myszka nói, giọng thô, bé cảm nhận tình yêu của bé đối với mẹ cũng tăng đột biến y như cơn thịnh nộ của mẹ vậy.
- Maa... maa... - Myszka nhắc lại, ôm chặt lấy mẹ.
Rồi cả hai khóc nức nở, tay ôm nhau, cả hai cùng sợ, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra đối với mình. Họ không nhận ra là Adam đã bỏ đi, khép lại cánh cửa sau lưng mình.

Và buổi tối tiếp theo của ngày thứ Bảy đã đến. Đó là ngày nghỉ chỉ trên danh nghĩa, vì công việc tạo ra con người đang diễn ra vô cùng khẩn trương. Nhất là không ai biết trả lời, liệu tạo vật này có tốt hay không.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét