Quà của Chúa
Tác giả: Dorota Terakowska
Dịch giả: Lê Bá Thự
Nhà xuất bản Phụ nữ - tháng 4-2009
Chương 1
Ngày Hôm Trước
Tặng con gái Malgosia Szumowska của mẹ, cuốn sách này
ra đời là nhờ con.
... tứ
bề tối om. Và nước ối, đặc, ấm áp, trơn nhờn. Đứa bé bình thản và an toàn, nhẹ
và nhanh, nó đang múa may ở trong đó. Nó muốn cứ múa may như vậy cho đến muôn đời.
Bên ngoài bao mối hiểm nguy đang rình rập, trọng trường cực mạnh, những cái
nhìn xa lạ của vô vàn con mắt, hoặc dửng dưng, hoặc động lòng trắc ẩn. Đứa bé
biết như vậy, trước khi nó bơi ra ngoài thế giới khô khan và phũ phàng. Song là
“Quà” của Chúa, đứa bé không thể ở lại nơi nó thích. Chúa ban phát các món quà
của mình, kể cả những món quà Ngài không muốn ban phát. Ngài chẳng để lại cho
mình một thứ gì cả.
Tại bệnh viện, khi nhìn thấy những nếp nhăn
nằm vắt nghiêng trên hai mắt của đứa con gái vừa sinh, Adam nhăn mặt một cách
ngộ nghĩnh và hỏi:
- Em vừa sinh ra một bé người Á hay sao? Mốt
lạ phải không?
- Anh đừng có đùa cợt. Đùa như vậy là không
hay đâu! - Ewa nói.
- Có gì xấu đâu nào? - Adam lấy làm lạ, mắt
không rời khỏi đứa trẻ sơ sinh. - Anh cũng có thể bảo, đây là “Một bé gái Trung
Quốc, một bé gái Mông Cổ hoặc một bé gái Nhật Bản”...
- Thế nào cũng được, miễn sao không phải là
bé Mắt xếch [chỉ
người bị bệnh Down]. - Ewa đáp, cắn chặt môi. “Đừng khóc. Có khi không
phải vậy đâu. Biết đâu mình nhầm”, - Ewa nghĩ, thầm hy vọng.
- Sao lại không? - Adam ngạc nhiên. - Nó có
gì đó giống người Á. Anh mà không tin em thì chắc anh phải nghi ngờ em đã đi
ngoại tình, - Adam cười.
“Những câu nói đùa kiểu như vậy của Adam.
Mình thường không chịu được”, - Ewa nghĩ, gượng cười.
- Không! Cầu mong con không phải là bé mắt
xếch. - Ewa khẩn khoản nhắc lại.
“Có đúng là chưa bao giờ anh ấy nghe về căn
bệnh mongolizm? [bệnh
Down] Có đúng là anh ấy chỉ biết hossa, bessa, parkiet, lobbing,
ebiznes [các
thuật ngữ về thương mại, kinh doanh như: tăng, giảm, gói, vận động, buôn bán
qua mạng] là gì mà thôi? phải chăng từ “Down” chỉ khiến anh ấy liên
tưởng tới việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán? Down và up hoặc
Dow Jones?
- Ngay cả bướm của con gái nom cũng y hệt của
người Á, - anh chồng nói đùa.
- Lạy Chúa... - Ewa thở dài khẽ khàng. - Anh
hãy đợi đấy với lời tán tụng của anh cho đến ngày nó mười lăm tuổi.
- Lolita [Nhân vật chính cũng là tiêu đề cuốn tiểu
thuyết nổi tiếng của Vladimir Nabo] chỉ mười hai tuổi. - Adam cười
chế giễu, tiếng cười của anh chồng vọng lại sau khi đập vào tường lát gạch men
bóng loáng của phòng cách li.
Ewa giật nẩy mình.
Ewa sinh con trong một bệnh viện tư nhân đắt
giá nhất thành phố. Con của Adam nhất quyết phải có đủ mọi tiện nghi hảo hạng.
Thực ra họ đã trù liệu là sẽ sinh một cậu hoàng tử.
(Mai kia nó sẽ là một ngôi sao lớn của
ngành tin học và thị trường chứng khoán, anh chồng đã hí hửng như vậy trước khi
hai vợ chồng nhìn thấy hình ảnh lạ kỳ này trong máy siêu âm USG, nơi người chồng
chỉ nhìn thấy một màn hình nhiễu loạn lạ kì, còn người vợ nhìn thấy duy nhất một
con tim nhỏ đang phập phồng, thế nhưng bác sĩ đã xác định chính xác ngay giới
tính của thai nhi).
Dẫu Ewa ngỡ ngàng, Adam dễ dàng chấp nhận
thực tế, đó là con gái.
- Một trường đại học danh tiếng, một người
chồng ưng ý.
Trước khi con gái chào đời. Adam đã vạch ra
cho con một tương lai gói gọn trong mười một từ như vậy. Còn bây giờ nó đang nằm
đây, bên mẹ và ngay trên hai con mắt nhắm nghiền lồ lộ hai nếp nhăn vừa xếch vừa
to. Cực to. Cực xếch.
“Thế nào cũng được, miễn sao không phải bệnh
Down”. Ewa thì thầm với chính mình, khi Adam đã rời phòng cách ly, để lại phía
sau mình cái mùi nồng nặc lan tỏa từ nước sát trùng hòa trộn với mùi thơm lờm lợm
của bó hoa hồng đại cỡ.
Ewa hầu như chẳng biết gì về bệnh Down, về
các biến thể và cấp độ của căn bệnh này và về khả năng chữa trị, người mẹ chỉ
biết những biểu hiện bên ngoài của căn bệnh. Và vì thế lại càng lo.
Quà của Chúa bao gồm đất, trời, ngày và
đêm, hoa và hạt giống, cây cốí, chim chuột, rắn, voi, gió lốc, sấm chớp, vòi rồng,
núi lửa và con người. Quà của Chúa cũng bao gồm cả trẻ thơ, khi cần phải lý giải
việc trẻ em xuất hiện trên trái đất...
...bởi vì thoạt tiên Chúa tạo ra trời và đất.
Đất chưa định hình và ngập nước. Một đứa trẻ múa may trong nước. Không phải
mình nó. Và ở đó tối om, an toàn, yên tĩnh. Đúng ra phải vậy. Thế nhưng Chúa rất
vội, nhiều thứ đẹp phải tạo lập, vô vàn những khó khăn vất vả và nhiều điều bất
ngờ đang chờ Ngài cho nên Chúa nói luôn:
- Cho ánh sáng xuất hiện...
Và ánh sáng chói chang xuyên qua nước, biến
nước tối đen thành trong suốt.
- “Cái
này tốt!” - Chúa nói, gợn chút phân vân. Ngài thường phân vân. Ngài cũng
hay nhầm lẫn. Hiếm khi Ngài có được sự hoàn hảo.
- “Cái
này khủng khiếp!”. - Đứa trẻ nghĩ, mất cảm giác an toàn. Dẫu cưỡng lại một
cách bất lực, nó buộc lòng phải rời bỏ bầu nước ối tĩnh lặng của mẹ, bơi ra
vùng sáng khô khốc, hiểm nguy và nặng nề của trái đất.
Và đó là ngày hôm trước của ngày đầu tiên,
và cái ngày hôm trước ấy dài lê thê hàng năm trời.
- Chị cắm giúp hoa vào bình được không? - Ewa
đề nghị, chỉ tay về phía bó hoa to đùng, song cô y tá lắc đầu không muốn.
- Nhiều hoa quá. Mùi nồng nặc. Trẻ con dễ bị
dị ứng.
- Thế thì ta để lại ba bông thôi, chỗ còn lại
đem cho những phụ nữ nghèo. - Ewa đề nghị.
- Trong bệnh viện này không có phụ nữ
nghèo. Vả lại, phụ nữ nghèo thì họ cần hoa để làm gì? - Cô y tá thờ ơ đáp lại, -
tôi đem bó hoa này ra ngoài hành lang.
Khi cô y tá ôm bó hoa hồng rất to đi ra cửa,
“bó hoa của Adam chẳng thích hợp chút
nào”, Ewa nghĩ, giọng nói nhỏ nhẹ của sản phụ níu cô ta lại:
- Cô y tá ơi, cô nhìn con gái của tôi này...
- Xinh, xinh, tôi biết. Cực xinh. Các bà mẹ,
ai cũng sinh ra kì quan thứ tám. - Cô y tá cười bỗ bã. Tại bệnh viện hạng sang
này người ta trả công cho cô ta còn là vì khoản phát ngôn những lời tán tụng đối
với các sản phụ và những đứa con mới sinh của họ.
- Không. Đứa bé này không như vậy... - Ewa
nói nhỏ. - Chị hãy nhìn vào mắt nó mà xem.
- Một đôi mắt nhỏ, xinh, đúng không? - Cô
gái cười, đoạn uể oải đi lại chỗ đứa trẻ sơ sinh. Cuối phiên trực ngày hôm nay
rồi, nên cô gái không thể nhấc nổi đôi chân nữa, tính đỏng đảnh của các sản phụ
làm cô bực mình. - Một đôi mắt nhỏ xinh xinh. - Cô gái nói làu bàu theo phản xạ,
tuy vậy cô ta chăm chú nhìn vào gương mặt của bé gái sơ sinh, nhắc lại chậm
rãi: - Đôi mắt... đúng.
Ngay lập tức Ewa nhận ra có sự do dự trong
giọng nói của cô y tá.
- Có phải là... liệu cô có nghĩ... nếp nhăn
này... phải chẳng cô không thể... - Ewa nói lúng búng, không muốn đưa ra câu hỏi
này và không muốn nhận được câu trả lời.
Ewa cảm nhận, chị đã có câu trả lời rồi và
khỏi cần phải hỏi bất kỳ một ai, vì đằng nào lời đó cũng sẽ được nói ra. Và
không còn là những câu nói đùa vô tâm và cũng không nằm trong đầu của chị nữa.
Lời đó sẽ được nói ra, rõ ràng, rành mạch và bất khả kháng.
- Chúng tôi có một bác sĩ nhi khoa giỏi.
Ngày mai sẽ gặp chị! - Cô y tá trả lời nửa vời. - Tuy vậy bác sĩ sản khoa đánh
giá, cháu đạt bảy điểm Apgar. Kết quả không tồi! - Cô y tá nói tiếp với vẻ mặt
vui mừng thiếu tự nhiên.
- “Không
tồi!, - Ewa công nhận, - có điều bảng
điểm này không liên quan đến tâm lý”, - Ewa lẩm bẩm với chính mình, khi cô
y tá đã ngoài cửa.
Khô ráo. Ánh sáng trong bóng tối. Những âm
thanh đanh, vang vọng. Muôn hồng ngàn tía. Vô vàn sắc độ của màu đen. Màu trắng
trong suốt đến ngỡ ngàng, tựa pha lê, tán xạ thành bảy sắc cầu vồng. Âm điệu
thình lình của lời nói và âm điệu của tĩnh lặng. Giọng nói vang vọng như sấm nổ
đàng xa xoay tròn bên trên tạo vật. Một câu hỏi, chẳng biết dành cho ai và
không cần câu trả lời, cho dù ẩn chứa nhiều nghi ngại.
- Cái
này tốt...
Đứa bé cảm nhận. Cái này không tốt. Nó
không muốn mình là món quà cho bất kỳ ai. Nó muốn quay trở lại, thế nhưng không
có đường quay lại. Đây là cuộc hành trình một chiều. Một cuộc hành trình dài,
khi việc sáng tạo dài lâu.
Bác sĩ nhi khoa thốt ra từ “Down” ở phút thứ
mười ba, khi khám bệnh cho đứa trẻ sơ sinh.
- Bé mắt xếch... - Ewa nói khô khốc.
- Đúng. Đôi khi chúng tôi gọi bệnh này là
Mongolizm, thường gọi là Down, nhưng chúng tôi thích một tên gọi khác được nhiều
người chấp nhận: Muminek, [Muminek và những người bạn, truyện của Tove Jansson trong
đó có bé Muminek, bé Migotka] - bác sĩ giải thích, giọng ấm áp thiếu
tự nhiên. - Chúng tôi thích tên gọi này. Chúng tôi vẫn sử dụng hàng ngày. Nó đẹp,
chân tình. Nó có nguồn gốc văn học... Chị có biết những cuốn sách của Tove
Jansson?
- Bé Migotka! - Ewa nói nhỏ và bật khóc.
Những Muminek, trong sách, trong tivi, khiến
người ta liên tưởng tới một cái gì đó dễ thương, vui nhộn. Trong khi đó lúc này
Ewa đang bế trên tay đứa trẻ sơ sinh, là một sự phủ nhận sự liên tưởng này,
cũng như phủ nhận tất thảy mọi kế hoạch đường đời của của Ewa và Adam. Theo những
kế hoạch đó thì đứa con của họ phải được ở trong một ngôi nhà mới, đẹp, trong một
căn phòng dành cho con trẻ đầy đủ tiện nghi, hai vợ chồng sẽ mua sắm những thiết
bị hảo hạng cho căn phòng này. Nào là đồ mộc sáng màu, ri đô trắng toát, rèm che
cửa màu kem, thảm màu hồng trà, hàng đống quần áo, đồ chơi, thậm chí cả những
cuốn cẩm nang để dạy con và theo dõi sự phát triển cân đối của nó.
- Khi
lên năm nó sẽ đi học trường mẫu giáo Anh ngữ, học chơi tennis và học vi tính. -
Adam nói.
- Em
sẽ dạy thêm cho con môn vẽ và chơi đàn dương cầm. Có lẽ dạy cả múa ba lê nữa
chăng? - Ewa đề nghị. - Biết đâu con chúng mình sẽ có năng khiếu nghệ thuật...
Bác sĩ còn nói gì đó nữa, nhưng Ewa không
nghe được. Ý nghĩ của người mẹ đang bơ vơ trong đống đổ nát của những ước mơ và
kế hoạch. Các kế hoạch được tính toán kỹ càng đến nỗi ngày triển khai được xác
định cẩn thận và biết trước. Ngay trước khi hoàn thiện xong ngôi nhà và sau khi
sáp nhập công ty của Adam với một công ty nổi tiếng thì họ đã phải biết chắc chắn
là Adam vào ban quản trị.
“...khi
chúng ta đủ sức bảo đảm tương lai cho con”, Adam
nói, còn Ewa gật đầu tán thưởng.
Ewa không hiểu nổi, tại sao mấy cô bạn lại
có thai ngay trong khi đang học đại học và lập gia đình trong căn hộ chung cư
chật chội, chấm dứt mọi ước mơ của cuộc đời. Theo Adam và Ewa, đứa bé phải là một
bộ phận không thể tách rời của những tham vọng đã thành hiện thực, chứ không phải
là một sự từ bỏ họ.
- Con
là hiện thân tất thảy những gì tốt đẹp nhất đối với chúng ta. Và nó sẽ không bắt
đầu từ số 0 như chúng ta. Ngay lập tức nó xuất phát từ đỉnh cao. Con của chúng
ta... Ewa...sẽ tuyệt vời!- Adam nói như thế với vợ hồi Ewa còn mang thai.
Còn lúc này đây Ewa đang bế đứa bé này trên
tay mình.
“Có kẻ
nào đó đã đánh tráo con của mình chăng”, Ewa nghĩ,
lời nói của bác sĩ thật khó lọt vào tai của người mẹ.
Bác sĩ đã thấy, chuyện gì đang xảy ra với
Ewa, tuy vậy ông vẫn nói liên hồi. Bất chấp điều đó, hay là chính vì điều đó?
- ...trung bình cứ sáu trăm, bảy trăm ca
sinh nở, thì có một đứa bé như vậy chào đời. Chị không phải là ngoại lệ đâu, chị
hãy tin tôi. Hồi trước, cách đây độ năm sáu năm, bé Muminek thường bị cách ly với
cộng đồng, sống bên lề xã hội. Chỉ số thông minh của bé, IQ, bắt đầu và kết
thúc ở mức khoảng 30 điểm, còn bây giờ có thể đạt thậm chí 60 trên 120 đối với
chỉ số thông minh bình thường. Nghĩa là cách trẻ bình thường chỉ một nửa.
Ewa cười phá lên, cay đắng trong lòng. “Chỉ một nửa”. Ewa nghĩ theo phản xạ tự
vệ và sợ hãi.
- Từ vài năm nay chúng tôi có những chương
trình phục hồi chức năng rất hay. - Bác sĩ nói tiếp, ra bộ không để ý đến phản ứng
của Ewa. - Nếu không phải bệnh Down ở thể nghiêm trọng nhất, đứa bé có thể đi học
mẫu giáo, đến học ở trường đặc biệt, sẽ học một nghề cụ thể, thí dụ như học đan
giỏ, làm hộp giấy, dệt thảm, vẽ các sản phẩm thủy tinh...
- Đan giỏ...! - Ewa tự động nhắc lại, không
hề tức giận.
Trời đất ơi, một người nào đó phải đi đan
giỏ, còn bản thân Ewa có cả chục chiếc giỏ trong nhà, bởi vì hàng đan bằng sậy
bây giờ là mốt, là hàng sinh thái. Ewa lại cười, hơi khùng khùng điên điên,
song là vui thực. Hình như điều này chỉ là một giấc mơ và phải chỉ là một giấc
mơ. Điều này có thể trúng vào bất kỳ một ai, nhưng đừng là Ewa!
- Tất nhiên các bé Muminek thường hay ốm
đau hơn các trẻ em khác, cho nên chúng tôi sẽ phải khám để xác định con chị bị
nặng nhất là những bệnh gì. - Bác sĩ nói liền một mạch.Ewa đắn đo, ông ta còn
nói bao nhiêu nữa và chung cục có nên nghe tiếp hay không. - Chị thấy không,
đôi khi chúng bị khiếm thị, mắt có màng,hệ hô hấp thường khuyết tật, đôi khi bị
loạn nhịp tim. Tôi cũng xin lưu ý chị một điều, con gái của chị bị yếu cơ bắp,
cho nên khi trọng lượng cơ thể lớn, cũng là một biểu hiện điển hình của DS, tức
thị triệu chứng bệnh Down, thì...
- ... Thì không bao giờ nhảy múa được! - Ewa
nói toạc móng heo, sau đó, thình lình, trong đầu người mẹ nẩy ra một ý nghĩ “...nó có thể chết cơ mà! nó có thể chết,
lúc đó mình sẽ sinh đứa con khác, bình thường”.
Bỗng đứa bé khóc và mở hai mắt, giấu trong
hai mí mắt húp híp hai kẽ xếch ngược. Nó thét không nước mắt. Ewa cảm nhận những
giọt nước mắt đó trên hai gò má của mình.
“Hai
mẹ con mình cùng khóc. Con gái khóc không nước mắt, còn mình thì khóc không
thành tiếng”. Ewa nghĩ.
- ...cho nên tôi sẽ phái người đàn bà này đến
gặp chị. - Bác sĩ nói, không hề để mạch nói của mình bị đứt đoạn.
- Người đàn bà nào cơ? - Ewa bừng tỉnh.
- Tôi đã nói rồi còn gì, người đàn bà có đứa
con gái bị bệnh Down đã tám tuổi và con bé rất ngoan. Chị mà nhìn tận mắt thì
thấy nó không đến nỗi khủng khiếp như chị nghĩ đâu.
Ewa cười:
- Xin phái đến cho tôi một thầy phù thủy có
thể làm thay đổi con gái tôi! - Ewa thét lên, tiếp đó thều thào giọng oán
trách. - Như vậy bác sĩ sẽ thông báo cho chồng tôi biết tôi đã sinh ra cái gì.
- Đúng, đương nhiên như vậy! - Bác sĩ trả lời
dứt khoát. - Thông thường chúng tôi thông báo cho người cha. Các bà mẹ không
bao giờ muốn...
- A ha, nhưng tôi có thể quên đi. Có một khả
năng, để đứa bé lại bệnh viện. Sau đó chúng tôi sẽ gửi cháu tới một trại đặc biệt.
Ewa nhìn bác sĩ tức giận.
Đứa bé lại khóc.
- Bé Muminek! - Bỗng bác sĩ nói với cảm xúc
chân thành, đã vứt đi cái mặt nạ nghề nghiệp vô cảm.
Ewa xúc động, từ một cái tên gọi tầm thường
rất quen thuộc trong sách và trong các chương trình tivi “chúc bé ngủ ngon” bỗng
dưng trong lòng Ewa tràn ngập một cảm xúc yêu thương khôn tả đối với đứa con bất
lực, tật nguyền mà Ewa vừa mới mang đến thế giới này.
“Thế
giới chất dẻo, tồi tệ”, Ewa nói lẩm bẩm và lấy làm ngạc nhiên. Tại sao lại
là chất dẻo? - Tôi có thể quên... - Ewa lại nghe giọng nói củabác sĩ. Bác sĩ đã
đi ra, song dừng lại và nhìn với vẻ ái ngại. - Ở đó còn có cái gì đó nữa! - Bác
sĩ nói.
- Ở đâu, cái gì? - Ewa hỏi, chị đã trơ lì
trước những tin xấu.
- Encefalogram đã phát hiện thêm một rối loạn
không điển hình. ảnh chụp cắt lớp não cho thấy có một chấm đen nhỏ. Chúng tôi
không biết đó là gì. Đó có thể là một cái u, một vết máu hoặc một cái gì đó
khác. Nếu cái này đè vào một trung tâm quan trọng thì... - bác sĩ do dự, chừng
như muốn làm chậm việc đưa ra thông tin này. - Cái này có khi còn tệ hơn cả bệnh
Down điển hình.
- Và con gái tôi sẽ không thể đan giỏ. - Ewa
nói.
- Đúng, thậm chí có nguy cơ đứa trẻ sẽ
không học hành gì được. - Bác sĩ húng hắng ho đoạn bước ra ngoài.
Trong tiếng ho đó Ewa còn nghe được dư âm của
sự đồng cảm mà chị chẳng hề mong đợi.
- Chúng mình sẽ để con lại đây! - Adam nói.
Lần này anh chồng đến không mang hoa. - Anh đã thỏa thuận mọi chuyện với các
bác sĩ. Bé sẽ đến trại đặc biệt.
“Bé”! Ewa nghĩ. “Gọi như vậy là
không có giới tính. Như thế lại hóa hay. Khó lòng gắn bó với một cái gì đó
không giới tính”.
- Bé sẽ không phải khổ đâu! - Adam nói tiếp.
- Anh sẽ chu cấp tiền. Nhiều hơn mức cần thiết. Mỗi tháng anh sẽ chuyển một khoản
tiền lớn cho trại này. Chúng mình đủ khả năng làm như vậy. Chúng mình sẽ báo với
mọi người là con bị sảy thai hoặc thai đã chết lưu trong bụng mẹ. Em thích
phương án nào?
- Thông báo với mọi người ư? - Người vợ nhắc
lại.
- Bản thân em biết đó... Các bạn hữu của
chúng ta, những người thân, các anh bạn ở công ty. Chúng ta phải nói cái gì đó
chứ. Khi anh nghĩ về những cái nhìn của họ... về những lời xầm xì sau lưng
chúng ta...
- Em biết! - Ewa đáp với sự thông cảm. - Họ
luôn luôn ghen tị với chúng ta về một chuyện gì đó, bây giờ thình lình họ tỏ
lòng thương cảm.
- Anh chúa ghét thương cảm! - Adam nói.
Không nhìn về phía đứa con đang nằm bên cạnh
mình trên giường bệnh viện, Ewa gật đầu tán thành ý kiến của chồng. “Đúng, như thế là hay. Xuất viện không có đứa
bé này và quên. Quên! Xóa khỏi cuộc đời mấy tháng đó đi. Không bao giờ nghĩ tới
nữa”.
Thình lình đứa bé khóc. Người mẹ cúi đầu xuống
bé, nét mặt chị bỗng mềm mại. Chị nhìn đứa trẻ sơ sinh như có lần đã nhìn con
mèo bị xe chẹt. Bốn chân nó bị gẫy, thân người nó bẹp dí đáng sợ, thế nhưng nó
vẫn còn sống, nằm trên vỉa hè cố ngóc đầu dậy, nó kêu la nghe như tiếng trẻ
khóc thất thanh. Ewa không biết làm gì để giúp nó. Hay hơn cả là làm cho nó chết
hẳn, nhưng ngay cả làm như vậy chị cũng không làm nổi. Ewa chỉ còn biết bịt kín
hai tai và nhanh chân bước. Người đàn bà này không muốn nghe lời kêu cứu bất lực
này.
- Cứu
tôi với... giúp... - Ewa thốt lên không thành tiếng nhưng Adam đã ra ngoài
và không ai nghe thấy chị cả.
Chúa tạo ra các thế giới có khởi đầu, nhưng
không có kết thúc. Chúa vẫn đang tạo ra các thế giới mới, tin rằng thế giới sau
sẽ hay hơn thế giới trước. Đôi khi Ngài thành công. Hầu như Ngài luôn luôn
thành công với ngày và đêm, bởi ngày và đêm khác nhau một trời một vực, mang
trong mình vẻ đẹp tự nhiên của ánh sáng và bóng tối.
“Cái
này tốt!”, Chúa nói, không mảy may nghi ngờ. Ngài
nói “cái này tốt” ngay cả khi Ngài biết
mình không thành công. Ngài làm như vậy chẳng qua là để tăng thêm tự tin cho
chính mình. Ngài mà mất can đảm sáng tạo, thì tất cả thế giới, trong khoảnh khắc,
sẽ tụt xuống một cái hố đen vô cùng tận, nơi chẳng những không có chỗ cho con
người, mà ngay cả thời gian cũng không tồn tại. Mà các thế giới và con người
không thể tồn tại khi bị tách khỏi thời gian, cho dù thời gian có thể tồn tại
không cần con người.
Tuy nhiên, đã xảy ra lắm chuyện với việc tạo
ra con người, cho nên Đức Chúa Trời, bằng phương pháp thể nghiệm đã tạo ra những
món quà và đem ban phát cho con người, để con người hoàn thiện chúng. Việc hoàn
thiện này không phải lúc nào cũng mỹ mãn. Hoặc những món quà của Ngài không được
tốt cho lắm, hoặc con người không hiểu, tại sao họ lại được chọn để nhận những
món quà này.
Tuy nhiên, nếu như công việc tạo lập là buồn
tẻ, đơn điệu và vô cùng tận như vũ trụ, thì việc tạo ra các món quà mang trong
mình các yếu tố bất ngờ.
Người đàn bà được bác sĩ phái đến tên là
Anna, chị ta bước vào phòng cách ly, miệng cười toe toét rộng tới tận mang tai.
- Đứa bé xinh! - Chị khen, cúi đầu xuống đứa
trẻ sơ sinh.
Ewa buột miệng, phát ra thứ âm thanh nửa
như cười khúc khích, nửa như khóc nức nở, uất ức, tắt lịm trong cổ họng.
- Chị muốn gì nào? Ewa hỏi.
- Tôi muốn cứu chị trước một quyết định sai
lầm. - Người đàn bà nói dè dặt.
- Việc đó thì có liên quan gì đến chị? - Ewa
cảm thấy căm ghét tột độ cái nụ cười cường điệu của người đàn bà không quen biết,
cái vị tanh lợm của thiện ý và cái nét mặt ra chiều đồng cảm nom không chịu nổi
của cô ta.
- Chị có muốn xem ảnh con gái tôi hay không
nào? - Người đàn bà nói.
Rõ ràng chị ta đã chuẩn bị sẵn, cho nên chỉ
cần một động tác là rút ngay được tấm ảnh trong túi xách. Ewa liếc nhìn, trong
tấm ảnh màu một bé gái chừng vài tuổi đang cười tự tin. Nụ cười này làm nổi bật
tất thảy mọi đặc điểm điển hình của bệnh Down, khiến Ewa sợ khi nhìn cái miệng
tròn xoe, dễ thương, đeo đôi kính cũng tròn xoe.
- Thấy ngay là tật nguyền! - Ewa buột miệng,
cắn chặt môi.
“Mình
đau khổ, thế nhưng mình có nên làm cho người đàn bà này nhức nhối hay không?”, Ewa tự hỏi mình.
Có điều Anna có vẻ chẳng hề nhức nhối chút
nào. Nở một nụ cười tự nhiên, chị ta đáp:
- Đúng! Thấy ngay là tật nguyền, - và nói
tiếp với giọng ngầm thú nhận. - Đi đến gặp chị, tôi sợ. Tôi luôn luôn sợ.
- Luôn luôn? Luôn luôn nghĩa là thế nào? - Ewa
hỏi.
- Những đứa trẻ như thế chào đời nhiều hơn
chị nghĩ.
- Người ta trả tiền cho chị về việc làm này
hay sao? - Ewa hỏi khiêu khích.
- Không, không có tiền nong gì đâu! - Người
đàn bà không ngại nói. - Thế nhưng, chị thấy đó, tôi không bỏ con. Cho nên tôi
mới đến để khuyên những người mẹ khác cũng đừng bỏ con.
- Vậy chị xót cho ai? Bảo hiểm xã hội
chăng? - Ewa bực bội. - Rốt cuộc, đó cũng đều là tiền thuế của chúng ta cả mà
thôi.
Ewa đã quyết định và bụng bảo dạ, cho dù có
hẳn một đoàn phụ nữ có con bị bệnh Down kéo đến khuyên nhủ chị cũng không thể
lay chuyển được chị. Ewa cảm thấy thoải mái và sẵn sàng làm lại tất cả từ đầu.
Người đàn bà ngồi lên giường, ngắm nhìn đứa
trẻ mới sinh. Trên gương mặt chị ta lại xuất hiện một nụ cười, song khác nụ cười
lúc nãy.
- Chị có tin là có thể yêu thương những đứa
bé như thế này, có khi còn yêu hơn những đứa bé lành lặn khác. Tôi có hai đứa
con, Jacek và Elzbietka. Tôi yêu Elzbietka hơn Jacek, vì con bé cần như vậy. Những
đứa trẻ tật nguyền chúng khao khát tình yêu...
Ewa lặng im. Người đàn bà vẫn ngồi đó, hai
mắt chị ta không rời khỏi đứa trẻ sơ sinh và nói tiếp:
- Chúng ta vẫn gọi chúng là “Quà Của Chúa”,
chị biết không? hoặc những đứa con của Chúa Trời...
Ewa bật cười.
- Ai nghĩ ra cái tên gọi ngu xuẩn này như vậy?
- Tôi chẳng biết! - Anna đáp. - Khi
Elzbietka ra đời, tên gọi này đã được dùng rồi. Người ta đã dùng từ lâu. Có khi
mãi mãi chăng? Một người mẹ khác đã đến bệnh viện gặp tôi, như tôi bây giờ đến
gặp chị, và chị ta đã trao tên gọi này cho tôi. Có khi người ta còn gọi là “Những
đứa bé cảm thấy khác”.
- Ha! “Chuẩn xác chính trị”! - Ewa tức mình
nói luôn.
Về đề tài “Chuẩn xác chính trị”, hai vợ chồng
luôn đồng thuận với nhau. Bây giờ, với niềm phấn khởi không giấu giếm, Ewa xướng
to điều đó trước người đàn bà xa lạ này. Người da đen được gọi là người Mỹ gốc
Phi, đúng không? một người ưa chuẩn xác chính trị đã gọi Nelson Mandela là người
Mỹ gốc Phi, để khỏi phải dùng từ “Đen”! Dân Digan gọi là Rom, người đồng tính gọi
là Gay, hoặc “Người yêu kiểu khác” đúng không? Còn người bị tâm thần gọi là
“Người cảm thấy khác”, thậm chí là “Quà Của Chúa”, đúng không?
- Đúng như vậy! - Người đàn bà bình thản
nói. - Sao chị không nghĩ xem, những tên gọi đó ở đâu ra?
- Ở đâu ra hả? - Ewa giận dữ nói.
- Đừng đẩy bực mình cho người khác, đừng
làm cho người khác bực mình, khi bạn không phải... bạn hãy yêu thương đồng loại.
Ewa lặng im. Lúc này người đàn bà lại càng
chọc tức Ewa. Chị ta ăn nói tầm phào, dạy đời.
- Chị không biết là trong việc ở cữ đứa bé
này có thể ẩn giấu một điều tốt... cực tốt. Bằng sự tồn tại của mình đứa bé sẽ
làm cho chị được nhiều thứ. - Người đàn bà không quen biết nói.
- Xin chị đừng có thuyết phục tôi, rằng việc
sinh ra đứa bé này là điều cực tốt. Hay hơn cả xin hãy nói, đó là điều cực tệ! -
Ewa đề nghị theo kiểu láu cá.
Tuy nhiên Anna trân trọng câu hỏi của Ewa.
Chị ta đăm chiêu một hồi lâu, dường như muốn chọn lựa điều quan trọng nhất. Chị
ta đưa mắt nhìn đứa bé, nhìn sang người mẹ, rồi lại quay trở lại. Ewa có cảm
giác, đang nhìn thấy ánh mắt đồng cảm trong cái nhìn của người đàn bà này.
- Đối với tôi, có hai điều tệ hại nhất! - Rốt
cuộc Anna nói. - Cho đến khi lên năm tuổi con gái tôi không biết nói. Dù chỉ một
lời. Nó chỉ phát ra những âm thanh làu bàu. Chị thường nghe trẻ em bình thường
nói huyên thuyên, và chị đâm sợ khi nghĩ, con gái mình sẽ không bao giờ nói nổi
một câu, mà không, một từ nên hồn. Đàng nào thì mọi trẻ con rồi cũng sẽ biết
nói. Đứa biết nói sớm, đứa biết nói muộn. Nhưng là chúng nói. Và một ngày nào
đó chúng sẽ nói “Mẹ ơi, con yêu mẹ”. Trái lại, có một số đứa trẻ suốt đời chỉ
nói một thứ tiếng đơn giản của riêng mình, nhưng chúng cảm nhận như mọi đứa trẻ
khác. Có khi còn hơn thế chăng?
Ewa im lặng. Người đàn bà thở dài:
- Nhưng có những chuyện tệ hại hơn... - chị
ta dừng chốc lát, dường như để tìm những từ chuẩn xác. Chị ta tìm một hồi lâu
và rốt cuộc đã tìm thấy. - Dạy chúng sống ngăn nắp là chuyện không phải dễ.
Hàng ngày khi tôi đi đón cháu Elzbietka từ trường mẫu giáo liên kết...
- Liên kết? - Ewa nhắc lại.
- Đúng, có những trường mẫu giáo đặc biệt ở
đó trẻ em bình thường chơi với... - Người đàn bà bắt đầu nhưng lại ngừng, còn
Ewa nói nốt:
- Trẻ em không bình thường.
- Đúng. Tôi đã xin cho Elzbietka vào đó và...
và hầu như ngày nào cũng xấu hổ. - Anna nói tiếp.
- Xấu hổ... - Ewa nói, đoạn im bặt.
- Tôi đã nói rồi đó, những đứa trẻ như vậy
dạy mãi mà chúng vẫn không biết thế nào là ngăn nắp. - Anna nhắc lại.
- Tôi hiểu, chúng bừa bãi, không biết dọn dẹp
đồ chơi, làm hỏng mọi thứ chứ gì? - Ewa hỏi thẳng.
- ... và ỉa đùn! - Người đàn bà nói nhanh rồi
thở phào như vừa vượt qua một chướng ngại vật.
Ewa rùng mình. Chị thuộc loại người hễ nhìn
thấy người say rượu nôn mửa là trong người sinh khó chịu, chưa bao giờ Ewa dám
bước vào nhà vệ sinh công cộng. Lúc đã có mang rồi mà Ewa vẫn không dám chắc
mình làm nổi việc thay tã cho con. Adam cười khi hứa với vợ là sẽ nhờ y tá giúp
đỡ.
- Em
khỏi lo đi, không tới một năm đâu, có khi còn ngắn hơn thế. Trẻ em thông minh học
chuyện này rất nhanh, chắc em không nghi ngại con chúng ta sẽ như thế nào?
Lúc đó Ewa đã không nghi ngại. Còn lúc này
người đàn bà nói tiếp:
- Có khi kéo dài đến bốn, thậm chí sáu tuổi.
Hãn hữu còn dài hơn thế. Những đứa trẻ này không biết hoặc không thích gọi đúng
lúc. Không có cách nào dạy được chúng. Cho nên có thể xảy ra nhiều tình huống.
Ý tôi muốn nói tới các cô mẫu giáo. Họ khổ sở về chuyện thay tã, còn khi con
gái Elzbietka của tôi... Chị có biết...
- Tôi biết! - Ewa độp luôn. - Khi Elzbietka
bĩnh ra quần một đống, thì sao?
- ... các cô gọi điện tìm tôi. Kể cả khi
tôi đang làm việc ở cơ quan, tôi đang có việc bận, các cô gọi cho tôi, để tôi đến
ngay lập tức và dọn. Họ thanh minh rằng, đó không phải là nhiệm vụ của họ. Rằng
phiền toái. Và rằng thật ghê tởm. Đó là việc hổ thẹn.
Ewa nghĩ bụng, sẽ không bao giờ cho con đi
mẫu giáo. Chị không muốn có thêm những chuyện hổ thẹn. Chỉ một hổ thẹn là đủ:
Sinh ra đứa bé này. “Khoan, khoan... đến
trường mẫu giáo nào cơ? Bé sẽ không đi mẫu giáo, nó ở lại”. Người mẹ tự nhắc
mình.
- Nó đã tám tuổi, xinh xẻo. - Anna nói tiếp
và lại chìa tấm ảnh cho Ewa. Elzbietka cười tươi, nó khôi hài, mặt tròn xoe. Nếu
không có đôi mắt này...
- Nó nhạy cảm và tự tin. Một con gấu con! -
Người đàn bà cười xúc động. - Chúng tôi quý cháu lắm. Tôi đã nói với chị rồi
đó, những đứa trẻ như thế này thì gọi là gì: Quà Của Chúa.
- Thế thì xin Chúa hãy lấy lại nó đi. - Ewa
nói cứng rắn.
Ewa chờ đợi Anna sẽ bực mình, sẽ thuyết
giáo, sẽ mất lòng. Thậm chí Ewa thích như vậy một cách vô lý. Tuy vậy Anna nhìn
Ewa với sự thông cảm không hiểu nổi.
- Đúng! Tôi biết. Hầu như tất cả chúng ta đều
có khoảnh khắc nảy ra ý nghĩ, đứa bé chết đi là hay hơn cả. Sau này, khi nó lớn,
chúng ta ngắm nhìn nó chơi đùa, nó cười, nó biết yêu và nó rất tự tin, thì lúc
đó ngày nào cũng vậy, lúc nào cũng vậy, chúng ta cảm thấy xấu hổ với ý nghĩ đó
của mình. Tôi vẫn cảm thấy xấu hổ với con cho đến tận bây giờ. Cho dù không phải
một lần ý nghĩ đó đã trở lại với tôi. Thế nhưng bây giờ thì không trở lại nữa rồi.
Không bao giờ.
Ewa nghĩ, chị đã bị tước mất khả năng là một
người chân thành phũ phàng. Mà thực ra chị đâu phải là người vốn dĩ như vậy. Chị
là một người như mọi người.
- Thôi chị đi đi. - Ewa nói với Anna một
cách lạnh lùng và kiên quyết.
- Tôi sẽ quay lại, nếu chị muốn. - Người
đàn bà nói nhỏ, để lên mặt bàn tấm danh thiếp của mình. - Chỉ xin chị cho phép
tôi được bế cháu lên tay.
- Để làm gì? - Ewa ái ngại hỏi.
- Tôi muốn trao cho đứa con của chị điều mà
tôi không biết trao cho con của mình khi nó ra chào đời.
- Có nghĩa là?
- Mừng vì cháu đã ra đời!
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét