Quà của Chúa
Tác giả: Dorota Terakowska
Dịch giả: Lê Bá Thự
Nhà xuất bản Phụ nữ - tháng 4-2009
Chương 4
Ngày Thứ Hai - Nước
Myszka tắt đèn sau khi mẹ ra khỏi phòng.
Bây giờ phòng áp mái nom lại khác. Trong ánh sáng của đèn điện, phòng áp mái là
một nơi bình thường, một kho đồ cũ mà Myszka chẳng thấy có gì hay. Còn khi bóng
tối lại bao trùm căn phòng thì bé nhìn thấy những màn đen.
Thoạt tiên tấm màn gần nhất, màu có phần
bàng bạc bởi ánh sáng yếu ớt lọt vào từ ô cửa nhỏ, đó không phải là màu xám mà
là xám tro như lông những chú chim bồ câu đậu trên nóc nhà của gia đình bé.
Đàng sau tấm này nhìn thấy đường viền của tấm màn thứ hai, một thứ màu xám hoàn
hảo như bộ comlê của bố. Tấm màn thứ ba có màu tối như lúc trời nhá nhem.
Trước khi Myszka nhận ra các gam màu của những
tấm màn kế tiếp, bé nghe có tiếng nước. Và lúc này tấm màn thứ nhất, tấm màn
màu tro, được vén lên, liền đó tấm màn xám tuyệt hảo được mở ra cùng với tiếng
sột soạt như nhện bò, còn tấm màn thứ ba dịch chuyển sang bên, mạch lạc như tấm
màn nhà hát. Có lần mẹ đã dẫn Myszka vào nhà hát, nhưng chỉ một lát sau hai mẹ
con đã phải ra ngoài, khi bé nói to và không hiểu, thế là một ông mặc bộ đồng
phục với những hàng khuy óng ánh liền dẫn hai mẹ con ra ngoài, ông ta nói:
“Thưa chị, nhà hát không phải là nơi dành cho những người như thế này”. Myszka
hiểu rằng sẽ không bao giờ hai mẹ con quay lại đó nữa, cho dù chỗ này lung
linh, lộng lẫy, và có một khoảnh khắc tất cả mọi người trên sân khấu bắt đầu nhảy,
còn Myszka chẳng muốn gì hơn, chỉ muốn nhập bọn với họ, cho dù chỉ chốc lát.
Nước lộp bộp, rồi nước ngân nga, nước ào ào
như thác đổ và nước hiện diện ở mọi nơi khắp chốn cho dù bị ngăn cách bởi những
tấm màn, nước sát gần nhưng không nhìn thấy. Thế nhưng những tấm màn tiếp theo
đã mở ra và khi tấm màn cuối cùng, tấm màn đen và đặc quánh như bồ hóng biến mất
thì Myszka nhìn thấy:
- O,
nuuu ơ... Nhaa...
Nước nhảy múa.
“Nước”, Ewa nghĩ, bực mình, rời mắt khỏi cuốn
sách, Myszka lại không vặn chặt vòi nước, để nước chảy ra nhà tắm hoặc nhà bếp.
Cũng may trên phòng áp mái không có vòi nước, bởi nước có thể chảy tràn ra nhà.
Ewa đứng dậy, rời ghế đi văng, miễn cưỡng rời
ly cà phê, ly rượu cô nhắc, chồng tạp chí màu (những cuốn sách của các tác giả
nổi tiếng, đau khổ nói về những khuyết tật của thế giới), đi chân trần chị lao
vào nhà tắm. Vòi nước đã vặn chặt, khô ráo. Trong nhà bếp cũng vậy. Thế nhưng
nước chảy tràn ở đâu đó, tiếng nước cho thấy đó không phải là tia nước nhỏ, mà
như là cả một dòng sông thực hung dữ.
Ewa đi ra phía cửa sổ, vén chiếc màn che.
Bên ngoài mưa rơi như thác đổ. Cách đây một giờ đồng hồ bầu trời chỉ toàn màu
xám, sau đó chuyển sang màu chì sẫm đen, thấp tè, đến nỗi cho cảm giác mây trời
đang mơn trớn mái nhà.
Nhìn trời mây, Ewa thở dài lấy làm ngạc
nhiên và nghĩ bụng “Rất may là Myszka đã phát hiện ra phòng áp mái, nếu không
có lẽ con bé sẽ buồn cả ngày và đòi mẹ cho đi dạo chơi. Myszka không thể hiểu tại
sao lại không thể đi trong mưa...”.
Nằm dài trên ghế, Ewa giở từng trang cuốn tạp
chí. Chị xem hình ảnh nội thất của một ngôi biệt thự, giống như ngôi nhà của họ
cách đây vài năm. Chị mỉm cười với mấy cô người mẫu đứng trong những nhà vệ
sinh hảo hạng, với những tấm ảnh quảng cáo các mặt hàng mỹ phẩm được tăng thêm
vẻ đẹp một cách thần kỳ, với những tấm ảnh chụp những người quen cũ nhân dịp
các cuộc liên hoan, nơi người ta đứng nghiêm trang một cách gò bó, với những
gương mặt được làm đẹp tại mỹ viện, không một nếp nhăn. Ewa xem phóng sự ảnh về
cuộc khiêu vũ từ thiện, và không hề ngạc nhiên, thậm chí không hề tiếc nuối khi
chị phát hiện thấy Adam ở một trong những tấm hình đó. “Chúng mình có thể cùng
nhau đến đó, nhưng em mệt nhoài như thế này...”, Ewa mơ màng nghĩ, lật tiếp
trang tạp chí. Giống như các bản tin truyền hình, cuốn tạp chí này không thực tế.
Nước lộp bộp, nước ào ào, nước ngân vang và
cho cảm giác nước hiện diện ở mọi nơi khắp chốn, cho dù làm gì có nước ở trong
căn phòng khô ráo và an toàn này.
Nước lộp bộp, nước ào ào, nước ngân vang và
khi tất cả các màn tối, kể cả tấm màn có màu muội than mềm mại, đã được vén
lên, nước cho cảm giác nước ngập tràn không gian. Vậy mà Myszka chẳng sợ gì.
Khi quan sát nước cuồn cuộn, bé nhận ra rằng,
trong vòng xoáy và trong ngập tràn, trong vũ điệu hoang dã tự nhiên này có một
quy tắc nào đó.
“Nước tự sắp đặt”, bé nghĩ, liên tưởng tới
những thỏi xếp hình. Có lần, bằng những thỏi xếp hình bé đã dựng một mặt phẳng
đều, và đó là một thành tích lớn, bé được ban thưởng bằng những cái bắt tay của
mẹ. Còn bây giờ nước tự sắp đặt giống như vậy, trong khi vẫn tiếp tục tuôn xuống
từ trên cao, nước tràn ra tứ phía, để dọn chỗ cho cái đổ xuống từ bên trên và
chiếm chỗ cho mình trong không gian.
Sau chốc lát, cái rõ ràng đã kiếm chỗ cho
mình bắt đầu hiện lên bên trên nước. Thoạt tiên đó là ánh sáng, không vàng óng
như mặt trời, cũng không vàng rộm như bóng đèn điện, mà là màu thanh thiên và lấp
lánh trong màu thanh thiên này như thạch anh. Nước dạt ra và dạt ra chung
quanh, và màu thanh thiên bí ẩn mỗi lúc càng hiện rõ. Khi Myszka quan sát thì
bé thấy, cũng giống như các màu đen, màu thanh thiên cũng có nhiều sắc độ và đậm
nhạt khác nhau, bắt đầu từ màu giống như đôi mắt nhợt nhạt của ông đưa thư, cho
đến màu xanh lam sặc sỡ đậm đặc như màu thạch lựu. Sau đó bé nhìn thấy trong
cái màu xanh làm lóa mắt đang diễn ra một chuyển động, nó sâu hoắm, sâu hơn cả
nước, đúng ra là vô tận và những hình thù trắng, như lông chim trôi trên màu
thanh thiên này.
“Mây trời?”, Bé nghĩ, không dám tin, đến nỗi
run bắn lên, “Đó là bầu trời đấy! Bầu trời thật nhất!”.
Bầu trời căng rộng trên mặt nước và từ từ
chuyển sang xám, thậm chí rất chậm chạp. Có cảm giác trạng thái này sẽ kéo dài
muôn thuở, một màu thanh thiên vô cùng, không đầu, không cuối và trong cái mặt
nước loang rộng này màu thiên thanh soi bóng trong cái vô hạn của chính mình.
Bỗng Myszka đứng không nhúc nhích. Bé cảm
thấy một chuyện gì đó sắp xảy ra. Một cái gì đó hệ trọng. Bé không hiểu do đâu
mà bé đang biết, thế nhưng bé đã biết. Nước cũng thôi không xoáy tròn nữa và tồn
tại trong đợi chờ. Tất cả đều bất di bất dịch, Nước, màu thanh thiên, mây như
lông chim. Rồi sau đó qua nước, qua bầu trời, qua phòng áp mái có gì đó thổi
vào người Myszka như một làn gió thoảng, chẳng mấy chốc nó mạnh lên thành cơn lốc
và ngay lập tức Myszka biết, đó là gì: Tiếng thở. Một tiếng thở sâu, thoải mái
của ai đó, lọt vào tận đây, đến với bé, vào phòng áp mái. Bé đứng bất động,
không sợ hãi mà tò mò tột độ. Và lúc này chung quanh vang lên những âm thanh:
“Cái này tốt”! Một giọng nói âm vang, đúng hơn là ca vang, nói bằng nhạc điệu
hơn là bằng lời.
Myszka nghe và hiểu. Và đồng thời bé ý thức
rằng giọng nói đó không nói với bé, mà nói với chính mình, với sự suy tư, với sự
lo âu, với tiếng thở mệt mỏi và tiếng thở đó lại lăn tròn như tiếng sấm qua nước,
qua bầu trời, qua cả phòng áp mái. Bé không dám hỏi. Giọng của ai vậy và bé tiếp
nhận một cách đơn giản rằng, một khi có người nào đó nói thì người nào đó phải
hiện diện ở đâu đây, cho dù chỗ người này hiện diện không xác định. Thế nhưng
người có giọng nói này phải khổng lồ, thậm chí vô cùng tận trong cái bao la của
mình.
“Một khi nói với chính mình thì người này
chỉ có một mình”, bé khẳng định và suy ngẫm, phải chăng sự cô đơn này, bên trên
mặt nước, qua bầu trời, thậm chí qua phòng áp mái, không là một sự cô đơn ghê gớm
quá chừng.
Những ý nghĩ như thế này đến với bé bằng
làn sóng hình ảnh và xúc cảm, xếp thành những dãy câu nói vô cùng tận. Chúng rất
nhiều, nhiều gần như nước vậy, chỉ dùng những từ mà mẹ đã kiên trì dạy bé học
thì bé không thể nói ra kịp. Sau chót, những lời mà bé biết, không diễn tả được
cái bé cảm thấy, ngay cả bé quan sát được bằng đôi mắt lồi và xếch của mình. Dù
là ở đó, ở dưới nhà, hoặc ở đây, lúc này.
Bỗng nhiên nước dịu êm và trải rộng, từ từ
đậm đặc, cho cảm giác nước đang chuyển thành khối và nặng dần lên. Màu của nước
biến thành màu tối, không còn trong suốt nữa và chỉ ở nơi bầu trời in bóng thì
nước mới xanh như màu trời.
Lúc này bầu trời chọn màu sắc cho mình, màu
xám hoặc màu trắng như mây biến thành màu xanh nhạt, màu xanh da trời, màu xanh
lam và màu xanh thẫm báo hiệu đêm về, mây trôi chậm rãi, rồi lại trôi nhanh,
như muốn đuổi theo nhau lao về phía trước, đám mây này đuổi theo đám mây kia.
Và hiểu rằng, nếu như nước có ranh giới của mình, thì bầu trời không có và sẽ
không bao giờ có. Rằng nước có thể chất lên nhau, nhưng bầu trời thì không bao
giờ sắp đặt, luôn luôn cất giấu nỗi lo âu của mình trong sự bình yên sâu thẳm,
giữ sự chuyển động của mình trong sự không chuyển động.
Bé lại cảm thấy tiếng thở của người:
- Cái này tốt!
Giọng nói lập lại, nhưng không còn nghe thấy
trong đó bóng dáng của ưu phiền.
- Cái này tốt! - Myszka nhiệt liệt tán đồng
với Ngài, biết rằng đường nào thì Ngài cũng không nghe được lời bé nói. Quả
đúng là cái này tốt.
Tất thảy các màn đen, từ cái đen ngòm màu bồ
hóng cho đến cái màu xám tro như cánh chim bồ câu, lại được mở ra với thứ tiếng
động của nhện bò, một cảm giác yên bình bao quanh bé, đồng thời ngăn cách bé với
nước và bầu trời.
- Myyyyszka! Ăn tối! - Mẹ gọi đâu đó dưới
nhà, đúng là không biết từ chỗ nào, khi cô bé qua một khoảnh khắc không biết
mình đang ở đâu.
“Phòng áp mái chứ còn gì”, bé nhớ lại, thở
phào, đứng dậy khỏi nền nhà và bật đèn. Bóng đèn sáng chói và từ trong bóng tối
hiện rõ các đồ mộc cũ kỹ của bà, bình thường, còn những hạt bụi từng nhảy múa
trước đó giờ đây chất chồng lên những đồ vật và đi vào giấc ngủ. Theo phản xạ,
Myszka quệt ngón tay vào chiếc đi văng cũ. Ngón tay khô. Đi văng cũng vậy.
Thận trọng bước theo từng bậc cầu thang,
Myszka đã quên giọng hát bồn chồn, dông dài của nước chảy mọi nơi khắp chốn,
quên sự vô biên của bầu trời từ trên cao đã hạ xuống thấp tè và quên cả giọng
nói lạ, âm vang, nhưng không khủng khiếp. Myszka dễ dàng quên đi mọi thứ. Thế
nhưng từ cách đây không lâu mọi thứ lại dễ dàng mở ra trong trí não của bé. Kể
từ khi có phòng áp mái.
Thế rồi, khi đi qua tiền sảnh vào nhà bếp,
Myszka chỉ còn nghĩ về bữa cơm chiều. Bé nghe tiếng đập cửa khô khốc từ phòng bố,
sau đó là tiếng chân bước nhanh của bố và sau chót bé nhìn thấy bố, dáng người
thanh nhã (“ông trên tivi”, bé nghĩ, liên tưởng bố với các màn quảng cáo nước rửa
bát), và bé bèn đứng sang bên cạnh, áp mạnh thân mình vào bờ tường, cố tìm cách
để bố không nhìn thấy mình. Như thường lệ, bố phớt lờ bé, nện những bước chân của
người đang vội, không thấy gì chung quanh.
Thế nhưng bố nhìn thấy. Bố luôn luôn nhìn
thấy. Myszka cảm thấy thế.
- “Phòng áp mái” - bé thì thầm một lần nữa,
cho khỏi quên.
Vậy mà ngay sau đó, bé quên liền.
Và buổi
tối đã đến, ngày thứ hai.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét