Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh - Chương 19

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh
(А зори здесь тихие)

Tác giả: Boris Vasilyev
Người dịch Lê Đức Mẫn
Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) - 1985

Chương 19

Nhưng phát súng đầu tiên lại không phải do anh bắn, và dù rằng anh vẫn chờ đợi, nhưng anh vẫn cứ giật mình. Đó là tiếng súng ở phía trái, cuối dòng nước, và sau đó là nhiều tiếng súng nữa. Vaxkốp nhìn lại: ở chỗ nước sâu một tên Đức đang lội lồm cồm trở lại về phía đồng bọn, xung quanh nó đạn réo xối xả mà chưa trúng. Thằng Đức bây giờ chạy bằng cả hai chân hai tay, kéo lê chân trên bãi đá lạo xạo.
Thì ra chúng xả súng bảo vệ thằng bị thương. Chuẩn úy đã định đứng dậy, lao về phía hai cô, nhưng lập tức kìm lại. Thật đúng lúc: bờ bên kia bốn thằng chui trong bụi ra chạy ùa xuống nước. Chúng tính rằng nhờ hỏa lực yểm trợ chúng có thể băng qua sông mà lẩn vào rừng. Bây giờ súng trường không dùng được vì không có thời gian lên đạn. Vaxkốp liền vớ lấy tiểu liên. Anh vừa mới bóp cò súng thì từ bờ bên kia hai tia lửa lóe sáng vãi đạn thành hình quạt trên đầu anh.


Vaxkốp chỉ biết một điều: trận này không thể lùi được. Không thể nhường cho chúng một tấc đất bờ sông này được. Dù kinh khủng và tuyệt vọng thế nào đi nữa cũng phải giữ lấy. Phải giữ được vị trí này, nếu không chúng sẽ nghiền nát bọn anh, và thế là hết. Anh có cảm giác rằng sau lưng anh là toàn nước Nga, và chính anh, Phêđốt Epgraphovích Vaxkốp, giờ đây là đứa con cuối cùng và là người bảo vệ đất mẹ. Trên thế giới này không còn ai nữa: chỉ có anh, kẻ thù và nước Nga mà thôi.
Anh lắng nghe về phía hai cô: tiếng súng trường của hai cô có nổ hay không. Nổ là hai cô còn sống, là đang giữ trận địa, đang giữ nước Nga vậy!
Cho đến khi đằng ấy có tiếng lựu đạn nổ anh vẫn không sợ. Anh có cảm giác rằng sắp đến lúc xả hơi vì bọn Đức không thể kéo dài cuộc chiến đấu với một đối phương mà chúng không rõ lực lượng. Chúng còn phải quan sát, phải nhận định hoàn cảnh rồi mới tiếp chiến. Nhóm bốn thằng vừa mới xông về phía anh lập tức rút lui. Chúng rút rất gọn đến nỗi anh không kịp biết có thằng nào ăn đạn hay không. Chúng trốn vào bụi, chỉ bắn ra chút ít để dọa nạt rồi lại nằm im trong đó, chỉ còn một vài sợi khói lan trên mặt nước.
Thế là tranh thủ được ít phút. Tất nhiên hôm nay anh không còn tính từng phút nữa vì anh biết không có tiếp viện ở đâu cả, nhưng dù sao anh cũng đã quật được một đòn, đã cho chúng biết sức mạnh, và lần sau chúng không dễ gì mò xuống sông nữa. Chắc chúng còn muốn tìm một khe hở nào đây: có thể là một lối sang phía đầu nguồn, bởi vì phía dưới khúc sâu toàn là đá hộc dốc đứng đổ xuống lòng nước. Như thế nghĩa là bây giờ phải chạy ngang bên phải, còn chỗ này thì để lại một cô nào đó đề phòng bất trắc...
Anh chưa kịp nghĩ đến cách bố trí thì nghe có tiếng chân đằng sau. Nhìn lại Epghênina Kômenkôva đã lách bụi chạy thẳng đến.
- Cúi xuống!...
- Nhanh lên!... Rita!...
Rita Ôxianina bị làm sao. Vaxkốp không cần hỏi, anh nhìn mắt cũng biết. Anh xách súng chạy đến trước cả Kômenkôva. Ôxianina cong người ngồi dưới gốc thông tựa lưng vào cây. Cô cố nở một nụ cười trên đôi môi nhợt nhạt, thỉnh thoảng lại liếm môi. Hai tay cô ôm bụng, máu chảy đầy trên hai tay.
- Đạn à? - Vaxkốp chỉ hỏi có thế.
- Lựu đạn.
Anh đặt Rita nằm ngửa, cầm lấy tay cô, nhưng cô không muốn nắm tay anh, sợ đau. Anh khẽ buông ra và hiểu rằng thế là hết... Thậm chí muốn nhìn vết thương cũng khó vì nó bê bết những máu, những mảnh áo và mảnh thắt lưng.
- Đưa vải đây! - anh kêu. - Quần áo đâu!
Hai bàn tay Epghênina run rẩy xé gói đồ của mình rồi đưa ra một cái gì mỏng mỏng, trơn trơn...
- Lụa không dùng được! Đưa vải đây!
- Em không có!
- Chà, khỉ thật!... - anh chạy đến lục ba lô mình, vứt ra tứ tung.
Rita thều thào:
- Bọn Đức... Bọn Đức đâu rồi?
Epghênina nhìn cô một giây, sau đó xách súng chạy thẳng ra bờ sông, không ngoái đầu lại.
Chuẩn úy tìm được một áo sơ mi, một quần đùi, hai cuộn băng rồi quay lại. Rita muốn nói gì đó mà anh không nghe. Anh lấy dao cắt áo, váy và đồ lót của cô, cái nào cũng đầy máu. Răng anh nghiến lại. Một mảnh lựu đạn, xuyên chéo mở toang bụng cô. Qua lớp máu đen sẫm trông thấy cả ruột gan cô đang đụng đậy. Anh đặt áo anh ra ngoài rồi băng.
- Không sao đâu, Rita, không sao đâu... Sượt qua thôi. Ruột còn nguyên. Rồi sẽ lành lại...
Một tràng đạn xối ở đầu bờ. Rồi tiếng rào rào khắp nơi, lá rụng đầy, Vaxkốp vẫn mải miết băng, mấy lần vải đều thấm máu ngay.
- Anh ra đi! - Rita nặng nhọc nói. - Epghênina ở đằng ấy...
Một chùm đạn nổ giòn bên cạnh. Đạn bay thấp hơn, có ngắm nhưng không trúng. Chuẩn úy quay lại rút súng lục bắn luôn hai phát vào một cái bóng thoáng qua: bọn Đức đã sang sông.
Khẩu tiểu liên của Epghênina vẫn nổ đâu đó, vẫn trả đũa đều đặn nhưng tiếng súng cứ xa dần vào rừng. Vaxkốp chợt hiểu rằng Epghênina vừa bắn vừa nhử quân Đức theo mình. Cô dụ chúng, nhưng không xuể: quanh quẩn vẫn còn một thằng biệt kích nên chuẩn úy lại nổ thêm một phát nữa. Anh phải mang Rita Ôxianina đi chỗ khác rồi vì quân Đức bao vây rất gần và giây phút nào cũng có thể là giây phút cuối.
Anh bế Rita trên tay. Đôi môi nhợt nhạt cắn chặt của cô mấp máy nói gì anh cũng không nghe. Anh muốn cầm cả khẩu súng trường nhưng không nổi, bèn chạy vào bụi, cánh tay trái đau nhói làm anh mỗi bước đi một thêm kiệt sức.
Dưới gốc thông vẫn còn ngổn ngang đồ đạc, súng ống và quần áo lót của Epghênina mà chuẩn úy vứt ra. Những bộ đồ tươi trẻ, nhẹ nhàng, đỏm dáng...

Diện quần áo lót vốn là niềm đam mê của Epghênina. Cô có thể dễ dàng khước từ rất nhiều thứ vì tính cô thường vui vẻ, tươi cười, nhưng những bộ quần áo mẹ cô tặng trước chiến tranh thì đi đâu cô cũng nhét vào đáy ba lô. Vì chuyện đó cô thường bị cảnh cáo, bị phạt, và nhiều thứ rầy rà khác nữa.
Cô có một áo lót đặc biệt - trông thấy đã đủ mê hồn. Đến bố Epghênina cũng phải bật lên:
- Epghênina, mày quá lắm đấy. Sửa soạn đi đâu thế?
- Con đi dạ hội! - Epghênina tự hào đáp, dù cô biết rằng ông hiểu hoàn toàn khác.
Hai bố con rất tâm đắc với nhau.
- Con có đi săn lợn rừng với bố không?
- Tôi không cho đi đâu! - mẹ cô sợ quá. - ông điên à? Con gái mà cho đi săn
- Cho nó quen đi! - ông cười. - Con gái sĩ quan Hồng quân không được sợ một cái gì cả.
Và Epghênina không sợ gì thật. Cô biết cưỡi ngựa, bắn súng, biết đi rình lợn rừng, biết phóng mô tô của bố trong thành phố quân sự. Đi dạ hội cô còn biết nhảy các điệu Di gan, biết hát cho đàn ghi ta đệm và đã từng quyến rũ mấy chàng trung úy gọn gàng. Cô quyến rũ chả khó mấy nỗi, để chơi thôi, chứ có yêu gì đâu.
- Epghênina, con làm u mê cái anh trung úy Xécgâytruc mất rồi. Hôm nay anh ấy báo cáo: “Thưa tướng quân Epghê...”.
- Bố nói dối con đấy chứ!
Đó là những hạnh phúc và vui tươi nhất, nhưng mẹ cô lúc nào cũng rầu rĩ và thở dài sườn sượt: con gái lớn rồi, ngày xưa đã là tiểu thư, thế mà cứ nhố nhăng... Không thể hiểu được: nào bắn súng, đua ngựa, phóng mô tô, nào nhảy nhót suốt đêm, nào trung úy tặng bó hoa to lắm, nào dạ khúc dưới sông, nào thư từ thi phú.
- Epghênina, đừng có thế con ạ. Con có biết người ta đồn gì về con không?
- Cứ cho người ta đồn, mẹ ạ!
- Người ta bảo đã mấy lần gặp con với đại tá Luđin. Mà anh ta có vợ con rồi. Làm thế sao được?
- Con cần gì cái anh Luđin ấy làm gì!... - Epghênina nhún vai bỏ đi.
Luđin quả là người đẹp trai, bí ẩn và anh hùng: trận đánh ở Khankin Gôn anh được huân chương Cờ đỏ, trận Phần Lan anh được huân chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô. Mẹ cô cảm thấy rằng cô lảng tránh câu chuyện đó không phải đơn giản thế thôi. Bà cảm thấy sợ hãi.
Anh Luđin ấy đưa Epghênina về nhà khi cô chỉ còn một thân một mình vượt qua chiến tuyến, lúc cả nhà cô đã hy sinh. Anh trông nom cô, bảo vệ cô, an ủi cô không có nghĩa là để lợi dụng trong lúc cô côi cút mà chèo kéo cô. Lúc bấy giờ cô cần một nơi nương tựa, cô cần được sống, được khóc, được thở than, được trìu mến và được thấy mình trong cái thế giới chiến tranh tàn khốc này. Mọi điều đều đã xẩy ra như ý cô muốn và Epghênina đã không thỏa chí. Nói chung xưa nay cô chẳng bao giờ ngã lòng. Cô luôn luôn vẫn tự tin vào mình và bây giờ khi dẫn bọn Đức ra xa chỗ Rita Ôxianina, không giây phút nào cô nghi ngờ rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp.
Cho đến khi viên đạn đầu tiên găm vào sườn cô, cô cũng chỉ ngạc nhiên mà thôi. Thật là ngớ ngẩn, thật là phi lý và sai lầm khi phải chết giữa tuổi mười chín...
Bọn Đức bắn cô cũng là hú họa, từ sau một vòm lá, vì thế cô có thể nấp lại, chờ đợi và có thể bỏ đi chỗ khác. Nhưng còn đạn, cô vẫn còn bắn. Cô nằm xuống bắn chứ không định chạy, bởi vì cô mất máu tức là mất sức. Bọn Đức bắn thẳng vào cô, rồi sau đó chúng phải ngắm nhìn hồi lâu khuôn mặt kiêu hãnh tuyệt đẹp sau phút đã chết của cô...

Rita Ôxianina biết rằng vết đạn của cô là vết tử thương, nhưng còn lâu và đau lắm cô mới chết được. Bây giờ hầu như cô không thấy đau nữa, chỉ thấy nóng rát trong bụng và thấy khát nước. Nhưng cô không được uống, cô chỉ lấy một mảnh vải nhúng vào một kẽ nước rồi đắp lên môi.
Vaxkốp giấu cô vào một bụi cây vân sam, lấy cành cây phủ kín rồi bỏ đi. Lúc đó vẫn còn bắn nhau. Bỗng nhiên tiếng súng im bặt và Rita bật khóc. Cô khóc không có tiếng nấc, không có tiếng thở dài, chỉ có nước mắt tuôn trên gò má. Cô hiểu rằng Epghênina không còn nữa...
Sau đó nước mắt khô đi. Nước mắt phải rút lui trước một cái gì to lớn đứng sừng sững trước mắt cô mà cô phải sắp xếp, phải chuẩn bị. Một cái vực thẳm màu đen lạnh lẽo mở ra ngay dưới chân cô, cô dũng cảm, nghiêm trang nhìn xuống.
Cô không tiếc mình, không tiếc cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình bởi vì lúc nào cô cũng nghĩ đến một cái quan trọng gấp nhiều lần so với bản thân cô. Con trai cô sẽ là đứa mồ côi, nó sẽ hoàn toàn đơn độc trên tay bà già ốm yếu và bây giờ Rita phán đoán, không biết nó sẽ sống thế nào qua cuộc chiến và cuộc đời mai sau của nó ra sao.
Một lát sau Vaxkốp trở về, anh vứt cái cành xuống lặng lẽ ngồi cạnh, ôm lấy cánh tay bị thương của anh và khẽ lắc lắc.
- Epghênina hi sinh rồi à?
Anh gật đầu rồi nói:
- Đồ đạc của chúng ta bị mất. Hoặc chúng mang đi, hoặc chúng giấu đâu đây.
- Epghênina chết... ngay lập tức chứ?
- Ngay lập tức. - anh nói, nhưng cô cảm thấy rằng anh nói dối. - Chúng đi rồi. Đúng là chúng đi lấy thuốc nổ... - Anh bắt gặp đôi mắt mờ đục nhưng thông hiểu của cô, liền kêu lên: - Chúng không thắng được ta đâu, cô hiểu chưa? Tôi còn sống, chúng còn phải quật đổ tôi đã!...
Anh im lặng, nghiến răng, rùng mình một cái cho đỡ đau tay
- Tay anh đau à?
- Tôi đau ở đây. - Anh chỉ tay vào ngực. - Tôi nhức nhối ở đây lắm. Rita ạ, nhức nhối lắm!... Tôi đã làm hại năm cô, mà để được gì? Được mười thằng Đức? Bây giờ chiến tranh thì dễ hiểu. Nhưng sau này hòa bình rồi thì sao? Người ta sẽ hiểu vì sao các bạn phải chết? Vì sao tôi không cho bọn Đức đi qua, vì sao lại quyết định như thế? Tôi sẽ trả lời thế nào nếu có người hỏi: làm sao đàn ông không giữ được các bà mẹ chúng tôi khỏi những hòn đạn. Làm sao ông đẩy họ vào cánh tay của tử thần, mà ông lại được yên lành? Thế ông có giữ được con đường Kirốp và kênh Bạch Hải-Bantích không? Ở đó cũng có quân bảo vệ đông gấp bao nhiêu lần năm cô gái với ông chuẩn úy mang súng lục kia chứ!
- Không cần. - cô khẽ nói. - Tổ quốc bắt đầu không phải từ chỗ kênh đào. Hoàn toàn không phải từ đó. Chúng ta bảo vệ Tổ quốc. Đầu tiên là bảo vệ Tổ quốc rồi sau mới là kênh đào.
- Đúng... - Vaxkốp nặng nề thở dài rồi im. - Cô nằm đây, tôi ngó quanh xem sao, nhỡ chúng đến thì khốn. - Anh lấy súng, không hiểu vì sao lại thận trọng lấy tay áo lau sạch. - Cô cầm đi. Hình như còn hai viên đạn. Nhưng dù sao cô có nó vẫn yên tâm hơn.
- Này anh! - Rita nhìn đi đâu lướt qua mặt anh, như nhìn lên bầu trời lỗ chỗ bóng cây. - Anh cũng biết là lúc ở chỗ tránh em đã chạm trán với quân Đức phải không? Lúc đó em hay về chỗ bà mẹ. Em có một thằng con lên ba ở đó. Tên nó là Anbert. Mẹ em ốm yếu lắm, chẳng sống được bao lâu nữa đâu, còn bố em thì đã mất tăm từ lâu rồi.
- Đừng lo, Rita, tôi hiểu cả rồi.
- Cám ơn anh. - Đôi môi hết máu của cô mỉm cười. - Anh thực hiện cho em một yêu cầu cuối cùng được không?
- Không đâu. - anh đáp.
- Một yêu cầu nhỏ thôi, dù sao em cũng sắp chết rồi. Em còn đau khổ nhiều.
- Tôi đi quan sát rồi quay lại ngay. Đêm nay chúng ta sẽ về đến chỗ quân mình.
- Anh hôn em đi. - cô bỗng nói.
Anh vụng về cúi xuống, rụt rè đặt môi lên trán cô.
- Râu anh đâm đau... - cô nhắm mắt lại, thều thào. - Anh đắp lá lên mình em rồi đi đi.
Nước mắt từ từ chảy xuống hai má hóp vào màu tro của cô. Vaxkốp nhẹ nhàng đứng lên, lấy cành lá phủ lên Rita rồi bước nhanh về phía bờ sông đi tìm quân Đức.
Trong túi anh còn quả lựu đạn vô dụng nặng nề rung lắc, vũ khí duy nhất của anh...

Chỉ một lát sau anh cảm thấy ngay rằng có tiếng súng nổ nhỏ chìm trong đống cành lá. Anh đứng sững lại lắng nghe khu rừng tịch mịch, sau đó, còn bán tín bán nghi anh quay lại chạy về phía cây vân sam lúc nãy.
Rita bắn vào thái dương mình, hầu như cô không còn một hạt máu nào chảy ra nữa. Chỉ thấy những hạt nhỏ xanh xám đông đặc quanh lỗ đạn thủng và không hiểu sao Vaxkốp nhìn mãi những hạt nhỏ ấy. Rồi sau anh bế Rita sang một bên, bắt đầu đào hố ngay ở chỗ cô vừa mới nằm.
Đất ở đây mềm và xốp. Anh lấy gậy chọc rồi lấy tay bới đất và lấy dao cắt hết rễ cây. Anh đã đào nhanh mà lúc lấp còn nhanh hơn, không nghỉ phút nào, rồi anh đến chỗ Epghênina. Tay anh đau không chịu được nữa, đau đến khốn khổ, như có hàng trăm sợi dây rút buộc trong đó, vì thế anh chôn Epghênina không được kỹ lắm. Điều đó làm anh day dứt và anh thầm thì trên đôi môi khô héo:
- Epghênina, tha lỗi cho tôi nhé...

Lảo đảo và vấp ngã liên tục anh lê bước qua được chỏm núi Xiniukhina về phía quân Đức. Tay anh nắm đến tê cứng khẩu súng lục còn viên đạn cuối cùng và bây giờ anh chỉ muốn gặp bọn Đức sớm hơn để có thể quật đổ thêm một thằng nữa, vì sức anh đã kiệt rồi, kiệt lắm rồi. Anh chỉ còn thấy đau, đau toàn thân mà thôi...
Hoàng hôn buông xuống mờ mờ trên mặt đá còn hơi âm ấm. Sương mù đã dày đặc các thung lũng, gió đã lặng và từng đàn muỗi lại bu lấy anh. Trong ánh hồi quang đùng đục ấy anh vẫn thấy những cô gái của mình, cả năm cô, và anh luôn mồm lẩm nhẩm rồi lại lắc đầu đau đớn. Bọn Đức vẫn không thấy đâu cả. Chúng không hiện ra, cũng không nổ súng, dù anh đã bước đi thình thịch và công khai để tìm kiếm cuộc chạm trán này. Đã đến lúc phải kết thúc cuộc chiến, phải đánh dấu chấm hết, nhưng cái chấm hết ấy vẫn còn nằm trong nòng súng xám xanh của anh.
Bây giờ anh không có mục đích mà chỉ có lòng mong ước. Anh không đi vòng vèo, không tìm vết chân, mà đi thẳng như máy. Còn bọn Đức thì vẫn chẳng thấy đâu cả...
Anh đã đi qua dãy cây thông và bây giờ đi trong rừng, mỗi phút một gần nhà tu kín Lêgôn, nơi sáng nay anh kiếm được một khẩu súng. Anh không nghĩ đến đây làm gì, nhưng linh tính săn mồi chính xác của anh cứ dẫn anh theo con đường đó và anh cứ phục tùng linh tính ấy. Linh tính cứ dẫn anh đi, nhưng đột nhiên anh chậm bước, lắng tai nghe rồi lùi vào bụi.
Cách anh một trăm bước là bìa rừng với cái thành giếng mục nát và cái nhà gỗ thụt sâu dưới đất. Anh đi một trăm thước ấy không một tiếng động và nhẹ như chim. Anh biết có quân địch trong đó, anh biết chính xác tuy không giải thích được, cũng như con chó sói biết con thỏ nhảy từ đâu ra vậy.
Đến bìa rừng anh đứng im trong bụi thật lâu không động đậy, mắt đảo quanh thành giếng, nơi không còn tên Đức bị chết nữa, anh nhìn cái nhà tu xiêu vẹo, nhìn những bụi cây tối đen xung quanh. Không có gì đặc biệt và đáng chú ý, nhưng chuẩn úy vẫn kiên trì chờ đợi. Đến khi thấy một cái bóng mờ ở góc nhà thấp thoáng anh không thấy ngạc nhiên chút nào. Anh đã biết rằng chỗ đó phải có một thằng gác.
Anh đi rất chậm, chậm vô cùng tận để đến gần nó. Anh đưa chân lên, chậm như trong cơn mơ, sẽ sàng đặt chân xuống đất, rồi không phải là đôi chân mà là chuyển động trọng lượng bằng một hạt nước để không một cành cây nào rung động. Bằng cái điệu kỳ lạ ấy anh vượt qua được bãi đất trống đến đằng sau tên lính đứng ngay như tượng. Lại còn chậm chạp hơn, uyển chuyển hơn, anh tiến đến sát cái lưng to bè đen thẫm kia. Không phải là đi mà là bơi.
Đang bước anh bỗng dừng lại. Anh nín thở hồi lâu chờ cho tim mình bớt đập. Từ nãy anh đã nhét súng vào bao, rút dao ra cầm tay phải và bây giờ anh đã ngửi thấy mùi hăng hắc của một cơ thể lạ, anh chậm chạp, từng mi li mét một, vung dao lên, chuẩn bị cho một cú giáng duy nhất quyết định.
Anh lại còn phải lấy sức nữa. Sức anh ít lắm, mà tay trái lại hoàn toàn bất lực. Anh dồn hết sức vào nhát dao, đúng là dồn đến toàn lực. Tên Đức hầu như không kêu lên được, nó chỉ thở hắt ra một tiếng kỳ lạ, nặng nề rồi khuỵu đầu gối xuống.
Chuẩn úy đạp cái cửa nghiêng vẹo, nhảy vù vào giữa nhà:
- Giơ tay lên!
Nhưng chúng còn ngủ. Chúng ngủ say sưa trước đoạn đường cuối cùng ra đến đường sắt. Chỉ có một thằng không ngủ, nó lao ra góc nhà lấy súng, nhưng Vaxkốp đã thấy nó nhảy và găm ngay vào người nó một viên đạn. Tiếng nổ đập vào cái trần thấp, thằng Đức văng vào tường, còn chuẩn úy thì tự nhiên quên hết tiếng Đức đành chỉ biết kêu lên khàn khàn:
- Nằm yên!... Nằm yên!... Nằm yên!...
Rồi anh văng tục ra chửi. Anh văng những lời xấu xa nhất mà anh không biết.

...Không, chúng sợ không phải tiếng quát của anh mà là quả lựu đạn chuẩn úy vung lên. Chúng không thể nghĩ được, không thể tưởng tượng được rằng anh đi từng ấy cây số mà chỉ có một mình đơn độc. Cái khái niệm ấy không thể lọt vào được những bộ óc phát xít của chúng, và vì thế mà chúng nằm hết cả xuống, úp mặt xuống đúng theo lệnh anh. Cả bốn thằng nằm im, cái thằng thứ năm vừa nhảy lúc nãy đã lên chầu Trời rồi.
Rồi chúng phải dùng thắt lưng trói nhau lại, chúng trói rất cẩn thận, đến thằng cuối cùng thì Vaxkốp tự tay trói. Trói xong anh bật khóc. Nước mắt anh tuôn xối trên gò má bẩn thỉu, xồm xoàm, anh thấy người lạnh run lên rồi anh cười qua nước mắt, nói lớn:
- Thế nào, chúng mày thắng, hả?... Năm cô gái, chỉ có năm cô gái và chỉ thế thôi!... Còn chúng mày không qua nổi đâu, không thoát đằng nào được. Chúng mày, sẽ chết ở đây, sẽ chết hết!... Tự tay tao sẽ giết từng đứa một, ngay cả cấp trên có tha thì tha, và có kết tội tao thế nào cũng được!...
Cánh tay anh lại buốt nhói khiến toàn thân anh như có lửa đốt, trí óc quay cuồng. Anh sợ nhất là mình sẽ ngất đi mất, vì thế anh phải gắng tỉnh táo, lấy hết sức ra mà tỉnh táo...

Đoạn đường cuối cùng đó thì anh không bao giờ có thể nhớ ra được. Những cái lưng Đức đụng đậy trước mặt, tròng trành bên này bên kia. Ấy là vì anh đã hoa mắt lên như người say rượu. Anh không nhìn thấy gì nữa ngoài bốn cái lưng kia, và anh chỉ nghĩ được một điều: phải bắn ngay trước khi ngất xỉu. Trí óc anh chỉ còn gắn với thân anh bằng một sợi tơ nhện cuối cùng. Toàn thân anh nhức nhối khiến anh gào lên. Vừa kêu vừa khóc. Chắc là anh đã kiệt sức hoàn toàn.
Nhưng anh chỉ cho phép trí óc anh tạm thời xa anh khi có tiếng gọi đáp lại anh vang xa lên và khi anh hiểu rằng quân ta đã đến. Quân Nga đã đến...

Phần kết

“...Bạn thân mến!
Ở đó bạn phải tất bật với công việc, còn chúng tôi lại ung dung đi câu cá ở một nơi thanh bình không vẩn một hạt bụi. Thực ra, tụi muỗi chết tiệt cũng có đốt, nhưng cuộc sống vẫn một màu tiên cảnh! Bạn hãy xin nghỉ phép và về đây với chúng tôi. Ở đây hoàn toàn không một bóng xe qua, một người đi lại. Mỗi tuần một lần chỉ có một chiếc xuồng máy chở bánh mì đến thôi, vì thế tha hồ mà rong chơi chả phải bận bịu gì đến quần áo. Phục vụ cho khách du ngoạn thì ở đây có hai hồ nước và một con sông đầy cá. Lại còn nấm mới nhiều nữa chứ!...
À, hôm nay có một chiếc xuống máy chở đến một ông già vạm vỡ tóc bạc cụt tay và một đại úy bộ đội tên lửa. Người ta gọi đại úy là Anbert còn ông già thì đại úy gọi bằng bố. Họ đến tìm cái gì ở đây thì tôi cũng chẳng để tâm đến...
...Ngày hôm qua tôi không viết hết: sáng nay mới viết nốt. Thì ra ở đây trước kia cũng có chiến đấu... Chiến đấu khi tôi với anh còn chưa ra đời.
Anbert và người cha chở đến một tấm bia đá cẩm thạch. Chúng tôi tìm thấy một nấm mộ trong rừng bên kia sông. Bố ông đại úy nhận ra nhờ những dấu hiệu riêng. Tôi muốn giúp họ mang tấm bia vào tận nơi nhưng lại không dám.
Bình minh nơi đây thật là yên tĩnh, mãi hôm nay tôi mới nhìn ngắm kỹ càng”.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét