Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh - Chương 15

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh
(А зори здесь тихие)

Tác giả: Boris Vasilyev
Người dịch Lê Đức Mẫn
Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) - 1985

Chương 15

Bọn Đức chờ Xônia ở đây, hay tình cờ cô rơi vào tay chúng? Cô đang chạy thoải mái trên đoạn đường đã hai lần qua lại, để lấy vội cho anh, chuẩn úy Vaxkốp, cái túi thuốc đáng ba lần nguyền rủa kia. Cô đang chạy trong niềm hân hoan và cô không thể hiểu được vì sao lại có một vật nặng nhớp nháp đè lên đôi vai gầy của cô, vì sao trái tim cô bỗng nhiên nhói lên một cơn đau xuyên thấu... Không, cô vẫn kịp. Cô kịp hiểu và kịp kêu, bởi vì nhát dao đầu không bén tới tim cô: bầu ngực cô chống trả, một bầu ngực vun cao, rắn chắc.
Cũng có thể không phải như thế? Có thể là chúng chờ cô? Có thể bọn chúng đánh lừa được mấy cô gái ngây thơ, đánh lừa được cả anh, người quân nhân đã quá niên hạn quân ngũ, người đã có huân chương vì thành tích trinh sát? Có thể, không phải là anh đi săn chúng, mà chúng đi săn anh chăng? Có thể chúng đã nhìn thấy hết, đã tính toán, đã phân công ai giết ai rồi?


Vaxkốp không thấy sợ hãi gì cả, chỉ thấy căm giận sôi sục. Anh nghiến răng kìm cơn giận bầm gan đang bốc cháy và chỉ ước một điều là đuổi kịp chúng. Anh phải đuổi kịp rồi sẽ tính sau...
- Còn mày, tao sẽ không cho mày kêu đâu... Mày sẽ không kêu lên được...
Một vết giày mờ in trên mặt đá cũng đủ cho Vaxkốp biết chính xác rằng bọn Đức có hai thằng. Lại một lần nữa anh không thể tha thứ cho mình, một lần nữa anh muốn treo cổ mình lên, anh bị lương tâm cắn rứt vì không theo dõi chúng được triệt để, đã tưởng rằng chúng đi theo hướng bên kia đống lửa và vì thế người phiên dịch mới hôm qua đây còn chia sẻ với anh từng miếng ăn một đã bị giết hại. Nỗi dằn vặt ấy như gào thét, như quẫy đạp trong lòng anh, và bây giờ anh chỉ còn có thể yên tâm một điều là phải đuổi kịp chúng. Giờ đây anh không muốn nghĩ thêm gì nữa và cũng không nhìn Epghênina Kômenkôva nữa.
Epghênina cũng biết là họ đang chạy đi đâu và để làm gì. Cô biết, mặc dù chuẩn úy không nói gì, mà cũng không ai sợ sệt gì cả. Trong cô nóng bỏng đến nỗi cô không còn thấy đau đớn và rỉ máu nữa. Dường như lòng đang chờ lệnh của cô, nhưng cô lại không phát lệnh, và vì thế không có cái gì làm cô phân tâm cả. Ngày trước cũng đã có một lần như thế, khi cô được một bà người Extônia che chở. Đó là vào mùa hè năm 1941, gần một năm trước đây...
Vaxkốp giơ tay lên và cô đứng ngay lại, cố gắng nín thở.
- Đừng có thở mạnh. - Vaxkốp thì thào. - Bọn chúng quanh quẩn đâu đây. Gần đây...
Epghênina tì người lên khẩu súng, mở cúc áo cổ. Cô muốn thở một hơi thật mạnh, đầy lồng ngực, nhưng phải kìm lại như phải lọc hơi qua một chiếc rây bột mắt nhỏ, và vì thế trái tim cô đập thình thịch.
- Chúng kia rồi. - chuẩn úy nói.
Anh nhìn qua một kẽ đá. Epghênina cũng nhìn, trong một dải bạch dương thưa thớt chạy từ chỗ họ đến rừng có mấy ngọn mềm lay động.
- Thế nào chúng cũng đi ngang đây. - Vaxkốp cứ nói, đầu không ngoảnh lại. - Cô đứng đấy nhé. Lúc nào tôi gọi giả tiếng vịt thì cô khua động lên. Ném đá cũng được hay gõ báng súng cũng được, cốt sao cho chúng nhìn thấy cô. Sau đó, lại im ngay, hiểu chưa?
- Em hiểu... - Epghênina nói.
- Nhớ là tiếng vịt kêu thì gõ. Đừng vội.
Anh thở một hơi sâu và mạnh rồi nhảy qua phiến đá vào dải bạch dương đón đầu.
Điều quan trọng thứ nhất là phải kịp chạy từ phía mặt trời ra để chúng chói mắt. Điều quan trọng thứ hai là phải nhảy được vào lưng chúng. Phải quật chúng, đánh chúng, đâm chúng, không cho chúng kêu. Phải bắt chúng câm như chết đuối vậy...
Anh đã chọn được một chỗ tốt, chỗ ấy bọn Đức không thể không qua và cũng không thể thấy anh được. Đồng thời chúng lại dễ lộ bởi vì trước chỗ nấp của anh là một đoạn đá khó đi. Tất nhiên đứng đó anh có thể bắn chúng thoải mái không trượt, nhưng anh chưa tin tưởng bọn Đức khác ở tốp chính không nghe thấy tiếng súng nổ, nên anh chưa muốn nổ súng. Chính vì thế anh lại nhét súng vào bao, khóa lại, rồi kiểm tra xem con dao găm chiến lợi phẩm nhãn hiệu Phần Lan có dễ rút không.
Bây giờ bọn Đức đã lộ ra trong khóm bạch dương mùa xuân hãy còn thưa thớt. Đúng như anh chờ đợi, bọn chúng có hai thằng. Đi đầu là một thằng lực lưỡng đeo súng máy bên vai phải. Bây giờ là lúc ngon ăn nhất, nhưng chuẩn úy lại xua đuổi ngay ý nghĩ ấy, không phải vì anh sợ tiếng súng nữa, mà vì anh chợt nhớ đến Xônia và anh không thể để chúng chết dễ dàng như thế. Mạng đổi mạng, dao đổi dao, vấn đề phải là thế, nhất định phải thế.
Bọn Đức vẫn ung dung đi chẳng đề phòng gì. Thằng đi sau thậm chí còn gặm bánh khô, vừa đi vừa liếm môi. Chuẩn úy tính bước chân của chúng, ước đoán lúc giáp mặt nhau, rồi anh rút dao, bước đến chỗ đặt chân thuận tiện để nhảy, rồi anh kêu lên hai tiếng vịt ngắn gọn. Hai tên Đức cùng ngẩng đầu lên, nhưng ngay lúc đó Kômenkôva ở đằng sau chúng đập súng vào vách đá, chúng lại quay đầu lại và Vaxkốp nhảy tới.
Anh tính bước nhảy thật khéo, chọn giây phút nhảy cũng thật khéo, khoảng cách đo đạc cũng thật khéo, không thừa không thiếu. Anh nhảy đúng đến lưng một thằng, dùng hai đầu gối ghì chặt hai khuỷu tay nó. Thằng Đức không kịp kêu, không kịp rùng mình thì chuẩn úy phang tay trái vào trán nó bắt đầu nó ngửa ra đằng sau và đâm ngập lưỡi dao bén ngọt vào cái cổ căng thẳng.
Đúng như dự tính: như một con cừu bị chọc tiết, thằng Đức không kêu lên được một tiếng, chỉ ứ ự trong họng. Khi nó đổ gục xuống, người chỉ huy đã nhảy bổ vào thằng thứ hai.
Chỉ một giây, một chớp mắt thôi: thằng thứ hai còn đứng quay lưng về phía anh, chưa kịp quay lại. Nhưng hoặc giả Vaxkốp không đủ sức nhảy bước thứ hai, hoặc vì không kịp mà anh lại đâm hụt. Anh đánh bật được khẩu súng máy của nó nhưng dao găm của anh cũng văng mất vì cán dao ngập máu nhờn như xà phòng.
Tai hại thật: định đánh dao thì lại phải đấm nhau. Thằng Đức khổ người cũng vừa phải nhưng gân xương cứng rắn lạ, Vaxkốp không sao uốn nổi lưng nó mà đánh rụi dưới chân mình được. Hai người quần nhau trên những đám rêu xanh giữa các tảng đá và những cây bạch dương, nhưng tên Đức vẫn nín thinh: hình như nó định nuốt sống chuẩn úy, cũng có thể chỉ vì muốn giữ sức.
Vaxkốp lại trượt một đòn: anh định lừa một miếng quật gọn nó, nhưng nó lại lẹ như cắt tạt ra được và kịp rút dao khỏi vỏ. Bây giờ đến lượt Vaxkốp sợ lưỡi dao của nó. Anh tập trung toàn bộ nội lực và thị lực dưới lưỡi dao ấy, nhưng cuối cùng tên Đức thắng thế. Nó đè sấn được anh xuống và ghì dần đầu mũi nhọn xam xám xuống cổ anh. Chuẩn úy vẫn ghìm được tay nó, nhưng nó đè cả toàn thân xuống, khiến anh khó bề cưỡng lâu được. Điều đó anh cũng biết mà nó cũng biết, có lẽ nó cũng chẳng cần phải trợn mắt nhe răng ra làm gì nữa.
Bỗng nhiên nó mềm oặt ra như cái túi rỗng và Vaxkốp thoạt đầu không hiểu. Anh không nghe thấy tiếng đập. Nhưng tiếng thứ hai thì anh nghe thấy: một tiếng khô đục như chạm vào thân cây mục. Một tia máu nóng hổi xịt vào mặt anh, thằng Đức lật người đi, há hốc miệng đớp đớp không khí. Chuẩn úy hất nó xuống, giằng lấy dao và đâm gọn vào giữa tim nó.
Bây giờ anh mới định thần nhìn lại: chiến sĩ Kômenkôva đứng trước mặt anh, tay cầm nòng súng chống xuống đất như cầm gậy, báng súng đầy máu.
- Kômenkôva giỏi quá... - chuẩn úy gượng hết sức nói. - Xin cảm ơn cô... vô cùng...
Anh muốn đứng lên mà không nổi. Bây giờ anh mới nhìn đến thằng thứ nhất: nó to như một con bò mộng. Nó vẫn còn giật giật chân tay, vẫn còn xì xì ở cổ, vẫn còn xối máu ra thành tia. Thằng thứ hai đã hết cựa. Nó nằm co quắp từ lúc chưa chết. Mọi việc đã xong.
- Epghênina. - Vaxkốp khẽ nói. - Thế là bớt được hai thằng...
Epghênina bỗng vứt khẩu súng xuống, người cong lại, lảo đảo chui vào bụi cây như say rượu. Cô lợm giọng quỳ xuống nôn thốc nôn tháo, rồi cô khóc thút thít, miệng lẩm nhẩm tên một người nào đó, hình như gọi mẹ thì phải...
Chuẩn úy đứng lên, đầu gối hãy còn run và phía dưới ức vẫn còn tức, nhưng ở đây lâu rất nguy hiểm. Anh không đụng đến Epghênina, không gọi cô, kinh nghiệm cho anh biết rằng trận giáp lá cà đầu tiên bao giờ cũng làm cho người ta hoảng loạn, làm mất cái ý nghĩa sinh tồn tự nhiên của quy luật “chớ có giết người”. Nhưng đã đến lúc phải làm quen, phải rèn cho tâm hồn rắn đanh lại. Không phải chỉ những người như Épghênina, mà cả những chàng trai lực lưỡng cũng xót xa đau đớn khi lương tâm họ phải hướng theo chiều mới. Thế mà đây, một người đàn bà, một người mẹ tương lai, bản chất vốn căm thù cảnh giết chóc lại phải cầm báng súng đập vào một cái đầu sống. Vaxkốp cũng quy tội việc này cho bọn Đức nữa, bởi vì chúng đã chà đạp lên mọi quy luật của con người, và như thế chính là chúng đã nằm ngoài các quy luật. Nghĩ thế, khi đi lục soát những cơ thể ấy, anh chỉ còn cảm thấy ghê tởm, anh lục soát những cái xác còn ấm, kinh tởm như xác thú vật.
Và anh đã tìm thấy cái đang tìm kia: trong túi thằng cao lớn mà thượng đế vừa tước đoạt linh hồn nó đi, cái thằng đã ngừng xì hơi nơi cổ, anh tìm thấy cái túi thuốc lá. Đúng cái túi của anh, của chuẩn úy Vaxkốp, cái túi vẫn còn dòng chữ thêu: “TẶNG NGƯỜI CHIẾN SĨ THÂN YÊU BẢO VỆ TỔ QUỐC!”.
Anh nắm nó trong tay và nghiến răng lại: Xônia đã không kịp mang về cho anh... Anh lấy mũi giày gạt cánh tay lông lá của nó đang chắn đường anh để bước đến chỗ Epghênina. Cô vẫn còn quỳ phục trong bụi cây, dằn lòng nức nở.
- Anh đi đi, - cô nói.
Anh nâng bàn tay ép vào mặt cô, cho xem túi thuốc, Epghênina ngẩng đầu lên. Cô đã nhận ra.
- Đứng lên đi, Epghênina.
Anh đỡ cô dậy. Anh định dìu cô ra phía sau, nơi rừng thưa, nhưng bước được một bước Epghênina đứng dừng lại, lắc đầu.
- Đừng nghĩ ngợi nữa. - anh nói. - Cô đã chịu đựng được thôi. Cô cần hiểu một điều: chúng có phải người đâu. Chúng không phải là người, đồng chí chiến sĩ ạ, cũng không phải là thú vật: chúng là phát xít. Loại nào thì có cách đối xử cho loài ấy chứ.
Nhưng Epghênịna vẫn không có được cách đối xử ấy, còn Vaxkốp cũng không đòi hỏi nữa. Anh tước của chúng hai khẩu súng, mấy băng đạn dự bị, anh định lấy cả hai chiếc bi đông, nhưng liếc nhìn Epghênina anh suy nghĩ lại. Lấy mà làm gì, vừa đỡ nặng mà lại vừa đỡ gợi nhớ cho cô.
Vaxkốp không vùi giấu hai cái xác chết, mà vết máu vương chỗ rừng thưa anh cũng không xóa đi. Việc đó không có ý nghĩa gì: bây giờ đã là chiều tối, lát nữa viện binh sẽ đến. Thời gian cho bọn Đức chẳng còn bao nhiêu, và chuẩn úy muốn rằng đó phải là quãng thời gian chúng kinh hoàng nhất. Phải bắt chúng đi lùng sục, đi dò xem ai đã khử đội thám sát của chúng. Phải bắt chúng lắng nghe từng tiếng lá rừng, nhìn ngó từng bóng cây lay động. Đến ngòi nước đầu tiên, chuẩn úy xuống rửa ráy, sửa lại đôi chút cái cổ áo rách, rồi bảo Epghênina:
- Cô có rửa không?
Cô lắc đầu. Bây giờ không ai bắt chuyện với cô được, không ai làm cô quên sự kiện vừa rồi được... Chuẩn úy thở dài:
- Cô tự đến chỗ các bạn hay tôi phải đưa?
- Em tự đến.
- Vậy thì đi đi. Bảo các bạn đến viếng Xônia nhé. Cô có sợ đi một mình không?
- Không.
- Đi cẩn thận đấy. Cô phải hiểu thế.
- Em hiểu.
- Thôi đi đi, đừng chậm. Chúng ta sẽ tính chuyện sau.
Hai người chia tay nhau, Vaxkốp nhìn theo cô đến khi khuất bóng: dáng cô đi hỏng quá. Dường như cô đang nghe mình chứ không phải là nghe ngóng địch. Quân nhân gì mà như vậy...

Xônia vẫn hé mắt nhìn lơ mơ lên bầu trời xanh. Một lần nữa chuẩn úy định vuốt mắt cho cô, một lần nữa anh không làm được. Anh liền mở túi áo cô lấy ra tấm thẻ đoàn viên, bằng tốt nghiệp phiên dịch, hai bức thư và một tấm ảnh. Tấm ảnh chụp rất nhiều người, nhưng người đứng giữa anh không nhìn thấy vì đúng vào vết dao đâm. Xônia thì anh nhìn thấy, cô đứng một bên, mặc chiếc áo dài ngắn cũn cỡn, có ống tay rộng và cổ áo rộng, cái cổ của cô nhỏ bé lọt thỏm trong cổ áo ấy như đeo vòng cổ ngựa vậy. Anh nhớ đến câu chuyện ngày hôm qua, nhớ đến nỗi buồn của Xônia và anh xót xa nghĩ rằng không sao biết hết được mọi điều về cái chết anh dũng của người chiến sĩ bình thường Xônia Guốcvích. Rồi anh lấy chiếc mùi xoa của cô lau máu trên vành mi và phủ mặt luôn cho cô. Giấy tờ của cô anh cất vào túi của mình, trong túi bên trái, cạnh thẻ đảng. Sau đó anh ngồi bên cạnh cô, lấy thuốc lá trong cái túi nhiều kỷ niệm kia ra hút.
Cơn giận của anh qua đi và nỗi đau cũng lắng xuống, anh chỉ thấy buồn, một nỗi buồn mênh mang, tràn ngập, một nỗi buồn đăng đắng nơi cổ họng. Bây giờ anh có thể ngồi yên cân nhắc mọi điều, tính toán xem nên hành động thế nào.
Anh không hối hận vì đã giết hai thằng thám sát và như thế thì quân ta cũng lộ. Bây giờ là lúc có lợi cho anh, bây giờ các đường dây thông tin đang truyền đi những báo cáo về hoạt động của đội anh với bọn biệt kích Đức, và hẳn là quân đội đã được lệnh phải diệt chúng. Bây giờ còn ba giờ hay cứ cho là năm giờ nữa đi, thì bọn bốn người của anh sẽ phải quần nhau với mười bốn tên của chúng. Điều đó vẫn có thể chấp nhận được, hơn nữa, đội của anh đánh lạc hướng của chúng và bắt chúng đi đường quanh hồ Lêgon. Chúng phải đi mất một ngày đêm.
Đội của anh đã mang đồ đạc tiến đến. Thế là có hai người ra đi, dĩ nhiên là hai hướng khác nhau, đồ đạc của họ vẫn còn đây. Galia Chêtvêrtak trông thấy Xônia đã suýt bật lên tiếng kêu, toàn thân rung động, nhưng Rita Ôxianina đã giận dữ quát:
- Đừng có mà điên!...
Galia im bặt. Cô quỳ xuống gần chỗ đầu Xônia và âm thầm nức nở. Còn Rita thở những hơi dài nặng nề, mắt ráo khô.
- Mặc quần áo cho cô ấy đi! - Chuẩn úy nói.
Rồi anh xách rìu (anh lại quên không mang xẻng để dùng vào những việc này) đi vào mấy khe núi tìm chỗ đặt mộ. Anh tìm mãi, tìm mãi, toàn đá là đá, không đào xuống được. May thay, anh lại tìm được một cái hố. Anh liền chặt cành lá trải lót xuống dưới.
- Xônia bao giờ cũng xuất sắc. - Ôxianina nói. - Cô ấy toàn được điểm 5 cả. Ở phổ thông cũng như đại học.
Nhưng anh nghĩ thầm: đấy có phải là cái chính đâu. Cái chính là Xônia cũng có khả năng sinh con đẻ cái, con cái Xônia sẽ cho cô cháu chắt, thế mà bây giờ đường dây hệ thống đã bị cắt đứt, cái đường dây nhỏ bé trong cả guồng dây vô cùng vô tận của loài người đã bị lưỡi dao kia cắt đứt.
- Nào khiêng. - anh nói.
Kômenkôva và Ôxianina khiêng hai vai, còn Chetvêrtak khiêng chân. Họ vừa khiêng vừa nghiêng ngửa, chật chưỡng, Chetvêrtak thì lúc nào cũng choãi một chân như bơi chèo. Đó là cái chân vụng về trong chiếc hài vỏ cây mới sửa. Còn Vaxkốp thì cầm chiếc áo khoác của Xônia đi sau.
Đến hố anh bảo:
- Đứng lại. Các cô đặt xuống đi.
Họ đặt Xônia bên miệng hố, cái đầu cô không được thẳng cứ ngật sang một bên, Kômenkôva lấy cái mũ kê lại. Vaxkốp suy nghĩ giây lát (anh không muốn làm cái điều ấy, thật tình không muốn) bảo Ôxianina, mắt không nhìn cô:
- Giữ chặt chân cô ấy nhé!
- Để làm gì?
- Thì cứ giữ lấy, tôi đã bảo mà! Đừng giữ ở đấy, giữ đầu gối cơ!...
Rồi anh tháo một chiếc ủng của cô.
- Anh tháo làm gì? - Ôxianina kêu lên. - Đừng!...
- Có một chiến sĩ phải đi đất, thế thôi.
- Đừng, đừng, đừng!... - Chetvêrtak rung cả toàn thân nói.
- Các cô đừng có mà đùn đẩy như thế. - chuẩn úy thở dài một hơi. - Phải nghĩ đến người sống: trong chiến tranh chỉ có một quy luật đó. Giữ chặt lấy, Ôxianina. Tôi ra lệnh: giữ chặt lấy.
Anh lấy nốt chiếc ủng thứ hai rồi gật đầu bảo Chetvêrtak.
- Cô đi vào, mà đừng có nghĩ ngợi gì cả: bọn Đức chẳng đợi chúng ta đâu.
Anh nhảy xuống đỡ Xônia, anh quấn áo khoác quanh người cô rồi đặt xuống. Các cô gái truyền đá xuống cho anh xếp. Họ làm yên lặng, khẩn trương. Chẳng bao lâu một chiếc gò con mọc lên. Trên nóc gò chuẩn úy đặt chiếc mũ của cô, lại chặn một hòn đá cho chắc. Còn Kômenkôva thì đặt lên một cành lá xanh.
- Chúng ta sẽ đánh dấu trên bản đồ. - anh nói. - Chiến tranh xong sẽ dựng tượng cho cô.
Anh dò trên bản đồ và đánh một dấu thập nhỏ. Anh nhìn ra vẫn thấy Chetvêrtak đi dép như cũ.
- Chiến sĩ Chetvêrtak, sao vậy? Sao cô không đi ủng?
Chetvêrtak run sợ:
- Không!... Không, không đâu! Không thể thế được! Nguy hiểm lắm! Mẹ em là thầy thuốc...
- Đừng có nói dối! - Ôxianina đột nhiên quát lên. - Im đi! Cậu làm gì có mẹ! Cậu bị bỏ rơi cơ mà, chỉ bịa!...
Chetvêrtak òa lên khóc. Cô khóc đau khổ, tủi hờn, tựa như một con bé con bị người ta làm vỡ búp bê vậy...
- Để làm gì? Nói thế để làm gì? - Epghênina trách móc và ôm lấy Galia Chetvêrtak. - Chúng ta không bao giờ được hờn giận, nếu không sẽ hóa ra dữ tợn như bọn Đức ấy...
Ôxianina thì im lặng...

Galia quả là một đứa trẻ bị bỏ rơi thật, thậm chí cái họ của cô cũng là do nhà trẻ đặt cho: Chetvêrtak nghĩa là một phần tư. Sở dĩ thế là vì cô thấp hơn các bạn khác đến một phần tư chiều cao.
Hồi ấy nhà trẻ đặt trong một tu viện cũ. Những bầy cuốn chiếu béo mọng màu nâu nhạt bò ra nhung nhúc. Những khuôn mặt râu ria xồm xoàm tô màu vụng về trong các tranh thánh vẽ nhan nhản trên tường nhà thờ được sửa chữa vội vàng làm nhà ở. Còn các trai phòng thì lạnh lẽo như các huyệt mộ.
Đến năm mười tuổi Galia bắt đầu nổi tiếng vì một vụ gây rối mà từ ngày thành lập đến lúc đó tu viện chưa hề xảy ra bao giờ. Một đêm cô phải đi làm cái việc của trẻ nhỏ và bỗng hét lên một tiếng ghê rợn khiến toàn tu viện bừng tỉnh. Các cô giáo vùng dậy và tìm thấy cô trong hành lang mờ tối đang nằm dưới đất. Galia giải thích tường tận cho mọi người nghe rằng có một ông cụ già rậm râu vừa định lôi cô xuống hầm.
Hồ sơ về vụ “Tấn công” ấy phức tạp thêm vì ở đó không ai để râu cả. Những người dự thẩm tỉnh và những chàng Sherlock Holmes nửa mùa đã dày công xét hỏi cô. Càng hỏi họ càng có thêm chi tiết mới. Chỉ có ông quản lý già, người được Galia chơi thân vì chính ông đặt cho cô cái họ rất kêu kia, là dám khẳng định đó là chuyện bịa hoàn toàn.
Một thời gian dài người ta trêu trọc và khinh bỉ cô, còn cô thì lại bắt tay vào viết chuyện cổ tích. Tất nhiên, câu chuyện cũng giống như chuyện chú bé tí hon, nhưng thứ nhất là không có chú bé mà chỉ có cô bé, thứ hai là có thêm những lão già rậm râu và những nhà hầm u tối.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét