Tên Anh Chưa Có
Trong Danh Sách
(В списках не
значился)
Tác giả: Boris
Vasilyev
Dịch giả: Đức
Thuần - Xuân Du
Nhà xuất bản Cầu
vồng (Moskva) - 1985
Chương 1
Trong suốt quãng
đời của mình, Kôlia Plugiơnhikốp chưa bao giờ có được nhiều niềm vui bất ngờ
như trong ba tuần lễ vừa qua. Mệnh lệnh phong quân hàm cho anh - Nikôlai
Pêtơrôvích Plugiơnhikốp - anh đã chờ đợi từ lâu, nhưng tiếp theo là biết bao
nhiêu chuyện bất ngờ thú vị xảy ra đến mức khiến cho Kôlia đêm đêm sực bừng tỉnh
vì tiếng cười của chính mình.
Sau buổi điểm
danh buổi sáng, ở đó mệnh lệnh đã được công bố, các học viên được dẫn thẳng đến
kho quân trang, không, không phải là cái kho chung của học sinh quân, mà là cái
kho bấy lâu nay hằng mơ ước, nơi cấp phát những đôi ủng bốc-can, những dây đai
mới tinh, những bao súng ngắn căng phồng, những cái xà cột chỉ huy với cặp bản
đồ nhẵn láng, những tấm áo ca pốt có những khuy đồng và những tấm áo sơ mi lính
bằng vải chéo đều đặn. Sau đó, tất cả học viên tốt nghiệp kéo nhau đến xưởng
may nhà trường, chữa quân phục cho thật vừa với khổ người. Họ xô đẩy, chen lấn,
nói cười ầm ĩ, đến nỗi cả cái chao đèn sắt tráng men treo lơ lửng trên trần nhà
cũng chao đảo.
Tối đến, chính
thủ trưởng nhà trường chúc mừng từng học viên tốt nghiệp, trao cho mỗi người một
tấm “Chứng minh thư sĩ quan Hồng quân Công Nông” và một khẩu súng ngắn TT nặng
trịch. Các chàng trung úy mặt non choẹt run run đọc to số súng và siết chặt bàn
tay khô gầy của thiếu tướng hiệu trưởng. Trong buổi liên hoan tiễn biệt, học
viên tung các sĩ quan chỉ huy các trung đội lên và cố tìm cách trả đũa chuẩn
úy. Nhưng mọi việc đều kết thúc tốt đẹp. Buổi tối hôm ấy, một buổi tối tuyệt diệu
trong tất cả những buổi tối, đã mở đầu và kết thúc với những nghi thức trọng thể
và hoàn hảo.
Chả hiểu sao,
sau đêm liên hoan ấy, trung úy Plugiơnhikốp phát hiện thấy mọi thứ trên người
mình, từ cái dây đai da đến bộ quân phục phẳng phiu, cùng đôi ủng da bóng loáng
đều phát ra những âm thanh sột soạt, một thứ âm thanh dễ chịu, rõ ràng và kiêu
hãnh. Tất cả mọi thứ đều mới cứng, giống hệt những tờ rúp vừa xuất kho mà các chàng trai hồi đó nói đùa là vừa được bóc
tem.
Thật ra, mọi sự
bắt đầu từ trước đó ít lâu. Sau buổi tiệc tiễn đưa, các chàng cựu học viên đã
cùng các bạn gái của mình đến dự khiêu vũ. Riêng Kôlia không có bạn gái nên đã ấp
úng mời Dôia, cô phụ trách thư viện. Dôia băn khoăn bặm môi tư lự nói: “Xin lỗi,
tôi không biết, tôi không biết...”, nhưng cô vẫn đến. Họ nhảy với nhau, và để đỡ
ngượng, nên anh nói đủ các thứ chuyện. Và vì Dôia làm ở thư viện, nên anh nói về
văn học Nga. Lúc đầu, Dôia cũng ậm ừ hưởng ứng. Nhưng cuối cùng cô hậm hực dẩu
cặp môi tô son vụng về:
- Ồ, đồng chí trung úy, đồng chí lạo xạo thế.
Theo ngôn ngữ
riêng của trường thì điều đó có nghĩa là trung úy Plugiơnhikốp tự cao và làm bộ
làm tịch. Lúc ấy Kôlia cũng hiểu vậy, nên khi về doanh trại, anh phát hiện ra mọi
thứ trên người mình đều loạt xoạt một cách tự nhiên, dễ chịu.
- Người mình
đang lạo xạo đây. - anh nói với người bạn giường bên cạnh.
Hai người ngồi
trên bậu cửa sổ hành lang tầng hai. Đêm tháng Sáu, mùi hoa tử đinh hương dưới
vườn ngào ngạt, trong trường không một ai được phép ngắt loại hoa này.
- Cậu cứ việc lạo
xạo cho khỏe. - anh bạn nói. - Nhưng cần nhớ một điều là chả cần phải lạo xạo
trước mặt Dôia. Cô ta là một con ngốc, Kôlia ạ. Cô ta ngốc đến thảm hại, và đã
lấy tay chuẩn úy của trung đội quân khí làm chồng.
Nhưng Kôlia chỉ
nghe có nửa tai, còn nửa tai kia anh lắng nghe tiếng sột soạt của quần áo, giày
ủng. Anh rất ưa nghe tiếng sột soạt đó.
Hôm sau, bạn bè
chia tay nhau - mỗi người đều được nghỉ phép - trong cảnh ồn ào rộn rã, họ trao
đổi địa chỉ, hứa biên thư cho nhau, rồi lần lượt biến mất sau cánh cửa có chấn
song sắt của nhà trường.
Riêng Kôlia chờ
mãi mà vẫn không hiểu sao chưa nhận được giấy phép (nói thật thì nào có đi đâu
xa cho cam: chỉ đi Matxcơva thôi mà). Sau khi chờ đợi hai ngày, anh định đến
văn phòng để hỏi thì bỗng nghe trực ban gọi từ xa :
- Trung úy
Plugiơnhikốp lên gặp chính ủy!
Chính ủy trông rất
giống nghệ sĩ Tsirơkốp bỗng nhiên già đi, ông lặng lẽ nghe báo cáo, chỉ tay mời
Kôlia ngồi và cũng im lặng đưa thuốc mời anh hút.
- Tôi không hút.
- Kôlia nói và tự nhiên đỏ mặt, nói chung anh vẫn rất dễ dàng bị đỏ mặt.
- Hay lắm. -
chính ủy khen. - Còn tôi, anh biết không, không làm sao bỏ được, có lẽ không đủ
nghị lực.
Và ông châm lửa
hút một mình. Kôlia định nói về cách rèn luyện ý chí, nghị lực, nhưng chính ủy
lại nói tiếp.
- Trung úy ạ,
chúng tôi biết anh là người tận tâm, nghiêm chỉnh và cần mẫn. Chúng tôi cũng biết
ở Matxcơva anh còn mẹ già và em gái đã hai năm chưa được gặp và họ đang rất nhớ
anh. Và anh vẫn chưa được về phép. - Ông im lặng rời khỏi bàn, đi đi lại lại, mắt
nhìn chăm chú xuống chân. - Chúng tôi biết rõ những điều dó, nhưng vẫn muốn đề
nghị với anh một việc... Đây không phải là mệnh lệnh, mà chỉ là một đề nghị,
anh phải hiểu như vậy, Plugiơnhikốp ạ. Giờ đây chúng tôi không có quyền hạ lệnh
cho anh nữa...
- Thưa đồng chí
chính ủy, tôi xin nghe đồng chí. - Kôlia bỗng khẳng định là họ sẽ đề nghị mình
chuyển sang công tác tình báo và anh sẽ sẵn sàng vui sướng hét to: “Rõ!...”.
- Trường sĩ quan
chúng ta đang được mở rộng. - chính ủy nói. - Tình hình rất phức tạp, ở châu Âu
đang có chiến tranh và chúng ta đang cần tổ chức thêm trường lớp cho hai đại đội
học viên mới. Nhưng biên chế cán bộ khung mới chưa được bổ sung mà phương tiện
học tập thì đã được chở đến. Do đó nên chúng tôi đề nghị anh, đồng chí
Plugiơnhikốp, tiếp nhận, kiểm kê các loại phương tiện đó hộ. Tiếp nhận và phân
loại...
Thế là Kôlia ở lại
trường với nhiệm vụ kỳ lạ: “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì người ta cần”.
Toàn khóa học của anh đã giải tán hết, mọi người đang say sưa tắm nắng, đọc
sách, tắm biển và khiêu vũ, còn riêng anh thì đang phải kiểm kê, vào sổ nhập
kho từng bộ khăn trải giường, từng chiếc chăn, từng đôi ủng, từng thước xà cạp.
Cứ bấn lên như vậy
suốt hai tuần liền. Suốt hai tuần, Kôlia tất bật từ khi báo thức đến tận lúc điểm
danh, không một phút nghỉ tay, nào nhận, nào đếm, nào vào sổ, cứ như một anh học
viên mới vào trường và lúc nào cũng thấp thỏm chờ đợi giấy nghỉ phép của ông
chuẩn úy hay cáu gắt.
Tháng Sáu trong
trường chẳng còn mấy người: hầu hết học viên đều đã đi đến doanh trại. Kôlia
thường ít gặp mọi người, công việc dồn lên đến tận cổ với các bản kiểm kê, báo
cáo, biên bản, nhưng đồng thời anh cũng vui mừng đến sửng sốt khi phát hiện thấy...
nhiều người chào anh. Họ chào anh theo đúng điều lệnh quân đội, với cái vẻ tự
hào của người học viên trường quân sự, tay đặt đúng vành mũ, cằm hơi vểnh
nghiêng. Kôlia cố đáp lại với vẻ cẩu thả mệt mỏi, nhưng lòng rộn lên niềm tự
hào của một chàng sĩ quan trẻ háo danh.
Chính lúc đó anh
bắt đầu dạo chơi vào buổi tối. Hai tay chắp sau lưng, anh đi đường hoàng bước
thẳng tới các nhóm học viên mới tập trung ở cổng doanh trại để hút thuốc và tán
gẫu trước giờ đi ngủ. Ánh mắt anh mệt mỏi và nghiêm trang nhìn thẳng phía trước,
nhưng đôi khi như vểnh lên lắng nghe những lời thì thào thán phục:
- Chỉ huy đấy...
Và anh cũng đã
biết cách làm đúng, hai tay vuốt nhẹ mái tóc bên thái dương, cau mày để cho
khuôn mặt tròn trĩnh, tươi mát như chiếc bánh mì trắng có cái vẻ tư lự.
- Chào đồng chí
trung úy.
Lời chào đó vang
lên vào buổi tối thứ ba và trước mắt anh là cô Dôia. Hàm răng trắng muốt ánh
lên trong bóng tối mơ màng ấm áp, những nếp áo ở ngực tự rung rinh mặc dù chẳng
có một cơn gió thoảng nào. Cái sự rộn ràng sống động ấy mới thật đáng sợ.
- Sao lâu nay
không thấy đồng chí trung úy đâu cả? Và cũng chẳng thấy đến thư viện nữa...
- Bận công tác
mà!
- Đồng chí được
giữ lại trường?
- Tôi được giao
công tác đặc biệt. - Kôlia đáp mập mờ.
Chả hiểu hai người
sánh đôi nhau từ lúc nào và đi hướng ngược lại. Dôia nói luôn mồm và cười không
ngớt, còn anh thì không hiểu nổi tại sao mình vẫn ngoan ngoãn đi theo cô ta.
Lát sau, anh lo lắng thấy hình như bộ quân phục mới của anh không còn có tiếng
sột soạt đầy lãng mạn nữa, anh khẽ nhún vai, chiếc đai da đeo kiếm lại sột soạt
như đáp lại niềm mong mỏi của anh...
- ...thật nực cười!
Chúng tôi cứ cười, cười hoài... Nhưng đồng chí chẳng nghe gì cả, trung úy ạ.
- Không, tôi vẫn
nghe đấy chứ. Tôi nghe cô cười.
Cô dừng lại.
Trong bóng tối ánh lên hàm răng trắng muốt, hình như anh chả trông thấy gì khác
ngoài nụ cười của cô ta.
- Anh thích em
chứ? Nào, Kôlia, nói đi, thích chứ?...
- Không. - anh
thì thào đáp. - Tôi không biết tại sao. Có lẽ vì cô là gái có chồng.
- Có chồng?... -
cô lại cười vang. - Có chồng, thật chứ? Họ đã mách với anh thế à? Biết làm sao
được khi đã có chồng? Tôi lấy anh ta cũng là tình cờ thôi, và đấy cũng là một
sai lầm...
Chả hiểu anh đã
quàng tay vào vai cô bằng cách nào. Cũng có thể không phải anh tự quàng vào vai
cô mà cô đã khéo léo làm cách nào đấy để đặt tay anh lên vai mình.
- Nhưng dầu sao
thì anh ta cũng đi rồi. - cô nói rất tự nhiên. - Nếu anh cứ theo hàng cây này đến
hàng rào rồi dọc theo đó đến nhà em thì chẳng ai biết đâu. Kôlia, anh thích uống
trà chứ? Đúng thế không nào?...
Quả thật anh rất
muốn uống trà. Nhưng ngay lúc đó, từ trong hàng cây, một bóng người bỗng hiện
ra:
- Xin lỗi.
- Đồng chí chính
ủy trung đoàn ơi! - Kôlia thất vọng thốt lên và đứng sững lại trước bóng người
đang đi tới. - Báo cáo đồng chí chính ủy, tôi là...
- Đồng chí
Plugiơnhikốp phải không? Tại sao đồng chí lại để cô gái đứng một mình thế kia.
Ái dà... không tốt đâu...
- Vâng, vâng ạ.
- Kôlia vội quay lại, lúng túng: - Dôia, xin lỗi nhé. Tôi bận, có công tác cần.
Hơn một giờ sau,
Kôlia đã quên hết những gì anh ấp úng báo cáo với đồng chí chính ủy bất thần từ
trong hàng cây đi ra ấy. Anh cũng đã quên cả việc báo cáo về những đôi xà cạp
không đúng khổ, hoặc có thể đúng khổ theo quy định, nhưng không hiểu sao có vẻ
đẹp hơn... Chính ủy vẫn lắng nghe, một lát sau, ông bỗng hỏi:
- Này, đấy có phải
là bạn gái của đồng chí phải không?
- Không, không
phải đâu ạ. - Kôlia sợ cuống lên. - Ồ, thưa đồng chí chính ủy, đồng chí nghĩ gì
thế ạ? Đấy là cô Dôia ở thư viện. Tôi không trả sách đúng hẹn nên cô ấy...
Anh im lặng và cảm
thấy mình đang đỏ mặt: anh rất quý mến đồng chí chính ủy hiền lành, đứng tuổi
và bỗng cảm thấy ngượng vô cùng.
May là đồng chí
chính ủy nói sang chuyện khác, làm cho Kôlia bình tĩnh lại dần.
- Một điều rất tốt
là đồng chí không bỏ qua các sự việc ấy, trong cuộc sống quân nhân của chúng ta
những chi tiết nhỏ nhặt cũng đều có ý nghĩa kỷ luật quan trọng. Chẳng hạn, một
người dân thường có thể lúc nào đó, tự cho mình làm điều gì đấy, nhưng chúng ta
là những cán bộ Hồng quân lại không thể cho phép mình như vậy. Chẳng hạn, không
thể cho phép mình đi chơi với một phụ nữ đã có chồng, vì rằng, là sĩ quan thì
chúng ta luôn luôn phải nêu gương kỷ luật cho cấp dưới. Rất tốt là đồng chí
cũng hiểu điều đó... Đồng chí Plugiơnhikốp, mười một giờ rưỡi trưa mai mời đồng
chi đến phòng làm việc của tôi. Chúng ta sẽ thảo luận thêm về công tác sau này
của đồng chí, cũng có thể sẽ đến gặp thiếu tướng đấy.
- Rõ...
- Thôi, ngày mai
nhé! - Chính ủy nói và bắt tay anh, ông giữ lại một lúc rồi tiếp, giọng nhỏ
hơn: - Kôlia, còn nhớ phải nhớ trả sách đúng hạn cho thư viện nhé!...
Thật không tốt
chút nào khi buộc lòng phải nói dối đồng chí chính ủy, nhưng Kôlia chẳng hiểu
vì sao không buồn lắm. Ngày mai anh lại phải gặp hiệu trưởng nhà trường. Anh cựu
học viên trường quân sự chờ đợi cuộc gặp đó với lòng thấp thỏm, sốt ruột, xốn
xang giống như một cô gái gặp mối tình đầu vậy. Anh dậy rất sớm trước giờ, lau
đánh đôi ủng da bóng lộn như gương, khâu chiếc cổ lót mới vào áo quân phục và
cũng tỉ mẩn đánh bóng hàng khuy đồng. Anh đến nhà ăn sĩ quan - Kôlia rất tự hào
là hơn một tháng nay anh đã được đến ăn ở đây, được tự tay chọn món và được trả
tiền ăn - nhưng anh chẳng ăn được gì cả, mà chỉ uống liền một lúc ba chai nước
quả. Đúng mười một giờ, anh đã có mặt tại phòng làm việc của chính ủy.
- Xin chào
Plugiơnhikốp! - Trung úy Gôrôpxốp, nguyên trung đội trưởng trung đội học viên của
Kôlia, đang ngồi trước cửa phòng chính ủy. Anh cũng bảnh bao, chững chạc. -
Công việc ra sao? Việc kiểm kê các xà cạp của anh tiến triển tốt chứ?
Plugiơnhikốp là
người có trách nhiệm, do đó anh nói hết về công việc của mình. Trong thâm tâm,
anh rất ngạc nhiên không hiểu sao anh trung úy Gôrôpxốp lại không hỏi anh đến
văn phòng chính ủy để làm gì. Anh trả lời bóng gió:
- Hôm qua đồng
chí chính ủy cũng hỏi tôi về công việc rồi. Và đồng chí ấy khen...
- Này, Plugiơnhikốp.
- Gôrôpxốp bỗng hạ giọng, cắt ngang: - Nếu người ta phái cậu về với Vêlíckô thì
đừng nhận nhé. Cậu cứ đề nghị về đại đội mình. Được không? Dù sao thì chúng
mình cũng đã phục vụ với nhau lâu, làm việc ăn ý nhau...
Trung úy
Vêlíchkô cũng là trung đội trưởng trung đội học viên, nhưng là trung đội hai,
và suốt năm, suốt tháng cứ hay cãi nhau với Gôrôpxốp về tất cả mọi chuyện.
Kôlia thực tình chả hiểu tại sao Gôrôpxốp lại đề nghị với anh như vậy, nhưng
anh cũng cứ gật đầu một cách lịch thiệp. Và khi anh định hỏi rõ hơn thì cánh cửa
phòng chính ủy sịch mở, trung úy Vêlíchkô ăn mặc rất chải chuốt, đường hoàng, mặt
rạng rỡ, bước ra.
- Được giao một
đại đội. - anh nói với Gôrôpxốp. - Mình cũng chỉ mong cho cậu như vậy.
Gôrôpxốp đứng bật
dậy, sửa lại quần áo theo thói quen, ngắm trước vuốt sau và bước vào phòng
chính ủy.
- Chào cậu,
Plugiơnhikốp! - Vêlíchkô chào và ngồi xuống cạnh. - Thế nào, công việc ra sao?
Mọi thứ đều được tiếp nhận, mọi loại đều được phân phối chứ?
- Vâng, nói chung
là như vậy. - Kôlia lại vui vẻ kể tỉ mỉ về công việc của mình. Anh chưa kịp nói
lý do chính ủy gọi anh lên đây thì Vêlíchkô đã vội vàng cắt ngang:
- Này, Kôlia,
người ta sẽ hỏi cậu, cậu hãy đề nghị về đại đội tôi nhé. Tôi đã đề nghị với
chính ủy rồi, nhưng nói chung cậu cứ chủ động đề nghị thêm.
- Đề nghị đi
đâu?
Ngay lúc ấy,
chính ủy và trung úy Gôrôpxốp đi ra, Vêlíchkô cùng Kôlia đứng bật dậy. Kôlia
nói ngay: “Theo lệnh của đồng chí, tôi...”, nhưng chính ủy đã ngắt lời:
- Chúng ta đi
thôi, Plugiơnhikốp, thiếu tướng đang chờ. Còn các đồng chí này, được tự do.
Họ vào phòng hiệu
trưởng, không qua phòng khách có sĩ quan trực, mà qua một phòng khác. Đến cuối
phòng, chính ủy để Kôlia đứng chờ, còn ông mở cửa vào phòng thiếu tướng.
Cho đến giờ,
Kôlia chỉ mới được gặp thiếu tướng một lần vào hôm được trao bằng tốt nghiệp,
khẩu súng lục vẫn được đeo bên bệ sườn một cách dễ chịu. Nhưng thật ra, còn một
cuộc gặp nữa, mà mỗi lần nhớ đến, Kôlia lại cảm thấy xấu hổ, còn thiếu tướng
thì hầu như đã quên từ lâu.
Đó là cuộc gặp gỡ
cách đây hai năm, khi Kôlia còn là một thanh niên bận thường phục, đầu trọc,
cùng với những thanh niên cũng đã bị húi trọc đầu, vừa mới từ nhà ga đến trường.
Mọi người vác vali đặt xuống bãi trống trong trường, và một chuẩn úy để ria
mép, (chính là ông chuẩn úy mà bọn họ định trả đũa hôm liên hoan tốt nghiệp), hạ
lệnh cho mọi người đến nhà tắm. Mọi người ùa đi, không hàng lối, lộn xộn, cười
nói ồn ào, huyên náo, riêng Kôlia thì còn lần chần vì bị cọ trầy da chân và
đang phải ngồi lau chân trần. Khi anh lau xong giầy thì mọi người đã khuất sau
góc nhà kho, Kôlia định bật dậy, định chạy theo cho kịp, nhưng ngay lúc đó, có
người gọi anh đứng lại:
- Này, định chạy
đi đâu đấy, anh bạn trẻ?
Trước mặt anh là
một vị tướng thân hình tầm thước, hơi gầy, bực bội nhìn anh.
- Đây đã là quân
đội rồi, mọi mệnh lệnh phải được thi hành thật nghiêm chỉnh. Anh được lệnh ở lại
trông coi hành lý thì hãy ở lại cho đến khi nào được thay phiên gác, hoặc thay
đổi mệnh lệnh.
Quả tình không
ai hạ lệnh, nhưng Kôlia bỗng cảm thấy có lẽ có cái lệnh như vậy đối với mình thật.
Anh liền đứng nghiêm lại, hét rõ to: “Rõ, thưa đồng chí thiếu tướng!” - rồi đứng
trông đống vali.
Còn các bạn anh
tản mất tăm đâu ấy. Mãi về sau anh mới rõ là, sau khi tắm xong, họ được nhận bộ
quân phục và chuẩn úy đưa họ đến xưởng may để chữa quần áo cho vừa. Tất cả ngần
ấy công việc mất bao nhiêu là thời gian, trong lúc đó thì anh chàng Kôlia vẫn
kiên nhẫn đứng cạnh đống hành lý không ai cần tới nữa. Anh đứng đấy với lòng tự
hào, tựa như được đứng gác kho vũ khí quan trọng. Cũng chẳng ai chú ý tới anh,
cho tới khi có hai anh chàng học viên mặt mày cau có được điều tới khuân hết đống
vali vào kho vì họ bị phạt về tội hôm qua tự ý vắng mặt ở trường.
- Tôi không cho
lấy đâu! - Kôlia quát lên. - Các anh không được đến gần đấy!...
- Sao? - một anh
chàng bị phạt hỏi lại khá cục cằn. - Tao cho một cái tát bây giờ...
- Quay lại! -
Kôlia quát lên để tự cổ vũ mình. - Tôi là người gác ở đây. Tôi ra lệnh!...
Tất nhiên anh
không có súng, nhưng thái độ và giọng nói của anh cũng làm cho hai anh chàng
kia phải chờn. Họ đi gọi cấp trên đến, nhưng Kôlia không phải là lính của ông
ta, nên cứ nằng nặc đòi phải đổi gác hoặc phải hủy lệnh đi. Tất nhiên là chẳng
có kíp gác nào cần đổi và cũng chẳng có lệnh nào cần hủy. Cũng chẳng ai giải
thích rõ người nào cắt cử anh gác ở đây. Tuy vậy, Kôlia vẫn nằng nặc không nghe
và cứ làm ầm lên cho đến lúc trực ban của nhà trường tới. Chiếc băng đỏ trực
ban có tác dụng, nhưng ngay sau khi được trao trả vị trí của mình, Kôlia chẳng
biết đi đâu và làm gì cả. Trực ban cũng không biết gì hơn, và đến khi hỏi ra mọi
chuyện thì nhà tắm đã đóng cửa, Kôlia đành cứ mặc bộ thường phục của mình hơn một
ngày đêm nữa. Nhưng điều đau khổ hơn là anh đã chuốc lấy cơn phẫn nộ thù oán của
ông chuẩn úy...
Và hôm nay anh sẽ
phải gặp gỡ lần thứ ba với thiếu tướng. Kôlia sốt ruột chờ cuộc gặp gỡ này đồng
thời rất sợ vì anh quá tin vào những lời thì thào của mọi người xung quanh về
chuyện thiếu tướng là người đã từng tham chiến ở Tây Ban Nha. Tin thế, anh
không thể không hốt được khi nhìn thẳng đôi mắt một vị tướng đã từng giáp mặt với
bọn phát xít, và đã chiến đấu với chúng chỉ mới mấy năm gần đây thôi.
Cuối cùng cánh cửa
cũng hé mở, chính ủy vẫy anh vào. Kôlia vội vuốt lại quân phục, liếm đôi môi
khô khốc và nghiêm chỉnh bước vào căn phòng.
Cửa anh vào là cửa
sau, đối diện với cửa chính, và Kôlia chỉ trông thấy tấm lưng hơi gù của vị tướng.
Anh hơi cuống, nhưng dầu sao cũng báo cáo được một cách rành rọt, đàng hoàng
như anh đã nhẩm tập từ lâu. Thiếu tướng nghe xong, cũng im lặng chỉ tay mời anh
ngồi xuống chiếc ghế trước mặt. Kôlia ngồi xuống, hai tay đặt trên đầu gối và ưỡn
thẳng người một cách gò bó. Thiếu tướng chú ý ngắm nhìn anh, ông lại còn đeo
kính lên, (Kôlia đâm hoảng hơn khi thấy ông đeo kính!), im lặng đọc những giấy
tờ gì đó để trong chiếc bìa màu đỏ. Kôlia không biết rằng đấy chính là tập “Hồ
sơ cá nhân” của anh, trung úy Kôlia Plugiơnhikốp.
- Tất cả đều điểm
năm mà lại có một điểm ba? - thiếu tướng tỏ vẻ ngạc nhiên. - Tại sao lại bị ba?
- Vì môn hậu cần.
- Kôlia nói, mặt đỏ ửng như một cô gái. - Thưa đồng chí thiếu tướng, tôi sẽ gỡ
lại ạ.
- Không, muộn rồi,
đồng chí trung úy ạ. - thiếu tướng cười mát.
- Đoàn Thanh
niên Cộng sản và các bạn bè đều nhận xét rất tốt về trung úy. - chính ủy khẽ
nói.
- Rất tốt. - thiếu
tướng nhấn thêm và lại cúi xuống đọc tiếp.
Chính ủy đi lại
chỗ cửa sổ rộng mở, châm thuốc hút và mỉm cười với Kôlia như với người bạn quen
lâu ngày. Kôlia cũng hơi mấp máy môi một cách lịch thiệp đáp lại, rồi anh lại
ngồi ngay ngắn và nhìn thẳng vào thiếu tướng.
- Hóa ra đồng
chí bắn rất giỏi, phải không? - thiếu tướng hỏi. - Có thể nói là một xạ thủ
quán quân ấy chứ.
- Cậu ấy tham
gia cuộc thi bắn. - chính ủy khẳng định thêm.
- Rất tốt. - thiếu
tướng gập tập bìa màu đỏ lại, để sang một bên và bỏ kính. - Đồng chí trung úy ạ,
chúng tôi có một đề nghị.
Kôlia đã sẵn
sàng nhích lên, vẫn không nói lời nào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm kê vải
xà cạp một thời gian, anh không hề hy vọng được cử sang công tác tình báo.
- Chúng tôi đề
nghị đồng chí ở lại nhà trường làm trung đội trưởng học viên. - thiếu tướng
thông báo. - Đây là một chức vụ quan trọng. Đồng chí sinh năm nào?
- Báo cáo thiếu
tướng, tôi sinh ngày mười hai tháng tư năm một nghìn chín trăm hai mươi hai! -
Kôlia nói liền một mạch.
Anh đáp lại một
cách máy móc vì anh đã cuống quýt suy nghĩ anh phải làm gì. Tất nhiên, một người
hôm qua còn là học viên như anh mà được trao chức vụ ấy thì quả thực là một
vinh dự lớn. Nhưng Kôlia không thể đứng bật dậy và hô vang ngay: “Tôi xin chấp
hành, thưa thiếu tướng!”. Không thể làm như vậy được, vì anh ý thức rằng muốn
trở thành người chỉ huy thực sự thì phải tham gia chiến đấu, phải cùng ăn, cùng
ở với chiến sĩ, cùng học tập và rèn luyện với họ. Anh muốn mình là người chỉ
huy như vậy, nên đã quyết định xin học sĩ quan bộ binh trong khi các bạn khác
thì say mê không quân, và cùng lắm là xe tăng.
- Sau ba năm phục
vụ trong nhà trường, đồng chí có quyền được cử đi học ở Học viện Quân sự. - thiếu
tướng vẫn tiếp tục nói. - Xét về mọi mặt, đồng chí phải tiếp tục học lên nữa.
- Chúng tôi đã
cho đồng chí quyền lựa chọn đấy. - chính ủy mỉm cười. - Nào, thích đại đội nào
: Gôrôpxốp hay Vêlíchkô?
- Hình như cậu
ta đã chán ngấy Gôrôpxốp. - thiếu tướng mỉm cười vui vẻ.
Kôlia muốn nói
ngay rằng anh hoàn toàn không chán ngấy Gôrôpxốp, trái lại anh ấy là một cán bộ
chỉ huy ưu tú, nhưng tất cả những điều đó sẽ không cần thiết, vì anh, Kôlia
Plugiơnhikốp, không có ý định ở lại trường làm cán bộ khung. Anh thích đơn vị
chiến đấu, thích các chiến sĩ, thích được làm những công việc vất vả của người
cán bộ trung đội ở đơn vị - nói tóm lại, anh thích tất cả những công việc được
gói gọn trong hai tiếng “phục vụ”.
Anh định trình
bày ý định của mình như vậy, nhưng hình như đầu óc anh đang rối tung lên và mặt
lại còn đỏ nữa chứ.
- Đồng chí trung
úy, có thể hút thuốc được, - thiếu tướng nói và lại mỉm cười. - Cứ hút tự nhiên
và hãy suy nghĩ đề nghị của chúng tôi...
- Không ăn thua
rồi, - chính ủy thở dài. - cậu ấy có nghiện thuốc lá đâu.
- Thưa thiếu tướng,
tôi không hút thuốc ạ. - Kôlia khẳng định và mạnh dạn tiếp luôn. - Xin phép thiếu
tướng, tôi được nói chứ ạ?
- Cứ nói, tôi
nghe, tôi nghe đây.
- Báo cáo thiếu
tướng, tôi xin cảm ơn và dĩ nhiên là hết sức chân thành cám ơn sự tin cậy của
các đồng chí. Tôi hiểu đây là vinh dự lớn đối với tôi, nhưng thưa thiếu tướng,
xin đồng chí cho phép tôi được từ chối.
- Tại sao vậy? -
Chính ủy cau mày hỏi, và rời khỏi cửa sổ. - Có chuyện gì vậy, Plugiơnhikốp.
Thiếu tướng im lặng
nhìn anh với thái độ thích thú, còn Kôlia vẫn lúng túng:
- Thưa thiếu tướng,
tôi cho rằng nhiệm vụ của mỗi người sĩ quan trước hết là phải phục vụ ở đơn vị
chiến đấu. Ở trường đã dạy chúng tôi như vậy và chính đồng chí chính ủy cũng đã
nói với chúng tôi hôm liên hoan và chỉ có ở đơn vị chiến đấu mới có thể trở
thành người sĩ quan thực sự được.
Chính ủy húng hắng
ho và quay lại chỗ cửa sổ. Thiếu tướng vẫn nhìn Kôlia im lặng.
- Và do vậy,
thưa đồng chí thiếu tướng, tất nhiên, tôi hết sức cảm ơn, rất chân thành cảm ơn
các đồng chí, và xin mạnh dạn đề nghị hãy cử tôi về đơn vị chiến đấu. Về bất cứ
đơn vị chiến đấu nào, và làm bất cứ công việc gì.
Kôlia ngừng nói
và trong phòng im lặng hồi lâu. Dù cả thiếu tướng lẫn chính ủy đều có vẻ không
để ý đến sự im lặng này, nhưng Kôlia cảm thấy sao nó kéo dài thế, anh thấy lo
lo.
- Thưa thiếu tướng,
tôi, dĩ nhiên tôi hiểu rằng...
- Ồ, đồng chí
chính ủy ạ, cậu ta giỏi lắm, - thiếu tướng bỗng vui vẻ thốt lên. - Trung úy ạ,
anh giỏi lắm.
Chính ủy cũng bỗng
cười vang và vỗ vai Kôlia:
- Cảm ơn lời nhắc
nhở đó, Plugiơnhikốp!
Và cả ba đều cười
vang vì đã tìm được lối thoát cho một tình thế khó xử.
- Tức là thích về
đơn vị chiến đấu?
- Vâng, thưa thiếu
tướng.
- Cậu không thay
đổi ý định đấy chứ? - Hiệu trưởng bỗng nhiên chuyển sang dùng chữ “cậu”, và ông
không thay đổi cách xưng hô ấy cho tới cuối cuộc nói chuyện.
- Không ạ.
- Cậu đi phục vụ
bất cứ nơi nào, phải không? - chính ủy hỏi. - Còn bà cụ và cô em gái thì sao? Cậu
ấy không còn bố nữa, thưa thiếu tướng.
- Tôi biết rồi.
- thiếu tướng cố giấu nụ cười, nét mặt nghiêm chỉnh và mấy ngón tay liên hồi gõ
nhịp xuống bàn. - Trung úy ạ, anh sẽ được cử đến quân khu đặc biệt miền Tây.
Kôlia lại đỏ mặt:
mọi học sinh quân đều mơ ước được phục vụ ở quân khu đặc biệt, xem đó là một
may mắn to lớn.
- Anh đồng ý nhận
chức vụ trung đội trưởng chứ?
- Báo cáo đồng
chí thiếu tướng!... - Kôlia đứng bật dậy và lại ngồi ngay xuống ghế khi sực nhớ
tới kỷ luật. - Thưa thiếu tướng, xin hết sức cảm ơn đồng chí.
- Nhưng với một
điều kiện. - thiếu tướng nói rất nghiêm chỉnh. - Trung úy ạ, tôi cho cậu đến đấy
một năm để thực tập chiến đấu, đúng một năm sau, tôi sẽ kiên quyết đòi cậu về
trường làm cán bộ khung đấy. Đồng ý không?
- Thưa thiếu tướng,
đồng ý ạ. Nếu như đồng chí hạ lệnh...
- Được, được. Chúng
tôi sẽ hạ lệnh! - chính ủy cười. - Chúng tôi rất cần những tay không nghiện thuốc
như cậu.
- Nhưng có một
điều là không được vui lắm đấy, trung úy ạ: cậu sẽ không được nghỉ phép. Chậm
nhất là chiều chủ nhật này cậu phải có mặt tại đơn vị.
- Đúng thế, anh
sẽ không được thăm bà mẹ lâu đâu. - chính ủy lại cười. - Bà ở phố nào ở
Matxcơva nhỉ?
- Phố Ôxtogienca...
Bây giờ gọi là phố Mêtrôxtroevxcaia.
- Phố Ôxtôgienca
à... - Thiếu tướng thở dài rồi đứng dậy, bắt tay Kôlia. - Thôi, chúc cậu may mắn,
trung úy ạ. Một năm nữa sẽ gặp nhau, nhớ đấy!
- Xin cảm ơn thiếu
tướng. Xin tạm biệt thiếu tướng! - Kôlia reo lên và đi ra khỏi phòng.
Hồi đó mua vé
tàu hỏa rất khó. Nhưng khi tiễn Kôlia đi qua văn phòng bí mật đó, chính ủy hứa
với anh sẽ có vé chiều nay. Suốt buổi chiều, Kôlia bận rộn: chạy đi ký giấy tờ,
trả hết đồ đạc của trường quân sự và lấy giấy giới thiệu ở phòng quân lực. Ở
đây, anh lại gặp một tin bất ngờ đáng phấn khởi nữa: hiệu trưởng vừa công bố
quyết định cảm ơn. Đến gần tối, trực ban giao cho Kôlia vé, và sau khi từ biệt
tất cả mọi người, anh lên đường đến nơi nhận nhiệm vụ mới, trên đường đi có ghé
qua Mátxcơva, trong thời hạn ba ngày, chủ nhật là phải đến đơn vị mới.
Tàu đến Matxcơva
vào sáng sớm. Từ ga đến khu phố nhà mình, anh đi bằng tàu điện ngầm - đường tàu
điện ngầm đẹp nhất thế giới, anh luôn nhớ điều đó và hết sức tự hào mỗi khi đi
sâu xuống lòng đất. Đến ga tàu điện ngầm “Cung Xôviết”, anh lên phố và bước
sang đường, dừng chân dưới hàng rào đối diện. Sau hàng rào có một cái gì đó hấp
dẫn, thì thào, xào xạc. Kôlia cũng nhìn vào trong với niềm tự hào khó tả vì ở
đó bắt đầu xây dựng nền móng tòa nhà cao nhất thế giới: tòa Cung Xôviết với bức
tượng Lênin khổng lồ trên cao.
Kôlia dừng lại cạnh
khu nhà cách đây hai năm anh đã tạm biệt để vào trường quân sự. Đây chỉ là một
ngôi nhà ở bình thường của Matxcơva, có nhiều tầng, nhiều phòng, một nhà ở có cổng
hình vòm, một sân không có lối đi qua và ở đó có nhiều mèo - nhưng đây là ngôi
nhà đặc biệt yêu quý của anh. Anh biết rõ từng cầu thang, mỗi góc nhà, và có thể
nói, từng viên gạch non ở mỗi góc tường. Đây là ngôi nhà của anh và anh suy luận
rằng, nếu như khái niệm tổ quốc là một cái gì lớn lao thì ngôi nhà tự nhiên là
nơi thân yêu nhất trên trái đất này.
Kôlia dừng lại cạnh
ngôi nhà, anh mỉm cười và hình dung là giờ đây có lẽ bà lão Mátveepna đang ngồi
ở góc sân chan hòa ánh nắng, đan đôi tất tay không bao giờ xong và luôn miệng
chào hỏi, nói chuyện với mọi người đi qua. Anh tưởng tượng cái cung cách bà sẽ
bắt anh đứng lại, hỏi anh là ai, anh đi đâu và từ đâu đến. Không hiểu sao, anh
cứ tin rằng, bà cụ sẽ không nhận ra anh và anh cảm thấy vui vui vì điều này.
Ngay lúc ấy có
hai cô gái đi ra khỏi cửa. Cô hơi cao hơn mặc áo cộc tay, đó là điều khác biệt
duy nhất giữa hai cô: hai cô có kiểu tóc như nhau, cùng đi bít tất trắng và
giày cao su trắng. Cô gái thấp hơn thoáng nhìn anh trung úy hết sức siết chặt
thắt lưng với chiếc vali, rồi quay sang cô bạn, nhưng cô bỗng đi chậm lại và
quay nhìn anh một lần nữa.
- Vêra phải
không? - Kôlia hỏi nhỏ gần như thì thào. - Vêra, chả nhẽ lại là em đấy ư?...
Một tiếng reo
vang lên. Cô gái lao đến bá vào cổ anh, gập đầu gối lại giống như hồi còn trẻ
con, làm anh phải cố mới đứng vững được: cô em gái anh giờ đây đã khá nặng cân.
- Kôlia...
- Vêra, ôi! Em
chóng lớn quá.
- Mười sáu rồi!
- giọng cô gái vang lên đầy tự hào. - Anh cứ tưởng chỉ có mình anh được lớn phải
không? Ôi, thế mà anh đã là trung úy rồi! Valia, chào đồng chí trung úy đi chứ.
Cô gái cao mỉm
cười bước tới:
- Chào anh
Kôlia!
Anh đưa mắt nhìn
lên bộ ngực kéo căng tấm áo hoa của cô gái. Anh nhớ kỹ và rất rõ ràng hình ảnh
hai cô gái nhỏ tinh nghịch, luôn chạy nhảy như con dê nhỏ. Anh vội tránh ánh mắt
của cô và nói:
- Chà, chà,
không nhận ra hai cô nữa đấy...
- Ôi, chúng em
phải đến trường đây! - Vêra thở dài. - Hôm nay là buổi sinh hoạt Đoàn cuối
cùng, không thể vắng mặt được anh ạ.
- Tối nay chúng
ta sẽ gặp nhau vậy. - Valia nói.
Cô nhìn anh với
ánh mắt bình thản đáng ngạc nhiên. Kôlia cảm thấy tức giận vì dầu sao anh cũng
cho mình là người lớn tuổi và bọn con gái này phải kính nể anh chứ.
- Tối nay anh phải
đi rồi.
- Đi đâu? - Vêra
hỏi.
- Đến đơn vị mới.
- anh nói không thiếu vẻ quan trọng. - Anh chỉ ghé qua nhà thôi.
- Vậy đến bữa ăn
trưa vậy. - Valia lại bắt gặp cái liếc trộm của anh và cô mỉm cười. - Em sẽ mang
máy hát sang.
- Anh biết Valia
có đĩa hát gì không? Đĩa Ba Lan nhé! - Vêra khoe. - Thôi, chúng em đi nhé!
- Mẹ có nhà
không?
- Có đấy!
Hai cô chạy vù về
bên trái - đúng là các cô đi học, trên con đường này anh đã từng đi, từng chạy
như vậy mười năm liền. Kôlia nhìn theo hai mái tóc bay bay, những dải áo phất
phơ và bỗng có ý mong muốn được họ ngoái nhìn mình. Anh thầm nghĩ: “Nếu cô ấy ngoái
lại nhìn, tức là...”. Anh không thể đoán biết được thì ngay lúc đó, cô gái cao,
cô Valia, bất chợt ngoái lại nhìn anh và cười. Anh vẫy tay đáp lại, rồi xách
vali lên, mặt cảm thấy âm ấm và hiểu rằng mình đang đỏ mặt.
Thật xấu hổ -
anh thầm hỏi mình với cảm giác hài lòng. - Thì có sao - anh tự an ủi - đỏ mặt
thì có sao?
Anh đi qua cổng
và nhìn sang phía khoảng sân đầy nắng nhưng không thấy có bà Mátvêepna ngồi đấy.
Anh hơi cụt hứng, nhưng ngay lúc đấy, Kôlia cũng đã bước vào cửa nhà anh và chạy
liền một mạch lên tầng gác năm.
Mẹ vẫn không hề
thay đổi và thậm chí vẫn mặc bộ áo lấm tấm hạt đậu như cũ. Thấy anh xuất hiện đột
ngột, bà bỗng òa khóc:
- Trời ơi, sao
con giống bố thế!
Kôlia không còn
nhớ rõ mặt bố nữa, anh chỉ còn mang máng biết rằng, năm hai mươi sáu, bố anh được
điều động về Trung Á, và từ đấy, không trở về nữa. Mẹ anh được mời lên Tổng cục
Chính trị, và ở đấy, bà được người ta cho biết chính ủy Plugiơnhikốp đã bị bọn
phỉ Basmatri giết hại trong khi tiễu phạt chúng ở gần làng Kôdơ Kuđúk.
Mẹ ngồi nhìn anh
ăn điểm tâm và nói chuyện không dứt. Kôlia cũng gật gù tiếp chuyện, nhưng anh
nghe với vẻ chểnh mảng :vì tâm trí đang bận nghĩ về cô Valia ở căn hộ bốn chín
giờ đây bỗng nhiên lớn bổng lên, trong thâm tâm, anh cứ muốn mẹ nói vài lời về
cô. Nhưng bà vẫn cứ vô tình kể về những chuyện khác.
- Mẹ thì cứ nói
với họ: “Trời ơi, trời ơi, chả lẽ cứ bắt bọn trẻ suốt ngày ngồi nghe cái loa
truyền thanh oang oang thế này hay sao? Tai chúng nó nhỏ và nói chung việc này
không hợp với phương pháp sư phạm gì cả”. Dĩ nhiên họ không nghe mẹ, nhưng đã
chót ký vào giấy đề nghị rồi nên người ta cứ bắc chiếc loa ở đây. Mẹ đến ban chấp
hành khu và nói với họ tất cả...
Mẹ phụ trách nhà
trẻ nên suốt ngày cứ bận bịu bao nhiêu công việc đâu đâu. Suốt hai năm qua,
Kôlia đã phải xa tất cả và giờ đây, anh sẵn lòng ngồi nghe mẹ tâm sự, nhưng
hình ảnh cô gái Valia cứ quay cuồng trong đầu óc anh...
- Mẹ ạ, con bất
ngờ gặp Vêra ở ngay cổng lớn. - anh nói như vô tình, cắt ngang câu chuyện của
bà mẹ ở chỗ say sưa nhất. - Em đi cùng với... à... cùng với cô Valia...
- À, chúng nó vẫn
đi học với nhau. Con uống cà phê nữa không?
- Thôi, cảm ơn mẹ.
- Kôlia đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng, lòng cảm thấy lâng lâng, thoải
mái. Bà mẹ lại trở lại câu chuyện vườn trẻ, nhưng anh đã cắt ngang hỏi: - Valia
vẫn còn học phổ thông cơ à?
- Con làm sao thế,
con không nhớ Valia bao nhiêu tuổi hay sao? Nó không bỏ chúng ta đâu. - Bà mẹ bỗng
cười vang. - Vêra nói Valia phải lòng con đấy.
- Chuyện vớ vẩn
! - Kôlia làm bộ bực tức kêu lên. - Chuyện ngốc nghếch!...
- Tất nhiên là
ngốc rồi. - bà mẹ bỗng nhẹ nhàng thốt lên. - vừa mới ngày nào còn là đứa bé gái
thế mà bây giờ nó đã là cô gái xinh đẹp rồi. Vêra của chúng ta cũng đẹp, nhưng
Valia có lẽ còn xinh hơn.
- Thì đẹp chứ
sao. - anh càu nhàu, nhưng cũng khó giấu được niềm vui thầm kín của mình. - Chỉ
là một cô gái bình thường thôi mẹ ạ. Đất nước ta có hàng ngàn, hàng vạn cô gái
như vậy.... Mẹ, tốt nhất, mẹ hãy cho con biết bà Mátvêepna ra sao? Con không thấy
bà ấy ở ngoài cổng lớn...
- Bà ấy mất rồi.
- mẹ thở dài.
- Sao lại như vậy
được, bà ấy chết rồi? - anh ngạc nhiên.
- Người ta ai chả
phải chết hả con? - bà mẹ lại thở dài. - Con còn hạnh phúc lắm, con chưa phải
lo nghĩ đến chuyện này.
Và Kôlia cũng bất
giác cảm thấy mình là người hạnh phúc vì anh đã bất ngờ gặp cô gái đẹp đó ở cổng
lớn, rồi giờ đây, anh lại được biết thêm cô ấy yêu anh...
Sau khi điểm tâm
xong, Kôlia liền ra nhà ga Bêlôruxia. Chuyến tàu anh phải đi sẽ khởi hành vào bảy
giờ tối, và điều đó làm anh không biết xử trí ra sao. Kôlia đi đi lại lại trong
sân ga, do dự, ngập ngừng và cuối cùng anh đánh bạo gõ cửa phòng trực ban phó
chỉ huy ga.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét