Tên Anh Chưa Có Trong Danh Sách
(В списках не значился)
Tác giả: Boris Vasilyev
Dịch giả: Đức Thuần - Xuân Du
Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) - 1985
Chương 10
Một lần nữa anh lại không tính được ngày
tháng. Anh nằm trong bóng tối dầy đặc, lắng nghe tiếng chuột gặm bánh mà không
sao đủ sức nhỏm dậy để cất bánh vào chỗ kín hoặc cố nhớ hôm này là ngày mấy.
Anh không biết mình sẽ sống được bao lâu trong tình trạng không có nước, không
có thức ăn, thu mình trong tấm áo khoác và tấm áo độn bông. Khi hơi tỉnh lại,
anh cố lê đến chỗ có nước, uống ừng ực rồi lại đắm chìm trong cơn mê kỳ lạ. Tỉnh
dậy, anh lại uống nước. Cuối cùng, anh lê đến cạnh bàn, tìm đường và tìm những
miếng bánh chưa bị chuột ăn. Anh bốc đường cho vào miệng và nhai bánh mặc dù
không thấy đói gì hết. Nhưng anh cứ phải ăn bởi vì lúc này bệnh anh đã lui và
anh phải đứng dậy.
Do không tính được ngày tháng, nên khi thấy
tuyết trắng xuất hiện, anh không hề ngạc nhiên. Lúc này đang là nửa đêm, sao lấp
lánh trên bầu trời đen thẫm, nhưng cả pháo đài lại phủ một màu trắng xóa. Anh
ngồi bên cửa hầm, thu mình trong chiếc áo bông dày, khao khát hít thở khí trời
giá lạnh, tinh khiết và mừng thầm vì mình còn sống.
Anh gần như đã hồi phục mặc dù vẫn hay
chóng mặt vì còn yếu. Anh đun một ống bơ nước bằng thuốc nổ, nhúng cả hộp thịt
vào đấy và lần đầu tiên anh ăn thấy ngon miệng. Ăn xong, anh nằm thu mình trong
tấm áo bông dày cộm. Giờ đây, một lần nữa, anh tin vào sức khỏe của mình, và lại
tính ngày tháng, nhưng mặc dù đã cố gắng, anh vẫn không sao nhớ được hôm này là
ngày mấy.
Cả ngày hôm sau, anh ngồi lau chùi vũ khí
và nạp đạn vào đầy các băng. Anh đã lâu không đi kiểm tra khu vực của anh và
săn lùng bọn lính tuần tra. Bây giờ anh đang chuẩn bị cho một cuộc phá vây với
tâm trạng bồn chồn, háo hức. Anh còn sống, và cảm thấy mình vẫn là người chủ của
pháo đài Brét đang im lìm nằm dưới tuyết.
Nhưng ngoài nhiệm vụ chính cơ bản nhất, anh
còn một nhiệm vụ riêng tư nữa. Nó lởn vởn trong ý nghĩ một cách thầm kín tựa
như anh muốn giấu kín nó, tựa như nó đang vi phạm một mệnh lệnh quan trọng mà
anh chính thức được giao, và một người nào đó có thể đang kiểm tra anh thực hiện.
Nhưng anh đã sống nghiêm túc tựa hồ trước mặt anh luôn có một vị thanh tra vô
hình đang theo dõi, và lúc này, trong ý nghĩ anh, có một điều gì đó phải được
giữ kín, không để cho vị thanh tra ấy biết. Điều thầm kín ấy tự đến và anh thực
hiện niềm khát khao đó như một điều bí mật đối với mình.
Anh bỗng quyết định phải tìm bằng được khẩu
súng lục riêng của anh, không phải bất cứ khẩu súng nào mà là khẩu súng có ghi
rõ số trong giấy phép sử dụng, khẩu súng đầu tiên anh được giao trong buổi lễ bế
giảng của trường huấn luyện và đã đánh mất trong trận giáp lá cà thứ nhất. Giờ
đây, anh nhớ rất rõ trận chiến đấu ấy, bởi vì một tên Đức khủng khiếp có cái cằm
giập nát, đã hiện lên với anh trong cơn hôn mê, nó lôi chân anh, hàm răng nhăn
nhở ghê rợn nhe ra. Thế mà Xannhikốp vẫn không thấy đến cứu. Trong cơn hôn mê
anh có cảm tưởng Xannhikốp sẽ chẳng bao giờ đến cứu anh ra khỏi cơn ác mộng ấy.
Mồ hôi vã ra lạnh toát, anh đau lòng nhớ lại mọi chi tiết của ngày hôm ấy. Cuộc
gặp gỡ với Xannhikốp và Đênhisich, cuộc giáp chiến và trận đánh đầu tiên cùng với
nỗi hổ thẹn vì đã đánh mất khẩu súng lục được phát riêng cho mình.
Anh đến được khu nhà thờ mà không gặp trở
ngại gì. Nhưng theo thói quen mỗi khi bước vào cửa, anh đưa mắt nhìn quanh và vội
sững người lại vì phát hiện một điều sơ xuất chứa đựng những hậu quả nặng nề.
Tuyết rơi không nhiều, và mặc dù đã cố ý bước lên những hòn gạch song anh vẫn để
lại sau mình những dấu vết không thể nào xóa hết được. Chỉ có một cơn mưa tuyết
mới làm nổi việc ấy, nhưng bầu trời lại sáng sủa đến mức đáng nguyền rủa. Niềm
vui mừng vì đã đến được nhà thờ của anh bay biến mất, nhưng bây giờ mà quay trở
lại thì càng nguy hiểm hơn, tất cả dấu vết đều còn kia. Sau giây phút chần chừ,
anh quyết định sẽ ở suốt ngày trong nhà thờ và chỉ trở về hầm vào ban đêm, anh
hy vọng một may mắn nào đó sẽ làm cho tuyết rơi nhiều hơn để phủ kín những dấu
vết kia trước khi trời sáng.
Những ngọn gió đông trong lành thổi qua khu
nhà thờ, xua tan mùi hôi thối đã có lần cứu sống anh bằng cách giữ chân bọn Đức
trước cửa ra vào. Quả thực lần ấy, anh buộc lòng phải nép mình trên khung cửa sổ
trống trải, đợi đến khi trời tối hẳn. Lễ duyệt binh đã kết thúc trước đó, những
nhân vật quan trọng đã ra về, những tên lính cũng đã giải tán. Sau đó, anh lần
theo gờ tường giữa bóng đêm dày đặc, thoát được trót lọt. Song lúc này, những
bông tuyết trong lành và vui mắt kia lại là đồng minh của kẻ thù.
Luôn thấp thỏm về điều đó, anh lo lắng nghe
ngóng mọi thanh âm của buổi bình minh vắng lặng. Trong không khí giá lạnh, tiếng
động truyền đến tai anh rất rõ: tiếng máy nổ, tiếng tuyết rơi lạo xạo, tiếng cười
đùa của bọn lính Đức đang chơi vốc tuyết ném vào nhau trước cổng ba vòm. Thoạt
đầu, mỗi âm thanh đều làm anh sợ hãi, nhưng dần dà anh nghĩ nhiều đến những điều
đã giữ khu nhà thờ này cho riêng anh. Càng nhìn xung quanh, anh càng thấy bóng
dáng những người đã mất quần tụ quanh mình gần hơn, họ không còn nữa, chỉ còn lại
những ký ức trong anh mà thôi.
Anh nhận ra ngay khoang cửa sổ mình đã nhảy
qua để vào nhà thờ hôm đầu tiên. Đúng cái cửa sổ này, không cần phải tìm kiếm
lâu la gì hết. Chính anh đã chọn cái cửa này và đã hơi chần chừ khi đứng trước
nó. Anh nhớ tới anh chiến sĩ biên phòng đã phải trả cả cuộc đời mình cho một
phút nao núng ngắn ngủi của anh. Những chuyện như vậy không dễ gì quên được, do
thực sự không run sợ nên anh nhớ kỹ tất cả. Thậm chí, anh còn nhớ cả tia máu
phun vào người anh khi viên đạn lẽ ra dành cho anh nhưng lại cắm vào người anh
lính biên phòng đã chết ấy.
Nhưng chuyện đó sau này mới xảy ra. Còn lúc
đầu, anh lao vào ngôi nhà thờ mù mịt khói, húc phải người nào đó, bắn một tên Đức,
và tại đây, tên Đức khủng khiếp có cái cằm vỡ toác đã túm lấy chân anh. Nhưng
anh đã đánh mất khẩu súng lục trước lúc đó... Trước hay sau? Không, trước đó,
vì khi ấy có người thúc báng súng vào người anh, anh ngã xoài sang một bên, và
khi tỉnh lại thì khẩu súng đã mất. Như vậy là mọi việc đều diễn ra tại đây,
trên khoảng nền nhà chỉ vẻn vẹn mấy thước vuông, và bây giờ thì bừa bộn vôi vữa,
gạch ngói và những vỏ đạn đã bắn.
Anh đi loanh quanh trong nhà thờ, gạch vỡ lạo
xạo dưới chân. Những băng đạn rỗng của súng tiểu liên và súng máy, những bi
đông bẹp dúm, những khẩu súng trường toác nòng và gãy báng, những ổ đạn súng
liên thanh, tất cả những rác rưởi đó của chiến tranh đều xảy ra trước mặt anh.
Anh sờ mó những thứ phế thải đó, chúng như chứa đầy những tiếng nói vang vọng
muôn đời, những tiếng nói mà anh phải nâng niu gìn giữ trong tâm khảm. Nhưng
anh không biết anh đang nắm giữ những tiếng nói đó mà không biết chúng đang
vang lên trong lòng anh. Anh đã tưởng anh lẻ loi, cô độc trong im lặng, song sự
im lặng ấy đã bị phá vỡ, sự lẻ loi ấy đã bị thủ tiêu, và đột nhiên anh hiểu rằng
quá khứ là của anh, là di sản của anh, là niềm tự hào của anh. Không có sự cô độc
câm lặng vì trong anh vẫn còn quá khứ. Nó là mảng dữ dội nhất, vang động nhất của
cuộc đời anh.
- Không có cái chết nào hết. - anh nói to một
mình. - Không có cái chết nào hết, anh bạn ạ!
Giọng nói nhỏ nhẹ của anh có sức vang kỳ lạ
trong ngôi nhà thờ trống trải. Nó truyền qua bầu không khí lạnh giá, dội nhẹ
vào tường và lan lên mái vòm vỡ toác. Anh im lặng lắng nghe như dõi theo tiếng
nói của mình, và lúc ấy, anh cũng lọc được những âm thanh khác lạ từ ngoài vọng
vào. Chưa kịp hiểu rõ và nhận ra là những âm thanh gì, anh chạy bổ ra cửa sổ,
nép người vào một bên và thận trọng nhìn ra ngoài. Trong khoảnh khắc đó, quá khứ
vụt biến mất: bọn Đức đang lặng lẽ bao vây nhà thờ.
Chúng chưa kịp khép kín vòng vây, do có
tính toán trước, hoặc do quá vội vã mà chúng chừa cho anh kẽ hở duy nhất: một lối
nhỏ lách qua khoảng đất trơ trụi để sang khu nhà đổ bên tòa Điện Trắng. Một
bóng đen nổi bật trên nền tuyết trắng giữa ban ngày: anh không còn tia hy vọng
nào nữa cả. Nhưng anh không muốn trông chờ vào hy vọng, anh muốn sống, hoặc nếu
phải chết thì sẽ chết trong tự do. Vì vậy, anh lao qua cửa sổ để ra ngoài.
Anh chạy thục mạng, không quay đầu lại nhìn
và cũng không chạy vòng vèo, thậm chí cũng không cúi người xuống nữa, anh không
được để mất giấy phút nào cả. Chạy được nửa đường, tuy nghe thấy tiếng quát và
tiếng súng, nhưng anh không nằm xuống mà vẫn tiếp tục chạy, bất chấp những viên
đạn bắn tung bụi tuyết dưới chân. Anh lao vào khu nhà đổ, thục mạng chạy sâu
vào phía trong, đầu húc cả vào tường vì đang từ chỗ sáng chạy vào nên không thấy
gì hết. Anh chạy, mang hết sức tàn ra mà chạy, rồi bất thần ngã gục xuống vì kiệt
sức. Anh không còn sức, không còn không khí để thở, không còn gì hết ngoài trái
tim đang đập dồn dập, điên loạn.
Nhưng anh không thể dừng lại lâu được, đâu
đấy vẳng lên tiếng quát, tiểng ủng chộn rộn, tuy xa nhưng cũng đã ở trong đường
hầm, ngay dưới mái vòm. Anh buộc mình phải đứng dậy, lặc lè chạy sâu vào bóng tối,
không cần biết đây là đâu, chỉ cốt làm thế nào thoát khỏi khu vực có tiếng quát
tháo và tiếng giày ủng.
Anh không thông thuộc con đường hầm này.
Trước đây, anh đã chần chừ không cho người đi trinh sát, và sau khi đưa Mira
đi, anh lại bị ốm nên chưa đến đây lần nào. Bởi vậy mà giờ đây anh phải chạy một
cách mò mẫm, luôn sa vào ngõ cụt hoặc đâm vào những chỗ bị sập đổ, và luôn nghe
thấy những âm thanh đang rượt đuổi theo mình.
Rõ ràng bọn Đức không sợ anh, chúng biết chắc
anh chỉ có một mình nên cứ đường hoàng lùng sục kỹ từng đường hầm một.
Đến một đoạn đường vòng, anh trông thấy một
khe hở và chạy về phía ấy. Bằng bất cứ giá nào, anh phải thoát khỏi nơi này, phải
phá được vòng vây đang khép chặt, phải đến được khu vực đổ nát của doanh trại
liên hoàn, vì bọn Đức không thể vây kín khu vực ấy. Nhưng khu doanh trại đổ nát
quen thuộc của anh đã bị cắt đứt, cho nên, sau khi luồn qua khe hở, anh chạy thẳng
về hướng đối diện phía đông nam pháo đài.
Rõ ràng bọn Đức không ngờ anh dám liều lĩnh
chạy ra chỗ trống: anh đã chạy được nửa sân thì có tiếng súng bắn sau lưng. Một
lần nữa, anh không nằm xuống hoặc chạy theo hình chữ chi, mà lao thẳng lên phía
trước, thậm chí chẳng cần cúi thấp xuống, như đang cố tình tìm đến cái chết.
Nhưng một lần nữa cái chết đã không đến với anh, bọn Đức bỗng nhiên thôi bắn,
chúng chỉ quát tháo, và ngay lúc ấy anh trông thấy những tên khác chạy dọc theo
khu doanh trại để chặn đường anh. Chúng không bắn - rõ ràng chúng định bắt sống
anh.
Dù sao, anh vẫn kịp đến được một cái lỗ hổng
khá rộng và chạy nấp vào đấy. Anh đến trước vì anh đang chạy tìm sự sống, tìm tự
do và anh có thể giành được cái giây phút quý giá ngắn ngủi, đủ cho anh quan
sát xung quanh và nhận ra có chạy nữa cũng vô ích. Anh lao người vào kẽ hở,
nâng súng lên và bắn từng loạt ngắn. Nòng súng nảy mạnh trên cánh tay bất lực của
anh, và dĩ nhiên anh không bắn trúng tên nào, nhưng bắt được bọn Đức tản ra tìm
chỗ nấp. Đợi chúng bắn trả xong, anh bắn thêm mấy phát nữa và giấu khẩu súng
không đạn vào hốc tường, lấp kín lại, rồi chạy lao vào khu nhà bên cạnh.
Chỗ này trước đây là chuồng ngựa. Khói và
tuyết đều không khử hết được mùi hôi cố hữu của nó. Một đống phân khô rất to nằm
ngay trong góc tường. Không kịp suy nghĩ gì hết, anh cố đào bới lớp phân trên
cùng đã cứng khô lại. Súng vẫn nổ ở bên ngoài, còn anh, như một con chuột chũi,
anh cố đào bới, cố thục sâu vào đống phân khô ấy. Anh chỉ ngừng tay khi nghe thấy
có tiếng chân và tiếng người trong ngôi nhà bên cạnh.
Bọn Đức tìm kiếm khá lâu, chúng len lỏi hết
khu vực xung quanh: tiếng người lúc xa, lúc lại oang oang ở ngay hầm bên cạnh.
Anh không cựa quậy và hết sức nín thở, mặc dầu việc đó rất khó khăn, vì tim anh
cứ đập liên hồi, không chịu đập chậm lại. Do hoảng sợ và mệt lả, người anh đầm
đìa mồ hôi, bất cứ viên đạn vu vơ nào bắn vào đống phân cũng có thể là sự kết
liễu đối với anh. Thậm chí với một cái nhìn tò mò ngẫu nhiên cũng có thể phát
hiện được ra anh. Song đối với bọn Đức, sự có mặt của anh ở đây hình như là điều
khó lòng xảy ra.
Nhưng dù sao, đây vẫn là sự thực hiển nhiên
khi mọi cuộc tìm kiếm của chúng đều không mang lại kết quả. Anh thấy có tiếng
chân đạp ngay trên đầu mình và vội co tròn người lại. Sau đó, có tiếng huýt sáo
là lạ. Đang hoang mang chưa hiểu chuyện gì thì bỗng anh cảm thấy đau nhói: mũi
lưỡi lê xỉa xuống đâm vào sườn anh. Toàn thân anh ớn lạnh - khi rút lưỡi lê
lên, bọn Đức sẽ trông thấy vết máu, và tất cả sẽ kết thúc. Nhưng mũi lưỡi lê vừa
được rút thì đã lại xỉa xuống, chỉ cách vai anh một phân. Rồi lại được rút lên,
xỉa xuống. Cuối cùng, sức nặng đè xuống lưng anh bỗng hẫng hẳn đi, anh nghe thấy
tiếng chân huỳnh huỵch và biết bọn Đức đã nhảy xuống nền nhà.
Khi tiếng người và tiếng chân mất hẳn, anh
vẫn chưa dám nhúc nhích. Vết đâm bên sườn anh đau nhói, anh cảm thấy máu mình
đang rỉ ra và tay chân dần tê dại, nhưng anh vẫn không dám nhúc nhích. Anh tin,
rồi sợ không dám tin, rồi lại tin mình đã thoát chết. Một lần nữa anh suýt chết.
Nhưng anh không dám liều lĩnh. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, anh chịu đựng
cơn tê dại đang lan dần trên cơ thể. Anh chịu đựng, có lúc ngất đi mấy phút rồi
lại tỉnh, để sau đó lại ngất lịm đi. Toàn thân anh mất hết cảm giác, đến nỗi
không biết vết thương của mình còn chảy máu nữa hay không. Đôi khi, anh sợ người
bị cứng lại không thể bò ra khỏi đống phân được nữa. Vậy mà, anh vẫn phải nằm tại
chỗ cho đến lúc bóng tối trùm xuống.
Chui ra khỏi đống phân một cách khó nhọc,
anh ngồi đấm bóp chân tay rất lâu cho người ấm lại. Vết thương của anh không thấy
chảy máu nữa, tay áo anh đã dính bết vào miệng nó, nhưng anh không có ý định
xem vết thương sâu nông thế nào: dù sao lúc này cũng không có người băng bó và
cũng không biết băng bó bằng gì. Anh đứng dậy, cố lê lên mấy bước, nhưng phải vội
ngồi thụp xuống - chân anh cứng đờ, một cơn đau dữ dội thít chặt lấy những bắp
thịt tê dại, đến nỗi anh phải cắn tay để khỏi hét lên thành tiếng. Nhưng rồi
anh buộc lòng phải cất bước. Anh cần quay về hầm, bò vào hầm và đợi ở đấy cho đến
khi tuyết lại rơi.
Anh bắt buộc phải đứng dậy tuy đầu gối vẫn
rất run và cơn đau tuy đã giảm nhưng vẫn dữ dội. Anh lảo đảo lần tìm lối ra.
Sau khi tìm lại được khẩu tiểu liên dưới đống gạch, anh thay băng đạn mới. Anh
ít khi mang theo băng đạn dự trữ, nhưng không hiểu sao hôm nay anh lại cầm
theo, nhờ vậy giờ đây súng anh vẫn có đạn. Anh xem lại băng đạn cũ - còn tám
viên - anh tháo hết đạn ra cho vào túi và nhét băng rỗng xuống đống gạch như
cũ.
Thật may mắn cho anh là không có vết máu lưỡi
lê, có thể bọn Đức đã rút lên nhanh quá, hoặc đống phân ngựa đã chùi sạch máu
trên lưỡi lê. Dù sao anh cũng hết sức may mắn, anh mỉm cười một mình, mặc dù mỗi
bước chân là một cơn đau nhói.
Song, lúc này anh đang trên đường trở về
nhà, và chỉ có điều này mới tăng thêm sức mạnh cho anh. Anh đang trở về nhà, ở
đây có lương ăn, có nước uống, có đạn dược và áo ấm, ở đấy có tất cả mọi thứ
còn đượm nồng hơi ấm của Mira.
Lúc nào anh cũng nghĩ đến cô, thậm chí cả
trong lúc anh mê sảng. Anh thấy cô lần cuối cùng là lúc cô xếp gạch bên cạnh đường.
Sau đó, anh để cô mất hút, nhưng vẫn biết rõ cô đang đứng đấy - giữa toán phụ nữ,
những người đã tiếp nhận cô như người của họ. Anh đã thấy rõ, không hiểu sao họ
xếp hàng khá lâu, anh cố dõi tìm Mira trong hàng người. Nhưng vì trời đã nhập
nhoạng tối, mọi hình bóng đều mờ đi, anh không nhận ra cô đứng chỗ nào nhưng
anh vẫn yên chí là cô đang cố len vào giữa hàng người. Sau đó bọn Đức dẫn họ đi
và khu sân trở nên vắng lặng. Anh nán đợi thêm lát nữa rồi trở về hầm. Suốt chặng
đường ngắn ngủi, trong lòng anh chộn rộn cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Song niềm
vui đã át được nỗi buồn khi anh nghĩ Mira đã thoát ra khỏi pháo đài. Và giờ
đây, anh càng thấy vui sướng hơn bởi vì ngoài niềm vui của quá khứ, anh không
còn gì khác.
Đột nhiên, anh đứng sững lại và tỏ ra bối rối:
anh không nhận ra chỗ ở nữa. Anh không thể nhận ra khu vực của anh trong pháo
đài, nơi mà trước đây anh đã thông thuộc từng tảng đá. Nhưng bây giờ đã khác hẳn
- trước mắt anh là những viên gạch ngổn ngang và không dính tuyết do bị bay đi
vì sức nổ.
Ngách dẫn vào hầm ngầm đã biến mất. Cả đường
ngách, hầm ngầm, lương ăn, vũ khí lẫn quá khứ và niềm hy vọng của anh đối với
tương lai, đều bị chôn vùi dưới đống gạch ngổn ngang.
Dấu chân trên tuyết không những đã phản bội
anh mà còn phản bội cả nơi ẩn náu của anh, bọn Đức đã tìm thấy ngách hầm và đã
cho nổ tung lên tất cả nhưng anh không nghe thấy tiếng nổ đó. Tất cả những gì
anh còn lại lúc này là khẩu tiểu liên với một băng đĩa đầy đạn, tám viên đạn
trong túi, chiếc áo trên vai và hai miếng bánh khô trong túi quần. Ngoài ra
không còn gì nữa, tự nhiên đầu gối anh rời ra và anh ngồi phịch xuống đống gạch.
Anh ngồi bất động như vậy một hồi lâu, cố nghĩ xem mình còn có thêm được thứ gì
nữa.
Anh chỉ còn lại niềm khát khao muốn sống,
còn lại khu pháo đài đã chết và lòng căm thù của chính anh. Vì vậy, cuối cùng
anh đứng dậy và quay về căn hầm của khu doanh trại liên hoàn.
Đêm ấy anh chợp mắt trên nền hầm giá lạnh của
một khu vực cách biệt. Đang gà gật, anh choàng tỉnh và đi đi lại lại, rồi sau
đó lại ngồi xuống và ngủ thiếp đi cho đến lúc rét quá phải đứng dậy. Anh phải
tìm nơi ẩn nấp, tìm thức ăn, đạn dược và quần áo. Anh hy vọng tìm được thứ gì,
và khi trời vừa hửng sáng, anh liền vùng dậy xem xét khu hầm ngầm xa lạ này.
Giờ đây anh cóp nhặt tất cả những thứ trước
đây anh không bao giờ bận tâm đến: một cái hộp với chút dầu cặn lau súng, một
cái áo lót bông rách nát cháy sém một bên tay và những viên đạn. Anh nhặt nhạnh
mọi loại đạn, cả đạn Đức lẫn đạn Nga, lau chùi sạch sẽ từng viên và cho vào những
túi khác nhau chia theo từng loại một, rồi tính đếm lại. Bây giờ anh phải hết sức
dè sẻn, tiết kiệm đạn, anh bấm chốt hãm của khẩu súng tiểu liên và đặt nấc bắn
từng viên một.
Mỗi thứ tìm được đều khiến anh mừng rỡ
không kém gì những miếng bánh khô anh đã tìm thấy hôm nào. Nhưng lần này, thứ
anh tìm thấy lại là khẩu súng trường tự động với một ổ đạn đầy. Anh tháo rời khẩu
súng ra, lau dầu cẩn thận, lắp lại và thử cơ bẩm. Kim hỏa còn tốt như mới,
nhưng anh không dám chắc bộ phận tự động của nó có tốt không. Loại súng này hay
dở chứng, anh biết điều đó từ những ngày còn học ở trường huấn luyện, vả lại,
khẩu súng đã bị vứt dưới đống gạch vụn khá lâu. Song điều nghi ngờ này chỉ có
thể thử nghiệm trong chiến đấu mà thôi, vì vậy anh lại lắp ổ đạn vào và cho đạn
lên nòng. Sau đó, anh ăn mừng bằng miếng bánh khô cuối cùng - miếng thứ nhất
anh đã ăn đêm qua.
Anh xách súng, lặng lẽ đi trong căn hầm
chưa quen biết, những tia sáng u ám của mùa đông lọt vào hầm qua một kẽ hở nhỏ.
Vừa lúc nuốt xong miếng bánh khô cuối cùng, anh nghe thấy tiếng người nói văng
vẳng từ xa, vừa lạ tai vừa khó hiểu. Anh lần ra chỗ hở và nhìn ra ngoài. Có ba
tên lính Đức đang đứng cách đó một đoạn. Một tên có chiều cao và khổ người quen
quen.
Hình như vì một lẽ nào đó anh có cảm giác
đã được biết cái tên mặc áo màu xanh ghi ấy.
Không, anh không biết và không thể biết gì
về tên lính đó cả, có điều chính vào lúc ấy, anh đột nhiên cảm thấy cái sức nặng
đang đè xuống vai mình giống cái sức nặng hôm qua anh đã thấy trong khi nằm dưới
đống phân khô. Khẩu súng trường của hắn rất dài và cắm lưỡi lê bốn cạnh.
Nhìn màu thép lưỡi lê xám lạnh, anh cảm thấy
đau nhói ở mạng sườn, đúng chỗ giẻ xương bị sây sát. Cái lưỡi lê bốn cạnh đã cắt
nghĩa vì sao trên lưỡi lê không có máu, nó đâm xuyên qua chứ không làm rách thịt,
và mấy giọt máu rỉ ra đã được áo anh lau sạch. Cái may mắn đối với anh hôm qua
chính là cái lưỡi lê ấy không phải là loại lê của bọn Đức mà là cái lưỡi lê của
Nga có bốn cạnh và nó không giữ giọt máu của anh, nó không phản bội anh, không
tố giác anh cho bọn Đức. Cái lưỡi lê ấy không có tội, kẻ có tội chính là đôi
bàn tay đã xỉa nó xuống người anh.
Anh nâng khẩu súng trường lên - may mà hôm
nay anh đã tìm thấy nó - nó được sử dụng ngay nếu nó không xỏ ngầm anh, bởi vì
đây là loại súng đã quá cổ. Anh nheo mắt lại, kéo thằng Đức cao to đang quay
lưng về phía anh vào tầm ngắm. Nhưng khi anh nhắm mắt trái lại thì mục tiêu biến
mất, trên khe ngắm mờ mờ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Anh dụi mắt rồi lại
ngắm, mục tiêu lại biến mất. Trường hợp này chưa bao giờ xảy ra với anh trước
đây vì thị lực của anh vào loại xuất sắc, nhưng lúc này anh nhận thấy mắt mình
đã kém hẳn, nhất là mắt bên phải.
Anh không vì thế mà nản lòng. Anh mở mắt
bên trái ra và ngắm bằng cả hai mắt. Không quen ngắm hai mắt như thế, nhưng anh
vẫn nhằm trúng mục tiêu anh muốn và nhè nhẹ siết cò. Cùng một lúc với tiếng nổ,
anh thấy cái bóng to lớn giật mạnh, chới với hai tay rồi ngã ập xuống đống gạch.
Anh lại siết cò, nhưng bộ phận tự động đã hỏng nên phát súng thứ hai không nổ.
Không đủ thời gian để lên đạn lần nữa, anh phải chạy đi ngay. Anh biết rất ít về
căn hầm ngầm này.
Anh chạy rất nhanh, nhưng luôn phải đứng lại
để tìm lối vào các ngóc ngách và lối vòng, phía sau có tiếng người nói và vang
lên mấy loạt súng. Bọn Đức đang rượt theo, nhưng anh hy vọng có thể chạy thoát
giữa những căn hầm ngầm chằng chịt, nếu không bị lạc vào một ngõ cụt không có
đường thoát. Lúc đó anh buộc lòng phải chiến đấu, và có thể đây là trận chiến đấu
cuối cùng của anh cũng nên. Thực ra, trước đây đã có lúc anh lọt vào một căn hầm
tương tự như thế này, song anh đã rút ra kịp thời và sau đó cân nhắc cẩn thận.
Đồng thời bọn Đức cũng phải tiến chậm lại khi thì để soi đèn, khi thì để bắn
vào từng hốc tối một.
Dù sao, điều cấp thiết nhất vẫn là tìm một
chỗ nào đó có thể nằm nghỉ được. Anh không thể chạy mãi như vậy được nữa vì sớm
muộn bọn Đức cũng sẽ dồn anh vào ngõ cụt. Để tìm kiếm một chỗ nghỉ, anh sờ soạng
kỹ từng bức tường trong hành lang, hy vọng tìm được một khe ngách nào đó để có
thể trở về hoặc để ẩn náu cho đến khi bọn Đức đi qua rồi lùi đến chỗ chúng đã lục soát.
Anh tìm thấy cái hốc tường này chỉ vì anh
đã tìm kiếm rất cẩn thận. Trong hốc tối như bưng, nó nằm ngang với nền hầm, sau
cái gờ nhô ra giữa một ngách hầm ngắn đến nỗi không ai có thể ngờ được lại có một
lối ra vào ở đấy. Cái hốc này rất hẹp, nằm vắt ngang ngay lối cửa ra vào, chỉ
cách góc tường chừng một mét. Anh phải nghiêng người để bò vào phía trong lạnh
lẽo và tối bưng như một nấm mồ. Không nghĩ gì đến chuyện hình dung kích thước
nơi anh vừa tìm đến, anh lập tức quay mặt ra phía cửa, súng lăm lăm trong tay.
Cái hốc này rất tiện lợi, anh đánh giá như vậy mà không cần phải xem xét thêm
cái hành lang tuyệt diệu của nó. Anh hầu như không nghe thấy tiếng nói chuyện của
bọn Đức, nền cát anh đang nằm rất êm, thậm chí còn ấm áp nữa, tất cả đều hoàn hảo,
quá mức anh tưởng.
Tiếng súng làm rung nền cát, anh cảm nhận
điều đó bằng cả cơ thể mình. Lúc này, có lẽ tên thứ nhất đang đi vào dãy hành
lang tối, nền cát dày làm cho tiếng súng bớt đanh giòn. Bọn Đức đã bắn và bây
giờ chúng sẽ tiếp tục lùng sục khu vực bên cạnh. Chúng chạy, bỏ dở đường hành
lang tối.
Tiếng giày đã nhẹ đi và xa dần. Anh thở
phào nhẹ nhõm và hãm chốt an toàn trên súng.
- Bọn chó đẻ đi rồi phải không?
Một giọng nói hổn hển và khàn khàn từ góc tối
vọng ra. Anh giật mình quay về phía ấy, tim đập liên hồi.
- Ai đấy?
- Anh là ai?
- Quân ta!
- Tôi cũng thế. Các anh có mấy người?
- Một mình!
- Người cuối cùng à?
- Tôi không rõ. Nhưng anh ở đâu đấy?
- Đợi một lát. Tôi thắp nến lên đây. Còn rất
ít, tôi phải dùng tiết kiệm, nhưng trong trường hợp này thì...
Que diêm xòe lửa, soi rõ cánh tay khẳng
khiu và bộ râu rậm bạc phếch. Bàn tay đưa que diêm vào đầu mẩu nến cắm trên một
cái hòm gỗ, khi ngọn nến bừng sáng, anh trông thấy một thân hình gày đét phủ
trong cái áo độn bông được nai nịt gọn gàng. Anh trông thấy mái tóc đen xỉn dài
chớm vai, đôi mắt bừng bừng lấp lánh và cánh tay chìa ra cho anh. Anh chạy xô đến.
- Khoan, khoan, anh bạn, đừng ôm mình. Chân
mình đau và chúng ta đã quên mất hôn nhau như thế nào rồi. Hãy đưa tay cho
mình, anh chiến sĩ Xô viết, anh bạn cùng cảnh, anh chàng đồng hương của tôi.
Hãy đưa tay đây. Thế. Và hãy đứng im lặng cho mình ngắm cậu một lát. Thế là bọn
chó đẻ không bắt được chúng mình. Với toàn bộ súng ống, thuốc nổ, súng phun lửa,
chúng vẫn không bắt nổi chúng mình. Không thể bắt nổi chúng mình!...
Con người ốm yếu chỉ còn da bọc xương ấy cười
chua xót nhưng trang trọng, mặc cho nước mắt chảy xuống râu. Anh cười, người
run run và vẫn mải mê nói mãi:
- Tha lỗi cho mình, cậu nhé! Tha lỗi cho
mình vì đã khóc. Nhưng mình tự cho phép có quyền như vậy. Ba tuần nay mình
không nhìn thấy một ai và không được nghe tiếng nói. Mình bắt đầu nói chuyện một
mình. Và mình đã yếu đi một chút. Đấy là sự thực. Vì vậy hãy cho phép mình nói
và ngắm cậu, sau đó chúng mình sẽ tự giới thiệu với nhau. Nhưng, trước tiên
mình muốn ngắm cậu đã. Cậu làm thế nào mà vẫn sống được, anh chàng thân yêu của
tôi? Những gì đã xảy ra với cậu suốt thời gian qua? Cậu có chịu đựng được mọi
thử thách không?
- Tôi chịu đựng được. - Plugiơnhicốp trả lời
và cảm thấy tiếc là mình không còn nước mắt để khóc trước niềm hạnh phúc như
người bạn râu bạc này đang khóc. - Thế ra anh chỉ còn một mình?
- Lúc đầu chúng mình đông. Chúng mình tìm
thấy cái hốc này và mở đường ra vào. Sau đó, còn lại bốn người. Ba tuần trước
đây, người cuối cùng không thấy quay về. Từ hôm ấy đến nay, mình đã nằm lại
đây. Chân mình không đứng nổi, cậu thấy chưa? Mình có thể lê chút ít bằng đầu gối,
nhưng không đi được. Mình không bao giờ đi được nữa.
- Nhưng anh là ai?
- Mình đã nghĩ đến điều đó. Lúc này mình là
người thế nào. Mình sẽ xưng hô như thế nào nếu bị bọn Đức bắt được và mình
không kịp bắn. Rồi mình quyết định tự gọi mình là: lính Nga. Lính Nga là tên của
mình và lính Nga cũng là họ của mình. Cậu thấy thế nào, mình nghĩ đúng chứ?
- Đối với bọn Đức như thế là đúng, nhưng
tôi là người của các anh, tôi là trung úy Plugiơnhicốp.
- Trung đoàn nào?
- Tên tôi chưa có trong danh sách. -
Plugiơnhicốp cười gượng. - Nào, bây giờ tới lượt tôi nói nhé?
- Đúng, đúng. Đến lượt cậu đấy!
Plugiơnhicốp kể về mình, không dài dòng chi
tiết, nhưng cũng không bỏ sót điều gì. Người chiến sĩ bị thương không cho biết
tên ấy im lặng lắng nghe, không ngắt lời, tay vẫn nắm lấy tay Plugiơnhicốp, và
qua bàn tay lạnh dần ấy, Plugiơnhicốp biết rằng người đồng chí mới của mình
không còn mấy sức lực.
- Nào, bây giờ chúng ta làm quen với nhau
nhé. - Khi Plugiơnhicốp nói xong, người chiến sĩ bị thương nói. - Mình là chuẩn
úy Xêmisnưi, quê ở Môghilép.
Chuẩn úy Xêmisnưi đã bị thương từ lâu, một
viên đạn chạm vào xương sống và chân anh dần teo lại. Bây giờ anh không cử động
được chân nữa, nhưng vẫn gượng bò dậy, anh chống tay lên, thậm chí còn mỉm cười.
Các đồng chí của anh đã ra đi và không trở về, nhưng anh vẫn sống và gắn bó với
cuộc sống bằng tất cả ý chí ngoan cường của mình. Anh còn ít lương ăn và ít đạn,
nhưng nước đã hết từ ba ngày hôm nay. Đêm ấy Plugiơnhicốp bê vào hai xô tuyết.
- Cậu phải tập thể dục đi, trung úy ạ. -
Sáng hôm sau, Xêmisnưi nói. - Chúng ta không thể để sức khỏe hao mòn đi được.
Chúng ta chỉ có một mình, không có trạm xá nào cả.
Một ngày anh tập thể dục ba lần. Anh ngồi gập
người lại rồi ưỡn thẳng lên và cử động hai tay cho đến khi thở dốc.
- Thế là chỉ có anh và tôi. - Plugiơnhicốp
thở dài. - Anh biết không, nếu mọi người đều tự ra lệnh cho mình và hoàn thành
mệnh lệnh thì chắc hẳn chiến tranh đã chấm dứt từ trong mùa hè rồi. Chấm dứt tại
đây, tại biên giới này.
- Cậu tưởng chỉ có chúng mình mới là những
con người giỏi giang hẳn? - chuẩn úy Xêmisnưi cười gằn. - Không đâu, anh bạn ạ.
Mình không tin như thế. Mình không tin. Không thể tin được. Từ đây đến Mátxcơva
bao nhiêu dặm, cậu biết không? Một ngàn. Và trong mỗi dặm đều có những người
như chúng ta. Không hơn và không kém. Còn những mệnh lệnh thì anh bạn hiểu nhầm
rồi. Không phải là thi hành mệnh lệnh của chính mình mà là thực hiện lời thề. Lời
thề của chính mình tuyên thệ dưới cờ.
Mặt anh trở nên nghiêm trang và anh kết
thúc một cách hơi dữ tợn:
- Hiểu chưa? Thôi, hãy thực hiện lời thề của
cậu đi. Hãy tiêu diệt bọn Đức rồi sau đó trở lại đây. Cứ mỗi tên rắn độc, cho
phép cậu nghỉ hai ngày. Đấy là mệnh lệnh của tôi.
- Sao cậu không hỏi mình có quyền gì ra lệnh
cho cậu?
- Vì anh là chỉ huy khu hầm này. -
Plugiơnhicốp pha trò.
- Mình có quyền ấy. - chuẩn úy Xêmisnưi nói
khẽ, nhưng rất cứng cỏi. - Mình có quyền đưa cậu đến chỗ chết. Đi đi.
Và anh thổi tắt ngọn nến.
Lần này Plugiơnhicốp không thực hiện được mệnh
lệnh của chuẩn úy. Bọn Đức ở rất xa mà anh lại không muốn bắn khi chưa chắc
trúng. Thị lực của anh đã sút đi trông thấy, không thể ngắm đúng mục tiêu được
và anh hiểu rằng mình sẽ bắn trượt. Anh chỉ còn trông mong vào những cuộc chạm
trán bất ngờ.
Nhưng anh không được gặp ai lần tới phía
bên này khu doanh trại liên hoàn. Bọn Đức ở phía bên kia, và quá về phía sau
chúng, anh chỉ lờ mờ phân biệt được những hình bóng đen đen. Anh đoán đấy chính
là toán phụ nữ mà Mira đã trà trộn vào để ra khỏi pháo đài và anh quyết định tiến
đến gần hơn. Chưa chừng anh có thể gọi họ lại, trò chuyện với họ, hỏi thăm
Mira, báo cho cô biết anh vẫn sống và vẫn mạnh khỏe.
Anh chạy qua khu nhà đổ bên cạnh, mà anh
thì không thể liều lĩnh vượt qua khu vực đầy tuyết ấy lúc ban ngày. Anh đang định
quay lại thì trông thấy những bậc thang đầy gạch vỡ dẫn xuống một căn hầm ngầm,
anh quyết định chui xuống xem xét. Dù sao anh cũng đã để lại dấu chân từ khu
doanh trại liên hoàn đến khu vực đổ nát này nên anh bắt buộc phải tìm một nơi
nào đó có thể ẩn nấp được.
Anh lê bước một cách khó nhọc trên những đống
gạch gần như chặn mất lối đi và lần xuống một hành lang ngầm phía dưới. Ở đấy nền
hành lang cũng ngổn ngang những gạch rơi từ trên vòm hầm xuống, buộc anh phải
cúi lom khom. Anh chỉ cần xem xét qua loa rồi quay lại và vội vã đi lên trước
khi bọn Đức chưa phát hiện ra dấu chân của anh. Trời gần tối, anh dò dẫm lần
theo chân tường và bất ngờ đến một chỗ trống, đường hành lang rẽ sang bên trái.
Anh đi dọc theo mấy bước, vòng qua một góc và trông thấy một hầm ngầm khô ráo
có lối vào mờ sáng qua một kẽ hở chật hẹp ở bên trên. Anh nhìn quanh: căn hầm
trống rỗng trừ một xác chết khô queo trong bộ quân phục rách nát và bẩn thỉu, nằm
sát chân tường, đối diện với lỗ hổng.
Plugiơnhicốp ngồi xổm và nhìn xem cái xác ấy
là ai. Một đám tóc còn sót lại trên sọ, một chòm râu dài và đen còn vương trên
cái áo đã gần mủn. Qua chỗ rách ở gần cổ, anh trông thấy có nhiều vết thương
rách nát quanh ngực, anh hiểu rằng người chiến sĩ đã chết do những vết thương ấy,
đối mắt vẫn nhìn trừng trừng mảnh trời u ám qua kẽ hở chật hẹp. Cố không đụng đến
cái xác, Plugiơnhicốp sờ tìm vũ khí hoặc đạn dược, nhưng không thấy. Rõ ràng
khi anh chiến sĩ hy sinh vẫn còn những người khác ở bên cần đến số đạn của anh
ta.
Anh định đứng dậy và đi ra, nhưng chợt để ý
đến chiếc áo ca pốt dưới cái xác trơ xương kia. Chiếc áo còn tốt, có thể dùng
cho người còn sống. Chuẩn úy Xêmisnưi đang lạnh cóng trong hầm, Plugiơnhicốp cảm
thấy rất rét khi chỉ đắp một tấm áo ngoài trong khi ngủ. Anh chần chừ giây lát,
không muốn động đến cái xác khô, nhưng tấm áo chỉ là tấm áo và người đã hy sinh
không cần đến nó nữa.
- Tha lỗi cho tôi, đồng chí nhé.
Anh cầm lấy cái áo, gượng nhẹ lôi lên và
kéo nhẹ tấm áo ra khỏi xác anh chiến sĩ.
Anh giũ cho bay hết mùi hôi thối, giơ nó
lên và thấy một vệt máu khô đã xỉn. Anh gấp áo lại, nhưng trong khi gấp, anh lại
nhìn vào vết xỉn ấy. Anh bỏ thõng tay xuống và chăm chú nhìn quanh căn hầm. Đột
nhiên anh nhận ra chỗ này, nhận ra chiếc áo khoác và người chiến sĩ nằm trong
góc tường, nhận ra bộ râu đen. Bằng một giọng run run, anh nói:
- Chào Vôlôđia.
Anh đứng lặng giây lát, rồi thận trọng đắp
cái áo lên thi thể Vôlôđia Đênhisich, chặn gạch lên xung quanh và ra khỏi hầm.
- Người chết không cảm thấy lạnh đâu. -
Xêmisnưi nói khi nghe Plugiơnhicốp kể lại. - Người chết không biết lạnh đâu,
trung úy ạ!
Chuẩn úy đang tê cóng dưới mấy tấm áo
choàng và áo khoác ngoài, khó mà biết được anh đang khiển trách Plugiơnhicốp
hay tán thành với anh. Anh chờ đón cái chết một cách bình tĩnh và nói rằng anh
không rét mà chỉ đang tàn héo đi.
- Cái chết đang đến với mình từng phút một,
Nikôlai ạ. Nó giá lạnh, một tấm áo không làm nó ấm lại được.
Cái chết cứ bò dần từ chân lên người anh từng
ngày. Bây giờ thì anh không lê đi được nữa, anh ngồi dậy rất khó khăn, nhưng vẫn
tiếp tục tập thể dục với một ý chí ngoan cường. Anh không chấp nhận sự thua cuộc
và tìm cách chiến đấu với cái chết đang lan trên người mình từng ly một.
- Nếu mình rên, cậu hãy đánh thức mình dậy.
Nếu mình không thức dậy, cậu hãy bắn cho mình một phát.
- Nói nhảm gì vậy, chuẩn úy?
- Mình không có quyền rơi vào tay bọn Đức,
thậm chí cả khi chết. Mình không đời nào cho chúng được hưởng niềm vui ấy.
- Chúng không được hưởng niềm vui thú ấy
đâu. - đột nhiên Xêmisnưi kéo Plugiơnhicốp lại gần mình. - không bao giờ chịu từ
bỏ những gì thiêng liêng. Dù chết cũng không được bỏ.
- Tôi không hiểu. Điều thiêng liêng là cái
gì chứ?
- Khi cần, mình sẽ bảo cậu. Và từ giờ đến
lúc đó, cậu phải nghe mệnh lệnh mình như mệnh lệnh của thượng đế. Hãy tin ở
mình. Mình không nói trên danh nghĩa cá nhân mình đâu. Thôi nhé, nghỉ ngơi rồi
chứ? Hãy cầm lấy súng và đi lên đi. Hãy lên trên kia đi, trung úy ạ! Hãy cho
chúng biết là pháo đài này vẫn sống. Hãy làm cho chúng sợ, thậm chí sợ cả những
người đã chết. Hãy để cho chúng bảo cho con cái chúng, cháu chắt chúng không được
đụng vào nước Nga!
Plugiơnhicốp hiểu rằng chuẩn úy Xêmisnưi
đang đứng trên bờ vực của sự mất trí. Những cơn đau giận dữ xảy ra thường
xuyên, mỗi lần như vậy anh lại nhẫn tâm thúc giục Plugiơnhicốp lên khỏi hầm.
Trung úy không cãi lại. Từ lâu ở trong anh không còn cảm giác nào ngoài lòng
căm thù, nhưng lòng căm thù của anh khác với Xêmisnưi ở chỗ anh bình tĩnh và có
tính toán.
Ngày mồng một đầu năm 1942 thật may mắn cho
anh. Sau vài cốc rượu mừng năm mới, bọn Đức không còn để ý gì cả, những tên mới
đến thì chưa được học bài học cảnh giác đối với những ngóc ngách trong pháo đài
đã chết này. Dẫu sao, Plugiơnhicốp cũng đã giết được hai tên Đức từ một nơi ẩn
nấp kín đáo. Sau đó, anh chạy qua dãy hầm ngầm, vượt khỏi cuộc săn đuổi và trốn
thoát nhờ một trận bão tuyết phủ kín mọi dấu chân của anh, thậm chí cả loại chó
tinh khôn cũng chịu.
Anh kéo bọn Đức đuổi theo rời xa khu vực hầm
của anh đến tận cổng Khôlmxki. Đến đấy, bọn Đức đã mất hết dấu vết. Chúng vừa
đuổi vừa hò hét và bắn theo, nhưng cuối cùng phải trở về tay không. Anh nằm
trong một hốc tường kín đáo cho đến tối rồi sau đó trở về chỗ chuẩn úy Xêmisnưi
để báo cho anh biết hai tên Đức nữa đã đền tội.
Anh rất muốn làm cho chuẩn úy vui vì trong
những ngày gần đây, anh ấy đã yếu đi nhiều. Anh ấy thường xuyên mê sảng, kêu
thét một cách đau đớn, khi tỉnh lại người cứ run cầm cập và mồ hôi hột ứa ra đầy
máu. Chỉ có một ý chí rất sắt đá vẫn giữ cuộc sống mong manh trên cái cơ thể
đang lụi tàn của anh.
- Mình không sống lâu hơn được nữa. - sau một
cơn ngất xỉu, tỉnh lại, anh cất giọng buồn bã. - Nhưng cậu thì phải làm điều
đó.
- Để làm gì?
- Khi nào sắp tắt thở, mình sẽ nói. Thế
nào, chiến tranh đã chấm dứt rồi à?
- Không có dấu hiệu nào như thế cả.
- Vậy cậu ngồi đây làm gì? Có đạn chứ?
- Có. - Plugiơnhicốp ra khỏi hầm và lại dấn
thân vào trận bão tuyết của buổi sáng đầu năm.
Bây giờ đã là buổi tối, anh vội vã mang tin
vui về cho con người đang chết dần chết mòn ấy. Nhưng khi còn đứng ngoài hành
lang, chưa bước vào cửa, anh đã nghe thấy những tiếng kêu ú ớ. Xêmisnưi đang la
hét ầm ĩ, thậm chí cả nền cát dày cũng không chặn được tiếng kêu của anh.
Plugiơnhicốp vội vã chui vào, anh sờ soạng
trong bóng tối dày đặc để tìm mẩu nến và thắp lên. Anh không đánh thức Xêmisnưi
vì cho rằng anh sắp chết, thế là lại một con người gần gũi và thân yêu nữa sắp
rời bỏ anh. Anh tìm một miếng giẻ, lau những giọt mồ hôi trên trán chuẩn úy và
ngồi xuống bên cạnh, không nhúc nhích. Anh không cần biết bọn Đức có nghe thấy
tiếng kêu thét hay không, anh đã quá mệt mỏi vì cảnh mất mát, mệt mỏi vì chiến
đấu và mệt mỏi vì tìm cách sống.
Tiếng thét của Xêmisnưi bỗng ngừng bặt,
Plugiơnhicốp nghĩ rằng anh tắt thở. Nhưng chuẩn úy lại mở mắt ra:
- Mình vừa quát tháo phải không?
- Phải.
- Sao cậu không lay mình dậy?
Plugiơnhicốp không nói gì cả, Xêmisnưi thở
dài.
- Rõ ràng cậu thương mình phải không? Nhưng
chúng ta có quyền gì để thương mình khi gót giày quân xâm lược đang giày xéo
lên đất mẹ chúng ta...
Xêmisnưi nói rất khó nhọc, anh thở hổn hển,
tiếng nói đã lắp bắp. Cái chết đã lên đến tận cổ, hai tay anh liệt hẳn, chỉ có
đôi mắt anh là còn sống.
- Chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ một cách
trung thành và không nghĩ đến sinh mạng. Phải tiếp tục như vậy cho đến phút cuối
cùng. Cậu không được để chúng giết trước khi cần chết. Phải như vậy. Nhất thiết
phải như vậy, anh bạn ạ. Phải lấy cái chết để đánh bại cái chết. Nhất thiết phải
như vậy.
- Tôi đã kiệt sức, Xêmisnưi ạ. - Plugiơnhicốp
khẽ nói. - Tôi không còn sức nữa.
- Không còn sức à? Cậu sẽ có. Mình sẽ tiếp
sức cho cậu. Hãy cởi cúc áo quân phục của mình ra. Rồi chứ? Thọc tay vào ngực
đi. Cậu có cảm thấy sức mạnh của tôi chưa? Cảm thấy chưa?
Plugiơnhicốp ngần ngại mở cúc áo bông và áo
quân phục của chuẩn úy ra mà chả hiểu gì cả. Anh luồn tay vào trong ngực chuẩn
úy. Những ngón tay lạnh cóng của anh sờ thấy mảnh vải cờ bằng lụa lành lạnh và
mượt mà trên ngực chuẩn úy.
- Mình đã mang nó từ ngày đầu tiên. - Chuẩn
úy Xêmisnưi nói, giọng run run, nhưng cố kìm nén. - đây là lá cờ của trung
đoàn, trung úy ạ. Với danh nghĩa người cầm cờ, mình ra lệnh cho cậu. Cũng với
danh nghĩa ấy mình đã sống và đẩy lùi cái chết cho đến giây phút cuối cùng. Bây
giờ đến lượt cậu. Cậu chết nhưng không được để bọn Đức cướp nó. Đây không phải
là danh dự của cậu hay mình. Đây là danh dự của Tổ quốc. Đừng bao giờ làm hoen ố
nó, trung úy ạ!.
- Không bao giờ.
- Hãy nhắc lại theo tôi: Xin thề...
- Xin thề! - Plugiơnhicốp nói theo.
- ... dù sống hay chết...
- ... cũng không cho kẻ thù cướp lá cờ...
- Lá cờ...
- ...của Tổ quốc tôi - Liên bang cộng hòa x...
ã hội ch... ủ nghĩa Xô... viết...
- Của Tổ quốc tôi - Liên bang Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Xô viết. - Plugiơnhicốp nhắc lại, anh quỳ xuống và hôn lên lá cờ lụa
đỏ thẫm nằm trên bộ ngực lạnh giá của chuẩn úy.
- Lúc nào mình chết, cậu hãy quấn cờ vào
người cậu. - Xêmisnưi tiếp. - Nhưng từ giờ cho đến lúc ấy, cậu đừng động vào
nó. Tôi đã sống với nó và sẽ chết bên nó.
Hai người im lặng, một thứ im lặng trang
nghiêm và buồn thảm. Cuối cùng, Plugiơnhicốp nói:
- Hôm nay tôi diệt được hai tên. Ngoài trời
có bão tuyết, rất thuận lợi.
- Chúng ta đã không nộp pháo đài cho bọn Đức.
- chuẩn úy nói. - nhất định không nộp.
- Không, chúng ta không nộp. - Plugiơnhicốp
khẳng định. - và tôi cũng không bao giờ nộp.
Một giờ sau chuẩn úy Xêmisnưi qua đời. Anh
ra đi không nói thêm một lời nào nữa.
Plugiơnhicốp ngồi lặng đi rất lâu bên cạnh
anh và cứ nghĩ rằng anh ấy còn sống, mình mới là người đã chết.
Anh lấy lá cờ ra khỏi người chuẩn úy, cho
vào người mình và quấn chặt lại. Mặt vải lụa lành lạnh đã được người anh làm ấm
lên và anh luôn luôn cảm thấy một hơi ấm đặc biệt, hơi ấm gây xúc động của nó.
Trong suốt thời gian chôn cất Xêmisnưi, và sau đó nằm vào giường, đắp mấy tấm
áo lên người, anh đều cảm thấy điều đó.
Anh nằm im và bình tĩnh nghĩ rằng anh đã
không sợ gì hết: những tên Đức, cái chết và giá rét. Anh không còn cảm thấy cái
“tôi” của mình nữa. Anh cảm thấy có một cái gì đó cao hơn cái “tôi”, đó là nhân
cách của mình. Nhân cách của Tổ Quốc anh, mà một mảnh nhỏ của nó đang sưởi ấm lồng
ngực anh bằng mảnh vải lụa cờ cao quý. Anh thầm lặng ý thức rằng nhân cách đó
có tên gọi là gì, đã sống ở đâu, đã yêu ai và đã hy sinh như thế nào sẽ là điều
không quan trọng đối với bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Chỉ có một điều duy nhất
quan trọng: là sao cho cái mắt xích đó nối liền quá khứ và tương lai thành một
chuỗi móc xích liên tục của thời gian. Sao cho cái mắt xích đó bền vững. Và anh
biết chắc chắn là nó bền vững và vĩnh cửu.
Bão tuyết đang quay cuồng ở bên trên. Một tấm
thảm trắng đã phủ kín hầm trú ẩn và đường sá, đè nặng xuống những làng mạc vắng
tanh, xuống những đống tro tàn, và cuốn dọc theo những dãy phố im lìm trong các
thành phố hoang tàn.
Nhưng lửa trại ở các khu du kích đang bùng
cháy, và dưới sự che chở của bão tuyết, những con người như Plugiơnhicốp không
chịu khuất phục, đang tìm đến với ánh sáng của những ngọn lửa đó. Bọn Đức canh
giữ những ngôi nhà và những con đường giao thông rất sợ bóng tối, sợ bão tuyết
và sợ cả dân tộc khó hiểu này.
Chưa có cuộc thảm sát ở Khatin và Bêlôruxia
chưa mất một phần tư dân số. Nhưng một phần tư dân số đã nổ súng. Họ đã bắn, và
miền đất này đã biến thành địa ngục của quân đội phát xít, tấm cửa của cái địa
ngục ấy chính là pháo đài Brét.
Bảo tuyết kéo dài suốt từ Brét đến
Mátxcơva. Nó chôn vùi xác quân Đức và số vũ khí bị gãy nát. Và có những người
trung úy khác chỉ huy đồng đội tiến lên đập nát kẻ thù rồi tiến về phía Tây, tiến
về phía Plugiơnhicốp, một người con bất khuất của một Tổ quốc bất khuất.
Vào một buổi sáng sớm tháng Tư, Ruvim
Xvitxki - nguyên là nghệ sĩ vĩ cầm, nguyên là một con người trước đấy - đang
cúi đầu bước thoăn thoắt trên con đường ngầu bẩn đầy vết bánh xe và bánh xích.
Một đoàn xe Đức nối đuôi nhau chạy về phía ông, những tia nắng vui vẻ nhảy nhót
trên kính chắn gió.
Nhưng Xvitxki không nhìn những tia nắng đó.
Ông không dám ngước mắt lên vì ông đeo trước ngực và sau lưng ngôi sao màu vàng
sáu cánh to tướng. Với dấu hiệu đó, bất cứ ai cũng có thể xỉ vả ông, đánh đập
ông, thậm chí có thể bắn chết ông ngay bên rãnh nước. Ngôi sao màu vàng đó đè
xuống người ông như một tai ương, như một khối nặng, đôi mắt của nhà vĩ cầm mờ
đục, đôi tay dài tuyệt diệu buông thõng, tấm lưng tròn trĩnh còng xuống, chờ đợi
một quả đấm, một cú đá, hoặc một viên đạn vào bất cứ giây phút nào.
Bây giờ ông không kéo vĩ cầm nữa mà đang phải
sống trong một khu Do Thái cùng với hàng ngàn người Do Thái khác và xẻ gỗ trong
một trại tù binh chiến tranh. Những ngón tay mềm mại của ông trở nên thô ráp,
hai tay ông run lẩy bẩy và âm nhạc đã chết lặng trong lòng ông từ lâu. Sáng
sáng, ông vội vã đi làm và tối tối lại vội vã quay về.
Một chiếc ô tô phanh kít bên cạnh ông. Đôi
tai nhạy cảm và to của ông bảo ông rằng đấy không phải là loại xe tải, nhưng
ông không nhìn nó. Không được nhìn ngó, không được nghe ngóng, ông vẫn tiếp tục
bước, đôi giày rách bươm của ông làm nước bắn tung tóe.
- Jude!
Ông ngoan ngoãn ngoảnh lại, bỏ mũ xuống và
kéo sát hai gót chân vào nhau. Một viên thiếu tá Đức ló đầu qua cánh cửa xe đã
mở, hỏi:
- Nói được tiếng Nga chứ?
- Được ạ, thưa ngài thiếu tá!
- Lên xe!
Xvitxki ngoan ngoãn ngồi xuống mép ghế sau.
Có người đã ngồi ở đấy. Ông không dám nhìn, nhưng qua khóe mắt, ông thấy một
tên tướng Đức nên càng cố ép sát vào một góc.
Chiếc xe phóng nhanh. Xvitxki không dám ngẩng
đầu lên, mắt dán xuống sàn xe, nhưng ông vẫn biết chiếc xe đã rẽ vào phố
Kastanôvaia và biết chúng đang chở ông đến pháo đài.
Chẳng hiểu sao ông cảm thấy sợ hơn mặc dù
những tưởng đã sợ đến thế thì còn sợ hơn làm sao được. Ông rùng mình, thậm chí
khi xe dừng lại ông vẫn không dám động đậy, nhúc nhích.
- Đi ra!
Xvitxki vội vàng xuống xe. Cái xe màu đen của
tên tướng Đức dừng giữa các đống gạch đổ nát. Xvitxki trông thấy cái hốc ăn
thông xuống nơi nào đó. Bọn lính Đức đang vây quanh cái hốc ấy, có hai cái xác
nằm xa hơn một quãng được đậy bằng áo khoác, hai đôi ủng Đức to xù thòi ra
ngoài. Xa hơn chút nữa, sau hàng rào lính và hai xác chết là một toán phụ nữ
đang xếp gạch. Bọn lính gác đang mải nhìn chiếc xe đen, quên cả việc giám sát
toán phụ nữ.
Có tiếng hô khẩu lệnh, bọn lính vội đứng đuỗn
người ra, một tên trung úy trẻ tuổi bước đến chỗ tên tướng Đức và báo cáo. Hắn
nói to, qua lời báo cáo của hắn, Xvitxki biết ở dưới hầm có một anh lính Nga:
sáng nay anh lính ấy đã bắn chết hai tên lính tuần tra Đức và do bị đuổi gấp,
anh đã chui xuống căn hầm không có lối ra này. Viên tướng Đức nghe báo cáo
xong, nói nhỏ điều gì đó với gã thiếu tá.
- Jude!
Xvitxki bỏ mũ ra. Ông đã đoán được công việc
bọn Đức cần ông làm.
- Dưới hầm có một tên Nga cuồng tín. Mày
chui xuống và bảo hắn tình nguyện nộp vũ khí, nếu mày ở lỳ dưới ấy với hắn thì
cả hai chúng mày đều sẽ bị thiêu cháy bằng súng phun lửa. Nếu mày chui ra một
mình thì mày sẽ bị xử bắn. Đưa cho hắn cái đèn pin.
Vừa vấp ngã, Xvitxki vừa chậm chạp trèo qua
đống gạch được chất cao để chui xuống hầm. Ánh sáng nhạt dần nhưng độ dốc chấm
dứt và ông đi men theo một hành lang lổn nhổn gạch vỡ. Ông bấm đèn pin và từ
trong tối có người nói vọng ra:
- Đứng lại, tôi bắn!
- Đừng bắn! - Xvitxki kêu lên và dừng lại.
- Tôi không phải là quân Đức! Xin đừng bắn! Chúng bắt tôi xuống đây!
- Hãy chiếu đèn vào mặt xem.
Xvitxki nâng đèn pin lên và chớp mắt trước ánh sáng chói lòa.
- Bước thẳng đến đây. Chỉ được chiếu đèn xuống
chân thôi.
- Xin đừng bắn! - Xvitxki van nài, ông chậm
chạp dò dẫm theo hành lang. - Chúng bắt tôi xuống bảo anh lên. Chúng sẽ thiêu
chết anh nếu anh không lên và chúng sẽ bắn tôi nếu anh từ chối...
Ông dừng lại và cảm thấy tiếng thở nặng nề
của người nào đó ngay bên cạnh mình.
- Tắt đèn đi!
Xvitxki thả nút đèn, ánh sáng tắt ngấm,
bóng tối dày đặc bao bọc lấy ông.
- Ông là ai?
- Tôi là người Do Thái.
- Là phiên dịch hở?
- Tôi làm nghề gì thì có quan trọng đâu? -
Xvitxki thở dài thườn thượt. - Tôi là ai phỏng có gì quan trọng? Tôi đã quên
tôi là người Do Thái, nhưng chúng bắt tôi phải nhớ. Tôi là người Do Thái, chỉ
có thế thôi. Rồi chúng sẽ thiêu chết anh và bắn chết tôi.
- Chúng lừa tôi vào bẫy. - giọng nói chua
xót. - Tôi không nhìn rõ ở chỗ có ánh sáng và chúng đã lừa tôi vào bẫy.
- Bọn chúng đông đấy.
- Dẫu sao tôi cũng không còn viện đạn nào cả.
Quân ta đang ở đâu? Ông có nghe gì về quân ta đang ở đâu không?
- Anh hiểu cho, có nhiều tin đồn đại. -
Xvitxki hạ thấp giọng, gần như thì thào. - Có tin rất phấn khởi là bọn Đức bị
đánh bại gần Mátxcơva. Thiệt hại nặng lắm.
- Nhưng Mátxcơva vẫn thuộc về ta chứ? Bọn Đức
không vào được Mátxcơva chứ?
- Không vào được! Không vào được! Điều này
tôi biết chắc chắn đấy. Chúng bị đánh tan nát ở gần Mátxcơva. Gần Mátxcơva, anh
hiểu không?
Tiếng cười bất ngờ vang lên trong bóng tối.
Tiếng cười khản đặc nghe hoan hỉ và trang trọng khiến Xvitxki rùng mình vì tiếng
cười ấy.
- Bây giờ tôi có thể lên được rồi. Tôi phải
lên để nhìn rõ mặt chúng vào giây phút cuối cùng này. Giúp tôi với, đồng chí!
- Đồng chí! - Từ cổ họng Xvitxki bật ra tiếng
nấc nghẹn ngào. - Anh vừa gọi tôi là đồng chí phải không?... Ôi, thượng đế, tôi
cứ tưởng sẽ không bao giờ được nghe hai tiếng đó nữa!
- Đỡ tôi một tay. Chân tôi có gì không ổn,
đi đứng chật vật lắm. Tôi sẽ vịn vào vai đồng chí.
Bàn tay xương xẩu bám lấy vai người nghệ sĩ
vĩ cầm. Xvitxki cảm thấy những tiếng thở nặng nề và không đều phả vào má mình.
- Chúng ta đi lên. Đừng bật đèn. Trong bóng
tối, tôi nhìn rõ hơn.
Họ lê từng bước chậm chạp dọc theo hành
lang. Qua những tiếng thở hổn hển, Xvitxki hiểu rằng mỗi bước đi là một cố gắng
rất lớn của con người này.
- Hãy nói với quân ta. - Con người không
quen biết ấy cất giọng dịu dàng. - Khi nào họ trở về thì hãy nói với họ là tôi ẩn
nấp... - Anh dừng lại đột ngột. - Không phải như thế. Ông nói với họ rằng tôi
không nộp pháo đài cho bọn Đức. Cứ mặc cho chúng tìm kiếm. Cứ mặc cho chúng sục
vào tất cả các ngách hầm. Pháo đài không đầu hàng. Pháo đài không đầu hàng, nó
chỉ đổ máu chứ không gục ngã. Tôi là giọt máu cuối cùng của dòng máu ấy... Hôm
nay là ngày mấy nhỉ?
- Mười hai tháng Tư.
- Hai mươi tuổi. - Con người không quen biết
ấy mỉm cười. - Tôi tính nhầm mất bảy ngày...
- Ai hai mươi tuổi?
Con người không quen biết ấy không trả lời,
và suốt chặng đường, họ chỉ lẳng lặng bò lên mặt đất. Khó khăn lắm họ mới trèo
qua được đống gạch và bò ra khỏi lỗ hổng. Sau đó con người không quen biết bỏ
tay ra khỏi vai Xvitxki, đứng thẳng người lên và khoanh tay trước ngực. Nhà nghệ
sĩ vĩ cầm lật đật bước ra bên cạnh, ông nhìn quanh và lần đầu tiên ông trông thấy
rõ con người ông vừa dẫn từ hầm tối lên.
Đứng bên cạnh lối ra vào là một người gầy yếu
đến mức khó tưởng tượng và không có tuổi.
Anh không đội mũ, mái tóc bạc dài rũ xuống
vai. Bụi gạch màu đỏ nâu đã bám chặt vào chiếc áo độn bông được nai nịt chặt chẽ.
Những vết máu dài đã khô bám trên đầu gối có thể trông thấy rõ qua tấm quần
rách tả tơi. Những ngón chân sưng tấy, tê cóng thò ra ngoài mũi giày rách trông
đến quái dị. Anh đứng thẳng người, đầu ngẩng cao, đăm đăm nhìn vầng mặt trời bằng
đôi mắt ngời sáng. Và từ đôi mắt trừng trừng không chớp đó, những giọt nước mắt
trào ra không sao cưỡng lại được.
Tất cả đều im lặng. Những tên lính Đức và bọn
chỉ huy đều im lặng, tên tướng Đức im lặng.
Cả toán phụ nữ bên kia cũng ngừng tay đứng
im lặng và bọn lính gác cũng thế. Tất cả đều nhìn vào con người nghiêm nghị, đứng
bất động như một tượng đài kỷ niệm. Một lát sau, tên tướng Đức khẽ nói gì đó.
- Anh cho biết tên và chức vụ. - Xvitxki
phiên dịch lại.
- Tôi là lính Nga.
Giọng nói vang to hơn mức cần thiết. Con
người ấy đã phải câm lặng suốt thời gian dài, nên giờ đây anh không làm chủ được
giọng nói của mình nữa. Xvitxki dịch lại câu trả lời và tên tướng Đức lại hỏi
gì đó.
- Ngài tướng quân đây tha thiết đề nghị anh
cho biết tên họ và chức vụ...
Giọng Xvitxki nấc lên, ông không sao kiềm
chế được tiếng khóc nghẹn ngào và sau đó đưa cánh tay run run lên lau những giọt
nước mắt trên gò má hốc hác.
Con người vô danh ấy từ từ ngoảnh đầu lại
và cái nhìn trừng trừng không chớp ấy chiếu thẳng vào mặt tên tướng Đức. Bộ râu
rậm rạp của anh khẽ rung rung trong tiếng cười lạ lùng và trang trọng.
- Vâng, thưa ông. Bây giờ chắc ông biết một
dặm Nga dài bao nhiêu bước rồi chứ ạ?
Đó là câu nói cuối cùng của anh. Xvitxki dịch
thêm mấy câu hỏi nữa của tên tướng Đức, nhưng anh im lặng, mắt vẫn nhìn vào vầng
mặt trời mà anh không thấy được.
Một chiếc xe cứu thương chạy đến, viên bác
sĩ và hai người khiêng cáng vội vã nhảy ra. Tên tướng Đức hất đầu. Viên bác sĩ
và hai người khiêng cáng chạy đến trước mặt con người vô danh ấy. Cáng được mở
ra, bác sĩ nói gì đó, nhưng con người vô danh ấy lặng lẽ đẩy anh ta ra và bước
đến chỗ chiếc xe cứu thương.
Anh thẳng người bước từng bước nghiêm
trang, tuy không nhìn rõ, nhưng vẫn đi đúng hướng nhờ có tiếng máy nổ. Mọi người
đều đứng nguyên tại chỗ, anh đi một mình, lê đôi chân sưng phù, lạnh cóng.
Đột nhiên, tên trung úy Đức hô lệnh như
trong cuộc duyệt binh. Bọn lính Đức giập hai gót giầy lại đứng nghiêm bồng súng
và cả viên tướng Đức, sau một lúc do dự, cũng đưa tay lên vành mũ để chào.
Còn anh, người lính Nga ấy quay người bước
từng bước chậm chạp qua hàng quân của kẻ thù đang kính cẩn chào anh. Anh không
thấy rõ, và cho dù có thấy đi nữa, thì đối với anh, chẳng sao cả. Anh còn cao
hơn cả mọi nghi thức có thể làm được, cao hơn cả niềm vinh quang, cao hơn cả mọi
cuộc sống và cao hơn cả mọi cái chết.
Đám phụ nữ bắt đầu gào khóc thảm thiết như
có người chết. Họ lần lượt quỳ trên lớp bùn giá lạnh tháng Tư. Vừa nức nở, họ vừa
chống tay cúi rạp trước mặt anh, người chiến sĩ bảo vệ cuối cùng của pháo đài
không đầu hàng giặc.
Anh đi về phía có tiếng máy nổ, lúc vấp,
lúc trượt chân và lê từng bước chậm chạp, một bên ủng tuột mất đế và một vết
máu loang dài sau bắp chân trần trụi của anh. Nhưng anh vẫn chập chững bước,
lưng ưỡn thẳng đầy kiêu hãnh như anh đã sống, và chỉ gục ngã khi đến đích.
Cạnh chiếc xe.
Anh ngã ngửa trên mặt đất, hai tay dang rộng,
đôi mắt không trông rõ mở to hướng về phía mặt trời. Anh ngã xuống nhưng vẫn được
tự do khi cuộc sống đã trôi đi, anh lấy cái chết để đẩy lùi cái chết.
Đoạn kết
Pháo đài Brét đứng sừng sững trên biên giới
miền cực Tây của Liên Xô. Từ Mátxcơva đến đây không xa lắm, đi tàu hỏa không đến
một ngày đêm. Không riêng gì khách du lịch và tất cả những người khi ra nước
ngoài hoặc trên đường về nước đều đến thăm pháo đài này.
Ở đây người ta không nói to: những ngày
tháng của năm một nghìn chín trăm bốn mốt vô cùng vang động và những tảng đá ở
đây đã ghi nhớ rất nhiều. Những người hướng dẫn điềm tĩnh đưa những tốp người
qua những nơi chiến địa, người ta có thể chui xuống dãy hầm ngầm của trung đoàn
333, sờ tay vào những viên gạch bị súng phun lửa làm cho cháy sém, đi qua cổng
Têretxpôn và cổng Khôlmxki, hoặc đứng lặng lẽ trước ngôi nhà thờ cũ.
Đừng vội vã. Hãy nhớ lại tất cả. Hãy cúi đầu
mặc niệm.
Trong nhà bảo tàng pháo đài người ta cho bạn
thấy những khẩu súng có lần đã nhả đạn và những đôi giày nhà binh được buộc vội
vã trong buổi sáng ngày 22 tháng 6. Bạn sẽ được cho xem những vật dụng cá nhân
của những chiến sĩ bảo vệ pháo đài, và sẽ được kể cho nghe chuyện những chiến
sĩ ấy đã phát điên như thế nào vì khát nước trong khi phải dành toàn bộ số nước
cho trẻ em và súng máy. Bạn sẽ được đứng bên cạnh lá cờ, lá cờ duy nhất vừa mới
được tìm thấy dưới căn hầm, bây giờ người ta vẫn tiếp tục tìm các lá cờ vì pháo
đài không đầu hàng và bọn Đức không lấy được lá cờ chiến đấu nào.
Pháo đài không gục ngã. Pháo đài chỉ đổ máu
thôi.
Những nhà viết sử không thích những truyền
thuyết nhưng chắc bạn sẽ được nghe kể về một chiến sĩ vô danh bảo vệ pháo đài,
người mà bọn Đức chỉ có thể bắt được vào tháng thứ mười của cuộc chiến tranh.
Tháng thứ mười, vào tháng Tư năm 1942. Người chiến sĩ đó đã chiến đấu gần một
năm. Một năm chiến đấu không biết tin tức, không có đồng đội bên cạnh, không được
giao mệnh lệnh, không có hậu phương, không được cung cấp, không được tiếp ứng
và không nhận được lá thư nào của gia đình. Thời gian đã không cho ta biết tên
và chức vụ của anh, nhưng chúng ta biết rõ: anh là người lính Nga.
Trong nhà bảo tàng pháo đài có nhiều hiện vật.
Những hiện vật ấy không thể trưng bày hết được, phần lớn được bảo quản trong
các kho của bảo tàng. Nhưng nếu được phép xem kỹ những hiện vật ấy, bạn có thể
tìm thấy trong số đó một chiếc chân giả bằng gỗ, bé nhỏ và một chiếc giày phụ nữ
còn sót lại. Chúng được tìm thấy tại một hố bom không xa hàng rào của tòa Điện
Trắng như những chiến sĩ bảo vệ pháo đài đã gọi tòa nhà của ban công binh.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 22 tháng 6,
pháo đài Brét lại trọng thể và buồn rầu kỷ niệm ngày mở đầu của cuộc chiến tranh.
Vào những ngày ấy, những chiến sĩ bảo vệ pháo đài còn sống sót lại đến đặt vòng
hoa tại pháo đài và thay nhau làm hàng rào danh dự, đứng nghiêm không động đậy.
Ngày 22 tháng 6 hàng năm, một phụ nữ đã già
lại đáp chuyến tàu sớm nhất đến ga Brét. Bà không vội vã rời khỏi khu ga nhộn
nhịp và cũng chưa lần nào đặt chân đến pháo đài. Ra khỏi cửa ga, bà bước đến quảng
trường, nơi có một tấm đá cẩm thạch được gắn vào bức tường nằm cạnh cửa ra vào:
TỪ NGÀY 22 THÁNG 6
ĐẾN NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 1941
DƯỚI SỰ CHỈ HUY CỦA
TRUNG ÚY NIKÔLAI
(không rõ họ)
VÀ CHUẨN ÚY
PAVEN BAXNÉP
BỘ ĐỘI VÀ CÔNG NHÂN HỎA XA
ĐÃ BẢO VỆ THẮNG LỢI NHÀ GA.
Suốt ngày hôm ấy, người phụ nữ già đã nhẩm
đọc hàng ghi trên bia đá. Bà đứng cạnh bên cạnh nó như một người lính gác danh
dự. Bà đi để rồi sau đó quay trở lại với một bó hoa. Bà lại đứng và lại đọc. Đọc
cái tên có bảy chữ:
“NIKÔLAI”
Khu ga này vẫn tấp nập trong nhịp sống vui
tươi thường ngày của nó. Những con tàu đến rồi lại đi, những người trực ban nhắc
nhở hành khách đừng quên vé, những khúc nhạc vang lên hòa giữa những tiếng cười
vui vẻ. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn đứng lặng cạnh tấm bia đá cẩm thạch.
Không cần thiết phải giải thích cho bà điều
gì cả. Những người con của chúng ta yên nghỉ ở nơi nào, điều đó không thực sự
quan trọng. Điều quan trọng là họ đã hy sinh vì mục đích gì.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét