Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh - Chương 12

Và Nơi Đây Bình Minh Yên Tĩnh
(А зори здесь тихие)

Tác giả: Boris Vasilyev
Người dịch Lê Đức Mẫn
Nhà xuất bản Cầu vồng (Moskva) - 1985

Chương 12

- Đứng lại. - chuẩn úy nói khẽ
- Raia, Vêra, đi tắm đi!... - Épghênina kêu vang lên và đi thẳng một mạch băng qua các bụi cây, xuống nước.
Vaxkốp không hiểu vì sao nhặt chiếc áo của cô lên, không hiểu vì sao ôm ghì cái áo ấy vào ngực. Còn Epghênina với tấm thân tròn trĩnh đã ra đến chỗ rãnh sâu có đá và đầy nắng.
Bụi cây trên bờ bên kia rung lên che đi những khuôn người mặc áo xanh xám. Epghênina khẽ run hai đầu gối, thong thả cởi váy, cởi áo sơ mi, rồi vừa đưa hai tay vuốt nhẹ trên chiếc quần lót màu đen, cô vừa cất lên cái giọng âm vang cao vút:
Đào vừa ra hoa
Cành theo gió đưa vờn trăng tà...
Trời ơi, giờ đây cô ấy xinh quá, xinh một cách kỳ lạ! Người cô dong dỏng cao, da trắng hồng, dáng uyển chuyển, mà cô đang đứng cách hai họng súng máy chỉ có mười thước. Bỗng cô ngừng hát, bước xuống nước, rồi cô reo lên một tiếng, bắt đầu đùa nghịch quấy nước ầm ĩ. Những tia nước long lanh dưới ánh mặt trời chảy xuống tấm thân mềm mại, ấm áp của cô, còn Vaxkốp thì nín thở, khủng khiếp chờ một loạt đạn. Phút này đây, giây này đây, một viên đạn găm, Epghênina gục xuống, hai tay chới với, và...
Bụi cây vẫn im.


- Các cậu ơi, tắm khoái quá!... - Epghênina kêu vang lên vui sướng, vừa kêu vừa nhảy dưới nước như khiêu vũ. - Gọi anh Ivan xuống đây...! Ivan, ở đâu đấy?...
Vaxkốp bỏ cái áo của cô xuống, cất súng vào bao rồi bò tít vào phía trong rừng. Anh vớ lấy cái rìu, chạy một quãng xa rồi hăm hở chặt cây.
- Ê... ê!... Anh ra đây! - anh gào lên rồi lại bổ xuống gốc cây. - Bọn mình ra đây, chờ nhé!...
Từ bé đến giờ chưa lần nào anh chặt cây nhanh đến như thế... và cũng không hiểu sao anh khỏe đến thế. Anh dùng vai đẩy, anh xô cây vào những bụi cây khô cho kêu to thêm. Rồi, vừa thở hổn hển, anh vừa chạy băng lại phía sau, nơi anh đứng quan sát lúc nãy và nhìn ra.
Epghênina đã lên bờ, cô quay nghiêng người, một bên sườn về phía anh, một bên sườn kia về phía bọn Đức, rồi cô bình tĩnh mặc vào người chiếc áo sơ mi mỏng, vải ướt dính sát vào người cô trông như là trong suốt dưới ánh mặt trời chiếu chếch từ trong rừng ra. Tất nhiên, cô biết điều đó, cô biết thế cho nên mới nhẹ nhàng uyển chuyển mà nghiêng người hết bên này đến bên kia, mà xõa tóc ra hai bờ vai. Còn Vaxkốp thì hết sức sợ hãi chờ một loạt đạn từ trong bụi cây xỉa ra quật ngã cái thân hình trẻ măng ấy.
Còn Epghênina, người cô sáng trắng lên một cách kỳ lạ dưới ánh mặt trời. Cô đưa tay vào phía trong áo, lột chiếc quần lót sũng nước, vắt khô đi rồi phơi cẩn thận trên mặt đá. Sau đó cô ngồi xuống bên cạnh, duỗi chân ra hong mớ tóc dài chấm đất.
Bờ bên kia vẫn im. Không thấy một bụi cây nào đụng đậy, còn Vaxkốp thì nhìn đến mỏi mắt cũng không thể hiểu được bọn Đức còn đấy hay là đã đi rồi. Không còn thời gian để phán đoán nữa, anh nhanh chóng cởi áo, nhét súng vào túi quần, gạt những cành khô kêu rào rào, rồi đi ra bờ nước.
- Cô ở đâu thế?
Anh muốn kêu một tiếng cho vui, nhưng cổ nghẹn cứng. Vừa từ trong bụi ra chỗ quang đãng, tim anh đập dễ đến gãy cả xương sườn vì sợ. Anh đến gần Epghênina:
- Có điện thoại gọi ra: sắp có xe đến lấy gỗ. Cô mặc quần áo vào đi. Phơi nắng như thế đủ rồi.
Anh lại gọi dóng sang bờ bên kia, còn Epghênina trả lời câu gì anh không nghe thấy. Anh đang tập trung theo dõi chỗ bọn Đức ở các bụi cây bên kia. Anh tập trung đến nỗi tưởng như một chiếc lá động anh cũng nghe được, cũng kịp thời nhào ra phía sau tảng đá mà rút súng bắn. Nhưng bên kia vẫn thấy im lìm.
Epghênina níu lấy tay anh, anh ngồi xuống bên cạnh và bỗng thấy cô cười, nhưng đôi mắt thì mở rộng đầy kinh sợ cũng như đầy nước mắt. Một nỗi lo sợ sống động và nặng nề như những hạt thủy ngân.
- Cô đi khỏi nơi này đi, Epghênina, - Vaxkốp lấy hết sức ra mỉm cười nói.
Cô lại nói thêm một câu gì đó, thậm chí còn mỉm cười nữa, nhưng Vaxkốp không nghe thấy gì. Phải đưa ngay cô ấy vào khuất sau bụi, ngay lập tức, bởi vì anh không thể lo âu từng giây chờ đợi cái phút mà chúng giết cô. Nhưng, để mọi việc dễ dàng, để bọn Đức khốn kiếp khỏi nhận ra rằng đó chỉ là trò ú tim mà thôi, rằng người ta lừa dối bọn Đức, thì anh phải nghĩ ra một kế.
- Yên lành thì cô không muốn, lại muốn tôi bêu diếu trước mặt mọi người à! - chuẩn úy bỗng gào lên, rồi anh thu lấy quần áo phơi trên đá của cô. - Đuổi theo đi!...
Epghênina rít tướng lên. Cô đứng bật dậy và lao theo anh. Vaxkốp đầu tiên còn chạy dọc bờ, tránh không cho cô bắt, sau đó anh luồn vào bụi rậm, đến lúc thật sâu anh mới dừng lại.
- Mặc vào! Và đừng chơi với lửa nữa nhé! Đủ rồi đấy!...
Anh quay mặt đi đưa chiếc váy cho cô, nhưng cô không cầm và tay anh cứ lơ lửng đưa ngang như thế. Anh muốn mắng cô một câu, nhưng nhìn lại thì thấy chiến sĩ Kômenkôva đang ngồi úp mặt dưới đất, đôi vai tròn của cô rung lên dưới đôi quai áo khổ hẹp...
Mãi về sau họ mới bật cười. Về sau, nghĩa là khi biết rằng bọn Đức đã chuồn. Họ cười cô Ôxianina gào đến khản cả giọng, cười Guốcvích đốt lửa cháy cả váy, cười Chetvêrtak nhọ nhem bẩn thỉu, cười Epghênina lừa được bọn Đức, cười luôn cả chuẩn úy Vaxkốp nữa. Họ cười chảy nước mắt, cười đến đau bụng, và anh cũng cười, quên cả mình là chuẩn úy và chỉ nhớ rằng, họ đã xỏ mũi được quân Đức, xỏ mũi một cách tuyệt khéo và rất vui nhộn, rằng giờ đây quân Đức đang bì bõm ngày đêm quanh hồ Lêgôn đầy lo âu và sợ hãi.
- Thế là xong! - Vaxkốp nói vào những lúc ngừng cười. - Bây giờ thế là xong, chúng chạy đâu cho thoát nếu Brichkina về kịp.
- Nhất định sẽ về kịp. - Ôxianina nói giọng khản đặc, và mọi người lại bật lên những tiếng cười khanh khách, vì giọng Ôxianina khàn hẳn ra một cách buồn cười kỳ lạ. - Chân con bé nhanh lắm.
- Nào, uống chúc mừng thắng lợi nào! - Vaxkốp nói và rút cái bi đông quý báu của anh ra. - Uống đi, các cô, uống mừng đôi chân thoăn thoắt của Brichkina và những bộ óc thông minh của các cô!...
Mọi người nhộn nhịp hẳn lên, họ lấy khăn mặt ra trải trên đá, cắt bánh bì, thái mỡ muối, chia cá. Và trong khi họ làm những công việc rất là đàn bà ấy thì chuẩn úy ngồi xa ra một quãng, như thường lệ, anh hút thuốc lá chờ có người gọi, và anh mệt mỏi nghĩ rằng những gì đáng sợ nhất đã qua...


Lida Brichkina suốt mười chín năm sống trong cảm giác chờ đợi ngày mai. Mỗi buổi sáng ngủ dậy tâm hồn cô lại xốn xang với những dự cảm nóng bỏng rằng cô sẽ gặp một niềm hạnh phúc sáng chói, nhưng ngay lập tức tiếng ho rũ rượi của bà mẹ lại đẩy lùi cuộc hẹn hò hạnh phúc ấy sang đến ngày mai. Tiếng ho ấy không giết chết dự cảm của cô, không phá vỡ nó mà chỉ đẩy lùi một ngày.
- Mẹ con rồi sẽ chết mất. - bố cô báo trước một cách nghiêm nghị.
Suốt năm năm, ngày nào ông cũng chào hỏi cô với những lời ấy. Ngày nào cô cũng ra sân phân phát thức ăn cho lợn, cho cừu, cho con ngựa thiến già. Rồi cô rửa ráy, thay quần áo cho mẹ và bón xúp cho mẹ. Cô phải nấu nướng, dọn dẹp trong nhà, giúp cha đi kiểm tra rừng, rồi chạy ra cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ gần đấy mua bánh mì. Các bạn gái của cô đã học hết lớp mười từ lâu: đứa thì đi xa học lên, đứa thì đi lấy chồng, chỉ còn Lida cứ ở nhà cho mẹ ăn, dọn dẹp nhà cửa rồi lại cho mẹ ăn. Cứ thế mà đợi chờ ngày mai sẽ đến.
Cái ngày mai ấy trong nhận thức của cô không bao giờ gắn liền với cái chết của mẹ cô cả. Khó khăn lắm cô mới nhớ được những ngày mẹ cô còn khỏe, nhưng bản thân cô đã là bao nhiêu cuộc đời, đến nỗi trong đầu cô không còn chỗ để hình dung thế nào là cái chết nữa.
Khác với cái chết, điều mà cha cô vẫn thường nhắc đến với vẻ nghiêm nghị khác thường, sự sống đổi với cô là một khái niệm thật gần và dễ thấy. Nó nằm đâu đó trong cái ngày mai tỏa ánh hào quang, nó lượn lờ quanh khu rừng heo hút, nhưng Lida biết rõ rằng cuộc sống ấy có thật, rằng cuộc sống dành cho cô, rằng nó không thể nào bỏ qua cô được, cũng như cô không thể nào không đợi ngày mai. Và Lida đã biết đợi chờ.
Từ năm mười bốn tuổi cô đã bắt đầu học cái nghệ thuật vĩ đại ấy của đàn bà. Bệnh tật của mẹ cô đã bứt cô ra khỏi nhà trường. Đầu tiên cô chờ để được quay lại lớp học, sau đó chờ được gặp gỡ bạn bè, rồi cô chờ có được những buổi tối hiếm hoi thư thả để ra đứng vớ vẩn gần câu lạc bộ, rồi sau...
Rồi đến lúc đột nhiên cô thấy chẳng còn gì để mà chờ đợi. Bạn bè cô vẫn còn đi học, hoặc giả đã đi làm và sống xa cô, chúng nó lo những điều mà dần dà cô không còn cảm thấy nữa. Những thằng con trai hồi nào cô có thể dễ dàng thoải mái với nhau và cười đùa vui vẻ trong câu lạc bộ trước giờ chiếu bóng, thì bây giờ họ đã ra người xa lạ, hay đùa cợt. Lida bắt đầu trốn tránh, im lặng, bắt đầu rời xa những nhóm người vui nhộn và cuối cùng thôi hẳn không đến câu lạc bộ nữa.
Tuổi thơ cô trôi đi như thế đó, và cùng ra đi với tuổi thơ là những đứa bạn xưa. Bạn mới thì không có, bởi vì ngoài những bác gác rừng, chẳng có ai hé cánh song thưa đón ánh đèn dầu leo lét của cô cả. Lida thấy đau khổ và kinh hãi vì cô không hiểu rằng rồi cái gì sẽ đến thay thế cho tuổi thơ xưa. Một mùa đông âm thầm đã trôi đi với nỗi lòng cô rắm rối và sầu muộn, nhưng sang xuân bố cô một hôm bỗng đánh xe về mang theo một người thợ săn.
- Anh ấy muốn sống nhờ nhà ta ít lâu. - ông bảo con gái. - Nhưng biết xếp cho anh ấy nằm đâu được? Mẹ con đang ốm nặng lắm. Con xem gian cỏ khô có được không?
- Hãy còn lạnh lắm bố ạ. - Lida rụt rè nói.
- Cho tôi mượn chiếc áo lông để đắp được không?
Bố cô và khách ngồi uống rượu rất lâu trong bếp. Bên kia bức tường gỗ mẹ cô lại ho sù sụ. Lida chạy vào nhà kho hầm lấy dưa bắp cải rồi cô đi rán trứng và lắng nghe.
Bố cô nói nhiều hơn khách, ông uống từng chén rượu một, lấy tay bốc dưa bắp cải trên đĩa cho thẳng vào cái miệng đầy râu của mình rồi vừa nuốt vừa nói liên tục:
- Anh cứ chờ đấy, cứ chờ đấy, anh bạn tốt bụng. Cuộc sống, cứ chờ đấy, anh bạn tốt bụng ạ. Cuộc sống, cũng như cánh rừng, phải chặt quang nó đi, phải dọn sạch cho nó, phải như thế chứ? Anh cứ chờ đấy. Còn khối những cành khô, thân mục, những gai góc rườm rà. Đúng thế không?
- Phải dọn sạch hết. - người khách cũng khẳng định. - Không phải chỉ là chặt quang mà là phải dọn sạch sẽ. Phải nhổ hết cỏ dại cho đất.
- Đúng. - ông bố nói. - Đúng lắm, anh cứ đợi đấy. Rừng cây thì bọn kiểm lâm chúng tôi hiểu lắm chứ. Ở đây chúng tôi hiểu hết, rừng mà lại. Thế nhưng còn đối với sự sống thì sao? Với cái giống máu nóng biết chạy, biết thở ấy?
- Chó sói chẳng hạn...
- Chó sói?... - ông bố bực tức nói. - Chó sói làm hại các anh à? Vì sao mà làm hại? Vì sao?
- Là vì nó có răng chứ sao. - Người thợ săn mỉm cười.
- Con vật có tội vì sinh ra là chó sói phải không? Thế là tội cho nó đấy thôi. Đúng thế. Mà ta lại không thèm hỏi nó. Lương tâm anh thấy có đúng thế không nào?
- Bác Ivan Pêtơrôvích ạ, chó sói và lương tâm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau đấy.
- Khác nhau?... Được rồi, thế chó sói và con thỏ thì có cùng khái niệm không? Không phải mỉm cười quá sớm, bạn thân mến ạ!... Được, người ta thường cho rằng chó sói là kẻ thù của mọi người. Chúng ta sẽ coi đó là công ciệc của toàn dân và đã tiêu diệt hết chó sói trên đất Nga! Không trừ một con!... Lúc đó rồi sẽ ra sao?
- Sẽ ra sao ấy à? - Người thợ săn mỉm cười. - Lúc đó sẽ có nhiều loài khác sinh sôi...
- Ít thôi!... - Ông bố nói gay gắt, rồi ông dang thẳng cánh tay lông lá đấm xuống bàn đánh rầm một cái. - Ít thôi, anh hiểu không? Cái bọn loài vật ấy thì phải chạy nhiều mới khỏe được. Phải chạy nhiều, anh bạn thân mến có hiểu không? Mà muốn chạy thì chúng phải sợ, phải nơm nớp rằng có kẻ sắp ăn thịt chúng. Thế chứ. Tất nhiên, cũng có thể có cuộc sống chỉ đơn điệu một màu. Có thể lắm. Nhưng có điều là để làm gì? Để yên thân à? Lúc ấy, bọn thỏ con sẽ mập ú ra, lười nhác ra, sẽ chẳng hoạt động gì nữa nếu không có chó sói. Như thế thì sao? Thì chúng ta sẽ lại phải gây giống chó sói hoặc mua ở nước ngoài để gieo rắc lo sợ cho mọi loài vật?
- Thế còn bác, có bao giờ người ta tước đoạt tài sản của bác không, bác Ivan Pêtơrôvích? - người khách bỗng nhiên hỏi thế.
- Tước của tôi làm gì? - người gác rừng thở dài. - Vốn liếng của tôi là hai bàn tay, một vợ và một đứa con gái. Chúng nó tước của tôi chẳng để làm gì.
- Chúng nó?
- À, chúng ta!... - Ông bố lại rót ra hai cốc, rồi lại chạm cốc. - Anh bạn à, tôi không phải là chó sói mà là thỏ đế. - Ông tợp nốt hớp rượu cuối cùng, đấm xuống bàn một cái rồi đứng dậy, trông lừng lững như con gấu. Ra đến cửa ông dừng lại
- Tôi đi ngủ đây. Còn anh thì con gái tôi sẽ dẫn đi.
Lida ngồi lặng trong góc nhà. Người thợ săn là người ở tỉnh, răng trắng bóng, trông còn trẻ và điều đó làm cô bối rối. Cô cứ nhìn anh, bất đắc dĩ mới quay mặt đi chỗ khác tránh một cái nhìn, cô sợ rằng anh sẽ nói một câu gì đó mà cô không trả lời được hoặc sẽ trả lời một cách xuẩn ngốc.
- Bố cô nói mạnh quá.
- Ông ấy là du kích đỏ, - cô vội vàng nói.
- Tôi biết. - người khách mỉm cười đứng lên. - Thôi, cho tôi đi ngủ đi, cô Lida.
Vựa cỏ khô cũng tối như nhà hầm. Lida dừng lại trước cửa, cô suy nghĩ một lát rồi cầm lấy chiếc áo lông nặng nề và chiếc gối tròn trong tay người khách.
- Anh đợi em ở đây nhé.
Cô bước lên cầu thang ọp ẹp, lần mò bới tung đám cỏ lên rồi ném cái gối vào chỗ phía đầu. Xong xuôi, đáng lẽ cô xuống gọi khách lên ngủ, nhưng cô đứng yên nghe ngóng rồi lần mò trong đám cỏ lưu niên mềm mại để bới chúng lên và vuốt lại cho thật êm. Trong đời, cô chưa bao giờ tự thú nhận rằng lúc đó cô chờ đợi một tiếng cầu thang cót két dưới chân anh, cô mong muốn một cuộc gặp gỡ vội vàng và im lặng trong đêm, cô mong ngóng hơi thở của anh ta, tiếng thì thầm của anh, thậm chí cả những hành động dạn dĩ của anh nữa. Không, trong đầu cô không hề có một ý nghĩ nào tội lỗi: cô chỉ muốn bỗng nhiên trái tim cô đập rộn ràng lên lờ mờ một lát và sau một lát mất đi.
Nhưng không có ai dẫm lên cái cầu thang cót két nên Lida đành bước xuống. Người khách vẫn đứng hút thuốc cạnh cửa và cô bỗng bực bội bảo anh ta tại sao lại dám hút thuốc ở vựa cỏ như vậy.
- Tôi biết rồi. - anh nói và giẫm chân lên mẩu thuốc. - Chúc cô ngủ ngon.
Rồi anh đi ngủ, còn Lida thì chạy vào nhà dọn dẹp bát đĩa. Trong lúc dọn dẹp, rửa ráy hết sức thận trọng từng cái đĩa một, cô lại thấy dấy lên nỗi lo âu và niềm hy vọng chờ xem có lẽ anh ta gõ vào cửa sổ. Rồi lại không có ai gõ cả. Lida tắt ngọn đèn rồi đi vào buồng cô, vừa đi vừa nghe tiếng ho thường nhật của mẹ và tiếng ngáy nặng nề của người cha quá chén.
Sáng nào ông khách cũng biến đi đâu mất và mãi tối mịt mới trở về, đói lả và mệt rũ. Lida cho anh ăn, anh ăn vội vàng nhưng không ngấu nghiến và điều đó làm cô thấy thích. Ăn xong anh lại lên vựa cỏ, còn Lida lại đứng bên ngoài vì anh không yêu cầu cô lo dọn chỗ ngủ nữa.
- Sao không bao giờ anh săn được con gì về cả thế? - cô thu hết can đảm nói.
- Tôi không gặp may đấy thôi. - anh cười đáp.
- Anh gầy đi đấy. - cô nói tiếp, mắt không nhìn anh. - Chẳng nhẽ thế là nghỉ ngơi à?
- Đây là một cách nghỉ tốt nhất, cô Lida ạ. - người khách thở dài. - Tiếc rằng tôi hết hạn nghỉ, mai tôi phải ra đi rồi.
- Ngày mai?... - Lida hỏi lại, giọng yếu ớt.
- Vâng, buổi sớm. Thế là chẳng bắn được con gì cả. Buồn cười quá, cô nhỉ.
- Buồn cười thật. - cô buồn bã đáp.
Họ không nói gì thêm nữa, nhưng khi anh đi ngủ rồi, cô dọn qua loa trong bếp rồi chạy ra sân. Cô đi vơ vẩn một hồi quanh vựa cỏ, lắng nghe tiếng người khách thở nặng nề và ho khan, cô liền cắn ngón tay rồi lặng lẽ mở cửa, và vụt một cái, như sợ chính mình sẽ thay đổi ý kiến, cô bước vào vựa cỏ.
- Ai đấy?... - anh hỏi khẽ.
- Em đây. - Lida đáp. - Em có phải sửa lại giường nệm gì không?
- Không đâu. - anh ngắt lời cô. - Cô đi ngủ đi.
Lida im lặng, hình như cô ngồi rất gần anh trong bóng tối ngột ngạt của vựa cỏ. Anh nghe thấy cô đem hết sức ra kìm hãm hơi thở.
- Sao thế, cô buồn phải không?
- Em buồn quá. - cô nói yếu ớt.
- Dẫu có buồn người ta cũng không được làm những việc dại dột.
Lida thấy như anh đang cười. Cô thấy bực bội và căm giận anh ta, căm giận mình, nhưng cô vẫn ngồi yên. Cô không biết ngồi thế để làm gì, cũng như cô không biết mình vào đây làm gì. Xưa nay hầu như cô không khóc bao giờ, bởi vì cô vẫn sống đơn côi, đã quen như thế, và bây giờ cô thấy thật là khao khát có được người thương mến cô. Cô mong có người nói với cô một lời dịu ngọt, có người vuốt tóc cô, an ủi cô, và, điều này cô cũng không dám thú nhận, là còn có người hôn cô nữa. Nhưng cô không thể nói ra được rằng lần cuối cùng cô được mẹ hôn cách đây đã năm năm và giờ đây cô vẫn khao khát một cái hôn như thế làm điềm báo cho một ngày mai tươi sáng mà cô đã sống vì nó trên cõi đời này.
- Cô đi ngủ đi. - anh nói. - Tôi mệt quá, ngày mai tôi phải đi sớm rồi.
Anh ngáp thật dài, thật thờ ơ, lại còn rền giọng theo nữa. Lida cắn môi, chạy bay xuống dưới, va đầu gối vào cửa một cái rất đau, rồi chạy té ra sân, đóng sầm cửa lại.
Buổi sáng cô nghe thấy tiếng bố cô thắng con ngựa Đưmôk vào xe, tiếng người khách chào mẹ cô và tiếng cánh cổng kẹt mở. Cô nằm yên vờ ngủ, nhưng hai hàng mi nhắm lại kia vẫn để nước mắt tuôn rơi lã chã.
Đến trưa cha cô trở về, người lảo đảo say. Ông thả những viên đường màu xanh nhạt xuống bàn và ngạc nhiên nói:
- Khách của chúng ta quý hóa quá! Anh ấy cho chúng ta đường đây này. Tuyệt quá. Ở cửa hàng làng ta đến một năm nay không nhìn thấy nữa. Ba cân cơ đấy!...
Rồi ông im lặng, vỗ vỗ hồi lâu vào túi và lôi ra trong gói thuốc lá một mảnh giấy nhàu nát.
- Cầm lấy.

Cô cần phải đi học, cô Lida ạ. Trong rừng này cô sống đơn độc quá. Tháng Tám tới cô đến chỗ tôi nhé. Tôi sẽ lo cho cô đi học trung cấp kỹ thuật, được vào nội trú hẳn hoi”.

Ở dưới là chữ ký và địa chỉ. Ngoài ra không còn gì, một lời tạm biệt cũng không.
Một tháng sau, mẹ cô qua đời. Người cha lúc nào cũng cau có của cô bây giờ trở nên cục cằn, rượu chè suốt ngày, còn Lida thì vẫn như xưa, vẫn chờ đợi ngày mai sẽ đến và đêm đêm cô vẫn phải khóa cửa lại để khỏi phải thấy những người bạn rượu của cha cô. Nhưng từ đó, ngày mai của cô gắn liền với tháng Tám, và mỗi lần nghe thấy những tiếng quát tháo lè nhè bên kia, Lida lại đọc đến lần thứ một nghìn bao nhiêu cái mảnh giấy đã mòn, đã nát.
Nhưng cuộc chiến bắt đầu, Lida không ra thành phố được mà đi tham gia công việc phòng ngự. Suốt mùa hè cô phải đi đào phòng tuyến và những công sự chống tăng, nhưng bọn Đức đã khôn khéo đánh vòng ra phía sau cô và cô lại rơi vào vòng vây của chúng. Cô tìm cách thoát được vòng vây ấy và lại bắt tay đào những đường hào bò dần về phía Đông. Cuối thu cô đi đến mạn Vanđai, rồi cô theo một đơn vị súng cao xạ và vì thế cô chạy luôn đến khu trạm tránh tàu số 171 này...
Ngay từ đầu Vaxkốp đã khiến cô yêu thích: lúc đứng trước hàng ngũ các chị em anh bối rối nháy cặp mắt hãy còn ngái ngủ. Cô thích tính anh ít nói, thích tính thư thái nông dân của anh, và nhất là cái tính quyết đoán chắc nịch theo kiểu đàn ông của anh, cái tính mà tất cả mọi người đàn bà đều coi là đảm bảo chắc chắn nhất cho hạnh phúc gia đình. Nhưng rồi mọi người bắt đầu đùa cợt vị chỉ huy: điều đó là việc bình thường thôi. Lida không tham gia gì vào những chuyện như vậy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét