Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 11)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương XI


Thôn phiến loạn

Bây giờ sư tử no say 
Chứ loài ác thú xưa nay lạ gì! 
Hỏi han ra dáng nhu mì: 
“Đến hang ta có việc gì thế anh?” 
A.Xumarôkốp

Tôi từ giã viên tướng và vội vã trở về. Xavêlích ra đón tôi với những lời khuyên răn như thường lệ.
- Sao cậu cứ thích đi đánh nhau với bọn kẻ cướp say rượu thế! Có phải công việc của bậc quý tộc đâu? Nhỡ một cái có phải là chết oan chết uổng không? Thà đánh nhau với quân Thụy Điển hay quân Thổ gì cho cam, chứ đánh với bọn này thì có ra cái quái gì?
Tôi ngắt lời bác ta bằng một câu hỏi: tiền của tôi cả thảy còn được bao nhiêu? Bác liền trả lời, giọng rất đắc chí:
- Còn ối! Bọn bịp bợm lục lọi đến thế mà tôi vẫn cứ giấu kịp. 
Nói đoạn bác rút trong túi ra một cái túi đan dài đựng đầy bạc. Tôi bảo Xavêlích: 
- Thế thì bây giờ bác đưa cho tôi một nửa; còn một nửa thì bác cầm lấy. Tôi đi đến đồn Bêlôgorxcơ đây. 
Người lão bộc cất giọng run run nói: 
- Cậu Piốt Anđrêêvích! Cậu không sợ Chúa à; làm sao mà đi được lúc này, quân cướp chắn hết lối rồi còn gì! Nếu cậu không biết thương cái thân cậu, thì cũng phải thương lấy hai cụ nhà chứ. Cậu đi đâu? Có việc gì thế? Hãy thư thả ít lâu: quan quân sẽ kéo đến đuổi bắt hết bọn cướp; lúc ấy rồi tha hồ muốn đi đâu cũng được. 
Nhưng chí tôi đã quyết. Tôi đáp:
- Bây giờ không phải là lúc bàn bạc nữa. Tôi phải đi. Tôi không thể không đi được. Bác đừng lo, bác Xavêlích ạ; may ra Chúa sẽ còn cho chúng mình gặp nhau lại! Bác đừng có câu nệ và đừng hà tiện quá. Cái gì bác cần, bác cứ mua, dù có đắt gấp ba cũng đừng tiếc. Chỗ tiền ấy tôi biếu bác. Nếu trong ba ngày mà tôi không về…
Xavêlích ngắt lời tôi: 
- Cậu nói gì mà lạ thế? Cậu muốn tôi để cậu đi một mình ư? Ôi giào, cái đó thì dù có nằm mơ cậu cũng đừng có mà bảo tôi làm. Nếu cậu đã nhất quyết đi, thì tôi sẽ đi theo cậu, dù có đi bộ cũng được, chứ không đời nào rời khỏi. Cậu bảo tôi ở lại một mình trong thành ấy à? Chả nhẽ cậu tưởng tôi điên rồi sao? Tùy cậu đấy, chứ tôi thì không bao giờ chịu rời cậu.
Tôi biết rằng có cãi lại bác Xavêlích cũng vô ích bèn cho phép bác sửa soạn lên đường. Nửa giờ sau tôi đã ngồi lên con ngựa Kiếcghidia rất hay của tôi, còn bác Xavêlích thì cưỡi một con ngựa gầy gò mà lại khập khiễng, của một người dân ở trong thành cho bác vì không còn biết lấy gì cho nó ăn nữa. Chúng tôi ra đến cổng thành, lính canh để chúng tôi đi qua; chúng tôi cưỡi ngựa ra khỏi thành Ôrenburg.
Trời bắt đầu xẩm tối. Đường tôi đi men qua thôn trấn Bêrđa, sào huyệt của Pugatsốp. Con đường thẳng tắp phủ tuyết trắng xóa; nhưng khắp thảo nguyên đều thấy có những vết chân ngựa: hễ tuyết rơi phủ kín các vết chân ngày hôm trước, thì hôm sau lại có những vết chân mới. Tôi cho ngựa tế nước kiệu. Xavêlích chật vật lắm mới theo nổi tôi, nhưng vẫn bị bỏ một quãng xa. Cứ phút phút bác ta lại kêu:
- Chậm chậm chứ cậu! Trời ơi, cậu đi chậm chậm cho với! Con ngựa khổ này không sao theo kịp con quỷ cao cẳng nhà cậu đâu. Đi đâu mà vội? Đi ăn tiệc ăn cỗ gì cho cam, đằng này không khéo lại đi vào chỗ chết ấy chứ… Piốt Anđrêêvích!… Cậu Piốt Anđrêêvích ơi… Đừng đi liều nhé!… Trời ơi, cậu bé rồi chết oan chết uổng mất thôi!
Chẳng bao lâu đã thấy lập lòe những ánh lửa ở thôn Bêrđa. Chúng tôi đang đi gần những cái hào thiên nhiên ở cạnh thôn. Xavêlích vẫn lẽo đẽo theo sau, mồm than thở kêu trời không ngớt. Tôi đang hy vọng đi vòng qua thôn bình yên vô sự, thì đột nhiên trong bóng hoàng hôn thấy ngay trước mặt có năm sáu người nông dân tay cầm gậy gộc; đó là trạm gác tiền tiêu của sào huyệt Pugatsốp. Họ lớn tiếng hô chúng tôi đứng lại. Vì không biết khẩu lệnh, tôi định cứ lặng lẽ vượt qua; nhưng họ lập tức vây lấy tôi, và một người trong bọn nắm lấy cương ngựa tôi. Tôi tuốt gươm và chém vào đầu người ấy; cái mũ lông cừu cứu hắn thoát chết, nhưng hắn cũng lảo đảo buông cương ngựa ra. Những người còn lại hoảng sợ giạt cả ra hai bên; tôi thừa cơ thúc ngựa phi thẳng.
Bóng đêm đã bắt đầu dày đặc, và tôi đã có thể vững dạ mà đi, không sợ có gì nguy hiểm nữa, thì bỗng nhiên, nhìn lại phía sau, tôi không thấy Xavêlích đâu nữa. Ông già đáng thương cưỡi con ngựa què ấy không thoát khỏi bọn cướp rồi. Biết làm thế nào bây giờ? Tôi đợi một vài phút và khi đã yên trí là bác bị giữ, tôi quay ngựa trở lại để cứu bác.
Gần đến hào, tôi nghe xa xa có tiếng ồn ào, nhiều tiếng quát tháo, có chen cả giọng nói của Xavêlích nhà tôi. Tôi thúc ngựa chạy ngay lại và gặp tốp nông dân đã chặn tôi lúc nãy. Xavêlích ở giữa đám họ. Họ kéo bác xuống ngựa và đang sắp sửa trói bác lại. Thấy tôi đến họ mừng rõ quay qua, xông lại phía tôi và trong nháy mắt đã kéo tôi xuống ngựa. Một người trong bọn chắc là người cầm đầu toán này, bảo với chúng tôi rằng họ sẽ lập tức đem chúng tôi vào trình đức vua. Hắn nói thêm:
- Rồi tùy ý đức vua sẽ cho treo cổ các người ngay bây giờ hay là đợi đến sáng mai.
Tôi không kháng cự; Xavêlích cũng theo gương tôi và toán quân canh đắc chí dẫn chúng tôi đi.
Chúng tôi vượt qua hào và đi vào thôn trấn. Trong thôn, nhà nào cũng đốt lửa sáng. Khắp nơi đều có tiếng reo hò náo nhiệt. Trên đường tôi gặp rất nhiều người, nhưng trong bóng tối không ai để ý đến chúng tôi và nhận ra tôi là một sĩ quan ở Ôrenburg. Họ dẫn chúng tôi đến thẳng một ngôi nhà gỗ dựng ở góc ngã tư. Ở cổng có mấy thùng rượu và hai khẩu súng thần công. Một trong những người nông dân áp giải chúng tôi nói:
- Cung vua đây rồi, ta sẽ lập tức vào báo đức vua.
Hắn vào nhà. Tôi đưa mắt nhìn Xavêlích; ông già làm dấu thánh giá, lẩm nhẩm đọc kinh. Tôi đứng chờ một hồi lâu; cuối cùng người nông dân quay ra và nói với tôi: 
- Vào đi: đức vua bảo đưa viên sĩ quan vào. 
Tôi bước vào ngôi nhà gỗ, hay vào cung điện, như mấy người nông dân vừa nói. Trong nhà có thắp hai cây nến bằng mỡ lợn, các bức tường đều dán giấy vàng; ngoài ra thì bàn ghế, cái chậu rửa tay treo trên sợi dây, cái khăn mặt treo trên đinh, cái nạng chĩa đun bếp ở góc nhà, cái bếp rộng xếp đầy chõ nồi - tất cả đều y như trong một ngôi nhà nông dân thông thường. Pugatsốp ngồi ở chỗ có treo ảnh tượng, mặc áo ca-phơ-tan đỏ, đội mũ lông chóp cao, hai tay chống ngang sườn có vẻ oai vệ. Bên cạnh Pugatsốp có mấy tên đồng đảng thân cận đứng; họ làm ra vẻ khúm núm trước mặt chủ tướng. Rõ ràng là tin một sĩ quan ở Ôrenburg đến đã gợi trí tò mò của họ lên rất mạnh, và họ đã chuẩn bị tiếp tôi một cách hết sức long trọng. Pugatsốp thoạt trông thấy tôi đã nhận ra ngay. Cái vẻ quan trọng giả tạo lúc này lập tức biến mất. Hắn vồn vã nói:
- À, ra quan ngài! Thế nào, có khỏe không? Chúa đưa ngài đến đây có việc gì thế? 
Tôi trả lời rằng tôi đi có việc riêng và bị người của hắn giữ lại.
- Việc gì thế? - Pugatsốp hỏi. 
Tôi không biết trả lời ra sao. Pugatsốp đoán phỏng rằng tôi không muốn nói trước mặt mấy người kia, liền quay lại bảo họ ra ngoài. Tất cả đều vâng lời bỏ đi, trừ hai người vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ.
Pugatsốp nói:
- Cứ mạnh dạn mà nói trước mặt họ, với hai ông này ta không có điều gì giấu giếm hết.
Tôi liếc nhìn hai người đồng đảng của Pugatsốp. Một người đã già lụ khụ, lưng còng, dáng người thấp bé và yếu ớt, có một bộ râu ngắn đã bạc, người này không có gì đáng chú ý ngoài một dải lụa màu xanh nhạt quàng qua vai một chiếc áo dạ thô màu xám. Nhưng người kia thì suốt đời tôi không thể nào quên được. Hắn ta người cao lớn vạm vỡ, hai vai rộng, trong khoảng chừng bốn mươi lăm tuổi. Bộ râu rậm màu hung, hai con mắt xám sáng long lanh, cái mũi không có cánh mũi và những đám da đo đỏ trên trán và trên má, vết tích của cực hình khiến cho cái mặt rộng mà rỗ của hắn có một vẻ gì không sao tả nổi. Hắn mặc áo cánh rộng màu đỏ, ngoài khoác áo choàng Kiếcghidia, và một cái quần thụng kiểu Cô-dắc. Người thứ nhất (như về sau tôi được biết) là viên cai đào ngũ Bêlôbôrôđốp [Bêlôbôrôđốp Ivan Naumôvích - một trong số những trợ thủ thân tín nhất của Pugatsốp. Đầu tiên phục vụ trong quân đội từ năm 1759, sau đó làm việc ở nhà máy chế tạo thuốc súng. Từ 1766, sau khi giải ngũ, sống ở làng Bôgôrốtxcôiê gần Kraxnôuphimxcơ. Tháng Giêng 1774, khi quân Pugatsốp đến làng này, đã gia nhập nghĩa quân và lập ra một đội quân chủ yếu gồm toàn thợ khai mỏ. Đội quân này hoạt động ờ vùng Êcatêrinburg. Pugatsốp phong cho Bêlôbôrôđốp chức đầu lãnh quân đội và nguyên soái], người thứ hai là Aphanaxi Xôkôlốp [Xôkôlốp Aphanaxi (Khlôpusa) - một trong những người chỉ huy giỏi nhất của quân Pugatsốp. Năm 1773 bị tù ở Ôrenburg. Được cử mang bản tuyên cáo dụ hàng của Chính phủ đến gặp Pugatsốp, nhưng Khlôpusa đã lập tức đứng về phía nghĩa quân. Pugatsốp phong cho Khlôpusa chức đại tá, sau này Khlôpusa là một trong số những trợ thủ chủ chốt của Pugatsốp] biệt hiệu là Khlôpusa, một tội đồ bị đày đã ba lần trốn khỏi các hầm mỏ ở Xibiri. Mặc dù đang bị nhiều cảm kích động mãnh liệt, cảnh tượng này vẫn hấp dẫn trí tưởng tượng của tôi rất mạnh. Tôi đang mê mải nhìn họ, thì một câu hỏi của Pugatsốp đã làm cho tôi sực tỉnh lại: 
- Ngươi hãy nói ta nghe: ngươi từ Ôrenburg đi có việc gì?
Tôi bỗng có một ý nghĩ kỳ lạ: tôi thấy hình như số phận đã run rủi tôi đến gặp Pugatsốp hai lần như thế này là để tôi có dịp thực hiện ý định của mình. Tôi quyết định lợi dụng cơ hội này, và chưa kịp đắn đo gì, tôi đã trả lời: 
- Tôi đến đồn Bêlôgorxcơ để cứu một người con gái mồ côi ở đấy đang bị người ta làm nhục.
Pugatsốp quắc mắt quát: 
- Trong quân ta có đứa nào dám bắt nạt một đứa mồ côi! Dù hắn có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng thoát khỏi trừng phạt. Ngươi nói đi: đứa nào dám làm việc khốn nạn như vậy?
- Svabrin, - tôi đáp. - Hắn đang giam hãm người con gái mà ông đã có lần trông thấy, cái người bị ốm nằm trong nhà bà cố đạo ấy. Svabrin đang cưỡng ép cô ta lấy hắn.
Pugatsốp hầm hầm nói: 
- Rồi ta cho thằng Svabrin biết tay. Hắn sẽ biết trong quân ngũ của ta mà lộng hành và ức hiếp dân thì sẽ ra sao. Ta sẽ treo cổ hắn lên cho mà xem.
Khlôpusa cất giọng khàn khàn nói: 
- Xin thưa một lời. Trước đây ông hấp tấp phong cho Svabrin làm trưởng đồn rồi bây giờ ông lại vội vàng treo cổ hắn lên. Ông đã làm phật lòng dân Cô-dắc bằng cách cho một tên quý tộc lên chỉ huy họ; thì bây giờ ông đừng làm cho bọn quý tộc hoảng sợ bằng cách động một tí đã đem treo cổ chúng lên.
Ông già thấp bé quàng vải lụa xanh nói:
- Không việc gì phải thương xót hay nhẹ tay với bọn quý tộc. Giết quách thằng Svabrin cũng chẳng sao; mà ngay cả ngài sĩ quan đây cũng nên hỏi cung một trận cho ra trò. Quan nhân có lòng đến đây để làm gì? Nếu hắn không chịu nhận ông là vua, thì không lý gì hắn phải nhờ đến ông phân xử, còn nếu hắn chịu nhận, thì tại sao cho đến nay hắn vẫn ngồi lỳ trong thành Ôrenburg với quân địch? Có lẽ ông cũng nên ra lệnh dẫn hắn sang nhà quản trị đốt tí lửa thử gan hắn xem: tôi thì tôi chắc quan ngài đến đây là do bọn chỉ huy ở Ôrenburg phái đến.
Lý luận của tên cướp già nghe cũng khá xuôi tai. Tôi thấy lạnh buốt cả sống lưng khi nghĩ đến những cực hình mà họ có thể cho tôi nếm thử. Pugatsốp để ý thấy tôi luống cuống. Hắn ta nháy mắt một cái, rồi nói với tôi:
- Thế nào, quan ngài? Hình như ông nguyên súy của ta nói cũng có lý đấy chứ. Ngài nghĩ sao?
Giọng bỡn cợt của Pugatsốp khiến tôi vững dạ trở lại. Tôi bình tĩnh đáp rằng nay tôi đã ở trong tay hắn thì hắn muốn đối xử với tôi như thế nào tùy ý. Pugatsốp nói:
- Tốt lắm. Bây giờ hãy nói ta nghe thành phố của các người ra sao rồi. 
- Nhờ trời, - tôi đáp, - mọi việc đều êm thấm cả. 
- Êm thấm à? - Pugatsốp nhắc lại. - Dân trong thành chết đói mà ngươi bảo là êm thấm à! 
Pugatsốp nói đúng; nhưng vì bổn phận tôi cứ quả quyết nói rằng đó toàn là tin đồn nhảm, chứ ở Ôrenburg lương thực rất đầy đủ. Ông già thấp bé không tin lời tôi:
- Đấy, ông thấy hắn nói dối một cách trơ tráo chưa. Tất cả những quân lính ở trong thành trốn ra đều trăm người như một nói rằng ở trong ấy đang đói và đang có bệnh dịch hạch, rằng người ta đang phải ăn thịt ngựa chết, mà được ăn thịt chết cũng đã lấy làm sung sướng lắm rồi đấy; thế mà quan ngài thì lại dạy rằng lương thực có thừa. Nếu ông định treo cổ Svabrin, thì nhân thể cũng nên treo chàng trai trẻ này lên một giá để khỏi có ai phân bì với ai.
Lời lẽ của lão già chết tiệt ấy hình như làm cho Pugatsốp phân vân. May thay, Khlôpusa đã lên tiếng bác lại ý của lão. Hắn nói:
- Thôi đi ông Naumôvích. Ông thì chỉ biết bóp hầu với cắt họng. Ông là cái thứ hảo hán gì thế? Ông thử xem cái thân tàn của ông còn có chỗ cho hồn ở nữa không? Mình thì sắp xuống lỗ, mà cứ muốn giết hại người ta. Trong lương tâm ông hãy còn ít máu người lắm đấy!
Bêlôgôrôđốp vặn lại: 
- Thế còn ông thì ra cái thế gì? Ông lấy cái lòng từ bi ấy ở đâu ra thế? 
Khlôpusa đáp:
- Đã đành tôi cũng lắm tội; bàn tay này (nói đến đây hắn nắm bàn tay xương xẩu của hắn lại và xắn tay áo lên để lộ cánh tay lông lá), và cánh tay này đã từng làm đổ máu nhiều con chiên của Chúa. Nhưng tôi giết là giết kẻ thù, chứ không phải ở nhà khi đang ngồi bên bếp lửa; giết là giết bằng dao rựa chứ không phải bằng giọng ton hót như đàn bà. 
Lão già quay quay mặt đi và lẩm bẩm mấy tiếng: “Đồ sứt mũi…”.
Khlôpusa quát: 
- Cái lão khọm già kia lẩm bẩm cái gì thế hả? Rồi tao cho mày biết sứt mũi là thế nào; đợi đấy, rồi sẽ đến lúc mày cũng được nếm mùi kìm kẹp… Còn bây giờ thì hãy coi chừng có ngày tao vặt hết mấy sợi râu kia!
Pugatsốp nghiêm nghị nói: 
- Các ngài đại tướng! Thôi đừng có cãi nhau nữa. Có đem treo cổ cả lũ chó ghẻ ở Ôrenburg lên một giá cũng chả sao cả; nhưng nếu mà chó nhà lại đi cắn cổ nhau thì thật là khốn. Thôi, giảng hòa đi!
Khlôpusa và Bêlôbôrôđốp không nói gì nữa, chỉ ngồi nhìn nhau, vẻ mặt hầm hầm. Tôi thấy cần phải nói lảng sang chuyện khác, vì câu chuyện vừa rồi rất có thể kết thúc một cách chẳng có lợi cho tôi tí nào. Tôi quay sang Pugatsốp và vui vẻ nói: 
- À! Suýt nữa tôi quên cám ơn ông đã biếu tôi con ngựa và cái áo tu-lúp. Không có ông thì tôi không tài nào đến Ôrenburg được, đến chết cóng giữa đường mất!
Mẹo của tôi thành công. Pugatsốp trở lại vui vẻ, hắn nheo nheo mắt lại một cách hóm hỉnh và nói: 
- Có đi có lại mới toại lòng nhau chứ. Bây giờ anh nói rõ cho ta nghe: làm sao anh lại phải chú ý đến người con gái đang bị Svabrin ức hiếp đến thế? Chắc cô ấy đã làm rung động tấm lòng trai trẻ kia chứ gì? Đúng không nào?
Thấy hoàn cảnh đã thay đổi một cách thuận chiều và nghĩ rằng không cần phải che giấu sự thật làm gì, tôi trả lời Pugatsốp: 
- Cô ấy là vợ chưa cưới của tôi.
- Vợ chưa cưới của anh à! - Pugatsốp kêu lên. - Sao anh không nói từ trước? Biết vậy thì ta đã làm lễ cưới cho anh và đánh chén một bữa mừng cho hai anh chị rồi! - Rồi quay sang phía Bêlôbôrôđốp, Pugatsốp nói: - Ông nghe chưa, ông nguyên súy! Ta với quan nhân đây là chỗ thân bằng cố hữu: nào, ta ngồi ăn tối với nhau, sáng mai thanh thiên bạch nhật ta sẽ bàn xem nên làm gì cho quan ngài.
Tôi cũng muốn từ chối cái vinh dự đó, nhưng chả biết làm thế nào được. Hai người thiếu nữ Cô-dắc, con gái của chủ nhà, mang khăn trắng giải lên bàn, bưng bánh mì và canh cá tươi ra, đặt mấy chai rượu nho với rượu bia lên và một lần nữa tôi lại cùng ngồi một bàn tiệc với Pugatsốp và những người đồng đảng đáng sợ của hắn.
Bữa tiệc mà tôi buộc lòng phải dự kéo mãi đến khuya. Cuối cùng men rượu đã làm cho khách say mềm. Pugatsốp ngồi tại chỗ mà ngủ. Mấy người kia đứng dậy và ra hiệu bảo tôi ra ngoài. Tôi cùng ra theo họ. Theo lời dặn của Khlôpusa, người lính canh dẫn tôi sang nhà quản trị. Xavêlích đang đợi ở đấy. Họ để tôi ngồi lại một mình với người lão bộc và khóa cửa lại. Bác Xavêlích kinh ngạc trước những việc xảy ra, đến nỗi không còn biết hỏi tôi lấy một câu gì nữa. Bác ta nằm lăn ra trong xó tối, than vắn thở dài một hồi lâu; cuối cùng bác bắt đầu ngáy, còn tôi thì ngồi suy nghĩ miên man, suốt đêm không chợp mắt được lấy một phút.
Sáng hôm sau Pugatsốp cho người đến gọi tôi lại nhà. Trước thềm có một chiếc xe ki-bít-ca thắng ba con ngựa Tác-ta. Dân chúng đứng chật cả đường. Vào đến phòng đệm tôi gặp Pugatsốp. Hắn ăn bận như người sắp đi đường trường, mặc áo khoác dài và đội mũ lông kiểu Kiếcghidia. Mấy người khách dự tiệc hôm qua vây quanh Pugatsốp, cố làm ra vẻ khúm núm, một thái độ rất trái ngược với tất cả những cảnh mà tôi đã được chứng kiến tối hôm qua. Pugatsốp vui vẻ chào hỏi tôi và bảo tôi lên xe với hắn. 
Chúng tôi cùng ngồi vào xe.
- Đến đồn Bêlôgorxcơ, - Pugatsốp nói với người Tác-ta to lớn đứng cầm cương ở phía trước. Tim tôi đập mạnh. Ngựa bắt đầu chạy, nhạc ngựa kêu lanh lảnh, chiếc ki-bít-ca lướt như bay trên tuyết…
Bỗng có tiếng kêu thất thanh: 
- Đứng lại! Đứng lại. 
Giọng người kêu lên mấy tiếng đó tôi nghe đã quá quen thuộc. Tôi thấy Xavêlích hớt hải chạy lại. Pugatsốp ra lệnh dừng xe. Người lão bộc trung thành kêu lên:
- Cậu Piốt Anđrêêvích, cậu đừng bỏ già này một thân một mình giữa bọn kẻ c…
- À, lão khọm già đấy à. Chúa lại cho ta gặp nhau lại đây. Nào, thôi ngồi lên ghế cạnh người đánh xe đi. 
Xavêlích vừa leo lên cạnh người đánh xe vừa nói:
- Xin cảm ơn ngài, cha ruột của tôi! Cầu Chúa cho ngài sống lâu trăm tuổi vì ngài đã chở che an ủi cái thân già này. Suốt đời tôi sẽ cầu nguyện Chúa cho ngài, và không bao giờ nhắc đến cái áo tu-lúp da thỏ nữa.
Cái áo tu-lúp da thỏ này rốt cục có thể làm Pugatsốp nổi trận lôi đình lên chứ không phải vừa. May thay tên tướng cướp hoặc giả không nghe thấy, hoặc giả không thèm chấp lời nhắc nhở không phải lúc ấy. Ngựa phi nước đại; dân chúng trên đường đứng lại và cúi chào. Pugatsốp gật đầu bên này bên kia chào lại. Một phút sau xe chúng tôi ra khỏi thôn và lướt trên con đường trơn phẳng.
Chắc độc giả cũng hình dung được những cảm giác của tôi lúc bấy giờ. Chỉ vài giờ nữa tôi sẽ gặp lại người con gái mà tôi đã tưởng chừng mất hẳn. Tôi tưởng tượng giây phút hai chúng tôi sẽ hội ngộ… Tôi lại suy nghĩ đến con người đang nắm vận mệnh của tôi trong tay, con người mà số phận đã gắn bó với tôi một cách thật là kỳ lạ và huyền bí. Tôi nhớ lại những hành động tàn ác không đắn đo, những thói quen khát máu của con người đang đứng ra giải thoát cho người yêu của tôi! Pugatsốp không biết rằng nàng là con gái của đại úy Mirônốp. Svabrin đến lúc cùng quẫn có thể tố giác việc này ra; Pugatsốp cũng có thể biết được sự thật bằng cách khác… Lúc đó số phận Maria Ivanốpna sẽ ra sao? Tôi thấy lạnh buốt cả sống lưng, và tóc tôi cứ dựng ngược lên…
Bỗng Pugatsốp cắt đứt những ý nghĩ của tôi, hắn quay sang phía tôi hỏi: 
- Quan ngài nghĩ gì thế? 
Tôi trả lời:
- Không nghĩ ngợi sao được. Tôi là một sĩ quan và là một người quý tộc. Mới hôm qua tôi hãy còn đánh lại ông, mà hôm nay đã ngồi cùng xe với ông, và hạnh phúc của đời tôi lại nằm trong tay ông. 
- Thế thì sao? - Pugatsốp hỏi. - Anh sợ à?
Tôi trả lời rằng hắn tha chết cho tôi hai lần, nên lần này không những tôi hy vọng rằng hắn sẽ dung tha tôi, mà còn mong hắn giúp đỡ tôi nữa. Pugatsốp nói: 
- Anh nghĩ thế là phải, rất phải! Anh cũng thấy rằng quân sĩ của ta chẳng ưa gì anh; còn lão già thì hôm nay cứ một mực bảo rằng anh là thám tử, đòi phải tra tấn và treo cổ anh, - đến đây Pugatsốp hạ giọng xuống, để cho Xavêlích và người Tác-ta khỏi nghe, - nhưng ta không chịu, vì ta còn nhớ cốc rượu và cái áo tu-lúp của anh. Anh thấy đấy, ta chưa hẳn là một tay uống máu người không tanh như bọn các anh thường nói. 
Tôi nhớ lại trận đánh chiếm đồn Bêlôgorxcơ; nhưng tôi thấy không cần phải cãi lại và lặng thinh không đáp.
Pugatsốp im lặng một lát, rồi hỏi: 
- Ở Ôrenburg họ bàn tán về ta như thế nào? 
- Thì họ bảo rằng đánh ông thật là gay go; quả ông cũng không phải tay vừa. 
Gương mặt Pugatsốp lộ vẻ đắc ý. Hắn vui vẻ nói:
- Phải, ta đánh đấm cũng đã ra trò! Ở Ôrenburg các người có nghe nói trận đánh ở Iudêêva [Iudêêva - một làng cách Ôrenburg 120 véc-xta; ở đây ngày 9 tháng Mười một năm 1773 quân của Pugatsốp đánh bại một đội quân tiếp viện gửi đến giải vây Ôrenburg] không? Bốn mươi tên tướng bị giết, bốn quân đoàn bị bắt làm tù binh. Anh nghĩ sao, vua Phổ liệu có dám đọ sức với ta không?
Tôi thấy vẻ dương tự đắc của Pugatsốp cũng hay hay. 
- Thế ông thì ông nghĩ thế nào? - tôi hỏi lại. - Liệu ông có chọi nổi Phriđêrích không?
- Với Phiôđorơ Phiôđôrôvích [Vua Phổ Phriđrích II (1712-1786), một thống soái có tên tuổi, nhưng đã bị hàng loạt thất bại trước quân Nga trong cuộc Chiến tranh bảy năm (1756-1763). Pugatsốp có tham gia cuộc chiến tranh này. Phriđrích II là con vua Phổ Phriđrích I Vinhem, tên Phriđrích của Đức không tương ứng với tên Phêđô của Nga] ấy à? Sao lại không? Tướng tá của các anh, ta đều đánh cho tơi bời ra cả; mà những tướng tá ấy thì đã từng đánh bại quân Phổ. Cho đến nay thì quân của ta lâm trận đều thắng lợi cả. Ít lâu nữa, ta sẽ tiến đánh Mátxcơva cho mà xem.
- Ông định tiến đánh Matxcơva thật ư?
Pugatsốp suy nghĩ một lát và đáp khẽ: 
- Có trời biết trước. Đường ta đi thì chật hẹp; chí ta thì nông cạn. Bọn quân lính ta thì rất ranh ma. Chúng là đồ trộm cướp mà lại. Ta phải luôn luôn đề phòng; hễ bại trận một cái là chúng lấy đầu ta để chuộc lấy mạng ngay. 
Tôi nói với Pugatsốp:
- Thật đấy! Ông nên tự mình bỏ họ trước, khi hãy còn chưa muộn, và đến xin nữ hoàng ân xá cho, thế có phải hơn không? 
Pugatsốp cười chua chát, đáp:
- Không được, muộn rồi. Ta thì họ không tha đâu. Ta đã khởi đầu như thế nào, thì cũng sẽ cứ tiếp tục như thế cho đến cùng. Biết đâu rồi chẳng thành công! Kìa như Grisa Ôtơrêpiép, chả lên ngôi ở Mátxcơva là gì?
- Thế ông có biết Ôtơrêpiép cuối cùng ra sao không? Họ vứt hắn qua cửa sổ, chém nát nhừ ra, rồi đem đốt lấy tro nhồi vào súng bắn! 
Pugatsốp cất giọng trầm trầm bảo tôi, trong tiếng nói có một phong vị gì say sưa mà huyền bí:
Anh nghe đây, ta kể lại cho anh một câu chuyện cổ tích mà hồi bé có một bà già người Kan-mức đã kể cho ta nghe. Có lần đại bàng hỏi quạ: này quạ, mày thử nói ta nghe tại sao mày sống được trên thế gian này những ba trăm năm, còn ta thì cả thảy chỉ được ba mươi ba năm? Quạ đáp: - Là vì mày uống máu tươi, còn ta thì ăn thịt chết. Đại bàng nghĩ: ta thử ăn như nó xem sao. Tốt lắm. Thế là đại bàng với quạ bay đi. Hai con chim thấy một con ngựa chết. Chúng xà xuống và đỗ trên xác ngựa. Con quạ bắt đầu rỉa ăn và khen lấy khen để. Đại bàng mổ một miếng, mổ miếng nữa rồi bỏ đi, nói: - sống ba trăm năm mà ăn thịt chết thì không bằng một lần được uống máu tươi; rồi sống được đến đâu thì sống! - Anh thấy câu chuyện cổ tích Kan-mức ấy thế nào?
Tôi đáp: 
- Cũng khéo nghĩ đấy! Nhưng theo tôi thì sống bằng nghề giết người cướp của mới chính là ăn thịt xác chết.
Pugatsốp kinh ngạc nhìn tôi và lặng thinh. Cả hai chúng tôi đều yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Người Tác-ta đánh xe cất giọng lê thê hát một bài buồn bã; Xavêlích lắc lư ngủ gật trên ghế xà ích. Chiếc ki-bít-ca lướt nhanh trên con đường tuyết trơn bằng phẳng… Bỗng tôi thấy một khóm làng nhỏ trên bờ sông Iáich dốc đứng, có hàng rào gỗ và tháp chuông, và mươi phút sau chúng tôi đi vào đồn Bêlôgorxcơ.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét