Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 2)

Alexandre Puskin
Người con gái viên đại úy
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Chương II
Người dẫn đường
Miền đâu vắng ngắt xa vời
Miền này khác lạ, quê người mênh mông, 
Chân ta tự bước trên đồng, 
Hay vó ngựa hồng dẫn lối ta đi? 
Đưa ta đến tận chốn này, 
Là dòng máu nóng những ngày trẻ trung. 
Giục ta rong ruổi cánh đồng, 
Là men rượu nồng ngôi quán viễn phương.
Dân ca cổ.

(Đề từ chương II này, cũng như của các chương V, VI, VII trích từ “Tập các bài dân ca khác nhau” (1770-1774) của M.Đ. Tsuncốp)

Những ý nghĩ miên man của tôi trong lúc đi đường không lấy gì làm vui vẻ cho lắm. Cứ theo giá cả hồi bấy giờ thì số tiền tôi thua bạc không phải nhỏ. Tôi không thể không thầm thú nhận rằng việc tôi làm trong quán trọ ở Ximbiếcxcơ thật là ngu xuẩn và cảm thấy mình có lỗi với Xavêlích. Tất cả những điều đó khiến tôi áy náy khổ tâm. Ông già Xavêlích ngồi ở thành xe phía trước, quay lưng lại phía tôi và lặng thinh, thỉnh thoảng chỉ khẽ ho lên mấy tiếng bực dọc. Tôi quyết làm lành với bác ta, nhưng mãi không biết nên mở đầu thế nào. Cuối cùng tôi nói với bác:
- Thôi, thôi, bác Xavêlích ạ. Thế là được rồi, ta giảng hòa đi, tôi xin lỗi, hôm qua thật hư hỏng quá, tôi đã làm phiền lòng bác một cách vô lý. Tôi hứa với bác là từ nay sẽ ăn ở khôn ngoan hơn và nghe lời bác. Thôi đừng giận nữa nhé. Nào ta làm lành với nhau đi, bác Xavêlích!
Xavêlích thở dài não ruột đáp:
- Chao ôi, cậu Piốt Anđrêêvích ạ, đấy là tôi giận cái thân tôi đấy thôi; cơ sự chung quy là tại tôi cả chứ ai. Làm sao tôi lại có thể để cậu một mình ở trong cái quán ấy kia chứ? Biết làm thế nào được! Nghiệp chướng ở đâu ấy, tôi tự nhiên nảy ra ý đến thăm mụ vợ lão thầy trợ lễ là bạn đỡ đầu (Người làm cha hay mẹ đỡ đầu cho con mình, nói rộng ra là tiếng chỉ những người bạn thân thiết lâu năm) của tôi ngày trước. Thế đấy: đến nhà bạn đỡ đầu mà hóa ra chui đầu vào ngục. Thật là tai hại hết chỗ nói. Tôi làm thế nào mà dám vác mặt về nhà hai cụ bây giờ? Nếu hai cụ biết là cậu đã rượu chè cờ bạc thế này, thì tôi còn biết ăn nói ra sao nữa?
Để an ủi bác Xavêlích tội nghiệp, tôi quả quyết hứa với bác là từ rày trở đi sẽ không tiêu lấy một xu nhỏ nào mà lại không xin phép bác. Bác dần dần yên tâm, mặc dầu thỉnh thoảng vẫn còn lắc đầu lẩm bẩm: “Chà, một trăm rúp, chứ có phải ít đâu!”.
Xe tôi đi đã gần đến nơi đóng quân. Chung quanh tôi là những cánh đồng trống không bát ngát, buồn bã, ngổn ngang những mỏm gò và những khe, hố. Khắp nơi tuyết phủ trắng xóa. Mặt trời đã lặn. Chiếc xe đi theo một con đường nhỏ hẹp, hay nói cho đúng hơn là theo một cái vệt lờ mờ do những chiếc xe trượt tuyết của nông dân để lại. Bỗng nhiên người đánh xe nhìn sang bên cạnh, rồi quay về phía tôi, cất mũ nói:
- Thưa ngài, ngài có ra lệnh cho xe quay trở lại không ạ?
- Tại sao thế?
- Trời này rồi không biết thế nào. Gió đã thổi mạnh lên ít nhiều rồi đấy. Kìa, ngài xem: lớp tuyết ở trên gió đang quét bay lất phất kia kìa.
- Thế thì đã sao?
- Thế ngài có thấy cái gì không? (Người đánh xe cầm roi ngựa chỉ về hướng đông).
- Ta chả thấy gì cả, chỉ thấy thảo nguyên trắng xóa và trời quang, thế thôi.
- Nhưng phía kia kìa - đấy, cái đám mây con con ấy.
Quả nhiên tôi thấy ở về phía chân trời có một đám mây nhỏ màu trắng, mà thoạt mới trông tôi cứ tưởng là một ngọn đồi. Người đánh xe giảng giải cho tôi biết hễ có đám mây như thế là sắp có bão tuyết đến nơi rồi.
Tôi đã từng nghe nói đến những trận bão tuyết ở vùng này và biết rằng nó có thể vùi lấp cả những đoàn xe thồ. Xavêlích đồng ý với người đánh xe và khuyên là nên quay trở lại. Nhưng tôi thấy gió thổi không lấy gì làm mạnh lắm, tôi hy vọng có thể đến kịp ngôi trạm sau và bảo đánh ngựa chạy nhanh lên.
Người đánh xe ngựa phi nước đại, nhưng mắt thỉnh thoảng vẫn nhìn về hướng đông. Mấy con ngựa chạy rất đều chân. Trong khi đó, gió thổi mỗi lúc một thêm mạnh. Đám mây con con bây giờ đã thành một đám mây trắng rất lớn, nặng nề ùn lên cao, to dần lên mãi và dần dần che kín cả bầu trời. Tuyết bắt đầu rơi từng bông nhỏ, rồi bỗng nhiên đổ xuống từng mảng lớn. Gió rít lên từng hồi. Trận bão tuyết đã đến. Chỉ trong khoảnh khắc bầu trời tối mịt đã hòa lẫn với bể tuyết cuồn cuộn. Mọi vật đều chìm trong bóng tối.
Người xà ích nói:
- Ngài đã thấy chưa? Khốn to rồi: bão tuyết đấy…
Tôi nhìn ra ngoài xe: chung quanh chỉ thấy bóng tối dày đặc và những đám tuyết xoáy cuồn cuộn. Gió rít lên một cách kinh khủng nghe như một con vật khổng lồ đang hú; tuyết trùm lấy tôi và Xavêlích; ngựa đi bước một, rồi dừng hẳn lại.
Tôi sốt ruột hỏi người đánh xe:
- Sao không cho xe đi đi hả?
- Đi làm sao được? - y vừa đáp vừa rời thành xe leo xuống, - bây giờ chả biết lối nào mà đi nữa, đường thì không có, xung quanh thì tối mịt.
Tôi đã toan mắng, nhưng Xêvalích lên tiếng bênh người đánh xe. Bác ta bực bội nói:
- Không chịu nghe ông ta có phải là… Nếu không thì bây giờ đã về đến trạm, uống chén nước trà, rồi đánh một giấc đến sáng, khi bão ngớt rồi đi có phải hơn không? Đi đâu mà vội nào? Nào có phải đi cưới vợ cho cam!…
Xavêlích nói đúng. Bây giờ thì chả biết làm thế nào nữa. Tuyết cứ đổ từng trận. Chung quanh xe đã ùn lên một đống tướng. Ngựa vẫn đứng yên, đầu cúi gằm xuống và chốc chốc lại rùng mình. Người đánh xe xắng xở quanh mấy con ngựa, anh ta không biết làm gì nữa, nên cứ sửa đi sửa lại mãi mấy sợi dây thắng. Xavêlích ngồi càu nhàu; tôi nhìn ra bốn phía, mong trông thấy một dấu hiệu gì tỏ ra quanh đây có nhà ở hay có lối đi gì chăng, nhưng chẳng nom thấy gì hết ngoài những đám tuyết xoáy cuồn cuộn…
Bỗng tôi thấy một vật gì đen đen. Tôi gọi:
- Ê! Anh đánh xe! Anh trông kia kìa, anh có thấy cái gì đen đen kia không?
Người đánh xe nhìn một lúc, rồi vừa ngồi vào chỗ vừa nói:
- Thưa ngài, có trời biết được: xe cũng chẳng phải xe, cây cũng chẳng phải cây, hình như nó nhúc nhích ấy, có lẽ là một con sói hay một người nào cũng nên.
Tôi bảo cho xe đến gần vật lạ lúc đó cũng đang đi về phía chúng tôi. Hai phút sau một người lạ mặt đã đứng ngang tầm xe. Người đánh xe nói to:
- Này, ông kia, ông có biết đường đi ở phía nào không?
Người đi đường đáp:
- Đường thì đây rồi; tôi đang đứng trên mặt đường đất rắn đây. Mà sao kia hả?
Tôi nói với người lạ mặt:
- Nghe đây, bác mu-gích, bác có quen vùng này không? Bác có thể đưa chúng tôi đến chỗ nào nghỉ lại đêm được không?
Người đi đường đáp:
- Vùng này thì tôi quen, nhờ trời tôi đã đi ngang về dọc khắp miền rồi. Nhưng trời thế này mà đi thì lạc mất. Tốt hơn là hẵng đứng đây đã, rồi đợi khi nào bão ngớt trời quang hãy trông sao mà tìm đường. 
Giọng nói bình tĩnh của người lạ mặt làm tôi yên lòng. Tôi quyết định phó mặc ý trời, ngủ lại một đêm giữa thảo nguyên, thì người lạ mặt bỗng nhanh nhẹn ngồi lên thành xe và nói với người xà ích:
- Chà, may quá, gần đây có nhà ở, anh quay sang phải, đi đi!
Người đánh xe có vẻ không bằng lòng, y hỏi:
- Tại sao lại đi sang phải mới được chứ? Đâu, anh thấy lối đi ở đâu nào? Thế ra ngựa của người khác, cương thắng cũng chẳng phải của mình, cứ tha hồ đánh cho chạy bạt mạng đấy phỏng?
Tôi thấy người đánh xe nói phải. Tôi bảo:
- Mà thật, tại sao bác lại biết là gần đây có nhà ở hả?
Người lạ đáp:
- Gió từ phía ấy thổi lại, tôi ngửi thấy có mùi khói; như vậy tức là gần đây có làng mạc.
Trí thông minh và cái khứu giác phi thường của người lạ mặt khiến tôi rất đỗi kinh ngạc. Tôi ra lệnh cho đánh xe đi. Mấy con ngựa nặng nề bước trên lớp tuyết dày. Chiếc xe tiến chầm chậm, khi thì leo lên một gò đất, khi thì tụt xuống một chỗ lõm, nghiêng sang bên này, lắc sang bên kia; cứ như ngồi trên một chiếc thuyền đi giữa biển động vậy. Xavêlích chốc chốc lại kêu ái chà một tiếng khi xe nghiêng làm cho người bác thúc vào cạnh sườn tôi. Tôi buông tấm diềm phủ ngoài xuống, kéo áo khoác trùm cho thật kín và bắt đầu thiu thiu. Tiếng réo của trận bão và nhịp lắc lư của chiếc xe đi chầm chậm như ru tôi ngủ.
Và tôi mơ thấy một chuyện mà về sau không bao giờ tôi có thể quên được, và cho đến nay tôi vẫn còn thấy trong giấc mơ đó có một cái gì linh ứng lạ thường khi tôi đối chiếu lại những sự việc kỳ lạ đã xảy ra trong đời tôi. Độc giả sẽ lượng thứ cho tôi, vì có lẽ qua kinh nghiệm độc giả cũng biết rằng con người nào cũng rất dễ tin nhảm, mặc dầu người ta hết sức khinh miệt lối mê tín như vậy.
Tôi đang ở trong cái trạng thái mà sự thật dần dần nhường bước cho cõi mộng và pha lẫn với nó thành những hình ảnh mơ hồ khi ta bắt đầu thiêm thiếp. Tôi có cảm giác là trận bão hãy còn dữ dội và chúng tôi vẫn còn đi vu vơ trên cánh đồng hoang phủ tuyết… Bỗng tôi thấy một cái cổng và thấy xe đi vào sân dinh thự nhà tôi. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là sợ rằng cha tôi sẽ nổi giận vì tôi đã vô tình trở lại nhà và tưởng rằng tôi đã cố ý trái lệnh người. Tôi lo lắng nhảy xuống xe và thấy mẹ tôi đang đứng đón tôi ở trước thềm, vẻ buồn rầu vô hạn. Người bảo tôi: “Khẽ chứ, cha con ốm sắp qua đời rồi, đang mong được gặp lại con lần cuối cùng đấy”. Tôi hốt hoảng theo mẹ tôi vào phòng ngủ. Tôi thấy gian phòng tối mờ mờ, bên cạnh giường có nhiều người đứng, vẻ mặt buồn rầu. Tôi rón rén bước lại phía giường. Mẹ tôi vén màn lên và nói: “Ông Anđrây Pêtơrôvích, thằng Piốt đã về đây rồi: nó biết ông ốm nên quay trở lại đấy; ông làm dấu ban phước cho nó đi”. Tôi quỳ xuống và ngước mắt nhìn người bệnh. Ồ, sao thế này? Hóa ra đấy không phải là cha tôi: người nằm trên giường là một người nông dân để bộ râu đen, đang vui vẻ đưa mắt nhìn tôi. Tôi bàng hoàng quay lại phía mẹ tôi, nói: “Như thế nghĩa là thế nào? Đây có phải cha con đâu? Tại sao con lại phải đến cho một lão nông dân ban phước?” Mẹ tôi đáp: “Cũng thế thôi con ạ, đây là cha chủ hôn của con đấy, con đến hôn tay người đi, để người làm dấu ban phúc cho con…”. Tôi một mực không chịu. Lúc đó người nông dân từ trong giường chồm dậy, với tay rút một cái rìu ở sau lưng ra và bắt đầu vung lên tứ phía. Tôi muốn bỏ chạy, nhưng không sao chạy được; gian phòng đã đầy những xác chết; tôi cứ vấp vào các thây ma và trượt chân trên những vũng máu nhầy nhụa… Người nông dân kinh khủng kia ôn tồn gọi tôi lại nói: “Đừng sợ, lại đây ta ban phúc cho…”. Tôi sợ hãi và bàng hoàng không sao tả xiết… Vừa lúc ấy tôi tỉnh dậy. Ngựa đã dừng lại, Xavêlích kéo tay tôi, bảo: “Xuống thôi cậu, đến nơi rồi”.
Tôi giụi mắt hỏi:
- Đến đâu rồi?
- Đến quán trọ. Nhờ trời, chúng ta đã đâm thẳng vào hàng rào nhà này. Xuống nhanh đi cậu, xuống nhanh vào mà sưởi cho ấm.
Tôi xuống xe. Trận bão tuyết vẫn còn tiếp tục, nhưng không dữ dội như trước. Trời tối đen như mực. Chủ quán đứng đón chúng tôi ở cổng, tay cầm cái đèn che dưới vạt áo, và dẫn tôi vào một căn phòng chật hẹp, nhưng cũng sạch sẽ, sáng mờ mờ ánh lửa vỏ bào. Trên vách có treo một khẩu súng trường và một chiếc mũ Cô-dắc chóp cao. Chủ quán là một người Cô-dắc vùng sông Iaich (ngày nay là sông Uran), một nông dân trạc chừng sáu mươi tuổi, hãy còn mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Xavêlích mang cái tráp đựng ấm chén vào cho tôi và hỏi xin lửa đun nước pha trà. Chưa bao giờ tôi thấy cần uống chén trà nóng như thế này. Lão chủ quán thì xắng xở đi dọn dẹp.
Tôi hỏi Xavêlích:
- Thế người dẫn đường đâu?
- Thưa ngài đây ạ, - một giọng nói đâu ở phía trên đầu tôi đáp lại.
Tôi ngước mắt nhìn lên giàn gác thì thấy một bộ râu đen và hai con mắt sáng quắc. Tôi hỏi:
- Thế nào, bác kia, rét lắm hả?
- Mặc một cái áo dạ thô thủng be bét ra thế này thì làm gì mà chả rét! Tôi cũng có áo tu-lúp, nhưng chả giấu gì ngài, tối hôm qua tôi gán nợ cho lão chủ quán rượu rồi, chả là hôm qua trời có vẻ không lấy gì làm rét lắm.
Lúc ấy ông chủ quán bưng chiếc ấm xa-mô-va đang sôi vào, tôi mời người dẫn đường của tôi uống một chén; hắn ta liền từ trên giàn tụt xuống. Dung mạo của hắn khiến tôi chú ý: hắn trạc độ bốn mươi, người tầm thước, dáng xương xương, vai rộng. Bộ râu đen có điểm mấy đường hoa râm; đôi mắt to và linh hoạt luôn đưa đi đưa lại. Vẻ mặt hắn cũng dễ ưa, nhưng có một cái gì hơi quỷ quyệt. Tóc hắn húi thành một vòng tròn quanh đầu theo kiểu của người Cô-dắc, hắn mặc một cái áo dạ thô đã sờn rách và một cái quần thụng kiểu Tác-ta. Tôi đưa chén trà mời hắn uống; hắn nhấp một ngụm, rồi nhăn mặt:
- Thưa ngài, xin ngài làm ơn bảo đem cho một cốc rượu: người Cô-dắc chúng tôi không quen uống nước trà đâu.
Tôi vui lòng chiều theo ý hăn. Chủ quán mở chạn lấy chai cốc mang lại, rồi nhìn chằm chằm vào mặt hắn, nói:
- Ê hê! Chú mày lại đến vùng này đấy hử? Ở đâu đến thế?
Người dẫn đường của tôi nháy mắt một cái, vẻ hóm hỉnh, rồi trả lời bằng một câu tục ngữ:
- Chim bay vào vườn, chim nhả hạt đay, bà già ném đá, may lại trượt tay. Thế còn công việc của bác ra sao rồi?
Chủ quán vẫn dùng lối nói lóng, trả lời:
- Việc chúng tớ ấy à? Cũng định là đến giờ rung chuông nguyện, nhưng bà cố đạo không cho: ông cố đạo đi vắng, ma quỷ ở ngoài mồ.
- Thôi bác im mồm đi; có trận mưa rào thì khắc có nấm, mà đã có nấm thì khắc có gió. Nhưng bây giờ thì, - đến đây hắn lại nháy mắt, - giấu rìu sau lưng đã, có kiểm lâm đấy! Thưa ngài, xin nâng cốc chúc ngài sức khỏe!
Nói đoạn hắn cầm cốc rượu, làm dấu thánh giá, rồi uống một hơi cạn sạch. Xong hắn cúi chào tôi, rồi leo lên giàn gác.
Lúc ấy, tôi nghe mấy câu nói lóng kia chẳng hiểu tí gì; mãi về sau tôi mới đoán ra rằng họ nói chuyện với nhau về công việc của đội quân Cô-dắc miền sông Iaích nổi loạn hồi 1772 (Người Cô-dắc miền sông Iaích làm thành một tổ chức quân ngũ riêng, gọi là “đội quân Iaich”. Ngày 12 tháng Giêng 1772 đội quân Iaich phát động cuộc khởi nghĩa do quyền tự trị của họ bị hạn chế) và bấy giờ vừa mới bị dẹp yên. Xavêlích nghe hai người nói chuyện, vè rất khó chịu. Bác ta ngờ vực đưa mắt hết nhìn lão chủ quán lại nhìn người dẫn đường. Ngôi quán này - tiếng địa phương gọi là umét - dựng ở một nơi khuất nẻo, giữa thảo nguyên xa cách làng mạc, và có vẻ như một nơi hẹn hò của phường trộm cướp. Nhưng bây giờ chả còn biết làm thế nào được nữa. Chả nhẽ lại đùng đùng bỏ đi? Vẻ lo lắng của Xavêlích làm cho tôi buồn cười. Tôi bắt đầu dọn chỗ ngủ và nằm ra chiếc ghế dài. Xavêlích leo lên lò sưởi, (Nông dân Nga thường nằm ở giàn trên của lò sưởi cho ấm), còn chủ quán thì nằm ở giữa sàn nhà. Chẳng bao lâu trong ngôi nhà gỗ, tiếng ngáy đã vang lên, và tôi thiếp đi, ngủ say như chết.
Sáng hôm sau tôi dậy hơi muộn, nhìn ra ngoài thì thấy cơn bão đã tạnh hẳn. Mặt trời sáng rực. Thảo nguyên mênh mông phủ tuyết trắng xóa nhìn chói cả mắt. Ngựa đã thắng xong. Tôi trả tiền trọ cho chủ quán: lão ta tính giá rất phải chăng, đến nỗi ngay cả Xavêlích cũng không kỳ kèo mặc cả như mọi khi, và những mối ngờ vực tối hôm qua trong đầu óc bác đều tiêu tan đi đâu cả. Tôi gọi người dẫn đường lại, cảm ơn hắn đã giúp đỡ chúng tôi và bảo Xavêlích cho hắn năm hào uống rượu. Xavêlích cau mặt lại:
- Năm hào uống rượu à! Hắn làm được cái gì mà cậu thưởng? Hắn chỉ việc ngồi xe của cậu đi đến tận quán trọ chứ có gì đâu mà cậu thưởng. Tùy cậu đấy, chứ bây giờ chả còn đồng năm hào nào thừa cả… Cứ lại bạ ai cũng cho tiền uống rượu, thì rồi chả mấy chốc mà chết đói.
Tôi không thể cãi lại Xavêlích được. Cứ như lời tôi đã hứa thì tiền bạc hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của bác ta. Song tôi rất lấy làm ân hận là không trả ơn được người đã giúp tôi thoát ra khỏi một tình cảnh nếu không phải là nguy hiểm thì ít ra cũng rất bực mình. Tôi thản nhiên nói:
- Thôi được, nếu bác không muốn cho người ta năm hào thì xem còn cái áo nào đấy bác lấy cho người ta vậy. Bác ấy ăn mặc phong phanh quá! Cho bác ấy cái áo tu-lúp da thỏ của tôi đi.
Xavêlích kêu lên:
- Trời, cậu Piốt Anđrêêvích! Hắn lấy cái áo da thỏ của cậu làm gì kia chứ? Rồi lại nướng ngay vào quán rượu cho mà xem.
Người dẫn đường nói:
- Này tôi có nướng hay không nướng thì việc gì đến lão? Quan ngài đã có lòng tặng tôi cái áo trên vai ngài thì đó là ý muốn của ngài, còn lão thì chỉ nên tuân lệnh ngài, chứ đừng cãi cọ gì cả.
Xavêlích giận dữ đáp:
- Đồ kẻ cướp, ra mày không sợ Chúa à? Mày cũng biết thừa ra rằng trẻ nó chưa biết khôn, thế mà thấy nó thật thà tốt bụng lại muốn ăn vòi của nó! Mày lấy cái áo con tí ấy làm gì? Làm thế nào mặc cho vừa cái thân hình chết tiệt ấy hử?
Tôi bảo bác Xavêlích:
- Thôi, bác đừng nói khôn nói khéo nữa, bác đưa ngay cái áo tu-lúp ra đây cho tôi.
- Trời đất! Cái áo còn mới chứ có phải! Mà cho ai còn được, chứ lại đem cho cái quân say rượu này!
Tuy vậy cái áo tu-lúp da thỏ cũng được mang ra. Người nông dân kia lập tức ướm thử vào người. Thật ra chiếc áo này đến bây giờ tôi nhớn rồi mặc cũng đã hơi chật. Nhưng người kia loay hoay một lúc rồi cũng mặc cố vào được. Chiếc áo bị kéo căng quá, đường may cứ đứt chỉ kêu bùng bục khiến Xavêlích nghe mà tiếc đứt ruột, suýt buột miệng kêu thành tiếng. Người dẫn đường rất hài lòng với món quà tặng của tôi. Hắn tiễn tôi ra xe và cúi rạp xuống chào tôi.
- Cám ơn ngài. Cầu chúa ban thưởng cho lòng nhân đức của ngài. Đến ngàn đời tôi cũng không dám quên ơn ngài.
Nói đoạn hắn từ biệt chúng tôi và ra đi. Xe chúng tôi cũng lên đường. Tôi không hề để ý đến vẻ bực bội của Xavêlích và chỉ một lát sau, tôi quên bẵng trận bão tuyết đêm qua cùng người dẫn đường và cái áo tu-lúp da thỏ.
Đến Ôrenburg, tôi lập tức vào trình diện thiếu tướng. Anđrây Karlôvích là một người cao lớn, nhưng lưng đã hơi còng vì tuổi tác. Mái tóc để dài của ông đã bạc phơ. Bộ quân phục phai màu khiến người ta hồi tưởng lại một quân nhân thời Anna Iôanốpna (Anna Ioanốpna (1693-1740) - nữ hoàng Nga những năm 1730-1740, cháu gái của Nga hoàng Piốt Đại Đế), và khi ông nói, có thể nhận rõ cái giọng lơ lớ của người Đức. Tôi đưa bức thư của cha tôi gửi cho ông. Đọc thấy tên cha tôi, ông ta liếc nhìn tôi một cái, rồi nói:
- Trời ơi! Mới hồi nào Anđrây Pêtơrôvích cũng chỉ ngần này tuổi thôi, thế mà bây giờ đã có cậu con giai nhớn tướng thế này! Chà, thời gian! Thời gian thật là!…
Ông bóc bì thư ra và bắt đầu lẩm nhẩm đọc, vừa đọc vừa phê phán:
- “Anđrây Karlôvích đại nhân các hạ, tôi hy vọng rằng đại quan nhân…”. Cha chả là lễ nghi! Hừ hừ, viết lách cái lối ở đâu thế này! Đã đành là kỷ luật trên hết, nhưng viết thư cho kamerad (bạn đồng ngũ - tiếng Đức) già ai lại… “Đại quan nhân hẳn chưa quên…”, hừm… “và hồi… sinh thời nguyên soái Min… chiến dịch… và hẳn còn nhớ… cô bé Karôlinca…”. Ê hê! Bruder ! (người anh em - tiếng Đức). Thế là bác ta hãy còn nhớ những trò quỷ sứ của cánh ta ngày xưa đấy nhỉ! Bây giờ xin bàn vào công việc… Xin gửi quan bác thằng con trời đánh của tôi” hừm… “với nó phải đi găng lông nhím mới được”… Găng lông nhím là cái gì nhỉ? Chắc lại là một tục ngữ tục nghiếc gì của Nga đây… “Găng lông nhím” là thế nào hử? - ông quay sang hỏi tôi.
Tôi làm ra một vẻ mắt hết sức ngây thơ, đáp:
- Dạ, như thế nghĩa là đối xử dịu dàng, không nghiêm khắc quá, để cho tự do thoải mái, đi găng lông nhím là như vậy đấy ạ.
- Hừm, tôi hiểu… - Anđrây Karlôvích lại đọc tiếp, - “và đừng để nó tự do”… không phải, cứ như ở đây thì đi găng lông nhím không phải như thế… “kèm theo đây… tờ hộ chiếu của nó…”. Đâu nào? À đây rồi… “viết thư hộ cho trung đoàn Xêmiônốpxki”… Được, được, rồi đâu sẽ vào đấy cả. “Quan bác cho phép tôi thân mật ôm hôn… và như một người bạn đồng ngũ già” - a! Bây giờ mới nhớ ra… và vân vân, vân vân…
Anđrây Karlôvích đọc xong bức thư, đặt tờ hộ chiếu của tôi sang một bên, rồi nói:
- Thôi được rồi, cậu em ạ, mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy, cậu sẽ được chuyển về làm sĩ quan ở trung đoàn N. và để cậu khỏi mất thì giờ, sáng mai cậu sẽ lập tức đến đồn Bêlôgorxcơ, cậu sẽ được sung vào đơn vị của đại úy Mirônốp. Ông ta là người hiền lành và trung trực. Ở đấy cậu sẽ được sống một cuộc đời lính chiến thực sự, sẽ học được tinh thần kỷ luật. Ở Ôrenburg thì chả có gì cho cậu làm cả; nhàn cư vi bất thiện, nhất là đối với một thanh niên như cậu. Còn hôm nay thì mời cậu ở lại ăn bữa chiều ở nhà tôi.
Tôi nghĩ thầm:
“Thật là càng ngày càng gay go! Ngay từ khi đang nằm trong bụng mẹ, đã đăng ký vào quân cận vệ, thế mà có ăn thua gì đâu! Kết quả là thế nào? Rút cục là vào trung đoàn N. ở một cái đồn heo hút tận biên giới Kiếcghidia Caixắc”. (Vùng ở phía sông Uran, bây giờ là lãnh thổ nước Cộng hòa Kadắcxtan)
Tôi ăn bữa chiều với Anđrây Karlôvích và người sĩ quan hầu cận già của ông. Cách dọn ăn trên bàn của ông lộ rõ nếp sống tiết kiệm khắc khổ của người Đức, và tôi nghĩ rằng sở dĩ ông ta vội vã cho tôi về nhận chức ở đồn như vậy một phần chẳng qua cũng chỉ vì sợ có thêm khách ăn mà thôi. Ngày hôm sau tôi từ giã viên tướng lên đường tới nơi đóng quân.
------------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét