Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 5)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương V

Tình yêu

Hỡi cô con gái đang thì
Cô đã vội gì tính chuyện chồng con?
Hỏi thầy hỏi mẹ thì hơn,
Hỏi thêm làng xóm bà con đã nào!
Vốn đời hãy góp cho cao,
Của hồi môn nữa, thêm vào… cô ơi!
Dân ca                  

Mai sau anh có gặp người,
hơn người cũ, anh thời quên tôi
Mai sau anh có gặp người
Không bằng người cũ, anh thời nhớ tôi
Dân ca

Hồi tỉnh lại, tôi ngơ ngác một lúc không thể nhớ và hiểu việc gì đã xảy ra. Tôi thấy mình nằm trên giường, trong một gian phòng lạ, người mệt lả, Xavêlích cầm cây đèn nến đứng trước mặt. Có ai nhẹ nhàng nới lớp băng quấn quanh vai và ngực tôi. Dần dần tôi định thần lại. Tôi sực nhớ cuộc đấu kiếm và đoán rằng tôi đã bị thương. Lúc ấy cánh cửa kẹt mở, có tiếng thì thào: 
- Thế nào? Anh ấy ra sao rồi?
Giọng nói khiến tôi giật mình. 
Xavêlích thở dài đáp: 
- Vẫn cứ thế, vẫn cứ mê man, thế là đã đến năm ngày rồi còn gì. 
Tôi muốn trở mình, nhưng không được. 
- Tôi ở đâu thế này? Ai đấy? - tôi gượng gạo nói.
Maria Ivanốpna lại gần giường tôi và cúi xuống: 
- Thế nào? Anh có thấy đỡ không? - nàng hỏi. 
- Nhờ trời cũng đỡ, - tôi đáp, giọng yếu ớt. 
- Cám ơn Chúa! Trời ơi! Cậu Piốt Anđrêêvích! Cậu làm tôi sợ quá! Năm đêm năm ngày chứ có phải chuyện chơi đâu! 
Maria Ivanốpna ngắt lời bác Xavêlívch: 
- Đừng nói nhiều với anh ấy, bác ạ. Anh ấy hãy còn yếu. 
Nói đoạn, nàng lui ra và nhè nhẹ đóng cửa lại. Đầu óc của tôi cứ rối tung lên. Thế là tôi đang nằm trong nhà ông đồn trưởng. Maria Ivanốpna đã vào thăm tôi. Tôi muốn hỏi Xavêlích mấy câu, nhưng người lão bộc lắc đầu lia lịa và đưa tay bịt chặt lấy hai tai. Tôi hậm hực nhắm mắt lại và chẳng bao lâu thì ngủ thiếp đi.
Thức giấc, tôi cất tiếng gọi Xavêlích, nhưng lại thấy Maria Ivanốpna trước mặt tôi, tiếng nói trong trẻo của nàng chào hỏi tôi. Tôi không sao tả nổi cái cảm giác ngọt ngào nó tràn vào người tôi lúc ấy. Tôi cầm chặt lấy tay Maria Ivanốpna và nước mắt tôi trào ra ướt cả tay nàng. Maria Ivanốpna không rụt tay lại… Bỗng nhiên môi nàng chạm vào má tôi và tôi cảm thấy cái hôn nồng nàn và tươi mát của nàng. Một luồng lửa truyền khắp người tôi.
- Maria Ivanốpna, em đáng yêu quá, em tốt quá, em hãy trở thành vợ hiền của anh nhé, em đừng từ chối nhé, chỉ có em mới có thể đem lại hạnh phúc cho anh.
Maria Ivanốpna sực tỉnh. Nàng rút tay ra, nói: 
- Trời ơi, anh bình tĩnh lại. Anh hãy còn mệt nặng, vết thương có thể lại chảy máu ra. Anh hãy nương nhẹ lấy mình, dù chỉ để cho em đỡ khổ.
Nói đoạn nàng lui ra, để tôi nằm say sưa trong niềm hân hoan tột độ. Hạnh phúc đã làm tôi sống lại: Masa sẽ là của tôi! Nàng yêu tôi! Ý nghĩ này tràn ngập cả tâm hồn tôi.
Từ đấy, tôi bình phục rất nhanh chóng. Bác thợ cạo của trung đoàn chữa cho tôi, vì trong đồn không có ông thầy thuốc nào khác, và may thay bác ta chẳng làm khôn làm khéo gì. Sức trai trẻ và thiên nhiên đã làm cho tôi chóng bình phục lại. Cả nhà ông đồn trưởng đều lo lắng chăm sóc cho tôi. Maria Ivanốpna không rời tôi một bước. Dĩ nhiên hễ cứ có dịp thuận tiện là tôi lại tiếp tục câu chuyện tâm sự bị gián đoạn hôm trước, và Maria Ivanốpna đã chịu nghe tôi nói nhiều hơn. Không chút kiểu cách, nàng hồn nhiên thú thật với tôi rằng nàng yêu mến tôi chân thành, và nói rằng cha mẹ nàng nhất định sẽ vui mừng khi thấy nàng được hạnh phúc như thế này.
- Nhưng anh nghĩ cho kỹ đi anh ạ, - nàng nói thêm, - không biết về phía các cụ thân sinh của anh có trở ngại gì không?
Tôi suy nghĩ, thấy không chút hồ nghi gì về lòng thương của mẹ tôi, nhưng vốn biết tính tình và nếp suy nghĩ của cha tôi, tôi cảm thấy rằng cuộc tình duyên của tôi sẽ không làm cho người cảm động lắm và người sẽ cho rằng đó chỉ là một thứ tình cảm bông lông của tuổi thanh niên nông nổi. Tôi cứ thật tình nói với Maria Ivanốpna như vậy, nhưng cũng quyết định viết cho cha tôi một bức thư thật chân tình và hùng hồn, xin người cầu phước cho chúng tôi. Tôi cho Maria Ivanốpna xem: nàng đọc thấy bức thư hợp tình hợp lẽ, mà chân thành cảm động quá, nên tin chắc thế nào cũng được như ý và để mặc cho những tình cảm bồng bột trong trái tim dịu dàng của nàng lôi cuốn theo, với tất cả lòng tin cẩn của tình yêu và tuổi trẻ.
Với Svabrin thì tôi giảng hòa ngay từ những ngày đầu dưỡng bệnh. Ivan Kudơmích trách mắng tôi về cuộc đấu kiếm. Ông bảo tôi:
- Chao! Cậu Piốt Anđrêêvích! Lý ra tôi phạt giam cậu mới phải, nhưng thôi, như thế là cậu cũng đã bị trừng phạt rồi. Còn Alếchxây Ivanôvích thì tôi đang cho ngồi trong kho lúa mì có lính gác, gươm của ông ta thì bà Vaxilixa Êgôrốpna bỏ buồng khoá lại rồi. Để ông ta ngẫm nghĩ mà hối cải lại. 
Bây giờ tôi đang sung sướng quá, nên không thể nào giữ mối hiềm khích trong lòng được. Tôi xin tha cho Svabrin. Ông đồn trưởng tốt bụng ấy, sau khi được vợ chuẩn y, bèn quyết định thả anh ta ra. Svabrin đến thăm tôi, anh ta tỏ ý rất tiếc về những việc đã xảy ra giữa hai chúng tôi; anh ta thú nhận rằng mình hoàn toàn có lỗi và xin tôi quên cái dĩ vãng đó đi. Bản chất vốn không biết giận ai lâu, tôi thành thực tha thứ cho anh ta về câu chuyện xích mích và về vết thương mà anh ta đã gây nên. Tôi nghĩ rằng sở dĩ anh ta nói xấu Masa như vậy, chẳng qua cũng vì lòng tự ái bị tổn thương và tình yêu bị cự tuyệt, nên tôi rộng lượng tha thứ cho kẻ tình địch không may của tôi.
Chỉ ít lâu tôi đã khỏe hẳn và có thể trở về nhà riêng. Tôi nóng lòng chờ đợi thư trả lời của cha tôi, lòng lo âu, chưa dám hy vọng gì, và cố gắng kìm bớt những linh cảm đang rộn rịp trong lòng. Tôi chưa thưa chuyện với bà Vaxilixa Êgôrốpna và chồng bà; nhưng chắc lời cầu xin của tôi sẽ không làm họ ngạc nhiên. Tôi cũng như Masa Ivanốpna đều không có ý giấu giếm tình cảm của chúng tôi trước mặt hai ông bà và chúng tôi cũng đã thấy trước thế nào họ cũng bằng lòng. 
Cuối cùng một buổi sáng nọ, Xavêlích vào phòng tôi, tay cầm một phong thư; tôi run run cầm lấy. Địa chỉ ngoài bì là chữ cha tôi viết. Điều đó khiến tôi đoán trước rằng có việc gì quan trọng đây, vì thường thường thư gửi cho tôi là do mẹ tôi viết, còn cha tôi thì chỉ đề thêm mấy dòng chữ ở cuối thư thôi. Tôi mân mê phong bì một hồi lâu không dám bóc ra, cứ đọc đi đọc lại mãi mấy chữ đề bì trang trọng: “Gửi con trai tôi là Piốt Anđrêêvích Grinhốp ở tỉnh Ôrenburg, đồn Bêlôgorxcơ”. Tôi ngắm nghía nét chữ cố đoán xem tâm trạng cha tôi khi viết bức thư này ra sao; cuối cùng tôi mạnh dạn mở phong bì ra và ngay từ mấy dòng đầu, tôi đã thấy rõ rằng việc của tôi thế là hỏng hết. Nội dung bức thư như sau:

“Piốt con! Ngày 15 vừa rồi, cha mẹ đã tiếp được bức thư của mày gửi, trong đó mày có xin cha mẹ cầu phúc và cho mày kết hôn với con Maria Ivanốpna họ Mirônốp. Tao không những không cầu phúc và không hề có ý định ưng thuận mày, mà còn định đến tận nơi sửa cho mày một trận đích đáng như sửa một đứa trẻ ranh, bất chấp cái cấp bậc sĩ quan của mày, vì mày đã tỏ ra chưa xứng đáng được đeo kiếm. Thanh kiếm giao cho mày là để bảo vệ tổ quốc, chứ không phải để đi đánh nhau với những thứ du côn cùng một giuộc với mày. Tao sẽ viết ngay một bức thư cho Anđrây Karlôvích yêu cầu ông ta đuổi mày ra một nơi nào thật xa để cho mày qua khỏi cái cơn yêu đương ngu xuẩn của mày đi. Mẹ mày nghe mày đấu kiếm bị thương, buồn phiền quá sinh bệnh nay hãy còn phải nằm. Mai sau mày sẽ thành cái thứ gì? Tao cầu Chúa cho mày tu tỉnh lại, mặc dầu tao cũng không dám hy vọng rằng lòng thương cao cả của Chúa sẽ giúp mày. 
Bố của mày A.G.”

Đọc xong bức thư tôi thấy trong lòng rộn lên nhiều cảm xúc khác nhau. Những lời lẽ tàn nhẫn mà cha tôi dùng không tiếc trong bức thư làm tôi thấy nhục hết sức. Cái giọng khinh thị của cha tôi khi nhắc tới Maria Ivanốpna, tôi thấy là không được đứng đắn mà cũng rất bất công. Nghĩ đến việc phải đổi đi nơi khác tôi rất lo sợ; nhưng làm cho tôi buồn hơn cả là tin mẹ tôi ốm. Tôi căm giận Xavêlích vì tôi tin chắc rằng sở dĩ cha mẹ tôi biết chuyện tôi đấu kiếm là vì bác viết thư về mách. Đang đi đi lại lại trong gian phòng chật chội của tôi, tôi đứng phắt lại trước mặt Xavêlích và nghiêm nghị nhìn thẳng vào mặt bác, nói: 
- Vậy ra, tôi vì bác mà bị thương và suốt một tháng ròng dở sống dở chết như vậy mà hình như bác vẫn chưa vừa lòng, bác còn muốn cho mẹ tôi phải chết buồn chết phiền nữa kia.
Xavêlích choáng người đi như bị sét đánh. Bác suýt khóc òa lên:
- Thưa cậu, cậu nói gì vậy? Vì tôi mà cậu bị thương à? Có trời chứng giám, tôi chỉ muốn chạy đến lấy thân mà đỡ mũi kiếm của Alếchxây Ivanôvích cho cậu, chỉ vì cái tuổi già chết tiệt này mà tôi chạy không kịp. Thế còn cậu bảo tôi làm gì đến nỗi cụ bà phải buồn phiền? 
- Bác làm gì ấy à? - tôi đáp. - Ai khiến bác viết thư về mách lẻo chuyện tôi? Bác đi theo tôi để làm mật thám hay sao?
Xavêlích ứa nước mắt đáp: 
- Tôi ấy à? Tôi mà đi mách lẻo chuyện cậu à? Trời ơi! Vậy cậu thử đọc xem thư của cụ nhà viết cho tôi như thế nào, rồi cậu sẽ thấy tôi mách lẻo chuyện cậu ra sao.
Nói đoạn bác rút trong túi ra một bức thư, đưa cho tôi đọc. Bức thư viết:

“Đồ chó già, mày thật không biết xấu hổ, tao đã dặn mày thế nào mà mày lại không cho tao biết tí gì về con tao, để người dưng họ phải mách những chuyện tinh quái dại dột của nó. Mày làm tròn bổn phận và thừa hành ý chủ như vậy đấy hẳn, rồi tao cho mày đi chăn lợn cho mày biết tay, cái đồ chó già, cho mày bỏ cái thói giấu giếm sự thật và nuông chiều làm hư hỏng con tao. Tao ra lệnh cho mày hễ nhận được thư này thì lập tức phải phúc đáp, báo cho tao biết sức khỏe của nó bây giờ ra sao, nghe người ta bảo nó đã sắp khỏi, không biết có đúng không? Phải nói cho rõ nó bị thương ở chỗ nào, và người ta chạy chữa cho nó có chu đáo không”.

Rõ ràng là Xavêlích không có lỗi gì, và tôi trách móc nghi ngờ làm khổ bác ta như vậy thật là vô lý. Tôi xin bác tha lỗi, nhưng người lão bộc không sao nguôi được. Bác cứ ngồi nói đi nói lại: 
- Tôi sống đến bây giờ làm gì cho nó khổ thế này? Tôi hầu hạ các chúa đến bây giờ, các chúa ban thưởng cho tôi thế này đây. Tôi vừa là con chó già, vừa là thằng chăn lợn, vừa là kẻ làm cho cậu bị thương. Không đâu, cậu Piốt Anđrêêvích ạ! Lỗi có phải tại tôi đâu, tại cái me-xừ chết rấp kia cả, hắn dạy câu đâm dùi sắt với lại giẫm chân giẫm cẳng, làm như là đâm dùi với giẫm cẳng như thế thì khỏi bị người ác hãm hại không bằng! Thế mà cũng phải thuê lấy một me-xừ cho phí tiền ra!
Nhưng nếu vậy thì ai đã đảm đương cái việc báo cho cha tôi biết chuyện này? Tướng Anđrây Karlôvích ư? Nhưng ông ta hình như có đoái hoài gì đến tôi đâu; mà Ivan Kudơmích cũng không hề báo cáo gì về cuộc đấu kiếm ấy. Tôi cứ đoán xa đoán gần mãi mà vẫn không sao hiểu được. Những mối ngờ vực của tôi rốt cục dồn vào Svabrin. Chỉ có hắn mới có lợi trong việc tố giác chuyện này, vì làm như vậy có thể là tôi sẽ bị đổi đi nơi khác và đoạn tuyệt với gia đình ông đồn trưởng. Tôi đến nói rõ ngọn ngành cho Maria Ivanốpna nghe. Nàng đứng đợi tôi ở trước thềm. Thấy tôi đến, nàng nói:
- Anh làm sao thế? Anh xanh quá đi mất. 
- Hỏng hết rồi em ạ, - tôi đáp và trao bức thư của cha tôi cho nàng. 
Đến lượt nàng tái mặt đi. Đọc xong tay nàng run run trả lại bức thư cho tôi và giọng nàng run run nói: 
- Thôi, thế là số phận em không được… Các cụ nhà anh không muốn nhận em về làm dâu trong gia đình. Thôi, cũng là ý Chúa cả! Chúa biết rõ đường đi nước bước của ta hơn. Thôi chẳng còn biết làm thế nào nữa, anh Piốt Anđrêêvích, ít nhất, chỉ cầu mong sao cho anh được hạnh phúc… - Không thể như thế được! - tôi kêu lên, và nắm chặt lấy tay nàng. - Em yêu anh; anh sẵn sàng làm tất cả. Chúng mình sẽ đến quỳ xuống chân cha mẹ em; hai bác đều là người bình dị, hiền lành chứ không phải là những kẻ kiêu kỳ tàn nhẫn như ai… Cha mẹ em sẽ cầu phúc cho ta; chúng mình sẽ cưới nhau… Anh tin chắc rằng rồi đây anh cũng sẽ làm cha anh mủi lòng; mẹ anh sẽ bênh chúng mình; cha anh sẽ tha thứ cho chúng mình… Masa đáp: 
- Không được đâu anh ạ, cha mẹ anh mà không thuận thì em không thể lấy anh được, nếu không được cha mẹ ưng thuận không bao giờ anh có thể hạnh phúc. Thôi ta đành chịu cúi đầu vâng ý Chúa. Nếu mai sau anh có yêu người khác thì em cũng xin mừng cho anh, anh Piốt Anđrêêvích ạ, còn em thì em cũng xin cầu nguyện Chúa cho cả hai người… 
Nói đến đây nàng khóc và bỏ tôi đấy mà đi vào nhà, tôi muốn vào theo, nhưng cảm thấy mình không đủ sức tự chủ nữa, nên đành quay về.
Tôi đang ngồi suy nghĩ miên man, thì bỗng Xavêlích đến cắt đứt dòng tư tưởng của tôi. Bác đưa tôi một tờ giấy viết chi chít những chữ, nói:
- Thưa cậu đây, cậu thử xem tôi có phải là kẻ đi mách lẻo chuyện chủ không, và có phải là tôi muốn làm cho bố con xích mích với nhau không?
Tôi lấy tờ giấy xem: đó là bức thư của bác Xavêlích trả lời lại bức thư cha tôi gửi. Đây, nguyên văn bức thư như thế này:

“Kính gửi ngài Anđrây Pêtơrôvích 
cha hiền của chúng tôi! 
Tôi đã nhận được thư ngài. Trong thư ngài có lòng mắng kẻ nô bộc của ngài rằng sao dám trái lệnh chủ mà không biết xấu hổ, - còn như tôi đây thì không phải là đồ chó già, mà là người đày tớ trung thành của ngài xưa nay vẫn vâng lệnh chủ và luôn luôn một lòng một dạ hầu hạ ngài cho đến khi đầu râu tóc bạc như ngày nay. Sở dĩ tôi không dám viết để ngài tường việc cậu Piốtt Anđrêêvích bị thương là để ngài cùng phu nhân khỏi lo sợ, và quả nhiên bây giờ nghe nói bà nhà, mẹ chúng tôi là Ápđôchia Vaxiliépna cũng đã lo sợ quá mà sinh bệnh, và tôi xin cầu nguyện đức Chúa Trời cho bà nhà chóng khỏi. Còn như cậu Piốt Anđrêêvích thì bị thương phía dưới vai phải, ngay chỗ dưới cái xương đòn gánh, vết thương sâu độ sáu phân, phải nằm ở nhà ông đồn trưởng, vì chúng tôi đã khiêng cậu từ ngoài bờ sông về đấy, người chữa cho cậu là ông thợ cạo Xtêpan Paramônốp; và bây giờ thì nhờ trời cậu Piốt Anđrêêvích đã khỏe mạnh, có viết về cậu ta thì cũng toàn là những tin lành cả. Nghe nói các cấp chỉ huy đều hài lòng về cậu nhà, còn bà đồn trưởng thì coi cậu như con ruột vậy. Còn như xảy ra chuyện không may như thế, thì cũng chả nên trách cậu ấy làm gì. Ngựa đi bốn cẳng còn có khi vấp nữa là. Còn ngài có dạy rằng sẽ cho tôi đi chăn lợn, thì cũng xin tùy ý ngài. Đến đây xin kính cẩn cúi chào ngài.
Người nô bộc trung thành của ngài
Arkhíp Xavêlích”

Trong khi đọc bức thư phúc đáp của người lão bộc đáng mến ấy, tôi không khỏi mỉm cười mấy lần. Tôi thấy không đủ sức trả lời cho cha tôi; còn để cho mẹ tôi yên lòng thì bức thư của Xavêlích tôi thấy cũng đủ.  Từ dạo đó, tình cảnh của tôi thay đổi hẳn. Maria Ivanốpna hầu như không trò chuyện gì với tôi nữa và tìm đủ mọi cách để cố lánh mặt tôi. Nhà ông đồn trưởng đối với tôi đã trở thành một nơi rất khó chịu. Dần dần tôi đâm quen ngồi nhà một mình. Bà Vaxilixa Êgôrốpna lúc đầu còn trách móc tôi, nhưng sau thấy tôi cứ một mực như thế nên cũng đành để mặc. Ông Ivan Kudơmích thì tôi chỉ gặp khi nào công việc bắt buộc. Còn Svabrin thì tôi cũng ít khi gặp, mà có gặp cũng là bất đắc dĩ, hơn nữa, tôi nhận thấy hắn có ý ngấm ngầm thù tôi, nên những mối ngờ vực của tôi càng được xác nhận. Cảnh sống của tôi bấy giờ thật không sao chịu nổi. Tôi sinh ra lầm lì, suốt ngày nghĩ ngợi, cảnh cô độc như thế, tình yêu của tôi lại càng nồng nàn hơn, và mỗi ngày lại thêm giày vò tôi khổ sở. Tôi chẳng còn biết đọc sách làm thơ gì nữa. Tinh thần tôi sút kém. Tôi lo một là phát điên, hai là đâm ra chơi bời trụy lạc. Những biến cố đột ngột, có một ảnh hưởng quan trọng đến cả cuộc đời tôi bỗng đâu đến lay chuyển mạnh mẽ tâm hồn tôi, làm cho tôi trấn tĩnh lại.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét