Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 8)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương VIII

Khách không mời

Khách không mời mà đến 
Tệ hơn giặc Tác-ta. 
Tục ngữ.

Trên quảng trường không còn lấy một bóng người. Tôi vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ và không thể sắp lại những ý nghĩ đang rối bung lên trong đầu sau những ấn tượng khủng khiếp ấy.
Điều giày vò tôi hơn cả là không biết số phận Maria Ivanốpna ra sao. Nàng ở đâu? Có việc gì không? Có trốn kịp không? Trốn chỗ nào, có chắc chắn gì không?… Lòng tôi bồn chồn lo lắng, tôi đi vào nhà ông đồn trưởng… Trong nhà trống trải tan hoang, bàn ghế tủ hòm đều bị đập gãy, chén đĩa đều vỡ nát, đồ đạc vất đổ lổng chổng. Tôi leo lên chiếc cầu thang nhỏ dẫn tới gian phòng chính và lần đầu tiên trên đời tôi bước vào phòng ngủ của Maria Ivanốpna. Tôi trông thấy chiếc giường của nàng nằm bị bọn cướp xáo tung lên; chiếc tủ bị phá vỡ toang và đồ đạc bị vơ vét sạch; ngọn đèn thờ vẫn còn leo lét trước chiếc ki-vốt (ki-vốt - một thứ tủ thờ có đựng các ảnh thánh) trống rỗng. Cái gương treo ở một góc tường vẫn còn nguyên… Người con gái sống trong căn buồng trinh bạch này bây giờ ở đâu? Một ý nghĩ khủng khiếp vụt thoáng qua trí tôi. Tôi tưởng tượng nàng bị lọt vào tay bọn cướp… Lòng tôi như thắt lại… Tôi gục xuống khóc nức nở và cất tiếng gọi tên người yêu… Vừa lúc ấy, tôi chợt nghe một tiếng động nhỏ, và Palasca mặt xanh xao, run cầm cập từ sau tủ bước ra.
Chị ta trông thấy tôi liền chắp tay lại nói: 
- À, cậu Piốt Anđrêêvích, khiếp quá, thật là một ngày kinh khủng… 
Tôi sốt ruột hỏi: 
- Thế Maria Ivanốpna đâu? Maria Ivanốpna thế nào? 
- Cô tôi còn sống, - Palasca đáp. - Họ giấu cô ấy ở nhà bà Akulina Pamphilốpna rồi!
- Ở nhà bà cố đạo à! Trời ơi Pugatsốp đang ở đấy kia mà! 
Tôi lao ra khỏi phòng, vụt chồm ra ngoài đường và cắm cổ chạy một mạch đến nhà ông linh mục, mắt mờ đi không thấy gì nữa. Trong nhà vẳng ra những tiếng hò hét nói cười và những tiếng hát… Pugatsốp đang tiệc tùng với đồng bọn. Palasca cũng chạy theo tôi. Tôi bảo chị vào gọi nhỏ bà Akulina Pamphilốpna ra. Một phút sau bà cố đạo cầm một cái chai không bước ra phòng ngoài.
Tôi xúc động hỏi gấp: 
- Bà ơi! Maria Ivanốpna đâu? 
Bà cố đạo đáp: 
- Cô ấy đang nằm trong giường tôi, sau tấm vách ấy, chao ôi cậu Piốt Anđrêêvích ạ, suýt tí nữa thì chết cả, may mà tai qua nạn khỏi được, thật là hú vía: tên cướp mới ngồi xuống bàn tiệc thì Maria bỗng tỉnh dậy và rên lên mấy tiếng. Tôi rụng rời tay chân ra. Hắn nghe thấy tiếng rên, liền hỏi: “Này, ai rên ở trong ấy thế hở bà già?”. Tôi cúi rạp xuống chào tên tướng cướp nói: “Thưa ngài cháu gái tôi đấy ạ; nó ốm nằm hơn tuần lễ nay rồi đấy ạ”. “Thế cháu bà còn trẻ không?”. “Thưa ngài còn ít tuổi lắm ạ”. “Đâu ta xem cháu bà thế nào nào?”. Tim tôi đập đánh thót một cái, nhưng biết làm thế nào được. “Xin vâng ạ, có điều là cháu nó ốm không dậy ra chào ngài được”. “Không sao, ta vào ta xem cũng được”. Thế là hắn vào thật, cái lão chết tiệt ấy; cậu thử nghĩ xem! Hắn vén màn đưa đôi mắt diều hâu của hắn nhìn vào trong giường - thế mà chả sao cả… Lạy Chúa, cậu biết không, tôi với ông nhà tôi yên trí thế nào cũng chết như những kẻ tử vì đạo rồi đấy. May thay cô ấy không nhận ra tên cướp. Lạy Chúa, thật là một cơn khủng khiếp. Chao, tội nghiệp cho ông Ivan Kudơmích! Ai ngờ… lại bà Vaxilixa Êgôrốpna mà hắn lại tha cho cậu thế?… Còn Svabrin thì thế nào nhỉ? Hắn đã cắt tóc thành vòng tròn và bây giờ đang ngồi ăn tiệc với họ đấy. Thằng cha ấy tài thật, chứ không phải!… À, khi tôi nói Maria Ivanốpna là cháu gái tôi ấy mà, cậu biết không, hắn cứ nhìn tôi chòng chọc, mắt sắc như dao ấy, may mà hắn không tố giác gì cả, thôi cũng cảm ơn hắn.
Vừa lúc ấy các khách dự tiệc cất giọng lè nhè gọi mang thêm rượu. Tiếp đến nghe tiếng cha Ghêraxim gọi bà Akulina Pamphilốpna. Bà cố đạo cuống lên, nói:
- Cậu Piốt Anđrêêvích, thôi cậu về nhà đi, tôi bây giờ không hở tay ra được cậu ạ; bọn cướp đang đánh chén. Nhỡ không may mà cậu gặp phải một tên say rượu thì khốn to. Chào cậu. Thôi, ra sao thì ra; may ra thì Chúa còn thương tình không bỏ rơi ta. 
Bà cố đạo chạy vào. Tôi hơi yên tâm trở về nhà. Khi đi ngang qua quảng trường, tôi thấy mấy tên Baskirơ đang chen chúc quanh chiếc giá treo cổ lột ủng của mấy người bị xử giảo; tôi giận quá, đã toan liều sống mái với chúng, nhưng nghĩ mình làm như vậy vô ích nên lại thôi. Bọn cướp chạy khắp đồn cướp phá các nhà sĩ quan, khắp nơi đều vang lên tiếng reo hò của quân phiến loạn đang say rượu. Tôi về nhà, Xavêlích đang đứng ở ngưỡng cửa. Thấy tôi, bác ta reo lên: 
- Lạy Chúa! Thế mà tôi cứ tưởng bọn cướp lại bắt cậu nữa rồi. Chao ôi, cậu có biết không? Chúng nó vào nhà ta vơ vét sạch cả: áo quần, đồ đạc, chén đĩa gì nó cũng vơ tuốt. Nhưng thôi! Này, thế cậu có nhận ra tên a-ta-man (thủ lĩnh Cô-dắc) là ai không?
- Không, không nhận ra, bác ạ, nó là ai thế? 
- Thế nào? Cậu quên mất cái thằng cha say rượu, ăn vòi của cậu cái áo tu-lúp da thỏ ở quán trọ ấy rồi à? Cái áo thì hãy còn mới chứ có phải không đâu, thế mà nó cứ mặc bừa vào người, đứt cả chỉ ra!
Tôi hết sức kinh ngạc. Quả thật Pugatsốp giống người dẫn đường dạo trước một cách kỳ lạ. Tôi vỡ nhẽ ra rằng Pugatsốp với người đó chỉ là một, và hiểu rõ tại sao hắn lại tha chết cho tôi như vậy. Tôi không thể không lấy làm kinh dị về những sự việc mắc míu với nhau một cách thật kỳ lạ… Cái áo tu-lúp trẻ con mang cho người dẫn đường đã cứu tôi khỏi dây thòng lọng, còn gã say rượu lang thang khắp các quán trọ bây giờ lại đánh phá các thành lũy và làm rung chuyển cả nước. 
- Cậu ăn chút gì cậu nhé! - Xavêlích hỏi; bác ta thật là người có những tập quán bất di bất dịch. - Ở nhà chả có cái gì ăn cả. Để tôi đi mò xem có cái gì làm thức ăn không nhé.
Ngồi lại một mình tôi bắt đầu suy nghĩ miên man. Bây giờ tôi phải làm gì? Ở lại trong một cái đồn đã thuộc quyền quân giặc hay đi theo bọn chúng đều là những việc mà một người sĩ quan không thể làm được. Nghĩa vụ đòi hỏi tôi có mặt ở chỗ nào còn có thể giúp ích được cho Tổ quốc trong những hoàn cảnh nguy khốn hiện nay… Nhưng tình yêu lại cứ khuyên tôi ở lại bên Maria Ivanốpna để bênh vực che chở cho nàng. Mặc dù tôi đã thấy rằng hoàn cảnh chẳng bao lâu nữa nhất định sẽ thay đổi, tôi vẫn không thể không rùng mình khi nghĩ đến cái tình cảnh nguy hiểm của nàng.
Tôi đang suy nghĩ như vậy thì bỗng một người Cô-dắc đến báo rằng: “Đại vương ngài đòi ông đến”.
- Thế ông ta ở đâu? - tôi vừa hỏi vừa sửa soạn đi.
- Trong nhà ông đồn trưởng ấy, - người Cô-dắc đáp. - Sau khi dùng tiệc, vị cha chúng tôi tắm, bây giờ thì đang nghỉ ngơi. Này, quan ngài có biết không? Rõ ràng đức vua là một người phi thường: bữa vừa rồi, ngài có lòng xơi hết hai con lợn sữa rán, hơi nước của ngài tắm nóng đến nỗi Tarax Kurốtskin không chịu nổi, phải trao túm chổi bạch dương lại cho Phômca Bíchbaiép, rồi đi lấy nước lạnh xối lấy xối để. Thật vua chúa có khác, làm gì cũng đến là oai vệ. Còn đến lúc vào buồng tắm thì nghe ngài nói ngài có cho xem những dấu hiệu đế vương của ngài: trên ngực một bên có con đại bàng hai đầu, to bằng đồng xu năm, bên kia thì có hình đức ngài.
Tôi thấy không cần thiết phải cãi lại người Cô-dắc và cùng hắn đi đến nhà ông đồn trưởng, tưởng tượng trước cuộc gặp gỡ với Pugatsốp và cố đoán xem nó sẽ kết thúc ra sao. Độc giả chắc cũng đoán được rằng tôi không phải hoàn toàn dửng dưng trước cuộc gặp gỡ này. 
Trời đã nhá nhem tối. Tôi đến nhà ông đồn trưởng. Cái giá treo cổ và những người bị chết in bóng đen ngòm trông rất dễ sợ. Xác của bà đồn trưởng đáng thương vẫn còn sóng soài bên bậc thềm, bên cạnh có hai người Cô-dắc đứng canh. Người Cô-dắc dẫn tôi đi vào nhà trước để báo rằng tôi đã đến, rồi lập tức quay ra và đưa tôi vào căn phòng mà hôm qua tôi đã âu yếm từ biệt Maria Ivanốpna.
Trước mắt tôi, bày ra một quang cảnh rất kỳ dị. Bên cái bàn có trải khăn và đặt nhiều chai cốc, Pugatsốp và chín mười tên trùm Cô-dắc đang ngồi, đầu đội mũ chụp, mình mặc áo cánh thêu chỉ màu, mặt đỏ gay và mắt sáng long lanh. Xem ra họ đã uống rất nhiều rượu. Trong số họ không thấy có Svabrin, cũng không thấy viên đội Cô-dắc, là những tên phản bội mới nhập bọn. Pugatsốp trông thấy tôi liền nói:
- À, quan ngài đấy à? Mời ngài vào chơi, xin các ngài hãy kính trọng và nhường chỗ cho khách.
Những người kia ngồi dồn lại. Tôi im lặng ngồi xuống ở chỗ mé bàn. Ngồi bên cạnh tôi là một người Cô-dắc trẻ tuổi cao dong dỏng và đẹp trai, hắn rót cho tôi một cốc rượu nhỏ mà tôi không hề chạm tới. Tôi bắt đầu tò mò ngắm những người họp mặt. Pugatsốp ngồi ở chỗ danh dự, chống khuỷu tay lên bàn, nắm tay gân guốc đỡ lấy chòm râu đen. Nét mặt hắn đều đặn và khá dễ ưa, không lộ vẻ gì hung ác. Hắn hay quay lại nói với một người trạc độ năm mươi tuổi, gọi lão ta khi thì là bá tước, khi thì là Timôphêêvích và đôi khi lại tâng bốc lão lên làm bác. Mọi người đều ăn nói với nhau như những người bạn và không thấy tỏ vẻ gì tôn trọng đặc biệt vị chủ tướng của họ. Họ bàn tán về trận đánh đồn buổi sáng, về thắng lợi của cuộc nổi loạn và về những cuộc hành quân sau này. Mỗi người đều khoe khoang chiến công, trình bày ý mình và cãi lại Pugatsốp một cách tự do. Và chính trong buổi hội đồng quân sự dị kỳ này họ đã quyết định tiến đánh Ôrenburg: một cuộc hành quân táo bạo, suýt nữa thì thành công, gây cho quan quân một nguy cơ không thể lường được! Họ ấn định đến mai sẽ xuất phát. 
Pugatsốp nói:
- Thôi, anh em, trước khi đi ngủ ta hãy hát cái bài mà tôi ưa thích. Tsumacốp! [Tsumacốp Phêđo - một người Cô-dắc miền sông Iaích chỉ huy pháo binh trong quân đội Pugatsốp. Năm 1773 Tsumacốp 45 tuổi. Pugatsốp gọi y là bá tước Óoclốp. Về sau Tsumacốp là một trong những kẻ đã bắt nộp Pugatsốp cho nhà cầm quyền, nhờ đó mà y thoát khỏi mọi sự trừng phạt]! Bắt đầu đi! 
Người ngồi cạnh tôi cất giọng thanh thanh hát một bài hát buồn não ruột của những người kéo thuyền, và tất cả đều hòa giọng hát theo:

Hãy nín lặng hỡi rừng xanh yêu mến! 
Để cho ta, chàng tráng sĩ, trầm tư, 
Vì ngày mai ta đã phải giã từ 
Rừng yêu mến! Trước Nga hoàng ta sẽ tới. 
Và Nga hoàng uy nghiêm kia sẽ hỏi: 
Hãy nói đi đứa con đẻ của dân cày!
Người đã từng trộm cướp với những ai, 
Trong bọn ngươi có còn nhiều đồng đảng? 
Ta sẽ nói, hỡi Nga hoàng nghiêm khắc, 
Hết mọi điều trước mặt nhà ngươi!
Đồng đảng ta có cả thảy bốn người,
Người thứ nhất là đêm đen dày đặc 
Người thứ hai là lưỡi dao sáng quắc,
Người thứ ba: con tuấn mã kiêu hùng
Người thứ tư là chiếc nỏ dây cung 
Và sứ giả của ta ngàn mũi tên bịt sắt.
Và Nga hoàng uy nghiêm kia sẽ nói: 
Khá khen ngươi đứa con đẻ của dân cày 
Ngươi tài trộm cướp mà cũng tài đối đáp. 
Nên ta ban cho ngươi giữa cánh đồng xa tắp, 
Một lâu đài cao rộng thênh thang: 
Hai thanh dọc lại bắc một thanh ngang...

[Đây cũng chính là bài hát được nhắc tới trong thiên truyện “Đubrốpxki”. Trong bản thảo “Người con gái viên đại uý” bài hát này không được chép ra, mà chỉ ghi số trang trong “Toàn tập các bài dân ca Nga” (1780, phần I)]
Tôi không sao tả nổi cái ấn tượng mà bài dân ca này đã gây nên trong lòng tôi. Những lời ca về cái giá treo cổ đó lại là do những người sẽ làm mồi cho giá treo cổ hát lên. Những khuôn mặt dữ tợn, những giọng hát hài hòa của họ, cái điệu nhạc buồn man mác khiến cho lời ca đã có sức gợi cảm lại càng thêm có sức gợi cảm mạnh hơn, tất cả những cái đó truyền cho tôi một cảm giác kinh hoàng thật huyền bí.
Những người dự tiệc, uống thêm mỗi người một cốc rượu nữa, đoạn đứng dậy từ giã Pugatsốp ra về. Tôi định ra theo, nhưng Pugatsốp bảo tôi:
- Cứ ngồi đấy đã; ta muốn nói với anh một câu chuyện. 
Tôi ngồi lại một mình giáp mặt Pugatsốp. Cả hai im lặng một lát. Pugatsốp chăm chăm nhìn tôi, chốc chốc lại nheo con mắt bên trái, có vẻ giễu cợt và ranh mãnh lạ lùng. Cuối cùng Pugatsốp phá lên cười, tiếng cười vui vẻ một cách hồn nhiên đến nỗi tôi nhìn hắn rồi cũng phải bật cười theo, chẳng hiểu là cười cái gì. 
Pugatsốp nói:
- Thế nào, quan ngài? Lúc bọn trai tráng của ta tròng dây vào cổ, quan ngài hoảng lắm nhỉ… thôi nhận đi, chắc cũng hoảng thật; mắt đã thấy ông bà ông vải rồi đấy… Giá thử không có lão đày tớ thì quan ngài đã lủng lẳng trên giá treo cổ rồi. Ta nhận ra lão khọm già ngay. Sao, ngài có bao giờ nghĩ rằng người đã đưa ngài đến quán trọ lại chính là đức Hoàng đế? (Nói đến đây hắn làm ra vẻ trịnh trọng và bí mật). Ngươi rất có lỗi với ta, - Pugatsốp nói tiếp, - nhưng ta đã tha cho ngươi vì ngươi đã có lòng tốt giúp ta khi ta hãy còn phải trốn tránh kẻ thù. Rồi sau này ngươi sẽ thấy. Đến khi ta giành được cả nước rồi, thì ta sẽ tạ ơn ngươi hậu hơn nữa! Ngươi có hứa với ta là sẽ trung thành phụng sự ta không? 
Câu hỏi của tên tướng cướp bịp bợm và ý nghĩ láo xược của hắn khiến tôi không nhịn được cười khẩy. Thấy vậy, Pugatsốp cau mày hỏi:
- Ngươi cười cái gì? Hay ngươi không tin rằng ta là đức Hoàng đế? Trả lời thẳng thắn đi ta nghe!
Tôi lúng túng: nhận tên tướng cướp lang thang là đức vua thì tôi không thể nhận được, tôi thấy rằng đó là một việc hèn nhát không thể nào tha thứ. Mà nói thẳng ra rằng hắn là đồ bịp bợm thì chẳng khác gì đưa mình vào chỗ chết. Hồi sáng, khi đứng dưới giá treo cổ, trước mặt đám dân chúng đông đúc và trong khi công phẫn đến cực độ, tôi rất sẵn sàng đón lấy cái chết. Nhưng bây giờ mà làm như vậy thì chỉ là một lối liều mạng vô ích. Tôi do dự. Pugatsốp đợi tôi trả lời, vẻ mặt hằm hằm. Cuối cùng (và mãi cho đến nay tôi vẫn còn hài lòng mỗi khi nhớ lại phút ấy) tinh thần bổn phận trong lòng tôi đã thắng sự yếu đuối thường tình của con người. Tôi trả lời Pugatsốp:
- Ông hãy nghe đây; tôi sẽ nói tất cả sự thật cho ông nghe. Ông thử nghĩ xem tôi có thể nhận ông là đức vua được không? Ông là người biết nghĩ: nếu tôi nhận như vậy ông sẽ thấy rằng tôi nói dối. 
- Vậy thì theo ý ngươi ta là ai? 
- Chỉ có đức Chúa Trời biết ông là ai; nhưng dù ông là người thế nào chăng nữa thì việc ông đang làm cũng là một trò đùa nguy hiểm.
Pugatsốp đưa mắt nhìn tôi một cái rất nhanh.
- Thế ngươi không tin rằng ra là đức vua Piốt Phiôđôrôvích ư? Thôi được, tùy ngươi, nhưng chả nhẽ người dũng sĩ lại không thể thành công bao giờ sao? Ngày xưa, Grisa Ôtơrêpiép [Grisa Ôtơrêpiép - con trai một dòng họ quý tộc, tu sĩ của tu viện Tsuđốp ở Mátxcơva dưới tên hiệu là Grigôri, năm 1602 tự xưng là hoàng tử Đmitơri, con trai của Ivan Hung Đế tức Ivan IV (1530-1584) - đại công tước Nga từ 1533, hoàng đế Nga từ 1547. Được nhắc đến trong lịch sử dưới tên gọi là Đmitơri I - Người mạo danh, tay chân của tầng lớp lãnh chúa quý tộc nhỏ Ba Lan. Năm 1605, sau khi Bôrít Gôđunốp chết, đã làm lễ đăng quang ở Mátxcơva và chỉ sau 11 tháng (1606) thì bị các quý tộc mưu phản giết chết] chẳng đã lên ngôi là gì? Ngươi muốn nghĩ thế nào về ta thì nghĩ, nhưng hãy đi theo ta. Ngươi cần gì so đọ vua này hay vua khác? Vua nào mà chả là vua. Ngươi phụng sự ta cho trung thành ngay thẳng, rồi ra sẽ phong ngươi làm nguyên soái, làm quận công, ngươi nghĩ sao?
Tôi cứng cỏi đáp: 
- Không. Tôi là một người dòng dõi quý tộc; tôi đã tuyên thệ với đức Nữ hoàng: tôi không thể theo ông được. Nếu ông thật bụng muốn giúp tôi, ông hãy thả cho tôi về Ôrenburg.
Pugatsốp ngẫm nghĩ một lát, rồi nói: 
- Thế nếu ta thả cho ngươi đi, thì ít nhất ngươi cũng phải hứa với ta là sẽ không cầm vũ khí chống lại ta chứ.
Tôi đáp:
- Làm sao tôi có thể hứa với ông như vậy được? Chính ông cũng biết rằng cái đó có phải tự ý tôi quyết định được đâu. Nếu họ ra lệnh tôi đi đánh ông, tôi sẽ đi, không có cách nào khác. Bây giờ chính ông cũng là một cấp chỉ huy; chính ông cũng đòi hỏi quân lính của ông phục tòng mệnh lệnh. Khi quân đội đang cần đến tôi, mà tôi lại thoái thác, thì còn ra cái gì nữa. Tính mạng của tôi hiện ở trong tay ông; ông thả cho tôi đi, tôi xin cảm ơn ông, ông giết tôi, trời sẽ phán xét ông, còn tôi thì tôi đã nói thật với ông rồi đấy.
Lòng thành thực của tôi khiên Pugatsốp kinh ngạc. Hắn vỗ vai tôi nói: 
- Thôi cũng được. Đã giết là giết, đã tha là tha. Ngươi hãy đi khắp bốn phương trời, muốn làm gì thì làm. Mai hãy đến đây từ giã ta, còn bây giờ hãy về ngủ đi đã, ta cũng buồn ngủ lắm rồi. 
Tôi cáo từ Pugatsốp và ra đường. Đêm hôm ấy yên tĩnh và giá lạnh, vầng trăng và các vì sao lấp lánh chiếu sáng quảng trường và cái giá treo cổ. Trong đồn mọi vật đều yên tĩnh. Đèn đuốc đã tắt. Chỉ có trong quán rượu là còn ánh lửa. Ở đấy vẳng ra những tiếng reo hò của những khách chơi khuya. Tôi nhìn vào nhà ông cố đạo. Các cửa đều đóng kín, trong nhà mọi vật đều có vẻ yên tĩnh.
Tôi về nhà thì thấy Xavêlích đang sốt ruột đợi tôi về. Nghe nói tôi được thả cho đi tự do, Xavêlích mừng quýnh lên.
- Cám ơn Chúa, - bác vừa nói vừa làm dấu thánh giá, - hễ trời hửng sáng là ta rời khỏi đồn và cứ nhằm thẳng trước mặt mà đi. Tôi đã làm mấy món ăn cho cậu đây, cậu ăn đi một chút cậu ạ, rồi ngủ đi một giấc cho đến sáng, như nằm trên lòng Chúa Giêsu vậy.
Tôi vâng lời và sau khi ăn một bữa rất ngon lành, tôi nằm ra giữa sàn và ngủ thiếp đi, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét