Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 1)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Hãy giữ gìn danh dự
từ khi còn trẻ trung.
Châm ngôn

Chương I

Trung sĩ quân Cận Vệ

Vào cận vệ, nay mai thăng đại úy
Ồ, cần gì, được chiến đấu là hơn.
Ừ, phải đấy! Cho biết mùi binh sĩ…
Nhưng mà này, thế cha nó là ai?

Knhiagiơnhin

(Đề từ trích từ vở hài kịch “Tay khoác lác” của I.B. Knhiagiơnhin)


Cha tôi là Anđrây Pêtơrôvích Grinhốp, thời còn trai trẻ đã từng tòng ngũ dưới quyền bá tước Miních (Nguyên soái Miních B.K. (1683-1767) - nhà quân sự và nhà hoạt động xã hội, thống soái quân đội Nga. Sau cuộc đảo chính cung đình năm 1741 bị đày đi Xibiri, sống ở đó suốt hai mươi năm, sau được Piốt III đưa trở về kinh đô. Trong cuộc chính biến 1762, kết quả là Êkatêrina II đoạt được chính quyền, thời gian đầu Miních đứng về phía Piốt III. Ông già Grinhốp về hưu đúng vào lúc Miních thất thế năm 1741), và đến năm 17… thì về hưu với chức trung tá. Từ đấy, cha tôi sống ở làng quê miền Ximbiếcxcơ, làm bạn với mẹ tôi, tức bà Ápđôchia Vaxiliépna Iu., con một người quý tộc nghèo ở trong vùng. Chúng tôi cả thảy được chín anh chị em. Các anh các chị tôi đều mất từ khi còn bé.
Tôi hãy còn nằm trong bụng mẹ thì đã được ghi tên vào làm trung sĩ ở trung đoàn Xêmiônốpxki (Trung đoàn Xêmiônốpxki - một trung đoàn cận vệ. Từ thời Piốt I, quý tộc muốn được nhận cấp bậc sĩ quan thoạt đầu buộc phải làm lính trong các trung đoàn cận vệ. Để tránh luật lệ này, các ông bố đẻ đăng lính cho con mình vào một trung đoàn cận vệ nào đó từ lúc nhỏ, để đến lúc thực sự đến tuổi tòng ngũ chúng đã được cấp bậc sĩ quan), nhờ ơn quan thiếu tá cận vệ là công tước B., một người có họ gần với nhà tôi. Ví thử trái với lòng mong đợi của mọi người mà mẹ tôi lại sinh ra một đứa con gái, thì cha tôi sẽ thông báo cho những nơi có thẩm quyền hay rằng chàng trung sĩ kia không đến trình diện được vì đã từ trần, và câu chuyện đến đây ắt là hết. Từ khi lên năm, tôi được giao cho bác giám mã Xavêlích trông nom. Bác này vì hạnh kiểm tốt, không hay rượu nên được thăng chức lên làm gia sư của tôi (Tức là người gia nô chuyên coi sóc và dạy dỗ một đứa trẻ). Nhờ ông gia sư này chăm sóc, đến năm mười hai tuổi, tôi đã biết đọc biết viết chữ Nga, và đã có thể nhận xét một cách thành thạo về những cái hay cái dở của một con chó săn. Đến lúc này, cha tôi thuê cho tôi một ông thầy người Pháp gọi là me-xừ Bôprê. Người này được nhà tôi gửi đặt từ Mátxcơva về cùng với chỗ rượu vang và dầu ô-liu từ vùng Prôvanxơ để dành dùng quanh năm. Xavêlích thấy ông ta đến thì rất bực mình. Bác càu nhàu: “Lạy Chúa, đứa trẻ thế là cũng được ăn no, tắm rửa, chải chuốt sạch sẽ rồi, chứ còn gì. Việc gì phải tốn tiền vô ích đi thuê một me-xừ về, cứ như ở nhà không có người nữa ấy!”.
Bôprê khi ở Pháp làm nghề thợ cạo, sau đó thì đi lính sang Phổ, rồi sau lại sang Nga pour être outchitel (để làm thầy giáo - tiếng Pháp), tuy cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa của danh từ này cho lắm.
Bôprê là một con người cũng hiền lành, nhưng bông lông và phóng đãng hết chỗ nói. Nhược điểm chính của ông ta là quá ưa phái đẹp, nhiều khi vì quá si tình như vậy mà bị những trận đòn về nằm rên suốt mấy ngày liền. Ngoài ra (theo lối nói của ông ta) thì Bôprê cũng không phải là một kẻ thù của chai be, nghĩa là (nói theo lối Nga), rất thích quá chén. Nhưng vì ở nhà chỉ dọn rượu vang vào bữa ăn trưa, mà lại chỉ rót từng cốc nhỏ một, hơn nữa người hầu bàn lại thường lờ hẳn ông giáo, cho nên ông Bôprê của tôi chỉ ít lâu là quen với rượu mùi Nga, thậm chí lại đâm ra thích thứ rượu này hơn cả các thứ rượu nho ở nước nhà nữa là khác, vì rượu của Nga bổ dạ dày hơn không biết bao nhiêu mà kể. Bôprê với tôi lập tức thấy hợp nhau, và tuy cứ như trong giao kèo thì lẽ ra ông ta phải dạy tôi tiếng Pháp, tiếng Đức và tất cả mọi thứ khoa học, nhưng ông ta lại chỉ thích tôi bày cho dăm câu tiếng Nga nói lõm bõm, và sau đó thì mỗi người chúng tôi quay ra làm việc riêng của mình. Bôprê và tôi sống với nhau rất tâm đầu ý hợp. Tôi không hề ao ước có một ông thầy nào khác hơn là thế. Nhưng chẳng bao lâu số phận buộc chúng tôi phải xa nhau. Đầu đuôi như thế này.
Chị thợ giặt Palasca, một cô gái to béo, mặt rỗ, cùng chị chăn bò chột mắt là Acunca không biết làm sao mà như đồng tình cùng một lúc vào quỳ sụp xuống van lạy mẹ tôi, tự thú là đã quá yếu đuối mà thành tội lỗi, và khóc lóc than thở về nỗi me-xừ kia đã lạm dụng sự dại dột của họ mà quyến rũ họ. Mẹ tôi vốn không ưa đùa với những chuyện như thế, liền đem mách lại với cha tôi. Cha tôi xử trí rất nhanh và gọn. Người lập tức cho gọi cái tên Pháp chó chết ấy đến. Người nhà thưa rằng me-xừ đang dạy tôi học. Cha tôi liền đi vào phòng tôi. Lúc ấy, Bôprê đang nằm ngủ rất ngon lành trên giường. Tôi thì đang bận một công việc rất thú vị. Số là người ta có gửi mua cho tôi một bản địa đồ ở tận trên Mátxcơva mang về. Nó cứ nằm chết gí ở trên tường, không hề được dùng đến một mảy may, và đã từ lâu nó quyến rũ tôi vì tờ giấy rộng mà tốt quá. Tôi quyết định lấy bản địa đồ ấy làm diều và thừa khi Bôprê đang yên giấc, tôi liền khởi công. Cha tôi vào đúng cái lúc mà tôi đang dính cái đuôi diều vào chỗ mũi Hảo Vọng. Trông thấy tôi đang thực tập về địa lý như vậy, cha tôi liền xách tai tôi mấy cái, rồi chạy đến chỗ Bôprê nằm, lay ông ta dậy không chút nể nang và mắng cho ông ta một thôi một hồi. Bôprê trong cơn bàng hoàng muốn nhỏm dậy, nhưng không sao nhấc người lên được: ông thầy người Pháp bất hạnh ấy đang say bí tỉ. Thật là bảy tội, một đền. Cha tôi túm lấy cổ áo đuổi Bôprê ra khỏi nhà, khiến cho Xavêlích vui mừng không sao kể xiết. Việc dạy dỗ cho tôi đến đây là chấm dứt. Tôi sống như một thằng nhãi ranh, (Ám chỉ con nhà quý tộc vị thành niên. Từ 1782, sau khi vở hài kịch “Vị thành niên” của nhà viết kịch Nga Đ.I. Phônvidin được trình diễn, trong đó thói lười biếng, thô bỉ, ngu ngốc của bọn quý tộc nhãi nhép bị chế nhạo, thì danh từ danh từ này mang sắc thái khinh bỉ), đi đuổi bồ câu và chơi nhảy cừu với bọn trẻ, con cái những người nô bộc trong nhà. Thấm thoắt tôi đã được mười sáu tuổi. Đến đây thì cuộc đời tôi thay đổi hẳn.
Hồi ấy là vào mùa thu. Một hôm mẹ tôi đang ngồi trong phòng khách nấu mứt trộn mật, còn tôi thì liếm môi liếm mép lân la đứng xem những cái bọt tăm sủi lên trên nồi mật. Cha tôi ngồi cạnh cửa sổ đọc quyển “Niên lịch Triều đình” (“Niên lịch Triều đình” - một quyển lịch của Chính phủ in hàng năm, ngoài những thông báo lịch chung ra, trong đó có in cả danh sách các quan chức văn võ cao cấp, lịch trình các cuộc tiếp rước trong cung đình v.v. xuất bản từ năm 1735 đến năm 1917) mà hàng năm người vẫn nhận được. Quyển sách này bao giờ cũng có tác động rất mạnh đối với cha tôi: không bao giờ người đọc quyển ấy mà lại không bị nó lôi cuốn một cách đặc biệt, và hễ cứ mỗi lần đọc như vậy thì cha tôi lại cáu bẳn lạ thường. Mẹ tôi vốn thuộc lòng những tập quán và tính tình gàn dở của chồng, nên bao giờ cũng giấu quyển lịch này vào một chỗ thật kín. Thành thử nhiều khi cha tôi hàng mấy tháng không trông thấy mặt mũi quyển “Niên lịch Triều đình” đâu cả. Nhưng hễ khi nào tình cờ tìm thấy nó thì cha tôi hằng mấy tiếng đồng hồ không rời nó ra được. Hôm đó cha tôi đang đọc quyển “Niên lịch Triều đình”, thỉnh thoảng lại nhún vai lẩm bẩm: “Trung tướng à!… Thằng cha này hồi ở đại đội tao mới chỉ là trung sĩ chứ mấy!… Lại cả hai Huân chương Nga-la-tư (Tức hai huân chương cao nhất của nước Nga Sa hoàng: một là huân chương Anđrây Pervôdơvanưi, hai là huân chương Alếchxanđrơ Nhépxki, đặt ra vào thời Piốt I và Êkatêrina I) nữa!… Thì mới đây thôi chứ có lâu la gì đâu, mình vừa…”.
Cuối cùng cha tôi vất quyển lịch xuống đi-văng và bắt đầu suy nghĩ miên man, vẻ trầm ngâm chẳng báo hiệu một điều gì tốt lành cả. Bỗng người quay sang hỏi mẹ tôi:
- Bà Ápđôchia Vaxiliépna này, thế chứ thằng Piốt nhà ta mấy tuổi rồi nhỉ?
- Thế là gần được mười bảy tuổi rồi đấy, - mẹ tôi đáp. - Nó sinh đúng vào năm dì Naxtaxia Ghêraximốpna hỏng mất một mắt ấy mà, hồi ấy hãy còn…
Cha tôi ngắt lời:
- Được rồi, đã đến lúc nó nhập ngũ được rồi đấy! Nó quẩn quanh trong nhà với bọn hầu gái với leo chuồng bồ câu như thế cũng đủ rồi.
Nghĩ đến lúc sắp phải xa tôi, mẹ tôi xúc động đến nỗi buột tay đánh rơi cái thìa vào trong nồi mứt và nước mắt người trào ra ướt cả hai bên má. Ngược lại, nỗi lòng hân hoan của tôi thì khó lòng mà tả nổi. Trong trí óc tôi, tòng ngũ có nghĩa là được sống tự do, tha hồ vui chơi ở Pêterburg. Tôi tưởng tượng mình được làm sĩ quan cận vệ mà mừng quýnh lên; theo ý tôi thì đó quả là một điều diễm phúc tuyệt trần rồi vậy.
Cha tôi vẫn không thích thay đổi ý định mà cũng không thích chần chừ trong việc thi hành những ý định ấy. Ngày tôi lên đường đã được ấn định. Trước đấy một hôm, cha tôi có nói rằng người sẽ viết thư cho cấp trên tương lai của tôi và sai đưa giấy bút ra.
Mẹ tôi nói:
- Anđrây Pêtơrôvích, ông nhớ viết là tôi có lời gửi chào công tước B. nhé; ông viết hộ là tôi hy vọng rằng công tước sẽ không quên che chở cho thằng Piốt.
Cha tôi cau mày đáp:
- Chỉ vớ vẩn! Việc gì tôi lại phải viết thư cho công tước B?
- Thì ông vừa nói rằng ông định viết thư cho cấp trên thằng Piốt đấy thôi.
- Ừ, thì sao nào?
- Thì cấp trên của thằng Piốt là công tước B. chứ còn ai? Thằng Piốt chẳng đăng vào trung đoàn Xêmiônốpxki là gì?
- Đăng với chả đăng! Tôi cần cóc gì nó đăng hay không đăng? Thằng Piốt không đi Pêterburg. Tòng quân ở Pêterburg thì học được cái trò trống gì? Học tiêu tiền, học chơi bậy à? Không được! Phải cho nó vào đơn vị chiến đấu mà tập chịu khổ, nó phải ngửi lấy mùi thuốc súng. Nó phải trở thành một quân nhân, chứ không thể là thằng công tử bột. Đăng vào quân cận vệ! Hộ chiếu nó đâu, đưa đây xem nào.
Mẹ tôi đi lục tìm tờ hộ chiếu của tôi cất trong cái tráp cùng với chiếc áo lót tôi mặc hồi làm lễ rửa tội, rồi tay run run cầm đưa cho cha tôi. Cha tôi chăm chú đọc tờ hộ chiếu, xong đặt nó xuống bàn phía trước mặt và bắt đầu viết thư.
Lòng tò mò cứ day dứt khiến tôi đứng ngồi không yên. Nếu không đi Pêterburg thì còn đi đâu nữa cơ chứ? Tôi nhìn không rời mắt khỏi chiếc bút lông ngỗng của cha tôi đang chậm chạp đưa trên tờ giấy. Cuối cùng cha tôi đã viết xong. Người bỏ bức thư và tờ hộ chiếu vào trong một phong bì, niêm lại, tháo mục kỉnh, rồi gọi tôi lại bảo:
- Mày cầm bức thư này đưa cho ông Anđrây Karlôvích R. (Anđrây Karlôvích R. - người mẫu của nhân vật này là tướng Ivan Anđrêêvích Reinxđorphơ, thống lãnh quân sự vùng Ôrenburg những năm 1768-1781). Ông ấy là bạn đồng ngũ của tao đấy. Mày sẽ đi Ôrenburg mà tòng quân dưới quyền của Anđrây Karlôvích, nghe chưa?
Thế là tất cả những niềm hy vọng tốt đẹp của tôi đều đã sụp đổ tan tành. Như vậy tôi sẽ không được sống vui vẻ ở Pêterburg nữa, mà lại chỉ kéo lê cuộc đời tẻ ngắt ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Chỉ mới một phút trước đây thôi, tôi đang hân hoan nghĩ đến cuộc đời lính, thế mà bây giờ đối với tôi nó đã là một điều bất hạnh vô cùng. Nhưng chẳng còn biết ăn nói ra làm sao được nữa. Sớm hôm sau một cỗ xe ki-bít-ca trượt tuyết có mui, đi đường trường đã đỗ trước thềm. Người ta chuyển lên xe một chiếc va-li, một cái tráp đựng bộ đồ trà, và những chiếc khăn gói mấy chiếc bánh mì, bánh nướng, những di tích cuối cùng của sự nuông chiều trong gia đình êm ấm. Cha mẹ tôi làm dấu cầu phước cho tôi. Cha tôi bảo:
- Con đi đi nhé. Con phải phụng sự cho trung thành Đức vua mà con sẽ tuyên thệ; con phải tuân lệnh cấp trên; đừng có nịnh nọt, xin xỏ gì họ; đừng có xin thêm việc mà cũng đừng lẩn tránh công việc; phải nhớ lấy câu châm ngôn: “phải giữ gìn áo quần từ khi hãy còn mới, phải giữ gìn danh dự từ khi hãy còn trẻ trung”.
Mẹ tôi ứa nước mắt ra dặn tôi phải giữ gìn sức khỏe và dặn dò Xavêlích phải trông nom lấy tôi. Họ mặc cho tôi một chiếc áo lông tu-lúp bằng da thỏ, rồi quàng ra ngoài một chiếc áo su-ba bằng da cáo. Tôi ngồi lên xe ngựa với Xavêlích và chiếc xe lên đường trong khi tôi khóc như mưa như gió.
Ngay đêm hôm ấy tôi đã đến Ximbiếccơ. Tôi phải ghé lại đây một đêm một ngày để mua sắm các thứ cần dùng: việc mua sắm đó đã giao cả cho Xavêlích. Tôi ghé vào quán trọ. Từ sáng Xavêlích đã chạy khắp các cửa hàng. Ngồi mãi ở cửa sổ nhìn ra cái ngõ bẩn thỉu ở trước mặt cũng chán, tôi đứng dậy đi bách bộ khắp các phòng. Tôi vào phòng bi-a, thì thấy một người cao lớn, tuổi chừng băm nhăm, râu mép đen, mình mặc áo khoác, tay cầm chiếc gậy bi-a và mồm ngậm ống điếu. Ông ta đang đánh bi-a với người chấm điểm. Người này hễ cứ thắng thì được uống một cốc vốt-ca, còn hễ thua thì phải bò bốn cẳng chui qua bàn bi-a. Tôi đứng xem hai người đánh với nhau. Cuộc chơi càng kéo dài thì những cuộc du ngoạn bốn cẳng như thế càng diễn ra nhiều hơn, và rốt cuộc lão chấm điểm phải ngồi hẳn lại dưới bàn. Người kia nói mấy câu rất xẵng như để đọc điếu văn cho kẻ bại trận, rồi mời tôi chơi một ván. Tôi từ chối vì không biết chơi. Hình như ông ta rất lấy làm lạ về điều này. Ông ta nhìn tôi có vẻ thương hại; nhưng chúng tôi đã bắt chuyện. Tôi được biết rằng ông ta tên là Ivan Ivanôvích Durin, là đại úy trong trung đoàn khinh kỵ N., đến Ximbiếcxcơ để đón lính mộ và hiện nay đang nghỉ tại quán trọ này. Durin mời tôi đánh chén với ông mấy món qua quýt gọi là, theo kiểu con nhà lính. Tôi vui vẻ nhận lời. Hai chúng tôi ngồi vào bàn. Durin uống rất nhiều rượu và rót mời cả tôi cùng uống, nói rằng phải uống để làm quen trước với cuộc đời lính tráng; ông ta kể cho tôi nghe những mẩu giai thoại trong quân đội, làm tôi cứ ôm bụng cười lăn ra; khi chúng tôi ở bàn tiệc đứng dậy thì đã trở thành đôi bạn chí thân rồi. Đến đây, ông bạn tình nguyện dạy tôi đánh bi-a. Ông ta nói:
- Con nhà lính như chúng mình là cần phải biết chơi cái món này lắm đấy nhé. Trong khi hành quân chẳng hạn, có ghé vào một thôn ổ nào đấy, thì phỏng biết làm trò trống gì. Chả nhẽ cứ đi đánh đập bọn Do Thái mãi sao? Đằng nào rồi cũng phải vào quán rượu đánh bi-a thôi, mà muốn thế thì phải biết đánh đã mới được chứ!
Tôi nghe bùi tai quá, liền hết sức chăm chỉ bắt tay vào học. Durin khen lấy khen để, trầm trồ tỏ ý kinh ngạc không hiểu tại sao tôi lại tiến bộ nhanh chóng đến thế! Thế rồi sau mấy bài dạy, ông ta rủ tôi đánh ăn tiền, mỗi điểm nửa xu thôi, chậc! - chả phải cốt ăn thua gì, chỉ để cho nó khỏi suông thôi, theo ý ông ta thì chơi suông là một thói rất tệ. Tôi lại ưng thuận, Durin gọi rượu pun-sờ bảo tôi uống thử, nhắc lại rằng cần phải làm quen với đời lính thì mới được, ai lại không có pun-sờ thì có ra cái đời lính đâu nữa! Tôi liền nghe theo lời ông. Trong khi đó cuộc chơi của chúng tôi kéo dài. Tôi càng nhấp thêm rượu lại càng hăng tiết. Mấy hòn bi-a của tôi phút phút lại lăn mạnh quá băng ra ngoài thành bàn, tôi nổi nóng lên, gắt mắng người chấm điểm: cái thằng cha đếm điếc gì chả ra làm sao cả; chốc chốc tôi lại tăng số tiền đặt lên - nói tóm lại tôi hành động như một đứa trẻ vừa mới được tháo cũi sổ lồng. Trong khi đó, thời gian trôi qua rất nhanh mà tôi không hề để ý. Durin liếc nhìn đồng hồ, đặt chiếc gậy bi-a xuống và tuyên bố rằng tôi đã thua một trăm rúp. Tôi hơi lúng túng: tiền của tôi ở như Xavêlích giữ cả. Tôi đã toan xin lỗi, nhưng Durin ngắt lời:
- Không sao! Anh đừng lo gì cả. Tôi đợi một tí cũng không hề gì kia mà; còn bây giờ thì ta hẵng đến Arinusca một tí đã!
Biết làm thế nào được? Đầu ngày hôm ấy tôi hư đốn ra sao thì cuối ngày hôm ấy tôi cũng hư đốn như vậy. Chúng tôi ăn bữa tối ở nhà Arinusca. Durin cứ rót rượu liên hồi cho tôi, nói đi nói lại rằng phải tập làm quen với đời lính. Khi đứng dậy đi ra khỏi bàn, tôi cứ loạng choạng, chân bước không vững nữa… Đến nửa đêm, Durin dẫn tôi về quán trọ.
Xavêlích đứng chờ tôi ở bậc thềm. Khi thấy những dấu vết rành rành chứng tỏ tôi đã thiết tha với cuộc đời lính đến nhường nào, Xavêlích kêu ồ lên một tiếng và hỏi tôi, giọng thảm thiết:
- Làm sao thế hở cậu? Cậu đi chè chén tận những đâu mà đến nỗi thế này hở? Trời ơi là trời! Từ khi cha sinh mẹ đẻ thật chưa bao giờ đến nông nỗi này!
Tôi lè nhè đáp:
- Im đi, lão khọm già! Lão say rồi hẳn? Thôi đi ngủ đi… và dìu ta đi ngủ mấy!
Ngày hôm sau tôi thức dậy thì thấy đầu nhức buốt. Tôi ngồi thẫn thờ nhớ lại mang máng những việc đã xảy ra ngày hôm qua. Tôi đang suy nghĩ miên man như vậy thì Xavêlích bước vào, tay bưng một chén trà. Bác ta lắc đầu nói:
- Cậu bắt đầu chơi bời như vậy sớm quá đấy, cậu Piốt Anđrêêvích ạ, sớm quá đấy! Cậu giống tính ai thế? Cả cụ cố, cả cụ thân sinh ra cậu cũng không khi nào say rượu be bét ra như thế; còn mẹ cậu thì không nói làm gì: từ thuở bé, bà nhà không bao giờ uống thứ gì ngoài nước cvát. Thế thì tại ai mà bây giờ đến nông nỗi này? Tại cái me-xừ chết rấp kia cả. Cứ lâu lâu lại chạy đến phòng bà Antipiépna: “Madam, giơ vu pri, vốt-ca”. (thưa bà, tôi xin bà vốt-ca! - tiếng Pháp phiên âm trong nguyên văn). Đấy cậu thấy chưa, giơ vu pri là thế đấy! Hắn dạy cậu đã nhiều điều hay ho chưa, cái đồ chó đẻ ấy! Thế mà cũng cứ thuê cho được một tên dị đạo như vậy về làm thầy giáo, làm như ở nhà không có người nữa ấy!
Tôi thấy ngượng quá, bèn quay mặt đi và bảo Xavêlích:
- Thôi lão ra đi, tôi không muốn uống nước trà đâu.
Nhưng một khi Xavêlích đã bắt đầu giảng đạo như vậy, thì rất khó lòng mà ngăn bác lại.
- Đấy, cậu Piốt Anđrêêvích, cậu đã thấy chơi bời rồi nó thế nào chưa? Vừa nhức đầu này, lại thêm cái chả thiết ăn uống gì cả. Thằng người uống rượu thì còn ra cái gì nữa. Cậu uống lấy ít nước dưa chuột pha với mật nhé, hay tốt hơn cả là uống lấy nửa ly rượu ngâm quả là rã ngay đấy. Cậu thấy thế nào hở cậu Piốt?
Vừa lúc ấy một đứa bé đi vào và đưa cho tôi một mảnh giấy của I.I. Durin gửi. Tôi mở ra và đọc mấy dòng sau đây:

“Piốt Anđrêêvích dễ mến, anh gửi hộ cậu bé này mang về cho tôi 

số tiền một trăm rúp mà anh thua tôi ngày hôm qua. Tôi nay cần 

tiền lắm lắm.

Người sẵn sàng giúp đỡ anh.

Ivan Durin”.

Thôi, chả còn biết làm thế nào được nữa. Tôi làm ra vẻ thản nhiên như không và quay sang Xavêlích là người coi sóc tiền bạc, áo quần và công việc của tôi, (Một câu trong bài “Gửi các gia nhân” (1769) của Đ.I. Phôvidin), bảo bác đưa cho cậu bé một trăm rúp. Xavêlích ngạc nhiên hỏi:
- Sao? Để làm gì?
Tôi làm ra vẻ lãnh đạm nói:
- Tôi nợ người ta đấy mà.
- Nợ à, - Xavêlích càng sửng sốt, - mới đấy mà sao cậu đã kịp nợ hắn những ngần ấy? Vô lý!… Tùy cậu đấy, chứ tôi thì tôi không đưa tiền cho cậu đâu.
Tôi tự nhủ trong cái phút quyết liệt này mà không át giọng cho được lão già gan lỳ này thì về sau tôi sẽ khó lòng mà thoát khỏi ách kiềm chế của lão; thế là tôi vênh mặt lên kiêu căng nhìn lão, nói:
- Ta là chúa của lão, lão là đày tớ của ta. Tiền là tiền của ta. Ta đánh bạc thua, là vì ý ta muốn như thế. Còn lão thì ta khuyên lão đừng làm khôn làm khéo, người ta bảo gì thì cứ thế mà làm.
Nghe tôi nói, Xavêlích choáng người đi, chập tay lại trước ngực nghe đánh bộp một cái và đứng ngẩn người ra. Tôi quát:
- Sao còn đứng đực ra đấy hả?
Xavêlích òa lên khóc, bác cất giọng run run nói với tôi:
- Cậu đừng bắt lão phải chết buồn chết khổ. Cậu ơi, cậu nghe lời lão mấy, lão già rồi, lão biết: cậu viết giấy cho cái thằng ăn cướp kia, nói với hắn là hôm qua cậu đùa đấy thôi, chứ chúng ta không làm gì có ngần ấy tiền! Một trăm rúp à? Trời ơi là trời! Cậu cứ nói với hắn là các cụ nhà cấm ngặt cậu không được đánh chác gì, trừ phi đánh ăn hạt dẻ…
Tôi nghiêm nghị ngắt lời lão:
- Thôi đừng nói lải nhải nữa, đưa tiền đây, không thì ta tống cổ đi bây giờ!
Xavêlích đưa mắt nhìn tôi, vẻ buồn rầu vô hạn, và lủi thủi đi lấy tiền. Tôi thấy ái ngại cho ông già đáng thương; nhưng tôi lại muốn tháo cũi sổ lồng, và chứng tỏ rằng mình không phải là đứa trẻ con. Số tiền đã được gửi trả Durin. Xavêlích vội vàng đưa tôi đi cho khỏi cái quán trọ khốn nạn ấy. Tôi rời Ximbiếcxcơ, lặng thinh hối hận, không buồn chào ông thầy dạy “đời lính” nọ và tin rằng không bao giờ còn gặp lại ông ta nữa.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét