Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 10)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương X

Hãm thành

Khi đã chiếm núi cao đồng rộng 
Mắt chim ưng nhìn xuống thành này 
Sai quân đắp chiến lũy dày 
Đêm về kéo súng đặt ngay dưới thành. 
Khêraxkốp
[Đề từ trích trong anh hùng ca của M.Khêraxkốp “Rôxiađa” (1779) ca ngợi Ivan Hung bạo đánh chiếm thành Cadan]

Đến gần Ôrenburg, chúng gặp một toán tù khổ sai chân bị xiềng, đầu cạo trọc, mặt mày bị kìm kẹp của bọn đao phủ kéo cho sứt sẹo không còn ra mặt người nữa. Họ làm việc cạnh những hào lũy dưới sự kiểm soát của quân lính trong thành. Một số thì đẩy những chiếc xe cút-kít chở những rác rưởi ở dưới hào bốc lên; một số khác thì đào đất; trên luỹ thì những người thợ nề đang khiêng gạch đến chữa thành. Đến cổng thành lính canh bắt chúng tôi đứng lại hỏi giấy thông hành. Nhưng viên đội vừa nghe nói tôi ở đồn Bêlôgorxcơ lại, thì lập tức dẫn thẳng tôi vào nhà thiếu tướng.
Lúc bấy giờ ông ta đang ở ngoài vườn, xem xét những cây táo bị gió thu cuốn trụi lá, và cùng với ông lão làm vườn lấy rạ ấm cẩn thận ủ cho cây. Sắc mặt của ông lộ rõ vẻ điềm đạm, khỏe mạnh và hiền lành. Ông thấy tôi đến thì rất mừng và bắt đầu hỏi han về những việc khủng khiếp mà tôi đã được chứng kiến. Tôi kể lại cho ông ta nghe từ đầu đến cuối. Ông già nghe tôi rất chăm chú, trong khi đó tay vẫn cắt các cành khô bỏ đi. Khi tôi kể xong, ông nói:
- Tội nghiệp cho ông Mirônốp quá! Thật là một sĩ quan tốt. Còn ma-đam Mirônốp cũng là một người đàn bà rất tốt bụng, mà muối nấm thì không ai khéo bằng! Thế còn Maria, con gái ông đại úy thì sao?
Tôi đáp rằng Maria ở lại trong đồn với bà cố đạo. Thiếu tướng liền kêu lên:
- Ái chà chà! Hỏng, hỏng! Không thể nào tin vào kỷ luật của bọn cướp được. Cô bé tội nghiệp rồi sẽ ra sao?
Tôi đáp rằng từ đây đến đồn Bêlôgorxcơ cũng gần và có lẽ đại quan nhân nên cấp tốc cho quân đến giải phóng những người dân đáng thương đang ở trong đồn. Viên tướng lắc đầu có vẻ ngờ vực. Ông nói:
- Để xem đã, để xem đã. Xin mời vào nhà tôi uống chén trà; hôm nay ở nhà tôi có họp hội đồng quân sự. Anh có thể cung cấp cho chúng tôi những tài liệu chính xác về Pugatsốp và quân đội của hắn. Bây giờ thì anh hẵng đi nghỉ đi đã.
Tôi trở về gian nhà dành cho tôi ở. Xavêlích đã bắt đầu dọn dẹp soạn sửa như ở nhà. Tôi nóng lòng chờ đến giờ họp. Bạn đọc có thể dễ dàng hiểu rằng tôi có chết cũng phải cố đến dự cho kỳ được một buổi họp hội đồng có liên quan mật thiết đến vận mệnh của tôi như vậy. Đến giờ đã định tôi lập tức đến nhà thiếu tướng.
Ở đấy tôi gặp một lão viên chức địa phương. Tôi nhớ đấy là một viên giám đốc thuế quan thì phải. Đó là một lão già thấp bé, béo núc ních, mặt đỏ, mặc áo ca-phơ-tan bằng gấm bóng. Lão bắt đầu hỏi tôi về số phận ông Ivan Kudơmích, mà lão gọi là bạn đỡ đầu của lão, và luôn luôn ngắt lời tôi để chêm vào những câu hỏi bổ sung và những lời khuyên răn về luân lý. Lời lẽ của lão ta nếu không có gì chứng tỏ rằng lão là một người hiểu biết về việc quân cơ, thì ít nhất cũng lộ rõ ra rằng lão là người bản tính thông minh và có óc xét đoán. Trong khi đó những người được mời họp đã đến đông đủ. Trong số những người họp, ngoài thiếu tướng ra, không còn một quân nhân nào nữa. Khi mọi người đã yên vị và người nhà đã bưng ra cho mỗi người một chén nước trà, thiếu tướng liền trình bày tình hình hiện nay một cách khá rõ ràng và đầy đủ. Rồi ông nói tiếp:
- Thưa các ngài, bây giờ cần phải quyết định xem ta nên hành động như thế nào để chống lại quân phiến loạn: nên tấn công hay nên phòng thủ? Trong hai phương sách này thì phương sách nào cũng có phần lợi và phần bất lợi. Hành động theo phương sách tấn công thì có nhiều hy vọng tiêu diệt quân địch hơn; còn phòng thủ thì chắc chắn và an toàn hơn… Đấy, bây giờ ta bắt đầu thu thập ý kiến theo thứ tự thường lệ, tức là bắt đầu từ cấp thấp nhất trở lên. Thưa ngài chuẩn úy! - thiếu tướng quay về phía tôi nói. - Xin mời ngài cho chúng tôi biết ý kiến.
Tôi đứng dậy và sau khi vắn tắt mô tả Pugatsốp và bè đảng của hắn, tôi quả quyết nói rằng tên phiến loạn không thể nào chống lại một lực lượng vũ trang chính quy.
Bọn viên chức trong khi nghe ý kiến của tôi tỏ ý khó chịu rõ rệt. Họ cho rằng đó chỉ là một ý kiến bộp chộp và liều lĩnh của một thanh niên trẻ người non dạ. Họ xì xào phản đối, và tôi nghe rõ mồn một tiếng ai nói khẽ: thằng ranh con… Viên tướng quay sang phía tôi mỉm cười nói: “Thưa ngài chuẩn úy! Ở các hội đồng quân sự thì những ý kiến phát biểu đầu tiên thường thường là chủ trương hành quân tấn công; đó là một việc hợp lệ. Bây giờ ta sẽ tiếp tục lấy ý kiến. Thưa quan lục đẳng! Xin ngài cho biết ý kiến!”
Lão già thấp bé mặc áo ca-phơ-tan gấm trơn vội vàng uống chén trà thứ ba của lão, có pha thêm khá nhiều rượu rôm, rồi trả lời:
- Thưa đại quan nhân, tôi nghĩ rằng không nên tấn công, và cũng không nên phòng thủ.
Viên tướng ngạc nhiên hỏi: 
- Sao lại có thể như vậy được, thưa quan lục đẳng? Trong chiến thuật không có phương sách nào khác: chỉ có thể hành binh theo thế tấn công hay phòng thủ…
- Thưa đại quan nhân, ngài hãy hành binh theo thế mua chuộc. 
- E-hè-hè! Ý kiến của ngài thế mà hay đấy. Trong binh lược cũng có cho phép hành binh theo thế mua chuộc như vậy đấy, và chúng tôi sẽ xin nghe lời khuyên của ngài. Có thể treo giải thưởng cho ai lấy được đầu tên giặc… chừng bảy mươi rúp hay có thể đến một trăm rúp nữa là khác… trích trong quỹ chi tiêu bí mật… 
- Đấy cứ thế mà làm, - lão giám đốc thuế quan ngắt lời, - nếu bọn cướp mà không xiềng tay xích chân chủ tướng đem nộp cho ta thì tôi chỉ là một con cừu Kiếcghidia, chứ không phải là quan lục đẳng gì nữa.
- Ta sẽ bàn thêm và suy nghĩ thêm về việc này, - viên tướng đáp, - nhưng dù sao cũng cần thi hành cả những biện pháp quân sự nữa. Thưa ngài, xin ngài cho biết ý kiến theo thứ tự thường lệ.
Các ý kiến bàn đều chống lại ý kiến của tôi. Tất cả các viên chức đều nói rằng quân đội không được vững mạnh, rằng chưa chắc đã thu được thắng lợi, rằng cần phải thận trọng, vân vân. Mọi người đều cho rằng nên cố thủ trong thành, có đại bác, có tường đá bảo vệ, thì hơn là đem quân ra cầu may ở giữa chiến trường. Cuối cùng sau khi đã nghe hết ý kiến, viên tướng gõ gõ cái điếu cho tàn thuốc rơi ra, rồi đọc một bài diễn từ như sau:
- Thưa các ngài! Tôi cần phải tuyên bố để các ngài rõ rằng về phía tôi, tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của ngài chuẩn úy. Vì ý kiến này căn cứ trên những quy tắc chiến thuật rất đúng đắn. Một chiến thuật đúng đắn hầu như bao giờ cũng chủ trương hành quân tấn công hơn là chủ trương phòng thủ.
Đến đây ông ta ngừng lại và bắt đầu cho thuốc vào ống điếu. Lòng tự ái của tôi được một phen đắc chí. Tôi kiêu hãnh vênh mặt nhìn các viên chức đang thì thầm với nhau có vẻ bực mình và lo lắng.
- Nhưng, thưa các ngài, - viên tướng nói tiếp, sau khi thở phào một cái, nhả ra một đám khói thuốc dày đặc, - tôi không dám đảm đương lấy một trách nhiệm nặng nề như vậy, một khi đây là vấn đề an toàn của những tỉnh mà đức nữ hoàng ngài đã giao phó cho tôi. Cho nên tôi tán đồng ý kiến của số đông các ngài, tức ý kiến cho rằng hợp lý và chắc chắn hơn cả là ở trong thành đợi quân địch đến bao vây, rồi dùng hỏa lực của pháo binh tấn công quân địch và (nếu có thể) xuất kích để đánh lui quân địch.
Bây giờ đến lượt các ngài quan chức ngạo nghễ nhìn tôi. Hội đồng giải tán. Tôi không thể không lấy làm tiếc về sự nhu nhược của vị tướng già, đã đành chịu bỏ quan niệm của mình để theo hùa những kẻ chả có hiểu biết, kinh nghiệm gì về quân sự.
Mấy ngày sau cuộc họp hội đồng trứ danh này chúng tôi được biết rằng Pugatsốp, đúng như lời đã hứa, đang tiến quân đến gần Ôrenburg. Tôi đứng trên thành cao đã trông thấy quân phiến loạn ở phía xa. Tôi có cảm tưởng rằng quân số của họ đã tăng lên gấp mười kể từ trận đánh đồn vừa rồi mà tôi đã được chứng kiến. Họ có cả pháo binh, gồm những khẩu đại bác mà Pugatsốp lấy ở những đồn nhỏ đã chiếm được. Nhớ lại nghị quyết của buổi hội đồng hôm nọ, tôi đã thấy trước là thế nào cũng bị giam hãm trong thành Ôrenburg một thời gian và uất ức đến phát khóc lên được.
Tôi sẽ không kể lại cuộc vây hãm thành Ôrenburg, vì cái đó thuộc về sử học, chứ không thuộc phạm vi những bút ký gia phả như thế này. Tôi chỉ xin nói vắn tắt rằng cuộc vây hãm này vì sự thiếu thận trọng của nhà chức trách sở tại, đã làm cho dân cư vô cùng điêu đứng, họ đã phải chịu đựng nạn đói và đủ các thứ tai ương khác. Có thể dễ dàng tưởng tượng đời sống trong thành Ôrenburg cơ cực như thế nào. Mọi người đều chán ngán chờ xem số phận mình sẽ được định đoạt ra sao; ai cũng than phiền về nạn đắt đỏ kinh khủng trong thành phố. Dân cư đâm quen với những quả đại bác bay vào sân nhà họ; dần dần ngay đến những lượt tấn công của Pugatsốp người ta cũng không buồn tò mò chú ý đến nữa. Tôi buồn tưởng đến chết đi được. Thời gian trôi qua. Tôi không nhận được thư từ gì ở Bêlôgorxcơ gửi đến cả. Đường sá đều bị cắt hết. Cảnh sống xa Maria Ivanốpna đối với tôi thật không tài nào chịu nổi. Không được tin tức gì của nàng, tôi không biết số phận của nàng bây giờ ra sao, và điều đó giày vò tôi hết sức khổ sở. Cách giải trí duy nhất của tôi là cưỡi ngựa xuất kích. Nhờ Pugatsốp tôi đã có được một con ngựa tốt, cùng chia sẻ miếng ăn nghèo nàn với nó và hàng ngày cưỡi nó đi ra ngoài thành bắn nhau với kỵ binh của Pugatsốp. Trong những cuộc đọ súng như vậy ưu thế thường là về phía kỵ binh vốn no say của giặc và có ngựa tốt. Đội kỵ binh còm cõi của thành Ôrenburg không tài nào át giọng nổi. Đôi khi cả đội bộ binh ốm đói của chúng tôi cũng ra chiến trường; nhưng tuyết dày quá khiến họ không thể hành động có hiệu quả chống lại những kỵ binh xuất trận tản mạn của địch. Pháo đặt trên lũy bắn vu vơ chẳng trúng ai, còn ra giữa đồng thì súng lún sâu xuống tuyết kéo không nhúc nhích, vì ngựa đã kiệt sức cả. Tình hình chiến đấu của chúng tôi là như vậy đấy. Thế mà bọn quan chức ở Ôrenburg cứ gọi là thận trọng với hợp lý mãi!
Có lần không hiểu sao chúng tôi đánh tán loạn được một đội kỵ binh khá đông của địch và thúc ngựa đuổi theo. Tôi đuổi riết một người Cô-dắc tụt lại phía sau đồng đội. Tôi đã sẵn sàng vung thanh gươm Thổ Nhĩ Kỳ chém vào người hắn, thì bỗng hắn cất mũ chào, thét to: 
- Chào cậu Piốt Anđrêêvích! Cậu dạo này thế nào?
Tôi nhìn kỹ và nhận ra viên đội Mắcximích. Tôi mừng quá, bảo anh ta: 
- Chào anh Mắcximích, ở Bêlôgorxcơ đến đã lâu chưa thế?
- Mới đây thôi, cậu ạ, vừa mới trở về đây hôm qua. Tôi có một bức thư gửi cậu.
- Đâu? Đâu? - tôi cuống quýt hỏi, mặt nóng bừng lên. 
- Đây, - Mắcximích đáp, tay chỉ vào túi áo. - Tôi đã hứa với Palasca là thế nào cũng tìm cách trao cho cậu.
Nói đoạn Mắcximích đưa cho tôi một tờ giấy xếp nhỏ và lập tức phóng ngựa đi. Tôi run rẩy mở tờ giấy ra và hối hả đọc những dòng chữ sau đây:

“Ý Chúa đã định cho tôi phải mất cha mất mẹ. Bây giờ trên cõi đất này tôi không còn ai là họ hàng thân thích, không còn lấy người nào che chở. Tôi xin đến nương nhờ anh! Mắcximích có hứa với chúng tôi là sẽ trao thư cho anh. Palasca còn nghe Mắcximích thường trông thấy anh trong những trận xuất kích và anh chẳng nương nhẹ mình tí nào, không hề biết thương những người đang khóc hết nước mắt cầu Chúa phù hộ cho anh. Tôi bị ốm rất lâu; đến khi tôi khỏi, đến Alếchxây Ivanôvích Svabrin bây giờ làm đồn trưởng thay thầy tôi, liền đưa Pugatsốp ra dọa, bắt cha Ghêraxim phải trao tôi cho ông ta. Bây giờ tôi đang bị giam lỏng ở nhà thầy mẹ khi trước. Alếchxây Ivanôvích cứ ép uổng tôi lấy ông ta và bảo rằng ông ta đã cứu sống tôi vì đã không tố giác với Pugatsốp rằng tôi không phải là cháu gái bà Akulina Pamphilốpna như bà ấy nói. Nhưng tôi thì thà chết còn hơn chịu lấy một người như Alếchxây Ivanôvích. Ông ấy đối xử với tôi rất tàn ác và dọa tôi nếu không chịu nghĩ lại mà ưng thuận lấy ông ta, thì ông ta sẽ đem tôi lại cho tên tướng cướp, và tôi sẽ cùng chung số phận với Lidavêta Kharlôva. [Lidavêta Kharlôva - vợ của đồn trưởng đồn Nigiơnee Ôđêrô, thiếu tá Kharlốp, người đã bị Pugatsốp giết chết]. Tôi xin ông Alếchxây Ivanôvích cho tôi nghĩ kỹ thêm. Ông ấy bằng lòng đợi cho ba hôm nữa; còn đến sau ba hôm mà tôi vẫn không chịu thì không còn hòng thoát chết được nữa. Anh Piốt Anđrêêvích! Tôi chỉ còn biết nương nhờ vào anh nữa mà thôi, xin anh che chở cho người con gái đáng thương này. Anh hãy xin ông thiếu tướng và tất cả các chỉ huy sớm đem quân về cứu chúng tôi và nếu có thể xin anh cùng đến với chúng tôi. Tôi vẫn là đứa con gái mồ côi luôn kính mến anh.
Maria Mirônôva”.

Đọc xong bức thư tôi suýt phát điên lên. Tôi quay trở về thành, thúc con ngựa tội nghiệp của tôi một cách tàn nhẫn. Dọc đường tôi bới óc nghĩ mãi cách cứu thoát người con gái đáng thương mà không sao nghĩ ra được. Về đến thành, tôi đi thẳng đến nhà thiếu tướng và lập tức chạy vào phòng ông.
Viên tướng đang đi đi lại lại trong phòng hút thuốc trong một chiếc ống điếu bằng đá bọt. Thấy tôi vào, ông dừng lại, hình như dáng điệu của tôi làm cho ông kinh ngạc; ông liền ân cần hỏi tôi có việc gì mà đến tìm ông một cách vội vã như vậy. 
Tôi nói với thiếu tướng:
- Thưa đại quan nhân, tôi đến cầu xin ngài, như cầu xin cha đẻ của tôi; vì Chúa, xin ngài đừng từ chối lời cầu xin của tôi: đây là việc định đoạt hạnh phúc của cả đời tôi.
Viên tướng già kinh ngạc hỏi:
- Việc gì thế, anh? Tôi có thể giúp anh việc gì? Anh nói đi. 
- Thưa đại quan nhân, xin ngài ra lệnh giao cho tôi một đại đội bộ binh và năm mươi quân Cô-dắc, và cho tôi đến chiếm lại đồn Bêlôgorxcơ. 
Viên tướng nhìn tôi trừng trừng, hình như ông nghĩ rằng tôi phát điên rồi thì phải (mà nghĩ như vậy thì cũng chẳng sai là mấy). Cuối cùng ông mới nói: 
- Sao? Chiếm lại đồn Bêlôgorxcơ à? 
Tôi quả quyết trả lời: 
- Xin cam đoan là thế nào cũng thành công. Chỉ xin ngài cho tôi đi.
Viên tướng lắc đầu: 
- Không được đâu, anh bạn trẻ ạ. Với một khoảng cách xa như vậy địch quân sẽ dễ dàng cắt đứt đường giao thông của anh với địa điểm chiến lược chủ yếu và đánh bại anh hoàn toàn. Đường giao thông mà bị cắt thì… 
Tôi thấy ông ta bắt đầu say sưa giở lý thuyết quân sự ra như vậy, liền hoảng hốt ngắt lời:
- Người con gái của đại úy Mirônốp có viết thư cho tôi: cô ấy xin cứu viện; Svabrin bắt cô ấy phải lấy hắn.
- Thế à? Chà, cái thằng Svabrin này thật là một tên đại bợm, hắn mà lọt vào tay ta thì ta sẽ ra lệnh xử hắn trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ và sẽ đem bắn ở trên lũy thành! Nhưng hiện nay tạm thời hãy kiên nhẫn mà đợi…
Tôi không tự chủ được nữa, kêu lên: 
- Kiên nhẫn ư! Trong khi đó thì hắn lấy Maria Ivanốpna rồi còn gì!…
- Ồ, thế thì cũng chưa việc gì: tạm thời tốt hơn là cứ hẵng lấy Svabrin đã: hiện nay hắn có thể che chở cho cô ta; còn đến khi ta xử bắn hắn thì lúc đó nhờ trời sẽ tìm cho cô ta đám khác. Những cô quả phụ xinh xinh như thế chả bao giờ phải ở vậy mãi đâu; tức tôi muốn nói là đàn bà góa còn dễ kiếm chồng hơn là gái già nữa kia. 
Tôi như điên như dại thét lên:
- Thà chết còn hơn nhường Maria cho thằng Svabrin! 
- À chà chà chà chà! - viên tướng già nói. - Bây giờ thì tôi hiểu rồi: té ra là anh phải lòng cô Maria Ivanốpna. Ồ, thế thì lại là chuyện khác! Chà, tội nghiệp cậu bé! Nhưng tuy vậy tôi không thể nào cho anh một đại đội bộ binh và năm chục quân Cô-dắc. Hành quân như vậy rất không hợp lý; tôi không thể chịu trách nhiệm về việc này được.
Tôi gục đầu xuống, hoàn toàn tuyệt vọng. Bỗng nhiên một ý nghĩ vụt qua óc tôi. Ý nghĩ đó ra sao, độc giả xem hồi sau sẽ rõ, như các truyện xưa thường nói.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét