Alexandre Puskin
Người con gái viên đại úy
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Chương III
Đồn ải
Lính tôi trấn thủ lưu đồn
Bánh mì nước lã chén ròng quanh năm.
Hễ mà quân địch gian tham
Cả gan kéo đến ngó nhòm chi đây,
Thì ta cho chúng biết tay
Đạn kia đại bác ta thết loài sói lang.
Bài hát của binh sĩ
Toàn những người cổ lỗ cả thôi, cậu ạ.
Vị thành niên (Đề từ thứ nhất - bài ca binh sĩ - có lẽ do bản thân Puskin sáng tác ra. Đề từ thứ hai trích không thật đúng nguyên văn từ hài kịch “Vị thành niên” của Đ.I.Phônvidin)
Đồn Bêlôgorxcơ cách thành Ôrenburg bốn mươi véc-xta. Con đường men theo bờ sông Iaích dốc đứng. Sông chưa đóng băng, và dòng nước màu chì buồn bã trôi về xuôi thành một dải đen sì nổi rõ giữa đôi bờ phủ tuyết trắng kéo dài một cách đơn điệu.
Cuộc sống ở đồn ải ít có điều khiến tôi hứng thú. Tôi cố hình dung xem đại úy Mirônốp, thủ trưởng tương lai của tôi, là người như thế nào. Tôi tưởng tượng đó là một ông già nghiêm khắc, bẳn tính, ngoài nhiệm vụ ra không còn biết gì nữa và động một tí là ra lệnh phạt giam, bắt ăn bánh mì không với nước lã. Bây giờ trời đã bắt đầu xâm xẩm tối. Xe chúng tôi đi khá nhanh. Tôi hỏi người xà ích:
- Đến đồn còn xa không?
- Gần thôi, - anh ta đáp. - Đã trông thấy kia rồi.
Tôi nhìn tứ phía, chắc mẩm sẽ thấy những pháo đài, thành lũy và tháp canh uy nghiêm, nhưng mãi chẳng thấy gì, ngoài một thôn nhỏ, xung quanh có hàng rào ghép bằng những súc gỗ lớn. Ở một bên có dăm ba đống cỏ khô tuyết phủ gần kín; bên kia là một cái chòi xay gió xiêu vẹo, cánh quạt bằng thứ vỏ cây buông thõng xuống một cách lười biếng.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Đồn đâu?
- Đồn đấy thôi! - người đánh xe đáp, giơ tay chỉ khóm nhà, và vừa lúc đó xe chúng tôi đi vào thôn. Bên cổng đồn, tôi thấy một khẩu đại bác cũ kỹ bằng gang; đường đi trong làng thì chật chội và quanh co; các túp nhà gỗ thấp lụp xụp, phần lớn đều lợp rạ. Tôi bảo đánh xe đến gần nhà viên đồn trưởng, và một phút sau, chiếc xe ngựa đỗ trước một ngôi nhà gỗ cỏn con, dựng trên một khoảng đất cao cạnh ngôi nhà thờ cũng làm bằng gỗ.
Không có ai ra đón tôi cả. Tôi đi vào phòng đệm và mở cánh cửa dẫn vào phòng khách. Một người thương binh già ngồi bên bàn đang vá một miếng vải xanh vào khuỷu tay một chiếc áo quân phục màu xanh lá cây. Tôi yêu cầu lão vào báo là có tôi đến.
Người thương binh đáp:
- Cậu cứ vào đi, có nhà cả đấy.
Tôi bước vào một căn phòng sạch sẽ, bày biện theo lối cổ. Trong góc dựng một cái tủ đựng chén đĩa, trên tường có treo một cái bằng sĩ quan lắp khung kính; bên cạnh có những bức tranh in mộc bản tô màu lòe loẹt, vẽ lại trận đánh chiếm Kixtơrin và Ôtsakốp (Kixtơrin - một pháo đài của Phổ bị quân đội Nga vây năm 1758 trong cuộc Chiến tranh Bảy năm. Ôtsakốp là một pháo đài của Thổ Nhĩ Kỳ bị tướng Miních chiếm năm 1737), một cảnh kén vợ và một cảnh đám ma mèo (một bức tranh vẽ bầy chuột đem chôn con mèo, một trong những bức tranh mộc bản phổ biến nhất trong thế kỷ XVIII, có tính chất châm biếm). Bên cửa sổ có một bà già mặc áo bông chần đầu đội khăn ngồi quấn chỉ, một ông già chột mắt mặc áo khoác sĩ quan, dáng người nhỏ loắt choắt ngồi trước mặt, hai tay giơ ra căng chỉ cho bà kia quấn. Bà già hỏi tôi, tay vẫn tiếp tục quấn chỉ:
- Cậu đến có việc gì thế?
Tôi trả lời rằng tôi đến nhậm chức và y lệ đến trình diện với ngài đại úy; nói đoạn tôi định quay sang phía ông già chột mắt mà tôi tưởng là viên đồn trưởng, nhưng bà chủ liền ngắt lời tôi.
- Ivan Kudomích không có nhà; ông nhà tôi sang chơi bên nhà cha Ghêraxim rồi; nhưng chả sao cậu ạ, tôi là nội trợ nhà ông ấy đây. Xin cậu cứ tự nhiên. Cậu ngồi chơi đã.
Bà sai người đày tớ gái đi gọi viên đội Cô-dắc. Ông già chột đưa con mắt độc long nhìn tôi một cách tò mò. Ông ta nói:
- Xin được phép hỏi, trước đây ngài tòng ngũ ở trung đoàn nào?
Tôi trả lời là trung đoàn Xêmiônốpxki. Ông già hỏi tiếp:
- Thế tôi xin được phép hỏi, tại sao đang ở quân cận vệ ngài lại có lòng chuyển về đồn?
Tôi đáp rằng đó là ý muốn của cấp chỉ huy. Ông già tò mò lại hỏi:
- Chắc lại vì những hành vi không xứng đáng với một sĩ quan cận vệ chứ gì?
Nhưng bà đại úy vội nói:
- Thôi đừng có ba hoa nữa, ông không thấy cậu ấy đi đường mệt sao; cậu ấy hơi đâu mà chuyện trò vớ vẩn với ông… (giơ hai tay lên cho thẳng tí nào…). - Rồi bà quay sang tôi nói tiếp: - Còn cậu cũng đừng buồn phiền vì đưa đến chỗ đèo heo hút gió này. Cậu không phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là người cuối cùng. Ở lâu rồi cũng mến người mến cảnh. Đây có ông Alếchxây Ivanôvích Svabrin chuyển về đồn chúng tôi vì tội giết người đã năm năm nay. Có trời biết ma quỷ nào xui ông ta; chả hiểu sao ông ta với một ông trung úy nữa xách gươm ra ngoại thành rồi cứ thế mà đâm nhau túi bụi, ông Svabrin đâm chết ông trung úy kia, mà lại là trước mặt hai người làm chứng nữa! Nghiệp chướng nó xui ra thế thì chả còn biết làm thế nào!
Lúc đó viên đội bước vào phòng. Đó là một người Cô-dắc trẻ tuổi, dáng người vạm vỡ. Bà đại úy nói với anh ta:
- Mắcximích này. Tìm dọn cho ngài sĩ quan đây một căn nhà nhé, cho sạch sẽ vào đấy.
- Xin tuân lệnh, - viên đội đáp. - Để quan nhân ở nhà Ivan Pôlêgiaiép có được không ạ?
- Không được đâu. Ở nhà Pôlêgiaiép chật rồi; ông ta lại là bạn đỡ đầu của tôi và là người biết nể cấp trên. Anh đưa ngài sĩ quan… cậu tên là gì nhỉ? Piốt Anđrêêvích à?… Anh đưa ông Piốt Anđrêêvích đến nhà Xêmiôn Kudốp nhé. Thằng cha ấy hôm nọ thả ngựa chạy vào vườn rau nhà tôi, thật là đồ kẻ cắp. Thế nào, Mắcximích, công việc ổn cả đấy chứ?
Người Cô-dắc đáp:
- Nhờ trời cũng yên ổn cả đấy ạ; chỉ có ông cai Prôkhôrốp với cô Uxchinhia Nhegulina đánh nhau trong buồng tắm vì tranh nhau chậu nước nóng.
Bà đại úy nói với ông già chột mắt:
- Ông Ivan Ignatôvích này! Ông đi xử việc Prôkhôrốp với Uxchinhia xem ai phải ai trái đi nào. Rồi phạt cả hai đứa vào. Thôi, Mắcximích, anh đi đi, cậu Piốt Anđrêêvích, cậu đi với Mắcximích về nhà ở nhé.
Tôi cúi chào tạm biệt bà đại úy. Viên đội dẫn tôi vào một ngôi nhà gỗ đứng trên bờ sông cao chót vót ở sát mé đồn. Một nửa ngôi nhà thì gia đình Xêmiôn Kudốp ở, một nửa dành cho tôi. Nửa này gồm có một gian phòng cũng khá tươm tất, có một tấm liếp ngăn đôi ra. Xavêlích bắt tay vào dọn dẹp; tôi thì ngồi bên khung cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài. Trước mắt tôi là cảnh thảo nguyên buồn bã xa tắp. Chênh chếch một bên có mấy nếp nhà gỗ; ngoài đường có mấy con gà quanh quẩn đi ăn. Một bà già đứng trước thềm, tay cầm cái máng, lớn tiếng gọi lợn. Bầy lợn có vẻ mừng rỡ ụt ịt đáp lại. Đấy, cái nơi mà tôi phải sống qua thời thanh xuân là thế này đây! Tôi thấy buồn quá. Tôi rời khung cửa sổ và đi ngủ, không buồn ăn bữa tối, mặc dù Xavêlích cứ thuyết tôi mãi, luôn mồm kêu: “Trời đất! Chả chịu ăn uống gì cả. Nếu cậu bé sinh ốm thì biết ăn nói với cụ bà ra sao?”
Sáng hôm sau, tôi vừa mới bắt đầu mặc quần áo, thì cánh cửa phòng mở ra và một viên sĩ quan trẻ tuổi vóc người hơi thấp bước vào phòng tôi. Da mặt viên sĩ quan ngăm ngăm đen, nét mặt anh ta xấu, nhưng rất linh hoạt. Viên sĩ quan nói với tôi bằng tiếng Pháp:
- Tôi đến làm quen với anh một cách đường đột như thế này thật không phải, anh thứ lỗi cho nhé. Hôm qua tôi vừa nghe nói có anh đến, tôi nóng lòng muốn được thấy một cái mặt cho ra hồn người quá, thành ra cầm lòng không đặng. Anh ở đây ít lâu rồi sẽ hiểu tâm trạng đó.
Tôi đoán ra rằng đây là người sĩ quan bị trục xuất ra khỏi quân cận vệ vì tội đấu kiếm. Chúng tôi lập tức làm quen với nhau. Svabrin là người rất sắc sảo. Anh ta có lối nói chuyện rất dí dỏm và hấp dẫn. Anh ta hóm hỉnh nói cho tôi nghe về gia đình ông đồn trưởng, về những bạn bè hay đến chơi nhà anh ta và về cái xứ sở mà số phận đã run rủi cho tôi đến. Tôi đang cười như nắc nẻ thì cái lão thương binh hôm qua ngồi vá áo trong phòng khách nhà ông đồn trưởng đến bảo là bà đại úy Vaxilixa Êgôrốpna cho mời tôi đến ăn trưa. Svabrin tự nguyện đi với tôi.
Khi đến gần nhà đồn trưởng, chúng tôi thấy một cảnh rất trống, có hai mươi người lính già ốm yếu, tóc tết bím dài, đầu đội mũ ba góc. Họ đứng thành đội ngũ. Trước mặt họ là viên đồn trưởng, một ông già cao lớn, nhanh nhẹn, đội mũ chụp và mặc áo choàng bằng vải thô. Trông thấy chúng tôi, ông liền tiến gần, ôn tồn hỏi han mấy lời, rồi lại quay ra chỉ huy. Chúng tôi định đứng lại xem tập, nhưng ông ta bảo chúng tôi cứ đến nhà đã có bà Vaxilixa Êgôrốpna đấy rồi, còn ông sẽ về sau. “Chứ ở đây, - ông nói thêm, - chả có gì mà xem cả”.
Bà Vaxilixa Êgôrốpna tiếp chúng tôi một cách xuề xòa và niềm nở, bà đối với tôi như người đã quen thân từ lâu lắm. Người thương binh già và Palasca trải khăn dọn bàn. Bà đồn trưởng nói:
- Chà, ông Ivan Kudơmích nhà tôi sao hôm nay tập gì mà tập mãi thế không biết! Palasca! Đi mời ông chủ về ăn trưa nhé. Còn con Masa đâu rồi nhỉ?
Đến đây một người con gái tuổi chừng mười tám, khuôn mặt bầu bĩnh, hai má đỏ hồng, mái tóc màu hung nhạt chải trơn vắt ra sau hai tai đỏ ửng vì e thẹn. Thoạt trông tôi không thấy thích lắm. Số là vì tôi đã có thành kiến sẵn: Svabrin tả Masa, con gái viên đại úy, là một cô gái rất ngốc nghếch. Masa ngồi vào góc phòng và giở kim chỉ ra khâu. Trong khi đó, xúp bắp cải đã dọn ra. Bà Vaxilixa Êgôrốpna không thấy chồng đâu, lại cho Palasca đi gọi lần nữa: “Mày nói với ông ấy là khách người ta đợi, mà canh thì nguội hết; nhờ trời còn trẻ tráng gì mà để hò với hét, ai tranh mất phần đi đâu mà sợ!”.
Một lát sau, ông đại úy cùng về với ông già chột mắt. Vợ ông nói:
- Làm sao thế hở ông? Thức ăn dọn ra từ lâu mà gọi mãi ông chả chịu về.
- À, là tôi còn bận việc: đang tập lính mà.
- Thôi đi! Tập vừa vừa ấy chứ! Nói thế chứ lính ấy thì tập tành gì, mà ông thì cũng có biết quái gì đâu mà tập. Ngồi nhà mà cầu Chúa còn hơn. Thôi, xin mời các quý khách ngồi vào bàn cho.
Chúng tôi ngồi ăn trưa. Bà Vaxilixa Êgôrốpna không ngớt mồm lấy được một phút. Bà tới tấp hỏi tôi: cha mẹ tôi là ai, còn mạnh không, ở tỉnh nào, và của cải được bao lăm? Nghe nói cha tôi có ba trăm nông nô, bà trầm trồ:
- Ghê chưa! Sao lại có người giàu đến thế hở? Còn như “nông nô” nhà chúng tôi thì chỉ có một mình con Palasca đây thôi; nhưng nhờ trời sống cũng tàm tạm được. Chỉ phiền một nỗi là con Masa, ai lại con gái đến tuổi gả chồng rồi mà của hồi môn thì chỉ được một cái lược dày, một cái chổi với lại ba cô-pếch. Từng thứ ấy (lạy Chúa!) chỉ đủ để đi tắm là hết. May ra có tìm được người nào tốt bụng, chứ không thì đành ở vậy suốt đời thôi.
Tôi đưa mắt nhìn Masa, nàng đỏ mặt tía tai, nước mắt nhỏ giọt xuống đĩa ăn. Tôi thấy thương hại nàng và vội nói lảng sang chuyện khác. Tôi nói một câu chẳng ăn ý gì với chuyện đang bàn:
- Nghe nói bọn Baskirơ hình như đang định tiến đánh ta phải không ạ?
Ivan Kudơmích hỏi:
- Cậu nghe ai nói thế?
- Ở Ôrenburg người ta bảo thế, - tôi đáp.
- Chỉ vớ vẩn! Ở đây đã từ lâu chẳng nghe thấy gì. Người Baskirơ bây giờ khiếp vía rồi, mà người Kiếcghidia thì cũng đã biết thân biết phận. Chắc các chú chả dám bén mảng đến đây đâu; mà có bén mảng đến thì tôi cũng cho một mẻ kinh hồn, đến mười năm nữa cũng chẳng dám nho nhoe.
Tôi quay sang phía bà đại úy nói tiếp:
- Thế bà ở nơi đồn ải thế này mà không sợ nguy hiểm sao?
Bà đồn trưởng đáp:
- Quen đi thôi, cậu ạ. Hai mươi năm về trước, khi chúng tôi ở trung đoàn chuyển về đây, thì nói có trời đất, tôi cũng sợ cái quân tà giáo chết tiệt ấy lắm! Có khi hễ cứ thấy mấy cái mũ lông, hay nghe thấy chúng nó rít lên là hồn vía bay lên mây cả, cậu ạ! Nhưng bây giờ thì quen rồi, dù họ có bảo là bọn giặc đã ở ngoài đồn rồi, thì tôi cũng cứ bình chân như vại.
Svabrin làm ra vẻ trịnh trọng nói:
- Bà Vaxilixa Êgôrốpna là người rất cứng cỏi. Ông Ivan Kudơmích đây có thể xác nhận điều đó.
- Thật đấy, - Ivan Kudơmích nói, - cậu phải biết rằng bà nhà tôi không phải là thứ đàn bà dút dát đâu.
Tôi hỏi:
- Thế cô Maria Ivanốpna (Maria Ivanốpna là tên gọi đầy đủ của Masa, con gái đại uý Ivan Kudơmích Mirônốp) thì sao ạ, có can đảm như bà không ạ?
- Con Masa có can đảm không ấy à? - bà mẹ trả lời. - Không đâu, nó nhát gan lắm cậu ạ. Cho đến bây giờ nó cũng không nghe được tiếng súng bắn: cứ giật mình thon thót lên ấy. Năm kia, nhân ngày lễ thánh của tôi, ông Ivan Kudơmích tự nhiên bày chuyện đưa khẩu đại bác ra bắn, thế là con Masa nhà tôi sợ quá tưởng suýt chết kia đấy. Từ dạo ấy, chúng tôi chả bao giờ bắn khẩu đại bác chết tiệt ấy nữa.
Chúng tôi ăn xong đứng dậy. Hai vợ chồng ông đại úy đi nghỉ, còn tôi thì đến nhà Svabrin ngồi chơi với anh ta suốt buổi tối.
----------
Còn tiếp.
Cuộc sống ở đồn ải ít có điều khiến tôi hứng thú. Tôi cố hình dung xem đại úy Mirônốp, thủ trưởng tương lai của tôi, là người như thế nào. Tôi tưởng tượng đó là một ông già nghiêm khắc, bẳn tính, ngoài nhiệm vụ ra không còn biết gì nữa và động một tí là ra lệnh phạt giam, bắt ăn bánh mì không với nước lã. Bây giờ trời đã bắt đầu xâm xẩm tối. Xe chúng tôi đi khá nhanh. Tôi hỏi người xà ích:
- Đến đồn còn xa không?
- Gần thôi, - anh ta đáp. - Đã trông thấy kia rồi.
Tôi nhìn tứ phía, chắc mẩm sẽ thấy những pháo đài, thành lũy và tháp canh uy nghiêm, nhưng mãi chẳng thấy gì, ngoài một thôn nhỏ, xung quanh có hàng rào ghép bằng những súc gỗ lớn. Ở một bên có dăm ba đống cỏ khô tuyết phủ gần kín; bên kia là một cái chòi xay gió xiêu vẹo, cánh quạt bằng thứ vỏ cây buông thõng xuống một cách lười biếng.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Đồn đâu?
- Đồn đấy thôi! - người đánh xe đáp, giơ tay chỉ khóm nhà, và vừa lúc đó xe chúng tôi đi vào thôn. Bên cổng đồn, tôi thấy một khẩu đại bác cũ kỹ bằng gang; đường đi trong làng thì chật chội và quanh co; các túp nhà gỗ thấp lụp xụp, phần lớn đều lợp rạ. Tôi bảo đánh xe đến gần nhà viên đồn trưởng, và một phút sau, chiếc xe ngựa đỗ trước một ngôi nhà gỗ cỏn con, dựng trên một khoảng đất cao cạnh ngôi nhà thờ cũng làm bằng gỗ.
Không có ai ra đón tôi cả. Tôi đi vào phòng đệm và mở cánh cửa dẫn vào phòng khách. Một người thương binh già ngồi bên bàn đang vá một miếng vải xanh vào khuỷu tay một chiếc áo quân phục màu xanh lá cây. Tôi yêu cầu lão vào báo là có tôi đến.
Người thương binh đáp:
- Cậu cứ vào đi, có nhà cả đấy.
Tôi bước vào một căn phòng sạch sẽ, bày biện theo lối cổ. Trong góc dựng một cái tủ đựng chén đĩa, trên tường có treo một cái bằng sĩ quan lắp khung kính; bên cạnh có những bức tranh in mộc bản tô màu lòe loẹt, vẽ lại trận đánh chiếm Kixtơrin và Ôtsakốp (Kixtơrin - một pháo đài của Phổ bị quân đội Nga vây năm 1758 trong cuộc Chiến tranh Bảy năm. Ôtsakốp là một pháo đài của Thổ Nhĩ Kỳ bị tướng Miních chiếm năm 1737), một cảnh kén vợ và một cảnh đám ma mèo (một bức tranh vẽ bầy chuột đem chôn con mèo, một trong những bức tranh mộc bản phổ biến nhất trong thế kỷ XVIII, có tính chất châm biếm). Bên cửa sổ có một bà già mặc áo bông chần đầu đội khăn ngồi quấn chỉ, một ông già chột mắt mặc áo khoác sĩ quan, dáng người nhỏ loắt choắt ngồi trước mặt, hai tay giơ ra căng chỉ cho bà kia quấn. Bà già hỏi tôi, tay vẫn tiếp tục quấn chỉ:
- Cậu đến có việc gì thế?
Tôi trả lời rằng tôi đến nhậm chức và y lệ đến trình diện với ngài đại úy; nói đoạn tôi định quay sang phía ông già chột mắt mà tôi tưởng là viên đồn trưởng, nhưng bà chủ liền ngắt lời tôi.
- Ivan Kudomích không có nhà; ông nhà tôi sang chơi bên nhà cha Ghêraxim rồi; nhưng chả sao cậu ạ, tôi là nội trợ nhà ông ấy đây. Xin cậu cứ tự nhiên. Cậu ngồi chơi đã.
Bà sai người đày tớ gái đi gọi viên đội Cô-dắc. Ông già chột đưa con mắt độc long nhìn tôi một cách tò mò. Ông ta nói:
- Xin được phép hỏi, trước đây ngài tòng ngũ ở trung đoàn nào?
Tôi trả lời là trung đoàn Xêmiônốpxki. Ông già hỏi tiếp:
- Thế tôi xin được phép hỏi, tại sao đang ở quân cận vệ ngài lại có lòng chuyển về đồn?
Tôi đáp rằng đó là ý muốn của cấp chỉ huy. Ông già tò mò lại hỏi:
- Chắc lại vì những hành vi không xứng đáng với một sĩ quan cận vệ chứ gì?
Nhưng bà đại úy vội nói:
- Thôi đừng có ba hoa nữa, ông không thấy cậu ấy đi đường mệt sao; cậu ấy hơi đâu mà chuyện trò vớ vẩn với ông… (giơ hai tay lên cho thẳng tí nào…). - Rồi bà quay sang tôi nói tiếp: - Còn cậu cũng đừng buồn phiền vì đưa đến chỗ đèo heo hút gió này. Cậu không phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là người cuối cùng. Ở lâu rồi cũng mến người mến cảnh. Đây có ông Alếchxây Ivanôvích Svabrin chuyển về đồn chúng tôi vì tội giết người đã năm năm nay. Có trời biết ma quỷ nào xui ông ta; chả hiểu sao ông ta với một ông trung úy nữa xách gươm ra ngoại thành rồi cứ thế mà đâm nhau túi bụi, ông Svabrin đâm chết ông trung úy kia, mà lại là trước mặt hai người làm chứng nữa! Nghiệp chướng nó xui ra thế thì chả còn biết làm thế nào!
Lúc đó viên đội bước vào phòng. Đó là một người Cô-dắc trẻ tuổi, dáng người vạm vỡ. Bà đại úy nói với anh ta:
- Mắcximích này. Tìm dọn cho ngài sĩ quan đây một căn nhà nhé, cho sạch sẽ vào đấy.
- Xin tuân lệnh, - viên đội đáp. - Để quan nhân ở nhà Ivan Pôlêgiaiép có được không ạ?
- Không được đâu. Ở nhà Pôlêgiaiép chật rồi; ông ta lại là bạn đỡ đầu của tôi và là người biết nể cấp trên. Anh đưa ngài sĩ quan… cậu tên là gì nhỉ? Piốt Anđrêêvích à?… Anh đưa ông Piốt Anđrêêvích đến nhà Xêmiôn Kudốp nhé. Thằng cha ấy hôm nọ thả ngựa chạy vào vườn rau nhà tôi, thật là đồ kẻ cắp. Thế nào, Mắcximích, công việc ổn cả đấy chứ?
Người Cô-dắc đáp:
- Nhờ trời cũng yên ổn cả đấy ạ; chỉ có ông cai Prôkhôrốp với cô Uxchinhia Nhegulina đánh nhau trong buồng tắm vì tranh nhau chậu nước nóng.
Bà đại úy nói với ông già chột mắt:
- Ông Ivan Ignatôvích này! Ông đi xử việc Prôkhôrốp với Uxchinhia xem ai phải ai trái đi nào. Rồi phạt cả hai đứa vào. Thôi, Mắcximích, anh đi đi, cậu Piốt Anđrêêvích, cậu đi với Mắcximích về nhà ở nhé.
Tôi cúi chào tạm biệt bà đại úy. Viên đội dẫn tôi vào một ngôi nhà gỗ đứng trên bờ sông cao chót vót ở sát mé đồn. Một nửa ngôi nhà thì gia đình Xêmiôn Kudốp ở, một nửa dành cho tôi. Nửa này gồm có một gian phòng cũng khá tươm tất, có một tấm liếp ngăn đôi ra. Xavêlích bắt tay vào dọn dẹp; tôi thì ngồi bên khung cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài. Trước mắt tôi là cảnh thảo nguyên buồn bã xa tắp. Chênh chếch một bên có mấy nếp nhà gỗ; ngoài đường có mấy con gà quanh quẩn đi ăn. Một bà già đứng trước thềm, tay cầm cái máng, lớn tiếng gọi lợn. Bầy lợn có vẻ mừng rỡ ụt ịt đáp lại. Đấy, cái nơi mà tôi phải sống qua thời thanh xuân là thế này đây! Tôi thấy buồn quá. Tôi rời khung cửa sổ và đi ngủ, không buồn ăn bữa tối, mặc dù Xavêlích cứ thuyết tôi mãi, luôn mồm kêu: “Trời đất! Chả chịu ăn uống gì cả. Nếu cậu bé sinh ốm thì biết ăn nói với cụ bà ra sao?”
Sáng hôm sau, tôi vừa mới bắt đầu mặc quần áo, thì cánh cửa phòng mở ra và một viên sĩ quan trẻ tuổi vóc người hơi thấp bước vào phòng tôi. Da mặt viên sĩ quan ngăm ngăm đen, nét mặt anh ta xấu, nhưng rất linh hoạt. Viên sĩ quan nói với tôi bằng tiếng Pháp:
- Tôi đến làm quen với anh một cách đường đột như thế này thật không phải, anh thứ lỗi cho nhé. Hôm qua tôi vừa nghe nói có anh đến, tôi nóng lòng muốn được thấy một cái mặt cho ra hồn người quá, thành ra cầm lòng không đặng. Anh ở đây ít lâu rồi sẽ hiểu tâm trạng đó.
Tôi đoán ra rằng đây là người sĩ quan bị trục xuất ra khỏi quân cận vệ vì tội đấu kiếm. Chúng tôi lập tức làm quen với nhau. Svabrin là người rất sắc sảo. Anh ta có lối nói chuyện rất dí dỏm và hấp dẫn. Anh ta hóm hỉnh nói cho tôi nghe về gia đình ông đồn trưởng, về những bạn bè hay đến chơi nhà anh ta và về cái xứ sở mà số phận đã run rủi cho tôi đến. Tôi đang cười như nắc nẻ thì cái lão thương binh hôm qua ngồi vá áo trong phòng khách nhà ông đồn trưởng đến bảo là bà đại úy Vaxilixa Êgôrốpna cho mời tôi đến ăn trưa. Svabrin tự nguyện đi với tôi.
Khi đến gần nhà đồn trưởng, chúng tôi thấy một cảnh rất trống, có hai mươi người lính già ốm yếu, tóc tết bím dài, đầu đội mũ ba góc. Họ đứng thành đội ngũ. Trước mặt họ là viên đồn trưởng, một ông già cao lớn, nhanh nhẹn, đội mũ chụp và mặc áo choàng bằng vải thô. Trông thấy chúng tôi, ông liền tiến gần, ôn tồn hỏi han mấy lời, rồi lại quay ra chỉ huy. Chúng tôi định đứng lại xem tập, nhưng ông ta bảo chúng tôi cứ đến nhà đã có bà Vaxilixa Êgôrốpna đấy rồi, còn ông sẽ về sau. “Chứ ở đây, - ông nói thêm, - chả có gì mà xem cả”.
Bà Vaxilixa Êgôrốpna tiếp chúng tôi một cách xuề xòa và niềm nở, bà đối với tôi như người đã quen thân từ lâu lắm. Người thương binh già và Palasca trải khăn dọn bàn. Bà đồn trưởng nói:
- Chà, ông Ivan Kudơmích nhà tôi sao hôm nay tập gì mà tập mãi thế không biết! Palasca! Đi mời ông chủ về ăn trưa nhé. Còn con Masa đâu rồi nhỉ?
Đến đây một người con gái tuổi chừng mười tám, khuôn mặt bầu bĩnh, hai má đỏ hồng, mái tóc màu hung nhạt chải trơn vắt ra sau hai tai đỏ ửng vì e thẹn. Thoạt trông tôi không thấy thích lắm. Số là vì tôi đã có thành kiến sẵn: Svabrin tả Masa, con gái viên đại úy, là một cô gái rất ngốc nghếch. Masa ngồi vào góc phòng và giở kim chỉ ra khâu. Trong khi đó, xúp bắp cải đã dọn ra. Bà Vaxilixa Êgôrốpna không thấy chồng đâu, lại cho Palasca đi gọi lần nữa: “Mày nói với ông ấy là khách người ta đợi, mà canh thì nguội hết; nhờ trời còn trẻ tráng gì mà để hò với hét, ai tranh mất phần đi đâu mà sợ!”.
Một lát sau, ông đại úy cùng về với ông già chột mắt. Vợ ông nói:
- Làm sao thế hở ông? Thức ăn dọn ra từ lâu mà gọi mãi ông chả chịu về.
- À, là tôi còn bận việc: đang tập lính mà.
- Thôi đi! Tập vừa vừa ấy chứ! Nói thế chứ lính ấy thì tập tành gì, mà ông thì cũng có biết quái gì đâu mà tập. Ngồi nhà mà cầu Chúa còn hơn. Thôi, xin mời các quý khách ngồi vào bàn cho.
Chúng tôi ngồi ăn trưa. Bà Vaxilixa Êgôrốpna không ngớt mồm lấy được một phút. Bà tới tấp hỏi tôi: cha mẹ tôi là ai, còn mạnh không, ở tỉnh nào, và của cải được bao lăm? Nghe nói cha tôi có ba trăm nông nô, bà trầm trồ:
- Ghê chưa! Sao lại có người giàu đến thế hở? Còn như “nông nô” nhà chúng tôi thì chỉ có một mình con Palasca đây thôi; nhưng nhờ trời sống cũng tàm tạm được. Chỉ phiền một nỗi là con Masa, ai lại con gái đến tuổi gả chồng rồi mà của hồi môn thì chỉ được một cái lược dày, một cái chổi với lại ba cô-pếch. Từng thứ ấy (lạy Chúa!) chỉ đủ để đi tắm là hết. May ra có tìm được người nào tốt bụng, chứ không thì đành ở vậy suốt đời thôi.
Tôi đưa mắt nhìn Masa, nàng đỏ mặt tía tai, nước mắt nhỏ giọt xuống đĩa ăn. Tôi thấy thương hại nàng và vội nói lảng sang chuyện khác. Tôi nói một câu chẳng ăn ý gì với chuyện đang bàn:
- Nghe nói bọn Baskirơ hình như đang định tiến đánh ta phải không ạ?
Ivan Kudơmích hỏi:
- Cậu nghe ai nói thế?
- Ở Ôrenburg người ta bảo thế, - tôi đáp.
- Chỉ vớ vẩn! Ở đây đã từ lâu chẳng nghe thấy gì. Người Baskirơ bây giờ khiếp vía rồi, mà người Kiếcghidia thì cũng đã biết thân biết phận. Chắc các chú chả dám bén mảng đến đây đâu; mà có bén mảng đến thì tôi cũng cho một mẻ kinh hồn, đến mười năm nữa cũng chẳng dám nho nhoe.
Tôi quay sang phía bà đại úy nói tiếp:
- Thế bà ở nơi đồn ải thế này mà không sợ nguy hiểm sao?
Bà đồn trưởng đáp:
- Quen đi thôi, cậu ạ. Hai mươi năm về trước, khi chúng tôi ở trung đoàn chuyển về đây, thì nói có trời đất, tôi cũng sợ cái quân tà giáo chết tiệt ấy lắm! Có khi hễ cứ thấy mấy cái mũ lông, hay nghe thấy chúng nó rít lên là hồn vía bay lên mây cả, cậu ạ! Nhưng bây giờ thì quen rồi, dù họ có bảo là bọn giặc đã ở ngoài đồn rồi, thì tôi cũng cứ bình chân như vại.
Svabrin làm ra vẻ trịnh trọng nói:
- Bà Vaxilixa Êgôrốpna là người rất cứng cỏi. Ông Ivan Kudơmích đây có thể xác nhận điều đó.
- Thật đấy, - Ivan Kudơmích nói, - cậu phải biết rằng bà nhà tôi không phải là thứ đàn bà dút dát đâu.
Tôi hỏi:
- Thế cô Maria Ivanốpna (Maria Ivanốpna là tên gọi đầy đủ của Masa, con gái đại uý Ivan Kudơmích Mirônốp) thì sao ạ, có can đảm như bà không ạ?
- Con Masa có can đảm không ấy à? - bà mẹ trả lời. - Không đâu, nó nhát gan lắm cậu ạ. Cho đến bây giờ nó cũng không nghe được tiếng súng bắn: cứ giật mình thon thót lên ấy. Năm kia, nhân ngày lễ thánh của tôi, ông Ivan Kudơmích tự nhiên bày chuyện đưa khẩu đại bác ra bắn, thế là con Masa nhà tôi sợ quá tưởng suýt chết kia đấy. Từ dạo ấy, chúng tôi chả bao giờ bắn khẩu đại bác chết tiệt ấy nữa.
Chúng tôi ăn xong đứng dậy. Hai vợ chồng ông đại úy đi nghỉ, còn tôi thì đến nhà Svabrin ngồi chơi với anh ta suốt buổi tối.
----------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét