Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 4)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương IV

Đấu kiếm

Nếu đã vậy thì xin mời ngươi thủ thế
Mũi kiếm này sẽ đâm suốt ngực ngươi!
Knhiagiơnhin 

(Đề từ trích từ hài kịch “Những kẻ kỳ quặc” (1794) của I.B.Knhiagiơnhin)

Mấy tuần lễ trôi qua. Cuộc sống ở đồn Bêlôgorxcơ đối với tôi không những đã trở nên dễ chịu hơn mà lại có phần thích thú nữa.
Ở nhà ông đại úy tôi được tiếp đãi như bà con ruột thịt vậy. Hai vợ chồng ông ta đều là người rất tử tế. Ivan Kudơmích vốn là con của một người lính bình thường, lâu năm được thăng sĩ quan. Ông ta là người ít học thức, nhưng rất thật thà và tốt bụng. Vợ ông cai quản ông, và điều đó cũng rất dễ hiểu, vì tính ông vốn rất vô tư. Bà Vaxilixa Êgôrốpna thì việc quân cũng xem như việc nhà và coi sóc đồn lính này y như coi sóc việc nội trợ của mình vậy. Maria Ivanốpna thì chỉ ít lâu sau đã không còn bẽn lẽn với tôi như lúc đầu nữa. Chúng tôi làm quen với nhau. Tôi thấy nàng là một cô gái thông minh và giàu tình cảm. Dần dần tôi thấy gắn bó với gia đình này, ngay cả Ivan Ignatôvích, trung úy chột mắt tôi cũng sinh mến, mặc dầu Svabrin có nói với tôi rằng ông ta với bà Vaxilixa Êgôrốpna có tằng tịu gì với nhau, tôi không tin vì chuyện ấy vô lý quá.
Tôi đã nhận chức sĩ quan. Đời binh sĩ tôi không thấy khổ cực gì cho lắm. Trong cái đồn này, nhờ trời chẳng có điểm binh, tập dượt, canh gác gì cả. Ông đồn trưởng khi nào hứng chí lên cũng có tập lính, nhưng đến nay vẫn chưa dạy cho họ nhớ bên nào là bên phải, bên nào là bên trái, mặc dù nhiều người trong số họ, để khỏi nhầm, mỗi khi “đằng sau, quay!”, lại làm dấu thánh giá. Svabrin có một số sách tiếng Pháp. Tôi mượn đọc và bắt đầu thấy ham thích văn chương. Sáng nào tôi cũng đọc sách, tập dịch và đôi khi còn làm thơ nữa. Hầu như ngày nào tôi cũng ăn bữa trưa ở nhà ông đồn trưởng, và thường thường ở lại chơi suốt buổi chiều. Thỉnh thoảng cứ tối tối cha cố Ghêraxim cùng với vợ là bà Akulina Pamphilốpna lại đến chơi. Bà này là một người có tài kháo chuyện, biết nhiều tin nhất trong khắp vùng này. Svabrin thì dĩ nhiên hôm nào tôi cũng gặp, nhưng càng ngày tôi càng bớt ưa cái lối nói chuyện của anh ta. Hễ cứ nói đến gia đình ông đồn trưởng là anh ta lại cợt nhả làm cho tôi rất bực mình, nhất là anh ta hay có lối nói cạnh khóe, xỏ xiên đối với Maria Ivanốpna. Còn thì trong đồn, tôi chẳng biết giao du với ai nữa, mà tôi cũng chẳng biết giao thiệp với người nào khác. 
Mặc dù có những tin đồn dạo trước, người Baskirơ không hề thấy động tĩnh gì. Quanh đồn chúng tôi bốn bề đều yên tĩnh. Nhưng cuộc sống êm ả bỗng dưng bị một cuộc xích mích đến phá rối.
Vừa rồi tôi có nói rằng tôi có làm văn làm thơ. Đối với thời bấy giờ thì bước đầu thí nghiệm của tôi rất khả quan, và Alếchxănđrơ Pêtơrôvích Xumarôkốp mấy năm sau đã có lời khen rất mực. Có lần tôi viết được một bài tình ca nho nhỏ, và rất hài lòng về tác phẩm đó. Chắc các bạn cũng biết rằng các nhà thơ đôi khi làm ra vẻ muốn hỏi ý kiến phê bình, nhưng thực ra là muốn tìm người thưởng thức và khen thơ mình. Thế là, viết xong bài thơ nọ, tôi liền đem đến nhà Svabrin. Trong đồn này chỉ có anh ta là người có thể đánh giá được tác phẩm của một nhà thơ. Sau mấy lời nói đầu vắn tắt, tôi rút quyển vở nhỏ trong túi ra và đọc cho Svabrin nghe những dòng thơ sau đây:
Tình yêu ơi! Cho lòng ta yên tĩnh,
Muốn xua người ra khỏi đáy tim này,
Ôi Masa, bao ngày ta cố lánh
Để riêng lòng dang thẳng cánh tung bay…
Nhưng em ạ, có ngờ đâu đôi mắt,
Khóa thân tôi trong những cánh song tù.
Mắt ở nơi nơi, mắt ngời trước mặt,
Phút yên lành tan giữa lối thâm u.
Khi đã thấu mối tình anh nặng thế,
Hãy thương anh, em nhé, hỡi Masa!
Và khi thấy nơi xa này quạnh quẽ,
Anh bị em giam cầm mãi không tha. 
(Nguồn gốc của bài thơ đã được sửa chữa và rút ngắn đôi chút là ở “Toàn tập các bài dân ca Nga” của M.Tsuncốp, do nhà văn khai sáng N.Nôvicốp xuất bản, 1780, phần I).
- Cậu thấy thế nào? - tôi hỏi Svabrin, và chờ nghe những lời khen ngợi, vì tôi chắc chắn thế nào anh ta cũng phải khen tôi nhưng tôi thất vọng hết sức, khi thấy Svabrin thường ngày rất dễ tính, lúc bấy giờ lại dứt khoát nói rằng bài thơ của tôi rất dở. Tôi cố giấu nỗi bực mình, hỏi Svabrin: 
- Sao vậy?
- Vì những câu thơ như vậy rất xứng với ông thầy tôi là Vaxili Kirilôvích Tơrêđiakốpxki và rất giống cái loại tình ca của ông.
[Tơrêđiakốpxki Vaxili Kirilôvích (1703-1768) – nhà thơ, dịch giả và nhà lý luận văn học. Thơ của ông thường gợi lên ở những người đương thời một thái độ châm biếm không phải bao giờ cũng công bằng. Cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX tên tuổi Tơrêđiakốpxki là biểu tượng mọi cái hủ lậu trong văn học]
Nói đoạn, Svabrin cầm lấy quyển vở của tôi và bắt đầu phân tích không thương tiếc từng câu, từng chữ một, vừa phân tích vừa nhạo báng tôi một cách hết sức cay cú. Tôi không chịu được nữa, giật phắt quyển vở ra khỏi tay Svabrin và nói rằng từ nay không bao giờ thèm cho hắn ta xem thơ của tôi nữa. Svabrin lại chế nhạo luôn cả lời đe dọa này. Hắn nói:
- Để rồi xem cậu có giữ được lời hứa không? Làm thơ thì phải có người nghe, cái đó cũng cần như Ivan Kudơmích cần cút rượu trước khi ăn trưa vậy. Thế còn cái cô Masa mà cậu than vắn thở dài những chuyện yêu với đương ấy là ai vậy? Có phải là Maria Ivanốpna không? 
Tôi cau mày đáp:
- Cô Masa này là ai cũng không việc gì đến anh cả. Tôi không cần đến ý kiến của anh, mà cũng không thèm nghe những lời đoán mò của anh nữa.
- Ô hô! Thật là một nhà thơ giàu lòng tự ái, và là một anh si tình dút dát, - Svabrin tiếp tục chớt nhả khiến tôi càng thêm tức, - nhưng xin khuyên cậu một lời chân thành: nếu cậu muốn thành công thì tôi khuyên cậu đừng dùng cái lối thơ ca ấy. 
- Thế là nghĩa thế nào? Xin anh cứ nói rõ ra.
- Xin sẵn lòng. Như thế nghĩa là nếu cậu muốn cô Masa lén đến phòng cậu khi hoàng hôn xuống thì đừng có làm thơ tặng, mà nên tặng cô ta một đôi hoa tai thì hơn. 
Máu tôi sôi lên sùng sục. Tôi chật vật lắm mới kìm nổi lòng công phẫn: 
- Tại sao anh lại cho cô ấy là người như thế? - tôi hỏi. 
Svabrin cười gằn một tiếng nghe mà rợn cả người:
- À, vì tôi có kinh nghiệm bản thân về tập quán và hạnh kiểm của cô ta rồi. 
Tôi điên tiết quát lớn: 
- Đồ hèn mạt, mày nói dối! Mày nói dối một cách vô liêm sỉ hết sức.
Svabrin biến sắc, hắn nắm lấy cổ tay tôi nói: 
- Mày sẽ phải đền tội vì câu nói đó… Xin ngài định cho ngày đọ kiếm. 
- Rất sẵn sàng, lúc nào cũng được! - tôi đáp, trong bụng mừng khấp khởi. Lúc ấy tôi chỉ muốn phanh thây hắn ra.
Tôi lập tức đến gặp Ivan Ignatôvích, thì thấy ông ta tay cầm một cái kim xâu, bà đồn trưởng giao cho ông xâu nấm phơi để dành ăn mùa rét. Ông ta trông thấy tôi đến thì nói: 
- A! Piốt Anđrêêvích đấy à? Vào chơi! Xin được phép hỏi, cậu đến có việc gì thế?
Tôi trình bày vắn tắt với ông ta rằng tôi với Svabrin có chuyện xích mích và yêu cầu ông ta làm chứng cho tôi. Ivan Ignatôvích chăm chú nghe tôi nói, con mắt độc long giương lên nhìn tôi chằm chằm.
Ông ta nói: 
- Như vậy nghĩa là cậu muốn đâm thủng bụng ông Alếchxây Ivanôvích và muốn rằng tôi làm chứng cho cậu phải không? Xin được phép hỏi, có phải như thế không nào? 
- Đúng thế đấy!
- Thôi, tôi xin cậu! Cậu bày đặt ra làm gì những trò ấy? Cậu với ông Alếchxây Ivanôvích có cãi nhau à? To chuyện nhỉ? Chửi bới nhau thì cũng như nước đổ đầu vịt, Svabrin chửi cậu, cậu chửi lại Svabrin, hắn thụi cậu một quả vào mặt, cậu lại bớp hắn một bớp vào tai, rồi mỗi người đi mỗi ngả và chúng tôi sẽ hòa giải cho hai người. Còn cứ muốn đâm thủng ruột của kẻ đồng loại như thế thì xin hỏi: có hay ho gì không? Giả sử cậu đâm được Alếchxây Ivanôvích, ừ thì cũng còn khá, tôi cũng chẳng ưa gì anh ta, nhưng ví thử anh ta đâm thủng ruột cậu, thì có ra cái gì không nào? Xin hỏi: như vậy có ngốc hay là không?
Những lời bàn tán của ông trung úy biết điều ấy không làm tôi chùn bước. Tôi vẫn giữ vững ý định. Ivan Ignatôvích hỏi: 
- Thì tùy cậu đấy, muốn làm gì thì cứ làm. Còn việc gì phải đưa tôi ra làm chứng? Vì lẽ gì? Người ta đánh nhau thì xin hỏi có gì là lạ mà xem? Nhờ trời tôi cũng đã đi đánh nhau với quân Thụy Điển, với quân Thổ, xem đánh nhau cũng đủ lắm rồi.
Tôi bắt đầu ấp úng giảng giải cho ông ta hiểu nhiệm vụ người làm chứng là thế nào, nhưng Ivan Ignatôvích không sao hiểu được. Ông ta nói:
- Tùy cậu đấy, tôi mà có nhúng tay vào việc này, thì chẳng qua cũng là đến báo cáo với Ivan Kudơmích rằng trong đồn đang có người định âm mưu làm việc bậy bạ trái với quyền lợi của nhà nước: xin ngài đồn trưởng cho thi hành những biện pháp thích đáng… 
Tôi đâm hoảng và van lơn Ivan Ignatôvích đừng nói gì với ông đồn trưởng; tôi cứ khẩn khoản ông ta mãi; cuối cùng ông ta quả quyết hứa với tôi là sẽ không nói gì, tôi mới dám ra về.
Tối hôm ấy, theo lệ thường, tôi cũng đến ngồi chơi nhà ông đại úy. Tôi cố gắng làm ra vẻ thản nhiên và vui vẻ để đừng khiến ai nghi ngờ gì và tránh những câu hỏi rầy rà; nhưng cũng xin thú thật rằng tôi không có được cái dửng dưng mà hầu hết những kẻ đang ở trong tình cảnh của tôi thường tự khoe là mình có được. Tối hôm đó tôi thấy cần âu yếm và dịu dàng. Tôi thấy quyến luyến Maria Ivanốpna hơn mọi hôm. Tôi nghĩ rằng có lẽ là lần cuối cùng tôi được gặp nàng, tôi thấy nàng có thêm một cái gì làm cho tôi rất cảm động. Một lát sau, Svabrin cũng đến. Tôi kéo hắn ra một góc và cho hắn biết câu chuyện giữa tôi với Ivan Ignatôvích. Svabrin đáp xẵng:
- Việc gì phải người làm chứng? Không có cũng chẳng sao cả. 
Chúng tôi thỏa thuận đấu kiếm sau mấy đống rạ gần đồn và hẹn nhau đến sáng hôm sau sẽ đến đấy. Hình như chúng tôi nói chuyện với nhau có vẻ thân mật lắm thì phải, vì Ivan Ignatôvích mừng quá đâm ra ba hoa suýt nữa thì lộ chuyện, ông ta có vẻ rất hài lòng nói với tôi: 
- Thế có phải hơn không? Một điều nhịn chín điều lành mà. Nhịn nhục một tí mà sống khỏe mạnh có hơn không? 
Bà đại úy bấy giờ đang ngồi bói bài ở góc phòng, nghe nói liền hỏi:
- Cái gì, cái gì thế hở ông Ivan Ignatôvích? Tôi chả nghe gì cả. 
Ivan Ignatôvích thấy tôi có vẻ không bằng lòng và sực nhớ lời hứa ban sáng, đâm ra luống cuống không biết trả lời ra sao cả. Svabrin vội đỡ lời:
- Ông Ivan Ignatôvích ông ấy mừng chúng tôi làm lành với nhau đấy ạ. 
- Thế cậu có chuyện xích mích với ai? 
- Tôi với Piốt Anđrêêvích có chuyện xích mích khá lớn đấy ạ. 
- Việc gì thế?
- Vì một chuyện không đâu: vì một bài thơ thôi, Vaxilixa Êgôrốpna ạ. 
- Thế mà cũng cãi nhau được! Vì một bài thơ, mà cũng… nhưng đầu đuôi thế nào? 
- Thì có gì đâu: Piốt Anđrêêvích có làm một bài thơ, sáng nay đem ra đọc cho tôi nghe, thì tôi lại giở cái bài của tôi ra: 
Hỡi cô con gái ông đại úy
Đêm hôm khuya khoắt chớ đi chơi (24)…
Thế là đâm ra gây gổ nhau. Piốt Anđrêêvích suýt giận tôi, nhưng sau anh ta nghĩ lại, thấy rằng ai ngâm nga gì thì cứ ngâm. Thế là hết chuyện.
Lối ăn nói trâng tráo của Svabrin suýt làm tôi điên tiết lên; nhưng ngoài tôi ra, không ai hiểu những lời nói cạnh khóe của hắn; hoặc giả chẳng có ai để ý cả. Câu chuyện đang từ thơ ca lại chuyển sang các thi sĩ và ông đồn trưởng nhận xét rằng bọn họ đều là những tay bê tha trụy lạc rượu chè be bét và ôn tồn khuyên tôi đừng nên làm thơ, vì cái đó trái với sinh hoạt quân ngũ và chả được cái tích sự gì cả.
Sự có mặt của Svabrin làm cho tôi hết sức khó chịu. Được một lúc tôi cáo từ ông đồn trưởng và cả nhà, rồi ra về. Về đến nhà tôi lấy gươm ra xem, thử lại mũi gươm và đi ngủ, dặn Xavêlích đến sáu giờ sáng thì đánh thức tôi dậy.
Sáng hôm sau đúng giờ đã định, tôi đứng sau mấy đống rạ đợi địch thủ đến. Một lát sau, Svabrin cũng ra. Hắn nói: “Họ có thể bất chợt bắt lấy chúng ta đấy, nhanh nhanh lên mới được”. Chúng tôi cởi áo ngoài, chỉ mặc một sơ-mi, và tuốt kiếm ra. Vừa lúc ấy, sau đống rạ, bỗng thấy Ivan Ignatôvích và năm người lính xuất hiện. Ông ta đòi chúng tôi phải về ngay nhà đồn trưởng. Chúng tôi đành hậm hực tuân theo; mấy người lính vây quanh lấy tôi với Svabrin và chúng tôi theo Ivan Ignatôvích trở về đồn. Ông ta dẫn chúng tôi đi, vẻ vô cùng đắc chí, chân bước khệnh khạng, khí thế hùng dũng lạ thường.
Chúng tôi đi vào nhà đồn trưởng. Ivan Ignatôvích mở toang cửa ra và lên giọng trịnh trọng tuyên bố: 
- Báo cáo, đã giải họ về!
Bà Vaxilixa Êgôrốpna ra đón chúng tôi: 
- Chao ôi! Các bố ơi! Làm sao thế hử? Thế nào? Cái gì? Định gây ra án mạng trong đồn ta à? Ông Ivan Kudơmích này, lập tức tống giam họ lại! Piốt Anđrêêvích, Alếchxây Ivanôvích đưa kiếm đây, đưa đây, đưa đây! Palasca, đem hai thanh kiếm cất vào nhà kho cho tao. Cậu Piốt Anđrêêvích, tôi không ngờ cậu lại như thế. Cậu không biết xấu hổ à? Alếchxây Ivanôvích thì đã đành: ông ta đã từng bị đuổi ra khỏi quân cận vệ vì tội giết người, đến đức Chúa Trời ông ta cũng không tin, chứ còn cậu mà cũng đâm đầu vào đấy à? 
Ivan Kudơmích hoàn toàn đồng ý với vợ và nói thêm vào:
- Đấy, bà Vaxilixa Êgôrốpna nhà tôi nói đúng đấy. Trong điều lệ quân đội là cấm ngặt cái khoản đấu kiếm đấy nhé.
Trong khi đó cô Palasca lấy gươm của chúng tôi đem cất vào nhà kho. Tôi không nhịn được cười. Svabrin vẫn giữ vẻ nghiêm trang. Hắn điềm tĩnh nói với bà Vaxilixa Êgôrốpna:
- Tuy tôi rất kính trọng bà, tôi cũng không thể không xin thưa rằng bà bắt chúng tôi ra mà xử thế này thật khí không phải. Xin bà để cho ông Ivan Kudơmích làm việc đó… đây là việc của ông ấy.
Bà đồn trưởng đáp: 
- Ôi giào! Bố ơi, chả nhẽ vợ chồng chẳng phải là cùng hồn, cùng xác hay sao? Ông Ivan Kudơmích! Sao ông cứ đứng đực ra thế? Ông phải lập tức giam họ mỗi người một nơi, cho ăn bánh mì nước lã, cho họ sáng mắt ra; để rồi phải bảo cha Ghêraxim bắt họ chịu giáo trừng (25), để họ cầu nguyện Chúa tha tội và ăn năn trước mọi người. 
Ivan Kudơmích không biết xử trí ra sao nữa. Maria Ivanốpna thì mặt cứ tái xanh ra. Dần dần cơn phong ba cũng ngớt: bà đại úy bình tĩnh lại và bắt tôi với Svabrin hôn nhau giảng hòa. Palasca mang trả gươm cho chúng tôi. Ở nhà ông đồn trưởng ra, chúng tôi bề ngoài trông như đã làm lành với nhau rồi. Ivan Ignatôvích ra theo. Tôi tức giận nói: - Ông đã hứa với chúng tôi là sẽ không nói gì, thế mà lại đi báo cáo với ông đồn trưởng. Thật ông không biết xấu hổ! 
- Nói có trời đất, tôi có mách chuyện ấy với Ivan Kudơmích đâu, đấy là bà Vaxilixa Êgôrốpna, bà ấy moi ra ấy chứ. Chính bà ấy sắp xếp hết mọi việc, chứ ông đồn trưởng có biết gì đâu. Thôi, lạy Chúa, mọi việc ổn thỏa như thế này là tốt lắm rồi.
Nói đoạn, ông quay về nhà. Tôi đứng lại một mình với Svabrin. Tôi bảo hắn: 
- Không phải thế này mà xong được đâu. 
- Cố nhiên, - Svabrin đáp, - anh phải lấy máu mà đền cái tội xấc láo của anh; nhưng bây giờ có lẽ họ đang theo dõi chúng mình đấy. Phải vờ vịt ít ngày xem sao đã. Thôi chào anh! 
Và chúng tôi chia tay nhau như không có chuyện gì xảy ra cả.
Về đến nhà ông đồn trưởng, cũng như mọi bận, tôi đến ngồi gần Masa. Ông Ivan Kudơmích đi vắng, bà Vaxilixa Êgôrốpna thì đang bận việc gì ở trong nhà. Chúng tôi nói chuyện nho nhỏ. Masa dịu dàng trách móc tôi đã gây gổ với Svabrin làm cho nàng lo sợ. 
Masa nói:
- Tôi nghe họ nói anh đang định đấu kiếm và choáng váng cả người. Đàn ông các anh kỳ quặc quá! Chỉ vì một lời nói mà có lẽ chỉ một tuần sau là đã quên khuấy đi, mà các anh cũng sẵn sàng đâm chém nhau, hủy hoại tính mạng của mình đã đành, mà lại còn hủy hoại cả lương tâm của mình và hạnh phúc của những người… Nhưng tôi tin chắc rằng người gây ra chuyện xích mích này không phải là anh, chắc ông Svabrin gây ra cả.
- Tại sao cô lại nghĩ như vậy, cô Maria Ivanốpna? 
- Thế thôi… tại ông ấy hay nhạo báng quá! Tôi không ưa ông Svabrin. Tôi rất kinh tởm ông ấy; mà cũng là: tôi lại rất sợ rằng ông ta cũng không thích tôi như vậy, vì nếu thế thì tôi rất lo ngại. 
- Thế cô thấy thế nào, cô Maria Ivanốpna? Ông ta có thích cô không?
Maria Ivanốpna luống cuống đỏ mặt. Nàng nói: 
- Hình như… tôi có cảm tưởng rằng ông ấy có thích. 
- Vì sao cô lại có cảm tưởng như vậy? 
- Vì ông ấy có dạm hỏi tôi.
- Dạm hỏi! Svabrin có dạm hỏi cô ư? Từ bao giờ thế? 
- Năm ngoái, hai tháng trước khi anh đến. 
- Thế cô không bằng lòng à? 
- Thì anh cũng biết rồi đó; ông Svabrin đã đành là người thông minh, con nhà tử tế, lại có của; nhưng hễ tôi cứ nghĩ là đến khi làm lễ cưới phải để cho ông ta hôn trước mặt mọi người thì… Không đời nào! Dù có được sung sướng đến thế nào cũng không thể được!
Mấy lời nói của Masa đã cho tôi hiểu khá nhiều việc. Tôi vỡ nhẽ tại sao Svabrin lại hay nói xấu Masa một cách hằn học như vậy. Có thể hắn đã để ý thấy chúng tôi có cảm tình với nhau nên cố chia rẽ chúng tôi. Những lời lẽ của Svabrin đã khiến tôi với hắn xích mích nhau. Bây giờ tôi càng thấy bỉ ổi hơn nữa: đó không phải là một lối bỡn cợt thô bỉ, mà rõ ràng là một lối vu khống có dụng ý. Tôi càng nóng lòng muốn trừng phạt kẻ ngậm máu phun người không biết dơ ấy, và sốt ruột chờ mong một cơ hội thuận tiện.
Tôi không phải chờ lâu. Hôm sau tôi ngồi sáng tác một bài ai thi và đang gặm bút chờ vần, thì Svabrin đến, gõ mấy tiếng vào khung cửa sổ. Tôi bỏ bút, với lấy thanh kiếm và đi ra ngoài với Svabrin. Hắn bảo tôi:
- Việc gì phải khất? Chẳng có ai theo dõi ta đâu. Ra bờ sông đi. Ở đấy chẳng có ai làm phiền ta được.
Chúng tôi im lặng bước đi. Men theo một con đường mòn dốc thẳng, chúng tôi xuống tận sát bờ sông và tuốt kiếm ra. Svabrin khéo léo hơn tôi, nhưng tôi khỏe và gan dạ hơn, và monsieur Beaurpé, trước kia đã từng đi lính, có dạy tôi mấy bài kiếm: tôi liền đem ra sử dụng. Svabrin không dè tôi là một đối thủ lợi hại như vậy. Đánh nhau hồi lâu, hai bên không đâm trúng nhau được mũi nào; cuối cùng nhận thấy Svabrin đã yếu sức, tôi liền công phá hắn dữ dội và dồn hắn đến sát mé nước, bỗng tôi nghe có ai lớn tiếng gọi tên tôi. Tôi nhìn lại thì thấy Xavêlích đang men theo con đường dốc chạy xuống phía tôi… Vừa lúc ấy tôi thấy đau nhói một cái ở ngực chỗ phía dưới vai bên phải; tôi ngã xuống và ngất đi.
-----------
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét