Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Người con gái viên đại úy - Alexandre Puskin (chương 14)

Alexandre Puskin

Người con gái viên đại úy

Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương V

Ra tòa

Miệng thế gian 
như làn sóng bể. 
Ngạn ngữ

Tôi tin rằng cơ sự như thế này chẳng qua là vì tôi tự ý bỏ Ôrenburg mà đi. Cái đó thì tôi có thể tự thanh minh một cách dễ dàng: việc cưỡi ngựa xuất kích không những chưa bao giờ bị cấm đoán mà còn được khuyến khích bằng đủ mọi cách nữa là khác.
Tôi có thể bị buộc tội quá liều lĩnh, chứ không thể bị buộc tội là bất tuân thượng lệnh. Nhưng những quan hệ thân thiện giữa tôi với Pugatsốp có thể có nhiều người làm chứng xác nhận và chắc ít nhất cũng phải có vẻ rất khả nghi. Suốt trên đường đi tôi nghĩ ngợi về những cuộc tra hỏi đang chờ tôi, nghĩ sẵn cách trả lời, và quyết định khi ra trước tòa sẽ nói hết sự thật. Tôi cho rằng đó là cách thanh minh đơn giản nhất, mà cũng là chắc chắn nhất.
Tôi đã đến Cadan. Thành phố vắng tanh, nhà cửa cháy trụi. Trên các phố chỉ thấy những đống than, đây đó trồi lên những bức tường ám khói không còn cửa sổ, không còn mái. Đó là vết tích mà Pugatsốp đã để lại! Họ dẫn tôi vào một cái đồn còn trơ lại ở giữa thành phố chạy trụi. Hai người lính khinh kỵ giao tôi cho viên sĩ quan thường trực. Viên sĩ quan liền cho gọi người thợ rèn đến, sai luồn xích vào chân tôi và tán chặt lại. Rồi họ dẫn tôi vào nhà giam và bỏ tôi lại một mình trong một thứ chỗ  tối và chật, bốn bên là bốn bức tường trơ trụi với một khung cửa hẹp có chấn song sắt. 
Những công việc khởi đầu như vậy không báo cho tôi một triệu chứng gì tốt lành cả. Nhưng tôi vẫn vững dạ, và không hề mất hy vọng. Tôi bèn nhờ đến cách an ủi của tất cả những người buồn khổ: lần đầu tiên tôi đã nếm cái phong vị ngọt ngào của những lời cầu nguyện toát ra từ một cõi lòng trong sạch nhưng đau khổ, và sau đó thiếp đi trong một giấc ngủ yên lành, không lo nghĩ gì đến số phận nữa.
Hôm sau hai người gác ngục thức tôi dậy, báo rằng Ủy ban đòi tôi vào. Hai người lính dẫn tôi đi qua một cái sân, rồi vào nhà đồn trưởng. Họ dừng lại ở phòng ngoài, để cho tôi đi một mình vào các phòng trong.
Tôi bước vào một gian phòng khá rộng. Sau một cái bàn bày đầy những giấy má có hai người ngồi: một viên tướng già, vẻ nghiêm khắc và lạnh lùng, và một viên đại úy cận vệ trẻ tuổi, trạc chừng hai mươi tám, vẻ bề ngoài rất dễ ưa, ăn nói khéo léo và hoạt bát. Bên cửa sổ, có một bàn riêng có một người thư ký giắt một cây bút lông ngỗng trên vành tai, đang nghiêng đầu trên tờ giấy, sẵn sàng ghi chép những lời khai của tôi. Cuộc thẩm vấn bắt đầu. Họ hỏi tên tuổi và chức vụ của tôi. Viên tướng hỏi thêm xem tôi có phải là con ông Anđrây Pêtơrôvích Grinhốp không. Nghe tôi trả lời phải, ông ta nghiêm nghị nói:
- Thật tiếc rằng một người đáng kính trọng như vậy mà lại có một đứa con không xứng đáng như thế! 
Tôi điềm tĩnh đáp rằng những lời buộc tội có ra sao chăng nữa, thì tôi cũng hy vọng rằng có thể thanh minh bằng cách thành thật trình bày hết sự thật ra. Vẻ tự tin của tôi làm cho ông ta khó chịu. Ông ta cau mày nói:
- Anh có vẻ đáo để lắm nhỉ, nhưng ta còn gặp những tay đáo để hơn nhiều! 
Lúc đó viên sĩ quan trẻ tuổi hỏi tôi: tôi nhập bọn với Pugatsốp từ khi nào, trong trường hợp nào, và Pugatsốp giao cho tôi những nhiệm vụ gì?
Tôi công phẫn trả lời: là một sĩ quan và là một người quý tộc, tôi không hề nhập bọn với Pugatsốp và không thể nhận nhiệm vụ gì của hắn giao cả.
Người hỏi cung tôi vặn lại: 
- Vậy thì làm sao mà một người quý tộc và lại là một sĩ quan lại được tên phiến loạn tha chết một mình, trong khi tất cả các bạn đồng ngũ đều bị hành hình một cách tàn khốc? Làm sao cũng người sĩ quan và quý tộc ấy lại tiệc tùng vui vẻ với quân phiến loạn, nhận quà tặng của tên đầu sỏ, gồm một áo choàng lông, một con ngựa và năm mươi cô-pếch? Vì sao có cuộc giao hảo kỳ lạ như vậy, và việc đó dựa trên cơ sở gì, nếu không phải trên sự phản bội, hay ít nhất là một sự hèn nhát tội lỗi và đê tiện?
Tôi thấy tủi nhục hết sức trước những lời lẽ của viên sĩ quan cận vệ và bắt đầu thanh minh cho mình một cách nhiệt thành. Tôi kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Pugatsốp trên thảo nguyên hôm có trận bão tuyết; tôi kể lại trận đánh chiếm đồn Bêlôgorxcơ và trình bày việc Pugatsốp nhận ra tôi và tha chết cho tôi. Tôi nói rằng quả nhiên tôi có nhận chiếc áo tu-lúp và con ngựa của tên phiến loạn; nhưng tôi cũng đã bảo vệ đồn Bêlôgorxcơ cho đến phút cuối cùng. Sau cùng tôi viện thiếu tướng chỉ huy của tôi ra: ông ấy có thể xác nhận lòng tận tụy của tôi trong thời gian thành Ôrenburg bị vây hãm.
Viên tướng già có vẻ nghiêm khắc kia vớ lấy một bức thư đã bóc sẵn để trên bàn và bắt đầu đọc to lên:

“Nhân việc đại quan nhân có hỏi về chuẩn úy Grinhốp, mà người ta cho là có dính dấp vào vụ nổi loạn này và có những quan hệ với tên loạn tặc mà quy chế quân đội không thể dung thứ, và trái ngược với bổn phận của người đã tuyên thệ, tôi xin có lời tuyên bố rằng viên chuẩn úy Grinhốp nói trên phục vụ ở Ôrenburg từ đầu tháng Mười năm ngoái tức 1773 cho đến ngày 24 tháng Hai năm nay; đến ngày ấy viên chuẩn úy bỏ ra khỏi thành phố, và từ dạo đó không thấy đến trình diện ở đại bản doanh nữa. Qua một số lính giặc chạy sang hàng có nghe nói là Grinhốp có đến thôn Pugatsốp đóng và cùng đi xe với hắn đến đồn Bêlôgorxcơ là nơi trước đây viên chuẩn úy Grinhốp đã từng đóng; còn về hạnh kiểm của Grinhốp thì tôi có thể…”

Đến đây viên tướng thôi đọc và nghiêm nghị nói với tôi:
- Bây giờ anh có thể nói gì để thanh minh nữa không?
Tôi định tiếp tục nói thật hết mọi việc như tôi đã bắt đầu, và trình bày cuộc tình duyên của tôi với Maria Ivanốpna một cách cũng thành thật như tất cả sự việc khác. Nhưng tôi bỗng thấy có một cảm giác ngại ngùng không sao nén được. Tôi thoáng có ý nghĩ rằng nếu tôi nói tên nàng ra đây, thì ủy ban sẽ triệu nàng đến để đối chứng; và nghĩ đến khi tên tuổi nàng sẽ bị trộn lẫn với tên tuổi những bọn tố giác đê hèn và ngay bản thân nàng bị đưa ra đối chứng với bọn chúng, tôi thấy kinh hãi đến nỗi đâm rối trí, nói lắp bắp chả ra sao cả.
Các quan tòa của tôi hình như đã bắt đầu nghe những câu trả lời của tôi với nhiều thiện cảm, nhưng nay thấy tôi có vẻ luống cuống, lại trở lại những định kiến cũ. Viên sĩ quan cận vệ đòi mang tôi ra đối chứng với tên tố giác đầu sỏ. Viên tướng ra lệnh gọi tên giặc hôm qua. Tôi háo hức quay ra nhìn cánh cửa, nơi kẻ tố giác tôi sẽ xuất hiện. Vài phút sau có tiếng xiềng xích lẻng xẻng, cửa mở và… Svabrin bước vào. Hắn thay đổi đến nỗi tôi phải kinh ngạc. Hắn gầy và xanh một cách kinh khủng. Tóc hắn trước đây đen nhánh như mun, bây giờ đã bạc trắng ra; bộ râu dài của hắn rối như tổ quạ. Hắn cất giọng yếu ớt, nhưng rắn rỏi nhắc lại những lời tố cáo của hắn. Theo lời hắn, tôi được Pugatsốp phái đến Ôrenburg để do thám; hàng ngày tôi cưỡi ngựa xuất kích để chuyển những thư từ cho biết tất cả những tin tức trong thành phố; cuối cùng thì tôi theo hẳn Pugatsốp và cùng đi xe với hắn từ đồn này sang đồn nọ, cố dùng đủ mọi cách để hãm hại những kẻ phản bội như mình, để hòng chiếm lấy địa vị của họ và hưởng những món thưởng mà Pugatsốp ban phát cho họ. Tôi im lặng nghe hắn nói. Chỉ có một điều làm cho tôi hài lòng là tên của Maria Ivanốpna không hề bị tên đốn mạt ấy nhắc đến - có thể là vì lòng tự ái của hắn đau khổ khi nghĩ đến người con gái đã cự tuyệt và khinh bỉ hắn; hoặc cũng có thể trong lòng hắn cũng lóe lên một tia sáng nhỏ của cái tình cảm đang khiến cho tôi im lặng - dù sao chăng nữa, thì tên của người con gái viên đồn trưởng Bêlôgorxcơ đã không bị chạm tới ở trước mặt ủy ban. Tôi càng cương quyết giữ vững ý định của tôi, và khi các quan tòa hỏi: tôi có thể nói gì để cải chính những lời tố cáo của Svabrin không, thì tôi trả lời rằng tôi vẫn giữ vững những lời lẽ đã trình bày lúc đầu và không thể nói gì khác hơn để tự thanh minh nữa. Viên tướng ra lệnh đưa Svabrin với tôi ra ngoài. Chúng tôi đi cạnh nhau. Tôi điềm tĩnh nhìn Svabrin, không nói với hắn lấy một lời. Hắn cười gằn một cách thâm hiểm, rồi nhấc xiềng lên, vượt qua mặt tôi và rảo bước đi lên phía trước. Người ta lại dẫn tôi vào nhà giam và từ đấy trở đi không còn tra hỏi gì nữa.
Tôi không đựơc chứng kiến tất cả những điều mà tôi sẽ kể sau đây; nhưng số là tôi nghe kể đi kể lại nhiều lần quá thành ra chi tiết nào nhỏ đến mấy cũng khắc sâu vào trí nhớ tôi, đến nỗi tôi tưởng như mình đã vô hình có mặt ở đấy thật.
Maria Ivanốpna được cha mẹ tôi tiếp đón một cách niềm nở chân thành, những người ở thế kỷ trước vốn thường có đức tính mến khách như vậy. Cha mẹ tôi đều cảm ơn Chúa đã cho họ có dịp che chở và nâng niu người con gái mồ côi tội nghiệp. Chẳng bao lâu cha mẹ tôi đã quyến luyến nàng một cách chân thành, và ai đã biết rõ nàng rồi thì không thể không quý mến nàng được. Bấy giờ cha tôi không cho rằng tình yêu của tôi là một chuyện điên rồ nữa, còn mẹ tôi thì chỉ ước ao có một điều, là sao cho thằng Piốt của mình lấy người con gái đáng yêu này làm vợ.
Tin tôi bị bắt khiến cho cả nhà hốt hoảng. Maria Ivanốpna kể cho cha mẹ tôi nghe về cuộc quen biết kỳ lạ giữa tôi và Pugatsốp một cách giản dị và ngây thơ đến nỗi không những đã làm cho cha mẹ tôi yên tâm, mà còn làm cho họ cười nôn ruột nữa là khác. Cha tôi không thể tin rằng tôi lại có dính dấp đến cuộc nổi loạn bỉ ổi đó, mà mục đích là lật đổ ngai vàng và hủy diệt dòng dõi quý tộc. Người gọi Xavêlích đến tra hỏi rất nghiêm khắc. Người lão bộc không giấu giếm rằng tôi có ăn uống với Pugatsốp và được tên phiến loạn dung tha; nhưng bác thề rằng không hề nghe đến chuyện phản bội gì hết. Hai ông bà già yên tâm và bắt đầu nóng lòng chờ đợi những tin tức tốt lành. Maria Ivanốpna thì rất lo sợ, nhưng nàng vẫn yên lặng, vì nàng bẩm tính vốn kín đáo và dè dặt hết sức.
Vài tuần trôi qua… Bỗng cha tôi nhận được một bức thư của người có họ với nhà tôi là công tước B. từ Pêterburg gửi về. Công tước viết thư nói về chuyện tôi. Sau những lời chào hỏi thường lệ công tước bảo cha tôi rằng những điều ngờ vực về việc tôi có tham gia vào các âm mưu của bọn phiến loạn, tiếc thay, đều có căn cứ rõ rệt, rằng đáng lẽ ra tôi phải bị xử tử để làm gương, nhưng đức nữ hoàng đã vì kính nể công lao và tuổi tác của người cha mà quyết định khoan hồng cho đứa con tội lỗi, tha cho nó tội chết và chỉ ra lệnh đày biệt xứ đến một miền xa xôi ở Xibiri đến trọn đời.
Nhận được cái tin đột ngột này, cha tôi đau đớn tưởng chừng chết đi được. Người mất hẳn tính rắn rỏi thường ngay. Trước đây cha tôi có việc gì buồn bực chỉ im lặng, nhưng bây giờ thì người luôn thốt ra những lời than thở cay đắng.
Cha tôi mất hẳn tự chủ, nhắc đi nhắc lại:
- Thế nào! Thằng con tôi có tham gia vào các âm mưu của Pugatsốp ư! Lạy Chúa, tôi còn sống đến ngày nay để thấy những điều ô nhục như thế này ư? Đức nữ hoàng tha tội chết cho nó! Thế thì có hơn gì cho tôi đâu? Cái đáng ghê sợ không phải là tử hình: ông tổ của dòng họ nhà tôi đã chết trên đoạn đầu đài vì đã bảo vệ những gì thiêng liêng nhất đối với lương tâm người; cha tôi đã từng chịu chết với Vôlưnxki và Khrutsốp [Vôlưnxki Artêmi Pêtơrôvích (1689-1740) - một quan thượng thư dưới thời nữ hoàng Anna Ioanốpna. Khrusốp Anđrây Phhiôđôrôvích (1691-1740) - quan tư vấn bộ tư lệnh hải quân. Bị xử tử cùng với Vôlưnxki vào năm 1740 vì có tham gia vào vụ âm mưu lật đổ quyền bính của Birôn, sủng thần của nữ hoàng trên thực tế nắm quyền cai trị đất nước]. Nhưng một người quý tộc mà lại phản bội lời thề của mình, để nhập bọn với quân ăn cướp, quân sát nhân, với những tên nông nô đào tẩu!… Ôi, hổ thẹn và nhơ nhuốc thay cho dòng họ ta!…
Kinh hoàng trước nỗi tuyệt vọng của cha tôi, mẹ tôi không dám khóc trước mặt người và hết sức cố gắng an ủi cho người bình tâm lại. Mẹ tôi nói rằng tin đồn thường đơn sai, miệng lưỡi người đời thường không có gì chắc chắn. Nhưng cha tôi vẫn không sao nguôi được.
Maria Ivanốpna là người đau khổ hơn cả. Tin chắc rằng tôi có thể tự thanh minh bất cứ khi nào, miễn là tôi muốn, nàng khốn đốn. Nàng giấu giếm không để ai trông thấy nàng khóc và trong khi đó cố nghĩ cách cứu tôi.
Một buổi tối cha tôi đang ngồi ở trường kỷ, lần giở quyển “Niên lịch Triều đình”; nhưng tâm trí của người thì để tận đâu đâu, và quyển sách không hề có tác động gì đối với người như thường lệ nữa. Người huýt sáo khe khẽ một điệu hành khúc thời cổ. Mẹ tôi yên lặng ngồi đan một chiếc ao len, nước mắt lâu lâu lại nhỏ giọt xuống mảnh len đan dở. Bỗng nhiên Maria Ivanốpna, bấy giờ cũng đang ngồi khâu vá cạnh mẹ tôi, nói rằng nàng cần phải đi Pêterburg và xin cha mẹ tôi cấp cho nàng phương tiện để đi đường. Mẹ tôi buồn rầu vô hạn, bảo nàng:
- Con đi Pêterburg làm gì? Maria Ivanốpna, hay con cũng muốn bỏ chúng ta mà đi?
Maria Ivanốpna đáp rằng tất cả cuộc đời và tương lai của nàng sẽ định đoạt trong cuộc đi này. Nàng bảo là nàng xin đi tìm sự che chở và giúp đỡ của những người quyền thế, với tư cách là con của một người đã chết vì lòng trung nghĩa.
Cha tôi cúi đầu: bất cứ một lời nào khiến người nhớ đến tội ác của đứa con trai đều làm cho người đau khổ, và người có cảm tưởng như đó là một lời trách móc chua cay. Người thở dài, rồi nói với Maria Ivanốpna:
- Thôi, con cứ đi đi, con ạ! Chúng ta không muốn cản trở hạnh phúc của con đâu. Cầu Chúa cho con tìm được một người chồng tốt, chứ không phải là một tên phản bội bị người ta phỉ nhổ.
Nói đoạn cha tôi đứng dậy và bỏ ra ngoài.
Maria Ivanốpna ngồi lại một mình với mẹ tôi, lập tức trình bày ý định của nàng cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi ứa nước mắt ôm nàng vào lòng và cầu Chúa cho công việc của nàng được như ý. Cha mẹ tôi liền sắm sửa cho Maria Ivanốpna và vài hôm sau nàng lên đường cùng với chị Palasca và bác Xavêlích, hai người gia nhân trung thành của chúng tôi. Bác Xavêlích tuy buồn rầu vì phải lâu ngày xa cách tôi, nhưng cũng thấy nguôi nguôi khi nghĩ rằng ít nhất mình cũng hầu hạ người vị hôn thê của chủ.
Maria Ivanốpna đến Xôphia [Xôphia - một trạm xe thư gần Txarxcôiê Xêlô (hiện nay là thành phố Puskin - tỉnh Lêningrát)] bình an vô sự, và được biết rằng Triều đình khi ấy đang ở Txarxkôiê Xêlô, nàng bèn quyết định ở lại trạm xe thư ở đấy. Họ dành cho nàng một căn phòng nho nhỏ sau một bức bình phong. Người vợ ông trưởng trạm lập tức đến nói chuyện với nàng, bảo rằng bà ta là cháu của một người chuyên đốt lò sưởi trong cung, và mách bảo cho nàng rõ tất cả những điều bí mật của sinh hoạt trong triều đình. Bà ta kể cho nàng nghe những gì là đức nữ hoàng ngủ dậy lúc mấy giờ, mấy giờ thì xơi cà-phê, mấy giờ thì đi dạo, những lúc ấy thì có những quan đại thần nào bên cạnh ngài; những là hôm qua khi ăn bữa trưa ngài đã có lòng nói những gì, đến tối ngài tiếp ai, - nói tóm lại câu chuyện của Anna Vlaxiépna có giá trị bằng mấy trang sử ký và có thể là một tài liệu rất quý giá đối với hậu thế. Maria Ivanốpna chăm chú nghe bà ta nói. Họ ra vườn. Anna Vlaxiépna kể cho nàng nghe chuyện về mỗi lối đi trong vườn và mỗi chiếc cầu nhỏ, và sau khi đã dạo chơi thỏa thích, họ bèn trở về trạm, hai người đều rất hài lòng nhau.
Sáng hôm sau Maria Ivanốpna dậy rất sớm, mặc áo ngoài và lặng lẽ đi ra vườn. Sáng hôm ấy trời rất đẹp, ánh sáng chiếu trên ngọn các cây bồ đề lá đã vàng úa dưới hơi thở mát lạnh của mùa thu. Mặt hồ phẳng lặng sáng như một tấm gương. Mấy con thiên nga vừa ngủ dậy, từ những khóm cây in bóng trên hồ bơi ra, trang trọng lướt trên mặt nước. Maria Ivanốpna đi bên một bãi cỏ xanh rất đẹp, giữa bãi vừa mới dựng lên một bức tượng kỷ niệm những trận thắng gần đây của bá tước Piốt Alếchxanđrôvích Rumianxép. [Rumianxép Piốt Alếchxanđrôvích (1725-1796) - một danh tướng Nga ở thế kỷ XVIII, đã từng chỉ huy quân Nga đánh bại quân Thổ trên sông Kagun (1770)]. Bỗng một con chó trắng giống Anh Cát Lợi sủa vang và chạy lại phía nàng. Maria Ivanốpna hoảng sợ dừng lại. Ngay lúc ấy có một giọng đàn bà êm ái nói:
- Đừng sợ, nó không cắn đâu.
Và Maria Ivanốpna thấy một bà mệnh phụ ngồi trên một chiếc ghế dài trước mặt bức tượng. Maria Ivanôvích liền đến ngồi ở mép ghế. Người mệnh phụ chăm chú nhìn nàng; và Maria Ivanốpna đưa mắt liếc nhìn sang cũng kịp ngắm bà từ đầu đến chân. Bà ta mặc áo dài buổi sáng màu trắng, và chiếc áo len không tay, đầu đội mũ chụp. Trông bà khoảng độ bốn mươi tuổi. Khuôn mặt bà đầy đặn, da mặt hồng hào, phong thái trang trọng và điềm tĩnh, đôi mắt xanh và đôi môi hơi mỉm cười có một vẻ đep khó tả. [Ở đây nói về Êkatêrina II Alếchxêepna (1729-1796) - nữ hoàng Nga từ 1762, được miêu tả theo bức chân dung của hoạ sĩ Nga V.L.Bôrôvicốpxki (1757-1825)]. Bà mệnh phụ nói trước: 
- Cô có lẽ không phải là người ở đây nhỉ?
- Thưa, vâng ạ. Tôi mới ở thôn quê lên đây từ hôm qua. 
- Cô cùng đi với cha mẹ chứ? 
- Không ạ. Tôi đến đây một mình. 
- Một mình à? Nhưng cô còn ít tuổi thế kia mà. 
- Tôi không còn cha mẹ nữa. 
- Chắc cô đến đây có việc gì hẳn? 
- Thưa vâng. Tôi đến để cầu xin đức nữ hoàng một việc. 
- Cô là một người mồ côi. Chắc cô đến để than phiền vì có ai đối xử bất công hay ai ức hiếp cô? 
- Thưa không ạ. Tôi đến để xin khoan hồng, chứ không phải để xin xét xử. 
- Cho phép tôi được hỏi cô là ai? 
- Tôi là con gái đại úy Mirônốp. 
- Đại úy Mirônốp à? Có phải viên đại úy chỉ huy một đồn lính ở Ôrenburg không? 
- Thưa, đúng thế đấy ạ.
Bà mệnh phụ có vẻ cảm động. Bà nói, giọng càng dịu dàng hơn: 
- Cô thứ lỗi cho, nếu tôi xen vào việc riêng của cô; nhưng tôi thỉnh thoảng có đến cung đình; cô cứ trình bày việc cô cho tôi nghe, may ra tôi có thể giúp cô được chăng.
Maria Ivanốpna đứng dậy và kính cẩn cảm tạ bà mệnh phụ. Phong độ của bà ta có sức hấp dẫn lòng người và khiến cho người ta tự dưng thấy tin cậy. Maria Ivanốpna rút trong túi ra một tờ giấy gấp tư lại và đưa cho người ân nhân lạ mặt. Bà mệnh phụ bắt đầu nhẩm đọc.
Lúc đầu bà ta đọc chăm chú và lộ vẻ thiện cảm, nhưng rồi bỗng nhiên sắc mặt bà thay đổi. Maria Ivanốpna nãy giờ vẫn đưa mắt theo dõi mọi cử động của bà ta, thấy lo sợ trước vẻ mặt vừa đây còn hiền hậu và bây giờ đây bỗng trở nên nghiêm khắc lạ thường. Bà mệnh phụ hỏi, vẻ lạnh lùng:
- Cô xin cho Grinhốp à? Đức nữ hoàng không thể tha thứ cho hắn được đâu. Hắn đi theo tên phiến loạn không phải vì nhẹ dạ và dễ tin, mà vì hắn là một đứa vô lại và là một con người nguy hiểm.
- Ồ! Không phải đâu! - Maria Ivanốpna kêu lên. 
- Thế nào, không phải ư? - bà mệnh phụ hỏi lại, mặt đỏ ửng lên. 
- Không đúng đâu, trời ơi, không đúng đâu! Tôi biết hết, tôi xin kể tất cả mọi vịêc để bà rõ. Chỉ vì tôi mà anh ấy phải chịu khổ sở như thế này. Sở dĩ anh ấy không thanh minh ở trước tòa, chỉ vì anh ấy không muốn tôi phải dính dấp vào đấy thôi.
Đến đây nàng say sưa kể lại tất cả những việc mà độc giả đã biết.
Người mệnh phụ nghe nàng kể một cách chăm chú. Rồi bà hỏi: “cô ở lại nhà ai?” - và khi Maria Ivanốpna đáp rằng nàng ở lại nhà bà Anna Vlaxiépna, thì bà mệnh phụ mỉm cười nói:
- À! Tôi biết rồi. Thôi chào cô, cô đừng nói cho ai biết là có gặp tôi. Tôi hy vọng rằng cô sẽ không phải đợi lâu: mong rằng thư của cô sẽ được phúc đáp sớm.
Nói đoạn bà đứng dậy và đi vào một con đường có lợp giàn hoa, còn Maria Ivanốpna thì trở lại nhà bà Anna Vlaxiépna, lòng chan chứa hy vọng.
Bà chủ nhà la rầy nàng sao đi dạo chơi sớm thế, bảo rằng khí trời mùa thu mà đi như thế là rất có hại cho sức khỏe của một người thiếu nữ. Bà mang ấm xa-mô-va ra và, ngồi bên chén nước trà, bà đã toan bắt đầu giở cái kho chuyện vô tận của bà về sinh hoạt trong cung đình ra, thì bỗng nhiên một chiếc xe ngựa của hoàng cung đỗ ở ngoài thềm, và một viên quan hầu cận vào báo rằng đức nữ hoàng có lời gọi cô Mirônôva vào cung.
Anna Vlaxiépna rất đỗi kinh ngạc. Bà ta cuống quýt cả lên:
- Trời ơi! Đức nữ hoàng gọi cô vào cung! Làm sao ngài lại biết cô ở đây? Cô làm thế nào vào trình diện với đức nữ hoàng được bây giờ? Tôi e rằng đến cách đi đứng ở hoàng cung cô cũng không biết nữa!… Hay là tôi phải đưa cô đi vậy? Dù sao tôi cũng có thể bày vẽ cho cô ít nhiều. Chả nhẽ cô ăn mặc như thế này mà đi à? Hay để tôi cho người sang nhà bà đỡ mượn cái áo lụa vàng? 
Viên quan hầu cận nói rằng đức nữ hoàng có lời dặn là cô Mirônôva sẽ đến một mình và đang ăn mặc thế nào thì cứ để nguyên thế mà đi. Chả biết làm thế nào được nữa: Maria Ivanốpna ngồi lên xe và đi vào hoàng cung, Anna Vlaxiépna đành chỉ gửi theo nàng những lời khuyên nhủ và cầu chúc rối rít.
Maria Ivanốpna linh cảm thấy rằng đây là lúc mà vận mệnh của chúng tôi sẽ được định đoạt. Tim nàng đập mạnh, rồi lại như lịm đi. Mấy phút sau chiếc xe ngựa dừng trước hoàng cung. Maria Ivanốpna run rẩy bước lên các bậc thềm. Các cửa vào cung trước mặt nàng đều mở rộng. Nàng đi qua mấy gian phòng lộng lẫy không có người; viên quan hầu cận chỉ lối cho nàng đi. Cuối cùng khi đến trước hai cánh cửa đóng kín, ông ta bảo rằng sẽ vào báo với đức nữ hoàng và để nàng đứng một mình ở đấy.
Nghĩ đến việc sắp gặp đức nữ hoàng, Maria Ivanốpna sợ hãi đến nỗi chân như muốn khuỵu xuống. Một phút sau cánh cửa mở, và Maria Ivanốpna bước vào phòng trang điểm của nữ hoàng.
Đức nữ hoàng đang ngồi trang điểm. Mấy viên cận thần đứng quanh ngài lễ phép nhường lối cho Maria Ivanốpna. Đức nữ hoàng ôn tồn nói với nàng, và nàng nhận ra đó là bà mệnh phụ mà nàng đã tiếp chuyện một cách cởi mở cách đây mới chỉ mười mấy phút. Nữ hoàng bảo nàng lại gần và mỉm cười nói:
- Ta lấy làm mừng rằng đã có thể giữ lời hứa với cô và chuẩn y lời thỉnh cầu của cô. Việc của cô thế là xong. Ta đã tin chắc rằng vị hôn phu của cô vô tội. Đây là bức thư ta nhờ cô làm ơn mang về cho ông bố chồng tương lai của cô.
Maria Ivanốpna đưa tay run rẩy cầm lấy bức thư, nàng khóc và quỳ sụp xuống chân nữ hoàng. Nữ hoàng liền đỡ nàng dậy và hôn nàng, nói:
- Ta biết cô không giàu, nhưng đối với con gái đại úy Mirônốp ta có món nợ phải đền. Cô đừng lo lắng về tương lai. Ta sẽ lĩnh lấy trách nhiệm gây dựng cho cô một gia tài.
Sau khi vỗ về người con gái mồ côi đáng thương, nữ hoàng cho nàng về. Maria Ivanốpna lên chiếc xe ngựa lúc nãy trở về nhà trọ. Bà Anna Vlaxiépna nãy giờ sốt ruột chờ nàng, thấy nàng trở về thì hỏi han tíu tít cả lên; Maria Ivanốpna trả lời câu được câu mất. Tuy không hài lòng với vẻ lơ đễnh của nàng, bà Anna Vlaxiépna cho rằng nàng mới ở quê ra quá bỡ ngỡ trước cảnh cung điện nên mới ngẩn người ra thế, và vui lòng rộng lượng tha thứ cho nàng. Maria Ivanốpna không muốn tò mò đi xem Pêterburg và ngay hôm ấy vội trở về làng…
* * *
Đến đây là hết những trang bút ký của ông Piốt Anđrêêvích Grinhốp. Qua gia phả nhà ông, người ta biết rằng ông được thả ra khỏi nhà giam vào cuối năm 1774 theo lệnh của nhà vua; rằng ông ta có đi dự buổi xử tử Pugatsốp. Pugatsốp trông thấy ông ta trong đám đông và có gật đầu chào, cái đầu ấy một phút sau đã rơi xuống, máu mê đầm đìa, và được giơ lên cho dân chúng xem. Ít lâu sau Piốt Anđrêêvích cưới Maria Ivanốpna. Con cháu họ hiện nay còn sống ở tỉnh Ximbiếcxcơ. 
Cách đấy chừng ba mươi véc-xta có một cái làng thuộc quyền sở hữu của mươi người lãnh chúa. Ở đấy có một ngôi nhà còn giữ bức thư của chính tay Êkatêrina Đệ Nhị viết, đóng khung kính treo trên tường. Thư này viết cho cụ thân sinh ông Piốt Anđrêêvích; trong thư có thanh minh cho con trai cụ và có khen ngợi tấm lòng nhân hậu và trí thông minh của con gái đại úy Mirônốp. 
Bản bút ký viết tay của Piốt Anđrêêvích Grinhốp là do một người cháu nội của ông ta trao cho chúng tôi, khi người này biết rằng chúng tôi đang tiến hành một việc có liên quan đến thời đại mà tổ phụ mình có miêu tả. Chúng tôi bèn quyết định, với sự thỏa thuận của con cháu ông, xuất bản tập bút ký này ra, thêm vào mỗi chương mấy câu giáo đầu thích hợp và tự ý thay đổi một vài tên họ.

Người xuất bản 
19 tháng Mười 1836
----------

                                                            Hết























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét