Alexandre Puskin
Người con gái viên đại úy
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Chương VI
Quân Pugatsốp
Các cậu thanh niên hãy lắng nghe
Những người già lão kể chuyện
Một bài hát
Trước khi bắt đầu vào kể những biến cố kỳ lạ mà tôi đã được chứng kiến, tôi thấy cần nói vài lời về tình hình tỉnh Ôrenburg vào cuối năm 1773.
Cái tỉnh rộng lớn và giàu có này vốn có nhiều dân tộc bán khai ở. Bọn họ mãi gần đây mới thừa nhận quyền cai trị của các vua Nga. Họ liên tiếp nổi loạn, lại không quen với luật lệ và sinh hoạt có quy củ, hơn nữa bản tính lại nhẹ dạ mà hung ác khiến chính phủ phải giám sát không ngừng, nhằm bắt họ phải khuất phục. Những nơi địa thế thuận tiện đều có xây đồn lũy. Dân cư ở đó phần lớn là người Cô-dắc đã từ xưa chiếm cứ miền ven sông Iaích. Nhưng dân Cô-dắc vốn có nhiệm vụ duy trì yên tĩnh và an toàn ở miền này, ít lâu nay lại trở thành những thần dân không yên tĩnh và không an toàn tí nào đối với chính phủ. Năm 1772, trong thị trấn thủ phủ của họ có xảy ra một vụ rối loạn. Nguyên nhân vụ này là những biện pháp khắc nghiệt do thiếu tướng Tơraobenbéc thi hành nhằm bắt quân đội phục tòng mệnh lệnh. Kết quả là Tơraobenbéc bị giết một cách man rợ, quân lính tự ý thay đổi bộ chỉ huy, và cuối cùng là cuộc nổi loạn bị trấn áp bằng đạn ria đại bác và những hình phạt tàn khốc.
Việc đó xảy ra ít lâu trước khi tôi đến đồn Bêlôgorxcơ. Bấy giờ bốn phương đã yên tĩnh, hay có vẻ như yên tĩnh; bộ chỉ huy quá dễ tin vào lòng hối hận của quân phiến loạn quỷ quyệt. Họ vẫn ngấm ngầm nuôi lòng căm giận và chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là lại nổi loạn.
Tôi xin trở về với câu chuyện đang kể.
Một hôm vào buổi tối (hồi ấy là vào thượng tuần tháng Mười năm 1773), tôi đang ngồi một mình ở nhà, lắng nghe tiếng gió thu rít lên từng hồi và nhìn qua cửa sổ ngắm những đám mây bay qua vầng trăng. Bỗng có người đến báo là ông đồn trưởng cho mời tôi lại. Tôi lập tức đến nhà ông. Ở đấy tôi gặp Svabrin, Ivan Ignatôvích và viên đội Cô-dắc. Trong phòng không thấy có bà Vaxilixa Êgôrốpna mà cũng không thấy Maria Ivanốpna đâu cả. Ông đồn trưởng chào tôi, dáng tư lự. Ông đóng cửa mời mọi người ngồi xuống, trừ viên đội Cô-dắc thì vẫn đứng ở cửa. Ông đại uý rút trong túi ra một tờ giấy và nói với chúng tôi: “Thưa các sĩ quan, có một tin quan trọng, xin các ngài nghe tôi đọc bức thư của thiếu tướng”. Nói đoạn ông đeo mục kỉnh vào và đọc những dòng sau đây:
“Kính gửi quan đồn trưởng đồn Bêlôgorxcơ
Đại úy Mirônốp.
Xin có thư báo để ngài rõ rằng tên Êmêlian Pugatsốp, một tên Cô-dắc vùng sông Đông và là một tên dị giáo đã cả gan lấy danh hiệu tiên đế Piốt Đệ Tam tự phong cho mình, đã chiêu nạp một bọn côn đồ quấy rối các làng mạc miền sông Iaích và đến nay đã chiếm và phá được một số đồn lũy, đi đến đâu cũng đều giết người cướp của. Vì vậy ngài đại úy nhận được thư này phải lập tức thi hành những biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn tên gian phi mạo danh kia và nếu có thể thì hoàn toàn tiêu diệt lũ giặc, nếu chúng đến đánh cái đồn mà cấp trên đã giao cho ngài cai quản”.
Đọc xong ông đồn trưởng cất mục kỉnh và gấp tờ giấy lại.
- Thi hành những biện pháp thích hợp! Nói thì dễ đấy. Có lẽ tên giặc này mạnh lắm, mà chúng ta thì cả thảy có trăm ba mươi người, không kể bọn Cô-dắc, vì bọn này chả đáng tin cậy tí nào. Nói thế anh đừng giận, anh Mắcximích nhé (viên đội cười nhạt). Nhưng cũng đành vậy chứ biết làm thế nào được nữa, thưa các sĩ quan? Các ngài phải cho cẩn thận, phải đặt lính canh và cho đi tuần tra ban đêm; nếu có giặc đến tấn công phải đóng cửa đồn lại và dẫn lính ra. Còn anh Mắcximích thì phải trông bọn Cô-dắc cho kỹ. Khẩu đại bác phải xem lại và lau cho thật sạch. Mà nhất là phải giữ việc này thật kín, trong đồn đừng để ai biết sớm quá.
Sau khi ra lệnh cắt đặt như trên, Ivan Kudơmíh cho chúng tôi giải tán về nhà. Tôi cùng đi ra với Svabrin, bàn bạc với nhau về những điều vừa nghe được. Tôi hỏi hắn:
- Anh nghĩ thế nào, rốt cục sẽ ra sao đây?
Svabrin đáp:
- Có trời biết được. Rồi thử xem. Hiện nay thì tôi chưa thấy có gì nghiêm trọng cả. Còn nếu… - đến đây hắn ngẫm nghĩ một lát, rồi bắt đầu huýt sáo khe khẽ một khúc ca Pháp.
Mặc dầu chúng tôi đã đề phòng như vậy, tin Pugatsốp xuất hiện cũng lan ra khắp đồn. Ivan Kudơmích tuy nể vợ là thế, nhưng không đời nào lại để lộ cho vợ biết một chuyện bí mật về việc quân cơ. Khi nhận được bức thư của thiếu tướng, ông ta lừa cho bà ta đi nơi khác một cách khá tài tình, nói với bà Vaxilixa Êgôrốpna rằng đâu hình như cha Ghêraxim vừa nhận được những tin tức rất kỳ lạ ở Ôrenburg đưa về, những tin tức này cha giữ hết sức bí mật. Bà Vaxilixa Êgôrốpna lập tức muốn sang chơi nhà bà cố đạo, và theo lời khuyên của Ivan Kudơmích bà đem cả Maria đi theo để cho cô ta khỏi buồn vì nỗi phải ở nhà một mình.
Thế là Ivan Kudơmích hoàn toàn làm chủ trận địa, ông lập tức cho gọi chúng tôi lại, còn Palasca thì ông đem nhốt trong nhà kho để chị ta khỏi nghe trộm chúng tôi…
Bà Vaxilixa Êgôrốpna chả moi được tin tức gì ở nhà bà cố đạo cả bèn trở về, và đến lúc đó mới biết rằng trong khi bà đi vắng, Ivan Kudơmích có họp hội đồng quân sự và Palasca thì bị nhốt. Bà đoán là bà đã bị chồng lừa, và bắt đầu tiến hành một cuộc hỏi cung. Nhưng Ivan Kudơmích đã chuẩn bị đối phó. Ông không chút nao núng, trả lời trôi chảy những câu hỏi chất vấn của bà vợ tò mò:
- Số là thế này, bà nó ạ, các bà nhà ta tự dưng bày ra cái lối đốt lò sưởi bằng rơm; làm như vậy dễ xảy ra tai nạn như bỡn, cho nên tôi ra lệnh cho các sĩ quan nghiêm cấm các bà không được dùng rơm đốt lò, phải dùng củi khô mà đốt.
- Thế tại sao ông lại nhốt con Palasca lại, - bà đồn trưởng hỏi, - nó có tội tình gì mà phải ngồi suốt trong nhà kho mãi cho đến khi tôi với con Maria về?
Ivan Kudơmích chưa chuẩn bị trả lời câu hỏi này, ông ta đâm ra lúng túng và nói ấp úng mấy câu chả có đầu đuôi gì cả. Bà Vaxilixa Êgôrốpna đã thấy rõ chồng bà có mưu mô gì đây, nhưng biết rằng có hỏi nữa cũng chẳng moi thêm được tí gì, bà đành chấm dứt cuộc thẩm vấn và quay ra bàn về cái khoản dưa chuột muối ở nhà bà Akulina Pamphilốpna: bà ta muối dưa theo một kiểu đặc biệt, ăn rất ngon. Suốt đêm bà Vaxilixa Êgôrốpna không chợp mắt được, và không tài nào đoán được trong đầu óc chồng bà có những cái gì mà lại không thể cho bà biết được.
Ngày hôm sau đi xem lễ về, bà trông thấy Ivan Ignatôvích đang moi ở khẩu súng đại bác ra đủ các thứ giẻ rách, đá sỏi, đá bào, xương vụn, rác rưởi mà bọn trẻ con đã nhét vào nòng súng.
“Những cuộc chuẩn bị quân sự này là thế nào đây? - bà đồn trưởng nghĩ thầm. - Bọn Kiếcghidia sắp tấn công chắc? Nhưng tai sao Ivan Kudơmích lại đi giấu mình những chuyện vặt ấy?”
Bà liền lớn tiếng gọi Ivan Ignatôvích lại, với ý định quả quyết là sẽ hỏi cho ra những điều bí mật đang dày vò trí tò mò đặc biệt phụ nữ của bà.
Bà Vaxilixa Êgôrốpna bắt đầu nói chuyện nhà chuyện cửa với ông ta, như một quan tòa bắt đầu cuộc thẩm vấn bằng những câu hỏi vu vơ để cho người bị hỏi cung sao nhãng việc đề phòng. Sau đó bà im lặng vài phút, rồi lắc đầu thở dài thườn thượt nói:
- Lạy Chúa! Cơ sự như thế đấy. Toàn những tin sét đánh! Rồi đây sẽ ra sao không biết?
- Thôi bà đừng lo nữa, bà ạ! - Ivan Ignatôvích đáp. - Nhờ ơn Chúa, quân lính ta cũng đủ, thuốc đạn có thừa, khẩu đại bác thì tôi sẽ lau xong. Rồi ta sẽ đánh lui Pugatsốp. Chúa không nỡ bỏ ta đâu mà sợ.
- Thế Pugatsốp là cái thứ người gì vậy? - bà đồn trưởng hỏi.
Đến đây thì Ivan Ignatôvích đã thấy mình lỡ lời và vội vàng im bặt. Nhưng muộn rồi. Bà Vaxilixa Êgôrốpna bắt ông ta phải thú hết mọi sự, hứa với ông là sẽ không nói lại với ai hết.
Bà Vaxilixa Êgôrốpna giữ đúng lời hứa và không nói lại với ai lấy một câu nào, trừ bà cố đạo ra, và sở dĩ như thế là cũng vì bà này còn thả bò đi ăn ngoài thảo nguyên, bò có thể bị bọn cướp bắt, cho nên bà mới phải nói thôi.
Thế là chẳng bao lâu mọi người đều xôn xao bàn tán về Pugatsốp. Mỗi người nói một cách. Ông đồn trưởng phái viên đội Cô-dắc đi trinh sát cho kỹ tình hình ở các đồn và các làng lân cận. Hai ngày sau viên đội trở về nói rằng cách đồn chừng sáu mươi véc-xta, trên thảo nguyên có thấy rất nhiều ánh lửa và nghe mấy người Baskirơ nói là không biết quân lữ nào mà có vẻ đông và mạnh lắm. Ngoài ra thì ông ta chả nói thêm được gì cho rõ, bởi vì sợ không dám đi xa hơn nữa.
Trong đồn, người Cô-dắc bắt đầu nhốn nháo lạ thường, ở ngõ lối nào cũng thấy họ túm năm tụm ba nói thầm nói thì với nhau và khi trông thấy bóng một kỵ binh hay một người lính đồn thì họ lảng ra. Người ta phái mật thám trà trộn vào với họ để dò xét. Iulai, một người Can-mức theo đạo, tố giác với đồn trưởng một điều quan trọng. Theo lời Iulai thì những báo cáo của viên đội đều láo. Hôm trở về, anh chàng Cô-dắc ranh ma này nói với các bạn rằng anh ta đã gặp quân phiến loạn, lại còn đến trình diện với chủ tướng của họ nữa, được chủ tướng cho hôn tay và nói chuyện rất lâu. Ông đồn trưởng lập tức cho tống giam viên đội trưởng và cử Iulai lên thay. Được tin này, bọn Cô-dắc tỏ ý bất mãn ra mặt. Họ lớn tiếng kêu ca, và Ivan Ignatôvích, người thừa hành mệnh lệnh đồn trưởng, đã tự tai mình nghe họ nói: “Rồi nay mai con chuột đồng kia sẽ biết tay chúng ta!”.
Ông đồn trưởng định ngày hôm ấy sẽ hỏi cung viên đội Cô-dắc. Nhưng hắn đã lọt qua lính gác trốn mất rồi, chắc có bọn đồng lõa giúp đỡ.
Một việc mới xảy ra làm cho ông đồn trưởng càng thêm lo lắng. Người ta bắt được một tên Baskirơ, trong người có mang truyền đơn xúi giục nổi loạn. Nhân việc này ông đồn trưởng lại định triệu các sĩ quan lại và muốn tìm cớ để đẩy bà Vaxilixa Êgôrốpna đi nơi khác. Nhưng vì Ivan Kudơmích là người hết sức thật thà ngay thẳng, cho nên ngoài cái phương pháp đã một lần sử dụng trước kia ra ông chả tìm được cách nào khác cả. Ông đằng hắng mấy tiếng, rồi nói với vợ:
- Này bà Vaxilixa Êgôrốpna, nghe nói cha Ghêraxim mới nhận được một tin ở tỉnh về….
- Thôi ông im đi, - bà đồn trưởng ngắt lời, nói, - ông lại định họp hội đồng bàn về Êmêlian Pugatsốp mà không cho tôi dự chứ gì; không xong đâu, không lừa được tôi đâu!
Ivan Kudơmích trợn tròn xoe mắt. Ông nói:
- Thôi bà đã biết hết mọi chuyện rồi, thì cứ ở nhà, chúng tôi sẽ bàn trước mặt bà vậy.
- Có thế chứ, việc gì ông phải làm mưu làm mẹo với tôi? Thôi cho đi gọi các sĩ quan đến đi.
Chúng tôi lại họp có cả bà Vaxilixa Êgôrốpna dự. Ivan Kudơmích đọc cho chúng tôi nghe tờ hiệu triệu của Pugatsốp, do một gã Cô-dắc biết dăm ba chữ nào đó viết ra. Tên tướng cướp tuyên bố là hắn có ý định sắp đến đánh đồn chúng tôi. Hắn mời dân Cô-dắc và lính tráng cùng nhập bọn, và khuyên các cấp chỉ huy không nên kháng cự lại, dọa nếu không nghe sẽ bị hành hình. Lời lẽ viết trong tờ hiệu triệu thì thô lỗ, nhưng rất mạnh và chắc phải gây một ấn tượng rất nguy hiểm trong đầu óc của dân thường.
Bà đồn trưởng thốt lên:
- Thật là đồ bịp bợm! Nó dám rủ rê ta làm cái gì thế hả? Ra đón nó và mang cờ ra đặt xuống chân nó à? Chà, cái đồ chó đẻ! Nó không biết rằng nhà ta đã phục vụ bốn mươi năm nay trong quân ngũ và nhờ trời đã thấy chán chuyện ra sao rồi à? Chả nhẽ lại có những người chỉ huy đi nghe lời một tên cướp hay sao?
Ivan Kudơmích đáp:
- Chả làm gì có đâu. Nhưng nghe nói tên giặc đã chiếm được nhiều đồn rồi thì phải.
- Có lẽ nó mạnh thật, - Svabrin nói.
- Rồi sẽ thấy ngay nó mạnh thật hay không, - ông đồn trưởng đáp. - Bà Vaxilixa Êgôrốpna đưa cho tôi cái thìa khóa mở kho đi. Ivan Ignatôvích, ông đem tên Baskirơ ra đây và bảo Iulai lấy roi.
Bà đồn trưởng đứng dậy bảo: - Khoan đã ông Ivan Kudơmích, để tôi đem con Maria đi chỗ khác đã. Không có nó nghe kêu nó sợ. Mà cả tôi nữa, thật tình cũng chẳng ham gì cái trò tra khảo. Thôi chào các ngài…
Ngày xưa việc tra tấn đã bắt rễ sâu vào thủ tục tư pháp đến nỗi bản sắc lệnh nhân đức bãi bỏ lệ này chẳng có hiệu lực gì cả trong một thời gian khá lâu. Người ta cho rằng phạm nhân có tự mình thú nhận thì việc ra án mới được trọn vẹn, một quan niệm không những không có căn cứ, mà lại còn hoàn toàn trái với lương tri thông thường về pháp lý nữa: vì nếu cho rằng việc người bị cáo không chịu nhận tội không phải là một bằng chứng tỏ ra rằng hắn vô tội, thì việc hắn thú nhận tội cũng không thể xem là một bằng chứng kết luận rằng hắn có tội. Ngay đến bây giờ tôi còn có dịp nghe những vị quan tòa già than phiền về việc bãi bỏ cái tục lệ dã man này. Còn thời bấy giờ kể cả quan tòa và người bị cáo, ai cũng cho rằng dĩ nhiên là thế nào cũng phải tra tấn. Cho nên nghe lệnh của ông đồn trưởng, trong số chúng tôi không hề có ai ngạc nhiên và xúc động. Ivan Ignatôvích đi áp giải tên Baskirơ đang ngồi trong nhà kho do bà đồn trưởng giữ chìa khóa và mấy phút sau tên tù được đưa đến phòng ngoài. Ông đồn trưởng ra lệnh dẫn hắn vào.
Người Baskirơ chật vật bước qua ngưỡng cửa (chân hắn bị cùm), và cất cái mũ lông cao chóp, đứng lại một bên khung cửa. Tôi nhìn hắn mà rùng mình. Không bao giờ tôi quên được người ấy. Hắn trông chừng đã quá bảy mươi tuổi. Hắn chẳng có mũi cũng chẳng có tai. Đầu hắn cạo trọc; ở cằm chỉ thấy đâm ra mấy sợi râu bạc thưa thớt, hắn người thấp bé, gầy gò và còng lưng, nhưng đôi mắt ti hí hãy còn long lanh sáng.
Trông những đặc điểm kinh khủng của người tù, ông đồn trưởng đã nhận ra một tên phiến loạn bị trừng phạt hồi năm 1741. (ở đây muốn nói đến cuộc khởi nghĩa ở Baskiria bị quân đội của Nga hoàng đàn áp một cách cực kỳ tàn khốc).
Ông nói:
- Con sói già này đã có qua các chuồng bẫy của chúng ta rồi. Thế ra mày làm loạn không phải lần này là lần đầu, cho nên cái đầu bò của mày mới được bào nhẵn thế. Lại gần đây; thử nói xem ai phái mày đến.
Người Baskirơ già lặng thinh nhìn ông đồn trưởng, vẻ hết sức ngơ ngác. Ivan Kudơmích nói tiếp:
- Sao mày lại lặng thinh? Hay cái thằng này không hiểu tí tiếng Nga nào? Iulai, thử dùng tiếng địa phương hỏi hắn xem ai phái hắn đến đồn chúng ta?
Iulai hỏi lại bằng tiếng Tác-ta. Nhưng người Baskirơ vẫn trơ ra nhìn, vẻ vẫn đần độn như cũ và không đáp lấy một tiếng.
Ông đồn trưởng nói:
- Được, để xem mày có làm thinh được mãi không? Anh em! Cởi cái áo dài sọc lố bịch của nó ra và quất vào lưng nó cho tôi. Iulai, anh phải xem đánh cho kỹ vào.
Hai người lính què bắt đầu cởi áo người Baskirơ. Mặt người khốn nạn lộ vẻ lo lắng. Hắn ngơ ngác nhìn quanh như một con thú nhỏ bị trẻ nít bắt. Đến khi một người lính cầm lấy tay người Baskirơ khoác lên cổ và cõng hắn lên, còn Iulai thì cầm roi vung cao lên, người Baskirơ rên lên một tiếng yếu ớt có vẻ van lơn, rồi gật gật cái đầu và mở miệng ra: trong miệng không có lưỡi, chỉ thấy nhúc nhích một cục thịt cụt lủn.
Khi tôi hồi tưởng lại rằng những việc này xảy ra trong thời đại tôi, và tôi đã sống cho đến cái thời buổi yên lành của triều đại Alếchxanđrô, tôi không thể không ngạc nhiên khi thấy nền giáo dục tiến bộ nhanh chóng và các quy tắc nhân đạo được phổ biến rộng rãi như thế này. Bạn đọc trẻ tuổi của tôi ơi, nếu những dòng ghi chép này có lọt vào tai bạn, thì bạn hãy nhớ rằng những sự thay đổi tốt đẹp và vững chãi nhất là những sự thay đổi nào thực hiện bằng cách cải thiện tâm tính phong tục, không gây ra những cuộc rung chuyển thô bạo.
Ai nấy đều lặng người đi vì ghê sợ. Ông đồn trưởng nói:
- Thôi, thế này chả dò ra manh mối gì ở như thằng này được đâu. Iulai, anh dẫn tên Baskirơ vào kho đi. Còn các ngài thì hãy ngồi lại, chúng ta còn việc phải bàn.
Chúng tôi bắt đầu bàn bạc về tình hình hiện tại, thì bỗng nhiên bà Vaxilixa Êgôrốpna bước vào phòng, thở hổn hển có vẻ hết sức lo sợ. Ông đồn trưởng kinh ngạc hỏi:
- Bà làm sao thế bà?
- Các ông ơi, khổ to rồi! - bà Vaxilixa Êgôrốpna đáp. - Đồn Nigiơnêê Ôdêrô vừa bị chiếm sáng nay. Anh người nhà của cha Ghêraxim vừa ở đấy về. Anh ta đã thấy rõ khi chúng chiếm đồn, ông đồn trưởng và tất cả các sĩ quan đều bị treo cổ, quân lính đều bị bắt làm tù binh. Chắc bọn giặc sắp đánh đồn ta đến nơi rồi!
Cái tin đột ngột này làm tôi choáng váng người đi. Tôi vốn có quen đồn trưởng đồn Nigiơnêê Ôdêrô, một sĩ quan trẻ tuổi, hiền lành, ít nói, trước đây chừng hai tháng ông ta cùng với người vợ trẻ từ Ôrenburg đi ngang đây có ghé lại nhà Ivan Kudơmích. Đồn Nigiơnêê Ôdêrô chỉ cách đồn chúng tôi chừng hai mươi lăm véc-xta. Như vậy là Pugatsốp có thể sắp sửa đánh đến chúng tôi. Tôi nghĩ ngay đến số phận Maria Ivanốpna và tim tôi như ngừng đập.
Tôi nói với ông đồn trưởng:
- Ivan Kudơmích ạ! Bổn phận của chúng ta là bảo vệ đồn này cho đến hơi thở cuối cùng, việc đó không nói làm gì nữa. Nhưng phải nghĩ đến việc bảo đảm an toàn cho đàn bà con gái. Ngài cho họ về Ôrenburg đi, nếu đường còn đi được, hoặc đưa họ đến một đồn nào thật xa mà chắc chắn hơn, ở nơi nào bọn giặc chưa kịp đến ấy.
Ivan Kudơmích quay sang phía vợ nói:
- Bà nghe không, thật tình cũng nên đưa hai mẹ con đi nơi khác, trong khi quân ta đang đánh nhau với bọn phiến loạn, bà thấy thế nào?
- Chuyện vớ vẩn! - bà đồn trưởng nói. - Đồn nào mà chúng lại không đến được? Đồn Bêlôgorxcơ này có gì là không chắc chắn nào? Nhờ trời chúng tôi ở đây cũng đã được hơn hai mươi năm nay rồi. Bọn Baskirơ và bọn Kiếcghidia chúng tôi đã từng thấy cả. Đến Pugatsốp nữa thì may ra cũng chống giữ được thôi!
Ivan Kudơmích nói:
- Ừ thôi, bà đã tin vào cái đồn này, thì bà cứ ở lại cũng được. Nhưng con Maria thì sao? Nếu ta đánh lui được giặc hay chống giữ được cho đến khi viện binh đến thì chả nói làm gì; nhưng nếu giặc chiếm được đồn thì sao?
- À, nếu thế thì… - đến đây bà Vaxilixa Êgôrốpna líu lưỡi lại không nói được nữa, vẻ vô cùng bối rối.
Nhận thấy lời nói của mình có công hiệu, lần này có lẽ là lần đầu tiên trong đời, ông đồn trưởng nói tiếp:
- Không được đâu bà ạ. Con Maria không ở đây được đâu. Ta gửi nó về Ôrenburg ở ít lâu với mẹ đỡ đầu của nó. Ở đấy quân lính nhiều, súng ống đầy đủ mà lại có thành lũy bằng đá. Còn bà cũng nên đến đấy với nó; bà già thì già, chứ thứ nghĩ xem chúng nó mà đánh chiếm được đồn thì sẽ ra sao?
- Thôi được rồi, - bà đồn trưởng nói, - con Maria nó đi. Còn tôi thì dù khi ông nằm mơ cũng đừng có mà bảo tôi đi: tôi không đi đâu, Tôi già thế này việc gì phải bỏ ông mà đi tìm một cái mồ đơn chiếc ở nơi đất khách quê người. Đã sống có nhau, thì chết cũng phải chết bên nhau.
- Thôi cũng được, - ông đồn trưởng nói, - thôi, chần chừ mãi! Bà đi sửa soạn cho con Maria nó lên đường. Sáng mai tờ mờ sáng là cho nó đi, để tôi phái theo một đội hộ tống, tuy chúng ta cũng chẳng thừa người. Nhưng con Maria ở đâu rồi nhỉ?
- Ở nhà bà Akulina Pamphilốpna, - bà đồn trưởng đáp. - Nó nghe tin Pugatsốp chiếm đồn Nigiơnêê Ôdêrô, sợ quá đâm ra khó ở; tôi sợ nó ốm mất. Trời đất, sao mà khổ sở thế này hở?
Bà Vaxilixa Êgôrốpna đi sắp xếp hành lý cho con gái. Cuộc bàn bạc ở nhà ông đồn trưởng lại tiếp tục; nhưng tôi không tham dự gì vào đấy nữa, mà cũng chẳng nghe thấy gì. Đến bữa ăn tối thì thấy Maria Ivanốpna bước ra, gương mặt xanh xao, mắt đỏ hoe vì khóc nhiều. Chúng tôi im lặng ngồi ăn và đứng dậy sớm hơn mọi bận; từ biệt cả gia đình ông đại úy chúng tôi ai về nhà nấy. Nhưng tôi cố ý bỏ quên thanh kiếm và quay lại lấy: tôi linh cảm rằng thế nào cũng sẽ gặp lại Maria Ivanốpna một mình. Quả nhiên nàng đứng đợi tôi trong phòng khách và trao thanh kiếm cho tôi. Nàng ứa nước mắt nói:
- Piốt Anđrêêvích, từ biệt anh nhé. Cha mẹ gửi em về Ôrenburg. Cầu mong cho anh mạnh khỏe và hạnh phúc; có lẽ trời còn cho chúng mình thấy lại mặt nhau, còn nếu không…
Đến đây nàng òa lên khóc. Tôi ôm lấy nàng:
- Từ biệt em nhé, nàng tiên của anh, từ biệt em yêu dấu của anh! Dù anh có thế nào chăng nữa thì em hãy tin rằng ý nghĩ cuối cùng của anh và lời cầu nguyện cuối cùng của anh sẽ gửi về em!
Maria nép vào ngực tôi.
Tôi hôn nàng nồng nàn, rồi vội vã ra khỏi phòng.
------------
Còn tiếp.
Cái tỉnh rộng lớn và giàu có này vốn có nhiều dân tộc bán khai ở. Bọn họ mãi gần đây mới thừa nhận quyền cai trị của các vua Nga. Họ liên tiếp nổi loạn, lại không quen với luật lệ và sinh hoạt có quy củ, hơn nữa bản tính lại nhẹ dạ mà hung ác khiến chính phủ phải giám sát không ngừng, nhằm bắt họ phải khuất phục. Những nơi địa thế thuận tiện đều có xây đồn lũy. Dân cư ở đó phần lớn là người Cô-dắc đã từ xưa chiếm cứ miền ven sông Iaích. Nhưng dân Cô-dắc vốn có nhiệm vụ duy trì yên tĩnh và an toàn ở miền này, ít lâu nay lại trở thành những thần dân không yên tĩnh và không an toàn tí nào đối với chính phủ. Năm 1772, trong thị trấn thủ phủ của họ có xảy ra một vụ rối loạn. Nguyên nhân vụ này là những biện pháp khắc nghiệt do thiếu tướng Tơraobenbéc thi hành nhằm bắt quân đội phục tòng mệnh lệnh. Kết quả là Tơraobenbéc bị giết một cách man rợ, quân lính tự ý thay đổi bộ chỉ huy, và cuối cùng là cuộc nổi loạn bị trấn áp bằng đạn ria đại bác và những hình phạt tàn khốc.
Việc đó xảy ra ít lâu trước khi tôi đến đồn Bêlôgorxcơ. Bấy giờ bốn phương đã yên tĩnh, hay có vẻ như yên tĩnh; bộ chỉ huy quá dễ tin vào lòng hối hận của quân phiến loạn quỷ quyệt. Họ vẫn ngấm ngầm nuôi lòng căm giận và chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là lại nổi loạn.
Tôi xin trở về với câu chuyện đang kể.
Một hôm vào buổi tối (hồi ấy là vào thượng tuần tháng Mười năm 1773), tôi đang ngồi một mình ở nhà, lắng nghe tiếng gió thu rít lên từng hồi và nhìn qua cửa sổ ngắm những đám mây bay qua vầng trăng. Bỗng có người đến báo là ông đồn trưởng cho mời tôi lại. Tôi lập tức đến nhà ông. Ở đấy tôi gặp Svabrin, Ivan Ignatôvích và viên đội Cô-dắc. Trong phòng không thấy có bà Vaxilixa Êgôrốpna mà cũng không thấy Maria Ivanốpna đâu cả. Ông đồn trưởng chào tôi, dáng tư lự. Ông đóng cửa mời mọi người ngồi xuống, trừ viên đội Cô-dắc thì vẫn đứng ở cửa. Ông đại uý rút trong túi ra một tờ giấy và nói với chúng tôi: “Thưa các sĩ quan, có một tin quan trọng, xin các ngài nghe tôi đọc bức thư của thiếu tướng”. Nói đoạn ông đeo mục kỉnh vào và đọc những dòng sau đây:
“Kính gửi quan đồn trưởng đồn Bêlôgorxcơ
Đại úy Mirônốp.
Xin có thư báo để ngài rõ rằng tên Êmêlian Pugatsốp, một tên Cô-dắc vùng sông Đông và là một tên dị giáo đã cả gan lấy danh hiệu tiên đế Piốt Đệ Tam tự phong cho mình, đã chiêu nạp một bọn côn đồ quấy rối các làng mạc miền sông Iaích và đến nay đã chiếm và phá được một số đồn lũy, đi đến đâu cũng đều giết người cướp của. Vì vậy ngài đại úy nhận được thư này phải lập tức thi hành những biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn tên gian phi mạo danh kia và nếu có thể thì hoàn toàn tiêu diệt lũ giặc, nếu chúng đến đánh cái đồn mà cấp trên đã giao cho ngài cai quản”.
Đọc xong ông đồn trưởng cất mục kỉnh và gấp tờ giấy lại.
- Thi hành những biện pháp thích hợp! Nói thì dễ đấy. Có lẽ tên giặc này mạnh lắm, mà chúng ta thì cả thảy có trăm ba mươi người, không kể bọn Cô-dắc, vì bọn này chả đáng tin cậy tí nào. Nói thế anh đừng giận, anh Mắcximích nhé (viên đội cười nhạt). Nhưng cũng đành vậy chứ biết làm thế nào được nữa, thưa các sĩ quan? Các ngài phải cho cẩn thận, phải đặt lính canh và cho đi tuần tra ban đêm; nếu có giặc đến tấn công phải đóng cửa đồn lại và dẫn lính ra. Còn anh Mắcximích thì phải trông bọn Cô-dắc cho kỹ. Khẩu đại bác phải xem lại và lau cho thật sạch. Mà nhất là phải giữ việc này thật kín, trong đồn đừng để ai biết sớm quá.
Sau khi ra lệnh cắt đặt như trên, Ivan Kudơmíh cho chúng tôi giải tán về nhà. Tôi cùng đi ra với Svabrin, bàn bạc với nhau về những điều vừa nghe được. Tôi hỏi hắn:
- Anh nghĩ thế nào, rốt cục sẽ ra sao đây?
Svabrin đáp:
- Có trời biết được. Rồi thử xem. Hiện nay thì tôi chưa thấy có gì nghiêm trọng cả. Còn nếu… - đến đây hắn ngẫm nghĩ một lát, rồi bắt đầu huýt sáo khe khẽ một khúc ca Pháp.
Mặc dầu chúng tôi đã đề phòng như vậy, tin Pugatsốp xuất hiện cũng lan ra khắp đồn. Ivan Kudơmích tuy nể vợ là thế, nhưng không đời nào lại để lộ cho vợ biết một chuyện bí mật về việc quân cơ. Khi nhận được bức thư của thiếu tướng, ông ta lừa cho bà ta đi nơi khác một cách khá tài tình, nói với bà Vaxilixa Êgôrốpna rằng đâu hình như cha Ghêraxim vừa nhận được những tin tức rất kỳ lạ ở Ôrenburg đưa về, những tin tức này cha giữ hết sức bí mật. Bà Vaxilixa Êgôrốpna lập tức muốn sang chơi nhà bà cố đạo, và theo lời khuyên của Ivan Kudơmích bà đem cả Maria đi theo để cho cô ta khỏi buồn vì nỗi phải ở nhà một mình.
Thế là Ivan Kudơmích hoàn toàn làm chủ trận địa, ông lập tức cho gọi chúng tôi lại, còn Palasca thì ông đem nhốt trong nhà kho để chị ta khỏi nghe trộm chúng tôi…
Bà Vaxilixa Êgôrốpna chả moi được tin tức gì ở nhà bà cố đạo cả bèn trở về, và đến lúc đó mới biết rằng trong khi bà đi vắng, Ivan Kudơmích có họp hội đồng quân sự và Palasca thì bị nhốt. Bà đoán là bà đã bị chồng lừa, và bắt đầu tiến hành một cuộc hỏi cung. Nhưng Ivan Kudơmích đã chuẩn bị đối phó. Ông không chút nao núng, trả lời trôi chảy những câu hỏi chất vấn của bà vợ tò mò:
- Số là thế này, bà nó ạ, các bà nhà ta tự dưng bày ra cái lối đốt lò sưởi bằng rơm; làm như vậy dễ xảy ra tai nạn như bỡn, cho nên tôi ra lệnh cho các sĩ quan nghiêm cấm các bà không được dùng rơm đốt lò, phải dùng củi khô mà đốt.
- Thế tại sao ông lại nhốt con Palasca lại, - bà đồn trưởng hỏi, - nó có tội tình gì mà phải ngồi suốt trong nhà kho mãi cho đến khi tôi với con Maria về?
Ivan Kudơmích chưa chuẩn bị trả lời câu hỏi này, ông ta đâm ra lúng túng và nói ấp úng mấy câu chả có đầu đuôi gì cả. Bà Vaxilixa Êgôrốpna đã thấy rõ chồng bà có mưu mô gì đây, nhưng biết rằng có hỏi nữa cũng chẳng moi thêm được tí gì, bà đành chấm dứt cuộc thẩm vấn và quay ra bàn về cái khoản dưa chuột muối ở nhà bà Akulina Pamphilốpna: bà ta muối dưa theo một kiểu đặc biệt, ăn rất ngon. Suốt đêm bà Vaxilixa Êgôrốpna không chợp mắt được, và không tài nào đoán được trong đầu óc chồng bà có những cái gì mà lại không thể cho bà biết được.
Ngày hôm sau đi xem lễ về, bà trông thấy Ivan Ignatôvích đang moi ở khẩu súng đại bác ra đủ các thứ giẻ rách, đá sỏi, đá bào, xương vụn, rác rưởi mà bọn trẻ con đã nhét vào nòng súng.
“Những cuộc chuẩn bị quân sự này là thế nào đây? - bà đồn trưởng nghĩ thầm. - Bọn Kiếcghidia sắp tấn công chắc? Nhưng tai sao Ivan Kudơmích lại đi giấu mình những chuyện vặt ấy?”
Bà liền lớn tiếng gọi Ivan Ignatôvích lại, với ý định quả quyết là sẽ hỏi cho ra những điều bí mật đang dày vò trí tò mò đặc biệt phụ nữ của bà.
Bà Vaxilixa Êgôrốpna bắt đầu nói chuyện nhà chuyện cửa với ông ta, như một quan tòa bắt đầu cuộc thẩm vấn bằng những câu hỏi vu vơ để cho người bị hỏi cung sao nhãng việc đề phòng. Sau đó bà im lặng vài phút, rồi lắc đầu thở dài thườn thượt nói:
- Lạy Chúa! Cơ sự như thế đấy. Toàn những tin sét đánh! Rồi đây sẽ ra sao không biết?
- Thôi bà đừng lo nữa, bà ạ! - Ivan Ignatôvích đáp. - Nhờ ơn Chúa, quân lính ta cũng đủ, thuốc đạn có thừa, khẩu đại bác thì tôi sẽ lau xong. Rồi ta sẽ đánh lui Pugatsốp. Chúa không nỡ bỏ ta đâu mà sợ.
- Thế Pugatsốp là cái thứ người gì vậy? - bà đồn trưởng hỏi.
Đến đây thì Ivan Ignatôvích đã thấy mình lỡ lời và vội vàng im bặt. Nhưng muộn rồi. Bà Vaxilixa Êgôrốpna bắt ông ta phải thú hết mọi sự, hứa với ông là sẽ không nói lại với ai hết.
Bà Vaxilixa Êgôrốpna giữ đúng lời hứa và không nói lại với ai lấy một câu nào, trừ bà cố đạo ra, và sở dĩ như thế là cũng vì bà này còn thả bò đi ăn ngoài thảo nguyên, bò có thể bị bọn cướp bắt, cho nên bà mới phải nói thôi.
Thế là chẳng bao lâu mọi người đều xôn xao bàn tán về Pugatsốp. Mỗi người nói một cách. Ông đồn trưởng phái viên đội Cô-dắc đi trinh sát cho kỹ tình hình ở các đồn và các làng lân cận. Hai ngày sau viên đội trở về nói rằng cách đồn chừng sáu mươi véc-xta, trên thảo nguyên có thấy rất nhiều ánh lửa và nghe mấy người Baskirơ nói là không biết quân lữ nào mà có vẻ đông và mạnh lắm. Ngoài ra thì ông ta chả nói thêm được gì cho rõ, bởi vì sợ không dám đi xa hơn nữa.
Trong đồn, người Cô-dắc bắt đầu nhốn nháo lạ thường, ở ngõ lối nào cũng thấy họ túm năm tụm ba nói thầm nói thì với nhau và khi trông thấy bóng một kỵ binh hay một người lính đồn thì họ lảng ra. Người ta phái mật thám trà trộn vào với họ để dò xét. Iulai, một người Can-mức theo đạo, tố giác với đồn trưởng một điều quan trọng. Theo lời Iulai thì những báo cáo của viên đội đều láo. Hôm trở về, anh chàng Cô-dắc ranh ma này nói với các bạn rằng anh ta đã gặp quân phiến loạn, lại còn đến trình diện với chủ tướng của họ nữa, được chủ tướng cho hôn tay và nói chuyện rất lâu. Ông đồn trưởng lập tức cho tống giam viên đội trưởng và cử Iulai lên thay. Được tin này, bọn Cô-dắc tỏ ý bất mãn ra mặt. Họ lớn tiếng kêu ca, và Ivan Ignatôvích, người thừa hành mệnh lệnh đồn trưởng, đã tự tai mình nghe họ nói: “Rồi nay mai con chuột đồng kia sẽ biết tay chúng ta!”.
Ông đồn trưởng định ngày hôm ấy sẽ hỏi cung viên đội Cô-dắc. Nhưng hắn đã lọt qua lính gác trốn mất rồi, chắc có bọn đồng lõa giúp đỡ.
Một việc mới xảy ra làm cho ông đồn trưởng càng thêm lo lắng. Người ta bắt được một tên Baskirơ, trong người có mang truyền đơn xúi giục nổi loạn. Nhân việc này ông đồn trưởng lại định triệu các sĩ quan lại và muốn tìm cớ để đẩy bà Vaxilixa Êgôrốpna đi nơi khác. Nhưng vì Ivan Kudơmích là người hết sức thật thà ngay thẳng, cho nên ngoài cái phương pháp đã một lần sử dụng trước kia ra ông chả tìm được cách nào khác cả. Ông đằng hắng mấy tiếng, rồi nói với vợ:
- Này bà Vaxilixa Êgôrốpna, nghe nói cha Ghêraxim mới nhận được một tin ở tỉnh về….
- Thôi ông im đi, - bà đồn trưởng ngắt lời, nói, - ông lại định họp hội đồng bàn về Êmêlian Pugatsốp mà không cho tôi dự chứ gì; không xong đâu, không lừa được tôi đâu!
Ivan Kudơmích trợn tròn xoe mắt. Ông nói:
- Thôi bà đã biết hết mọi chuyện rồi, thì cứ ở nhà, chúng tôi sẽ bàn trước mặt bà vậy.
- Có thế chứ, việc gì ông phải làm mưu làm mẹo với tôi? Thôi cho đi gọi các sĩ quan đến đi.
Chúng tôi lại họp có cả bà Vaxilixa Êgôrốpna dự. Ivan Kudơmích đọc cho chúng tôi nghe tờ hiệu triệu của Pugatsốp, do một gã Cô-dắc biết dăm ba chữ nào đó viết ra. Tên tướng cướp tuyên bố là hắn có ý định sắp đến đánh đồn chúng tôi. Hắn mời dân Cô-dắc và lính tráng cùng nhập bọn, và khuyên các cấp chỉ huy không nên kháng cự lại, dọa nếu không nghe sẽ bị hành hình. Lời lẽ viết trong tờ hiệu triệu thì thô lỗ, nhưng rất mạnh và chắc phải gây một ấn tượng rất nguy hiểm trong đầu óc của dân thường.
Bà đồn trưởng thốt lên:
- Thật là đồ bịp bợm! Nó dám rủ rê ta làm cái gì thế hả? Ra đón nó và mang cờ ra đặt xuống chân nó à? Chà, cái đồ chó đẻ! Nó không biết rằng nhà ta đã phục vụ bốn mươi năm nay trong quân ngũ và nhờ trời đã thấy chán chuyện ra sao rồi à? Chả nhẽ lại có những người chỉ huy đi nghe lời một tên cướp hay sao?
Ivan Kudơmích đáp:
- Chả làm gì có đâu. Nhưng nghe nói tên giặc đã chiếm được nhiều đồn rồi thì phải.
- Có lẽ nó mạnh thật, - Svabrin nói.
- Rồi sẽ thấy ngay nó mạnh thật hay không, - ông đồn trưởng đáp. - Bà Vaxilixa Êgôrốpna đưa cho tôi cái thìa khóa mở kho đi. Ivan Ignatôvích, ông đem tên Baskirơ ra đây và bảo Iulai lấy roi.
Bà đồn trưởng đứng dậy bảo: - Khoan đã ông Ivan Kudơmích, để tôi đem con Maria đi chỗ khác đã. Không có nó nghe kêu nó sợ. Mà cả tôi nữa, thật tình cũng chẳng ham gì cái trò tra khảo. Thôi chào các ngài…
Ngày xưa việc tra tấn đã bắt rễ sâu vào thủ tục tư pháp đến nỗi bản sắc lệnh nhân đức bãi bỏ lệ này chẳng có hiệu lực gì cả trong một thời gian khá lâu. Người ta cho rằng phạm nhân có tự mình thú nhận thì việc ra án mới được trọn vẹn, một quan niệm không những không có căn cứ, mà lại còn hoàn toàn trái với lương tri thông thường về pháp lý nữa: vì nếu cho rằng việc người bị cáo không chịu nhận tội không phải là một bằng chứng tỏ ra rằng hắn vô tội, thì việc hắn thú nhận tội cũng không thể xem là một bằng chứng kết luận rằng hắn có tội. Ngay đến bây giờ tôi còn có dịp nghe những vị quan tòa già than phiền về việc bãi bỏ cái tục lệ dã man này. Còn thời bấy giờ kể cả quan tòa và người bị cáo, ai cũng cho rằng dĩ nhiên là thế nào cũng phải tra tấn. Cho nên nghe lệnh của ông đồn trưởng, trong số chúng tôi không hề có ai ngạc nhiên và xúc động. Ivan Ignatôvích đi áp giải tên Baskirơ đang ngồi trong nhà kho do bà đồn trưởng giữ chìa khóa và mấy phút sau tên tù được đưa đến phòng ngoài. Ông đồn trưởng ra lệnh dẫn hắn vào.
Người Baskirơ chật vật bước qua ngưỡng cửa (chân hắn bị cùm), và cất cái mũ lông cao chóp, đứng lại một bên khung cửa. Tôi nhìn hắn mà rùng mình. Không bao giờ tôi quên được người ấy. Hắn trông chừng đã quá bảy mươi tuổi. Hắn chẳng có mũi cũng chẳng có tai. Đầu hắn cạo trọc; ở cằm chỉ thấy đâm ra mấy sợi râu bạc thưa thớt, hắn người thấp bé, gầy gò và còng lưng, nhưng đôi mắt ti hí hãy còn long lanh sáng.
Trông những đặc điểm kinh khủng của người tù, ông đồn trưởng đã nhận ra một tên phiến loạn bị trừng phạt hồi năm 1741. (ở đây muốn nói đến cuộc khởi nghĩa ở Baskiria bị quân đội của Nga hoàng đàn áp một cách cực kỳ tàn khốc).
Ông nói:
- Con sói già này đã có qua các chuồng bẫy của chúng ta rồi. Thế ra mày làm loạn không phải lần này là lần đầu, cho nên cái đầu bò của mày mới được bào nhẵn thế. Lại gần đây; thử nói xem ai phái mày đến.
Người Baskirơ già lặng thinh nhìn ông đồn trưởng, vẻ hết sức ngơ ngác. Ivan Kudơmích nói tiếp:
- Sao mày lại lặng thinh? Hay cái thằng này không hiểu tí tiếng Nga nào? Iulai, thử dùng tiếng địa phương hỏi hắn xem ai phái hắn đến đồn chúng ta?
Iulai hỏi lại bằng tiếng Tác-ta. Nhưng người Baskirơ vẫn trơ ra nhìn, vẻ vẫn đần độn như cũ và không đáp lấy một tiếng.
Ông đồn trưởng nói:
- Được, để xem mày có làm thinh được mãi không? Anh em! Cởi cái áo dài sọc lố bịch của nó ra và quất vào lưng nó cho tôi. Iulai, anh phải xem đánh cho kỹ vào.
Hai người lính què bắt đầu cởi áo người Baskirơ. Mặt người khốn nạn lộ vẻ lo lắng. Hắn ngơ ngác nhìn quanh như một con thú nhỏ bị trẻ nít bắt. Đến khi một người lính cầm lấy tay người Baskirơ khoác lên cổ và cõng hắn lên, còn Iulai thì cầm roi vung cao lên, người Baskirơ rên lên một tiếng yếu ớt có vẻ van lơn, rồi gật gật cái đầu và mở miệng ra: trong miệng không có lưỡi, chỉ thấy nhúc nhích một cục thịt cụt lủn.
Khi tôi hồi tưởng lại rằng những việc này xảy ra trong thời đại tôi, và tôi đã sống cho đến cái thời buổi yên lành của triều đại Alếchxanđrô, tôi không thể không ngạc nhiên khi thấy nền giáo dục tiến bộ nhanh chóng và các quy tắc nhân đạo được phổ biến rộng rãi như thế này. Bạn đọc trẻ tuổi của tôi ơi, nếu những dòng ghi chép này có lọt vào tai bạn, thì bạn hãy nhớ rằng những sự thay đổi tốt đẹp và vững chãi nhất là những sự thay đổi nào thực hiện bằng cách cải thiện tâm tính phong tục, không gây ra những cuộc rung chuyển thô bạo.
Ai nấy đều lặng người đi vì ghê sợ. Ông đồn trưởng nói:
- Thôi, thế này chả dò ra manh mối gì ở như thằng này được đâu. Iulai, anh dẫn tên Baskirơ vào kho đi. Còn các ngài thì hãy ngồi lại, chúng ta còn việc phải bàn.
Chúng tôi bắt đầu bàn bạc về tình hình hiện tại, thì bỗng nhiên bà Vaxilixa Êgôrốpna bước vào phòng, thở hổn hển có vẻ hết sức lo sợ. Ông đồn trưởng kinh ngạc hỏi:
- Bà làm sao thế bà?
- Các ông ơi, khổ to rồi! - bà Vaxilixa Êgôrốpna đáp. - Đồn Nigiơnêê Ôdêrô vừa bị chiếm sáng nay. Anh người nhà của cha Ghêraxim vừa ở đấy về. Anh ta đã thấy rõ khi chúng chiếm đồn, ông đồn trưởng và tất cả các sĩ quan đều bị treo cổ, quân lính đều bị bắt làm tù binh. Chắc bọn giặc sắp đánh đồn ta đến nơi rồi!
Cái tin đột ngột này làm tôi choáng váng người đi. Tôi vốn có quen đồn trưởng đồn Nigiơnêê Ôdêrô, một sĩ quan trẻ tuổi, hiền lành, ít nói, trước đây chừng hai tháng ông ta cùng với người vợ trẻ từ Ôrenburg đi ngang đây có ghé lại nhà Ivan Kudơmích. Đồn Nigiơnêê Ôdêrô chỉ cách đồn chúng tôi chừng hai mươi lăm véc-xta. Như vậy là Pugatsốp có thể sắp sửa đánh đến chúng tôi. Tôi nghĩ ngay đến số phận Maria Ivanốpna và tim tôi như ngừng đập.
Tôi nói với ông đồn trưởng:
- Ivan Kudơmích ạ! Bổn phận của chúng ta là bảo vệ đồn này cho đến hơi thở cuối cùng, việc đó không nói làm gì nữa. Nhưng phải nghĩ đến việc bảo đảm an toàn cho đàn bà con gái. Ngài cho họ về Ôrenburg đi, nếu đường còn đi được, hoặc đưa họ đến một đồn nào thật xa mà chắc chắn hơn, ở nơi nào bọn giặc chưa kịp đến ấy.
Ivan Kudơmích quay sang phía vợ nói:
- Bà nghe không, thật tình cũng nên đưa hai mẹ con đi nơi khác, trong khi quân ta đang đánh nhau với bọn phiến loạn, bà thấy thế nào?
- Chuyện vớ vẩn! - bà đồn trưởng nói. - Đồn nào mà chúng lại không đến được? Đồn Bêlôgorxcơ này có gì là không chắc chắn nào? Nhờ trời chúng tôi ở đây cũng đã được hơn hai mươi năm nay rồi. Bọn Baskirơ và bọn Kiếcghidia chúng tôi đã từng thấy cả. Đến Pugatsốp nữa thì may ra cũng chống giữ được thôi!
Ivan Kudơmích nói:
- Ừ thôi, bà đã tin vào cái đồn này, thì bà cứ ở lại cũng được. Nhưng con Maria thì sao? Nếu ta đánh lui được giặc hay chống giữ được cho đến khi viện binh đến thì chả nói làm gì; nhưng nếu giặc chiếm được đồn thì sao?
- À, nếu thế thì… - đến đây bà Vaxilixa Êgôrốpna líu lưỡi lại không nói được nữa, vẻ vô cùng bối rối.
Nhận thấy lời nói của mình có công hiệu, lần này có lẽ là lần đầu tiên trong đời, ông đồn trưởng nói tiếp:
- Không được đâu bà ạ. Con Maria không ở đây được đâu. Ta gửi nó về Ôrenburg ở ít lâu với mẹ đỡ đầu của nó. Ở đấy quân lính nhiều, súng ống đầy đủ mà lại có thành lũy bằng đá. Còn bà cũng nên đến đấy với nó; bà già thì già, chứ thứ nghĩ xem chúng nó mà đánh chiếm được đồn thì sẽ ra sao?
- Thôi được rồi, - bà đồn trưởng nói, - con Maria nó đi. Còn tôi thì dù khi ông nằm mơ cũng đừng có mà bảo tôi đi: tôi không đi đâu, Tôi già thế này việc gì phải bỏ ông mà đi tìm một cái mồ đơn chiếc ở nơi đất khách quê người. Đã sống có nhau, thì chết cũng phải chết bên nhau.
- Thôi cũng được, - ông đồn trưởng nói, - thôi, chần chừ mãi! Bà đi sửa soạn cho con Maria nó lên đường. Sáng mai tờ mờ sáng là cho nó đi, để tôi phái theo một đội hộ tống, tuy chúng ta cũng chẳng thừa người. Nhưng con Maria ở đâu rồi nhỉ?
- Ở nhà bà Akulina Pamphilốpna, - bà đồn trưởng đáp. - Nó nghe tin Pugatsốp chiếm đồn Nigiơnêê Ôdêrô, sợ quá đâm ra khó ở; tôi sợ nó ốm mất. Trời đất, sao mà khổ sở thế này hở?
Bà Vaxilixa Êgôrốpna đi sắp xếp hành lý cho con gái. Cuộc bàn bạc ở nhà ông đồn trưởng lại tiếp tục; nhưng tôi không tham dự gì vào đấy nữa, mà cũng chẳng nghe thấy gì. Đến bữa ăn tối thì thấy Maria Ivanốpna bước ra, gương mặt xanh xao, mắt đỏ hoe vì khóc nhiều. Chúng tôi im lặng ngồi ăn và đứng dậy sớm hơn mọi bận; từ biệt cả gia đình ông đại úy chúng tôi ai về nhà nấy. Nhưng tôi cố ý bỏ quên thanh kiếm và quay lại lấy: tôi linh cảm rằng thế nào cũng sẽ gặp lại Maria Ivanốpna một mình. Quả nhiên nàng đứng đợi tôi trong phòng khách và trao thanh kiếm cho tôi. Nàng ứa nước mắt nói:
- Piốt Anđrêêvích, từ biệt anh nhé. Cha mẹ gửi em về Ôrenburg. Cầu mong cho anh mạnh khỏe và hạnh phúc; có lẽ trời còn cho chúng mình thấy lại mặt nhau, còn nếu không…
Đến đây nàng òa lên khóc. Tôi ôm lấy nàng:
- Từ biệt em nhé, nàng tiên của anh, từ biệt em yêu dấu của anh! Dù anh có thế nào chăng nữa thì em hãy tin rằng ý nghĩ cuối cùng của anh và lời cầu nguyện cuối cùng của anh sẽ gửi về em!
Maria nép vào ngực tôi.
Tôi hôn nàng nồng nàn, rồi vội vã ra khỏi phòng.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét