Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rủ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…
----------
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành nhạc
phẩm Thuyền viễn xứ.
Phạm Duy không chỉ tài hoa mà còn tinh tường. Hầu như bài thơ nào ông phổ nhạc cũng thành công. Lệ Thu hát bài này, Đưa em tìm động hoa vàng, Mùa thu chết, Hoài cảm, không thể ca sĩ nào thay thế. Thái Thanh hát "Đưa em..." có cảm giác "lên non tìm động hoa vàng ngủ say", còn Lệ Thu hát có cảm giác "lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau"! Tôi mê thích giọng ca Lệ Thu.
Trả lờiXóaNhững nghệ sĩ tài hoa thường có tâm hồn đồng điệu. Thơ của những Phạm Thiên Thư, Huyền Chi, Hữu Loan... đã hay từ hồn cốt, được Phạm Duy chắp thêm cho đôi cánh nhạc, vậy là thi phẩm - nhạc phẩm ấy thành bất tử.
Trả lờiXóa