Gárdonyi Géza
Những ngôi sao Eghe
(Nguyên tác: Egri Csillagok)
Dịch giả: Lê Xuân Giang
Tiểu thuyết - Văn học Hungari
Nhà xuất bản: Văn học - Hà Nội
Năm xuất bản: 1987
Phần năm
Nguyệt thực
1
Viên đại úy thành Xorơvotkơ đứng tối ngày trong tháp cao
lắng nghe tiếng đại bác gầm từ Eghe vọng đến.
Ở Xorơvotkơ nắng thu rất đẹp. Lá rừng mới bắt đầu ngả vàng
từ vài hôm nay, và vì ngày nào trời cũng mưa nhưng đêm nay trời cũng quang
tạnh, nên gốc cây và ven suối lại xanh non mơn mởn. Cứ như không phải tiết thu
mà đang mùa xuân.
Xorơvotkơ cách Eghe cũng bằng từ Isosơxee đến Gơđơnlơ hoặc
từ Siôphôôc thẳng đường thủy qua Phuyrét [71]. Chỉ có cái là nó nằm giữa các dãy
núi; núi tiếp núi từ Phennêmét đến Gơmơ, chỉ có một con đường hẻm, hẹp và ngoằn
ngoèo dẫn vào đó.
Sáng sáng khi đại bác lên tiếng, mây tụ lại nhiều tối sầm cả
bầu trời, và không đầy một giờ sau mưa đã rơi. Đôi khi có cả mưa bẩn. Gió đưa
khói đến lẫn trong mây và đôi khi mưa tưới bẩn các bức tường và sân thành
Xorơvotkơ, những quả núi đá, những bông hồng mùa thu của ngài đại úy, cứ như
người ta giội nước rửa ống khói ở thượng giới xuống vậy.
Xorơvotkơ là một tòa thành nhỏ cũng như Đơrêgei, xây trên
một quả núi đá cao. Đối với người trông thấy lần đầu tiên, nó giống như một tòa
thành được đẽo ra từ đỉnh nhọn quả núi. Chả là vì nó nhỏ quá. Trong thành vẻn
vẹn có ba ngôi nhà, cái sân của nó chỉ vừa đủ cho một cỗ xe quay đầu. Bảo nó là
một biệt thự đi săn có lẽ đúng hơn. Chỉ có thể dùng nó làm chốn dung thân trong
cái thời người ta còn chưa biết đến đại bác. Còn ở cái thời xảy ra câu chuyện
của chúng ta đây cùng lắm nó chỉ có thể dùng làm chỗ nghỉ chân cho những đội
quân kéo đến Eghe hoặc làm một trạm chuyển thư tín mỗi khi Eghe bị vây hãm.
Nếu Eghe thất thủ, ngài Xonkoi Botajơ có thể lên ngựa cùng
bốn mươi chín tên lính của ngài mà đi lên các tỉnh miền bắc, đến chỗ họ hàng
của ngài - nếu quả ngài không muốn làm như Xônđi cáu tiết hoặc như Nhari
Lôsônxi, viên đại úy thành Xônnôc, hôm mồng bốn tháng này đã một mình đứng giữa
cổng thành cự địch với cả trăm ngàn tên Thổ.
Ngài Xonkoi Bolajơ đứng trong tháp cao của thành với cái áo
khoác mùa thu có cổ, màu nâu sẫm, dài bén gót khoác trên vai, với cái mũ lông
cáo trên đầu. Ông lo lắng đưa cặp mắt xanh ươn ướt đăm đăm nhìn ngọn núi cao đã
ngăn không cho ông nhìn thấu tới Eghe. Không thể thấy Eghe thì ông nhìn ngọn
núi. Mà giả dụ có nhìn về hướng khác chăng nữa ông cũng chỉ thấy núi mà thôi,
bởi vì những quả núi đứng gần đến nỗi với một khẩu súng tốt ông có thể bắn
trúng một con nai gặm cỏ ở bất cứ sườn núi nào.
Dưới chân thành có một vài túp nhà nhỏ và con suối Eghe. Con
đường xa lộ rải đá chạy dọc ven suối.
Thế là ngài Xonkoi đứng trong tháp cao của thành mà nhìn cái
hư không.
Yên lặng bao trùm quanh ông. Chả trách ông Bolajơ nhà ta
suýt ngã ngửa khi người lính gác đứng sau lưng ông ta đột nhiên rúc một tiếng
tù và.
- Có người đến. - Người lính gác nói để thanh minh khi anh
ta thấy chủ tướng giật mình vì tiếng tù và bất ngờ, giơ tay lên định tát.
- Đồ bò! - Bolajơ quát anh ta. - Tao đã ở ngay đây rồi, mày
còn rúc điếc tai tao làm gì nữa!
Ông nhìn xuống con đường hẻm lượn quanh co theo triền núi,
quả nhiên ông trông thấy hai kỵ sĩ. Họ có vẻ quý tộc. Người nhỏ hơn có lẽ là võ
đồng. Có lẽ họ từ xa đến, bởi sau lưng họ yên ngựa chất đầy bọc to. Vai họ đeo
súng ngắn nòng. Cả hai đều mặc áo khoác dài chấm bàn đạp.
- Những người này không phải từ Eghe đến. - Xonkoi suy nghĩ
và buột thành tiếng.
- Có lẽ là Vosơ Mikơlốt. - Người gác tháp canh nói.
Anh ta định lợi dụng lời nói của chủ tướng để làm quên sự
ngu ngốc ban nãy của mình. Nhưng anh ta gặp ngày rủi: sự bực tức lại khiến
Bolajơ nổi xung:
- Đồ bò đực, Vosơ Mikơlốt đã làm sao mà đến được! Hả, đồ bê
con! Mày tưởng Viên cũng gần như làng Opát đấy hẳn!
Từ khi giặc Thổ đánh phá Eghe, con người tốt bụng này lúc
nào cũng dễ cáu bẳn. Thêm nữa, giờ đây ông đang lấy làm xấu hổ trước mặt người
lính của mình vì đã giật thót người khi nghe tiếng tù và, cho nên suýt nữa ông
nuốt chửng anh ta.
Người lính gác ngượng đỏ mặt. Anh không dám nói thêm gì nữa.
Ông Bolajơ nhà ta cầm lấy đốc gươm đi xuống cầu thang vòng để xem thử ai đến,
bởi đã hai ngày nay chỉ toàn người từ đây ra đi, còn đến thì không một ai cả.
Một chàng trai rất trẻ, da mặt trắng xanh, có cái nhìn gan
góc đứng ở sân thành. Chàng ta không có ria cũng chẳng có râu. Đứng sau chàng,
một thiếu niên có vẻ võ đồng giữ cương hai con ngựa. Khi thấy chủ nhà, chàng
trai đi đến trước mặt ông, bỏ mũ ra với một động tác vung tay rất rộng, nghiêng
mình chào.
- Tôi là em của Bônemixo, thượng úy ở Eghe. Tên tôi là
Gianốt. Cậu thiếu niên đây là học sinh Rêzo Mikơlốt. Anh cậu ta cũng đang ở
trong thành Eghe.
Xonkoi đưa tay ra bắt tay Bônemixo Gianốt nhưng không bắt
tay người kia. Con mắt lão luyện của ông nhận ra ngay người đó không phải là
quý tộc.
- Chào cậu. - Ông nói. - Ta không quen anh cậu, nhưng nếu
cậu gặp anh ta, ta xin gửi lời chào. Cậu là khách quý của ta.
Và bằng một cử chỉ ân cần, ông chỉ tay về phía cửa.
- Xin cảm ơn ngài, - Chàng trai đáp. - Tôi không đến đây để
làm khách, mà chỉ để hỏi một vài câu thôi. Tôi muốn được biết ngài có tin gì về
Eghe không?
Xonkoi nhún vai và chỉ về phía Eghe.
- Cậu cũng có thể nghe đấy!
- Vâng, tôi nghe hai bên đối pháo.
- Đã mười chín hôm nay rồi.
- Thành kiên cố lắm nhỉ?
Xonkoi lại nhún vai:
- Quân Thổ cũng mạnh.
- Có đủ lính không?
- Hôm mồng mười họ có cả thảy một nghìn chín trăm ba mươi
lăm người. Từ đó tới giờ chúng nó liên tục bắn phá họ.
- Nhà vua không gửi viện binh đến ư?
- Cho đến nay thì không.
- Đức giám mục?
- Cũng không.
- Nhưng họ vẫn chờ chứ?
- Chờ thì họ vẫn chờ. Nhưng ta đừng nói chuyện nhiều thế nữa
cậu em ạ. Vào đây nghỉ cho hết mệt đi đã. Nhìn ngựa của cậu, ta biết cậu đã
khởi hành từ sáng sớm.
Bolajơ đã lộ rõ vẻ không thích thú gì cái việc đứng ngoài
sân mà nghe những câu hỏi dồn dập của người mới đến. Từ nãy ông đã muốn đến
ngồi bên bàn lắm rồi, chỉ có tiếng vang âm của trận công thành giữ ông lại trên
tháp canh mà thôi. Trời đã trưa mà ông thì chưa ăn sáng.
- Thưa ngài, - người
khách nói khi vào đến cửa. - cậu thiếu niên đi theo tôi là một sinh viên khoa
thần học.
- Sinh viên à? Vậy thì… Này, cậu sinh viên! - Ông ta gọi, vẻ
trịch thượng.
Ông chỉ phòng cho khách rồi mời khách rửa bằng nước thơm. (Vosanhi mang từ trại quân Thổ đến cho ông một ít dầu hoa hồng. Ông muốn khoe
khoang đôi chút).
Khi hai người khách bước vào phòng ăn, bàn đã dọn xong, một
con thỏ rán đang bốc hơi thơm phức trên bàn.
- Lại thỏ à? - Bolajơ quắc mắt hỏi mụ hầu bếp.
Thấy hai chàng trai bước vào, ông phân trần:
- Chúng tôi bây giờ toàn sống bằng thịt thỏ. Tất cả thỏ ở
Eghe đều chạy tạt sang bên này để tránh tiếng động.
Gianốt sau khi đã cởi bỏ áo khoác, đến phòng ăn trong cái áo
lụa Đamát màu anh đào bó sát người. Người sinh viên chỉ mặc cái áo sợi đay.
Ngang lưng cả hai người đều có thắt lưng da cùng một kiểu, bên thắt lưng là
thanh gươm kiểu Hung.
Trên bàn không có thực cụ gì khác ngoài cái thìa. Thời bấy
giờ mỗi người đều cắt lấy thức ăn bằng dao riêng của mình. Cái dĩa chỉ dùng
trong nhà bếp. Hai người khách đều thò tay vào thắt lưng, chỗ đeo con dao con.
Con dao của chàng trai nhiều tuổi hơn mạ vàng, có cán nạm ngọc trai. Của người
sinh viên chỉ là một con dao thường cán gỗ làm ở Pheiê.
- Tôi thích thịt thỏ. - Bônemixo Gianốt đáp. - Và món này
làm tuyệt lắm. Ở chỗ chúng tôi người ta nấu cách khác. Thưa đại úy, chẳng hiểu
ngài có biết gì về ông anh tôi không?
- Nấu cách khác à? – Xontoi hỏi. Ông quan tâm đến khoản thịt
thỏ nhiều hơn.
- Vâng, khác. - Bônemixo Gianốt trả lời. - Ở chỗ chúng tôi
người ta rửa con thỏ bằng rượu vang, sau đó bắc lên bếp với một tí nước thôi.
Người ta bỏ cả một lát bánh mì vào trong bụng nó và nấu chín. Nhưng phải chú ý
cho nước đừng sủi lên. Khi nước đã sôi, người ta bắc xuống, lấy thịt ra và lọc
nước luộc. Sau đó cho đinh hương, hồ tiêu, nghệ và gừng vào. Nhưng liệu nội
nhật ngày hôm nay chúng ta có thể biết được chuyện gì xảy ra trong thành không
nhỉ? Có thể anh tôi đã hy sinh rồi sao?
Và mắt chàng rưng rưng lệ.
- Thế người ta không cho dấm vào ư? - Xonkoi lại hỏi tiếp mà
không hề ngửng nhìn lên.
- Sao lại không, nhưng chỉ đến cuối cùng, khi lại cho thỏ
vào nước luộc lần thứ hai. Ngay ngày hôm nay chúng tôi phải vào Eghe.
Xonkoi mút hết cái xương đùi thỏ rồi chạm cốc với hai người
khách. Họ không uống rượu vang.
- Hừm. - Xonkoi lên tiếng.
Ông lấy khăn lau ria mép rồi nhìn họ và lại thốt ra.
- Hừm.
Ông im lặng một lát. Sau đó ông chợt chống khuỷu tay lên bàn
và cất tiếng hỏi:
- Vào thành Eghe à?
- Vâng, vâng. - Bônemixo Gianốt tái mặt trả lời. - Ngay tối
hôm nay.
- Hừm. Tôi muốn được biết các vị định vào bằng cách nào? Như
chim chăng? Hay như những hồn ma chui qua lỗ khóa?
- Như chuột chũi ấy, ông anh thân mến ạ.
- Chuột chũi?
- Tòa thành còn có cả những đường ngầm nữa.
- Những đường ngầm? - Xonkoi hỏi và lắc đầu.
Bônemixo Gianốt thò tay vào ngực lấy ra một tờ giấy đặt
xuống trước mặt Xonkoi.
- Đây: những nét màu đỏ này.
- Tôi biết rồi. - Xonkoi trề môi nhìn bản vẽ. - Những đường
hầm ấy tuy có ở đây thật đấy, nhưng ở đằng kia thì không có nữa đâu. Người ta
đã bắn sập tất cả từ thời Perênhi rồi kia.
- Người ta đã bắn sập?
- Sập chứ. Khi Perênhi cắt đôi nhà thờ của Thánh vương
Isơlơvan, người ta đã phát hiện ra những đường ngầm và người ta đã bắn đại bác
vào tất cả những con đường ấy. Tất cả đều đã đổ sập. Không phải người Hung đào
những con đường ấy. Người Hung không nghĩ đến chuyện tháo chạy khi xây thành.
- Chắc chắn như vậy chứ? - Bônemixo Gianốt hỏi.
- Chắc chắn như việc chúng ta đang ngồi ở đây vậy.
- Nhưng đã thật hoàn toàn chắc chắn đâu? Ngài làm sao mà
biết được điều đó chắc chắn đến như thế?
Xonkoi nhún vai:
- Các tin sứ của Đôbô thường đến chỗ tôi. Họ đi đi về về qua
doanh trại Thổ. Mấy hôm trước chúng nó đã đâm chết một người trong bọn họ. Nếu
như có, dù chỉ một con đường, cậu nghĩ họ lại không ra vào theo lối đó sao?
Chàng Bônemixô trẻ tuổi yên lặng ngẫm nghĩ. Cuối cùng chàng
ngửng đầu lên.
- Thế tin sứ khi nào ra đây, hoặc khi nào sẽ vào?
- Hiện giờ có hai người đang ở ngoài! Một người là Vosơ
Mikơlốt, người kia là Xobô Imre. Đôbô phái họ đến Viên, chỗ nhà Vua.
- Bao giờ họ trở lại? Khi nào họ đi vào thành?
- Vosơ Mikơlốt có lẽ một tuần nữa. Xobô có lẽ hai tuần nữa.
Tuần nào cũng có một tin sứ từ đây ra đi.
Lệ nhòa mi mắt người hỏi tin. Chàng ta tái mặt nhìn ra phía
trước với đôi mắt đẫm lệ. Xonkoi dốc cạn cốc rượu. Ông lại hừm một tiếng rồi
ngả người ra đằng sau trong chiếc ghế bành và vừa liếc nhìn qua đuôi mắt vừa
nhẹ nhàng nói:
- Cậu Bônemixo Gianốt, cậu hãy nghe đây! Cậu không phải là
Gianốt cũng như thể tôi không phải là Abraham [72]. Và cậu không phải là em của
Bônemixơ cũng như thể tôi không phải là giám mục Eghe vậy. Cô là phụ nữ, cô em
ạ, dù cho cô có mặc áo đônman gì đi nữa, cô cũng không thể đánh lừa nổi con mắt
của tôi.
Người khách vội đứng dậy đáp:
- Ngài Xonkoi, xin ngài thứ lỗi. Không phải tôi giấu ngài là
để đánh lừa ngài đâu, mà để ngài đừng cản đường tôi. Tôi là vợ Bônemixo Gergey.
Xonkoi đứng dậy, nghiêng mình đáp lễ:
- Tôi xin sẵn sàng giúp đỡ phu nhân.
- Cám ơn ngài. Vậy bây giờ tôi sẽ nói vì sao tôi đến đây.
Chồng tôi có một cái bùa hộ mệnh Thổ Nhĩ Kỳ. Cái tên vốn là chủ cái bùa đó đã
bắt mất con trai của chúng tôi và đem đến Eghe đây. Hắn tưởng rằng cái bùa hộ
mệnh đó ở chỗ chồng tôi. Ngài xem, nó đây.
Người thiếu phụ thò tay vào ngực lấy ra một cái nhẫn Thổ
tuyệt xảo treo đầu một sợi dây. Xonkoi chăm chú nhìn cái nhẫn.
Người thiếu phụ nói tiếp:
- Tôi đã sai quân lính ở Sôpơrôn tìm kiếm tên Thổ đó một
thời gian, nhưng vì họ không tìm thấy hắn nên tôi phải đuổi theo hắn tới đây.
Người Thổ mê tín lắm. Cái bùa hộ mệnh này là tất cả đối với hắn. Nếu có thể,
hắn sẽ giết chồng tôi. Nếu không thể, hắn sẽ giết con trai tôi. Nếu như cái
nhẫn ở chỗ chồng tôi thì có lẽ họ còn có thể nói chuyện với nhau được, chồng
tôi sẽ trả lại cái nhẫn, hắn sẽ trả lại đứa bé.
Xonkoi lắc đầu:
- Phu nhân thân mến ạ, những người ở Eghe đã thề không lời
qua tiếng lại với bọn Thổ, không nhận một lời bắn tin nào của chúng. Kẻ nào trò
chuyện, nhắn nhe với bọn Thổ thì dù là quan hay lính đều sẽ bị tử hình.
Ông già vừa gãi gáy vừa tiếp:
- Giá phu nhân đến đây hôm qua thì hay biết mấy. Nhưng ai
biết họ có lọt được vào không?
Viên đại úy nghĩ đến Nogiơ Lukát.
- Bây giờ thì đằng nào cũng thế. - Người thiếu phụ đáp. -
Ngay hôm nay tôi phải vào thành! Tôi chưa thề là sẽ không nói chuyện với quân
Thổ.
- Nhưng phu nhân nghĩ thế nào chứ? Hẳn là hai người không
định mở đường máu qua trại quân Thổ?
- Chúng tôi sẽ cải trang mà đi.
- Nếu cải trang, quân trong thành sẽ bắn chết các bạn.
- Chúng tôi sẽ gọi lên.
- Thế thì các bạn sẽ rơi vào tay quân Thổ ở ngoài thành. Các
cổng thành đều đã lấp kín. Có thể hôm nay người ta đã xây bít lại rồi cũng nên.
- Vậy tin sứ của Đôbô năm hôm nữa làm sao mà vào được?
- Rất nguy hiểm. Vả lại anh ta biết chắc trong thành chờ anh
ta ở cổng vào. Anh ta có còi, có khẩu lệnh. Anh ta biết tiếng Thổ. Các bạn phải
chờ anh ta, nếu quả các bạn muốn lao vào nguy hiểm bằng bất cứ giá nào.
- Thế nếu tôi đội khăn trắng mà đi? Nếu tôi nói với chúng
rằng tôi muốn tìm một võ quan tên là Yumusac?
- Phu nhân đẹp và trẻ. Nếu như chúng nó coi phu nhân là nam
giới đi nữa thì phu nhân vẫn có giá trị đối với chúng như nữ giới vậy. Tên lính
đầu tiên bắt được phu nhân sẽ trói phu nhân vào trong lều của nó.
- Nhưng nếu tôi viện đến một tên võ quan.
- Ở đó có hai trăm nghìn người. Chúng nó không biết hết tên
các sĩ quan. Chúng nó lại không cùng một tiếng nói. Ba Tư, Ả rập, Ai Cập, Cuốcđơ,
Tácta, Xecbi, Antani, Hôrơvát, Hy Lạp, Ácmêni - hàng trăm giống người pha tạp.
Tên các võ quan của chúng cũng chỉ bọn trong cùng binh đoàn mới biết. Các thứ
tên ấy cũng không phải tên thật của các võ quan, mà tự chúng đặt ra. Giả dụ một
tên võ quan có mũi to thì bất kể tên hắn là Amét hay Hoxan, giữa chúng nó với
nhau chúng chỉ gọi là Mũi to hay Voi mà thôi. Nếu một tên tóc đỏ, tên hắn sẽ là
Sóc hoặc Đồng điếu. Nếu người gầy và chân dài, chúng nó sẽ gọi là Cò hương. Và
bao nhiêu tên khác nữa đại loại như thế. Ở đó tên gọi của tất cả bọn chúng là
cái tên có thể giúp chúng dễ nhận ra hình dạng nhất.
Người thiếu phụ thất vọng cúi đầu xuống:
- Vậy ông bày cho tôi một kế gì đi.
- Lời khuyên của tôi là chúng ta hãy chờ một người tín sứ đi
vào. Dù đó là Vosơ Mikơlốt hoặc một người nào khác, phu nhân hãy đưa cái nhẫn
cho anh ta, anh ta sẽ mang nó vào. Lúc đó ngài Bônemixo Gergey tự khắc sẽ tìm
ra cách nói chuyện với tên Thổ.
Đó quả là một lời khuyên thông thái. Nhưng hỡi ôi, trái tim
đang giãy giụa của người mẹ không biết đến chữ gượm. Nó chỉ thấy cái chết đang
lơ lửng trên đầu những người thân yêu. Phải giơ mộc ra chặn cái chết đó càng
sớm chừng nào càng tốt chừng nấy!
Êvo mở bản đồ thành Eghe ra, đắm mình rất lâu vào việc xem
xét. Sau đó nàng ngửng đầu lê nói:
- Nếu người ta xây dựng cái thành này trước khi dân Hung di
cư vào, những người thời nay không thể nào còn biết được có gì bên dưới nó.
Đây, cái nhà thờ ở đây, từ đây ba đường hầm tỏa đi ba nơi. Quả có thể người ta
đã bắn sập những đường hầm này. Nhưng đường hầm thứ tư ở đây, nó đi xuyên qua
dưới soái phủ ngày nay và ở xa ba đường hầm kia. Người ta không thể tìm ra được
đường hầm này khi xây pháo đài Sanđô. Có thể họ biết đến nó, mà cũng có thể
không. Cửa vào của đường hầm này ở đâu, hở Mikơlôt?
Nàng đẩy mảnh giấy đến trước mặt cậu thiếu niên.
- Ở chỗ mấy cái lò gạch. - Người thiếu niên nói sau một phút
xem xét.
- Ở đó có lò gạch không? - Người thiếu phụ hỏi Xonkoi.
- Có. - Xonkoi trả lời. - ở mạn đông bắc thành.
Người thiếu niên đọc dòng chữ nhỏ li ti như hạt vừng:
- Lò gạch ở đông bắc. Tảng đá tròn và dẹt, cách cây hồ đào
mười bước về phía nam. Đó là cửa vào.
- Ở đó có cây hồ đào à? - Người thiếu phụ lại hỏi.
- Cái đó thì tôi không nhớ. - Xonkoi đáp. - Cả đời tôi mới
đến đấy có một lần, từ cái thời ông Perênhi cơ.
- Cái lò gạch có xa thành không?
- Không xa đâu. Có lẽ độ mười lăm phút đường đất.
- Thế thì ở đó cũng có quân Thổ.
- Có hẳn đi chứ lị. Nếu không có quân chính ngũ thì cũng là
dân đi theo đoàn quân: nông dân và những loại người khác tương tự.
- Ngài có thể cho chúng tôi vài bộ quần áo Thổ được không?
- Được.
- Có cả áo khoác đeli [73] nữa chứ?
- Có, nhưng chỉ mỗi một cái thôi. Mà nó cũng bị xẻ đôi suốt
từ trên xuống dưới.
- Tôi sẽ khâu lại. - Người thiếu phụ nói. - tôi đã có lần đi
xa mặc giả làm đêli. Không ngờ việc đó lại có ngày giúp ích cho tôi.
Nàng tì trán vào lòng bàn tay, suy nghĩ. Bỗng nàng giãy nảy
lên:
- Không, tôi không thể chờ đến khi khâu xong áo khoác được.
Mà như thế này còn tốt hơn. Xin cảm ơn sự tiếp đãi ân cần của ngài.
Nàng chìa tay ra cho viên đại úy.
- Nhưng có điều phu nhân không…
- Chúng tôi khởi hành ngay bây giờ.
Viên đại úy đứng dậy chắn lấy cửa.
- Tôi không thể để cho phu nhân đi được! Vào chốn hiểm nghèo
một cách mù quáng như thế này. Nếu vậy suốt đời tôi sẽ lên án bản thân mình vì
phu nhân.
Êvo rơi phịch xuống ghế.
- Ngài nói đúng. - Nàng thở dài nói. - Chúng tôi phải đi
bằng cách khác. Cần phải nghĩ ra cách gì đó để chúng khỏi bắt.
- Chính thế. - Ông Bolajơ đáp lại và cũng ngồi xuống. - Nếu có
một khả năng hé ra dù chỉ bằng một sợi tóc, tôi lập tức xin để phu nhân đi.
2
Về phía đông bắc thành Eghe có một khoảng núi cao gọi là
Eghét. Chính ra tên thật của nó đáng lẽ là núi Thánh Eghit hoặc thánh Egiét,
nhưng bởi dạ dày Hung không bao giờ tiêu nổi cái tên Egiét, nên đến nay tên của
quả núi đó vẫn chỉ là Eghét. Nó cách xa thành Eghe cũng bằng từ núi Thánh Genlê
đến Kơbanho [74]. Nhưng nó cao hơn và đồ sộ hơn rất nhiều.
Nếu một người có cánh tay thật khỏe đứng trên thành Eghe bắn
một phát tên có đuôi bằng lông ngỗng về phía quả núi đó, mũi tên sẽ bay qua quả
đồi, nơi một dàn đại bác Thổ đang gầm ghè, và sẽ rơi vào một thung lũng, nơi
đám dân ô hợp ở.
Cái thung lũng ấy giờ đây là của bọn con buôn, lái ngựa, thợ
cạo, đạo sĩ, lang băm, thợ mài, bọn bán bánh kẹo và nước hoa quả, bọn làm xiếc,
bọn buôn nô lệ, hàng tầm tầm, dân xigan và những loại người tương tự. Từ đó,
hàng ngày chúng đi vào trại quân mua bán, đổi chác, rinh đồ rơi vãi, tiêu khiển
bọn lính, chữa bệnh, ăn cắp, lừa đảo, tóm lại: đến sống giữa bọn lính.
Ngày mồng hai tháng mười, ba ngày sau cuộc công kích vào dịp
lễ Thánh Mihai, một chàng đeli trẻ tuổi từ cánh rừng Rokanhi đi tới chỗ đó.
Chàng ngồi trên ngựa, mình mặc quần đi ngựa hẹp ống, chân dận ủng màu vàng,
khoác áo choàng lông lạc đà. Chàng không đội tuyban mà chụp cái mũ may liền vào
áo choàng lên đầu theo tập quán những người đeli. Gươm cong giắt quanh người,
vai đeo cung và ống tên. Chàng lùa một thiếu niên Hung bị xiềng chân đi trước.
Người thiếu niên lại lùa một con bò đực. Có thể thấy ngay người thiếu niên và
con bò là chiến lợi phẩm của chàng đeli.
Mạn đó có ruộng nho. Năm nay dân Hung không hái quả. Nhưng
những ruộng nho đầy rẫy quân Thổ. Nhìn về bất cứ phía nào cũng thấy bọn Thổ đội
tuyban hoặc mũ lông nhấp nhô giữa những ruộng nho.
Một vài tên gọi to lên với chàng đeli trẻ tuổi.
- Mày nhặt cái của chiến lợi phẩm tuyệt vời ấy ở đâu thế?
Nhưng chính lúc đó hai người kia lại lùa con bò đực đi một
cách bực tức nhất. Họ không đáp lại.
Chàng đeli: Evo.
Người tù binh: Mikơlốt.
Ở mạn này không có lính gác hoặc nếu có chúng cũng sục sạo
trong ruộng nho. Lính gác làm gì cơ chứ, khi ngoài này không có địch? Phu nhân
Bônemixo đến thung lũng có lò gạch mà không bị chặn hỏi gì cả, nơi đây những
lều vải bẩn thỉu và lịch sự xen lẫn với nhau, chó và bọn gái giang hồ xigan
đông đúc, ầm ỹ quanh họ. Rồi bọn con buôn chen qua những người khác đến chỗ họ:
- Mày bán thằng con trai bao nhiêu nào?
- Tao trả giá nó năm mươi piaxte.
- Tao trả giá nó sáu mươi gurut.
- Tao trả bảy mươi.
- Tao trả con bò đực hai mươi piaxte.
- Tao trả ba chục.
- Bốn chục đấy.
Chàng đeli không thèm nói gì với bọn chúng. Cây giáo trong
tay chàng lúc thì giơ ra để giữ con bò, lúc thì giữ người tù binh. Ngọn roi
trong tay người tù binh quất đen đét.
Từ sườn núi trồng nho họ rẽ xuống lò gạch. Ở đây bộ mặt thế
giới lại càng hỗn tạp hơn. Dân xigan lấy gạch xây nên những túp nhà thấp lè tè,
phủ bằng bồi hoặc bằng vải bạt thay cho mái ngói. Trong những lò gạch cũng có
một vài gia đình xigan ở. Chúng đang nấu nướng hoặc nằm dài dưới ánh nắng mùa
thu.
Cây hồ đào cổ thụ vẫn còn đứng đó và còn sống. Một tên lái
ngựa nào đó đã đến ở dưới gốc cây. Êvo chỉ nhìn vào cái chỗ cách cây mười bước
về phía nam. Đó là chỗ đứng của đàn ngựa. Cạnh đó là cái lều bốn cọc của tên
lái, trước lều có viết một câu bằng chữ Thổ trích từ kinh Côran:
Pancori Phacohiri. (Cảnh nghèo túng là niềm kiêu hãnh của
tôi)
Dân lái buôn Thổ không bao giờ viết tên mình lên cửa hiệu mà
chỉ viết một vài chữ lấy từ kinh Côran.
Êvo đã trông thấy hòn đá. Xưa kia nó đã từng là thớt cối
xay. Nó nằm đây có lẽ đã lâu lắm. Nó đã lún xuống đất đến nỗi chỉ còn một nửa
tai nhô lên. Ở chính giữa cỏ đã mọc cao, rêu và chua me đã phủ kín mình nó.
Êvo lùa con bò đực và người tù binh của mình vào giữa đàn
ngựa. Nàng cắm ngọn giáo vào cái lỗ ở giữa thớt cối xay đá. Tên lái buôn
nghiêng mình bước ra.
- Mày bán thằng nô lệ bao nhiêu? - Hắn vừa hỏi vừa vuốt râu
cằm.
Êvo giả vờ đóng vai người câm. Nàng chỉ vào môi mình rồi lắc
đầu.
Lính câm không phải là của hiếm. Nếu gặp một người nào đã
vừa câm, lại vừa không có râu ria gì cả, người Thổ lập tức hiểu ngay kẻ đứng
trước mặt hẳn là một tạo vật mà khi không làm đeli thì nghề kiếm cơm là cách
sống bằng những thứ không phải của mình. Tên Hy Lạp liền nói:
- Otudơ gurút (Ba mươi piaxte).
Êvo ra hiệu chỉ bán con bò đực thôi. Tên Hy Lạp nhìn kỹ con
bò cả đằng trước lẫn đằng sau. Hắn đánh giá bằng một động tác nâng yếm con bò
lên rồi mặc cả một giá mới:
- Jirơmi gerút (Hai chục piaxte).
Êvo lắc đầu.
Tên lái mặc cả ba chục rồi ba mươi lăm đồng.
Trong lúc đó Êvo đã ngồi xuống phiến đá và đau đớn nắn bóp
bắp chân. Nàng đã buộc thịt sống vào quanh bắp chân. Nước thịt sống đã ngấm qua
làn da xanh.
Khi tên Hy Lạp đã mặc cả đến ba mươi lăm đồng, Êvo ra hiệu
bằng mũi giáo để tỏ rằng nàng cần một cái lều ở ngay chỗ đó.
Tên Hy Lạp thấy chàng đeli bị thương, người xanh nhợt và mệt
mỏi gần ngất đi được. Hắn hiểu chàng đeli muốn nghỉ ngơi cho qua cái phần thời
gian còn lại của cuộc vây thành. Hắn sai người hầu mang ra ba bốn cái lều vải
rách, vá chằng chịt.
- Chọn đi.
Êvo chọn lấy cái lều to nhất, đó là cái vá nhiều chỗ nhất,
rồi chỉ con bò ra hiệu có thể dắt đi. Tên lái chê con bò còn ít.
Êvo cho thêm tên lái cả con ngựa nhưng ra hiệu cho hắn hiểu
rằng nàng muốn nhận cái lều sau khi đã dựng.
Tên lái ưng thuận. Hắn sai hai tên hần da đen căng lều phía
trong chỗ Êvo ngồi.
Việc đó thế là trôi chảy trót lọt.
- Trời đã giúp chúng ta! - Êvo thầm thì nói, khi cùng
Mikơlốt còn lại một mình trong lều.
Bây giờ chỉ còn một vấn đề: làm thế nào và bao giờ họ có thể
nhấc phiến đá lên? Họ chỉ cần kiếm lấy một cái cọc nữa mà thôi. Họ sẽ cắm nó
vào lỗ ở giữa thót cối xay đá mà bẩy nó lên. Kiếm một cái cọc cũng chẳng đến
nỗi khó khăn gì lắm. Họ chỉ cần lấy một cái cọc chỗ quây ngựa. Họ làm việc đó
vào ban đêm.
Đại bác nổ liên hồi kỳ trận bên kia đồi và những khẩu tu
pháo cỡ nhỏ hơn từ trong thành cũng vang tiếng. Đôi khi mùi thuốc súng hôi nồng
thoảng cả đến đây. Giữa những tán lá, họ trông thấy cả một ngọn tháp của thành.
Nó đã bị hủy hoại như một cây nến bị chuột gặm, tuy vậy họ vẫn vui mừng nhìn
nó. Ngọn tháp đó chỉ cái chỗ mà ngay trong đêm nay họ sẽ đi đến.
Mớ người tứ chiếng trăm loài đó ầm ĩ suốt cả ngày xung quanh
họ, đôi khi cả bọn lính cũng xuất hiện ở đó. Phần lớn chúng đến mua ngựa hoặc
tìm người bán thuốc dấu. Những thứ bùa, khánh của dân xigan cũng bán được rất
chạy. Chúng chẳng tin tưởng gì lắm, tuy vậy vẫn cứ mua. Một tên axap người lông
lá, đeo bùa khánh đầy trên ngực như một vòng hoa.
Eevo nằm duỗi thẳng trên cái áo choàng.
- Cậu nghĩ thế nào Mikơlốt, tôi không thể tìm được con trai
tôi hay sao? Tôi đã đến được chốn đây, vậy tôi cũng có thể vào đến cả trong kia
nữa.
- Phu nhân đã lại nghĩ đến chuyện ấy rồi ư?
- Trong bộ y phục này không ai ngăn cản tôi đâu. Tôi có thể
tìm, tôi có thể tìm thấy trong đạo quân này cũng được. Tôi sẽ đến trước mặt
Yumusac và nói với hắn: nhẫn mày đây, trả lại con trai cho ta!
- Hắn sẽ lấy cái nhẫn mà không trả thằng bé lại!
- Ồ, con thú dữ nghịch thiên vô đạo!
- Mà nếu hắn không như vậy. Nhưng dù hắn có lương thiện đi
nữa, sự thể sẽ ra sao nếu trong trại quân một võ quan nào đó sẽ ra mệnh lệnh
cho phu nhân? Có thể có những đội quân mà lính đeli không được phép đi lẫn vào.
Khu vực pháo chắc hẳn cũng là nơi cấm. Lập tức chúng nó sẽ nhận ra phu nhân là
kẻ lạ trong trại quân này.
- Chúng nó sẽ bắt…
- Mà nếu chúng nó không bắt, Yumusac cũng không để phu nhân
lọt khỏi tay nó.
Êvo thở dài. Nàng mở tay nải, lấy bánh mì và thịt gà nguội
ra bày lên thớt cối xay.
- Ăn đi, Mikơlốt.
Cuối cùng, trời cũng tối. Đại bác ngừng nổ. Trong bóng tối
chẳng bao lâu tất cả mọi người đều đi ngủ.
Êvo lấy từ trong tay nải ra một gói nến, rồi dùng đá lửa
châm lên.
Khoảng nửa đêm Mikơlốt lẻn ra ngoài, vài phút sau trở về với
một cái cọc to bằng bắp tay. Họ cắm vào thớt cối xay, bẩy phiến đá đi chỗ khác.
Dưới phiến đá không có gì khác ngoài nền đất sét ẩm đen đen với một vài con bọ
đen.
Êvo lấy chân giậm vào chỗ đặt phiến đá. Cái giậm chân đó là
câu hỏi đối với mặt đất: mi có rỗng hay không đấy?
Mặt đất trầm trầm đáp lại:
- Tôi rỗng đây.
Êvo lấy trong tay nải ra một cái xẻng. Nàng cắm vào cán giáo
và bắt đầu đào. Mikơlốt dùng tay cào đất.
Ở độ sâu hai gang tay, lưỡi xẻng chạm vào ván gỗ.
Đó là một tấm gỗ sồi dày và chắc, nhưng nay đã mục. Họ đào
ra, nhấc nó lên. Dưới nó là cái miệng há hốc của một hầm đá tối om, rộng bằng
chỗ thắt lưng người.
Họ phải đi xuống mười bậc thang. Ở đó hầm đá mở rộng dần,
vách đá ghép như kiểu hầm rượu, có thể đứng thẳng người mà đi trong đó được.
Không khí nặng nề. Đường đi tối om om. Đây đó diêm tiêu điểm
hoa trắng lên vách đá. Những viên đá phả ra hơi lạnh lẽo ẩm ướt.
Mikơlốt đi trước cầm nến. Đôi khi họ đi qua những vũng nước
ngập đến mắt cá chân, đôi khi họ vấp phải những viên đá từ vòm hầm rơi xuống.
Những lúc đó Mikơlốt dặn lại sau:
- Cẩn thận, có đá giữa đường.
Nền đất đôi khi vang âm dưới chân họ. Dưới đó chắc hẳn còn
một đường hầm khác nữa. Giống người nào đã có thể xây dựng nên? Khi cái thành
này được xây nên, loài người còn chưa viết sử. Ai biết được những giống người
nào đã từng sống trên mảnh đất này trước chúng ta?
Mikơlốt lại nói ra phía sau:
- Cẩn thận đấy, phải khom lưng xuống!
Con đường còn đổ dốc một quãng dài, vòm trần mỗi lúc một
thấp, sau đó con đường cao dần lên nhưng vòm trần thì không.
Mikơlốt đã đi bằng bốn tay chân. Êvo dừng lại, nàng bảo:
- Cậu cứ đi lên trước xem nào, Mikơlốt ạ. Nếu đường hầm bị
tắc, ta phải trở lại lấy xẻng. Mikơlốt tiếp tục bò. Ánh nến mỗi lúc một nhỏ,
cuối cùng biến mất. Êvo còn lại một mình trong bóng tối. Nàng quỳ xuống và cầu
nguyện:
- Ồ, lạy Chúa tôi… người cha của linh hồn phiêu bạt đáng
thương của con! Người có thấy con ở đây trong hầm sâu mù mịt này chăng?... Chỉ
còn vài bước chân ngăn cách con với Gergey của con mà thôi… Người đã xe chúng
con lại với nhau để chúng con phải chia lìa nhau một cách bất hạnh như thế này
chăng?... Con hướng mắt con, hướng trái tim run rẩy của con về phía Người. Lạy
Chúa tôi, nơi đây, dưới gót chân thù địch, trong lòng đất sâu tăm tối, con xin
Người hãy cho con đến được bên chàng!
Ánh sáng lại xuất hiện. Ngay sau đó Mikơlốt cũng hiện ra.
Cậu ta bò sát bụng rồi dần dần lom khom bò ra từ bóng tối dày đặc.
- Đường hầm thắt lại độ vài chục bước, sau đó lại rộng ra
trên một chiều dài mười bước. Đến đó đường chia hai ngả, nhưng cả hai đều đã bị
sập.
- Cậu quay lại lấy xẻng đi, Mikơlốt. Chúng ta phải đào đến
sáng. Nhưng mỗi giờ cậu lại phải ra trước lều một lát Mikơlốt ạ, để chúng nó
khỏi nghi.
Chàng trai lặng lẽ vâng lời.
- Nếu tôi đến được chỗ chồng tôi, chúng tôi sẽ đền ơn tấm
lòng tốt của cậu. - Êvo nói. - Đôbô yêu chồng tôi như em trai. Chồng tôi sẽ đưa
cậu vào làm thư kí bên cạnh Đôbô.
- Tôi không nhận đâu. - Mikơlốt đáp. - Thằng bé lạc mất là
do sự sơ xuất của tôi, tôi phải giúp phu nhân tìm cho ra. Hễ tìm được cháu, tôi
sẽ cầm gậy viễn du và đi vào trường học.
Cậu Mikơlốt tốt bụng đáng thương ơi!
Cậu sẽ chẳng bao giờ đến trường học nữa!
3
Cuộc công kích vào dịp lễ Thánh Mihai kéo dài đến trưa. Buổi
chiều cả hai bên đều để cho đại bác nguội. Trong thành vang bài kinh
circumdederun[75]. Xung quanh chân thành, các tuyên úy và đạo sĩ Hồi giáo thu
nhặt xác chết và những thương binh không thể tự mình lên xe được nữa.
Mặt trong và mặt ngoài tường thành đều đọng máu đen ngòm.
Trên các pháo đài và ở bốn chỗ đột phá khẩu, các bà phụ nữ rắc tro, rắc vôi bột
lên các vũng máu. Người đao phủ trong thành vứt xác những tên ionisa bị tháp
gác đổ đè chết xuống chân thành. Người ta đem những lá cờ của chúng vào phòng
hiệp sĩ. Vũ khí của chúng người ta vứt cho binh lính: ai thích cái gì chọn cái
ấy, không mất tiền. Trong quần áo, trong thắt lưng hoặc trong mũ tất cả mỗi tên
ionisa, người ta đều tìm thấy tiền bạc, tiền đồng, đôi khi có cả tiền vàng nữa,
không nhiều lắm. Người ta bỏ vào bị, niêm phong lại rồi cất vào cái hòm của
thành, để sau cuộc vây hãm sẽ chia nhau.
Ngay sau bữa trưa, Đôbô phái những chiến sĩ còn xung trận ít
thời gian nhất ra chữa tường thành. Trước hết họ dọn sạch đống đá của cái tháp
đổ. Đến xẩm tối họ vẫn còn lôi từ trong đống đá ra xác những tên Thổ bị nén vào
đó.
Cả bọn trẻ con cũng được Đôbô giao việc:
- Các cháu ơi, đi nhặt đạn đại bác vương vãi lại một chỗ đi.
Viên nào to thì mang đến các khẩu pháo to, viên nào nhỏ thì mang đến các khẩu
pháo nhỏ dưới chân các pháo đài ấy!
Đêm đó trung úy Heghétđuy ngủ ngoài pháo đài Sonđô cùng
Gergey.
Trời đêm lành lạnh. Mảnh trăng hình lưỡi liềm rộng bản sáng
trắng giữa ngàn sao. Gergey sai mang nóp rơm đến dưới một vòm cổng cho mình và
hai bạn trung úy. Một đống lửa cháy trước vòm cổng.
Khi họ nằm xuống trong làn hơi ấm áp của đống lửa, Heghétđuy
lên tiếng:
- Gergey, cậu là một nhà thông thái. Tớ cũng đã từng đi học
nghề cha cố, nhưng rồi bị đuổi. Hôm nay tớ đã đánh ngã bốn chục tên Thổ bằng
cánh tay này của tớ. Trong số đó có một tên hai lần xông vào đánh tớ. Vậy cậu
không thể bảo là trong con người tớ không có lòng dũng cảm.
Gergey đã mệt lắm và buồn ngủ. Nhưng giọng nói của Heghétđuy
run lên sao mà khác thường. Chàng bèn nhìn anh ta. Viên trung úy ngồi trên cái
nóp rơm, ánh lửa soi sáng khuôn mặt và cái áo choàng xanh thẳm dài đến mắt cá
của anh ta. Anh ta nói tiếp:
- Tuy vậy nhiều khi tớ vẫn ngẫm nghĩ, con người vẫn cứ là
con người bất kể đầu hắn có cạo trọc hay không. Và như vậy chúng ta thực ra
đang giết người.
- Thì đã hẳn… - Gergey ngái ngủ làu bàu.
- Và chúng nó cũng giết chúng ta.
- Tất nhiên là chúng nó giết. Nếu chúng nó trèo lên những
tường thành không phải với vũ khí mà với bầu rượu, chúng ta cũng sẽ đón tiếp
chúng bằng bầu rượu. Rượu vang sẽ chảy thay máu.
- Cái đó thật rõ ràng. - Heghetđuy đáp.
Anh ta nuốt nước bọt
và quay nghiêng mặt nhìn vào đống lửa như một người lưỡng lự không biết nên nói
hay đừng. Cuối cùng anh ta hỏi:
- Lòng dũng cảm là cái gì?
- Cậu vừa nói rằng cậu đã đánh ngã bốn chục tên Thổ. Thế mà
cậu còn hỏi lòng dũng cảm là cái gì ư? Thôi nằm xuống, ngủ đi! Cậu cũng mệt rồi
đấy!
Heghétđuy nhún vai:
- Nếu giữa chúng ta có một người thông minh mà trí tuệ bằng
trí tuệ của tất cả bọn ta cộng lại, hoặc nói giả dụ bằng trí tuệ của tất cả mọi
người trên thế gian này gộp lại, tớ tin rằng người ấy sẽ chẳng dũng cảm đâu.
Anh ta nhìn Gergey. Ánh lửa chiếu thẳng vào mặt Gergey, còn
ở anh ta, lửa chỉ soi sáng đường viền quanh những cục xương lòi ra trên khuôn
mặt.
Với câu đó anh ta định nói gì nhỉ?
Gergey nhắm mắt lại và ngái ngủ trả lời:
- Trái lại chính người đó mới sẽ là người dũng cảm nhất. Vì
đâu cậu lại nghĩ rằng một người như thế sẽ không dũng cảm?
- Vì rằng người đó sẽ biết giá trị cuộc sống hơn. Đành rằng
chúng ta đang ở đây trên đất này, điều đó chắc hẳn đi rồi, nhưng nếu quân Thổ
lấy mất đầu của ta đi, không chắc chúng ta còn tiếp tục tồn tại nữa không… Cái
gì hiện có, một người trí tuệ vĩ đại như thế sẽ không dễ dãi vứt đi chỉ vì mong
muốn được thiên hạ khen: anh ta đã là một người trung trực!
Gergey ngáp rồi trả lời:
- Chỉ một đầu óc tầm thường mới khư khư tham sống. Nếu một người
có đầu óc ngu dốt mà can đảm là vì không hiểu cái chết. Người có đầu óc mạnh mẽ
sở dĩ can đảm vì anh ta hiểu rõ.
- Cái chết ấy à?
Gergey chống khuỷu tay nhỏm dậy:
- Chính thế. Kẻ có đầu óc ngu muội sống cuộc sống súc vật.
Súc vật không hiểu biết cái chết. Cậu hãy xem con gà mái chẳng hạn: nó bảo vệ
đàn gà con của nó quyết liệt biết chừng nào. Nhưng hễ con gà con quay lơ ra
chết, nó sẽ bỏ đi không chút thương tiếc. Nếu nó hiểu cái chết như một người
bình thường, có phải là nó đã tiếc thương khóc lóc rồi không? Vì như vậy nó sẽ
biết con nó đã bị mất cuộc sống. Nhưng một kẻ đã không có khái niệm về cái
chết, hẳn cũng chẳng thể có ý thức gì về cuộc sống. Và bây giờ ta hãy xem một
người có đầu óc mạnh mẽ. Người đó sẽ can đảm chính vì cảm thấy rằng thể xác
không phải là tất cả. Người đó cảm thấy ở mình tâm hồn nhiều hơn thể xác. Con
người càng sống nhiều bằng tâm hồn bao nhiêu đối với anh ta thể xác càng ít giá
trị bấy nhiêu. Những đấng anh hùng, những vĩ nhân trong lịch sử thế giới đều là
những con người sống nhiều bằng tâm hồn. Tất cả. Nào, bây giờ chúng ta ngủ đi
thôi.
Tuy vậy, để làm Heghétđuy yên tâm, chàng trầm ngâm nói tiếp:
- Chúng ta đã ở đâu trước khi bước vào cuộc sống, chúng ta
sẽ về đâu sau khi từ giã cuộc đời, điều đó trong cái vỏ bọc thế tục này chúng
ta không biết. Nhưng giả sử chúng ta biết thì rồi sẽ ra sao? Nếu thế thì chúng
ta sẽ không còn suy nghĩ về những sự việc hiện tại nữa mà cứ nghĩ người quen
này người thân nọ đang làm gì ở thế giới bên kia, với lại công việc ở chỗ đó ra
sao, những công việc mà chúng ta cũng đã từng tham dự, và nó sẽ tiếp tục như
thế nào.
- Được rồi, được rồi. - Heghétđuy nói. - tớ được nghe các
giáo sĩ nói như thế cũng đã nhiều lần. Nhưng cuộc sống trần thế này chắc chắn
có giá trị của nó, và không phải là để cho một tên vô đạo tứ chiếng nào đó có
được mục tiêu mà chém.
Đống lửa cháy lép bép, mạ vàng những thanh gươm, những tấm
giáp đặt cạnh cái nóp rơm. Cái gối của Gergey là một cái khiên da. Chàng lại
nằm xuống và rất buồn ngủ đáp lại:
- Cậu Heghétđuy tốt bụng ơi, cậu nói toàn chuyện vớ vẩn. Con
người súc vật đôi khi mù quáng mà làm được việc tốt, người có tri thức luôn
luôn biết chắc việc mình làm. Cậu cũng biết việc bảo vệ Tổ quốc là một sự
nghiệp lớn và thiêng liêng cũng như khi đứa con bảo vệ bà mẹ đẻ ra nó.
Chàng kéo áo choàng che kín tai và tiếp:
- Ở đâu có ghi thành văn bản, trong bộ luật nào, rằng một
người nào đó phải bảo vệ mẹ mình; nếu cần, bằng cả tính mệnh nữa? Con vật chắc
chắn không bảo vệ mẹ nó. Nhưng con người, kẻ ngu ngốc nhất cũng như người thông
thái nhất, lăn xả vào đứa đánh mẹ mình, và dù có chết anh ta cũng cảm thấy
không thể nào hành động khác được.
Cái giọng ngái ngủ của chàng lại tiếp:
- Quy luật thiên đẳng đôi khi chi phối ý muốn của người ta.
Tình yêu là một quy luật thiên đẳng. Tình yêu mẹ với tình yêu tổ quốc là một.
Quân Thổ không thể giết nổi tâm hồn. Nhưng mà thôi, mặc kệ lão Pônxiux[76] của
cậu, cậu cho phép tớ ngủ thôi! Cậu triết lý vào những lúc như thế này ư? Tớ lại
choảng cái khiên tồi này vào người cậu bây giờ.
Heghétđuy không nói gì nữa. Anh ta cũng nằm dài trên nóp
rơm. Trong thành không còn nghe tiếng gì khác ngoài tiếng bước chân đều đều của
những người lính gác, với lại tiếng rì rầm khe khẽ của một cái cối xay và những
bước chân lộp cộp của con ngựa kéo cối xay đó.
4
Sáng hôm sau đại bác không lên tiếng. Nhưng trại quân ồn ào
nhao nhao đằng sau những ụ cản bằng đất của quân Thổ.
- Bọn Thổ lại viết thư rồi. - Đôbô nói.
Trong tay ông có một tờ giấy trắng. Ông ra lệnh thổi kèn tập
hợp. Hai phút sau, những chiến sĩ đang phiên nghỉ đã tề tựu trong hàng ngũ
chiến đấu.
Đôbô nói:
- Hỡi quân sĩ! Sở dĩ ta gọi các ngươi lại đây là cốt để ngợi
khen các ngươi. Các ngươi đã dũng mãnh đánh lui đợt công kích đầu tiên vào
thành một cách xứng đáng với danh dự người lính Hung. Ta không hề thấy một kẻ
hèn nhát nào trong số các ngươi. Các ngươi thật xứng đáng với danh hiệu anh
hùng! Sau khi quân Thổ cút khỏi nơi đây, ta sẽ đích thân đi tới chỗ hoàng
thượng và ta sẽ xin ban thưởng cho các ngươi. Nhưng cho tới khi ta có thể thực
hiện được điều đó, trong số các ngươi có bốn người mà ta cần phải tặng thưởng
bằng ngân quỹ ít ỏi của thành. Bokôtsoi Isơtơvan, Tơrôc Luxlô, Kômlôtsi Onton,
Sônxi Xonixtô hãy bước ra khỏi hàng.
Bốn người dũng sĩ bước ra khỏi hàng đến đứng trước mặt Đôbô.
Đầu cả bốn người đều buộc băng.
Đôbô nói tiếp:
- Quân giặc đã vượt được lên mặt tường ngoài và đã cắm được
lá cờ đầu tiên. Chiến sĩ Bokôtsoi Isơtơvan đã một mình xông vào giữa đoàn quân
ionisa, giằng lấy lá cờ khỏi tay tên Thổ và ném xuống. Trong khi chưa nhận được
ân tứ của nhà vua, ta cất nhắc anh ta lên chức thập trưởng và thưởng cho năm
mươi đêna và một bộ quần áo mới.
Lão quản lý Sukan đếm năm chục đêna vào lòng bàn tay người
dũng sĩ.
Đôbô nói tiếp:
- Đạn đại bác đã quét đổ lá cờ của thành cùng với mảng
tường. Lá cờ đã rơi ra ngoài, vào giữa bọn Thổ. Tơrốc Luxlô đã một mình nhảy ra
khỏi kẽ tường và đem lá cờ về. Trong khi ân tứ của nhà vua chưa đến, anh ta
được thưởng một phôrinh trong ngân quỹ của thành và một bộ quần áo dạ.
Người dũng sĩ đắc thắng liếc nhìn quanh. Sukan đếm tiền
thưởng vào tay anh ta.
Đôbô lại tiếp:
- Ở Cổng Cũ quân giặc cũng đã cắm được một lá cờ: Kômlôtsi
Onton đã xông lên tường và chặt gãy lá cờ đó xuống cùng với bàn tay phải của
tên Thổ. Trong khi ta chưa có thể đề nghị nhà vua ban thưởng, anh ta được nhận
hai phôrinh, và một bộ quần áo.
Còn lại người dũng sĩ thứ tư.
- Sônxi Xonixlô, - Đôbô nói. - khi chỗ hàn khẩu bị vỡ và
đáng lẽ quân Thổ đã ùa nhau vào hàng trăm tên, một mình ngươi đã nhảy lại chỗ
đó và, không hề nhìn xem chúng có bao nhiêu đứa, ngươi đã choảng sứt đầu vỡ
trán quân xâm lược, cho tới khi quân cứu viện kịp đến. Phần thưởng của ngươi,
ngoài ân tứ của nhà vua, giờ đây chỉ có hai thước dạ tốt và một phôrinh.
Dạ thời đó cao giá lắm và bởi chưng quân lính không mặc đồng
phục, một bộ quần áo dạ chắc dùng suốt cả đời. Còn phần tiền, chúng ta nên biết
toàn bộ niên bổng đại úy trấn thủ của Đôbô chỉ có sáu trăm phôrinh và cái ông
gọi là ngân quỹ của thành chúng ta phải hiểu đó là tiền túi của ông.
Đôbô còn nói thêm:
- Ta quy định phần thưởng này không phải theo mức độ dũng
cảm của các ngươi mà tùy theo túi tiền của thành. Ngoài các ngươi ra trong hàng
ngũ còn nhiều người khác cũng đã làm được những việc anh hùng. Chính ta đã thấy
có một đôi người giết được hàng dăm chục tên Thổ. Để khỏi nói đâu xa, đây có
Nogiơ Lukát và đội quân của anh ta. Các ngươi đã biết anh ta làm những gì! Vậy
bây giờ các ngươi phải hiểu: ta chỉ muốn tuyên dương những người xuất sắc đặc
biệt nhất, những người đã vì Tổ quốc mà dấn thân mình vào nơi nguy hiểm chắc
chết mười mươi.
Từ phía cổng có tiếng kèn vang lên và một phút sau, một
người nông dân xa lạ đi qua bãi chợ về phía Đôbô. Tay y cầm một bức thư.
- Thôi, ai đi làm việc nấy. - Đôbô bảo quân sĩ.
Ông còn nói với Mectsei một điều gì đó, rồi khi người nông
dân đến nơi, ông khinh bỉ nhìn từ đầu tới chân, sau đó ông lên ngựa đi thẳng.
Các võ quan tiếp người nông dân.
Lá thư, không hề được đọc, bị xé làm đôi. Người ta ném một
nửa vào lửa, một nửa nữa người ta nhét vào mồm gã nông dân:
- Ăn cái của mày đã mang đến này đi, đồ chó!
Sau đó y cũng bị điệu vào ngục và có thể tha hồ mà ngẫm
nghĩ, phục vụ quân Thổ bằng bất cứ cách nào cũng chẳng có lợi.
Tên người đó là Sari Onđơrat, quân Thổ đã đem y theo từ
thành Phêlê.
Đoàn quân dị giáo chờ suốt một giờ xem người kia có trở ra
nữa hay không. Khi chúng thấy những người Eghe không phúc đáp cho chúng, tất cả
đại bác của chúng lại gầm lên quanh thành. Trong những hào đào dưới chân thành,
chật ních lính chiến đấu Thổ.
Nhưng nếu cho đến nay trại quân Thổ chỉ vang lên tiếng thét
Ala và những câu phỉ báng, thì giờ đây khắp quanh thành đều vang lên lời kêu
gọi bằng tiếng Hung:
- Chúng mày hãy đầu hàng đi! Nếu chúng mày không chịu hàng,
cái chết của chúng mày sẽ thê thảm!
Tiếng khác:
- Chúng mày tưởng mãi mãi có thể đánh lui được những đợt
công kích hay sao? Đó mới chỉ là trận thử sức thôi! Cả hài nhi chúng ta cũng sẽ
không tha!
Lại tiếng khác:
- Chúng mày hãy bỏ mặc Đôbô ở đấy! Đôbô là thằng điên! Nếu
nó muốn chết, cứ việc chết một mình! Ai đi ra cổng thành sẽ không bị xâm phạm
gì hết! Có thể mang tiền và binh khí theo!
- Ai muốn đi ra cứ việc buộc khăn trắng lên ngọn giáo! - Một
tên xpahi đội mũ có chóp nhọn từ dưới hào rống lên.
- Kẻ nào mở cửa cho chúng tao vào sẽ được thưởng nghìn vàng!
- Một tên aga ionisa đội mũ cắm lông đà điểu la lớn.
Nghe thế có ba người chĩa súng bắn, nhưng hắn đã kịp thời
thụt xuống.
- Đôbô là đồ hóa dại! - Từ một phía khác tiếng gọi lại vang
lên. - Chúng mày đừng có điên! Kẻ nào ra khỏi thành đầu tiên sẽ được thưởng một
trăm đồng vàng, hai chục đứa ra sau đó mỗi đứa được mười đồng vàng, và chúng
mày có thể yên ổn mà đi!
Những tên lính già biết tiếng Hung trong trại giặc đã hò la
như vậy. Chúng còn gọi cả bằng tiếng Tiệp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng
Ý nữa.
Còn dân trong thành không trả lời chúng, chẳng bằng tiếng
Hung, chẳng bằng tiếng Tiệp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, cũng chẳng bằng
tiếng Ý.
Tiếng gọi hàng mỗi lúc một vang lên. Điều hứa hẹn mỗi lúc
một hấp dẫn, sự đe dọa mỗi lúc một ghê rợn. Cuối cùng Gergey điều lính trống,
lính kèn, lính tù và của mình lên mặt thành và mỗi khi một tên Thổ nào ở dưới
kia bắt đầu gào, trống lại khua rộn, tù và châm biếm rúc lên, hoặc kèn lanh
lảnh át đi. Việc đó làm cho dân thành tươi tỉnh lên. Ở các mạn khác người ta
cũng điều lính trống, lính kèn ra, ba người thổi tiêu dài trong thành cũng kiếm
được việc làm. Các chiến sĩ, ai có lá chắn bằng sắt, thảy đều gõ lên xoang
xoảng. Cảnh ồn ào địa ngục đó bóp chết tất cả mọi tiếng gọi chiêu hàng khác.
Trung úy kỵ binh Poócsi Yôp xin phép Đôbô cho xuất kích đánh
bọn gọi hàng. Chàng trung úy ấy là một chàng trai cao đẹp, sức khỏe như
Hecquyn[77]. Bộ ria của anh, khi sáng sáng anh kéo nó ra, dài đến mang tai. Khi
xung trận anh sử dụng một thanh mã tấu. Chỉ một nhát anh đã bổ đôi một cái đầu
Thổ đội mũ sắt, đến nỗi cái mũ sắt chắc chắn ấy cũng rời ra làm hai mảnh.
Anh chỉ xin một trăm người.
- Đừng có khôn lỏi, chú Yôp ạ, - Đôbô đáp. - Nhỡ có chuyện
gì thì khốn.
Nhưng Poócsi Yôp đang bừng bừng giận dữ. Anh hạ thấp dần yêu
cầu như Abraham trên đường Sôđôm [78].
- Chỉ năm chục thôi. Chỉ hai chục thôi vậy.
Cuối cùng anh chỉ xin có mười người để được tung hoành một
chuyến.
Đáng nhẽ chừng ấy thôi Đôbô cũng chẳng cho phép đâu, nhưng
mà lúc đó rất nhiều chiến sĩ ngứa tay cũng đã sắp thành hàng từng đoàn bên cạnh
Poócsi. Mặt đỏ bừng, họ kêu lên:
- Thưa ngài đại úy!
Đôbô ngại rằng nếu ông còn tiếp tục phản đối, họ sẽ không
coi đó là sự thận trọng khôn ngoan nữa mà cho rằng ông đã thấy lực lượng trong
thành quá ít. Vì vậy ông nhún vai:
- Nếu quả các ngươi đang có cái thú muốn được người ta đánh
cho vỡ đầu thì cứ việc mà đi.
- Bao nhiêu người ạ? - Poócsi hỏi, gần như thét lên vì mừng
rỡ.
- Hai trăm. - Đôbô đáp.
Cánh cổng mở ra phía con suối vẫn còn nguyên lành, Poócsi
chọn lấy hai trăm người của mình rồi xông ra.
Việc đó diễn ra vào khoảng trưa.
Con suối đầy quân Thổ đang cho ngựa và lạc đà uống nước dọc
ven bờ. Trước cổng chủ yếu là bọn akinji đang cho ngựa uống.
Hai trăm chiến sĩ ập xuống đầu chúng như tia chớp. Bọn
akinji rụng như sung. Poócsi đi trước mở đường xuyên qua giữa bọn chúng, áo
giáp và sườn bên phải con ngựa của anh đỏ lòm những máu - các chiến sĩ khác
cũng noi gương anh, và toán quân akinji hoảng hốt kêu la, đạp lên nhau mà chạy,
mãi cho đến lúc hàng ngàn tên ionisa từ hai phía xông vào họ mới thôi.
Đôbô truyền thổi kèn thu quân.
Nhưng những chiến sĩ ở dưới kia không nghe thấy. Hăng tiết
lên trong cơn xô xát; họ chém giết cả bọn ionisa.
Con ngựa của Poócsi chợt giật mình trước một con lạc đà và
nhảy né sang bên. Trong nháy mắt đó Poócsi đang định bổ một nhát chém khủng
khiếp xuống một tên xpahi mặc áo lưới thép. Anh ngã nhào xuống khỏi mình ngựa.
Chúng nó đâm vào ức con ngựa. Con ngựa ngã đè lên chân Poócsi và nằm nguyên đó
bên cạnh anh.
Các chiến sĩ khác thấy thế liền xúm quanh Poócsi và vung
gươm chém sa sả để người trung úy có thì giờ đứng dậy. Nhưng Poócsi không đứng
dậy. Chân anh đã bị trẹo khớp. Trong tư thế ngồi như thế, anh vẫn hăng máu múa
tít thanh gươm, đâm chém tứ phía. Cái mũ sắt rơi ra khỏi đầu.
Một tên ionisa chém xuống đầu anh.
Trên mặt thành những tiếng kèn mạnh mẽ vang dội: Quay về!
Quay về!
Đoàn chiến sĩ quay lại, mở đường qua vòng vây Thổ. Chỉ còn
mười người ở lại bên cạnh Poócsi. Một rừng giáo liền tua tủa vây kín lấy họ.
- Đầu hàng đi. - Bọn Thổ gọi họ.
Mười chiến sĩ, lần lượt người nọ sau người kia, hạ gươm
xuống.
- Đồ hèn nhát! - Từ trên thành mọi người giận dữ gọi vọng
xuống.
Khó khăn lắm mới giữ được Mectsei để anh khỏi xông ra.
Một giờ sau, quân địch dựng lên một giàn gỗ cao hình cái đĩa
trên đồi Ghế Vua. Trên giàn gỗ đó, trước mắt quân dân trong thành, tên đao phủ
Thổ dùng bánh xe sắt bẻ gãy xương các dũng sĩ Eghe bị thương, tất cả, chỉ trừ
Poócsi.
Cho tới lúc đó Eghe chỉ căm thù quân Thổ, từ lúc đó trở đi
họ còn ghê tởm chúng.
Đám phụ nữ bật khóc. Quân sĩ muốn xông ra. Nhưng Đôbô đã sai
khóa chặt cổng.
Sau hành động tàn bạo nhục nhã đó, pasa Ali cho gọi chõ vào
thành:
- Chúng mày nên biết đạo quân của nhà vua đến cứu viện cho
chúng mày đã bị chúng tao đánh tan tác! Không còn khoan hồng nữa! Nếu chúng mày
không đầu hàng, tất cả chúng mày đều sẽ bị hành hình như những đứa ở đây.
Dân thành tái người khi nghe lời gọi đó. Hành động dã man
của bọn Thổ đã khiến cả những người lính trông sững sờ đến nỗi quên cả đánh
trống để át tiếng gọi.
- Bọn hèn hạ nói dối đấy! - Gergey nói với đám quân sĩ đứng
xung quanh. - Chúng nó nói dối cũng như đêm đêm chúng vẫn kêu gào là vợ chúng
ta, người yêu chúng ta, con cái chúng ta đã bị bắt. Đạo quân nhà vua sẽ đến.
Chúng ta có thể đợi họ đến trong bất cứ giờ nào.
- Nhưng ngộ chúng nó không nói dối? - Một giọng sống sượng
vang lên sau lưng chàng. Không thế, mặt Gergey cũng đã tái rồi; nghe câu hỏi đó
mặt chàng trắng bệch đến nỗi có thể đếm được từng sợi râu.
Trung úy Heghétđuy là người đã nói câu đó, Gergey nhìn thẳng
vào mặt anh ta, tay đè dốc gươm xuống và đáp:
- Ái chà, ngài trung úy! Đáng nhẽ ngài cũng phải biết đôi
điều về tục lệ của các đạo quân chứ, kẻ địch thường cướp lấy những lá cờ của
đạo quân đã bị đánh tan. Nếu quả thực chúng đã đánh họ tan tác, chúng lại không
giơ những lá cờ lên khoe hay sao?
Rồi chàng nhìn anh ta từ đầu đến chân. Việc đó xảy ra trên
pháo đài nhà thờ. Đôbô cũng đứng trên pháo đài xa hơn một chút. Cạnh ông, Xexey
tì người lên cái nạng. Zôntoi, Phuyghétđi và giáo sĩ Marotôn cũng đứng đó. Giáo
sĩ mặc áo trắng, quàng khăn lễ. (Ông vừa mai táng một người chết vì bị thương
nặng).
Chỉ khi nghe tiếng nói của Gergey. Đôbô mới bắt đầu chú ý.
Ông kinh ngạc nhìn Heghétđuy.
Xexey cũng quay lại, ông quát Heghétđuy:
- Nói mới ngu chứ! Cậu muốn làm cho người ta sợ hãi à?
Heghétđuy tức tối nhìn trả lại Gergey:
- Ta là một chiến sĩ nhiều tuổi hơn ngươi, đồ nhãi con ạ!
Sao ngươi dám lên giọng dạy ta! Sao ngươi dám nhìn ta hỗn xược như thế!
Và thanh gươm của y rút ra khỏi vỏ.
Gergey cũng rút gươm ra.
Đôbô bước vào đứng giữa hai người:
- Sau cuộc bao vậy, các người có thể thanh toán với nhau!
Chừng nào thành còn bị vây, chớ có cả gan rút gươm ra mà đánh nhau!
Hai sĩ quan bất hòa đành tra gươm vào vỏ.
Giọng lạnh lùng, Đôbô ra lệnh cho Heghétđuy đến phục vụ ở
Cổng Cũ trong đội của Mectsei, còn Gergey nếu không có lý do quan trọng thì
phải rời khỏi thành ngoài.
- Sau ngày giải tỏa!...
Heghétđuy còn nói một lần nữa với một cái liếc đe dọa.
- Tôi không trốn đâu. - Gergey đáp, giọng lạnh như băng.
Việc bất hòa đó làm Đôbô mất vui. Khi hai võ quan đã đi
khuất theo hai hướng khác nhau, ông quay sang bảo Xexey:
- Chúng ta sẽ ra sao nếu các võ quan cũng coi nhau là cừu
địch? Họ sẽ làm thế nào mà đồng tâm chiến đấu! Cần phải hòa giải bọn họ!
- Quỷ bắt cái bọn Koso ấy đi. Con trai tôi nói đúng.
Họ đi bộ qua bãi chợ. Từ trong quán rượu tiếng hát vọng ra,
và khi họ vừa vặn tới đó, ba người lính ngật ngưỡng nhào ra, tay quàng vào cổ
nhau. Với những động tác Laokon [79], ba người lính chân nam đá chân chiêu đi về
phía dãy nhà doanh trại. Người ở giữa là Hokôisoi, anh ta gào lên câu cuối cùng
ở một bài hát:
- Chúng ta không bao giờ chết!
Khi những anh chàng phởn chí ấy trông thấy Đôbô, họ vội
buông nhau ra và đứng lại như những cái tháp Piza [80], mắt lấm lét, im bặt.
Đôbô đi qua bọn họ không nói gì cả, và dừng lại trước của
quán.
Trong quán người ta đang hò hét ầm ĩ. Tơrôc Laxlô đang vung
vẩy cái khăn mới đây vừa dùng buộc cánh tay bị thương của anh. Kômlôtsi dùng
cốc thiếc gõ lên bàn. Sônxi Xonixlô đang gào những người thổi tiêu. Cạnh họ còn
ba chiến sĩ nữa đang giúp họ uống cho hết số tiền thưởng vì lòng anh dũng.
Đôbô quay sang bảo người võ đồng:
- Gọi hai người chủ quán lại đây.
Một phút sau cả hai đã đến: Debrơi Giơrgiơ trong cái áo ngắn
xắn tay, Nothơ Laxlô trong cái tạp dề màu xanh có túi ngực. Hai người bối rối
đứng trước cặp mắt giận giữ của ngài đại úy.
- Các ông chủ quán! - Đôbô cao giọng nói. - Nếu ta còn thấy
lính say trong thành một lần nữa, ta sẽ sai treo cổ kẻ nào đã để cho họ uống
quá chén!
Rồi ông quay người đi tiếp.
Đến đêm người ta lại xếp đá vá những chỗ tường bị đại bác
bắn vỡ trong ngày. Đôbô chỉ ngủ một hai tiếng. Suốt ngày thâu đêm lúc nào cũng
có thể thấy ông lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ nọ, có thể nghe cái giọng cắt đặt trầm
trầm, điềm tĩnh của ông.
Khuya đêm thứ ba sau đợt công kích, một tiếng gọi to khỏe
lại vang lên từ ngọn đồi phía đông:
- Ngươi có nghe chăng, Đôbô Isơtơvan! Địch thủ cũ của ngươi
có lời chào ngươi đây: bêi Orơxơlan. Danh dự của ta cũng trong sạch như thanh
kiếm của ta. Ngươi chưa bao giờ có thể nghe những chuyện xấu xa về ta.
Một phút nghỉ, sau đó.
- Các ngươi đừng quay quắt lấy cái chết của Lôsônxi Isơtơvan
ra mà làm ví dụ! Chính bản thân ông ta là nguyên nhân gây ra cái chết đó! Nhưng
nếu các ngươi không tin, ta xin lấy bản thân ta làm con tin! Ta không sợ một
mình đi vào chỗ ngươi, nếu ngươi chịu dựng cờ trắng! Các ngươi hãy bắt giữ ta
cho tới khi nào các ngươi đã kéo ra khỏi thành và nếu một người nào đó trong số
quân kéo ra bị động đến một sợi tóc, các ngươi hãy lập tức giết ta đi. Ta đang
gọi đây: bêi Orơxơlan, con trai của basa lừng lẫy danh vọng Oclu Môhamét.
Yên lặng tiếp đến, dường như kẻ chiêu hàng đang chờ lời đáp
lại.
Nhưng ngay từ những tiếng đầu tiên. Đôbô đã lên ngựa phi
sang pháo đài khác. Bằng cách đó ông tỏ rõ cho mọi người biết đối với lời dụ dỗ
của giặc Thổ ông điếc tới mức độ nào.
Chỉ các chiến sĩ nghe phần tiếp tục của lời kêu gọi.
- Ta biết rằng cá nhân ta đã là một bằng chứng đầy đủ đối
với ngươi. Nhưng nếu chưa đủ đối với sĩ tốt các người, chúng ta có thể rút toàn
bộ trại quân lui ra ba dặm. Chừng nào các ngươi chưa đi ra khỏi thành ba dặm về
hướng đối diện, chừng đó không một người Thổ nào xuất hiện. Đôbô Isơtơvan vũ
dũng, hãy trả lời cho ta hay!
Tòa thành yên lặng.
5
Lúc nửa đêm Đôbô trông thấy một người lính trẻ ở trước cửa
kho thuốc súng, anh ta đang đội mấy cái khay to trên đầu.
- Cái gì thế?
- Thượng úy Gergey sai lấy những cái khay trong nhà bếp ra.
- Thượng úy đâu rồi?
- Bẩm trên pháo đài nhà ngục.
Đôbô phóng ngựa đến đó. Ông xuống ngựa, vội vàng đi lên pháo
đài. Ông bắt gặp Gergey dưới chân tường, nơi một ngọn đèn chiếu sáng. Gergey
đang cúi xuống xem xét một khay nước, chân quỳ xuống, bất động, mặt tái đi,
nghiêm nghị.
- Gergey!
Gergey đứng dậy, chàng nói:
- Tôi không biết đại úy vẫn còn thức. Ngoài ra tôi đã báo
cáo với Mectsei về việc sai theo dõi những khay nước.
- Chúng nó đào đường ngầm à?
- Chắc thế. Chúng ta đã đánh lui đợt công kích, cho nên có
thể thấy trước là chúng nó sẽ đào đường ngầm.
- Được. - Đôbô đáp. - Đám lính trống cũng hãy đặt trống
xuống đất và rắc hạt đậu lên mặt.
- Và đạn chì nhỏ nữa.
Đôbô từ trên pháo đài gọi với xuống bảo võ đồng Kơrixtôp:
- Con hãy đi đến khắp các vọng gác và bảo họ cứ sau một tua
lại phải chú ý xem xét mặt trống và mặt khay nước. Hễ thấy mặt nước rung rinh
hoặc đậu và đạn chì lao xao trên mặt trống là phải lập tức báo ngay.
Rồi ông quàng lấy tay Gergey kéo vào phía trong.
- Gergey, con thân mến. - Ông nói với chàng bằng cái giọng
cha chú mà thường ông chỉ dùng để nói với các võ đồng. - Ta chú ý theo dõi con
đã một tuần nay. Con có việc gì thế? Con có hay như thế này đâu.
- Thưa ngài, - Gergey trả lời giọng run run. - tôi không
muốn đem câu chuyện đó ra làm ngài phải nghĩ ngợi thêm. Nhưng ngài đã hỏi thì
tôi xin nói. Kể từ khi chúng nó hãm thành, đêm nào chúng cũng gọi chõ vào rằng
con trai tôi đang ở chỗ chúng nó.
- Chuyện dối trá!
- Tôi cũng đã nghĩ thế. Thoạt đầu tôi cũng chẳng thèm để ý.
Nhưng cách đây một tuần, chúng ném vào thành một thanh gươm nhỏ. Đó là gươm của
con trai tôi.
Vừa nói thế chẳng vừa rút dưới áo đônman ra một thanh gươm
nhỏ có vỏ bọc nhung.
- Thưa đại úy, thanh gươm này đây. Tôi biết ngài không nhớ
ra nó nữa. Vậy mà chính ngài đã cho tôi thanh gươm này khi chúng ta gặp nhau
lần đầu tiên. Sau này tôi cho con trai tôi khi tôi từ biệt nó đến đây. Cái này
làm sao lọt vào tay bọn Thổ được?
Đôbô ngẩn ra nhìn thanh gươm. Gergey lại tiếp:
- Tôi để vợ con tôi ở lại Sơpơrôn. Mạn đó không có bọn Thổ
nào đến cả. Nếu đứa nào bén mảng đến người ta sẽ đánh chết ngay. Còn vợ tôi thì
không rời khỏi chốn đó, vì cũng chẳng còn biết đi đến bà con nào khác nữa.
- Khó hiểu thực. - Đôbô lắc đầu đáp. - Có lẽ thanh gươm đã
bị đánh cắp rồi chuyển đến chỗ hàng tầm tầm, đến chỗ lính Thổ?
- Nếu vậy làm sao chúng lại biết là thanh gươm của con trai
tôi? Và còn một mối liên quan nữa trong việc này, nó cứ như một con rắn cấu xé
trái tim tôi. Cái tên Yumusac này, hoặc nói cách khác là cái tên bêi Đạo sĩ này
trước đây có một vật hộ mệnh. Vị giáo sĩ Gabô, người thầy đã quy tiên của tôi,
đã lấy mất của hắn vật đó và để lại cho tôi. Từ đó cái tên Thổ điên ấy cứ ra
sức tìm. Làm sao hắn lại biết được vật đó ở chỗ tôi? Tôi không thể hiểu nổi.
Nhưng chắc chắn là hắn biết, vì hắn đòi tôi.
- Và anh nghĩ rằng con trai của anh quả thực ở chỗ hắn ư?
Vậy thì quỷ tha ma bắt cái nhẫn ấy đi, hãy ném ra cho hắn!
Gergey bỏ mũ sắt ra lấy khăn lau trán.
- Nhưng chính điều này mới thật lạ lùng, cái nhẫn không có ở
đây. Tôi đã để nó ở nhà.
- Trí khôn của ta đến tắc tị mất. - Đôbô lắc đầu nói. - Ta… nghĩ
nếu giả dụ đã có những tên Thổ lang thang ở Sơpơrôn… hừm… thì tên bêi đã cướp
cái nhẫn đi rồi chứ không phải là cướp thằng bé.
- Tôi cũng điên đầu lên trong giả thiết ấy đấy. - Gergey
đáp.
- Và anh nghĩ rằng con anh quả thực có ở đấy à?
- Cứ bằng vào thanh gươm nhỏ đã từ Sôpơrôn chuyển đến đây,
tôi bắt buộc phải nghĩ rằng con trai tôi cũng có thể bị đưa đến đây lắm.
Họ đã đến soái phủ. Đôbô ngồi xuống cái ghế đá hoa trước lâu
đài, dưới một cây đèn.
- Anh cũng ngồi xuống đây.
Ông chống hai khuỷu tay lên đầu gối nhìn ra phía trước. Cả
hai đều im lặng. Cuối cùng Đôbô phát vào đầu gối một cái và nói:
- Ngay đêm nay chúng ta sẽ có thể biết lời bọn Thổ có đúng
hay không.
Ông bảo với người lính gác đang đi đi lại lại trước soái
phủ:
- Misơko, ngươi hãy đi vào nhà ngục dẫn cái tên Cuôcđơ ra
đây, cái tên mà ngươi đã bắt được bên bờ suối ấy.
Phu nhân Bolôc từ trong cửa sổ nói vọng ra:
- Ngài đại úy, cái áo khoác ngoài của ngài…
Vì trên người Đôbô chỉ có áo đônman, một cái áo đônman
bằng da nai màu xám, mà khí đêm thì quả thực đã lạnh.
- Cảm ơn phu nhân. - Đôbô đáp. - Tôi đi ngủ ngay bây giờ
đây. Petơ thế nào?
- Anh ta nói mê nói sảng và rên rỉ.
- Ai sẽ túc trực bên cạnh anh ta?
- Tôi đã cho gọi vợ Kôtsit Gatpa vào. Nhưng chừng nào anh ta
chưa yên lặng, cả tôi cũng sẽ thức.
- Không có lý do gì phải làm thế. - Đôbô đáp. - Tôi đã thấy
vết thương. Nó sẽ lành thôi. Phu nhân hãy đi ngủ đi!
Người lính gác dẫn tên Cuôcđơ đến.
- Cởi xiềng cho nó. - Đôbô bảo anh ta.
Tên Cuôcđơ vòng tay lên ngực, cúi rạp người chờ đợi.
- Đồ dị giáo, mày hãy nghe ta nói đây. - Đôbô nói.
Gergey dịch từ đầu đến cuối.
- Mày có biết tên bêi Đạo sĩ không?
- Bẩm có ạ.
- Hình dạng hắn thế nào?
- Chột một mắt. Hắn mặc áo đạo sĩ, nhưng bên trong là áo
giáp.
- Đúng hắn đấy. Mày là người ở đâu?
- Thưa ngài ở Đilixơ.
- Mẹ mày còn sống không?
- Thưa ngài còn sống ạ.
- Gia đình mày?
- Con có hai đứa con ạ.
Và hắn bật khóc.
Đôbô nói tiếp:
- Ta sẽ thả mày ra, nhưng mày phải trung thực làm một việc
của ta giao.
- Thưa ngài, con sẽ là nô lệ của ngài đến trọn đời.
- Mày hãy đi đến chỗ bêi Đạo sĩ. Nơi hắn có một thằng bé
Hung bị bắt. Mày bảo tên bêi rằng nếu sáng mai hắn dẫn thằng bé ấy đến chỗ cổng
nhìn ra con suối, nơi mày bị bắt, hắn có thể đổi thằng bé lấy cái mà hắn muốn.
Khi đến, chúng mày phải đem theo khăn trắng.
- Thưa ngài, con đã hiểu.
- Một người của chúng ta sẽ ra cổng đón thằng bé và mang
theo cái nhẫn bùa của tên bêi. Còn mày dẫn thằng bé từ chỗ tên bêi đến trao cho
người của ta. Nhưng mày phải thề sẽ làm trọn cái điều chúng ta đòi hỏi.
- Dạ thưa ngài, con xin thề ạ. - tên Cuôcđơ đáp.
Kơrixtôp đã đến đứng bên cạnh. Đôbô quay sang bảo chú:
- Kơrixtôp, con hãy đi vào phòng hiệp sĩ. Trong góc phòng có
một đống đồ đạc Thổ, trong số đó có một quyển sách nhỏ. Con hãy mang quyển sách
nhỏ đó ra đây.
Quyển sách đó là quyển kinh Côran, những tên lính Thổ biết
đọc đều mang nó theo trong người. Quyển sách bọc bìa da và có vòng sắt ở góc,
trong vòng sắt xâu một sợi dây. Bọn Thổ biết đọc thường đeo nó ở ngực. Tên
Cuôcđơ đặt ngón tay lên quyển kinh Côran và thề. Sau đó hắn phủ phục xuống chân
Đôbô. Hắn hôn lên nền đất và mừng rơn đi ra.
- Nhưng thưa ngài. - Gergey giọng run run nói. - nếu tên Thổ
thấy chúng ta lừa nó…
Đôbô điềm tĩnh trả lời:
- Nếu như có thằng bé ở chỗ nó thì nó đã dẫn ra cho ta thấy
rồi. Tất cả bọn Thổ đều dối trá. Ta chỉ muốn làm cho anh yên lòng đó mà thôi.
Gergey phấp phỏng đi vội lên pháo đài để ngủ lấy một chút
trước khi trời rạng. Khi chàng đi qua bên cạnh mấy cái cối xay, từ trong bóng
tối vẳng ra một tiếng “huýt”, nói đúng hơn là một tiếng “suỵt”. Gergey nhìn về
phía đó. Chàng trông thấy gã xigan đang quỳ trên đống rơm và vẫy chàng.
- Nào, anh muốn gì thế? - Gergey hỏi, giọng không vui.
Gã xigan đừng lên thầm thì:
- Thưa đại nhân Gergey, trong vườn có trộm.
- Thế à?
- Lúc đầu hôm, con chữa miếng sắt quai hàm cho cái mũ của
một người lính Koso ở chỗ Cổng Cũ. Con nghe ngài trung úy Heghétđuy đã nói là
khi thành bị vây, đáng lẽ tiền lương phải trả gấp đôi. Đám lính cằn nhằn đại
nhân Đôbô đấy. Họ bảo quân Thổ hứa đủ mọi cái tốt đẹp, còn đại nhân Đôbô chẳng
hứa gì sất. Cần phải lựa chọn.
Hơi thở của Gergey tắc lại.
- Họ nói như thế trước mặt anh à?
- Trước tất cả đám lính tráng. Đáng nhẽ con cũng chẳng nói
đâu. Nhưng nếu đã phải sợ thì con còn sợ quân Thổ hơn ngài trung úy ở Koso.
- Đi theo ta. - Gergey bảo.
Chàng đi tìm Mectsei và bắt gặp anh ở chỗ đám thợ nhồi thuốc
súng vào vỏ đạn.
- Pisơto, - chàng bảo anh. - anh hãy nghe Sakơdi kể.
Rồi chàng bỏ họ lại ở đó.
6
Sáng ra, khi Đôbô bước ra ngoài cửa soái phủ. Heghétđuy đã
chờ ông ở đó.
- Thưa ngài ! - Y vừa nói vừa đưa tay lên mũ chào. - Tôi có
điều muốn báo cáo.
- Gấp à?
- Không gấp lắm.
- Vậy theo ta. Đến chỗ cổng sẽ nói.
Gergey đã đứng trên cổng, cả Mectsei, Phuyghétđi cũng đứng
đó cùng chàng. Lớp bổi đã che khuất họ không để bọn Thổ đang nhốn nháo ngoài
suối trông thấy.
Đôbô nhìn xuống thành phố qua kẽ lớp bổi, sau đó quay lại
hỏi Gergey:
- Chưa có ai à?
- Chưa ạ. - Gergey đáp rồi liếc nhìn Henghétđuy.
Henghétđuy đưa ngón tay lên vành mũ nửa chào nửa vẫy. Gergey
cũng vậy, nhưng họ nhìn nhau lạnh nhạt.
Đôbô nhìn Heghetđuy, chờ báo cáo.
- Thưa ngài. - Heghétđuy nói. - tôi cần phải nói rằng tôi đã
nghiệm thấy có đôi chút bất mãn giữa đám lính tráng.
Mắt Đôbô giương tròn xoe.
- Rất tiếc, - Heghétđuy vừa lẩn tránh cái nhìn của Đôbô vừa
tiếp. - giữa bọn họ có những người lính già đã biết cái khoản ấy... cái khoản
tiền công cố thủ. Hôm qua họ đã chờ suốt ngày để mong được lĩnh khoản tiền ấy
như mọi lúc và mọi nơi vẫn thường quen. Đến tối họ đã nói vung lên. Tôi nghĩ
nếu mình mắng át họ đi, sự bất mãn sẽ chỉ càng tăng. Bởi vậy tôi đã để cho họ
nói. Họ yêu cầu tôi nói cho ngài biết nguyện vọng của họ.
- Trước hết, đáng lẽ ngài đã không được phép quên, ngài
trung úy ạ, là trong thành không có chỗ cho bất cứ một sự xì xào thậm thụt nào.
Thứ hai, về khoản tiền công cố thủ, ở đây kẻ nào không chiến đấu vì Tổ quốc mà
vì tiền công thì cứ việc đến chỗ ta, hắn sẽ được lĩnh.
Đôbô trả lời rồi bước đi khỏi chỗ viên trung úy, nghiêng
mình ngó qua lớp bổi.
- Chúng đã đến. - Gergey lên tiếng.
Từ giữa đám lính Thổ, tên Cuốcđơ đi ra, hắn đã được võ
trang, hai tay dắt hai đứa bé Hung. Cả hai đều mặc áo cộc tay, quần xà lỏn,
chân đi đất, đều có vẻ con nhà nông. Vì tên Cuôcđơ bước những bước dài, hai đứa
bé phải chạy lon ton bên cạnh.
Cách chúng chừng một trăm bước có thể trông thấy tên đạo sĩ
chột. Hắn cưỡi ngựa theo sau tên Cuốcđơ nhưng đến tầm bắn thì dừng lại và đứng
thẳng người trên bàn đạp nhìn về phía thành.
- Hai đứa bé này không phải con tôi! - Gergey nói với nỗi
mừng rỡ cuống quýt.
Thực thế, hai đứa bé nhiều tuổi hơn Iontsiko của chàng: một
đứa chừng mười tuổi, một đứa độ mười hai.
Tên Cuôcđơ dừng lại trước cổng thành, gọi to lên:
- Ngài bêi gửi hai đứa đến thay cho một đứa. Chúng mày đưa
cái nhẫn ra rồi ngài sẽ gửi cả đứa thứ ba đến nữa.
Đôbô nói lên với người lính gác trên tháp canh.
- Bác hãy nhô ra ngoài, lấy tay vẫy cho tên Cuốcđơ kia hiểu
là nó có thể cút đi được đấy.
Ngày hôm đó quân Thổ cũng vẫn bắn phá tường thành như trước.
Những khẩu Zobuzan to họng làm việc chậm chạp nhưng với sức mạnh kinh khủng.
Đồng thời với mỗi tiếng nổ, tường vỡ rào rào, đôi khi còn nghe được cả tiếng ầm
của từng chỗ đổ sập.
Nhưng tuy vậy ngày hôm đó vẫn có một cái gì thay đổi, những
người lính gác đã báo cáo điều đó từ sáng sớm.
Kỵ binh Thổ đã rút ra xa thành. Không đâu còn thấy bóng dáng
của những tên akinji mũ đỏ, những tên xpahi mặc áo giáp sáng chói, những tên
betli quân phục tạp nham, những tên đeli áo choàng rộng, những tên gonưlư cưỡi
giống ngựa bé nhỏ, những tên gureba, những tên mưxenlem và bọn xilida [81]. Mà
ngay cả chín trăm con lạc đà của trại quân Thổ cũng biến đâu mất.
Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Quân dân trong thành tíu tít đi lại, nét mặt mừng vui hớn
hở. Cả gã xigan cũng đến chỗ thợ mài nhờ mài sáng một thanh gươm đã bén gỉ. Bên
những lò nướng bánh, lời ca của các phụ nữ vang lên. Bọn trẻ đùa nghịch ở bãi
cỏ trên gò cạnh lò bánh, bọn con trai chơi trò chơi trận giả, bọn con gái chơi
rồng rắn:
Kotôko nhà Uivari
Váy lông vàng diện gớm còn chi
Ngựa cô đòi ăn ngô ăn thóc
Mẹ cô đòi cheo vàng cheo ngọc
Chuỗi hạt cho cô nữa rồi đi.
Người hầu của phu nhân Bolôc dẫn thằng bé Thổ đến đó. Nó
ngây người nhìn trò chơi.
- Chúng mày cho thằng này vào chơi với! - Người hầu nài bọn
con trai.
- Không được. - Các em trả lời.
Bọn con gái bèn nhận cho vào chơi. Thằng bé Thổ không hiểu
các em hát gì nhưng cũng nghiêm chỉnh quay lộn với chúng.
Nhưng nguyên nhân của sự mừng rỡ, vui vẻ đó là gì vậy?
Kỵ binh Thổ đã biến đi. Chắc chắn đạo quân cứu viện đã tới
gần. Đạo quân của nhà vua! Nếu kỵ binh Thổ không đi nghênh chiến với đạo quân
đó thì còn đi đâu nữa?
Những người lính trống càng vui vẻ khua trống át những lời
chiêu hàng gọi chõ vào thành. Người cầm dùi cái trống đại của thành chốc chốc
lại nhảy lên mặt thành phía có quân địch léo nhéo mà nện thùng thùng át tất cả
mọi tiếng kêu.
Những truyền đơn cũng rơi vào thành. Chúng nó gài theo mũi
tên bắn vào. Không ai đọc cả. Ai nhặt được đều ném vào lửa, còn những mũi tên
họ đem đến cho lão Xexey.
Ông lão ngồi tối ngày trên pháo đài nhà ngục, và mỗi khi
quân Thổ lấp ló đến gần, ông lại giương cung bắn xuống.
Chỉ có nét mặt của Đôbô là vẫn nghiêm nghị không đổi.
Khi ông leo lên tháp canh này, khi ông leo lên tháp canh kia
để dò xét quân địch. Đôi ghi ông nhìn rất lâu về phía núi Eghét, đôi khi ông
lại lắc đầu. Có lần ông gọi Mectsei vào soái phủ.
- Chú ạ. - Ông vừa ngồi xuống vừa nói. - Cái tay Henghétđuy
ấy không vừa ý ta chút nào cả. Chú hãy cho người theo dõi y.
- Tôi đã cho người theo dõi rồi.
- Y nói chuyện với ai, nhòm ngó những đâu, đặt chân đến chỗ
nào, ta cần phải biết từng giờ từng phút.
- Vâng, chúng ta sẽ biết.
- Nhưng đừng để cho y đánh hơi thấy, nếu không y sẽ làm cho
ta bị bất ngờ đấy.
- Y sẽ không biết được đâu.
- Nếu trong thành rối loạn thì chúng ta sẽ hết đường. Ta có
thể làm cái việc sai bắt giam y lại, nhưng ta cần phải biết có những ai hùa
theo y nữa. Ta cần phải cắt bỏ cái phần mục nát sao cho đừng sót lại một tí gì.
Anh sai ai theo dõi đấy?
- Gã xigan.
- Đáng tin cậy không?
- Gã đáng tin cậy lắm. Hôm qua gã đã làm việc ở giữa đám
lính Koso, hôm nay lại sẽ tìm được việc ở đó. Tôi đã bảo gã nếu có công trong
việc này thì gã sẽ được thưởng một con ngựa tốt với toàn bộ yên cương lành lặn.
Gã sẽ giả vờ về hùa với chúng nó. Nếu có chuyện gì xảy ra chúng ta sẽ biết
ngay.
- Cậu không còn người nào khác đáng tin cậy hơn nữa hay sao?
- Có thì còn có,
nhưng đám lính, Koso sẽ không tin người đó. Với gã xigan, chúng nó sẽ coi
thường và không thèm giữ gìn trước mặt gã.
- Gã chỉ cần dò biết những kẻ cầm đầu!
- Tôi cũng bảo gã như thế.
- Vậy thì được. Ta đi đi.
- Thưa đại úy tổng trấn, - Mectsei đổi giọng nói. - những
dấu hiệu bên ngoài tỏ ra rằng quân đội nhà vua đã đến.
Đôbô nhún vai, buồn bã đáp:
- Có thể là có đạo quân đến. Nhưng những dấu hiệu được tất
cả các anh giải thích bằng việc đó, với ta chúng không có nghĩa là đạo quân nhà
vua đã đến.
Mectsei ngớ người nhìn Đôbô.
Đôbô dang rộng hai cánh tay:
- Bọn giám trận đều đang ở đây cả. Ta đã trông thấy cả hai
tên thống tướng cùng cưỡi ngựa ở mạn Onmodo. Chúng chưa điều đi một khẩu đại
bác nào. Hai cánh quân của chúng cũng còn ở đây cả.
- Vậy có chuyện gì nhỉ? - Mectsei ngượng ngùng hỏi.
Đôbô lại nhún vai!
- Không thể có việc gì khác hơn, cậu em ạ, chỉ có thể là
chúng nó đi vào rừng.
- Vào rừng?
- Vào rừng, với lại vào các ruộng nho. Ta nghĩ rằng hai tên
thống tướng muốn tìm cách hạ bớt chiều cao tường thành. Chúng sai quân đi chở
cành cây và lấy đất. Chúng sẽ lấp cái hào của ta và đắp gò lên ở những chỗ
tường sạt lở. Có điều Pisơto thân mến này, điều này ta chỉ nói với cậu thôi.
Hãy cứ để cho quân dân trong thành mừng rỡ vì việc có quân cứu viện đến.
Ông chìa tay ra cho người bạn đồng nhiệm và trìu mến nhìn
anh ta. Sau đó ông quay vào cái phòng chỗ Petơ nằm.
Trời vừa xẩm tối, các toán kỵ binh Thổ lại lúc nhúc bò ra.
Dưới ánh một quả pháo sáng có thể trông thấy tất cả bọn kỵ
binh đều cầm cương dắt ngựa, và mỗi một con ngựa đều tải nặng cành cây. Đàn lạc
đà dài dằng dặc thì chở những bao tải đầy ắp. Khi chúng đi từ trên núi Boiut rẽ
xuống, đàn lạc đà đi hàng một, con này nối con kia.
Đôbô chĩa nòng những tu pháo và những khẩu cối xuống, bắn
vào giữa đội hình quân địch.
Nhưng đêm tới mỗi lúc một dày đặc và số kỵ binh địch không
hề giảm bớt. Đôbô ngừng nã đại bác, chỉ ra lệnh cho những tay súng trường thỉnh
thoảng bắn vào bọn chúng.
Quân Thổ rộn rịp làm việc dưới chân thành. Cành cây và dây
nho ném lên nhau gẫy răng rắc. Xen vào giữa là tiếng hò của bọn quan giám trận
đang cắt đặt.
Đôbô sai đem phần lớn đèn trong thành đến những chỗ tường
vỡ. Người ta để đèn ở những chỗ có thể soi sáng ra ngoài tường thành, nhưng từ
phía dưới không thể dùng tên hoặc dùng đạn mà bắn trúng được.
Bên trong thành tối đen, chỉ rải rác đây đó mới có một ngọn
đèn. Ánh sáng hắt ra từ lò bánh chiếu sáng vùng Cổng Cũ. Đám phụ nữ lúc này
cũng vẫn vừa làm vừa hát.
- Họ cứ hát nữa đi, - Đôbô nói. - May mắn không bao giờ lìa
bỏ những nơi có tiếng hát.
Quãng nửa đêm, Mectsei đứng trên tháp canh pháo đài
Bôiki theo dõi xem quân Thổ có rục rịch chuyển sang công kích ban đêm hay
không. Các võ quan khác cũng thay nhau đi khắp nơi trực đêm.
Mectsei khum hai bàn tay lại đặt sau tai và cúi xuống, tia
mắt anh cố sức xuyên qua màn đêm.
Có ai từ phía sau giật giật áo đônman của anh.
Gã xigan.
Gã đi dép ionisa đến đây, trên đầu gã đội một cái mũ sắt cắm
đầy lông gà. Một bên sườn đeo gươm, sườn bên kia đeo gươm cong kiểu Thổ có cán
màu trắng.
- Suỵt … - gã nói vẻ bí ẩn. - suỵt!...
- Cần gì đấy?
- Con đã cảm thấy dây cương con ngựa tốt nằm trong tay con
rồi.
- Mày biết được chuyện gì rồi ư?
- Ôi ôi!
- Mày có cả chứng cớ nữa chứ?
- Có ạ, chỉ cần bắt lấy nữa thôi.
- Thế thì bắt đi, đồ chó đẻ.
- Con bắt ư? Xin mời ngài đi theo con, rồi sẽ thấy. Nhưng
phải quàng lên.
- Đi đâu?
- Đến chỗ bể nước. Heghétduy đã xuống dưới ấy. Giời ơi là
giời!
- Một mình à?
- Ba tên lính của ông ta đứng canh bên cửa bể nước.
Mectsei hộc tốc lao xuống cầu thang.
Đến dưới chân tháp, anh gọi sáu chiến sĩ lại bên mình và
bảo:
- Đi theo ta, không mang binh khí gì cả! Bỏ ủng ra! Đem theo
dây da hoặc dây thừng!
Sáu chiến sĩ lặng lẽ tuân lệnh.
Khi họ đã xuống khỏi pháo đài, Mectsei nói tiếp mệnh lệnh:
- Chúng ta đi đến chỗ bể nước. Ba người lính đang ngồi ở đó
hoặc có thể đứng, hoặc có thể nằm. Các ngươi hãy từ đằng sau xông lên bắt lấy
chúng và trói cổ lại. Sau đó dẫn chúng vào ngục giao cho người cai ngục, bảo
anh ta giam chúng lại. Không một tiếng kêu, một tiếng động nào đấy nhé!
Khu vực bể nước tối đen, ánh sáng chỉ chiếu tới đỉnh một cái
cột cà khổ. Bắt đầu từ chỗ đó sáu chiến sĩ đi bằng bốn chân tay. Gã xigan làm
dấu thánh giá lên mình.
Vài phút sau có tiếng lách cách, huỳnh huỵch, tiếng chửi rủa
vẳng lên ở khu vực bể nước. Mectsei liền chạy đến.
Ba tên lính kia đã bị trói nằm dưới đất. Cả hai cánh cửa bể
nước mở toang. Mectsei cúi nhìn vào. Dưới ấy là bóng tối lặng lẽ.
Anh quay lại khe khẽ hỏi gã xigan:
- Ở đây à?
- Chính con đã trông thấy lúc ông ấy đi xuống.
- Trung úy Heghétduy à? Mày không nhầm chứ?
- Ông ấy đấy ạ!
- Chạy mau vào chỗ ngài đại úy trấn thủ. Tìm ở chỗ pháo đài
mới ấy. Bảo là ta mời ngài đến đây! Dọc đường nhớ nói với thượng úy Gergey phái
ngay năm tay súng đến.
Gã xigan co giò chạy. Mectsei tuốt gươm cầm tay, ngồi xuống
bậc cầu thang dẫn xuống bể nước. Lúc đó ở dưới kia tựa hồ có những tiếng động
văng vẳng. Mectsei đứng dậy, đóng một bên cánh cửa che cầu thang.
Ở phía trên nghe rõ tiếng bước chân đi đến của năm tay súng
và gần như cùng một lúc với họ, của Đôbô cùng với võ đồng Karixtôp. Người võ đồng
xách một cái đèn soi đường cho Đôbô.
Mectsei ra hiệu cho họ nhanh nhanh lên. Những tiếng động
dưới bể nước lúc đó đã to dần.
- Đằng này, đằng này! - Một giọng trầm vang lên dưới sâu.
Đôbô ra lệnh cho năm tay súng lên cò, họ phải kê súng lên
mép hầm cầu thang bể nước, chĩa nòng xuống. Sau đó ông nói:
- Kơrixtôp, đến chỗ ngài Gergey lấy thêm hai chục người nữa
lại đây.
Ông cầm lấy cây đèn trong tay chú, đặt xuống bên chân cột để
ánh sáng khỏi chiếu vào hầm.
Dưới sâu có tiếng lách cách của binh khí, tiếng bước chân
lạo xạo.
- Đằng này, đằng này! - Tiếng nói nghe đã rõ hơn.
Một tiếng bõm mạnh vào nước, liền đó một tiếng bõm khác…
Tiếng kêu eiva (úi chà),
međêt! (ối). Lại những tiếng lõm bõm…
Cánh cửa che cầu thang kêu đánh cộp. Rồi một người nhô đầu
lên. Đôbô vớ cái đèn lên, soi vào mặt y.
Đó là trung úy Heghétđuy, mặt y xám ngắt như chì.
Mectsei thộp lấy cổ áo y.
- Bắt nó lại! - Đôbô quát.
Những bàn tay mạnh mẽ vồ lấy viên trung úy, lôi y ra khỏi
hầm.
- Tước vũ khí!
Dưới kia tiếng lõm bõm vẫn mỗi lúc một vẳng lên nhiều hơn,
rồi tiếng kêu bối rối loạn xạ:
- Jetisin! Jetisin! (Cứu với! Cứu với!).
Đôbô rọi đèn xuống một thoáng. Thì ra dưới đó rất đông bọn
Thổ đội tuyban, binh khí tua tủa, đang dò dẫm trong bể nước rộng, tối thăm
thẳm, và ở một đường hầm bên cạnh những tên khác vẫn đẩy nhau ùa vào.
- Bắn! - Đôbô thét.
Năm tay súng nhả đạn vào hầm.
Cái hầm nước ầm vang như một khẩu đại bác. Tiếng la hét tức
tối đáp lại.
- Cậu ở lại đây nhé. - Đôbô bảo Mectsei. - Cần phải đi vào
trong đường hầm, đi đến tận cùng. Nếu nó xuyên quá ra ngoài thành, chúng ta sẽ
lấp lại, trát kín lại. Lúc nào cũng phải cử một người lính gác đứng bên tường.
Rồi quay sang đám chiến sĩ, ông trỏ Heghétđuy và các đồng
lõa của y:
- Lấy gông sắt gông chúng nó lại! Nhốt riêng chúng nó ra
từng đứa!
Và ông lại quay về pháo đài.
Từ dưới hầm sâu, Mectsei nghe một tiếng Hung vọng lên:
- Cứu với!
Anh soi đèn xuống. Một tên Thổ đội mũ da đang quằn quại trên
xác những tên chết đuối: hắn đã kêu cứu.
- Các ngươi hãy dòng một cái dây xuống. - Mectsei bảo. - nhỡ
tên này cũng là người trong thành.
Cạnh đó có một sợi dây kéo nước, người ta thả cả gầu xuống.
Tên sắp chết ngạt bíu vào gầu, ba chiến sĩ kéo hắn lên.
Lúc lên đến nơi, hắn há hốc miệng ra thở như một con cá bị
kéo lên bờ.
Mectsei soi đèn vào mặt hắn. Đó là một tên akinji ria mép
rất rậm. Nước từ ria mép và quần áo hắn nhỏ ròng ròng.
- Mày là người Hung à? - Mectsei hỏi.
Tên kia vội quỳ thụp xuống:
- Thưa quan, mày tha cho tao!
Bằng cách gọi Mectsei là mày như thế, gốc tích Thổ của hắn
lòi ra.
Xuýt nữa Mectsei xô hắn trở lại xuống hầm sâu, nhưng anh đã
kịp nghĩ đến việc để hắn lại làm chứng thì tốt hơn. Anh bảo các chiến sĩ:
- Tước vũ khí của hắn đi và giam hắn vào chỗ mấy gã nông dân
chuyển thư ấy.
-------------
Chú thích:
[71] Khoảng 15-16km, Giơđơblơ là huyện lỵ của huyện Gơđơnlơ,
ngoại thành Budapest về phía đông bắc, Isosơxee là một xã trong huyện Gơđơnlơ,
tại đây ngày 6 - 1- 1819 quân đội Hung đã thắng quân đội của đế quốc Áo, một
trong những trận thắng oanh liệt nhất trong chiến dịch mùa xuân của cuộc Cách
mạng dân tộc dân chủ hồi đó. Siôphôôc và Phuyrét là hai thị trấn nghỉ mát đối
diện nhau hai bên bờ hồ Balatông.
[72] Theo kinh thánh là ông tổ của dân Do Thái.
[73] Một loại lính tình nguyện trong quân đội Thổ.
[74] Hai địa điểm ở Buđapest ,
cách nhau khoảng 8km.
[75] Tiếng Latinh trong nguyên bản: Bài kinh lễ mồ.
[76] Pônxius Herenuius, tướng của dân tộc Xamnit, chết năm
291 trước CN. Ông đã bắt được một đạo quân La Mã trong thung lũng Phuốcsê Côđin
khiến người La Mã phải chịu thua và chấp nhận điều ước hòa binh (321 trước CN).
Nhưng về sau Viện Nguyên lão của La Mã bội ước và chiến tranh lại tiếp diễn.
Tuy vậy Pônxius đã tha mạng cho 600 tù binh La Mã mà không đòi điều kiện gì.
Cuối cùng Pônxius bị thua, bị bắt và bị người La Mã giết hại trong ngục. Sau
chiến bại này dân tộc Xamnit ở bán đảo Itali cũng mất luôn cả nền độc lập. Ở
đây ý nói đến chủ nghĩa nhân đạo chung chung.
[77] Một nhân vật thần thoại Hy-lạp có sức mạnh vô địch,
trong đời đã lập được 12 kỳ công, do đó được các thần đưa lên núi Olympia và cũng trở thành
thần.
[78] Khi được các thiên thần báo tin Chúa Trời sẽ phá hủy
thành Sôđôma, thoạt đầu Abraham xin phép được báo cho dân trong thành biết để
cứu họ, bị từ chối, Abraham lại xin phép chỉ báo riêng cho gia đình ông Lôt
(Loth), là một gia đình lương thiện, biết để cứu người lành.
[79] Laokon, tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ thuật tạo
hình hậu kỳ Cổ Hy Lạp (thời kỳ đế quốc Henlen). Quần tượng này do ba nghệ sĩ
bậc thầy: Hagêxandrôax, Pôluyđôrôx và Alenôđôrôx điêu khắc, mô tả giáo chủ
thành Tơroa và các con trai trong cuộc chiến đấu sống mái chống lại một bầy
rắn. Bầy rắn do nữ thần thành Aten (là thành phố cừu địch với thành Tơroa) phái
đến giết họ vì họ đã tiên cảm thấy con ngựa gỗ mà quân Aten để lại trước thành
sẽ gây nên tai họa cho thành Tơroa và do đó họ đã phản đối việc đưa con ngựa gỗ
vào thành. Động tác Laokon ở đây có nghĩa là động tác cố gắng hết sức.
[80] Tháp Pisa (đọc là Piza) : một cái tháp ở thành phố Pisa (Trung Ý), nổi tiếng
vì sau khi xây dựng xong, một bên nền bị lún và mỗi năm một nghiêng dần mà vẫn
chưa đổ. Đứng như cái tháp Piza là đứng xiêu xiêu vẹo vẹo.
[81] Các loại lính trong quân đội Thổ hồi đó.
-----------
tiếp p11:
[81] Các loại lính trong quân đội Thổ hồi đó.
-----------
tiếp p11:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét