Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Con Bim trắng tai đen - G.Trôieppônxki (p1)

Con Bim trắng tai đen

Tác giả: Gavriil Troyepolsky
Dịch giả: Tuân Nguyễn - Trần Thư
Nhà xuất bản Văn Học - 2012

Lời giới thiệu

Hầu như mỗi thế kỷ đều mở đầu bằng một tác phẩm làm chấn động cả dư luận và trở thành những sự kiện đặc sắc trong đời sống văn học của xã hội: Con Bim trắng tai đen chính là sự kiện văn học của thế ký 20. Câu chuyện viết về thân phận một con chó. Dưới ngòi bút kỳ diệu của Trôiepônxki và với sự hiểu biết sâu sắc khiến ta phải kinh ngạc của tác giả về đời sống của loài vật. Bim xuất hiện trên những trang sách như một nhân vật độc lập, sinh động có tính cách hẳn hoi với một thế giới nội tâm tinh tế và phong phú đã chinh phục hoàn toàn độc giả khiến chúng ta thường mến thông cảm và bùi ngùi khi phải chia tay với con chó hết sức tinh khôn và rất mực trung thành ấy.
Không phải ngẫu nhiên ở Liên Xô sau khi đọc tác phẩm này, không ít người thuộc các lứa tuổi nghề nghiệp, thị hiếu khác nhau... không ai bảo ai đã đi lượm những con chó bơ vơ không chủ đem về nuôi và cũng đặt tên cho chúng là Bim. Cả ở nước ta cũng rất nhiều chú chó được mang tên Bim như để tưởng nhớ tới con Bim bất hạnh. Tuy chết đi nhưng vẫn để lại dấu vết trên cõi đời này và cũng không hiếm những giọt nước mắt nóng bỏng, trong sáng đã nhỏ xuống trên số phận đáng thương của con Bim tội nghiệp.
Con Bim trắng tai đen là một bài thơ bằng văn xuôi ca ngợi tình bạn chung thủy, sự trung thực và vẻ đẹp của thiên nhiên diễm lệ.

Kính tặng
Alêchxanđrơ Triphônôvis Tvarđôpxki

Chương 1

Hai thày trò một buồng

Rầu rĩ và dường như tuyệt vọng, nó bỗng kêu lên ăng ẳng, lóng ngóng lăn lê ra chỗ này chỗ kia, - nó tìm mẹ. Chủ bèn ôm nó lên lòng rồi nhét đầu vú sữa vào cái mõm xinh xinh của nó.
Mà chủ chó con vừa đầy tháng ấy còn biết làm thế nào khi nó còn chưa hiểu cái quái gì trên đời này cả, và dù cho nó có rền rĩ mấy đi chăng nữa thì không mẹ vẫn hoàn là không mẹ. Và thế là hai hôm đầu chốc chốc nó lại cố cất lên cái điệu nhạc buồn ấy. Tuy vậy nó cũng ngủ thiếp đi trên tay chủ với chai sữa ôm khư khư trong lòng.
Nhưng đến ngày thứ tư thì cún ta đã bắt đâu quen quen với hơi ấm tay người. Giống chó con vốn rất nhạy cảm với sự vuốt ve.
Nó còn chưa biết tên mình, nhưng một tuần sau thì đã xác định được một cách chính xác nó là con Bim.
Được hai tháng nó đã đưa con mắt ngạc nhiên mà nhìn các vật trong phòng: cái bàn giấy quá cao đối với nó, còn trên tường, khẩu súng, cái túi săn và khuôn mặt người tóc dài. Tất cả những cái đó nó cũng mau thấy quen mắt. Bây giờ thậm chí nó đã chẳng ngạc nhiên gì về chuyện người trên tường cứ yên re, không nhúc nhích: người ấy chẳng cựa quậy thì cũng chẳng có gì đáng quan tâm. Thực ra đôi lúc nó cũng ngó ngó nghiêng nghiêng: thế là cái quái gì nhỉ, - mặt người kia sao lại từ trong cái khung nhìn ra, như từ sau cửa sổ vậy?
Bức tường thứ hai nom hay hơn. Tường ghép toàn bằng những phiến khác nhau mà chủ nó có thể rút ra rồi lại đặt vào như cũ được. Tới bốn tháng tuổi, khi đã có thể đứng dựng lên hai chân sau, Bim đã tự mình lôi ra được một phiến, nghiên cứu xem nó là cái gì. Nhưng chẳng hiểu sao cái phiến ấy lại kêu sột soạt và giắt một tờ vào răng Bim. Xé nát tờ giấy ấy ra thật là lý thú vô cùng.
- Lại cái trò gì nữa thế này? - Chủ nó kêu lên. - Không được! - Và gí mũi Bim vào cuốn sách. - Không được. Không được.
Mắng xong, chủ thôi không đọc sách nữa, nhưng Bim thì chưa thôi: nó chăm chú nhìn chồng sách hồi lâu, đầu lúc nghiêng bên nọ, lúc ngoẹo bên kia. Và xem chừng nó đã quyết định thế này: cái này là không được thì ta lấy cái kia vậy. Nó len lén bíu vào gáy một cuốn sách rồi lôi tuột xuống gầm đi văng; nằm đó, thoạt đầu nó lấy răng xé một góc bìa, rồi góc thứ hai, rồi trong lúc mải mê nó quên cả thận trọng, lôi cuốn sách bất hạnh ấy ra giữa phòng, bắt đầu lấy chân xé ra một cách dễ dàng như không, vừa xé lại còn vừa nhảy cẫng lên nữa chứ.
Và thế là lần đầu tiên trong đời, nó đã được biết thế nào là “đau”, thế nào là “không được”. Chủ nó rời bàn đứng dậy, nghiêm khắc nói:
- Không được! - Ông bẹo tai nó. - Mày xé rách mất của tao cuốn “Kinh thánh cho giáo dân và người ngoại đạo” rồi, đồ ngốc ạ! - Và nhắc lại: - Không được! Sách - Không được! - Ông bẹo tai nó cái nữa.
Bim kêu lên ăng ẳng, bốn chân chổng cả lên trời. Và cứ nằm tênh hênh thế, nó nhìn chủ, không sao hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.
- Không được! Không được! - Chủ cố ý nói đi nói lại và gí cuốn sách vào mõm nó mấy lần, nhưng đã thôi không trị tội nó nữa. Rồi ông bế nó lên, vuốt ve nó và cứ một điều nói mãi: - Không được, cu con ạ, không được đâu, đồ ngốc ạ. - Rồi ông ngồi xuồng. Và đặt nó lên lòng.
Từ thuở còn thơ, Bim đã nhận được ở chủ bài học luân lý qua câu chuyện cuốn “Kinh thánh cho giáo dân và người ngoại đạo” như vậy đó. Bim liếm liếm tay chủ và đăm đăm nhìn vào mặt ông.
Nó đã thấy thích khi chủ chuyện trò với nó, nhưng giờ đây quanh đi quẩn lại nó mới hiểu được có hai tiếng “Bim” và “không được”. Và nó cũng lấy làm thú vị, rất thú vị quan sát mớ tóc bạc xõa xuống trán chủ nó như thế nào, đôi môi hiền hậu của ông mấp máy như thế nào, và mấy ngón tay ấm áp dịu dàng của ông khẽ vuốt lên lông nó như thế nào. Nhưng Bim cũng biết xác định được một cách tuyệt đối chính xác vào lúc nào chủ nó đang vui hay đang buồn, đang mắng hay khen nó, đang gọi hay đuổi nó đi. Quả là đôi lúc ông cũng buồn thật. Lúc đó ông vừa nói với mình vừa nói với Bim:
- Thày trò ta sống như thế đấy, ngốc nghếch ạ! Mày nhìn gì bà vậy? - Ông chỉ bức chân dung. - Cu con ạ, bà mất rồi. Bà không còn nữa, không còn... - Ông vuốt ve Bim và nói, không chút hồ nghi: - Chà, Bim ơi, cu con ngốc nghếch của tao. Mày còn chưa hiểu cái quái gì cả.
Nhưng ông chỉ đúng có phần nào thôi, bởi vì Bim đã hiểu là lúc này đây, người ta sẽ chẳng đùa nghịch với nó đâu, rằng cái câu “ngốc nghếch” là ám chỉ nó, và cả cái tiếng “cu con” cũng vậy. Thế là, mỗi lần người bạn lớn của nó gọi “đồ ngốc” hay “cu con” thì Bim lập tức chạy đến như nghe thấy gọi tên riêng của nó vậy. Và nếu vào lứa tuổi nó, nghe giọng nói mà hiểu được nghĩa thì rõ ràng nó hứa hẹn là một con chó thông minh hiếm có.
Nhưng chỉ trí khôn thôi có đủ để xác định vị trí của con chó trong họ hàng nhà chó không? Đáng tiếc là không. Ngoài cái năng khiếu thông minh ra, ở Bim không phải điều gì cũng ổn cả.
Sự thực là nó vốn do hai bố mẹ nhà nòi sinh ra, thuộc giống chó Xette, có một dòng dõi nhiều đời. Tổ tiên nó mỗi đời có một bản lý lịch riêng. Chủ có thể dựa theo lý lịch đó để không những tìm tới ông bà, cụ, kị của Bim, mà nếu muốn thì có thể tới cả ông bà, cụ, kị của ông bà, cụ, kị nó nữa. Về điểm ấy thì tất nhiên là tốt rồi. Nhưng vấn đề là ở chỗ bên cạnh tất cả những ưu điểm của nó, Bim có một nhược điểm lớn về sau này đã ảnh hưởng nhiều đến số phận nó: mặc dù nó vốn thuộc giống chó Xette Xcôtlen (Xette - Gorđôn), nhưng màu lông lại không điển hình của giống ấy chút nào, điều cơ bản là ở chỗ đó. Theo tiêu chuẩn chó săn thì chó Xette - Gorđôn bắt buộc phải đen tuyền với ánh biếc sắc lông cánh quạ, và bắt buộc phải có những mảng xém màu hung sáng pha đỏ có đường viền rõ rệt; ngay cả những vết trắng trên những chỗ không có trong tiêu chuẩn quy định cũng bị xem là một khuyết tật lớn ở giống Gorđôn. Bim ta sinh ra thì lại như thế này: mình trắng, nhưng lại có những vết xém hơi hung hung, thậm chí lại còn thoáng rõ những nốt lấm tấm hung nữa, chỉ có một tai và một chân là đen thôi - đúng màu đen cánh quạ, - còn tai kia thì màu vàng nhạt pha hung. Hiện tượng ấy quả thật là lạ lùng: về mọi mặt nó là giống chó Xerte - Gorđôn nhưng màu lông thì lại chẳng có vẻ tí nào. Một ông tổ mấy đời nào đó phải chịu trách nhiệm về chuyện đã xảy ra cho Bim: cha mẹ nó là chó Gorđôn còn nó thì lại là chó bạch tạng.
Nói chung thì với đôi tai mỗi tai một màu như thế và với sắc lông xém dưới đôi mắt to, thông minh màu cánh gián thẫm, cái mõm Bim nom lại còn dễ thương hơn, nổi hơn, và có vẻ nom lại thông minh hơn, hoặc có thể nói là thâm thúy, trầm tư hơn những con chó thường thấy. Thực ra, như vậy thì không thể gọi được là cái mõm chó mà phải gọi là mặt mũi chó mới đúng. Nhưng theo các định luật của ngành nghiên cứu về chó thì trong trường hợp cụ thể, màu trắng phải bị coi là một dấu hiệu suy thoái. Nhìn chung là đẹp, nhưng xét theo tiêu chuẩn màu lông thì rõ ràng là đáng ngờ, thậm chí, tồi. Cái rủi ro của Bim là ở đó.
Tất nhiên Bim không hay biết gì về những lỗi lầm trong sự ra đời của nó. Vì thiên nhiên đâu có cho các chú chó con được quyền lựa chọn cha mẹ sinh ra mình. Bim cũng không được phú cho ngay cả cái khả năng nghĩ đến chuyện ấy. Nó cứ sống là sống, và trong khi chờ đợi, cứ phởn đã.
Nhưng chủ nó thì bứt rứt không yên: liệu người ta có cấp cho Bim giấy chứng chỉ dòng dõi, nó sẽ củng cố vị trí của Bim trong hàng chó săn không, hay suốt đời nó sẽ phải mang thân phận chó loại?
Tóm lại, ông chủ của mẹ Bim đã quyết định loại bỏ con lông trắng ra khỏi lứa đẻ, nghĩa là đem dìm chết đi, nhưng đã có một người lẩn thẩn thấy con chó đẹp thế thì thương. Con người lẩn thẩn ấy là ông chủ Bim bây giờ đây. Ông thích đôi mắt nó, các bạn thấy không, nom rất chi là thông minh. Thế đấy! Và bây giờ vấn đề đặt ra là: liệu người ta có cấp cho nó tờ chứng chỉ dòng dõi hay không?
Trong khi đó chủ nó cố đoán xem vì lẽ gì mà Bim lại sinh ra dị tướng như vậy. Ông lật lại tất cả các sách nói về săn bắn và nuôi chó, mong sao tiến gần được tới sự thật, dù chỉ là chút ít, để sau này chứng minh được rằng Bim chẳng có tội tình gì. Chính vì vậy mà ông đã trích từ nhiều cuốn sách, ghi lại vào một quyển vở dày tất cả những điều có thể thị thực cho Bim quả là một đại biểu của giống chó Xette. Bim đã là bạn ông thì đối với bạn bao giờ ta cũng phải cứu giúp chứ? Bằng không thì Bim đừng hòng ăn bàn ăn giải gì trong triển lãm, đừng hòng có huy chương vàng kêu leng keng trước ngực: dù cho nó có là con chó ngàn vàng khi đi săn, nó cũng cứ bị loại khỏi hàng chó giống như thường.
Trên đời này còn có gì bất công cho bằng!

Nhật ký của chủ

Mấy tháng gần đây Bim đã đi vào cuộc sống của tôi và chiếm lấy một chỗ vững vàng. Bằng cách nào mà nó đã làm được như vậy? Bằng sự hiền hòa, bằng cái lòng tin vô hạn, bằng tình quyến luyến, - là những tình cảm không bao giờ người ta cưỡng lại được, nếu như trong đó không len lỏi sự xu nịnh nó có thể dần dà biến tất cả thành dối trá; cả sự hiền hòa, cả lòng tin lẫn tình quyến luyến. Gớm khiếp thay là cái thói xu nịnh! Cầu cho trời tru đất diệt nó! Nhưng trước mắt thì Bim là một cún bé bỏng và dễ thương. Nó sẽ ra làm sao thì cũng ở cả chỗ mình, là chủ nó.
Hơi kỳ là bây giờ thỉnh thoảng mình để ý thấy ở mình có những điều trước kia không có. Ví như hễ thấy bức tranh nào có hình con chó là trước hết mình chú ý đến màu lông và chủng loại của nó. Lộ rõ ra nỗi băn khoăn của mình: liệu người ta có cấp cho Bim giấy chứng chỉ hay không?
Cách đây mấy hôm mình có vào xem bảo tàng mỹ thuật và đã chú ý ngay đến bức tranh “Môixe vắt nước khe đá” của Đ. Baxanô (thế kỷ XVI). Trên bức tranh, phần cận cảnh có vẽ một con chó, rõ ràng là nguyên mẫu giống chó săn Xette, nhưng lại có màu lông kỳ lạ: mình trắng, còn cái mõm bị dòng nước trắng cắt ra thì lại đen, đôi tai cũng đen nhưng mũi thì trắng, vai bên trái có đốm đen, phần trên bắp đùi sau cũng đen nốt. Mệt lả và gầy rạc, nó uống lấy uống để những giọt nước chờ đợi bao lâu nay chảy xuống tử cái bát của người.
Con chó thứ hai lông dài, tai cũng đen. Khát lả người đi, nó đặt đầu lên đầu gối chủ và ngoan ngoãn chờ nước. Cạnh đó là con thỏ, con gà trống, bên trái là hai chú cừu non.
Họa sĩ muốn nói gì khi đặt lên phần cận cảnh một con chó nằm giữa mấy con người? Rõ ràng ông muốn nói rằng ngay từ thời cổ đại xa xưa, con người đã yêu quý chó, không bao giờ ruồng rẫy chúng, ngay cả trong gian khốn, ngay cả khi nhân dân đang đứng bên bờ diệt vong, còn chó thì trước sau vẫn trung thành và tin cậy, sẵn sàng chết theo người.
Thì mới một phút trước đấy thôi, ai nấy đều tuyệt vọng, không còn lấy chút đỉnh niềm tin. Họ đã nói thẳng vào mặt Môixe, người đã cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ:
“Ôi, thà chết vì tay các đức ông trên đất Ai Cập trong khi chúng ta ngồi bên nồi thịt và ăn bánh mì thỏa thích. Chính vì ngươi đưa chúng ta đến nơi sa mạc này nên mọi người mới ôm nhau mà chết đói!”.
Môixe vô cùng đau đớn thấy rõ con người ta bị ý thức nô lệ chi phối đến chừng nào. Đối với họ bánh mì thỏa thích và nồi thịt còn quý hơn cả tự do. Ông bèn đục đá lấy nước. Và giờ đây là cái giây phút sung sướng cho tất cả những ai đã đi theo ông, đó là điều toát lên từ bức tranh của Baxanô.
Phải chăng họa sĩ đã đặt con chó vào vị trí chủ yếu trên bức tranh là cốt đế trách cứ con người về tinh thần bạc nhược của họ trước gian lao, và lấy con chó làm biểu tượng cho niềm tin, hy vọng và lòng chung thủy? Có thể lắm chứ. Chuyện ấy đã lâu rồi.
Bức tranh của Đ.Baxanô vẽ đã hơn ba trăm năm. Phải chăng màu đen và màu trắng của Bim đã có từ thời ấy? Không thể thế được. Nói thế chứ thiên nhiên vẫn cứ là thiên nhiên.
Nhưng liệu cái đó có giúp được gì để bác lại lời buộc tội đối với màu lông dị thường trên thân và tai Bim không nhỉ? Mà dân chủng càng xưa thì người ta buộc tội nó càng nặng hơn về sự cách thế di truyền và sự không đủ tiêu chuẩn.
Không, phải trên một cái gì khác. Nếu vị nào trong các nhà nghiên cứu về chó mà có nhắc mình đến bức tranh của Baxanô thì cùng lắm cũng chỉ có thế nói: vậy đôi tai đen trong bức tranh của Baxanô có liên quan gì đến chuyện này không?
Mình sẽ tìm những tài liệu gần gũi với Bim về thời gian hơn. Ghi chép về tiêu chuẩn chó săn:
“Chó Xette - Gorđôn đã được gây giống tại Xcôtlen... Giống chó hình thành vào thời kỳ đầu của nửa cuối thế kỷ XIX... Chó Xette Xcôtlen ngày nay trong khi vẫn giữ được sức mạnh và vóc dáng to lớn ngày xưa, đã có tốc độ chạy nhanh hơn. Là giống chó tính tình điềm đạm và dịu dàng, ngoan ngoãn và hiền, chúng sớm vào nghề một cách dễ dàng, hoạt động có hiệu quả cả ở địa hình đầm lầy lẫn rừng rú... Dáng đứng cao với cái đầu không thấp hơn u vai, nom điềm tĩnh, động tác đặc biệt dứt khoát”.
Trích trong cuốn “Các loại chó” gồm hai tập của L.P.Xabanêep, tác giả hai cuốn sách rất hay: “Lịch săn bắn” và “Cá ở Nga”.
“Nếu chúng ta lưu ý rằng về gốc gác chó Xette là giống chó xưa nhất qua nhiều thế kỷ đã được, như thường nói, thuần dưỡng, thì chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên rằng chó Xette là loài chó hầu như có văn hóa nhất và thông minh nhất”.
Thế đó!
Vậy thì Bim là một con chó thuộc một dòng giống thông minh. Điều ấy có thể có liên quan đây.
Cũng trích từ cuốn sách ấy của L.P.Xabanêep:
“Năm 1847, Hoàng thân Mikhain Pavlôvits đã được tặng hai con chó Xette tuyệt đẹp thuộc một dòng rất hiếm, do Perlen ở nước Anh mang sang... Chó đã không bán mà được đổi lấy con ngựa giá 2000 rúp…”
Đó! Mang sang làm quà tặng, vậy mà đem bán với giá cắt cổ ngang giá hai chục người nông nô. Nhưng hỏi chó có tội tình gì? Và liên quan gì đến Bim? Chuyện này không dính dáng.
Trích từ bức thư của X.V.Penxki, một người yêu thiên nhiên, một nhà săn bắn và nuôi chó nổi tiếng một thời, gửi L.P.Xabanêep":
“Hồi chiến tranh Krưm tôi có thấy một con chó Xette lông đỏ rất hay ở nhà Xukhôvô Kabưlin, tác giả cuốn “Đám cưới Krêtsinxki”, và một con khoang vàng ở Riazantại nhà họa sĩ Piôtrơ Xôkôlôp”.
Hà, vấn đề đã có vẻ sát sườn đây. Nhà văn trào phúng hồi ấy có chó Xette thì kể cũng hay. Và cả chuyện nhà họa sĩ có con chó khoang vàng. Dòng máu của mày liệu có phải từ đó mà ra không Bim? Có thể lắm! Nhưng như vậy tại sao lại... tai đen? Không rõ.
Cũng trong lá thư ấy:
“Giống Xette đỏ cũng còn do Berxơ bác sĩ triều đình Maxkơva, gây tạo nên nữa. Ông đã cho một con chó cái đỏ lai giống với con chó Xette đen của cố hoàng đế Alêchxanđrơ Nikôlaiêvích. Bầy chó con sinh ra như thế nào và lang bạt những đâu tôi không biết; tôi chỉ biết rằng bá tước Lep Nikôlaiêvits Tônxtôi có đem một con về quê nuôi”.
Khoan! Có phải đây rồi chăng? Nếu chân và tai mày đen là do thừa hưởng ở con chó của Lép Nikôlaiêvits Tônxtôi thì mày là con chó hạnh phúc rồi đó, Bim ạ, dù cho mày không có giấy chứng chỉ nòi giống, là con chó hạnh phúc nhất trong tất cả các con chó trên đời này. Nhà văn hào vĩ đại rất yêu chó.
Vẫn trong lá thư ấy:
“Tôi đã được thấy con chó đực đen của hoàng thượng ở Ilinxki sau bữa ăn của nhà vua thết đãi các nhà lãnh đạo liên đoàn săn bắn Maxkơva. Đó là con chó nhà rất to, rất đẹp, cái đầu tuyệt diệu, bộ lông hay, nhưng chất chó Xette trong nó thì có ít: thêm vào đó, chân quá dài, và có một chân hoàn toàn trắng. Nghe nói con chó Xette ấy là tặng phẩm của một vị địa chủ Ba Lan nào đó biếu cố hoàng đế, và có tin đồn rằng nó không được thuần chủng lắm”.
Vậy là nhà địa chủ Ba Lan đã bịp hoàng đế ư? Có thể. Chuyện đó có thể xảy ra ngay cả trên mặt trận mua bán trao tặng chó. Chà, mình mà được con chó đực đen ấy của hoàng đế nhỉ! Vả lại bên cạnh đó còn có dòng máu con chó cái vàng của Berxơ nữa, con chó cái tinh mũi phi thường và hết sức sáng dạ. Nghĩa là Bim ơi, ngay dù cho cái cẳng của mày có phải là thừa hưởng của con chó đực đen của hoàng đế thì mày vẫn cứ hoàn toàn có thể là chút chít của con chó của nhà văn vĩ đại... Nhưng thôi, Bim ạ, chuyện vớ vẩn! Nói làm chi đến con chó của hoàng đế. Không phải đâu, - có thể thôi. Vẫn có một điều gì đó không ổn.
Trong trường hợp phải tranh luận để bênh vực Bim thì ta còn lại những gì?
Vì không có xác minh, việc tìm kiếm dòng máu xa xưa của Bim đành phải lờ đi. Vậy thì các nhà nghiên cứu chó sẽ chỉ xác định thuần theo hệ của cha mẹ Bim, theo như lệ thường của họ, có thế thôi. Và họ có lý. Mà thực ra, nếu có ai có thể bằng cách ấy dẫn dắt nguồn gốc con chó nhà mình tới tận con chó của nhà văn, thì bản thân người ấy cũng phải sống gần thời với Tônxtôi. Và thực tế thì cái loại chó của Tônxtôi ấy, ở ta có biết bao nhiêu mà kể! Có nhiều, nhiều kinh lên được.
Dù cho đó có là chuyện bực mình, thì đầu óc mình đã sẵn sàng chấp nhận việc Bim bị gạt ra khỏi loại chó nòi. Hỏng. Còn lại có một điểm: Bim là con chó thuộc một dòng giống thông minh. Nhưng ngay cả điểm ấy nữa cũng không có gì làm bằng (điểm này cũng có những tiêu chuẩn của nó).

- Hỏng, Bim ạ, hỏng to. - Chủ thở dài đặt bút sang bên và đút cuốn sổ ghi chép vào ngăn bàn.
Nghe gọi đến tên mình, Bim đang nằm ổ ngồi nhỏm dậy, nghé nghé đầu về phía bên tai đen, cứ như nó nghe chỉ bằng cái tai vàng hung. Và như thế nom nó còn dễ thương. Bằng toàn bộ dáng vẻ của nó, nó nói: “Ông muống gì vậy?”.
Câu hỏi ấy của Bim làm ông chủ tươi hẳn lên ngay và nói:
- Mày khá lắm, Bim ạ! Hai ta sẽ chung sống với nhau dù mày không có gia phả. Mày là một con chó khôn ngoan. Chó ngoan thì ai chẳng yêu. - Ông bế Bim lên lòng, vuốt ve nó, miệng nói: - Tốt. Dẫu sao thì cũng vẫn cứ tốt, cu con ạ.
Bim thấy ấm áp và dễ chịu. Nó hiểu ngay, và hiểu cho đến trọn đời. “Tốt” nghĩa là vuốt ve, biết ơn và tình bạn.
Và nó ngủ thiếp đi. Ông chủ nó là ai, điều đó đối với nó có nghĩa lý quái gì? Điều quan trọng là ông ta tốt và gần gũi nó.
- Chà, mày, tai đen, cẳng chó hoàng đế, - ông nói nhỏ và bế Bim về ổ.
Ông đứng trước cửa sổ hồi lâu, nhìn đăm đăm vào đêm tối tím ngắt. Rồi ông ngước lên nhìn tấm hình người đàn bà, miệng lẩm bẩm.
- Em thấy đấy, thế là anh cũng đỡ đi một chút rồi. Anh không còn trơ trọi một mình nữa. - Ông không để ý thấy rằng trong cảnh cô đơn dần dần ông đã thành thói quen chuyện trò thành tiếng với “cô ấy”, hoặc ngay với chính bản thân mình, và bây giờ thì với Bim.
- Thế là anh chẳng còn cô đơn nữa, - ông nhắc lại với tâm tình.
Trong khi đó Bim cứ ngủ khì.
Hai thầy trò sống với nhau trong một căn buồng như thế đó. Bim lớn lên đầy sức vóc. Chẳng bao lâu nó đã biết chủ nó tên là “Ivan Ivanưts”. Một chú chó con thông minh, sáng dạ. Và dần dần nó hiểu rằng không được đụng vào cái gì hết, chỉ được nhìn vào vật và người mà thôi. Và nói chung thì cái gì cũng không được, nếu chủ không cho phép hoặc không ra lệnh. Thế là cái tiếng “không được” đã trở thành quy tắc chủ yếu trong đời sống của Bim. Và ánh mắt Ivan Ivanưts, giọng nói, cử chỉ, những câu mệnh lệnh chính xác và những lời âu yếm đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của con chó. Ngoài ra, những sự tự ý làm một cái gì đó, trong bất kể trường hợp nào, không được mâu thuẫn với ý muốn của chủ. Ngược lại Bim đã dần dần đoán ra được cả một vài ý định nào đó của chủ. Ví dụ như kia, ông đang đứng bên cửa sổ và nhìn, nhìn ra xa xa và nghĩ, ngẫm nghĩ. Lúc ấy Bim liền đến ngồi xuống bên và cũng nhìn, cũng nghĩ. Người không hiểu chó nghĩ gì, còn chó thì có vẻ như muốn nói: “Giờ thì ông bạn phúc hậu của ta sẽ ngồi vào bàn, nhất định sẽ ngồi. Ông ấy sẽ đi bách bộ vài bước từ góc nọ sang góc kia, rồi sẽ ngồi xuống, rồi sẽ cầm cái que đưa lướt trên tờ giấy trắng, và tờ giấy này sẽ thì thào khe khẽ. Trò ấy sẽ lâu đấy, vì vậy cho nên cả ta nữa, ta cũng sẽ ngồi xuống bên ông ấy”. Sau đó dúi dúi mũi vào lòng bàn tay ấm áp của chủ. Và chủ nói:
- Nào, bé Bim, ta làm việc thôi. - Và đúng vậy, ông ngồi xuống.
Và Bim cuộn tròn nằm dưới chân ông, hoặc nếu ông bảo “Về chỗ” thì nó sẽ đi về ổ đặt trong góc phòng và sẽ đợi. Nó đợi một cái nhìn, một lời nói, một cử chỉ. Tuy vậy một lát sau cũng có thể rời ổ, hì hục với một khúc xương tròn, chả gặm được đâu, nhưng là để mài răng cho sắc thôi, - chỉ có điều là đừng làm ồn.
Nhưng khi Ivan Ivanưts đưa tay lên ôm mặt, khuỷu chống lên bàn, thì Bim tới bên ông và đặt cái mõm có hai tai hai màu lên đầu gối ông. Và cứ đứng thế. Nó hiểu, nó mơn trớn. Nó hiểu ông bạn nó có điều gì không vui. Và Ivan Ivanưts cảm ơn nó:
- Cảm ơn mày, cu con ơi, cảm ơn Bim, - và cái que lại thì thào trên mặt tờ giấy trắng.
Ở nhà thì thế đấy.
Nhưng ở ngoài đồng cỏ thì không phải thế. Ở ngoài ấy cả hai đều quên hết mọi sự. Ở đó có thể chạy, nhảy nhót, đuổi bướm, lăn lóc trên cỏ, - cái gì cũng được phép. Nhưng khi Bim đã tròn tám tháng tuổi thì ngay cả ở đó nữa, mọi cái đều diễn ra nhất nhất theo khẩu lệnh của chủ: “Cho đi!”, thế là có thể đi chơi được, - “Lùi lại”, rất dễ hiểu, - “Nằm xuống”, quá rõ rồi, - “Hấp!”, là nhảy qua, - “Tìm đi”, là đi tìm mẩu pho mát, - “Bên cạnh”, là đi bên cạnh chủ, nhưng chỉ phía bên trái thôi, - “Lại đây!”, là chạy mau về chỗ chủ, và sẽ được một miếng đường. Và đến tuổi một năm thì Bim đã hiểu nhiều tiếng khác nữa. Đôi bạn, một người một chó, càng ngày càng hiểu nhau hơn, yêu nhau và sống bình đẳng.
Nhưng đã xảy ra một việc làm đảo lộn cuộc sống của Bim, và chỉ trong vài ngày nó đã trưởng thành vọt lên. Chuyện đó xảy ra chỉ là vì Bim bỗng phát hiện ra một khuyết tật lớn, đáng lạ lùng của chủ.
Sự thể là thế này. Như một con thoi, Bim đang ra sức sục sạo kỹ lưỡng trên đồng cỏ, cố tìm cho được miếng pho mát chủ ném ra thì chợt, giữa các mùi khác nhau của cỏ, của hoa, của bản thân đất và dòng sông, sực lên một luồng không khí khác thường và rạo rực: mùi của một con chim gì đó, không giống tí nào với mùi những con chim Bim từng biết, - các chú chim sẻ đủ loại, các chú vành khuyên vui tính, các chú chìa vôi và các loại linh tinh khác mà đừng có hoài công đuổi bắt làm gì vô ích (người ta đã thử rồi). Sực lên mùi một con chim gì đó chưa từng biết, nó làm máu trong người nôn nao. Bim đứng sững lại, đưa mắt nhìn Ivan Ivanưts, nhưng ông ta lại quay sang phía khác, tuyệt nhiên không nhận thấy một cái gì cả. Bim lấy làm ngạc nhiên: ông bạn thế ra không đánh hơi thấy. Vậy đích thị ông bị tật rồi! Và thế là Bim tự quyết định một mình: nó lặng lẽ nhoài người bước lên, tiến đến gần cái không biết là gì ấy, chẳng nhìn gì Ivan Ivanưts nữa. Bước chân nó mỗi lúc một dứt khoát hơn, nó dường như chọn kỹ từng điểm để đặt từng bàn chân xuống, làm sao cho không sột soạt, không vướng vào cành gai. Cuối cùng, cái mùi ấy mạnh quá đến nỗi không thể nào tiến lên được nữa. Và Bim đứng chết lặng tại chỗ, đờ ra như hóa đá, cái cẳng trước vẫn giơ lên, chưa kịp đặt xuống đất. Đó là bức tượng một con chó, dường như do một nhà điêu khắc điêu luyện tạo nên. Đó, lần đầu tiên nó đứng khựng lại rình mồi là đó! Sự thức tỉnh đầu tiên của lòng đam mê săn mồi, ham mê đến mức quên cả bản thân.
Ồ mà đâu phải, chủ nó khe khẽ bước tới bên nó, vuốt vuốt lên mình Bim đang rùng rùng xúc động:
- Tốt, tốt, cu con ạ. Tốt lắm. - Rồi nắm lấy cổ dề nó: - Tiến... Tiến lên...
Nhưng Bim chịu chết: đứt hơi rồi.
- Tiến... Tiến lên... - Ivan Ivanưts lôi nó.
Và nó cất chân bước! Rón rén, rón rén. Chỉ còn một tí nữa thôi, - cái chưa từng biết kia hình như sát đâu đây. Nhưng bỗng một hiệu lệnh gắt:
- Tiến lên!!!
Bim lao lên. Một con chim cun cút bay vọt ra ồn ào. Bim xốc tới và... đuổi theo, cắm đầu cắm cổ, dốc toàn lực.
- Lùi lại-i - Chủ nó hét lên.
Nhưng Bim chẳng nghe thấy gì cả, dường như cũng chẳng có tai để mà nghe nữa.
- Lùi lại-i! - Một tiếng còi. - Lùi lại-i! - Một tiếng còi nữa.
Bim cứ thế phóng thục mạng cho đến lúc mất hút con chim cun cút, sau đó quay trở về, vui vẻ, tươi hơn hớn. Nhưng thế này là thế nào nhỉ? Chủ nó mặt sa sầm, nghiêm khắc nhìn nó, chẳng vuốt ve nó. Mọi chuyện thế là rõ: ông bạn nó không đánh hơi thấy cái gì cả! Ông bạn bất hạnh... Bim liếm liếm tay ông với một vẻ thận trọng, qua đó nói lên một lòng thương xót đáng cảm động trước cái khiếm khuyết quá nổi bật có tính chất di truyền của con người thân cận nhất của nó.
Ông chủ nói:
- Mày thật chả ra thế nào cả, đồ ngốc ạ. - Rồi bằng giọng vui vẻ hơn: - Nhưng không sao, nào, ta bắt đầu, Bim, một cách thực thụ. - Ông tháo cái cổ dề ra, thay vào đó một cái khác (vướng víu khó chịu) và móc vào đó một sợi dây da dài: - Tìm đi.
Bây giờ thì Bim đi tìm một cái mùi chim cun cút, chỉ cái mùi ấy thôi. Và Ivan Ivanưts dẫn nó đến cái chỗ con chim vừa mới bay chuyền tới. Bim thật không ngờ là ông bạn mình đã nhìn thấy đại để cái nơi con cun cút đậu xuống sau cuộc đuổi bắt nhục nhã kia (đánh hơi thì tất nhiên ông ta chẳng thấy đâu, nhưng nhìn thì ông ta đã nhìn thấy).
Và cái mùi ấy, chính nó đây rồi! Bim không để ý sợi dây da, lao thẳng lên, kéo, kéo, ngẩng cao đầu mà kéo căng ra... Một lần nữa nó lại dừng lại! Nó sửng sốt trước vẻ đẹp kỳ lạ của ánh nắng trên nền trời chiều, một vẻ đẹp dễ mấy ai hiểu nổi. Ivan Ivanưts xúc động run lên, nắm lấy đầu dây da, cuộn chặt vào tay, khẽ ra lệnh:
- Tiến... Tiến lên...
Bim kéo cương bước đi. Và một lần nữa lại đứng khựng lại.
- Tiến lên!!!
Bim lại lao bổ lên, như lần đầu. Lần này con chim cun cút vỗ cánh phành phạch bay vọt lên. Bim lại xông lên một cách ngớ ngẩn để đuổi bắt con chim, nhưng... sợi dây da giật mạnh bắt nó phải nhảy lùi lại.
- Lùi lại!!!! - Chủ nó quát. - Lùi lại!!!
Bim ngã xuống, quay lơ.
Nó chẳng hiểu là thế nào. Và một lần nữa lại kéo căng dây cương về phía có con cun cút.
- Nằm xuống.
Bim nằm xuống.
Và một lần nữa mọi sự lặp lại, lần này là với một con chim cun cút khác. Nhưng bây giờ Bim cảm thấy cái giật của sợi dây cương sớm hơn lần trước, và nghe thấy lệnh thì nằm bẹp xuống, run lên vì xúc động, vì hăng say và đồng thời cũng vì buồn, và nản: tất cả những cái đó hiện ra trong bộ dạng nó, từ mũi đến đuôi. Mà đau thật cơ! Và không phải chỉ vì sợi dây cương ác nghiệt đáng ghét kia, mà còn vì cái gai bên trong vòng cổ dề nữa.
- Vậy đấy, Bim ạ. Phải thế, không khác được. - Ivan Ivanưts âu yếm vuốt lông Bim.
Chính từ ngày ấy Bim đã trở thành con chó săn thực thụ. Cũng từ ngày hôm ấy nó đã vỡ nhẽ ra rằng chỉ mình nó, chỉ một mình nó thôi là có thể biết được con chim ở đâu, còn ông chủ nó thì chịu, và cái mũi ông ta có chẳng qua chỉ là để cho đẹp mắt. Bắt đầu một sự nghiệp thực thụ mà cơ sở của nó là ba tiếng: không được, lùi lại, tốt.
Rồi sau đó - chao ôi! Sau đó là khẩu súng! Một phát nổ đoàng. Con cun cút rụng xuống như bị dội nước sôi.
Và té ra là đuổi bắt chim cun cút là một chuyện hoàn toàn không nên, chỉ tìm nó thôi, xùy cho nó bay lên, rồi nằm xuống. Mọi việc sau đó do ông bạn nó đảm nhiệm.
Thế là hòa: Chủ không có tài đánh hơi, chó không có súng.
Tình bạn đầm ấm và lòng chung thủy đã biến thành niềm hạnh phúc như vậy đó, bởi vì bên nọ hiểu bên kia và không đòi hỏi ở bên kia nhiều hơn cái mà bên kia có thể cho được. Đó là cơ sở, là hương vị của tình bạn.
Lên hai tuổi Bim đã trở thành một con chó săn xuất sắc, cả tin và ngay thẳng. Nó đã biết được gần một trăm từ liên quan đến săn bắn và cuộc sống ở nhà: Ivan Ivanưts nói “Đưa đây” ư, - Xong ngay; nói “Đưa dép đây”, - nó đưa. “Mang bát đến đây”, nó mang đến; “Ngồi lên ghế!” - nó ngồi. Thế đã ăn thua gì! Chỉ nhìn mắt nó là đã hiểu rồi: chủ nhìn người nào bằng con mắt thân thiện thì đối với Bim cũng từ cái phút ấy người ấy là người quen; chủ nhìn bằng con mắt ác cảm ư thì Bim có lần thậm chí đã nổi đóa lên nữa, ngay cả khi nó bắt nhận được trong giọng nói người kia một cái ý nịnh nọt (nịnh ngọt như mía lùi). Nhưng Bim không cắn ai bao giờ, dù có bị xéo lên đuôi. Ban đêm, nó sủa lên để báo trước có người lạ đang tới, xin mạn phép thế thôi chứ cắn thì không, trong bất kể trường hợp nào. Quả thật là thông minh có nòi.
Về đầu óc thông minh thì Bim đã biết cả đến như thế này: nó đã tự hiểu ra được, bằng cái trí não của chính bản thân nó mà đi tới được chỗ biết cào cửa để người ta mở ra cho. Có lần Ivan Ivanưts bị ốm, không đi dạo với nó được và thả cho nó đi một mình, Bim chạy nhông một tí, giải quyết những việc cần thiết rồi vội vã trở về. Nó đứng dựng hai chân sau, cào cào cánh cửa, khẽ kêu ăng ẳng vài tiếng như khẩn cầu, và cánh cửa đã mở ra. Chủ nặng nề lê bước lệt sệt ra hành lang đón nó, vuốt ve nó rồi lại lên giường nằm. Đó là những khi ông chủ nó, một người đã luống tuổi, bị ốm (và càng ngày ông càng hay bị ốm vặt thế, điều mà Bim không thể không nhận thấy).
Bim nắm được rất chắc; cứ cào vào cửa, thế nào người ta cũng sẽ mở cho vào; cái cửa sinh ra chính là để cho người ta có thể vào được: khắc yêu cầu, khắc vào được. Đứng trên quan điểm của một con chó, đó đã là một niềm tin vững chắc.
Có điều là Bim không biết, nó không biết và không thể biết được rằng niềm tin ngây thơ ấy về sau này đã đem lại cho nó biết bao sự vỡ mộng và tai ương, nó không biết và không thể biết rằng có những cánh cửa không mở ra, dù nó có cào đến mấy.
Nhưng đó là chuyện về sau, chuyện chưa biết, và bây giờ chỉ còn một điều để nói: Bim, một con chó có tài đánh hơi xuất sắc, dẫu sao cũng vẫn là đáng ngờ; nó không được cấp giấy chứng chỉ chó nòi. Ivan Ivanưts đã hai lần đưa nó đi triển lãm: người ta đã đưa nó xuống đài không cần đánh giá. Nghĩa là nó bị loại.
Nhưng Bim vẫn cứ không phải thuộc một giống nòi vô tích sự, mà là một con chó thực thụ, tuyệt vời: nó đã bắt đầu công việc săn chim từ lúc tám tháng tuổi, Và săn ra săn! Những muốn tin rằng trước mắt nó mở ra một tương lai tốt đẹp.

Chương 2

Rừng xuân

Vào mùa săn thứ hai, tức là năm thứ ba sau khi Bim ra đời, Ivan Ivanưts cho nó làm quen với rừng. Đó là một chuyện hết sức lý thú đối với cả chó lẫn chủ.
Trên bãi cỏ và cánh đồng kia mọi cái đều thấy rõ ràng: khoảng rộng, ngọn cỏ, cây lúa, lúc nào cũng trông thấy bóng chủ, cứ lao như một con thoi sục sạo ngang dọc, tìm kiếm, phát hiện, khựng lại và đợi lệnh. Tuyệt! Còn ở trong rừng đây thì lại hoàn toàn khác hẳn.
Đầu mùa xuân.
Khi hai thầy trò đến đây lần đầu, trời chỉ vừa mới hoàng hôn, nhưng giữa các hàng cây đã nhọ mặt người mặc dù bóng lá còn chưa hiện. Ở dưới thấp mọi vật đều sẫm màu: các thân cây, lớp lá màu nâu thuẫn của năm trước, các ngọn cỏ khô, và ngay cả đến những trái kim anh đỏ thắm của mùa thu cầm cự được qua mùa đông, giờ đây nom cũng cứ như những hạt cà phê vậy.
Cành lá khẽ xào xạc gió nhẹ, nghe lơ thơ và trần trụi: chúng như sờ soạng nhau, khi chạm nhau ở đầu cành, khi thì khẽ đụng nhau ở giữa cành: chúng còn sống không nhỉ? Ngọn cây khe khẽ lắc lư, - dù không lá, cây có vẻ vẫn còn sống. Muôn vật xào xạc huyền bí và ngào ngạt mùi hương: cả những cây kia, cả lớp lá dưới chân, mềm mại và quyện hương xuân của đất rừng, cả các bước chân của Ivan Ivanưts bước đi rón rén và êm ru. Đôi ủng của ông cũng xào xạc, và vết chân ông ở đây cũng sực mùi hơn ở ngoài đồng. Sau mỗi gốc cây lại có một cái gì mới lạ, bí hiểm. Chính vì vậy mà Bim không rời xa Ivan Ivanưts quá hai chục bước: nó chạy lên trước - tạt trái, tạt phải - rồi chạy trở lại, rồi nhìn mặt chủ, ý hỏi: “Ta sa vào đây để làm gì thế nhỉ?”.
- Không biết để làm gì à? - Ivan Ivanưts đoán hiểu. - Rồi sẽ biết, Bim ạ rồi sẽ biết. Cứ đợi tí.
Hai thày trò cứ đi như thế, chốc chốc lại ngó nhìn nhau.
Rồi chợt hai thầy trò dừng lại ở một quãng rừng thưa rộng, nơi có hai con đường mòn gặp nhau, một ngã tư tỏa ra bốn phía, Ivan Ivanưts đứng vào sau một bụi phi tứ, mặt quay về hướng đó, cố hết sức để hiểu xem cần phát hiện ra cái gì ở quãng ấy.
Trên cao thì sáng nhưng ở đây, phía dưới này, thì mỗi lúc một tối xẩm. Có ai đó sột soạt đâu đây, rồi lại lặng. Lại sột soạt rồi lại lặng. Bim đứng sát vào chân chủ, ý hỏi: “Cái gì thế? Ai đấy nhỉ? Ta đi xem tí chăng?”.
- Thỏ, - chủ nói gần như không thành tiếng. - Tốt lắm, Bim ạ. Tốt. Thỏ. Để cho nó chạy.
Được rồi, ông ấy bảo “tốt”, vậy có nghĩa là mọi việc ổn cả. “Thỏ” thì cũng hiểu thôi: nhiều lần rồi, khi Bim chạm trán với một vết chân thú, nó đã nghe nhắc đến tiếng ấy. Và một lần nó đã trông thấy chính cái con thỏ ấy nữa, nó đã cố đuổi bắt, nhưng lại xơi một cú cảnh cáo nghiêm khắc và bị phạt. Không được mà!
Vậy là ngay gần đây thôi, một chú thỏ đang sột soạt. Rồi sau đó thì thế nào?
Bỗng trên cao, có ai đó, không trông thấy và chưa từng thấy, cất tiếng kêu: “Kho-kho!... Kho-kho!... Kho-kho!...”. Đây là lần đầu tiên Bim nghe thấy như vậy, và nó giật thót mình. Chủ nó cũng vậy. Cả hai đưa mắt nhìn lên cao, chú mục lên cao thôi... Bất thình lình, trên nền trời hoàng hôn đỏ tím, một bóng chim hiện ra bay dọc theo con đường rừng. Nó bay thẳng về phía hai thầy trò, thỉnh thoảng lại kêu lên, nghe như không phải là chim, mà là một con thú rừng, vừa bay vừa kêu. Nhưng dù sao đó vẫn là một con chim. Nó nom to, cánh vỗ im re (không phải chim cút, gà gô hay vịt giời). Tóm lại là cái con chưa từng biết kia đang bay trên cao. Ivan Ivanưts giương súng lên. Bim, như theo lệnh, nằm bẹp xuống, mắt không rời bóng chim... Trong rừng tiếng nổ nghe to và vang dội như Bim chưa bao giờ từng thấy. Tiếng vang lan đi qua rừng và lịm dần mãi tít xa xa.
Con chim rơi xuống bụi rậm, nhưng hai thầy trò chả mấy chốc đã tìm ra. Ivan Ivanưts đặt nó xuống trước mặt Bim, nói:
- Làm quen đi, chú mình: Dẽ giun. - và nhắc lại lần nữa: Dẽ giun.
Bim ngửi ngửi, đưa chân chạm vào cái mỏ dài, mình khẽ rùng rùng và hai chân trước nghí ngoáy, ra ý ngạc nhiên. Chắc hắn nó đang nghĩ bụng thế này: “Cái kiểu mũi thế kia, mình chư-ư-ưa từng thấy. Nhưng đúng là cái mu-u-ũi thật mà!”.
Rừng khẽ xào xạc, và lặng dần, lặng dần. Rồi ắng hẳn, dường như tức thì, tưởng đâu có kẻ vô hình nào đó đã xõa đôi cánh mênh mông lên cây rừng để kết thúc: thôi, không lào xào nữa. Cành lá im phăng phắc, cây cối như ngủ thiếp đi, chỉ thỉnh thoảng khẽ rùng mình trong bóng xâm xẩm.
Ba con dẽ giun nữa bay qua, nhưng Ivan Ivanưts không bắn. Tuy con cuối cùng thì không trông thấy nữa trong đêm tối mà chỉ nghe thấy tiếng nó thôi, nhưng Bim vẫn thắc mắc: thế những con còn trông thấy rõ, sao ông bạn nó lại không bắn? Chuyện ấy làm Bim áy náy không yên. Còn lvan Ivanưts thì hoặc là chỉ ngước nhìn lên cao, hoặc cúi đầu lắng nghe cái tịch mịch. Cả hai đều lặng thinh.
Đây chính là lúc không nên hé răng nói một lời, - người đã thế và chó lại càng phải thế! Chỉ đến phút cuối cùng, trước khi ra về, Ivan Ivanưts mới cất tiếng:
- Tốt lắm, Bim ơi! Cuộc sống lại bắt đầu. Xuân.
Nghe giọng, Bim hiểu rằng ông bạn nó trong lòng đang khoan khoái. Và nó rúc mõm vào đầu gối ông, ngoe nguẩy đuôi: “Đúng là tốt rồi, khỏi nói!”.
Lần thứ hai hai thầy trò tới đây vào một buổi sáng muồn muộn, nhưng lần này không mang súng.
Những chồi bạch dương tròn mọng thơm phức, hương vị đậm nồng của rễ cây, những tia ngan ngát toát ra từ những mầm cỏ mới nhú, tất cả những cái đó đều mới mẻ và xúc động lạ thường.
Ánh dương xuyên suốt rừng trừ đám rừng thông ra, và ngay cả đám này nữa đây đó cũng bị các tia nắng vàng xuyên cắt và tĩnh mịch. Điều quan trọng nhất là tĩnh mịch. Cái tĩnh mịch của buổi sớm mùa xuân trong rừng sao mà dễ chịu!
Lần này Bim đã bạo hơn: mọi vật trông rõ mồn một (chứ không như lần nào lần mò trong bóng tối). Và nó chạy lăng xăng trong rừng thỏa thích, tuy vẫn không để mất hút chủ. Mọi cái đều tuyệt diệu.
Cuối cùng Bim bắt gặp được một thoáng mùi dẽ giun. Nó kéo căng ra. Và đứng khựng lại một cách cổ điển. Ivan lvanuts giục nó “Tiến lên!”, nhưng bắn thì trong tay ông có gì để bắn đâu. Ông lại còn lệnh cho nó nằm xuống nữa, đúng phép như mỗi lần chim bay vù lên. Không còn hiểu ra thế nào nữa: chủ nó có trông thấy hay không? Bim liếc mắt nhìn ông cho đến lúc nó khẳng định được: ông ấy có thấy.
Tới con dẽ giun thứ hai mọi sự lại diễn ra y như thế. Lần này Bim không đừng được biểu lộ một vẻ na ná như bất mãn: một cái nhìn lo ngại, kiểu chạy lảng sang bên, thậm chí một ý đồ bất tuân thượng lệnh, - tóm lại là sự bất mãn của nó đã cao độ và tìm một chỗ xì ra. Chính vì thế mà Bim đã chạy đuổi theo con dẽ giun vừa bay vù đi, đây đã là con thứ ba, hệt như một chú chó nhà bình thường vậy. Nhưng đuổi theo dẽ giun thì chẳng được mấy nả: nó thấp thoáng trong cành lá, rồi mất tăm. Bim quay trở lại trong lòng hậm hực, đã thế lại còn bị phạt nữa. Thế thì thôi, nó nằm lánh sang bên, và thở dài sườn sượt (giống chó làm cái trò ấy thì thạo lắm).
Tất cả những cái đó còn có thế chịu đựng được, nếu như không tiếp thêm một sự xúc phạm khác. Lần này Bim đã phát hiện thấy thêm một khuyết tật mới nữa của chủ: cái mũi đánh hơi sai, chưa kể cái mũi điếc, thế cơ chứ... Đầu đuôi là thế này.
Ivan Ivanưts dừng lại và nhìn, nhìn ngang nhìn ngửa, và hít hít đánh hơi (đánh hơi cái gì). Rồi ông đi tới một gốc cây, ngồi xuống và đưa một ngón tay khẽ khàng vuốt vuốt một bông hoa nhỏ, nhỏ tí xíu (đối với Ivan Ivanưts bông hoa ấy hầu như không có mùi gì, nhưng đối với Bim thì nó thối không chịu được). Bông hoa ấy đối với nó nghĩa lý quái gì? Nhưng chủ nó lại cứ ngồi đó, mỉm cười. Bim tất nhiên làm ra vẻ nó cũng thấy hay hay, nhưng đó chẳng qua chỉ thuần túy là vì tôn trọng cá tính thôi, chứ thực ra thì nó khá ngạc nhiên.
- Nom này, nom đây này, Bim! - Ivan Ivanưts thốt lên và ghé mũi con chó vào bông hoa nhỏ.
Thế này thì Bim không chịu nổi nữa, - nó ngoảnh đi. Rồi nó lảng luôn, đi ra nằm ở đống rừng thưa, tất cả bộ dạng nói lên một ý: “Hoa của ông, ông cứ việc ngửi!”. Sự bất đồng đòi hỏi phải được biện giải với nhau không chậm trễ, nhưng chủ lại cười vào mũi Bim một cái cười sung sướng. Và cái đó đến là khó chịu. “Cười cả mình nữa!”.
Và ông lại quay sang nói với bông hoa:
- Chào bông hoa đầu mùa!
Bim hiểu không sai: “chào” đây không phải là nói với nó.
Lòng ghen tuông đã len lỏi vào trong tâm hồn con chó, nếu như có thể nói như vậy, kết quả là thế đó. Mặc dù về đến nhà hai bên dường như đã làm lành với nhau, nhưng cái ngày hôm ấy xảy đến với Bim thật là đen đủi: có mồi, lại không bắn, nó phải đích thân đuổi theo chim, lại trừng phạt nó, đã thế lại cái bông hoa ranh kia nữa. Phải, thì ra đã là chó thì chẳng thoát nổi cái cuộc sống kiểu chó, bởi vì nó phải sống trong sự trói buộc của ba “điều lệnh”: “Không được”, “Lùi lại”, “Tốt”.
Có điều là cả Bim, cả Ivan Ivanưts, đều không hiểu rằng sẽ có lúc, nếu như họ nhớ lại, họ sẽ cảm thấy rằng cái ngày hôm nay thật là một ngày vô cùng hạnh phúc.

Nhật ký của chủ

Trong cánh rừng mệt mỏi sau một mùa đông ác nghiệt, khi các mầm non bừng dậy còn chưa xòe rộ, khi những cái gốc đau khổ của những cây bị chặt trong dịp mùa đông còn chưa đâm chồi nhưng đã ứa nhựa, khi lá rụng nâu nâu đang nằm xếp lên thành tầng thành lớp, khi những cành trụi còn chưa rì rào mà chỉ khẽ đụng vào nhau thì bỗng thoảng đến một mùi hương hoa điểm tuyết! Chỉ hơi thoang thoảng thôi, nhưng đó là mùi của cuộc sống đã hồi tỉnh, và chính vì thế mà nó rạo rực tươi vui, mặc dầu khó cảm thấy nó. Tôi nhìn quanh, - té ra là nó ngay bên cạnh. Dưới đất có một bông hoa điểm tuyết, một giọt trời xanh nhỏ xíu, vị sứ giả vô cùng giản dị và cởi mở của niềm vui và hạnh phúc cho những ai đứng với nó và với tới nó. Nhưng lúc này đây thì đối với ai cũng vậy, kể cả người hạnh phúc lẫn kẻ bất hạnh, nó là cái trang điểm cho cuộc sống.
Thì ngay trong chúng ta đây, những con người, cũng là như vậy: có những người khiêm tốn nhũn nhặn có trái tim trong sáng, những con người “tầm thường” và “nhỏ bé” nhưng lại có tâm hồn cao cả. Chính họ cũng tô điểm cho cuộc sống, đem nhập vào mình tất cả những cái gì tốt đẹp nhất có trong nhân loại: lòng tốt, sự giản dị, niềm tin yêu. Chính vì vậy mà bông hoa điểm tuyết nom như một giọt trời xanh trên mặt đất... Và vài hôm sau (tức là hôm qua) tôi và Bim lại đến đúng cái chỗ ấy. Giờ đây trời đã rắc xuống khu rừng hàng ngàn giọt xanh biếc. Tôi tìm quanh: nó đâu rồi nhỉ, cái bông hoa nở sớm nhất, cái bông hoa quả cảm nhất kia? Hình như nó đây rồi. Có phải không nhỉ? Chẳng rõ. Hoa nhiều quá nên bây giờ thì chẳng thấy được nó, chẳng tìm ra nó: nó đã chìm giữa những bông hoa nở sau nó, hòa lẫn với nó. Vậy là nó bé nhỏ như thế nhưng anh hùng, thầm lặng như thế nhưng thật là kiên gan cho nên hình như cơn gió cuối cùng chính là đã sợ nó, đầu hàng nó khi vào một buổi sớm tinh mơ, đem quảng lá cờ trắng trận sương muối cuối cùng xuống bìa rừng.
Cuộc sống cứ đi lên.
… Nhưng Bim đâu có khả năng hiểu được tí gì về những điều ấy. Thậm chí lần thứ nhất nó đã tự ái, đã ghen. Vả lại khi hoa đã nhiều rồi, nó cũng đâu có buồn để ý đến hoa. Tập săn mà như nó thế thì xoàng: không có súng nó đã bối rối. Tôi và nó ở hai trình độ phát triển khác nhau nhưng lại rất, rất gần nhau. Tạo hóa tạo ra vạn vật theo một quy luật vững bền: sự cần thiết của cái này đối với cái kia; bắt đầu ở những sự vật đơn giản nhất và kết thúc ở sự sống đã phát triển cao, đâu đâu cũng là quy luật ấy cả…
Liệu tôi có chịu đựng nồi cảnh cô đơn đến là ghê gớm này không nếu như không có Bim?
Cô ấy cần thiết cho tôi biết đến chừng nào! Cô ấy cũng thích hoa điểm tuyết. Quá khứ như một giấc mơ... Thế cái hiện tại, nó không phải một giấc mơ hay sao? Không phải giấc mơ sao, cái khu rừng xuân ngày hôm qua với chấm xanh lam trên mặt đất? Chứ còn gì nữa: những giấc mơ xanh là một phương thuốc tiên, dù chỉ có tính chất tạm thời. Tất nhiên là tạm thời thôi. Bởi vì nếu như cả các nhà văn nữa cũng lại chỉ tuyên truyền cho những giấc mơ xanh và lánh xa màu xám thì nhân loại sẽ thôi không lo lắng cho tương lai nữa, tưởng rằng hiện tại là vĩnh cửu, là tương lai. Sự không thoát khỏi thời gian, cái mệnh trời ấy chính là thể hiện ở chỗ hiện tại phải trở thành quá khứ mà thôi. Con người đâu có quyền ra lệnh: “Mặt trời kia, đứng lại!”. Thời gian không dừng lại, không cản nổi và không thương xót. Mọi vật tồn tại trong thời gian và trong sự vận động. Và kẻ nào chỉ đi tìm sự yên tĩnh bất di bất dịch màu xanh, kẻ đó đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, dù cho anh ta trẻ mãi không già hay đã già cốc đế - tuổi tác không có ý nghĩa gì cả. Màu xanh có tiếng nói riêng của nó, nó vang lên như là sự yên ổn, sự quên lãng, nhưng chỉ là cái tạm thời, hoàn toàn chỉ để nghỉ ngơi; những giây phút ấy không nên để lỡ bao giờ.
Tôi mà là nhà văn, nhất định tôi sẽ kêu gọi như sau:
“Hỡi con Người đang trăn trở! Vinh quang đời đời cho Người đang suy nghĩ và đau khổ cho tương lai! Nếu anh muốn để tâm hồn nghỉ ngơi chốc lát thì đầu xuân hãy vào rừng tìm hoa điểm tuyết, anh sẽ được thấy giấc mơ đẹp đẽ của thực tại. Đi mau lên: vài hôm nữa hoa điểm tuyết có thể cũng sẽ chẳng còn nữa, và anh sẽ chẳng biết đâu để mà nhớ lại cái cảnh thần tiên mà thiên nhiên tặng cho anh. Hãy đi đi, hãy nghỉ ngơi. Dân gian thường nói: hoa điểm tuyết là bông hoa đem lại may mắn”.
Trong khi đó Bim cựa mình. Nó nằm mơ: chân nó ngó ngoáy - nó đang chạy trong mơ. Những bông hoa điểm tuyết xanh ngắt nó nhìn chỉ thấy xám ngoét (thị giác của giống chó được tác thành như thế mà). Thiên nhiên đã tạo ra chúng dường như là những kẻ bôi đen hiện thực. Cứ thử thuyết phục anh bạn nhỏ kia nhìn theo quan điểm của người mà xem. Dù có chặt đầu nó, nó cũng vẫn cứ nhìn theo cách của mình. Một con chó hoàn toàn độc lập tự chủ.

Chương 3

Kẻ thù đầu tiên của Bim

Mùa hè trôi qua, một mùa hè vui vẻ đối với Bim, một mùa hè sung sướng, đầy tình bạn của Bim đối với Ivan Ivanưts. Những cuộc đi chơi đồng cỏ và đầm lầy (không mang súng), những ngày nắng ráo, những buổi tắm mát, nhiều chiều êm ả bên bờ sông - còn cần gì hơn nữa cho bất kỳ chú chó nào? Không cần gì hơn nữa, đúng như thế.
Trong những lần luyện tập, hai thầy trò cũng gặp cả những bạn săn. Với các bạn săn ấy cuộc làm quen đã diễn ra nhanh chóng, bởi vì chủ nào cũng kèm theo một chó. Chủ chưa gặp nhau, hai chó đã chạy đến với nhau và chuyện trò dấm dắn với nhau bằng cử chỉ và ánh mắt, theo ngôn ngữ chó:
“Đằng ấy là thế nào, đực hay cái?” - Bim vừa hỏi vừa hít hít ngửi ngửi những chỗ cần ngửi (tất nhiên chỉ là để cho đúng thể thức thôi).
“Đằng ấy thấy rồi, còn hỏi gì nữa”. - ả đáp.
“Sống thế nào?”. - Bim vui vẻ hỏi.
“Làm việc chứ thế nào!”. - ả đáp re rẻ và làm duyên nhảy cẫng lên một cái bằng cả bốn chân.
Sau đó chúng chạy bộ về với chủ lần lượt báo cáo với họ về cuộc làm quen. Khi hai nhà đi săn ngồi xuống chuyện trò dưới bóng cây hoặc bóng một bụi rậm thì hai con chó chạy nhảy nô đùa cho đến mệt lè lưỡi. Lúc ấy chúng đến nằm xuống bên chủ, lắng nghe cuộc chuyện trò rủ rỉ thân mật.
Ngoài những nhà di săn ra, những người khác đối với Bim đều ít đáng quan tâm: họ là người, thế thôi. Họ tốt. Nhưng không phải người đi săn mà!
Nhưng chó thì lại khác.
Một hôm ngoài bãi cỏ nó gặp một con chó xù, bé bằng nửa nó, đen ơi là đen. Chúng chào nhau dè dặt, chẳng niềm nở làm duyên gì. Và duyên dáng làm gì cơ chứ khi mà con chó kia, trước một loạt những câu hỏi thường lệ đối với những trường hợp này, chỉ lừng khừng vẫy đuôi đáp:
- Tớ muốn ăn.
Miệng nó sặc mùi chuột. Và Bim ngửi ngửi mõm nó, ngạc nhiên hỏi:
- Đằng ấy ăn chuột à?
- Ăn chuột, - ả kia trả lời. - Tớ muốn ăn.
Rồi nó gặm một cái rễ sậy xù xì trăng trắng.
Bim muốn nếm thử cái rễ sậy xem sao, nhưng ả chó cái phản đối, cứ một điệu nói:
- Tớ muốn ăn.
Bim ngồi đợi cho con chó kia gặm xong hết, rồi rủ nó đi theo. Con kia đi ngay, không ý kiến ý cò gì hết, khua bụi lên sau Bim, người nom xù, nhưng sạch (xem vẻ nó thích tắm, cũng như phần lớn họ hàng nhà chó, và chính vì thế mà mùa hè chúng cũng không bẩn bẩn thỉu thỉu, kể cả những chó hoang). Bim dẫn nó đến với chủ từ nãy vẫn theo dõi từ xa cuộc làm quen của anh bạn nhỏ. Nhưng con Xù chẳng tin ngay vào người lạ mặt kia, và ngồi tụt lại xa xa mặc dù Bim cứ chạy đi chạy lại như con thoi giữa chỗ chủ và chỗ nó, gọi nó, thuyết phục nó. Ivan Ivanưts bỏ túi dết ra, lấy khúc dồi cắt một miếng ném cho Xù:
- Lại đây, lại đây. Xù. Lại đây nào.
Mẩu dồi rơi xuống cách nó vài ba thước. Nó rón rén tiến lại, với lấy khúc dồi, chén hết rồi ngồi xuống ngay chỗ ấy. Đến mẩu dồi thứ hai nó xích gần hơn chút nữa.Và sau đó nó đã ăn ngay dưới chân người, thậm chí còn để cho người vuốt ve nữa, dù là cũng có chút e ngại. Bim và Ivan Ivanưts đã cho nó tất cả khúc dồi: chủ cắt ra và ném, còn Bim thì để yên Xù ăn, không tranh. Âu cũng là chuyện thường tình: anh ném một mẩu, nó đến gần hơn, ném mẩu thứ hai, đến gần hơn chút nữa, tới mẩu thứ ba, thứ tư thì nó đã quần bên chân anh rồi và sẽ phục vụ một cách tin tưởng và chân thành. Ivan Ivanưts nghĩ bụng như vậy. Ông sờ nắn người Xù, vỗ vỗ vào u vai nó, nói:
- Mũi lạnh là khỏe. Tốt đấy. - Rồi ra lệnh cho cả hai con: - Đi đi, đi!
Những tiếng ấy Xù chẳng hiểu, nhưng khi nó thấy Bim lao đi như con thoi trên bãi cỏ thì nó hiểu ra: phải chạy. Và tất nhiên hai con đã nô đùa theo kiểu nhà chó đến nỗi Bim quên khuấy cả việc nó có mặt ở đây để làm gì. Ivan Ivanưts không phản đối và bỏ đi, chân bước miệng huýt sáo.
Trên đường về thành phố, con Xù đã đi theo không ho he gì nhưng tới ngoại ô thì bỗng dưng nó ngồi bệt xuống vệ đường, cạy không đứng dậy. Gọi chán, dỗ chán không đi. Và nó đã ngồi lại như thế, đưa mắt nhìn theo hai thầy trò. Ivan Ivanưts đã lầm: không phải con chó nào cũng có thể đem mồi ra mà mua chuộc được.
Bim không biết và không thể biết được rằng Xù cũng từng có chủ, sống với chủ trong một ngôi nhà nhỏ, rồi cái phố có ngôi nhà ấy đã bị dinh đi và chủ của Xù được cấp một căn hộ đầy đủ tiện nghi ở trên gác năm.
Tóm lại là người ta đã phó mặc Xù cho số phận. Thế nhưng nó vẫn cứ tìm ra được ngôi nhà mới ấy và khoang cửa của chủ, nhưng đến đấy nó đã bị đánh đập và đuổi đi. Thế là bây giờ nó sống một mình. Nó chỉ lang thang trong thành phố vào ban đêm, cũng như phần lớn chó hoang. lvan Ivanưts đoán ra hết nhưng kể lại cho Bim thì đâu có được. Bim chỉ đơn giản là không muốn bỏ Xù lại: nó ngoái cổ nhìn lui, nó đứng dừng lại đưa mắt nhìn Ivan Ivanuts. Nhưng ông cứ lẳng lặng bước đi, bước đi.
Nếu như Bim mà biết được số phận cay nghiệt sẽ tái hợp nó với Xù như thế nào, nếu như nó biết trước cái lúc và cái nơi chúng sẽ gặp nhau, chắc hẳn lúc này nó sẽ không bước đi bình tĩnh như vậy. Nhưng ngay cả con người cũng đâu có biết trước tương lai.
… Mùa hè thứ ba trôi qua. Một mùa hè tốt đẹp đối với Bim, và cũng không kém tốt đẹp đối với Ivan lvanưts. Một hôm, đang đêm chủ mở cửa sổ ra và nói:
- Trở lạnh, Bim ạ, lạnh đầu mùa.
Bim không hiểu. Nó đứng nhổm dậy, trong đêm tối rúc mũi vào đầu gối Ivan lvanưts, ý nói: “Không hiểu đâu”.
Ivan Ivanuts đã thông thuộc ngôn ngữ chó lắm, thứ ngôn ngữ bằng mắt và cử chỉ. Ông bật đèn lên, hỏi:
- Không hiểu hả, đồ ngốc? - Rồi giải thích rành mạch: - Mai đi bắn dẽ giun. D-ẽ g-i-u-n!
Ồ tiếng ấy thì Bim hiểu lắm! Nó nhảy cẫng lên, liếm vào cằm ông bạn.
- Mai đi săn, đ-i s-ă-n, Bim ơi!
Còn gì bằng! Bim quay cuồng, rối rít tít mù lên như con quay, tự đớp vào đuôi mình, rít lên, rồi ngồi xuống, nhìn chằm chằm vào mặt Ivan Ivanưts, rùng rùng hai chân trước xù lông. Hai cái tiếng “đi săn” mê ly ấy, Bim quen hiểu nó như là cái điềm hạnh phúc. Nhưng chủ ra lệnh:
- Bây giờ ngủ đã. - Ông tắt đèn lên giường nằm.
Quãng từ đó đến sáng, Bim nằm ngủ bên giường ông bạn. Nhưng ngủ nghê gì! Nó, và bản thân Ivan Ivanưts nữa, lúc thì thiu thiu chợp đi, lúc thì choàng tỉnh dậy ngong ngóng đợi sáng.
Đến sáng hai thầy trò cùng nhau sửa soạn ba lô, lau sạch mỡ nòng súng. Ăn uống qua loa (đi săn thì chớ ăn uống đầy diều, xem xét lại bao đạn, gài lại đạn từ ổ này sang ổ kia. Trong cái giờ phút chuẩn bị ngắn ngủi ấy việc thì nhiều: chủ vào bếp, Bim cũng vào, chủ vào kho, Bim cũng vào theo, chủ bỏ một hộp thức ăn trong ba lô ra (nó cồng kềnh quá), Bim ngoạm lấy và đút trở vào, chủ kiểm tra lại đạn, Bim theo dõi (nhỡ ông ấy nhầm chăng); và nó đã phải nhiều lần rúc mũi vào trong cái bao đựng súng (có đấy hay không nhỉ?); đã thế vào những giây phút tíu tít này, bồi hồi quá lại sinh ra cái ngứa đằng sau tai: chốc chốc lại phải đưa chân lên gãi sồn sột; đến là rắc rối, trong khi chả thế người ta cũng đã bận chết người đi rồi.
Cuối cùng, chuẩn bị xong. Bim sướng mê cu tơi. Gì mà không sướng! Chủ nó, chỉnh tề trong tấm blu dông đi săn, vắt cái túi săn lên vai, nhặt lấy khẩu súng:
- Đi săn, Bim. - Ông nhắc lại: - Đi săn.
“Đi săn, đi săn!”, đôi mắt của Bim cũng thán phục nói. Thậm chí nó còn khẽ rít lên vì trong lòng tràn ngập sự biết ơn và tình yêu đối với người bạn duy nhất trên đời của nó.
Đúng lúc ấy, một người bước vào. Bim biết ông ta - nó đã gặp ở ngoài sân - nhưng coi ông ta là người chả có gì lý thú, không đáng một sự chú ý đặc biệt gì của nó.
Chân ngắn, người mập, mặt bè: ông ta nói bằng một giọng trầm hơi rít rít:
- Nghĩa là, xin chào! - Và ông ta ngồi vào ghế, đưa khăn lên lau mặt - Vậy đấy... Nghĩa là, đi săn hả?
- Đi săn, - lvan Ivanưts khó chịu càu nhàu. - Săn dẽ giun. Nhưng ông đã qua, xin cứ ngồi chơi.
- Ra vậ-ậy đấy, đi săn... Nghĩa là, hãy thư thả tí đã.
Bim đưa mắt nhìn hết chủ lại đến Ông Khách, vẻ ngạc nhiên và chăm chú. Ivan Ivanưts nói gần như cau có:
- Ông nói tôi không hiểu. Cứ nói thắng ra nào.
Và đến đây thì Bim, con Bim dịu dàng của chúng ta, bắt đầu khẽ gầm ghè rồi bỗng sủa lên. Xưa nay có chuyện thế bao giờ đâu để mà bây giờ lại thế: ở ngay nhà mình, và sủa cắn khách. Khách chẳng sợ, và xem vẻ thản nhiên.
- Về chỗ! - Ivan Ivanưts ra lệnh cũng vẫn bằng giọng cau có như thế.
Bim vâng lời: nó về ổ nằm, đặt mõm lên cẳng, mắt nhìn về phía người lạ.
- Chà! Nghĩa là, bảo được đấy nhỉ. Vậ-ậy đấy... Nghĩa là, ra cổng ra ngõ nó cũng sủa cắn người cứ như, tạm gọi là như một con cáo ấy, phải không ông?
- Không bao giờ. không bao giờ cắn một ai. Đây là lần đầu tiên. Bảo đảm với ông như vậy! - Ivan lvanưts chột dạ, phát cáu lên. - Tiện thể, xin nói là nó không có tí dính dáng gì với chồn cáo cả.
- Vậ-ậy đấy! - Ông Khách lại dài giọng nói. - Tôi xin nói vào việc.
Ivan lvanưts cởi áo blu dông và túi săn ra:
- Tôi xin nghe.
- Nghĩa là, ông có một con chó. Còn tôi thì có, - Ông Khách rút trong túi ra một tờ giấy, - một lá đơn người ta kiện nó. Đây. - Và đưa tờ giấy cho chủ nhà.
Đọc tờ giấy, Ivan Ivanưts sôi lên bất bình. Bim thấy vậy, tự động rời ổ đến ngồi dưới chân bạn, dường như để bảo vệ ông, còn Ông Khách thì nó không nhìn nữa, mặc dầu vẫn cảnh giác.
- Dớ dẩn, - Ivan Ivanưts nói, giọng đã bình tĩnh hơn. - Ba lăng nhăng. Con Bim là một con chó hiền, chưa cắn và cũng sẽ không cắn ai bao giờ, không lếu láo với ai. Nó là một con chó khôn.
Khé - khé - khé! - cái bụng ông Khách rung rung. Và ông hắt hơi một cái chả đúng lúc tí nào. - Úi, hỗn chưa! - Ông quay sang nói với Bim, không có vẻ gì ác ý.
Bim càng quay mặt đi, nhưng trong bụng hiểu rằng người ta đang bàn về nó. Và nó thở dài.
- Thế vậy ông thấy lá đơn khiếu nại này nó thế nào? - Ivan Ivanưts lúc này đã hoàn toàn bình tĩnh, mỉm cười hỏi. - Đơn khiếu nại ai thì ông đưa cho kẻ ấy là phải thôi. Còn tôi thì cứ như lời kể, tôi cũng đến tin thôi.
Bim để ý thấy mắt Ông Khách thoáng một nụ cười.
Và ông ta nói:
- Thứ nhất, đúng là phải thế. Thứ hai, đơn không khiếu nại ông mà khiếu nại con chó. Nhưng ta đâu có đưa cho chó đọc được. - Và ông cười xòa.
Chủ cũng tủm tỉm cười. Bim thì chẳng nhếch mép cười được: nó biết người ta đang nói về nó, nhưng nói cái gì, nó không thế hiểu được - cái ông Khách này đến là khó hiểu. ông ta chỉ tay về phía Bim và nói:
- Con chó này phải đuổi đi thôi. - Và ông khoát tay ra cửa.
Bim hiểu rằng người ta đòi hỏi ở nó đúng như thế này: mày cút đi. Nhưng nó vẫn không rời chủ một phân.
- Ông hãy mời cái bà khiếu nại ấy đến đây, ta nói chuyện, may ra ổn chăng, - Ivan Ivanưts đề nghị. Không ngờ Ông Khách ra ngay và một thoáng sau quay trở lại cùng với một bà.
- Đây nghĩa là tôi đã mời cho ông Bà Thím đến đây.
Bim cũng biết bà ta. Người thấp và béo ú, giọng nói the thé, bà ta cả ngày chỉ ra ngồi chơi ghế đá ngoài sân với các bà rỗi công rỗi việc khác. Một lần Bim đã đến liếm tay bà ta (không phải vì trong lòng tràn trề tình cảm đối với riêng bà ta mà là đối với loài người nói chung), làm bà ta rú lên và chõ về phía các cửa sổ để ngó mà kêu toáng điều gì ầm cả sân. Bà ta kêu cái gì, Bim đâu có hiểu, nhưng nó hoảng lên, lao đầu bỏ chạy về cào cào cánh cửa nhà. Tội của nó đối với Bà Thím chỉ có thế mà thôi. Và bây giờ bà ta bước vào kia. Có chuyện gì lôi thôi cho nó đây! Thoạt đầu nó nép mình vào chân chủ, rồi khi ông suốt lông nó thì nó quặp đuôi lại đi về ổ, mắt liếc nhìn trộm bà ta. Những lời Bà Thím nói, nó chẳng hiểu qua một lời nào, còn bà ta thì cứ quang quác như một con quạ và luôn tay chỉ trỏ nó. Nhưng nhìn cử chỉ ấy, nhìn ánh mắt giận dữ của bà ta, Bim hiểu: cơ sự này là do nó đã liếm tay không đúng cái người nên liếm. Dại, Bim còn trẻ dại lắm, cho nên đâu phải cái gì cũng hiểu hết. Có thể nó đang nghĩ bụng thế này: “Mình có lỗi, tất nhiên là thế rồi, nhưng làm thế nào bây giờ nhỉ?”. Ít nhất thì cũng là trong đôi mắt nó có một ý gì na ná như thế.
Nhưng Bim có ngờ đâu rằng người ta đang vu khống nó:
- Nó định cắn! Định că-ă-ắn! Gần như là cắn rồi!
Ivan Ivanưts cắt đứt những lời quang quác của Bà Thím, quay ngoắt sang phía Bim:
- Bim, mang đôi giày vải đến đây.
Bim sẵn lòng làm ngay, rồi nằm xuống trước mặt chủ. Ông cởi đôi ủng săn ra và xỏ chân vào giày vải.
- Bây giờ thì mang cất ủng đi.
Việc ấy Bim cũng làm: nó mang một chiếc đi, để vào dưới chân mắc áo.
Bà Thím nín thinh, trố mắt nhìn. Ông Khách phục lăn nói:
- Cư-ừ thật! Nghĩa là, nó biết. - Và nhìn Bà Thím với một vẻ đại loại như ác cảm. - Thế nó còn biết làm gì nữa không?
- Bà ngồi xuống, ngồi xuống đây, - Ivan lvanưts mời mọc Bà Thím.
Bà ta ngồi xuống, giấu tay dưới vạt tạp dề. Chủ lấy một cái ghế cho Bim và ra lệnh:
- Bim! Ngồi lên ghế!
Bim không để phải nhắc lại. Bây giờ thì tất cả đều ngồi ghế. Bà Thím cắn môi lại. Ông Khách rung đùi hài lòng nói:
- Giỏi lắm, giỏi, giỏi.
Chủ ranh mãnh nheo mắt với Bim:
- Nào, đưa chân đây. - Và ông chìa tay ra.
Hai thầy trò bắt chân bắt tay chào nhau.
- Bây giờ thì, ngốc ạ, bắt tay khách đi, - và ông chỉ Ông Khách.
Ông Khách chìa tay ra.
- Chào người anh em, nghĩa là, xin chào.
Tất cả những cái đó Bim đã làm với một thái độ lịch sự, đúng phép.
- Nó không cắn chứ? - Bà Thím cẩn thận hỏi.
- Bậy nào! - Ivan Ivanưts tỏ vẻ ngạc nhiên. - Bà cứ chìa tay ra và bảo nó “Đưa chân đây”.
Bà ta rút bàn tay thủ dưới áo tạp dề ra thật và chìa cho Bim.
- Nhưng đừng có cắn đây, - bà dặn trước.
Nhưng đến đây đã xảy ra một điều mà chả bút nào tả nổi. Bim nhảy bổ về ổ, lập tức đứng thế thủ, đít tựa vào góc nhà và mắt chằm chằm nhìn chủ. Ivan Ivanưts đi tới bên nó, vuốt ve rồi nắm cổ dề kéo nó về phía bà khách:
- Đưa chân, đưa chân ra...
Không, Bim chẳng đưa chân. Nó quay đầu đi, nhìn xuống sàn nhà. Lần đầu tiên nó không vâng lời. Và lầm lầm lê bước trở lại góc phòng, chậm chạp, vẻ ăn năn đau khổ.
Ôi, sao đến nông nỗi này! Bà Thím nói chan chát, mồm năm miệng mười:
- Nhà anh làm nhục tôi. - Bà làm toáng lên với Ivan Ivanưts. - Một con chó ghẻ vớ vẩn lại dám coi một người phụ nữ Xô viết là tôi đây không ra gì! - Và xỉa xói về phía Bim. - Bà thì... bà thì... Mày biết tay bà!
- Thôi đi! - Ông Khách bất thần quát bà ta. - Nghĩa là, nhà chị nói điêu. Nó không hề cắn chị, và cũng không định cắn. Nó sợ chị bỏ tiên nhân lên thì có.
- Nhà anh đừng ngoạc mồm lên thế, - bà ta định phản công lại.
Ông Khách đáp luôn cũng điệu như vậy:
- Im mồm! - Rồi quay sang nói với chủ nhà: - Với cái ngữ này thì cứ phải thế mới xong. - Rồi quay sang Bà Thím: - Dào ôi! “Phụ nữ Xô viết”, cũng làm ra cái vẻ... Xéo đi cho rảnh. - Ông gào lên. - Còn rắc rối lần nữa thì không ra gì với tôi đâu. Đi! - Ông xé toạc lá đơn khiếu nại vào mặt bà ta.
Cái tiếng cuối cùng Ông Khách nói, Bim hiểu rõ lắm. Còn Bà Thím thì bỏ đi ra, chẳng nói chẳng rằng, dương dương vác mặt lên và chẳng thèm nhìn ai, mặc dù lúc này Bim không rời mắt nhìn bà ta, thậm chí còn nhìn tấm cánh cửa một lúc nữa sau khi bà ta đã đi khuất và tiếng chân bước nghe đã lặng.
- Ông nói với bà ta kể cũng hơi... quá đáng. - Ivan Ivanưts nói.
- Tôi xin nói với ông, không thế không xong đâu, bà ta sẽ làm loạn cả cái sân này lên cho mà xem, tôi biết. Tôi đã nói thì nghĩa là tôi biết mà. Đến khổ với những mẹ ngồi lê đôi mách, chuyên môn kiếm chuyện ấy, - ông ta vỗ một cái vào sau gáy. - Mẹ ấy vô công rồi nghề, thế là chỉ loay hoay đi tìm người sinh sự. Cứ lơ mơ với các mẹ ấy thì cả cái nhà này sẽ loạn xà ngầu.
Bim vẫn theo dõi suốt vẻ mặt, cứ chỉ, giọng nói của hai người và hiện rất rõ: Ông Khách và chủ nó hoàn toàn không có tí gì thù địch với nhau cả, mà thậm chí, qua mọi vẻ thì xem như kính trọng nhau.
Nó còn quan sát hồi lâu nữa trong khi hai người về sau chuyện trò với nhau cái gì ấy. Nhưng khi mà nó đã xác định được điều chủ yếu rồi thì cái còn lại nó chẳng quan tâm là bao. Nó đi đến chỗ Ông Khách và nằm phục xuống bên chân ông, ý như muốn nói: “Cháu xin lỗi”.

Nhật ký của chủ

Hôm nay ông tổ trưởng đến, giải quyết một lá đơn khiếu nại về con chó. Bim đã thắng. Vả chăng ông ta xử kiện hệt như Xalômôn vậy. Một thiên tài bầm sinh!
Tại sao lúc đầu Bim lại sủa ông ta nhỉ? A hiểu rồi! Chẳng là mình không bắt tay ông ta mà, và tiếp ông ta một cách lạnh nhạt (buổi đi săn thế là phải gác lại), và Bim đã hành động phù hợp với bản năng của chó: kẻ thù của chủ cũng tức là kẻ thù của ta. Và ở đây đáng xấu hổ là mình, chứ không phải là Bim. Nó có nhận xét rất tinh tế về giọng nói, vẻ mặt, về dáng điệu thật đáng ngạc nhiên! Nhất thiết phải luôn luôn để mắt đến điều ấy.
Sau đó mình với ông tổ trưởng đã có một cuộc chuyện trò thú vị. Ông ta dứt khoát chuyển sang “anh anh tôi tôi” với mình:
- Anh nghĩ mà xem, - ông ta nói, - một trăm năm chục hộ trong ngôi nhà tôi phụ trách! Vậy mà chỉ bốn năm kẻ vô công rồi nghề chuyên môn gây sự đã có thể làm cho không ai sống nổi. Ai cũng biết chúng, nhưng ai cũng sợ chúng, chỉ chửi vụng thôi. Người ở trong nhà mà không làm gì thì ngay cái hố xí cũng phải sôi lên ùng ục. Ấy à… ! Kẻ thù đáng sợ nhất của tôi là ai? Là kẻ không làm việc. Ở ta, anh bạn ạ, có thể làm thì không làm nhưng vẫn chén đẫy tễ. Chuyện ấy xem ra không ổn, tôi thành thực nói với anh như vậy. Nghĩa là, không ổn... Có thể, có thể không làm việc. Chà! Ví như anh đây, anh thì làm cái gì?
- Tôi viết, - mình đáp, mặc dù cũng chẳng hiểu ông ta nói đùa hay thật (những người hay châm biếm vẫn thường có cái lối như vậy).
- Thế mà là làm việc ư? Anh ngồi, anh chẳng làm cái cóc khô gì, thế rồi người ta vẫn cứ trả tiền cho anh, thế chứ gì?
- Vẫn trả, - mình đáp. - Nhưng nào có nhiều nhặn gì đâu. Tôi về già rồi, sống bằng lương hưu.
- Nhưng trước khi về hưu thì làm gì?
- Làm báo. Trước tôi công tác ở tòa báo. Và bây giờ thì ngồi nhà viết lăng nhăng tí tỉnh.
- Anh viết à? - ông ta hỏi lại bằng giọng trịch thượng.
- Tôi viết.
- Ờ, thì cứ viết, nếu sự thể là như vậy... Tất nhiên, xem ra anh cũng chẳng phải người tồi, ấy thế mà... Đúng vậy đấy. Mình đây cũng ăn lương hưu, một trăm rúp, nhưng mình lại còn làm tổ trưởng, làm không lương. Mình quen làm việc rồi, cả một đời làm lãnh đạo, chẳng ai hiểu nổi mình, và cũng chẳng làm vai phụ bao giờ. Cuối cùng thì bị họ gạt: cứ tụt, tụt, tụt mãi. Nơi cuối cùng là một nhà máy nhỏ tí. Và ở đấy họ tống mình về hưu. Phải mở một dấu ngoặc nhỏ: trợ cấp đặc biệt họ cũng chẳng cho... Ai cũng đều phải làm việc. Mình nghĩ như vậy đấy.
- Thì tôi cũng làm việc, cũng vất vả đây thôi, - mình cố phân trần.
- Viết ấy ư? Cái trò ma. Giá như anh còn trẻ, mình cũng sẽ cố dìu dắt cho anh đấy. Nhưng đã về hưu rồi còn gì . Thế này đây, những anh còn trẻ mà không chịu làm việc mình cứ tống cổ ra đường: hoặc là mày làm, hoặc là mày cút đi đâu cho rảnh.
Mà quả thực ông ta là mối đe dọa cho những kẻ vô công rồi nghề trong khu nhà này. Hình như mục đích chủ yếu của đời ông ta bây giờ là đay nghiến chì chiết những kẻ lười biếng, đơm đặt và ăn bám, và ngược lại, ông sẵn sàng làm cái việc giáo dục dạy bảo, không trừ một ai. Chứng minh cho ông ta rằng viết cũng là làm việc, là một điều không thể thực hiện được: hoặc là ông ta giở giọng chế giễu một cách kín đáo, hoặc là ông ta đơn giản tỏ vẻ khinh khỉnh (nói theo giọng ông ta, viết lách là việc của kẻ rỗi hơi, và còn chua ngoa hơn thế nữa). Ông ta ra về vẻ hiền lành, thôi không châm chọc nữa. Ông vuốt lông Bim, nói:
- Còn mày thì cứ sống bình yên, nghĩa là như vậy. Nhưng chớ có dây dưa gì với mụ Thím. - Và quay sang nói với tôi: - Rỗi rãi lại chơi. Và thích viết cái khỉ gió gì thì cứ viết.
Hai chúng tôi bắt tay nhau. Bim tiễn chân ông ta ra đến cửa, đuôi vẫy vẫy và mắt nhìn thẳng vào mặt ông ta. Bim có thêm một ông bạn mới: Paven Titưts Rưđaep, thường gọi là “Paltitưts”. Ngược lại Bim cũng mới sinh ra một kẻ thù là bà Thím, con người duy nhất trong bàn dân thiên hạ mà nó không tin. Con chó đã nhận ra kẻ vu khống.
Nhưng cuộc đi săn ngày hôm nay thế là không thành. Sự đời như vậy: người ta mong một ngày lành thì lại xảy ra độc những chuyện khó chịu. Sự đời vẫn thế.

Chương 4

Rừng vàng

Một trong những ngày sau đó, từ sớm tinh mơ, hai thầy trò đã rời nhà ra đi. Thoạt đầu là đi tàu điện, đứng ở đầu toa. Chị lái tàu thì ra là người Ivan Ivanưts và Bim quen. Tất nhiên là Bim đã chào chị ta khi chị bước ra bẻ ghi. Chị beo tai nó, nhưng nó không liếm tay chị mà chỉ giậm giậm chân ngồi xuống và đập đập đuôi như trong trường hợp chào hỏi.
Sau đó, ra đến ngoại thành rồi thì họ đi xe buýt mà vào cái giờ sớm sủa này chỉ có cả thảy dăm sáu người ngồi. Lúc họ lên xe, người lái xe cứ càu nhàu cái gì, nhắc đi nhắc lại cái tiếng “chó” và “không được”. Bim chẳng khó khăn gì mà không đoán ra (nó nhìn mặt mà đoán): người lái xe không muốn chở hai thầy trò nó, và điều đó không tốt. Một trong những hành khách bênh vực hai thầy trò nó, một người khác thì ngược lại, ủng hộ ông tài. Bim rất chăm chú theo dõi cuộc đấu khẩu. Cuối cùng người tài xế bước xuống xe. Chủ nó đứng trước cửa xe đưa cho anh ta một tờ giấy nhỏ vàng vàng, rồi cùng với Bim bước lên bậc xe, ngồi vào chỗ và buồn bã thở dài: “Hà-à-à!”.
Bim từ lâu đã để ý thấy người ta hay trao đổi cho nhau những tờ giấy nhỏ nhỏ gì ấy nó có cái mùi chẳng phân biệt ra là cái mùi gì. Một lần nó đánh hơi thấy một tờ ở trên bàn có mùi máu, nó gí mũi vào tờ giấy, cố làm cho chủ chú ý, nhưng ông ta cứ phớt lờ đi - điếc mũi mà lị! Và nhắc lại cái câu “không được” của ông ta. Lại còn đút những tờ giấy ấy vào ngăn kéo bàn khóa lại nữa chứ. Thực ra có những tờ, - khi chúng còn sạch sẽ - ngửi có mùi bánh mì, mùi dồi, nói chung là mùi cửa hàng, nhưng đa số những tờ ấy là có cái mùi của đủ các thứ bàn tay. Những tờ giấy nhỏ ấy, thiên hạ ưa thích chúng, giấu chúng vào trong túi hoặc trong ngăn kéo bàn, cũng như chủ nó. Mặc dầu trong chuyện ấy Bim chẳng hiểu cái quái gì nhưng nó cũng dễ dàng biết rằng: một khi chủ nó đã đưa cho người lái xe một tờ giấy thì là họ đã trở thành bạn bè. Còn vì sao Ivan Ivanưts thở dài thì dù đã chăm chú nhìn vào những biểu hiện ở trong mắt ông bạn nó vẫn không hiểu được. Nói chung, về sức mạnh kỳ diệu của những tờ giấy nho nhỏ ấy, nó cũng chỉ là láng máng đoán ra mà thôi - chuyện đó đâu có phải trong tầm trí khôn của chó; nó đâu biết rằng một ngày kia những mẩu giấy ấy sẽ chơi cho nó một cú tai hại.
Từ đường cái vào đến rừng hai thầy trò cuốc bộ. Ivan Ivanưts tới bìa rừng dừng lại nghỉ, còn Bim đứng cạnh thì quan sát khu vực. Rừng như thế này nó chưa từng thấy bao giờ. Nói đúng ra thì rừng này, chính cái rừng này đây, họ đã đến hồi mùa xuân, và mùa hè cũng đến (nó đung đưa, thế đấy), nhưng bây giờ ở đây mọi vật xung quanh đều vàng và đỏ ối, tưởng đâu như mọi vật đều bốc cháy và lấp lánh cùng với mặt trời.
Cây rừng vừa mới bắt đầu trút bỏ quần áo, và lá rơi, liệng trong không trung, êm ả và nhịp nhàng. Mát rượi và thoải mái, và chính vì thế mà vui. Rừng thu có một cái mùi đặc biệt, có một không hai, bền vững, và trong sạch đến nỗi cách xa hàng chục mét Bim vẫn ngửi thấy hơi chủ. Nó “tóm được” một chú chuột rừng từ xa, nhưng chẳng buồn đuổi theo (lạ gì cái đồ ranh con!). Nhưng chợt có một mùi gì xộc mạnh vào mũi nó từ xa, đến nỗi Bim đứng sững lại. Rồi nó tiến đến sát, xông vào sủa một cục tròn tròn đầy gai.
Ivan Ivanưts rời gốc cây đứng dậy đi tới chỗ Bim:
- Không được, Bim! Không được, đồ ngốc. Con nhím đấy! Lùi lại! - Rồi kéo Bim đi theo.
Vậy ra nhím là một con thú nhỏ, thêm vào đó là nó tốt, và chớ nên đụng vào nó.
Bây giờ Ivan Ivanưts lại ngồi xuống cái gốc cây, ra lệnh cho Bim cũng ngồi xuống, rồi bỏ mũ kê pi ra đặt xuống đất, ngay cạnh, và đưa mắt nhìn lá rụng. Và lắng nghe cái tĩnh mịch của rừng. Tất nhiên là ông mỉm cười! Lúc này đây ông ở trong trạng thái như mọi lần trước khi bước vào săn.
Bim cũng lắng nghe.
Một con chim ác là bay đến, kêu ken két một cách láo xược rồi bay đi. Một con giẻ cùi nhảy chuyền từ cành này qua cành khác mà tới gần, ngoạc mồm ra kêu rồi cũng lại chuyền cành mà nhảy đi như thế. Và đây một chú chim tải cúc bé bỏng, chú này kêu ngay bên tai: “Xvít,xvít! Xvít' xvít!”. Và làm gì được nó nào! Bé tí bằng con bọ dừa mà cứ ngậu lên: “Xvít, xvít!”. Cứ như chào hỏi vậy.
Ngoài ra là tĩnh mịch.
Và đây, chủ nó đứng dậy, tháo súng ra, lắp đạn vào.
Bim run lên vì xúc động. Ivan Ivanưts âu yếm vỗ vỗ lên u vai nó, làm nó càng thêm hồi hộp.
- Nào, cu con... sục đi!
Bim lao đi! Nó lao đi như một con thoi nhỏ, ngoằn ngoèo lách qua các gốc cây, nom chắc nịch, uyển chuyển và hầu như không gây một tiếng động. Ivan Ivanưts rón rén theo gót Bim, thán phục theo dõi công việc của nó. Giờ đây khu rừng với tất cả vẻ đẹp của nó đã lui xuống hàng thứ yếu: Bim là chính, con Bim duyên dáng hăng say dáng nhanh nhất. Thỉnh thoảng Ivan Ivanưts lại gọi nó trở lại, lệnh báo nó nằm xuống, để cho nó bình tâm lại, nhập dần vào công việc. Và lát sau Bim đã lại tiến lên nhịp nhàng, thành thạo. Lao động của một con chó Xette thật là cả một nghệ thuật! Đó, nó đang phi một nước đại nhẹ nhàng, đầu ngẩng cao, đối với nó thì không có chuyện cúi tìm dưới đất, nó đánh hơi trên cao, trong khi đó đám lông ống mịn ôm sát lấy cái cổ thon thon của nó; chính vì nó đẹp như vậy cho nên nó ngẩng cao đầu, với một vẻ đường hoàng, tự tin và hăng say.
Những giờ phút như vậy đối với Ivan Ivanưts là những giờ phút quên lãng. Ông quên đi cuộc chiến tranh, quên đi những gian truân cua cuộc sống quá khứ và cảnh cô đơn của mình. Ngay cả như Kôlia, người con trai máu mủ của ông đã bị cuộc chiến tranh tàn bạo lấy mất đi, dường như cũng tham gia với ông lúc này, và dường như ông, người cha, đã đem lại cho anh ta niềm vui ngay cả khi anh đã khuất. Xưa kia anh ta cũng là một nhà săn bắn mà! Người đã chết không đi ra khỏi cuộc sống của những ai yêu họ, người chết chẳng già đi, lúc ra đi họ như thế nào thì họ còn lại mãi trong lòng người sống như thế. Ở lvan Ivanưts cũng vậy: vết thương trong lòng đã thành sẹo, nhưng vẫn đau. Và chính trong lúc đi săn mọi nỗi đau lòng giảm đi, dù chỉ là chút ít thôi. Sung sướng thay người nào sinh ra để làm nhà săn bắn!
Chợt Bim chậm bước lại, thu hẹp đường ngoằn ngoèo, dường như đứng khựng lại giây lát rồi rón rén bước lên bước một. Có một cái gì rất mèo trong những cử động của nó, những cử động mềm mại, thận trọng, uyển chuyển. Giờ đây đầu nó đã vươn ra ngang tầm với thân nó. Mọi bộ phận trong thân thể nó, kể cả cái đuôi duỗi thẳng có túm lông dài ở đầu, đều tập trung vào cái luồng hơi thoảng. Một bước... Và chỉ một cẳng giơ lên thôi... Một bước nữa - và cái cẳng tiếp theo cũng vậy, đờ ra trong không trung trong một góc tích tắc rồi thả xuống không một tiếng động. Cuối cùng cái cẳng trước bên phải, xưa nay hầu như bao giờ cũng thế, đờ ra, lơ lửng không chạm đất.
Phía sau, Ivan Ivanưts súng lăm lăm trong tay rón rén bước tới. Giờ đây là hai bức tượng: một người, một chó.
Rừng lặng tiếng. Chỉ những ngọn lá vàng của các cây bạch dương tắm mình trong ánh nắng lấp lánh là khe khẽ lay động. Các cây sồi non nín lặng bên các cây sồi già khổng lồ hùng vĩ thuộc thế hệ cha ông. Các ngọn lá xám ánh bạc còn sót lại trên cây hoàn diệp liễu lặng lẽ rung rinh. Và trên thảm lá vàng cháy, một con chó đứng đó, một trong những sáng tạo hoàn mỹ nhất của thiên nhiên và của con người đầy kiên nhẫn. Không có qua một thớ thịt nào rung! Trong những giây phút này Bim dường như chết đứng, giống như trạng thái của kẻ mất hồn vì thán phục và đắm đuối. Tư thế đừng khựng cổ điển trong khung cánh rừng vàng là như thế đó.
- Tiến lên, con...
Bim xồ cho con dẽ giun bay vọt lên.
Đoàng!
Rừng giật mình, đáp lại bằng một tiếng vọng bực dọc, khó chịu. Có vẻ như cây bạch dương, mọc chen vào rìa khu vực đám sồi và đám hoàn diệp liễu, đã hoảng lên, và rùng mình. Các cây sồi thốt lên một tiếng “chà!”, như những chàng dũng sĩ. Cây hoàn diệp liễu đứng bên thì vội vã rắc lá xuồng đất.
Con dẽ giun rụng xuống như một hòn đá rơi. Bim trao nó cho chủ theo đúng mọi quy cách. Nhưng chủ, sau khi vuốt ve và hoan nghênh Bim đã làm ăn khá, cứ cầm con chim trên lòng bàn tay, nhìn và trầm ngâm nói:
- Chà, lẽ ra chả nên...
Bim không hiểu, nhìn chằm chằm vào mặt Ivan Ivanưts. Còn ông thì nói tiếp:
- Chỉ vì mày đấy thôi, Bim ạ, vì mày, đồ ngốc ạ. Nhưng thật chẳng đáng.
Bim vẫn chẳng hiểu - nó đâu đủ trình độ để hiểu điều đó. Rồi trong suốt buổi đi săn ấy, Bim cảm thấy như vậy, nhà đi săn đã bắn toàn “đi đâu” ấy, cứ như một anh mù bắn súng. Con chó rất không hài lòng thấy chủ tuyệt nhiên chẳng bắn được một con dẽ giun nào cả. Thế nhưng con cuối cùng thì ông đã hạ một cách gọn ghẽ.
Trời nhá nhem thì hai thày trò trở về nhà, mệt mỏi và đối với nhau thân ái, ân cần. Chẳng hạn Bim không muốn ngủ ở chỗ của nó, đã lôi cái ổ đến kề bên giường Ivan Ivanưls và nằm xuống cạnh ông ở dưới sàn. Việc ấy có ý thế này: đừng có mà đuổi nó về chỗ, bởi vì “chỗ” của nó, nó đã lôi theo nó rồi. lvan Ivanưts sờ tai nó, vỗ vỗ u vai nó. Tình bạn tưởng như sẽ vĩnh cửu...
Đêm hôm ấy không hiểu sao Ivan Ivanưts lại khe khẽ rên rỉ, ngồi dậy, nuốt vài viên thuốc rồi lại nằm xuống. Bim thoạt đầu vểnh tai nghe ngóng, nhìn bạn chằm chằm, rồi đứng dậy liếm liếm bàn tay của ông bạn chìa ra ngoài thành giường.
- Cái mảnh đạn... Bim ạ, mảnh đạn... nó bò đấy. Hỏng rồi, con ơi, - Ivan Ivanưts nói, tay ôm lấy Bim.
Cái tiếng “hỏng” thì Bim hiểu lắm, và hiểu từ lâu rồi. Và đã vài lần nó nghe thấy tiếng “mảnh đạn”, tiếng ấy nó chưa hiểu, nhưng trong thâm tâm nó, nó cảm đoán thấy đó là một tiếng chẳng lành, xấu, một tiếng gớm ghê.
Nhưng rồi lại ổn cả: đến sáng, đi dạo xong, Ivan Ivanưts lại ngồi vào bàn như thường lệ, đặt trước mặt một tờ giấy trắng và cầm cái que đưa đi sột soạt trên mặt giấy.

Nhật ký của chủ

Hôm qua quả là một ngày sung sướng. Vạn sự đều như ý: mùa thu, nắng ấm, rừng vàng, cung cách làm việc tuyệt vời của Bim. Nhưng vẫn có cái gì đó lấn cấn trong lòng. Sao vậy nhỉ?
Trên xe buýt, Bim rõ ràng đã để ý thấy mình thở dài, và cũng rõ ràng là nó không hiểu nổi mình. Con cún hoàn toàn không thể tưởng tượng được là mình đã đút lót anh chàng lái xe. Đối với con chó, việc đó có nghĩa lý quái gì? Nhưng đối với mình? Một rúp mình đút lót cho một việc nhỏ, hay hai chục rúp cho một việc lớn, hay một ngàn rúp cho một việc tày đình, thì có gì khác nhau nhỉ? Đều là đáng xấu hồ. Có khác gì đem lương tâm ra bán dần bán mòn. Tất nhiên, Bim ở một trình độ quá thấp so với người, cho nên chẳng bao giờ đoán hiểu được điều đó.
Bim đâu có thể hiểu được rằng những mẩu giấy nhỏ ấy và lương tâm con người đôi khi lại trực tiếp phụ thuộc vào nhau. Nhưng sao mình buồn cười thế nhỉ! Ai lại đi đòi hỏi ở một con chó những điều vượt ra ngoài khả năng nó, coi nó như một con người.
Lại thêm nữa: bắn chết con chim mình thấy tội nghiệp cho nó. Cái đó chắc hẳn là tuổi già. Mọi sự xung quanh đang tốt lành là thế, bỗng dưng một con chim lăn quay ra chết... Mình không phải người ăn chay, cũng không phải kẻ đạo đức giả ngồi tả dông dài về những đau đớn của giống vật bị mổ thịt rồi nhai luôn thịt chúng một cách ngon lành, nhưng đến cuối ngày mình đã tự đặt cho mình một điều kiện: mỗi lần đi săn, chỉ một hai con dẽ giun thôi, không hơn. Nếu không con nào thì càng tốt, nhưng nếu như vậy thì Bim sẽ mai một đi về phương diện là một con chó săn, và mình sẽ buộc phải mua một con chim mà một người nào khác bắn chết hộ mình, ồ không, xin miễn cho cái trò ấy... Nhưng thực ra thì mình nói với ai đây vậy? Vả chăng với chính mình: sự phân đôi con người trong một tình trạng cô đơn lâu dài ở một mức độ nào đó là không tránh khỏi. Bao đời nay chó vẫn cứu người khỏi sự đó. Vậy thì vì sao vẫn có cái cấn cái của ngày hôm qua? Và có phải chỉ hôm qua thôi không? Mình có đã bỏ qua một ý nghĩ nào đó không?... Vậy là, hôm qua: niềm khao khát hạnh phúc rồi đồng rúp vàng; cánh rừng vàng rồi con chim bị hạ sát. Cái đó là cái gì: phải chăng là một sự thỏa hiệp với lương tâm?
Khoan! Cái ý nghĩ mà hôm qua mình đã để lọt qua đi là ý nghĩ này đây: không phải là thỏa hiệp với lương tâm, mà là lương tâm quở trách, là thương xót cho tất cả những sinh vật đã bị giết chóc một cách vô ích khi con người để mất tính người. Từ quá khứ, từ sự hồi tưởng lại quá khứ, trong mình đã nảy sinh và ngày càng lớn lên trong lòng thương hại giống chim muông.
Mình nhớ:
Một hồi đã có cái quyết định của ban lãnh đạo Liên đoàn săn bắn về việc cần tiêu diệt chim ác là coi như giống chim có hại, và việc đó dường như dựa trên cơ sở quan sát của các nhà sinh vật học. Thế là tất cả mọi người đi săn đã giết chim ác là thoải mái, không chút bận bịu lương tâm. Cũng có một quyết định như vậy về chim diều hâu. Chúng cũng bị diệt. Rồi về chó sói. Bọn này đã bị diệt gần như sạch sành sanh. Diệt được một con sói thì được thưởng ba trăm rúp (tiền cũ), và cứ mang đến Liên đoàn săn bắn nộp một cặp cẳng chim ác là hoặc diều hâu thì được thưởng năm hoặc mười lăm kôpêc gì đó, mình không nhớ.
Nhưng đột nhiên có quyết định mới tuyên bố chim ác là và diều hâu là giống chim có ích, chứ không phải là kẻ thù của loài chim: cấm săn giết chúng. Cái lệnh diệt kiên quyết nhất được thay bằng cái lệnh cấm kiên quyết nhất.
Bây giờ thì chỉ còn có một loài chim phải bị tiêu diệt và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật: con quạ xám. Nó tuồng như hay đi phá các tổ chim (vả chăng chính con ác là cũng đã từng bị buộc oan cho cái tội ấy). Trái lại thì không có ai chịu trách nhiệm về việc rải chất độc hóa học diệt chim các vùng đồng cỏ và rừng đồng cỏ. Để cứu rừng và cánh đồng khỏi các giống phá hoại, chúng ta đã diệt chim, nhưng tiêu diệt chim, chúng ta đã làm chết... rừng. Con quạ xám, một chiến sĩ vệ sinh nổi tiếng và bạn đường của xã hội loài người, chẳng lẽ lại là kẻ có tội hay sao?
Trăm sự là tại quạ xám! - Đó là lời biện hộ chắc chắn nhất và sơ đẳng nhất biện hộ cho con người về các loài chim bị can tội chết.
Những cuộc thí nghiệm kéo dài với thần chết - thật là kinh khủng. Giờ đây đã có những nhà bác học - sinh vật học và những nhà đi săn trung thực đứng lên chống lại việc đó, giờ đây một cuộc đấu tranh bảo vệ chim và rừng đang diễn ra trên quy mô thế giới. Mình có đã lên tiếng kịp thời chống lại những cuộc thí nghiệm chết chóc ấy không? Không. Và đó cũng là lời quở trách của lương tâm mình. Tiếng nói của mình nghe mới nhạt nhẽo và vô vị biết bao, nếu như bây giờ mình nói vuốt đuôi rằng:
Hãy cứu lấy quạ xám, chiến sĩ vệ sinh xuất sắc của những nơi có người ở. Hãy cứu nó khỏi bị tiêu diệt, bởi vì nó giúp ta làm sạch rác rưởi quanh nơi ta, cũng giống như nhà văn trào phúng quét sạch những rác rưởi tinh thần của xã hội, hãy cứu lấy quạ xám chính vì cái lẽ ấy; nó có đánh cắp ít trứng chim thật, nhưng chính nhờ quạ xám mà các loài chim biết xây tổ, hãy cứu lấy kẻ giễu cợt chua cay, con chim duy nhất có cái ngây thơ một cách láo xược đến nỗi có thể từ trên cành cây mà nói vỗ mặt người ta: “Kạ-ạ-ạc!” (Cút đi, đồ ngu!). Và anh vừa mới đi khỏi là nó bay xuống, vừa kêu quang quác lên một cách giễu cợt, vừa sà vào ngấu nghiến ăn tiếp miếng thịt thối mà không một con chó nào thèm đớp; hãy cứu lấy quạ xám, nhà châm biếm của thế giới loài chim! Đừng sợ nó. Hãy nom kia, những con én bé nhỏ đang thân mật mổ nó, đuổi nó khỏi cái nơi chẳng có nó cũng đã sạch rồi, và thế là nó bỏ chúng đấy bay đi, miệng kêu quang quác một cách chua ngoa, tới cái nơi hoắc lên mùi thịt thối. Hãy cứu lấy loài quạ xám!
Thực tế, kết quả sẽ là vừa vô tác dụng vừa vô căn cứ. Nhưng cứ để nó lưu lại trên cuốn sổ này về Bim. Ta sẽ viết thẳng lên bìa ngay bây giờ chữ “Bim”. Tất cả đây sẽ chỉ là để cho chính mình mà thôi. Số là mình bắt tay vào viết nhật ký là để cứu danh dự cho Bim về sự ra đời lầm lỗi của nó, nhưng cuốn nhật ký càng phát triển ra thì lại gồm có đủ mọi điều không những chỉ liên quan đến Bim mà thôi, mà cả đến mình nữa. Rõ ràng sẽ chẳng ai đem in nó đâu; vả lại “chuyện con chó, chuyện mình” thì có thú vị gì cho ai? Chẳng cho ai cả. Lại nhớ đến những câu thơ của Kôntxốp:
Tôi viết đây không vì vinh quang chốc lát
Mà để giải trí, để vui chơi
Cho những người bạn thân tình tôi yêu quý nhất
Cho kỷ niệm buồn vui năm tháng qua rồi.
... Còn Bim thì cứ nằm đó - ngày hôm nay cu cậu đã làm việc cật lực và hít no những mùi tốt lành của rừng vàng.
Ôi, rừng vàng, rừng vàng! Đây chính là một mảnh hạnh phúc cho ta đó, đây chính là nơi cho ta trầm tư mặc tưởng. Trong rừng thu nắng ấm con người càng thêm trong sạch hơn.
----------
tiếp p2: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/03/con-bim-trang-tai-en-gtroiepponxki-p2_14.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét