Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Con Bim trắng tai đen - G.Trôieppônxki (p3)

Con Bim trắng tai đen

Tác giả: Gavriil Troyepolsky
Dịch giả: Tuân Nguyễn - Trần Thư
Nhà xuất bản Văn Học - 2012

Chương 9

Người bạn nhỏ. Lời đồn bịa đặt, tố giác ngầm và lời bình của tác giả

Đến trường, bọn trẻ trao đổi tin tức với nhau, rồi đến giờ ra chơi lần thứ nhất, chúng kháo nhau, đồn tin là: có một con chó trong sân nhà chúng trước đây đi bốn chân, bây giờ chỉ đi có ba chân, mà gầy ơi là gầy; trước nó có gầy đâu, lông nó mượt, nó vui tính, nay thì bù xù và lử đử lừ đừ - Tên nó là con Bim, chủ nó được đưa đi Maxkơva để mổ, bây giờ bà Xtêpanôvna trông nom nó.
Tiếng đồn bay đến tai một trong số thầy giáo là chuyên gia sư phạm. Ngày hôm sau, ông này tại một buổi họp thường kỳ của những người làm công tác giáo dục ở quận đã phân tích chuyện này trong lời phát biểu đẩy lý thú đại loại như sau: “Thế hệ trẻ ưu tú đang trưởng thành, chúng tiếp xúc với những tư tưởng nhân từ bao gồm cả tình thương xót đối với mọi loài sinh vật sống trên trái đất này”. Để dẫn chứng, ông nêu lên sự quan tâm sâu sắc của trẻ em một trường nọ đối với một con chó tai đen nào đó, có chủ phải đi mổ ở bệnh viện lâu ngày.
Sau đó liền ba ngày ở khắp các trường trong quận, các thầy cô đã giáo dục các em tình thương yêu súc vật, rồi kể chuyện các em ở trường số mấy đó đã chăm sóc rất nồng hậu và tốt đẹp đối với một con chó. Tuy nhiên, những thầy cô có tính cẩn thận cũng nhấn mạnh rằng con chó trong trường hợp này phải không là chó dại, điều này cần chú ý đến để đề phòng. Ở trường Tôlich học, cô giáo kể chuyện này một cách giản dị và thống thiết.
- Các em ạ, các em thử hình dung mà xem, - cô nói. - Một kẻ độc ác nào đó đã chặt mất một chân con chó (như vậy là lời đồn đã bị xuyên tạc đi đôi chút ngay trong giới các thầy cô: đã gọi là đồn mà). Kẻ đó không xứng đáng là một người dân Xô viết! Con chó bất hạnh có tai đen ấy suốt đời bị tàn phế. - Cô giáo mở một trang cần thiết trong quyển vở rồi tiếp tục giảng: - Các em, bây giờ chúng ta hãy viết một bài tập làm văn ngắn gọn nhưng thật thắm thiết theo đề bài tự do như sau: “Em yêu loài vật”. Muốn viết một bài kể tự do mà không bị lạc đề, cô cho các em một dàn bài nhỏ theo kiểu câu hỏi.
Rồi cô nhìn vào quyển vở và lấy phấn viết lên bảng:

1. Con chó của em tên là gì?
2. Nó trắng, đen hay màu sắc gì?
3. Tai nó vểnh hay cụp?
4. Nó có đuôi hay cụt đuôi?
5. Nó thuộc dòng gì, nếu em biết?
6. Nó hiền hay dữ?
7. Em có chơi đùa với nó không? Nếu có thì chơi như thế nào?
8. Nó có cắn người không? Nếu có thì nó cắn ai?
9. Bố mẹ em có thích nó không?
10. Vì sao em thích con chó?
11. Em đối với các con vật khác như thế nào (gà, ngỗng, cừu, hươu, chuột v.v..)?
12. Em đã lần nào trông thấy con nai chưa?
13. Tại sao người ta vắt sữa bò, mà không vắt sữa nai (thú nhà và thú rừng)?
14. Có nên yêu quý loài vật không?

Tôlich nhấp nhỏm như ngồi phải đinh, nó không thể viết được gì cả. Trong bầu không khí im lặng chung, Tôlich kìm không nổi đã bật hỏi:
- Thưa cô Anna, thế con chó trắng tai đen ấy tên là gì ạ?
Cô giáo tra sổ và trả lời:
- Tên là Bim.
- Bim rồi! - Tôlich reo lên, tiếng reo đã làm huyên náo cả lớp. - Em thưa cô Anna, xin cô cho em về ạ! Em sẽ đi tìm con Bim, em biết nó, con chó ngoan lắm ạ. Xin cô ạ! - thằng bé van xin cô, sẵn sàng hôn tay cô để tỏ lòng biết ơn.
- Em Tôlich! - Cô giáo quay về phía thằng bé, nghiêm nghị nói: - Em làm ảnh hướng đến các bạn khác làm việc. Thôi hãy suy nghĩ đi mà làm bài.
Tôlich ngồi xuống. Nhìn trang giấy trắng nó thấy con Bim. Có lẽ cũng như các bạn, nó cũng đang tập trung suy nghĩ về cái đề tài tự do này, nhưng nó chỉ mới viết được có mỗi cái đầu đề “Em yêu loài vật”. Mãi đến khi gần có chuông báo ra chơi nó mới vội vã cặm cụi sáng tác các câu trả lời. Thậm chí khi chuông réo rồi mà nó còn cố nán lại viết thêm chút nữa. Vào những trường hợp như vậy, cô Anna Pavlôvna vẫn ngồi yên trên bàn, kiên trì chờ đợi. Sau cùng, Tôlich với vẻ rầu rĩ như chưa hài lòng điều gì, đến đặt bài tập làm văn của mình trước mặt cô Anna Pavlôvna. Rồi nó đi ra ngoài.
Thành thử bài làm của Tôlich nộp cuối cùng, do đó cũng giống như mọi lần đã được cô Anna Pavlôvna chấm đầu tiên (bài của nó nằm trên cùng). Thằng bé trả lời rất chính xác những câu hỏi của đề tài tự do, thậm chí còn thêm thắt nữa. Bài làm của nó còn có cả mấy câu thơ rõ ràng là “thuổng” của một bài hát quen thuộc mà đứa trẻ nào cũng biết. Đại để như thế này:

“Em yêu loài vật.
Nó tên là Bim. Nó mình trắng, tai đen. Tai nó cụp. Cái đuôi ra đuôi. Nó thuộc dòng chó săn chứ không phải chó chăn cừu. Nó hiền lắm. Em đã chơi với nó một lần, nhưng rồi có ông lão vớ vẩn nào đã đến lôi nó đi, một ông lão tồi lắm và chẳng ra cái gì cả! Nó không cắn người. Ba và má em không thể thích nó được, nó là chó của người khác, nó đeo biển màu vàng ở cổ. Do đâu mà em yêu thích nó, em cũng không rõ, chỉ biết thích là thích thôi. Em yêu cả gà, ngỗng, cừu, hươu và chuột, nhưng em cũng sợ chuột. Em chưa thấy nai bao giờ. Chúng không sống trong thành phố. Người ta vắt sữa bò để có sữa bán ở cửa hàng và để hoàn thành kế hoạch. (Chỗ này sai rồi - Anna Pavlôvna thầm nghĩ). Người ta không vắt sữa nai bởi vì trong cửa hàng không thấy bán sữa nai và cũng chẳng ai cần đến thứ sữa này. Phải yêu quý loài vật. Còn chó là người bạn tốt nhất của người. Bây giờ em xin làm một bài hát:
Con nai cũng tốt
Con hươu cũng tốt
Con chuột cũng tốt
Nhưng con chó thì tốt hơn cả.
Em còn nuôi được mấy con chuột bạch, nhưng má em bảo để chúng trong phòng hôi lắm, phải bịt mũi, nên má đã đem cho một đứa con gái nhà khác. Con Bim thì thế nào em cũng tìm ra, dù cô không cho em đi. Thế nào em cũng tìm ra, em nói tìm ra là sẽ tìm cho ra. Dù cho có là cô Anna Pavlôvna cũng vậy thôi”.

Đôi mắt cô giáo Anna Pavlôvna trợn ngược lên trán: “Thằng bé lại vượt ra ngoài khuôn khổ rồi! Nó nghĩ quái quỷ gì thế! Tẩm ngẩm tầm ngầm thật...”. Thật ra cô không dám nghĩ hết cái ý nghĩ cuối cùng. Vì là một nhà sư phạm với ý thức trách nhiệm, cô đã cho điểm hai. Cơ sự là như vậy Cô Anna Pavlôvna là cô giáo có uy tín. Học sinh có vẻ yêu cô và nghe lời cô, tất nhiên trừ một số ít mà chẳng lớp nào không có. Giáo dục là một chuyện phức tạp, mà tôi xin lưu ý các bạn, đó là một việc phức tạp vô cùng, có lẽ cũng bởi thế mà Tôlich đã dám làm một bài văn, bài đầu tiên trong đời học sinh của mình, như vậy: dĩ nhiên đó là do em ấy cũng có bực vì chưa được trình bày và cũng do em thiếu ý thức nữa, nếu ta nhớ lại rằng thằng bé đã đề cập đến mấy con chuột bạch, mà về đề tài ấy cô Anna Pavlôvna không hề đặt câu hỏi nào. Cũng có thể đến khi lớn nó sẽ hiểu ra lỗi lầm hồi nhỏ của mình, còn bây giờ thì nó chẳng hiểu ra thế nào cá. Thằng bé thậm chí sau giờ ra chơi cũng không thấy vào lớp nữa. Đây cũng là một biến cố phi thường!
Tôlich đạp xe đi từ quận mới, nơi nhà nó vừa dọn đến, về quận cũ, tới cái trường số... và hỏi dò bọn trẻ đầu đuôi câu chuyện: chúng trông thấy con Bim lúc nào và con chó hiện đang ở đâu. Nó mừng rơn khi được biết chân Bim không hề bị chặt mà chỉ co lên thôi. Thằng bé đi cùng bọn trẻ đến nhà Bim.
Nó bấm chuông, Bim đáp lại bằng câu hỏi: “Gâu” (Ai đấy?)
- Tao, Tôlich đây! - Người khách reo lên. Rồi nó nghe thấy Bim rúc mũi vào khe cửa, khịt khịt hít không khí.
- Bim ơi, tớ đây! Tôlich đây!
Con Bim rít lên, kêu ăng ẳng. Nó như nói: “Chào Tôlich!”. Thằng bé cũng hiểu ngay, lần đầu tiên nó nghe được tiếng nói của chó. Bà Xtêpanôvna nghe tiếng chó sủa và tiếng người trò chuyện với chó, tiến bước ra:
- Hỏi gì thế, cháu?
- Cháu đến với con Bim.
Mọi điều đã được phân giải dễ dàng. Cả hai cùng bước vào phòng. Tôlich không nhận ra Bim nữa: nó bị cháy xém, bụng lép kẹp, bộ lông rối bù, chân đi lảo đảo, xương sườn nhô ra - không đúng, đây không phải con Bim. Nhưng cặp mắt thông minh và đầy trìu mến đã nói: “Mình là Bim đấy”. Tôlich ngồi xổm xuống, cho Bim tự do muốn làm gì thì làm. Bim ngửi nó, liếm lên áo vét, lên cằm, lên tay và cuối cùng gối mõm lên mũi giầy của Tôlich. Dường như nó đã yên lòng.
Bà Xtêpanôvna kể hết cho Tôlich, một chú bé không quen biết, kể hết những gì bà biết về Bim, và về ông Ivan Ivanưts, chỉ có một điều bà không thể giải thích nổi là ai đã đập nát chân Bim ra như thế và chuyện xảy ra ở đâu - Do số nó đấy! - Bà ta xác định. - Con chó nào cũng có số cả... Bà nói chuyện với thằng bé một cách bình thản, tuy có pha chút đắng cay, nói chuyện một cách bình đẳng, không ỷ vào tuổi già, và cũng không nghi ngờ gì những kinh nghiệm sống phong phú của mình.
- Thế tấm biển của nó đâu rồi hả bà? - Tôlich hỏi. - Trước đây nó có cơ mà. Cháu đã được đọc rồi.
- Ừ, trước nó có đeo. Thế tên cháu là gì?
- Tôlich.
- Tôlich. Tốt lắm..., trước nó có đeo, nhưng ai đã tháo mất rồi, có thể như vậy.
Tôlich nghĩ bụng: “Đúng lão ta tháo. Lão Xám!...”. Nhưng không nói ra, vì nó chưa thật tin như vậy.
- Lạy Chúa, bà biết làm thế nào với nó bây giờ? - Bà Xtêpanôvna nhìn Bim nói. - Tội nghiệp nó, nhưng cần làm gì, bà chẳng rõ đâu, cháu ạ. Hay là đưa nó đến ông xú y...
- Ông thú y, - Tôlich chữa lại, vì cảm thấy cái thế chưa mạnh của mình nên nó chỉ trả lời câu hỏi “cần làm gì” của bà như sau: - Hàng ngày tan học về cháu sẽ lại đây, cháu sẽ dắt nó. Được không ạ?
Như vậy là Bim có thêm một người bạn nhỏ mới.
Hàng ngày, sau bữa ăn trưa, nó lại đi xuyên qua thị xã đến chơi với Bim, dẫn Bim đi quanh sân, đi ra phố, vào công viên và nó kiêu hãnh đáp lại niềm thích thú của bọn trẻ:
- Chó là bạn tốt nhất của người.
Ý nghĩa của câu này hoàn toàn khác hẳn với bài luận nó đã làm trong lúc bực bội. Nhưng Tôlich quyết tìm cho được Lão Xám kia và nói toạc ra. Nó đi rình lão ở trong quận mới, nơi nó ở. Thế rồi thằng bé đã đối mặt với lão:
- Bác ơi, - nó hỏi, nâng lưỡi trai mũ lên và vắt tay ra sau lưng. - Vì sao bác lại tháo tấm biển của con Bim ra?
- Mày sao thế? Lú lấp rồi à? - Lão chẳng trả lời mà hỏi vặn lại.
- Lúc bác dắt con chó đi, nó vẫn còn có biển cơ mà. Đâu phải mình cháu nhìn thấy.
- Rồi tao cũng thả nó ra cùng với tấm biển. Nó lại cắn cả tao nữa! Nó cắn người như con chó sói ấy, đến mày cũng phải thả nó ra.
- Bác ơi! Bác nói dối rồi! Con Bim nó hiền lắm.
- Tao? Tao mà nói dối ư, đồ chó con? Bố mẹ mày đâu? Nói đi. - lão vặn lại.
Ở chừng mực nào đó thì Lão Xám nói đúng. Chừng mực nào thôi: lão ta không nói dối, vì lão đã bị Bim cắn thật, và có đủ quyền phẫn nộ, nhưng lão cũng nói dối là không tháo tấm biến ở cổ dề chó. Theo lão nguyên nhân khởi thủy là do con Bim cắn lão chứ không phải do lão tháo tấm biển. Việc sắp xếp lại vị trí của nguyên nhân và hậu quả bao giờ cũng là một thủ đoạn có lợi nhất để người ta vin vào. Lão tin tưởng chắc chắn rằng lão nói đúng sự thật, nhưng cái việc lão không nói hết sự thật thì không dính dáng gì đến lão cả. Nhưng ai biết được đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả: con chó cắn trước, hay tấm biển bị tháo trước? Đây vẫn còn là điều bí ấn đối với mọi người. Nhưng Tôlich tin chắc rằng Bim không thể nào lại cắn lão, bởi vì lão là con người chứ không phải con thỏ hoặc con chồn vớ vẩn nào đấy.Vì thế nó nhắc lại một lần nữa:
- Bác đánh lừa cháu, bác già ơi! Thế thì xấu lắm nhá!
- Gư-ừ! - Lão già gầm ghè. Rồi khập khà khập khiễng, trẹo cái mông sang một bên, lão bỏ ra đi (rõ ràng là Bim đã ngoạm cho lão một miếng nên thân).
Lạ kỳ là cả hai bên đều đúng, khi một người chỉ nói có nửa sự thật còn một người thì chưa biết đến nửa sự thật kia.
Lão Xám vừa đi vừa nghĩ: “Nó cùng với lũ trẻ ranh sẽ lên đồn báo cáo, họ sẽ đến, nhìn thấy bộ sưu tập... Không được, không thể nộp cái vật kỷ niệm tròn thứ năm trăm này. Nó có giá trị bằng hai chục cái huy hiệu thông thường”. Thế là lão quyết định: “Cách phòng ngự tốt nhất là tấn công”.
Về nhà, lão làm đơn đưa đến trạm thú y. Ở đó họ đã đọc:
“Có một con chó chạy rông (thuộc dòng chó Xette không thuần chủng, tai đen) đã cắn tôi khi tôi đang đi đường, rứt đứt một miếng thịt ở chỗ thiết dụng của cơ thể tôi, rồi chạy mất... Nó chạy nom như chó dại, chúi đầu, cụp đuôi, mắt đỏ ngầu máu... Tôi đề nghị: Hoặc là bắt giữ nó rồi giết đi, xin cứ lệnh cho đội bắt chó thi hành, hoặc là tôi sẽ khiếu nại lên trên về nó để vạch ra thói quan liêu và thờ ơ trong công tác của các ông...” v.v...
Ông bác sĩ thú y tỏ vẻ lo ngại:
- Nó cắn vào đâu? Từ bao giờ? Ở đâu? Trong trường hợp như thế nào?
Lão Xám bịa đặt như một nhà văn thực thụ, chỉ có điều là không có chút đầu óc tưởng tượng nào. Đối với bác sĩ, căn cứ vào báo cáo của người bị cắn thì rõ ràng là: Ông ta đã bị một con chó chạy rông cắn giữa đường phố! Ông bác sĩ cảm lấy ống điện thoại gọi ngay đến người trực trạm Paxtơ.
Lập tức chỉ đúng vài phút sau có một bà bác sĩ đi ô tô đến, lột quần lão ra xem, và hỏi:
- Đã mấy ngày rồi?
- Mười ngày! - Con bệnh vô tình trả lời.
- Bốn ngày nữa bác sẽ phát dại, - bác sĩ khẳng định dứt khoát. Nhưng thấy con bệnh không tỏ chút lo ngại nào trước lời tuyên cáo này, bà bác sĩ sinh nghi, có lẽ vì thế mà hỏi thêm: - Thế bác chưa tắm đã mấy tháng nay tôi.
- Trước lúc bị cắn là ba tuần. Tôi sợ bị nhiễm trùng. Chỗ cắn xem chừng nghiêm trọng lắm...
Người bác sĩ thú y nói chen vào:
- Chỗ đó của bác trầm trọng thật đấy. Như máy ti vi ấy (Ông ta là người thích đùa, một ông bác sĩ thú y thật là đáng yêu).
- Sao bác liều thế - Bà bác sĩ kêu lên, và xem vết thương một lần nữa -... Đi về trạm ngay, về trạm! Phải tiêm thuốc phòng dại ngay lập tức... tiêm vào bụng... trong vòng sáu tháng liền.
Lão Xám gầm lên:
- Ô hay! Các vị cứ bày ra trò ma quỷ!
- Không có gì ma quỷ cả, - bác sĩ thú y thản nhiên ngắt lời. - Bác mà không tuân theo thì chúng tôi sẽ phải cưỡng bức, nhờ cảnh sát đến bắt bác tại nhà, nếu bác là người u tối như vậy.
- Tôi ấy à? Tôi mà u tối à? - Lao Xám kêu toáng. - Thế các vị có biết trước đây tôi đã công tác ở đâu không?!
- Điều đó tôi không cần biết, - bà bác sĩ trả lời. - Về trạm đã! - Bà tiếp thêm, giọng càng nghiêm nghị hơn. Bây giờ thì kẻ tố giác bắt buộc phải đi tiêm thuốc đều đặn vào những ngày giờ nhất định. Chẳng sung sướng gì, như gà rơi vào nồi canh bắp cải ấy: chó làm khổ cái mông, bác sĩ làm khổ cái bụng.
Rồi sau đó lại có chuyện thế này.
Lão Xám làm thế nào lại kết được với Bà Thím thì không rõ, chỉ biết rằng dù sao họ cũng đã liên kết được với nhau. Cũng có thể họ quen biết nhau đã lâu (mà đúng là như thế). Họ đã gặp nhau hôm đó ngoài đường. Bọn họ tầm ra nhau chẳng khác gì ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nghĩa là họ đã kết nhau và bàn bạc ngay. Vỡ lẽ mới biết ông ta đi tập tễnh là vì con chó tai đen cắn.
- Ờ mà tôi cũng biết con chó ấy rồi! Lạy Chúa, biết rồi! - Bà Thím nói giọng khàn khàn. - Nó cắn cả tôi đấy.
Lão Xám biết là bà ta bịa, nhưng vẫn kể lể:
- Tôi đã tự viết đơn khiếu tố để họ bắt và diệt nó đi. Lương tâm thôi thúc tôi phải làm.
- Thôi thúc thế là phải! - Bà Thím sốt sắng ủng hộ ngay.
- Thì bà cũng viết đi, nếu bà là người trung thực.
- Tôi ấy à? Tôi sợ gì!
Rồi ngay hôm đó bà ta cũng phát đơn kiện lên trạm thú y. Trong thâm tâm Lão Xám nghĩ: “Mụ giỏi bịa thì kệ xác cho bác sĩ người ta tiêm vào bụng cho đáng đời”. Lão không thích ai nói dối lão và vẫn tự hào như vậy. Thế là Bà Thím cũng như gà rơi vào nồi canh bắp cải, bà ta la thét, chửi bới, khi cần thì lại bịa, chẳng hạn như vết cắn không to và đã lành rồi, bà lấy ngón tay day đi day lại chỗ vết sẹo cũ ở tay, và lại gào lên rằng bà là người phụ nữ Xô viết lương thiện, viết đơn vì công ích, thế mà lại bị trừng phạt vào bụng.
Cũng lạ, không hiểu sao người ta đã thả mụ ra, chỉ ghi lại địa chỉ và nói rằng mai họ sẽ đến nhà để làm sáng tỏ vấn đề. Dù thế nào đi nữa thì Bà Thím cũng căm thù con Bim đến tận xương tủy, và cả Lão Xám nữa, nhưng có phần ít hơn, tuy lão đã chơi khăm mụ. Vì hai lá đơn mà hai ngày sau trên tờ báo tỉnh có đăng thông báo.

“Có căn cứ để cho rằng: một con chó Xette không thuần chủng, tai đen đã cắn người qua đường. Chúng tôi đề nghị những ai biết được chỗ ở của nó và cả những ai bị nó cắn thì báo cho biết theo địa chỉ... nhằm mục đích bắt giữ để phân tích và thanh toán những hậu quả có thể xảy ra. Đồng bào hãy bảo vệ sức khỏe của mình và sức khỏe của người khác - chớ có im tiếng...” v.v...

Qua vài ngày sau lập tức đã có nhiều thư của bạn đọc tới tấp gửi đến. Trong một lá thư có viết:

“ ... (ngày... tháng... năm)... có một con chó chạy về phía ga (dòng Xette, không thuần chủng, tai đen), nó không biết trời biết đất gì, cứ cắm đầu chạy thẳng. Chó khỏe mạnh đâu có chạy như vậy: chúng không chạy thẳng một mạch hoặc chạy bừa ra cả quảng trường, mà chạy vòng quanh chướng ngại vật gặp trên đường đi. Đuôi nó buông thõng và mõm nó cũng chúi xuống. Con chó nói trên (dòng Xette, không thuần chủng, tai đen) hết sức nguy hiểm, có thể cắn bất cứ một người công dân Xô viết nào, thậm chí có thể cắn cả khách du lịch nước ngoài. Vì vậy phải bắt và trừ khử ngay, không cần phải khám xét lôi thôi gì như đã nêu lên trong bản thông báo của quý báo”.

Phía dưới lá đơn có mười hai chữ ký.
Còn nhiều bức thư khác nữa (không thể nêu lên hết được) Chẳng hạn có lá viết: “Đúng có con chó như thế, nhưng tai không đen, cũng cắm đầu cắm cổ chạy”... hay... “Thị xã đầy những chó, con nào trong số đó là chó dại thì không tài nào biết được”, hoặc: ... “Nếu chính quyền Xô viết tính không thể mở rộng địa bàn hoạt động cho việc tổ chức tiêu diệt chó một cách có kế hoạch trong vòng một năm, thứ hỏi chúng ta sẽ đi đến đâu, đồng chí biên tập báo? Kế hoạch đâu cả? Vũ khí phê bình có hiệu lực đâu? Và tại sao các đồng chí không lắng nghe ý kiến phê bình? Chúng ta chỉ biết một việc nướng bánh thôi, còn việc bảo vệ sức khỏe cho từng người lao động thì bất lực; tôi là người trung thực bao giờ cũng hay nói sự thật, toạc móng heo: Nhân tiện cũng xin nói là tôi không sợ bất cứ ai. Còn các đồng chí hãy suy nghĩ lời tôi nói. Tôi không đủ kiên nhẫn sự kiềm chế nữa: cứ viết, viết hoài, rồi kết quả là con số không”.
Tóm lại, thư từ gửi nhiều đến nỗi biến thành một cuộc tranh cãi mà kết quả là xuất hiện một bài xã luận với đầu đề “Trong căn hộ ấy”. Trong đó có đoạn trích lá thư của vị phó giáo sư trường đại học sư phạm. Vị này rõ ràng là người ghét chó. Nguyên nhân vì sao thì khó mà đoán ra được, thế nhưng bài phát biểu của ông đã có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với trẻ em và thanh thiếu niên: nếu chúng hiểu đúng bài phát biểu này, thì ngay từ lúc còn nhỏ chúng đã muốn bóp chết hết chó để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân lao động, còn nhà nào nuôi chó thì chủ sẽ bị bọn trẻ đồng thanh chửi bới ngay giữa phố: “Đồ vô công rồi nghề!” (câu này vị giáo sư dùng để gọi những người yêu quý chó), “Đồ bẩn thỉu” (cùng ở trong tác phẩm của vị giáo sư này).
Như đã đề cập ở trên, thư nhiều không kể xiết, dù sao chúng tôi cũng cố trình bày ra đây một lá thư cuối cùng chỉ gồm có hai dòng, tác giả chỉ nêu lên câu hỏi: “Trong hai cái tai đấm vào cái tai đen có được không?”. Đó là một độc giả thực tế, xa lạ với thứ giá trị khá trừu tượng về thế giới. Mặc dù vậy lá thư này không được đăng, thậm chí không được trả lời nữa. Thử nghĩ mà xem, thế có coi được không! Thật là thiếu tôn trọng đối với nhiệt tình của người muốn cống hiến.
Lại còn có thứ độc giả vị tha nữa, lạy Chúa, sẵn lắm. Loại độc giả này tận dụng mọi cơ hội để phát biểu và lên án và như trong chuyện của chúng ta đây: người ta đã truy lùng con Bim trong toàn thị xã, đã phỉ báng con chó hiền lành. Vì làm sao? Thôi được, cứ cho là Bim đã cắn người đi, ta coi đó là sự thật, nhưng hoàn cảnh mà nó phải cắn là thế nào, và bảo nó là chó điên thì là một điều nói láo. Độc giả có tính cẩn thận đã lẫn lộn lung tung, cái đó cũng không phải lỗi tại ông ta: vì ông không nghi ngờ có sự vu khống ở đây. Còn sự vu khống này có đủ chân, tuy có ngắn, nhưng lại rất vững chắc.
Dù sao người chủ bút tờ báo cũng kịp thời nhận thấy rằng cuộc tranh cãi này có tính tự phát, do kẻ bị chó cắn khởi xướng. Cuộc tranh cãi đó nói chung không được tổ chức, mà là tự nổ ra. Và ông đã hành động rất khôn khéo, ông cho đăng một thông báo chữ cỡ nhỏ (cái cỡ chữ mà độc giả kiên định không bao giờ bỏ qua): “Con chó tai đen đã bị bắt. Tòa soạn xin đình chỉ cuộc tranh luận về đề tài này. Các bản thảo sẽ không hoàn lại”.
Ông chủ bút này là một nhà hài hước - điều mà “độc giả hăng máu” chịu không nổi.
Tuy vậy đó là điều sai sự thật: không ai bắt được Bim cả. Sự thật là ở trường được biết có thông cáo ấy thì ngay chiều hôm ấy Tôlich đã tìm được nhà của bác sĩ thú y, bấm chuông, và khi người ta mở cửa ra, nó nói luôn:
- Cháu ở chỗ con Tai Đen đến đây, từ chỗ con Bim ấy.
Vấn đề lập tức được sáng tỏ, ngày hôm sau Tôlich đến chỗ Bim rồi dẫn nó đi tập tễnh ba chân đến cho bác sĩ ở trạm thú y. Ông ta xem xét và nói:
- Cuộc tranh luận thật là nhảm nhí. Con chó có bị dại đâu, mà là bị đau. Nó bị đánh què. Chà các vị ơi! - Ông ta thở dài, người bần thần chẳng rõ ra ý thế nào.
Rồi ông khám chân đau cho nó, khám nội tạng, kê đơn, cho thuốc mỡ để bôi chân, cho thuốc nước để uống, rồi tiễn chân cả hai ra về: thằng bé và con chó. Lúc từ biệt, ông hỏi:
- Cháu tên là gì vậy, người anh hùng?
- Tôlich ạ.
- Cháu là một người đàn ông tốt bụng, Tôlich ạ. Giỏi lắm.
Lúc ra về, Bim cũng cám ơn ông bác sĩ. Người ông ta có mùi thuốc, nhưng ông ta không ốm đau gì cả, mà ngược lại, là một con người cao lớn, can đảm, có đôi mắt phúc hậu.
“Ông là người tốt bụng, - Bim nói với bác sĩ bằng cử chỉ của cái đuôi và ánh mắt. - Ông là một người rất tốt bụng”.
* * *
Bạn đọc thân mến! Không, tôi không nói với người bạn đọc đã tưởng rằng không có những lá thư vu khống ấy của mình thì chó sẽ ăn sống nuốt tươi hết mọi công dân nam nữ của chúng ta. Tôi nói là nói với bạn đọc khác. Xin lỗi bạn là trong cuốn tiểu thuyết lạc quan trữ tình này, viết về một con chó, có đôi lúc tôi đã đưa ra một hai bức ký họa châm biếm. Nhưng không nên vì thế mà đã vội kết tội tôi phá vỡ quy luật sáng tác, vì mỗi nhà văn đều có một số “quy luật” riêng của mình. Bạn đọc quý mến; xin đừng vội kết tội tôi đã làm lẫn lộn các thể loại khác nhau, bởi lẽ bản thân cuộc sống vốn vẫn có sự lẫn lộn: giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa vui và buồn, giữa thật và giả. Những cái đó tồn tại bên cạnh nhau và gần gũi nhau đến nỗi đôi khi khó lòng tách cái này ra khỏi cái kia được. Tệ hại cho tôi hơn nếu bất chợt bạn tìm thấy ở tôi có một nửa sự thật. Điều này chẳng khác gì một cái thùng vơi đi một nửa. Mà việc chứng minh sự khác biệt giữa cái thùng vơi một nửa với cái thùng đầy một nửa là vô nghĩa.
Cái chủ yếu là tôi tán thành viết về tất cả các mặt chứ không riêng về một mặt nào. Viết riêng về một mặt là có hại. Bạn ngẫm mà xem! Nếu chỉ viết riêng có cái tốt thì cái xấu sẽ là hiếm hoi, nổi bật; nếu chỉ viết về hạnh phúc thì mọi người sẽ không thấy những người bất hạnh nữa và rốt cuộc sẽ không để ý đến họ nữa; hoặc giả nếu chỉ đề cập đến các vấn đề nghiêm túc, đẹp đẽ, thì người ta sẽ thôi không cười cái xấu xa nữa.
Vả lại cũng cần phải nói rằng ở đây tôi chỉ viết về một con chó. Những chương tiếp sau đây sẽ xác nhận điều này và tiện đây tôi cũng xin nói rằng câu chuyện về con chó Bim hiền lành của chúng ta không phải lúc nào cũng vui vẻ cả.

Chương 10

Bán lấy tiền

Nhờ sự nỗ lực của Tôlich và của bà Xtêpanôvna, Bim đã bình phục. Qua hai tuần cái chân đau đã lên da non, mặc dù vẫn thấy kềnh kệnh bè bè ra so với ba chân kia; Bim đã thử đi bằng chân ấy, nhưng vẫn chỉ là đi thử tí thôi. Bộ lông được Tôlich chải chuốt làm cho Bim nom chững chạc hẳn lên. Thế nhưng cái đầu thì vẫn chưa hết đau: do đòn của Lão Xám nên bây giờ có cái gì trong đó bị xộc xệch. Đôi lúc Bim cảm thấy bị chóng mặt, nó dừng lại, ngơ ngác chờ đợi, xem có điều gì sẽ xảy ra với nó không, nhưng nhờ trời mọi sự đều qua đi cho đến lần sau. Hệt như ở con người khi đột ngột bị chấn thương hoặc bàng hoàng trước một sự bất công, thường không có phản ứng ngay lúc đó, mà một lát sau mới thấy tai ù lên, đầu choáng váng, tim đập loạn mạch, và người lảo đảo, phải dừng lại, chờ đợi trong tâm trạng kinh ngạc cay đắng xem có chuyện gì sẽ đến với mình; rồi thực tế mọi sự cũng qua đi, đôi khi cũng chẳng thấy tái diễn nữa. Mọi sự xảy ra rồi mọi sự lại qua đi. Người cũng là động vật, chỉ có điều là nhạy cảm hơn.
… Mãi đến cuối thu, khi đã có băng giá rét đậm, Bim mới đi được bốn chân, nhưng cũng vẫn còn tập tễnh - cái chân kia tự nhiên đã ngắn đi mất một tí. Đúng, Bim đã trở thành tàn tật, còn cái đầu xem chừng đã ổn rồi. Quả là: mọi sự xảy ra rồi, mọi sự lại qua đi.
Cái đó có thể còn chịu được, nhưng ông chủ, ông chủ thì vẫn chẳng thấy đâu. Và tờ giấy trong phong thư kia lâu nay cũng hết mùi rồi và nằm lăn lóc trong góc phòng như những tờ giấy bình thường, vô dụng. Bim bấy giờ có thể lại đi tìm bạn được đấy nhưng Tôlich không buông sợi xích mỗi khi đi dạo chơi với nó. Tôlich vẫn còn sợ cả cái bảng thông cáo đăng trên báo kia lẫn Lão Xám. Rồi đôi khi có người qua đường lại hỏi: “Có phải con chó dại tai đen đó không?”. Tôlich không đáp vội vã bước đi, ngoái đầu lại nhìn. Nó có thể nói: “Không, không phải con này” và thế là xong. Nhưng nó không biết nói dối và giấu giếm những xúc động của mình: sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ v.v...; thậm chí những điều đó còn được bộc lộ ra rõ ràng và thẳng thắn. Sự dối trá nó gọi là dối trá, sự thật nó gọi là sự thật. Hơn nữa trong nó còn nẩy sinh cái tính hài hước, coi như một phương tiện để biểu hiện điều chính nghĩa, cái chất hài hước thật sự, nói chuyện buồn cười mà không hề cười, và có thể trong bụng lại muốn phát khóc. Sự biểu lộ đầu tiên của cái tính ấy chính là bài luận kia mà chính bản thân nó cũng chưa hiểu thực chất. Nó chưa nhận thức được tí gì cho đến nơi đến chốn. Nó chỉ lơ mơ bắt đầu đoán ra được đôi điều mà thôi.
Như vậy là thường có một cậu bé mặc quần gôn thể thao mùa thu, đi đôi giày cao cổ màu vàng, khoác áo mầu nâu nhạt, đội mũ lưỡi trai mùa thu có lông, ngày nào trước lúc trời đổ tối cũng đi cùng với một con chó thọt theo một lộ trình nhất định. Nó trông lúc nào cũng sạch sẽ và tươm tất làm cho bất luận ai gặp cũng nghĩ bụng: “Đúng là thằng bé con nhà có giáo dục”. Những người sống ở dọc lộ trình nó đi đâm ra quen mặt nó, một vài người hỏi nhau: “Thằng bé xinh xắn hiền lành kia không biết con nhà ai thế nhỉ?”.
Tôlich chơi rất thân với con bé cháu gái bà Xtêpanôvna, tên là Liuxia cùng tuổi với nó, người trắng trẻo, điềm đạm và khiêm tốn, mặc dù không hiểu sao Tôlich cứ xấu hổ, không dám rủ con bé đi dạo cùng. Xong ở tại phòng Ivan Ivanưts thì chúng đôi khi lại cùng đùa giỡn với con Bim, và Bim đã đáp lại chúng bằng một tình yêu chung thủy và sự quan tâm chu đáo. Bà Xtêpanôvna ngồi đó đan áo, nhìn bọn trẻ trong lòng vui vui.
Một lần hai đứa đang ngồi chải lông ở chân và lông đuôi Bim, thì Liuxia hỏi:
- Bố bạn ở thị xã này ư?
- Ừ, ở đây. Chỉ có điều là sáng nào người ta cũng đến chở ba mình đi làm việc, rồi đến tối mịt mới đưa về. Ba mệt phờ ra! Ba bảo: “Thần kinh như lò xo bị căng ra hết cỡ!”.
- Thế còn má?
- Má thì lúc nào cũng bận. Không hở lúc nào. Hết thợ giặt đến lại thợ lau sàn nhà, rồi thợ may, lúc thì điện thoại réo chuông liên tục - chẳng lúc nào má được ngồi yên. Thậm chí không dứt ra mà đi họp phụ huynh được.
- Gay nhỉ, - Liuxia thở dài, chân thật xác nhận, mặt thoáng vẻ buồn. Con bé đặt cho Tôlich những câu hỏi như vậy là vì lúc nào nó cũng nghĩ đến bố mẹ nó. Do đó mà nó đã thốt ra: - Bố mẹ mình ở xa lắm. Đi bằng máy bay cơ. Ở nhà chỉ có mình và bà... - Rồi hoàn toàn vui vẻ nói thêm: - Mỗi ngày hai bà cháu tiêu hai rúp, có vậy thôi!
- Nhờ trời thì cũng tạm đủ, - bà Xtêpanôvna đỡ lời. - Có thể mua được chục chiếc bánh mì trắng. Còn gì nữa? Đã có lúc lâu rồi... cháu nhớ không. Cái gì-ì nhỉ? Chao ôi khó khăn lắm: đôi ủng của ông nội cháu, Liuxia ạ, chỉ đổi được có một chiếc bánh thôi... - Hồi nào thế hả bà? - Tôlich ngạc nhiên, rướn mày lên hỏi.
- Hồi nội chiến ấy. Lâu lắm rồi. Các cháu còn chưa đẻ đâu. Lạy Chúa phù hộ cho các cháu khỏi phải qua cái cảnh ấy.
Tôlich kinh ngạc hết nhìn Liuxia lại nhìn bà Xtêpanôvna: đối với nó những điều đó hoàn toàn khó hiểu. Làm sao lại có thể bố mẹ sống xa con cái được, và sao có lúc phải lấy giầy đi đổi bánh mì?
Nhìn mắt thằng bé, bà Xtêpanôvna đoán ra ý nghĩ của nó :
- Phải, nhưng hai bà cháu không thể bỏ đây mà ra đi được. Căn hộ này phải có chủ giữ... không thì sẽ bị họ thu hồi mất. Bây giờ lại phải giữ cả căn phòng này nữa cho ông Ivan Ivanưts chờ ông ấy về. Chẳng gì thì ông Ivan Ivanưts đây với bà cháu tôi cũng là láng dềng với nhau mà. [Bà phát âm sai, đọc là “giềng”]
Bim nhìn chằm chặp vào mặt bà Xtêpanôvna và đoán ra: Ivan Ivanưts vẫn còn! Nhưng giờ đây ông ở đâu? Tìm, cần phải đi tìm. Nó xin thả nó ra. Nguyện vọng đó đã trở thành viển vông. Nó đành nằm xuống ngay bậu cửa và chờ đợi. Dường như chẳng ai trong những người có mặt ở đây là cần thiết cho nó cả. Chờ đợi! - Đó là mục đích tồn tại của nó. Tìm và chờ đợi.
Tôlich nhận xét thấy bà Xtêpanôvna nói sai tiếng “láng giềng”, nhưng bây giờ khác với lần gặp đầu, nó im lặng, bởi vì nó đã tôn kính bà lão, mặc dù nếu hỏi thì nó cũng không thể nói được vì sao. Đơn giản chỉ vì bà là người bà hiền hậu của Liuxia. Ngay Bim đây, nó cũng quý mến bà Xtêpanôvna. Tôlich đã hỏi nó:
- Bim ơi, mày có yêu bà Xtêpanôvna không?
Bim không chỉ biết tất cả mọi người theo tên tuổi, không chỉ biết rằng mọi vật đều phải có tên gọi, thậm chí cả đến con chó xấu xí nhất cũng vậy, nó còn biết thi hành lệnh của bọn trẻ sai đi lấy giầy của ai. Bây giờ Bim có thể nhận xét theo khóe mắt của Tôlich và của bà Xtêpanôvna, theo nụ cười của bà mà hiểu ra ngay là câu chuyện đang nói về nó, do vậy nó tiến lại chỗ bà, đặt đầu nó lên đầu gối bà.
Trước đây bà Xtêpanôvna rất thờ ơ với loài chó. (Dây với chó lôi thôi lắm!) Nhưng Bim đã buộc bà phải quý mến nó, nó buộc bà bằng tính phúc hậu, niềm tin và lòng chung thủy đối với người bạn Người của nó.
Bốn linh hồn - ba người một chó - ở trong căn phòng của người khác này sao mà đầm ấm và dễ thương thế. Trong lòng bà Xtêpanôvna cũng thấy ấm áp và yên ổn vô cùng. Tuổi già có cần gì hơn nữa đâu!
Sau này, qua đi nhiều năm nữa, Tôlich sẽ nhớ lại những giờ phút hoàng hôn bên ô cửa sổ màu tím nhạt này. Nó sẽ nhớ lại. Tất nhiên là nó sẽ nhớ nếu trái tim nó vẫn mở rộng đối với mọi người và nếu con đỉa của sự ngờ vực chưa bám hút được trái tim của nó... Nhưng ngay lúc đó nó bỗng sực nhớ:
- Cháu phải có mặt ở nhà lúc chín giờ. Đúng chín giờ đi ngủ. Luixia ạ, mai mình sẽ mang cho bạn tập an bom để vẽ và bút chì màu Tiệp Khắc, loại này chả có cửa hàng nào bán, có tiền cũng không mua được, giầy cũng không đổi được đâu. Bút chì ngoại mà!
- Thật à? - Liuxia mừng rỡ.
- Thế cháu có nói với ba cháu là cháu đi đâu không? - Bà Xtêpanôvna hỏi.
- Khô-ông. Sao ạ?
- Phải nói chứ. Sao lại không, hả Tôlich? Nhất thiết phải nói!
- Ba cháu chả bao giờ hỏi. Cả má cũng không. Cứ đến chín giờ là cháu đã có mặt ở nhà rồi.
Tôlich đi khỏi rồi, Bim năn nỉ van xin được thả ra, nhưng mọi van xin đều vô ích. Người ta bảo vệ và thương xót nó, không đếm xỉa gì đến chuyện nó đang đau khổ và buồn bã nhớ ông bạn nó, mặc dù nó vẫn quý họ.
Hôm sau Tôlich không tới. Còn Liuxia thì đợi nó mang an bom và hộp bút chì đến - loại bút không bao giờ có ở cửa hàng và có tiền cũng không mua được. Con bé cứ đợi hoài, nó nhắc đi nhắc lại với Bim nhiều lần:
- Chả thấy Tôlich đâu cả. Tôlich không đến rồi.
Tất nhiên Bim cũng hiểu được sự nóng ruột của cô bé. Mà cái giờ Tôlich thường đến đã qua rồi, vì vậy Bim và cô bé cứ ngó qua cửa sổ ra đường, ngong ngóng nóng ruột. Nhưng Tôlich vẫn không thây xuất hiện.
“Nó đã kể với ba nó rồi”, - Bà Xtêpanôvna thầm nghĩ, rồi nói thành tiếng:
- Rắc rối với con chó đấy... không có Tôlich thì gay. Ai sẽ dắt Bim đi bây giờ?
Con tim non trẻ của Liuxia đau thắt lại, dường như nó báo trước một điều gì chẳng lành.
- Gay go, - cô bé đồng ý bằng một giọng run run.
Bim tiến lại gần cô, nhìn lên đôi bàn tay đang ôm mặt và kêu lên khe khẽ. (Nín đi, Liuxia, nín đi). Nó nhớ lại trước đây Ivan Ivanưts vẫn ngồi ở bàn, tì khuỷu tay lên đó, có lúc cũng lấy bàn tay ôm mặt như thế là có chuyện không hay rồi - Bim biết chứ. Trong những trường hợp như vậy Bim bao giờ cũng đến bên ông, còn chủ nó thì vuốt lên đầu nó và nói: “Cám ơn, Bim, cám ơn!”. Lần này Liuxia cũng vậy, cô bé bỏ bàn tay ôm mặt ra và cũng vuốt ve đầu Bim.
- Có thế thôi mà Liuxia ơi, thế thôi. Đáng gì mà phải khóc? Tôlich rồi sẽ đến, sẽ đến thôi, đừng lo, cháu ạ! Tôlich sẽ đến mà, - bà dỗ cháu.
Bim tập tễnh đi ra cửa, như muốn bảo: “Tôlich sẽ đến. Ta đi tìm anh ấy đi”.
- Nó đòi ra đấy, - bà Xtêpanôvna nói. - Bà cũng đâm ra hiểu nó rồi. Không đưa đi không được... giống vật mà!
Liuxia hất cái cằm nhỏ bé lên, nom vẻ lạ hẳn, chẳng như xưa nay và rắn rỏi nói:
- Cháu sẽ tự dẫn đi.
Bà Xtêpanôvna bỗng nhận thấy con bé lớn không phải từng ngày mà từng giờ. Và bà cũng thấy khổ tâm vì Tôlich không đến.
Cô bé cùng với con chó đi trên đường phố. Có ba thằng bé đi ngược lại.
- Này con bé kia! - Một thằng trong bọn, thằng Kônôpatich tóc hung liến thoắng, - chó của mày đấy à, nó là đàn ông hay đàn bà?
- Mất dạy! - Uuxia trả lời ngắn gọn.
Cả ba đứa vây quanh con bé và con chó. Cô bé chực khóc vì lần đầu tiên trong đời gặp phải sự thô bỉ. Nhưng thấy Bim xù lông gáy lên và đầu cúi gằm gằm xuống - cô bé bỗng hăng lên, quát:
- Lui ra!
Bim sủa và xông lên một cái ghê đến nỗi làm cả ba đứa bỏ chạy tán loạn. Thằng Kônôpatich chạy ra xa rồi hậm hực về sự sợ hãi của chính mình, bèn kêu toáng lên bằng cái giọng chim dẽ mào:
- Ê! Ê! Con gái với con chó đực! Ê! Trơ chưa kìa! Ê! Ê!
Liuxia cắm đầu cắm cổ chạy thẳng về nhà. Tất nhiên là Bim phóng theo sau. Lần đầu tiên trong đời nó gặp một người bé xấu bụng: Kônôpatich.
Sau lần đó Bim lại được thả cho đi một mình như cũ. Lúc đầu, Liuxia bước theo sau con chó rồi đứng ở một góc, theo dõi và huýt sáo kiểu con trai cho nó đừng đi xa. Về sau bà Xtêpanôvna thả nó ra ngay từ sớm, cho đi một mình. Rồi từ lần đó trở đi Bim đi dạo một mình, đến chiều thì trở về và ăn uống một cách ngon lành.
Đáng tiếc là lại có chuyện xảy ra!
Một lần, đang đứng ở chỗ ngã tư, lối đi qua đường tầu điện, nó nghe thấy có ai gọi:
- Bim!
Nó ngoái lại. Từ trong cửa toa xe chị lái quen thuộc ló đầu ra ngoài:
- Chào Bim nhé.
Bim chạy đến và chìa chân ra... Đây chính là người đàn bà phúc hậu đã chở chủ và Bim đi đến bến ô tô buýt trên đường đi săn. Đúng chị ta!
- Đã lâu sao không thấy chủ mày đâu? Hay là Ivan Ivanưts bị ốm rồi?
Bim giật thót mình: Chị ta biết chuyện, có lẽ chị đi đến chỗ ông ấy đấy.
Lúc toa xe chuyển bánh, Bim nhẩy qua ngưỡng cửa toa vào bên trong. Một bà hành khách kêu lên thất thanh, một ông quát ầm (Cút đi-i...!), một số khác cười, thông cảm với Bim. Chị lái tàu dừng xe lại, rời buồng máy bước xuống nói cho hành khách an tâm. (Bim thấy chắc chắn là như vậy) và bảo Bim:
- Đi xuống thôi, Bim! Đi xuống! Không đi được. - Chị nhè nhẹ đẩy nó và nói thêm: - Không có chủ không đi được, không có Ivan Ivanưts thì không được.
Biết làm thế nào: Không được là không được. Bim xuống tàu, ngồi đó một lát rồi lon ton chạy về hướng con tàu chạy. Nó với ông chủ đã từng đến đây. Đúng rồi đến đây, chỗ ngoặt cạnh tháp nước đây, người cảnh sát đứng gác đây!
Bim chạy theo đường xe điện, nhưng không cắt ngang qua ngay cả ở chỗ ngoặt. Người cảnh sát thổi còi. Bim vừa chạy vừa ngoái đầu lại rồi vẫn cứ đường mình mà chạy. Bim kính nể các ông cảnh sát. Những người ấy chưa bao giờ làm tình làm tội nó, chưa bao giờ cả; nó còn nhớ cái lần đầu tiên bị đưa vào đồn, nó nhớ lắm, nó là chó khôn mà. Rồi cũng từ chỗ ấy nó đã cùng cô Đasa quay trở về nhà, và mọi việc diễn ra tốt đẹp. Hơn thế nữa, nó còn nhiều lần gặp ông cảnh sát này cùng với một con chó - con chó đen nhánh, mới thoạt nhìn đã thấy là rất nghiêm nghị; một lần nó cũng đã bắt quen với con chó này trên vỉa hè. Ivan Ivanưts và người cảnh sát đã cho chúng đến gặp nhau, tạo cho chúng hoàn cảnh chuyện trò thoải mái.
“Người này có mùi rừng”. - Con Đen nhìn người cảnh sát nói.
- Hôm qua chúng tôi đi săn, - Ivan Ivanưts xác nhận.
- “Mày sạch sẽ thật đấy!” - Bim nói với con Đen sau khi đã làm xong thủ tục đánh hơi như quy định.
- “Làm sao có thể khác được! Công việc nó thế mà!” - Con Đen vẫy vẫy cái đuôi cụt. Để đánh dấu tình bạn kể từ lúc đó được xác nhận, cả hai con đã ký tên ngay vào dưới một gốc cây cùng một chỗ.
Không, ông cảnh sát là người tốt, ông ta rất thích chó, trong chuyện này thì không đánh lừa, không bịp được Bim đâu.
Và thế là nó cứ chạy, lần theo đường xe điện, nhưng chạy lánh sang bên, vì vẫn nhớ là chớ có đi trên đường tàu: nó kẹp chân cho đấy.
Đến chỗ cuối đường tàu, nó chạy vòng quanh toa xe điện và dừng lại ở trạm đỗ. Nó ngồi một chỗ, nhìn: mọi người xung quanh đều phúc hậu cả. Thế là tốt. Từ đấy nó đã cùng Ivan lvanưts qua đường đi đến chỗ có chiếc bảng đen trên cột. Bim lững thững đến đó và ngồi xuống ngay cạnh hàng người chẳng đông lắm đang đứng chờ xe buýt. Nó quan sát kỹ: ở đây cũng không có người xấu.
Khi xe đến hàng người xếp hàng từ từ vào cửa. Bim lóp ngóp đi theo sau cùng, đứng như một con chó biết điều.
- Mày đi đâu? - Người lái xe gọi to. Chợt gã nhìn Bim lại một lần nữa và reo lên: - Khoan, khoan đã, tao với mày là chỗ quen biết thì phải!
Bim nhớ chính xác đây là cái ông bạn đã nhận tờ giấy nhỏ ông chủ mình đưa cho.Và nó vẫy đuôi.
- Nhớ ra chưa, tấm lòng chó! - Người lái xe thốt lên, suy nghĩ một lát, gã gọi Bim vào buồng lái. - Lại đây với tao!
Bim ngồi đó, nép vào kính xe để khỏi vướng đến người khác, trong bụng hồi hộp: đúng là cái ông lái này đã có lần chở nó và chủ vào rừng đi săn.
Chiếc xe buýt gào lên, gào lên, chạy, ầm ầm chạy, chạy mãi tới các bến, nơi mà nó vẫn cùng chủ đi xuống để vào rừng, chiếc xe im bặt. Thế là Bim cuống cuồng lên! Nó cào cào cửa, kêu rít lên, van xin, nước mắt rưng rưng: “Thả tôi ra. Tôi cần xuống đây”.
- Ngồi yên đấy! - Gã tài xế nghiêm giọng nạt nó. Bim đành phải tuân theo. Chiếc xe lại gào lên. Trong hành khách có một ông tiến đến chỗ người lái xe, chỉ trỏ Bim và hỏi:
- Chó của anh à?
- Vâng, của tôi, - gã lái xe trả lời.
- Đã được luyện chưa?
- Chưa nhiều... nhưng khôn lắm. Nom đây này. Nằm xuống!
Bim nằm.
- Anh có bán không? Con của tôi chết mất rồi, mà tôi đang cần chăn đàn cừu.
- Ừ bán đấy.
- Bao nhiêu?
- Hai lăm tờ.
- Ừ hữ! - Người hành khách thốt lên và bỏ đi, vỗ vỗ vào tai Bim, lẩm bẩm: - Con chó được đấy, được đấy.
Những tiếng tốt đẹp đó đối với Bim rất là quen thuộc, những tiếng chủ nó vẫn nói. Nó vẫy đuôi chào người lạ mặt.
Giờ đây Bim hoàn toàn không biết mình đi đâu. Nhưng ngồi trong buồng máy nhìn qua lá kính chắn gió, nó quan sát con đường đang đi, như mọi con chó lần đầu tiên đi đến một nơi mới: bản năng của chó là thế, nhờ đó nó không bao giờ quên đường về. Ở con người, cái bản năng này đang mất dần đi theo năm tháng, hoặc đã mất từ lâu rồi. Thật là uổng. Cái khả năng không quên đường về là rất có lợi.
Đến một bến xe buýt, Ông Phúc Hậu có mùi cỏ xuống xe; gã tài cũng bước xuống, để Bim lại trong buồng lái. Bim theo dõi họ, không rời mắt. Kìa, gã lái chỉ về phía Bim, khoác tay lên vai ông Phúc Hậu, còn ông này mỉm cười rút trong túi ra những tờ giấy nhỏ và đưa cho anh lái, sau đó khoác ba lô lên vai, đi vào buồng lái, tháo dây lưng ra, móc vào cổ đề Bim và nói:
- Nào, ta đi thôi! - Đi được vài bước ra khỏi xe, ông ngoái lại hỏi:
- Tên nó là gì nhỉ?
Anh lái nhìn Bim dò xét rồi nhìn người mua, trả lời với giọng tự thống nhất:
- Tai Đen.
- Con chó này xem ra không phải của anh thì phải? Nói thật đi!
- Của tôi mà, của tôi. Tai Đen, đúng mà. - Rồi anh ta lái xe đi.
Thế là Bim bị bán lấy tiền.
Nó hiểu rằng vừa rồi đã xảy ra một việc không ra sao, thực không ra sao. Nhưng con người có mùi cỏ kia thì rõ ràng là người phúc hậu, và Bim lẽo đẽo bên ông buồn bã và hoang mang. Cả hai bước đi, lặng lẽ, rồi đột nhiên ông kia quay sang nói trực tiếp với Bim:
- Không, mày không phải tên Tai Đen: không ai đặt tên cho nó như vậy. Mà nếu tìm thấy chủ mày, thì ông ta phải đền tao mười lăm rúp. Có phải không?
Bim nhìn ông ta, đầu ngoẹo sang một bên dường như muốn nói: “Tôi không hiểu nổi ông đâu”.
- Còn mày, chú em ạ, mày xem ra là con chó khá đấy, thông minh.
Lại một lần nữa ông ta nói những tiếng mà chủ nó đã bao lần nhắc tới. Giờ đây Bim vẫy đuôi tỏ vẻ biết ơn sự trìu mến đó.
- Thôi, đã như vậy thì hãy ở với tao, - ông ta kết luận.
Rồi cả hai lại đi tiếp. Trên đường đi Bim đôi lần cứ định níu lại, kéo căng dây dắt và nó đưa mắt chỉ về phía sau (Buông tôi ra! Tôi không đi đến đó đâu).
Ông kia dừng lại, vuốt ve con chó và nói:
- Đành thôi... Đành thôi, mày ơi!...
Thực ra thì dễ như bỡn: chiếc thắt lưng kia chỉ cắn một hai cái là đứt đôi. Nhưng Bim hiểu: cái dây sinh ra là để dẫn nó đi, để nó không đi quá xa hoặc quá gần, ở một khoảng cách thích hợp. Và nó thôi không yêu sách nữa. Lúc đầu hai thầy trò đi theo đường rừng. Cây cối đứng trầm ngâm và lặng lẽ - trần trụi, lạnh lẽo, im lặng vì giá rét. Cỏ trong rừng khô úa, tả tơi, nhàu nát và thảm hại. Bim buồn quá là buồn.
Rồi lại đến những cánh ruộng mới gieo trải ra thành một tấm thảm mềm mại và vui tươi. Trong lòng Bim cũng phần nào nhẹ đi. Cảnh vật thoáng đẹp, bầu trời rộng mở, tiếng huýt sáo vui vẻ của người đi bên cạnh. Thế này mà đi bên Ivan Ivanưts thì bao giờ cũng thích. Nhưng khi con đường chạy vào khu đất đã ngả ải thì lại cảm thấy kém vui đi: đất xám xịt có lẫn những hạt vôi trắng, mặt ruộng không còn lấy một cục đất to sót lại. Có cảm giác như đất đã chết, đôi chỗ còn ngắc ngoải - cánh ruộng bị cày bừa tơi tả, bị bào mòn.
Ông kia rời đường, bước xuống mảnh đất đã cày ải, và thở dài.
- Hỏng mất, người anh em ạ. - Ông ta nói với Bim. - Thêm một hai cơn bão đen nữa là thất bát hết. Hỏng bét cả, anh bạn.
Tiếng “Hỏng bét, anh bạn” thì Bim rất quen thuộc do thường nghe thấy Ivan Ivanưts nói. Nó biết rằng tiếng đó nghĩa là buồn bã, bi đát hoặc “có cái gì đó không ổn”. Còn tiếng “bão đen” nó cho là “tai đen” trong một cách diễn giải mà nó chưa biết. Chuyện này có dính líu đến ruộng đất thì nó vượt ra ngoài tầm nhận thức của nó. Rõ ràng ông kia đã đoán ra như vậy.
- Dĩ nhiên, mày là chó, mày không hiểu được gì đâu nhưng còn nói với ai được nữa? Tao chỉ có than thở với mày thôi, Tai Đen ạ. Khoan đã! - Ông nhìn Bim nói tiếp: - Thôi cứ cho tên mày là Tai Đen đi. Tai Đen nghe cũng hợp với chó. Vấn đề tự nó cũng nói lên như thế.
Ờ thì sao nhỉ? Khi còn chưa đi tới đầu làng, Bim đã biết rằng giờ đây tên nó là Tai Đen: Ông ấy cứ trìu mến nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
- Tai Đen, hay lắm! Hoặc: Giỏi lắm, Tai Đen, mày đi ngoan đấy. - Hoặc tương tự như vậy, nhưng cứ một điều hai điều “Tai Đen!”.
Vậy là người ta vì tiền mà đã bán đi cái tên Bim hiền lành của nó. Cũng may là Bim không biết được điều đó, cũng như không biết chuyện chỉ vì những tờ giấy kia mà con người có thể bán cả danh dự, lòng trung thành và trái tim đi. Thật là phúc cho chó đã không biết đến điều này.
Nhưng Bim giờ đây buộc phải quên cái tên mình đi. Biết làm sao được - nghĩa là phải như vậy thôi. Có điều là nó không lúc nào quên người bạn của mình - ông Ivan Ivanưts. Cho dù cuộc sống đã khác đi rồi, hoàn toàn không giống như trước nữa, nhưng nó không thể nào quên được ông.

Chương 11

Tai Đen sống ở làng quê

Làng quê, nơi người ta đưa Bim đến, quả đã làm cho nó rất đỗi kinh ngạc. Ở đây cũng có người ở nhưng mọi cái đều khác với nơi nó sinh ra và lớn lên. Nhà thì nhỏ, dựng ngay trên mặt đất, không có qua một gầm cầu thang nào, chẳng thấy những điểm có nhiều bậc, các cánh cửa không kêu lách cách ổ khóa. Ban đêm cửa ngõ thực ra có cái then bên trong. Mọi nhà đều lợp bằng những tấm màu tro đè lên nhau. Sáng ra, cùng một lúc, nhà nào cũng có làn khói bay lên cao, nhưng nó không tỏa ra và cũng không bay đâu cả mà chỉ đứng tại chỗ, ngang tầm nhau, xếp thành hàng đều đặn, lặng lẽ và yên bình, không một tiếng động.
Nhưng cái đáng ngạc nhiên nhất đối với Bim (nay là Tai Đen) là ở chỗ nơi đây cùng chung sống với người còn có cả những loài súc vật và chim chóc: bò, ngỗng, cừu, lợn, mà với chúng, đâu có thế bắt quen ngay được. Súc vật có nhà riêng, dựng ngay đằng sau nhà của người ở, mái phủ cái bằng rơm rạ, cái lau sậy và được rào lại thành tường thưa thớt không cao lắm, bằng những cây sào và cành khô ken vào nhau. Và không ai đụng chạm ai. Người không đụng đến súc vật, chim chóc; và súc vật không đụng đến người, chẳng ai dùng súng bắn ai.
Ngày đầu tiên người ta lót cỏ khô cho Bim nằm ở trong góc phòng ngoài. Ông kia lấy dây cột Bim lại một chỗ, cho ăn rất ngon, rồi khoác áo tơi đi đâu không biết. Cho đến hết ngày, Bim sống một mình, trong sự ắng lặng hoàn toàn. Đến gần tối nó nghe thấy tiếng chân cừu khua rào rào trên nền đất, nghe tiếng cừu đi vào sân, tiếng rống lên trong chuồng (nó muốn xin cái gì đó). Ngay sau đó ông kia về, nhưng lần này đi cùng một chú bé, khoác áo mưa, chân đi ủng, đầu đội mũ, tay cầm chiếc sào dài. Mặt thằng bé cũng nâu nâu như mặt Ông Phúc Hậu, và người nó có mùi cừu.
- Này Aliôsa, nhìn anh bạn mới của ta đây này! - Ông kia nói với đứa bé.
Họ đến sát tận chỗ Bim.
- Bố ơi! Nó có cắn không?
- Không, loại này không cắn đâu, con ạ. Úi chà, Tai Đen! Con Tai Đen này là con chó khôn đây. - Rồi ông ta vỗ nhẹ lên sườn nó.
Bim nằm yên và cảnh giác nhìn thằng bé. Thằng bé cũng vuốt ve nó.
- Tai Đen... Tai Đen ơi.... - Rồi quay sang ông kia hỏi: - Bố ơi, thế thả nó có đi không?
- Đợi ít lâu đã - Ông bố bước lên cửa, đi vào nhà.
Bim đứng dậy, rồi lại ngồi xuống, chìa chân cho thằng bé, như muốn nói: “Xin chào, bạn là người tốt”.
- Bố ơi! - Thằng bé reo lên. - Bố ơi! Ra đây mà xem!
Ông quay lại.
- Chào Tai Đen! - Thằng bé chìa tay ra.
Bim chào một lần nữa. Cả hai đều hài lòng ra mặt về thái độ lễ phép của con chó. Những giây phút làm quen đầu tiên rất hệ trọng đối với Bim. Nó đã biết được rằng người dẫn nó đến đây tên là Bố, còn cậu bé là Aliôsa. Ngay những con chó bình thường, không có gì trội bật cũng có thế nhận ra tên tuổi của người, huống chi là Bim... Khỏi nói! Chúng ta đã biết nó là con chó như thế nào rồi.
Sau đó, chập tối có một người đàn bà đi tới. Người này ăn mặc lạ lắm: đầu chít hai khăn, chiếc áo bông trên người căng ra như cái trống, quần cũng hệt như người đàn bà phúc hậu mà nó gặp trên đường sắt làm công việc đóng đinh trên đường ray. Nhưng ở người này lại có mùi đồng ruộng và mùi củ cải (loại củ ngọt lịm mà đến cả Bim có lần thử cũng chẳng chê). Bà ta đi vào nhà, nói gì với những người đàn ông trong đó, rồi lập tức thình thịch đi ra, qua phòng ngoài, bước ra sân, tay cầm chiếc xô. Bây giờ Bim xác định thêm được một điều, mà không cần rời khỏi chỗ nằm, là có một lối từ cửa phòng ngoài thông ra đường, còn cửa thứ hai thì mở ra chỗ đàn gia súc, cửa thứ ba vào nhà. Nhưng nó không lần đến được những cửa đó - vì sợi dây không buông tha nó. Đó là tất cả những gì Bim tạm quan sát thấy.
Nó lại nằm xuống.
Từ ngoài sân phả đến mùi cừu nồng nặc. Cừu là cái gì? - Điều này Bim biết đã lâu rồi. Như trước đây Bim nghĩ thì những con vật này sống theo đàn, đi lang thang ngoài đồng và không làm gì cả, chỉ có ăn và kêu be be. Bên chúng bao giờ cũng có một người mặc áo mưa bằng vải bạt cầm sào dài ở đầu có móc. Một người như thế đã có lần đến chỗ Bim và Ivan Ivanưts khi hai thầy trò đang ngồi nghỉ cạnh đống cỏ khô. Ông ta bắt tay chủ nó. Đi cùng với ông còn có một con chó to, lông xù. Nó tiếp Bim với một thái độ hiếu chiến. Thoạt đầu nó chạy xổ đến chỗ Bim và sủa nghe kinh người. Bim liền nằm ngửa ra, chân chổng lên trời mà nói: “Chuyện gì thế? Tớ có tội tình gì?”.
Hẳn là thái độ tế nhị đã chiến thắng tính thô bạo. Con Xù sau khi đánh hơi Bim, liếm vào bụng nó, rồi lảng ra không xa, ký lia lịa vào phiến đá. Bim cũng làm y như vậy. Tóm lại điều này có nghĩa là: chung sống hòa bình. Và rồi trong lúc ông chủ Bim nói chuyện với chủ con Xù, thì hai con chó nô đùa với nhau, chơi trò chơi chạy đuổi, trong đó Bim tỏ ra nhanh nhẹn hơn, khéo léo hơn, thật xứng đáng với sự kính nể hiện ra mặt của anh bạn mới quen biết. Đến lúc chia tay nhau (thì phải đi theo chủ chứ!), chúng đến ngửi ngửi phiến đá và đưa mắt nhìn nhau, ý nói:
“Thỉnh thoảng ra đây chơi nhá!” - Bim nói rồi chạy đi
“Chao ôi, trăm công nghìn việc...” - Xù đáp và lê bước về với đàn cừu, đầu cúi gằm.
Chuyện hồi ấy là như thế. Thế mà bây giờ lại thấy xông lên mùi cừu. Trước cái mùi gợi đến những kỷ niệm xưa ấy, Bim không thể không nhớ đến Ivan Ivanưts. Nằm trong gian phòng ngoài của người lạ, ở nhà người lạ, trong bóng tối chạng vạng, chẳng có người, Bim cảm thấy buồn ơi là buồn.
Sau đó nó lại nghe thấy có tiếng gì re re va vào thành sắt, như tiếng nước chảy: Gi-gi! Gi-gi!
Bim chưa biết đó là tiếng gì. Gi-gi! Gi-gi! Cái tiếng lạ tai bỗng im bặt, rồi ngay sau đó từ ngoài sân người đàn bà đi vào, tay vẫn cầm chiếc xô. Từ trong xô bốc ra mùi sữa. Mùi thơm kỳ lạ! Hồi ở thị xã, Bim chưa đánh hơi thấy mùi sữa như thế này lần nào - cũng là sữa nhưng mùi thì khác, điều đó là chính xác. Ở thị xã sữa không có mùi tay người, không có hương thơm của các loại cỏ khác nhau và hoàn toàn không có mùi bò - kỳ lạ là ở chỗ ấy. Còn ở đây tất cả các mùi đó hòa lẫn vào với nhau thành một hương vị ngây ngất, có sức hấp dẫn lạ lùng, thơm ngát mùi hoa hồng. Chúng ta sẽ không bàn cãi nhiều vì con người đôi lúc còn phân biệt được sữa này với sữa kia, huống chi đối với Bim của chúng ta, vốn đã có cái mũi thính thượng hạng, sao lại không ngạc nhiên trước cái mùi đó được, cái mùi mà trong đó có mùi bàn tay người pha hòa với hương thơm của hoa và cỏ. Chính thế mà Bim đã đứng nhổm ngay dậy và lại còn vẫy đuôi chào đón người đàn bà kia nữa. Nhưng chắc gì bà ta đã hiểu được niềm hân hoan của Bim. Tiếc rằng suốt bốn năm trong cuộc đời mình, Bim chưa lần nào nhìn thấy người ta vắt sữa ra sao. Mà sữa thường vẫn có mùi bò. Sự mơ hồ nào đó vẫn lảng vảng trong nhận thức của Bim. Như vậy là Bim vẫn còn đôi điều chưa biết. Vả lại thiếu gì những cái mà bất kỳ con chó nào cũng không biết được. Điều này không có gì đáng xấu hổ cả. Còn nếu như có chàng chó nào lại nói rằng, chẳng hạn, nó biết tất, và tự tin là có thể dạy bảo kẻ khác biết nên làm gì và làm như thế nào, và cần chạy đi đâu, thì quả thật ngay đến ả gà mái cũng chẳng tin đâu, dù chàng ta có khác hơn ả, nhưng vẫn không tin. Tôi xin thưa với các bạn rằng các loại chó ấy là có. Ví như giống chó Xcôt-teriê, các bạn nhìn mà xem, nó làm ra vẻ trong cái đầu cục gạch của nó đầy những tư tưởng đủ các loại (Râu này! Ria mép lòng thòng và lông mày này! Y như một triết gia!). Nhưng sự thực nó là con chó rỗng tuếch, nó ra lệnh, nó mắng mỏ chủ nhà hết ngày này sang ngày khác, như bị tâm thần, nó giở đủ trò, nhưng kết quả là thế nào? Không có tí gì hết. Chỉ được cái mẽ ngoài thôi! Còn bên trong nhẹ bỗng, hoặc nói chung rỗng tuếch.
Nhưng không, Bim là chuyện khác. Nó có một tâm hồn cởi mở và thẳng thắn. Nếu điều gì không biết thì thể hiện ngay ở thái độ: Cái gì đã không biết thì nói là không. Không ưa ai, nó nói ngay “Anh là người tồi, đi ngay khỏi nơi đây! Gâu!”. Và đôi lần nó sủa nghe đến là… - lạy Chúa!
Nhưng có ai đó từ ngoài đường bước vào đẩy toang cửa một cách dứt khoát.
“Ai?” - Bim hỏi bằng một tiếng đồng nghĩa. “Gâu”
Người mới đến từ nhà ngoài nhẩy bắn trở lại. Ông bố trong nhà chạy ra, bật đèn hỏi:
- Ai đó?
- Tôi đây, đội trưởng đây! - Người lạ mặt trả lời.
Rồi ông bước vào phòng ngoài. Chủ khách bắt tay nhau (có nghĩa là bạn bè - không nên sủa) và tiến đến chỗ con Bim.
Ông bố ngồi xổm xuống, vuốt ve Bim, nói:
- Mày giỏi lắm. Tai Đen ạ! Giỏi lắm! Biết việc đấy. Con chó ngoan lắm. - Ông ta cởi dây thả nó vào phòng.
Cái quan trọng nhất là: trong phòng có một ả gà mái chân thọt, Bim nhằm thẳng nó mà sấn đến, đứng khựng lại, nâng một cẳng trước lên, nhưng với một vẻ hơi do dự, như thế là nó nói với những người có mặt ở đây: “Con chim này là thế nào? Thế này đâu có được nhỉ…?”
- Trông kìa: bác đội trưởng! - Ông Bố reo lên. - Đã bảo là con chó vàng, chó ngọc mà. Con Tai Đen này, thật được mọi vẻ!
Nhưng do ả gà mái không thèm để ý tí gì đến Bim, nên Bim đành ngồi xuống, nhưng vẫn liếc trộm ả, cái đó diễn giải ra ngôn ngữ chó thì thành những câu ngắn gọn, đầy hàm ý:
“Liệu liệu đấy… Ra kia! Rồi mày biết tay tao!”, và nó đưa mắt dò hỏi những người có mặt.
- Nó cũng không đụng đến con gà! - Aliôsa khoái trá. Bim nhìn vào mặt thằng bé, chăm chú theo dõi.
- Mắt nó! Mẹ ơi! Mắt nó kìa! Như mắt người ấy. - Aliôsa thích quá. - Tai Đen, lại đây! Lại đây!...
Lẽ nào Bim lại không hưởng ứng niềm vui chân tình ấy! Nó bước đến chỗ Aliôsa và ngồi xuống cạnh.
Họ ngồi quanh bàn chuyện trò. Ông Bố mở chai, Bà Mẹ đưa thức ăn lên. Ông đội trưởng uống cạn chén rượu. Ông Bố cũng vậy, rồi Bà Mẹ cũng thế. Aliôsa không hiểu sao không uống, chỉ ngồi ăm giăm bông và bánh mì. Thằng bé quăng mẩu bánh ra giữa sàn nhà, nhưng Bim không nhúc nhích khỏi chỗ (đáng lẽ phải nói “Ăn đi”).
- Con chó thông minh thật, - ông đội trưởng mặt đỏ bừng nhận xét, - bánh mì nó không ăn.
Ả gà mái tập tễnh nhảy ra và tha đi mẩu bánh mì dành cho Bim. Mọi người phá lên cười, riêng Bim thì vẫn chăm chú nhìn Aliôsa: nó đâu có thể cười được một khi sự hiểu biết lẫn nhau không có ngay cả trong bầu không khí thân tình đi nữa.
- Aliôsa, khoan đã, - Ông Bố nói, ông đặt mẩu bánh mì xuống sàn, đuổi con gà đi, và quay về phía Bim, bảo nó: - Ăn đi! Tai Đen! Ăn đi!
Bim tiến lại ăn miếng bánh ngon lành và vui vẻ, mặc dù nó đã no bụng.
Ông đội trưởng cũng đặt miếng giăm bông xuống như thế
- Không được! - ông Bố nói chặn.
Bim ngồi yên. Ả gà mái nghiêng nghiêng, ngó ngó, tập tễnh đến gần miếng giăm bông, nhưng mới định mổ thì Bim phì phì dọa, mõm nó chỉ tí nữa là húc vào ả. Con gà lẩn ngay vào gầm giường.
Tóm lại, một cảnh tượng thật ngộ nghĩnh.
- Tai Đen, ăn đi! - Ông đội trưởng cho phép, Bim lễ phép đến ăn miếng giăm bông.
- Đủ rồi! - ông Bố kêu to. Ông nói oang oang, và rượu vào lại càng trở nên hiền hậu hơn: - Con Tai Đen này quả là một kỳ quan siêu thường! - Và ông còn ôm hôn nó nữa.
“Những người tốt đây”, Bim nghĩ bụng. Nó còn thấy thích cả bộ ria mép của ông Bố, bộ ria mà nó cảm thấy mềm mại, mịn như tơ lúc ông ôm hôn nó.
Tiếp sau là một cuộc nói chuyện, trong đó nó chỉ hiểu có độc một tiếng: “Cừu” - thế nhưng nó xác định được ngay rằng hai người đàn ông này bắt đầu tranh cãi với nhau.
- Nào, ông Khrixan Anđrêvits, ta vào việc thôi, - ông đội trưởng đặt tay lên vai ông Bố, nói. - Cừu có cần ăn hay không?
- Cần chứ, - ông Bố đáp, - nhưng chỉ có điều là hạn của tôi đã hết. Hạn của tôi là đến ngày Lễ xá tội, mà ngày Lễ xá tội thì qua rồi.
- Cừu là cừu cá nhân, của riêng, không phải của chung nông trang, nhưng chúng cũng cần được nuôi vỗ. Nông trang viên nói rát tai tôi lắm: Tuyết thì chưa có, thức ăn ở dưới chân vẫn còn nhiều, cho nên cần chăn dắt chúng ra bãi cho đến khi có tuyết.
- “Chăn dắt cho đến khi có tuyết”. Thế ông bảo tôi là mình đồng da sắt à? Thằng Aliôsa cũng da sắt à?
- Thì hãy cứ đến mùa tuyết đã, ông Khrixan Andrêvits ạ, - người đội trưởng khắng định, - chúng tôi sẽ trả lương gấp đôi. Hiểu chưa?
- Tôi không làm đâu, - ông Bố cũng khẳng định.- Bà nhà tôi để chua cả củ cải ra rồi. Cần phải đỡ bà ấy một tay chứ. Còn ông thì cứ một mực: “Cho đến khi có tuyết”.
Nhưng cuối cùng họ vẫn đập vào tay nhau đi đến thỏa thuận hoàn toàn và đã chấm dứt chuyện “chăn cừu cho đến khi có tuyết”. Rồi cả ba cùng tiễn chân ông đội trưởng ra ngoài cửa, quên khuấy Bim đi.
Ờ thế thì nó cũng đi ra cửa, chạy một vòng quanh sân rồi dừng lại bên hàng rào, đứng đó, hít hít mùi hơi cừu, cái mùi gắn với một trong những kỷ niệm về người thân thương duy nhất của nó. Và nó ngồi xuống phân vân.
Đêm. Đêm mùa thu ở làng quê tối tăm, vắng lặng, lẩn tránh mùa đông mặc dù vẫn chuẩn bị chờ đón nó. Về cái đêm ở đây Bim chưa hay biết một tí gì cả. Vả lại nói chung thì chó không thích đi lang thang trong đêm tối (trừ phi là những con chó vô chủ, tránh né người, mất lòng tin vào người). Nhưng Bim... Còn nói gì nữa! Lúc này Bim đang hoang mang. Nhưng Aliôsa, Aliôsa cũng là một cậu bé tốt bụng đáo để.
Tiếng gọi của Aliôsa đã cắt đứt sự hoang mang của Bim. Cậu bé lo ngại gân cổ lên gọi:
- Tai Đe-en!
Bim chạy lại và theo sau chủ vào phòng ngoài. Aliôsa đặt nó vào ổ, chèn thêm cỏ khô vào hai bên sườn, vuốt ve nó, rồi bỏ đi ngủ.
Mọi vật đã lắng xuống. Chẳng thấy tiếng xe điện, lẫn tiếng ô tô buýt, cũng như còi tàu.
Không có gì là quen thuộc cả.
Bắt đầu một cuộc sống mới. Hôm nay Bim mới vỡ lẽ ông Bố còn có tên Khrixan Anđrêvits và cũng là người cha, Bà Mẹ là Petrôvna. Còn Aliôsa vẫn là Aliôsa.
Ngoài ra đối với ả gà mái thì nó không khinh, nhưng cũng không tôn trọng: theo kiểu suy luận của chó thì đã là loài chim tất phải biết bay, mà con này chỉ toàn đi chân thôi, do đó ả không xứng đáng được kính nể, coi như con chim không có cánh, hơn nữa lại có tật. Nhưng cừu kia kìa: có cái gì làm Bim bỗng nhớ đến Ivan Ivanưts; người Aliôsa cũng toát ra mùi cừu... Người bà Petrôvna thì mùi ruộng đất và củ cải, mà những hương vị như thế lúc nào cũng làm cho Bim hồi hộp. Biết đâu Ivan Ivanưts chẳng cũng sẽ đến đây.
Nằm ấm sực trong đống cỏ thơm phức, Bim ngủ thiếp đi. Nằm trong cỏ ấy, cái cỏ mà hương thơm làm cho miệng tự nhiên nở ra nụ cười thì cả đến con người cũng ngủ thiếp đi ngay, và cũng do hương thơm của thứ cỏ khô còn tinh tươm ấy mà trong mắt người thấp thoáng hiện ra một màu xanh da trời trước lúc chợp mắt. Mũi Bim tinh hơn mũi người nhiều, cho nên mỗi sắc thái tinh tế của cái hương thơm ấy đều làm nó khuây khỏa, dịu bớt nỗi đau buồn.
Tiếng gà gáy đã làm Bim thức giấc. Đã nhiều lần nó được nghe tiếng gà gáy rồi, nhưng chưa lần nào gần như thế. Mà tiếng con gà này gáy lại sát bên tường, oang oang, ngân dài và kiêu hãnh: “Cúc cù cu cù u.u.ù...”. Thế là tất cả gà trống trong làng đều cùng lên tiếng hưởng ứng nó. (Về sau Bim đã nhận ra là con trống ấy lĩnh xướng và những con như thế thường hay cáu kỉnh). Bim ngồi đấy và nghe thứ âm nhạc kỳ lạ ấy, nó lan xa đi khắp làng thành từng làn sóng, lúc gần, lúc xa, tùy thuộc ở chỗ đến lượt con nào gáy tiếp, có lẽ thế chăng. Còn tiếng gáy cuối cùng, lẻ loi, là tiếng gáy của một anh gà nhãi nhép bất lực nào đó, nghe khàn khàn, cụt lủn, chẳng ra vẻ gì một anh gà trống đáng kính trọng cả. Sau này với thời gian, Bim đã phân biệt được rằng chính những con gà trống ấy là những con hèn nhát, thậm chí đã bỏ chạy trước những chú gà trống khác đột nhập vào địa phận sân nhà mình, mặc dù theo luật của cuộc sống xã hội loài gà thì con nhát gan này có nhiệm vụ phải bảo vệ cuộc sống yên bình cho bầy gà mái được nó cai quản. Thế mà vị thần tượng ấy lại bỏ chạy. Cũng chính vị này thường lại bắt nạt một cách không thương xót các con gà con ở đâu đến - nó mổ chúng, cái đồ khốn khiếp ấy. Phàm đã là con gà trống chưa mất hết ý thức về phẩm giá riêng thì không bao giờ lại đi mổ gà nhép ở đâu lạc tới cả. Chính con gà đó đã gáy sau cùng và chỉ gáy khi xem ra nó đã yên chí là mình không gáy nhầm giờ. Cũng vì vậy mà người ta thường gọi loại gà trống nhãi ấy là con hoạt đầu, còn Bim thì chỉ thấy buồn cười mà thôi. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng nhìn chung do thiếu kinh nghiệm, Bim không thể nào hình dung nổi là có người lại đi dựa vào cái con gà ẽo ợt, dở trống dở mái ấy mà xem giờ giấc.
Bim lại nằm xuống, ngủ gà ngủ gật. Chợt giọng cầu kinh nổi lên, lan ra từ đầu này đến đầu kia, bay đi khắp làng. Bim lại ngồi lên và nghe với một cảm giác vô cùng thú vị. Sau đó đến lần thứ ba, tiếng cầu kinh càng to hơn, mạnh hơn và quả thật là trang trọng hơn. Chà, hát hay thật! Thế mới gọi là hát chứ! Nhưng người ta đang làm gì ở cái nơi xa xa nào ấy nhỉ? Chịu, không thể đoán ra được. Tạm thời Bim chưa thể biết được đó là bản hợp xướng nhiều bè ở trại gà vịt của nông trang, theo những nốt nhạc không viết ra thành bài bản, một hợp ca của các chàng gà trống bảnh trai, đầy vẻ tự tin, lông trắng phau như bọt nước. Lúc đó, nếu không bị giam cầm ở phòng ngoài, nhất định Bim sẽ chạy đi xem và đến gần thêm chút nữa để thưởng thức điều kỳ thú kia. Nhưng phòng ngoài là cái lồng giam nó.
Qua khe cửa, một tia nắng thu màu tím nhạt lách dần vào một cách yếu ớt, tí một. Bim đứng dậy, đi quanh phòng dò xét: một cái thùng đựng thóc, ở góc phòng là cái cót đựng bắp, góc đằng kia là bắp cải. Hết.
Bà Pêtrôvna tay cầm xô bước ra. Bim chào bà. Bà đi ra sân, Bim cũng ra sân theo gót. Bà ngồi xuống cạnh con bò, Bim cũng ngồi xuống gần đấy. Những tia sữa va vào thành xô bật thành tiếng, Bim giậm giậm hai chân trước tỏ vẻ ngạc nhiên: sữa! Con bò cái đứng yên, mồm cứ nhai nhai, chẳng có gì cũng cứ nhai. Cái bầu sữa đáng yêu, sống động, với những núm vú đã mở miệng, dường như thì thầm, róc rách.
Bà Pêtrôvna vắt sữa xong, gọi Bim lại (“Tai Đen”), đổ cho một bát sữa và nói: “Không được”, đứng một lát, bà lại nói: “Uống đi”; và cất tiếng cười đôn hậu, rồi vội vã vào nhà.
Ôi lạy Chúa, sữa đâu mà tuyệt đến thế! Một thứ sữa âm ấm, thơm phức thôi thì đủ các thứ hương vị, nào cỏ, nào hoa, nào đồng nội. - Tất cả hòa lẫn vào nhau và (lần này thì chính xác trăm phần trăm) cả mùi bàn tay người của bà Pêtrôvna nữa chứ. Không phải mùi tay người nói chung, như chiều qua Bim cảm thấy từ xa.
Bim đã uống hết, liếm đi liếm lại, rồi làm vệ sinh buổi sáng, sau đó nhanh chóng chạy đi quan sát khắp sân.
Ả bò cái tiếp nó với niềm tin tuyệt đối, thậm chí còn liếm lên đầu nó. Vì thế mà Bim cũng lấy lưỡi chạm vào cái mũi ram ráp, thơm phức mùi sữa của ả.
Bầy cừu phía đằng sau tấm vách giậm chân gõ móng như đe dọa Bim, nhưng rồi cũng trấn tĩnh lại ngay, khi đã xác đinh được rằng Bim không hề có ý đồ gì gây hấn cả. Ả lợn nái cùng với hai chú ỉn con thoạt đầu không thèm để ý gì đến Bim, chỉ cứ ủn ỉn chuyện trò với nhau một cách mỉa mai, mà cũng chẳng buồn động đậy nữa, mặc dầu đã quay cả đầu ra phía Bim, ngay sát chấn song cửa. Lũ bốn chân tiếp đón Bim như vậy đấy. Nhưng sang đến bọn gà thì, ối chao ôi! Thực ra không phải cả bọn gà mà chính là con gà trống đó. Vừa bay từ trên hàng giậu xuống là nó lập tức vỗ cánh và càu nhàu dữ tợn: “Cục cục - cục - cục”. Rồi lao luôn vào Bim như một con diều hâu. Chú gà trống đỏ với cái mào cũng đỏ dùng ngực và cựa xông vào đánh chó (các chú gà trống là như vậy đó!). Bim gầm gừ đáp lại và vung cẳng đá một cái thẳng thừng. Thì vào đúng cái tích tắc ấy chú gà xõa cánh ra, cúi rạp đầu chạy ra góc sân, tới chỗ bọn gà mái đang túm tụm lại thành một đám nhớn nhác những khán giả ủng hộ chú. Chú bỏ chạy trước Bim một cách vô cùng nhục nhã, nhưng khi quay trở lại lao vào Bim đã lại hảo hán rồi; mà còn quát tháo nữa chứ: “Để tôi cho nó một trận! Biết tay ông! Biết tay ông!”. Bọn gà mái đem hết sức gà ra đồng thanh công nhiên cổ vũ chú gà trống. Các bạn nghĩ thế nào nhỉ? Muốn nói gì thì nói, Bim chưa từng bao giờ được thấy một con chim xông vào đánh chó một cách dũng cảm như vậy. Và cái đó dẫu sao cũng đã nói lên một điều gì rồi.
- Cái gì mà loạn xạ lên thế? - Khrixan Anđrêvits ở trong nhà bước ra sân, hỏi và bảo lũ gà: - Chúng bay, im mồm! Cái bọn nỏ mồm này làm chó sợ. - Ông cầm lấy cổ dề Bim, dắt nó đến chỗ lũ gà, đứng ở đấy với Bim một lát rồi thả nó ra.
Bim bỏ đi và ngoái đầu lại: Kệ xác chúng mày!
Từ đó gà trống, gà mái không lại gần con chó nữa. Bảo sợ thì đặc biệt chúng không sợ, nhưng cứ cái kiểu một ả nọ kêu lên cục cục, rồi lảng ra xa nhường lối cho Bim đi. Còn Bim thì thế nào? Bọn gà này chỉ đi, không bay, không bơi. Thêm nữa chẳng ai bắn chúng, - có nghĩa chúng không phải là chim, thôi thì cứ tạm gọi là một giống vật rất buồn cười. Con gà trống thì tất nhiên, coi bộ được đấy: nó bay lên mái nhà này, nó báo động có người lạ đến này, chưa biết chừng còn sớm hơn cả Bim, và nó lại chỉ huy chững chạc nữa: bắt được giun nó không ăn, mà gọi bọn bề dưới đến, thậm chí có khi còn phân chia cho chúng. Vì vậy chú gà trống hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu của mình.
Do một tuần nay Bim tạm thời chưa được thả ra khỏi sân nên coi như mặc nhiên đã trở thành người đứng đầu ở đây: nó cứ nằm giữa sân và đưa mắt theo dõi. Bọn gà thì đến ngày thứ tư nó đã thuộc mặt tất và khi có ả gà mái nào bay qua hàng rào vào thì nó đuổi, đuổi đến mức ả kia còn phải cục ta cục tác hồi lâu, lúc thì chạy quáng quàng, lúc thì quay lại đứng giậm chân tại chỗ, sợ hãi và tò mò nhìn quanh. Nực cười, không hơn không kém!
Có một chú ỉn con, chú này đã tự mình ngỏ ý làm thân: Chú đã đến bên Bim, kêu ịt ịt, khe khẽ chạm cái mũi ươn ướt vào cổ Bim và nhìn chó ta bằng đôi mắt nhỏ trắng dã, hơi đần đần. Bim liếm vào mũi nó. Chú ỉn vô cùng hài lòng. Chú nhảy cẫng lên thích thú rồi cứ loanh quanh bên Bim, dũi đất ngay dưới chân nó. Bim độ lượng dịch sang chỗ khác, nhưng chú ỉn lại đi theo: chú làu bàu cái gì chẳng rõ (giống lợn và giống chó không hiểu được nhau, chẳng khác gì những người ngoại quốc vậy), và lại còn nằm dựa vào cái lưng ấm áp, có lớp lông tơ mịn màng của Bim. Bởi thế nên một hôm trời lạnh, Bim thấy ớn ớn người (cửa vào phòng ngoài ban ngày đóng kín) cả nhà chẳng ai ngạc nhiên khi thấy Bim chen vào nằm giữa bầy lợn con trong lớp ổ mềm, được sưởi ấm cả hai bên sườn. Cái tình hữu ái đó không những không bị lợn mẹ phản đối, mà ngược lại, mỗi lần Bim bước vào nơi ở của chúng, lợn mẹ còn rên lên ồm ồm, vì trong lòng dào dạt tình tương thân tương ái, chứ hoàn toàn không phải vì đau đớn. Vả lại cái đặc điểm ấy của ngôn ngữ lợn, Bim đã nắm được một cách không khó khăn gì, mặc dù sau này trong khoa ngôn ngữ nó chẳng tiến thêm được bước nào nữa. Có lẽ biết ngôn ngữ cũng chưa phải là quan trọng đến thế. Chó và lợn là hai giống khác nhau về mọi mặt, tuy nhiên cái đó cũng không cản trở chúng sống hòa thuận và yên bình.
Người ta cho Bim ăn rất ngon, thế nhưng, ngoài cái đó ra, bầy lợn con đã lớn, cao bằng nửa Bim, cũng không phản đối nếu Bim đôi khi có nếm thử thức ăn của chúng trong máng. Mỗi sáng Bim được uống gần lít sữa, ở đây từng ấy không thấm vào đâu. Tưởng như đối với chó thì còn cần gì nữa? Thế nhưng sân vẫn là sân, vẫn là cái chuồng trại có hàng rào vây kín, cửa lớn cửa bé lúc nào cũng đóng kín mít. Đâu phải việc của chó săn là nằm một chỗ, canh giữ đàn gà, dạy bảo lợn con, - không, không phải vậy, nhất là Bim của chúng ta, con chó có tài đánh hơi xuất sắc như mọi người đã biết.
Giờ đây nó đã quen thuộc với mảnh sân, với cư dân của cái sân đó, nó chẳng lấy gì làm ngạc nhiên trước cuộc sống no đủ này. Thế nhưng mỗi lần gió từ ngoài đồng cỏ thổi đến, Bim lại thấy bồn chồn đi đi lại lại từ hàng rào này đến hàng rào kia, hoặc đứng thẳng lên trên hai chân sau, vịn vào hàng rào đó. Ý như muốn vươn lên cao, dù chỉ đôi chút, nhìn lên bầu trời, nơi có bồ câu đang bay lượn, nhẹ nhàng và tự do. Có cái gì day dứt trong lòng, và nó lờ mờ đoán ra rằng sự no đủ và đối đãi tử tế vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất.
Ôi, bồ câu ơi, bồ câu, chúng bay đâu có biết gì về một con chó no đủ trong cảnh ngộ bị nô lệ!
Bim còn cảm thấy rằng lòng tin đối với nó không có, vì người ta không chịu thả nó ra. Cứ sáng sáng Khrixan Anđrêvits cùng với Aliôsa, mình khoác áo mưa, tay cầm gậy, lại xua đàn cừu ra khỏi sân và đi với chúng suốt cả ngày. Còn Bim có muốn xin thế nào cũng vẫn bị để lại trong sân.
Thế rồi một hôm, Bim đang nằm, thò mõm ra ngoài hàng rào, thì thấy ngọn gió đem tin đến: có đồng cỏ, xa hơn tí nữa ở đâu đó lại có cả rừng. Thế ra tự do ở ngay sát nách nó! Nó nhìn vào khe rào - một con chó chạy ngang qua. Đến lúc này thì nó không thể chịu được nữa, liền ra sức đào bới, lao động cật lực: chân trước đào móc đặt dưới bụng, chân sau hất đất ra xa; toác cả móng vẫn cứ đào bằng được, sức yếu dần cùng mặc.
Không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, nhưng khi Bim đào đã gần xong thì đàn cừu về tới sân. Chúng nhìn thấy đất dưới chân rào cứ bắn vọt lên, thì ùa trở lại phía cổng, nơi Aliôsa đang đứng sau khi lùa đàn cừu ở đồng cỏ về. Các con cừu xô ngã Aliôsa và theo dọc đường chạy tán loạn, chạy như điên. Aliôsa rượt đuổi theo chúng. Còn Bim thì không để ý gì hết, cứ đào miết.
Chợt Khrixan Anđrêvits đi đến, túm lấy đuôi nó. Bim nằm lặng đi trong lỗ, như chết rồi.
- Mày buồn hả Tai Đen? - Khrixan Anđrêvits hỏi, khẽ giật đuôi nó, dường như mời Bim quay trở lại.
Bim bò lùi lại. Còn làm sao được nữa một khi đã bị kéo đằng đuôi.
- Mày sao thế, Tai Đen? - Khrixan Anđrêvits ngạc nhiên, đứng tránh sang bên, thờ thẫn. - Mày hóa dại rồi sao?
Mắt Bim hằn lên các tia máu, nó rùng rùng mình, cái mũi lắc lắc bên này bên kia, và thở gấp, dường như vừa kết thúc một cuộc săn căng thẳng. Nó bồn chồn chạy khắp sân, rồi lại đến cào cào cổng rào, mắt nhìn ngước lên Khrixan Anđrêvits.
Ông ta đứng giữa sân, suy nghĩ lung lắm. Bim tiến đến chỗ ông ta rồi ngồi xuống và nói bằng mắt hết sức rành mạch: “Tôi cần ra ngoài kia, ra ngoài trời, thả tôi ra đi, thả đi!”. Nó khẩn khoản rướn bụng lên và rít khe khẽ thiểu não, khiến Khrixan Anđrêvits phải cúi xuống vuốt ve nó.
- Ôi chà, Tai Đen ơi, Tai Đen! Đến chó cũng muốn tự do. Không được đâu! - Rồi ông gọi Bim vào phòng ngoài, đặt nó nằm trên cỏ khô, lấy dây xích nó lại và đem đến cho Bim một bát thịt.
Thế là hết. Buồn quá! Cuộc sống no đủ, nhưng thiếu tự do đã làm cho Bim chán ngấy.
Nó không đụng đến bát thịt.

Chương 12

Ngoài đồng ruộng. Cuộc đi săn khác thường. Bỏ trốn

Sáng sáng, như thường lệ, trong nhà Khrixan Anđrêvits mọi việc vẫn diễn ra theo một trật tự đã định: chiếc dây cót của một ngày lao động bắt đầu chạy từ hồi gà gáy lần thứ ba, tiếng gáy cuối cùng, sau đó là tiếng bò rống, bà Pêtrôvna đi vắt sữa bò và đốt lò, Aliôsa đi ra vuốt ve con chó bây giờ đã trở nên vật yêu quý của nó. Ông Bố đi cho bò và lợn ăn, vãi thóc lép cho gà, xong mọi việc thì tất cả ngồi vào bàn dùng bữa sáng. Buổi sáng hôm ấy Bim không động đến món sữa thơm phưng phức, mặc cho Aliôsa dỗ dành, năn nỉ. Rồi trong lúc bố mẹ mải làm nhưng công việc trong nhà, Aliôsa xách nước rửa máng bò và lại một lần nữa đến nài nỉ Bim ăn, gí mũi nó vào tận bát sữa, nhưng, than ôi, đột nhiên Bim trở nên gần như hoàn toàn xa lạ. Phân công xong công việc Khrixan Anđrêvits đi mài một con dao to tướng và cài lên phía trên cánh cửa.
Khi nắng đã lên, Pêtrôvna cuộn mình vào trong bộ quần áo dày cộp, cuốn khăn quàng vào đầu, cầm lấy cái túi và con dao to tướng mà ông Bố đã mài sẵn và ra đi. Aliôsa và Ông Bố, mình khoác áo mưa, theo sau bà đi ra sân và nghe rõ tiếng họ dồn đàn cừu ra đường.
Chẳng lẽ họ bỏ mặc Bim ở lại một mình mà còn cột chặt trong phòng ngoài lờ mờ sáng ư? Bim không kìm nổi, nó tru lên cay đắng và tuyệt vọng. Đột nhiên cánh cửa từ ngoài đường mở ra. Khrixan Anđrêvits bước trở vào, cởi dây cho Bim, dắt nó ra ngoài, rồi khóa trái cửa lại, tiến về phía đàn cừu, nơi đang có Aliôsa đứng chờ. Ông Bố chuyền tay cho cậu con trai sợi dây buộc Bim, rồi ông tiến lên phía trước đàn cừu, vừa đi vừa quát:
- Đi thôi, đi thô... ôi!
Đàn cừu nối đuôi ông di chuyển dọc theo đường cái. Cứ qua mỗi sân nhà lại có lúc thì năm lúc thì mười con ra nhập đàn, và đến cuối làng đàn cừu đã trở thành một bầy cừu khá đông. Ông Khrixan Anđrêvits vẫn tiếp tục đi đầu, còn đằng cuối là Aliôsa cùng với con chó.
Buổi hôm ấy trời băng giá, khô hanh, đất dưới chân rắn cứng, gần như đường nhựa thị xã, nhưng gồ ghề hơn. Thậm chí đã có tuyết trút xuống dày đặc, che khuất trong chốc lát vầng mặt trời chẳng có thế cũng đã lạnh lẽo rồi, nhưng tuyết lại tạnh đi ngay. Đó chẳng còn là mùa thu nữa, nhưng cũng chưa phải mùa đông, mà chỉ là lúc giao thời thấp thỏm, khi ngày một ngày hai nữa là mùa đông trắng toát xuất hiện, được ngóng đợi, nhưng bao giờ cũng tới một cách bất chợt.
Lũ cừu nhộn nhịp gõ móng và kêu be be, chuyện trò với nhau bằng cái ngôn ngữ lê thê của chúng, cái ngôn ngữ mà quả thật đố ai hiểu nổi. Để ý nhìn, Bim thấy: ở phía trước bầy cừu còn có con cừu đực, sừng xoắn tít, từng bước từng bước theo sát gót ông Khrixan Anđrêvits, đi sau rốt, ngay trước mặt Aliôsa là con cừu con chân thọt. Aliôsa chốc chốc lại lấy cái móc trên đầu gậy đẩy nhẹ con cừu bé nhỏ để nó không tụt lại xa đàn, và khi đó thằng bé lại réo lên:
- Bố ơi, nhẩn nha một chút! Con thọt không theo kịp đâu!
Ông già chậm bước, nhưng không quay lại, cả bầy cũng theo ông giảm bớt tốc độ. Bim bước đi có dây dắt. Nó thấy ông Bố có vai trò quan trọng đối với bầy cừu như thế nào, thấy chúng nhất nhất theo từng cử chỉ nhỏ của ông, thấy Aliôsa nhanh nhẹn và chăm chú theo dõi lũ cừu cả phía sau lẫn phía hai bên. Đây kia, một chú cừu tách ra khỏi đàn, miệng gặm cỏ vàng, chân bước lảng đi sang một bên. Aliôsa dắt Bim chạy lên và quát:
- Đi đâu thế ki-i-i-ia?! - Và ném cái gậy về phía trước mặt nó.
Con cừu quay trở về. Lập tức, phía bên trái, lại có ba con định bộc lộ tính tự lập và lảng ra chỗ có cái mảng xanh. Aliôsa cũng đã kịp thời dồn chúng về vị trí cũ. Bim nhanh chóng hiểu ra rằng không một con cừu nào được tách ra khỏi cái khối cộng đồng này, và lần sau theo Aliôsa chạy đi, Bim đã lên tiếng sủa vào con đang vi phạm trật tự và kỷ luật chung: “Gâu! Gâu! Gâu!”. Cũng bằng một giọng hiền lành giống như Aliôsa, nó cảnh cáo con vật vi phạm kỷ luật, ý muốn nói: “Đi đâu thế kia?!”
.- Bố ơi, nghe thấy chưa bố! - Aliôsa reo lên.
Ông Khrixan Anđrêvits ngoái lại, hô to tán thưởng:
- Cừ lắm, Tai Đen!
- Tản ra... a! - Chân bước chậm lại, ông đi cắt ngang trước mặt đội hình đàn cừu.
Aliôsa cũng làm giống như bố, nhưng ở phía đằng đuôi này. Nó đi rảo bước, đôi lúc chạy, dồn đàn cừu lên chỗ Khrixan Anđrêvits. Thế là đàn cừu từ từ giãn rộng ra, dàn thành hàng ngang không dày quá ba bốn lớp, vừa tản ra vừa không ngừng gặm cỏ. Bây giờ Khrixan Anđrêvits đứng quay mặt lại với đàn cừu, đưa mắt quan sát đội hình, và đứng bên ông là con cừu đâu đàn. Ông lấy trong túi ra một ổ bánh mì, gọt cùi đi, rồi chẳng hiểu sao lại đưa cho cừu. Bim không thế hiểu được tại sao con cừu đâu đàn ấy nhất thiết không được sợ, mà phải yêu người chăn cừu, bởi vậy, trong cái không thông hiểu của nó, Bim chỉ đơn giản thấy ở đó sự khẳng định Ông Bố là người phúc hậu, thế thôi. Nhưng Ông Bố, nói cho công bằng, còn là một người ranh mãnh nữa kia - con cừu đầu đàn đi theo ông ta đôi khi như một con chó và bao giờ cũng đáp lại lời ông. Tất nhiên, đâu phải cái thứ Bim đi sâu vào được những cái bí quyết của người chăn cừu.
Còn Khrixan Anđrêvits thì hiểu rất rõ là đối với một đàn cừu không lớn, con cừu đực đầu đàn ngu ngốc, ương bướng, nhất lại là nếu không có chó, dễ có thể dẫn cả đàn đi không biết sẽ đến nơi đâu, khi chỉ cần nhác quên đi chốc lát: chợp mắt, ngủ gà ngủ gật do mệt mỏi hay bị say nắng. Nhưng không, con cừu đầu đàn này thật đặc biệt, đã được tập luyện, cho nên cả như Bim cũng thế, nó đón nhận với một tinh thần ân ái.
Khrixan Anđrêvits ngậm tẩu hút thuốc và bảo Aliôsa:
- Đừng dồn, con, đừng dồn nữa, ở đây cỏ tốt.
Bạn đọc thân mến, bạn sẽ nghĩ gì đây? Chăn dắt cho cừu ăn đến tận cuối thu là một việc quả thật sáng suốt và khôn ngoan, nhưng nếu không biết thì chỉ trong vòng một tuần có thể chết đến nửa đàn, cho dù ngay cả khi có thức ăn tốt: chúng sẽ xéo bừa lên cỏ và cũng chả ăn được bao lâu. Còn nếu sành sỏi thì ngay trên một bãi chăn loàng xoàng cừu cũng vẫn cứ ăn no và béo tốt. Khrixan Anđrêvits chăn dắt đàn cừu ở khu vực hoang mạc rất khôn khéo, cho dù cả nơi ven đô thị và ngay trước đầu máy kéo, lúc người ta đang ngả ải. Muốn vậy đòi hỏi phải có tài năng nhất định lẫn uy tín và tình thương yêu súc vật. Chăn cừu là công việc nặng nề, nhưng thực ra là việc làm đẹp đẽ, vì người chăn cừu tự cảm thấy - mà đôi khi cũng chẳng để ý gì đến chuyện đó - mình là một bộ phận nhỏ bé, khăng khít của thiên nhiên, đồng thời là chủ, là ân nhân của nó. Thực chất là ở chỗ đó. Nhưng xin bạn đọc thứ lỗi cho, tôi đã quên khuấy đi chốc lát chuyện con Bim của chúng ta và nói lạc sang con người sống trên đồng ruộng vào lúc cuối thu.
Như vậy là đàn cừu thi nhau gặm lớp cỏ ngắn rào rào, nhịp nhàng đến nỗi tất cả quyện vào nhau thành một thứ âm thanh đều đều, bình yên và thanh thản. Lúc này Ông Bố và Aliôsa đã gần nhau, nói thường cũng đủ nghe, không cần phải thét to như lúc nãy, khi còn đứng cách xa nhau. Aliôsa cất tiếng hỏi:
- Bố ơi, thả Bim ra nhé!
- Ừ, cứ thử xem sao. Bây giờ thì chả cần giữ nó nữa: được tự do thì ai còn bỏ đi làm gì. Thả nó ra đi! Nhưng đầu tiên hãy để nó đấy, nô với nó một lúc đã - đừng làm cừu sợ.
Aliôsa đợi cho đàn cừu đã đi cách xa, bèn cởi dây cho Bim và vui vẻ hô lên:
- Tai Đen, chạy đi! - Rồi nó lao luôn từ trên đồi xuống bờ dốc, nhảy tung lên, gót giầy nện lộp cộp.
Bim vô cùng mừng rỡ. Nó cũng nhẩy cảng lên, vừa chạy vừa cố liếm má Aliôsa, lao sang một phía, rồi quay trở lại, phóng như tên bay trong niềm hân hoan được hoàn toàn tự do. Rồi nó ngoạm lấy một cái que, phi lại chỗ Aliôsa, ngồi xuống ngay trước mặt chú bé. Aliôsa cầm lấy que, ném về một phía và nói:
- Đem lại đây, Tai Đen!
Bim đem que lại và đưa cho chủ. Aliôsa lại ném đi một lần nữa, nhưng lần này không lấy từ mõm Bim ra, mà trèo ngược dốc lên trên cao, chạy đến chỗ đàn cừu rồi ra lệnh:
- Tai Đen! Giữ lấy, đem theo đây!
Bim chạy theo sau Aliôsa, mõm ngậm chiếc que. Đến khi cả hai đã lên đến đỉnh đồi, Aliôsa thay chiếc que bằng cái mũ của mình và đặt vào mõm Bim. Con chó ngậm cái mũ trong lòng vui vẻ. Aliôsa chạy lon ton và nhắc lại:
- Tai Đen, đem lại đây, mày giỏi lắm, tốt, tốt lắm.
Nhưng tới gần đàn cừu thì cả hai bước nhẹ nhàng. “Đừng làm cừu sợ”.
Aliôsa ra lệnh:
- Đưa cho bố!
Khrixan Anđrêvits chìa tay ra. Bim đưa cho ông. Một tài năng mới của Bim đã bất ngờ tự bộc lộ ra trước mắt hai cha con người chăn cừu. Cả ba thầy trò đều hoan hỉ.
Rồi chỉ trong vòng một tuần, không hơn, Bim đã tự mình, bằng chính óc thông minh của mình, đi tới chỗ hiểu được rằng nó có một nhiệm vụ: bắt những con cừu vô tổ chức quay về đàn, theo dõi cừu khi chúng được thả vào hàng nhưng không có ý kiến gì khi chiều chiều, trở về làng, chúng tản về các nhà thành từng tốp nhỏ.
Bim đã bắt quen được với hai con chó canh giữ đàn cừu của nông trang do ba người chăn dắt, cả ba đều là người lớn và đều mặc áo mưa. Mặc dù hai đàn cừu của nông trang với của nông trang viên thường không xáp gần nhau, lẫn lộn với nhau, nhưng trong những khi dừng chân ngắn ngủi lúc mùa thu trên bãi chăn, Aliôsa thường vẫn chạy đến chỗ các bác chăn cừu của nông trang và Bim cũng theo nó đến với mấy con chó của nông trang. Những con chó hay: màu vàng nhạt, lông mượt, to, nhưng hiền, điềm tĩnh.
Chúng chơi với Bim cũng điềm tĩnh và kẻ cả, đi quanh đàn cừu chúng bước lặng lẽ, thong thả chứ đâu như Bim (nhẩy cẫng lên, hoặc phóng như bay), đầy ý thức tự trọng của giống chó. Bim thích chúng. Và cừu của chúng cũng hay.
Một cuộc sống lao động tự do đã bắt đầu cho cả Bim nữa. Cho dù cả ba thầy trò lúc trở về đều mệt lử nên cứ đi lẳng lặng, nhưng đó là tự do, là sự tin cậy lẫn nhau. Một cuộc sống như vậy thì ngay cả đến chó cũng chẳng khước từ.
Thế rồi một hôm bỗng tuyết đổ xuống, gió nổi lên, quay cuồng, xoáy lốc, Khrixan Anđrêvits, Aliôsa và Bim dồn cừu thành vòng tròn. Ở lại một lát rồi xua đàn về làng đang lúc giữa buổi. Tuyết trắng trên lưng cừu, tuyết trên vai người, tuyết trên mặt đất. Tuyết trắng khắp nơi. Cánh đồng chỉ thấy độc một màu tuyết trắng, ngoài ra không còn gì nữa cả. Mùa đông đã đến, trút xuống từ trời cao.
Có thể Khrixan Anđrêvits đã cho rằng một con chó như Bim thì không nên ngủ với lợn, hoặc xích, cũng có thể còn vì lí do nào khác nữa, nên bây giờ Bim được chuyển vào ngủ đêm trong một ngôi nhà nhỏ bé vô cùng ấm áp, được dựng ngay trong căn phòng ngoài, một cái cũi độn đầy cỏ khô mềm mại.
Chiều chiều nó đi ra đi vào như một thành viên của gia đình và chơi ở đó cho đến sau bữa cơm tối.
- Chả lẽ đã mùa đông rồi sao? Sớm quá. - Khrixan Anđrêvits có lần nói với bà Pêtrôvna như thế.
Họ luôn mồm nhắc đến tiếng “mùa đông” trong lúc trò chuyện. Họ có điều gì đó đang băn khoăn. Còn Bim thì đã biết: mùa đông, đó là tuyết trắng và lạnh.
Chiều hôm ấy bà Pêtrôvna đi về, người phủ đầy tuyết, ướt át, mặt bị gió sưng tấy lên. Bim thấy bà cởi quần áo, tay run lập cập, miệng rên hừ hừ. Hai tay bà bị nứt nẻ, đỏ ửng, những vệt bùn còn bám ở tay, to bằng lòng bàn chân của Bim. Sau đó bà nhúng tay vào nước ấm, rửa ráy sạch sẽ và xoa dầu cao rất lâu, mồm xuýt xoa liên tục, còn Khrixan Anđrêvits nhìn bà Pêtrôvna, vẻ như xót xa điều gì. (Nhìn nét mặt ông, Bim không thể không nhận thấy).
Sáng hôm sau, ông mài dao thật sắc, rồi cả bốn rời nhà ra đi: bà Pêtrôvna, Khrixan Anđrêvits, Aliôsa và Bim. Lúc đầu họ đi trên đồng bằng phẳng, phủ một lớp tuyết mỏng - dày khoảng nửa bàn chân Bim, không hơn, cho nên đi lại vẫn dễ dàng. Bốn bề vắng lặng và lạnh lẽo. Sau đó họ đến một cánh đồng có nhiều đống củ cải chất cao, lá xếp chìa ra ngoài, lớp trên cũng phủ lá, để thành hàng thành lối. Bên đống củ cải nào cũng có mấy người đàn bà, ăn mặc như Pêtrôvna và hì hụi làm việc, im lặng và chăm chú.
Bốn thầy trò cùng đi đến một đống như vậy, ngồi vây quanh xuống đó. Bim chăm chú nhìn xem cái gì sẽ xảy ra. Bà Pêtrôvna cầm lấy cuống lá, lôi củ cải ra khỏi đống, nhanh nhẹn xoay phần củ về phía mình và phập! Dao múa lên, lá bay vèo. Lại tiếp tục: phập, phập!
Ngay sát đầu củ. Củ cải nhẵn nhụi. Rồi bà ném sang bên, ngay gần mình, Khrixan Anđrêvits lặp lại răm rắp tất cả những gì bà ta làm. Aliôsa cũng vậy, mà lại còn khéo hơn Ông Bố nữa.
Công việc chạy đều. Phập, phập! Đi đời cái cuống lá. Phập phập! Củ cải nhẵn nhụi. Bịch!
Củ cải được ném ra thành đống khác, đã sạch bong.
Gần đó, bên một đống củ cải giống như thế, có người đàn bà ngồi làm một mình và cũng làm y như vậy. Ở đống tiếp theo cũng thế, nhưng đã lại có hai ba người cũng làm. Và cứ như thế trên khắp cánh đồng: củ cải chất thành đống, những người đàn bà ăn vận ấm áp, hai bàn tay nứt nẻ, mặt mũi sưng húp vì lạnh. Mọi người làm việc hoặc đeo găng vải bạt mỏng, hoặc để tay trần. Phập phập! Cụt lá. Phập phập! Cụt lá. Phập phập! Vứt dao xuống, miệng hà hơi vào bàn tay cho đỡ cóng, xoa xoa tay, rồi lại tiếp tục: phập phập! Củ cải sạch bong. Y như máy!
Lạnh. Ngồi theo dõi dao chặt, Bim bắt đầu thấy cóng, vì vậy nó đứng dậy, rũ người và bước đi xem xét loanh quanh, không rời quá xa. Ấm người lên rồi, nó quay về chỗ cũ, mặc dù trong lúc nó đi có nhiều bà gọi nó đến, mời mọc (cả làng đều biết tiếng Tai Đen là thế nào rồi). Cái người đàn bà từ nãy vẫn ngồi thui thủi làm một mình - nom trẻ, nhưng gày đét - bước tới chỗ thầy trò nó. Chị ta than thở điều gì đó, xỉ mũi xuống đất, rồi ngồi xuống cạnh bà Pêtrôvna và chìa tay cho bà xem. Bà Pêtrôvna cũng giơ cho xem tay mình. Chị ta buồn bã, ho sù sụ, ôm hai bàn tay đi găng vào ngực và lặng đi. Tên chị là Natalia.
Bà Petrôvna: phập, phập! Ông Anđrêvits: phập, phập! Aliôsa: phập, phập! Rồi hà hơi vào tay, rồi xoa xoa lên má. Bà Pêtrôvna: phập, phập. Rồi bỗng: bộp. Từ mắt người phụ nữ đau khổ kia những giọt nước mắt rơi xuống lá cải. Chị lấy găng tay bưng mặt và quay về đống củ cải của mình.
- Lạy Chúa phù hộ! Khéo cảm lạnh đấy, con ạ! - Bà Pêtrôvna nói với Aliôsa; bà bước lại chỗ thằng bé sửa chiếc khăn ấm dưới mũ cho nó; giắt khăn vào trong cổ và cởi thắt lưng vải gai của mình, thắt ngang chiếc áo choàng bằng lông thú của con.
Bim cũng rúc mũi vào cái áo choàng lông của Aliôsa như muốn giúp bà Pêtrôvna một tay.
Nhưng Bim xác định ngay: Aliôsa hoàn toàn không lạnh như người ta tưởng, ngược lại chú ta còn ấm hơn cả Ông Bố và bà Pêtrôvna. (Gì chứ, chuyện này thì Bim nhạy cảm hơn người nhiều)
- Bố bảo này, Aliôsa, - ông Khrixan Anđrêvits miệng nói tay chặt, làm nhanh bằng hai người. (Bim vểnh tai nghe ngóng). - Đi ra chạy với Bim một lúc cho nóng người lên tí!
Thế là Bim chạy trước, thằng bé chạy sau trên cánh đồng củ cải, đất đã cứng lại vì băng giá. Chúng chạy cắt ngang cánh đồng. Aliôsa nóng bừng người lên, nó bỏ cả mũ, cởi cả khăn, nhét khăn vào ngực rồi lại đội mũ vào, vén tai mũ lên.
Bên cạnh dải rừng, trong đám cỏ vàng rậm rịt, Bim đứng sững lại, hít hít đánh hơi, rồi lại phóng như con thoi. Rồi, rất bất ngờ đối với Aliôsa, nó đứng khựng lại.
Cậu bé chạy đến chỗ nó:
- Gì thế, Tai Đen?
Bim đứng bất động và chờ lệnh. Aliôsa cũng ang áng hiểu ra là chuyện gì.
- Xông vào! Xông vào!
Bim chờ nghe cái tiếng thần kỳ. “Tiến lên”. Nhưng Aliôsa lại càng quát to hơn: - Xông vào!
Bim tiến dần và xua cho đàn gà gô bay lên. Chẳng nghĩ lâu la, Aliôsa cùng Bim chạy trở về.
Bim nhận thấy rằng lại một lần nữa hai bên không hiểu nhau. - Aliôsa không biết cách nói của Ivan Ivanưts - nhưng mặc dù vậy Bim vẫn chạy bên cạnh chủ. Còn thằng bé thì chạy về mặt đỏ ửng, thở hổn hển, kể lại cho bố mẹ nghe chuyện con Tai Đen đã tìm thầy gà gô như thế nào và nó đã “xuỳ” đàn gà ra sao.
- Tai Đen là giống chó săn mà, nó tài lắm - Khrixan Anđrêvits khen ngợi - Ta mà có súng nhỉ, Aliôsa! Đi săn ngay, phải không?
Súng? Đi săn? Những tiếng đối với Bún quen thuộc và thân thiết biết bao! Nó hiểu thế là thế nào.
Bim vẫy vẫy đuôi, đến mơn trớn Aliôsa, ông Khrixan Anđrêvits và bà Pêtrôvna, nó nói bằng ngôn ngữ của nó, rành mạch và rõ ràng. Nhưng chẳng ai ở đây hiểu nó, chẳng ai đi lấy súng, mà chẳng ai lại đi săn không súng. Bim ngồi xuống sau lưng Aliôsa, nép sát vào áo choàng ngoài của thằng bé và ngẫm nghĩ - ít ra thì nom vẻ nó là như vậy.
Cho tận tối, mọi người mới trở về nhà, mỏi mệt và rét mướt. Vài ngày sau họ thôi không ra làm củ cải nữa - thầy trò đã làm xong khu đất của mình rồi.
Bây giờ bà Pêtrôvna không đi đâu cả và rõ ràng là lấy làm bằng lòng lắm. Bà ta suốt ngày cứ loay hoay hết việc này đến việc nọ. Tắm rửa cho bò, giặt quần áo, lau sàn nhà, thái bắp cải, đánh bơ, đốt lò, nấu nướng, đạp máy may, vá quần vá áo, đưa máng cho bò - không sao đếm xuể. Bim nằm theo dõi công việc của bà.
Một người phụ nữ ăn mặc gọn gàng, tay cầm sách, đến gọi Aliôsa và trách móc bà Pêtrôvna (nhưng Bim thấy không có vẻ gì giận dữ cả). Cả hai từ nhắc đi nhắc lại mấy tiếng: “Aliôsa”, “cửa”, “củ cải”. Sáng ngày hôm sau, từ sáng sớm Aliôsa đã cắp sách ra đi và thế rồi ngày nào cũng biến đi như thế. Khrixan Anđrêvits cứ đến giờ lại vác cào đi đâu, khi trở về người đầy mùi phân chuồng.
Có một lần vào buổi chiều tối bình thường, lúc cả nhà sum họp ngồi ăn cơm tối thì có một người bước vào: cao, to, xương xẩu, mặt bành bạnh, nhưng đôi mắt thì nhỏ như mắt chồn, đầu đội mũ lông chồn. Bim nhận thấy ông Khrixan Anđrêvits nhìn người đang bước vào nhà mà không chào hỏi, không rời bàn, chỉ đứng dậy mời khách, không giống như mọi lần, và cũng không đưa tay ra bắt.
- Khỏe chứ. - Khách cũng chẳng bỏ mũ ra, thản nhiên nói.
- Klim đấy à? Chào anh! - Khrixan Anđrêvits đáp lại. - Ngồi chơi!
Gã ngồi xuống ghế băng, cuốn một điếu thuốc to tướng rồi nhìn Bim hỏi:
- Con Tai Đen đây đấy hả? (Bim vểnh tai lên). Chó không cho đi săn thì hỏng chó, hoặc nó bỏ đi mất. Bán đi: tôi trả hai lăm rúp.
- Đây không phải của đem bán, - Khrixan Anđrêvits kết thúc bữa ăn tối, rời bàn đứng dậy nói.
Ngồi cách gã vài ba bước, Bim dễ dàng nhận thấy: ở người ông khách này tỏa ra mùi thỏ. Nó tiến lại, đánh hơi, vẫy đuôi và nhìn vào bộ mặt chụp cái mũ lông chồn, theo ngôn ngữ của Bim thì thế có nghĩa là “Biết rồi: Thợ săn”.
- Thấy chưa? - Klim hỏi - Con Tai Đen đã đánh hơi thấy đương sự của nó là ai. Bán đi, tôi bảo mà.
- Không bán được đâu, anh Klim ạ. Không bán là không bán. Chuyện lâu rồi, ngày đầu chính thằng Aliôsa nhà tôi cũng không biết đâu, tôi đã nộp ba rúp cho Ban biên tập tờ báo tỉnh nhờ đăng thông báo: “Có một con chó săn, bị lạc, thân trắng, tai đen”. Sau đó nhận được thư trả lời: “Xin đừng thông báo nữa. Chúc cho nó sống đến cõi”. Chuyện sẽ ra sao, tôi không rõ, nhưng cảm thấy đây là con chó rất giá trị, cần được bảo vệ.
- Bác làm chết nó mất. Bán đi, - Klim cố nài và bắt đầu nổi nóng.
- Không nói lôi thôi nữa, - Khrixan Anđrêvits cắt ngang. - Thế này nhé: lúc nào đi săn thì đến lấy, nhưng phải trả ngay trong ngày. Để cho Tai Đen giữ được truyền thống của nòi giống, theo quy chế thì nó phải như vậy.
- Bởi thì nó không phải loại chó đem bán, - Aliôsa nóichen vào.
- Thế thì thôi, - Klim bất mãn kết thúc câu chuyện, tay vỗ lên u vai Bim rồi đi ra.
Sau bữa cơm tối, dưới ánh đèn dầu, Khrixan Anđrêvits chọc tiết con cừu non, rồi treo hai chân sau lên móc, lột da nó ra, moi ruột, rửa cả khối thịt, rồi đem vào trong kho để đến sáng.
Cả buổi tối, bà Pêtrôvna lúc thì xếp trứng vào làn, lúc thì dồn vào hộp hoặc rót bơ đun chảy vào chai, sau đó bà cẩn thận xếp tất cả vào làn đi chợ đan bằng cói trắng.
Đến bây giờ Bim phát hiện ra rằng tất cả những thứ đó (cừu non lột da, trứng, bơ, làn cói) đều xông lên mùi chợ thành phố. Nó làm gì mà chả biết! Nó đã nghiên cứu toàn thành phố từ đầu chí cuối trong lúc đi tìm lvan Ivanưts. Và Bim thấy bồi hồi xúc động: chợ búa, phố xá, làn cói, căn phòng riêng của nó - tất cả gắn liền đến một chuyện: ở đó có Ivan lvanưts. Đêm đó nó không chợp được mắt.
Sáng ra còn tinh mơ, ông Khrixan Anđrêvits đã bọc súc thịt cừu cứng đờ vào cái bao bố sạch sẽ, buộc chung quanh bằng dây rồi vác lên vai. Bà Pêtrôvna móc hai cái làn vào đòn gánh, nhấc bổng lên, đặt vào vai. Bim năn nỉ xin. Nó nói rõ ràng, kiên trì thuyết phục ông bà chủ: “Tôi cần phải đi mà. Tôi ra ngoài ấy với. Cho tôi đi theo”.
Không một ai hiểu nỗi đau khổ của nó. Hơn nữa, khi xốc súc thịt lên vai, ông Khrixan Anđrêvits còn nói thêm:
- Aliôsa giữ Tai Đen lại, kẻo nó chạy theo bố mẹ bây giờ.
Aliôsa nắm lấy cổ dề, giữ nó trên bậc thềm nhà. Còn Ông Bố, Bà Mẹ mỗi người một gánh nặng, bước chầm chậm ra phía đường cái, đến trạm ô tô đỗ. Bim tiễn họ bằng ánh mắt, không chú ý đến sự vuốt ve và dỗ dành của Aliôsa. Nó dõi nhìn cho đến khi họ đi khuất.
Lát sau, Klim tới, mang theo súng và ba lô. Trên người gã không có túi săn, dây băng đạn (sự trang bị thiếu sót ấy Bim nhận thấy ngay). Nhưng dù sao vẫn có súng! Vấn đề là ở chỗ đó. Bim tin tưởng nhoai đến chỗ người đi săn và lập tức xác định được là có đạn để lộn xộn trong túi quần. Cũng là sai cung cách. Nhưng quan trọng vẫn là khẩu súng. Nó có thể theo người cầm súng đi bất cứ đâu. Lâu hay chóng cũng đi. Bản chất của chó săn là như vậy và Bim không phải ngoại lệ: nỗi buồn nhớ nhung Ivan Ivanưts của nó, trỗi dậy trong cái ngày cuối cùng này, đã tạm thời lắng xuống, thậm chí thế đấy. Trước khẩu súng, Bim chỉ là con chó săn thông thường, không nên buộc tội nó về sự thiếu lô gích trong suy nghĩ. Nó tìm ra chân lý chỉ bằng thực tiễn, mặc dù nó là con chó thông minh nhất trong các con chó. Nó đã trải và còn phải trải qua nhiều đau khổ chỉ vì nỗi nó là con chó. Chúng ta chẳng nên kết tội nó.
- Nào, đi thôi, Tai Đen! Đi săn! - Klim nói.
Bim nhảy cẫng lên trước mặt gã. “Đi săn! Đi săn”. Klim cầm sợi dây da buộc nó, dẫn đi, còn Aliôsa thì căn dặn:
- Chú Klim này, khi nào Tai Đen đứng lại, kéo đi, rồi đứng sững lại là lúc đó có gà gô đấy. Khi ấy phải hô lên: “Xông vào!”. Không thì nó cứ đứng nguyên tại chỗ đó.
- Thật à!
- Thật đấy! Cháu biết mà, - Aliôsa trả lời chững chạc. - Cháu còn phải học bài, chứ nếu không cháu sẽ đích thân hướng dẫn cho chú.
- Cũng biết sơ sơ rồi. Đâu phải lần đầu, - Klim nói. Thế là sau một thời gian dài gián đoạn và trải qua bao nỗi khổ, Bim lại được đi săn. Lúc đầu họ chẳng gặp được gì cả, ngoài một hang chồn hôi rình.
- Đào đi, - Klim quát.
Bim chưa biết tiếng đó, nó đi rẽ ngang sang một bên và băn khoăn ngồi xuống. Đến giữa trưa thì trời ấm áp hẳn lên. Có nắng, lớp tuyết mỏng đã tan ra, dưới chân lép nhép bùn. Lông chân Bim bị ướt và bết lại, nó trông thành gầy guộc, khó coi, như mọi chó săn bị ướt. Nhưng Bim dò tìm, theo đúng mọi quy tắc - lao như con thoi lên phía trước Klim, rẽ ngang, thỉnh thoảng đứng dừng lại kiểm soát. Đến rìa một bụi gai, Bim phát hiện ra gà gô, dừng lại.
Klim quát:
- Xông vào!
Giật nẩy mình vì tiếng la ồm ồm, Bim chồm tới chỗ đám gà làm chúng bay tán loạn, chỗ đó vẫn còn xa (chà, một sai lầm đáng tiếc!). Nhưng tiếp sau đấy không thấy tiếng súng nổ. Bim ngoái lại nhìn. Người thợ săn đang nhét viên đạn vào khẩu súng một nòng, nhưng không sao nhét được. Gã lại tháo đạn ra, nhưng tháo chẳng ra. Bim ngồi xuống, mắt không rời khỏi chỗ gà gô vừa bay lên, và cũng không xích lại gần đến người săn, chỉ theo dõi gã. Còn Klim thì chửi rủa như người say rượu đi trên vỉa hè lúc chiều chiều: họ đi khật khưỡng, chửi lộn lẫn nhau, hoặc chỉ lảm nhảm một mình trong đêm khuya. Gã này thì không khật khưỡng, mà chỉ chửi luôn mồm.
Tuy rốt cuộc Klim cũng lôi được đạn ra, đặt được viên khác vào và đóng súng lại, gã vẫn hung hãn và có cái gì gợi cho Bim nhớ đến Lão Xám.
- Nào, đi tìm - Gã ra lệnh cho Bim. - Tìm đi. Tai Đen!
Quay đi và chạy như con thoi theo ngược chiều gió, Bim làm ra vẻ: “Được thôi, tìm thì tìm”.
Nhưng có cái gì như hờ hững biểu hiện ra trong cái dáng chạy tập tễnh của nó, không phải cái nhanh thoăn thoắt như trước lúc đám gà gô bay vụt lên. Klim coi đó là sự yếu đuối về thể chất của con chó, không biết rằng ở Bim chính cái đó là biểu hiện sự bắt đầu ngờ vực con người. Từ đó, nó liếc nhìn gã, nhìn trộm, không dừng lại và không đến gần, giữ một khoảng cách đáng kể.
Dường như nó cũng chẳng tìm nữa mà chỉ để ý theo dõi người đi săn.
Nhưng đây chỉ là tưởng thế thôi. Sự say mê không cưỡng nổi, sự say mê muôn thuở, một khi anh đã là chó săn, đã thắng thế. Trên thực chất, Bim đi theo khẩu súng, chứ tuyệt nhiên không phải đi theo Klim.
Bỗng nó bắt được hơi thỏ. Thường Ivan Ivanưts với Bim không săn loài thú đó, mặc dù hai ba lần Bim đã đứng khựng lại. Cái bọn thỏ ấy, chúng không gan được mảy may nào trước cái đứng khựng: mình chỉ mới dừng lại, và thế là nó té. Đuổi theo chúng không được: chủ không cho phép. Về mùa hè, thực ra chúng vẫn hớ hênh nằm lại ngay cả sau khi Bim đứng khựng, nhưng bao giờ Ivan Ivanưts cũng gọi Bim lại; có lần ông còn nhấc lên một chú thỏ con bé bằng bàn tay nằm nấp ngay dưới chân chó, và đã tha cho nó đi. Bởi vậy thỏ không phải là chim. Nhưng dù sao Bim vẫn quay mũi đến luồng gió có mùi thỏ đưa tới và thẳng tiến đến đó, rồi đứng khựng, toàn thân ướt át, người hơi nghiêng về phía chân thọt. Không, ở anh chàng thọt ấy, không còn cái thế đứng khựng kia nữa, không còn cái hình tượng nghệ thuật thuở nào nữa.
- Xông vào! - Klim gào lên.
Chúng ta nhận thấy rằng vào lúc khí hậu ấm áp và hơn nữa khi khắp nơi đầy bùn lầy nước đọng, thỏ chỉ nằm lì một chỗ, còn Bim lúc này chưa vội rời khỏi chỗ mình đứng, ý như muốn nói: “Không phải quát tháo như thế”.
- Xông vào, đồ quỷ què! - Klim lại rống lên. Bim cho thỏ nhảy ra, rồi nó nằm ép xuống, đúng phép trước lúc súng nổ. Klim quát ầm lên như đại bác bắn. Thỏ bỏ chạy, nhưng mỗi lúc một chậm. Rồi nó ngồi xuống, rồi nó ẩn vào rãnh và cuối cùng mất hút.
Klim gào lên như điên như dại:
- Bắt, bắt lấy nó... Ô là, Ô là-là-là-là. Bắt...! - Và chạy về hướng chỗ con thỏ đang lẩn trốn.
Mặc dầu vẫn chạy cạnh Klim, nhưng Bim biết chắc chắn rằng những gì đã xảy ra đều không theo đúng luật: Người săn không được chạy như chó. Tự Bim sẽ tìm thấy, nếu cái đó là cần thiết - cho dù con mồi có là thỏ đi nữa, nếu lvan Ivanưts ra lệnh.
Klim đứng lại, thở hổn hển và gào lên như rồ dại:
- Tìm đi, đồ ngu! Đồ quỷ què.
Bim bực dọc bước đi. Chẳng có cái đó, thì ngay mùi thỏ trước đây nó cũng đã chả quan tâm gì cho lắm, nhưng đây, phía sau nó là Lão Đồ Ngu cứ giậm chân bành bạch. Nhưng dù sao Bim theo dấu vết cũng tìm đến nơi và đứng khựng lại, chờ cái tiếng đáng ghét “Xông vào”, để tung người tới xùy cho thỏ nhảy lên. Chú thỏ này đúng là bò ra khỏi rãnh và tập tễnh đi như đang ốm. Klim nổ súng. Con thỏ chạy đi. Lại bắn phát nữa. Thỏ vẫn từ từ chạy khập khiễng, chốc chốc lại dừng. Bim nằm xuống chờ lệnh theo đúng luật, mặc dù ở đó toàn bùn.
Còn Klim thì gào thét:
- Bắt, đồ chó đẻ! Bắt lấy nó, đồ ngu! - Và chỉ về phía thỏ.
Bim lại tìm thấy chỗ con mồi ẩn nấp và lại đứng khựng lại. Phát súng thứ ba nổ: Lão Đồ Ngu lại bắn trượt. Con thỏ lại chạy mất.
Thế là trong lúc hung hãn, Klim không thể hiểu được rằng Tai Đen không quen lối xé xác con mồi và bóp chết chúng, rằng làm như thế là không xứng với tư cách của dòng Xette thông minh, rằng chó Xette không ưa hạng thợ săn như gã ta. Lần cuối cùng khi con thỏ chạy mất (lần này thỏ chạy có khỏe hơn đôi chút - có lẽ vết thương đã mở rộng), Klim càng nổi điên, gã đến sát Bim, mõm luôn luôn nhắc lại tiếng “mẹ”, hung dữ và hằn học: rõ ràng là chửi bới Bim.
Bim ngồi quay đi, định lảng xa khẩu súng. Chợt Klim vung chân đá rất mạnh bằng mũi giầy to tướng vào mạng sườn Bim, đá móc từ dưới lên...
Bim tru lên. Như người kêu ối ối. “Ối-i-i!” - Bim kêu ngân dài và ngã lăn ra. - “Ối, ối... - Bây giờ nó kêu bằng tiếng người: Ối! Vì cớ gì?”, và ngước con mắt cơ cực, đau khổ nhìn con người kia, trong bụng không hiểu, và kinh hoàng. Rồi nó cố mãi mới đứng bốn chân lên được, hơi lảo đảo lại ngã khuỵu xuống, chân đạp đạp.
- Mình làm bậy bạ cái gì thế này! - Klim ôm đầu - Bây giờ rõ ràng là phải đền rồi, mất toi hai nhăm rúp! - Và hoảng hốt cắm đầu bỏ chạy, như trốn tránh cái nhìn của Bim.
Ngày hôm ấy không thấy Klim xuất hiện ở làng. Gã đi lang thang đâu đó đến tận đêm khuya, và nửa đêm gã lén qua ruộng rau, mò về nhà mình ở ngay rìa làng.
Còn Bim thì sao? Nó ở đâu? Nó nằm lại một mình trên mảnh đất ẩm ướt, lạnh buốt, đơn độc một mình trên cái thế giới hoàn toàn màu trắng. Trong người nó có cái gì đó bị đứt rời ra vì cú đá hiểm độc và “Cái gì” ấy nóng bừng lên, bóp nghẹt hơi thở, đè chặn ngực đến nỗi làm nó bất tỉnh. Nhưng rồi lại thấy nó ho, mửa ra, ngáp ngáp - thở đau thắt lại. Một lần nữa nó há miệng ra hớp hớp không khí và sù sụ ho. Bim ráng sức ngẩng đầu: cánh đồng chao đảo cứ như đang bồng bềnh trên sóng lũ. Nó gắng gượng ngồi dậy: lại cánh đồng chao đảo, mặt trời lắc lư, như treo trên một sợi dây.
Hôm nay người ta đã yêu cầu ở Bim vượt quá những gì nó có thể làm được, người ta đòi hỏi nó: mày phải, mày có nhiệm vụ phải làm cái mà mày không thể làm được, cái trái với lương tâm và danh dự chó của mày. Vì nó không làm được như thế, người ta đã đánh nó tàn nhẫn, dã man. Nhưng nó, Bim, nó không đành lòng bóp chết con mồi đang bỏ chạy.
- “Vì sao? Vì sa... o?” - Bim rên ư ử - Ông ở đâu, hỡi ông bạn phúc hậu của tôi? Ở đâu? Ở đâu? - Bim than thở khẽ dần dần, khẽ dần rồi cuối cùng lịm hẳn.
Nhìn bề ngoài thì có cảm tưởng một con chó nằm chết trên cánh đồng bao la, lầy lội. Nhưng không phải như thế.
Đây kia, nó nhổm mông lên, cố đứng dậy không ngã. Nó bước một bước - không ngã. Nó dừng lại. Bước thêm bước thứ hai. Và nó lê chân đi, cào cào vào đất ruộng, xóa đi dấu vết của bản thân nó.
Ôi lòng dũng cảm vĩ đại và sức bền bỉ dẻo dai của chó! Sức mạnh nào đã tạo ra cho mi cái sức cường tráng và bất diệt đến như vậy, để đến ngay trước giờ chết vẫn cố dấn mình lên phía trước? Dù chỉ chút ít thôi, nhưng cứ tiến lên. Tiến lên, tới nơi nào vẫn còn niềm tin và lòng tốt đối với con chó bất hạnh, cô đơn, con chó bị lãng quên và có một trái tim trong sáng. Và Bim vẫn cứ bước. Đi dò dẫm, nhưng vẫn bước. Máu ứa ra cả mồm, nhưng nó vẫn đi. Ho ra máu vẫn đi. Vấp ngã, đầu gối khuỵu xuống, vẫn đi. Kiệt sức, nó nằm xuống đất giá lạnh, rồi lại đứng dậy và vẫn tiến lên phía trước.
Bên bờ suối nó uống nước hối hả - cảm thấy dễ chịu hơn. Cái gì đó đã gợi ý cho nó: chớ đi xa nơi có nước. Bim thật sự đã lần đến được một đống rơm gần đấy, gắng hết sức mới lần được vào bên trong đống rơm rủ xuống tận đất, rồi nó thiếp đi. Những con chó đau ốm vẫn nằm ẩn như thế, tránh con mắt của người và của thú, điều này chính thiên nhiên đã dạy cho chúng. Vẻ vang thay nền trật tự mang tính quy luật và sự hài hòa hợp lý của thiên nhiên!
Bim nằm mê man bao lâu thì nó không biết, nhưng cảm thấy lúc tỉnh dậy là một cơn đau thắt trong ngực, đầu óc nó quay cuồng, cảm thấy bên trong có cái gì sắp xảy ra với nó và thế là Bim bò ra khỏi đống rơm. Nó nằm phơi ra ngoài không khí. Có cảm giác lông bắt đầu khô... Nó ngồi lên. Bãi cỏ mùa thu giờ đây không thấy chao đảo nữa. Đống rơm không lắc lư, mặt trời cũng vậy, và mặt trời âm ấm đã ít nhiều sưởi nóng. Bim lại men đến chỗ con suối và lại uống, uống lấy uống để. Nghỉ một chút rồi lại uống, nhưng chỉ uống từng ngụm nhỏ một. Chợt nó nhận thấy ở ngay bên suối có cây cỏ lác thảo nguyên nhỏ lăn tăn, vẫn còn xanh tươi, tựa như cỏ lăng. (Băng giá còn lâu mới có thế thắng được nó). Bim liền gặm mấy cây cỏ lác. Cái gì đã đưa nó đến ý nghĩ ăn thứ cỏ không đẹp mắt này, con người chả bao giờ có thể biết được điều đó, chỉ có nó biết thôi: bắt buộc phải ăn chính cái thứ này chứ không phải thứ khác. Thế là nó ăn. Rồi sau đó lại gặp một cây cúc dại muộn màng, đang héo và trên cây còn lại những bông hoa bị mùa thu chèn ép, đã héo nửa chửng. Nó nhai luôn cả cây cúc dại ấy. Rồi quay về chỗ dòng suối, nó uống thêm cho đã, xong nó đi về làng. Nó đi lên, cứ phía trước mà đi lên.
Dù sao. nó cũng lần về được đến nơi lúc đã chạng vạng tối. Không, Bim không vào làng đâu. Vào làm sao được. Gã Klim đã chạy về đấy... Không đâu, nó sẽ không theo gã. Lão ta có thế nắm lấy cổ dề nó, và lúc đó thì... không, sẽ không bao giờ như thế.
Bim thu dọn ổ nằm trong đống rơm còn sót lại, nghỉ ngơi một tí. Nó ngửi thấy ở cạnh đấy có cây ngưu bàng, nếm thử, thấy khô, bèn ngoạm sát đất nhổ lên và gặm cả rễ, nhai sâu vào trong. Điều này nó cũng biết: nếu là cây ngưu bàng thì nhất thiết phải ăn.
Vốn kiến thức về thuốc chữa bệnh của chó thật phong phú và nhiều vô kể. Cứ thử thả con chó bắt đầu chớm dại vào rừng: qua hai ba tuần, chó quay trở về người gầy rạc đến mức kiệt sức, nhưng khỏi bệnh. Con chó bị đau bụng - bạn hãy đưa nó vào rừng hoặc đến đồng cỏ và sống với nó đôi ba ngày, nó sẽ tự lấy cỏ chữa khỏi bệnh. Phải học ở chó chính cách chữa bệnh cho chó. Tạo hóa đã trao cho nó những “kiến thức” hết sức phong phú đến mức con người không bao giờ thôi ngạc nhiên về những điều kỳ diệu ấy.
... Đêm tàn. Một đêm thu dài đằng đẵng, đau ê ẩm trong người. Tiếng gà đầu tiên đã gáy vang. Bim không đợi đến lần gáy thứ hai và lần gáy thứ ba - đợt gáy cuối cùng, đợt gáy chào bình minh. Nó nhổm dậy, nhưng không tài nào lê ra được khỏi chỗ nằm vì đau trong ngực. Tuy vậy nó vẫn cố vươn người lên, hai lần nằm xuống đứng lên mới se sẽ lê đi được.
Nó đã lần về đến nhà Khrixan Anđrêvits, vượt qua hai ngưỡng cửa vào tới thềm và ghé xuống nằm. Trong nhà im phăng phắc.
Biết đâu đấy, rất có thể là hôm nay nó sẽ chẳng bỏ nơi này mà ra đi đâu. Nhưng Klim lại đi qua sát đó, ngay sát gần đó, gã rón rén, lén lút như thằng ăn trộm. Bim rùng mình. Bim sẵn sàng tự vệ đến hơi thở cuối cùng. Trong Bim thức tỉnh niềm kiêu hãnh của kẻ cùng đường, không còn gì để mất cả. Nhưng Klim chui qua hàng rào và nói lào xào:
- Mày đã về đấy à, Tai Đen. - Rồi gã vội vã sợ sệt bước lùi trở lại, như mừng rỡ.
Bim không còn đủ súc để đuổi theo và trả thù về cú giầy đá rất nham hiểm và ác độc kia, nó cũng không sủa được, bởi vì ngoài cái tiếng khò khè, không còn tiếng nào thoát ra khỏi bộ ngực tàn phế của nó. Nhưng Bim cũng không muốn để Klim bất chợt lại đến để rồi lại lôi cổ nó đi. Đoạn nó đứng lên, lặng lẽ đi một mình vòng quanh sân, đến hít ngửi bầy lợn con, các bạn bò cừu, ngồi lại giây lát, rồi bỏ làng ra đi. Chà, ước gì được vào nằm chung với lũ lợn con nhỉ?
... Gà gáy lần thứ ba. Trời bừng sáng.
Con chó cứ thẳng hướng ra đường cái mà đi. Đầu rũ xuống, cái đuôi lủng lẳng, không còn sức sống, kiểu như chó dại.
Bề ngoài có thể cho nó là con chó điên ở giai đoạn phát bệnh, giai đoạn cuối cùng: nó sắp lăn kềnh ra bây giờ, chỉ cần chạm vào một vật đầu tiên gặp phải và thế là hết luôn. Con Bim của chúng ta giờ đây như thế đấy. Ôi con Bim hiền lành và trung thành của chúng ta. Nó đi tìm chủ nó. Tìm ông Ivan Ivanưts. Vẫn đi đúng theo con đường cũ, con đường người ta dẫn nó đến đây.
Từ làng cho đến bến xe buýt chừng năm sáu cây số, nhưng nửa đường đến một quãng nọ, Bim lại bị kiệt sức, nó cố lê tới đống cỏ khô. Có lẽ đứa nào đi ăn trộm đêm đã khoét một lỗ nằm ở trong đó. Bim bò luôn vào đó, nằm lại ở đấy rất lâu, gần hết một ngày, và trước lúc mặt trời lặn, nó mới chui ra khỏi chỗ ẩn nấp này. Nó thấy khát, nhưng không có nước. Cơn đau lại như xoáy vào ngực, mặc dù thở đã dễ hơn, đầu không choáng váng nữa khi nó lên đường. Chợt thấy một cụm cúc trường sinh, Bim không chần chừ ăn luôn những bông hoa vàng, đã khô, nhưng không bao giờ đổi màu, kể từ lúc hoa nở cho đến lúc hoa tàn, và lâu hơn nữa, qua suốt mùa đông đến mùa xuân vẫn màu hoa như thế. Nó gặm cả cụm cúc dại nữa, các bông hoa đã đến lúc tàn nên vương vãi lung tung trong mồm, làm nó ngứa ngáy trong cổ, do đó lại càng khát nước tợn. Lúc Bim đi qua một trong những con đường ngoài đồng, thì bắt gặp vũng nước do tuyết tan đọng lại ở vết bánh xe. Cứ như con đường đã dành nước riêng cho Bim vậy. Nó uống một hơi rồi lại lững thững đi tiếp.
Rốt cuộc nó đã tới được đường cái lúc trời chạng vạng. Ngồi nghỉ một chút, nó đưa mắt nhìn theo mấy chiếc xe hơi bật đèn sáng lóe và nhận thấy là cần phải đi về phía đó. Nhưng đi ban đêm sao được. Nhỡ gặp lão Klim? Hoặc Lão Xám? Hoặc gặp sói thì sao?
Bim định bụng không rời khỏi đường xe hơi, mà nấp tạm vào đâu đó, ngay gần đấy cho qua đêm.
Nó lần tới bến xe buýt, ở đó có một căn nhà nhỏ chẳng có tường gì cả, nhưng bên trong có những dãy ghế dài. Nó lẩn vào một góc nằm dưới gầm ghế và chờ.
Suốt đêm nó không chợp được mắt, mặc dù mệt không thể tưởng tượng được. Ô tô lao qua, chốc chốc lại một chiếc. Con đường sống cả ban đêm nữa.
Chiếc xe buýt chạy chậm lại khi tới bến, nơi Bim đang nằm, nhưng do vắng khách nên lại đi thẳng.
Đêm đó mặc dù rất căng thẳng và đau ê ẩm, nhưng lại ấm áp. Cũng như trời mùa thu một lần nữa đã đuổi được mùa đông đi.
*
Chuyện gì đã xảy ra trong làng vào những ngày đêm Bim xa vắng?
Ông Khrixan Anđrêvits cùng với bà Pêtrôvna ở chợ về thì trời đã tối sập. Không thấy Aliôsa đâu, nhà khóa cửa. Họ đi vào nhà, tính toán tiền nong thu được ngoài thị xã, cất tạm vào trong tráp đến mai mang đi gửi quỹ tiết kiệm. Vừa khi đó thì Aliôsa xuất hiện.
- Con biến đi đâu thế? - Ông Bố hỏi.
- Đến chỗ chú Klim.
- Hắn chưa đem con Tai Đen về à?
- Đi săn chưa về.
- Rồi hắn sẽ về. Sẽ dắt nó về. Trốn đi đâu mà sợ. - Bà Pêtrôvnavừa nói cho hai cha con yên tâm vừa ướm thử chiếc áo len vào người Aliôsa.
- Hẳn là thế rồi, - Khrixan Anđrêvits nói bán tín bán nghi, - có điều là cái thằng Klim ấy, phỏng, nó là thằng ăn cắp. Thà như nó chỉ lấy của nông trang không thôi thì cũng chẳng phải là của ai, đằng này nó lại cuỗm cả của bà con nông trang viên nữa. Chà, cứ dây đến cái loại ấy là lắm chuyện. Ai mà không sợ nó. Lại còn để cho nó mang con Tai Đen đi săn, cái thằng quỷ tha ma bắt ấy!
- Thế là thế nào? Sao lại “chẳng phải của ai”? - Aliôsa vặn hỏi. - Của chúng ta chứ?
- Tất nhiên là như thế, bố nói nhầm thôi... con nói chí phải: của chúng ta... Nhưng làm sao để giải thích cho con được nhỉ? Ở đó là của chúng ta, còn ở đây là của ta. Giả dụ như thế này: nhà trường là của chúng ta và trẻ em cũng của chúng ta, còn con là con của bố, hoặc thế này: đồng ruộng là của chúng ta, và vườn tược là của ta. Còn như gia súc thì vừa của chúng ta vừa của ta, con hiểu chứ.
- Có gì mà không hiểu. Nhưng bố lại nói là không phải của ai.
- Con nói cái đó chí phải: hoàn toàn chẳng phải của ai thì điều đó không thể có được.
Người bố nói chuyện với con thường vẫn như nói với người lớn. Aliôsa đáp lại cũng bằng giọng như vậy!
- Vậy là lão Klim đã lấy cắp của chúng ta, chứ không phải của ta. Thực tế là như vậy, - ông bố kết luận. - Hai bố con ta có lấy cỏ khô hoặc củ cải ở ngoài đó cho bò ăn không? Chúng ta đã lấy, ông chủ tịch không biết, chúng ta lấy cũng chỉ chút ít thôi. Rồi nếu một khi ông chủ tịch biết, bác đội trưởng cũng biết, tất cả đều biết, lúc đó ta biết rúc vào đâu: mang tiếng lấy của chúng ta. Nhưng chúng ta theo lương tâm mà làm, ta tận dụng cỏ đồng của những năm trước hoặc nhặt nhạnh những củ cải vương vãi cho bò. Thế thì sao? Bò cũng cần chăm sóc chứ!
- Thực tế là như vậy, - người đàn ông mười ba tuổi xác nhận, con người này đã có thể chăm nổi một đàn súc vật, và có thể chăm nom gia súc “của ta”, biết làm bơ, và trong lúc rảnh rỗi, tất nhiên, còn giúp đỡ mẹ rửa củ cải “của ta” cho hết băng giá và đi đào khoai tây cũng “của ta”.
Khrixan Anđrêvits giảng giải tiếp:
- Chúng ta nhất nhất làm ăn theo như điều lệ đã quy định: Kia là của chúng ta, còn ở đây là của ta. Đấy như bố đem thịt cừu non ra thị xã. Tất nhiên phải thế rồi, đúng không? Phải cho nhân dân ăn uống chứ. Thế là chúng ta tiếp tế thêm thức ăn cho họ. Cả mẹ cũng mang trứng, mang bơ đi bán. Tất cả đều theo điều lệ, theo kế hoạch cả. Aliôsa con, cuộc sống của ta bắt đầu ổn định tốt rồi, có giày đi, có áo mặc, không kém gì ông giáo hay ông chủ tịch. Có vô tuyến và những thứ đại để như vậy, có tiền để chi dùng vào những việc cần thiết. Còn chúng ta làm việc nhiều cũng chỉ để củng cố đời sống, nếu không thì chẳng có gì hết. Có điều là không nên uống rượu vôtka, - ông Khrixan Anđrêvits khuyên bảo.
- Nhưng bản thân bố thì lại uống, - Aliôsa nhận xét rất chí lý. - Đã không nên là không nên. Chả có lợi lộc gì đâu!
- Con nói chí phải, - ông bố đồng ý. - Phải chăng vì kính nể ông đội trưởng mà ta không làm thế không. Còn thằng Klim thì sao? Klim là đứa trộm cắp. Thế là thế nào? Sang nhà hàng xóm, lấy trộm con gà! Làm thế là phải mất hết lương tâm. Thế còn ra cái thể thống gì nữa. Cái đồ bỏ đi.
Trong lúc chờ đợi Tai Đen, ông Khrixan Anđrêvits và Aliôsa nói chuyện với nhau đến tận mười một giờ đêm. Sau đó, họ đi vòng quanh sân, nhòm vào chỗ đàn lợn con, xuống bậc thềm (có thể, nó trốn Klim, nấp vào đây chăng). Cuối cùng Khrixan Anđrêvits đã thân chinh đến nhà Klim.
Natasha, vợ của Klim, tính tình trầm lặng và sợ chồng, chính người phụ nữ đã để rơi nước mắt xuống lá củ cải, cay đắng nói:
- Lão ấy chưa về, cái đồ du thủ du thực. Chắc lại ngủ lang đâu. Có khi lại nốc rượu vào rồi, cái đồ chết tiệt ấy. Trời ơi, khốn khổ thân tôi! Rồi bác xem, mai hắn mới chịu về, cái giống lang thang ấy. Còn con chó thì hắn chẳng nhét đi đâu đâu, cháu biết hắn mà. Hắn sẽ dẫn chó về thôi.
Khrixan Anđrêvits quay về nhà, kể lại những gì đã nghe được, rồi cả hai cùng vào giường nằm, thì thầm chuyện trò với nhau để khỏi làm bà mẹ thức giấc. Họ không nghe thấy tiếng Tai Đen về tới bên thềm nhà, Klim đến rón rén rồi lại bỏ chạy ra sao, và người bạn mới hiền lành của họ đã bỏ ra đi, tránh xa con người ác độc như thế nào.
Đến sáng ông Bố đánh thức Aliôsa dậy.
- Dậy đi! Trên thềm vẫn còn vết chân mới lắm: Tai Đen đã về đây!
Cả hai liền đi trên đường, gọi ầm lên, huýt sáo, nhưng Tai Đen không còn có thể nghe thấy tiếng của họ. Khrixan Anđrêvits gần như chạy xồng xộc đến nhà Klim, đánh thức y dậy.
- Đã dẫn về rồi mà, dẫn về rồi, - gã nói giọng khản đặc và tỏ vẻ khó chịu. - Tôi trả nó về lúc nửa đêm, không muốn đánh thức bác dậy... Muốn thì tôi sẽ chỉ dấu cho mà xem. Thế mà bác lại dựng tôi dậy, dọa nạt tôi. Bác thử nghĩ xem: bác xử sự như vậy có tính người hay không? Còn con chó của bác thì không dùng đi săn được; có nhượng nó cho tôi, tôi cũng chẳng bao giờ thèm lấy đâu.
Khrixan Anđrêvits không buồn cãi lại: không nên dây dưa với hắn. Ông cùng Aliôsa đi vòng quanh khắp làng, khắp vườn, đến cả sân của nông trang (biết đâu Bim chẳng đến đây chơi với mấy con chó khác). Nhưng không, không ai nhìn thấy Tai Đen đâu cả. Mất Tai Đen rồi.
- Chắc là thằng Klim đã đánh nó, - Khrixan Anđrêvits đoán, - Tai Đen đã bỏ đi rồi.
Lòng Aliôsa thắt lại vì thương xót và đau đớn. Nó lại ngó xuống bậc thềm nhà. Vết chân đã khô, nhưng chỗ Tai Đen nằm hãy còn in dấu, Aliôsa cúi xuống rồi thình lình bỏ chạy vào nhà, kêu ầm lên:
- Bố ơi! Máu!
Ông bố chạy ra nhìn kỹ: nơi Tai Đen đặt đầu nằm vẫn còn vệt nước dãi đã khô có lẫn máu.
- Đồ thú vật! - ông Khrixan Anđrêvits nói. Ông ngẫm nghĩ rồi dặn Aliôsa! - Chớ có dây dưa với loại người như vậy, mang họa vào thân. Thôi thế này: chúng ta cứ lần theo đường Tai Đen đi, không thì chẳng tìm thấy được nó đâu.
Họ đến bến xe buýt. Trên dọc đường đi, họ hú gọi và sục tìm Tai Đen, ngồi ở đó rất lâu, đợi mãi không thấy đành quay về nhà. Họ đoán rằng, nếu nó đã đến đấy thì bây giờ hẳn đã đi xa lắm rồi. Ngày hôm đó họ đã đi qua chỗ đống cỏ khô, nơi Bim (con Tai Đen của họ) đã từng nằm nghỉ.
Buổi tối, Aliôsa nhiều lần bước ra thềm, chờ đợi và gọi hoài. Rồi đi vào phòng ngoài, nó ngồi xuống cạnh cái cũi chó rải đầy cỏ khô mà khóc nức nở như con nít, khóc nấc lên, và đưa ống tay áo quệt những giọt nước mắt bướng bỉnh.
Ông Khrixan Anđrêvits nghe thấy tiếng khóc, bèn ra phòng ngoài, bật đèn lên.
- Con đấy ư, không sao quên được nó à? - Ông ngạc nhiên hỏi.
- Quên nó sao được! - Aliôsa trả lời, vẫn còn thút thít.
Ông bố đưa bàn tay chai sạn, cứng như gỗ vuốt tóc con và nói:
- Thế là tốt, Aliôsa ạ. Con là đứa có lòng có dạ.
Bà Pêtrôvna bước ra.
- Thương con Tai Đen lắm hả? - Bà hỏi.
- Thương chứ mẹ!... Thương lắm...
- Tội nghiệp con chó, ông ơi, - giọng bà nghẹn lại. - Bây giờ biết làm thế nào, Aliôsa con, tiếc quá.
* * *
Vào lúc đó thì Bim đang nằm dưới cái ghế dài trong cái quán chờ xe buýt. Nó nằm đó và chờ đợi. Nó chờ đợi độc một cái: bình minh.
------------
tiếp p4: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/03/con-bim-trang-tai-en-gtroiepponxki-p4.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét