Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Những ngôi sao Eghe - (p8)

Gárdonyi Géza

Những ngôi sao Eghe
(Nguyên tác: Egri Csillagok)

Dịch giả: Lê Xuân Giang
Tiểu thuyết - Văn học Hungari
Nhà xuất bản: Văn học - Hà Nội
Năm xuất bản: 1987

Phần  bốn

Hiểm họa của Eghe - (tiếp theo)

5

Tối hôm đó Đôbô mở tiệc khoản đãi tất cả những người ban sáng đã cùng ông tuyên thệ tại sảnh đường.
Đôbô ngồi ở một đầu bàn, Mectsei ngồi đầu đằng kia. Bên cạnh Đôbô về phía tay phải là giáo sĩ Balin, bên trái là Xexey.Ngồi cạnh giáo sĩ là Petơ. Petơ đáng được trọng đãi ở vị trí đó vì anh của chàng là một bậc công khanh ở chốn cung đình: quan chánh ngự tửu của nhà vua. Nhờ ông ta mà họ được nhận thuốc súng và năm pháo thủ từ Viên gửi đến.
Chỉ sau đó, mới tiếp đến sự sắp xếp theo tuổi tác hoặc tước vị, một bên thì tính từ Mectsei trở đi, một bên tính từ Đôbô: Zôntoi, Bônemixo, Phuyghétdi. Sau nữa là Kôrôn Phorơkót, trung úy toán bộ binh tỉnh Oboui; Kenđi Balin và Heghétđuy Isơtơvan, các trung úy của Serèđi Giơrgio, những người đã mang theo năm mươi bộ binh; Phekte Lơrinxo, người từ Reghétxơ đến với mười lăm lính; Lơkơsơ Mihai, người do các thành phố tự do gửi đến cùng một trăm bộ binh; Nogiơ Pan, một người khỏe như bò tót và rất gan dạ, chỉ huy ba mươi vệ binh của Batôri Giơrgio; Iaxoi Marơtôn, chỉ huy bốn mươi vệ sĩ của cha chánh xứ Iaxoi; Xenxi Marơtôn, trung úy ở Xepét, người đã dẫn đến bốn chục bộ binh; Bêrơ Mihai, tay súng cự phách, do tỉnh Sarốt gửi đến cùng bảy mươi sáu bộ binh; từ Ugôtsa đến có Xolôikoi Giơrgio và Nogiơ Imre. Người sau do phu nhân Hômônoi Gabô gửi đến với mười tám bộ binh; từ Eperiét đến thì có Bơatkô Onton.
Tất cả những người kể trên đều là trung úy. Ngồi hàng dưới họ là Pócsi Yốp, viên sĩ quan có vóc người cao nhất trong quân đội nhà vua, và Bôiky Tomát, chỉ huy của năm chục tay súng tỉnh Bôrơsốt. Những người này đến muộn, vì vậy người ta đặt họ ngồi vào giữa những hạ sĩ quan trong thành: Sukao Gianốt, người quản lý già; thư lại Imre thủ khóa, người phụ trách làm rượu vang: thư lại Mihai, viên sĩ quan quân nhu, hoặc như thời đó người ta vẫn gọi: người phát xi pô[30]; thư lại Giơndơtsi Machát, thư ký của ngài giám mục (thành này vốn thuộc vào lãnh địa của giám mục); văn thư Bônđijo và một vài người nữa.
Đôbô không chỉ mời các sĩ quan, mà để cho toàn thành đều có đại biểu trong bữa tiệc, ông còn mời một thập trưởng, một binh nhất, một quý tộc Eghe và một nông dân Eghe nữa.
Việc bưng thức ăn lên đáng lẽ là việc của bốn - năm lính hầu của Đôbô, nhưng để giảm nhẹ công việc cho họ, các thượng úy cũng phái lính hầu của mình vào giúp.
Người võ đồng Torianni Kơrixốp đứng đằng sau Đôbô, cậu phục vụ cho Đôbô. Cậu đưa thức ăn cho ông, cậu luôn rót cho ông đầy cốc mỗi khi thấy nó vơi đi.
Hôm đó là ngày thứ sáu, vì thế bữa dạ yến bắt đầu, bằng món xốt cá măng và tiếp tục với cá vược rán giòn, cá leo và cá tầm rồi kết thúc bằng bánh kem phô mát và mứt khô sắc với quế. Ngoài ra trên bàn còn có ê hề nho, táo, lê và dưa bở.
Vì sao Đôbô, con người tiết kiệm, lại mở bữa tiệc này? Để bế mạc lễ tuyên thệ ư? Hay là để cho các sĩ quan còn lạ lẫm nhau có dịp làm quen và trở nên thân thiết? Hoặc giả để khảo sát sức mạnh tâm hồn qua ánh rọi của rượu vang? Không khí ban đầu trang nghiêm gần như không khí trong giáo đường. Những tấm khăn bàn trắng tinh, những thực cụ bằng bạc chạm huy hiệu Đôbô, cái thùng rượu chạm trổ treo vào đầu xích sắt phía trên bàn, những bó hoa mùa thu - tất cả mọi thứ đó có cái vẻ lộng lẫy của một đám cưới hơn là một bữa tiệc tiếp khách bình thường.
Ngay khi rượu vang màu đỏ như thạch lựu đã từ một thùng rượu đẹp rót tràn các cốc sau món cá măng, cũng chưa có một ai thấy nóng tai cả. Lời nói cao thượng của Đôbô còn ngự trị trong tâm hồn họ, cũng như sáu tiếng chuông ngân chúng ta còn bâng khuâng lắng nghe cái dư âm trầm trầm vọng dài, dìu dặt.
Sau các món cá rán, lính hầu thay đĩa. Ai nấy đều chờ đợi một người nào đó sẽ phát biểu.
Đôbô đăm chiêu ngồi trong chiếc ghế bành bọc da nâu. Mọi người nhìn vào ông. Trong sự yên lặng đó, tiếng ca vui vẻ của những người phụ nữ nướng bánh bỗng vang lên:

Thích sao em ở cuối làng
Ngang đường ngựa vẫn đưa chàng ra sông,
Ngựa ra sông nước trong ngựa uống
Chàng qua nhà khoe tấm thân trai
Má chàng hồng ửng hây hây,
Bởi em hôn để hồng lây má chàng.

Những đám mây bỗng vụt biến hết. Bầu trời lại quang đãng. Chẳng lẽ những khách mày râu lại trầm mặc khi phái nữ chờ đón hiểm nguy sắp tới bằng lời ca tiếng hát hay sao?
Mectsei cầm lấy cái cốc bằng bạc trước mặt mình và đứng dậy.
- Các bạn kính mến! - Anh nói. - Chúng ta đang đứng trước những ngày vĩ đại. Bản thân thượng đế nhân từ cũng đến ngồi bên cửa sổ cung đình thượng giới mà nhìn xem hai nghìn người ở đây sẽ chiến đấu ra sao với hai chục vạn quân thù. Vậy mà tôi vẫn chẳng thấy ngã lòng. Giữa chúng ta không có một kẻ nào hèn nhát: bởi vì ngay cả các phụ nữ, như chúng ta nghe đấy, cũng vui vẻ ca hát ở ngoài kia. Nhưng giả sử không đúng như vậy chăng nữa, giữa chúng ta đây vẫn có hai người mà ở cạnh họ thì người ta không thể còn có tâm trạng sợ hãi được nữa. Tôi biết rõ cả hai từ hồi tôi còn trẻ. Một người sở dĩ Thượng đế đã tạo ra là cốt để nêu tấm gương về gan dạ người Hung. Trong ông có sức mạnh của sắt thép, chẳng khác nào thanh bảo kiếm đã trăm rèn. Con người ông đầy nghị lực và sự cao quý. Còn người thứ hai mà tôi cũng biết từ hồi còn trẻ, là một bậc thầy về mưu trí và tính tháo vát. Ở nơi nào có mặt hai người này, tôi cảm thấy vững lòng, hoặc vì tin chắc vào sức mạnh hoặc vì tin chắc vào mưu trí. Họ ở đâu thì ở đó có mặt lòng dũng cảm Hung, trí tuệ Hung, niềm vinh quang của người Hung! Không thể còn ngại hiểm nguy được. Tôi mong các bạn cũng hãy hiểu biết về họ như tôi. Đó là Đôbô Isơtơvan vị đại úy của chúng ta, và Bônemixo Gergey, ông thượng úy của chúng ta.
Đôbô đứng lên tiếp nhận những cái chạm cốc rồi cứ đứng như vậy mà trả lời, ông nói:
- Anh em thân mến! Giả sử tôi có nhút nhát như con nai, đến nỗi tiếng sủa của bất cứ đàn chó nào cũng làm tôi run rẩy, thì khi có kẻ đụng đến số phận của dân tộc tôi, tôi vẫn dừng lại và kháng cự. Tấm gương của Yurisits [31] đã chứng minh rằng một tòa thành ọp ẹp nhất vẫn là một sức mạnh kỳ diệu biết bao nếu có những trang nam nhi trong đó. Thành trì của chúng ta kiên cố hơn Kơxec và chúng ta cũng cần phải dũng mãnh hơn. Tôi đã biết quân đội Thổ. Tôi đã đứng trên cánh đồng Môhát và đã trông thấy đạo quân của Xuleiman [32]. Thế mà ria mép tôi vẫn chẳng hề bị động chạm. Anh em hãy tin tôi, đáng lẽ hai mươi tám nghìn quân Hung đã nghiến nát trăm nghìn quân ô hợp ấy rồi, nếu như có một người biết chỉ huy trận đánh[33]. Hồi đó chẳng có ai chỉ huy, chẳng có ai bày binh bố trận cả. Các đội quân ta không triển khai chống thế trận của địch mà chỉ tiến một cách ngẫu nhiên thôi. Tômôri[34], đáng thương thay, là một trang anh hùng có những kỷ niệm vinh quang thật đấy, nhưng không phải là bậc tướng lĩnh. Ông ta tưởng rằng khoa học làm tướng chỉ gồm trong một tiếng độc nhất: Theo ta! Thế là ông ta cầu nguyện một bài, chửi đổng một tiếng rồi thét lớn: Theo ta! Thế là đạo quân ta tiến lên như đàn chim én mùa thu, xông thẳng vào giữa đội hình quân Thổ. Quân Thổ tản ra trước mặt quân ta như bầy vịt, còn chúng tôi cứ mù quáng xông lên trước hàng đại bác. Tất nhiên những khẩu đại bác với những viên đạn buộc móc xích đã làm được cái việc mà sức người không làm nổi. Chúng tôi chỉ còn lại bốn nghìn trong số hai mươi tám nghìn. Nhưng nỗi bất hạnh khủng khiếp đó đã cho ta hai bài học lớn. Một là đạo quân Thổ không phải là tập đoàn của những trang dũng sĩ, mà gồm đủ loại dân tứ chiếng. Chúng nhặt nhạnh tất cả mọi loại người và súc vật, chỉ cốt để lấy số đông mà dọa những người yếu bóng vía. Bài học thứ hai là quân Hung dù ít đến đâu vẫn có thể quấy rối và thắng được quân Thổ, nếu bên cạnh lòng dũng cảm họ còn mang theo trí thông minh làm mộc đỡ.
Bên bàn mọi người chăm chú nghe vị đại úy. Đôbô tiếp:
- Trong tình hình của chúng ta đây, trí thông minh phán rằng chân chúng ta phải vững như sắt chừng nào viện binh của triều đình chưa kịp tới. Quân địch bắn phá thành dữ dội và có thể chúng sẽ phá vỡ được tường lũy là cái che chở cho chúng ta được một thời gian nào đó. Nhưng đến lúc đó thì chúng ta cần phải xông ra. Và, như các tường lũy đã từng che chở cho chúng ta, lúc đó đến lượt chúng ta che chở cho các tường lũy. Kẻ địch trèo lên tường lũy sẽ vấp phải chúng ta ở từng kẽ nứt. Không đời nào chúng ta cho phép quân địch giằng số phận của dân tộc Hung ra khỏi tay chúng ta.
- Không! Không! Chúng ta không cho phép! - Tất cả mọi người đều hét lên và đứng bật dậy.
- Tôi xin cám ơn anh em đã đến đây. - Đôbô tiếp. - Xin cảm ơn anh em đã mang gươm và trái tim đến đây để phò nguy cho xã tắc. Tôi có một cảm giác vững chắc rằng thượng đế đang xốc bàn tay của người lên Eghe và bảo với ngọn triều vô đạo rằng: Đến đây thôi và không được xô tới nữa! Cảm giác đó hãy làm anh em cũng thêm vững vàng, và như vậy tôi tin chắc rằng, cũng ngay tại chỗ này, chúng ta sẽ vui vẻ ăn mừng chiến thắng.
- Chúc cho sự việc sẽ như vậy! - Tứ phía vang lên tiếng thét và tiếng cốc bạc, cốc kẽm chạm nhau.
Sau Đôbô, Petơ đứng lên, đó là chàng trung úy nhanh nhẹn và là nhà hùng biện bình dân bậc nhất trong thành. Anh ta lắc cổ sang phải một cái sang trái một cái rồi nói:
- Ngài Mectsei tin ở Đôbô và Bônemixo. Hai vị này lại tin vào chúng ta và các tường lũy. Vậy tôi cũng nói cho các bạn tôi tin vào cái gì.
- Nói đi! Nói đi!
- Năm nay ngoài những thành khác, hai thành kiên cố đã thất thủ: Temetva và Xônnôc.
- Thế còn Vexprem?
- Ở Vexprem không có người. Tại sao hai thành kiên cố nói trên đã thất thủ? Với thời gian, rồi đây người ta sẽ nói rằng sở dĩ chúng thất thủ là vì quân Thổ mạnh hơn. Thực ra không phải như vậy. Sở dĩ chúng thất thủ là vì Temetva do lính đánh thuê Tây Ban Nha bảo vệ. Còn Xônnôc thì do lính đánh thuê Tây Ban Nha, Tiệp và Đức. Vậy bây giờ tôi sẽ nói tôi tin vào cái gì. Đó là Eghe không do lính Tây Ban Nha, cũng không do lính Đức hay lính Tiệp bảo vệ. Ở đây trừ năm pháo thủ ra, tất cả mọi người đều là con dân Hung, và chủ yếu là con dân Eghe. Những con sư tử bảo vệ lấy tổ của chúng! Tôi tin vào dòng máu Hung!
Đến đây tất cả mọi khuôn mặt đều nóng bừng, những cái cốc giơ cao.
Đáng lẽ Peto đã có thể kết thúc bài nói của anh, nhưng với sự hào phóng của các nhà hùng biện, anh lại tiếp:
- Người Hung cũng như đá thạch anh. Người ta đánh nó càng mạnh chừng nào thì nó lại càng tóe lửa mạnh chừng ấy. Vậy thì quỉ tha ma bắt bọn lính ô hợp ăn sung rụng, uống nước lã của Moohamet, chẳng lẽ hai nghìn dũng sĩ do mẹ Hung sinh đẻ, lớn trên mình ngựa, khỏe nhờ lúa mì Hung và rượu vang huyết bò của Eghe[35] lại không địch nổi bọn chúng hay sao?
Tiếng của anh bị át đi trong tiếng hoan hô, tiếng gươm khua lách cách và tiếng cười náo nhiệt, nhưng anh lại vê ria mép một cái, liếc sang bên một cái rồi kết thúc như sau:
- Eghe cho đến nay chỉ là một thành phố đôn hậu của xứ Hevet mà thôi. Thượng đế hãy cho nó từ nay trở đi sẽ là thành phố vinh quang của cả nước Hung! Chúng ta hãy lấy máu lũ vô đạo mà viết lên tường: Đừng đụng đến người Hung! Và rồi một ngày kia, sau bao nhiêu thế kỷ nữa, nếu lớp rêu phong của hòa bình vĩnh cửu trên trái đất đã xanh trên di tích của thành này, con cháu của những thế kỷ sau chúng ta sẽ ngả mũ mà đi qua đây và có thể nói với cảm giác tự hào rằng: ông cha chúng ta đã chiến đấu ở đây, cầu Trời hãy phù hộ cho cả tro bụi của họ nữa.
Nghe đến đó tiếng hoan hô lại náo nhiệt nổi lên và người ta đã tranh nhau mà hôn diễn giả đến nỗi anh không thể nào còn nói tiếp được. Và thực ra anh cũng không muốn nói thêm gì nữa. Anh ngồi xuống và chìa tay cho Bôiky Tomat, chàng trung úy của đội chiến binh Bôrơsốt.
- Tomat này, - anh nói. - hai đứa ta mà ở chỗ nào thì đầu bọn Thổ cứ gọi là ủng ra ở đấy!
- Cậu nói hay đến nỗi ngay bây giờ tớ đã muốn xông vào đánh hàng trăm tên địch! - Tomat gật đầu lia lịa trả lời.
Sau Peto không ai còn cảm thấy trong mình có đủ nghị lực để đừng lên nói nữa. Nhiều người giục Gergey, nhưng cũng như những nhà thông thái, chàng không thích diễn thuyết. Vì vậy, ai nấy đều đành quay ra nói chuyện tay đôi với người ngồi bên cạnh và tiếng ồn ào vui vẻ của tiệc tối vang đầy căn phòng.
Đôbô cũng hăng lên, khi chạm cốc với người bên này, lúc chạm cốc với người bên kia. Có lần ông chia cốc cho Gergey chạm, và khi giáo sĩ bò đến ngồi bên cạnh Peto nói chuyện, ông vẫy Gergey đến bên mình.
- Nào, lại đây anh. - Ông nói.
Khi Gergey đã đến ngồi bên cạnh, ông tiếp:
- Ta muốn nói chuyện với anh về các công tử Toroc. Ta đã viết thư cho họ, nhưng chỉ vô ích thôi có phải không?
- Chắc thế. - Gergey đặt cốc xuống trước mặt, trả lời. - Tôi không tin là chúng ta sẽ được gặp họ. Iontsi không thích cố thủ trong thành, cậu ta thích chọi với bọn Thổ ở ngoài bãi rộng hơn. Còn Pheri không đi xa đến tận đây đâu, cậu ta không bao giờ rời khỏi vùng hữu ngạn Đuno.
- Có thật là tướng công Balin đã mất rồi chăng?
- Vâng, đúng thế, tội nghiệp, đã một vài tháng nay rồi. Chỉ cái chết mới cởi được gồng xiềng cho ngài.
- Ngài sống quá cái tang của phu nhân được bao lâu nhỉ?
- Được đến mấy năm cơ đấy. Có lẽ đại úy đã biết, phu nhân mất lúc chúng tôi từ Côngxtăngtinôp trở về. Chúng tôi đến Đebrexen đúng lúc người ta đang mai táng phu nhân. 
- Phu nhân thật là phụ nữ tốt. - Đôbô trầm ngâm nói và giơ tay ra với cốc rượu như muốn uống vì bà.
- Chắc chắn trái đất không sinh được nhiều người như thế đâu. - Gergey nói và cũng cầm lấy cốc.
Họ lặng lẽ chạm cốc. Có lẽ cả hai đều nghĩ rằng người đàn bà phúc hậu ấy ở thiên đường cũng thấy cốc rượu nâng lên vì bà.
- Thế Zorinhi? - Đôbô lại bắt đầu. - Ta cũng viết cho cả ông ta nữa là hãy đến Eghe.
- Đáng lẽ chú ấy đã đến rồi kia, nhưng từ mấy tháng nay chú ấy nhận được tin tên Pasa ở Bốtxnhăc chuẩn bị tiến đánh chú ấy. Hồi tháng hai tôi có nói chuyện với chú ấy ở Tsactôrơnnho. Lúc đó chú ấy đã biết bọn Thổ phát đại binh đi đánh Temêtva, Xônnôc và Eghe. Chú ấy còn đọc cho tôi viết thư lên cho hoàng thượng cơ mà.
Chàng vừa nói vừa vuốt tóc người võ đồng.
Trước cửa phòng bỗng vang lên tiếng nhạc của mấy cây tiêu và mấy cây kèn:

Mika đang lội trong bùn
Ponni đã đợi bên nguồn từ lâu

Dường như có ai đã tiếp một dòng máu mới vào huyết quản mọi người. Theo hiệu của Đôbô, người võ đồng dẫn các ca sĩ vào. Ba người thổi tiêu và hai người chơi kèn, cả gã xigan cũng ở trong số đố. Đầu gã đội một cái mũ sắt to, đã han gỉ, có cắm ba cái lông gà trống. Bên sườn gã, một thanh gươm trần lủng lẳng ở đầu dây. Sau hai gót chân đất là một đôi cựa giầy to tướng. Gã phồng má lên mà thổi cây kèn Kalanet[36] của gã.
Tất cả đều thích thú lắng tai nghe họ thổi. Khi họ điệp lại khúc nhạc, một giọng nam trung ấm áp bỗng cất lên trong hàng các trung úy:

Trời mau làm xanh lại những rừng dương
Để ta lại thắng cương vào tuấn mã
Và thử lại thanh gươm đang buồn bã
Cho Thổ Nhĩ Kỳ khóc mếu nhắc tên ta.

Người trung úy đó là một chàng to lớn, ria mép vê xoăn tít. Ria mép của anh ta lúc nào cũng thẳng ngang dưới mũi, đến nỗi đứng sau lưng cũng đã có thể nhận ra được rồi.
- Người trung úy này là ai ấy nhỉ? - Gergey cúi về phía Đôbô hỏi.
- Em trai của đại úy trấn thủ thành Kômarôm, tên anh ta là Pocsi Yôp.
- Hát hay thật.
- Và rõ là một trang dũng sĩ. Tất cả những người vui hát đều là những chiến sĩ cừ.
Người trung úy còn muốn hát một đoạn khác nữa của bài ca, nhưng anh ta không nhớ ra. Mấy cây kèn, tiêu đều chờ anh ta bắt đầu.
Trong phút im lặng đó, một người bỗng thét vang lên:
- Giáo sĩ của chúng ta muôn năm!
- Trưởng lão của quân đội ta muôn năm! - Zôntoi hô to.
Xexey vui vẻ đáp:
- Có lão cái ông bố già của các anh thì có!
- Người vệ quốc trẻ nhất của thành muôn năm! - Peto hô lên.
Nghe thế Toriani Korixlôp cũng giơ tay cầm lấy cốc và đỏ mặt chạm cốc với khách khứa.
- Tên Thổ sẽ bị chúng ta nện gẫy răng đầu tiên muôn năm! - Gergey hô.
Nhưng không có ai để nhận cái chạm cốc này cả. Tất cả mọi người đều cười và đành chạm cốc với người bên cạnh.
Gã quý tộc Eghe có bộ mặt đỏ đứng dậy. Gã hất cái áo khoác màu xanh có cổ đeo trên vai phải ra đằng sau. Gã chùi ria mép bên phải một cái, bên trái một cái, vuốt tóc ra sau một cái rồi lên tiếng:
- Người đầu tiên sẽ chết vì Eghe muôn năm!
Gã kiêu hãnh và nghiêm nghị nhìn quanh rồi nốc một hơi cạn cốc mà không chạm với ai.
Gã có ngờ đâu gã uống vì chính gã.
Kim của cái đồng hồ to có đế chỉ đến số mười một khi một người lính gác bước vào đứng lại ở ngưỡng cửa và báo cáo:
- Thưa ngài đại úy, quân Thổ đã đến Mokơla.
- Đội thám báo hay đội tiền quân?
- Nhiều hơn là một đội thám báo. Dưới ánh trăng chúng kéo đến nom như nước lũ. Chúng tôi thấy rất nhiều trại và nhiều lửa.
- Vậy thì ngày mai chúng sẽ đến đây. - Đôbô gật đầu cho người lính gác lui ra sau đã dặn từ đây đến sáng không cần phải báo tin thêm nữa.
Và ông đứng dậy. 
Đó là dấu hiệu giải tán.
Mectsei kéo Gergey, Phuyghetđi, Peto và Zontoi vào một góc phòng. Anh nói với họ vài lời rồi vội vàng đến chỗ Đôbô.
- Thưa đại úy. - Anh nói và đập cựa giầy vào nhau kêu lách cách. - Đêm nay chúng ta có thể xuất kích độ vài trăm người.
- Đến âm ti địa ngục nào thế?
- Đến Mocơla.
- Đến Mocơla?
- Để chúc cho bọn Thổ được ngon giấc.
Đôbô thích chí đưa tay lên vuốt ria rồi bước đến bên cửa sổ làm Mectsei cũng phải bước theo.
- Hầy, - Đôbô đáp. - ta cũng chẳng tiếc. Đối với quân dân trong thành, cái loại việc làm đó có tác dụng khích lệ đấy.
- Chính tôi cũng nghĩ như vậy.
- Nếu có lòng hăng say chiến đấu, gươm sẽ bén ngọt. Nhưng anh thì ta không thả ra đâu.
Mectsei giật mình.
Đôbô bình tĩnh nhìn anh và nói:
- Anh thật sự như một chú bò tót. Anh húc bừa vào tất cả mọi gốc cây, rồi một lần nào đó bỗng không tài nào rút sừng ra được nữa. Thế mà anh còn phải chú ý giữ lấy cái đầu của anh nữa chứ, để nhỡ nếu tôi có ngã xuống thì anh phải lập tức nắm lấy quyền chủ soái. Điều này tôi chỉ nói riêng với anh thôi. Nhưng Gergey là một tay mưu trí, khó lòng lừa được cậu ta vào bẫy. Anh gọi cậu ta lại đây.
Gergey có mặt ngay.
- Gergey, anh có thể đi được. - Đôbô nói. - Nhưng không phải với hai trăm người đâu, chỉ một trăm thôi. Ngần ấy là đủ. Các anh nện cho chúng một cú, làm cho chúng hốt một tí rồi phải quay về ngay. Không được để thiệt hại một ai đấy nhé.
- Thưa đại úy, - cậu bé võ đồng Toriani cầu khẩn. - cho con đi theo họ với.
Đôbô lại vuốt ria mép một cái.
- Thôi được, ta chẳng tiếc. - Ông nói. - Nhưng lúc nào cũng phải nhớ theo sau thượng úy Gergey đấy nhé. Nếu để chúng nó đánh cho nhừ tử thì đừng có mà về trình diện nữa, ta nói cho mà biết.

6

Gergey lao đến trại lính kỵ mã và khi đã vào đến trong phòng, chàng nổ một phát súng ngắn thay cho kèn tập hợp.
Các chiến sĩ lập tức chồm ra khỏi giường.
- Tập hợp quanh ta! - Gergey thét to.
Chàng chọn lấy một trăm trong số những người nhanh nhất.
- Một - hai! Mặc quần áo vào! Khi nào ta nháy mắt đến cái thứ ba, các ngươi đã phải gươm súng sẵn sàng trên ngựa ở chỗ cổng. Còn anh, chạy ngay đến chỗ quan đại úy phó trấn xin một cùm bắt tù binh và mang theo. Tất cả phải mang theo súng tay [37] trong túi yên ngựa!
Hồi đó súng ngắn còn được gọi là súng tay.
Gergey chạy xuống cầu thang, vội vã đi về phía chuồng ngựa. Dưới ánh đèn đỏ từ trong nhà bếp hắt ra, chàng trông thấy một người mặc áo đôn-man màu vàng, đội mũ sắt. Người đó ngồi trên một cái chậu giặt úp sấp, đang ôm một quả dưa hấu trên đùi, tay chìa xúc ăn. Chân người đó không có giầy.
- Người này chẳng thể ai khác ngoài gã xigan của ta. - Gergey tự nhủ và lên tiếng gọi:
- Sakơđi!
- Xin ngài cứ sai phái. - Gã xigan đáp và thẳng người lên.
- Nếu anh theo ta, hôm nay anh sẽ có thể kiếm được ngựa, ngựa nòi hẳn hoi.
Gã xigan nhảy phát dậy.
- Con đi ngay đây. Đến đâu ạ?
- Đến chỗ bọn Thổ. - Gergey vui vẻ đáp. - Bây giờ chúng nó đang ngủ, ta sẽ đánh úp chúng.
Gã xigan gãi đầu cúi nhìn xuống đất rồi lại ngồi xuống cái chậu giặt.
- Nói là nói thế chứ không thể được đâu ạ. - Gã trịnh trọng nói.
- Sao lại không thể được?
- Hôm nay con đã uống cùng với mọi người thề là không rời bỏ thành.
- Chúng ta có thề như thế đâu. Chúng ta thề là sẽ bảo vệ thành đến cùng chứ.
- Có thể là những người khác thề như thế. Con thì con thề là nếu con mà đi ra khỏi thành thì cứ xin trời đánh, thánh vật. Cầu Thượng đế phù hộ cho con giữ được lời thề đó.
Nói rồi gã lại ôm quả dưa hấu vào lòng. Lúc lắc cái đầu và tiếp tục nhấm nháp.
Chưa đầy mười phút, Gergey đã cùng các chiến sĩ phóng ngựa trên đường đi Mokơla, dưới ánh trăng đêm.
Hai người đi phía trước, hạ sĩ Phekete Isotovari và binh nhất Bôđôphonvi Pete. Qua suối Nước nóng họ rẽ xuống cánh đồng cỏ. Ở đó đất mềm nuốt gọn tiếng lộp cộp của vó ngựa, một trăm kỵ binh giống như một trăm cái bóng lung linh chuyển động.
Đến đồng cỏ Onđonoki, họ trông thấy ánh lửa của tốp gác đầu tiên.
Pete dừng lại, tất cả mọi người cũng thế.
Mảnh trăng lưỡi liềm giữa những đám mây chỉ chiếu sáng vừa đủ để nhận thấy những cây cối và hình người như những bóng đen tách ra khỏi màn đêm.
Gergey thúc ngựa đến bên Bôđophonvi:
- Cậu xuống ngựa đi. Hãy bò như con rắn mà đến chỗ tên lính gác đầu tiên. Nếu nó có chó đi đi theo thì cậu hãy bò trở lại, cũng lặng lẽ như khi đến đó. Nhưng nếu không có chó, cậu hãy vòng ra sau lưng nó, cho nó một nhát. Sau đó cậu hãy quan sát đống lửa, nếu không còn tên lính nào khác ở cạnh đó, hãy ném vào đó nửa vốc thuốc súng. Nhưng ngay lúc đó cậu phải nấp đi nhé, đừng để ai trông thấy đấy.
- Còn ngựa của con?
- Ngựa của cậu đem buộc vào cây này này. Khi nào ta trở lại, cậu sẽ tìm thấy nó.
- Nếu chúng nó ở bên đống lửa?
- Cậu nhìn quanh cho thật kỹ xem chúng nó nằm những đâu và nằm như thế nào, chỗ nào đông nhất sau đó mau chóng quay trở về.
Họ đứng đến hơn nửa giờ bên bờ suối, cạnh những bụi liễu. Gergey dặn dò binh sĩ:
- Chừng nào còn thấy chúng nó chạy, các cậu cứ tha hồ đâm chém. Không ai được rời xa đồng đội quá một trăm bước, đừng để bị vấp ngã. Khi nào nghe tiếng tù và rúc, lập tức phải quay lại ngay và chúng ta sẽ phi nước đại về thành. Chừng nào tù và chưa rúc, cuộc chơi còn tự do.
Các chiến sĩ đứng quây vòng xung quanh, lắng nghe từng lời chàng nói.
Gergey lại tiếp:
- Chúng nó sẽ hốt hoảng và không còn nghĩ đến chuyện kháng cự nữa. Nếu đúng như vậy, các cậu cứ chém vào chỗ nào dày đặc nhất cho đến khi nào chúng nó tan tác ra mới thôi. Các cậu hãy học lấy một lần và mãi mãi rằng kẻ nào chiến đấu trên mình ngựa thì phải chém cho nhanh để địch thủ không sao có thì giờ chém lại nữa. Phải chém lia lịa như mưa sa chớp giật ý.
Gergey ngừng lời. Chàng quay về phía bọn Thổ nghe ngóng động tĩnh rồi quay về phía các chiến sĩ:
- Cái cạm bắt tù binh đâu rồi?
- Có đây, thưa thượng úy. - Một gã người cao trả lời trong hàng quân.
- Cậu giữ dụng cụ đấy à?
- Vâng ạ.
Gã chiến sĩ trả lời và giơ cao một dụng cụ dài giống như cái nạng.
- Cậu biết dùng nó chứ?
- Ngài đại úy đã dạy con.
- Vậy cậu hãy dùng nó mà chẹt lấy cổ một tên nào đó rồi quật đồ cẩu trệ ấy xuống. Nếu chúng ta chộp được loại sĩ quan thì mới thật là vẻ vang các cậu ạ. Loại ấy thường ở trong cái lều đẹp nhất và chắc chắn là chỉ mặc áo lót mà ngủ. Nếu có thể được ta hãy bắt loại đó.
Chàng lại nghe ngóng rồi nói tiếp:
- Phải trói tù binh lại, nhưng chỉ trói tay nó thôi. Trói quặt tay nó ra sau lưng. Nếu ta bắt được cả ngựa nữa thì có thể cho nó cưỡi và lúc đó cậu Kơristôp và cậu, cậu người be bé kia, các cậu hãy kèm nó vào giữa, buộc cương ngựa của nó vào ngựa các cậu mà đưa nó về. Nếu nó định tẩu thoát hoặc nói gì, hoặc kêu la, hoặc định tụt xuống đằng sau, các cậu lập tức phải đánh ngay!
- Nhưng nếu ta không bắt được ngựa? - Kơristôp hỏi.
- Thì nó phải chạy theo bên cạnh ngựa của các cậu, và các cậu phải vội về thành ngay, không được chờ chúng ta nữa.
Hình dáng của anh binh nhất Pête hiện ra bên cạnh mấy bụi cây, anh chạy mà trở về.
- Con đã đâm chết tên lính gác rồi. - Anh vừa thở hồng hộc vừa nói. - Nó chẳng kịp ối ái gì cả mà chỉ lăn kềnh ra như một cái bị. Đống lửa cháy ở khoảng giữa các lều, có một tên Thổ ra dáng quân hầu ngồi bên cạnh. Tay hắn cầm hài vàng, phấn vàng đặt trên gối.
- Lính hầu sĩ quan. - Gergey nói. - Nói tiếp đi.
- Mấy trăm đứa khác nằm lăn lóc trên bãi cỏ, trên các tấm chăn, giữa một bãi tròn về phía bên trái đống lửa.
- Chúng nó ngủ chứ?
- Như một lũ gấu[38].
- Tốt. - Gergey nói. - Bây giờ các cậu hãy dãn ra, cách nhau độ mười bước. Khi nào ta nổ súng, tất cả các khẩu súng đều phải bắn vào giữa bọn địch và các cậu hãy nhảy xồ lên người chúng nó như những con sói ý. Phải thét lên, gào lên và chém thật lực vào, không phải bố các cậu đâu mà gượng nhẹ!
Họ chờ cho Pête lên ngựa xong rồi tản rộng ra về phía mặt trời mọc.
Người ngoài cùng là Petơ. Từ xa người ta đã có thể nhận ra được anh nhờ ba cái lông đại bàng cắm trên mũ chiến. Tuyến của kỵ đội quành vào thành một hình bán nguyệt và lựa nước chạy theo nhịp phi của Gergey. Bây giờ Gergey đã dẫn đầu.
Chàng cho ngựa chạy nước kiệu nhẹ nhàng bên cạnh dãy bụi cây một chốc rồi sau đó bất thình lình chuyển sang phi nước đại.
Tiếng rú man rợ của tên Thổ đầu tiên nổi lên trong đêm. Hắn nổ súng vào Gergey, Gergey bắn trả lại. Trong nháy mắt sau đó, tất cả các khẩu súng ngắn đều nổ ran và một trăm kỵ sĩ như một trận cuồng phong dữ dội ào ào xông vào đội quân Thổ đang ngủ.
Trong nháy mắt đó, khu lều trại choàng tỉnh dậy trong tiếng ào ào. Tiếng thét của Hung và của Thổ hỗn hợp với nhau thành một cơn bão âm thanh. Những tên địch ngủ dưới đất, thần hồn nát thần tính choàng dậy và đám đông quân Thổ chen lấn nhau, nhảy lên lưng lên cổ nhau, đạp nhau chạy tứ tung giữa các lều.
- Giết! Giết!. - Tiếng Gergey vang lên lanh lảnh.
- Allah! Allah akbar[39]! - quân Thổ rú.
- Đập chết bọn chó đi! - Petơ Galpa gầm lên đâu đó giữa những cái lều.
Tiếng rú của bọn Thổ chen lẫn tiếng chửi rủa của các chiến sĩ Hung. Gươm vung loang loáng, phủ việt [40] quất vù vù, vó ngựa nện rầm rập, lều trại gẫy răng rắc, chó sủa ăng ẳng. Mặt đất cũng rung rinh dưới vó ngựa của một trăm kỵ sĩ.
Gergey thúc ngựa nhảy vào giữa một bầy dị giáo bị kẹt giữa hai cái lều. Chàng chém bên phải, phạt bên trái. Chàng cảm thấy lưỡi gươm của mình lần nào cũng phập vào thân người và đầu giặc rơi rụng, thây giặc ngã nhào trước ngựa chàng như lúa mì tháng sáu khi một con chó săn phóng giữa cánh đồng.
Dưới ánh trăng soi, chàng trông thấy tất cả bầy ngựa của bọn Thổ đang gặm cỏ thành một đàn và những tên chạy trốn đang dùng gươm cong chặt dây hãm rồi nhảy lên mình ngựa.
- Theo ta các cậu ơi. - Chàng kêu to với Petơ lúc ấy vừa mới đến đó.
Và họ tấn công cả vào bọn đã lên ngựa. Họ chém cả người lẫn ngựa. Gươm khua loảng xoảng, giáo vặn răng rắc, chùy vung vù vù. Bọn Thổ kinh hoàng nhảy bừa lên ngựa có khi hai đứa cùng bám lên một ngựa. Đứa nào kịp thì tẩu thoát bằng ngựa, đứa nào không kịp nhảy lên ngựa thì vắt chân lên cổ mà lẩn vào đêm tối.
Gergey không đuổi theo chúng nữa. Chàng dừng lại, cho thổi tù và thu quân. Các chiến sĩ của chàng từ khắp phía, chạy qua những khoảng cách giữa các lều và đến chỗ chàng.
- Quân Thổ đã chạy! - Gergey nói to. - Các cậu mau thu nhặt tất cả những gì có thể mang theo được ! Đừng ai buông ngựa ra khỏi tay! Lều nào có lửa cháy ở đằng trước thì hất lửa lên lều!
Các chiến sĩ lại tản đi. Gergey vẩy gươm cho ráo máu và đâm hai ba lần vào vải bạt của một cái lều để lau cho sạch.
- Phù, công việc này thật đáng kinh tởm biết bao! - Chàng nói với Phekete, cũng đang chùi gươm theo kiểu đó.
Sau đó, khi đã không còn bóng quân Thổ ở đâu nữa, chàng gọi Kơrixtop đến bên mình:
- Ta hãy đi xem các lều một lượt!
Dưới ánh trăng mờ nhạt không thể phân biệt được lều nào là của sĩ quan chỉ huy. Các lều không cùng một dạng, cái thì tròn, cái thì vuông, và lều nào có sang trọng hơn những cái khác một chút thì đó cũng chỉ là loại lều được gửi đi trước mà thôi. Cho bọn lính thường.
Gergey giật lấy cây cờ đuôi ngựa trên nóc một cái lều và gọi hỏi Kơrixtốp:
- Thế nào cậu cả, cậu có chém không đấy?
- Hai đứa. - Người võ đồng vừa thở vừa đáp.
- Chỉ hai thôi à?
- Những đứa khác chạy mất cả.
Các chiến sĩ đã lùng được cả một vài cái xe. Họ ném lên đó tất cả những thứ không chất lên mình ngựa của họ được nữa: những tấm thảm, những cây cờ có thêu kim tuyến, những dây thắng ngựa nạm ngọc trang trí trước ức ngựa, những bộ yên cương, mũ sắt, binh khí, nồi chảo và tất cả những gì lọt vào tay họ. Họ còn tháo tung cả mấy cái lều, ném lên xe.
Khi họ về thành, trời đã rạng sáng.
Đôbô đã sốt ruột chờ họ trên pháo đài. Nếu trận xuất kích thất bại, dân thành sẽ lo âu.
Nhưng khi ông trông thấy những con chiến mã và những cái xe chất nặng, trông thấy Gergey từ xa đã giơ cao lá cờ Thổ đính chùm đuôi ngựa, niềm vui sướng sáng bừng trên khuôn mặt ông.
Khi đoàn dũng sĩ rầm rập kéo qua cổng thành, dân thành đã chờ sẵn ở đó và hoan hô họ bằng những tiếng reo vui vẻ.
Các chiến sĩ đã không bị tổn thất mà còn bắt thêm được tù binh. Gã chiến sĩ người cao mang theo một tên Thổ bị nhét giẻ đầy mồm, dẫn thẳng đến trước Đôbô. Đến đó anh kéo dải khăn tuyban ra khỏi mồm nó:
- Con xin báo cáo, - anh kiêu hãnh nói. - chúng con đã đem về cả lưỡi.
- Đồ con bò!- tên Thổ điên tiết thét vào mặt người dũng sĩ.
Đôbô vốn không hay cười, nhưng lần này ông cười ha hả đến nỗi chảy cả nước mắt.
- Vosanhi, - Ông nói với tên tù binh,- vậy là anh đóng vai lính Thổ cừ đấy chứ.
Và ông quay sang người dũng sĩ:
- Thôi, cởi trói cho anh ta đi. Anh ta là điệp viên của ta đấy.
- Con đã định nói với cái đồ ngu này rằng con là người Hung nhưng hễ con vừa lên tiếng là lần nào nó cũng nện vào đầu con, sau đó nó lại còn nhét giẻ vào mồm con nữa.
Vosanhi cay đắng nói và vung tay lên định tát.
Người dũng sĩ chưng hửng lùi ra một bên.
Đôbô vẫy Gergey và Mectsei lại, rồi nói với người điệp viên:
- Vào đây.
Ông đi vào ngôi nhà hai tầng có tháp ở trên mái, đứng bên cổng trong và bước vào phòng người giữ khóa cổng. Ông ngồi xuống một cái ghế bành đan bằng rễ cây rồi ra hiệu cho Vosanhi nói chuyện.
- Thưa đại úy, - người điệp viên vừa xoa bóp cẳng tay vừa hất đầu, - vậy là toàn bộ đại quân của chúng nó đã đến. Pasa Amet đi đầu. Đêm qua quân địch ngủ lại ở Ơbônhơ. Chúng nó phái tiền quân cùng với bêi Mondo đến Mokola. Mẹ kiếp! - Anh ta nói thêm với giọng đổi khác.
Cái “mẹ kiếp” này là dành cho người dũng sĩ đã lôi anh ta vào Eghe. Sợi dây trói còn để lại những lằn sâu trên tay anh, đầu anh cũng nhận được vài cú nện, bởi vì chắc hẳn là anh đã giãy dụa chống lại bạo lực.
- Vậy tên bêi cũng đã ở đó với các ngươi đấy ư? - Gergey sửng sốt hỏi. - Đáng lẽ chúng ta đã có thể bắt được hắn rồi.
- Khó lòng lắm. - Người điệp viên đáp. - hắn béo như con lợn của các tu sĩ, ít nhất cũng đến ba tạ nếu không hơn.
- Anh bảo tên nó là gì?
- Monđo. Đạn không trúng hắn được. Hắn không phải là một tên bêi từ xưa. Chỉ mới trong mùa hè vừa rồi hắn được phong chức bêi, sau trận hạ thành Temetva. Ngoài ra bọn lính chỉ hay gọi hắn là Hoivan.
Gergey mỉm cười nói với hai đại úy:
- Nó là tên Thổ mà tôi đã nói chuyện cách đây mấy tối. Được rồi, đến đây rồi đạn sẽ trúng.
Đôbô bảo người điệp viên:
- Nói tiếp đi.
- Sau đó đến bêi đặc mệnh, Xôkôlôvits Mehemét. Hắn bắn giỏi lắm. Hắn điều chỉnh các khẩu đại bác và sẽ ra lệnh bắn phát đầu tiên. Chúng nó bảo hắn có đôi mắt có thể nhìn xuyên qua tường. Con thì không tin điều đó.
- Chúng nó có bao nhiêu đại bác?
- Đại bác công thành kiểu cổ chúng nó có mười sáu khẩu. Đại bác cỡ lớn khác chúng nó có tám mươi lăm khẩu. Đại bác bắn đạn cỡ nhỏ, hơn một trăm năm mươi khẩu. Đại bác bắn đạn ria rất nhiều. Đạn chúng nó chở trên một trăm bốn chục xe, con còn thấy hai trăm lạc đà chở thuốc súng. Trên một cái xe bốn bò mộng kéo, chúng nó chẳng chở gì khác ngoài đạn cẩm thạch, những viên đạn to cỡ bằng quả dưa hấu to nhất.
- Đoàn quân có được cung cấp dồi dào lương thực không?
- Gạo chúng nó không dư dật lắm. Hiện nay chúng nó chỉ phát gạo cho sĩ quan thôi. Nhưng bột với thịt thì chúng cướp lấy ở khắp mọi nơi.
- Trong quân có bệnh tật gì không?
- Không ạ, chỉ có bêi Kaxôn bị ốm ở Hotvon, mà cũng chỉ vì ăn dưa chuột muối mà thôi.
- Còn ai nữa?
- Bêi Orơxơlan.
- Con của tên cựu tổng trấn Buđô ấy à?
- Vâng.
- Còn ai nữa?
- Bêi Muxtapha, bêi Kombe, bêi Veli.
- Mẹ kiếp cái tên bêi Veli ấy chứ, - Metsei lẩm bẩm. - Ta sẽ bắt nó hát cho mà xem!
- Ta còn cho nó nhảy nữa ấy chứ. - Gergey nói.
- Thế còn tên bêi đạo sĩ? - Đôbô hỏi. - Nó là loại đạo sĩ gì?
Voshanhi lắc đầu:
- Hắn rất đặc biệt. Cũng là bêi chính thức như những tên khác, nhưng hễ ra trận là hắn cởi bỏ áo bêi và mặc áo khoác lông cừu. Vì thế mà chúng nó mới gọi hắn là bêi Đạo sĩ.
Người điệp viên nói và nhìn Đôbô với vẻ không vui, vì từ câu hỏi của ông, anh ta thấy là một điệp viên khác của Đôbô đã vượt trước anh ta.
- Hắn là người như nào? - Đôbô tiếp tục cặn vặn - Hắn chỉ huy đội quân đội?
- Con thấy hắn đi với đội kỵ binh. Hắn chột một mắt. Trước kia hắn là aga của bọn ionisa và tên thật của hắn là Yumusac.
Nghe thấy cái tên ấy, bàn tay của Gergey chợt cử động và chuồi xuống đốc kiếm.
- Yumusac. - Chàng nói. - Ngài không nhớ ra ư, thưa đại úy? Chính con đã thoát khỏi tay hắn hồi còn nhỏ đấy thôi.
Đôbô lắc đầu:
- Trong đời ta đã đụng độ với bao nhiêu là tên Thổ, đến nỗi ta nếu ta có quên mất tên này hay tên nọ thì cũng chả có gì đáng lạ.
Nhưng ông chợt vỗ tay lên trán:
- Sao ta lại không biết hắn cơ chứ. Hắn là em của tên bêi Orơxơlan. Một đứa tàn ác như lang sói.
Rồi ông lại quay sang hỏi người điệp viên:
- Anh làm gì trong trại quân Thổ?
- Con đã được vào làm lính hầu của tên bêi Mondo, (quỷ tha ma bắt cái anh chàng ngớ ngẩn đã bắt con về đi) đáng lẽ con đã có thể lấy tin tức về tất cả mọi mưu đồ của chúng.
- Anh làm thế nào mà được vào làm ở chỗ tên bêi?
- Con đánh bạn với thằng hầu cũ của hắn và lúc nào cũng quanh quẩn bên lều của hắn. Ở Hotvon tên bêi giận thằng hầu cũ và đánh đuổi đi, còn con thì vì hắn đã thấy nhiều lần nên hắn gọi con đến làm, bởi vì con cũng đã biết nấu mực rồi.
- Cái gì?
- Mực. Hắn uống mực cũng như ta uống rượu vang vậy. Sáng, trưa, tối hắn đều chỉ uống mực.
- Có lẽ không phải mực đâu, anh ạ.
- Nhưng rõ ràng là mực mà, đúng thật loại mực đen tốt, nấu bằng một thứ đậu gì gì ấy, đắng ơi là đắng, đến nỗi có lần con nếm thử mà đến tận ngày hôm sau vẫn còn phải nhổ nước bọt đấy. Chúng nó gọi thứ đậu ấy là cà phê.
Ba vị chỉ huy đưa mắt nhìn nhau, trong bọn họ chưa hề một ai nghe nói đến cà phê cả.
- Thôi, anh làm được đến thế là tốt rồi đấy. - Đôbô nói và ngước nhìn ra phía trước. - Quân chúng nó kháo nhau những gì về Eghe? Chúng nó có bảo thành này kiên cố không, hay chúng nó cho là chuyện dễ xơi?
- Từ khi Xonóc thất thủ, - người điệp viên đáp. - chúng nó tưởng rằng tất cả thế giới đều là của chúng nó. Khắp trại quân, nơi nào chúng nó cũng kháo nhau rằng Ali đã viết thư cho Amet nói rằng Eghe chỉ là một cái chuồng cừu xộc xệch.
- Thế chúng nó chưa hội quân à?
- Bẩm chưa.
Đôbô nhìn Mectsei, Metsei mỉm cười nhún vai:
- Rồi chúng nó sẽ thấy trong cái chuồng cừu xộc xệch này có những con cừu hung dữ đến thế nào.
Người điệp viên nói tiếp:
- Trong trại chúng nó có nhiều quân ô hợp. Đủ tất cả các loại con buôn Hy Lạp, bọn làm xiếc leo dây, bọn Ácmêni, bọn lái ngưa và xigan đi theo đoàn quân. Nô lệ cũng có vài trăm, phần lớn là phụ nũ Temétxa. Họ bị đem chia cho bọn sĩ quan.
- Quân khốn nạn! - Mectsei lẩm bẩm.
Người điệp viên lại nói tiếp:
- Nô lệ nam giới thì con chỉ thấy loại thiếu niên thôi, với lại phu đánh xe chở đạn, bêi Orơxơlan mỗi ngày nói đến hàng chục lần rằng những người Eghe hễ trông thấy đoàn quân bạt ngàn là sẽ bỏ trốn ngay, cũng như bọn Xônóc.
- Lực lượng chính của đạo quân đó là gì?
- Là có đông bọn Ionisa và càng đông hơn nữa bọn thiết kỵ. Bọn công binh đào hầm cũng đến. Chúng nó gọi bọn ấy là Logumji. Bọn lính Kunbaraji cũng đến, đó là bọn dùng thương và ná bắn đá để lăng hỏa hổ vào thành.
Đôbô đứng dậy:
- Bây giờ thì anh đi đi, đi nghỉ đi. Đến khuya anh sẽ trở lại trại quân địch. Nếu có gì cần báo cáo, anh cứ việc đến dưới chân thành về phía thành phố và vẫy một cái khăn trắng.

7

Ngoài bãi chợ lập tức bắt đầu một cuộc bán hóa giá. Năm xe chất đầy và tám con ngựa nhỏ giống Thổ.
Người ta lôi viên thư lại phát xipô ra khỏi giường, rồi đặt một cái bàn trước mặt anh ta, một người đánh trống bên cạnh anh ta, và cử Bôđôphonvi Pete làm người xướng giá.
- Bắt đầu từ mấy con ngựa đi.- Petơ nói.
- Một con ngựa Ảrập tuyệt đẹp đây! - Bôđôphonvi bắt đầu xướng.
- Cậu gọi cả hai con cùng một lúc đi. - Mectsei bảo.
Bởi vì trong số chiến lợi phẩm có hai con ngựa chiến giống nhau như đúc.
Chẳng có ai trả cho hai con ngựa đó một giá nào cả, tuy thế vẫn bán được. Đôbô ủy cho Mectsei mua lấy đôi ngựa tốt đó cho các võ đồng, Mectsei chờ xem có ai lên tiếng không, nhưng tất cả mọi người đều dành tiền để mua binh khí và các loại quần áo. Mectsei bèn mua cả tám con ngựa với giá bốn phôrinh[41] và dắt về chuồng.
Sau đó đến lượt các cỗ xe, trong đó tha hồ nhiều thứ binh khí đẹp. Với một vài đêna[42] đã có thể mua được một thanh gươm cán nạm ngọc hoặc một khẩu súng có báng bằng ngà voi. Các phụ nữ đua nhau mua các loại quần áo. Phuyghétdi mua một cây chùy nặng hai chục bảng[43], Pócxi Yốp mua một tấm nhung phủ mình ngựa. Zôntoi mua một cái mũ chiến bằng bạc có lưới che mặt. Tiền rơi rào rào xuống trước mặt viên thư lại Mihai và gã cắm cúi ghi hết những ai mua gì, trả được bao nhiêu.
Khi cái xe đầu tiên đã vơi đến đáy thùng, Bôđôphonvi vui vẻ kêu lên:
- Bây giờ đến cái hòm bảo vật của vua Dariux[44] danh tiếng đây!
Và với sự giúp đỡ của một người lính nữa, anh nhấc một cái hòm bọc da bê rất đẹp đặt lên bệ xe. Cái hòm đậy kín nhưng không thấy khóa hay then gì cả. Người ta phải dùng rìu mới cậy nắp lên được.
Dân thành tò mò đè lên nhau để xem. Dù trong hòm không có bảo vật của vua Dariux chăng nữa, một vài thứ đồ tế nhuyễn chắc hẳn phải có.
- Tôi muốn mua một vài cái cốc bằng bạc. - Một lão chủ quán rượu trong thành nói.
- Tôi muốn mua một khăn lụa thật đẹp. - Một cô gái đi ủng đỏ ao ước.
Bởi vì cô đã thấy người ta ném trên xe xuống hàng đống quần áo nữ cùng mấy chậu hoa, rõ ràng là một số sĩ quan Thổ đã mang cả vợ đi theo.
- Tôi chỉ muốn một đôi giày poput[45] thôi. - Một bà lão nói. - Tôi đã nghe đồn nhiều là người Thổ khâu giầy poput tốt lắm.
Nắp hòm bật lên. Khán giả ngạc nhiên không ít khi thấy một thằng bé độ sáu - bảy tuổi từ trong hòm chui ra. Đó là một thằng bé Thổ da mặt trắng trẻo, mắt như mắt con nai, coi bộ rất hoảng sợ. Tóc nó cắt ngắn, mình mặc một cái áo bé tẹo, một đồng tiền vàng đeo tòn ten ở cổ.
Bôđôphonvi chửi:
- Chà, chà, tiên sư cái thằng bố đầu ễnh ương, đẻ trên cành sung của nhà mày chứ!
Và anh méo xệch mặt làm bộ kinh tởm. Mọi người cười ran.
- Quật chết thằng lỏi con đi! - Một chiến sĩ đứng trên một cỗ xe khác la lên.
- Diệt cỏ phải diệt tận gốc! - Một người khác nói.
Thằng bé òa lên khóc.
- Bước ra đi chứ, cái thằng bố mày! - Bôđôphonvi quát lên và túm lấy vai thằng bé nhấc ra khỏi cái hòm rồi ném xuống bãi cỏ khiến nó ngã giúi dụi.
Thằng bé khóc thét lên. Mọi người căm ghét nhìn nó.
- Ôi, xấu xí quá! - Một phụ nữ kêu lên.
- Xấu đâu nào! - Một người khác đáp lại.
Thằng bé đã đứng dậy, đôi mắt sợ sệt đẫm ướt và cái miệng mếu máo. Mỗi nháy mắt nó lại giụi mắt một cái và nhìn quanh. Nó không dám khóc to nữa, chỉ thút thít.
- Đập chết nó đi mà! - Một người lính đang dỡ cái lều ra lại quát lên.
Thằng bé nghe tiếng quát lại giật nảy mình và nép vào váy một người đàn bà, giấu mặt vào phía trong. Ngẫu nhiên đó lại chính là người đàn bà đã chê nó xấu xí, một mụ đàn bà đã già, mũi khoằm như mỏ diều hâu, người gày gò, làm việc trong nhóm phụ nữ nướng bánh. Lúc đó tay áo mụ đang xắn lên, đầu chít một cái khăn màu xanh, múi buộc đằng sau.
- Ồ, sao lại đánh chết! - Lúc này mụ đặt tay lên đầu thằng bé nói: - Nhỡ không phải là một thằng bé Thổ cũng nên. Phải thế không con, con không phải là Thổ chứ?
Thằng bé ngẩng mặt lên nhưng không đáp.
- Thì nó còn là gì nữa mới được chứ? - Bôđôphonvi nói. - Quần áo nó đây này - Mũ nó đây, màu đỏ, áo đônman nó đây, cũng màu đỏ! Ai đã từng thấy cái quần thụng ống túm như thế này cơ chứ? Có dây gấu ống quần, có thể rút túm lại như miệng cái túi.
Anh vừa nói vừa ném quần áo của thằng bé xuống đất.
- Annem. - Thằng bé cất tiếng. - nerede?
- Nào, đã thấy nó là Hung chưa! - Mụ đàn bà đắc thắng kêu lên. - Nó nói đấy, “onham, deride!”.[46] (Thằng bé nói tiếng Thổ: “Mẹ ơi, mẹ ở đâu”. Mụ Vosơ nghe chại ra là: “Mẹ ơi, lại đây”)
- Hung đâu mà Hung, hở bà Vôsơ. - Petơ vừa cười vừa nói. - Nó có nói là “deride” đâu, nó nói là “nerede”. Nó hỏi: mẹ nó đâu?
Và anh quay sang bảo thằng bé:
- Jok burds anang! (Mẹ mày không có đây!)
Nghe vậy thằng bé lại khóc òa lên:
- Medet, medet! (Ôi, ôi!)
Mụ Vôsơ quỳ xuống, lặng lẽ mặc quần áo vào cho thằng bé. Quần đỏ, mũ đỏ, dép đỏ, áo đônman màu tím. Cái áo đônman đã có chỗ vá, đôi dép đã phai màu. Mụ lấy tạp dề lau mặt cho thằng bé rồi nói như kiểu đưa ra một nhận định:
- Phải trả nó về mới được.
Petơ chẳng biết nên xử trí ra sao cả.
- Chà! - Bôđôphonvi hét lên và tuốt gươm ra. - Thế bọn chó má ấy không tàn sát trẻ em của chúng ta đấy hay sao? Cả trẻ sơ sinh chúng cũng chẳng tha!
- Đâm chết đi! - người lính dỡ cái lều kêu lên.
Mụ Vôsơ kéo thằng bé đi và cầm lấy tay nó để người lính đừng đánh.
- Đừng động đến nó!
Thêm hai người đàn bà nữa cũng cầm lấy tay thằng bé. Khi anh chiến sĩ tra gươm vào vỏ, thằng bé đã biến mất giữa những cái váy và những cái tạp dề đến nỗi giá có dùng thương cũng chẳng thể đâm trúng được nữa.
Sau trận đánh hồi đêm, Gergey cho ngựa chạy xuống suối Nước nóng. Chàng tắm một cái rồi nhanh chóng quay về. Trước lâu đài chàng gặp một gã thanh niên người mập mạp, mặc áo khoác cộc tay màu xanh. Vai gã vác một cây gậy sắt dùng để dện thuốc nổ vào đại bác, hoặc như người ta thường gọi là cái bàn thuốn. Một cái dây ngòi đen nhẻm treo ở đầu gậy. Gã chào Gergey.
Khi gã quay mặt lại, Gergey sửng sốt đứng dừng lại.
Cái gã trai tóc hoe vàng, áo khoác xanh này, cái mũi nhỏ như mũi trẻ con này, giữa đôi mắt bạo dạn…
Có những khuôn mặt khắc sâu trong ký ức của chúng ta như bức tranh sơn dầu treo trên tường không hề phai nhạt. Khuôn mặt này và cái dáng vóc này vẫn sống trong ký ức của Gergey. Khi chàng bị bắt làm tù binh hồi nhỏ và ngồi trong lòng một cô thiếu nữ trên xe, chàng đã trông thấy khuôn mặt này. Người thanh niên bị xiềng chân và chửi rủa bọn Thổ. Gergey gọi gã: Gatpa!
- Vâng, đúng là tên con. - Gã thanh niên mỉm cười đáp và bỏ mũ xuống. - Ngài làm sao mà biết được tên con, thưa thượng úy?
Gergey không nói nên lời.
- Chuyện này dù sao vẫn có vẻ là một câu chuyện dớ dẩn. - Chàng tư lự. - Bởi vì anh này không thể nào lại là anh kia được. Ta gặp anh kia đã hai mươi năm nay rồi cơ mà.
Tuy vậy chàng vẫn hỏi:
- Bố anh tên là gì?
- Cũng như tên con, thưa thượng úy: Kotsit Gatpa.
- Còn mẹ anh là Morơghit phải không?
- Vâng ạ.
- Không phải là bố mẹ anh đã lấy nhau ở Boronyo hay sao?
- Thưa chính thế đấy ạ.
- Họ đã là nô lệ của bọn Thổ.
- Chúng nó chỉ mới đang dẫn họ đi.
- Nhưng rồi họ được giải thoát.
- Đúng thế ạ.
- Đôbô đã giải phóng cho họ.
- Với lại một cậu bé nữa.
Gergey thấy cái nóng bừng lên trên mặt.
- Mẹ anh có ở đây không?
- Có ạ, bởi vì cha con cũng ở đây. Cha con ở cùng chỗ với con: chúng con bảo quản một khẩu đại bác.
- Mẹ anh ở đâu?
- Mẹ con đến kia kìa!
Một người đàn bà to béo, nét mặt tròn vành vạnh đang từ phía cổng đi tới, hai tay ôm hai bình sữa, lưng đeo một cái thùng. Tạp dề của bà cũng đựng đầy cà rốt.
Gergey bước vội tới chỗ bà.
- Thím Morơghit thân mến! Thím Morơghit tốt bụng! Hãy để cho tôi được hôn má thím một cái nào.
Và trước khi người đàn bà kịp trấn tĩnh, chàng đã hôn chụt lên cả hai má của bà.
Người đàn bà cứ ngẩn tò te ra mà nhìn chàng.
- Thím ơi, tôi là thằng bé mà thím bế trong lòng trên đường đi Pets đây mà.
- Ồ! - Bà sửng sốt nói. - Chẳng lẽ lại là ngài đấy ư, hở ngài tráng sĩ?
Giọng của thím nghe ồm ồm như tiếng một cây kèn gô.
- Tôi đây, thím à. - Gergey mừng rỡ đáp. - Đã bao lần khuôn mặt phúc hậu thời con gái của thím hiện ra trong ký ức tôi! Và chúng tôi nhớ thím đã an ủi, chăm sóc chúng tôi như thế nào trên nóc xe.
Những giọt lệ vui mừng long lanh trên mắt thím Morơghit.
- Mày đỡ cái bình sữa này hộ mẹ cái, - thím bảo gã con trai, - kẻo nó rơi khỏi tay tao bây giờ đây! Thế cái cô bé tí xíu ấy? Cô ta còn sống nữa không?
- Sống chứ thím. Cô ta bây giờ là vợ tôi đấy. Cô ấy ở nhà, ở Sôpơrôn. Tôi đã có một cháu trai rồi, tên nó là Iontsi. Tôi sẽ viết cho vợ con tôi biết là tôi đã gặp lại thím Morơghit tốt bụng. Tôi sẽ viết cho họ biết.
Ôi, tráng sĩ Gergey, con trai anh ở đâu? Người vợ đẹp của anh đang ở đâu?

8

Ngày hôm đó, Gergey nằm ngủ dài trên tấm nệm da gấu. Chàng chỉ bừng tỉnh giấc khi trong thành bỗng nổi lên tiếng rào rào, răng rắc rất dữ dội, như thể nguời ta đang đập phá hàng ngàn cánh cửa.
Chàng vươn vai đứng dậy, đến mở cánh cửa chớp. Thì ra cả thành phố đang chìm trong bể lửa. Tòa nhà thờ xứ to lớn nguy nga, lâu đài giám mục lộng lẫy, nhà thờ Mikơlốt, tòa nhà của các linh mục, nhà xay Sặc sỡ và tất cả các ngôi nhà khác đều ngập trong thác lửa cuồn cuộn, trong màn khói ngùn ngụt bốc cao. Tiếng ào ào vượt qua trên đầu chàng, vang động khắp thành, rùng rợn như địa ngục.
Chàng mở cánh cửa sổ phía trong, ngói bay loạn xạ vụt qua trước mặt chàng. Người ta đang phá nóc tu viện và cả cái mái mới rất đẹp của nhà thờ. Vô vàn ngói men xanh, ngói gỗ[47], rui, kèo bay tứ tung.
Chàng mở cánh cửa sổ thứ ba, từ đó nhìn ra chàng cũng chẳng thấy gì khác ngoài cảnh đập phá mái nhà. Trên các sân bãi và giữa các ngôi nhà không thấy bóng một ai, nhưng trên các mặt lũy đầy những người.
Chàng nhìn mặt trời, thấy đã quá trưa. Chàng gọi người lính hầu. Gã không có nhà. Chàng vớ lấy bình nước, rất nhanh nhẹn rửa mặt. Chỉ một phút sau chàng đã chỉnh tề quần áo, đeo gươm và đội mũ cắm lông đại bàng rồi lao xuống thang gác. Chàng vớ lấy một cái lá chắn giơ lên che mình rồi vội vã đi ra pháo đài dưới trận mưa ngói.
Lên tới pháo đài chàng mới nhìn thấy quân Thổ đang từ thung lũng tràn tới như một dòng thác lũ loang lổ chực nuốt cả thế giới. Chúng nó kéo đến trong tiếng động ầm ầm, trong tiếng nhạc kèn trận, trong tiếng trống thì thùng. Những lá cờ đại màu đỏ, màu trắng, màu xanh bay phấp phới pha lẫn vào nhau.
Onmodo, ngôi làng nhỏ xinh đẹp ven bờ suối Nước nóng đang cháy. Tất cả mọi ngôi nhà trong làng đang cháy.
Trên đường Mokơla, một đoàn trâu bò đen trùi trũi dài dằng dặc hút tầm mắt. Con nào con nấy đều gò lưng kéo đại bác.
Bên sườn núi là bọn rebetji[48] giáp trụ sáng ngời, và dưới nữa, về phía vườn thú là quân akinji[49] mũ đỏ đông như kiến cỏ. Đằng sau chúng còn biết bao thứ quân khác nữa!
- Ngài đại úy trấn thủ ở đâu?
- Trên tháp nhà thờ.
Gergey ngước nhìn sang. Trên cái mái bằng của ngọn tháp, Đôbô đang đứng quan sát, đầu đội cái mũ dạ màu lông bồ câu thường ngày của ông. Bên cạnh là Mectsei, Zôntoi, Petơ, giáo sĩ, Xexey và ông lão Xukan.
Gergey vội vã đi sang bên đó. Một cái thang gỗ dẫn lên tháp. Chàng nhảy ba bực một. Ở chỗ vòng, chàng đâm sầm vào Phuyghétdi:
- Tại sao thành phố lại cháy thế? - Chàng vừa thở vừa hỏi.
- Đại úy đã ra lệnh phóng hỏa.
- Thế còn ở đây? Cảnh đập phá này là nghĩa lý gì?
- Chúng ta phá bỏ các nóc nhà để quân Thổ không còn gì mà đốt nữa.
- Cậu đi đâu đấy?
- Mình đi bảo chúng nó chở nước vào bể. Cậu lên đi, Đôbô đã hỏi đến cậu đấy.
Từ đỉnh tháp nhìn ra càng thấy rõ hơn đoàn quân Thổ. Đạo quân trùng trùng điệp điệp đến tận Mokơla, chẳng khác gì một khu rừng chuyển động.
- Này, Gergey. - Mectsei nói với chàng. - Tớ vừa mới hỏi Kơrixtốp đấy, đêm qua các cậu đập chết quân Thổ mà như thế đấy à?
- Quân cẩu trệ đã sống lại đấy! - Gergey đáp. - Cái thằng mà Bokôtsoi đã đem thủ cấp về cũng đang đi đến kia kìa!
Và chàng quay sáng Đôbô:
- Ta không gửi cho chúng một lời chào có nhân có lõi[50] hay sao?
- Không đâu, - Đôbô mỉm cười đáp, rồi thấy Gergey nhìn mình với vẻ dò hỏi, ông hất đầu về phía quân Thổ:
- Kẻ nào đến thì phải chào trước chứ.
Dưới thành phố, đạo quân Thổ tản về phía vườn thú, y như dòng nước lũ chảy quanh hòn đá mà nó gặp trên đường.

9

Đêm hôm đó, lại một vài người dân miền trên biến đi mất. Nhưng đã có người khác đến thay họ: khoảng chừng ba chục người nông dân vùng Phennêmet. Họ đến với những lưỡi hái [51] uốn thẳng ra. Một người mang cả bàn tuốt lúa đi theo. Tất nhiên những hàng đinh trên bàn tuốt đã được đập cho chỉa tua tủa cả ra. Một người to ngang, đeo tạp dề da dẫn họ đến. Vai ông ta vác một cây búa tạ.
Khi cả đoàn dừng lại trước mặt Đôbô, ông ta hạ cây búa xuống đất, bỏ mũ ra và nói:
- Chúng tôi là dân ở Phennêmet. Chúng tôi vào đây. Tên tôi là Gergey. Tôi là thợ rèn. Nếu cần đập sắt thì tôi đập sắt, nếu cần nện quân Thổ thì tôi nện quân Thổ.
Đôbo chìa tay cho ông ta.
Sau họ, những nông dân ở Onmodo, ở Tihomê, ở Obônhơ cũng đem cả vợ con đến. Đám đàn bà xống áo cứ lòe xòe, còn đám đàn ông thì mang đầy nặng, cũng có những người cưỡi ngựa hoặc đi xe thồ đến.
Một cái xe bò lọc cọc lên thành. Trên xe có một quả chuông to đến nỗi hai bên sườn sát cả vào bánh xe. Một ông già dáng dấp quý tộc đi phía trước xe, cạnh ông là hai công tử mặc áo đônman bằng dạ xanh, chân dận ủng đỏ. Một cậu độ hai mươi tuổi, ria mép vê cong lên. Cậu kia độ mười sáu, còn đang trẻ con. Mặt họ đều tròn trặn một kiểu và đều rám nắng, cổ họ đều ngắn tun tủn như nhau. Ông già đeo bên sườn một thanh gươm rộng bản, vỏ bọc nhung đen, bên sườn hai cậu công tử là gươm hẹp lưỡi, vỏ bọc nhung đỏ. Ông già mặc quần áo màu đen, đôi ủng của ông cũng màu đen.
Bộ quần áo màu tang đó từ xa đã đập vào mắt Đôbô, nhưng vì những người nông dân ở Phennêmét đang làm ông bận rộn nên chỉ lúc ông già kia đã vào đến nơi, ông mới lại trông thấy. Thì ra là ông đốc lý Eghe.
- Ô này, ông học sĩ Ondơrát! - Đôbô vừa nói vừa chìa tay ra cho ông ta bắt.
- Vâng, tôi đây. - Ông đốc lý Eghe đáp. - Tôi mang quả chuông cổ đến đây, những cái khác tôi đã chôn giấu cả rồi.
- Thế còn hai chàng trai khảng khái này?
- Chúng nó là con trai tôi đấy.
Đôbô bắt tay cả hai chàng công tử đó nữa rồi quay sang người đánh xe bò:
- Các ngươi hãy đem quả chuông đến cạnh pháo đài nhà thờ. Kơrixtôp. - Ông bảo người võ đồng. - Con hãy nói với ngài Mectsei đem chôn quả chuông đi kẻo nhỡ đạn bắn phải.
Cái nhìn của ông dừng lại trên đôi ủng đen của ông đốc lý.
- Bác để tang ai đâý?
Ông đốc lý Eghe nhìn xuống đất.
- Thành phố của tôi.
Khi ông ngẩng đầu lên, lệ đã đầy trong mắt.
Sau đó còn một người mặc áo dạ màu tro đến cùng với hai phụ nữ. Cả hai phụ nữ mỗi người đều dắt theo một đứa bé.
Đôbô thân thiện nhìn người đàn ông và nói:
- Ông là thợ xay phải không?
- Con là thợ xay ở Mokơla. - Người kia trả lời với vẻ gần như tươi tỉnh vì giọng nói thân thiện của Đôbô. - Tối qua con đã ngủ trong nhà xay Sặc sỡ.
- Thế còn hai phụ nữ này?
- Một người là vợ con, đứa kia là con gái con. Còn hai đứa kia là hai con trai nhỏ của con. Họ không muốn bỏ con mà đi, vì vậy con bảo có lẽ thế nào cũng kiếm được một túp lều nhỏ ở đây.
- Chỗ thì có đấy, ta không nói về chuyện ấy đâu, nhưng ta thấy đã quá nhiều phụ nữ rồi đấy.
Ông quay sang hỏi Sukan:
- Trong thành có bao nhiêu phụ nữ rồi?
- Cho đến nay là bốn mươi lăm. - Sukan trả lời.
Đôbô lắc đầu.
Sau đó lại có thêm ba người nữa đến, có một giáo sĩ cũng đi theo họ, một giáo sĩ người gầy, má hóp. Ông ta không có gươm, chỉ có gậy và một cái đẫy may bằng da chồn.
Đôbô mừng rỡ đón ông ta. Đáng lẽ còn cần nhiều giáo sĩ hơn nữa kia, để làm cho các chiến sĩ cảm thấy sự gần gũi của Thượng đế và để có người thuyết pháp. Với lại cũng phải có người làm lễ thánh cuối cùng cho những chiến sĩ hấp hối. Rồi lại còn việc mai táng nữa chứ.
- Cầu thượng đế phù hộ cho ông. - Đôbô nói. - Ta cũng chẳng hỏi tên ông nữa, bởi vì ông đã từ chỗ Thượng đế mà đến đây: Thượng đế đã gửi ông đến đây với chúng tôi.
- Trong thanh co giao si chưa? - Con người đến từ Nhà chung hỏi. - Co mây giao si rôi?
- Chỉ mới có một mà thôi. - Đôbô buồn rầu đáp, bởi vì bằng vào cách phát âm của người giáo sĩ này, ông đã thấy rằng ông ta sẽ chẳng phải là người có thể thuyết pháp được.
Trong khi quân Thổ từ phía Nam lũ lượt kéo đến và tỏa ra xung quanh thành phố theo hình móng ngựa, những người dân còn sót lại trong thành phố đều rút cả lên thành. Phần lớn họ đều là nông dân và thợ thủ công, cả vợ và con cái họ cũng đi theo.
Trong bất cứ thành phố bị chiếm đóng nào cũng còn sót lại những kẻ lưỡng lự, họ nói:
- Quân Thổ sẽ chẳng đến đây đâu. Năm nào người ta chả dọa thế gian như vậy. Nhưng rồi chúng ta già lụ khụ, rồi chết đi mà vẫn không thấy quân Thổ quấy phá gì ta hơn lũ bọ rầy.
Những kẻ như thế thường bị lụt lội và chiến tranh giết hại nhiều hơn cả. Họ là lũ con cháu không bao giờ tuyệt diệt của gia đình “còn rỗi chán”.[52]
Đôbô cũng chẳng lấy việc họ đến làm phiền. Càng nhiều người càng tốt. Phụ nữ và trẻ em tuy không phải là loại khách được ưa thích trong thành, nhưng cũng không thể đuổi họ đi được. Vả lại ngần ấy chiến sĩ cũng cần phải có bàn tay phụ nữ. Vậy thì cứ để cho họ đến.
Người ta phân phối phụ nữ vào các nhà bếp, các lò nướng bánh. Bác Sukan chỉ chỗ cho tất cả mọi gia đình. Có chỗ mười người, hai chục người phải sắp xếp cho ở trong một phòng. Nói cho cùng, người ta cũng chỉ cần chỗ ngủ ban đêm mà thôi, một chỗ để có thể đặt gói quần áo xuống.
Còn đám đàn ông thì Mectsei tập trung vào góc pháo đài ở cổng và chừng nào họ chưa tuyên thệ như những người lính, họ vẫn chưa được phép đi sâu hơn vào phía trong thành.
- Chà, - một tay chủ ruộng nho ở Eghe nói sau buổi lễ tuyên thệ. - thì chúng tôi vào đây chính là để bảo vệ thành chứ còn gì nữa.
Một người khác tiếp luôn:
- Sở dĩ có thành là để chúng ta gìn giữ.
Mectsei phát vũ khí cho bọn họ ngay tại chỗ. Gươm, giáo, lá chắn, mũ chiến xếp từng đống từng đống dưới mái vòm của pháo đài. Tất nhiên không phải là những đồ tuyệt xảo của thành Đamát, của xứ Hindoxtan, của Đerơben, mà chỉ là những thứ quân khí han gỉ thông dụng, từ thế kỉ này qua thế kỉ khác tồn tại trong thành. Ai nấy được tự do lựa chọn theo ý thích của mình.
Một tay thợ may có cặp ria rậm và cặp lông mày cũng rậm chẳng kém gì bộ ria, nói với vẻ rất tự tin:
- Thưa đại úy, những vũ khí này tốt đấy, nhưng con đã mang theo cả cái kéo của con nữa đây.
Gã rút từ trong túi ngực tạp dề ra một cái kéo sáng loáng.
- Nếu bọn Thổ xông vào con, con sẽ dùng cái này xẻ ruột chúng ra!
Một vài người đội thử mũ chiến nhưng bởi vì mũ sắt là một thứ đồ vật nặng, lại có vẻ giống cái nồi hơn là loại mũ trụ đẹp đẽ, sáng bóng của các trang dũng sĩ, nên họ bỏ lại cả:
- Để làm gì cái ngữ này cơ chứ!
- Được, rồi các ngươi sẽ thấy để làm gì.
Khi trời đã về chiều, những người lính canh trên tháp chuông báo cáo rằng từ phía Phennêmét có một cỗ xe tứ mã sang trọng đang lướt tới.
Người ta không thể đoán nổi là ai. Xe tứ mã chỉ có ngài giám mục hay đi chứ còn những nhà quý tộc khác chỉ những lúc ốm đau mới ngồi lên xe. Mà người ốm thì chẳng ai lại đến đây.
Hai vị đại úy cũng thân ra đứng trên pháo đài quan sát cỗ xe tứ mã đang lao tới như bay chẳng khác một con rồng.
- Các ngài sẽ thấy đức giám mục đến. - Phuyghétđi, viên trung úy của giáo đoàn nói.
Thấy không ai tin điều đó, anh ta liền nhặt nhạnh các dẫn chứng trong lịch sử:
- Từ trước tới nay các vị đó đã chẳng phải luôn luôn có mặt trong mọi trận mạc đấy hay sao? Chẳng phải hầu hết các vị đó đều đã có mặt ở Môhát hay sao? Chức giám mục đâu chỉ là chức sắc của Nhà chung mà còn là một chức vụ trong quân đội nữa. Tất cả các giám mục đều có quân đội riêng của mình. Tất cả các giám mục đồng thời cũng là đại úy.
- Ước gì tất cả các đại úy đều có thể là giám mục. - Đôbô đáp.
Có lẽ ông cũng nghĩ rằng giá như vậy thì ông đã có thể chiêu mộ được nhiều lính hơn để chống nhau với bọn Thổ.
- Có khi là tin sứ của nhà vua cũng nên, nhưng ông ta đã bị ốm dọc đường! - Mectsei có ý kiến.
Nét mặt Đôbô liền tươi tỉnh lên, ông nói với vẻ tin tưởng:
- Nhà vua không thể bỏ mặc chúng ta được.
Sốt ruột quá, ông liền bước xuống cầu thang, đi qua bãi chợ xuống chỗ Cổng Cũ, nơi có đường xe chạy dẫn lên thành.
Cỗ xe kia là một cỗ xe nhà quý tộc thếp vàng, có mui da. Nó vòng đến cổng phía nam rồi chạy qua cổng vào bãi chợ. Một phu nhân dáng người cao cao, mặc quần áo đen bước ra khỏi xe.
- Ngài đại úy đâu? - Đó là lời nói đầu tiên của bà.
Khi đã trông thấy Đôbô, bà vén mạng che mặt lên. Đó là một phu nhân khoảng độ tứ tuần, quần áo của bà cho biết bà là một quả phụ.
- Phu nhân Bolôc! - Đôbô sửng sốt nói và bỏ mũ xuống, nghiêng mình thi lễ.
Người mới đến chính là mẹ của cậu võ đồng mà Đôbô đã gửi về nhà theo Nogiơ Lukát.
- Con trai tôi… - Bà nói với đôi môi run rẩy. - Bolajơ đâu rồi?
- Tôi đã gửi cậu ta về nhà rồi thôi. - Đôbô ngạc nhiên trả lời. - Tôi gửi cậu ta về nhà đã hơn một tháng nay rồi.
- Vâng, tôi biết. Nhưng nó đã trở lại đây.
- Cậu ta không trở lại.
- Nó để thư lại nói rằng nó đến đây mà.
- Không có đâu.
- Nó đã trốn theo Nogiơ Lukat.
- Cậu ấy cũng chưa trở lại.
Người quả phụ ấn tay lên trán:
- Ôi, đứa con trai độc nhất của tôi… Thế là nó cũng đã mất rồi!
- Chưa chắc.
- Tôi đã thề bên giường người chồng hấp hối của tôi rằng chừng nào nó chưa lấy vợ, tôi còn chưa để nó dấn vào nguy hiểm. Nó là hạt giống cuối cùng của dòng họ chúng tôi.
- Thưa phu nhân tôn kính, tôi biết lắm. - Đôbô thở dài đáp. - Thì chính vì vậy mà tôi đã gửi cháu về nhà. Bây giờ thì xin phu nhân quay về đi, vòng vây quân Thổ hãy còn chưa khép lại.
Và ông phái một đại đội kỵ binh đi hộ tống phu nhân.
Người đàn bà chắp tay vào nhau, khẩn khoản nhìn Đôbô:
- Nếu cháu nó có trở lại…
- Cháu đã không còn trở lại đây được nữa. Từ đêm qua Thành phố đã bị bao vây. Chỉ có quân đội của nhà vua mới mở được lối vào đây mà thôi.
- Nhưng nhỡ nó trở lại với đoàn quân đó…
- Tôi sẽ nhốt cái chú ma lanh đó vào trong nhà tôi!
Người quả phụ ngồi vào xe. Năm mươi kỵ binh đi trước xe, năm mươi kỵ binh đi đoạn hậu. Bốn con ngựa kéo cái xe băng đi như một chiếc lông tơ về phía cổng Sặc sỡ. Trong số bốn cổng thành chỉ còn mỗi cổng này để mở. Chỉ còn có thể đi qua mỗi cổng này để về phía Xorơvosơkơ hoặc Tarơkanhơ.
Mười lăm phút sau, lính canh trên tháp chuông báo rằng cánh phía trên của đạo quân Thổ đã đến cổng Sặc sỡ.
Một kỵ sỹ trong số quân đi hộ tống phu nhân Bolôc phi nước đại trở về.
- Trung úy Phekete sai con về hỏi có cần phải phá vòng vây quân Thổ để đưa phu nhân ra hay không?
Đôbô chạy lên pháo đài. Ông thấy bọn lính thiết giáp Thổ đã trùng trùng bao quanh ngoài cổng và đằng sau chúng bọn axap[53] còn ngoằn ngoèo kéo đến.
- Đừng.
Ông ra lệnh rồi ở lại trên pháo đài. Ông đưa tay lên che mắt nhìn về phía bắc.
- Quân bay đâu, - ông nói với những chiến sĩ túc trực trên pháo đài. - đứa nào tinh mắt? Hãy nhìn về phía bắc.
- Một vài kỵ binh đang đi đến đây, - Một chiến sĩ trả lời.
- Hai chục, - Một chiến sĩ khác nói.
- Hai mươi lăm, - Chiến sĩ lúc nãy lại nói.
- Nogiơ Lukat về! - Mectsei kêu lên từ trên pháo đài nhà thờ.
Quả thực là Nogiơ Lukat, viên trung úy vẫn lượn quanh rình mò quân Thổ. Anh ta đã phất phơ những chốn quái quỷ nào trong bấy nhiêu lâu? Và làm thế nào mà vào được bây giờ?
Họ phi vùn vụt như thể có một cơn gió lốc cuốn họ đến. Nhưng đã chậm rồi, Nogiơ Lukat ơi! Quân Thổ đã chặn trước cổng thành.
Nogiơ Lukat vẫn chưa biết tý gì về chuyện đó cả. Anh từ một quả đồi rẽ quành xuống phía cổng Sặc sỡ. Đến đó anh mới nhìn thấy kỵ binh Thổ. Anh giật mạnh cương và kỵ đội bé nhỏ nhanh nhẹn rẽ về cổng Bôcto.
Ở đó quân địch lại càng đông hơn nữa.
- Lukat ơi, bây giờ thì cậu tha hồ mà gãi đầu gãi tai, cả những chỗ không ngứa nữa cơ đấy! - Zôntoi vừa cười vừa nói.
- Giá không có kỵ binh địch trước cổng thành, thì thế nào Lukat cũng mở được đường máu qua vòng vây. - Đôbô nói, cặp mắt tóe lửa.
Lukat dừng ngựa, nhìn về phía thành. Anh gãi gáy. Các chiến sĩ đứng trên mặt lũy vẫy vẫy anh lia lịa.
- Lukat ơi, có gan thì lại đây nào!
Đám ngựa Thổ ở đằng xa bỗng nhiên nhuốm màu loang lổ. Chừng một trăm ankiji nhảy lên mình ngựa rượt theo Nogiơ Lukat.
Nogiơ Lukat cũng chẳng chậm chạp. Anh cùng hai mươi bốn kỵ binh ra roi và cuộc đua ngựa bắt đầu. Thoạt tiên còn có thể trông thấy những con ngựa nhưng về sau chỉ còn hai đám mây bụi bốc lên đến tận ngọn bạch dương và mau chóng lan về phía Phennêmét.

10

Hôm sau là ngày chủ nhật nhưng những quả chuông Eghe không còn ngân nga nữa. Quanh thành và quanh thành phố tràn ngập quân Thổ. Trên những sườn núi, sườn đồi, ngàn vạn trại quân đóng chi chít, kéo dài ra tận ngoài xa. Giữa biển lều màu đỏ, màu trắng đôi chỗ nổi lên những cái lều xanh lá mạ, xanh nước biển, vàng hoặc hồng tươi. Lều trại của bọn lính tráng trông giống những quân bài gập đôi, còn lều trại của bọn sĩ quan là những cái trướng bát giác cao và trang trí sặc sỡ. Làn gió nhẹ thổi phất phơ những lá cờ có quả thao vàng trên nóc trướng của bọn sĩ quan. Trên cánh đồng cỏ Phennêmét, trên ruộng nương Kisơlaio và tất cả những nơi nào có cỏ, hàng nghìn và hàng nghìn chiến mã gặm cỏ. Trâu và người vùng vẫy trên suốt cả chiều dài dòng suối. Giữa biển người ồn ào náo động, một vài con lạc đà thỉnh thoảng lại ngước cao cổ lên và khăn tuyban của một vài tên sĩ quan ngồi trên mình ngựa thấp thoáng trắng.
Giữa cái biển màu sắc nhấp nhô đó, thành Eghe nổi lên như một hòn đảo cùng với đám cỏ trước thành và đồi Ghế Vua, là quả đồi ở về phía mặt trời mọc, đối diện với bức tường thành cao nhất.
Đôbô lại cùng các sĩ quan của ông lên đứng trên tháp chuông mái bằng. Thánh vương Isơtơvan đã cho xây hai cái tháp chuông đó thật là tuyệt: đứng trên đó có thể thấy cách bố trí đại bác của quân Thổ.
Đằng sau thành có một trảng cỏ lớn hình tròn, rộng bằng nửa Đồng Máu[54] ở Buđo. Ngoài tràng cỏ đó là một đồi nho tuyệt đẹp. Kia, quân Thổ đã kéo lên đó ba khẩu đại bác cổ.
Chúng nó còn chưa đắp công sự. Ba chục con trâu cũng chưa bị lùa đi xa, chỉ mới đến vạt cỏ dưới chân đồi. Chúng đang gặm cỏ ở đó. Chỉ còn bầy lạc đà ở lại bên các khẩu đại bác, lưng chúng chất đầy những bao màu đen.
- Những bao da. - Đôbô giải thích. - Đựng thuốc súng đấy.
Ở đó bọn tốpsi[55] đội tuyban đỏ, vóc người thấp bé đang lăng xăng trước mắt quân dân trong thành. Cái họng đen ngòm của những khẩu đại bác giờ đây còn câm lặng há hốc về phía thành. Tên chỉ huy tốpsi cúi xuống xem xét kỹ các khẩu súng. Hắn điều chỉnh các khẩu súng hết sang phải lại sang trái, hết lên cao lại xuống thấp.
Một khẩu sẽ nã vào hai tháp chuông, một khẩu nữa sẽ ngắm vào pháo đài giữa phía bắc, pháo đài này che chở cho lâu đài.
- Các anh đã thấy hắn ngắm như thế nào chưa? - Đôbô nói. - Hắn không ngắm ở phía trước đại bác mà ngắm từ phía sau.
Một pháo thủ nhô đầu lên khỏi cánh cửa tháp chuống, nói:
- Thưa đại úy!
- Lên đây. - Đôbô bảo.
Người chiến sĩ trèo lên. Anh đưa cặp mắt lo ngại nhìn về phía những khẩu đại bác Thổ và đứng nghiêm theo đúng quân phong.
- Thưa đại úy, khẩu đội trưởng Bola sai con lên hỏi có được bắn trả không ạ?
- Nói với bác ta chưa được bắn chừng nào chưa có lệnh ta. Sau đó anh hãy quay lại đây.
Bọn tốpsi tiếp tục nạp ba khẩu bức kích pháo. Chúng dùng gậy sắt có mấu ở đầu nhồi thuốc súng vào bụng pháo.
- Tôi chỉ thích được đoàng một phát vào giữa bọn chúng. - Mectsei hăm hở nói, - Đúng vào lúc bọn chúng vừa xong thì cho chúng tung xác lên.
- Cứ để cho chúng vui chơi. - Đôbô điềm tĩnh đáp.
- Ước gì ta có thể tập kích vào bọn chúng. - Gergey cũng thấy ngứa ngáy.
- Bây giờ thì không. - Đôbô trả lời. - Chúng ta hãy xem chúng nó bắn chác ra sao đã.
Bọn tốpsi đã nhồi đá và chì vào họng súng. Bây giờ bốn thằng cầm một cái thuốn và đâm vào họng súng theo nhịp hô.
- Tiên sư cái đồ vô đạo chứ. - Xexey cũng lên tiếng. - Đại úy hiền đệ, vậy chứ đại bác thì để làm gì?
- Bác già thân mến ơi, cả bác cũng sôi lên phản đối tôi ư? Rồi đến mai bác sẽ rõ tại sao bây giờ tôi không bắn.
Bọn tốpsi lôi từ một bao khác ra những miếng da. Hai đứa cầm hai đầu, một đứa phết mỡ bôi lên tấm da. Sau đó chúng lật tấm da lại và gói viên đạn vào phía không phết mỡ.
- Chúng nó định bắn bằng trứng chắc! - Zôntoi châm biếm hỏi.
Lúc đó chàng trai pháo thủ đã quay trở lại.
- Ngươi hãy lại đứng trước mặt ta đây này. - Đôbô nói. - Lúc nãy ta thấy ngươi sợ. Vậy hãy nhìn xem: chúng nó bắn vào đây, bắn vào ta đấy. Lại đứng đây, trước mặt ta đây này!
Chàng trai đỏ mặt tía tai đứng ra phía trước Đôbô.
Đôbô nhìn xuống phía dưới chân tháp và trông thấy Petơ, ông bèn nói chõ xuống:
- Petơ con ơi! Anh có giọng tốt lắm, vậy hãy loa lên một tiếng cho mọi người biết là quân Thổ sắp bắn, đừng có ai hoảng hốt làm gì. Các phụ nữ nếu có sợ thì hãy đi lại bên phía có nắng.
Bọn tốpsi đã nạp xong đạn vào cả ba khẩu đại bác. Ba tên điểm hỏa cầm dây ngòi cháy xòe xòe trong tay. Một tên tốpsi đứng phía sau nhổ nước bọt vào lòng bàn tay rồi vừa xoa cổ họng từ dưới lên trên vừa nhìn về phía thành.
Thuốc súng lóe lên, ba khẩu đại bác khạc lửa và khói ra, rồi chín tiếng bùm bùm rung trời chuyển đất liên tiếp vang lên.
Tòa thành rùng mình vì tiếng nổ. Sau đó là im lặng.
- Không mùi mẽ gì. - Đôbô mỉm cười lên tiếng và đuổi gã pháo thủ xuống.
Khói từ những khẩu đại bác chậm chạp bốc lên.
Nhưng ba khẩu đại bác làm quỷ gì mà có thể phát ra những chín tiếng nổ?
Đó là vì những dãy núi quanh Eghe đã lập tức nhắc lại tiếng nổ của đại bác, mỗi tiếng nổ đều được nhắc lại hai lần.
- Chà, vùng này rồi sẽ tha hồ vang lừng nhã nhạc, nếu rồi đây ba bốn trăm khẩu đại bác của bọn Thổ sẽ cùng nhấc loạt gầm lên!
Mười lăm phút sau Petơ chạy lên tháp chuông. Một gã đồ tể khệ nệ theo sau anh. Gã bưng một quả đạn đang bốc mùi hôi nồng nặc trong hai cánh tay lực lưỡng đưa đến trước Đôbô.
- Xin báo cáo, đây là quả đạn. - Petơ nói. - Nó đã rơi xuống suối. Những người chở nước đã bỏ nó vào thùng mang lên đây.
- Bảo họ cứ tiếp tục chở nước nữa đi. Chúng ta chưa đóng cổng thành.
- Ta không bắn ư? - Petơ cũng hỏi.
- Đang chủ nhật cơ mà, - Đôbô mỉm cười đáp. - sao ta lại bắn?
Và ông tiếp tục quan sát cách bọn giặc làm nguội các khẩu đại bác, cách chúng nạp đạn mới vào súng.

11

Sáng hôm sau ba khẩu bức kích pháo đã vào ngồi chồm chỗm giữa bãi cỏ, gần bằng nửa khoảng cách của hôm trước. Ngoài ra chúng còn tăng thêm ba khẩu khác nữa.
Chín phát đạn ngày hôm trước thật vô ích, trong thành người ta cũng chẳng thèm đáp lại. Vì vậy chúng đưa đại bác vào gần đến nỗi chỉ cách thành một tầm tên bắn.
Đôbô đã biết sự việc sẽ diễn ra như vậy. Để chúng nó giật mình sớm làm gì cơ chứ? Và việc gì phải làm lung lay lòng tin của quân dân trong thành bằng những phát súng trả lời bắn vào hư không?
Ông dậy từ lúc trời hửng và thân hành chuẩn bị tất cả những khẩu đại bác đặt ở hướng đó cho câu trả lời. Đã hẳn là ông không gói những viên đạn vào da mà chỉ bôi mỡ bò lên chúng thôi. Thuốc súng ông cũng cẩn thận dùng muôi tự đong lấy.
- Nào, bây giờ thì lấy chất nén ra. Trai tráng đâu, khá thuốn thật chặt vào. Nạp đạn…
Và ông cẩn thận chỉnh hướng chỉnh tầm rất lâu.
Ông chờ cho quân Thổ đằng sau những ụ công sự cũng chuẩn bị xong, sau đó, khi khẩu pháo đầu tiên của quân Thổ lên tiếng, ông hô to:
- Nhân danh Chúa: bắn!
Dây mồi cùng một lúc châm vào mười hai khẩu đại bác và cả mười hai khẩu cùng nổ rền một tiếng.
Những công sự và giá súng của bọn Thổ đổ kềnh, vỡ nát. Hai khẩu đại bác Thổ đổ nhào, một khẩu vỡ tan từng mảnh. Tiếng kêu thét giận dữ và cảnh cuống quýt của bọn tốpsi đằng sau công sự khiến quân dân trong thành cười ồ cả lên.
- Thế nào bác, - Đôbô vui vẻ nói với Xexey. - bác đã hiểu tại so hôm qua chúng ta không bắn chưa?
Và ông đứng dạng hai chân trên mặt lũy, hai tay đưa lên vân vê bộ ria mép.
Dân thành chẳng đến nỗi giật mình như Đôbô lo ngại. Eghe, kể từ khi loài người phát minh ra thuốc súng, vốn là thành phố nghiện bắn súng nhất thế giới. Ngày nay nơi đây vẫn không thể nào tưởng tượng được một hội hè, một cuộc thực tập cứu hỏa, một cuộc thi hát, một buổi liên hoan ngoài trời, một buổi diễn văn nghệ nghiệp dư mà trước khi khai mạc người ta lại không bắn đại bác. Nơi đây, đại bác thay thế cho biển quảng cáo và áp phích. Mà dù đôi khi có áp phích đi chăng nữa người ta vẫn không bỏ qua đại bác. Trong thành lúc nào cũng có một vài khẩu đại bác bắn ria đặt trên bãi cỏ, ai muốn bắn thì bắn. Vậy làm sao những người dân Eghe lại giật mình cho được?
Trong thành cả thảy chỉ có một người khi nghe tiếng đại bác đầu tiên đã ngã lộn từ trên ghế xuống và kêu lên oai oái. Dù tôi không nói chắc độc giả cũng dễ đoán ra được đó là ai.
Các chiến sĩ ta liền chộp ngay lấy cơ hội đó, lôi đức ông kia ra khỏi xó nhà và kéo lên pháo đài trong bộ áo đônman vàng, quần đỏ, mũ chiến trên đầu và đôi chân đi đất. Trên pháo đài, hai chiến sĩ giữ lấy chân, một người nữa giơ lưng đỡ lấy lưng của đức ông. Họ kêu to lên gọi bọn Thổ:
- Chúng mày bắn vào đây này!
Cảnh nạp đạn gã xigan còn chịu đựng được, nhưng khi khẩu đại bác lại gầm lên thì gã giật tay ra và với một cú nhảy dựng tóc gáy, gã lao xuống khỏi giàn gỗ. Xuống đến đất, trước tiên gã sờ mình sờ mẩy xem đạn đại bác có rứt đi chút gì trên thân thể gã không, rồi gã chạy thục mạng như một con chó săn nòi về phía Cổng Cũ.
- Ối ối ối! - Gã kêu la, hai tay đưa lên ôm lấy đầu. - Sao khi tôi đến đây chân tôi lại không bị chuột rút đi cho rồi! Ối ối ối! Sao cái con ngựa chết tiệt ấy khi chở tôi đến đây lại không mù đi cho rồi!
Ngày hôm đó Đôbô bắn tan tất cả những khẩu pháo trên đồi Ghế Vua.
Bọn tốpsi kêu la và tức tối chạy tán loạn. Hai viên sĩ quan tốpsi bỏ mạng. Tên sĩ quan thứ ba được lính nó bỏ lên vải bạt khiêng đi khỏi chỗ những khẩu pháo.
Trên đồi chẳng còn gì khác ngoài những công sự đổ nhào, vỡ nát, ba xác lạc đà, những khẩu pháo bị bắn gẫy gục, những cái hòm và những bánh xe đại bác vỡ tan từng mảnh.
Và dường như chừng đó vẫn chưa đủ, đến nửa đêm Gergey lại tập kích vào bọn giặc và đoạt về được hai mươi chiến mã cùng một con la.
Thế nhưng giặc Thổ có cơ man nào là người, ngựa và đại bác, nên hửng sáng hôm sau nữa, những công sự đan bằng cành cây đổ đất bên trong đã lại mọc trên đồi. Tất nhiên chúng có bố trí lùi ra xa một chút và đắp những ụ đất to che trước pháo. Trong những quãng hở giữa các công sự, mười hai khẩu pháo mới lại ghếch nòng về phía thành: bên cạnh các khẩu pháo là bọn tốpsi mới với những viên sĩ quan mới.
Mặt trời chưa dậy, tòa thành đã rung lên trong những tiếng rền khủng khiếp, cứ nghe thấy những tiếng đồm độp trầm trầm cũng có thể biết được những viên đạn đang phá tường thành.
Đôbô lại cho khai hỏa những đại bác của ông và ông lại lật nhào những công sự và những khẩu pháo của địch, nhưng từ phía sau những công sự đổ nhào, những công sự mới lại nhô lên và những khẩu pháo mới lại xuất hiện.
Bọn tốpsi cũng không chạy tán loạn nữa, một đội rebêtji cầm roi da có gai sắt ngồi đằng sau chúng nó.
- Ở đó chỉ có thể bắn và chết mà thôi!
- Cho chúng cứ việc bắn. - Đôbô nói. - Còn chúng ta thì phải dè sẻn thuốc súng.
Bây giờ chỉ thỉnh thoảng ông mới dùng tu pháo nã xuống để quấy rối công việc của chúng.
Hôm đó quân Thổ cũng chưa chiếm được thành phố. Bộ binh Hung giữ những cổng thành. Kỵ binh giữ những cổng thành phố. Quân Thổ còn chưa khai chiến với họ. Chúng cần gì thành phố, chúng cần tòa thành cơ! Ai chiếm được thành, cả thành phố cũng thuộc về kẻ đó.
Đã hai ngày nay bọn sĩ quan cao cấp Thổ cưỡi ngựa dạo khắp các đồi cao và các mỏm núi để tìm cách nhòm nhỏ vào trong thành, nhưng chỉ có chim mới thấy được, còn bọn chúng thì không. Chúng chỉ thấy những tháp chuông mà thôi. Các tường thành và lớp tường con chạch ngoài lát cành cây trong đổ đất, trên mái các pháo đài, che khuất bên trong.
Thế thì chúng bắn vào đâu?
Chúng bắn các tường thành và lớp tường con chạch.
Kể ra cũng có một vài ngôi nhà đẹp ẩn náu ở bên trong. Ngôi nhà thờ lớn với một nửa còn lại cũng vẫn là một công trình tuyệt kỹ của nghệ thuật kiến trúc. Cái tu viện cổ kính bên cạnh đó cũng xây dựng bằng đá chạm trổ. (Từ đó đến nay người lính Hung không bao giờ còn được ở trong một doanh trại đẹp như thế nữa!). Lâu đài soái phủ thì Đôbô đã cho tô điểm thêm lúc ông cưới vợ. Những nghệ sỹ bậc thầy người Ý đã khắc chạm và xây dựng lên, nó có những cửa sổ lồng kính trong khi ở dưới thành phố kia, ngay cả ngôi nhà của đức giám mục cũng chỉ có cửa sổ bằng bong bóng bò mà thôi.
Quân Thổ cứ bắn vô hồi kỳ trận. Pháo của chúng ùng oàng từ tinh mơ đến tối mịt. Đạn pháo làm vỡ tường và phá lỗ chỗ lớp con chạch bằng cành cây đan trên mặt lũy. Khi mặt trời lặn xuống đằng sau dãy núi Bocto, tất cả các khẩu pháo của chúng cùng bắn ra một loạt rồi tiếng đọc kinh Allahu akbar[56] thành kính của bọn đạo sĩ trong trại quân vang lên khắp nơi.

12

Hai tên pasa lắc đầu. Cả hai đều là những kẻ già đời trong trận mạc, chúng đã để lại đằng sau bao cảnh đổ nát ở những nơi chúng đi qua, và đế quốc của Xuntan ngày càng rộng lớn.
- Phải đánh vào thành phố! Ở đó cũng phải đặt đại bác để công phá tường lũy!
Thế là ngày thứ tư chúng đánh vào thành phố. Việc đó chỉ là một trò trẻ con đối với đạo quân ấy. Một ngàn cái thang và một ngàn tên lính trẻ…
Các chiến sĩ gác cổng của ta đã được lệnh phải rút về ngay khi quân Thổ xuất hiện trên tường thành. Vì thế họ đã rời khỏi cổng thành phố và hàng ngũ chỉnh tề kéo về thành trong nhịp trống hành quân.
Bêi Orơxơlan bèn ra lệnh kéo bốn khẩu bức kích pháo lớn đến bên nhà thờ Đức mẹ và chĩa lên các pháo đài, nơi những đại bác của quân Hung đang đứng im hơi lặng tiếng.
Orơxơlan đã bắn khá hơn. Đạn của hắn phá thủng những tường thành và lớp con chạch về phía thành phố. Phần lớn số đạn vãi đi một cách phí phạm, nhưng viên nào đã trúng thì đều khoét thủng tường thành.
Hôm đó quân Thổ gỡ thánh giá xuống khỏi tháp chuông các nhà thờ trong thành phố và cắm nửa vừng trăng thay vào đó. Chúng vứt các bệ thánh ra cửa, đốt cháy các bức tranh. Đến trưa bọn giáo sĩ đạo Hồi đã từ trên cửa sổ các tháp chuông gào lên bằng một giọng ê a kéo dài: Allahu akbar! Ashadu anna la ilaha ill Allah! Ashadu anna Mahammed arrászulu Allah! Heija alassalah! Heija alalfalah! Allahu akbar! La ilaha ill Allah! (Ala tối cao! Không có chúa trời nào khác ngoài Ala nữa! Môhamét là kẻ thay mặt của Người! Các người hãy đến đây cầu nguyện! Các người hãy đến đây tỏ lòng tôn kính Ala! Ala là tối cao! Ngoài Ala không còn chúa trời nào khác nữa!)
Khi họ cùng nhau ăn trưa. Đôbô lặng lẽ, nghiêm nghị.
Chưa có tin tức gì của triều đình cả. Đêm qua người điệp viên đã từ chỗ giám mục Eghe trở về. Đức giám mục trả lời rằng không có lính, nhưng ngài sẽ cầu nguyện cho quân dân trong thành. Khi nghe lời nhắn đó, trên khuôn mặt Đôbô không một thớ thịt nào rung động, chỉ đôi lông mày nhíu lại gần nhau hơn.
Sự việc của Nogiơ Lukat cũng làm ông thêm buồn. Anh là một sĩ quan gan góc của ông. Lúc nào anh cũng thích vờn bên cạnh quân Thổ, bất thình lình tập kích vào đạo quân khổng lồ đó rồi biến mất ngay. Bây giờ anh ta còn làm sao trở về được nữa, một khi thành đã bị vây quanh và lều trại quân Thổ trùng trùng điệp điệp đến tận Phenêmét! Hay có lẽ anh ta đã mất mạng rồi cũng nên…
Giữa bữa ăn, quân sĩ vào bảo là một viên đạn đại bác đã bắn chết Nogiơ Ontơn.
Gergey nhảy phắt dậy:
- Thưa đại úy, tôi xin phép được tập kích đánh vào bọn Thổ! Tôi lấy làm xấu hổ là chúng ta đã bỏ trống các cổng thành phố mà không chém một nhát nào!
Budohazi, một sĩ quan khỏe mạnh lực lưỡng, cũng lên tiếng:
- Thưa đại úy, hãy cho quân Thổ thấy rằng không chỉ ban đêm chúng ta mới dám đánh ra, mà ngay cả ban ngày nữa.
Petơ cũng ồm ồm nói:
- Dù ta có ít chăng nữa, một trăm người chúng tôi cũng xin tấn công vào một trăm ngàn chúng nó.
- Thế thì tốt. - Đôbô trả lời, đôi mắt vui tươi hẳn lên. - Nhưng các anh cũng không nên vì vậy mà bỏ dở bữa trưa lại đây.
Rồi ông không nói gì về quân Thổ nữa. Chỉ đến sau bữa ăn ông mới dặn:
- Các anh tập kích vào bọn bộ binh ở bên cạnh nhà thờ ấy. Các anh xéo qua chúng nó theo một đường vòng rồi phải phóng về ngay. Chỉ được đánh bọn ở trên đường đi của các anh. Không được tập hợp, bày trận và chờ đợi hiệu lệnh gì hết, vì như thế các anh sẽ phải bỏ mạng lại dưới đó mất. Các anh có thể đi một trăm người.
Các sĩ quan vội vàng cầm lấy vũ khí và mặc giáp. Lên ngựa! Tất cả quân sĩ đều muốn đi theo họ nhưng Gergey chỉ chọn lấy những chàng trai lực lưỡng nhất.
Bọn axap, logumrich, piát[57] đang ăn trưa trên bãi cỏ trước nhà thờ. Hôm nay bữa trưa của chúng chỉ có mỗi món xúp và chúng đã giắt thìa trở lại vào thắt lưng da hoặc thắt lưng vải. Bây giờ chúng ăn bánh mì với hành tía. Một vài tên ăn dưa hấu, vài tên khác ăn dưa chuột hoặc những thứ rau xanh khác sau món xúp. Tất cả những cảnh đó đứng trên thành đều thấy rõ. Chỉ một dòng suối và một bãi chợ ngăn cách chúng với mảnh đất tự do. Bên cạnh dãy lều chợ có cả một bầy ionisa đến nghỉ. Chúng đang lúc phởn lắm. Một tên lính khéo tay tung gươm và một quả dưa bở lên cao. Trước hết hắn bắt lấy thanh gươm, sau đó lại dùng mũi gươm đón được quả dưa.
Có thể thấy hắn đang đánh cuộc, vì một tên ionisa mang dưa hấu đến cho hắn.
Chúng nó bàn tán một hồi, sau đó tên ionisa tung quả dưa hấu lên, một tên khác tung gươm lên. Một tên ionisa thứ ba từ phía sau giật tay tên làm trò. Quả dưa hấu rơi bịch xuống đất và cả bọn lăn ra cười khoái chí.
Cổng thành vẫn mở và những nông dân trong thành vẫn liên tục chở nước lên hoặc cho ngựa đi uống nước. Nếu bọn Thổ xông vào cổng thì được cái gì cơ chứ? Lại một vài viên đạn vào sườn mà thôi. Bọn Thổ biết rằng cửa thành tuy mở đấy nhưng chẳng khác nào miệng sư tử. Trong đó có những cái răng nhọn sắc. Bọn ionisa để ý thấy việc cho ngựa xuống suối uống nước bỗng nhiên ngưng lại, việc chở nước cũng chấm dứt.
Sự ngừng lại chỉ mới vài ba phút, làm sao chúng đã có thể nghi ngờ được! Ngay cả việc có thêm đông người xuất hiện trên mặt thành, đặc biệt là cung thủ và pháo thủ, chúng cũng chưa trông thấy nữa là. Nhưng tiếng vó ngựa rồn rập nổi lên đã làm chúng giật mình. Khi chúng ngước mắt nhìn lên, những khấu đại bác trên mặt thành đã nổ rền, và tất cả mọi thứ đinh sắt, đạn chì, mảnh gang vụn rào rào bắn vào mặt chúng. Từ trong cổng thành, một đoàn dài kỵ binh rầm rập phóng ra.
Như một cơn lốc, họ nhảy vun vút qua suối và tới chừng mà bọn địch sờ được đến gươm thì a ha ô hô! - họ đã đâm chém tới tấp. Tràn qua bọn chúng, họ xông thẳng đến cái quảng trường lớn trồng cỏ mà chiều chiều tòa giám mục vẫn ngả bóng dài lên đó.
Những tên bộ binh Thổ hoảng hốt nhảy phắt dậy nhìn về phía bãi chợ. Một số tên co giò chạy, một số đứng lại và rút gươm ra.
Đoàn kỵ mã đã rầm rập phóng tới. Những con chiến mã bị cựa giầy thúc phi lồng lên như một bầy rồng dữ. Hàng mấy trăm tên Thổ chạy bổ nháo bổ nhào chẳng khác gì đàn cừu kinh hoàng trước bầy sói. Các chiến sĩ Hung bám riết sau lưng.
Nhưng viện quân của chúng đã từ các đường phố đổ xô lại: quân kỵ akinji và bọn gơnơlư[58], bọn lính bắn súng và đám ionisa vác giáo.
Kia, một tên ionisa đội mũ trắng đang chĩa giáo vào Gergey, hắn muốn đâm chàng ngã ngựa. Thanh gươm trong tay Gergey loáng lên hai lượt, sau nhát đầu cây dáo gãy làm đôi, sau cái loáng thứ hai tên Thổ ngã bật ngửa.
- Giêsu! Giêsu! - Người ta thét lên trên các pháo đài.
- Ala! Ala! - Bọn Thổ kêu rống.
Đoàn chiến sĩ Hung ngày càng cho ngựa tản rộng ra tung hoành giữa bọn giặc. Gươm họ vung lên lấp loáng. Tuy vậy một tên ionisa vẫn đâm thủng ức con ngựa của Hôrơvát Mihai. Con ngựa ngã nhào. Horơvát nhảy xuống và chém một nhát chết tươi tên ionisa, rồi lại một tên nữa. Gươm anh bị gẫy trong xác tên giặc đó. Anh đành xử tên thứ ba bằng một quả đấm vào sống mũi rồi chạy bộ theo sau đoàn kỵ binh, qua quảng trường trống trải để về thành. Những người khác vẫn tiếp tục xông tới trước. Vó đàn ngựa cũng xéo chết vô khối! Buđohazi đang vừa vung cao thanh gươm để chém một nhát kinh hồn thì những tên ionisa bị dồn vào một đầu nhà nổ súng vào họ. Thanh gươm rơi ra khỏi tay Buđohazi. Anh quay ngựa lại và nằm gục lên cổ ngựa phi về thành.
Thấy thế những người khác cũng quay ngựa về.
Trên phố chính, hàng nghìn tên akinji đến cứu viện đang rầm rập phóng xuống như một cơn lốc lớn. Gergey kịp thời tránh đường bọn chúng và lượn vòng chữ S về phía phố Giáo đoàn. Phố này cũng đầy bọn Thổ nhưng lính bộ nhiều hơn kỵ binh và cảnh đâm đầu chạy trốn của bọn lính bộ khiến bọn kỵ binh bối rối, bởi vì chúng còn phải lo kiểm soát ngay cả bọn lính của chúng nữa. Thêm vào đó bọn gureba [59] Ba Tư cũng từ phía trước đổ đến với một số đông đáng sợ. Nhưng chúng đã nhào vào đại đội kỵ binh đang say cuồng tả xung hữu đột của chúng ta một cách vô ích! Một đường máu mở ra giữa hàng ngũ chúng và chúng ngã nhào ra hai bên như lượm lúa bị luồng gió dữ cuốn vãi ngổn ngang.
Bây giờ mới thấy bên cạnh đàn ngựa Hung to, khỏe, những con ngựa phương Đông yếu đuối đến mức nào. Khi họ xông vào chúng, mười kỵ mã Hung đè bẹp hàng trăm kỵ mã Thổ. Và khi một chiến sĩ Hung đã nhào vào một tên Thổ nào đó thì tên Thổ đó sẽ không bao giờ còn có thể làm nên quan lớn ở cái thành Eghe này nữa.
Họ đã rầm rập trở về.
- Tránh cổng ra!
Tiếng hò reo mừng thắng trận của quân dân trên mặt thành hòa lẫn với tiếng reo khải hoàn của những người chiến đấu trở về.
Đôbô lo lắng thấy bọn akinji và bọn rebêtji vẫn từ các phố nhỏ ùn ùn xông ra tiếp viện. Ông hô bắn. Trên mặt thành những khẩu súng nổ rền và dây cung bật tanh tách. Tốp đầu của đội quân Thổ khựng lại làm nghẽn cả đường.
Trong lúc đó một tiếng rú man dại chát tai nổi lên trên mặt thành - chát tai như tiếng lừa rống. Tất cả mọi người đều nhìn về phía đó. Thì ra gã xigan đang rống lên ở dó. Gã vừa giận dữ nhảy nhót vừa dứ dứ thanh gươm về phía quân Thổ.
- Bọn Thổ chó đểu cứ đứng đấy! Mày sẽ chết!
Trong cơn bối rối đó của bọn Thổ, các kỵ sĩ của chúng ta vui vẻ phóng lên thành và rầm rập phi qua cổng trên mình những con chiến mã đẫm mồ hôi, máu me dính bê bết, mồm xùi bọt mép, giữa tiếng hò reo đắc thắng của quân dân trong thành.
Cuộc chiến đấu kéo dài không đầy mười lăm phút, nhưng quảng trường Nhà thờ, bãi chợ và phố Giáo đoàn ngập đầy xác chết, thương binh và những con ngựa què. Bọn giặc Thổ bị quấy rối giận xùi bọt mép kéo nhau rút lui, và từ ngoài xa, chúng còn ngoái lại khoa nắm đấm lên.
Ngày hôm ấy Đôbô cũng chưa ra lệnh đóng cánh cổng về phía con suối. Hãy cứ để cho dân thành đi ra đi vào từ sáng tới tối. Hãy để cho bọn Thổ thấy rằng Eghe bình tĩnh chờ đợi cuộc vây hãm.
Cánh cổng mở thông thống. Quanh cổng chẳng thấy một người lính gác vũ trang nào. Nhưng thực ra phía trong có một trăm hai mươi xạ thủ sẵn sàng và một người lính canh ngồi bên cửa sổ trên tháp cao, hễ anh ta ra hiệu một cái là cây đại phong cầm sẽ lập tức sập xuống, đó là những cây sắt to đứng chắn giữa vòm cổng theo hình những cái còi đại phong cầm. Dịch vào phía trong chút nữa, một khẩu đại bác bắn đạn ria cũng chăm chú nhìn ra cái khoảng trống dưới vòm cổng. Còn cái cầu treo thì dù có người đứng đẩy ở trên cũng vẫn có thể kéo lên được.
Những người lính có ngựa và những người chở nước cứ tha hồ ra vào. Những người lính có ngựa cho ngựa uống nước, những người chở nước chuyển nước vào cái bể đá trong thành. Trong thành cũng có giếng đấy, nhưng một cái giếng không thể đủ nước cho hai nghìn người và ngần ấy ngựa. Cho nên cứ việc chở nước lên, được bao nhiêu hay bấy nhiêu!
Bọn lính Thổ cũng cho ngựa ra uống ở bờ suối bên kia. Những tên bộ binh Thổ cũng ra đấy uống nước suối. Cửa đập đã hạ xuống, nước suối dâng đầy. Ở giữa dòng, nước đến ngang thắt lưng. Quân Thổ cũng để yên cửa đập: chúng còn cần nhiều nước hơn nữa, mà ngày nào cũng cần. Không phải chỉ cần cho vô số súc vật, mà còn cần cho cả ngàn vạn con người. Trong thành phố không có giếng, cả thảy chỉ có hai cái giếng cần vọt bên sườn núi mà thôi.
Người nông dân Eghe đi chở nước đã quen bọn Thổ, vả lại ban sáng họ đã thấy quân trong thành đuổi đánh, dày xéo lên bọn chúng như thế nào, vì vậy khi ra suối vục thùng múc nước, họ không thể nhịn không nói chõ sang bên bọn Thổ:
- Sang đây ông bạn, có dám thì sang đây.
Một tên Thổ tuy không hiểu lời nói nhưng cũng trông thấy cử chỉ ra hiệu bằng đầu. Thế là nó cũng ra hiệu:
- Mày sang đây cơ!
Một tên Thổ khác cũng mỉm cười, cũng mời mọc. Một lát sau đã có dăm sáu tên Thổ với cũng ngần ấy người Hung mời mọc lẫn nhau.
Một tên người Cuốcđơ hộ pháp, đội tuyban cáu bẩn đang rửa cái chân bị thương bên kia bờ. Quần xắn quá gối. Hắn đứng dậy và bước xuống suối, chìa cái mặt to bè bè có bộ ria hoe hoe về phía những người Hung.
- Thì tao đây, chúng mày cần gì nào?
Những người nông dân của chúng ta không nhảy tránh đi. Họ cũng vận quần đùi vào thắt lưng đứng dưới nước. Một người nhanh như chớp chộp lấy tay tên lính Thổ và giật mạnh sang phía họ.
Khi những tên Thổ khác kịp nhận ra thì bốn nông dân đã xô đẩy, lôi kéo tên Cuôcđơ vào giữa những cái xe chở nước. Những người khác chĩa giáo về phía những tên dị giáo đang nhảy xuống nước.
Tên Cuốđơ gào thét, vật vã. Nhưng những cánh tay lực lưỡng giữ chặt lấy nó. Áo đônman, cúc và dãy khuy đứt tuột khỏi người nó. Cái tuyban rơi ra khỏi đầu nó. Mũi nó hộc máu. Nó kêu “jetisin” (cứu với!) và quăng mình xuống đất. Nhưng sự cứu viện không đến và người ta túm lấy chân nó lôi đi nhanh đến nỗi nó không thể nào đứng dậy được, cứ thế mà trượt qua cổng thành.
Người ta đưa nó đến trước Đôbô.
Tên lính Thổ không còn còn kiêu hãnh như trước nữa. Nó phủi bụi trên mình rồi vòng tay lên ngực, cúi mình chào thật thấp.
Đôbô sai dẫn nó vào phòng làm việc và cho gọi Bônemixo vào phiên dịch. Ông ngồi bên cạnh một bộ giáp sắt treo trên cọc. Ông cũng chẳng ra lệnh xích tên Thổ lại nữa.
- Tên mày là gì?
- Bekit! - Tên Thổ đáp và run lên, phần vì cáu phần vì sợ.
- Mày ở dưới trướng của ai?
- Của pasa Amét.
- Mày là gì?
- Piát.
- Thế nghĩa là lính bộ?
- Vâng, thưa ngài.
- Mày đã từng dự trận bao vây Temétva?
Tên Thổ chỉ xuống chân, ở gần mắt cá một vết sẹo to bằng bốn đốt tay đỏ ửng.
- Thưa ngài, con đã ở đó.
- Vì sao tòa thành đó của chúng ta bị hạ?
- Ala muốn như vậy.
- Hãy nói với ta cho thật, nếu ta bắt được một lời nói dối, ngươi sẽ đến ngày tận số.
Đôbô nói và giơ khẩu súng ngắn lên.
Tên Thổ cúi mình xuống. Cặp mắt nó để lộ rằng nó sẽ không nói dối.
Đôbô không nắm được tất cả sự việc về cuộc vây hãm Temétva. Ông chỉ biết Temétva đã được củng cố vững chắc hơn Eghe và đạo quân tấn công chỉ bằng nửa nơi đây, vậy mà chúng vẫn chiếm được thành.
Dự cuộc hỏi cung trong phòng lúc ấy có một vài sĩ quan vừa đổi phiên xong đang nghỉ ngơi: Petơ, Zôntoi, Heghétđuy, Bôiky Tomát, võ đồng Kôrixtôp và Onđơrát, viên đốc lý Eghe. Họ ngồi quanh Đôbô, chỉ có chú võ đồng là đứng sau lưng Đôbô, khuỷu tay tì lên lưng ghế. Tên tù binh chân đất, đầu trọc đứng trước Đôbô cách chừng bốn bước. Đằng sau tên tù binh là hai người lính vác giáo.
- Chúng mày tới thành Temétva vào lúc nào?
- Ngày mồng năm tháng Rejép (27 tháng sáu).
- Lúc đó chúng mày có mấy bích kích pháo?
- Pasa đại nhân mang theo mười hai khẩu Zobuzan[60].
Boiki quát :
- Nói láo!
- Nó không nói láo đâu! - Đôbô đáp. - Bởi vì Ali cùng mấy khẩu kia đi đánh miền Thượng địa.
Rồi ông hỏi tiếp tên dị giáo:
- Pasa Ali hợp quân cùng chúng mày với mấy khẩu Zobuzan?
- Bốn khẩu. - Tên Thổ đáp.
- Điệp viên của ta cũng nói mười sáu khẩu bích kích pháo cả thảy.
Ông lại quay sang tên Thổ:
- Mày hãy nói cho ta biết chúng mày đã tấn công thành ấy theo trình tự như thế nào. Ta không giấu mày, ta hỏi là vì việc bảo vệ của chúng ta. Nếu mày muốn đánh lạc hướng ta, dù chỉ bằng một lời, mày sẽ sa vào tay thần chết. Nếu mày nói thật, sau cuộc vây hãm ta sẽ tha cho mày được yên lành mà về.
Điều đó được nói lên bằng một giọng chắc nịch đến nỗi có thể đem từng lời đúc vào sắt thép.
- Thưa tướng quân đại nhân! - Tên Thổ nói với giọng hồ hởi hẳn lên vì sự biết ơn. - Sự cứu rỗi linh hồn con xin hãy thể hiện ra đầu lưỡi.
Rồi nó nói, lúc đó đã bạo dạn hơn và trôi chảy hơn.
- Ở đó cũng y như ở đây, Pasa đại nhân chọn lấy những đoạn tường và những phần yếu nhất của tòa thành rồi cho bắn phá mãi đến khi có thể dùng thang được.
- Ở đó phần nào đã là phần yếu nhất?
- Thưa ngài, đó là tháp nước. Chúng con chỉ với những trận chiến đấu ác liệt mới chiếm được thành. Người rụng như cỏ dưới lưỡi hái. Ở đó một mũi tên đã cắm vào chân con. Sau khi tháp nước bị chiếm, lính Đức và lính Tây Ban Nha nhắn ra rằng chúng thuận đầu hàng nếu người ta để cho chúng yên lành kéo đi. Pasa bèn lấy danh dự ra hứa sẽ không khủng bố chúng.
Trong khi tên Cuốcđơ nói, ngoài kia đại bác gầm thét không ngừng, và khi nó vừa nói đến đó, kèm theo một tiếng nổ và tiếng răng rắc rất dữ dội, trần nhà của tướng phủ bị xuyên thủng. Một viên đạn đại bác to bằng đầu người cùng với vôi vữa trên trần rơi xuống khoảng giữa Đôbô và tên Thổ. Viên đạn còn quay tít.
Tên Thổ sợ hãi lùi lại. Nhưng Đôbô chỉ liếc nhìn viên đạn đang bốc mùi thuốc súng hôi nồng và dường như không có việc gì xảy ra cả, ông điềm tĩnh ra hiệu:
- Nói tiếp đi!
- Dân trong thành. - tên Thổ nói tiếp, - dân trong thành…
Hơi thở của nó đứt quãng đến nỗi nó không thể tiếp tục được nữa.
Võ đồng Kơrixtốp rút trong túi ra một cái khăn tay có viền thêu và phủi bụi vôi trên mặt, trên mũ, trên áo quần của chủ tướng. Trong lúc đó tên Thổ đã kịp lấy lại hơi.
- Nói tiếp đi! - Đôbô bảo.
- Dân chúng muốn đem tất cả của nả đi. Và đó là chính là điều sai lầm. Lôsônxi yêu cầu một ngày để chuẩn bị. Quân lính chúng con thấy rằng người ta đang tước chiến lợi phẩm của mình và sáng hôm sau, khi bọn rợ Hung bắt đầu kéo ra, chúng con nhìn đầy căm tức. Chúng ta đã chiến đấu ở đây hai mươi lăm ngày để giờ đây người ta đem tất cả đi ư ? - Chúng con bảo nhau thế và bắt đầu thò tay vào cướp giật các xe tải. Dân cơ đốc không chống cự lại, vì vậy việc cướp giật mỗi lúc một tham tàn hơn. Đặc biệt lính chúng con cướp giật trẻ con và phụ nữ trẻ. Thưa ngài, ở Xtămbun người ta cũng chẳng bán những cô gái đẹp hơn những cô ở đó.
- Thế nhưng viên Pasa không đặt quân bảo vệ họ ư ?
- Ông ta có đặt, nhưng vô ích. Khi hàng lính cơ đốc tiếp theo ra, bọn chúng con giật lấy một tên: một võ đồng khôi ngô của Lôsônxi. Tên võ đồng kêu lên. Lôsônxi nổi xung và tất cả bọn lính Hung đều dấy loạn. Chúng tuốt gươm ra và xông vào chúng con. May cho chúng con là đúng bọn lính thiết giáp rebétji đứng ở chỗ ấy chứ không thì họ đã mở được đường máu ra khỏi trùng vây rồi.
Đôbô nhún vai:
- Bọn rebétji ấy ư? Mày tưởng rằng hễ kẻ nào khoác một tí sắt lên người là lập tức trở thành vô địch ngay sao? Không phải giáp sắt đã làm được chuyện đó đâu, mà chỉ vì họ ít người quá.
Một viên đạn khác lại rơi vào phòng. Nó xuyên qua những lá cờ đã phai màu vẫn trang trí bức tường và làm thủng cả trần nhà.
Tất cả những người ngồi đó đều đứng dậy. Heghétđuy đi ra ngoài. Những người khác thấy Đôbô vẫn ngồi bèn nán lại.
- Pasa Amét dựng trướng ở đâu? - Ông hỏi tên Thổ.
- Bên cạnh suối Nước nóng, trong vườn Bách thú.
- Ta đã biết mà. - Đôbô vừa đáp vừa nhìn các sĩ quan của mình.
Rồi ông lại quay sang tên Thổ:
- Mày thử nói xem, sức mạnh lớn nhất của đạo quân này là gì?
Ông nhìn xoáy vào mắt nó.
- Bọn ionisa, bọn pháo binh, đám quân muôn vạn. Pasa Ali đại nhân là một tướng lĩnh thông thuộc binh thư. Một tay ông ban phần thưởng hậu, còn trong tay kia là cây roi có gai thép, khi ông ta ra lệnh mà đứa nào không tiến lên thì bọn ioxaun[61] sẽ dùng roi có gai quất họ.
- Và cái gì là chỗ yếu của nó?
Tên Cuốcđơ suy nghĩ và nhún vai.
Mắt Đôbô như đôi kiếm nhọn chĩa thẳng vào nó.
- Thật con không thể nào trả lời khác hơn, cho dù con có trải tâm can con ra trước chân ngài như thể một trang sách mở cũng thế thôi. Thưa đại nhân, con chỉ có thể nói rằng khi đạo quân này chia làm hai nó cũng rất mạnh. Bởi vì đạo quân này đã triệt hạ chừng ba chục thành trì kiên cố và chưa ở đâu người ta thắng được nó cả, vậy thì con biết nói cái gì là điểm yếu thưa ngài?
Đôbô ra hiệu cho hai người lính đứng sau tên tù binh:
- Các người hãy trói nó lại và điệu nó vào ngục tối.
Rồi ông cũng đứng lên.
Viên đạn thứ ba bay vào chỗ ông ngồi. Nó phá vỡ cái ghế bành trạm trổ rất đẹp thành từng mảnh vụn và tiếp tục xoay xoay bên cạnh cột nhà.
Đôbô chẳng hề quay lại. Ông cầm lấy cái mũ sắt thường ngày từ tay Kôrixtôp, chụp lên đầu.
Ông đi lên nóc pháo đài ngục thất đứng xem khẩu súng nào bắn phá soái phủ.
Chẳng lâu lắc gì ông đã trông thấy. Ông hướng vào nó ba khẩu pháo của ông và cho bắn cùng một lúc.
Những công sự đổ nhào. Bọn tốpsi bối rối chạy nháo nhác. Khẩu súng câm họng. Đôbô đã không vung phí thuốc súng của ông.
- Phát súng oanh liệt quá! - Gergey phấn khởi reo lên.
Khi họ đi xuống thang gác pháo đài, chàng mỉm cười với Đôbô và kéo ông vào trong góc cầu thang:
- Thưa đại úy, quả là ngài đã bắt tên Thổ hứa, nhưng ngài lại quên không bắt người phiên dịch hứa.
- Chả lẽ anh đã bẻ quẹo khẩu cung của nó?
- Hẳn đi ấy chứ. Khi đại úy hỏi cái gì là sức mạnh nhất của quân Thổ, tôi đã bỏ sót một điều. Tên Thổ nói là Ali với bốn khẩu bích kích pháo của mình có thể phá hoại nhiều hơn Amét với mười hai khẩu. Vậy có thể đoán trước là Ali sẽ bắn phá thành trì cho đến khi nào tất cả tường lũy đều đổ sụp.
- Mời hắn cứ việc. - Đôbô điềm tĩnh đáp lại.
- Đấy, tôi chỉ giấu điều đó thôi. - Gergey kết thúc. - Nếu đại úy thấy nên thì cứ báo cho các sĩ quan khác nữa.
- Anh làm như vậy là tốt đấy. - Đôbô vừa đáp vừa chìa tay ra. - Chúng ta không được phép để những nỗi lo âu đè nặng lên dân thành. Nhưng ngay bây giờ ta cũng nói với anh điều mà tên bộ binh người Cuốcđơ không biết; cái gì là điểm yếu của đạo quân ấy.
Ông đứng tựa lưng vào tường pháo đài và khoanh tay lại.
- Mười sáu khẩu zobuzan, - ông tiếp. - có lẽ ngày mai cũng sẽ cùng nhất tề làm việc. Rồi chúng nó sẽ đồng thời bắn cả một trăm, hai trăm khẩu pháo khác nữa. Chúng nó sẽ phá vỡ những cánh cổng trên tường thành và làm sập những tháp canh. Nhưng việc đó đòi hỏi thời gian hàng mấy tuần lễ. Trong thời gian đó cần phải cung ứng cho đạo quân trùng điệp này ăn. Anh tưởng là chúng nó có thể chở theo ngần ấy lương thảo để thừa đủ cho đạo quân này hay sao? Anh tưởng lúc nào chúng nó cũng có thể kiếm ra cái chỗ còn thiếu hay sao? Và nếu sương tháng mười đuổi kịp chúng nó ở đây, anh nghĩ rằng cái dân lớn lên ở xứ nóng này, với dạ dày lép kẹp và bộ da tê buốt, sẽ chịu trèo lên các tường thành này hay sao?
Một viên đại bác rơi xuống bên cạnh họ, khoét đất thành một cái hốc.
Đôbô ngửng nhìn lên các pháo thủ và tiếp:
- Dân chúng cũng gan góc chừng nào họ còn thấy chúng ta gan góc. Cái chính là ta phải cố thủ thành trì cho đến lúc quân giặc cạn lương, cho đến lúc thời tiết trở rét, cho đến lúc quân đội triều đình đến kịp.
- Nhưng nếu chúng nó sẽ có đủ cái ăn? Nếu sương giá sẽ không sa vào tháng mười? Nếu quân đội triều đình dừng lại dưới Giơrơ[62]?
Giả sử Gergey nêu lên những câu hỏi ấy với một trọng âm mà qua đó người ta có thể nghĩ ngay đến một câu hỏi thứ tư nữa thì có lẽ Đôbô đã lập tức cho cùm ngay chàng lại. Nhưng Gergey hỏi với một nét mặt cởi mở, gần như là mỉm cười. Có lẽ chàng cũng không cốt cho Đôbô phải trả lời, mà chỉ vì họ đang nói chuyện một cách tin cẩn, và vì để đáp lại lời Đôbô, chàng cũng không thể trả lời khác được.
Đôbô nhún vai:
- Giám mục Eghe đã chẳng nhắn là ông ta cầu nguyện cho chúng ta đấy ư?
* * *
Chiều tà hôm đó một phụ nữ quấn mình trong áo choàng đen vội vã đi qua bãi chợ. Không có ai theo mụ ngoài một đứa bé da đen áng chừng mười lăm tuổi, với một con chó becjê lang rất to.
Đến bên suối, con chó nhảy xuống nước còn người đàn bà cứ đi đi lại lại trên bờ, vừa đi vừa bẻ ngón tay. Chốc chốc mụ lại nhìn về phía cổng thành. Sẩm tối người ta thường kéo cổng lên[63]và khóa bằng chín cái khóa. Có lẽ người đàn bà đang chờ đến lúc ấy. Và khi người ta kéo cổng lên, mụ lội qua suối mà không hề vén quần áo lên.
Đến trước cổng, mụ kêu lên gần như bật khóc:
- Con trai tôi! enim fiam!
Người ta báo với Đôbô rằng có mẹ thằng bé Thổ ở ngoài cổng.
- Cho mụ ta vào, nếu quả mụ ta muốn vào. - Đôbô đáp.
Trên mặt cầu treo đồng thời cũng là cánh cổng ấy có một cửa sắt hẹp. Người ta mở cửa đó cho người đàn bà. Nhưng mụ ta hoảng hốt lùi lại. Con chó sủa váng lên.
- Con trai tôi!
Mụ đàn bà lại kêu lên và nhấc nhấc một cái gì như cái ví. Mụ dốc cho những đồng tiền vàng rơi rủng rẻng vào bàn tay kia.
Cánh cổng lại đóng kín.
Mụ đàn bà lại đến gần, vừa bẻ ngón tay vừa đi đi lại lại trước cổng. Mụ kéo choàng mạng lên và lấy khăn tay trắng lau nước mắt chảy dòng dòng. Mụ không ngừng kêu khóc:
- Xelim! Con trai tôi!
Cuối cùng rồi mụ cũng đấm vào cánh cửa sắt.
Cánh cửa lại mở ra, nhưng mụ lại lùi bước.
Lúc đó Gergey xuất hiện trên pháo đài trên cổng, chàng cầm tay một thằng bé kéo lên.
- Xelim! - Mụ đàn bà Thổ rú lên, hai tay chìa về đứa bé.
- Mẹ ơi! - Thằng bé cũng kêu lên và giơ cánh tay còn tự do về phía mẹ nó. Con chó vừa nhảy vừa kêu ẳng ẳng, thỉnh thoảng lại sủa váng lên một tiếng.
Gergey không thể nói vọng ra ngoài thành nhưng thằng bé có thể nói được. Nó gọi xuống cho mẹ nó biết như sau:
- Mẹ ơi, sau cuộc vây hãm mẹ có thể đổi lấy con ra bằng tù binh cơ đốc.
Mụ đàn bà quỳ xuống và, như thể muốn ôm choàng lấy con qua không trung, mụ dang hai cánh tay ra. Khi đứa bé đã biến mất, mụ ném theo rất nhiều cái hôn.
Tối đó bóng đêm đen đặc chùm lên thành, lên thành phố, lên những quả núi, trùm kín trời, trùm kín cả thế gian.
Đôbô đi nằm muộn, nhưng đến nửa đêm lại dạo qua khắp các pháo đài. Ông mặc áo choàng dạ, đội mũ nhung đen, tay cầm bản danh sách các toán lính gác.
Người thượng úy trực đêm vào giờ đó là Zôntoi. Anh ta cũng khoác áo choàng lên người vì đêm khá lạnh. Khi anh trông thấy Đôbô trên pháo đài Sanđrô, anh lặng lẽ giơ gươm lên chào.
- Anh có gì nói không? - Đôbô hỏi.
- Tôi vừa đi xem xét xung quanh. - Zôntoi đáp. - Tất cả mọi người đều ở vị trí của mình.
- Đám thợ nề? 
- Họ đang làm việc.
- Hãy đi theo ta. Ta tin ở anh, nhưng cần để cho lính gác thấy rằng ta cũng chú ý.
Ông trao bản danh sách cho Zôntoi và họ lần lượt đi qua các pháo đài. Chỗ nào Zôntoi cũng điểm danh. Bóng tối phủ kín những khẩu pháo trên tất cả mọi pháo đài. Những người lính đứng canh súng trông như những cái bóng đen. Trước những vòm cửa pháo đài và tường thành, lửa bập bùng ở các trạm gác. Những người lính chờ đợi đổi gác sưởi ở đó.
Trong thành yên lặng, chỉ đôi khi mới nghe vọng lại tiếng lách cách khe khẽ của đám thợ nề, họ đang trát vữa.
Đôbô đứng ra bên mép pháo đài. Cứ năm phút một, ánh đèn lại hắt ra từ những lỗ châu mai. Cây đèn treo đầu ngọn giáo vỗ cánh sáng đến vài chục sải lên tường và qua cả hào ngoài. Sau đó người ta rút giáo về và đôi cánh sáng lại từ một pháo đài khác phóng vào đêm tối.
Đôbô dừng lại ở cổng phía tây. Người lính gác chào, Đôbô cầm lấy cây giáo của anh ta và sai anh ta đi gọi người giữ cổng.
Người lính gác chạy lộp cộp lên cầu thang. Từ trên đó vọng xuống tiếng anh ta đánh thức người giữ cổng:
- Bác Mihai!
- Ầy.
- Hãy theo tôi ngay tắp lự!
- Làm gì thế?
- Ngài đại úy ở đây đấy.
Một tiếng động (bây giờ anh kia nhảy ra khỏi giường). Hai tiếng cộp cộp (Anh kia kéo ủng lên). Một tiếng lách cách (Anh ta đã vớ lấy gươm). Tiếng rầm rập (Anh ta chạy xuống cầu thang gỗ).
Và con người có bộ ria mép đồ sộ, quấn mình trong chiếc áo choàng lông cừu đứng nghiêm trước mặt Đôbô. Một bên ria mép của gã vểnh lên, bên kia quặp xuống.
Đôbô trả lại giáo cho người lính gác và bảo:
- Trước hết, nếu đã là một chiến sĩ, ngươi đừng gọi thập trưởng là bác Mihai, cũng đừng bảo: hãy theo tôi ngay tắp lự; mà phải nói là: Thưa thập trưởng, ngài đại úy gọi. Như thế mới đúng. Nhưng thôi, trong lúc bị vây hãm thì thế nào cũng được. Việc đáng buồn hơn là lời ngươi nói thế mà đúng. Kẻ nào mặc áo lót quần đùi đi ngủ, kẻ đó không phải là ông thập trưởng, mà chỉ là bác Mihai. Ước gì có một viên đạn bảy mươi bảy bảng rơi xuống giữa giấc mơ của một viên thập trưởng giữ cổng như thế! Vậy ra người ta có thể cởi quần áo mà ngủ trong một cái thành bị vây cơ đấy?!
Nghe câu hỏi đó, bên ria mép chỉ thiên của Mihai cũng quặp nốt xuống, nhưng chẳng ai trả lời cả. Đôbô lại tiếp:
- Từ hôm nay trở đi, đêm nào nhà ngươi cũng phải ngủ dưới vòm cổng này, hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
- Điều thứ hai mà ta muốn nói là chúng ta không hạ cửa xuống vào mỗi buổi sáng nữa, ngược lại chúng ta hạ cây đại phong cầm xuống, trừ một cọc, hễ khi nào cuộc tấn công bắt đầu, nhà ngươi sẽ hạ nốt xuống mà không cần chờ lệnh nữa.
- Con hiểu rồi ạ.
Không đầy năm phút sau, từng cái từng cái một, những cọc sắt nhọn, to bằng bắp tay lao phập xuống nửa trong vòm cổng, như những cây còi đại phong cầm chặn kín lấy vòm cổng. Chỉ còn một cọc vẫn treo lơ lửng, vừa đủ chỗ cho một người có thể đi ra đi vào được.
Đôbô bước từng bực lên pháo đài Nhà thờ. Ở đó ông cũng kiểm tra các khẩu pháo, xem xét những pháo thủ ngủ và những pháo thủ thức canh. Sau đó ông khoanh tay lại đứng nhìn vào bóng đêm xa xăm.
Bầu trời tối đen, nhưng mặt đất, trong khoảng tầm mắt còn thấy được, lung linh bởi hàng nghìn ngôi sao đỏ. Đó là lửa trại quân của bọn Thổ.
Ông cứ đứng như thế mà nhìn mãi. Và lúc đó, giữa đêm khuya yên ắng, từ một chỗ gần thành về phía đông, một tiếng loa lảnh lói bỗng vẳng lên từ đáy sâu bóng tối.
- Bônemixo Gergey! Trung úy của triều đình! Ngươi có nghe chăng?
Yên lặng, một sự yên lặng kéo dài.
Rồi tiếng loa lại vẳng lên:
- Nơi ngươi có một cái nhẫn Thổ. Chỗ ta có một đứa bé Hung. Cái nhẫn ấy là của ta. Đứa bé này là của ngươi.
Yên lặng.
Tiếng loa lại nổi lên:
- Nếu ngươi muốn lấy lại con trai ngươi, hãy đến chỗ cổng phía bãi chợ. Hãy trả lại cho ta cái nhẫn, ta sẽ trả lại con trai ngươi. Hãy đáp lại lời ta, Bônemixo Gergey!
Đôbô nhận thấy tất cả những người lính gác đều quay mặt về phía tiếng kêu, mặc dù đêm tối đen không thể thấy gì hết.
- Đừng ai cả gan đáp lại đấy! - Ông hầm hầm nói và vỗ vào gươm làm nó kêu lách cách. Chẳng một ai đáp lại.
Tên gọi loa lại tiếp:
- Nếu ngươi không tin lời ta, rồi đây ngươi sẽ tin, khi ta ném thủ cấp con trai ngươi vào trong đó.
Đôbô liếc nhìn sang hai bên rồi lại lắc gươm lách cách:
- Các ngươi đừng có mà cả gan nói với ngài Bônemixo đấy nhé! Kẻ nào dám đưa chuyện này ra nói hoặc với ngài thượng úy, hoặc với bất kỳ người nào khác, thề có Chúa Trời chứng giám, ta sẽ sai nọc ra đánh hai mươi lăm trượng.
- Xin cảm ơn đại úy. - Một giọng khản đặc từ phía sau Đôbô đáp lại.
Đó là Bônemixo, chàng quấn một dây ngòi đen vào mũi tên và vừa tẩm vào nhựa hắc ín vừa nói tiếp:
- Đêm nào chúng nó cũng loa vào một điều ngu xuẩn như vậy. Đêm qua chúng nó gọi Mectsei và bảo vợ anh gửi lời chào kính trọng: vợ anh đang tiêu khiển trong doanh trướng của bêi Orơxơlan.
Chàng nhúng mũi tên vào một bình dầu và tiếp:
- Vợ con tôi đều ở Sôpơrôn. Họ không hề đi khỏi nơi đó, mùa đông cũng như mùa hè.
Tên gọi loa lại lên tiếng:
- Ngươi có nghe chăng, Bônemixo! Con trai ngươi đang ở với ta đây. Một giờ nữa ngươi đến chỗ cổng thì sẽ thấy.
Gergey đặt mũi tên lên dây cung. Chàng châm vào lửa rồi giật lên, bắn về phía tên gọi loa.
Mũi tên lửa bay qua đêm tối như một ngôi sao chổi và trong một khoảnh khắc soi tỏ ngọn đồi nơi mặt trời thường vẫn quen nhô lên.
Trên đồi có hai tên Thổ mặc áo caphơtan đang đứng. Một tên cầm ống loa trong tay, tên kia có một mắt che bằng khăn trắng. Chẳng có đứa trẻ nào đứng bên chúng cả.
Đêm ấy còn xảy ra một việc khác nữa.
Vosanhi xin vào cổng và vội vàng đi thẳng đến chỗ Đôbô. Đôbô vẫn đang đứng trên pháo đài Nhà thờ, giơ tay sưởi lửa.
- Thưa ngài, - người điệp viên nói. - con về đây để báo tin ngài biết, tất cả các khẩu zobuzan đã đặt xong. Từ phía sân Hêxei chúng cũng sẽ nổ súng. Ngoài ra toàn bộ tu pháo và pháo bắn đạn ria cũng sẽ lên tiếng. Về phía thành phố, các khẩu zobuzan sẽ công phá tường thành từ hai địa điểm, về phía các quả đồi thì từ ba địa điểm, còn các loại pháo khác sẽ tuôn đạn ra từ năm chục địa điểm ở khắp tứ phía. Trong buổi cầu kinh trưa, bọn kumbarari sẽ xông ra và dùng thương, dùng nỏ bắn đá vãi hỏa pháo vào thành. Ôi ôi ôi! - Anh ta thêm, gần phát khóc.
- Như vậy nghĩa là chúng nó sẽ bắn phá pháo đài Ngục thất, thành ngoài và cổng Cũ, - Đôbô điềm tĩnh nói. - Còn gì nữa?
- Chúng nó sẽ bắn phá tất cả, thưa đại úy!
- Ngươi có gì nói nữa không?
- Thưa ngài không ạ, chỉ có điều là giá như… nếu chúng ta đã ít ỏi như vậy… có lẽ tốt hơn… và một tai họa nhường này…
Anh ta không nói được hết vì Zôntoi đã giáng vào mặt anh ta một cái tát đến nỗi vọt cả máu mũi lên tường.
Đôbô giơ tay ra giữa hai người cản lại.
- Đừng đánh!
Và thấy Vosanhi đưa tay lên quệt mũi rồi nhìn Zôntoi với bộ mặt thiểu não. Đôbô nói với giọng xoa dịu:
- Ngươi không biết ư, hễ kẻ nào dám nói đến việc dâng thành ra hàng là sẽ bị tội chết?
- Con là điệp viên. - Vosanhi lúng túng. - Sở dĩ người ta trả lương cho con là để con có gì thì nói cho bằng hết.
- Thôi đủ rồi. - Đôbô bảo. - Ngay đêm nay ngươi cũng sẽ phải tuyên thệ. Sau đó ta sẽ nghĩ cách để ngươi có thể dùng vàng mà quệt mũi. Hãy theo ta.
Họ đi qua bên cạnh giếng nước, nơi Gergey đang cùng gã xigan và bốn nông dân nhồi những quả thủ pháo. Năm người sản xuất thủ pháo suốt đêm ngày ở đó. Gergey đã dạy cho họ cách làm và sở dĩ họ phải làm việc cả ban đêm là để nhỡ có bị tấn công bất ngờ cũng khỏi phải cuống quýt.
Đôbô gọi Gergey lại. Cả ba cùng đi vào soái phủ.
Vào đến nơi Đôbô rút ngăn kéo ra và quay sang bảo Gergey:
- Anh viết thư báo cho Xonkoi biết rằng cho đến nay nhà vua và đức giám mục chưa gửi một sự cứu viện nào đến đây cả, và bảo ông ta hãy thúc giục các trấn và các thành phố đến cứu viện.
Trong khi Gergey viết thư, Đôbô làm lễ tuyên thệ cho Vosanhi ở phòng bên cạnh.
- Thưa ngài. - Vosanhi nói sau khi tuyên thệ. - con biết mình phục vụ ai. Nếu thành này giữ được, con sẽ không bao giờ phải mặc đồ cải trang Thổ Nhĩ Kỳ nữa.
- Ngươi nói đúng đấy. - Đôbô đáp. - Nhưng giả sử ngươi không chờ đợi một sự ân thưởng nào thì cũng cứ phải phục vụ như thế vì Tổ quốc.
Trên bàn có một bình rượu vang, ông đẩy đến trước mặt người điệp viên:
- Uống đi, Imre [64].
Người điệp viên đang khát. Anh ta dốc bình lên tu.
Khi anh ta chùi ria mép, cặp mắt anh ta lộ vẻ muốn tỏ lời cảm ơn, nhưng Đôbô đã chặn trước:
- Ngươi không cần trở lại chỗ quân Thổ. Hãy đem bức thư này đến Xorơvotkơ ngay đêm nay, rồi chờ ở đó cho đến khi nào Vosơ Mikơlôt từ chỗ nhà vua và đức giám mục trở về. Nếu có thể, ngươi hãy đem cả anh ta vào. Nếu không được thì chỉ mình ngươi về thôi. Trong trại quân Thổ có thường dùng khẩu lệnh không?
- Thưa ngài, không đâu ạ. Nếu ai mặc quần áo Thổ, lại biết một vài tiếng Thổ nữa thì có thể tha hồ đi lại giữa bọn chúng như thể cùng một bọn. Nhưng giá mà ngài thượng úy đừng có tát con một cái như thế!...
Ở phòng bên vang lên tiếng cựa giày của Gergey. Đôbô bèn đứng dậy để sang nghe bức thư.
--------------
Chú thích:

[30] Một thứ bánh mì hình tròn, vừa một suất ăn.
[31] Yurisits Mikolot (1490-1515) làm tướng giữ thành Kơxec - một thành phố nhỏ, năm 1332 với một số quân ít ỏi đã bảo vệ thành, chặn đứng được cả đạo đại quân Thổ do Hoàng đế Xukeimura ngự giá thân chinh định tiến đánh Viên.
[32] Hoàng đế Thổ hồi đó.
[33] Đây là nói về trận Môhát, xem chú thích từ tập 1.
[34] Tômôri Pan (1475-1526) hồi trẻ đã gia nhập quân đội và đã từng làm tướng trấn thủ thành Phôgoret. Từ sau 1520 nhập dòng tu Pherenxơ và làm linh mục ở Eghe rồi làm giám mục xứ Kolôtsơ. Ông ta chỉ huy đạo quân Hung trong trận thảm bại ở Môhat năm 1526 và chết tại trận.
[35] Vùng Eghe có loại rượu vang màu đỏ tươi gọi là “Huyết bò Eghe”.
[36] Một loài kèn cổ, tiền thân của loại kèn Klarinet ngày nay.
[37] Hồi đó súng ngắn còn được gọi là súng tay.
[38] Ở ta người ta nói ngủ say như hổ, nhưng ở châu Âu và các xứ lạnh nói chung, gấu cũng là một điển hình về ngủ vì hàng năm nó ngủ li bì suốt cả mấy tháng mùa đông.
[39] Tiếng Thổ trong nguyên bản, nghĩa là: “Trời ơi! Ôi trời chí cao!”
[40] Một loại quân khí thời xưa, đó là một loại búa cán dài, có mỏ nhọn, giống như cuốc chim.
[41] Bạn đọc nên biết rằng hồi đó niên bổng của người đầu bếp của Đôbô chỉ có mười phô rinh; của người làm vườn có sáu phô rinh.
[42] Một loại tiền cũ bằng bạc, rất thông dụng ở La Mã và các nước Châu Âu hồi xưa.
[43] Khoảng 9kg.
[44] Một ông vua Ba Tư nổi tiếng giàu có nhất thời cổ đại.
[45] Một thứ giầy đi trong nhà, giống như giầy hạ hoặc hài vải ở ta.
[46] Thằng bé nói tiếng Thổ, nghĩa là “Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu.”, mụ Vôsơ lại nghe ra là “Mẹ ơi, lại đây!”.
[47] Miếng gỗ đẽo thành hình viên ngói để lợp nhà thời xưa.
[48] Một loại lính xung kích có lá chắn bằng thép của quân Thổ.
[49] Kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ.
[50] Ý là không bắn cho chúng một phát đạn to hay sao?
[51] Lưỡi hái ở châu Âu cán dài, lưỡi dài đến hàng mét, có thể vừa đứng vừa lia sát mặt đất. [52] Thi Hào Petophi cũng có một bài thơ rất hay về những kẻ “còn rỗi chán” để chế giễu những kẻ chần chừ, việc gì cũng nay lần mai lữa.
[53] Loại binh bộ phóng lao trong quân Thổ hồi đó.
[54] Ngày nay là một công viên ở khu 1, Buđapest, dưới chân thành Buđo, rộng hơn 1km2. Tại đây năm 1795 bọn thống trị đã xử tử những người lãnh đạo phái Giacôbanh (dân chủ tư sản) ở Hung. Từ đó, bất chấp sự cấm đoán của chính quyền trung ương và tòa thị chính Buđapest, nhân dân đã gọi mảnh đất đó bằng cái tên “Đồng máu”.
[55] Pháo binh trong quân đội Thổ hồi đó.
[56] Ala chí cao.
[57] Một loại bộ binh Thổ.
[58] Một loại lính tình nguyện trong quân đội Thổ.
[59] Một loại lính đánh thuê trong quân đội Thổ.
[60] Đại bác phá tường thành.
[61] Bọn quan giám trận, bày trận.
[62] Thành phố ở phía tây nước Hung, cách Eghe hơn 200 km.
[63] Đây là kiểu cổng thành đồng thời cũng là cầu treo có hai xích sắt hai bên, khi hạ xuống thì thành cầu bắc qua hào, khi kéo lên thì đóng luôn cổng.
[64] Imre là tên, Vosanhi là họ.
------------
Tiếp p9: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/03/nhung-ngoi-sao-eghe-p9.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét