Đôi bạn già dạo chơi trong vườn nở đầy hoa, dạt dào sức sống
giữa mùa xuân vui tươi. Một người là thượng nghị viên, còn người kia là viện sĩ
Hàn lâm viện Pháp, cả hai đều đạo mạo, có đầy đủ lý luận rất hợp lý và trịnh
trọng, vì họ là những nhân vật tai mắt và có danh tiếng.
Mới đầu họ mạn đàm về chính trị, trao đổi ý kiến, không phải
về những khái niệm, mà là về những con người, ở địa hạt này những nhân vật xưa
nay thường át cả lý trí. Rồi họ nhắc lại vài chuyện cũ; rồi họ im lặng, tiếp
tục đi bên cạnh nhau, người đâm ra ủy mị trong tiết trời ấm áp.
Một bồn hoa đinh hương to tỏa ra những làn hương ngọt ngào và tế nhị; đủ các thứ hoa muôn hồng nghìn tía ngát thơm trong gió nhẹ; một cây mun già, phủ đầy những chùm hoa vàng, tung ra trước gió làn phấn mịn, một làn bụi vàng thoảng hơi mật và mang theo trong không trung mầm giống cây hương ngát, như các loại phấn dịu thơm ở nhà hàng nước hoa.
Một bồn hoa đinh hương to tỏa ra những làn hương ngọt ngào và tế nhị; đủ các thứ hoa muôn hồng nghìn tía ngát thơm trong gió nhẹ; một cây mun già, phủ đầy những chùm hoa vàng, tung ra trước gió làn phấn mịn, một làn bụi vàng thoảng hơi mật và mang theo trong không trung mầm giống cây hương ngát, như các loại phấn dịu thơm ở nhà hàng nước hoa.
Viên thượng nghị sĩ dừng chân, hít làn phấn hoa nhuần nhị,
phấp phới, ngắm nghía cái cây đa tình, rực rỡ như một vừng mặt trời, đang tung
giống bay đi. Và ông ta nói:
- Có khi nào ta nghĩ rằng những phân tử li ti, thơm tho này
đi gây mầm sống cách đây hàng trăm dặm, đi khuấy động những thớ thịt và những
dòng nhựa của những cây cái, và làm mọc lên loài cây cỏ, nó cũng từ một cái mầm
mà sinh ra như chúng ta, sẽ chết đi như chúng ta, và sẽ được những vật đồng
loại thay thế, cũng lại như chúng ta.
Rồi, đứng ngây người trước cây mun rạng rỡ đang thả theo
từng gợn gió những làn hương gieo mầm sống, ngài thượng nghị sĩ nói thêm:
- À! Anh chàng mun này, nếu anh phải tính toán số con anh đẻ
ra thì khá lúng túng đấy. Đây quả là một gã đẻ con ra dễ dàng và bỏ rơi chúng
không hối hận, và chẳng bận tâm chút nào.
Viện sĩ hàn lâm nói xen vào:
- Chúng ta cũng làm như thế đấy, ông bạn ạ.
Nghị sĩ lại nói:
- Vâng, tôi không chối cãi điều đó, đôi khi chúng ta cũng bỏ
rơi con cái đẻ ra, nhưng ít ra chúng ta cũng biết rõ điều đó, và chính vì vậy
mà chúng ta hơn muôn vật.
Nhưng viện sĩ hàn lâm lắc đầu:
- Không, tôi không muốn nói thế; này, bác nghĩ xem, không có
một người đàn ông nào mà không có những đứa con hoang, cũng gọi là những đứa
con không bố, mà họ đẻ ra, như cây kia, hầu như vô ý thức.
Nếu phải làm con tính về số đàn bà đã cùng chúng ta chung
chạ, thì phải chăng chúng ta cũng sẽ lúng túng như cây mun mà bác chất vấn kia,
nếu nó phải tính số con cháu của nó. Từ mười tám cho đến bốn mươi tuổi, kể cả
những cuộc gặp gỡ chốc lát, những cuộc đụng chạm một tiếng đồng hồ, có thể công
nhận rằng chúng ta đã ân ái với hàng hai ba trăm người đàn bà.
Thế thì, ông bạn ơi, trong số đó, ông có chắc rằng ông đã
không làm cho có mang ít ra là một người, và ông đã không ném ra trên vỉa hè,
hay trong nhà tù, một thằng con vô lại nó ăn trộm và giết hại những người lương
thiện, tức là chúng ta; hoặc giả lại là một đứa con gái sống trong một xó bất
thiện nào, hay có thể, may mắn mà mẹ nó bỏ rơi thì nó đi làm con đỏ cho một gia
đình nào đó.
Bác lại nên nhớ rằng hầu hết những người đàn bà mà chúng ta
gọi là gái điếm đều có một hay hai đứa con mà không biết bố nó là ai, những đứa
con lượm được ngẫu nhiên trong những cuộc ái ân đáng mười hay hai mươi quan.
Trong nghề nào thì người ta cũng tính lỗ lãi cả. Những đứa con ấy là những “món
lỗ” trong nghề của họ. Còn những kẻ gieo giống kia là ai? - Là bác, - là tôi, -
tất cả chúng ta, những người gọi là tử tế đấy! Đó là kết quả của những bữa tiệc
chén chú chén anh, của những đêm hoan lạc, của những giờ phút mà xác thịt chúng
ta phè phỡn đẩy chúng ta đến những cuộc giao hoan tình cờ.
Những quân ăn trộm, quân du đãng, tất cả những kẻ cùng khốn,
rút cục đều là con chúng ta. Mà như thế còn may cho chúng ta hơn là chúng ta
lại làm con cái bọn chúng, bởi vì bọn khốn kiếp ấy cũng sinh con đẻ cái đấy!
Đây này, riêng tôi, trong lương tâm tôi còn ghi một câu
chuyện xấu xa mà tôi xin kể bác nghe. Đối với tôi đây là một điều ân hận suốt
đời, hơn thế nữa, đây là một mối hồ nghi dai dẳng, một điều ngờ vực khôn nguôi,
đôi khi nó day dứt tôi thảm hại.
Năm tôi hai mươi nhăm tuổi, tôi với một người bạn, nay làm
ủy viên Tham chính viện, cùng đi bộ đến thăm vùng Bretagne .
Sau mười lăm, hai mươi ngày đi cật lực, sau khi thăm vùng bờ
biển phía Bắc và một phần vùng Finistere, chúng tôi tới Douarnenez, từ đó đi
một chặng xuyên qua Les Trepaases thì đến mũi Raz hoang vu và chúng tôi ngủ lại
một làng nào đó tên có vần “of” ở cuối; nhưng, sáng ra bạn tôi bị một cơn mệt
đến liệt giường. Tôi nói giường đây là vì thói quen, chứ thực ra chỗ ngủ của
chúng tôi chỉ vẻn vẹn là hai ổ rơm.
Không thể ốm ở nơi này được. Tôi dựng bạn tôi dậy đi, và
chúng tôi cố tới được Andierne vào khoảng bốn năm giờ chiều.
Hôm sau anh bạn đã đỡ một chút; chúng tôi lại đi; nhưng giữa
đường anh ta lại khó ở không chịu được nữa, và gắng gượng lắm chúng tôi mới tới
được Pont Labbe.
Ở đây ít ra cũng có một quán trọ của chúng tôi. Anh bạn tôi
nằm liệt giường, và thầy thuốc, mời tận Quimper
đến, khám thấy anh bị sốt nặng, nhưng không tìm ra căn bệnh gì.
Bác có biết Pont Labbe không? - Không - Thì đây, nó là cái
thành phố có tính chất Breton nhất của cả xứ Bretagne rất Breton, đi từ mũi Raz
đến Morbihan, các địa phương chứa chất tinh hoa của những phong tục, tập quán,
truyền kỳ Breton ấy. Đến ngày nay cũng còn như vậy, góc đất nước ấy hầu như
không thay đổi gì. Tôi nói: ngày nay còn thế là vì hiện giờ, ngao ngán thay!
Năm nào tôi cũng trở lại đó.
Một tòa lâu đài cổ với những tháp canh dầm chân trong một hồ
nước lớn, buồn buồn, từng đàn chim rừng bay qua. Một dòng sông con ăn vào đó,
mà thuyền bè có thể ngược dòng lên đến thành phố. Và trong những phố xá chật
chội, với những nhà cũ kỹ, những người đàn ông đội thứ mũ tó, mặc áo nịt thêu
và một bộ bốn áo cánh trùm lên nhau; chiếc thứ nhất to bằng bàn tay, vừa đủ che
xương bả vai, và chiếc cuối cùng thì vừa chấm đũng quần.
Cô hầu ở quán trọ của chúng tôi tuổi không quá mười tám, đôi
mắt đến là xanh; một màu xanh lơ nhạt chấm giữa là hai điểm đen nhỏ của con
ngươi; và hai hàm răng ngắn mà mau, luôn luôn hé ra để cười dường như có thể
nghiền được cả đá nữa.
Cô ta không biết lấy một tiếng Pháp chỉ toàn nói tiếng Breton,
như phần đông những người đồng hương.
Bấy giờ anh bạn tôi vẫn chưa đỡ, và mặc dầu chưa dò thấy
triệu chứng bệnh tật gì, thầy thuốc cũng cấm không cho đi vội, bắt phải nghỉ
ngơi hoàn toàn. Thế là tôi suốt ngày ở bên cạnh anh, và cô hầu ít tuổi luôn luôn
vào buồng, hoặc mang thức ăn cho tôi, hoặc mang thuốc uống.
Tôi chòng ghẹo cô, hình như cô lấy làm thích, nhưng chúng
tôi chẳng trò chuyện gì với nhau, tất nhiên, vì ngôn ngữ bất đồng.
Thế rồi một đêm thức quá khuya bên cạnh người ốm, khi trở về
buồng tôi bắt gặp cô gái nhỏ đang đi về buồng cô. Vừa đúng ở trước cửa buồng
tôi để ngỏ, thế là đột nhiên, chẳng nghĩ gì đến việc mình làm, để đùa nghịch
chứ không có ý gì khác, tôi ôm chầm lấy cô, và khi cô chưa kịp hoàn hồn thì tôi
đã ấn cô nhốt vào buồng. Cô nhìn tôi, ngơ ngác, cuống cuồng, kinh hãi, không
dám kêu lên vì sợ tai tiếng, trước hết là sợ chủ thế nào cũng đuổi đi, và có lẽ
rồi đến bố cũng đuổi nốt.
Tôi vừa làm như vậy vừa cười; nhưng khi cô ta đã ở trong
buồng thì lòng thèm muốn chiếm đoạt người con gái nổi dậy trong người tôi. Rồi
là một cuộc vật lộn kéo dài và lặng lẽ, một cuộc đánh vật, như kiểu các đô vật,
tay vươn ra, co lại, xoắn lấy nhau, hơi thở hồng hộc, mình đẫm mồ hôi. Chà! Cô
ta cầm cự thật là dũng cảm; và thỉnh thoảng va phải một đồ đạc, một chiếc ghế,
hay va vào bức vách, thế là, cứ ôm chặt lấy nhau, chúng tôi ngừng lại một lát
không cựa quậy, sợ gây tiếng động làm người ta thức dậy, sau đó lại tiếp tục
giao chiến kịch liệt, tôi thì tấn công, cô nàng thì chống cự.
Cuối cùng mệt nhoài, cô ta ngã lăn ra; và tôi chiếm lấy cô
một cách tàn bạo, ngay dưới đất, trên sàn lát.
Vừa trở dậy, cô thoắt chạy ra cửa, mở then và trốn mất.
Những ngày hôm sau họa hoằn lắm tôi mới gặp cô ta. Cô không
để cho tôi đến gần. Rồi, đến khi bạn tôi khỏi bệnh và chúng tôi phải tiếp tục
ra đi, thì đêm trước ngày tôi khởi hành, quãng nửa đêm, tôi thấy cô đi chân
không, mặc áo lót mình, bước vào buồng tôi vừa lúc tôi trở về buồng.
Cô ta nhảy xổ vào tay tôi, ghì chặt lấy tôi một cách đắm
đuối, rồi cho đến tận sáng cô vuốt ve, ôm ấp tôi, vừa khóc lóc nức nở, vừa tìm
mọi cách để tỏ với tôi mối tình âu yếm và tuyệt vọng, vì cô ta không nói cùng
một thứ tiếng với tôi.
Tám ngày sau, tôi đã quên hẳn câu chuyện thường tình ấy, nó
vẫn hay xảy ra trong những chuyến du lịch, những cô hầu gái ở các quán trọ nói
chung là để cho khách đi đường tiêu khiển như vậy.
Và ba mươi năm liền, tôi không hề nghĩ tới chuyện đó và cũng
không trở lại Pont Labbe lần nào.
Thế rồi, năm 1876, tình cờ tôi quay lại chốn cũ trong một
cuộc đi thăm Bretagne
để lấy tài liệu cho một cuốn sách và để thâm nhập cảnh vật miền này.
Tôi dường như không thấy gì thay đổi. Tòa lâu đài vẫn dầm
chân tường màu xám trong nước hồ, ở phía đi vào thành phố nhỏ; và ngôi quán trọ
vẫn y nguyên, tuy có sửa sang, sắp đặt lại cho có vẻ tân thời hơn. Khi tôi bước
vào thì hai cô gái Breton chừng mười tám tuổi ra tiếp, các cô trông xinh tươi,
ngực bó chặt trong chiếc áo nịt da chật, đầu đội mũ ngân tuyến với những mảnh
vải thêu lớn úp trên tai.
Lúc đó vào quãng sáu giờ chiều. Tôi ngồi vào bàn để ăn và
trông thấy người chủ quán hối hả tự mình ra phục vụ, thì, âu cũng là điều định
mệnh, tôi buột miệng hỏi: “Ông có biết những chủ cũ của ngôi nhà này không?
Cách đây ba mươi năm tôi đã có lần ở trọ đây mươi ngày. Câu chuyện đã lâu lắm
rồi”.
Anh ta trả lời: “Thưa ngài, đó là bố mẹ tôi”.
Thế là tôi kể lại nhân dịp nào tôi đã dừng chân ở đây, vì
người bạn ốm tôi phải ở lại đây ra sao. Anh ta không để tôi nói hết.
- Ồ, tôi nhớ rõ lắm. Hồi ấy tôi mới mười lăm, mười sáu tuổi.
Ngài ngủ ở phòng đằng cuối kia, còn bạn ngài nằm ở phòng liền đường phố, bây
giờ tôi dùng làm buồng riêng.
Đến lúc đó tôi mới chợt nhớ lại rõ nét cô hầu năm xưa. Tôi
hỏi: “Ông có nhớ một cô hầu bé nhỏ, xinh xắn mà cụ nhà ta nuôi, và, nếu tôi
không nhớ lầm, thì cô ta có đôi mắt đẹp và hàm răng tươi tắn?”.
Anh ta đáp: “Thưa ngài, có; chị ấy đã chết ít lâu sau khi ở
cữ”.
Và giơ tay ra phía ngoài sân, chỉ vào một gã gầy còm và thọt
chân đang đánh phân, anh ta nói thêm: “Con trai chị ấy kia kìa”.
Tôi liền cười: “Hắn chẳng đẹp và chẳng giống mẹ tí nào. Chắc
hắn giống bố đấy nhỉ”.
Người chủ quán nói: “Có lẽ thế; nhưng chẳng ai biết bố hắn
là ai cả. Chị ta chết đi không trối trăn điều gì mà ở đây cũng chẳng ai thấy có
anh nào tán tỉnh chị ấy cả. Khi nghe nói chị ta có mang thì mọi người đều lấy
làm lạ. Không ai tin là thật”.
Tôi thấy rợn mình khó chịu; một cái gì nhoi nhói tâm can như
sắp xảy ra cơn phiền muộn não nề. Và tôi nhìn gã đàn ông ngoài sân. Bấy giờ hắn
vừa múc nước cho ngựa xong, tay xách hai thùng nước, vừa đi khập khiễng, chân
thọt bước đi đau đớn. hắn mặc rách rưới, bẩn thỉu đến ghê tởm, với bộ tóc dài
màu vàng, rối chằng chịt đến nỗi xòa xuống hai bên má như những sợi thừng.
Người chủ quán nói thêm: “Hắn chẳng được tích sự gì cả, giữ
hắn ở trong nhà làm phúc đấy thôi. Có nhẽ nếu được dạy dỗ như mọi người thì hắn
cũng không đến nỗi nào như thế. Nhưng, ngài tính, không bố, không mẹ, không
tiền! Bố mẹ tôi cũng thương nó lúc nó còn bé đấy, nhưng, ngài còn lạ gì, dù sao
cũng không phải là con đẻ dứt ruột ra”.
Tôi không nói gì cả.
Và tôi lại ngủ ở gian buồng năm xưa; suốt đêm tôi vừa nghĩ
đến tên bồi ngựa thảm hại kia vừa luôn tự hỏi: “Nó là con mình thật sao? Té ra
mình đã giết cô con gái kia và đẻ ra con người đó thật chăng?” Có thể lắm chứ!
Tôi quyết định hỏi chuyện hắn để biết rõ ngày sinh tháng đẻ
của hắn. Chỉ chênh lệch hai tháng là đủ làm cho tôi hết nghi ngờ.
Hôm sau tôi cho gọi hắn đến, nhưng hắn cũng không nói tiếng
Pháp nốt. Mà theo lời một cô hầu hỏi hộ tôi, hắn có vẻ cũng chẳng hiểu gì cả,
tuyệt nhiên không biết mình bao nhiêu tuổi. Và hắn đứng trước mặt tôi với vẻ
ngu ngốc, vo tròn cái mũ trong những bàn tay thô lỗ và bẩn thỉu, cười một cách
đần độn, có cái gì như trong nụ cười của mẹ nó ngày xưa, ở kẽ môi và ở khóe
mắt.
Nhưng người chủ quán chợt đến, và đi tìm giấy khai sinh của
gã khốn nạn. Hắn ra đời tám tháng và hai mươi sáu ngày sau khi tôi rời Pont
Labbe đi, vì tôi nhớ rõ là tôi đến Lorient
ngày 15 tháng Tám. Tờ khai sinh có ghi rõ: “Bố vô danh”. Mẹ tên là Jeanne
Kerradec.
Thế là tim tôi đập rộn lên. Tôi không nói nữa vì nghẹn ngào
quá; và tôi nhìn con ngợm kia với những mảng tóc vàng giống như một mớ phân,
tởm hơn cả phân súc vật; gã khốn nạn đó thấy tôi nhìn thì đâm ngượng, thôi
không cười nữa, ngoắt đầu, tìm cách lảng đi.
Suốt ngày tôi vừa lang thang dọc theo bờ song con vừa suy
nghĩ đau đớn. Nhưng suy nghĩ mà làm gì? Không có cái gì làm cho tôi quyết định
được. Hàng giờ, hàng giờ tôi cân nhắc tất cả mọi lý lẽ, đúng hay sai, phải hay
trái, xem tôi có phải là bố tên ấy không, tôi phát điên lên với những giả định
rối như bòng bong để rồi vẫn trở lại mối ngờ vực ghê gớm, dĩ chí đi tới sự yên
trí cay đắng hơn, đích thằng đó là con tôi.
Buổi tối tôi không ăn được và lui về buồng. Trằn trọc lâu
lắm không ngủ được, rồi khi chợp mắt thì toàn những mê sảng kinh người. Tôi mơ
thấy thằng mất dạy kia cười vào tận mũi tôi, gọi tôi “Ba ơi”; rồi nó biến thành
con chó đến cắn vào bắp chân tôi, và nó đuổi tôi không chạy đâu thoát, và nó
không sủa mà lại nói, chửi rủa tôi; rồi nó ra trình trước các đồng nghiệp tôi ở
Hàn lâm viện, họ họp để quyết định xem tôi có phải là bố nó không; và một đồng
viện kêu lên: “Thôi đích xác rồi! Các vị nhìn xem nó giống ông ta như đúc”. Và
quả thật tôi nhận thấy thằng quái kia giống tôi thật. Và tôi tỉnh dậy với ý
niệm đó ăn sâu trong óc, với ý muốn điên cuồng nhìn lại gã kia để xem thử chúng
tôi có những nét giống nhau thật hay không.
Tôi đuổi theo kịp hắn, trong khi hắn đang đi lễ nhà thờ (hôm
đó là ngày chủ nhật) và tôi vừa đưa cho hắn một đồng bạc vừa nhìn chòng chọc
vào mặt hắn một cách lo lắng. Hắn lại cười một cách gớm ghiếc, cầm lấy tiền,
rồi cũng lại đâm ngượng vì tôi nhìn, hắn bỏ chạy sau khi ấp úng một tiếng nghe
không rõ, chắc có nghĩa là “cảm ơn”.
Cả ngày hôm đó tôi vẫn phiền muộn không kém gì đêm hôm
trước. Tối đến, tôi cho gọi người chủ quán tới, và bằng đủ mọi cách đón trước
rào sau, tôi nói với anh ta rằng tôi để ý đến gã đáng thương kia, hắn bị bỏ rơi
và thiếu thốn đủ mọi thứ, và tôi muốn làm cách nào để giúp đỡ hắn.
Nhưng người chủ quán đáp lại: “Ô! Thưa ngài, xin ngài chớ
nghĩ đến điều đó, thằng ấy nó chẳng ra gì đâu, ngài sẽ chỉ thêm bực mình vì hắn
thôi. Tôi dùng hắn để quét chuồng ngựa, hắn chỉ làm được đến thế là cùng. Không
nên cho hắn gì hơn. Nếu ngài có chiếc quần áo cũ gì thì cho hắn, nhưng chỉ dăm
bữa là rách tan thôi”.
Tôi không nói gặng thêm điều gì, có ý sẽ định liệu.
Tối hôm đó thằng khốn nạn kia về nhà say bí tỉ, suýt nữa nó
đốt cháy nhà, nó lấy cuốc bổ một con ngựa chí chết, rồi cuối cùng nằm lăn ra
ngủ trên một đống bùn, phơi mưa, tất cả chỉ vì món tiền tôi cho hắn.
Hôm sau người ta đề nghị tôi từ rày đừng cho hắn tiền nữa.
Rượu mạnh làm hắn nổi cuồng, và hễ có vài xu trong túi là hắn đi uống rượu.
Người chủ quán nói thêm: “Cho hắn tiền là muốn giết hắn”. Gã ấy chưa bao giờ có
tiền cả, trừ một vài đồng chinh mà khách đi đường ném cho hắn, và hắn không
biết dùng mấy đồng tiền đó làm gì khác hơn là vào quán rượu.
Thế là tôi ngồi hàng giờ trong buồng, với một quyển sách để
mở trước mặt tưởng như để đọc, nhưng thực tình là chỉ để ngắm nhìn thằng ngợm
kia, nó là con tôi! Con tôi! Vừa cố tìm xem nó có chỗ nào giống tôi không. Cứ
để ý tìm mãi thì rồi tôi cũng như nhận ra những nét hao hao giống ở trán, ở
cuống mũi, và chẳng mấy lúc tôi tin chắc rằng có chỗ giống nhau mà người ta
không nhận ra chỉ vì cách ăn mặc khác nhau và vì cái bờm tóc ghê tởm của gã
kia.
Nhưng nếu tôi ở lại mãi đây thì người ta đâm nghi ngờ, cho
nên tôi ra đi, lòng tan nát, sau khi để lại cho người chủ quán ít tiền để nhờ
anh ta làm cho tên đày tớ kia đỡ khổ.
Cứ thế, từ sáu năm trời nay, tôi sống với nỗi tâm tư đó,
tình trạng ngờ vực ghê gớm đó, mối hồ nghi tai ác đó. Và cứ hàng năm, một sức
mạnh không cưỡng nổi kéo tôi trở lại Pont Labbe. Mỗi năm tôi tự đày đọa mình
phải chịu cái hình phạt là nhìn con ngợm kia ngập ngụa trong chuồng phân của
hắn, là tưởng tượng rằng hắn giống tôi, là tìm hết cách cứu giúp hắn mà đều vô
hiệu quả. Và mỗi năm tôi trở lại đây, lòng càng thêm do dự, càng thêm ray rứt,
càng thêm phiền não.
Tôi đã thử cho hắn học hành. Hắn ngu đần đến vô hy vọng.
Tôi đã thử làm cho cuộc đời hắn đỡ vất vả. Hắn nghiện rượu
không phương cứu chữa, và tiêu nhẵn tiền người ta cho hắn, để uống rượu, và hắn
lại biết cả cách bán quần áo mới đi để mua rượu.
Tôi đã gợi lòng thương của ông chủ hắn, luôn luôn đưa tiền
cho họ để họ trông nom hắn. Người chủ quán, rút cục lấy làm lạ, đã trả lời tôi
một cách rất có lý: “Thưa ngài, ngài làm như thế chỉ tổ làm hại hắn. Cần phải
giữ hắn như một thằng tù. Hễ được rảnh rang hay được no ấm là hắn sinh ra làm
bậy. Nếu ngài muốn làm phúc thì thiết nghĩ không thiếu gì trẻ con vô thừa nhận,
nhưng ngài nên chọn lấy một đứa nào xứng đáng với công phu của ngài”.
Biết trả lời sao?
Và nếu tôi để nảy ra một sự nghi ngờ về những nỗi băn khoăn
đang giày vò tôi, thì gã ngu xuẩn kia chắc chắn sẽ đâm ra láu cá mà lợi dụng
tôi, làm liên lụy đến tôi, làm hại tôi. Hắn sẽ gọi tôi, tướng lên: “Ba ơi”, như
trong giấc mộng bữa nào.
Và tôi thầm nghĩ rằng tôi đã giết người mẹ và làm hại gã bất
thành nhân kia, nó như con giòi chuồng ngựa, nở ra và lớn lên trong đống phân,
người đó nếu được nuôi dạy như mọi người thì cũng sẽ như ai.
Và bác không thể hình dung được cảm giác kỳ quái, hỗn độn và
ê chề ở tôi khi đứng trước hắn mà lòng nghĩ rằng kẻ đó từ trong tôi mà ra, rằng
sợi dây cốt nhục cha con gắn bó hắn với tôi, rằng những quy luật di truyền ghê
gớm đã khiến về đủ mọi mặt, về máu mủ, về xương thịt, hắn với tôi là một, và
hắn mang trong mình cả những mầm mống bệnh tật cho chí những men dục vọng như
tôi.
Và luôn luôn, một nhu cầu xót xa, không bao giờ nguôi thôi
thúc tôi phải nhìn thấy hắn đánh phân và chuyển phân vừa luôn luôn nhắc thầm:
“Con tôi đấy”.
Và đôi khi, tôi cảm thấy hết sức thèm muốn ôm lấy hắn. Tôi
thật ra chưa bao giờ đụng đến cả bàn tay ghê tởm của hắn.
Ông viện sĩ hàn lâm ngừng lời. Và bạn của ông ta, nhà chính
trị, lẩm bẩm:
- Ừ, thật đấy, chúng ta phải chăm sóc hơn chút nữa đến lũ
trẻ không bố.
Và một làn gió thổi qua rung động những chùm hoa vàng của
cây mun, tung ra một đám bụi hương thơm mịn, bao bọc lấy hai ông già, họ hít
thở hàng thôi dài.
Và viên thượng nghị sĩ nói thêm:
- Thật là thú vị cái tuổi hai mươi nhăm, cho đến cả lối đẻ
con ra như vậy.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét