Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Con Bim trắng tai đen - G.Trôieppônxki (p2)

Con Bim trắng tai đen

Tác giả: Gavriil Troyepolsky
Dịch giả: Tuân Nguyễn - Trần Thư
Nhà xuất bản Văn Học - 2012

Chương 5

Cuộc vây bắt ở Dốc Sói

Vào một ngày thu có một người đến tìm Ivan Ivanưts, một người ngửi sặc mùi súng ống và mùi chó. Mặc dù ông ta không mang lệ bộ đi săn và ăn mặc bình thường như mọi người bình thường khác. Bim vẫn phát hiện ra được ở ông ta cả cái mùi tinh tế của rừng, lẫn dấu vết của súng trong lòng bàn tay và cái hương thơm ngát của lá thu toát ra từ đôi giày có cổ. Tất nhiên Bim đã nói lên tất cả những điều đó khi nó xoắn vào đánh hơi ông khách, và vừa đánh hơi vừa đưa mắt nhìn chủ mà vẫy đuôi lia lịa. Đây là lần đầu tiên nó gặp ông ta, ấy thế mà lập tức nó nhận ra ngay một người đồng chí, không chút hoài nghi, không chút do dự.
Khách hiểu ngôn ngữ chó, nên dịu dàng nói:
- Nó biết, nó biết đấy. Giỏi, tốt lắm, tốt. - Ông vỗ vỗ đầu nó, và nói bằng một giọng tự tin và rành rọt: - Ngồi xuống!
Bim thi hành lệnh, ngồi xuống, hai cẳng cứ nghí ngoáy, ra chừng nóng ruột. Và tai vểnh lên nghe, và mắt nhìn không chớp.
Khách và chủ bắt tay nhau, bốn mắt nhìn nhau đầy thiện chí.
Bim khẽ rên lên, ý nói: “Tuyệt!”
- Con chó khôn đấy, - ông khách đưa mắt nhìn Bim, nói.
- Bim là con chó tốt rồi, tốt hơn nữa thì tôi chẳng cần! - Ivan Ivanưts khẳng định
Họ chuyện trò vài câu tay ba như thế, rồi ông khách săn rút ở trong túi ra một tờ giấy, trải rộng, chỉ trỏ và nói:
- Chỗ này, chỗ này đây..., trong khu rậm nhất của Dốc Sói. Tôi hú một tiếng. Năm con đáp lại: ba con non, hai con già. Tôi trông thấy một. So-o-ói ra sói!
Bim hiểu ngay tiếng chủ thường nói khi đi lùng sục: “đây, đây, đây”. Và nó cảnh giác. Nhưng khi cái tiếng “So-o-ói” được thốt ra, thì nó mở trừng mắt: đó chính là cái mùi ghê gớm của con chó rừng, cái mùi đã có lần làm cho Bim sợ hãi, cái mùi làm cho chủ nó hôm ấy đã hoảng hốt nhắc đi nhắc lại khi chỉ vào cái dấu lốt chân: “Sói! Sói đấy, Bim ạ”. Thế mà bây giờ cái ông đi săn này nữa cũng lại nói: “So-o-ói ra sói!”.
Ông khách ra về, chào cả Bim nữa.
Ivan Ivanưts bắt tay vào nhồi đạn, nhét những hạt chì lớn bằng hạt đậu vào và rắc bột khoai tây lên.
Đêm hôm ấy Bim ngủ không yên.
Và còn lâu mới sáng, hai thầy trò đã bước ra phố, súng ống chỉnh tề, đến đứng ở đầu đường. Lát sau một chiếc ô tô to đi tới, chở đầy người đi săn. Họ ngồi trên các ghế dài trong thùng xe có che mui, ngồi im lặng và trịnh trọng. Ivan Ivanưts đẩy Bim lên trước rồi đến lượt mình chui vào khoang. Người đi săn hôm qua nói với Ivan Ivanưts.
- Ê, không được! Sao lại đem con Bim đi theo thế?
- Vây sói ai lại đem chó theo. Cho xuống đi! - Một ông nào đó nói bằng một giọng nghiêm khắc. - Nó sủa lên một cái là đi đứt cuộc vây bắt.
- Con Bim không sủa đâu, - Ivan lvanưts nói, như phân bua. - Nó có phải chó rượt đuối đâu mà.
Vài người nữa đồng thanh phản đối ông, nhưng rồi cũng xong khi ông khách hôm qua phát biểu:
- Thôi được. Con Bim tôi sẽ đặt vào lực lượng dự bị. Có chỗ đây, anh Ivan lvanưts ạ: lần trước con sói đã vượt qua dãy cờ, ở quãng đường mòn. [1]
Bim đoán biết là người ta không muốn đem nó đi theo. Nó cũng tìm cách thuyết phục những người ngồi cạnh, nhưng trời còn tối quá nên chăng ai hiểu điều đó. Và dẫu sao thì xe cũng đã lăn bánh chạy.
Mặt trời đã lên khi họ đừng lại ở trạm canh của người gác rừng quen biết. Mọi người lẳng lặng xuống xe, chẳng ai nói nửa lời, cũng như Bim ta vậy. Rồi họ nối đuôi nhau bước đi hồi lâu dọc theo bìa rừng. Không một ai hút, không ai ho, thậm chí cũng không va gót giày vào nhau nữa, đi theo kiểu chó. Ở đây mọi người đều hiểu rõ ai sẽ đi đâu và làm gì. Chỉ một mình Bim là không rõ, nhưng nó cũng cứ bám sát gót chủ như hình với bóng. Chủ vừa bước đi vừa sờ tai Bim: tốt, ờ, tốt đấy, Bim.
Dẫn đầu mọi người. trong vai chỉ huy trưởng, là ông khách săn hôm qua. Kìa ông ta giơ tay lên: mọi người dừng lại. Ba người tiền đạo tiến vào rừng, càng rón rén hơn trước, theo kiểu mèo, và lát sau quay trở lại. Đến lúc này, Ông Trưởng giơ cao mũ lưỡi trai vẫy vẫy về phía trước. Theo hiệu lệnh ấy nửa toán đi săn cất bước theo ông, trong số đó, và đi sau mọi người, có Ivan Ivanưts và Bim. Thành thử Bim là kẻ đi sau rốt; không ai có thể bước đi lặng lẽ hơn nó, nhưng mặc dù thế, Ivan Ivanưts vẫn cầm cương nó. Theo hiệu lệnh thầm của Ông Trưởng, người đầu tiên, tức là người đi sau ông ta, tiến vào bên một bụi cây và đứng chết lặng ở đấy. Ngay sau đó, người thứ hai cũng đứng chết lặng như thể trong một đám cây sồi, rồi người thứ ba, và cứ như thế từng người từng người một chiếm lĩnh vị trí của mình. Còn lại bên ông trưởng là Ivan Ivanưts và Bim. Họ bước đi càng thận trọng hơn trước. Bây giờ thì Bim trông thấy cạnh con đường nó đi người ta đã giăng một sợi dây, và trên sợi dây đó buông thõng xuống những mảnh vải không động đậy, nom như lửa. Nhưng rồi cuối cùng ông Trưởng cũng bố trí cả hai thầy trò nó nữa, còn ông ta thì quay trở lại.
Bim với cái tai thính của mình vẫn nghe rõ tiếng chân ông bước, mặc dù người ta cứ tưởng rằng chẳng ai nghe thấy tiếng chân mình. Bim bắt được tiếng Ông Trưởng dẫn đám người đi săn còn lại, nhưng nghe xa lắm, xa đến lúc rồi Bim cũng không nghe rõ được tiếng sột soạt nữa.
Rồi lặng tờ. Cái lặng tờ đầy cảnh giác và lo âu của rừng. Bim cảm thấy điều đó qua cái việc chủ nó đứng im như chết, qua cái việc đầu gối ông ta cứ run lên, qua cái việc ông ta mở súng không gây một tiếng động, lắp đạn vào, đóng súng, rồi lại đứng chết lặng trong một trạng thái căng thẳng.
Hai thầy trò đứng nấp trong một bụi cây phi tử bên một cái rãnh mọc đầy những cây mận gai rậm rạp. Và xung quanh là cánh rừng sồi hùng vĩ giờ đây nom lầm lì, nghiêm nghị. Mỗi cây rừng là một chàng dũng sĩ, và giữa các thân cây là lớp bụi rậm dày đặc càng làm tăng thêm uy lực phi thường của rừng cổ thụ.
Toàn thân Bim biến thành tai, thành mắt, thành mũi: nó ngồi bất động, cố bắt lấy các mùi, nhưng lúc này nó tuyệt nhiên không nhận thấy một mùi gì đặc biệt cả, vì không khí cứ im phăng phắc. Và cái đó làm Bim bồn chồn không yên. Khi có dù chỉ là một chút gió thoảng, nó bao giờ cũng biết phía đằng trước nó có cái gì, nó đọc trong luồng gió tựa như đọc dòng chữ vậy; nhưng khi trời lặng gió, nhất lại là trong một cánh rừng như thế này, thêm vào đó lại có ông bạn phúc hậu của nó đứng bên và đang xúc động thì có tài thánh mà giữ được bình tĩnh.
Và bỗng, bắt đầu.
Phát súng hiệu xé toang màn yên lặng thành từng mảng lớn: tiếng vang của nó rền đi lúc nơi này, lúc nơi kia, lúc ở đâu đó xa xa. Và tiếp theo đó, dường như hòa điệu với tiếng rền vang của rừng, tiếng Ông Trưởng cất lên xa lắc:
- Xuất pha-át! Ê-ê-ê-ê-ê-ê!
Ivan Ivanưts ghé vào tai Bim, thì thào gần như không thành tiếng:
- Nằm xuống!
Bim nằm xuống. Và run bắn.
- Ê-ê-ê-ê ê! - Những người dồn đuổi gào lên phía đằng sau.
Màn yên lặng giờ đây đã tan vụn ra thành những giọng tiếng lạ tai, điên loạn, man rợ. Gậy va đập chan chát vào thân cây , con quay quay ken két, như hàng trăm con chim ác là trước cái chết. Vòng vây những người dồn đuổi tiến gần lại, với những tiếng kêu, tiếng ồn ào và tiếng súng bắn chỉ thiên.
Và bỗng... Bim đánh hơi thấy một cái mùi nó đã được làm quen từ hồi còn bé: chó sói! Nó dán mình vào chân chủ, khe khẽ - chỉ hơi khe khẽ thôi! - nhổm lên và duỗi đuôi ra. Ivan lvanưts hiểu hết.
Cả hai đã trông thấy: dọc hàng cờ đuôi nheo, ngoài tầm bắn, một con sói xuất hiện. Nó lao nhanh, đầu cúi xuống, đuôi buông thõng như cái que củi. Rồi liền đó con thú lẩn mất. Ngay sau đó, gần như tức thì, từ phía những người dồn đuổi một tiếng súng vọng lên, tiếp theo một tiếng súng thứ hai.
Rừng rền vang. Cảnh rừng giật mình lo ngại, gần như cáu kính.
Lại một tiếng súng nữa, lần này thì đã gần lắm rồi. Và tiếng hò la thì cứ gần lại mãi, gần lại nữa.
Con sói, một con sói già to tướng, bất ngờ hiện ra.
Nó đi tới theo đường cái rãnh, lẩn khuất dưới bụi mận gai, và khi trông thấy hàng cờ đuôi nheo thì đứng sững lại, như vấp phải một cái gì. Nhưng ở đây, bên trên cái rãnh, cờ được treo cao hơn so với trên khắp đường dây, cao bằng ba đầu con thú. Và tiếng người ồn ào đã đuổi theo sát nút. Con sói, với một vẻ dường như không được quả quyết lắm, thậm chí uể oải, chui qua dưới hàng cờ và tới cách chỗ Ivan Ivanưts và Bim mươi lăm mét. Nó lao vài bước nữa, nhưng lúc đó người và chó đã kịp nhìn thấy nó đã bị thương: máu loang lổ bên sườn nó, mõm sùi bọt đỏ hồng.
Ivan Ivanưts nổ súng.
Con sói nhảy chồm lên bằng cả bốn chân, quay phắt lại, không ngoái cổ, mà quay toàn thân, về phía có tiếng súng nổ và... đứng đó. Cái trán rộng và khỏe, đôi mắt ngầu máu, răng nhe ra, bọt mép đỏ hồng hồng... ấy vậy mà nó vẫn không có vẻ thảm thương. Nó đẹp, con thú hoang tự do ấy. Ồ không, nó đâu có nhát sợ, nó không muốn ngã ngay xuống, con thú kiêu hãnh, nhưng... rồi nó cũng ngã quay lơ, bốn cẳng chậm chạp quờ quạng. Rồi nó nằm yên, lặng lẽ, thanh thản.
Bim không thể chịu nổi tất cả cái cảnh ấy. Nó nhảy cẫng lên và đứng khựng lại. Nhưng kiểu đứng khựng gì mà lạ thế? Lông lưng nó xù lên. Ở quãng gáy gần như dựng đứng, còn đuôi thì quặp vào khe cẳng: một tư thế đứng khựng vừa hằn học vừa hèn nhát, nhẫn tâm đối với kẻ anh em của nó, đối với vị chúa tể kiêu hãnh của loài chó, đã chết rồi và vì thế không nguy hiểm gì nữa, nhưng đáng sợ vì tinh thần của nó và đáng sợ vì máu me của nó. Bim căm thù kẻ anh em của mình. Bim tin cậy con người, sói thì không tin. Bim sợ kẻ anh em, sói thì không sợ Bim, ngay cả khi sói đã bị tử thương.
… Và tiếng hò la đã tiến đến sát nó. Lại một tiếng súng nữa. Và thêm một tiếng nổ kép. Hẳn là một con sói dày kinh nghiệm nào đó đã bám sát vòng vây người, và có thể là đã lọt qua vòng vây ấy vào đúng cái lúc cuối cùng, khi người đã mất cảnh giác, đi túm tụm vào với nhau. Cuối cùng ông Trưởng hiện ra từ trong lớp bụi rậm, bước tới chỗ Ivan Ivanưts và nói, mắt nhìn Bim:
- Chà, mày! Nó đâu phải như con chó: thú vẫn là thú. Có hai con thế mà vẫn cứ lao qua, xổng mất. Một con bị thương.
Ivan Ivanưts vuốt ve Bim, giảng giải cho nó, nhưng nó mặc dù đã xẹp lông lưng xuống, vẫn cứ quay tròn tại chỗ, thở dốc, lưỡi thè lè và né tránh người. Khi cả hai nhà đi săn tiến về chỗ xác con sói, Bim không đi theo họ mà trái lại đã vi phạm mọi nguyên tắc, kéo lê sợi dây cương lảng ra xa khoảng ba chục mét, nằm xuồng, ngả đầu xuống lớp lá vàng và run lập lập như lên cơn sốt rét. Khi quay trở lại chỗ nó, Ivan Ivanưts để ý thấy lòng trắng mắt nó đỏ như máu. Một con thú!
- Chà, Bim ơi, Bim. Trong người mày khó chịu lắm hả? Tất nhiên là khó chịu rồi. Cần phải như thế, con ạ. Cần phải thế.
- Này, anh lvan Ivanưts ạ, - Ông Trưởng nói: - có thể mất toi một con chó Xette vì một con chó sói đấy: nó sẽ sợ rừng. Chó nhà là nô lệ, sói là con thú tự do.
- Sự thể là thế đấy, nhưng con Bim đã bốn tuổi, lớn rồi, rừng không làm nó hãi đâu. Nhưng vào một khu rừng có sói, nó sẽ không rời khỏi ta nữa: gặp dấu vết, nó sẽ báo: “Sói!”.
- Quả đúng như vậy: sói bắt chó săn như bắt gà con. Nhưng con này bây giờ thì khó mà bắt được: đánh thấy hơi là nó sẽ không rời khỏi chân người nữa.
- Anh thấy chưa. Chỉ khi nó chưa tròn một tuổi thì không nên làm cho nó sợ thú. Nhưng đã thế kia thì, biết làm thế nào, phải để cho nó dày dạn chứ.
Ivan Ivanưts dắt Bim đi, còn Ông Trưởng thì ở lại bên con sói, đợi các bạn săn.
Khi mọi người đã về tề tựu trong trạm gác, họ chuyền tay nhau một cái cốc chung uống rượu và chuyện trò ồn ào vui vẻ và sôi nồi. Bim lánh ra nằm một mình dưới chân rào, khoanh tròn người lại, lầm lì, mắt đỏ sọc, chịu thua và lây nhiễm cái tinh thần sói. Ôi, nếu Bim mà có thể biết được rằng số phận sẽ một lần nữa ném nó vào chính cái khu rừng này!
Người gác rừng, chủ của trạm gác này, đi đến chỗ nó, ngồi xổm xuống, vuốt vuốt lưng nó:
- Con chó hay, hay lắm. Chó khôn đấy. Suốt buổi săn đuổi không sủa và cũng không rống lên.
Đến đây ai cũng thích con chó.
Nhưng khi các nhà đi săn lên xe ngồi và Ivan Ivanưts đẩy Bim lên thì nó nhảy tót xuống đất như một con mèo, xù lông lên và kêu ăng ẳng: nó không muốn ngồi cùng chỗ với con sói chết.
- Ô hô! - Ông Trưởng nói: - Con này bây giờ sẽ không sợ lạc mất nữa.
Một người đi săn to béo, lạ mặt, miễn cưỡng bước ra khỏi ca bin và nặng nề leo vào thùng xe, còn Ivan lvanưts và Bim thì lên ca bin ngồi.
Về sau cho dù không còn đi săn dẽ giun luôn như thế nữa, nhưng Bim vẫn hoạt động đặc sắc như xưa. Thế nhưng, chỉ cần nó đánh hơi thấy có dấu vết sói là nó liền bỏ cuộc săn: nó nép sát vào chân chủ, rồi không rời một bước. Như vậy là ý nói đến tiếng “Sói” rất rành mạch. Vả lại thế là tốt. Và sau lần đi vây sói ấy, Bim càng thêm quý mến Ivan Ivanưts và tin vào sức mạnh của chủ. Nó tin vào lòng nhân từ của con người. Hạnh phúc lớn lao là có được lòng tin. Và yêu. Thiếu lòng tin ấy thì chó không còn là chó, chỉ là con sói tự do hay là (còn tồi tệ hơn) con chó lang thang. Con chó nào cũng phải lựa chọn trong hai khả năng đó, nếu nó không còn tin chủ nữa, nó sẽ bỏ chủ ra đi, hoặc bị chủ đuổi đi. Nhưng chẳng may con nào bị lạc mất người bạn yêu quý, nó sẽ đi tìm và chờ đợi. Bấy giờ nó sẽ không thể là con sói tự do, không thể là con chó lang thang thông thường, mà vẫn là con chó thủy chung và đáng tin cậy đối với người chủ bị thất lạc để rồi sống đơn độc cho đến mãn kiếp.
Bạn đọc thân mến, tôi chẳng định kể bất cứ một chuyện nào trong muôn ngàn những chuyện có thật về lòng thủy chung giữ suốt một thời gian dài cho đến lúc kết thúc cuộc đời một con chó. Tôi chỉ kể chuyện con Bim tai đen này thôi.
--------------
Chú thích

[1] Săn chó sói bằng phương pháp vây cờ: người ta lấy dây cờ buộc những lá cờ đỏ nhỏ giăng ra quanh khu rừng có chó sói, rồi dàn hàng ngang, vừa tiến vừa đánh động để dồn chó sói vào góc rừng có người phục kích. Chó sói bị dồn đến đó, chạm phải vòng cờ, thấy lạ không dám vượt qua, cứ quanh quẩn trong vòng vây cờ ấy và bị bắn chết.

Chương 6

Từ biệt bạn

Một lần sau khi đi săn về, Ivan Ivanưts cho Bim ăn rồi lên giường nằm bỏ cơm tối và cũng chẳng buồn tắt đèn. Ngày hôm đó Bim làm việc khá nhiều nên ngủ thiếp đi ngay,không nghe thấy gì cả. Nhưng những ngày tiếp sau, cả Bim cũng nhận thây chủ thường hay đi nằm ngay cả ban ngày, có điều gì buồn bã, đôi lúc lại bất chợt kêu lên đau đớn. Đã hơn một tuần rồi Bim đi chơi tha thẩn một mình, chốc lát - lúc nào cần thiết. lvan Ivanưts mệt nhọc lần tới cửa để thả Bim ra ngoài hoặc mở cho nó vào rồi lại đi nằm. Một hôm ông nằm trên giường rên rỉ nghe rất buồn bã. Bim đến, ngồi xuống bên giường, chăm chú nhìn vào mặt ông, sau đó gối đầu lên cánh tay duỗi dài của chủ. Nó nhận thấy khuôn mặt chủ nhợt nhạt hẳn đi, phía dưới mắt hiện lên những quầng thâm, cằm không cạo râu trông nhọn ra. Ivan Ivanưts quay về phía Bim khẽ nói, giọng yếu ớt:
- Thế nào đây, hả cu con? Chúng ta sẽ làm gì nhỉ? Tao mệt lắm Bim ạ, hỏng rồi. Mảnh đạn... nằm ngay dưới tim. Bim ơi, hỏng mất.
Giọng nói ông nghe lạ hẳn, khiến Bim lo lắng. Nó đi đi lại lại trong phòng băn khoăn, chốc chốc lại cào cửa như muốn gọi: “Dậy đi nào! Đi lại cho khỏe”. Nhưng Ivan Ivanưts lại rất sợ, rất sợ động đậy. Bim đến ngồi cạnh bên ông, khẽ kêu ư ử.
- Thôi được, tao thử đi tí xem sao, Bim nhỉ, - Ivan Ivanưts nói thều thào và thận trọng nhỏm dậy.
Ông ngồi một lát trên giường, sau đó đứng lên, một tay vịn tường còn tay kia đỡ tim, lẳng lặng tiến ra cửa. Bim đi kèm bên ông, mắt nhìn bạn không rời, và không một lần, không một lần nào vẫy đuôi. Dường như nó có ý nói: Được, tốt đấy. Ta cứ đi, từ từ thôi, đi đi.
Đến đầu cầu thang Ivan Ivanưts bấm chuông cửa nhà bên cạnh, sau đó thấy một cô bé xuất hiện, cô Liuxia. Ông nói điều gì với cô. Cô chạy về buồng mình rồi quay trở lại cùng với một bà già: bà Xtêpanôvna. Ivan Ivanưts chỉ mới nói đến tiếng “mảnh đạn”, bà ta đã cuống quýt lên, cầm tay dìu ông quay trở lại phòng.
- Ông cần nằm nghỉ, Ivan Ivanưts ạ. Nằm nghỉ đi. Thế, thế. - Bà kết thúc khi ông đã nằm ngửa lưng xuống giường: - Nằm nghỉ. Chỉ có việc nằm nghỉ thôi. - Bà ta cầm lấy chìa khóa trên bàn vội vã đi ra, gần như chạy, lật đật kiểu ông già bà cả.
Dĩ nhiên Bim nhận ra tiếng “nằm” được nhắc đi nhắc lại ba lần như có dính dáng đến cả nó. Nó nằm xuống ngay cạnh giường, mắt không rời cánh cửa. Tình trạng đau đớn của chủ, thái độ xúc động của bà Xtêpanôvna và cái việc bà cầm lấy chiếc chìa khóa trên bàn - hết thảy những cái đó đã truyền sang Bim. Nó nằm lo lắng chờ đợi.
Không bao lâu sau nó nghe thấy có tiếng chìa khóa tra vào lỗ, ổ khóa kêu lách cách, cánh cửa mở ra, ngoài hành lang có tiếng nói chuyện. Rồi bà Xtêpanôvna bước vào, theo sau có ba người lạ mặc áo choàng trắng, - hai nữ một nam. Từ họ thoảng ra một mùi lạ lạ, không như mọi người, giống như mùi ở cái hộp treo trên tường mà chủ nó chỉ mở ra mỗi khi nói: “Tao mệt lắm, Bim ơi, mệt lắm, hỏng”.
Người đàn ông xăm xăm bước đến gần giường, nhưng... Như một con thú dữ, Bim nhảy chồm đến ông ta, tì hai chân lên ngực ông và sửa hai tiếng cật lực.
“Ra! Ra!”,. - Bim quát.
Ông kia lùi lại, hất Bim ra, còn hai người phụ nữ liền nhảy tót ra ngoài hành lang. Bim lại ngồi xuống cạnh giường, toàn thân run lên bần bật, rõ ràng là nó sẵn sàng thà chết chứ không để cho những người lạ mặt kia đến gần ông bạn nó vào lúc ông đang nguy kịch thế này.
Ông bác sĩ đứng ở cửa nói vào:
- Lại con chó nữa! Làm thế nào bây giờ?
Đến lúc ấy, Ivan Ivanưts ra hiệu gọi Bim đến, khẽ xoay người lại vuốt ve đầu nó. Bim lấy chân đặt lên mình bạn, liếm lên cổ, lên mặt, lên tay ông.
- Mời ông vào nhà, - Ivan Ivanưts nói thều thào, mắt ngước nhìn thầy thuốc.
Ông kia bước tới:
- Đưa tay tôi xem.
Ông này chìa tay ra:
- Chào ông.
- Chào ông, - người thầy thuốc nói.
Bim chạm mõm vào tay bác sĩ, theo ngôn ngữ chó có nghĩa là: “Thôi thì biết làm thế nào! Đã thế đành phải thế. Bạn của ông bạn tôi thì cũng là bạn của tôi”.
Người ta mang cáng đến, đặt Ivan Ivanưts lên đó. Ông nói với lại:
- Bác Xtêpanôvna... Bác trông nom giúp hộ con Bim. Sáng sáng bác thả nó ra. Nó tự về ngay được thôi... Nó sẽ đợi tôi về - Rồi quay sang Bim: - Đợi nhé. Đợi nhé.
Bim biết tiếng “Đợi” rồi: lần ở cửa hàng nó đã nghe: “Ngồi đấy, đợi...”. Lúc đi săn nó đứng cạnh ba lô cũng nghe thấy: “Ngồi đấy, đợi...”. Lúc này Bim rít lên khe khẽ, vẫy vẫy đuôi có nghĩa là: “Thôi được, ông bạn tôi sẽ trở về! Ông đi rồi sẽ quay trở về ngay thôi”.
Những cái đó chỉ một mình Ivan Ivanưts hiểu, những người khác không hiểu nổi - qua ánh mắt của họ nó thấy như vậy. Bim ngồi xuống cạnh cáng và đặt chân lên đó, Ivan Ivanưts cầm lấy chân nó.
- Đợi nhé, cu con. Đợi.
Và điều mà Bim chưa bao giờ thấy ở chủ nó là nước mắt ông trào ra thành giọt.
Nhưng Bim không chết vì đau buồn như con chó của người mù đã dẫn đường cho chủ nhiều năm. Con chó ấy nằm cạnh ngôi mộ chủ, chẳng buồn ăn uống những thứ do những người tốt bụng trong nghĩa trang đem đến cho nó. Rồi vào một buổi sáng ngày thứ năm, lúc mặt trời ló lên thì nó đã chết. Đó là chuyện có thật, không phải điều bịa đặt. Khi đã hiểu hết được tình yêu và lòng thủy chung kỳ lạ của chó, ít ai trong số làng săn lại nói là nó “ngoẻo rồi”, mà bao giờ cũng bảo nó “đã mất”.
Không. Bim không chết. Đúng, nó nghe thấy bảo “đợi”, nó tin tưởng bạn nó sẽ về. Bởi đã bao lần như vậy: ông ấy nói “đợi” thì nhất định sẽ về.
Chờ đợi! Giờ đây là toàn bộ cái đích của đời Bim.
Nhưng đêm nay đối với nó sao cô đơn và nặng nề làm sao, đau khổ làm sao. Có cái gì đó khác thường, không như mọi ngày... Tai họa phả ra từ những chiếc áo choàng trắng. Bim thấy ủ dột trong lòng.
Đến nửa đêm, lúc trăng lên, nó không chịu nổi nữa. Ngay khi có chủ ở nhà, cái ông trăng này vẫn thường làm cho Bim thao thức. Ông trăng có mắt, ông trăng nhìn xuống bằng những con mắt của tử thần, rọi chiếu một thứ ánh sáng lạnh lẽo tang tóc, và Bim lẩn tránh ông trăng, rúc vào góc tối. Còn lúc này - mới nhìn thấy ánh trăng, nó đã rợn cả người lên rồi, mà chủ thì vắng nhà. Rồi giữa đêm khuya thanh vắng nó tru lên, rền rĩ, i ỉ trong họng, nó tru lên như đứng trước một thảm họa. Nó hy vọng sẽ có ai đó nghe thấy, mà cũng có thể chính chủ nó nghe thấy.
Bà Xtêpanôvna đi sang.
- Sao thế, Bim? Làm sao vậy? Vắng Ivan lvanưts hả? Chà, chà... xấu lắm nhé!
Bim chẳng buồn nhìn lên, chẳng vẫy đuôi đáp lại. Nó chỉ nhìn ra phía cửa. Bà Xtêpanôvna bật điện lên rồi bỏ đi. Có ánh đèn cũng thấy dễ chịu hơn. Trăng lùi dần ra xa và nhỏ lại. Bim dọn chỗ nằm xuống ngay dưới bóng đèn, quay lưng về phía trăng. Nhưng rồi chỉ ngay lát sau nó lại ra nằm ngay trước cửa ra vào: Chờ.
Đến sáng bà Xtêpanôvna mang cháo sang, đổ vào bát của Bim, nhưng nó cũng không buồn đứng lên nữa. Giống như con chó dẫn đường nọ: ngay cả khi người ta mang thức ăn đến, nó cũng chẳng buồn nhỏm dậy.
- Mày coi chừng đấy! Sao yếu đuối thế. Không sao hiểu được mày cả. Thôi, đi chơi đi, Bim! Bà mở tung cửa.
- Đi chơi.
Bim ngẩng đầu, chăm chú nhìn bà lão. Tiếng “đi chơi” đối với nó đã quen thuộc rồi, nó có nghĩa là tự do - còn “đi chơi đi” là hoàn toàn tự do. Ồ, Bim hiểu rõ tự do là thế nào: mày có thể làm tất cả những gì chủ cho phép. Nhưng ông chủ làm gì ở đây, thế mà người ta lại bảo: “Đi chơi đi”. Vậy là kiểu tự do nào?
Bà Xtêpanôvna chưa biết cách đối xử với chó, không biết rằng những con chó như Bim hiểu được ý người mà không cần lời nói, và những lời mà nó hiểu thì có nhiều nghĩa, và tùy theo trường hợp mà có những nghĩa rất khác nhau.
Vốn tâm hồn giản dị, bà bảo Bim:
- Mày không thích cháo thì đi mà tìm cái gì mày thích. Hẳn là thích ăn cỏ rồi. Ra cái hố rác xem có khi tìm được thứ gì chăng (Bim chẳng động đến hố rác bao giờ, cái đó do quá chất phác mà bà không hiểu nổi). Đi mà tìm đi!
Bim đứng trở dậy, rũ lông. thế là thế nào? “Tìm đi?”. Tìm cái gì cơ chứ? “Tìm đi” có nghĩa là đi tìm một mẩu pho mát đã giấu kín, tìm con chim săn được, tìm một vật gì bị mất hoặc đem giấu đi. “Tìm đi” - là một mệnh lệnh, còn tìm cái gì, Bim xác định theo tình huống, theo diễn biến của sự việc. Còn bây giờ thì tìm cái gì?
Nó hỏi bà tất cả những điều đó bằng mắt, bằng đuôi, bằng cách dậm dậm hai chân trước thắc mắc. Nhưng bà có hiểu mô tê gì, chỉ nhắc lại:
- Đi chơi đi, đi mà tìm.
Thế là Bim nhảy bổ ra cửa. Như tia chớp nó lao qua các bậc thang tầng hai, chồm ra sân. Đi tìm, đi tìm chủ! Đó là cái cần tìm, ngoài ra không cần gì hết: nó hiểu như vậy đó. Chiếc cáng đặt ở chỗ này đây. Đúng rồi, ở đây. Dấu vết của những người mặc bộ đồ trắng, mùi chỉ còn thoang thoảng, vẫn còn đây. Vết ô tô đây. Bim đi quanh một vòng rồi bước hẳn vào giữa hai vết lốp xe (ngay cả con chó bất tài nhất cũng làm như vậy), thế rồi vẫn lại cái dấu vết cũ ấy. Nó lần theo vết này đi ra ngoài phố, đến gần đầu phố thì bỗng mất hút: ở đây trên mặt đường chỗ nào cũng có mùi lốp xe. Vết chân người thì rất nhiều và khác nhau, còn vết xe ô tô thì hòa chung làm một, cái nào cũng như cái nào. Nhưng vết xe kia, vết xe mà nó cần đã đi từ sân ra phía đằng kia, qua góc phố, vậy có nghĩa là phải đi tìm về phía ấy.
Bim chạy dọc theo một phố, dọc theo phố thứ hai, quay về nhà chạy quanh nơi mà Ivan Ivanưts vẫn dạo chơi - không có tí vết tích gì cả, không đâu có. Thế rồi một lần nó nhìn thấy từ xa thấp thoáng một chiếc mũi cát két kẻ ô sọc, liền chạy đuổi tới người này: không phải ông chủ. Xem xét chăm chú hơn nữa, nó thấy: hóa ra là có nhiều, rất nhiều người đội mũ cát két kẻ sọc. Do đó, bây giờ nó mới biết mùa thu này người ta chỉ bán có loại mũ cát két kẻ sọc, vì vậy mà mọi người đều thích loại ấy. Trước đây không hiểu sao nó không nhận ra điều đó, bởi vì giống chó thường chỉ chú ý chủ yếu đến phần dưới của bộ quần áo người mặc (và vẫn ghi nhớ phần ấy). Đặc điểm này đã có từ khi còn là sói, do thiên nhiên, và kết quả của nhiều thế kỷ. Chẳng hạn đối với giống chồn, nếu người đi săn đứng trong bụi rậm, chỉ che kín từ thắt lưng trở xuống, thì chồn cũng sẽ không nhận ra nếu người đứng không nhúc nhích và nếu gió không đưa hơi họ đến mũi nó. Thế là bất ngờ Bim tìm thấy trong đó một ý nghĩa xa xưa nào đó: chả có gì đáng tìm ở phần trên cả, bởi vì đầu người có thể giống nhau về màu sắc, cái này na ná cái kia.
Hôm ấy trời trong sáng. Trên một vài đường phố lá vàng phủ mặt hè thành từng mảng loang lổ, ở đôi chỗ lá phủ dày đặc hơn. Dù vậy nếu có lẫn vào đó chút ít vết tích của ông chủ, Bim cũng có thể đánh hơi thấy ngay. Nhưng chẳng thấy gì ở bất cứ đâu.
Đến giữa trưa Bim hoàn toàn thất vọng. Rồi bỗng ở một sân nọ, nó lại đụng phải dấu vết của chiếc cáng: đúng chiếc cáng đã đặt ở đây. Rồi sau đó từ phía bên luồng không khí có mùi thuốc men buổi nọ tạt sang. Bim đi về hướng đó, dò dẫm như đi trên con đường bị nứt nẻ. Ngưỡng cửa có mùi những người mặc áo choàng trắng. Bim cào vào cửa. Cô gái ra mở cửa cho nó cũng mặc áo choàng trắng. Cô hốt hoảng lùi lại. Nhưng Bim vận dụng mọi khả năng của mình, chào cô và hỏi: “ở đây có Ivan Ivanưts không ạ?”
- Đi ra, đi ra! - Cô gái kêu lên và đóng sập cửa lại. Lúc sau lại hé mở ra và réo gọi ai đó: - Pêtrôp, đuổi con chó này đi, không sếp xát xà phòng vào gáy tôi bây giờ, rồi lại quát cho một câu: “Chuồng chó chứ không phải trạm cấp cứu nữa!”. Đuổi nó đi.
Một người mặc áo choàng đen từ nhà xe đi ra, giậm chân dọa Bim và quát với giọng chẳng giận dữ gì cả, như vì trách nhiệm mà thôi, thậm chí còn uể oải là khác:
- Ôn vật, tao đập cho bây giờ! Đi đi! Đi!
Những tiếng “sếp”, “chuồng chó”, “đuổi đi”, “xát xà phòng vào gáy”, “quát”, và lại còn “trạm cấp cứu” nữa chứ, thì Bim chẳng hiểu, thậm chí chưa hề nghe thấy bao giờ. Thế nhưng, tiếng “đi ra”, “đi” tùy theo ngữ điệu và thái độ người nói thì nó hiểu ngay. Nhưng trong chuyện này không đánh lừa được Bim đâu. Nó chạy ra xa một đoạn và ngồi xuống, mắt nhìn chằm chằm về phía cái cửa ra vào. Nếu người ta biết Bim đang muốn tìm gì, thì họ có thể giúp đỡ nó, cho dù người ta không chở Ivan Ivanưts tới đây, mà đưa thẳng vào bệnh viện. Nhưng thôi, biết làm thế nào nếu chó hiểu được người mà người không phải lúc nào cũng hiểu được chó (ngay giữa họ với nhau cũng còn chưa hiểu nổi nhau nữa là). Vả lại những ý nghĩa sâu xa như thế Bim làm sao biết được; nó thắc mắc không hiểu trên cơ sở nào mà người ta không cho nó vào cửa, nơi mà nó đã cào vào đó một cách ngay thật, tin tưởng và thẳng thắn, chính sau cánh cửa này chắc chắn nó sẽ tìm thấy chủ.
Bim ngồi đến tối bên một bụi tử đinh hương đã ngả màu lá. Xe cộ lui tới. Những người mặc áo choàng trắng chui từ trong xe ra, họ dìu tay một người nào đó, hoặc chỉ đi theo đằng sau; thỉnh thoảng họ lại khiêng từ trên xe xuống một người nằm trên cáng. Khi ấy Bim tiến gần lại một tí, kiểm tra mùi hơi người: không, không phải ông chủ. Đến chiều có vài người đã để tâm đến nó. Ai đó đã mang đến mẩu xúc xích - Bim chẳng đụng đến. Có người định nắm lấy cổ dề của nó - Bim bỏ chạy ra xa; ngay cả đến bác mặc áo choàng đen kia qua lại đó vài lần cũng dừng chân cạnh Bim, nhìn nó thương hại và không dậm chân nữa. Bim ngồi đấy như pho tượng, không nói năng nửa lời với ai. Nó chờ đợi.
Đến xẩm tối nó sực nhớ: ngộ biết đâu ông chủ đang ở nhà rồi thì sao? Nó vội vã bỏ chạy về nhà.
Một con chó chạy qua đường, một con chó đẹp, lông óng mượt, tai cụp - thân trắng, tai đen. Bất kỳ ông bà, cô cậu tốt bụng nào cũng phải nói: “Chà, con chó săn nom dễ thương quá nhỉ!”
Bim cào cào cửa nhà mình, nhưng cửa không thấy mở. Nó liền nằm ngay xuống bậc cửa, cuộn tròn mình lại, không muốn ăn, không muốn uống - chẳng muốn cái gì cả. Ủ dột.
Bà Xtêpanôvna bước ra đầu cầu thang.
- Về rồi hả, tội nghiệp!
Bim chỉ vẫy đuôi một cái: (“Về rồi”)
- Bây giờ thì ăn bữa tối chứ! - Bà đẩy lại cho nó cái bát cháo từ sáng.
Bim chẳng đụng vào.
- Tao biết mà; mày đã tự kiếm lấy ăn. Khôn đấy. Thôi, ngủ đi. - Rồi bà khép cửa lại.
Đêm đó Bim không rít lên nữa, nhưng cũng không rời khỏi ngưỡng cửa: nó chờ đợi.
Sáng ra, nó lại thấy lo lắng. Đi tìm, đi tìm bạn. Toàn bộ ý nghĩa cuộc đời là ở chỗ đó. Rồi khi Xtêpanôvna thả nó ra, việc trước tiên là nó chạy ngay đến chỗ những người mặc áo choàng trắng. Nhưng lần này thì có một người to béo cứ quát tháo mọi người và luôn nhắc đến tiếng “con chó”. Người ta ném đá vào Bim, cho dù cố tình ném trượt. Họ vung gậy gộc dọa nó, rồi cuối cùng, lấy cành cây dài quất nó rất đau. Bim vùng chạy ra ngoài, ngồi thu mình lại một tí, và chắc là bụng bảo dạ: ông chủ không có ở đây; nếu không họ đã chẳng đuổi nó một cách thô bạo như vậy. Thế là Bim bỏ đi, đầu hơi gằm xuống. Con chó bước đi cô đơn, buồn bã, giận dỗi không duyên cớ.
Nó đi đến một đường phố náo nhiệt. Nhốn nháo rất nhiều người. Ai cũng vội vã, thỉnh thoảng họ lại trao đổi hấp tấp một vài lời, chẳng rõ họ đi về đâu và cứ đi không ngớt. Chắc hẳn Bim đã nẩy ra ý nghĩ: “Nhỡ biết đâu ông chủ sẽ qua đây chăng?” - Rồi không cần lý sự gì hết, nó ngồi vào trong bóng mát, ở đầu phố, cách cái cổng bờ giậu không xa lắm và bắt đầu theo dõi, không bỏ sót bất cứ một người nào qua đây.
Trước hết Bim nhận thấy người nào té ra cũng đều có mùi khói ô tô, và thêm vào đó lại có những mùi lạ khác nhau về nồng độ.
Một người gày gò, cao, đi đôi giày to tướng vẹt đế, bước qua, tay xách một túi lưới đựng khoai tây, y như cái túi chủ nó vẫn thường cầm về nhà. Ông gầy gò này tay xách khoai tây, nhưng người sặc mùi thuốc lá, bước đi vội vã dường như đang đuổi theo ai. Nhưng chỉ là nom có vẻ thế thôi - ở đây mọi người đều đang đuổi theo ai cả. Và mọi người đang tìm kiếm cái gì đó, như trong các cuộc săn lùng ngoài đồng, nếu không thì chạy trên đường phố, chạy vào cửa này, chạy ra cửa khác, rồi lại tiếp tục chạy, thế để làm gì?
- Chào Tai đen nhé! - Ông gầy gò chân đi miệng nói.
“Chào bác” - Bim cau có trả lời, động đậy cái đuôi trên đất, mắt vẫn không sao nhãng việc quan sát mọi người.
Đây, theo sau ông ta là một người mặc quần áo bảo hộ, nồng lên như mùi tường gạch lúc ta liếm vào (tường ướt). Người ông này gần như bạc trắng. Ông ta cầm một chiếc gậy dài trắng trên đầu có lông và một cái túi nặng.
- Mày làm gì ở đây thế này? - Ông ta dừng lại hỏi Bim. - Ngồi đợi chủ hay lạc đường?
“Vâng, đợi” - Bim trả lời, nhúc nhắc hai chân trước.
- Thế thì cho mày đây. - Ông lấy trong túi xách ra một bọc giấy, lấy kẹo đặt trước mặt Bim rồi vỗ vỗ vào cái tai đen của nó. - Ăn đi, ăn đi (Bim không chạm đến). Chà, chó đã luyện. Khôn lắm! Không ăn đĩa người lạ. - Rồi ông ta lững thững đi tiếp, vẻ thản nhiên, không như mọi người khác.
Đối với ai thế nào không biết nhưng đối với Bim thì đây là con người tốt bụng: ông ta hiểu thế nào là “đợi”, ông nói “đợi”, ông hiểu Bim.
Một người to béo, phì nộn, trong tay cầm chiếc gậy to tướng, trên mũi đeo đôi kính đen to tướng, cắp chiếc cặp to tướng: cái gì của ông này cũng to. Ông ta có cái mùi giấy in rất rõ, cái thứ giấy mà Ivan Ivanưts vẫn cầm que vạch lên rì rào, mà hình như có cả mùi thứ giấy vàng vàng mà bao giờ người ta cũng đút vào túi. Ông này dừng lại cạnh Bim, nói:
- Ối giời ơi, lại thế này nữa! Chó chạy ra cả đại lộ!
Từ trong cổng hàng rào, người quét vườn cầm chổi bước ra, đến đứng cạnh Ông Béo. Ông này nhìn người quét vườn nói, tay chỉ vào Bim:
- Ông nhìn thấy chưa? Có phải trên địa phận ông không?
- Thấy chứ sao. - Ông vừa nói vừa tựa người vào cái chổi dựng ngược.
- Thấy... Ông có thấy cái chết tiệt gì! - Ông Béo giận dữ nói. - Đến cả kẹo nó cũng không nuốt cho, khảnh ăn thật. Thế này thì còn sống sao nổi! - Ông nổi xung lên.
- Thì đừng sống nữa, - người quét vườn nói rồi thản nhiên tiếp: - Chà, ông gầy tọp hẳn đi đấy, tội nghiệp quá.
- Anh xỏ xiên tôi đấy hả? - Ông Béo gào lên.
Ba đứa trẻ đang đi, liền dừng lại nhìn hết Ông Béo rồi lại nhìn Bim, cười khúc khích, không hiểu vì sao.
- Chúng mày cười cái gì? Buồn cười gì? Tao nói chuyện con chó. Một ngàn con khuyển, hai ba cân thịt mỗi con, vị chi là hai ba tấn thịt trong một ngày. Có tưởng tượng được không, tổng cộng là bao nhiêu?
Một đứa trong bọn chúng phản đối:
- Đến lạc đà cũng không ăn nổi ba ký thịt.
Người quét vườn uốn nắn lại, vẻ tỉnh bơ:
- Lạc đà không ăn thịt. - Bất thần ông ta cầm ngang cán chổi quét mạnh lên mặt đường nhựa, ngay trước chân Ông Béo. - Đồng bào tránh ra. Thế nào? Có nghe thấy tôi nói gì không, hả cái đầu đần độn kia!
Ông Béo khạc nhổ bỏ đi. Ba đứa trẻ kia cười rúc lên rồi cũng bỏ đi nốt. Người quét vườn cũng thôi quét luôn. Ông vuốt ve lưng Bim, đứng một lát rồi nói:
- Ngồi đây nhé. Đợi chủ. Chủ sẽ đến. - Rồi cũng bỏ đi vào cổng vườn.
Qua cuộc cãi vã đó Bim chỉ hiểu có tiếng “thịt”, “con chó”, có thể là “con khuyển” nữa. Nhưng nghe qua giọng nói và chủ yếu là qua mắt thấy cũng đủ để một con chó khôn ngoan đoán ra: Ông Béo không tốt, ông quét vườn tốt, một người thì ác, người kia thì hiền. Có ai hiểu rõ hơn Bim nữa rằng chỉ có những người quét đường đêm hôm sống trên đường phố là họ biết quý trọng chó. Chuyện ông quét vườn đuổi Ông Béo đi làm Bim có phần nào hài lòng. Mà nói chung, cái chuyện tình cờ không đâu vào đâu ấy giây phút đã làm cho Bim khuây khỏa, cũng có thể là có ích trên phương diện nó bắt đầu lờ mờ đoán ra: con người rất khác nhau. Có người tốt, có người xấu. Ờ, cái đó cũng có ích đấy, đứng ngoài cuộc ta sẽ nói thế. Thế nhưng trong lúc này đối với Bim cái đó hoàn toàn không quan trọng gì. Hơi đâu mà bận tâm: Nó còn mải theo dõi người đi đường.
Ở một số người đàn bà tỏa ra thứ mùi hăng hắc, không chịu nổi, giống như mùi hoa linh lan, cái thứ hoa trăng trắng có cái mùi làm tê liệt cả khứu giác, mà cứ đứng gần là Bim bị điếc mũi. Trong những trường hợp như thế Bim thường quay đầu đi chỗ khác và nhịn thở vài giây - nó ghét cái mùi ấy. Đa số đàn bà có đôi môi đỏ chót như những lá cờ giăng ra vây sói. Màu đỏ này Bim cũng ghét, và nói chung con vật nào cũng không ưng nhưng đặc biệt là chó và bò đực. Hầu như bà nào cũng mang thứ gì đó trong tay. Bim còn để ý thấy đàn ông ít cầm gì hơn đàn bà.
... Nhưng sao mãi vẫn không thấy Ivan Ivanưts thế nhỉ. Ông bạn của tôi ơi! Giờ này ông ở đâu?
Người đi như nước chảy. Nỗi buồn của Bim cũng có phần nào vợi đi ít nhiều, tản mạn đi giữa đám người. Nó lại chăm chú nhìn lên phía trước: liệu ông có đi đó không. Hôm nay Bim sẽ chờ ở đây. Chờ đợi!
Có một người dừng lại cạnh Bim, mặt nhăn nheo, mũi hớt, mắt ốc nhồi, đôi môi dày trệ hẳn xuống. Ông ta kêu lên:
- Bậy bạ thật! (Mọi người dừng lại). Xung quanh dịch bệnh đầy ra đây, nào là cúm, nào ung thư dạ dày, còn ở đây thì sao? - Ông xỉa cả bàn tay về phía Bim. - Ở đây, giữa đám đông công chúng, chỗ tấp nập người lao động thế này mà lại để một con vật tác nhân sinh bệnh ngồi lù lù.
- Không phải con chó nào cũng là tác nhân sinh bệnh. Ông nhìn xem, con chó nom dễ thương quá đi chứ. - Một cô gái phản đối.
Mũi Hớt nhìn cô từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đầu, giận giữ quay ngoắt đi:
- Man di mọi rợ thế là cùng. Trong cô là cả một sự man di mọi rợ, cô em ạ!
Và chợt... Chao ôi! Nếu như Bim được làm người! Chính Bà Thím ấy tiến đến, bà “phụ nữ Xô viết”, cái bà đã đặt điều ấy. Thoạt đầu Bim hốt hoảng, nhưng sau nó xù lông gáy chuyển sang tư thế phòng ngự. Còn bà ta liến thoắng với những người vây quanh cách Bim không xa:
- Man rợ thì đúng là man rợ! Chính nó đã cắn tôi đây. Cắn... đây... này! - Rồi bà đưa tay cho mọi người xem.
- Nó cắn vào đâu? Bà giơ xem nào! - Một anh thanh niên ôm cặp nói.
- Mày định châm chọc tao nữa hả, đồ chó con! - Và bà ta giấu tay đi.
Mọi người cười ồ, trừ ông Mũi Hớt.
- Ở trường đại học người ta dạy dỗ mày thế hả, đồ quỷ sứ. Giáo dục thế đấy, đồ súc sinh! - Bà ta nhảy xổ đến anh sinh viên. - Mày lại dám không tin vào người phụ nữ Xô viết như tao hả? Không biết sau này mày sẽ ra sao? Chúng ta rồi sẽ đi đến đâu, thưa các ông các bà? Hay là ta không có chính quyền Xô viết?
Anh thanh niên đỏ mặt nổi khùng:
- Bà mà hiểu được khách quan người ta nhìn bà như thế nào thì bà sẽ ghen với con chó này.-  Anh chàng tiến lại phía Bà Thím và quát lên: - Ai cho phép bà lăng nhục tôi?
Mặc dù Bim không hiểu nổi những tiếng đó, nhưng cũng không kìm nổi được nữa: nó chồm về phía Bà Thím, sủa rất to và trụ cả bốn chân ghim mình cố tránh những manh động tiếp theo (mà nó không thể lường được hậu quả sẽ ra sao). Thông minh thật! Nhưng vẫn chỉ là con chó.
Bà Thím gào lên thất thanh:
- Cô-ông an, công... an...
Đâu đó có tiếng còi vang lên, và một người tiến lại gần, lớn tiếng:
- Các ông các bà, đi đi cho! Ai đi việc nấy! - Đó là người cảnh sát. (Bim khe khẽ vẫy đuôi, mặc dù còn bực lắm). - Ai kêu đấy?! Bác hả? - Người cảnh sát hỏi Bà Thím.
- Bà ấy đấy, - anh sinh viên khẳng định.
Mũi Hớt dây vào:
- Anh để mắt đi đâu thế? Anh mải cái gì? - Ông ta đay nghiến người cảnh sát. - Con chó, con chó kia, ngay trên đại lộ của thị xã.
- Con chó! - Bà Thím la lên.
- Thật là những đồ vượn man rợ. - Anh sinh viên cũng kêu lên.
- Nó lăng nhục tôi! - Bà ta gần như nức nở.
- Các ông các bà giải tán đi cho. Còn bác, bác, và anh này nữa, xin mời về đồn, - anh ta chỉ vào Bà Thím, Ông Mũi Hớt và anh thanh niên:
- Còn con chó?! Bà Thím rít lên. - Bắt người lương thiện về đồn, còn chó thì...
- Không đi. - Anh thanh niên nói cộc lốc.
Người cảnh sát thứ hai đến.
- Gì thế?
Người đeo cà vạt và đội mũ giải thích rành rọt và chững chạc:
- Vâng, đấy, cậu sinh viên này, không muốn về đồn, không chịu tuân lệnh. Còn đây, những người này, cả hai, muốn về đồn, còn anh này không... Cưỡng lại. Như vậy đâu có được. Bắt đi thì phải đi. Mặc... - Rồi ông ta quay về phía những người khác, dùng ngón tay to tướng ngoáy tai như để mở rộng lỗ nghe ra. Rõ là chỉ tự phụ và tin chắc vào ý kiến của mình, một cử chỉ kẻ cả trước những người có mặt, thậm chí trước chỉ cảnh sát nữa.
Hai người cảnh sát đưa mắt nhìn nhau và rồi cũng vẫn đưa anh sinh viên đi theo mình. Mũi Hớt và Bà Thím lạch bạch theo sau. Mọi người giải tán, không ai còn để ý đến con chó nữa, trừ cô gái dễ thương kia. Cô ta tiến đến chỗ Bim vuốt ve nó, sau cùng lại đi theo hai người cảnh sát. Cô ấy tự đến đồn, Bim xác định thế. Nó nhìn theo cô, giậm chân tại chỗ rồi vùng chạy lên, đuổi kịp cô ta và đi ngang bên cạnh.
Người với chó cùng đi vào đồn.
- Mày đợi ai ở đây, Tai đen? - Cô gái dừng lại hỏi.
Bim buồn bã cúi đầu ngồi xuống.
- Thôi cái bao tử mày đã biểu tình rồi. Tao sẽ cho mày ăn. Đợi tí, tao sẽ cho ăn. Tai đen nhá!
Đã vài lần người ta gọi nó là “Tai đen”. Ngay cả chủ nó cũng có lúc gọi “Ôi chao, Tai đen!”. Ông chủ nói thế đã lâu lắm rồi, từ hồi nó còn bé tí. “Ông bạn tôi bây giờ ở đâu nhỉ?” - Bim nghĩ bụng. Rồi nó lại cùng đi với cô gái vẻ buồn bã và ủ rũ.
Cả hai cùng bước vào đồn. Ở đó Bà Thím đang gào lên, ông Mũi Hớt thì la lối om sòm, anh sinh viên im lặng, cúi gằm mặt xuống, còn người cảnh sát lạ mặt ngồi ở bàn giấy, nhìn cả ba vẻ ác cảm rõ rệt.
Cô gái nói:
- Tôi đã đem kẻ có tội đến đây. - Rồi chỉ vào Bim.- Con chó dễ thương hết sức. Tôi đã thấy hết và nghe rõ hết đầu đuôi. Anh này không có tội tình gì hết. - Cô hất hàm chỉ anh sinh viên.
Cô bình tĩnh kể lại, lúc thì chỉ vào Bim, lúc thì chỉ vào một trong số ba người. Những người kia chực ngắt lời cô, nhưng viên cảnh sát nghiêm nghị chặn lời Bà Thím và Mũi Hớt. Ông ta có thiện cảm rõ rệt với cô gái. Cuối cùng cô pha trò, hỏi:
- Tao nói thế có đúng không? Tai đen? - Rồi quay về phía người cảnh sát, nói thêm: - Tên tôi là Đasa, - xong lại nói với Bim: - Tao là Đasa, hiểu không?
Bim tỏ rõ nó quý trọng cô bằng tất cả những gì có.
- Nào lại đây, Tai đen, lại đây! - Người cảnh sát gọi.
Ồ Bim biết tiếng: “Lại đây!” lắm, nó biết một cách chính xác. Và nó tiến lại.
Ông ta vỗ nhẹ vào cổ nó, cầm lấy vòng cổ, xem xét biển số và ghi chép điều gì đó, rồi ra lệnh cho Bim:
- Nằm xuống!
Bim nằm xuống đúng kiểu: hai chân sau thủ vào bụng còn hai chân trước duỗi thẳng, đầu và mắt hướng về người đối thoại, hơi nghiêng sang bên.
Bây giờ viên cảnh sát gọi điện thoại hỏi:
- Liên đoàn săn bắn đấy hả?
“Săn bắn!” - Bim giật mình. “Săn bắn!”, tiếng này ở đây nghĩa là thế nào?
- Liên đoàn săn bắn đấy hả? Tôi ở đồn cảnh sát đây. Xem lại con chó số thẻ 24, giống chó Xette. Sao lại không có? Không thể được. Con chó hay lắm, được luyện rồi. Gọi đến Xô viết thành à? Được. - Anh đặt ống nghe xuống rồi lại nhấc lên, hỏi điều gì đó, tay ghi chép, miệng nhắc lại: Giống Xette... có những đặc điểm di truyền bên ngoài, không có chứng chỉ gia phả, chủ là Ivan Ivanưts Ivanôp, phố Proiêzgiaia, số nhà 41. Cảm ơn. - Lúc này ông quay về phía cô gái: - Cô Đasa, cô rất tuyệt diệu. Tìm thấy chủ nó rồi.
Bim nhảy lại phía người cảnh sát, rúc mũi vào đầu gối của anh, liếm tay Đasa và nhìn vào mắt cô, nhìn thẳng vào mắt như cái nhìn của những con chó khôn, quyến luyến và tin người. Vì nó hiểu rằng họ đang nói đến Ivan Ivanưts, đến người bạn, người anh, ông Trời của nó, như trong trường hợp này là người thì sẽ nói thế. Nó run lên vì xúc động.
Viên cảnh sát nghiêm nghị càu nhàu Bà Thím và Ông Mũi Hớt.
- Các vị đi đi cho, xin chào.
Ông Mũi Hớt quay sang đay nghiến người thường trực:
- Thế là... xong hả? Như thế này thì trật tự của ta rồi sẽ ra sao đây? Bị buông lỏng rồi!
- Xin mời đi đi cho, ông già. Chào ông. Ông về nghỉ cho.
- Tôi không ông cháu gì với anh sất! Tôi so với anh là bậc cha chú anh đó. Ngay đến thái độ đối xử nhã nhặn cũng quên rồi, đồ chó đẻ. Anh lại muốn giáo dục những cái của này, - ông huých tay vào anh sinh viên, - bằng cách xoa đầu, vuốt ve. Rồi cuối cùng nó cũng sủa gâu gâu vào mặt cho, rồi anh xem. Và cắn cho nữa ấy. - Ông ta gào lên thực như chó sủa, không khác gì.
Tất nhiên Bim cũng đáp lại như vậy. Người thường trực bật cười:
- Thấy chưa, bố ơi, đến con chó cũng hiểu và đồng tình đấy.
Còn Bà Thím thì giật thót mình vì hai tiếng sủa của người và chó, lùi về phía cửa tránh né Bim và thét tướng lên:
- Đấy, nó sủa tôi đấy, thấy chưa! Ngay ở đồn mà cũng chẳng có sự bảo vệ nào đối với phụ nữ Xô viết cả.
Cuối cùng họ cũng phải ra đi.
- Thế còn tôi thì sao, định giữ lại chăng? - Anh sinh viên hỏi, mặt lầm lầm.
- Phải biết phục tùng, anh bạn ạ. Khi đã được mời thì phải đi theo chứ. Luật như vậy mà.
- Luật à? Không có luật nào cho phép bắt giải người tỉnh táo về đồn cả, túm tay như thằng ăn cắp. Mụ ấy, phải nhốt mười lăm ngày mới xứng, thế mà các anh... Chịu các anh thật! - Rồi anh sinh viên bước ra, khẽ gẩy tai Bim một cái.
Lúc này, Bim chẳng còn hiểu cái gì nữa: người xấu cũng rầy la cảnh sát, người tốt cũng rầy la, thế mà anh cảnh sát cũng chịu, lại còn cười nữa; chuyện này rõ ràng là chó khôn cũng không hiểu nổi.
- Chị có thể tự dẫn nó đi được không? - Người thường trực hỏi Đasa.
- Được ạ. Về nhà thôi. Tai đen, đi về nhà.
Bim lúc này chạy trước, thỉnh thoảng ngoái nhìn Đasa và dừng lại đợi: nó hiểu rất rõ tiếng “về nhà” và dẫn cô gái về tận nhà. Người ta không thể tưởng tượng nổi là nó có thể tự lần mò về nhà mình được, người ta tưởng nó là một con chó đần; riêng có Đasa là hiểu hết, riêng mình Đasa, một cô gái tóc vàng có đôi mắt to đăm chiêu và hiền lành mà thoạt nhìn Bim đã tin ngay. Nó đưa cô gái về tận cửa nhà mình.
Cô bấm chuông gọi - Không có tiếng trả lời. Lại bấm lần nữa, nhưng bấm chuông nhà bên cạnh. Bà Xtêpanôvna bước ra. Bim chào bà: nó vui hơn hôm qua nom rõ ra mặt, nó nói: “Cô Đasa đến đấy, cháu dẫn cô ấy đến”, (không thể dùng lời nào khác để giải nghĩa cái nhìn của Bim hết về phía Đasa rồi lại qay sang bà Xtêpanôvna).
Hai người phụ nữ nói chuyện nho nhỏ với nhau, trong lời đi tiếng lại đã nhắc đến tên “Ivan Ivanưts” và “mảnh đạn”. Rồi bà Xtêpanôvna mở cửa ra. Bim mời Đasa vào: bằng cách nhìn cô không rời mắt. Việc đầu tiên là cô cầm bát cháo lên ngửi rồi nói:
- Chua rồi. - Cô đổ cháo vào cái xô rác, rửa bát rồi lại đặt xuống sàn nhà. - Tao đi về ngay bây giờ. Đợi đấy Tai đen nhé!
- Tên nó là Bim, - bà Xtêpanôvna đỡ lời.
- Đợi đấy, Bim. - Và Đasa đi ra.
Bà Xtêpanôvna ngồi xuống ghế. Bim ngồi đối diện bà, nhưng mắt cứ luôn luôn ngó ra cửa.
- Mày quả là con chó sáng dạ - bà Xtêpanôvna bắt chuyện. - Mày thấy chưa, còn lại một mình, mày đã hiểu là ai thương mày. Bim ơi, như tao đây này..., lúc về già ở với đứa cháu. Bố mẹ nó đẻ nó ra, nhưng lại phải đi làm tận Xibir, chỉ có tao ở lại nuôi dạy nó. Và như vậy là cháu tao đối tốt với tao lắm, hết lòng hết dạ với tao.
Bà Xtêpanôvna giãi bày tâm sự với chính mình trong khi nói chuyện với Bim. Thường tình con người ta nếu không biết nói với ai, thì vẫn nói chuyện với con chó, với con ngựa yêu mến, hoặc với con bò nuôi mình. Những con chó có trí khôn nổi bật thì phân biệt được rất rõ người bất hạnh và bao giờ cũng thông cảm với họ. Ở đây người và chó thương nhau: bà Xtêpanôvna than thở với nó, còn Bim thì cay đắng, đau khổ vì nỗi những người mặc áo choàng trắng đã đem ông bạn của nó đi mất. Những chuyện rắc rối trong ngày chỉ chốc lát làm dịu nỗi đau của Bim, và bây giờ nỗi đau ấy lại tấy lên nhức nhối. Bim phân biệt được trong lời bà Xtêpanôvna hai tiếng quen thuộc: “tốt” và “với tao” nói với giọng ấm áp buồn buồn.
Dĩ nhiên là Bim đã tiến sát lại bà và gối đầu lên châu bà, còn bà Xtêpanôvna thì đưa mùi soa lên thấm nước mắt.
Đasa quay trở lại, tay cầm một gói nhỏ. Bim lặng lẽ bước đến, nằm phủ phục xuống đất, đặt một chân lên giày cô gái, chân kia kê đầu. Như thế có nghĩa là: “Cảm ơn cô”.
Đasa mở gói giấy lấy ra hai miếng chả thịt băm, hai miếng bánh khoai rồi đặt lên đĩa của Bim
- Ăn đi.
Bim cũng chẳng buồn ăn, mặc dù đã ba ngày liền nó chưa có miếng gì vào bụng. Đasa vỗ nhẹ lên lưng nó và dịu dàng bảo:
- Ăn đi, Bim, ăn đi chứ.
Giọng Đasa ngọt ngào, thân thiết, nhỏ nhẹ, có vẻ bình thản; bàn tay cô ấm áp và dịu dàng, trìu mến. Nhưng Bim vẫn ngoảnh mặt đi khỏi đĩa chả thịt băm. Đasa nâng mồm Bim nhét miếng chả vào, Bim ngậm mồm, ngậm mãi trong mồm, ngạc nhiên nhìn Đasa, trong lúc đó miếng chả tự trôi vào bụng. Miếng chả thứ hai cũng như vậy. Rồi đến khoai cũng thế.
- Phải ép nó ăn, bà ạ. - Đasa bảo bà Xtêpanôvna. - Nó nhớ chủ đấy, chẳng thiết ăn uống gì.
- Đâu có chuyện ấy hả cô! - Bà Xtêpanôvna ngạc nhiên. - Chó thì vẫn tự kiếm ăn lấy. Đã biết bao nhiêu con lang thang như vậy, chúng vẫn chẳng ăn là gì.
- Làm sao bây giờ? - Đasa hỏi chuyện Bim. - Thế này thì mày quỵ mất.
- Không chết đâu, - bà Xtêpanôvna nói như đinh đóng cột. - Một con chó khôn như thế sẽ không chết đâu. Mỗi ngày một lần tôi vẫn nấu cháo kê cho nó đấy. Thế thôi chứ thế nào? Loài vật ấy mà.
Đasa ngẫm nghĩ điều gì đó rồi cởi vòng cổ chó ra.
- Chừng nào cháu chưa đem vòng cổ này đến, thì bác hãy khoan thả Bim ra. Mai, vào khoảng chín giờ sáng cháu sẽ đến... Còn ông Ivan Ivanưts thì hiện giờ ở đâu ạ? - Cô gái hỏi bà Xtêpanôvna.
Bim giật nảy mình: “ông chủ”!
- Chở máy bay đi Maxkơva. Mổ tim rất phức tạp. Mảnh đạn nằm cạnh.
Bim hết sức chú ý. “Mảnh đạn”, lại “mảnh đạn”. Tiếng đó nghe đau xót lắm. Nhưng một khi đã nhắc đến Ivan Ivanưts thì có nghĩa ông chủ đang ở đâu đây. Phải đi tìm, đi tìm!
Đasa đi ra. Xtêpanôvna cũng thế. Bim ở lại một mình suốt đêm. Bây giờ, đôi lúc nó cũng thiếp đi, nhưng cũng chỉ được vài phút mà thôi. Cứ mỗi lần chợp mắt là nó lại mơ thấy Ivan Ivanưts, ở nhà hoặc đang đi săn. Lúc đó nó chồm dậy, nhìn quay rồi chạy đánh hơi khắp phòng, nghe ngóng trong im lặng rồi lại nằm xuống bên cửa. Bị quất bằng roi mềm thì rất đau, nhưng không có cái gì so với nỗi đau bị bặt vô âm tín chủ.
Đợi, chờ đợi, cắn răng lại mà chờ đợi.

Chương 7

Tiếp tục đi tìm

Buổi sáng hôm ấy Bim phát khóc lên được. Mặt trời đã lên quá cửa sổ mà vẫn chưa thấy ai tới. Nó lắng tai nghe bước chân của những người sống chung quanh lối cửa ra vào. Họ đi qua cửa phòng nó, đi từ tầng trên xuống hay từ tầng dưới lên. Mọi tiếng chân đều quen, nhưng tiếng chân của chủ thì tuyệt nhiên chẳng thấy. Cuối cùng nó nghe chính xác thấy tiếng giày của Đasa. Cô ấy! Bim lên tiếng để báo cho biết mình ở đây. Tiếng sủa của nó dịch sang tiếng người có nghĩa là: “Tôi đã nghe thấy cô, cô Đasa ơi!”.
- Có tôi đây, có tôi đây, - cô gái cất tiếng trả lời và bấm chuông gọi bà Xtêpanôvna.
Cả hai cùng bước vào phòng Bim. Nó chào từng người, rồi nhảy ra phía cửa, dừng lại ở đó, quay đầu nhìn về phía hai người phụ nữ và vẫy đuôi khẩn khoản, ý như đòi: “Mở cửa ra. Phải đi tìm”.
Đasa đeo cho nó chiếc cổ dề, ở đó có gắn một tấm biển dạng huy hiệu, bằng đồng thau có khắc dòng chữ: “Tên nó là Bim. Nó đang chờ chủ. Biết rõ đường về nhà. Nó sống một thân một mình. Xin đừng ai chòng ghẹo nó!”. Đasa đọc dòng chữ đó cho bà Xtêpanôvna nghe.
- Cô phúc đức quá! - Bà Xtêpanôvna vung tay tỏ vẻ ngạc nhiên. - Thế nghĩa là cô quý chó lắm nhỉ?
Đasa vuốt ve Bim và trả lời, giọng không bình thường:
- Chổng bỏ, con trai chết... Cháu ba mươi tuổi đầu rồi. Ở nhà có một thân một mình. Đi vắng suốt.
- Một thân một mình. Ôi, cháu ơi... - Bà Xtêpanôvna than vãn. - Thế thì thật là...
Nhưng Đasa ngắt lời bà:
- Thôi cháu đi đây, - ra đến cửa, cô nói thêm: - Khoan hãy thả Bim, nó chạy theo cháu mất.
Bim cố chen ra cửa cùng với Đasa, nhưng cô đẩy nó trở lại và đi ra cùng với bà Xtêpanôvna.
Sau gần một tiếng Bim bắt đầu rên rỉ, rối rít lên thành tiếng thảm thiết, rống lên như người ta vẫn thường nói: “Gì mà rống lên như chó ấy!”
Bà Xtêpanôvna bèn thả nó ra. (Bây giờ Đasa đã đi xa).
- Nào đi đi. Chiều tao sẽ nấu cháo kê cho mà ăn.
Bim chẳng để ý đến lời nói cũng như ánh mắt của bà, bổ nhào luôn xuống thang rồi chạy ra sân. Như con thoi, nó chạy ngang dọc trong sân, rồi chạy ra đường, dừng lại giây lát dáng như suy nghĩ, sau đó bắt đầu xem xét, đánh giá các loại mùi, lần từng đám một, chẳng để ý đến cả những cây ở đó các bạn đồng nghiệp của nó đã để lại những bức ký họa mà bất kỳ con chó biết tự trọng nào cũng buộc phải ngó qua.
Suốt cả ngày Bim không phát hiện ra được dấu hiệu nào của Ivan Ivanưts. Đến gần chiều, như để phòng xa, nó tạt vào công viên mới xây dựng ở vùng ngoại vi thành phố. Có bốn thằng bé đang chơi bóng ở đó. Nó ngồi lại một tí, nhìn kiểm tra quanh quẩn, ngán ngẩm đã định bỏ đi. Song lúc ấy một đứa khoảng mười hai tuổi tách ra khỏi bạn chơi, tiến lại gần Bim, tò mò nhìn nó.
- Mày là chó nhà ai? - Thằng bé nói, cứ làm như Bim có thể trả lời câu hỏi của nó được.
Bim trước hết chào nó: vẫy vẫy cái đuôi, nhưng vẻ buồn bã ngoẹo đầu sang bên này, rồi sang bên kia. Cái đó có nghĩa là nó hỏi: “Còn cậu, cậu là người thế nào?”
Thằng bé xem chừng hiểu con chó chưa hoàn toàn tin mình, liền mạnh dạn tiến đến, chìa tay ra.
- Xin chào, Tai đen.
Đến khi Bim đưa chân ra bắt tay thì thằng bé kêu lên:
- Chúng mày ơi! Lại đây, lại đây!
Bọn trẻ chạy lại và đứng ở phía xa.
- Các cậu xem kìa, mắt nó nom khôn không! - Đứa trẻ đầu tiên trầm trồ.
- Có thể, chó được huấn luyện rồi đấy nhỉ? - Một thằng khác mặt bụ bẫm hỏi ra vẻ hiểu biết. - Tôlich, cậu thử nói xem nó có hiểu không?
Đứa thứ ba, lớn hơn các đứa khác, tuyên bố rất quyết đoán:
- Huấn luyện rồi. Thấy chưa, cổ có đeo biển kia kìa.
- Huấn luyện đâu mà huấn luyện. - Thằng bé gày gò cãi lại. - Nếu không thì sao lại phờ phạc và buồn rũ ra thế kia.
Thật quả vắng Ivan Ivanưts, Bim gầy đi khủng khiếp, mất cả hình dạng trước đây: bụng thì thót, bộ lông không chải chuốt bị bết lại, màu lông trên lưng trước bóng bẩy thế này xỉn đi. Buồn và đói làm cho đến chó cũng xấu hẳn mã.
Tôlich đụng vào trán con Bim, còn chó thì nhìn cả bọn và tỏ ra đã tin cậy hẳn. Sau đó chúng nó lần lượt vuốt ve Bim, và Bim không phản đối. Mối quan hệ lập tức trở nên tốt đẹp, và trong không khí hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau chẳng mấy lúc sẽ dẫn tới tình bạn thân thiết. Tôlich đọc to dòng chữ khắc tên tấm biển bằng đồng thau và reo lên:
- Nó là con Bim. Sống có một thân một mình thôi! Các cậu ơi, nó muốn ăn đấy! Thôi giải tán về nhà, đứa nào tha được thứ gì đến đây thì tha.
Bim ở lại với Tôlich, còn bọn trẻ chạy tán loạn. Lúc này thằng bé ngồi trên ghế, Bim nằm bên chân nó và thở dài thườn thượt.
- Mày buồn lắm hả Bim? - Tôlich tay vuốt ve đầu con chó, miệng hỏi. - Thế chủ mày đâu?
Bim rúc mũi vào kẽ hai chiếc giày cao cổ và cứ thế nằm. Chỉ lát sau đứa này tiếp đứa kia xuất hiện. Thằng Bụ Bẫm mang đến chiếc bánh rán, Thằng Lớn mẩu xúc xích, Thằng Gầy hai cái bánh xèo. Chúng bày tất cả thứ đó trước mặt Bim, nhưng con chó cũng chẳng buồn ngửi đến nữa.
- Nó ốm đấy, - Thằng Gầy nói. - không khéo lây thì chết. - Nói đoạn nó lùi xa Bim ra.
Thằng Bụ Bẫm chẳng hiểu vì sao chùi tay vào quần và cũng tránh ra xa. Thằng Lớn lấy mấu xúc xích quệt quệt vào mũi Bim rồi cũng kết luận một cách dứt khoát:
- Nó chẳng ăn đâu. Không muốn.
- Mẹ mình bảo chó nào cũng truyền bệnh cả, - Bụ Bẫm lo ngại. - Con này hẳn là bị bệnh đây!
- Vậy thì cút đi! - Tôlich phát cáu mắng luôn. - Đi cho khuất mắt tao... “Truyền bệnh”... Truyền bệnh thì đã bị sở chó người ta bắt rồi, còn con này... Xem đây, chẳng đeo biển là gì.
Lý lẽ chắc nịch ấy đã tác động mạnh mẽ: bọn trẻ lại vây quanh Bim. Tôlich kéo cái vòng cổ lên cao. Bim ngồi dậy. Tôlich vạch miệng nó ra, thấy có kẽ hở phía cuối hàm răng, lấy một mẩu xúc xích đút vào đó. Bim nuốt. Lại mẩu nữa, lại nuốt. Cứ như thế con chó đã ăn hết khúc xúc xích dưới sự tán thưởng của khán giả. Cả bọn tập trung theo dõi. Thằng Bụ Bẫm mỗi khi Bim nuốt cũng nuốt theo, mặc dù trong miệng chẳng có gì cả: cứ như nó muốn hỗ trợ cho Bim vậy. Nhưng những mẩu bánh rán thì không tài nào nhét vào được, nó rơi vãi lung tung. Lúc này Bim bèn tự ăn lấy, nó nằm sắp xuống, đặt bánh lên hai chân, ngó nghiêng nhìn rồi tự ăn. Nó làm như vậy rõ ràng là do nể Tôlich. Cậu bé này có bàn tay ân cần quá, có đôi mắt dịu dùng quá, thậm chí hơi buồn buồn, cậu ta thương Bim quá đến nỗi Bim không cưỡng lại được tình thân mật ấm cúng ấy. Trước đây Bim cũng đã có quan hệ đặc biệt với trẻ con, và lúc này nó tin tưởng dứt khoát rằng những người bé đều là tốt, còn những người lớn thì khác nhau, có cả những người xấu bụng. Tất nhiên nó không thể hiểu nổi là những người bé sau này sẽ trở thành lớn và rồi cũng khác nhau, nhưng đâu phải việc của chó suy xét xem tại sao có những người bé tốt bụng khi lớn lên lại trở thành những người xấu tính, đại loại như Bà Thím và ông Mũi Hớt. Thật ra nó ăn bánh rán là vì Tôlich và chỉ thế thôi. Do đó mà nó thấy dễ chịu hơn, cho nên cũng không từ chối mấy cái bánh xèo. Và thế là suốt một tuần nó ăn lần này là lần thứ hai.
Nó ăn xong, Tôlich lên tiếng trước tiên:
- Ta thử xem nó biết làm gì nào.
Thằng Gầy nói:
- Trong rạp xiếc, nhảy thì người ta hô: “Hấp!”.
Bim nhổm dậy và chăm chú nhìn thằng bé như muốn hỏi: “Hấp, nhưng qua cái gì?”.
Hai đứa cầm hai đầu chiếc dây lưng, còn Tôlich thì ra lệnh:
- Bim, hấp!
Bim dễ đàng nhảy qua vật chướng ngại ngây thơ ấy. Cả bọn khoái lắm. Bụ Bẫm ra lệnh rành rọt:
- Nằm xuống!
Bim nằm (các bạn bảo thì mình vui lòng làm!).
- Ngồi dậy. - Tôlich đề nghị (Bim nhổm dậy). - Nhặt về, - Tôlich ném mũ lưỡi trai đi.
Bim mang mũ về. Tôlich ôm lấy Bim mừng rỡ, còn Bim thì đáp lại, liếm ngay vào má thằng bé.
Bên những người bé này, tất nhiên là Bim cảm thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Thế nhưng chợt một lão già đi tới, tay múa cái can, đi rất khẽ, đến nỗi bọn trẻ không ai để ý đến trước khi lão cất tiếng hỏi:
- Chó ai đây?
Lão nom vẻ quan trọng, đầu đội mũ xám hẹp vành, cổ đeo chiếc nơ xám thay cho cà vạt, mình mặc áo vét xám, quần xám nhạt, bộ râu ngắn xám bạc, mắt đeo kính. Nhìn Bim không rời mắt, lão nhắc lại:
- Các em, chó này của ai vậy?
Cả hai đứa, Tôlich và Thằng Lớn cùng trả lời một lúc
- Không của ai. - Thằng Lớn ngây thơ trả lời.
- Của cháu, - Tôlich cảnh giác nói. - Đến giờ phút này là của cháu.
Tôlich đã nhiều lần nhìn thấy Lào Xám: lão ta thường đi dạo một mình quanh công viên vẻ trịnh trọng. Có lần lão còn kéo theo một con chó, nó cứ ghì lại không chịu đi. Một hôm lão tới chỗ lũ trẻ và ngứa miệng bảo chúng rằng đến chơi đùa chúng cũng chẳng biết chơi, như ngày xưa, rằng lễ độ chúng cũng chẳng có, rằng người ta giáo dục chúng cũng không đúng, không được như ngày xưa, rằng vì chúng, vì chính những loại như thế này đây mà người ta đã chiến đấu từ tận hồi nội chiến cơ, ấy thế mà chúng có biết giá trị đâu, và chẳng biết cái gì hết, tóm lại, thật là đáng xấu hổ. Cái ngày lâu lắm rồi ấy, khi mà Lão Xám lên mặt răn dạy lũ trẻ, Tôlich lên chín tuổi. Bây giờ nó đã mười hai, nhưng nó còn nhớ rõ lão. Lúc này Tôlich ngồi ôm con Bim và cứ khăng khăng: “Của cháu”.
- Thế là thế nào? Không phải của ai hay là của nó? - Lão ta quay về phía bọn trẻ hỏi và chỉ vào Tôlich.
- Kia kìa, nó có một tấm biển đấy. - Thằng Bụ Bẫm gở miệng nói xen vào. Lão Xám tiến đến bên Bim, vén tai chó và đọc dòng chữ trên cổ.
Bim đánh hơi thấy chính xác, hoàn toàn chính xác rằng Lão Xám có mùi hôi chó, mùi phảng phất thoang thoảng, lâu ngày rồi, nhưng vẫn có mùi, Bim nhìn vào mắt lão lập tức đã không tin lão, không tin giọng nói, cái mắt nhìn, thậm chí cả đến hơi người lão. Chẳng lẽ người ta không dưng lại để hơi chó đủ các loại bám vào mình như thế sao. Bim nép sát vào người Tôlich, cố sức tách ra khỏi Lão Xám, nhưng lão không buông tha.
- Không được nói dối, cháu ạ, - lão trách móc Tôlich: - Cứ như điều ghi trên biển này thì chó này không phải của cháu. Đáng xấu hổ lắm, cháu ơi. Chẳng nhẽ bố mẹ cháu lại dạy cháu nói dối à? Liệu sau này lớn lên cháu sẽ thành người như thế nào? Ề, ề, ề... - Lão rút trong túi ra một đoạn dây và buộc ngay vào cổ đề chó.
Tôlich giật lấy đoạn dây và quát lên:
- Ông không được động vào! Cháu không cho đâu!
Lão Xám gạt tay nó ra.
- Bác có bổn phận đưa chó về chỗ quy định. Có khi còn phải lập phiên bản nữa là đằng khác (lão nói thành phiên bản). Có khả năng riệu cồn thịt mất chủ nó rồi (lão nói thành “riệu”). Nếu quả như vậy thì con chó này phải trừ khử. Trách nhiệm của bác là như vậy đó. Mọi việc là phải vì danh dự và nhân đạo mà làm. Thế đấy. Bác sẽ thẩm xét nhà cửa của nó xem có đúng hay không.
- Thế ông không tin vào tấm biển này à? - Tôlich gạn hỏi, giọng trách móc, gần như khóc.
- Bác tin chứ, các cháu ạ, bác hoàn toàn tin mà. Thế nhưng... - Lão giơ một ngón tay và lên mặt nói, gần như trịnh trọng: - Muốn tin phải xác minh! - Rồi dắt Bim đi.
Bim ghì lại, ngoái nhìn Tôlich và thấy thằng bé tức quá phát khóc, nhưng - biết làm sao được! - cũng đành phải đi theo Lão Xám, cúp đuôi, mắt nhìn xuống đất, nom chẳng có vẻ gì là nó nữa. Bộ dạng nó như muốn nói: “Cuộc đời chó má của chúng mình là như vậy đó, một khi chẳng còn thấy chủ đâu”. Chỉ còn cách là ngoạm vào bắp đùi lão ta rồi bỏ chạy, nhưng Bim là con chó trí thức: muốn dắt nó đi đâu cũng được thôi.
Cả hai cùng đi vào dãy phố có những ngôi nhà mới. Nhà nào cũng mới, toàn bộ một màu xám, và hệt như nhau đến nỗi đi có thể bị lạc. Đến một ngôi nhà giống những nhà khác như đúc ấy, họ đi lên tầng ba, ở đó Bim quan sát thấy cả các cửa nữa cũng đều giống nhau.
Một bà mặc váy xám mở cửa cho họ:
- Lại lôi đâu về thế? Giời ơi là giời!...
- Làm gì mà gào lên thế! - Lão Xám nghiêm nghị ngắt lời bà ta rồi tháo cổ dề Bim, chìa ra: - Này đây, nhìn xem.
Bà kia đeo kính vào nhìn, đã hiểu ra, còn lão nói tiếp:
- Bà chẳng hiểu quái gì cả. Khắp nước cộng hòa chỉ độc nhất có tôi là người chơi huy hiệu chó. Và cái biển này là cả một của quý! Vị chi là chiếc thứ năm trăm!
Bim chẳng hiểu gì cả, tuyệt nhiên chẳng hiểu gì cả, không một tiếng nào quen thuộc, không một cử chỉ nào hiểu được - mù tịt. Chợt Lão Xám ở hành lang vào phòng, tay cầm chiếc cổ đề. Rồi từ trong phòng lão gọi vọng ra.
- Bim, lại đây!
Bim chần chừ ngẫm nghĩ rồi dè dặt bước vào. Trong phòng nó nhìn quanh, nhưng không tiến lại chỗ Lão Xám, và ngồi phệt luôn xuống bậc cửa. Trên tường treo lơ lửng những cái bảng bọc nhung trên đó treo lủng lẳng thành hàng thành lối những huy hiệu chó: số hiệu chó, thẻ chó, huy chương màu xám, huy chương màu vàng, đoạn dây và cổ dề khá đẹp, mấy cái rọ mõm hoàn hảo cùng những trang bị thông thường khác, thậm chí có cả một dây thòng lọng bằng tơ để thắt cổ chó (mà dĩ nhiên Bim không hiểu được công dụng). Kẻ sở hữu bộ sưu tập ấy đã xoay được cái dây ấy ở đâu ra thì ngay người cũng chẳng hiểu nổi. Còn đối với Bim cái đó chỉ là sợi dây bình thường, không hơn không kém.
Bim chăm chú nhìn thấy Lão Xám mân mê trong tay cái cổ dề của mình, lấy kìm tháo tấm biển ra và gắn vào khoảng giữa một trong cái bảng bọc nhung kia. Lão cũng làm như vậy với tấm thẻ. Sau đó lão đeo cổ dề vào cho Bim và nói:
- Mày là con chó khôn đấy!
Giống y như chủ nó có lần nói, nhưng lúc này thì nó không tin. Nó đi ra ngoài hành lang và đứng lại bên cửa, ý muốn nói: “Thả tao ra. Tao chả có công có việc gì ở đây cả”.
- Thôi thả nó ra đi? - Người đàn bà nói. - Giữ nó ở đây làm gì? Lẳng nó ra đường kia.
- Không thể được, bọn nhãi quấn nó lắm. Cho nên ngay bây giờ thì không được: Chúng nó thấy mất tăm biển có thể sẽ đi báo... Vì vậy cứ để nó ở đây qua đêm đến sáng. Nằm xuống! - Lão ra lệnh cho Bim.
Bim nằm xuống ngay bậu cửa: biết làm thế nào! Sau nó lại nghĩ: chỉ cần rít lên thành tiếng, chạy lung tung khắp phòng, lao vào Lão Xám, thế là xong. Thế nào nó cũng được thả đấy. Nhưng Bim đã quen chờ đợi. Vả lại nó cũng đã mệt, kiệt sức đến nỗi nó đã ngủ thiếp đi một lúc bên bậu cửa nhà người, cho dù chỉ là ngủ chập chờn.
Đây là đêm đầu tiên Bim không về nhà, không về phòng mình. Nó cảm giác như thế lúc đang mơ mơ màng màng, và cũng không hình dung ra hiện mình đang ở đâu. Đến khi nhận ra rồi thì nó buồn quá. Nó lại vừa mơ thấy Ivan Ivanưts; cứ mỗi lần chợp mắt nó lại nhìn thấy chủ, khi tỉnh dậy vẫn còn cảm thấy hơi ấm bàn tay ông, quen thuộc với nó từ thuở nó còn là chó cún con. Giờ đây ông ở nơi đâu, người bạn hiền lành và tốt bụng của tôi ơi! Ở nơi đâu? Buồn không sao chịu nổi. Cảnh cô đơn nặng nề cứ bám riết lấy nó, chẳng tha. Vả lại còn cái Lão Xám kia đang ngáy khò khè, như con thỏ bị chó săn đè cổ. Từ những cái bảng nhung tỏa ra mùi chó chết. Buồn. Bim rền rĩ ư ử, về sau hai lần bật lên thành tiếng sủa, với tiếng gừ gừ khẽ tiếp theo, giống như con chó lài khi nhìn thấy dấu vết thỏ. “Ôi cha... ôi! Các ông... các bà ôi... - Nó khóc, - khổ thân tôi quá... ôi... ôi... Không có bạn, đau đớn quá... ôi... ôi... Thả tôi ra, thả tôi ra cho tôi đi tìm bạn!... ôi... ôi..., các ông... các bà ơi!”.
Lão Xám chồm dậy, bật đèn rồi cầm gậy bổ vào người Bim, vừa đánh vừa rít lên:
- Câm đi, câm ngay, đồ quỷ! Hàng xóm người ta nghe thấy bây giờ. Này kêu này, kêu này! - Bim tránh đòn, theo bản năng cố bảo vệ lấy cái đầu, và rền rĩ như người: “Ối... ối... ái... ối”.
Nhưng con người ác độc kia vẫn cứ tìm cách đập vào đầu nó. Bim bị choáng đi vài giây, bất tỉnh, quờ quạng chân, nhưng sau lại tỉnh lại ngay. Nó nhảy ra khỏi bậu cửa, tựa lưng vào góc nhà và nhe răng ra. Lần đầu tiên nó nhe răng.
Lão Xám lùi lại tránh Bim.
- Ái chà! Lại cắn hả, đồ quỷ... - Rồi lão mở tung cửa ra. Nhưng Bim không tin ngay cả vào cái việc cánh cửa thật sự đã được mở tung ra, không tin cả lúc Lão Xám nói:
- Cút ra! Cút ra! Đi đi, Bim! Đi chơi,... đi, đồ chó, đi đi.
Nó không tin cái lời dịu dàng ngọt xớt ấy, không tin vào sự xoa vuốt phỉnh phờ sau những đòn roi vọt ấy. Đánh rồi xoa, ồ, đây là một phát hiện mới trong đời Bim. Bà Thím và Ông Mũi Hớt chỉ là người không tốt thôi. Còn cái lão này... lão này thì Bim căm thù. Căm thù! Bim bắt đầu mất lòng tin vào con người. Vâng, đúng như vậy! Bim vươn cổ, nhe răng và... tiến đến Lão Xám, rón rén, nhưng rất cương quyết, chậm chạp, nhưng đầy tự tin. Lão Xám nép sát vào tường:
- Mày làm gì? Làm gì?
Người đàn bà mặc áo cánh ngủ quát bảo Lão Xám:
- Nó chồm đến kìa! Că-ắ-ắn kìa!
Bim thấy rằng lão già sợ nó hết hồn, rằng nó đang làm lão chết khiếp. Do đó Bim càng tăng thêm quyết tâm: Nó chồm đến, ngoạm vào chỗ phần mềm của kẻ thù đang lẩn tránh, rồi nhảy tót về phía cửa mở tung. Bim vừa chạy vừa cảm thấy trong mồm có vị thịt mông người, con người mà nó căm hờn đến tận xương tận tủy. Không, Bim không cho rằng mình bất hạnh và đáng thương, ngược lại, giờ đây nó trở nên dũng mãnh, mà sự dũng mãnh thì thường hòa với lòng tự hào cùng cảm giác về phẩm giá của mình - ngay cả ở loài thú dữ.
Bim chạy trên đường trong sương mù lúc trời gần sáng nhưng trong vòng cổ không còn số hiệu “24” nữa. Lúc đầu trong lúc vội vã, nó chạy không đúng hướng, nghĩa là không vào thành phố mà chạy ra ngoài (ra xa không còn nhà cửa nữa). Nó quay trở lại và lại rơi đúng vào cái nơi rối rắm những ngôi nhà y như nhau. Chạy quanh co, ngoằn ngoèo mãi rồi cuối cùng lại đâm vào căn nhà mà nó vừa ở đó chạy ra. Đến đây nó vội vã đổi hướng, chạy về phía cần phải chạy, và như thế cũng là nhờ một sự việc có tính quy luật mà con người ít biết đến: hôm qua, khi người ta lôi nó đến đây, nó đã phát hiện được ở một góc này ký hiệu của một con chó nào để lại, ở một góc khác ký hiệu của một con chó thứ hai. Thế là bây giờ, cứ lần từ cái góc này sang cái góc kia mà nó đã nhận ra nhờ các ký hiệu ấy, nó đã đi đúng hướng cần thiết. Quả thực muốn không những tìm thấy nhà cửa, mà còn vượt ra khỏi nơi này nữa thì cần phải biết đánh hơi thật giỏi. Bim có cái tài đánh hơi rất giỏi, mà lại sáng dạ tuyệt vời.
Gần sáng thì nó về tới nhà, lên đến phòng, vào tới ngưỡng cửa thân yêu. Nó cào cào vào cửa. Không có tiếng đáp lại. Lại cào lần nữa - vẫn thế. Im lặng như tờ. Cái chính là ở chỗ cửa không thấy có dấu vết của Ivan lvanưts. Lúc này hãy còn sớm, bà Xtêpanôvna đang ngủ ngon không nghe thấy tiếng gọi của Bim. Nó ngồi xuống một lát bên cửa, trầm ngâm.
Toàn thân bị đòn đau như dần, trong đầu tiếng ong ong và rất buồn nôn, không còn sức nữa. Nhưng nó vẫn lại ra đi. Đi tìm chủ của nó. Vì ngoài Bim ra còn có ai đi tìm ông nữa?
Một con chó chạy nhông trong thành phố, nom vẻ buồn bã, nhưng đó là con chó trung thành, tin tưởng và gan góc.

Chương 8

Chuyện xảy ra nơi ghi tàu

Ngày này nối tiếp ngày khác qua đi, Bim cũng chẳng để ý nữa. Nó thường xuyên chạy quanh thành phố và hiểu rất tỉ mỉ về thành phố này. Bây giờ nó đi theo một lộ trình đã định, ai biết thì có thể xem Bim mà vặn lại đồng hồ. Nó xuất hiện ở công viên: năm giờ. Đến nhà ga: sáu giờ. Sang nhà máy: bảy rưỡi. Lên đến đại lộ: mười hai giờ. Sang bờ hữu ngạn: bốn giờ chiều. Và vân vân.
Nó đã tìm thêm được một số bạn mới trong đám người kia. Nó xác định rằng đại bộ phận họ là người tốt, đi đường họ im lặng, còn loại người xấu thì bao giờ cũng lắm lời. Nó tìm thấy cả những người có mùi dầu mỡ và sắt thép (trước đó nó chỉ gặp họ lẻ tẻ từng người một). Những người đó hằng ngày vào lúc gần tám giờ đã đi thành dòng dày đặc qua một cái cổng lớn, rồi qua cánh cửa của một chòi gác vào bên trong.
Đến đây họ nói cười ríu rít như đàn sáo, đến nỗi đừng hòng nghe hiểu được cái gì, vả lại cái đó cũng chẳng làm Bim quan tâm. Nó ngồi tránh ra khỏi dòng người, quan sát và chờ đợi.
- Ê, Tai đen, chào nhé! - Sáng nào cũng có cậu thanh niên mặc quần áo bảo hộ chào hỏi Bim và đặt trước mặt nó một gói thức ăn để dành. - Còn sống đấy hả, chú nó?
Rồi chìa bàn tay hiền từ của mình, bàn tay thô thiển, nhưng ấm áp.
Những người khác cũng im lặng đưa bàn tay ra chào nó, xong lại vội bước đi tiếp. Ở đây không một ai trêu chọc Bim.
Giờ đây Bim đã dần dần học được cách phân biệt người thành từng loại. Chẳng hạn trên quãng đường nó đi qua vẫn thường gặp một bà béo ị, hai chân như hai cái vại, nom lúc nào cung có vẻ mãn nguyện, phởn phơ, sung sướng hiện ra mặt; nhưng cứ gặp Bim là bà lại phì phì như mèo, nhổ toẹt, nhấc cái túi mua hàng lên ngang bộ ngực phì nộn và lần nào cũng nhai đi nhai lại vẫn một điều:
- Xì, cái của bẩn thỉu! Sao không bóp chết hết cái giống chó này đi để người ta khỏi bị thần kinh căng thẳng nhỉ? Đấy, cứ bảo “cảnh sát của dân bảo vệ dân”. Ôi giào ôi! Bảo với chẳng vệ!... Thì đây này, giữa ban ngày ban mặt, con chó đực nào cũng có thể lột váy người ta ra dễ như bỡn. Cảnh sát là cái quái gì? Đối với cảnh sát chúng ta chỉ như là cái chân thứ năm đối với con chó mà thôi.
Căn cứ vào chỗ bà ta luôn luôn lặp đi lặp lại vẫn những lời như vậy nên Bim, với đầu óc đơn giản của chó, đã cho rằng bà béo này tên là Chân Thứ Năm. Nhưng nó biết rất chính xác: cái bà này thì chớ có mà đến gần. Nó chẳng hiểu quái gì lời lẽ của bà ta ngoài cái tên bí danh kia, nhưng nó nghe giọng, nhìn vẻ, cho nên đã đề ra cho mình một quy tắc: những loại người ấy thì kính nhi viễn chi, chớ có dây vào. Rồi, chẳng rõ bằng cách nào (bằng tài đánh hơi chăng?) nó bắt đầu phân định được đối với ai thì có thể quan hệ, còn với ai nên tránh xa. Những người hiền chiếm tuyệt đại đa số, kẻ ác chỉ là số nhỏ, thế nhưng những người hiền thì lại sợ kẻ ác. Bim thì không, nó không sợ, nhưng nó chẳng hơi đâu để ý đến họ. Nhận thức về con người ngày càng được mở rộng và sâu sắc, nhưng theo quan điểm của chó thì giờ đây nó không còn có vẻ gì một anh chàng nghệ sĩ nghiệp dư hào nhoáng và một kẻ nhìn đời bằng con mắt lý tưởng, sẵn sàng vẫy đuôi với bất cứ người qua đường nào. Thời gian cuối này Bim gầy đi nhiều, nhưng ra dáng một con chó chững chạc và sống có mục đích: tìm và đợi.
Thế rồi một buổi sớm, kiểm tra các mùi trên hè đường, Bim mừng rỡ sững sờ cả người. Nó dừng lại, khịt khịt rồi ù té chạy như hóa dại, không biết trời đất là gì nữa, và cũng chẳng nhìn ra đằng trước. Nhưng đứng ngoài trông thì có thể tưởng thế thôi, trên thực tế là nó chạy theo một dấu vết còn mới: Đasa đã đi qua đây! Cô chỉ vừa mới ở đây xong.
Dấu vết dẫn nó tới nhà ga. Không tài nào vào được bên trong: toàn người là người, người bất tận. Ngay ở ngoài phố, bên một ô cửa con con nọ, họ xô đẩy nhau, hò hét, thở hổn hển, khóc rống lên chẳng khác gì những bầy chó săn đã đuổi sát nút con thỏ, vồ nó, rồi xé tan ra từng mảnh, không còn để ý gì đến tiếng roi và tiếng tù và nữa. Trong điều kiện ấy, có tài thánh mà tìm thấy được vết chân Đa sa - dấu vết đã mất hút. Thế là Bim chạy vòng lên phía trên vào được sân ga. Ở đây người đứng túm năm tụm ba bên những cửa ra vào của những ngôi nhà nhỏ, dài dằng dặc, có bánh xe. Họ không gào thét, không xô đẩy nhau, ngược lại họ ôm nhau, hôn hít, có chỗ lại còn nhảy múa nữa, ngay bên cạnh cửa nhà. Không ai để ý đến Bim, do đó nó càng dễ bề chạy xuôi chạy ngược như con thoi, len lỏi dưới chân mọi người và chăm chú đánh hơi khắp sân ga.
Bất chợt đến cạnh một cửa nhà nó ngửi thấy hơi Đasa. Bim vươn cổ vào bậu cửa, nhưng một bà đeo huy hiệu to ở ngực đuổi nó ra. Dù sao thì Bim cũng không chịu đầu hàng: nó nhòm vào trong ô cửa sổ và đánh hơi. Cuối cùng Bim để ý thấy có hai người đàn bà mặc áo choàng trắng đi cuối cùng vào căn nhà đó. Nó chực nhảy bổ tới họ nhưng bỗng dưng những ngôi nhà đó từ từ di động, Bim xô đến chỗ cửa sổ. Trong trí khôn của chó nẩy ra những kết luận có vẻ như hoàn toàn đúng: Đasa ở trong đó, những người mặc áo choàng trắng cũng ở đó, tất có thể Ivan Ivanưts cũng ở đó. Có lẽ là thế! Chẳng phải những người mặc áo choàng trắng đã đưa ông đi đó sao?
Thế là Bim, con Bim khốn khổ, và bây giờ đã thành con Bim bất hạnh, ban đầu còn dễ dàng chạy sóng đôi với gian nhà nhỏ, nhòm được vào ô cửa sổ kia. Bất chợt từ trong đó Đasa nhìn thấy nó.
- Bim! Bi-im!! - cô kêu lên. - Bim thân yêu! Nó ra tiễn tôi! Con Bim ngoan ngoãn của tôi! Bim! Bim ơ...i! Bi-i...
Tiếng gọi của cô mỗi lúc một nhỏ dần. Ngôi nhà chạy đi xa. Và Bim cố đến mấy, gắng sức đến mấy cũng vẫn bị bỏ lùi lại, tụt tít đằng sau.
Nó còn chạy được thêm một lúc nữa theo hút gian nhà cuối cùng cho đến khi không còn trông thấy nữa, lại chạy tiếp, vẫn theo con đường đó, bởi vì con đường đó không ngoặt rẽ vào đâu cả. Chạy rất lâu. Cuối cùng kiệt sức đứt hơi, nó gục ngay xuống giữa đường ray, duỗi thẳng bốn chân ra, thở hồng hộc và rít lên khe khẽ. Không còn tí hy vọng nào. Chẳng muốn đi đâu cả và có muốn thì cũng chẳng đi được nữa. Chẳng muốn cái gì hết, ngay đến sống cùng chẳng muốn.
Khi nào chó đã mất hết hy vọng, chúng sẽ chết một cách rất tự nhiên: lặng lẽ, không rên rỉ, chết trong những đau khổ mà thế gian không biết được. Không phải công việc của Bim là phải hiểu, vả lại nó cũng không có khả năng hiểu được rằng nếu trên đời này hoàn toàn không còn hy vọng gì nữa, một tia bé nhỏ cũng không, thì ngay con người cũng sẽ chết vì tuyệt vọng. Đối với Bim mọi cái đó có vẻ đơn giản hơn nhiều: trong bụng rất đau đớn, mà ông bạn thì chẳng thấy đâu, và thế là hết. Như con thiên nga sau khi mất đi con bạn đời yêu dấu cũng chết theo bằng cách bay bổng lên cao rồi buông mình rơi xuống như cục đá. Như con sếu, sau lúc con sếu cái duy nhất và thương yêu của nó chết, nó cứ duỗi thẳng cánh nằm sóng soài ra mà kêu, kêu mãi, như cầu xin chị Hằng cho được chết. Bim lúc này cũng như vậy: nó nằm dài, trong cơn mê sảng nó trông thấy người bạn duy nhất, không gì thay thế nổi, nó sẵn sàng tiếp nhận tất cả vì bạn, cho dù chưa ý thức được gì về sự sẵn sàng ấy. Nhưng giờ đây nó im lặng. Trên thế gian chưa một ai nghe được con chó hấp hối như thế nào. Nó lẳng lặng mà chết.
Chao ôi, giá lúc này Bim được vài hớp nước. Có lẽ nó sẽ không bao giờ còn đứng lên được nữa, nếu như...
Một người đàn bà bước đến. Chị mặc áo bông, quần bông, đầu chít khăn, dáng người khỏe mạnh, lực lưỡng. Chắc là thoạt đầu chị tưởng Bim đã chết - chị quỳ xuống, cúi đầu, ghé tai nghe ngóng: Bim vẫn còn thoi thóp. Từ ngày chia tay bạn đến giờ nó đã yếu đi biết bao nhiêu, lẽ ra nó chẳng nên lao vào cuộc chạy đua với đoàn tàu như vậy, đó là một hành động điên rồ. Nhưng trong những trường hợp như thế nói làm gì đến chuyện sáng suốt, ngay cả ở con người.
Người đàn bà lấy tay đỡ đầu Bim lên: Chó ơi, mày làm sao thế? Duyên cớ gì, hả Tai Đen? Mày chạy theo ai mà khốn khổ thân mày thế này?
Người phụ nữ nom vẻ hơi thô thiển này có giọng nói điềm đạm và ấm áp. Chị chạy xuống vệ đường, mang nước lên đựng trong chiếc găng tay vải bạt, đến nâng đầu Bim, lấy cái găng nước, thấm ướt mõm nó. Bim liếm nước. Rồi nó lắc lư cái đầu, mệt mỏi, vươn cổ và liếm nước một lần nữa, rồi bắt đầu hớp. Người phụ nữ vuốt ve lưng nó. Chị đã hiểu hết: có một người thân yêu nào đó đã ra đi mãi mãi, mà điều này thật khủng khiếp, nặng nề đến rợn người. - Tiễn đưa nhau không bao giờ gặp lại, khác gì đi đưa đám người còn sống!
Chị thổ lộ gan ruột với Bim:
- Tao cũng vậy thôi... Tao cũng đã đưa chân cả bố cả chồng tao ra mặt trận. Mày thấy đấy, Tai Đen ơi, tao trở về già rồi... nhưng vẫn không sao quên được... Tao cũng đã từng chạy theo tàu... cũng từng ngã gục xuống... và cầu mong được chết quách đi cho xong... Mày ngoan lắm... Uống đi!... Khốn khổ thân mày... Uống nữa đi!
Bim uống gần hết nước trong găng tay. Lúc này nó nhìn thẳng vào mắt chị và tin ngay: đây là người tốt. Và nó liếm, liếm bàn tay thô kệch, nứt nẻ của chị, liếm những giọt nước trào ra từ khóe mắt chị. Thế là lần thứ hai trong đời, Bim đã được biết mùi vị nước mắt người: Lần đầu tiên là những hạt nước mắt của chủ, và bây giờ là những giọt nước mắt này đây, những giọt nước mắt trong suốt, long lanh ánh mặt trời, mặn chát nỗi đau khôn nguôi.
Người đàn bà bế nó lên và đưa nó qua mặt đường tàu xuống vệ đường.
- Nằm xuống đây, Tai Đen nhé! Nằm đây. Tao sẽ quay lại.
Chị đi về phía có mấy người phụ nữ đang hì hục đào trên đường. Bim đưa mắt lờ đờ nhìn theo bóng chị. Nhưng rồi nó gắng sức ghê gớm cố đứng dậy, lảo đảo bước dò dẫm theo gót chị. Thấy vậy, chị dừng lại đợi nó. Lết lết đến nơi, nó nằm ngay xuống trước mặt chị.
- Chủ bỏ hả? - Chị hỏi. - Chủ đi rồi à?
Bim thở dài. Thế là chị hiểu.
Cả hai cùng đi đến chỗ tốp người đang làm việc. Mọi người ở đây đều là phụ nữ, ăn mặc cũng như Người Tốt Bụng, và cạnh đó có một ông, đội mũ ngửa ra sau gáy, mồm ngậm một cái tẩu. Ông ta bực tức hỏi:
- Sao cứ quấn lấy con chó thế hả, Matrena? Thế thì ai làm thay cho bây giờ? Chà, Matrena, cô thật là... Để nói một lần thôi chứ, Matrena! - Rồi ông ta vẫy vẫy ngón tay về phía chị.
Bim bắt ngay được ý: Người Tốt Bụng - đó là Matrena. Chị lệnh cho nó nằm xuống bên vệ đường. Còn chị thì nhấc lên một vật gì như cái kìm to tướng, kẹp chặt lấy thanh tà vẹt cùng với những người phụ nữ khác.
- Hai ba nào! - ông kia hô lên. - Làm lại! Lại lần nữa!
Ông ta quát tháo, tay chống nạnh, mặt vênh vênh tự đắc.
Cứ mỗi lần ông ta quát tháo, đám phụ nữ lại nhất loạt giật mạnh một cái làm cho khúc gỗ bị cặp chặt hai bên cũng phải tuân theo và dịch dần theo sau họ. Mỗi lần giật mạnh như thế mặt các chị lại căng thẳng, đỏ bừng lên, riêng một chị gầy còm, ốm yếu, thì tái nhợt đi, thậm chí tái xanh. Matrena lấy tay gạt chị ra và nói với chị, hệt như ông chủ Bim đã có lần xua nó:
- Tránh ra, ngồi nghỉ đi một tí, hay lại muốn nộp mạng cho Chúa đấy! - Rồi chị quay sang gã đàn ông: - Thôi nào, hô lên chứ, đồ phản đạo!
- Hai ba lên nào! - Sửa lại mũ bịt tai, lão tiếp tục gào rống, làm ra bộ mệt nhọc lắm. - Ôi, lần nữa nào, các mẹ ơi! Lão nhà tôi đi Kapkazơ rồi! Lão ấy không tới Kapkazơ! Lão ấy lấy vợ lẽ ở đấy rồi, cái đồ thổ tả sinh bệnh ấy! Thôi! Bỏ dụng cụ xuống!
Cái tiếng “sinh bệnh” đã có lần Bim nghe thấy lão Mũi Hớt thốt ra: cái tiếng ấy là xấu. Còn những tiếng kia thì nó không hiểu.
Cánh đàn bà bỏ hẳn xuống bên, cầm những cái nêm bằng sắt lên rồi dùng búa cán dài và nặng mà bổ xuống. Matrena nhẹ nhàng, cứ như chơi, bổ ba nhát là đóng chặt được nêm xuống đất, còn Chị Gầy cứ mỗi lần nện búa xuống lại kêu lên, rên rỉ:
- Úi chà! Úi chà!
- Thôi nào! Thôi nào! - Gã Sinh Bệnh vừa quát tháo, vừa nhồi thuốc vào tẩu. - Bắt tay vào! Nào! Anixia kìa! - Gã đến gần người đàn bà. - Giơ cao tay lên mà nện! Thu tay lại một tí nữa nó mới dễ cắm xuống chứ.
Anixia là Chị Gầy. Chị ta cứ loay hoay với từng cái nêm, lâu hơn những người khác và cuối cùng chị đã bị rớt lại một quãng. Đến đây đã diễn ra một chuyện kỳ lạ, khó hiểu đối với cánh đàn bà: Bim tiến lại gần Anixia, dáng điệu phờ phạc, rồi cũng giống như đối với Matrena, nó liếm vào đôi găng tay bạt mặn chát của chị. Mọi người đều ngửng tay, ngạc nhiên nhìn Bim.
Sau đó, được lệnh của gã Sinh Bệnh, tất cả ngồi tản vào các bụi rậm và giở bữa trưa ra ăn. Họ cho cả Bim ăn. Nó ăn. Giờ thì nó đã chịu nhận đồ ăn từ tay những người tốt. Cái đó đã cứu nó sống. Đến chiều, nó thấy nóng ruột: nó đi tới bên Matrena, ngồi xuống, uể oải giậm giậm hai chân trước, nhìn thẳng mắt chị, rồi lại lảng ra xa, nằm xuống, nhưng ngay sau đó lại đến gần, rồi lại lảng đi.
- Muốn bỏ đi hả, Tai Đen? - Matrena đoán hiểu. - Thế thì đi đi, đi đi, Tai Đen. Tao biết để mày đâu bây giờ? Chả có chỗ. Thôi đi đi vậy!
Bim từ biệt và ra đi, lững thững bước một, không ra kiểu chó chút nào. Nó đi ngược trở lại, dọc con đường sắt. Đường là đường, nó chỉ rõ đâu cần đi, nếu đi đúng hướng thì sẽ không bao giờ sợ lạc. Chỉ có điều là toàn thân ê ẩm vì trận đòn hôm qua của Lão Xám, chân bước đi mà miệng thở không ra hơi, - nhưng biết làm sao được! Cần phải đi. May mắn là đã được những người đàn bà tốt bụng kia bồi sức cho rồi, và cái lối mòn bên đường lại bằng phẳng, nhẵn nhụi. Dần dần quen chân, nó từ từ, từ từ chuyển sang nước kiệu. Chó là giống dễ nuôi và có sức sống dẻo dai như vậy đấy!
Nhìn bề ngoài thì chẳng thấy gì đặc biệt cả: một con chó ốm yếu chạy đủng đỉnh trên đường sắt. Có thế thôi.
Gần đến thị xã thì đường một đường hóa thành hai: thêm một đôi thanh sắt nữa dài vô tận chạy song song bên cạnh. Rồi chúng hóa thành ba. Tới cách cái chòi một quãng thì bỗng có hai con mắt đỏ lừ thay nhau nhấp nháy: trái, phái, trái, phải - liên tục bên này rồi bên kia. Màu đỏ đối với mọi con thú là màu đáng ghét; chẳng hạn như chó sói trông thấy dãy cờ đỏ buộc trên dây là bủn rủn cả bốn chân rồi, còn lũ chồn mà bị dây cờ đỏ bao vây thì nó đành ở lại trong vòng hai - ba ngày hoặc hơn nữa. Vì vậy Bim quyết định đi vòng, tránh đôi mắt to tướng đang nhấp nháy kia. Nó bước sang đường ray thứ ba, đứng dừng lại, ngoái nhìn con mắt đỏ đang nháy mà lưỡng lự xem có nên đi tiếp hay không. Nhưng rồi bỗng dưới chân có cái gì đó kêu ken két.
Bim rú lên vì cơn đau xé ruột. Không làm sao rút được chân ra khỏi đường ray: thân nó đã bị kẹp chặt giữa đường ghi khổng lồ. Tiếng rú của Bim chỉ có thể hiểu ra một nghĩa: “Ối giời ơi, đau quá! Cứu tôi vơ-ới”.
Quanh đấy không có người. Chẳng ai có lỗi cả. Dứt đứt chân mình như con sói có lúc đã làm khi bị sa vào cạm thì Bim chịu, không làm nổi. Nó trông chờ sự giúp đỡ, nó hy vọng người sẽ cứu nó.
Nhưng lại còn cái gì nữa thế này? Có hai con mắt trắng to tướng, sáng rực, chiếu xói vào mặt đường và vào Bim, làm nó lóa cả mắt, và cứ xích dần dần đến nó, lừ lừ chẳng nói chẳng rằng. Bim co dúm lại vì đau đớn và khiếp sợ Trong linh tính trước tai họa nó tự nhiên im bặt. Nhưng rồi con vật khủng khiếp có đôi mắt ấy đã đứng dừng lại cách nó chừng ba chục bước. Từ trong bóng đêm có người bước đến khu vực được chiếu sáng và chạy lại chỗ Bim. Lập tức xuất hiện người thứ hai.
- Sao mày lại sa vào đây. Khổ chưa. - Người thứ nhất hỏi.
- Làm thế nào bây giờ? - Người thứ hai hỏi người thứ nhất.
Từ người họ tỏa ra mùi gần giống như ở người lái xe. Cả hai đều đội mũ lưỡi trai, trên đính huy hiệu to tướng.
- Chúng mình sẽ ốm đòn vì cái cú đỗ tàu này đây, mặc dù là ta đã về sát đến ga rồi. - Người thứ nhất nói.
- Đến nước này thì cũng đành, - người thứ hai đáp và đi vào cái chòi.
Căn cứ vào giọng (chứ không vào lời) con Bim khốn khổ của chúng ta đã hiểu: đây là những người cứu tinh của nó. Bim nghe thấy tiếng chuông réo lên trong nhà chòi, sau đó một phút thì ghi đường đã nhả chân nó ra. Nhưng nó không nhúc nhích được, người nó cứng đờ. Một người ôm nó đưa ra khỏi đường ray. Bim xoay xoay người tại chỗ, kiểu sói, liếm đi liếm lại những ngón chân bị kẹp. Tuy nhiên nó vẫn nghe thấy tiếng nói vọng ra từ trong các ô cửa sổ và từ chỗ cửa ra vào của đoàn tàu (Thế mới biết giống chó tài quan sát thật). Trong bóng tồi, nhiều giọng nói khác nhau nhắc đi nhắc lại tiếng “chó” và “chó săn” - những tiếng rất dễ hiểu. Giờ đây, không bị quáng mắt nữa, nó đã nhìn thấy đoàn tàu nhô ra từ trong bóng tối, phía bên sườn nó.
Bim rất biết ơn những con người hiền lành tốt bụng ấy. Duyên do là: ở một chỗ nào đó có một ai đó đã bẻ ghi con đường trên đó Bim đang đi một cách tin cậy. Và bây giờ đây chẳng có “một ai đó” nào hơi đâu để ý đến chuyện một con chó nào đó bị kẹt chân vào ghi, thành què. Từ nay có cho kẹo Bim cũng không bao giờ đặt chân lên đường sắt nữa; nó hiểu điều ấy cũng như hồi bé nó đã hiểu: đâu có ô tô chạy thì chớ đi qua.
Bim chạy tập tễnh bằng ba chân, nhức nhối. Nó phải dừng lại luôn, liếm những ngón chân tê dại đang sưng vù lên. Máu dần dần bớt rỉ ra. Bim vẫn liếm hoài cho đến khi những ngón chân không ra hình thù gì nữa ấy trở nên sạch bong. Làm như vậy rất đau đớn, nhưng còn có cách nào khác? Con chó nào cũng biết: đau thật đấy, nhưng ráng mà chịu, đau đấy, nhưng ráng mà liếm, đau đấy, nhưng ráng mà im lặng.
... Nó tập tễnh về đến cửa nhà thân yêu của nó lúc đã quá nửa đêm. Không có gì! Vẫn không có dấu vết của Ivan Ivanưts. Bim định cào cào vào cửa như mọi lần, nhưng không tài nào làm được: chân đau, đứng đã không được, ngay đến ngồi cũng không chịu nổi, - chỉ mỗi cách là đứng bằng ba chân hoặc nằm sóng soài. Lúc này nó rúc mũi vào góc cửa kiểm tra lại mùi bên trong phòng: ông chủ không có đây. Vậy là ông ta đã đi biệt rồi. Nó đứng như thế hồi lâu, lấy đầu làm chỗ dựa cho toàn thân yếu đuối của mình. Rồi nó quay sang cửa phòng bà Xtêpanôvna, và trong giây phút tuyệt vọng, nó kêu to lên một tiếng ngắn gọn:
“Gâu!” (Tôi ở đây).
Bà Xtêpanôvna thốt lên:
- Ôi chao, lạy Chúa tôi! Mày đi đâu mà bị thế kia! - Bà mở cửa cho nó vào, rồi cũng đi theo vào phòng - Trời ơi, con chó, con chó bất hạnh, tao biết làm gì cho mày bây giờ? Sẽ nói thế nào với Ivan Ivanưts đây?
Bim mới vừa đặt mình nằm xuống giữa phòng, duỗi chân ra, nhưng... thế là thế nào? “Ivan Ivanưts à?”. Bim ngửng đầu cố quay về phía bà và nhìn bà, nhìn bà chằm chằm, không rời mắt, ý muốn hỏi: “Ivan lvanưts à? Ông ấy ở đâu?”
Bà Xtêpanôvna không biết cách đối xử với chó, không biết cho ăn uống và chăm nom nó, mặc dù vậy bà biết thương. Có lẽ cái tình cảm thương xót đã giúp cho bà hiểu được Bim, đoán ra được rằng tiếng “Ivan lvanưts” đã gợi lên trong lòng con chó một tia hy vọng.
- Phải, phải, Ivan Ivanưts, - bà nhấn mạnh. - Đợi tí, tao trở lại ngay. - Bà hấp tấp đi ra, rồi lập tức quay trở lại với lá thư trong tay, gí tận mũi cho nó ngửi: - Mày thấy chưa? Ivan Ivanưts thư về đấy.
Bim, con chó Bim tội nghiệp, đã chết đi sống lại, bị nghiến nát rồi được cứu thoát, ốm đau và không còn mảy may chút hy vọng, con Bim ấy run lên. Nó gí mũi vào lá thư rồi đưa lên mũi lần theo mép giấy: đúng, đúng, đúng rồi... Chính ông ta đã miết ngón tay lên phong bì ở chỗ này chỗ kia. Khi bà Xtêpanôvna cầm phong thư dưới sàn lên, rút ở trong ra một lá thư, Bim gắng gượng đứng dậy và xích lại gần bà; bà rút tờ giấy trắng tinh ra ngoài phong bì, đặt xuống trước mặt Bim.
Nó vẫy đuôi mừng: ở đây có mùi các ngón tay Ivan Ivanưts. Đúng, ông đã cố ý cọ ngón tay vào đó.
- Ông ấy gửi thư cho mày đó, - bà Xtêpanôvna nói.
Ông ấy đã viết thế này: “Đưa cho Bim tờ giấy trắng này”.
- Bà ta chỉ trỏ sát vào tờ giấy và nói:
- Ivan Ivanưts... Ivan Ivanưts đấy.
Bỗng dưng Bim bủn rủn nằm phục xuống sàn và vươn dài người ra, đặt dầu lên tờ giấy. Từ trong khóe mắt nó lăn ra những giọt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời Bim khóc. Đó là những giọt nước mắt hy vọng, nước mắt sung sướng, và tôi xin nói với các bạn rằng đó là những giọt nước mắt đẹp nhất trên thế gian này, không kém gì những giọt nước mắt của niềm vui gặp gỡ và hạnh phúc.
Bạn đọc thân mến, có Chúa chứng giám, xin hãy tin tôi: Giống chó Xette biết cười và biết khóc đó.
… Bà Xtêpanôvna bắt đầu hiểu con chó, nhưng bà cũng thấy rằng mình bà thì không thể cáng đáng được, không làm gì được. Bà ngồi cạnh Bim rất lâu và ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. Bà đâm ra muốn về quê sống, về nơi bà sinh ra và lớn lên, và bà cảm thấy buồn phiền vì phải sống trong cái lồng bằng đá này, nơi những con người hàng bao nhiêu năm cùng sống chung một nhà, cùng ra vào một lối cổng, mà lại không hề quen biết nhau. Dù sao bà vẫn còn đoán ra là cần cho Bim uống nước.
Ôi chao, con chó khát nước quá!
Nó đứng khom khom, uống lấy uống để, làm bắn vung ra sàn, rồi sau đó lại về nằm giống như lúc đầu. Bim lim dim mắt, dường như thiếp đi.
Trước lúc trời sáng, bà Xtêpanôvna đi ra, chân bước nhẹ cứ như sợ làm mất giấc của người đang ốm nặng.
Ở giữa phòng chỉ còn một mình con chó nằm cô đơn. Bim đã ngủ được bao lâu, nó cũng chẳng hay: có thể chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng có khi đã mấy ngày rồi cũng nên. Vì cái chân nhức nhối mà nó đã thức dậy. Lúc này là ban ngày bởi vì có nắng chiếu vào. Mặc dù đau, nó vẫn nhớ ngửi tờ giấy. Hơi của chủ đã nhạt đi nhiều và chỉ còn thoang thoảng, nhưng cái đó đâu có quan trọng nữa. Cái chính là ông vẫn còn sống, đang ở đâu đó, vì vậy phải đi tìm. Bim đứng dậy, uống một hơi hết chỗ nước trong bát rồi đi cà nhắc khắp phòng bằng ba chân. Đau thì đau, nhưng nó cứ đi, cứ đi, đi từ trong phòng ra ngoài hành lang và ngược lại, đi loanh quanh trong phòng. Bản năng của nó mách nó: nếu nằm nghiêng một bên mà vẫn đau, thì phải đi lại. Không bao lâu nó đã quen được cách di chuyển mà không làm cái chân giập nát bị đau đớn. Chỉ cần khe khẽ nâng cao bàn chân bị đau lên, chứ đừng kéo lê trên sàn nhà - làm thế thì đỡ đau. Đến khi bà Xtêpanôvna đem thức ăn sang, con chó đã vẫy đuôi mừng bà, rồi ăn hết thức ăn. Sao lại không ăn nhỉ khi niềm hy vọng đã hiện ra và đã lại nảy nở trong đầu con chó hai tiếng kỳ diệu: “Tìm” và “Đợi”.
Mặc cho nó có van nài hay cầu xin thế nào đi nữa, bà Xtêpanôvna vẫn không thả nó ra ngoài. (Ngồi nhà thôi, mày đang ốm).
Rút cuộc rồi bà cũng hiểu ra rằng Bim là một thực thể sống cho nên cần phải cho nó đi ra ngoài giải quyết những việc cần thiết. Rõ ràng là bà ta không biết đã có trường hợp chó bị chết vì đứt ruột hoặc bị táo bón nếu quá ba ngày mà không được thả. Những trường hợp như thế không phải là hiếm.
Tình thương lớn lao đầy tính người và tấm lòng phúc hậu đã chỉ đạo bà trong suốt cuộc đời. Chỉ vậy thôi. Bà móc sợi dây da vào vòng cổ Bim rồi bước ra. Và Bim tập tễnh đi bên cạnh.
Ngoài sân, ở một góc xa xa, có một đôi đang đứng: một bà lão đầu bạc và một con chó gầy còm chân thọt, bức tranh là như thế đó.
Bọn trẻ ở trong cổng chạy ra, vội vã đến trường. Một số trong bọn chúng chạy lại hỏi:
- Bà ơi, bà, sao con Bim lại đứng ba chân thế hả bà?
Hoặc là:
- Bim ơi, mày bị đau hả?
Nhưng phải chạy đến trường thôi: đó là trách nhiệm lớn lao, - đi học là trách nhiệm đầu tiên trong đời - trước gia đình, trước thầy cô, trước chúng bạn. Do vậy mà chúng không dám nán lại lâu, đành phải chạy đi. Sự kiện này hóa ra rất quan trọng cả đối với bà Xtêpanôvna, cả đối với Bim, mặc dù lúc này cả hai đều không hề hay biết gì, chỉ biết quay trở về nhà vì thời gian đã hết.
Ông Pantitưts (Paven Titưts Rưđaep) gặp cả hai ngay ở cổng ra vào và quay sang nói với bà:
- Nghĩa là thế này, bà ơi! Con chó đực này là con chó quý giá, nó phải được trông nom cẩn thận. Một khi chủ nó đã ủy nhiệm cho bà, thì tôi khuyên bà: Phải xích nó lại. Bắt buộc phải thế. Không nó chạy mất đấy. Bà không canh nó được đâu. Nhảy ra khỏi cửa là nó đi mất, thế là xong đời!
- Chả lẽ con chó khôn ngoan thế này mà lại phải xích lại ư? - Bà Xtêpanôvna phản đối một cách không tự tin.
- Làm sao, lại còn phải dạy hay bà nữa ư? Nên nhớ rằng: vắng chủ, lại không bị xích nữa. Khi chó đực đánh hơi thấy được tự do, thế là xong đời!
- Nhưng bị xích thì nó sẽ phát khùng lên mất.
- Bà phải hiểu chứ, bà tối dạ quá! Nó khùng nhưng sẽ giữ được cái mạng, xích lại, xích nó lại, đấy là lời chỉ dẫn của tôi cho bà biết. Tôi nói điều mong muốn tốt lành đấy. Phải xích lại!
Bà Xtêpanôvna không thể không tuân theo đề nghị của ông tổ trưởng được, bà đã bỏ ra mười rúp để mua sợi xích và mỗi lần ra sân bà dắt nó đi. Nhưng khi về nhà bà lại tháo xích ra, vứt trong góc nhà. Bà Xtêpanôvna ranh mãnh thật: sói mà no thì đàn cừu nguyên vẹn. Vả lại bản thân bà chỉ phải đưa nó đi hai ba lần trong ngày thôi, nguyên nhân của việc làm này là do có nhiều sự kiện bất bình thường luôn xảy ra quanh cái tên con Bim này.
----------
tiếp p3: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/03/con-bim-trang-tai-en-gtroiepponxki-p3.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét