Trái tim chó
Tác giả: Mikhail Bulgacov
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội - 1989
Chương 2
Việc học đọc là tuyệt đối chẳng để làm gì, một khi mùi thịt đã bốc xa đến hàng dặm như thế này. Thêm vào
đó, nếu như các người sống ở Moskva và
trong sọ dừa các người có ít nhiều nếp não, thì muốn hay không muốn trước sau
các người cũng biết chữ, mà lại chẳng cần trường với lớp nào hết. Trong số bốn
chục nghìn con chó ở Moskva này hoạ
chăng chỉ có một đứa nào thậm ngu chí dốt thì mới không biết xếp các chữ cái lại
thành từ “Hàng giò chả” mà thôi.
Sarik bắt đầu việc học chữ của mình là theo các mầu. Khi nó
vừa đầy bốn tháng tuổi, khắp Moskva treo đầy những tấm biển mầu xanh lơ với hàng chữ: LCTM - Liên hiệp
các công ty buôn bán thịt Moskva. Xin nhắc lại rằng tất cả những cái đó chẳng để
làm gì, vì không có nó thì ngửi mùi cũng biết là thịt rồi. Nhưng một lần đã xảy ra sự nhầm lẫn: định hướng theo cái mầu
xanh lơ khốn khổ đó, nhưng vì khứu giác của nó bị chiếc máy nổ phụt khói xăng
làm tịt đặc, nên thay vì hàng thịt Sarik lại chạy vào cửa hàng đồ điện của anh
em Golubizner trên phố Hàng Thịt. Ở đó chó được nếm một chập dây điện, mà cái
này phải nói là còn đằm hơn roi ngựa xà ích nhiều. Có thể coi thời điểm đáng nhớ
ấy là cái mốc khởi đầu quá trình tự đào
tạo của Sarik. Ngay lúc đó, khi đã đứng ở ngoài hè phố, Sarik liền hiểu ra rằng
“mầu xanh lơ” không phải bao giờ cũng có nghĩa là “Hàng thịt”; rồi vừa ép chặt
cái đuôi rát bỏng vì vết roi vào giữa
hai cẳng sau và tru lên ư ử, nó vừa nhớ lại rằng trên tất cả các tấm biển ở cửa
hàng thịt, ở phía đầu bên trái bao giờ cũng là một hình hai chân mầu vàng hoặc
mầu hung đỏ trông giống như cỗ xe trượt
tuyết.
Tiếp đó việc học diễn ra càng kết quả hơn. Chữ A nó học được
ở “Tổng công ty cá” trên góc phố
Mokhova, rồi liền đó là “C”, - nó học ngược từ cuối chữ “Cá” trở lên tiện hơn,
vì đứng lù lù ngay đầu hàng chữ là một ông công an dang hai cánh tay thẳng đuột.
Những khối vuông gạch tráng men ốp ở các chỗ góc phố Moskva
bao giờ cũng có nghĩa là “Phómát”. Cái hình đứng ưỡn ngực ở đầu từ có nghĩa là ông chủ quán cũ
Chiskin, là những đống rượu vang đỏ Hà
Lan, là những tay quản lý thú dữ rất căm ghét chó, là mạt cưa trên sàn và mùi
phó mát Bakstein khăm khẳm tởm lợm.
Nếu như ở đâu chơi đàn gió, - cái đó còn ít nhiều khá hơn
“ôi Ai đa yêu dấu” - và bốc mùi xúc xích, thì những chữ cái đầu tiên trên tấm biểu ngữ trắng sẽ đặc biệt dễ dàng xếp
thành những từ “Không nó...”, có nghĩa là “Không nói tục chửi bậy và không
cho tiền boa”. Ở đây thường nổ ra những
trận ẩu đả, có người bị đánh vào mõm, tuy thực ra mà nói cũng không phải là nhiều
lắm, chỉ có chó là bị quật thường xuyên thôi - bằng khăn trải bàn hoặc bằng ủng.
Còn nếu như trên cửa sổ treo những súc giăm bông ôi và
bày la liệt những quả quít, thì đó...
gâu- gâu-... thì đó là “Cửa hàng thực phẩm”. Còn nếu như trên quầy bày những
chai thẫm mầu với chất lỏng tồi tệ , là... là... “Rờ-ư-rư-ơ-ơu rượu...”. Trước kia là cửa hàng của anh em nhà Eliseev.
Quý ngài lạ mặt dẫn chó đến bên cửa căn hộ sang trọng của mình trên tầng hai, bấm chuông; chó lập tức
ngước mắt lên nhìn tấm biển lớn mầu đen với những chữ cái vàng choé treo bên cạnh
cánh cửa rộng bản lắp kính hồng gợn sóng. Ba chữ cái đầu nó đọc được ngay:
“Pê-rờ-o – Pro”. Nhưng tiếp đó là một hình của nợ có hai thanh ngang, chẳng hiểu
có nghĩa gì. Chẳng lẽ là “vô sản?”.
Sarik ngạc nhiên nghĩ. – “Điều đó là không thể được”. Nó hếch
mũi lên, ngửi chiết áo lông khoác ngoài
một lần nữa, rồi nhủ thầm chắc chắn: “Không, ở đây không có mùi vô sản. Hẳn đây
là một từ bác học nào đấy có trời mới biết
nó nghĩa là gì”.
Ánh điện rực rỡ bỗng bừng lên phía trong cánh cửa lắp kính hồng,
càng làm nổi bật hơn tấm biển đen. Cánh cửa mở ra tuyệt đối không tiếng động, và một phụ nữ trẻ xinh
đẹp, mặc tạp dề trắng, đội mũ vải viền đăng
ten xuất hiện trước mặt con chó và
quý ngài của nó. Một luồng hơi ấm thần tiên bao trùm lên người chó, và chiếc váy của người phụ nữ như toả ra
mùi hoa linh lan.
“Có thế chứ, cái này thì ta hiểu”,- chó nghĩ.
- Xin mời vào, thưa ngài Sarik,- quý ngài hài hước mời, và
Sarik ve vẩy đuôi sùng kính bước vào phòng.
Một số lượng khổng lồ các vật dụng bày biện đầy căn phòng
ngoài sang trọng. Đập ngay vào mắt là tấm gương lớn kê sát sàn nhà, trong đó lập
tức hiện ra một Sarik bơ phờ xơ xác thứ hai; phía trên cao là những chiếc sừng
hươu khủng khiếp; quanh tường là vô số áo choàng lông và ủng cao su đi ngoài; một
bông hoa tuy líp bằng đá pan lắp bóng điện gắn trên trần.
- Bác lấy nó ở đâu ra thế, bác Philíp Philippovich?- người phụ nữ mỉm cười hỏi và giúp quý ngài cởi chiếc
áo khoác ngoài nặng trịch bằng lông cáo
bạc phát ra vô vàn ánh lửa xanh biếc.
Sau khi cởi áo lông khoác ngoài, trên người quý ngài là bộ
com lê đen bằng nỉ Anh, sợi dây chuyền vàng trên bụng quý ngài lấp lánh những
tia sáng đùng đục vui mắt.
- Gượm đã nào, đừng có quay như thế, chiu... ta bảo đứng có
quay, đồ ngốc. Hừm?... Đây không phải là ghẻ... Hừm! A- a. Đây là vết bỏng. Thằng đểu nào làm nhà ngươi bỏng thế
này? Hả? Đứng yên xem nào!... - quý ngài
hỏi nghiêm khắc và nóng nảy.
“Lão đầu bếp khổ sai, lão đầu bếp!”- con chó như muốn thốt
lên bằngđôi mắt sầu não và khẽ rên ư ử.
- Dina, - quý ngài ra lệnh,- đưa nó vào phòng khám ngay và…
- Cha ơi! Nó lắm ghẻ quá!
- Nói vớ vẩn. Ghẻ ở đâu? lấy áo choàng cho tôi.
Người phụ nữ huýt gió, bật ngón tay; con chó, sau một thoáng
chần chừ, bèn đi theo. Cả hai bước ra dãy hành lang hẹp tối mờ, bỏ qua một cánh cửa sơn vécni, đi đến
cuối hành lang rồi rẽ trái và bước vào một căn buồng nhỏ và tối; ngay tức khắc
con chó cảm thấy không thích căn phòng
này vì cái mùi đáng sợ của nó. Bóng tối bật tách một tiếng và biến thành ánh
ngày chói chang, từ tất cả bốn phía mọi
vật đều như phát sáng, lấp loáng, trắng toát.
“Ê, không được rồi... - chó thầm tru lên. - Xin lỗi con
không chịu đâu! Tôi hiểu rồi, ôi quỷ tha
ma bắt họ với mẩu giò của họ đi. Té ra họ
đã nhử ta đến nhà thương chó. Bây giờ bọn họ sẽ bắt ta nuốt thuốc tẩy rồi dùng
kéo cắt nát cả sườn ra, mà ta thì chỉ chạm đến cũng đã không chịu được rồi?”
- Ê, kìa, đi đâu?! - người phụ nữ có tên là Dina kêu to.
Chó quay ngoắt lại, nhún người và bất ngờ văng mình đập phía
sườn lành vào cánh cửa, mạnh đến nỗi rung động cả căn hộ. Rồi nó bắn lùi lại,
quay tròn tại chỗ như con quay, làm đổ ra sàn một chiếc xô trắng, từ trong xô
những nắm bông bắn ra tung tóe. Trong khi quay, xung quanh nó những bức tường,
những chiếc tủ bày các dụng cụ bóng loáng chao đảo, tấm tạp dề trắng và bộ mặt
méo xệch của người phụ nữ nhảy chập chờn.
- Đi đâu cái con quỷ bờm xờm kia?...- Dina hét lên tuyệt vọng.-
Đúng là đồ chết tiệt!
“Cửa sau của họ ở đâu nhỉ?” - chó nghĩ. Nó thu người lại rồi văng mình hú hoạ vào một tấm kính với hy vọng
rằng đó là cánh cửa thứ hai của căn
phòng. Những mảnh kính vỡ vụn bắn tung loảng xoảng, một chiếc lọ hình tròn ở
phía dưới rơi xuống sàn, dòng chất lỏng mầu hung thẫm đựng trong lọ lập tức đổ
loang ra và bốc mùi thối. Vừa lúc đó cánh cửa thật bật mở.
- Đứng lại, ớ… đồ súc sinh, - quý ngài, chiếc áo choàng mới
xỏ được một tay, hét lên và nhảy vào chộp lấy chân chó.
- Dina, túm lấy cổ cái đồ khốn nạn này.
- Cha... cha ơi, đúng là chó!
Cánh cửa lại mở ra rộng hơn, thêm một nhân vật giống đực mặc
áo choàng chạy xô vào. Dẫm chân lên những mảnh kính vỡ, nhân vật đó không chạy
đến chỗ con chó, mà đến bên tủ, mở ra; lập tức một mùi ngòn ngọt, lờm lợm toả
ra khắp căn buồng. Rồi nhân vật đó đè lên người chó, còn nó thì khoái chí đớp
ngay cho anh ta một miếng ở phía trên chỗ có sợi dây buộc giày. Nhân vật đó hét lên, nhưng không mất bình tĩnh. Cái chất
lỏng tởm lợm đã làm ngạt mũi chó, đầu óc nó quay tròn, chao đảo ,bốn chân duỗi dần ra, và nó như trôi dạt bồng bềnh đi đâu
đó. “Cám ơn, thế là hết, - nó mơ màng nghĩ, nằm vật ra ngay trên đống kính vỡ
nhọn sắc. - Vĩnh biệt nhé, Moskva? Ta sẽ chẳng còn bao giờ được trông thấy ông
Chiskin, cả những người vô sản và cả những khúc giò Cracov nữa. Ta sẽ lên thiên
đường vì sự nhẫn nhục của loài chó. Hỡi các anh em đồ tể, vì cớ gì mà các người
lại đối xử như vậy với ta?”. Đến đây nó
nằm thượt ra không động đậy và bất tỉnh.
* * *
Khi được hồi sinh, nó nghe trong đầu hơi choáng váng, trong
bụng hơi nôn nao, còn bên sườn thì dường như không nghe thấy gì, bên sườn lặng
yên đầy ngọt ngào, dễ chịu.
Chó cố hé mở con mắt phải lừ đừ và trông thấy mình bị băng
quấn kín ngang sườn và bụng. “Cuối cùng thế là họ cũng đã làm được, lũ chó đẻ,- nó đờ đẫn nghĩ, - nhưng thật
khéo léo, điều đó thì phải công nhận”.
- “Từ Sevilia đến Grenađa... trong bóng đêm thanh
bình”... - ngay bên cạnh vang lên một giọng
hát lơ đễnh, lạc điệu.
Chó ngạc nhiên, mở hẳn cả hai mắt ra và trông thấy cách đó
hai bước một bàn chân đàn ông đặt trên chiếc ghế đẩu trắng, ống quần dài và quần
mặc trong được xắn lên cao, bắp chân mầu vàng để trần loang lổ máu khô và iốt.
- Đây chắc là mình đã
đớp hắn. Quân bợ đỡ! Công trình của mình
đây. Họ sẽ đánh! - chó nghĩ bụng.
- “Êm đềm tiếng ca đêm, rền vang khua kiếm trận!” Sao nhà
ngươi, đồ dù thủ du thực, lại cắn bác sĩ? Hả? Tại sao làm vỡ kính? Hả?
- Hư-ư-ư-ư, - chó rên lên ai oán.
- Thôi, được rồi, đã tỉnh thì nằm yên đấy, đồ thộn.
- Bác Philip Philippovich, làm sao mà bác nhử được con chó bất
trị này thế hả bác?- một giọng đàn ông dễ nghe hỏi, và ống quần bằng vải trikô được thả xuống dưới.
Có mùi thuốc lá, rồi
trong tủ tiếng thuỷ tinh va vào nhau lanh canh.
- Bằng sự vỗ về âu yếm. Đó là phương pháp duy nhất để tiếp cận
mọi sinh vật sống. Bằng khủng bố thì không thể làm gì được với bất cứ một loại
động vật nào, dù nó ở trình độ phát triển cao hay thấp. Điều đó tôi đã đang và
sẽ khẳng định. Họ cứ hoài công nghĩ rằng khủng bố có thể giúp được họ. Dạ thưa
không ạ, không thể giúp được gì đâu, dù
cho đó là khủng bố trắng, khủng bố đỏ hay thậm chí là khủng bố nâu. Khủng bố sẽ
làm tê liệt hoàn toàn hệ thống thần
kinh. Dina? Tôi đã mua cho cậu cả này một rúp bốn mươi kôpếch giò Cracov. Nhờ
cô cho nó ăn khi nào nó hết nôn.
Tiếng kính vỡ bị quét đi
kêu loảng xoảng, và một giọng đàn bà nũng nịu:
- Giò Cracov! Lạy Chúa, cho nó thì chỉ cần mua loại thịt vụn bốn chục kôpếch một cân ở cửa hàng thịt là được
lắm rồi. Còn giò Cracov thì tốt nhất là để cháu ăn.
- Cô cứ thử xem? Tôi sẽ cho cô ăn! Đó là thuốc độc đối với dạ dày con người. Một cô gái đã lớn mà cứ hệt
như con nít, bất kỳ thứ bẩn thỉu vứt đi nào cũng nhét vào miệng. Tuyệt đối cấm.
Tôi báo trước cho biết, cả tôi, cả bác sĩ Bormental sẽ không thèm chữa cho cô
khi cô ôm bụng kêu đau đâu...
- “Ai dám nói rằng kẻ khác đẹp hơn em...”.
Có tiếng chuông rung ngắt quãng êm tai vang khắp cả căn hộ; còn từ xa, ở tận phòng ngoài, thỉnh thoảng
vẳng đến giọng người nói: Chuông điện thoại réo. Dina chạy biến đi. Philip
Philippovich ném đầu điếu thuốc lá vào chiếc xô, cài cúc áo choàng, đứng trước
tấm gương trên tường vuốt sửa lại bộ ria mềm
và gọi chó:
- Chiu-chiu. Chà, không sao, không sao. Ta đi tiếp
khách nào.
Chó đứng lên bằng bốn chân chưa vững, lảo đảo và run rẩy,
nhưng hồi sức rất nhanh, rồi bước đi theo vạt áo choàng bay phất phơ của Philip Philippovich. Chó đi qua dãy
hành lang hẹp, nhưng lần này thấy nó được chiếu rất sáng bằng một tán đèn tròn
treo trên trần. Khi cánh cửa sơn vécni mở ra, chó cùng Philip Philippovich bước
vào phòng làm việc. Sự bài trí của gian phòng làm cho chó choáng ngợp. Trước hết,
nó chói loà ánh sáng: đèn trên trần nhà có vẽ trang trí, đèn trên bàn, đèn trên
tường, đèn trong tủ kính. ánh điện chiếu
sáng vô vàn đồ vật, và cái làm cho Sarik chú ý nhất là một con cú lớn tướng ngồi
trên cành cây gắn vào tường.
- Nằm xuống,- Philip Philippovich ra lệnh.
Cánh cửa chạm trổ đối diện mở ra, và cái người vừa nãy bị nó
đớp bước vào; bây giờ dưới ánh sáng rực rỡ, trông anh ta rất trẻ, điển trai, với
bộ râu nhọn dưới cằm; anh ta trao cho Philip Philippovich một tờ giấy, nói:
- Ông khách cũ...
Và liền đó biến đi
không tiếng động; còn Philip Philippovich, khoát rộng tà áo choàng, ngồi vào
sau chiếc bàn viết khổng lồ, lập tức trở
nên đường bệ và quan trọng khác thường.
“Không, đây không phải nhà thương, mình đã rơi vào một cái
gì đó khác, - chó bối rối nghĩ và nằm xuống tấm thảm thêu cạnh chiếc ghế bành da đồ sộ, - còn con cú này thì
ta sẽ xem xét sau…”
Cánh cửa nhẹ nhàng mở ra; bước vào là một người khiến chó ngạc
nhiên đến nỗi nó buột sủa lên một tiếng, tuy tiếng sủa hãy còn rất yếu ớt.
- Im! Chà - chà, mà không thể nhận ra anh được nữa, anh bạn
thân mến ạ.
Người vừa bước vào cúi chào Philip Philippovich hết sức cung
kính và ngượng nghịu.
- Hi hi? Ngài quả là tiên ông và đại pháp sư, thưa giáo sư.
- ông ta bối rối đáp.
- Cởi quần ra, anh bạn,- Philip Philippovich ra lệnh và rời bàn đứng dậy.
“Lạy đức Chúa Giesus, - chó nghĩ, - cái thằng cha này!”
Tóc trên đầu “thằng cha” hoàn toàn xanh lè, còn sau gáy lại
chuyển sang mầu thuốc lá loang lổ, trán thằng cha đầy những nếp nhăn, nhưng da mặt hồng hào như mặt trẻ sơ
sinh. Chân trái không co duỗi được nên
phải kéo lê trên thảm, ngược lại chân phải cứ nhảy như choi choi. Một viên ngọc
quý ánh lên như con mắt nhỏ trên ve chiếc áo vét tông cực sang.
Vì quá tập trung nên chó mất cả cơn buồn nôn.
- Chắp, chắp! - nó khẽ
chép miệng.
- Im! Anh bạn ngủ thế nào?
- Hê-hê. Chỉ một mình chúng ta ở đây chứ, thưa giáo sư? Điều
đó thật không thể nào tả nổi,- người khách ngượng nghịu nói, - parole d’honneur, hai mươi lăm năm
chưa bao giờ như vậy cả,- “thằng cha” túm lấy cúc quần, - ngài có tin không,
thưa giáo sư, đêm nào cũng hàng đàn con
gái khỏa thân... Tôi như được bỏ bùa.
Ngài đúng là pháp sư.
- Hừm, - Philip Philippọvich vừa nhìn kỹ vào tròng mắt của
ông khách, vừa lo lắng hắng giọng.
Cuối cùng thì người khách cũng mở được hàng cúc và cởi xong chiếc quần dài vải sọc. Bên trong hiện
ra một chiếc quần lót chưa từng thấy bao giờ. Nó mầu kem sữa, có đính những con
mèo bằng lụa đen và nồng nặc mùi nước hoa.
Chó không chịu nổi lũ mèo, sủa váng lên một tiếng khiến “thằng
cha” nhảy dựng lên.
- Ái...
- Ta quật cho bây giờ? Anh đừng sợ, nó không cắn đâu.
“Mình mà không cắn ấy à?” - chó ngạc nhiên nghĩ.
Từ trong túi quần của người khách vừa đến rơi xuống thảm một
chiếc ảnh nhỏ in hình cô gái với mái tóc bỏ xõa. “Thằng cha” nhảy vội đến, cúi
xuống nhặt, đỏ lựng mặt lên.
- Nhưng mà anh coi chừng đấy,- Philip Philippovich giơ ngón
tay ra doạ, cau có cảnh cáo.- Dù sao cũng nên coi chừng, chớ có lạm dụng!
- Tôi không lạm... – “thằng cha” vẫn tiếp tục cởi quần, bối
rối lẩm bẩm,- tôi ấy mà, thưa bác sĩ, chỉ là để thử nghiệm thôi.
- Thế kết quả thế nào? - Philip Philippovich nghiêm khắc hỏi.
“Thằng cha” khoát tay trong cơn khoái lạc tột độ:
- Hai mươi lăm năm, thưa giáo sư quý mến, không có gì như thế
cả. Lần cuối cùng vào năm 1899 ở Paris, trên Ruede la Puer.
- Thế tại sao tóc anh lại xanh lè thế kia?
Mặt người khách tối sầm lại.
- Cái hãng Girkost đáng nguyền rủa? Ngài không thể tưởng tượng
nổi là bọn vô lại kia thay cho thuốc nhuộm đã nhét cho tôi cái gì đâu? Ngài thử
nhìn xem, - “thằng cha” vừa lẩm bẩm vừa đưa mắt tìm gương. - Phải nện vỡ mõm
chúng ra mới được!- ông ta giận dữ nói thêm.
- Bây giờ tôi phải làm gì đây, thưa giáo sư? - ông ta hỏi
như sắp khóc...
- Hừm, anh cạo trọc đầu đi.
- Thưa giáo sư, - ông ta thốt lên não nuột, - nhưng tóc bạc
sẽ lại mọc lên. Hơn nữa, tôi sẽ không thể
thò mặt đến nơi làm việc, tôi đã ba ngày nay không đi làm rồi. Ôi, giáo sư, giá
như ngài phát minh ra cả cách làm cho tóc trẻ lại nữa!
- Không thể ngay được, không thể ngay được, anh bạn thân mến
của tôi ạ,- Philip Philippovich lẩm bẩm.
Cúi người xuống, giáo sư đưa ánh mắt sáng lấp lánh xem xét kỹ
chiếc bụng trần của người khách.
- Thôi được rồi, rất tốt, tất cả đều ổn định. Thật lòng mà nói,
thậm chí tôi không đợi một kết quả như vậy. “Đã nhiều máu đỏ, đã nhiều lời
ca...”. Mặc quần vào đi, anh bạn!
- “Còn tôi với cô nàng đẹp nhất...” - Người khách hoạ theo bằng giọng rè như chảo gang mẻ, và rạng
rỡ mặt mày, bắt đầu mặc quần vào. Sau khi sửa soạn lại áo quần chỉnh tề, ông ta
vừa nhún nhảy và tỏa ra quanh mình mùi nước hoa, vừa trao cho Philip
Philippovich một xấp tiền trắng rồi dịu dàng nắm chặt cả hai tay giáo sư.
- Hai tuần tới anh có thể không đến?- Philip Philippovich
nói.- Nhưng dù sao tôi cũng xin anh hãy cẩn thận.
- Thưa giáo sư! - từ phía ngoài cửa vọng lại giọng nói đầy khoái cảm, - xin ngài hãy tuyệt đối yên tâm,
- giọng nói khúc khích ngon lành rồi biến
mất.
Tiếng chuông ngắt quãng lại vang lên khắp căn hộ, cánh cửa
sơn vecni lại mở ra, người bị đớp lại bước vào, trao cho Philip Philippovich tờ
giấy và nói:
- Tuổi khai không đúng. Chắc khoảng 54 - 55. Tiếng tim trầm.
Anh ta lại biến mất và thay vào đó là một bà áo váy sột soạt
mũ đội lệch vẻ ngang tàng, vòng hạt chuyền ánh lên lấp lánh trên chiếc cổ nhão
nhăn nheo. Những quầng đen khủng khiếp treo dưới con mắt, còn hai má thì đỏ hồng lên như má
búp bê.
Bà ta có vẻ rất hồi hộp.
- Thưa bà, bà bao nhiêu tuổi?- Philip Philippovich hỏi hết sức
nghiêm khắc.
Người đàn bà hốt hoảng và thậm chí tái nhợt đi dưới lớp vỏ đỏ
hồng trên má.
- Thưa giáo sư, tôi xin thề, nếu như ngài biết được tôi đã gặp
một tấn bi kịch như thế nào!...
- Bà bao nhiêu tuổi?- Philip Philippovich nhắc lại còn
nghiêm khắc hơn trước.
- Tôi xin thề... Hừm, bốn lăm ạ...
- Thưa bà, - Philip Philippovich cao giọng. - Tôi đang vội,
xin bà đừng làm mất thời giờ, tôi đâu phải chỉ tiếp một mình bà!
Bộ ngực người đàn bà phập phồng dữ dội.
- Tôi xin nói với riêng ngài như với một ngôi sao khoa học... Nhưng tôi xin thề, điều đó thật khủng khiếp...
- Bà bao nhiêu tuổi? - Philip Philippovich giận dữ quát to,
cặp mắt kính ánh lên lấp loáng.
- Năm mươi mốt? - Co rúm người lại vì kinh hoàng, người đàn bà đáp.
- Cởi quần dài ra, thưa bà,- Philip Philippovich thốt lên nhẹ
nhàng và chỉ vào chiếc bục trắng cao đặt trong góc phòng.
- Thưa giáo sư, tôi xin thề,- người đàn bà lẩm bẩm, mấy ngón tay run rẩy lần mở những khuy nút nào đó
trên thắt lưng,- cái tay Morits này...
Tôi xin thú thật với ngài...
- “Từ Sevilia đến Grenađa...” - Philip Philippovich lơ đễnh
hát và giậm chân lên bàn đạp của chiếc bồn sứ. Nước lập tức róc rách chảy ra.
- Xin thề có Chúa chứng giám!- Người đàn bà nói, những vết đỏ
tự nhiên nổi rõ qua mầu hồng nhân tạo trên hai gò má của bà ta.
- Tôi biết rằng đây là khát vọng cuối cùng của tôi. Nhưng hắn
ta thật đểu. Ô, thưa giáo sư! Hắn là một
tay cờ bạc đại bịp bợm, điều đó khắp Moskva ai cũng biết. Hắn không thể nào bỏ
qua một ả thợ may đáng tởm nào. Mà hắn ta lại trẻ đến thế.
Người đàn bà lẩm bẩm và ném từ dưới chiếc váy sột soạt ra một
nắm đăng ten vò nhàu.
Chó cảm thấy mụ mẫm hẳn đi, mọi thứ trong đầu quay cuồng đảo
lộn.
“Hừ, mặc mẹ các người, - chó đờ đẫn nghĩ, kê đầu lên hai
chân trước và thiếp đi vì xấu hổ, - ta sẽ không chủ bụng hiểu đây là cái gì -
dù sao thì ta cũng không hiểu nổi”.
Tỉnh dậy vì tiếng loảng xoảng, nó trông thấy Philip
Philippovich đang ném vào chậu những đoạn ống gì đó sáng loáng.
Người đàn bà má lốm đốm ép hai tay vào ngực, nhìn Philip
Philippovich với ánh mắt đầy hy vọng. Giáo sư cau mày vẻ quan dạng và ngồi vào
bàn hí húi viết một cái gì đó.
- Thưa bà, tôi sẽ cấy cho bà buồng trứng của khỉ cái, - ông
tuyên bố và ngó bà ta thật nghiêm khắc.
- Ôi, giáo sư, chẳng lẽ là của khỉ ư?
- Đúng thế,- Philip Philippovich đáp thẳng thừng.
- Khi nào sẽ phẫu thuật ạ? - Tái mặt, người đàn bà hỏi bằng
giọng yếu ớt.
- “Từ Sevilia đến Grenađa...”. Ư ư... thứ hai. Bà hãy vào nằm
viện từ sáng. Trợ lý của tôi sẽ chuẩn bị cho bà.
- Ôi, tôi không muốn vào viện đâu. Có thể ở chỗ ngài được
không, thưa giáo sư?
- Bà thấy đấy, tôi chỉ làm phẫu thuật ở đây trong những trường
hợp thật cần thiết. Như vậy sẽ rất đắt, năm chục tờ mười rúp đấy.
- Tôi đồng ý, thưa giáo sư!
Nước lại róc rách chảy, chiếc mũ cắm lông chim chập chờn, rồi một cái đầu hói như đít đĩa hiện ra và ôm
lấy Philip Philippovich. Chó mơ màng; cơn buồn nôn đã qua, nó khoan khoái với bên sườn đã hết đau, với hơi ấm trong
phòng, thậm chí nó còn cất tiếng ngáy và kịp trông thấy một mẩu chiêm bao dễ chịu,
dường như nó ngoạm được ở đuôi con cú cả một túm lông...
Rồi một giọng nói lo
lắng chợt sủa ngay trên đầu nó.
- Tôi quá nổi tiếng ở Moskva, thưa giáo sư. Tôi phải làm
gì bây giờ?
- Ôi thưa các ngài,- Philip Philippovich kêu lên phẫn nộ,-
không thể như thế được? Cần phải kìm mình chứ? Cô ta bao nhiêu tuổi?
- Mười bốn, thưa giáo sư... Ngài hiểu không, nếu việc lộ
ra, tôi chết mất. Ít ngày nữa tôi sẽ nhận
được quyết định đi công tác nước ngoài.
- Nhưng tôi đâu phải là trạng sư, anh bạn... Thì anh đợi thêm hai năm nữa và cưới cô ta.
- Tôi đã có vợ, thưa giáo sư.
- Ôi, thưa các ngài, thưa các ngài!
Cánh cửa liên tục mở ra, những bộ mặt thay nhau, tiếng dụng
cụ khua lách cách trong tủ, Philip Philippovich làm việc không ngơi tay.
“Một căn hộ đáng ngờ,- chó nghĩ,- nhưng thật là tuyệt vời!
Mà ông ta cần mình để làm quỷ quái gì nhỉ? Chẳng lẽ ông ta sẽ để cho mình sống ở
đây? Đúng là kỳ quặc! Bởi vì ông ta chỉ
cần nháy mắt một cái là có ngay bất kỳ một con chó nào! Hay có thể vì mình đẹp?
Hẳn đây là số phận may mắn của mình. Còn con cú kia thật đáng ghét. Đồ trơ
tráo”.
Chó tỉnh hẳn dậy lúc trời đã về khuya, khi những hồi chuông
ngớt kêu, đúng vào cái khoảnh khắc cánh cửa mở ra để cho những người khách đặc
biệt bước vào. Họ đến bốn người cùng một lúc. Tất cả đều còn trẻ và tất cả đều ăn mặc rất khiêm
tốn.
“Những người này cần gì?”- chó ngạc nhiên nghĩ. Philip
Philippovich đón khách với vẻ còn khó chịu hơn nhiều. Ông đứng cạnh bàn viết, nhìn những người vừa bước vào
như một viên tướng nhìn kẻ thù. Hai lỗ mũi của chiếc mũi diều hâu phập phồng.
Những người khách dẫm chân tại chỗ trên mặt thảm.
- Thưa giáo sư, chúng tôi đến gặp ông... - người có mớ tóc
xoăn tít cực rậm, dày đến một phần tư arsin trên đầu, cất tiếng nói, - về việc...
- Các ngài, thời tiết thế này mà các ngài không đi ủng cao
su, thật không nên,- Philip Philippovich cắt ngang vẻ bề trên,- thứ nhất, các
ngài sẽ bị cảm lạnh; và thứ hai nữa, các ngài làm vấy bẩn hết lên thảm, mà tất
cả thảm của tôi đều là thảm Ba Tư.
Anh thanh niên có mái tóc dày ngừng bặt, cả bốn người
ngơ ngác nhìn Philip Philippovich chằm
chằm. Sự im lặng kéo dài mấy giây, nó chỉ bị ngắt quãng bởi tiếng ngón tay của
Philip Philippovich gõ lên mặt chiếc đĩa gỗ đặt trên bàn.
- Thứ nhất, chúng tôi không phải là “các ngài”, - cuối cùng,
người trẻ nhất trong số bốn người, có vẻ mũm mĩm như một trái đào chín, cất tiếng.
- Thứ nhất, - Philip Philippovich cắt lời anh ta,- ngài là
đàn ông hay đàn bà?
Cả bốn người lại im bặt, mồm há hốc. Lần này thì người thứ
nhất, anh thanh niên có mớ tóc dày, trấn tĩnh trước:
- Thì có khác gì nhau, thưa đồng chí?- anh ta ngạo nghễ hỏi.
- Tôi là đàn bà.- Người thanh niên mũm mĩm như quả đào, mặc
áo da chợt thú nhận và đỏ bừng mặt. Tiếp theo, một trong số những người khách
bước vào phòng, có mớ tóc vàng hoe đội mũ
lông cao, không hiểu sao cũng đỏ chín cả mặt lên.
- Nếu thế thì chị có thể cứ đội mũ. Còn ngài, thưa quý
ngài, xin cởi hộ chiếc mũ của ngài ra ạ,-
Philip Philippovich nói bằng giọng đường
bệ.
- Tôi không phải là “quý ngài” của ông.- anh thanh niên tóc
vàng vừa cởi mũ vừa tuyên bố gay gắt.
- Chúng tôi đến gặp ông,- người tóc đen dày lại lên tiếng.
- Trước hết, “chúng tôi” là ai?
- Chúng tôi là Hội đồng quản trị mới của khu nhà,- anh tóc
đen nói trong cơn giận dữ cố kìm lại.- Tôi là Svonđer, chị này là Viazemskaia,
đây là các đồng chí Petrukhin và Jarovkin. Chúng tôi đến...
- Có phải các anh được phân vào căn hộ của Phedor Pavlovich
Xablin không?
- Vâng, chúng tôi. - Svonđer đáp.
- Lạy Chúa, nhà Kalabukhov thế là hết! - Philip Philippovich với vẻ căm ghét, tuyệt
vọng kêu lên và vung hai tay lên trời.
- Ông cười đấy à, thưa giáo sư? - Svonđer phẫn nộ.
- Tôi đâu có cười? Tôi trong cơn vô cùng tuyệt vọng,- Philip
Philippovich thốt lên,- bây giờ hệ thống lò sưởi bằng hơi nước sẽ ra sao?
- Ông nhạo báng đấy à, giáo sư Preobrajenski?
- Các anh đến gặp tôi có việc gì? Các anh nói nhanh lên,
bây giờ tôi phải đi dùng bữa đây.
- Chúng tôi là Hội đồng quản trị khu nhà,- Svonđer lên tiếng.-
đến gặp ông sau cuộc họp toàn thể của những
người cư trú trong khu nhà của chúng ta. Ở đó vấn đề về việc đưa người đến ở thêm các căn hộ
được đặt ra...
- Ai đặt ra cái gì? - Philip Philippovich thốt lên? - xin
ngài diễn đạt ý nghĩ của mình rõ ràng
hơn.
- Vấn đề về việc đưa người đến ở thêm các căn hộ.
- Đủ rồi! Tôi đã hiểu! Các ngài có biết rằng theo quyết định
ngày mười hai tháng Tám năm nay, căn hộ của tôi được miễn mọi thứ đến ở thêm ở
thắt hay không?
- Chúng tôi có biết. - Svonđer đáp. - Nhưng hội nghị toàn thể,
sau khi xem xét vấn đề của ông đã đi đến kết luận, rằng tóm lại và nói chung là
ông chiếm một diện tích rộng quá mức. Hoàn toàn là quá mức. Một mình ông sống trong bảy phòng.
- Một mình tôi sống và làm việc trong bảy phòng, - Philip
Philippovich đáp. - Và tôi muốn có được phòng thứ tám. Tôi cần có nó để làm thư viện.
Cả bốn người sững sờ.
- Phòng thứ tám? ê-hê-hê! - Anh thanh niên tóc vàng bị bắt bỏ
mất mũ lên tiếng.- Cái đó quả thật là thú vị!
- Là không thể tưởng được!- anh thanh niên hóa ra là đàn bà
cũng thốt lên.
- Phòng tiếp khách của tôi, các anh lưu ý cho, đồng thời lại
là thư viện, rồi phòng ăn, phòng làm việc, là ba. Phòng khám là bốn. Phòng mổ
là năm. Phòng ngủ của tôi là sáu và phòng cho người phục vụ là bảy. Nhìn chung còn thiếu... Mà thật
ra, điều đó không quan trọng. Căn hộ của tôi được miễn, và câu chuyện chấm hết.
Tôi có thể đi dùng bữa được chứ ạ?
- Xin lỗi, - người thứ tư giống như một con bọ hung chắc khoẻ, nói.
- Tôi xin lỗi,- Svonđer ngắt lời anh ta,- chúng tôi đến đây
chính là để trao đổi về cái phòng ăn và phòng khám ấy. Hội nghị toàn thể đề nghị
ông, chiều theo điều khoản về kỷ luật lao động, tự nguyện nhường lại phòng ăn.
Hiện nay không ai ở Moskva có phòng ăn hết...
- Thậm chí cả Aisedora Đunkan,- Cô gái hét lên lanh lảnh.
Có một cái gì đó xảy ra với Philip Philippovich khiến cho
khuôn mặt ông đỏ hồng lên; ông không nói một lời nào, đợi xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo.
- Và cả phòng khám cũng vậy,- Svonđer nói tiếp,- phòng khám
có thể kết hợp rất tốt với phòng làm việc.
- Thế đấy,- Philip Philippovich thốt lên bằng một giọng rất lạ lùng. - Thế tôi cần phải ăn ở đâu?
- Trong buồng ngủ, - cả bốn người đồng thanh trả lời.
Mầu hồng trên mặt Philip Philippovich bắt đầu có sắc
xanh xám.
- Ăn trong phòng ngủ.- ông cất tiếng, nói bằng giọng hơi
nghèn nghẹn,- đọc sách trong phòng khám, thay quần áo trong phòng khách, tiến hành phẫu thuật trong phòng
ở của người phục vụ? còn khám bệnh trong phòng khách. Rất có thể là Aisedora
Đunkan làm như thế thật. Có thể bà ta ăn uống trong phòng làm việc, còn mổ thỏ thì ở trong phòng tắm. Có thể
như thế lắm. Nhưng tôi không phải là Aisedora Đunkan. - ông bỗng gầm lên,
và mầu hồng trên mặt ông biến thành màu
vàng.- Tôi sẽ ăn ở trong phòng ăn, phẫu thuật ở trong phòng mổ! Các anh hãy
thông báo điều đó cho cái hội nghị toàn thể, và tha thiết xin các anh hãy trở về
làm công việc của các anh, hãy để cho tôi được ăn tại cái nơi mà tất cả những
con người bình thường vẫn ăn, tức là trong phòng ăn, chứ không phải ở phòng
ngoài, cũng như không phải ở phòng ngủ của
trẻ con.
- Vậy thì, giáo sư, do hành động một mực chống đối của ông,-
Svonder đã mất bình tĩnh, nói, - chúng tôi sẽ gửi đơn lên cấp trên.
- Ái chà,- Philip Philippovich thốt lên,- vậy sao?- Giọng của ông chợt có vẻ lịch sự một cách đáng ngờ. -
Xin chờ tôi một phút.
“Thế mới là anh hào chứ,- chó thán phục nghĩ thầm,- giống hệt mình. Ồ, ông ấy sẽ đớp họ ngay bây giờ,
ôi, ông ấy sẽ đớp. Mình chưa biết là bằng cách nào, nhưng ông ấy sẽ đớp phải biết...
Phải cho họ một trận! Giá như mình đớp cho cái tay cò hương này một miếng vào đám gân bắp chân phía trên ống ủng
kia... gừ... ừ... ừ...”
Philip Philippovich ấn lên cần điện thoại, gỡ ống nghe và
nói vào đó như sau:
- Cho tôi xin... vâng ạ... cám ơn... cho tôi gặp Piotr
Aleksandrovich. Giáo sư Preobrajenski đây. Anh Piotr Aleksandrovich đấy à? Rất
mừng là gặp được anh. Cám ơn, tôi khỏe. Anh Piotr Aleksandrovich này, ca mổ của anh phải hoãn lại.
- Cái gì ạ?
- Hủy hoàn toàn. Cũng như tất cả các ca mổ khác. Lý do
là tôi thôi làm việc ở Moskva và nói
chung ở nước Nga... Vừa rồi có bốn người vào phòng tôi, trong đó có một phụ nữ
ăn mặc thành đàn ông, hai người mang súng lục, họ khủng bố tôi ngay tại căn hộ của tôi với mục đích tước đi một phần diện
tích.
- Nhưng. thưa giáo sư. - biến sắc mặt, Svonđer lên tiếng.
- Xin lỗi... Tôi không có điều kiện để nhắc lại tất cả những
gì họ đã nói ở đây. Tôi không phải là người ưa các chuyện vô nghĩa. Chỉ cần nói
rằng họ đòi tôi phải bỏ phòng khám, nói một cách khác, họ buộc tôi phải mổ anh ở
nơi trước đây tôi vẫn mổ thỏ. Trong những
điều kiện như vậy tôi không chỉ không thể, mà không có cả quyền làm việc. Vì vậy,
tôi ngừng hoạt động, đóng cửa căn hộ và đi Sotri. Chìa khóa tôi có thể gửi lại
Svonđer. Cứ để cho anh ta mổ.
Cả bốn người đứng chết lặng. Tuyết trên ủng của họ tan thành
nước.
- Biết làm thế nào được... Chính bản thân tôi cũng rất khó
chịu... Sao? Ồ không, anh Piotr Aleksandrovich ạ? Ồ không. Tôi không đồng ý như
thế đâu. Tôi không thể chịu nổi nữa. Sao? Hừm... Tùy anh. Ít ra là như thế.
Nhưng với một điều kiện: ai cũng được, bao giờ cũng được, cách nào cũng được
nhưng phải có một tờ giấy để với nó thì
không một Svonđer hay bất kỳ ai khác có thể
đến gần cửa căn hộ của tôi. Một tờ giấy tối cao, có hiệu lực thật sự! Một chứng chỉ bảo đảm. Để cho không ai nhắc đến
tên tôi nữa. Chấm hết. Đối với họ, tôi đã chết rồi. Vâng, vâng. Được thôi. Ai?
À - à... ấy, đó lại là việc khác. À - à... Rất tốt. Bây giờ tôi sẽ trao ống
nghe. Xin mời ngài, - Philip Philippovich nói với Svonđer bằng giọng châm chọc.
- Bây giờ người ta sẽ nói chuyện với ngài.
- Xin lỗi ông, giáo sư, - Svonđer nói, mặt khi thì đỏ bừng,
khi thì tái mét. - Ông đã xuyên tạc những lời của chúng tôi.
- Đề nghị anh không sử dụng những lời như vậy.
Svonđer bối rối cầm ống nghe, nói:
- Tôi nghe đây ạ. Vâng... Chủ tịch hội đồng nhà cửa... Nhưng
chúng tôi hành động đúng theo nguyên tắc... Như thế này giáo sư cũng được ưu
đãi lắm rồi... Chúng tôi có biết về các công trình của ông ta... Chúng tôi đã dự định để lại cho ông
ta những năm căn phòng... Vâng, được ạ... Nếu đã vậy. Được ạ.
Mặt chín dừ, anh ta treo ống nghe, quay lại bàn.
“Ông ta đã hạ nhục họ ra trò! Thế mới là anh hào! - chó khoái chí nghĩ. - ông ta biết một câu thần
chú nào đó bí mật hay sao ấy? Chà, bây giờ thì các người có thể tha hồ đánh
tôi, tôi nhất định sẽ không đi khỏi nơi đây”.
Ba người khách khác há hốc mồm nhìn Svonđer bị hạ nhục.
- Thật là nhục nhã. -
anh ta ngượng ngập nói.
- Nếu như bây giờ có cuộc tranh luận,- cô gái kích động đỏ bừng
mặt, nói, - thì tôi sẽ chứng minh cho Piotr Aleksandrovich...
- Xin lỗi, có phải chị muốn mở cuộc tranh luận ngay bây giờ không ạ? - Philip Philippovich lịch thiệp hỏi.
Mắt cô gái cháy rực lên.
- Tôi hiểu ý mỉa mai của ông, thưa giáo sư, chúng tôi sẽ đi
ngay bây giờ... Chỉ có điều, với tư cách là trưởng ban văn hóa của khu nhà...
- Nữ trưởng ban, - Philip Philippovich sửa lại.
- Tôi muốn mời ông, - nói đến đó cô ta rút từ trong ngực áo
ra mấy tờ tạp chí sặc sỡ và ướt nhèm vì tuyết, - mời ông lấy cho mấy tờ tạp chí
ủng hộ trẻ con nước Đức. Năm mươi kôpếch một tờ.
- Không, tôi không lấy,- Philip Philippovich liếc nhìn những
tờ tạp chí, đáp gọn lỏn.
Trên các bộ mặt những người khách hiện ra vẻ ngơ ngác cực độ,
còn mặt cô gái thì đỏ tía như gấc.
- Tại sao ông không lấy?
- Không muốn.
- Ông không thương trẻ em Đức à?
- Tôi có thương.
- Ông tiếc năm mươi kôpếch à?
- Không.
- Thế thì tại sao?
- Tôi không muốn.
Tất cả im lặng.
- Giáo sư, ông biết không, - thở hắt ra nặng nề, cô gái cất tiếng,-
nếu như ông không phải là người nổi tiếng khắp châu Âu và nếu như ông không được
che chở một cách hết sức đáng phê phán (người tóc vàng kéo vạt áo khoác của cô
gái, nhưng cô ta gạt đi) bởi những nhân vật mà tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ
còn làm cho ra nhẽ, thì ông đáng bị bắt giam.
- Vì sao? - Philip Philippovich tò mò hỏi.
- Ông là người căm thù vô sản, - cô gái kiêu hãnh nói.
- Vâng, tôi không thích vô sản,- Philip Philippovich buồn bã
đồng ý và ấn nút. Ở đâu đó có tiếng chuông vang lên. Cánh cửa dẫn ra hành lang mở không tiếng động.
- Dina, - Philip Philippovich nói to. - Dọn bàn ra. Các
ngài cho phép chứ, thưa các ngài?
Bốn người im lặng bước ra khỏi phòng làm việc, im lặng đi
ngang qua phòng tiếp khách, rồi qua phòng ngoài, và nghe tiếng cánh cửa chính nặng
nề âm vang đóng lại sau lưng họ.
Con chó đứng dậy trên hai chân sau và làm một cử chỉ gì đó
giống như sự bái lạy trước mặt Philip Philippovich.
------------------
Tiếp chương 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét