Trái tim chó
Tác giả: Mikhail Bulgacov
Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội - 1989
Chương 9
Lời hứa cho Sarikov biết tay của bác sĩ Bormental sáng hôm
sau đã không thực hiện được vì một nguyên nhân là Poligraph Poligraphovich đã
biến khỏi căn hộ. Bormental rơi vào tình thế tuyệt vọng điên cuồng, tự rủa mình
là đồ con lừa vì đã không cất chìa khóa cửa chính, hò hét rằng điều đó là không
thể tha thứ được, và cuối cùng kết thúc bằng lời ước cho Sarikov rơi vào dưới
bánh ô tô buýt, Philip Philippovieh ngồi trong phòng làm việc, thọc cả bàn tay
vào mái tóc và nói:
- Không thể tưởng tượng nổi cái gì sẽ diễn ra ngoài phố...
Không thể tưởng tượng nổi. “Từ Sevilia đến Grenađa”, lạy Chúa tôi.
- Có thể hắn còn đang ở chỗ hội đồng nhà cửa, - Bormental
hét lên sôi sục và chạy đi đâu đó.
Ở hội đồng nhà cửa, anh chửi nhau với chủ tịch Svonđer đến mức
Svonđer ngồi ngay vào bàn viết đơn gửi tòa án nhân dân quận Khamovniki, vừa viết
vừa la lối rằng anh ta đâu phải là người canh giữ cái gã môn đồ của giáo sư
Preobrajenski, hơn nữa cái gã môn đồ Poligraph kia vừa mới đây thôi, mới ngay
ngày hôm qua, đã tỏ rõ mình là một thằng lừa lọc, lấy của hội đồng nhà cửa bảy
rúp nói là để mua sách giáo khoa ở cửa hàng hợp tác xã mua bán.
Được trả công ba rúp, Pheđor đi tìm kiếm khắp ngôi nhà từ dưới
lên trên. Không hề thấy dấu vết của Sarikov đâu cả.
Chỉ biết được một điều là Poligraph rời nhà lúc trời gần
sáng, đội mũ, quàng khăn, mặc áo bành tô và mang theo một chai rượu thanh lương
trà lấy ở tủ buýp phê, đôi găng tay của bác sĩ Bormental và toàn bộ giấy tờ của
mình. Daria Petrovna và Dina công khai bày tỏ sự vui mừng cao độ và hy vọng rằng
Sarikov sẽ không trở về nữa. Trước đấy một ngày gã đã vay của Daria Petrovna ba
rúp năm mươi côpếch.
- Thế mới đáng đời chị, - vung vẩy nắm đấm, Philip
Philippovich gầm gào.
Chuông điện thoại réo suốt ngày, không ngớt cả ngày hôm sau
nữa. Hai bác sĩ đã tiếp một số lượng khách hàng nhiều khác thường, và đến ngày
thứ ba thì họ thấy rằng đã đến lúc phải đặt ra vấn đề báo cho công an để người
ta đi tìm Sarikov trong cái vực thẳm Moskva này.
Nhưng cái từ “công an” vừa được nói ra thành tiếng thì sự yên
lặng sùng kính của ngõ Obukhov lập tức bị phá vỡ bởi tiếng rú của một cỗ xe ô
tô tải, những ô cửa sổ trong ngôi nhà rung bần bật.
Rồi tiếng chuông gọi cửa vang lên đầy tự tin, và Poligraph
Poligraphovich hiện ra ở phòng ngoài.
Cả giáo sư, cả bác sĩ đều bước ra đón hắn.
Poligraph bước vào với một vẻ tự trọng khác thường, giữa sự
im lặng tuyệt đối bỏ mũ xuống, treo áo bành tô lên giá, và xuất hiện trong bộ dạng
mới.
Trên người gã là chiếc áo khoác da cũ rộng thùng thình, quần
dài đã sờn cũng bằng da, đôi ủng Anh cao cổ có dây buộc đến tận đầu gối. Mùi
mèo nồng nặc quá mức tưởng tượng lập tức tràn ngập căn phòng ngoài.
Preobrajenski và Bormental, như theo một mệnh lệnh nào đó, cùng bắt chéo tay
trước ngực, đứng ở hai bên cửa và đợi nghe những thông báo đầu tiên của
Poligraph Poligraphovich. Gã vuốt mớ tóc cứng, hắng giọng ho và nhìn quanh với
một vẻ rõ ràng là muốn giấu sự bối rối của mình bằng thái độ lỗ mãng, suồng sã.
- Bác Philip Philippovich ạ, - cuối cùng gã cũng lên tiếng,
- tôi đã nhận chức rồi.
Cả hai bác sĩ phát ra một tiếng kêu khàn khàn trong cổ họng
và cựa quậy tại chỗ.
Preobrajenski trấn tĩnh lại trước, chìa tay ra nói:
- Anh cho xem giấy tờ.
Trên tờ giấy là những hàng chữ đánh máy:
- Người mang giấy này, đồng chí Poligraph Pohgraphovich
Sarikov, là trưởng tiểu ban làm sạch thành phố Moskva khỏi các giống động vật
hoang (mèo và vân vân) trực thuộc Sở công chính.
- Thế đấy, - Philip Philippovich thốt lên nặng nề, - ai đã sắp
xếp cho anh? Mà thật ra tự tôi cũng đoán được.
- Vâng, đúng, Svonđer. - Sarikov đáp.
- Xin phép được hỏi, tại sao người anh có mùi kinh tởm vậy?
Sarikov lo lắng chun mũi ngửi chiếc áo khoác ngoài:
- Thì sao, có mùi... hiển nhiên rồi: mùi nghề nghiệp. Suốt
ngày hôm qua bóp cổ lũ mèo...
Philip Philippovich rùng mình và nhìn sang Bormental. Cặp mắt
của anh giống hệt như hai nòng súng đen ngòm chĩa thẳng vào mặt Sarikov.
Chẳng nói chẳng rằng, anh tiến đến sát Sarikov rồi nhẹ nhàng
và chắc chắn túm lấy yết hầu gã.
- Cứu tôi với - Sarikov tái nhợt người, hét lên the thé.
- Bác sĩ!
- Cháu sẽ không cho phép mình làm điều gì xấu đâu, thưa bác
Philip Philippovich, xin bác cứ yên tâm, - Bormental nói bằng một giọng sắc như
thép, và quát to: - Dina và Daria Petrovna đâu?
Hai người lập tức xuất hiện ở phòng ngoài.
- Bây giờ hãy nhắc theo tôi, - Bormental nói và hơi ghì yết
hầu của Sarikov xuống chiếc áo lông. - Tôi xin lỗi...
- Được, được tôi sẽ nhắc lại. - Thật sự kinh hoàng, Sarikov
đáp bằng giọng khản đặc, nhưng bỗng bất ngờ lấy hơi, giằng ra, cố cất tiếng kêu
“Cứu tôi với”, khốn nỗi tiếng kêu không thành, và đầu của gã chìm lấp hẳn trong
chiếc áo lông.
- Bác sĩ, tôi van anh...
Sarikov gật gật đầu, tỏ ý đã chịu khuất phục là sẽ nhắc lại.
- Tôi xin lỗi, thưa chị Daria Petlrovna kính mến và
Dianaiđa?
- Procophiévna, - Dina hốt hoảng thì thào.
- úi Prôcôphiévna... - Sarikov vừa nói bằng giọng khò khè vừa
hớp không khí.
- là tôi đã dám...
- ...đã dám...
- làm một trò đốn mạt đêm hôm trước trong khi say...
- ... trong khi say...
- Tôi sẽ không bao giờ...
- ... Không bao...
- Thả hắn ra, anh thả hắn ra đi, anh Ivan Arnoldovich, - cả
hai người phụ nữ cùng khẩn khoản, - anh bóp hắn chết nghẹt mất thôi.
Bormental buông gã ra và hỏi:
- Xe đang chờ anh phải không?
- Không ạ, - Poligraph kính cẩn đáp.- Xe chỉ chở em về thôi.
- Dina, bảo lái xe đi đi. Bây giờ anh hãy nghe kĩ đây: anh lại
trở về căn hộ của bác Philip Philippovich à?
- Em còn biết đi đâu nữa? - Mắt đảo quanh, Sarikov sợ sệt trả
lời.
- Tốt lắm. Từ nay phải im như thóc, lặng như tờ. Nếu không,
hễ làm một trò đốn mạt nào là sẽ có chuyện với tôi đấy. Hiểu chưa?
- Em hiểu rồi ạ, - Sarikov đáp.
Philip Philippovich giữ nguyên sự im lặng trong suốt thời
gian xảy ra việc đàn áp Sarikov bằng bạo lực, ông như thu nhỏ mình lại, đứng cạnh
cửa và gặm móng tay, mắt ngó xuống sàn. Rồi ông bỗng ngước lên nhìn Sarikov, hỏi:
- Thế anh làm gì với... những con mèo bị giết?
- Để làm áo lông, - Sarikov đáp. - Người ta sẽ dùng chúng để
làm áo lông chồn đem bán trả góp cho công nhân.
Tiếp đó, sự yên tĩnh trong căn hộ kéo dài được hai ngày đêm.
Buổi sáng Poligraph Poligraphovich ra đi bằng xe tải, chiều
trở về, lặng lẽ ăn tối cùng Philip Philippovich và Bormental.
Mặc dù Bormental và Sarikov cùng ngủ trong một căn buồng -
phòng khám, - nhưng họ không nói chuyện với nhau và Bormental là người đầu tiên
cảm thấy buồn.
Hai ngày sau trong căn hộ xuất hiện một cô gái gầy gò với cặp
mắt vẽ thêm và đi tất dài mầu kem, cô ta tỏ ra hết sức bối rối trước cảnh bày
biện sang trọng trong nhà. Mặc chiếc áo bành tô đã cũ sờn, cô gái bước theo sau
Sarikov và đụng phải giáo sư ở phòng ngoài.
Ông sửng sốt dừng lại, nheo mắt nhìn và hỏi:
- Xin phép cho biết?
- Tôi sắp đăng ký kết hôn với cô này, đây là nhân viên đánh
máy chữ của chúng tôi. Cô này sẽ về sống với tôi. Phải chuyển Bormental đi khỏi
phòng khám. Anh ta cũng có nhà của mình kia mà. - Sarikov giải thích với vẻ cau
có và cực kỳ khó chịu.
Philip Philippovich hấp háy mắt, nhìn cô gái với bộ mặt đỏ
như gấc, suy nghĩ một lát rồi hết sức lịch thiệp mời:.
- Tôi xin mời chị vào phòng làm việc của tôi một phút..
- Tôi cũng đi với cô ấy, - Sarikov nói nhanh với vẻ ngờ vực..
Đúng lúc đó Bormental như từ dưới đất hiện lên:
- Xin lỗi, - anh nói, - giáo sư sẽ nói chuyện với tiểu thư,
còn tôi và anh ở lại đây.
- Tôi không muốn, - Sarikov giận dữ đáp và toan bước theo
Philip Philìppovich và cô gái đỏ lựng mặt vì xấu hổ.
- Không, xin lỗi anh, - Bormental túm lấy cổ tay Sarikov, và
cả hai đi vào phòng khám.
Chừng năm phút trong phòng làm việc không nghe thấy gì, rồi
đột ngột từ đó vẳng ra tiếng nức nở của cô gái.
Philip Philippovich đứng cạnh bàn, còn cô gái che mặt bằng
chiếc khăn thêu ren cáu bẩn và khóc.
- Cái đồ đểu ấy, anh ta nói rằng bị thương trong chiến đấu.
- cô gái nức nở.
- Hắn nói láo! - Philip Philippovich không nao núng đáp. Ông
lắc đầu và nói tiếp: - Bác thành thật thương cháu, nhưng không thể như vậy được,
với một kẻ gặp đầu tiên chỉ vì địa vị công tác... Như vậy thật xấu, con gái ạ...
Này đây... - ông mở ngăn kéo bàn viết lấy ra ba tờ giấy bạc ba chục rúp.
- Cháu sẽ tự tử, - cô gái khóc. - Ở nhà ăn thì ngày nào cũng
thịt ngựa muối... và anh ta dọa... nói rằng anh ta là chỉ huy Hồng quân... là sẽ
sống với cháu trong một căn hộ sang trọng... ngày nào cũng có dứa ăn... anh ta
nói tâm lý của anh ta rất hiền lành, chỉ ghét mèo thôi. Anh ta đã lấy của cháu
chiếc nhẫn, bảo để kỷ niệm...
- Nào, nào, nào, tâm lý hiền lành... “Từ Seviha đến
Grenađa”, - Philip Philippovich lẩm bẩm. - Cần phải kiên nhẫn chịu đựng chứ,
cháu còn trẻ thế mà...
- Chẳng lẽ ở ngay trong vòm cổng này ạ?
- Nào, cháu cầm lấy tiền đi, khi người ta cho vay…- Philip
Philippovich quát lên.
Rồi tiếp đó cánh cửa trang trọng mở ra, và theo mệnh lệnh của
Philip Philippovich, Bormental dẫn Sarikov vào. Mắt gã đảo quanh nhớn nhác,
lông trên đầu dựng đứng lên như bàn chải.
- Đồ đểu, - cô gái cất tiếng mắng, chiếc mũi thoa phấn và cặp
mắt vẽ son chảy nhòa ra thành vệt lấp loáng.
- Do đâu anh lại có vết sẹo trên trán kia? Anh hãy chịu khó
giải thích cho tiểu thư đây được rõ, - Philip Philippovich hỏi ngọt xớt.
Sarikov đánh bài liều:
- Tôi bị thương trong chiến đấu với bọn Koltrac. - gã sủa
lên.
Cô gái đứng vụt lên và vừa khóc thành tiếng vừa chạy ra khỏi
phòng.
- Thôi đi! - Philip Philippovich quát đuổi theo.- Đợi một
tí! Anh cho tôi xin chiếc nhẫn, - ông quay sang nói với Sarikov.
Gã ngoan ngoãn rút từ ngón tay ra chiếc nhẫn rỗng với mặt đá
ngọc bích.
- Này, được rồi, - gã bỗng hằn học nói, - mày hãy nhớ lấy.
Ngày mai tao sẽ cho mày giảm biên chế.
- Đừng sợ, - Bormental hét với theo, - tôi sẽ không cho phép
anh ta làm gì đâu. - Anh quay người lại và nhìn Sarikov trừng trừng khiến gã phải
bước giật lùi và đập gáy vào tủ.
- Họ tên cô ta là gì? - Bormental hỏi gã. - Họ tên! - anh gầm
lên và bỗng trở nên man rợ và hung dữ.
- Vasnesova, - Sarikov đáp, đưa mắt nhìn quanh tìm cách lủi.
- Hằng ngày, - Bormental túm lấy ve áo ngoài của Sarikov, cảnh
cáo, - đích thân tôi sẽ kiểm tra ở sở xem nữ công dân Vasnesova có bị giảm biên
chế không. Và nếu như anh... hễ tôi biết là cô ta bị đuổi việc, thì tôi... sẽ tự
tay mình bắn chết anh ngay tại chỗ này. Hãy coi chừng đấy, Sarikov, tôi nói trước
cho mà biết!
Sarikov nhìn không chớp mắt lên chóp mũi của Bormental.
- Tự tay tôi cũng kiếm được súng... - Poligraph làu bàu,
nhưng hết sức yếu ớt, rồi đột ngột nhảy vụt.
- Hãy coi chừng đấy? - tiếng quát của Bormental đuổi theo
gã.
Đêm hôm đó và cả nửa ngày hôm sau sự im lặng treo lơ lửng
trong căn hộ như một đám mây đen trước cơn giông. Không ai nói một lời nào.
Nhưng trưa ngày hôm đó, sau khi Poligraph Poligraphovich, với một linh cảm tồi
tệ từ sáng sớm chợt nhói lên trong lòng, đã cau có leo lên xe tải đi đến chỗ
làm việc, thì giáo sư Preobrajenski phải tiếp một trong những khách hàng của
mình vào một giờ hoàn toàn khác thường. Đó là một người cao lớn, to béo, mặc
quân phục. Ông ta khăng khăng đòi gặp giáo sư cho bằng được. Bước vào phòng,
ông khách lịch thiệp dập gót giày chào giáo sư.
- Thế nào anh bạn, lại đau nữa sao? - Vẻ mặt hốc hác, Philip
Philippovich hỏi. - Anh ngồi xuống đi.
- Merci. Không, thưa giáo sư, - ông khách đáp, đặt chiếc mũ
nhà binh lên góc bàn, - tôi rất biết ơn ông... Hừm... Tôi đến gặp ông là vì một
việc khác, ông Philip Philippovich ạ... Với lòng kính trọng ông... hừm... muốn
báo trước với ông... Một việc vớ vẩn. Chẳng qua hắn là thằng đểu... - ông khách
cho tay vào cặp và rút ra một tờ giấy. - May mà người ta trực tiếp báo cáo với
tôi...
Philip Philippovich đeo kính lên mũi và bắt đầu đọc, ông lẩm
bẩm một mình rất lâu, mặt mỗi lúc một biến sắc.
“...và lại còn đe doạ giết chết chủ tịch hội đồng nhà cửa
Svonđer, từ đó có thể suy ra rằng ông ta có giữ hỏa khí trong nhà. Và phát ngôn
những lời nói phản cách mạng, thậm chí còn ra lệnh cho nữ đầy tớ của mình là
Dinaiđa Procophiévna Bunina đốt sách Engels trong bếp lò, như một phần tử
mensevich chính hiệu cùng với trợ lý của mình là Bormental Ivan Arnoldovich, một
người không đăng ký hộ khẩu? bí mật sống trong căn hộ của ông ta. Chứng thực chữ
ký của trưởng tiểu ban làm sạch thành phố P. P. Sarikov. Chủ tịch hội đồng nhà
cửa Svonđer. Thư ký Pestrukhin”.
- Anh cho phép tôi giữ lại cái này chứ? - Mặt nổi lên từng vệt
đỏ bầm, Philip Philippovich hỏi. - Hay là, xin lỗi, anh cần nó để thi hành pháp
luật?
- Xin lỗi, thưa giáo sư, - người khách tỏ ra hết sức tự ái,
hai cánh mũi phập phồng. - Quả là ông hết sức coi thường chúng tôi đấy. Tôi...
- nói đến đây ông ta tỏ vẻ hờn dỗi như một con gà trống tây.
- Thôi. xin lỗi, xin lỗi. anh bạn thân mến, - Philip
Philippovich lẩm bẩm. - Xin anh bỏ quá cho, quả thật tôi không muốn làm anh phật
ý.
- Chúng tôi cũng biết cách đọc chứ. Ông Philip Philippovich!
- Xin anh đừng giận, hắn đã làm tôi phát điên lên...
- Tôi nghĩ, - ông khách đã hoàn toàn nguôi giận, - dù sao hắn
phải là đồ đốn mạt đến mức nào... Quả là tò mò muốn được nhìn qua mặt hắn một
tý. ở Moskva người ta kể về ông đủ thứ chuyện, hoang đường...
Philip Philippovich chỉ tuyệt vọng khoát tay. Đến lúc này
người khách mới thấy lưng giáo sư đã còng xuống và thậm chí tóc ông đã bạc hẳn
đi sau thời gian ngắn ngủi vừa qua.
* * *
Tội ác đã chín muồi và rơi ụp xuống như một hòn đá tảng, như
thường vẫn vậy trong đời. Với một cảm giác chẳng lành nhức nhối, Poligraph
Pohgraphovich trở về nhà trên chiếc xe tải. Giọng nói của Philip. Philippovich
mời gã vào phòng khám. Ngạc nhiên, Sarikov bước qua cửa và với một nỗi sợ hãi
mơ hồ nhìn vào hai họng súng trên mặt Bormental, rồi sau đó liếc sang phía
Philip Philippovich. Quanh người viên bác sĩ trợ lý như có mây giông bao bọc,
bàn tay trái của anh cầm điếu thuốc đang hút khẽ giần giật trên tay vịn cửa chiếc
bàn đỡ đẻ.
Philip Philippovich nói với một vẻ bình thản hết sức chẳng
lành:
- Ngay bây giờ hãy thu xếp đồ đạc - áo quần, bành tô, tất cả
những gì anh cần - và xéo khỏi căn hộ!
- Sao lại thế? - Sarikov ngạc nhiên một cách chân thành.
- Xéo khỏi căn hộ, ngay ngày hôm nay. - Philip Philippovich
nhắc lại bằng giọng đều đều, mắt nheo nheo nhìn xuống móng tay của mình.
Có một con quỷ nào đấy nhập vào người Poligraph
Poligraphovich; có lẽ là cái chết đã đón chờ gã, thần số mệnh đã đứng sau lưng
gã. Sarikov tự mình lao vào vòng tay của điều không tránh khỏi. Gã gào lên dữ tợn
và đứt quãng:
- Nhưng như thế này là thế nào, hả? Các người tưởng tôi
không trị được các người thăng? Tôi có mười sáu ác sin ở đây và tôi sẽ sống ở
đây.
- Hãy đi khỏi căn hộ mau. - Philip Philippovich thành khẩn
thều thào.
Sarikov tự mình mời thần chết đến. Gã giơ bàn tay trái bị cắn
nát bốc mùi mèo không thể chịu nổi lên, làm một cử chỉ tục tĩu nhạo báng với
Philip Philippovich. Rồi tiếp đó gã dùng tay phải rút khẩu súng ngắn từ trong
túi ra nhằm về hướng viên bác sĩ Bormental nguy hiểm. Điếu thuốc hút dở của
Bormental rơi xuống sàn như một ánh sao băng, và mấy giây sau Philip
Philippovich kinh hoàng dẫm trên những mảnh kính vỡ, nhảy từ tủ đến bên chiếc
đi văng có gối đầu. Trên đó, trưởng tiểu ban làm sạch thành phố nằm sõng sượt
thở khò khè, đè trên ngực gã là nhà giải phẫu Bormental; anh dùng chiếc gối trắng
nhỏ bịt chặt lấy miệng Sarikov.
Mấy phút sau, bác sĩ Bormental với bộ mặt biến dạng đi ra cửa
trước và dán một mảnh giấy lên cạnh nút bấm chuông:
“Hôm nay giáo sư ốm, không tiếp khách. Xin không gọi chuông”.
Anh dùng con dao nhíp nhỏ sáng loáng cắt đứt sợi dây chuông,
nhìn một lát trong gương khuôn mặt bị cào chảy máu và đôi tay rách nát, vẫn còn
run rẩy của mình. Rồi anh đi đến cửa bếp và nói với Dina và Daria Pet'rovna
đang hoảng hốt:
- Giáo sư bảo các chị không được đi khỏi căn hộ.
- Vâng ạ, - Dina và Daria Petrovna sợ sệt đáp.
- Cho phép tôi đóng cửa sau lại và cầm theo chìa khoá, - đứng
ẩn sau cánh cửa trong bóng tối và lấy bàn tay che mặt, Bormental nói. - Đây chỉ
là tạm thời, không phải vì không tin các chị đâu. Nhưng lỡ có ai đến, các chị
không đừng được, lại mở cửa ra, mà chúng tôi đang bận, không thể để ai đến quấy
rầy.
- Vâng ạ, - hai người đàn bà đáp và mặt lập tức trở nên tái
nhợt.
Bormental khóa trái cửa sau, khóa cả cửa chính, cả cánh cửa
từ hành lang dẫn ra phòng ngoài, rồi tiếng bước chân của anh biến mất trong
phòng khám.
Im lặng bao trùm khắp căn hộ, chui vào tất cả các ngóc
ngách. Rồi hoàng hôn buông xuống, tồi tệ, đầy lo âu; tóm lại, là bóng tối bao
trùm. Tuy nhiên, sau này những người láng giềng ở bên kia sân nói rằng trong
các ô cửa sổ phòng khám của Preobrajenski hướng ra sân vào buổi tối hôm đó tất
cả các ngọn đèn đều được bật sáng, và thậm chí họ còn trông thấy chiếc mũ trùm
bằng vải trắng không vành của chính giáo sư.
Khó có thể kiểm tra được điều đó. Tuy nhiên, về sau lúc mọi
chuyện đã kết thúc, cả Dina cũng ba hoa rằng, khi Bormental và giáo sư đã rời
phòng khám, ở cạnh lò sưởi trong phòng làm việc anh chàng Ivan Arnoldovich đã
làm cho cô sợ đến chết khiếp. Dường như anh ngồi xổm trong phòng làm việc và tự
tay mình đốt trong lò sưởi một cuốn vở bìa xanh lấy từ tập bệnh án các khách
hàng của giáo sư.
Dường như khuôn mặt của anh chàng bác sĩ lúc đó hoàn toàn
xanh mét và bị... và bị... cào nát cả ra. Philip Philippovich vào tối hôm đó
cũng khác mọi ngày.
Và lại còn chuyện... Nhưng có thể là cô gái ngây thơ sống
trong căn hộ phố Pretristenka kia nói sai thì sao... Chỉ có thể chắc chắn một
điều sau đây: ngự trị trong căn hộ vào cái buổi tối hôm đó là một sự yên lặng
hoàn toàn tuyệt đối và khủng khiếp.
Phần kết
Vào nửa đêm của mười ngày sau trận chiến đấu diễn ra ở phòng
khám, trong căn hộ của giáo sư Preobrajenski tại ngõ Obukhov chợt đột ngột vang
lên tiếng chuông gọi cửa gay gắt.
- Công an hình sự và dự thẩm viên đây. Hãy mở cửa ra.
Tiếng bước chân, tiếng gõ, tiếng va chạm. Mọi người bước
vào, và trong phòng khám sáng rực với những chiếc tủ đã lắp kính mới bỗng chật
ních người. Hai công an mặc đồng phục, một người mặc áo bành tô đen tay xách cặp,
chủ tịch hội đồng nhà cửa Svonđer hí hửng và xanh mét, người thanh niên đàn bà,
ông gác cửa Pheđor, Dina, Daria Petrovna, và Bormental mặc áo trong nhà, ngượng
nghịu che chỗ yết hầu không đeo cà vạt.
Cánh cửa phòng làm việc mở rộng, Philip Philippovich bước
ra. Ông mặc chiếc áo khoác mầu xanh da trời mà ai cũng đã biết, và tất cả mọi
người đều lập tức có thể thấy rõ rằng chỉ mới qua một tuần mà Philip
Philippovich đã lại sức rất nhiều.
Một Philip Philippovich quyền uy, năng nổ, kiêu hãnh xuất hiện
trước mặt những người khách đêm và xin lỗi họ việc ông mặc áo choàng dùng trong
nhà để tiếp khách.
- Đừng bận tâm, thưa giáo sư. - người mặc thường phục bối rối
đáp, rồi ngập ngừng nói tiếp: - Một việc quả thật rất khó chịu. Chúng tôi có lệnh
khám căn hộ của ông và, - ông ta liếc nhìn bộ nĩa của Philip Philippovich, - và
bắt giữ, tuỳ thuộc vào kết quả của việc khám.
Philip Philippovich nheo mắt hỏi:
- Tôi xin được hỏi, vì chuyện gì, và bắt ai?
Người mặc áo đen lau má, cất tiếng đọc tờ giấy lấy từ trong
cặp ra.
- Theo lời buộc tội Preobrajenski, Bormental, Dinaiđa Bunina
và Daria Petrovna đã giết trưởng tiểu ban làm sạch thành phố thuộc Sở Công
chính Moskva Poligraph Poligraphovich Sarikov.
Tiếng khóc nức nở của Dina át đi những lời cuối cùng của ông
ta. Mọi người nhốn nháo.
- Tôi không hiểu gì hết, - ưỡn ngực ra như một ông vua,
Philip Philippovich nói, - Sarikov nào? À, xin lỗi, đó là con chó của tôi... mà
tôi đã làm phẫu thuật ấy à?
- Xin lỗi giáo sư, không phải chó, mà khi anh ta đã thành
người rồi. Sự thể là như thế.
- Tức là khi nó biết nói?- Philip Philippovich hỏi. - Điều ấy
còn chưa có nghĩa là nó đã thành người! Thực ra, cái đó không quan trọng. Sarik
bây giờ vẫn còn đang tồn tại, và tuyệt đối không có ai giết nó cả.
- Thưa giáo sư, - người mặc áo đen hết sức ngạc nhiên nói và
nhướn cặp lông mày lên, - nếu thế thì phải đưa anh ta ra trình diện. Đã mười
ngày nay anh ta mất tích, và những chứng cớ, xin lỗi. lại rất không hay.
- Bác sĩ Bormental, anh làm ơn dẫn Sarik ra trình diện ngài
dự thẩm, - Philip Philippovich cầm giấy tờ lệnh, nói to.
Bác sĩ Bormental cười khẩy, bước ra khỏi phòng. Khi anh quay
lại và huýt gió, từ ngoài cánh cửa phòng làm việc nhảy chồm vào theo anh một
con chó đực có bộ dạng quái dị. Trên mình nó nhiều chỗ còn hói bóng, nhưng nhiều
chỗ đã mọc lại lông. Nó bước đi, như một nghệ sĩ xiếc, bằng hai chi sau, rồi đứng
xuống trên cả bốn chân và nhìn quanh. Một sự im lặng tuyệt đối đông quánh lại
trong phòng khám như keo dính. Con chó đực gớm ghiếc với vòng sẹo đỏ bầm trên
trán lại đứng lên bằng hai chi sau, mỉm cười và ngồi vào ghế bành.
Người công an thứ hai bỗng vung rộng tay làm dấu thánh, bước
giật lùi, dẫm lên cả hai chân Dina.
Người mặc áo đen, không khép miệng lại được, phát ra những lời
sau:
- Sao lại thế này, thưa giáo sư?... Anh ta đã làm việc ở sở
Công chính kia mà...
- Tôi không cử nó đến đấy, - Philip Philippovich đáp, - mà
ngài Svonđer đã giới thiệu nó, nếu như tôi không nhầm.
- Tôi không hiểu gì cả, - người mặc áo bành tô đen hoang
mang nói và quay sang hỏi viên công an thứ nhất: - Có đúng anh ta đây không?
- Đúng, - người công an đáp thì thầm.- Đích thị anh ta.
- Đúng hắn đấy,- Pheđor cũng lên tiếng xác nhận,- chỉ có điều
cái đồ đểu này đã lại mọc đầy lông.
- Nhưng anh ta đã biết nói kia mà... Chà chà...
- Và bây giờ nó vẫn còn nói, chỉ có điều càng ngày càng ít hơn,
cho nên các ông nên tận dụng dịp này, không thì ít nữa nó sẽ im hẳn đi đấy.
- Nhưng tại sao? - người mặc áo đen hỏi.
Philip Philippovich nhún vai.
- Khoa học còn chưa biết những phương pháp biến các con thú
thành người. Tôi đã thử, nhưng chỉ có điều không thành công, như các ông thấy đấy.
Biết nói một ít rồi quay trở về trạng thái ban đầu. Một hiện tượng lại tổ!
- Không nói bậy! - Con chó ngồi trong ghế bành đột ngột quát
to và đứng lên.
Người mặc áo bành tô đen bỗng trắng bệch mặt ra, buông rơi
chiếc cặp và từ từ ngã nghiêng xuống.
Một người công an vội ôm lấy sườn ông ta, còn Pheđor đỡ phía
sau. Tất cả nhốn nháo lên và trong cảnh đó, chỉ nghe rõ ràng nhất ba câu nói.
Philip Philippovich:
- Lấy thuốc valeriana ra đây. Bị sốc đấy mà.
Bác sĩ Bormental:
- Tôi sẽ tự tay mình ném Svonđer xuống cầu thang, nếu hắn
còn vác mặt đến căn hộ giáo sư Preobrajenski một lần nữa.
Và Svonđer:
- Tôi đề nghị ghi những lời này vào biên bản.
Những ống lò sưởi xám tỏa hơi nóng. Tấm màn treo cửa sổ che
khuất bầu trời đêm đặc quánh trên phố Pretristenka với một ngôi sao đơn độc.
Cái sinh vật thượng đẳng, đấng ân nhân quan trọng của chó, đang ngồi trong ghế
bành, còn con chó Sarik nằm dài trên thảm cạnh chiếc đi văng bọc da. Sương mù
tháng Ba làm chó về buổi sáng thường bị những cơn đau nhức hành hạ dọc theo vết
sẹo chạy quanh đầu. Nhưng đến chiều trời ấm lại thì cơn đau bớt dần.
Còn bây giờ thì thật nhẹ nhõm, thật thoải mái, và những ý
nghĩ trong đầu chó chảy thành dòng mạch lạc, ấm áp.
“Mình thật gặp may, quả là may, - chó mơ màng nghĩ, - may đến
không thể tả nổi. Mình đã được ở hẳn trong căn hộ này. Mình tin tưởng chắc chắn
rằng thành phần xuất thân của mình là không thuần chủng. ở đây không thể thiếu
được chàng thợ lặn. Bà nội mình là một phụ nữ nhẹ dạ, cầu cho vong linh bà được
lên thiên đường. Thật ra, không hiểu người ta rạch nát đầu mình ra để làm gì?
Nhưng không sao, rồi cũng sẽ chóng lành thôi. Đối với chúng mình thì chuyện đó
chẳng là cái gì cả”.
Từ xa vẳng lại tiếng chai lọ va chạm nhau. Anh chàng bị đớp
đang thu dọn các tủ kính trong phòng khám.
Còn ông tiên tóc bạc thì ngồi trong ghế bành hát:
“Đến hai bờ sông Nin thần thánh...”.
Chó trông thấy những việc làm khủng khiếp.
Nhân vật quan trọng kia cho bàn tay đi găng trơn bóng vào lọ,
lấy ra những bộ não, ông ta quả là một con người kiên trì, bướng bỉnh, cứ cố đạt
được một cái gì đó, hết cắt lại xem xét, mắt nheo nheo và hát:
“Đến hai bờ sông Nin thần thánh...”
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét