Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 9

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

9

Tôi trở về nhà cũng gần vào khoảng thời gian trong năm khi tôi ra đi. Chỉ biết bốn bề rừng xanh mướt từ bao giờ, trên những nấm mồ chôn xác người cỏ cũng đã chớm mọc, và từ khi thế sự đổi thay cái sân rải nhựa đường vương vãi đầy tàn tích của những đống lửa trại đã tắt, đủ các loại giẻ rách, giấy vụn, vỏ đồ hộp đã bắt đầu chảy nhễ ra dưới cái nóng giữa mùa hè, khi ở Buchenwald người ta hỏi tôi: đã sẵn sàng cho chuyến đi chưa? Đa số những người đi là bọn trẻ chúng tôi, dưới sự hướng dẫn của một người thấp lùn, đeo kính, tóc đã chớm bạc, một nhân vật đáng trọng trong Ủy ban Hungary của trại, ông sẽ lo liệu các việc dọc đường cho chúng tôi. Bây giờ có xe tải, và những người lính Mỹ sẵn sàng đưa chúng tôi đi một đoạn về phía Đông, còn lại là việc của chúng ta, ông nói, và bảo chúng tôi cứ gọi ông là “bác Miklós”. Cần phải tiếp tục sống, bác ta nói thêm, và đúng thế, chúng tôi còn có thể làm gì khác, tôi thừa nhận, dĩ nhiên là nếu đến lúc chúng tôi đã có cơ hội để làm việc đó. Và đại thể tôi cũng có thể nói mình lành lặn, ngoại trừ một vài điểm kỳ quặc bất thường, hay sự thiểu năng nào đó. Chẳng hạn nếu tôi ấn ngón tay xuống bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, thì vết lõm còn lưu lại rất lâu, giống như ta ấn vào một thứ vật chất chết, không đàn hồi, như một cục pho mát hay sáp vậy. Gương mặt tôi cũng làm tôi hơi bất ngờ, khi trong một phòng ở bệnh viện SS cũ có trang bị gương, lần đầu tiên tôi nhìn thấy, vì trước đó tôi nhớ tới một gương mặt khác. Gương mặt bây giờ, tôi nhìn thấy: dưới mái tóc mới mọc lại dài vài xăng ti mét là cái trán thấp, dưới hai dái tai rộng đến kỳ quặc là hai cái u mới hình thù quái dị, chỗ khác là những lớp da thõng xuống, nhăn nheo - ít nhất là theo những gì tôi đã đọc trước đây - giống như các nếp nhăn nheo, những đường nét đặc trưng cho những người già trước tuổi vì phóng đãng và lạc thú quá độ, và đôi mắt đã thành nhỏ xíu cũng khác hẳn đôi mắt thân thiện dễ mến, có thể nói gợi cảm giác đáng tin cậy mà tôi còn lưu giữ trong trí nhớ. Hơn nữa tôi còn đi tập tễnh, hơi kéo lê chân phải. Không sao, bác Miklós bảo, rồi không khí bên nhà sẽ chữa lành. Về nhà, bác tuyên bố, chúng ta sẽ xây dựng một đất nước mới, và để bắt đầu, bác dạy chúng tôi ngay vài bài hát. Nếu đi qua các làng mạc, thành phố - rất nhiều trong hành trình của chúng tôi - chúng tôi sẽ hát những bài này, đi hàng ba, như một đội quân. Tôi đặc biệt rất thích bài hát bắt đầu bằng “Ở ngoại vi Madrid, chúng tôi đứng chờ, tôi cũng không biết tại sao. Vì những nguyên do khác, nhưng tôi còn thích hát một bài khác nữa, đặc biệt là do đoạn này: “Chúng tôi làm việc hùng hục suốt ngày/ và suýt nữa thì chết đói/ Nhưng cánh tay lao động đã cầm vũ khí. Lại vì những lý do khác tôi còn thích một bài hát khác có câu thế này: “Chúng ta là đội cận vệ trẻ của những người vô sản, mà sau câu đó, bằng giọng nói bình thường, chúng tôi phải nói đệm vào: “Rotfront”, [Mặt trận Đỏ] vì những lúc như thế tôi có thể nghe rõ tiếng đóng lạch cạch của một vài ô cửa sổ hay tiếng đập cửa ra vào, mỗi lần như thế tôi lại thấy một người Đức vội vã lướt qua hay chóng mất hút sau cánh cổng.
Phải nói tôi lên đường với hành trang rất nhẹ nhàng: một chiếc túi của lính Mỹ - hình dáng không được thuận tiện cho lắm, vì quá hẹp lại quá dài, may bằng vải thô màu xanh nhạt. Trong túi là hai cái chăn dày, quần áo lót để thay đổi, một chiếc áo len bị bỏ lại trong kho của lính SS, màu xám, dày dặn, chỗ cổ ống tay và cổ áo có gắn băng màu xanh lá cây, và một ít đồ ăn đường: vài đồ hộp và những thứ khác. Tôi mặc một chiếc quần dạ màu xanh lá cây, đi đôi giày đế cao su, có dây buộc, bên trên là một đôi xà cạp làm từ thứ da cực bền, thêm vào đó là các loại dây đeo, khóa... đều của quân Mỹ. Tôi kiếm được một chiếc mũ có hình thù rất lạ, so với thời tiết lúc đó có vẻ hơi nặng nề, lưỡi trai cụp, trên đỉnh có những mép gấp thành hình tứ giác, theo hình học - tôi nhớ lại thời tôi còn tới trường - là hình thoi, và trước đó có thể là một sĩ quan Ba Lan đã đội, như người ta bảo thế. Lẽ ra tôi đã có thể chọn cho mình một chiếc áo khoác khá hơn trong những nhà kho, nhưng cuối cùng tôi bằng lòng với một chiếc không có số tù và hình tam giác, kẻ sọc, dù đã cũ, nhưng đã quen và tiện dụng, thậm chí tôi đã cố ý lựa chọn nó, có thể nói là do đã gắn bó với nó: ít nhất sẽ không có sự hiểu lầm, tôi nghĩ thế, ngoài ra tôi thấy nó cũng rất thoải mái, phù hợp, và mát, nhất là vào mùa hè. Chúng tôi đi bằng xe tải, xe súc vật kéo, đi bộ, đi xe công cộng - tùy thuộc vào các toán quân khác nhau bố trí cho phương tiện gì. Chúng tôi ngủ trên thùng xe bò, trên ghế băng hay trên bục giảng của các lớp học bỏ trống, dưới bầu trời sao mùa hè, hay trên những thảm cỏ mềm nằm giữa những ngôi nhà xinh xắn hình chiếc bánh mật. Chúng tôi còn đi bằng tàu thủy trên một dòng sông nhỏ - thoáng nhìn gợi nhớ đến sông Duna, có tên theo tôi được biết là Elbe. Và tôi đã đi qua một nơi, có thể thấy trước đây từng là một thành phố, nhưng hiện nay chỉ là những đống gạch đá và đây đó là những bức tường trơ trụi cháy đen. Người dân ở đây sống, sinh hoạt, ăn ở cạnh các bức tường, các đống đổ nát ấy và dưới chân những cây cầu bị tàn phá, và tôi đã cố gắng hài lòng với cảnh đó, tất nhiên, chỉ có điều tôi không thể không cảm thấy rằng, chính những người đó mới khó chịu về chuyện này. Tôi đã đi trên một chuyến tàu điện màu đỏ, và đi trên một đoàn tàu hỏa thật, trên những toa xe thật bên trong có những buồng dành cho khách - dù thực ra tôi chỉ có chỗ trên đỉnh toa xe. Tôi đã xuống một thành phố nơi ngoài tiếng Tiệp đã nghe thấy nhiều người nói tiếng Hung, và trong khi chờ chuyển sang chuyến tàu khác vào buổi tối, trên sân ga, dân chúng đàn ông có, đàn bà có, già có, trẻ có, đủ các hạng người tụ tập quanh chúng tôi. Họ hỏi chúng tôi có phải từ trại tập trung trở về, và họ hỏi nhiều người trong chúng tôi, trong đó có tôi, xem có vô tình gặp người nhà họ hay không, người có tên thế này hay thế kia. Tôi bảo họ trong các trại tập trung thường mọi người không có tên đâu. Thế là họ cố miêu tả ngoại hình, gương mặt, màu tóc, những đặc điểm của người thân, và tôi thử làm cho họ hiểu rằng, vô ích thôi, vì trong trại tập trung đa phần người ta đều thay đổi rất nhiều. Thế là dần dần họ tản ra hết, chỉ còn một ngươi ở lại, anh này mặc kiểu mùa hè, độc một chiếc sơ mi và quần, hai ngón tay cái đút vào sau thắt lưng chỗ gần dây treo, những ngón tay còn lại gõ gõ chơi lên mặt vải phía ngoài. Điều anh ta tò mò muốn biết làm tôi hơi buồn cười: tôi đã nhìn thấy các lò gas thiêu người chưa? Tôi bảo anh ta: “Nếu thế thì chúng ta không còn nói chuyện với nhau”. “Ừ nhỉ”, anh ta đáp, nhưng có đúng là có các lò thiêu chứ, tôi bảo anh ta, sao lại không, trong bao nhiêu thứ có cả lò thiêu nữa, dĩ nhiên, tất cả tùy thuộc xem đó là trại nào - tôi nói thêm. Ở Auschwitz chẳng hạn, có thể tính đến nó. “Nhưng riêng tôi”, tôi lưu ý, “tôi từ Buchenwald về”. “Từ đâu kia?”, anh ta hỏi, và tôi phải nhắc lại: “Buchenwald”. Có nghĩa là từ Buchenwald”, anh ta gật gật đầu, và tôi bảo: “Từ đó đấy”. Thế là anh ta nói: “Nào, xem nào”, với nét mặt đanh lại, nghiêm trang, đã gần như kẻ cả dạy đời. “Nghĩa là Ngài”, và tôi không biết tại sao, nhưng anh ta làm tôi bối rối bởi cách gọi nghiêm nghị, đã gần như long trọng của anh ta, “đúng thế”. “Thế nhưng”, anh ta vẫn nói tiếp với vẻ mặt đanh cứng, như muốn lập lại trật tự, muốn làm sáng tỏ sự thật, “cá nhân Ngài, Ngài chưa từng chứng kiến”, và tôi phải công nhận, “chưa”. Thế là anh ta buông ra nhận xét: “Hóa ra thế”, rồi anh ta khẽ gật gật đầu bỏ đi, lưng thẳng đuỗn, và tôi thấy hình như anh ta có vẻ gì đó mãn nguyện, nếu như tôi không nhầm. Chẳng bao lâu sau người ta gọi: khẩn trương, tàu tới và tôi đã chiếm một chỗ tạm chấp nhận được, trên bậc thang rộng bằng gỗ của lối lên toa. Lúc gần sáng tôi tỉnh dậy bởi tiếng xình xịch vui tai. Sau đó tôi bắt đầu để ý thấy có thể đọc các địa danh ở mọi nơi bằng tiếng Hung. Mặt nước làm tôi hơi lóa mắt kia, như người ta nói, là sông Duna, và mặt đất đang lấp loáng, rung rinh trong nắng sớm kia là đất Hung. Một thời gian sau, tàu chúng tôi đi vào dưới một mái vòm tróc lở, phía cuối đầu hồi đầy những ô kính vỡ: Ga phía Tây, mọi người quanh tôi xôn xao, và đúng nó thật rồi, nhìn chung tôi cũng đã nhận ra.
Ngoài kia nắng rọi thẳng xuống hè phố. Trời nóng, tiếng ồn, bụi, người qua lại náo nhiệt. Những chuyến tàu điện màu vàng mang số 6: thế nghĩa là số tàu điện cũng không thay đổi. Có cả những người bán hàng, với những loại bánh nướng lạ mắt, báo và những thứ khác. Nhìn người nào cũng rất đẹp, và có thể thấy ai ai cũng có việc, có vic quan trọng, tất cả đều vội vã, đều chạy, đều lao đi đâu đó, chen lấn nhau về mọi phía. Chúng tôi cũng thế, tôi đã được thông báo, phải khẩn cấp tới nơi cứu trợ, ở đó phải ghi tên ngay để trước hết nhận tiền, giấy tờ - những thứ không thể thiếu của đời sống. Nơi cứu trợ, tôi được biết, ở gần Ga phía Đông, và ngay tại góc phố đầu tiên chúng tôi đã lên đầy một chuyến tàu điện. Mặc dù phố xá cũ kĩ, những dãy nhà đôi chỗ trống huếch hoác, các ngôi nhà còn lại thì tróc lở, thủng lỗ chỗ, không cửa sổ, nhưng tôi vẫn mang máng nhớ ra tuyến đường này, và cả cái quảng trường mà sau một lúc chúng tôi đáp xuống. Chúng tôi tìm thấy nơi phát trợ cấp trong một ngôi nhà lớn, màu xám, xấu xí nằm đối diện với rạp chiếu bóng mà tôi còn nhớ; ngoài sân, trong phòng đệm, trên các dãy hành lang đã chật cứng người. Người ta đứng, ngồi, đi lại, ầm ĩ, chuyện gẫu hay im lặng. Nhiều người ăn mặc lôm nhôm, trong trang phục của các trại lao động, hay quần áo, mũ của lính tráng bỏ lại, có người mặc áo kẻ sọc cũng như tôi, nhưng cũng có người đã ăn mặc kiểu tư sản, sơ mi trắng, cà vạt, lại tay chắp sau lưng như suy ngẫm việc gì quan trọng, kiêu hãnh như trước đây khi chưa vào Auschwitz. Chỗ này người ta bàn bạc, rồi so sánh điều kiện trong các trại, chỗ kia người ta đoán về triển vọng, về tổng số tiền trợ cấp, lại ở một chỗ khác người ta nói về thủ tục giải quyết rườm rà, về sự ưu tiên phi lý với người này người nọ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, về những bất công trông thấy, nhưng duy nhất trong một việc là tất cả đều thống nhất: phải chờ, dù thế nào cũng phải chờ lâu. Chỉ tội điều đó là tôi phát chán, và thế là sau đó tôi nhấc túi lên vai, quay ra sân, từ sân bước ra cổng, và nhớ ra nếu đi về phía bên phải, một hoặc nhiều nhất là hai góc phố, nếu trí nhớ của tôi không đánh lừa tôi, thì tôi sẽ tới phố Nefelejcs.
Tôi dễ dàng tìm thấy căn nhà: nó đứng đó, chẳng khác gì những ngôi nhà xiêu vẹo màu vàng hay xám khác - ít nhất là tôi thấy thế. Trong cái vòm công mát lạnh, trên bản danh mục có gấp góc, tôi được biết số căn hộ không thay đổi, và phải leo lên tít tận tầng hai. Tôi chậm chạp bước lên cầu thang ẩm mốc, có mùi chua chua, qua những khung cửa sổ tôi thấy những hành lang treo, phía dưới là một khoảng sân sạch sẽ quạnh vắng: ở giữa là một ô cỏ, một cây đứng ủ rũ, tán lá còi cọc phủ đầy bụi. Phía đối diện, một phụ nữ trùm khăn kín đầu, tay cầm tấm giẻ lau, nhanh nhẹn bước ra. Từ một phía khác tôi nghe có tiếng đài phát thanh, và từ đâu đó vẳng đến tiếng khóc nức nở của một đứa bé. Khi sau đó một cánh cửa mở ra trước mắt, tôi thật bất ngờ, vì sau một thời gian dài bỗng nhiên lại bắt gặp cặp mắt nhỏ, hơi xếch của Citrom Bandi, chỉ có điều nó nằm trên gương mặt của một phụ nữ còn khá trẻ, tóc đen, vóc người đậm và không cao lắm. Chị ta hơi sững lại, chắc hẳn, tôi nghĩ, do chiếc áo tôi khoác trên người, và do chưa có cách nào đóng sập được cánh cửa lại trước mũi tôi. Tôi hỏi ngay: “Anh Citrom Bandi có nhà không?”. Chị ta đáp: “Không”. Tôi hỏi, chỉ bây giờ, vào lúc này hay cả khi khác, chị lắc đầu nhè nhẹ và hơi lim dim mắt lại, bảo: “Cả lúc khác nữa”, và khi chị mở mắt tôi thấy trên mí mắt phía dưới như có ngấn nước lấp lánh. Đôi môi chị cũng hơi run run, và khi đó tôi nghĩ tốt nhất là mình nên rút lui càng nhanh càng tốt, nhưng đúng lúc ấy, từ trong bóng tối lờ mờ của phòng đệm, bỗng nhiên một bà cụ có tuổi, gầy guộc, khăn trùm kín đầu, mặc quần áo đen xuất hiện, và trước khi quay lưng tôi phải nói với bà: “Cháu tìm anh Citrom Bandi”, và bà cũng bảo: “Nó không có nhà”. Nhưng bà còn nói thêm: “Khi khác cháu lại. Có thể vài ngày nữa”, và tôi nhận ra người phụ nữ trẻ vội quay mặt đi bằng một cử chỉ lạ lùng vừa như từ chối, nhưng đồng thời cũng yếu ớt, trong khi đưa mu bàn tay lên che miệng như cố nén điều gì đó muốn nói, không cho âm thanh bật thành tiếng. Sau đó tôi còn phải nói thêm với bà cụ: “Chúng cháu đã ở cùng nhau”, tôi giải thích, “trong trại Zeitz”. Nghe thấy thế, bà cụ liền nghiêm giọng: “Thế sao nó không về?”. Tôi gần như phải thanh minh. “Chúng cháu đã chia tay. Rồi cháu đi nơi khác”. Sau đó bà muốn biết: “Có còn nhiều người Hung bên đó không?”, và tôi đáp: “Có chứ ạ, nhiều”. Nghe thấy thế bà cụ nói với thiếu phụ, với vẻ đắc thắng nhất định: “Con thấy chưa!”, và bà quay về phía tôi: “Tôi vẫn bảo với nó rằng, bây giờ họ mới bắt đầu về. Nhưng con bé cứ sốt ruột, nó không còn muốn tin nữa”, - suýt nữa tôi đã buột miệng bảo chính con gái bà mới là người tỉnh táo hơn, chị biết rõ Citrom Bandi hơn, nhưng cuối cùng tôi đã im lặng. Rồi bà mời tôi vào nhà, nhưng tôi bảo tôi còn phải về nhà đã. “Chắc bố mẹ cậu đang mong”, bà bảo. Tôi đáp: “Vâng, chắc thế”. “Vậy thì”, bà nhắc, “cháu về mau đi, để bố mẹ mừng”, thế là tôi quay đi.
Khi quay về đến nhà ga, vì tôi bắt đầu cảm thấy cái chân đau, và vì trong nhiều chuyến tàu điện, đúng lúc đó có một chuyến mang số mà tôi còn nhớ từ trước, vừa lượn vòng đến trước mặt, tôi nhảy lên. Một bà già gầy gò, khắc khổ mặc chiếc áo lỗi mốt cổ có viền ren hơi lệch ngồi dịch ra. Lát sau một người đội mũ, quần áo đồng phục, đến chỗ tôi đòi soát vé. Tôi bảo không có. Ông đề nghị tôi phải mua. Tôi đáp tôi từ xa về, không có tiền. Ông ta nhìn chiếc áo khoác tôi mặc, nhìn tôi, và sau đó nhìn cả bà cụ già, rồi nói cho tôi biết, đi tàu xe có luật của nó, và những luật lệ không phải do ông ta, mà do cấp trên của ông ta đặt ra. “Nếu anh không mua vé, thì phải xuống tàu”, ông ta yêu cầu. Tôi bảo ông: “Nhưng chân tôi đau”, và tôi nhận ra bà già bỗng nhìn ra phía ngoài, vẻ bực mình thế nào đó, cứ như tôi đổ lỗi cho bà vậy, tôi cũng không biết vì sao. Nhưng qua cửa toa xe để ngỏ, một người tóc đen, to cao, từ xa đã nghe ông to tiếng, ào vào. Ông mặc áo sơ mi không cài khuy, com lê vải màu sáng, đeo một cái hộp màu đen có quai vắt qua vai, tay cầm cặp. “Trò gì thế này?”, ông quát, và: “Cho một vé!”, ông ra lệnh, đồng thời đưa tiền dúi vào tay người soát vé. Tôi định cảm ơn ông, nhưng ông ngắt lời tôi, nhìn quanh một cách giận dữ: “Các người phải biết xấu hổ mới đúng chứ”, ông nói, nhưng người soát vé đã bước vào trong toa xe, bà cụ già vẫn nhìn đi đâu. Khi đó, ông quay về phía tôi, nét mặt dịu lại. Ông hỏi: “Cháu từ bên Đức về, phải không?”. “Vâng”. “Từ trại tập trung à?”. “Dĩ nhiên ạ”. “Trại nào?”. “Buchenwald”. Phải, ông đã nghe nói đến nó, đó “cũng là một trong những địa ngục của bọn phát xít”, ông bảo. “Cháu bị chúng bắt đi từ đâu?”. “Từ Budapest”. “Ở bên đó bao lâu?”. “Tất cả là một năm”. “Cháu đã nhìn thấy bao điều, bao nhiêu điều khủng khiếp”, ông nói và tôi lặng im không đáp. “Nhưng mà”, ông nói tiếp, “cái chính là mọi việc đã kết thúc, đã qua rồi”, và với vẻ mặt rạng lên, ông chỉ những ngôi nhà chúng tôi đang lướt qua, ông hỏi giờ đây tôi cảm thấy như thế nào khi trở về nhà, khi nhìn thấy thành phố đã phải rời xa. Tôi đáp: “Cháu thấy căm thù”. Ông lặng im, nhưng ngay sau đó ông nhận xét rằng, đáng tiếc, ông hiểu tình cảm của tôi. Hơn nữa theo ông, trong “tình huống nhất định” lòng căm thù cũng có vị trí, có vai trò, thậm chí có “sự hữu ích” của nó, rồi ông nói thêm, ông nghĩ rằng chúng tôi đồng ý với nhau và ông biết rõ tôi căm thù ai. Tôi bảo ông: “Tất cả mọi người”. Ông im lặng, lần này thì lâu hơn, sau đó ông lại nói: “Cháu đã trải qua nhiều điều khủng khiếp, đúng không?” và tôi bảo điều đó còn tùy thuộc ông coi điều gì là khủng khiếp. “Chắc hẳn”, ông nói, với vẻ mặt hơi khó chịu, “cháu đã chịu thiếu thốn, chịu đói, có thể còn bị đánh đập”. Tôi bảo với ông: “Tất nhiên”. “Tại sao”, ông kêu lên, đã gần như hết kiên nhẫn, “cái gì cháu cũng nói là tất nhiên và luôn là về những thứ hoàn toàn không tất nhiên chút nào?”. Tôi đáp: “Ở trong trại tập trung điều đó là tất nhiên”. “Đúng, đúng!” ông nói, “trong đó thì thế, nhưng...” và ông dừng lại, hơi ngập ngừng, “nhưng... nhưng trại tập trung không phải là điều tự nhiên!”, cuối cùng ông bật ra như vừa tìm được từ thích hợp, và tôi không đáp lại lời ông, vì tôi bắt đầu từ từ hiểu ra: dường như có một số điều chúng ta không thể tranh cãi với người lạ, người thiếu hiểu biết, ở một mức độ nào đó có thể nói là còn trẻ con. Hơn nữa, bỗng chúng tôi tới quảng trường, nó vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ hơi trơ trụi hơn và hoang tàn hơn, đã đến lúc tôi phải xuống, tôi bảo với ông thế. Nhưng ông xuống theo tôi, rồi ông chỉ một cái ghế dài dưới bóng mát, đã mất lưng tựa ở phía xa, đề nghị chúng tôi ngồi xuống đó một phút.
Lúc đầu ông có vẻ hơi tần ngần. Đúng ra là bây giờ, ông nhận xét, những nỗi kinh hoàng mới bắt đầu “thực sự được khám phá”, và ông còn nói thêm rằng, “trước mắt, thế giới không thể hiểu nổi vấn đề này: bằng cách nào, như thế nào mà tất cả những việc đó đã có thể xảy ra?”. Tôi không nói gì, và ông quay hẳn lại phía tôi, bỗng nhiên ông hỏi tôi: “Cháu có muốn kể về những ấn tượng của cháu không?”. Tôi hơi ngạc nhiên, và bảo, tôi không có nhiều điều lý thú để kể cho ông đâu. Thế là ông cười và bảo: “Không phải cho bác mà là cho thế giới biết”. Nghe ông nói thế tôi còn ngạc nhiên hơn, tôi hỏi: “Nhưng về cái gì?”. “Về địa ngục trong các trại tập trung ấy”, ông đáp. Tôi bảo về điều đó thì tôi hoàn toàn không thể nói gì, vì tôi không biết gì về địa ngục và chỉ tưởng tượng ra cũng không thể. Nhưng ông tuyên bố đó chỉ là sự so sánh, rồi ông hỏi: “Không cần phải tưởng tượng trại tập trung là địa ngục hay sao?”. Tôi lấy gót chân vẽ mấy vòng tròn trên mặt đất, và bảo điều đó thì mọi người đều có thể tưởng tượng tùy theo khả năng và ý thích của họ, nhưng về phần mình, dù sao tôi chỉ có thể mường tượng ra trại tập trung, vì tôi biết về nó ở mức độ nào đó, còn địa ngục thì không. “Nhưng dù sao cháu vẫn có thể kể chứ?”, ông nài nỉ, và sau vài vòng tròn nữa tôi đáp: “Thế thì cháu tưởng tượng ra đó là một nơi người ta không thể buồn chán”, bởi thấy ở trong trại tập trung điều đó là có thể ra sao, thậm chí cả ở Auschwitz, trong những điều kiện nhất định, tất nhiên rồi. Nghe tôi nói, ông im lặng một lát, sau đó ông hỏi, nhưng đã gần như chán nản, tôi cảm thấy vậy: “Thế cháu lấy gì giải thích điều đó?”. Sau một thoáng suy nghĩ, tôi đáp: “Thời gian”. “Thời gian là nghĩa thế nào?”. “Nghĩa là thời gian sẽ giúp”. “Giúp?... Giúp gì?”. “Mọi thứ”, và tôi cố gắng giải thích cho ông hiểu rằng, sẽ khác như thế nào, chẳng hạn việc đến một bến đỗ, dù không hào nhoáng rực rỡ, nhưng sạch sẽ, gọn gàng, có thể chấp nhân được, ở đó dần dà theo thời gian, từng nấc một tất cả sẽ rõ ràng trước mắt ta. Khi vượt qua một nấc, bỏ nó lại phía sau, ta biết sẽ đến ngay một nấc khác. Đến khi chúng ta biết hết mọi thứ, thì chúng ta cũng đã hiểu tất cả. Và trong khi hiểu tất cả, con người ta sẽ không đứng yên: ta sẽ bắt tay vào làm một việc khác, ta sống, hành động, đi lại, đáp ứng tất cả những đòi hỏi mới của một nấc thang mới. Nếu không có cái trình tự thời gian ấy, và tất cả mọi hiểu biết ngay cùng một lúc, ngay tại đó đổ ập xuống chúng ta, thì có thể đầu óc ta, con tim ta sẽ không thể chịu nổi. Tôi cố gắng giải thích cho ông rõ đến mức độ nào đó, trong khi ông lôi từ trong túi ra một hộp giấy nhỏ đã cũ nát, chìa ra mời tôi những điếu thuốc lá nhàu nhĩ, nhưng tôi từ chối. Sau hai hơi thuốc, ông chống hai khuỷu tay lên đầu gối, người ngả ra phía trước, bằng giọng nhạt thếch, ông bảo: “Bác hiểu”. Mặt khác, tôi tiếp tục, cái khó, có thể nói là nhược điểm trong việc này, là cần phải sử dụng thời gian. Chẳng hạn như cháu đã thấy, tôi bảo ông, những tù phạm đã ở bốn, sáu hoặc mười hai năm, đúng hơn là vẫn còn ở trong trại tập trung, nghĩa là trong trường hợp sau cùng họ vẫn phải bằng cách nào đó trải qua mười hai lần ba trăm sáu mươi lăm ngày, nghĩa là mười hai lần ba trăm sáu mươi lăm nhân với hai mươi tư giờ, hay mười hai lần ba trăm sáu mươi lăm nhân hai tư với… và tất cả ngược lại từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày. Mặt khác thì, tôi tiếp tục giảng giải, chính điều đó cũng đã giúp họ, vì nếu lượng thời gian mười hai lần ba trăm sáu mươi lăm nhân hai tư nhân với sáu mươi nữa kia mà ập xuống đầu họ cùng một lúc thì chắc họ không thể chịu đựng nổi - như họ đã chịu đựng - cả về thể xác và trí não. Và vì thấy ông im lặng, tôi nói thêm: “Cần phải mường tượng đại loại thế”. Nghe đến đây, cũng như lúc trước, chỉ thay cho điếu thuốc lá mà ông vừa vứt bỏ, ông úp mặt vào hai lòng bàn tay, và có lẽ vì thế giọng ông càng trầm đục hơn, nghẹn ngào hơn: “Không, không thể nào tưởng tượng nổi”, và về phần mình, tôi cũng thấy thế, tôi thậm chí còn nghĩ: vậy đấy, có vẻ như vì vậy mà thay vào đó người ta nói địa ngục, chắc thế.
Nhưng sau đó một lát ông ngồi thẳng dậy, nhìn đồng hồ và vẻ mặt bỗng thay đổi. Ông cho tôi biết mình là nhà báo, rồi còn nói thêm “ở mt tờ báo dân chủ” và đến lúc ấy, tôi mới chợt hiểu một vài lời ông đã nói làm tôi nhớ đến ai trong quá khứ: bác Vili - mặc dù, xin thừa nhận rằng với chừng ấy khác biệt, cả với độ đáng tin cậy mà tôi phát hiện ra, có thể nói là sánh được, chẳng hạn, với những lời của ông giáo sĩ Do Thái; và đặc biệt những hành động của ông, mức độ bướng bỉnh của ông, thì tôi có thể so sánh với bác Lajos. Ý nghĩ này đột nhiên nhắc tôi, làm tôi ý thức được, thực sự đây đúng là lần đầu tiên trong thực tế, về cuộc sum họp gia đình sắp tới, vậy là từ đó tôi chỉ còn nghe những gì ông nhà báo nói một cách hờ hững. Ông bảo ông muốn biến cuộc “gặp gỡ vô tình” của hai chúng tôi thành “cuộc gặp gỡ may mắn”, ông đề nghị chúng tôi viết một bài, mở đầu cho “loạt bài báo”. Ông sẽ viết, nhưng hoàn toàn dựa trên những lời kể của tôi. Như thế tôi cũng sẽ được một ít tiền, là thứ sẽ có ích cho tôi trong bước khởi đầu “cuộc sống mới”, mặc dù - ông nói thêm với nụ cười có vẻ như thanh minh - “nhiều thì không thể có”, vì đây là tờ báo mới và “các nguồn lực vật chất trước mắt còn hạn hẹp”. Nhưng trong thời điểm hiện tại, ông cho rằng, đây không phải là điều quan trọng nhất, mà quan trọng là “hàn gắn những vết thương đang rỉ máu và trừng trị bọn tội phạm”. Nhưng trước hết “cần phải thức tỉnh công luận”, xua tan “sự chán nản, thờ ơ, thậm chí sự ngờ vực”. Ở đây nói chung chung chung không có nghĩa gì, cần phải tìm ra - theo ông - những nguyên nhân, sự thật, dù nhìn thẳng vào sự thật có là “thử thách đau đớn” đến đâu. Ông thấy trong câu chuyện của tôi “có nhiều sự thật đặc sắc”, toàn bộ câu chuyện là sự thể hiện thái độ của một thời đại, nếu tôi hiểu đúng, nó như một “dấu ấn” thời gian, như “một sắc độ mới và độc đáo trong dòng chảy ào ạt của các sự kiện”, ông nói vậy, rồi hỏi tôi nghĩ gì về điều đó. Tôi bảo đầu tiên tôi còn phải giải quyết công việc riêng đã, nhưng hình như ông hiểu lầm tôi, vì ông nói: “Không. Đây không còn là chuyện của riêng cháu. Nó là việc của tất cả chúng ta, của cả thế giới”. Vậy là tôi bảo, vâng, nhưng bây giờ đã đến lúc tôi phải về nhà, ông liền bảo cho ông xin lỗi. Chúng tôi đứng dậy, nhưng ông còn ngần ngừ, có vẻ đang cân nhắc điều gì đó. “Ta có thể bắt đầu”, ông hỏi, “loạt bài bức ảnh về khoảnh khắc đầu tiên của cuộc gặp gỡ sau khi trở vể được không?”. Tôi không trả lời ông, và khi đó ông mỉm cười bảo: “Nghề nghiệp nhiều khi buộc người làm báo phải trở nên bất nhã”, nhưng nếu tôi không thích, thì về phần mình ông cũng “không nài ép”. Sau đó ông lại ngồi xuống ghế, mở một cuốn sổ bìa đen đặt lên đùi, ghi rất nhanh lên một tờ giấy, rồi xé ra đưa cho tôi. Trên đó là tên ông và địa chỉ tòa báo, rồi ông tạm biệt tôi “với hy vọng gặp lại trong một ngày gần đây”, ông nói và tôi cảm thấy bàn tay ấm, đầy đặn, hơi dính mồ hôi của ông siết chặt tay tôi thân thiện. Tôi thấy cuộc trò chuyện với ông cũng thoải mái, dễ chịu, bản thân ông cũng là người dễ mến và có thiện ý. Tôi đợi ông mất hút vào dòng người qua lại, rồi vứt bỏ tờ giấy ông vừa trao.
Sau mấy bước chân nữa tôi nhận ra ngôi nhà. Nó vẫn đứng đó, lành lặn, nguyên vẹn. Lối vào cổng vẫn có cái mùi xưa cũ, đón tôi sau lớp lưới chắn vẫn là thang máy xập xệ, những bậc thang già cỗi mòn vẹt đã ngả vàng, và phía trên tôi bắt gặp chỗ cầu thang lượn vòng đã ghi lại kỷ niệm về một khoảnh khắc riêng tư đặc biệt. Lên đến tầng trên, tôi nhấn chuông cửa nhà mình. Chỉ một thoáng cánh cửa đã mở, nhưng chỉ đúng bằng khoảng mà chiếc khóa bên trong, kiểu như loại dây xích đầu móc có gài bên trong, cho phép. Tôi cũng hơi bất ngờ, vì không nhớ là trước đây cửa có lắp móc chặn như thế. Qua khe cửa hẹp cũng là một gương mặt xa lạ: một người đàn bà trạc tuổi trung niên khuôn mặt vàng võ và gầy guộc nhìn tôi. Bà hỏi tôi tìm ai, và tôi nói với bà tôi sống ở nhà này. “Không”, bà đáp, “chúng tôi đang ở đây”, và bà định đóng cửa, nhưng không được vì tôi đã lấy chân chặn lại. Tôi cố giải thích cho bà hiểu: chắc bà nhầm, vì tôi từ đây ra đi, và chắc chắn là chúng tôi ở đây, còn bà thì khẳng định: tôi nhầm, vì không nghi ngờ gì là họ đang ở đây, bà nhã nhặn, lịch sự, nhưng lắc đầu lấy làm tiếc, trong khi bà cố đóng cửa lại, còn tôi thì cứ cố giữ. Sau đó trong một chớp mắt, tôi nhìn lên số phòng: hay cũng có thể là mình nhầm cửa, có lẽ đúng lúc ấy tôi đã buông chân giữ cửa và cố gắng của bà đã thành công, tôi nghe sau tiếng sập cửa, bà xoay chìa hai vòng trong ổ khóa. Trên lối quay trở lại cầu thang, một cánh cửa quen thuộc buộc tôi dừng lại. Tôi nhấn chuông: loáng cái đã thấy một bà vóc người to lớn, béo tốt trước mặt. Bà định đóng ngay cửa - như cách tôi đã thấy quen, nhưng phía sau lưng bà, tôi thoáng thấy một cặp mắt kính, và trong bóng tối lờ mờ hiện lên gương mặt xám xịt của bác Fleischmann. Bên cạnh bác hiện dần lên một người bụng phệ, đi dép, đầu to, tóc đỏ, rẽ ngôi kiểu trẻ con, miệng ngậm đầu mẩu xì gà đã tắt: ông lão Steiner, vẫn đúng như khi tôi bỏ họ ở lại đây, như mới hôm qua, cái buổi tối trước khi tôi bị dẫn vào trạm thuế.
Họ đứng đó, trân trân nhìn, rồi hét lên tên tôi, và bác Steiner còn ôm chặt lấy tôi, cứ nguyên xi như thế, cả mũ, cả áo khoác, nhễ nhại mồ hôi. Họ kéo tôi vào phòng, bác gái Fleischmann vội chạy vào bếp, xem “có gì ăn tạm” không, như bác nói. Tôi phải trả lời những câu hỏi như thường lệ: từ đâu về, thế nào, khi nào, bằng cách nào? Sau đó là tôi hỏi, và được biết đúng là những người khác đang ở nhà chúng tôi. “Thế còn người nhà cháu?” và thấy mọi người có vẻ khó nói thế nào đó, tôi liền hỏi: “Bố cháu đâu?”. Nghe vậy tất cả đều im lặng. Một lúc sau, một bàn tay - có lẽ là của bác Steiner - từ từ giơ lên cao, rồi hạ xuống cánh tay tôi, như một con dơi già thận trọng. Từ những gì mọi người nói sau đó, về cơ bản tôi hiểu rằng, “tin buồn là có thật, đáng tiếc rằng chúng ta không thể hoài nghi”, vì nó do “những người cùng cảnh ngộ chứng thực”, theo họ thì cha tôi “sau một thời gian chịu đau đớn ngắn đã qua đời” trong một “trại lao động bên Đức”, cái trại ấy thực ra là nằm trên đất Áo, nào, tên nó là gì nhỉ, khỉ thật... Tôi liền bảo: “Trại Mauthausen”. “Mauthausen!”, tất cả reo lên, rồi lại buồn xỉu: “Đúng thế”. Sau đó, tôi hỏi họ có nghe những gì về mẹ tôi không, họ nói ngay, có đây, hơn nữa là tin mừng: mẹ tôi vẫn sống, khỏe mạnh, mới vài tháng trước có qua đây, chính họ đã thấy, đã nói chuyện với mẹ tôi, bà đã hỏi thăm tin tức về tôi. “Thế còn mẹ kế của cháu?”, tôi tò mò hỏi thêm, và được biết: “Phải rồi, bà ấy đã lấy chồng”. “Thế bà ấy lấy ai?”, tôi lại hỏi, và họ lại không nghĩ ra tên người ấy. Một người bảo: “Nếu tôi nhớ đúng thì là một ông Kovács nào đó”, người kia lại nói: “Không, không phải Kovács, có lẽ đúng hơn là Futó”. Tôi bảo: “Sütő”, và tất cả lại gật đầu mừng rỡ, khẳng định, giống như lúc trước: “Đúng đấy, dĩ nhiên là Sütő rồi”. Bà ấy được nhờ vả ông ấy nhiều, “thực chất là mọi thứ”, họ nói: chính ông ấy đã “cứu được số tài sản” đã “cất giấu trong lúc khó khăn”. “Có lẽ”, bác Fleischmann ra chiều suy nghĩ, “bà ấy hơi vội”, và ông lão Steiner nhất trí với ý kiến đó. “Nhưng xét cho cùng”, bác nói thêm, “thì có thể hiểu được”, và ý này cũng được ông già chấp nhận.
Sau đó tôi còn ngồi với họ một lúc nữa, vì đã từ lâu tôi chưa ngồi thế này, trong một chiếc ghế bành mềm, bọc nhung màu đỏ. Bác gái Fleischmann giữa chừng đã quay lại, mang bánh mì quệt mỡ, ớt thái lát có điểm vài lát hành tây mỏng bày trên một chiếc đĩa men sứ lớn màu trắng có hoa văn trang trí xung quanh, vì bác nhớ ngày xưa tôi rất thích món này, và tôi cũng khẳng định lại ngay là hiện nay cũng vậy. Trong khi đó hai ông già cũng nói “đúng là ở nhà cũng không dễ dàng gì”. Từ câu chuyện của họ, tôi có ấn tượng, thấy những nét phác thảo lờ mờ của một sự kiện rắc rối, hỗn độn và khó lường, điều mà về cơ bản tôi không thể thấy rõ, không thể hiểu cặn kẽ. Tôi chỉ nhận thấy một từ lặp đi lặp lại, gần như đã đến mức nhàm chán trong câu chuyện của họ, bằng từ này họ đánh dấu mọi bước ngoặt, thay đổi, mọi động thái: chẳng hạn như “đến khi” có những ngôi nhà gắn sao vàng, “đến khi” xuất hiện Đảng Chữ Thập Ngoặc, “đến khi” có các ghetto, “đến khi” có vụ bờ sông Duna, “đến khi” giải phóng. Chưa kể đến một sai lầm thường thấy: cứ như thể tất cả các sự kiện - hoàn toàn lẫn lộn, dường như không thể tưởng tượng nổi trong thực tế và giờ đây ngay bản thân họ cũng không thể tái đựng được các tình tiết của chúng - không phải diễn ra trong dòng chảy bình thường của những phút, giờ, ngày, tuần, tháng và nhiều tháng, mà có thể nói đã ập cả xuống cùng một lúc, trong một mớ hỗn độn, choáng váng duy nhất, có thể nói đã diễn ra trong một buôi chiều hội ngộ có đôi chút kỳ lạ, bất chợt trở nên ầm ĩ, khi tất cả những người tham dự đột nhiên đâm ra mất trí, và cuối cùng không còn biết mình đang làm gì nữa. Trong một thời gian nhất định, họ ngừng nói, sau một lúc im lặng, ông già Fleischmann hỏi tôi câu này: “Thế cháu có dự định gì cho tương lai không?”. Tôi hơi bất ngờ, và nói với ông: tôi chưa nghĩ đến điều đó. Lúc đó ông già kia cũng cử động, vẫn ngồi trên ghế, ông ngả người về phía tôi. Bàn tay như con dơi của ông lại đưa lên, và thay vì đậu lên cánh tay, lần này nó sà xuống đầu gối tôi. “Trước hết”, ông nói, “cháu phải quên đi hết những điều khủng khiếp”. Tôi hỏi, mỗi lúc một ngạc nhiên hơn: “Vì sao vậy, thưa bác?”. “Vì”, ông đáp, “như thế cháu mới có thể sống nổi”, và bác Fleischmann gật gật đầu nói thêm: “Sống tự do”, nghe thấy thế ông già kia còn thêm: “Với một gánh nặng như thế này không thể bắt đầu cuộc sống mới”, và tôi công nhận trong ý này ông có phần đúng. Chỉ có điều tôi không hiểu lắm, sao họ có thể đòi hỏi điều bất khả, và tôi cũng nói ngay: điều gì xảy ra đã xảy ra, và làm sao tôi có thể điều khiển nổi ký ức của mình. Chỉ có thể bắt đầu cuộc đời mới, tôi nghĩ, nếu mình sinh ra một lần nữa, hoặc có một sự đày ải, hành hạ, bệnh tật hay thứ gì đó tương tự tấn công đầu óc tôi, điều mà có lẽ họ không thể mong muốn cho tôi. “Hơn nữa cháu cũng không nhận ra rằng”, tôi nói thêm, “đó là những gì khủng khiếp”. Tôi thấy họ ngạc nhiên: “Vậy các bác phải hiểu thế nào đây”, họ muốn biết, về việc “cháu không nhận ra”? Tôi liền hỏi lại họ vậy họ đã sống thế nào trong “thời buổi khó khăn” kia? “Thì… các bác đã sống”, một người trầm ngâm. “Các bác đã cố gắng vượt qua”, một người khác nói thêm. Chính xác! Họ cũng luôn luôn đi “từng bước”, tôi nhận xét. Đi “từng bước” nghĩa là sao? Họ lúng túng, và để làm ví dụ, tôi kể cho họ nghe điều đó đã diễn ra ở Auschwitz thế nào. Mỗi chyến tàu - và tôi không nói luôn nhất định là con số này, bởi vì tôi không có khả năng biết được điều đó - nhưng trong trường hợp của chúng tôi, dù thế nào cũng phải tính là ba nghìn người. Trong số này cứ cho là có một nghìn đàn ông. Mỗi trường hợp kiểm tra ta cứ tính là mất một hoặc hai giây, thường là một giây hơn hai giây. Người đầu tiên và người cuối cùng đừng tính, vì không bao giờ có ý nghĩa gì; nhưng ở giữa, nơi tôi cũng đang đứng, phải có khoảng từ mười đến hai mươi phút chờ đợi trước khi chúng tôi tới được chỗ sẽ ngã ngũ là vào lò thiêu ngay hay còn được hoãn thêm chút thời gian. Lúc này, trong suốt khoảng thời gian này, hàng người cứ dịch chuyển, tiến dần lên, và mọi người đều đi từng bước, bước ngắn, bước dài, tùy thuộc vào tốc độ vận hành đòi hỏi thế nào.
Đến đây tất cả bỗng yên lặng, chỉ có một tiếng động nhỏ: vợ bác Fleischmann lấy đĩa thức ăn đã hết, và tôi cũng không thấy bác ấy quay lại nữa. Hai ông già hỏi tôi: “Điều đó thì có liên quan gì đến câu chuyện của chúng ta, và ý cháu muốn nói gì?”. Không có gì đặc biệt, tôi đáp, nhưng không phải tất cả chỉ là nó “đến”, mà chúng ta cũng đã đi tới. Chỉ đến lúc này mới có vẻ như tất cả đã xong, đã kết thúc, đã không thể thay đổi, đã an bài, rất nhanh và cực kì mờ ám, như là nó đã “đến”: chỉ lúc này, sau khi sự việc đã xảy ra, nếu ta nhìn lại phía sau, nhìn ngược lại. Và tất nhiên, nếu ta biết trước số phận. Thế thì, đúng là chúng ta chỉ theo dõi sự trôi đi của thời gian. Một chiếc hôn khờ dại cũng là một sự cần thiết như một ngày chờ đợi bất động trong ngôi nhà của sở thuế quan hay những lò thiêu. Chỉ có điều, dù chúng ta nhìn lại phía sau hay nhìn về phía trước, cả hai đều là cách nhìn sai lầm, tôi nhận xét. Xét cho cùng thì hai mươi phút có khi, và bản thân nó cũng là khoảng thời gian khá dài. Mỗi phút đều bắt đầu, kéo dài và kết thúc, trước khi lại bắt đầu phút tiếp theo. Bây giờ, tôi nói, ta thử xem xét: mỗi phút như thế đều có thể mang lại một điều mới mẻ nào đó. Trên thực tế, nó đã không mang lại, dĩ nhiên, nhưng phải công nhận: nó đã có thể mang lại, xét đến cùng trong mỗi phút nó vẫn có thể xảy ra một điều gì đó khác, chẳng hạn như vào lúc ở nhà đây, chúng tôi tiễn cha tôi đi.
Nghe xong lời cuối cùng của tôi, bác Steiner cựa quậy một chút. “Nhưng chúng ta đã có thể làm được gì?”, bác hỏi với vẻ nửa bực bõ, nửa như phàn nàn. Tôi bảo bác: “Chẳng có gì cả, tất nhiên”, tôi nói, “hoặc là bất kỳ điều gì”, tôi nói thêm, “điều đó cũng vô nghĩa như ta chẳng làm gì hết, nhưng lại cũng là dĩ nhiên”. “Nhưng vấn đề không phải ở đó”, tôi thử tiếp tục giải thích cho họ. “Thế thì vấn đề ở đâu?”, họ hỏi, gần như đã hết kiên nhẫn, và tôi đáp, chính tôi cũng cảm thấy mình mỗi lúc một nóng nảy hơn: “Ở các bước đi”. Mọi người đều bước đi, chừng nào còn có thể bước: tôi cũng đã đi các bước của mình, và không chỉ trong hàng người ở Birkenau, mà còn từ trước đó, ở đây, tại nhà. Tôi đã bước với cha tôi, và tôi đã bước với mẹ tôi, tôi đã bước với Annamária, và tôi đã bước - có lẽ là bước đi khó nhọc nhất trong các bước - với cô chị lớn. Bây giờ thì tôi đã nói được với cô là người Do Thái nghĩa là gì: không có nghĩa gì hết, ít nhất là đối với tôi, ngay từ đầu, chừng nào các bước đi kia chưa bắt đầu. Không có điều gì trong đó đúng cả, không có dòng máu khác và không có thứ gì khác, chỉ... tôi ngắc ngứ, nhưng bất chợt nhớ đến lời của ông nhà báo: chỉ có những tình huống sẵn có và những khả năng tiềm ẩn trong chúng. Tôi cũng đã sống đến cùng với số phận được trao. Không phải số phận của tôi, nhưng tôi đã sống đến cùng - và tôi không thể nào hiểu được rằng sao họ không thể chấp nhận rằng giờ đây tôi phải bắt đầu làm một điều gì đó với cái số phận ấy, cần gắn kết nó với một nơi nào đó hoặc một điều gì đó; sau hết tôi đã không thể bằng lòng với quan niệm tất cả chỉ là sai lầm, rủi ro, một thứ ngớ ngẩn, hãy coi như việc chưa hề xảy ra, có lẽ là thế. Tôi thấy, tôi thấy rõ họ không thật hiểu, những lời tôi nói không làm họ thích thú lắm, thậm chí điều này điều kia còn làm họ khó chịu. Tôi thấy bác Steiner thỉnh thoảng nói xen vào, có lúc bác đã gần như nhảy dựng lên, tôi thấy ông già kia phải kìm giữ bác lại, và nghe thấy ông bảo bác ta: “Mặc nó, ông không thấy nó chỉ muốn nói ra thôi sao? Cứ để nó nói, kệ nó!”, và tôi cũng cứ nói, dù có thể là vô ích, và thậm chí hơi thiếu mạch lạc. Nhưng dù thế tôi cũng đã làm cho họ hiểu rằng không bao giờ chúng ta có thể bắt đầu cuộc sống mới, bao giờ ta cũng chỉ tiếp tục cuộc sống cũ. Tôi đã bước, chứ không phải ai khác, và tôi tuyên bố, trong số phận định sẵn của mình tôi luôn luôn trung thực. Dấu vết duy nhất, tôi có thể nói là sai sót, sự ngẫu nhiên duy nhất, mà người ta có thể trách cứ, đó là lúc này chúng ta đang trò chuyện với nhau ở đây, nhưng việc này không phải tại tôi. Người ta muốn tất cả danh dự này và tất cả các bước đi của tôi đều mất hết ý nghĩa ư? Vì sao có sự tráo trở này, vì sao có sự cản trở này, vì sao người ta không muốn nhận ra: nếu có số phận, thì không thể có tự do; nhưng nếu - tôi tiếp tục mỗi lúc một bất ngờ hơn, mỗi lúc một hăng say hơn, nhưng nếu có tự do, thì không có số phận, nghĩa là - tôi dừng lại, nhưng chỉ đủ thời gian để lấy hơi - nghĩa là khi đó chính chúng ta là số phận, tôi chợt nhận ra, nhưng trong giây phút đó điều này rõ ràng tới mức cho tới lúc đó chưa bao giờ rõ ràng như thế. Tôi hơi lấy làm tiếc mình đang đứng đối diện với họ, chứ không phải với những đối thủ thông minh hơn, hay có thể nói là xứng đáng hơn. Nhưng họ đang ở đây lúc này, họ hiện diện - trong giây phút này ít nhất gần như tôi lờ mờ nhận thấy thế - ở mọi nơi, và dù thế nào họ đã có mặt cả khi chúng tôi tiễn cha tôi. Họ cũng đã đi những bước đi của họ. Họ cũng biết trước, họ cũng đã nhìn thấy trước tất cả, họ cũng đã tiễn biệt cha tôi, như thể chúng tôi đã chôn ông rồi vậy, và khi đó họ đã chỉ cãi nhau về việc tôi đi tàu điện ngoại vi hay tốt hơn là đi xe buýt tới Auschwitz... Nhưng đến đây thì không chỉ bác Steiner, mà cả ông lão Fleischmann cũng đứng bật dậy. Ngay cả lúc này ông cũng muốn giữ bác Steiner lại, nhưng không giữ nổi. “Anh nói sao?”, ông quát tôi với gương mặt đỏ lựng như trái ớt, và nắm tay đấm lên ngực: “Hóa ra có lẽ chúng tôi là những người có tội sao, chúng tôi, những nạn nhân?!”, và tôi cố giải thích cho bác ta hiểu: không phải là tội lỗi, nhưng cần phải nhận ra, một cách khiêm nhường, đơn giản, chỉ vì nhận thức, vì danh dự mà thôi, xin được nói như thế. Không thể, các vị hãy cố hiểu cho, không thể lấy đi của tôi tất cả, không thể có chuyện rằng, tôi không thể trở thành kẻ không chiến thắng cũng không thể trở thành kẻ thất bại, rằng tôi không thể đúng, và rằng tôi cũng không thể sai lầm, rằng tôi không thể là nguyên nhân, cũng không thể là kết quả của bất cứ điều gì - các vị hãy cố hiểu cho, tôi gần như van nài: tôi không thể nuốt nổi sự cay đắng ngu xuẩn ấy, chỉ để trở nên một người vô can. Nhưng tôi nhận thấy họ chẳng muốn nhìn nhận điều gì hết, thế là tôi nhấc túi, cầm mũ lên, sau vài câu chẳng vào đâu, sau vài cử chỉ, và một câu đang dở dang, tôi ra về.
Phố xá đón tôi ở phía dưới. Về chỗ mẹ tôi phải đi bằng tàu điện, vì không có tiền, tôi quyết định cuốc bộ. Để lấy sức, tôi dừng lại một phút trên quảng trường, chỗ cái băng ghế lúc nãy. Ở phía trước, nơi tôi sẽ đến, nơi con phố nhìn có vẻ dài, rộng ra và mất hút tới vô cùng, trên những quả đồi màu xanh những đám mây nhẹ xốp như lông cừu đã chuyển sang màu tím và nền trời đã rực đỏ. Xung quanh tôi dường như một điều gì đó cũng đã đổi khác: phố xá thưa vắng người hơn, những bước chân qua lại cũng như chậm rãi, nhẹ nhàng hơn, ánh mắt người như dịu dàng hơn và gương mặt họ hình như cũng hướng về nhau. Đây đúng là giờ phút đặc trưng nhất định ấy - ngay cả lúc này, ở đây tôi cũng nhận ra - giờ yêu thích nhất của tôi trong trại và sau đó một cảm giác sắc lạnh, đau đớn và vô vọng nào đó ùa về trong tâm trí của tôi: nỗi nhớ. Bỗng nhiên, tất cả bỗng trở nên thật sống động, tất cả còn đây và dâng tràn trong tôi, không khí lạ lùng của nó, những ký ức nho nhỏ về nó làm tôi run rẩy. Đúng, xét theo một ý nghĩa nhất định, ở đó cuộc sống trong sáng và đơn giản hơn. Tôi nhớ hết, tôi điểm lại lần lượt từng người, cả những người tôi không để ý đến, và cả những người mà mọi chứng thực của họ đều là sự tính toán này, có thể là sự có mặt của tôi: Citrom Bandi, Pjetchka, Bohus, ông bác sĩ và tất cả những người khác. Và giờ đây, lần đầu tiên tôi nhớ tới họ với một chút trách móc, một nỗi hờn giận yêu thương nào đó.
Nhưng thôi, chúng ta đừng nên thái quá, vì chính đây mới là điều nan giải: tôi đang ở đây và tôi biết rõ, tôi chấp nhận mọi nguyên cớ, với cái giá để tôi có thể sống. Đúng, cứ như tôi nhìn quanh cái quảng trường nhỏ vào lúc hoàng hôn này, con phố bị bão táp dập vùi nhưng vẫn tràn đầy cả ngàn hứa hẹn này, là tôi cảm thấy trong tôi đang lớn dần lên, đang hội tụ sự sẵn sàng: tôi sẽ tiếp tục cuộc đời không thể tiếp tục của mình. Mẹ đang đợi tôi về, và chắc hẳn bà sẽ rất mừng khi tôi về, người mẹ đáng thương của tôi. Tôi nhớ, dự định ngày xưa của mẹ là tôi phải trở thành kỹ sư, bác sĩ hay một cái gì tương tự thế. Chắc hẳn rồi mọi việc sẽ như vậy, đúng như bà muốn; không điều gì không có thể mà ta không trải qua một cách tự nhiên, và trên con đường tôi đi, tôi đã biết, hạnh phúc sẽ rình rập tôi, như một thứ cạm bẫy không thể tránh khỏi nào đó. Vì ngay cả ở bên đó, bên cạnh những ống khói lò thiêu, giữa những đau đớn vẫn có một thứ gì đó giống như hạnh phúc. Ai cũng chỉ hỏi về những khổ ải, về “những nỗi kinh hoàng”: trong khi ấn tượng này có lẽ lưu lại đáng nhớ nhất. Đúng, phải nói về điều này, gần nhất tôi sẽ nói cho họ nghe về hạnh phúc của các trại tập trung, nếu sau này họ hỏi.
Nếu như họ hỏi. Và chỉ nếu chính tôi cũng không quên điều đó.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét