Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 4

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

4

Trên tàu hỏa thiếu nhất là nước. Đồ ăn dự trữ được tính đếm từng thứ, có vẻ đủ cho một thời gian dài; hiềm một nỗi chẳng có gì để uống, và như thế rất khổ sở, chắc chắn vậy. Những người trên tàu nói ngay: cơn khát đầu tiên sẽ chóng qua. Cuối cùng đến lúc hầu như ta đã quên thì nó lại đến, chỉ có điều lần này nó không cho ta cơ hội để quên, họ giải thích. Sáu, bảy ngày là thời gian, những người am hiểu khẳng định, mà trong trường hợp cần thiết, đã tính đến thời tiết nóng nực, ta có thể nhịn được nước, với điều kiện ta khỏe mạnh, không mất quá nhiều mồ hôi và nếu có thể thì không ăn thịt và gia vị. Họ động viên chúng tôi: hãy còn thời gian; tất cả tùy thuộc vào việc chuyến đi kéo dài đến khi nào, họ nói thêm.
Thật vậy, tôi cũng tò mò muốn biết: khi ở nhà máy gạch người ta chưa cho chúng tôi biết. Họ chỉ thông báo rằng ai muốn làm việc thì có thể đăng ký, cụ thể là sang nước Đức. Ý tưởng này, khi ở nhà máy gạch, cũng như đám con trai và nhiều người khác nữa, tôi cũng lập tức cho là hay. Nếu không, một vài người, có thể nhận biết qua tấm băng họ đeo trên tay, thuộc một nhóm gọi là “Hội đồng Do Thái” nói, đằng nào thì, dù tình nguyện hay bắt buộc, trước sau họ cũng đưa tất cả số người bị nhốt trong nhà máy gạch sang Đức, những người tình nguyện đi trước sẽ có chỗ tốt hơn, hơn nữa còn được ưu tiên chỉ có sáu mươi người trong một toa xe, còn sau này, một toa phải nhồi nhét ít nhất tám mươi người, do thiếu toa xe, - như người ta giải thích với tất cả: không có quá nhiều khả năng để lựa chọn, tôi cũng thấy như vậy.
Tôi cũng không thể phủ nhận sự xác đáng của những lý lẽ khác, về sự chật chội ở nhà máy gạch, về những hậu quả phát sinh trong lĩnh vực sức khỏe, cũng như các khó khăn ngày càng tăng trong khâu cung cấp thực phẩm: tất cả đúng như thế, và tôi cũng thấy thế. Ngay khi chúng tôi đến từ trại hiến binh (nhiều người lớn cho biết cái trại ấy gọi là “trại hiến binh An-drássy”), tất cả các ngóc ngách của nhà máy gạch đã chật ních những người. Tôi thấy trong số họ có cả đàn ông và đàn bà, trẻ em ở mọi lứa tuổi, và rất nhiều người già. Bước đến đâu tôi cũng vấp phải chăn, ba lô, đủ loại va li, túi đựng, đồ đạc. Tất cả những thứ đó, cùng với những bực bõ vặt vãnh, những nỗi khó chịu và phiền toái không thể tránh khỏi của cuộc sống chung đụng đông người, dĩ nhiên đã nhanh chóng làm cả tôi cũng trở nên mệt mỏi. Thêm vào đó là cảm giác trì độn của cảnh ăn chực nằm chờ, không biết làm gì và nỗi chán chường; tôi chẳng nhớ nổi cụ thể một ngày nào trong năm ngày ở đó, mà chỉ nhớ một vài tình tiết từ cái đám hỗn độn ấy. Dù sao tôi cũng thấy dễ chịu hơn vì tất cả bọn con trai đều ở quanh tôi: “Rozi”, “chàng trai lụa”, “thợ làm đồ da”, cậu nghiện thuốc, Moskovics và tất cả những đứa khác. Tôi có thể nói là đủ cả không thiếu một ai, chứng tỏ chúng đều tử tế. Với đám hiến binh trong nhà máy gạch, chúng tôi cũng chẳng có gì liên quan trực tiếp: chỉ thấy họ đứng gác phía ngoài hàng rào, đây đó xen lẫn vài cảnh binh. Trong nhà máy gạch người ta bảo đám cảnh binh dễ gần hơn hiến binh, họ cũng có tình người hơn, nếu có sự thỏa thuận trước nào đó, có thể là tiền, hay bất cứ thứ gì có giá trị. Chủ yếu, tôi nghe nói, người ta hay nhờ họ chuyển thư từ, tin nhắn ra ngoài, thậm chí một vài người còn đoan chắc trong một hai vụ bỏ trốn cũng có bàn tay họ, mặc dù - người ta nói thêm - chỉ ít khi có dịp và cũng rất mạo hiểm; về việc này tôi cũng khó biết đích xác. Nhưng lúc đó tôi chợt nhớ và lờ mờ hiểu, lão mặt hải cẩu đã có thể rất muốn nói gì với viên cảnh binh trong trạm thuế quan. Và nhờ thế mà tôi biết viên cảnh binh ấy là một người có lòng tự trọng. Điều đó sau này cũng giải thích việc khi đi lang thang ngoài sân hoặc lúc chờ đến lượt vào bếp công cộng, giữa sự nhốn nháo của bao gương mặt xa lạ trong khu nhà máy gạch, một đôi lần tôi vẫn nhận ra khuôn mặt hải cẩu của lão.
Trong số những người ở trạm thuế quan tôi còn nhìn thấy ông già thiếu may mắn: ông hay ngồi giữa “đám thanh niên” chúng tôi “cho vui vẻ chút” - ông bảo thế. Hình như ông còn tìm được chỗ nằm gần chúng tôi, ở một trong vô số những ngôi nhà giống nhau trong khu sân, mái lợp gỗ, nhưng bốn bề bỏ ngỏ, mà tôi nghe nói ban đầu vốn là nhà sấy gạch. Nom ông có vẻ mệt mỏi, mặt ông sưng vù và đầy những vết thâm tím, ông cho chúng tôi biết đó là kết quả cuộc điều tra của đám hiến binh: họ đã tìm thấy thuốc và thức ăn trong ba lô của ông. Ông đã hoài công giải thích đó chỉ là đồ cũ còn lại từ trước mà ông muốn đem đến cho bà mẹ đang ốm nặng, họ đã khép tội ông: rõ ràng ông định mang chúng ra buôn bán ngoài chợ đen. Ông có giấy phép cũng vô ích, cả chuyện bản thân ông luôn tôn trọng pháp luật và không bao giờ vi phạm dù chỉ một chữ cái, đúng như lời ông, cũng vô nghĩa. “Các anh có nghe ngóng được gì không? Chuyện gì sẽ đến với chúng ta?”, ông thường xuyên hỏi. Ông lại nói về gia đình và sự rủi ro, bất hạnh của mình. “Tôi đã mất bao công sức và vui mừng đến thế nào vì cái giấy phép ấy”, ông nhớ lại, “nhưng tôi đâu có ngờ sự việc lại kết thúc thế này. Chỉ có năm phút, sự thể đã đảo ngược. Nếu không gặp rủi ro... Nếu lúc ấy chiếc xe bus..., tôi nghe thấy ông nói ra lời những suy nghĩ ấy. Nhưng xét cho cùng ông bằng lòng với sự trừng phạt. “Tôi đến lượt cuối cùng, và có lẽ thế lại may”, ông kể, “lúc đó họ đã vội”. Nhìn chung “sự việc lẽ ra có thể tồi tệ hơn đối với tôi”, ông kết luận, và nói thêm rằng ông còn thấy “những trường hợp còn tệ hơn thế” ở phòng điều tra của hiến binh. Và quả đúng thế, chính tôi cũng nhớ vậy. Đừng có một ai nghĩ rằng, đám hiến binh cảnh cáo chúng tôi vào buổi sáng trong cuộc điều tra, có thể giấu được họ các tội lỗi, tiền nong hay vàng bạc và những thứ giá trị khác. Cả tôi, khi đến lượt, cũng phải đặt hết lên bàn trước mắt họ toàn bộ tiền, đồng hồ, dao nhíp và các đồ dùng khác của mình. Một gã hiến binh cao lớn còn nắn dọc từ hai bên nách xuống tận ống quần lót tôi bảng những động tác khá nhanh và có vẻ chuyên nghiệp. Phía sau bàn tôi cũng nhìn thấy viên trung úy lần nữa - đến lúc đó, qua những lời trao đổi của đám hiến binh với nhau tôi đã được biết, tên thật của viên sĩ quan cầm roi ngựa này là trung úy Szakál. Bên tay trái viên trung úy tôi thấy lừng lững một hiến binh mặc áo sơ mi, để ria ngạnh trê, cơ bắp như một gã đồ tể, trong tay hắn là một vật hình trụ, thoạt nhìn nom hơi tức cười, vì nó giống như chiếc gậy cán bột của các bà đầu bếp. Viên trung úy có vẻ thân thiện: anh ta hỏi tôi có giấy tờ gì không, dù sau đó tôi không thấy một dấu hiệu gì, hay ít nhất một tia sáng lóe lên trong ánh mắt anh ta khi nhìn thấy cái thẻ chứng nhận. Tôi ngạc nhiên, nhưng chủ yếu vì thấy động tác giục đi ra thật nhanh, bao hàm một hứa hẹn không thể hiểu khác của gã ria ngạnh trê trong trường hợp ngược lại - nên tôi thấy khôn ngoan nhất có lẽ là không phản đối bất cứ điều gì.
Sau đó đám hiến binh đưa tất cả chúng tôi ra khỏi trại lính, đầu tiên dồn chúng tôi lên các toa tàu điện, đến một địa điểm trên bờ sông Duna* thì chuyển chúng tôi sang tàu thủy, sau khi lên bờ chúng tôi còn phải đi bộ một đoạn nữa, và đã đến nhà máy gạch như thế, chính xác hơn - như khi đến nơi tôi được biết - đó là “Nhà máy gạch Budakalász”.

*[Sông Duna (đọc là Đu-no, trong tiếng Việt là Đa-nuýp, phiên âm từ “Danube” trong tiếng Anh và Pháp). Dòng sông dài thứ hai của Châu Âu, chảy qua nhiều nước, đoạn chảy qua Hungary gọi là Duna].

Vào buổi chiều đăng ký tôi còn nghe nhiều thứ khác về chuyến đi. Những người tay đeo băng cũng có mặt và vui vẻ trả lời mọi câu hỏi. Trước hết họ tìm những người còn trẻ, hăng hái, những người đến đây một mình. Nhưng họ còn bảo đảm, như tôi nghe thấy, với những người chạy đến hỏi han, rằng sẽ có chỗ cho cả phụ nữ, trẻ em, người già, và còn có thể đem theo tất cả hành lý nữa. Nhưng theo họ có một vấn đề chính yếu nhất là: tự chúng tôi hãy giải quyết với nhau một cách có tình, trong phạm vi có thể, hay là chờ đám hiến binh thi hành quyết định đối với chúng tôi? Theo họ giảng giải: bất luận thế nào các chuyến tàu cũng phải đầy, nếu danh sách họ lập ra còn thiếu thì cảnh binh sẽ điền thêm tên chúng tôi vào cho đủ. Đa số mọi người, trong đó có cả tôi, đều cho rằng rõ ràng cách thứ nhất thuận lợi cho chúng tôi hơn.
Về người Đức, có nhiều cách nhìn nhận khác nhau lọt đến tai tôi. Rất nhiều người, mà chủ yếu là những người có tuổi đã từng trải, cho rằng dù quan điểm của họ về người Do Thái ra sao, dân Đức là những người sạch sẽ, trọng danh dự, thích trật tự, chính xác và chăm chỉ, họ sẽ tôn trọng nếu bắt gặp những tính cách tương tự ở người khác; đúng là về cơ bản hiểu biết của tôi về họ cũng đại thể phù hợp với điều này, và tôi nghĩ chắc chắn tôi sẽ có chút lợi thế khi sang bên đó, vì ở trường trung học tôi đã học được ít nhiều ngôn ngữ của họ. Nhưng cái chính là qua công việc, tôi hy vọng cuối cùng sẽ học được sự ngăn nắp, nghề nghiệp và những ấn tượng mới, nói vui một chút: cả cách sống có ý nghĩa hơn ở đây và phù hợp với ý thích của tôi hơn, đúng như người ta đã hứa và bọn con trai chúng tôi đã bàn luận với nhau, một cách tự nhiên; bên cạnh đó tôi còn nghĩ như thế mình ít nhiều sẽ được nhìn thấy thế giới. Và thú thật, nếu nghĩ đến một vài sự kiện của những ngày vừa qua: như việc làm của đám hiến binh, mà đặc biệt là cái giấy chứng nhận, thì sự thật là lòng yêu nước cũng chẳng khiến tôi lưu luyến, nếu như xét đến cả tình cảm này.
Và có những kiểu người hoài nghi hơn, nhận được thông tin theo chiều hướng khác, họ tuyên bố biết các khía cạnh khác của tính cách Đức; vài người khác liền hỏi họ, vậy trong trường hợp đó, thì họ có ý kiến gì hay hơn chăng; và lại có những người khác nữa, cho rằng thay vì dằn vặt, tốt hơn là nghe theo tiếng nói của lý trí, họ thể hiện một thái độ mẫu mực, cốt làm vừa lòng nhà chức trách - tất cả những lý lẽ và những quan niệm trái ngược nhau ấy, cùng nhiều tin tức, tình hình và những điều cần biết khác được mấy nhóm người lớn nhỏ, hết tụ lại tan ngoài sân, tranh cãi không dứt xung quanh tôi. Tôi còn nghe nhắc tới cả Chúa, giữa những điều khác, đến “ý muốn không thể nào nắm bắt được của Người”, như một người nói. Như bác Lajos bữa trước, ông cũng nói về số phận, về số phận của người Do Thái, và cũng như bác Lajos, ông cho rằng “chúng ta đã rời bỏ Chúa”, và đó là lời giải thích cho những tai họa giáng xuống chúng tôi. Nhưng dẫu sao ông ta vẫn làm tôi chú ý, vì đó là một người có dáng vóc vạm vỡ và khỏe mạnh, có khuôn mặt hơi khác thường với cái mũi mỏng hơi khoằm, đôi mắt sáng ướt át, bộ ria mép ngả bạc nối liền với hàm râu quai nón ngắn chạy vòng tròn. Tôi thấy đông người đứng vây quanh, tò mò nghe ông nói. Sau đó tôi được biết ông là một thầy tu, vì tôi nghe người ta gọi ông là “ngài rabbi”*.
*[Rabbi: giáo sĩ Do Thái]
Tôi còn ghi nhớ được vài lời hay vài đoạn ông nói, chẳng hạn ông bảo “vì con mắt nhìn thấy và con tim cảm nhận được” khiến ông phải thừa nhận rằng “ở đây trên mặt đất này có lẽ chúng ta có thể tranh luận về phán quyết nghiêm khắc của Ngài” - và giọng nói trong, vang xa của ông ngắc ngứ và nghẹn lại một phút ở chỗ này, đồng thời hai mắt ông nhòa đi hơn cả lúc bình thường; không biết vì sao, nhưng tôi có cảm giác là lạ, cứ như ban đầu ông chuẩn bị nói ra một điều gì đó khác, và những lời vừa nói ra làm chính ông cũng hơi bất ngờ. Nhưng dẫu sao ông vẫn tiếp tục nói, và ông bảo ông không muốn “tự huyễn hoặc mình”. Ông biết rõ, chỉ cần “nhìn quanh mảnh đất khổ ải và những gương mặt đau khổ này” - ông bảo thế, và sự thương cảm của ông khiến tôi kinh ngạc, vì chính ông cũng đang có mặt ở đây - là ông đủ thấy sứ mạng của mình nặng nề như thế nào. Nhưng mục đích của ông không phải là “giành những linh hồn cho Đấng Tối cao”, bởi linh hồn của mỗi chúng ta đều từ Ngài mà có, ông nói. Tuy nhiên ông vẫn khuyến cáo chúng tôi: “Đừng oán trách Ngài!” chủ yếu không phải vì như thế là tội lỗi, mà vì con đường đó sẽ dẫn đến “sự phủ nhận ý nghĩa cao cả của cuộc sống”; mà theo ý ông, với sự “phủ nhận này trong con tim” chúng ta không thể sống trung thực. Có thể một trái tim như thế sẽ được nhẹ nhàng, nhưng chỉ bởi nó trống rỗng như sa mạc hoang vu, ông nói; tuy rất nhọc nhằn, nhưng con đường duy nhất của sự an nhiên là cả trong tai ương vẫn nhìn thấy sự thông thái vô biên của Đấng Tối cao, vì, đúng theo lời ông nói: “Sẽ đến thời khắc chiến thắng của Ngài, và những kẻ lãng quên quyền năng của Ngài sẽ trở thành cát bụi và sẽ gọi tên Ngài từ cát bụi”. Do vậy, nếu bây giờ ông bảo chúng tôi phải tin rằng sự khoan dung cuối cùng của Ngài sẽ đến (“và niềm tin này hãy là chỗ dựa của chúng ta và là cội nguồn sức mạnh không bao giờ cạn kiệt của chúng ta trong giờ phút thử thách”), thì Ngài đồng thời cũng chỉ ra phương cách duy nhất để chúng ta hoàn toàn có thể sống. Ông gọi phương cách ấy là “phủ định của phủ định”, bởi vì không có hy vọng thì “chúng ta sẽ chết” - nên chỉ có thể nuôi hy vọng duy nhất bằng niềm tin, và với niềm tin vững chắc rằng Ngài sẽ đoái thương chúng ta, rồi chúng ta có thể sẽ nhận được ân sủng của Ngài. Phải công nhận cách lập luận của ông rõ ràng, mặc dù tôi nhận ra là rốt cuộc ông cũng không nói chính xác chúng tôi phải làm gì, và ông cũng không thể đưa ngay ra lời khuyên cho những người muốn xin ý kiến ông: bây giờ họ nên đăng ký đi hay tốt hơn cả là nên ở lại? Tôi nhìn thấy cả ông già không may mắn mấy lần, lúc thấy ông ở nhóm này, lúc ở nhóm khác. Tôi còn nhận thấy cái nhìn lo lắng trong đôi mắt vẫn còn hơi tụ máu của ông khi ông đi từ nhóm này sang nhóm khác không biết mỏi, từ người nọ đến người kia. Lúc lúc lại nghe tiếng ông, khi ông chặn một ai đó, với gương mặt dò hỏi căng thẳng, vừa bẻ đốt ngón tay vừa xoa xoa hai bàn tay, hỏi họ: “Xin lỗi, quý ông có đi không?”, hay: “Tại sao?”, hay: “Các vị nghĩ như thế sẽ tốt hơn sao, cho tôi xin phép hỏi?”.
Đúng lúc ấy - tôi nhớ - một người quen khác từ trạm thuế quan cũng vừa đến xin đăng ký: ông “chuyên gia”. Trong những ngày ở nhà máy gạch tôi cũng đã nhiều lần nhác thấy ông. Mặc dù quần áo nhàu nát, chiếc cà vạt cũng đã biến đâu mất, và mặt ông phủ đầy râu ria màu xám, nhưng vẫn thấy được những dấu vết không thể chối cãi từ vẻ ngoài khả kính trước đây của ông. Ngay lập tức, việc ông đến đã gây chú ý, một vòng người hồi hộp vây quanh ông, và ông không kịp trả lời những câu hỏi dồn dập. Không bao lâu sau tôi được biết rằng ông đã có cơ may nói chuyện với đích thân một sĩ quan Đức. Sự kiện này diễn ra ngay ở phía trước, chỗ gần khu văn phòng của ban chỉ huy, đội hiến binh và các cơ quan điều tra khác, nơi trong những ngày này, đúng là cũng đôi lần có một, hai người Đức mặc quân phục vội vã biến mất hay xuất hiện, mà cả tôi cũng nhận thấy. Trước đó - tôi suy đoán - ông đã thử gặp mấy tay hiến binh. Ông còn nói ông đã cố “liên hệ với công ty” nơi ông làm việc. Nhưng chúng tôi được biết đám hiến binh “liên tục phủ nhận” quyền được gặp của ông, trong khi “đó là xưởng quân sự” và “việc chỉ đạo sản xuất sẽ không thể tưởng tượng nổi” nếu thiếu ông, điều đó các nhà chức trách cũng công nhận, mặc dù các giấy tờ về việc này, cũng như về tất cả những việc khác, cảnh binh đã “tịch thu”. Tôi gần như không theo dõi kịp câu chuyện vì ông nói đứt đoạn, trong lúc vẫn liên tục phải trả lời nhiều câu hỏi cắt ngang. Đúng là trông ông có vẻ phẫn nộ. Nhưng ông nói thêm rằng ông “không muốn đi vào chi tiết vụ việc”. Mặt khác chính vì thế mà ông tìm đến viên sĩ quan Đức. Đúng lúc viên sĩ quan chuẩn bị đi. Ngẫu nhiên, ông cho chúng tôi biết, ông cũng đang có mặt ở gần đó vào lúc ấy. “Tôi bước tới trước mặt anh ta”. Có nhiều người chứng kiến vụ này, và họ nhắc đến sự can đảm của ông. Nhưng ông chỉ nhún vai bảo không mạo hiểm thì không thể đạt được kết quả và đằng nào thì ông cũng muốn trao đổi “với một người có thẩm quyền”. “Tôi là kỹ sư”, ông tiếp tục, “nói tiếng Đức hoàn hảo”, ông nói thêm. Ông cũng nói vậy với viên sĩ quan Đức. Ông cho hắn biết “xét về khía cạnh đạo đức và cả trên thực tế nữa, họ đã khiến công việc của tôi trở nên bất khả”, mà hơn nữa, theo cách nói của ông là “không hề có lý do và cơ sở luật pháp nào, thậm chí trong phạm vi những quy định hiện hành”. “Đây là vì lợi ích của ai?”, ông đặt câu hỏi cho viên sĩ quan Đức. Ông nói với hắn, hệt như bây giờ đang nói với chúng tôi đây: “Tôi không đòi hỏi quyền lợi và ưu đãi cho riêng mình. Tôi chỉ là một người nào đó, và am hiểu một đôi điều; tôi chỉ muốn làm việc theo chuyên môn của mình, đó là toàn bộ cố gắng của tôi”. Lời khuyên ông nhận được từ viên sĩ quan là hãy ghi tên cùng số người tình nguyện. Hắn ta không “hứa điều gì to tát”, ông nói, nhưng bảo đảm rằng trong những nỗ lực hiện tại, nước Đức cần đến tất cả mọi người, đặc biệt cần đến hiểu biết của những người có trình độ cao như ông. Do đó, ông cho biết, vì “thái độ khách quan” của viên sĩ quan, ông cảm thấy những gì hắn ta nói là “hợp tình hợp lý và thực tế”, ông kết luận với những lời như vậy. Cả về “phong cách” của viên sĩ quan ông cũng dành vài lời: trái với đám hiến binh “thô lỗ”, ông miêu tả viên sĩ quan là “tỉnh táo, đúng mực và không thể chê trách xét ở mọi khía cạnh”. Trả lời một câu hỏi khác, ông công nhận rằng “tất nhiên không có sự bảo đảm nào khác” ngoài ấn tượng của ông về viên sĩ quan, nhưng hiện tại ông phải bằng lòng với chừng đó, và ông tin là mình không lầm. “Nếu giả định rằng cách nhìn nhận con người của tôi không phản lại tôi”, ông nói thêm, “nhưng về phần mình, ít nhất hãy cho tôi được hy vọng rằng khả năng này khó có thể xảy ra”.
Khi ông vừa rời đi, bỗng nhiên tôi thấy ông “rủi ro” từ một đám đông nhảy bật ra như con búp bê lò xo, cắt chéo đường, đi tới, hay nói đúng hơn là lao tới trước mặt ông kia. Nhìn sự hấp tấp và cả quyết của ông, tôi còn nghĩ chắc ông sẽ hỏi thẳng ông kia chứ không như hôm ở trạm thuế quan. Nhưng ông vội vàng đến mức đâm sầm cả vào một người to cao đeo băng tay, cầm tờ danh sách viết bằng bút chì đang đi về cùng phía. Cú chạm làm ông khựng lại, lùi về phía sau, nhìn người kia từ đầu xuống chân, rồi cúi đầu hỏi anh ta gì đó, nhưng tôi không biết có gì diễn ra sau đó, vì “Rozi” đã gọi: đến lượt chúng tôi.
Sau đó tôi chỉ còn nhớ rằng khi tôi đi ra phía sau về hướng chỗ ở của chúng tôi cùng với cả bọn con trai vào cái ngày cuối cùng ấy, không khí thật thanh bình, ấm áp, bầu trời hoàng hôn mùa hè đã rực đỏ trên những quả đồi. Phía xa kia, về hướng dòng sông, tôi nhìn thấy nóc những toa xe lửa ngoại vi lướt nhanh trên mép hàng rào; tôi đã mệt, và hoàn toàn tự nhiên là sau thủ tục đăng ký, tôi cũng hơi tò mò. Những đứa con trai khác có vẻ hài lòng. Ông “rủi ro” cũng nhập bọn với chúng tôi từ lúc nào, ông nói, hơi long trọng, nhưng đồng thời cũng có vẻ thăm dò, rằng ông cũng đã có tên trong danh sách. Chúng tôi tán thành, và tôi thấy điều này làm ông rất vui, nhưng sau đó tôi không chú ý lắm đến ông nữa. Ở khu phía sau này, nhà máy gạch cũng yên tĩnh hơn. Mặc dù ở đây tôi vẫn thấy những nhóm nhỏ tụ tập bàn tán, có một số đã chuẩn bị đi nghỉ đêm, hoặc đang ăn uống, trông nom đồ đạc, hay đơn giản là họ chỉ ngồi im lặng trong bóng tối. Chúng tôi vừa đến chỗ một cặp vợ chồng. Tôi đã thấy họ nhiều lần, và đã quen mặt họ. Chị vợ có dáng người nhỏ nhắn, đường nét thanh tú, mảnh dẻ, anh chồng gầy, đeo kính, hàm răng lỗ mỗ, suốt ngày chạy đôn chạy đáo, vẻ sẵn sàng, trán lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi. Lúc này anh ta cũng đang mải quỳ trên mặt đất, với sự trợ giúp hăng hái tích cực của chị vợ, họ vội vàng gói ghém đồ đạc và dùng một dây đai bó chặt tất cả vào một khối, và có vẻ như anh ta chỉ tập trung vào việc này, chứ không để ý đến điều gì khác. Ông già “rủi ro” đứng sững lại phía sau anh ta, có vẻ như ông quen anh ta, vì lát sau ông hỏi: phải chăng họ cũng đã quyết định lên đường? Khi đó anh chồng chỉ ngước nhìn lại phía sau trong một tích tắc từ sau cặp kính, anh nheo nheo mắt, khuôn mặt đẫm mồ hôi nhăn nhó dưới ánh sáng buổi tối, thay vì câu trả lời anh ta chỉ hỏi lại câu duy nhất: “Thì buộc phải đi chứ, hay là không?”. Và tôi cảm thấy điều này thật đơn giản, xét cho cùng thật đúng như thế.
Hôm sau, từ sáng sớm họ đã cho chúng tôi lên đường. Đoàn tàu, trong tiết trời mùa hè tuyệt đẹp, xuất phát từ sân ga của tuyến đường sắt ngoại vi, ở ngay trước cổng - gồm các toa xe hàng màu đỏ gạch, nóc toa và cửa đều kín. Bên trong là sáu chục người chúng tôi, đồ đạc, và hàng hóa của mấy người đeo băng trên cánh tay: những đống bánh mì lớn, hộp thịt loại to, tôi phải công nhận so với ở nhà máy gạch thì đó là những của quý. Nhưng ngay từ hôm qua tôi đã nhận thấy nói chung người ta đối xử với chúng tôi - những người ra đi - một cách chăm chút, ưu đãi, có thể nói là ở mức độ trọng thị nhất định, và sự dư giả này có lẽ cũng là một kiểu phần thưởng, theo cảm nhận của tôi. Đám hiến binh cũng có mặt, tay lăm lăm súng, mặt mũi khó đăm đăm, trang phục chỉnh tề - nom như thể đang canh giữ thứ hàng hóa hết sức quý hiếm mà họ không được phép đụng vào nữa, và tôi nghĩ chắc vì có một quyền lực còn cao hơn: người Đức. Rồi cánh cửa kéo được đóng lại, và phía ngoài có những tiếng gõ mạnh trên thành toa, tiếng hiệu lệnh, tiếng còi, tiếng các nhân viên nhà ga bận rộn, con tàu lắc mạnh và bắt đầu chuyển bánh. Đám con trai chúng tôi ổn định chỗ trong khoảng phần ba cuối toa mà chúng tôi đã chiếm ngay sau khi vừa lên tàu, mỗi bên thành có một cửa sổ nhỏ được che cẩn thận bằng dây thép gai nhọn. Chẳng bao lâu sau vấn đề nước, và cùng với nó là thời gian đi đường cũng đã được đề cập đến trong toa xe của chúng tôi.
Tôi không thể nói gì nhiều về chuyến đi. Cũng như trước đây, trong trạm thuế quan, và sau đó trong nhà máy gạch, ở trên tàu chúng tôi cũng phải giết thời gian bằng cách nào đó. Tất nhiên, do điều kiện trên tàu, viêc đó giờ đây có khó khăn hơn. Nhưng mặt khác, ý thức về một cái đích, ý nghĩ rằng tất cả, dù chậm chạp, dù lắc lư, dồn đẩy, chờ đợi mệt mỏi thì đoạn đường đi được, cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến gần hơn, đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, trở ngại. Đám con trai chúng tôi không đánh mất kiên nhẫn. “Rozi” luôn động viên chúng tôi: con đường chỉ kéo dài đến khi ta tới đích. “Chàng trai lụa” cũng bị trêu chọc khá nhiều, vì một cô gái đi cùng bố mẹ mà cậu đã làm quen từ trong nhà máy gạch, vì cô bé ấy, nhất là trong thời gian đầu, cậu hay biến mất về phía giữa toa, và bọn con trai đồn đại rất nhiều về chuyện này. Ở đây còn có cả anh chàng nghiện thuốc: từ trong túi cậu, thật đáng ngờ, vẫn lòi ra một nhúm sợi, một mẩu giấy, và một que diêm, cậu cúi mặt sát ngọn lửa, thèm khát như một loài chim ăn thịt, đôi khi vào cả ban đêm. Tôi vẫn còn nghe thấy một đôi lời đùa vui, hay vài lời nhận xét, ngay cả khi đã sang hôm thứ ba, từ cậu Moskovics (lúc nào cũng có những vệt mồ hôi lẫn bụi chảy thành dòng từ trán qua cặp kính, qua cái mũi tẹt, xuống đôi môi dày - giống tất cả chúng tôi, như một điều tất nhiên) và từ những gã trai khác, cả những câu chuyện tiếu lâm uể oải nữa, dù không được lưu loát lắm, từ cậu “thợ làm đồ da”. Tôi không biết bằng cách nào, một vài người lớn đã moi được tin này: đích chuyến đi của chúng tôi chính xác hơn là một vùng núi có tên là Waldsee; dù khát nước, dù nóng nực, bản thân viễn cảnh mà cái tên này mang lại lập tức làm tôi thấy dễ chịu. Mấy người than phiền về sự chật chội trên tàu cũng được nhiều người khác nhắc nhở, và họ nói đúng: hãy nhớ rằng trên những chuyến tàu sau sẽ là tám mươi người đi trong một toa. Mà căn bản, nếu nghĩ lại, tôi đã từng ở chật hơn thế này: hôm ở trong chuồng ngựa của trại hiến binh chúng tôi phải ép sát vào nhau trên mặt đất, như “kiểu ngồi Thổ Nhĩ Kỳ”. Trên tàu tôi được ngồi thoải mái hơn thế. Nếu muốn tôi còn có thể đứng dậy, thậm chí đi lại vài bước - chẳng hạn về phía cái nồi đặt ở góc bên phải, tận cuối toa. Ban đầu chúng tôi cùng quyết định chỉ sử dụng nó vào việc tiểu tiện. Nhưng sau một thời gian, nhiều người trong chúng tôi buộc phải nhận ra rằng mệnh lệnh của tự nhiên còn mạnh hơn cam kết của chúng tôi, và đã hành động theo mệnh lệnh đó, cả bọn con trai, đàn ông, đàn bà, bằng cách có thể, dĩ nhiên.
Gã hiến binh cuối cùng cũng không gây phiền hà gì đáng kể. Lúc đầu gã làm tôi hơi hoảng, khuôn mặt gã bỗng xuất hiện ở ô cửa sổ bên trái, ngay trên đầu tôi, và gã còn chiếu đèn pin lên người chúng tôi vào buổi tối đầu tiên, hay đúng hơn lúc ấy đã là đêm đầu tiên trong một lần dừng tàu lâu hơn. Lát sau chúng tôi biết, té ra gã đến với ý định tốt, đến để báo tin: “Các người, chúng ta đã đến biên giới Hungary!”. Gã muốn thông báo với chúng tôi một lời kêu gọi, đúng hơn là một yêu cầu. Ý gã là nếu bất cứ ai trong chúng tôi còn giữ tiền hoặc đồ có giá trị khác thì hãy trao cho gã. “Nơi các người đến”, gã thuyết phục, “ở đó không bao giờ còn cần đến những thứ ấy. Và nếu có còn sót lại gì thì người Đức cũng sẽ thu hết”, gã nói. “Thế thì”, gã tiếp tục từ phía trên ô cửa, “tại sao lại không để chúng rơi vào tay người Hung, đúng không?”. Và sau một lát im lặng mà tôi cảm thấy có vẻ gì đó long trọng, bằng giọng nói mỗi lúc thêm vồn vã, kiểu như người trong nhà dẫu có gì thì hãy quên đi hãy bỏ quá cho nhau, gã nói thêm: “Vì xét cho cùng các người cũng là những người Hung!”. Một giọng nói, một giọng đàn ông trầm đục từ giữa toa xe, sau một chút rì rầm, lưỡng lự, công nhận lý lẽ của gã, với điều kiện gã phải mang nước đến đổi cho chúng tôi, và gã cũng có vẻ ưng thuận, dù gã nói thêm như thế là “vi phạm lệnh cấm”. Tuy nhiên sau đó hai bên không thỏa thuận nổi với nhau, vì tiếng nói kia muốn nhận được nước trước, gã hiến binh thì muốn cầm trong tay đồ vật trước. Cuối cùng gã phát cáu: “Lũ Do Thái bẩn thỉu, các người buôn bán cả điều thiêng liêng nhất!”, gã quát. Bằng giọng tức nghẹn vì bực mình và khinh ghét, gã cầu chúc cho chúng tôi: “Thế thì chúng mày cứ việc chết khát!”. Điều đó về sau cũng đã xảy ra - ít nhất là trong toa xe chúng tôi người ta bảo thế. Đúng là từ toa xe phía sau thường vẳng tới một cái giọng đặc biệt, từ chiều ngày thứ hai, chính tôi cũng nghe thấy: không dễ chịu chút nào. Một bà già đau ốm - mà có thể là bà đã phát điên, chắc hẳn vì khát nước. Lời giải thích có vẻ tin được. Chỉ đến lúc này tôi mới thấy sự đúng đắn của mấy người ngay từ đầu chặng đường đã khẳng định: trong toa xe của chúng tôi không có trẻ quá nhỏ, không có người cao niên, và hy vọng không có người mang bệnh, là một điều thật may mắn. Vào buổi sáng ngày thứ ba, cuối cùng thì bà già đã im lặng. Trong toa chúng tôi người ta bảo: bà cụ đã chết vì không có nước. Nhưng chúng tôi biết: bà cụ bệnh tật và cũng đã già, trường hợp của bà cụ, mọi người, kể cả tôi, đều coi là bình thường, xét cho cùng là thế.
Tôi có thể khẳng định: sự chờ đợi không mang lại niềm vui - đó ít ra là kinh nghiệm của tôi khi chúng tôi đã thật sự tới đích. Có thể do tôi đã mệt, và có thể sự cố gắng gồng mình để chờ tới đích cuối cùng đã làm tôi quên bớt đi ý nghĩ đó, nhưng nhiều phần hơn là do tôi đã trở nên thờ ơ. Tôi đã hơi bỏ qua toàn bộ sự kiện này. Tôi nhớ mình đột nhiên thức dậy, có lẽ do tiếng còi báo động loạn xạ ở gần đó; ánh sáng yếu ớt rọi vào từ bên ngoài báo hiệu rạng đông của ngày thứ tư. Tôi thấy hơi đau ở xương cụt, nơi tiếp xúc với sàn tàu. Đoàn tàu cũng đang dừng, như nó vẫn hay dừng vào lúc khác hay như trong những lần có báo động. Các ô cửa sổ đã kín người, như những lúc thế này thường vẫn thế. Mọi người đều tưởng mình nhìn thấy một cái gì đó, như gần đây vẫn thế. Lát sau tôi cũng kiếm được một chỗ, nhưng không nhìn thấy gì. Không khí sớm mai ngoài kia lạnh và có hương thơm, trên những cánh đồng rộng là đám sương mù, rồi bất chợt, giống như hồi kèn đồng, một tia nắng hồng, sắc, mỏng mảnh chiếu từ phía sau chúng tôi, và tôi hiểu: tôi đang thấy bình minh. Tất cả thật lộng lẫy và kỳ thú, giờ này ở nhà chắc tôi còn đang ngủ. Tôi đã nhìn thấy một ngôi nhà, không biết là tín sứ của một ga hẻo lánh nơi khỉ ho cò gáy nào hay của một nhà ga lớn, ngay phía bên trái trước mặt tôi. Đó là một ngôi nhà nhỏ, màu xám và hoàn toàn không có người ở, với những cửa sổ nhỏ đóng kín và mái dốc đến nực cười mà hôm qua tôi cũng đã thấy ở vùng này. Ngôi nhà hiện dần lên thành những đường nét cứng cáp ngay trước mắt tôi qua làn sương mù đang tan, rồi từ màu xám nó chuyển sang màu tím, những ô cửa sổ lóe lên đỏ tía khi những tia nắng đầu tiên vừa rọi tới. Một vài người khác cũng trông thấy nó, tôi liền bảo cả cho những người tò mò đứng phía sau tôi biết. Họ hỏi tôi có nhìn thấy tên địa danh hay không. Tôi có thấy, đó là hai từ hiện lên trong nắng sớm, trên một tấm bảng hẹp đối diện hướng đi đến của chúng tôi, ngay bên dưới mái nhà: “Auschwitz-Birkenau”* - tôi đọc hai từ ấy, viết bằng những chữ cái loằng ngoằng của người Đức, nối với nhau bởi cái gạch nối đúp lượn sóng, về phần mình, tôi đã cố hoài công lục lọi vô ích trong mớ kiến thức địa lý của mình, và những người khác cũng chẳng chứng tỏ họ am hiểu hơn tôi. Sau đó tôi ngồi xuống, vì phía sau tôi những người khác đã đòi nhường chỗ, và vì trời còn sớm mà tôi cũng buồn ngủ, nên tôi lại ngủ thiếp đi.

*[Auschwitz-Birkenau: trại tập trung Auschwitz (Konzentrationslager Auschwitz) là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Trại này nằm tại Ba Lan và được đặt tên theo thành phố Oświęcim gần đó, cách Kraków 50km về phía Tây, cách thủ đô Warszawa 286km. Trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan năm 1939, Oświęcim bị sáp nhập vào Đức và đổi tên thành Auschwitz.
Khu tổ hợp trại tập trung này bao gồm ba trại chính: Auschwitz I - trung tâm hành chính, Auschwitz II (Birkenau) - trại hủy diệt (Vernichtungslager), và Auschwitz III (Monowizt) - trại lao động.
Ngoài ra còn có khoảng 40 trại vệ tinh, một số nằm cách các trại chính hàng chục cây số, với số lượng tù nhân từ vài chục đến vài nghìn người.
Số lượng người đã bị giết chết tại đây chưa được biết chính xác. Tại tòa án Nürnberg, chỉ huy trại, Rudolf Hoss, đã khẳng định con số này là 3 triệu người. Năm 1990, Viện bảo tàng quốc gia Auschwitz-Birkenau đã xét lại số liệu này. Các tính toán mới cho ra kết quả khoảng 1,1-1,6 triệu, khoảng 90% là người Do Thái của gần như tất cả các nước Châu Âu].

Cho đến lúc sự nhốn nháo, hốt hoảng đánh thức tôi dậy. Bên ngoài lúc ấy nắng đã chói chang. Đoàn tàu lại đi. Tôi hỏi bọn con trai xem chúng tôi đang ở đâu, chúng bảo vẫn ở chỗ cũ, tàu vừa chuyển bánh; lần này hình như những toa tàu lắc lư đã đánh thức tôi. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, chúng nói thêm, đã có thể thấy các nhà máy, những nhà cửa na ná khu dân cư ở phía trước chúng tôi rồi. Một phút sau những người đứng bên cửa sổ thông báo, và qua sự thay đổi của ánh sáng lướt trên sàn tàu, tôi cũng nhận thấy chúng tôi đang lao qua một cổng vòm hình cánh cung. Một phút sau nữa con tàu dừng hẳn, họ hồi hộp thông báo đã nhìn thấy nhà ga, lính tráng và dân thường. Nhiều người sửa soạn hành lý, cài khuy áo, một số khác, đặc biệt là phụ nữ, bắt đầu dọn dẹp, trang điểm, chải qua loa đầu tóc. Từ phía ngoài nghe tiếng gõ, tiếng cửa mở, lẫn với sự ồn ào của hành khách ùa ra khỏi toa xe, và lúc này tôi phải công nhận, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã đến đích thật rồi. Tôi vui mừng, dĩ nhiên, nhưng tôi cảm thấy theo một cách khác với sự vui mừng của ngày hôm qua, hay còn hơn thế, của ngày hôm kia chẳng hạn. Sau đó nghe tiếng dụng cụ đập cả vào cửa toa xe của chúng tôi, rồi một ai đó, hay đúng hơn là những ai đó đã kéo cánh cửa nặng nề sang một bên.
Đầu tiên tôi nghe thấy tiếng nói của họ. Họ nói tiếng Đức hoặc một thứ tiếng gì rất giống thế, tất cả cùng một lúc. Theo như tôi hiểu: họ muốn chúng tôi xuống. Nhưng trái lại, hình như chính họ đã nhảy vào giữa chúng tôi; trước mắt tôi vẫn chưa nhìn thấy gì. Nhưng nghe nói va li, túi xách phải bỏ lại. Sau đó, họ giải thích, người ta dịch lại và truyền cho nhau, rằng tất cả sẽ được nhận lại tài sản của mình, tất nhiên, nhưng trước hết đồ đạc phải được khử trùng, chúng tôi thì phải tắm rửa - đúng là cũng đến lúc, tôi cũng nghĩ vậy. Vừa lúc ấy họ đến gần tôi, trong đám đông nhốn nháo, và thế là cuối cùng tôi đã nhìn thấy những người ở đây. Tôi rất bất ngờ, vì đây là lần đầu trong đời tôi nhìn thấy - ít nhất là thấy gần như thế này - những tù phạm, những kẻ độc ác trong áo kẻ sọc, đầu cắt trọc, đội mũ khoanh tròn. Tôi hơi giật mình lùi về phía sau khi nhìn thấy họ, tất nhiên. Một vài người trong số họ trả lời các câu hỏi của mọi người, một số khác nhìn quanh trên toa xe, mấy người khuân vác đã bắt đầu chuyển các gói đồ ra khỏi toa, bằng kỹ năng thành thục của các phu khuân vác, và tất cả đều với một vẻ nhanh nhẹn, lạ lùng, lọc lõi nào đó. Trên ngực họ, ngoài số tù như thường thấy trên áo tù phạm, tôi còn thấy một hình tam giác màu vàng, và mặc dù giải đáp ý nghĩa của màu này đối với tôi dĩ nhiên là không khó khăn gì, nhưng bỗng nhiên nó vẫn đập vào mắt tôi bằng cách nào đó; suốt dọc đường tôi gần như đã quên hẳn chuyện này. Bộ mặt họ trông cũng không thật đáng tin cậy: tai vểnh sang hai bên, mũi nhô cao ra phía trước, đôi mắt sâu, nhỏ, giảo hoạt. Họ có vẻ đúng là những người Do Thái ở tất cả mọi phương diện. Tôi cảm thấy họ đáng ngờ và xa lạ. Khi nhận ra đám con trai chúng tôi, họ có vẻ hoảng hốt. Họ thì thầm với nhau vội vã, và đó là lúc tôi khám phá ra điều bất ngờ rằng có vẻ như người Do Thái không chỉ nói tiếng Hebrew như cho tới nay tôi vẫn nghĩ: “Reds di jidis, reds di jidis, redsdi jidis?”* [“Reds di jidis”: “Cậu có nói tiếng Yiddish không?”], tôi từ từ hiểu ra câu hỏi của họ. Đám con trai, cả tôi, đều đáp: “Nein* [“Nein.” (tiếng Đức): “Không”]. Tôi thấy họ không vui lắm. Thế rồi đột nhiên - nhờ vốn tiếng Đức của mình, tôi hiểu ra một cách dễ dàng - họ bỗng nhiên quan tâm đến tuổi chúng tôi. Chúng tôi bảo: “Viezehn, fünfzehn*, [“Viezehn, fünfzehn,” (tiếng Đức): “Mười bốn, mười lăm”], tùy theo từng đứa. Ngay tức khắc họ phản đối rất mạnh, bằng tay, bằng đầu, bằng cả cơ thể: “Zescájn*, [“Zescájn” (tiếng Đức): “Mười sáu”], họ thầm thì từ mọi phía, “zescájn. Ngạc nhiên quá, tôi liền hỏi một trong số họ: “Warum?, [“Warum?” (tiếng Đức): “Tại sao?”]. Người đó đáp: “Willstdi arbeiten?, [“Willst di arbeiten?” (tiếng Đức): “Cháu có muốn làm việc không?”], cái nhìn trống rỗng từ đôi mắt ông rọi thẳng vào mắt tôi. Tôi bảo: “Natürlich, tất nhiên, vì tôi đến đây là để làm việc mà, tôi nghĩ. Thế là ông ta không chỉ cầm lấy cánh tay tôi bằng bàn tay vàng vọt, xương xẩu, khô cứng của ông ta, mà còn lắc mạnh, nói rằng thế thì “Zescájn… vertajsztdi* [“Vertajszt di?” (phiên âm theo tiếng Đức): “Cháu có hiểu không?”] Zescájn!.... Tôi thấy ông ta có vẻ bực tức, hình như chuyện đó rất quan trọng đối với ông ta. Lũ con trai chúng tôi lập tức trao đổi với nhau về chuyện này, cảm thấy vui vui, nhưng tôi cũng đồng ý: ừ thì tôi mười sáu tuổi. Chúng tôi phải nhớ - nói gì thì nói, dù có sai sự thật - giữa chúng tôi không ai có anh, hay em ruột, và thêm nữa - tôi thực sự ngạc nhiên - không có anh em sinh đôi; nhất là: “Jeder arbeiten, nist ká mide, nist ká krenk, [“Jeder arbeiten, nist ká mide, nist ká krenk”, (câu này viết theo cách phiên âm, nhưng nói không chuẩn, đúng ra phải là: Jeder muss arbeiten, nicht mude werden, nicht krankwerden): “Ai cũng phải làm việc, không có mệt mỏi, không có đau ốm”], tôi được họ cho biết thêm chừng ấy nữa trong khoảng chưa đầy hai phút, khi giữa dòng người chen chúc tôi dịch chuyển được từ chỗ đứng ra tới cửa toa, cuối cùng tôi nhảy đại xuống đất, ra ngoài ánh sáng và không khí tự do.
Trước hết tôi thấy một vùng đất có vẻ bằng phẳng, rộng rãi. Đột nhiên, tôi hơi lóa mắt bởi sự trống trải bất ngờ, bởi bầu trời và vùng bãi bằng phẳng, trắng sáng đến tức mắt. Nhưng tôi không có thời gian để quan sát: xung quanh tôi là sự huyên náo, chen chúc, sự hỗn độn của tiếng nói, của các sự kiện, của sự bố trí sắp đặt. Phụ nữ, tôi nghe nói, phải tách riêng, vì không thể tắm chung với chúng tôi dưới cùng một mái nhà; còn những người già cả, đau yếu, các bà mẹ có con nhỏ, cả những người đã kiệt sức sau chuyến đi thì đã có các xe đứng chờ phía xa xa. Tất cả những điều này do những phạm nhân mới đến cho chúng tôi biết. Tôi nhận thấy ngoài này giờ đây đã là những người lính Đức đội mũ xanh, cổ áo viền xanh, để mắt đến mọi thứ, giơ tay chỉ đường rất dứt khoát; nhìn họ tôi cảm thấy nhẹ nhõm một chút, vì họ gọn gàng, sạch sẽ, tựa như những chiếc neo duy nhất của sự bình thản và vững vàng trong toàn bộ khung cảnh hỗn loạn này. Tôi nghe nhiều người lớn trong số chúng tôi nói, và tôi cũng nhất trí với nhắc nhở của họ, là chúng tôi hãy cố gắng làm vừa ý người Đức, ít hỏi han, hãy chia tay nhau nhanh gọn, và đừng để họ thấy đây chỉ là một đám ô hợp. Những gì diễn ra sau đó tôi thật khó kể ra: một cái gì đó loãng như cháo, một dòng xoáy cứ cuốn, đẩy, lôi kéo tôi đi. Phía sau tôi một giọng đàn bà liên tục hét lên vì một “chiếc túi nhỏ”, để thông báo với một ai đó là nó đang ở chỗ mình. Phía trước tôi khật khưỡng một người đàn bà bơ phờ, và tôi nghe thấy lời giải thích của một anh chàng thấp lùn còn trẻ: “Mẹ ơi, mẹ hãy nghe con, vì chẳng mấy chốc ta sẽ lại gặp nhau. - Nicht war, Herr Officier”, anh chàng quay sang người lính Đức đang thi hành phận sự gần đó một cách tin cẩn, nở nụ cười thân thiện kiểu người lớn, “wir verden uns bald wieder...”.
[“Nicht war, Herr Officier, wir verden uns bald wieder...” (tiếng Đức): “Có phải thế không ạ? thưa ông sĩ quan, chúng ta sẽ lại sớm trở về...”].
Nhưng sự chú ý của tôi bỗng bị cắt ngang bởi tiếng khóc ré lên, một cậu bé lấm láp, tóc xoăn, ăn mặc như búp bê bày trong tủ kính, đang giãy giụa, nhoài người tụt khỏi tay một phụ nữ tóc vàng, chắc là mẹ cậu. “Con muốn đi với bố! Con muốn đi với bố cơ!”, cậu hét lên, gào lên, đôi chân đi giày trắng quẫy đạp rất buồn cười, lồng lộn trên nền sỏi và bụi trắng. Cùng lúc tôi vẫn cố theo kịp bọn con trai, theo tiếng gọi oang oang và tín hiệu của “Rozi”, trong khi một bà to lớn mặc áo hoa cộc tay mùa hè chen lấn tất cả mọi người, vượt lên cả tôi, lao về phía người ta chỉ đám ô tô đang đỗ. Một ông già thấp bé, đội mũ đen, thắt cà vạt đen loay hoay, chen chúc phía trước tôi một lúc, ông nhìn quanh lo lắng và kêu lên: “Ilonka! Ilonka của anh ơi!”. Rồi một người đàn ông cao, khuôn mặt xương xẩu cứ áp môi, áp mặt, và cả thân thể vào một phụ nữ tóc dài đen, làm cả đám đông thoáng chút bực mình, cho đến lúc cuối cùng người phụ nữ - hay đúng hơn chỉ là một thiếu nữ - bị làn sóng người không ngừng vây bủa tách ra, cuốn đi và mất hút, mặc dù tôi còn một hai lần nhìn thấy cô cố vươn lên và vẫy tay tiễn biệt, mỗi lúc một rời xa.
Tất cả những hình ảnh, âm thanh, diễn biến ấy làm tôi bối rối, thậm chí hơi choáng váng trong dòng người hỗn tạp tạo nên một ấn tượng duy nhất, đầy màu sắc, mà tôi có thể nói là hơi điên loạn; chính vì thế mà tôi ít để ý được tới những việc khác, có thể còn quan trọng hơn. Chẳng hạn như tôi khó nói rằng do chúng tôi, do đám lính, do những tù phạm hay do cố gắng chung của tất cả mà cuối cùng vẫn hình thành môt dòng người, giờ đây toàn là đàn ông, năm hàng xung quanh tôi, di chuyển chậm nhưng đều đều từng bước về phía trước. Ở đằng trước kia, người ta lại khẳng định, là nhà tắm, nhưng trước đó, tôi được biết, tất cả chúng tôi còn phải qua kiểm tra y tế. Người ta bảo, nhưng tất nhiên tôi cũng thấy dễ hiểu: đó là một kiểu phân loại, kiểm tra sức khỏe xem có thích hợp hay không, dưới góc độ công việc, hiển nhiên là thế.
Cho tới lúc đó thì tôi có thể xả hơi chút đã. Bên cạnh, đằng trước, đằng sau tôi bọn con trai vẫy gọi nhau: chúng tôi đủ cả. Trời nóng. Tôi cũng có thể nhìn quanh, định hướng một lát xem chúng tôi đang ở đâu. Một ga tàu đơn sơ. Dưới chân chúng tôi, như ở những chỗ như thế này thường thấy, rải đá vụn, xa hơn chút là một vệt cỏ, trên có những khóm hoa màu vàng, một con đuờng rải nhựa trắng nhẵn bóng chạy xa tít tắp. Tôi nhận thấy ngăn cách giữa con đường và tất cả vùng đất bao la bắt đầu từ sau nó là một hàng cột cong giống hệt nhau, giữa các cây cột chăng dây thép gai nom sáng lấp lánh ánh kim loại. Tôi dễ dàng đoán ra, một cách rõ ràng, hẳn những tù phạm phải sống trong khu đó. Lúc này tôi bắt đầu quan tâm đến họ hơn, có lẽ vì bây giờ tôi mới có thời gian nghĩ về họ, và tôi tò mò muốn biết về tội lỗi của họ.
Khi nhìn ra xung quanh, sự bao la, rộng dài của vùng đồng bằng này lại làm tôi kinh ngạc. Tuy nhiên, giữa đám đông người và trong ánh nắng chói chang, tôi không thể có được bức tranh xác thực: gần như không thể phân biệt nổi những ngôi nhà mái thấp phía xa, lác đác những ngôi nhà nhỏ nom như chòi rình thú của dân đi săn, những góc tường, chòi canh, ống khói. Mấy người đứng quanh tôi, bọn con trai và vài người lớn tuổi, còn chỉ trỏ một cái gì đó phía trên: một vật thể dài, bất động, sáng lấp lánh, lẩn trong làn hơi trắng đục của bầu trời không mây nhưng vẫn mờ nhạt. Một khinh khí cầu, đúng thế. Những lời giải thích quanh tôi nhìn chung đều thống nhất: nó được dùng vào mục đích phòng không, tôi chợt nhớ ra tiếng còi báo động lúc sáng sớm. Không thấy dấu hiệu sợ hãi, lúng túng nào nơi những người lính Đức quanh chúng tôi. Tôi nhớ đến cơn hốt hoảng vào những lúc như thế ở bên nhà, và sự bình tĩnh đến mức coi thường, vẻ ngoài không thể xâm phạm này làm tôi bỗng hiểu rõ hơn sự tôn trọng khi nói về người Đức của những người ở bên nhà. Cũng chỉ đến giờ tôi mới nhận ra hai vạch hình tia chớp trên ve áo họ. Nghĩa là tôi có thể khẳng định họ thuộc đội SS khét tiếng mà tôi đã nghe nói tới nhiều từ khi còn ở nhà. Có thể nói tôi không thấy họ có vẻ gì nguy hiểm: họ ung dung đi đi lại lại giữa các hàng cột, họ trả lời các câu hỏi, gật gật đầu, thỉnh thoảng còn vỗ vỗ vào lưng một vài người trong chúng tôi.
Tôi còn nhận ra một điều khác nữa, trong những phút chờ đợi rỗi rãi này. Ở trong nước, tất nhiên tôi cũng đã nhiều lần nhìn thấy lính Đức. Nhưng lúc nào họ cũng có vẻ mặt vội vã, lạnh lùng, tất bật, bao giờ họ cũng ăn mặc tề chỉnh. Ở đây thì khác, họ ăn mặc xoàng xĩnh hơn, đi lại có vẻ thoải mái hơn. Tôi còn nhận thấy những khác biệt nhỏ nữa là họ đội mũ cứng hay mềm, những chiếc lưỡi trai bóng loáng hay gần gần như thế, toàn các kiểu mũ, ủng, hay đồng phục để đi làm. Bên sườn người nào cũng mang vũ khí, xét cho cùng điều đó là dĩ nhiên vì họ là lính. Nhưng tôi còn thấy nhiều người trong số họ tay cầm cả gậy, kiểu đầu có móc khoằm như gậy dạo chơi, tôi hơi bất ngờ vì họ không phải người đi lại có khuyết tật, nom họ rõ ra là những trai tráng khỏe mạnh. Nhưng rồi sau đó tôi được nhìn vật này kỹ hơn, gần hơn. Tôi chú ý thấy một người trong số họ đang đứng đằng trước, hơi quay lưng về phía tôi, bỗng đưa chiếc gậy ra sau hông, và cầm hai đầu uốn cong nó lại bằng một động tác hững hờ. Cùng với hàng người, tôi cũng tiến gần tới phía anh ta hơn. Và khi đó tôi thấy nó không phải bằng gỗ mà bằng da, không phải gậy mà là một cây roi. Tôi có cảm giác hơi lạ, nhưng tôi chưa thấy họ sử dụng nó lần nào, và cũng phải công nhận là ở đây có khá đông tù phạm.
Giữa chừng tôi nghe thấy, nhưng không chú ý lắm tới những lời kêu gọi, khi có một lần người ta yêu cầu - tôi nhớ - ai là thợ máy hãy bước ra, lúc khác họ yêu cầu những anh em sinh đôi, người dị tật, thậm chí - giữa một trận cười nhỏ - cả nhữngngười lùn nếu có trong chúng tôi, rồi họ yêu cầu trẻ em, nghe nói số này được đối xử theo cách riêng, được học tập thay vì lao động, được ưu đãi đủ kiểu. Có vài người lớn trong hàng cổ vũ chúng tôi đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng dĩ nhiên, tôi còn nhớ đến lời căn dặn của những tù phạm trên toa xe, vả lại tôi cũng muốn làm việc, chứ không mong tiếp tục sống như trẻ con.
Trong khoảng thời gian đó chúng tôi đã tiến lên phía trước một đoạn xa. Tôi thấy lính và tù phạm bỗng đông đúc hẳn quanh chúng tôi. Tại một điểm nhất định, năm hàng người biến thành một hàng dọc. Cùng lúc đó người ta bảo chúng tôi cởi áo khoác, sơmi, thân trên để trần cho bác sĩ khám. Nhịp bước - tôi cảm thấy - cũng nhanh dần. Ngoài ra tôi thấy hai chỗ tụ lại thành nhóm ở phía trước. Tôi cũng đã nhìn thấy một đám đông hơn, lẫn lộn đủ hạng người ở phía bên phải, một nhóm nhỏ hơn, trong đó có cả mấy đứa con trai trong bọn chúng tôi, tụ tập từ phía bên trái. Có thể thấy những người trong nhóm sau - ít nhất là trong mắt tôi - là số thích hợp hơn. Trong khi đó, mỗi lúc một gấp gáp hơn, tôi tiến thẳng về phía đám người chuyển động hỗn loạn qua lại, giờ đây đã thấy một điểm vững chãi, một người mặc đồng phục hoàn hảo cũng thoáng hiện với chiếc mũ lưỡi trai sĩ quan Đức cong vểnh lên cao; sau đó tôi chỉ còn bất ngờ về việc mình đến lượt quá nhanh.
Việc kiểm tra tất cả chỉ diễn ra trong hai, ba giây (áng chừng là vậy). Ngay trước tôi là đến lượt Moskovics, nhưng bác sĩ đã dùng một ngón tay chỉ cậu về hướng khác. Tôi còn nghe cậu ta cố giải thích: “Arbeiten... Sechzehn...[“Arbeiten... Sechzehn...”: “Làm việc... Mười sáu...”] nhưng một bàn tay đã lôi cậu ta đi và tôi thế vào chỗ cậu. Tôi thấy bác sĩ nhìn mình kỹ hơn, bằng cái nhìn cân nhắc, đắn đo và cẩn thận. Tôi cũng hơi ưỡn người để ông ta thấy lồng ngực mình, và  tôi nhớ - mình còn hơi mỉm cười, ngay sau Moskovics. Tôi cũng cảm thấy tin cậy ngay ông bác sĩ, ông có vẻ ngoài dễ coi và thân thiện, khuôn mặt dài cạo nhẵn, đôi môi mỏng, mắt xanh hay xám, dù sao cũng là cặp mắt có cái nhìn sáng sủa, tốt bụng. Tôi có thể nhìn rõ ông, trong khi ông đưa hai bàn tay đi găng tựa lên hai bên mặt tôi, lấy ngón cái kéo chỗ da dưới hai tròng mắt xuống phía dưới, bằng động tác quen thuộc của các bác sĩ mà tôi đã biết từ bên nhà. Đồng thời bằng giọng nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, tỏ ra là người có học, ông hỏi: “Wie viel Jahre alt bis du?” [“Wie viel Jahre alt bis du?(tiếng Đức, nói không chuẩn, đúng ra phải là: “Wie alt bist du?” hoặc “Wie vid Jahre bist du?”): “Anh bao nhiêu tuổi?”] gần như chỉ để mà hỏi vậy thôi.
Tôi đáp: “Sechzen. Ông khẽ gật đầu, nhưng hình như chỉ vì câu trả lời thích hợp, chứ không phải vì sự thật - lúc đó ít ra tôi bất chợt có cảm giác ấy. Một điều khác mà tôi nhận thấy, đúng hơn chỉ là cảm nhận thoáng qua, có khi không đúng, nhưng dường như ông hài lòng, gần như ông dễ chịu; tôi cảm thấy hình như ông có vẻ thích tôi. Rồi một tay đẩy vào mặt tôi, tay kia ông chỉ tôi sang bên kia đường, phía những người thích hợp. Bọn con trai đón tôi, vui vẻ cười như mừng thắng lợi. Nhìn những gương mặt rạng rỡ của chúng, có thể tôi đã hiểu ra sự khác biệt thực chất đã tách nhóm chúng tôi và nhóm bên kia: đó là thành công, nếu cảm giác của tôi là đúng.
Tôi mặc lại áo, nói với bọn con trai vài câu, rồi lại chờ. Từ chỗ này giờ đây tôi nhìn tất cả công việc diễn ra bên kia đường qua một góc độ khác. Dòng sông người cứ dồn đến liên tục, chảy vào một khe hẹp, chảy nhanh hơn, rồi tách làm đôi trước ông bác sĩ. Bọn con trai lần lượt đến, tất nhiên tôi cũng cùng chào đón chúng. Phía xa tôi thấy một dòng người khác đó là đám phụ nữ. Quanh họ cũng thấy lính, các tù phạm, phía trước họ cũng là một bác sĩ, và bên đó mọi việc cũng diễn ra đúng như vậy, ngoại trừ việc họ không cần cởi áo, và tôi nghĩ điều này cũng dễ hiểu, dĩ nhiên. Tất cả đều chuyển động, mọi người đều ở đúng chỗ và làm việc của mình, chính xác, vui vẻ, trơn tru. Tôi thấy nhiều khuôn mặt đang mỉm cười, có vẻ kiềm chế hơn hay tự tin hơn, không nghi ngại hay dự đoán trước kết quả - về cơ bản dẫu sao vẫn cùng một tâm trạng, gần như cảm giác tôi vừa trải qua lúc nãy. Một phụ nữ tóc nâu, nhìn từ xa khá xinh, đeo vòng tai hình tròn, tiến đến hỏi một người lính bằng nụ cười như thế, chiếc áo mưa màu trắng ôm trước ngực, một người đàn ông tóc đen, mặt dễ coi đang bước lại gần bác sĩ cũng với nụ cười như thế: ông cũng là người thích hợp. Không bao lâu sau tôi hiểu ra cách làm việc của bác sĩ. Người già đến - chắc chắn: sang bên kia. Trẻ tuổi hơn - sang đây, phía chúng tôi. Một người khác bụng to, dù đã cố thót lại: vô ích - nhưng không, ông bác sĩ vẫn lại cho sang phía bên này, về phần mình, tôi không hoàn toàn hài lòng lắm vì cảm thấy ông hơi già. Tôi còn xác định được rằng, đa số đàn ông đều râu ria xồm xoàm, và không gây ấn tượng tốt cho lắm. Như vậy, bằng con mắt của viên bác sĩ, tôi buộc phải xem xét trong số họ có bao nhiêu người già và bao nhiêu người vì những lý do khác mà không sử dụng được. Người thì gầy quá, người thì béo quá, có một người cặp mắt đảo lia lịa, mũi, mồm nhăn nhúm liên tục như một con thỏ đánh hơi khiến tôi nghĩ anh ta bị mắc bệnh thần kinh - dù anh ta biết nghĩa vụ của mình, cố cười hết cỡ trong khi lạch bạch bước đến đám người không thích hợp. Lại một người - áo khoác và áo sơ mi đã cầm trong tay - dải quần buông thõng xuống hai bên đùi, trên cánh tay, trên ngực đôi chỗ da đã chảy sệ xuống. Khi đến chỗ bác sĩ - dĩ nhiên ông bị gạt ngay sang phía những người không thích hợp - những biểu hiện trên khuôn mặt có bộ râu quai nón rậm của ông, vẫn nụ cười mỉm như những người khác nhưng có vẻ quen quen trên đôi môi khô nứt nẻ của ông đã đánh thúc trí nhớ của tôi: như thể ông còn muốn nói với bác sĩ một điều gì đó nữa, tôi thấy thế. Nhưng bác sĩ không để ý đến ông nữa, mà đến người tiếp theo, và khi đó một bàn tay, có lẽ chính là bàn tay lúc nãy đã lôi Moskovics đi, gạt ông ra. Ông làm một cử chỉ ngoảnh lại, trên mặt lộ vẻ kinh ngạc và bất bình: đúng rồi, chính là ông “chuyên gia”, tôi không thể lầm.
Sau đó chúng tôi chờ thêm một, hai phút nữa. Phía trước ông bác sĩ vẫn còn rất đông người, trong khi nhóm chúng tôi, cả bọn con trai và mọi người, đã có chừng bốn chục, theo ước đoán của tôi, rồi người ta bảo chúng tôi đi tắm. Một người lính bước lại gần chúng tôi, không biết từ đâu, người thấp lùn, đã có tuổi, nom hiền lành, tay cầm một khẩu súng lớn - xem ra ông chỉ là một người lính trơn. “Los, ge m vome! [Los, gé má vorne!” (phiên âm theo tiếng Đức, nói kiểu tiếng địa phương): “Đi, chúng ta hãy tiến lên phía trước!”]. Ông nói đại loại như thế, bằng thứ tiếng không theo quy tắc trong các sách giáo khoa ngôn ngữ, tôi khẳng định chắc chắn như vậy. Dù sao, tôi cũng thấy sướng lỗ tai, vì cả bọn con trai chúng tôi đã hơi sốt ruột, nói đúng ra không phải vì mong chờ xà phòng, mà nói thật sự, hơn bất kỳ thứ gì, chính là nước, tất nhiên rồi. Lối dẫn vào trong chạy qua một cổng cuốn bằng dây thép gai, diện tích sau hàng rào còn dẫn đi đến đâu đó, chắc là đến nơi có nhà tắm. Từng nhóm nhỏ, chúng tôi thong thả bước đi, vừa trò chuyện, vừa nhìn quanh. Phía sau chúng tôi, người lính bước lặng lẽ đều đều. Dưới chân chúng tôi lại là một con đường rộng rải nhựa trắng, đằng trước là cả một vùng bằng phẳng xa tít nhìn đã thấy mỏi mệt, cái nóng hầm hập thành từng đợt như sóng phả trong không khí. Tôi còn lo lắng không biết liệu con đường có quá xa, nhưng sau đó mới biết nhà tắm chỉ cách ga có chừng mươi phút đi bộ. Những gì nhìn thấy xung quanh đoạn đường ngắn này khiến tôi hứng thú. Đặc biệt một sân bóng đá nằm ngay trên một bãi rộng phía bên phải con đường, làm tôi rất thích. Thảm cỏ xanh, những khung thành màu trắng, những đường vạch vôi trắng - tất cả như mời gọi, tinh tươm, chu đáo trong trật tự gọn gàng nhất. Bọn con trai chúng tôi bảo nhau: Xem kìa, sau giờ làm việc chúng ta sẽ đá bóng ở đây. Chúng tôi còn sung sướng hơn khi sau vài bước nữa, ở phía bên trái chúng tôi nhìn thấy vòi nước, không nghi ngờ gì nữa, một loại giếng tự bơm có cần nén. Bên cạnh là một bảng cảnh báo có ghi dòng chữ đỏ: “Kein Trinkwasser” [“Kein Trinkwasser”: “Không uống được”] - nhưng trong giờ phút này, tất nhiên nó không ngăn được ai trong chúng tôi. Có thể nói người lính khá kiên nhẫn, đã từ lâu chưa bao giờ tôi uống nước ngon như thế, dù sau đó trong miệng còn đọng lại dư vị riêng, khó chịu, hơi buồn nôn của một thứ hóa chất nào đó. Trên đường đi tiếp chúng tôi còn thấy những ngôi nhà trông giống những căn nhà chúng tôi đã thấy ngoài ga. Quả tình nhìn gần chúng vẫn là những ngôi nhà kỳ lạ, thấp, dài, màu sắc khó xác định, dọc theo mái nhô lên các thiết bị thông gió hay chiếu sáng gì đó. Quanh mỗi ngôi nhà là những lối đi rải sỏi đỏ, ngăn cách với đường chính là thảm cỏ được chăm chút cẩn thận, giữa những thảm cỏ, tôi thú vị nhận ra những khu vườn nhỏ, trồng bắp cải, và các luống hoa đủ màu sắc. Tất cả đều sạch sẽ, gọn và đẹp - thật vậy, tôi phải công nhận chúng tôi đã lựa chọn đúng từ khi còn ở nhà máy gạch. Chỉ thiếu một thứ gì đó, và tôi nhận ra ngay: tịnh không thấy một bóng người đi lại quanh những khu vườn. Nhưng tôi nghĩ, điều này cũng có thể là lẽ tự nhiên, vì đối với những cư dân ở đây, hiện đang là giờ làm việc.
Trong nhà tắm (mà chúng tôi đã đến sau một lần rẽ trái, qua một hàng rào thép gai, lại một cổng cuốn dây thép mở vào một khu sân), tôi có thể thấy họ đã chuẩn bị sẵn để đón chúng tôi, tất cả đều được giải thích trước, sẵn sàng. Đầu tiên chúng tôi bước vào một phòng nền lát đá, kiểu như tiền sảnh. Trong phòng đã khá đông người, tôi nhận ra những người đi cùng chuyến tàu. Từ đó tôi suy ra rằng có lẽ công việc ở đây vẫn đang tiếp diễn không ngừng, từ nhà ga người ta liên tục đưa các toán người đến nhà tắm. Ở đây, cũng lại là một tù phạm giúp đỡ chúng tôi, một người - cần phải nói là - một tù nhân rất kỹ tính. Anh ta cũng mặc bộ kẻ sọc của phạm nhân, chỉ có điều hai vai nhồi cứng, thắt lưng áo được thu hẹp mà tôi có thể nói là một bộ đồ đẹp, nổi bật, được cắt may và là phẳng, gần như theo mốt mới nhất, hơn nữa anh có mái tóc đen gọn gàng, chải bóng mượt, chẳng khác gì chúng tôi, những người tự do. Anh đứng đón chúng tôi ở phía cuối bên kia của căn phòng, bên phải anh là một người lính ngồi sau cái bàn nhỏ. Người lính dáng vóc nhỏ, béo mập, bề ngoài vui vẻ, với cái bụng bắt đầu từ cổ, cái cằm sệ xuống quanh cổ áo, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn, nhẵn thín không râu là đôi mắt ti hí nom rất khôi hài: ông gợi nhớ đến những người lùn mà người ta đã tìm trong số chúng tôi lúc ở ngoài ga. Trên đầu ông đội một cái mũ lớn, trên bàn để chiếc cặp da mới bóng lộn, bên cạnh là cây roi tết bằng da màu trắng, mà tôi phải công nhận là một tác phẩm đẹp, có thể thấy đó là những thứ đồ cá nhân của ông ta. Tôi có thể quan sát thoải mái tất cả những thứ đó qua vai và qua khe hở giữa những mái đầu phía trước, trong khi chúng tôi - những người mới đến - đang loay hoay ổn định chỗ đứng ở khu vực đã chật cứng người. Giữa lúc đó anh chàng phạm nhân cứ vội vã đi ra, đi vào qua khung cửa đối diện, rồi anh ta kín đáo thông báo điều gì đó với người lính, gần như ghé sát vào tai. Người lính tỏ vẻ hài lòng, và có thể nghe thấy giọng nói mảnh, sắc, hổn hển, giống như giọng trẻ con hay phụ nữ của ông ta đáp lại người tù vài câu. Khi ông ta đứng dậy và đưa một tay lên cao, người tù cũng đồng thời yêu cầu chúng tôi “yên lặng và chú ý” - và lúc đó, tôi đã lần đầu trải qua cảm giác thường được nhắc tới, đó là ý nghĩa của niềm vui bất ngờ khi nghe thấy tiếng Hung thân quen trên đất lạ: như vậy đứng trước chúng tôi là một người đồng bào. Ngay lúc đó tôi hơi cảm thấy thương anh, vì tôi nhận thấy anh là một tù nhân còn rất trẻ, thông minh, ngoài ra còn buộc phải công nhận anh có gương mặt thiện cảm, và tôi rất muốn biết anh từ đâu tới, vì tội lỗi gì và đã rơi vào tù tội như thế nào; nhưng trước mắt anh chỉ thông báo với chúng tôi rằng “Herr Oberschar-führer [Herr Oberscharführer: ông, ngài - một chức vụ trưởng nhóm trong quân đội phát xít Đức; ở đây có thể hiểu như: ngài chỉ huy] muốn phổ biến cho chúng tôi những việc cần làm, muốn cho chúng tôi biết những mong muốn của ngài đối với chúng tôi. Nếu như chúng tôi cố gắng, và đó cũng là điều người ta đòi hỏi ở chúng tôi, anh ta nói thêm, thì tất cả sẽ diễn ra “nhanh chóng và trôi chảy”, đó thực ra cũng là vì lợi ích của chúng tôi, nhưng anh ta đảm bảo đó cũng là mong muốn của “Herr Ober” sau khi đã gạt phép tắc chính thức sang một bên, đó là cách anh ta xưng hô ngắn gọn và thân mật hơn, tôi cảm thấy như thế.
Sau đó chúng tôi được anh ta thông báo một vài việc đơn giản, hiển nhiên trong tình huống như thế này, trong khi người lính lia lịa gật đầu đồng ý, để chứng tỏ độ tin cậy của những điều anh ta nói, vì dù sao anh ta cũng chỉ là một phạm nhân, và bằng vẻ mặt thân thiện, đôi mắt vui vẻ, lúc ông ta nhìn người tù, lúc lại quay về phía chúng tôi. Ví dụ chúng tôi được biết trong phòng tiếp theo, nghĩa là “phòng thay đồ”, chúng tôi phải cởi bỏ hết áo quần và treo cẩn thận lên những móc có sẵn trong đó. Các móc treo quần áo có đánh số. Trong khi chúng tôi tắm, quần áo sẽ được khử trùng. Có lẽ anh ta không cần giải thích thêm, anh ta bảo, và tôi cũng cho rằng anh ta nói đúng, tại sao việc mọi người phải nhớ kỹ số móc áo của mình là rất quan trọng. Ngay cả việc anh ta khuyên chúng tôi nên buộc hai chiếc giày lại với nhau “để tránh có thể xảy ra lẫn lộn”, tôi cũng dễ dàng công nhận là hữu ích. Sau đó anh ta hứa những người thợ cạo sẽ săn sóc chúng tôi, và cuối cùng chúng tôi có thể vào phòng tắm.
Nhưng trước hết, anh ta tiếp tục, những ai còn tiền, vàng, đá quý hay bất cứ đồ giá trị nào khác hãy bước lên trước, và tự nguyện “gửi Herr Ober, vì đây là cơ hội cuối cùng “các bạn có thể giải thoát khỏi những đồ vật kia mà không bị trừng phạt”. Như anh ta giải thích, mọi hình thức mua bán, từ đó suy ra việc sở hữu và mang các đồ vật có giá trị, đều bị “cấm ngặt trong Lager [Lager (tiếng Đức): trại, ở đây chỉ trại tập trung thời phát xít] - anh ta đã sử dụng khái niệm đối với tôi là mới này, nhưng về mặt tiếng Đức có thể hiểu ngay. Sau khi tắm, tất cả mọi người sẽ được “chiếu tia Röntgen” bằng thiết bị “chuyên dùng vào mục đích này” - anh ta cho biết, và người lính cũng gật đầu, với vẻ phấn khích và nhất trí không thể hiểu theo cách khác để nhấn mạnh hai từ “Röntgen” mà rõ ràng là ông ta cũng hiểu. Tôi chợt nhớ ra: vậy là lời cảnh cáo của gã hiến binh trên toa xe lửa là chính xác. Riêng về phần mình, anh ta nói thêm rằng việc buôn lậu, giấu giếm có thể kéo theo “sự trừng phạt nặng nhất”, còn tất cả chúng tôi có thể đánh mất danh dự của mình trước các nhà chức trách Đức, và do đó, theo anh ta, là “không có mục đích và vô nghĩa”. Không nghi ngờ gì, dù vấn đề không mấy liên quan đến bản thân tôi, tôi cho rằng có lẽ anh ta nói đúng. Một khoảng thời gian im lặng, theo cảm giác của tôi thì về cuối sự im lặng đã ít nhiều trở nên khó chịu. Sau đó ở phía trước thấy có động đậy: một người xin đi ra, đặt một vật gì đó lên bàn, rồi vội vàng quay lại. Người lính nói gì đó, vẻ khen ngợi. Trước khi gạt cái vật nhỏ ấy - mà từ xa tôi không nhìn rõ - xuống ngăn kéo, ông ta đã nhìn nó với vẻ xét đoán bằng một cái liếc mắt thoáng qua. Tôi thấy ông ta có vẻ hài lòng. Rồi lại một khoảng im lặng, lần này ngắn hơn, rồi lại thấy động đậy, rồi một người khác - và từ đấy trở đi không có khoảng trống, càng ngày người ta càng mạnh dạn và nhanh nhẹn bước ra phía trước hơn, theo nhau đến bên bàn, và đặt hoặc một vật sáng lấp lánh, hoặc kêu đánh cộp, hay leng keng, hay sột soạt lên mặt bàn, vào khoảng trống nhỏ giữa chiếc roi và cái cặp da. Tất cả những sự việc này - ngoại trừ tiếng những bước chân, tiếng động của các đồ vật, và thỉnh thoảng giọng nói mảnh, ngắn củn, lần nào cũng vui vẻ tỏ thái độ khích lệ của người lính - đều diễn ra trong yên lặng hoàn toàn. Tôi còn nhận ra rằng đối với mỗi đồ vật, người lính đều có cách xử lý giống hệt như nhau. Như vậy, nếu có ai đó cùng lúc đặt hai vật lên bàn, thì ông ta cũng xem xét từng thứ một - thỉnh thoảng kèm theo một cái gật đầu công nhận - rồi đầu tiên ông ta mở ngăn kéo đặt một vật vào trước, sau đó, đa số lần ông ta dùng bụng, đóng ngăn kéo lại, rồi chuyển sang quan sát vật kia, và lặp lại chính xác như lần trước. Tôi hết sức kinh ngạc, vì vẫn còn bao nhiêu thứ được đưa ra, cả sau khi đám cảnh binh đã vơ vét rồi. Nhưng ngay cả sự vội vã, hăng hái của đám người cũng làm tôi hơi ngạc nhiên, sau khi họ đã chấp nhận mọi phiền toái, lo lắng đến tận lúc này với việc cất giấu những đồ vật kia. Có lẽ chính vì thế mà tôi thấy, sau khi từ chỗ cái bàn quay lại, trên gương mặt ai cũng có biểu hiện của một chút hổ thẹn, một chút gì long trọng, nhưng nhìn chung hầu như đều là một cảm giác nhẹ nhõm nào đó. Hơn nữa, xét cho cùng thì ở đây chúng tôi đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc sống mới, và tôi hiểu, dĩ nhiên đây là một tình huống hoàn toàn khác so với ở Sở Hiến Binh. Tất cả những sự kiện trên chỉ diễn ra trong vòng ba, bốn phút, nếu tôi muốn nói cho chính xác.
Tôi không biết nói gì nhiều hơn về những việc sau đó: về cơ bản tất cả diễn ra như hướng dẫn của người tù. Cánh cửa đối diện mở ra, và chúng tôi vào một chỗ có nhiều ghế băng dài, dọc bên trên có lắp các móc treo quần áo. Tôi tìm ngay ra số và tự nhắc đi nhắc lại kẻo lại quên đi mất. Hai chiếc giày cũng được tôi buộc lại, đúng như anh tù phạm đã khuyên. Tiếp theo là một căn phòng rộng, trần thấp, đèn chiếu sáng rực: ven các bức tường bàn cạo râu, máy cắt tóc chạy điện chạy rần rần, đám thợ cắt tóc đang mải mốt hành sự - tất cả đều là tù phạm. Tôi đến chỗ một người ở phía bên phải. Ngồi xuống, tôi đoán anh ta bảo thế, vì không hiểu thứ tiếng anh nói, tôi ngồi xuống cái bục nhỏ phía trước anh ta. Anh ta đã gí cái máy vào cổ tôi, cắt tóc tôi - cắt hết không chừa một sợi, trọc lốc. Sau đó anh ta cầm máy cạo: đứng dậy, giơ hai tay lên, anh ta ra hiệu rồi dùng nó cào cào cái gì đó dưới nách tôi. Tiếp theo anh ngồi xuống bục, đối diện với tôi. Chẳng nói chẳng rằng, anh ta túm lấy bộ phận nhạy cảm nhất của tôi, dùng lưỡi cạo lia một vòng, hết sạch xung quanh không còn sợi nào, niềm tự hào đàn ông cỏn con của tôi vừa mọc cách đây không lâu. Có thể là phi lý, nhưng sự mất mát này còn đau đớn hơn mất mái tóc. Tôi bất ngờ và còn hơi bực mình, nhưng rồi cũng thấy, xét cho cùng, vì một việc cỏn con ấy mà mình hậm hực thì thật nực cười. Hơn nữa tôi thấy bọn con trai khác xung quanh cũng rơi vào tình cảnh giống tôi, và chúng tôi lập tức trêu “chàng trai lụa”: Này, bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra với bọn con gái nhỉ?
Nhưng người ta đã giục: tiếp tục, đi tắm. Ở cửa, một tù phạm vừa nhét vào tay “Rozi” đi ngay trước tôi một miếng xà phòng nhỏ màu nâu, gã vừa nói vừa ra hiệu: ba người một miếng. Trong phòng tắm, dưới chân chúng tôi là lưới gỗ trơn, trên đầu là hệ thống ống và trên đó chúng tôi thấy rất nhiều vòi hoa sen. Trong phòng số người trần truồng đã đông, và quả thật toàn người tỏa ra mùi không dễ chịu. Tôi thấy một điều thú vị là nước tự động chảy xuống hoàn toàn bất chợt, sau khi chúng tôi hoài công tìm tay vặn ở đâu đó. Tia nước không lớn, nhưng tôi thấy nước mát lạnh, trong cái nóng nực này, thật là dễ chịu. Trước hết tôi uống cho đã, và tôi lại cảm thấy cái vị giống như vị nước giếng ngoài kia, sau đó tôi mới tận hưởng chút khoái cảm do nước mang lại trên da mình. Xung quanh tôi là những âm thanh vui nhộn, tiếng vỗ, tiếng phun, tiếng hít hà - đó là những giây phút háo hức, không phiền muộn. Bọn con trai chúng tôi trêu chọc nhau liên mồm, chủ yếu vì những cái đầu trọc lốc. Về miếng xà phòng thì phải nói: đáng tiếc nó không ra bọt nhiều cho lắm, mà bên trong còn toàn những hạt sắc dễ làm xước da. Thế nhưng, bên cạnh tôi một người béo tốt - trên lưng, trên ngực ông mọc dày những đám lông màu đen, có vẻ như họ đã để lại không cạo - vẫn dùng miếng xà phòng xát từng vệt dài với động tác rất trịnh trọng, tôi có thể nói như thể là một nghi lễ. Ở ông - tất nhiên ngoài mái tóc ra - tôi thấy còn thiếu một thứ gì đó. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra cằm và vùng quanh miệng của ông trắng hơn những chỗ khác, và da ông đầy những vết xước còn mới, màu đỏ. Ông chính là vị cha cố Do Thái ở nhà máy gạch - tôi đã nhận ra, thế là ông cũng đã đến đây. Không có bộ râu, nom ông bớt đi vẻ đạo mạo: vẻ mặt chất phác, mũi hơi to, về cơ bản tôi thấy ông là một người có bề ngoài bình thường. Ông còn đang xát xà phòng vào chân thì - cũng đột ngột như khi đến - nước đồng loạt tắt, ông bất giác nhìn lên, rồi lập tức nhìn xuống thân mình, nhưng rồi ông buông xuôi, như người đã hiểu ra và chấp nhận, cúi đầu trước ý muốn của một phán quyết từ bên trên.
Nhưng chính tôi cũng không thể làm gì hơn: người ta đã kéo, đã đẩy, đã xô lấn tôi ra phía ngoài. Chúng tôi lọt vào một căn phòng chiếu sáng yếu ớt, một tù phạm ấn vào tay mỗi người, cả tôi, một chiếc khăn tay - không phải, hóa ra là một chiếc khăn lau, và ra hiệu dùng xong phải trả lại. Một người khác dùng một vật mỏng tựa như bàn chải bôi lên đầu tôi, hai bên nách và vào cả cái bộ phận nhạy cảm kia của tôi thứ chất lỏng chắc là chất khử trùng, có màu đáng ngờ, gây cảm giác ngứa và xộc mùi hăng lên mũi, bằng những động tác bất ngờ, cực nhanh nhẹn và khéo léo. Sau đó là một hành lang, với hai cửa sổ chiếu sáng ở phía bên phải, rồi là một phòng thứ ba, không có cánh cửa: mỗi nơi đều có một phạm nhân chia quần áo. Tôi nhận được - cũng như mọi người - một chiếc sơ mi vào lúc nào đó đã từng có nền xanh, kẻ sọc trắng, không cúc, không cổ như kiểu áo từ thời ông nội tôi, tương tự như thế, một cái quần bất quá cũng chỉ hợp với một ông lão, có xẻ dọc chỗ mắt cá chân và hai dây quần cộc, bộ áo khoác cũ nát, nhưng giống hệt của các tù phạm bằng vải thô và kẻ sọc xanh-trắng - đúng là quần áo tù, dù tôi có ngắm nghía thế nào đi nữa; sau đó ở trong căn phòng bỏ ngỏ tôi còn được tự chọn một đôi trong một đống giày lạ kiểu: đế gỗ, lót vải, không dây, bên sườn đơm ba chiếc cúc, và tôi nhanh chóng tìm ngay được một đôi khá vừa chân. Rồi phải kể đến hai miếng vải xám nhỏ, tôi nghĩ chắc dùng làm khăn tay, và một phụ kiện không thể thiếu được là chiếc mũ tù vải mềm, hình tròn, cũ kỹ, có kẻ sọc ngang. Tôi hơi chần chừ, nhưng có tiếng giục giã từ mọi phía, người ta vội vã mặc áo quần xung quanh khiến tôi cũng không thể chờ thêm nếu không muốn bị chậm so với mọi người. Cái quần - vì quá rộng và không có thắt lưng hay dây đeo - tôi vội vàng buộc túm lại, còn đôi giày thì hóa ra có một tính chất không biết trước: đế nó cứng đơ. Trong khi đó, để hai tay được tự do, tôi chụp chiếc mũ lên đầu. Đám con trai cũng đã xong cả: chúng tôi nhìn nhau, không biết nên cười hay tốt hơn là nên ngạc nhiên. Nhưng cũng không có thời gian cho cả hai chuyện ấy: chúng tôi lại thấy mình đã ở ngoài trời. Tôi không biết ai đã điều hành, không biết cả điều gì đã xảy ra - tôi chỉ nhớ có một áp lực nào đó đè nặng lên tôi, một sức manh nào đó xô đẩy tôi đi, tôi bước tập tễnh trong đôi giày mới, trong bụi mù và những tiếng động là lạ từ phía sau, nghe giống như người ta đang đập lên lưng ai đó, cứ đi mãi về phía trước; lại những khu sân, những cổng cuốn dây thép, những hàng rào thép gai mở ra rồi khép lại, cuối cùng tôi chỉ thấy đang đi về phía một đám bòng bong rối mù và hỗn độn ở trước mặt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét