Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 8

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

8

Phải công nhận, có những sự việc nhất định tôi không bao giờ có thể giải thích nổi, không hẳn vậy, mà là nếu tôi không nhìn chúng trong tổng thể những mong đợi của tôi, trong tổng thể của quy luật, hoặc của nguyên do - từ góc độ cuộc sống, nói tóm lại là từ trật tự của các sự việc, ít nhất là ở mức độ mà tôi đã làm quen. Như vậy khi người ta nhấc tôi từ xe cút kít, đặt tôi xuống đất ở một nơi nào đó, tôi không sao hiểu nổi mình còn có công chuyện gì để làm, chẳng hạn như với cái tông đơ xén tóc và bàn cạo. Cái căn phòng lèn kín đến ngạt thở và ngay từ lần đầu tiên giống hệt một buồng tắm mà người ta đã đặt cả tôi xuống lớp sàn gỗ trơn nhãy giữa vô số những gót chân, bàn chân giẫm đạp, những bắp chân, xương chân lở loét, về đại thể đã gần như phù hợp hơn với mong đợi của tôi. Tôi còn thoáng nghĩ trong đầu lần cuối cùng: vậy là có vẻ như thói quen ở Auschwitz cũng có hiệu lực cả ở đây. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi sau một lúc chờ đợi, sau những âm thanh xì xoẹt, lục bục từ những vòi nước phía trên bất chợt có nước, nước nóng bắt đầu phun xối xả. Tôi không khoái lắm, vì lẽ ra tôi còn thích nằm trong không gian ấm áp một lúc nữa, nhưng tôi không thể làm bất cứ điều gì, khi một sức mạnh không thể cưỡng lại được nâng bổng tôi lên cao khỏi rừng chân người nhộn nhạo, rồi tôi được quấn trong một tấm giống như vải trải giường, bên trên là một tấm chăn dạ thô. Sau đó tôi nhớ mình được ai đó vác lên vai, đầu ngật ra sau, chân thõng ra trước; tôi nhớ đã qua một cái cửa, một cầu thang hẹp và những bậc thang dốc, lại một cái cửa nữa, rồi đến một nơi, có thể gọi là một căn phòng rộng rãi và sáng sủa, trang thiết bị đập vào con mắt nghi hoặc của tôi đã gần sang trọng như một trại lính, và cuối cùng từ trên vai người vác, tôi được đặt xuống giường, một cái giường đơn tử tế, có thật với những bao rơm nhồi đầy và hai tấm chăn dạ màu xám. Tôi còn nhớ có hai người - những con người tử tế, đẹp, có mặt mũi, tóc tai, mặc quần trắng, áo ba lỗ, đi giày đế gỗ; tôi nhìn ngắm họ, còn họ nhìn lại tôi. Chỉ đến lúc ấy tôi mới chú ý đến miệng họ, và nãy giờ một thứ ngôn ngữ nghe như hát đập vào tai tôi. Tôi có cảm giác như họ muốn biết ở tôi một điều gì đó, nhưng tôi chỉ biết lắc đầu: tôi không hiểu. Thế là tôi nghe tiếng một trong hai người nói tiếng Đức, với trọng âm rất lạ: “Hast du Durchmarsch?” [tiếng Đức: “Cậu có bị tháo dạ không?”], nghĩa là tôi có bị tháo dạ hay không, và tôi bất ngờ nhận ra giọng mình đáp: “Nein”, tôi nghĩ ngay cả lúc này cũng lại chỉ vì sĩ diện, chắc vậy. Thế là - sau một lúc bàn bạc, chạy đi chạy lại - họ ấn vào tay tôi hai thứ. Một cái nồi có cà phê âm ấm, thứ kia là bánh mì, theo ước đoán của tôi là một phần sáu cái. Tôi có thể nhận, có thể ăn uống không cần trả giá, không cần trao đổi thứ gì. Sau đó bỗng nhiên nội tạng tôi bắt đầu phát tín hiệu sống, bắt đầu lục bục và không tuân theo ý muốn, làm tôi phải tập trung tất cả sự chú ý và chủ yếu là sức lực vào nó để nó khỏi phản lại lời tôi vừa nói lúc trước. Rồi tôi chợt tỉnh ra và thấy một người lại đến bên cạnh, nhưng lúc này ông ta đã đi ủng, mũ xanh thẫm gọn gàng, áo tù có gắn tam giác màu đỏ.
Tôi lại được vác lên vai, xuống cầu thang, lần này thì đi thẳng ra ngoài. Một lát sau chúng tôi vào một nhà gỗ lớn màu xám, kiểu như một trạm xá, một kiểu Revier, nếu tôi không nhầm. Nói gì thì nói, ở đây mọi thứ lại gần phù hợp với sự chờ đợi của tôi, xét cho cùng tôi thấy mọi thứ đều ổn, chứ chưa muốn nói là rất gần gũi, thân thiện - chỉ có điều bây giờ tôi không hoàn toàn hiểu cách cư xử lúc trước, sao tôi lại được nhận bánh mì và cà phê. Trên đường chúng tôi đi, dọc theo chiều dài của dãy nhà là dãy box ba tầng quen thuộc như chào đón. Cái nào cũng chật cứng, và với con mắt có đôi chút kinh nghiệm, có thể nói đôi mắt tôi cũng đã thuộc trong số đó, thì dựa trên cái tập hợp của những gương mặt biến dạng đến không thể phân biệt nổi, ghẻ lở, da thịt lở loét, những bộ xương, quần áo rách rưới, những tay chân gầy guộc, vẫn có thể nhận ra ngay trong mỗi ngăn có ít nhất là năm, ở một vài ngăn có tới sáu thân thể như thế. Bên cạnh đó, trên những tấm ván để trần, tôi hoài công tìm thứ rơm rải ổ mà ngay đến ở Zeitz cũng được coi là thứ ước mơ - nhưng trong thời gian mà tôi có thể sẽ ở đây, điều này là chi tiết không quan trọng lắm, đúng thế, tôi công nhận. Lúc đó lại xảy ra một bất ngờ mới - trong khi chúng tôi dừng lại và nghe tiếng nói chuyện, trao đổi rõ ràng là giữa người vác tôi và một người nào khác. Lúc đầu tôi cũng không biết mình nhìn có rõ không, nhưng tôi không thể nhầm, vì ở đoạn này căn nhà được chiếu bằng những ngọn đèn lớn, khá sáng sủa. Ở đây, từ phía bên tay trái tôi cũng thấy hai dãy box bình thường, chỉ có điều các tấm ván gỗ được phủ bởi những lớp mền màu đỏ, màu hồng, màu xanh, xanh lá cây và màu tím, bên trên còn một hàng nữa, cũng những tấm chăn như thế, và giữa hai lớp chăn, sát cạnh nhau tạo ra những cái đầu trẻ con cạo trọc lốc, lớn có, bé có, nhưng nhìn chung là bọn con trai trạc tuổi tôi. Và đúng lúc chỉ vừa nhận ra điều đó, thì tôi bị đặt xuống đất, và một ai đó đã giữ cho tôi dựa vào để tôi khỏi đổ gục, để họ tháo tấm chăn ra khỏi tôi, quấn tạm lên đầu gối và mạng sườn tôi lớp băng giấy, rồi mặc cho tôi một chiếc áo. Tôi được trượt vào giữa hai lớp chăn, vào chỗ mà hai cậu con trai hai bên vừa né ra nhường, ở tầng giữa.
Rồi họ bỏ mặc tôi ở đây, không một lời giải thích, và thế là tôi lại phải tự dựa vào khả năng suy đoán của bản thân. Dẫu sao, cần phải công nhận rằng tôi đang ở đây, và đó là một thực tế không thể phủ nhận, trong mỗi khoảnh khắc nó lại tái hiện, tái hiện nữa và tiếp tục duy trì. Sau này tôi còn hiểu rõ thêm một vài điều cần biết nữa. Chẳng hạn như chỗ này đúng hơn là đầu chứ không phải cuối của dãy nhà, phía đối diện có một cửa mở ra ngoài, hơn nữa khoảng sáng sủa rộng rãi phía trước tôi cho thấy đây là khu vực hoạt động của các bậc có chức sắc, thư ký, bác sĩ, ở vị trí dễ thấy nhất là một chiếc bàn được phủ tấm ga trắng. Những người nằm trong các hộp gỗ phía sau đa phần bị kiết lỵ hoặc thương hàn, hay nếu không thì chắc chắn cũng sẽ bị. Triệu chứng đầu tiên - mà cái mùi không thể giảm nổi là một dấu hiệu - là Durchfall, nói cách khác là Durchmarsh, như những người trong đội làm việc ở buồng tắm đã hỏi tôi ngay lập tức, và theo đó - phải công nhận, lẽ ra nếu trả lời thật thà câu hỏi của họ, thì chỗ của tôi cũng là phải ở đằng kia. Những thứ được cấp phát hằng ngày và ăn uống, tôi thấy về cơ bản giống ở Zeitz: sáng cà phê, xúp đến từ lúc nửa buổi, suất bánh mì thường là một phần ba hay một phần tư, nếu một phần tư thì có thêm món Zulage. Do chiếu sáng đơn điệu thường xuyên, không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng hay bóng tối ngoài cửa sổ từ bất cứ đâu, nên rất khó nhận ra đang là buổi nào trong ngày, chỉ có thể suy diễn qua các dấu hiệu nhất định không thể nhầm lẫn: như cà phê vào buổi sớm, giờ ngủ là lúc bác sĩ chia tay vào buổi tối. Ngay từ buổi tối đầu tiên tôi cũng đã có cuộc làm quen. Tôi chú ý tới một người đứng ngay trước box của chúng tôi. Ông ta không thể là người cao lắm, vì đầu ông ta ngang tầm với đầu tôi. Mặt ông ta không chỉ đầy đặn, mà còn béo hẳn hoi, nhiều chỗ trễ xuống núng nính, và không chỉ có bộ ria mép uốn cong đã gần như muối tiêu hết, mà thật ngạc nhiên, vì trong trại tập trung chúng tôi chưa thấy điều này bao giờ: bộ râu quai nón cắt tỉa công phu gần như bạc hết, mảnh và nhọn về phía dưới cằm. Ông đội một cái mũ lớn, nom oai vệ và mặc quần vải tối màu, nhưng lại vận áo tù - dù chất vải tốt, với băng tay bên trên có ký hiệu đỏ, trong đó có chữ “F”. Ông nhìn tôi, như thường nhìn những người mới đến, và còn nói với tôi điều gì đó. Tôi nói với ông một câu duy nhất tôi biết bằng tiếng Pháp: “Je ne kompran pas, Messieur!”. “Oui, Oui,” ông đáp, bằng giọng cởi mở, thân thiện và hơi khàn khàn “bon bon, mo’fis”, và ông đặt lên tấm chăn, trước mũi tôi, một viên đường, một viên đường thực sự, đúng như tôi còn nhớ từ thời ở bên nhà. Sau đó ông đến hết lượt bọn con trai, trong cả hai dãy box, cả ba tầng, và cũng lấy trong túi ra cho mỗi đứa một viên đường. Với một vài đứa thì ông chỉ đặt xuống trước mặt, với một số khác ông dừng lâu hơn, thậm chí một vài đứa còn có thể trò chuyện với ông, và ông còn vỗ nhẹ vào mặt, cù nhẹ lên cổ những đứa này, nói đôi lời âu yếm như người ta thường âu yếm chú chim hoàng yến cưng trong những giây phút dành cho nó. Tôi còn nhận ra rằng đối với một vài con cưng, chủ yếu là những đứa hiểu thứ ngôn ngữ của ông ta, ông còn có thêm một viên đường nữa. Đến lúc này tôi mới công nhận điều người ta vẫn dạy bảo từ bên nhà, hiểu biết mới hữu ích làm sao, đặc biệt là am hiểu ngôn ngữ, đúng thế thật.
Tất cả những điều này, phải nói là tôi đã hiểu, đã chấp nhận, nhưng chỉ với cảm giác, tôi có thể nói gần như với điều kiện rằng trong lúc đó tôi vẫn chờ đợi, dù tôi không thể biết là đặc biệt chờ gì, một sự thay đổi bước ngoặt, chiếc chìa khóa của bí mật, sự thức tỉnh, xin được nói như thế. Chẳng hạn như ngày hôm sau, khi trong lúc làm công việc của mình với những người khác, ông bác sĩ cũng đã chỉ vào tôi. Tôi được lôi ra khỏi chỗ nằm, và đặt tay lên bàn, trước mặt ông. Từ trong cổ họng ông, tôi nghe thấy vài lời thân thiện. Ông khám cho tôi, ông gõ gõ, áp cái tai lạnh, chạm cả đầu bộ ria nhọn lên ngực, lên lưng tôi, ông ra hiệu bảo tôi ho, hít hơi thật dài. Rồi để tôi nằm ngửa, bảo người trợ lí hay giúp việc gì đó tháo đám băng giấy, khám các vết thương cho tôi. Ông xem xét, lúc đầu chỉ từ xa, sau rồi ông thận trọng rà nắn xung quanh, làm vết thương bắt đầu rỉ cả các thứ chất từ bên trong. Thấy ông lầm bầm điều gì đó, rồi ông lắc đầu lo lắng, có vẻ như điều đó làm ông chán nản, mất hết hứng thú, tôi cảm thấy thế. Ông băng bó lại ngay, như muốn cho khuất mắt ông, và tôi phải nhận ra rằng những vết thương không làm ông vui lòng cho lắm, không cách nào có thể làm ông được an ủi, thỏa mãn.
Nhưng ở một lĩnh vực khác, cuộc sát hạch của tôi cũng thất bại, tôi buộc phải nhận ra điều đó. Ví dụ như tôi không thể nào hiểu nổi mấy đứa con trai nằm bên cạnh. Còn chúng thì trò chuyện thoải mái với nhau, qua người, trên đầu, hay trước mặt tôi, cứ như qua một thứ vật cản chắn ngang đường vậy. Trước đó chúng đã hỏi tôi là ai, là gì. Tôi bảo: “Ungar”, và nghe thấy chúng truyền nhau rất mau xung quanh: “Vengerskij, vengrja, matiar, ongroa”, [Vengerskij, vengrja, matiar, ongroa: cách gọi (theo phiên âm) người Hung bằng các thứ tiếng khác nhau] và nhiều cách nói khác nữa. Một đứa còn nói: “Khenyir”, [Khenyir: cách nói theo phiên âm lơ lớ của chữ “kenyér” (tiếng Hung) là “bánh mì”] nghĩa là “bánh mì,” và cái cách nó cười khi nói, sau đó là cả một dàn đồng ca nói theo, làm cho tôi không mảy may nghi ngờ chút nào, rằng nó biết, và biết rất rõ nòi giống của tôi. Thật khó chịu, và bằng cách nào đó tôi muốn làm cho chúng hiểu: chúng đã nhầm, vì những người Hung thì không coi tôi thuộc về họ, và về đại thể tôi cũng chỉ có thể chia sẻ cách nhìn của chúng về họ, và rằng thật lạ, hơn nữa tôi còn thấy đây cơ bản là một việc không xứng đáng, rằng ở đây lại chính vì họ mà người ta nhìn tôi khó chịu, nhưng tôi nhớ ra trở ngại vớ vẩn kia, rằng tôi chỉ có thể nói điều này cho chúng hiểu bằng tiếng Hung, hay bất quá thì bằng tiếng Đức, và thế thì còn tồi tệ hơn, chính tôi cũng thấy vậy.
Và còn có một sai lầm khác, một cái tội nữa mà trong nhiều ngày tôi không sao che giấu thêm mặc cho tất cả mọi cố gắng. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng thỉnh thoảng nếu cần thiết phải gọi đến một anh chàng có vẻ chỉ nhiều tuổi hơn chúng tôi chút ít và nom giống như một cậu phụ việc hộ lý. Những lúc như thế anh ta xuất hiện với một cái nồi thấp có cán đủ dài, và chúng tôi nhét nó xuống dưới chăn. Rồi lại phải gọi: “Bitte! Fertig! Bitte!” [tiếng Đức: “Thưa, xong rồi!”] cho tới khi anh ta quay lại lấy. Không một ai, kể cả anh ta có thể tranh cãi về quyền chính đáng của một yêu cầu như thế một, hai lần trong ngày. Chỉ có điều tôi buộc phải phiền anh ta ngày ba lần, có khi tới bốn lần, và tôi thấy điều đó làm anh ta bực mình - kể ra cũng dễ hiểu, tôi không thể phủ nhận được, dù nói gì đi chăng nữa. Có lần anh ta đã mang cái nồi tới cả chỗ ông bác sĩ, giải thích, lý sự cái gì đó, chỉ vào thứ đựng trong nồi, và ông bác sĩ thoáng đăm chiêu về tang vật một lát; nhưng sau đó ông lắc đầu xua tay phủ nhận một cách không thể nhầm lẫn. Buổi tối ông vẫn chia đường: như thế nghĩa là mọi việc đều ổn - tôi lại có thể yên tâm chui vào tấm chăn và vào sự chắc chắn vẫn đang duy trì, có vẻ như không thay đổi nổi, ít nhất là trong ngày hôm nay, của những cơ thể ấm nóng này.
Hôm sau vào khoảng giữa thời gian chia cà phê và xúp, một người bước vào từ thế giới bên ngoài, một nhân vật trong số hiếm hoi những người có quyền thế, tôi nhận ngay ra điều đó. Chiếc mũ nồi to may bằng dạ đen, chiếc áo choàng trắng tinh, ống quần là phẳng nếp sắc như lưỡi dao cạo, giày đánh xi bóng loáng, và khuôn mặt ông ta không chỉ là một tác phẩm thô thiển, nom đàn ông quá mức, với những đường nét như được tạc bằng dao chạm, mà lớp da mặt tím đỏ đã gần như bị lột làm tôi hơi hoảng sợ. Ngoài ra ông còn có thân hình cao, to, tóc hai bên thái dương đã chớm bạc, hai tay chắp tay ra sau nên từ chỗ tôi nằm không đọc được chữ cái trên băng đeo tay, nhưng đặc biệt là cái tam giác đó không có ký hiệu: nghĩa là biểu hiện của dòng máu Đức thuần khiết đáng ngại. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm nhìn một người mà số tù không phải con số hàng vạn, không phải hàng nghìn, cũng không phải hàng trăm, mà tất cả vẻn vẹn chỉ có hai chữ số. Viên bác sĩ của chúng tôi vội vàng đến chào, bắt tay, vỗ vỗ lên cánh tay, tóm lại muốn lấy lòng ông kia, như đón một vị khách rất mong đợi làm sang trọng cho gia chủ bằng việc đến thăm của mình, và tôi thật sự kinh ngạc khi bỗng nhận ra rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, theo mọi dấu hiệu thì ông bác sĩ bắt đầu nói về tôi cho ông kia nghe. Ông bác sĩ đã khoát tay một vòng rộng, chỉ vào tôi cho ông kia thấy, và từ câu nói tiếng Đức khá nhanh của ông ta, tôi nghe rõ từ này: “Zu dir” [tiếng Đức: “Đến lượt anh”]. Sau đó ông bác sĩ còn tiếp tục, khẳng định, thuyết phục ông kia liên hồi, vừa làm những động tác giải thích, như người ta vẫn mời chào một món hàng, cố bán xong cho thật nhanh. Còn ông kia, lúc đầu chỉ im lặng lắng nghe, như thể bất cần, có thể nói như một khách hàng khó tính, nhưng cuối cùng có vẻ như ông đã bị thuyết phục - ít nhất là tôi cảm thấy thế qua ánh mắt nhanh, sắc, đã có vẻ như chiếm hữu theo một cách nào đó mà ông ta hướng về phía tôi bằng một đôi mắt đen bé xíu, và cả qua cái gật đầu nhẹ, qua cái bắt tay và tất cả cách thức mà ông quay đi, cả từ nét mặt hồ hởi, mãn nguyện của ông bác sĩ.
Tôi không phải chờ quá lâu, cửa lại bật mở, và chỉ trong nháy mắt tôi đã thấy một chiếc áo tù có hình tam giác màu đỏ, bên trong gắn chữ “P” - ai cũng biết đó là dấu hiệu chỉ người Ba Lan - và trên băng đeo tay là chữ “Pfleger”: nghĩa là người vừa bước vào là hộ lý. Đó là một người còn trẻ, khoảng ngoài hai mươi. Anh ta cũng có một chiếc mũ xanh, tuy nhỏ hơn, dưới vành mũ là mái tóc màu hạt dẻ mềm mại trùm lên hai tai, rủ xuống tận cổ. Tất cả những đường nét trên khuôn mặt dài nhưng đầy đặn của anh đều rất hài hòa, dễ chịu, nước da màu hồng, miệng hơi rộng với cặp môi mềm thân thiện: nói tóm lại anh là một người đẹp trai, và chắc là tôi còn ngắm anh, nếu như anh không tìm ngay ông bác sĩ và ông này không chỉ tôi cho anh, và nếu như trên tay anh không có một tấm chăn dạ mà ngay sau khi lôi tôi ra khỏi chỗ nằm anh dùng để quấn quanh tôi, và có vẻ như đây đã thành thói quen, anh liền vác tôi lên vai. Công việc của anh không phải không gặp trở ngại, vì tôi đã dùng cả hai tay bám chặt vào chiếc thang ngang phân cách hai box một cách hú họa, theo phản xạ. Tôi còn cảm thấy hơi ngượng vì chuyện này: khi đó tôi cũng đã nghiệm ra rằng vỏn vẹn chỉ vài ngày sống có thể đánh lừa lý trí của chúng ta, có thể làm ta khổ sở tới mức nào. Nhưng anh tỏ ra khỏe hơn tôi, và dù tôi có quẫy đạp, có đấm vào lưng vào sườn anh bằng cả hai nắm đấm cũng vô ích, anh chỉ cười - tôi cảm thấy thế qua nhịp rung của anh; thế là tôi dừng lại, mặc anh muốn đem tôi đi đâu thì đem.
Có những chỗ rất lạ ở Buchenwald. Bạn có thể đến một trong những ngôi nhà màu xanh đơn sơ ở phía sau một hàng rào thép gai, mà cho đến nay, nếu là cư dân của Trại Nhỏ, cùng lắm bạn chỉ có thể ngắm nhìn từ xa. Giờ thì bạn có thể biết bên trong nó - ít nhất là trong cái nhà này - có một cái hành lang sạch sẽ, bóng loáng đến đáng ngờ. Từ hành lang mở ra những cánh cửa - những cánh cửa bình thường, màu trắng, có thật - sau mỗi cánh cửa là một căn phòng sáng sủa, với chiếc giường trống đã chuẩn bị sẵn như chỉ chờ bạn đến. Trên giường phủ một tấm chăn màu đỏ. Người bạn lún sâu vào tấm đệm rơm nhồi căng. Ở giữa, bạn có thể thấy, không thể lầm, đúng là một lớp ga trải giường màu trắng, mát lạnh. Dưới gáy bạn cũng có một cảm giác dễ chịu rất lạ: thủ phạm là một chiếc gối nhồi rơm bọc vải trắng. Người Pfleger gập cái chăn dạ đã dùng để quấn và vác bạn đến đây làm tư rồi đặt xuống phía chân: thế nghĩa là bạn có thể dùng nó, chắc là trong trường hợp bạn không hài lòng với nhiệt độ trong phòng. Rồi anh ta cầm một tờ giấy và cái bút chì ngồi xuống cạnh giường, và hỏi bạn tên gì. Tôi bảo: “Vier-und-sechzig, neun, ein-un-zwanzig”. Anh ta ghi lại, nhưng tiếp tục cật vấn, phải mất một lúc bạn mới hiểu ra, anh ta quan tâm đến cả tên thật, cả “name”, và bạn lại mất một lúc nữa, và điều này đã xảy ra cả đối với tôi, cho đến khi lục tìm xong trong kí ức bạn mới nhớ ra. Anh ta bắt tôi nhắc đi nhắc lại ba, bốn lần cho đến khi có vẻ đã nghe ra. Rồi anh ta chìa cho tôi xem cái anh đã viết, và trên đỉnh mặt tờ giấy kẻ dòng, kiểu tờ bệnh án, tôi đọc thấy: “Kewischtjerd” [Kewischtjerd: đây là cách ghi theo âm không chính xác, vì anh chàng này không nghe và viết được chính xác tên thật của nhân vật chính Köves György]. Anh ta hỏi “dobro jesz? [“Dobro jesz” (phiên âm tiếng Ba Lan): “Được không?”] có “gut” [tiếng Đức: được, tốt] không, và tôi bảo, “Gut”, thế là anh ta đặt tờ giấy lên bàn và bỏ đi.
Sau đó thì, vì rõ ràng bạn có đủ thời gian, bạn có thể nhìn quanh, ngắm nghía, xem xét một chút. Chẳng hạn bạn có thể xác định được, nếu như đến lúc này chưa thấy, trong phòng còn có những người khác. Chỉ cần nhìn họ là bạn có thể đoán ra: tất cả họ cũng có thể là những bệnh nhân. Bạn có thể nhận ra cái màu sắc, cái ấn tượng làm dịu con mắt bạn, là một màu đỏ thẫm chủ đạo lấn át tất cả, màu lờ mờ của chất liệu sơn trên những thanh gỗ dài lát nền, cả những tấm chăn được lựa chọn theo cùng một sắc độ trên tất cả các giường. Tổng số có chừng mười hai cái. Tất cả đều là giường một, và giường tầng cũng chỉ ở chỗ này, bên cạnh bức tường ngăn đóng bằng các thanh gỗ sơn trắng, nơi tôi nằm ở tầng dưới cùng, và phía trước tôi, cũng như hai cái sát bên phía tường ngăn đối diện. Bạn có thể lấy làm khó hiểu vì nhiều chỗ không dùng đến, vì những khoảng trống rộng hàng mét giữa các giường theo hàng dọc, và có thể ngạc nhiên vì sự xa hoa, nếu thấy chỗ này chỗ nọ vẫn còn những giường bỏ trống. Bạn có thể phát hiện ra những ô cửa kính hình vuông chia nhỏ xinh xắn để cho ánh sáng chiếu qua, và có thể đập vào mắt bạn dấu triện hình con đại bàng mỏ quặp màu nâu nhạt trên vỏ gối, bên trong có chữ “Waffen SS”*] mà rồi bạn có thể nhẩm đọc từng chữ cái.

*[Waffen SS: “Lực lượng vũ trang SS”, là nhánh chiến đấu của SS (Schutzstaffel); tên gọi Waffen SS được chính thức hóa ngày 2-3-1940, sau phát triển thành lực lượng tinh nhuệ với 39 sư đoàn, dưới quyền chỉ huy của thống chế SS Heinrich Himmler trên danh nghĩa, nhưng thực chất lực lượng này đã tham gia suốt cuộc chiến dưới sự chỉ huy của Vehrmacht (Lực lượng Vệ quốc, tên thống nhất của các lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã)]

Còn nếu bạn muốn thăm dò các gương mặt, bởi bạn có thể nghĩ rằng sự xuất hiện của bạn dù sao cũng là một sự kiện mới, để tìm một dấu hiệu, một biểu hiện của sự quan tâm, thất vọng, niềm vui, nỗi buồn hay chỉ để nhận ra sự tò mò thoáng qua, thì đều vô ích, và tình trạng này càng kéo dài sẽ càng làm bạn cảm thấy khó chịu hơn, thấy phiền lòng hơn, ở mức độ nhất định có thể nói bạn càng thấy sự im lặng này bí ẩn hơn, bạn sẽ cảm thấy như vậy, một cảm giác rõ ràng là rất kì quặc, nếu bạn vô tình rơi vào chốn này. Bạn có thể thấy trên khoảng trống vây quanh bởi các giường nằm có một chiếc bàn nhỏ phủ vải trắng, gần bức tường đối diện là một cái bàn to hơn, xung quanh đặt mấy chiếc ghế tựa, bên cạnh cửa ra vào có một lò sưởi bằng sắt đang bập bùng, sát bên là giỏ đựng đầy than đen nhánh.
Và rồi sau đó, bạn có thể vắt óc nghĩ: tất cả những thứ này là để làm gì, căn phòng này, trò đùa với chăn, giường và sự yên tĩnh này. Bạn có thể nhớ tới chuyện này chuyện khác, bạn thử hồi tưởng, suy diễn, chọn lựa từ những hiểu biết của mình. Cũng có thể, bạn sẽ suy ngẫm, ngẫm nghĩ, cũng như tôi, rằng đây có lẽ cũng là nơi giống như chúng tôi đã nghe nói ở Auschwitz, nơi người ta dùng bơ sữa để vỗ béo cho bệnh nhân, cho đến khi chẳng hạn họ từ từ lấy hết nội tạng của mình để nghiên cứu, vì mục đích khoa học. Nhưng tất nhiên, bạn phải công nhận rằng, đây cũng chỉ là một giả thiết, chỉ là một trong các khả năng; và cái chính là tôi cũng chưa thấy dấu vết, thấy mùi vị, thấy động tĩnh nào của sữa, của bơ. Thế những tôi vẫn nảy ra một ý nghĩ, cũng có thể là một ý nghĩ mơ hồ, nhưng ai có thể đánh giá được điều gì là có thể và đáng tin cậy, ai có thể khai thác hết, ai có thể đi đến tận cùng tất cả vô vàn những ý tưởng, sáng kiến, trò chơi, trò đùa không đếm xuể và những suy nghĩ cần xem xét, có thể thấy, có thể được thực hiện, có thể dễ dàng biến từ thế giới tưởng tượng thành hiện thực trong một trại tập trung. Thế mà giờ đây, tôi nghĩ đang nghĩ thế, khi họ đã đưa con người ta đến đúng một căn phòng như thế này. Đã đặt xuống một cái giường chăn đệm như thế này. Họ chữa trị, chăm bẵm, nuông chiều - chỉ có điều là chưa cho ăn, giả dụ thế. Cứ cho là còn có thể họ chú ý xem mỗi người sẽ chết đói như nào chẳng hạn - chắc hẳn điều đó cũng có thể có cái lý thú của nó, hay ích lợi mang ý nghĩa cao hơn của nó, sao lại không, tôi phải công nhận như vậy. Dù tôi xoay trở thế nào, ý nghĩ này càng lúc càng có vẻ sinh động hơn, càng có vẻ hữu ích hơn: thế có nghĩa là rõ ràng một người có chức trách hơn tôi cũng có thể nghĩ đến điều này, tôi cho là thế. Tôi nhìn sang người bên cạnh, một bệnh nhân nằm cách tôi chừng một mét về phía bên trái. Đó là một người đã có tuổi, đầu chớm hói, mặt ông ta còn lưu giữ những đường nét của một gương mặt cũ, đây đó còn thấy có da có thịt. Bên cạnh đó tôi nhận thấy tai ông ta bắt đầu hơi giống những chiếc lá bằng thạch lạp của các bó hoa giả một cách đáng ngờ, tôi cũng đã nhận ra màu vàng nhất định trên chỏm mũi và quanh mắt ông. Ông nằm ngửa, cái chăn đắp trên người rung lên xuống nhè nhẹ: có vẻ như ông đang ngủ. Dẫu sao tôi cũng thử thầm thì về phía ông, hỏi ông có hiểu tiếng Hung không? Im lặng, không những không hiểu, có vẻ như ông không nghe được gì cả. Tôi đã quay đi, và đang chuẩn bị thêu dệt những ý nghĩ của mình, thì bất chợt có tiếng thầm thì, nhỏ nhưng đủ hiểu vọng đến tai: “Có.... Đúng là ông, không nghi ngờ gì nữa, dù ông vẫn nằm bất động, không hề mở mắt. Còn tôi thì, thật ngốc nghếch, mừng rỡ đến nỗi, không biết vì sao, nhưng trong vài phút tôi quên khuấy mất thực ra là mình muốn gì ở ông. Tôi hỏi: “Ông từ đâu đến?”. “Từ Budapest..., ông đáp - sau một lúc - nhưng tôi có cảm giác rất lâu. Tôi lại hỏi “Khi nào?”, và sau một lúc kiên nhẫn chờ đợi, tôi được biết: “Tháng Mười một.... Rồi cuối cùng thì tôi hỏi: “Ở đây người ta có cho ăn không, và chỉ sau một thời gian cần thiết, không biết vì nguyên do gì lần nào cũng thế, ông đáp: “Không.... Tôi định hỏi nữa.
Nhưng đúng lúc ấy viên Pfleger lại tới, hơn nữa đi thẳng đến chỗ ông. Anh ta lật chăn của ông lên, quấn ông trong chiếc chăn dạ, và tôi thật ngạc nhiên thấy anh ta nhẹ nhàng đặt ông lên vai, rồi vác ra phía cửa cái cơ thể vẫn còn khá nặng của ông, từ khoảng bụng ông, một miếng gạc giấy rớt xuống như cử chỉ vẫy chào tạm biệt. Cùng lúc đó nghe có tiếng gõ cộc lốc, tiếp đó đến tiếng loẹt xoẹt của chiếc loa điện. Rồi một giọng nói vang lên: “Friseure zum Bad, Friseure zum Bad!”, nghĩa là “Thợ cạo vào buồng tắm, thợ cạo vào buồng tắm!”. Một giọng nói hơi giòn, nghe dễ chịu và ve vuốt, có thể nói là êm tai, mềm mại và có nhạc điệu - như thể bạn có thể cảm thấy cả ánh nhìn của người nói, và đầu tiên thiếu chút nữa bạn đã bật ra khỏi giường. Có điều tôi thấy sự kiện này cũng chỉ tác động đến các bệnh nhân ở mức bất quá gần như sự xuất hiện của tôi trước đó, và tôi nghĩ việc này rõ ràng cũng có thể thuộc vào một số những sự kiện thường xuyên ở đây. Tôi còn phát hiện ra ở phía trên cửa ra vào, về bên phải, có một chiếc hộp màu nâu, một kiểu như cái loa thùng, và tôi cũng đã đoán rằng bọn lính thường truyền các mệnh lệnh của chúng qua đó, có vẻ như thế. Một lúc sau viên Pfleger lại quay vào, lại đến chiếc giường bên cạnh tôi. Anh ta gấp chăn và ga trải giường lại, thò tay qua một khe hở vào bao tải rơm, và từ trong đó sửa lại chiếc đệm rơm, rồi sửa lại ga trải giường và cả chiếc chăn đắp, tôi đã hiểu ra: gần như chắc chắn tôi không còn thấy lại ông già lúc trước nữa. Và tôi không thể làm gì vì chuyện đó, nhưng ý nghĩ của tôi lại cứ dạy dứt điều này: có thể ông bị trừng phạt chăng vì đã tiết lộ ra điều bí mật, và điều đó - sao lại không thể nhỉ - biết đâu qua một thiết bị, cơ cấu giống như cái hộp điện đối diện kia, ai mà biết được nó là cái gì, có lẽ người ta đã nghe thấy, đã ghi lại được? Nhưng tôi lại chú ý đến tiếng nói khác, của một bệnh nhân nằm cách tôi ba giường, về phía cửa sổ. Một người bệnh rất gầy, còn trẻ, mặt trắng bệch, và để cả tóc, mái tóc dày màu vàng, gợn sóng. Anh ta nhắc đi nhắc lại hai ba lần cùng một từ, đúng hơn là rặn ra rất khó nhọc, kéo dài từng âm, một cái tên, như tôi dần dần nhận ra: “Pjetchka!... Pjetchka!” Nghe thấy thế viên Pfleger đã đáp lại, cũng kéo dài giọng, và tôi cảm thấy giọng anh có vẻ thân mật: “Co?” [tiếng Ba Lan): “Cái gì thế?”]. Rồi người bệnh nói điều gì đó dài hơn, và Pjetchka - vì tôi hiểu: đó là tên của viên Pfleger - đi lại chỗ giường người bệnh. Anh ta thì thầm với người ốm khá lâu, như khi an ủi phần hồn của một ai đó, khích lệ người ấy gắng kiên nhẫn thêm một chút, cố gắng chịu đựng thêm một lúc nữa. Đồng thời anh ta luồn tay xuống lưng nâng người bệnh lên một chút, xê lại cái gối, chỉnh lại tấm chăn, và anh làm tất cả những việc đó một cách thân thiện, vui vẻ, trìu mến - điều đó đã làm đảo lộn, gần như phản bác lại tất cả những giả thiết trước đó của tôi. Biểu hiện trên gương mặt lại ngả ra sau ấy tôi chỉ có thể cho là biểu hiện của sự an bài, nhẹ nhõm, những lời nói nhỏ dần như tiếng thở dài nhưng vẫn nghe khá rõ: “Dizinkquie... dizinkquie bardzo...”, [tiếng Ba Lan): “Cám ơn... Rất cám ơn...”] chỉ có thể nói là lời cảm ơn của anh ta, nếu tôi không nhầm. Rồi cuối cùng, một thứ tiếng động nhẹ đang lại gần đã phá vỡ mọi cân nhắc tỉnh táo của tôi, sau đó là tiếng ồn, rồi tiếng khua gỗ ầm ĩ không thể nhầm lẫn từ phía hành lang vọng tới làm khuấy động cả bản ngã tôi, gây nên sự chờ đợi càng lúc càng tăng, càng không thể cưỡng chế nổi, và đã làm lãng quên toàn bộ sự khác biệt giữa bản ngã và tồn tại. Ngoài kia có tiếng ầm ĩ, tiếng người đi lại, tiếng gõ của những đế giày gỗ, rồi tiếng la sốt ruột của một giọng ồm ồm: “Saal sechs! Essenholen!”, nghĩa là: “Phòng số sáu! Lấy thức ăn!”. Viên Pfleger đi ra ngoài, rồi với sự trợ giúp của ai đó mà tôi chỉ nhìn thấy cánh tay qua khe cửa, kéo vào một nồi nặng, và cả phòng liền tràn ngập trong mùi xúp, dù hôm nay cảm thấy rõ chỉ là món xúp rau tầm ma, nghĩa là tôi đã đoán nhầm cả trong việc này.
Sau này tôi còn chú ý đến nhiều thứ hơn nữa, hàng giờ, hàng buổi, rồi nhiều ngày qua đi, tôi đã rõ thêm bao nhiêu điều. Dẫu sao, sau một thời gian, dù từng tí một, dù ngần ngại, dù thận trọng, nhưng tôi phải nhận ra, phải chấp nhận sự hiển nhiên của các sự kiện, rằng - như ta thấy - điều này cũng có thể xảy ra, điều này cũng có thể tin được, và rằng nó chỉ bất thường hơn, và dễ chịu hơn, dĩ nhiên, nhưng về cơ bản nó cũng không kỳ quặc hơn bất kỳ sự kỳ quặc nào khác có thể xảy ra và có thể tin được trong một trại tập trung, cả theo cách này hay cả theo cách ngược lại, rất tự nhiên, nếu nghĩ cho cùng. Nhưng mặt khác chính điều này làm tôi lúng túng, căng thẳng, bằng cách nào đó nó làm tôi cảm thấy bất an: xét cho cùng, nếu tỉnh táo nhìn, tôi không thấy một nguyên nhân nào, không thể tìm ra bất kỳ một lý do hợp lý, quen thuộc nào có thể chấp nhận được với lý trí của tôi cho việc tôi tình cờ có mặt ở chính nơi này, chứ không phải là ở một nơi nào khác. Dần dần tôi phát hiện những người bệnh ở đây đều được băng bó, chứ không phải như ở trong ngôi nhà trước đây, và sau một thời gian tôi mạnh dạn đưa ra giả thiết rằng, ở bên đó có khi là nội khoa, còn ở đây - không biết chừng - có lẽ là khoa phẫu thuật; nhưng dù sao tôi cũng không thể coi điều này, tất nhiên, là nguyên cớ đủ, là lời giải thích cần thiết cho công việc, cho chuỗi liên kết của những cánh tay, những đôi mắt, những ý nghĩ - nếu xét cho kỹ, điều đã đưa tôi từ chiếc xe cút kít cuối cùng đến đây, đến căn phòng này, cái giường này. Tôi đã thử tìm hiểu các bệnh nhân, thăm dò họ đôi chút. Nhìn chung, tôi nhận thấy đa số họ có thể là các tù phạm cũ, đã ở đây từ lâu. Không người nào có vẻ có chức sắc, nhưng mặt khác cũng không thể có cách nào so sánh họ với những người ở Zeitz. Sau một thời gian tôi nhận ra điều này: trên ngực tất cả những người đến thăm người bệnh - bao giờ cũng đúng vào giờ ấy buổi tối, chỉ đến một phút, để nói với họ một lời - cũng đều chỉ có tam giác màu đỏ, và dù chỉ một cái màu xanh lá cây hay màu đen chẳng hạn cũng không có - tất nhiên tôi không hề thấy thiếu chúng, cả màu vàng - mà tôi rất muốn thấy - cũng không có. Nói tóm lại họ là những người khác, dòng máu, ngôn ngữ, tuổi tác, mà hơn nữa họ còn khác biệt bản thân tôi theo cách nào đó, hoặc khác bất kỳ một người nào mà cho đến lúc này bao giờ tôi cũng vẫn hiểu được một cách dễ dàng, và điều này làm tôi hơi khó chịu. Còn về mặt khác, tôi cần phải cảm thấy, chính tại đây có thể, chính ở chỗ này có khi ẩn chứa lời giải đáp. Chẳng hạn như trường hợp của Pjectchka đây: tối tối chúng tôi bắt đầu ngủ với lời chúc “dobna noc”, [phiên âm tiếng Ba Lan: Chúc ngủ ngon!], sáng ra thức dậy cùng lời chào “dobre ranó” [phiên âm tiếng Ba Lan: Chào buổi sáng!] của anh. Anh giữ căn phòng ngăn nắp không chê vào đâu được, anh lau sàn bằng một miếng giẻ ướt gắn trên đầu gậy, đem than đến hằng ngày và đốt lò, chia khẩu phần thức ăn và rửa cà mèn, rửa thìa đi kèm, khi cần thiết thì di chuyển bệnh nhân, và ai biết có việc gì anh không làm: tất cả không một việc gì khỏi tay anh. Dù anh không nói nhiều, nhưng nụ cười, sự sẵn sàng của anh bao giờ cũng vậy, nói tóm lại: cứ như thể anh không phải một nhân vật có chức vụ quan trọng, xét cho cùng anh là người đáng trọng nhất trong phòng, mà là một người trước hết phục vụ bệnh nhân, một hộ lý, một Pfleger, đúng như được ghi trên băng đeo tay của anh.
Hay như ông bác sĩ kia - như sau này mới rõ ra - người có bộ mặt thô ấy là bác sĩ, thậm chí bác sĩ trưởng. Những lần đến thăm, tôi có thể nói là đến khám bệnh của ông, buổi sáng nào cũng như nhau, bao giờ cũng với nghi lễ không thể thay đổi. Đúng lúc căn phòng vừa được dọn dẹp xong, đúng lúc chúng tôi vừa uống xong cà phê và đám nồi niêu vừa biến khỏi chỗ mà Pjetchka để sau tấm rèm làm từ những tấm chăn dạ, thì trên hành lang đã nghe thấy tiếng gõ của những bước chân quen thuộc. Lát sau một bàn tay dứt khoát mở toang cánh cửa đến sát góc, rồi bằng những lời chắc chắn là “Guten Morgen”, [tiếng Đức: Chào buổi sáng!] nhưng chỉ nghe thành một tiêng kéo dài thành “Moo’gn” thoát ra từ cuống họng, ông bác sĩ bước vào. Vì lý do nào đó không rõ, có vẻ như chúng tôi không nên đáp lại, mà rõ ràng ông cũng không chờ đợi câu trả lời của chúng tôi, nếu có thì chỉ từ Pjetchka, người đón ông bằng nụ cười, bằng cái đầu để trần, dáng người đứng thẳng của anh ta - nhưng như sau một thời gian dài nhiều lần tôi nhận thấy - có vẻ không với sự trọng thị nhất định mà người ta thường dành cho những bậc đáng kính, mà đúng hơn là theo cái cung cách tựa như đơn giản chỉ là anh tôn trọng ông, theo nhận thức, theo ý muốn tự do của anh, có thể nói đúng là như thế. Rồi ông nhấc lên, kiểm tra với vẻ mặt nghiêm nghị và cân nhắc, từng tờ bệnh án mà trước đó Pjetchka đã chuẩn bị sẵn cho ông trên chiếc bàn màu trắng, cứ như chúng là những tờ bệnh án thật sự, trong một bệnh viện thực, nơi không có gì quan trọng hơn, không có gì hiển nhiên hơn là hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân. Rồi ông quay về phía Pjetchka, nhận xét một đôi điều về tờ này tờ nọ, chính xác hơn là bao giờ ông cũng nói đúng hai kiểu nhận xét. Chẳng hạn ông có thể đọc “Kewisch… Was? Kewischtjerd!” [“Kewisch… Was? Kewischtjerd!” (Ở đây ông bác sĩ cố gắng phát âm tên Köves György), Was? (tiếng Đức): “Cái gì?”] và đáp lại, trả lời hay phát bất cứ tín hiệu nào chứng tỏ chúng tôi có mặt ở đây, điều này tôi học được khá nhanh - cũng bất nhã chẳng khác gì đi trả lời câu chào buổi sáng của ông. “Der Kommt heute raus!” [tiếng Đức: “Hôm nay nó được tha về!”] ông có thể nói tiếp, và lần nào ông cũng ngụ ý - sau một thời gian tôi đã nhận ra - rằng sáng hôm đó, người bệnh nào có liên quan, nếu đi được, thì tự đi, nếu không đi được thì Pjetchka phải vác đến, nhưng bằng mọi giá phải có mặt ở chỗ ông, giữa đống dao, kéo, băng giấy trong phòng khám cách lối ra hành lang của chúng tôi chừng mười, mười lăm mét. (Ông không yêu cầu sự đồng ý của tôi như ông bác sĩ ở Zeitz, và cung cách ầm ĩ của chúng tôi không mảy may làm ông phiền lòng, trong lúc đó ông cứ dùng một chiếc kéo hình thù rất lạ cắt thêm một miếng mới bên sườn tôi - sau đó ông nặn các vết thương của tôi, đặt gạc vào, rồi tuy rất tiết kiệm, nhưng ông đã bôi một lớp kem gì đó, nhìn như vậy, tôi cũng phải công nhận trình độ chuyên môn không thể chối cãi của ông.) Một nhận xét khác mà ông có thể buông ra là: “Der geht heute nach Hause!”, [tiếng Đức: “Hôm nay nó về nhà!”] có nghĩa là ông cho rằng người bệnh này đã khỏi, và có thể ra viện, nach Hause, nghĩa là về nhà, tất nhiên là về dãy nhà trong trại, với công việc, với đội. Ngày hôm sau mọi việc lại diễn ra đúng như thế, theo bản sao chính xác của cái trật tự ấy, theo đúng quy định, mà trong đó cả Pjetchka, cả bệnh nhân của chúng tôi, và dường như các đồ vật, thiết bị cũng can dự vào, cũng đóng vai trò, cũng chiều theo ông với sự nghiêm chỉnh giống nhau, lặp lại hằng ngày, củng cố, thực hành, chứng tỏ sự bất biến ấy, nói tóm lại: như thể không có gì hiển nhiên hơn, không thể hoài nghi hơn: việc của ông - bác sĩ - là chữa trị, còn việc của chúng tôi - những bệnh nhân - là khỏi bệnh, phục hồi càng nhanh càng tốt, sau đó trở về là công việc rõ ràng, là mục tiêu duy nhất và cũng ít được mong đợi của chúng tôi.
Sau này tôi còn biết thêm đôi chút về ông. Cũng như có những khi trong phòng điều trị rất đông bệnh nhân, và có cả những người khác. Những lúc ấy Pjetchka thường đặt tôi từ trên vai anh ta xuống chiếc ghế gỗ dài bên cạnh tường, và sau đó tôi phải chờ ở đó, đến khi nào ông bác sĩ với thái độ vui vẻ chẳng hạn, gọi như giục giã: “Komm, komm, komm, komm!”, [“Komm! (tiếng Đức): Lại đây!] bằng một động tác tuy thực ra là thân thiện, nhưng dù sao cũng không mấy dễ chịu, túm lấy tai kéo lại, và theo đà nhấc phắt tôi đặt lên bàn. Lần khác, tôi có thể đến đúng lúc đang đông chen chúc, đám hộ lý dẫn bệnh nhân đến rồi đi, các bệnh nhân tự đi được cũng đến, trong phòng còn có những bác sĩ, hộ lý đang làm việc, và có thể một bác sĩ khác cấp thấp hơn khám chữa cho tôi theo định kỳ, trên một chiếc bàn đơn sơ hơn ở bên cạnh, cách chiếc bàn mổ đặt ở giữa một khoảng cách xa. Tôi đã làm quen, có thể nói là đã kết bạn với một người trong số họ, dáng dấp lùn, tóc bạc, mũi hơi giống một loài chim ăn thịt, ông cũng đeo tam giác màu đỏ không ký hiệu và mặc dù số tù không phải hai hay ba chữ số, nhưng vẫn là con số hàng nghìn đáng kính nể. Chính ông nói - mà Pjetchka cũng khẳng định lại - ông bác sĩ của chúng tôi ở trong trại tập trung đã mười hai năm. “Zwölf Jahre im Lager”, [“Zwölf Jahre im Lager”, (tiếng Đức): “Mười hai năm trong trại”] ông nói nhỏ, gật gật đầu, với vẻ mặt như nói về một kỳ tích hiếm hoi, không hẳn có thực - và ít nhất là theo ý ông, tôi thấy thế - là một thành tích không thể thực hiện nổi. Tôi hỏi ông: “Und Sie?”. “O, ich,” nét mặt ông bỗng thay đổi, “seit sechs Jahren bloss”, [“Und Sie?”... “O, ich seit sechs Jahren bloss” (tiếng Đức): “Thế còn ông?”... “Tôi ư, mới có sáu năm thôi”] tất cả có sáu năm, ông giải thích bằng một cái phẩy tay duy nhất, như thể việc đó không có gì, như đó là chuyện vặt, không đáng nói. Nhưng đúng ra là ông quan tâm đến tôi, ông hỏi tôi bao nhiêu tuổi, và làm thế nào lại lưu lạc đi xa nhà thế này, và cuộc trò chuyện của chúng tôi đã bắt đầu như thế. “Has du irgend etwas gemacht?”, [tiếng Đức: “Cậu đã làm chuyện gì vậy?”] tôi đã làm việc gì, hay là việc xấu xa gì, ông hỏi, và tôi lại bảo: không, “nicht” tôi không làm gì cả. Thế thì tại sao tôi lại ở đây? Ông hỏi, tôi đáp cũng vì một lý do đơn giản như những người khác cùng nòi giống với tôi. Thế nhưng, ông tiếp tục căn vặn, sao tôi lại bị bắt, “verhaftet”, [tiếng Đức): “Bị bắt”] và tôi đã kể sơ lược cho ông nghe, theo những gì tôi biết, về buổi sáng hôm ấy, về chuyến xe bus, trạm thuế quan, và sau đó là việc ở chỗ cảnh binh. “Ohne dass deine Eltern” [tiếng Đức: Thế cha mẹ cậu không biết ư?] nghĩa là chẳng lẽ cha mẹ tôi không biết gì hay sao, ông hỏi, và tôi bảo, tất nhiên là “ohne”. [Ohne, (tiếng Đức): ở đây nghĩa là “không”]. Nom ông có vẻ thật sự sửng sốt, như chưa nghe thấy thế bao giờ, và tôi nghĩ: có vẻ như sáu năm dài đã giấu kỹ ông ở đây, cách ly với thế giới rồi. Nghe xong, ông vừa truyền tiếp điều vừa được biết cho một bác sĩ khác đang làm việc bên cạnh, người này lại truyền tiếp, cho các bác sĩ, hộ lý, cho những bệnh nhân hình thức bề ngoài nom kha khá hơn. Cuối cùng tôi nhận thấy từ mọi phía người ta đều lắc đầu nhìn tôi, trên mặt biểu hiện một cảm giác là lạ làm tôi thấy hơi khó chịu, vì tôi cảm thấy như họ thương hại mình. Tôi rất muốn nói với họ: không có lý do gì, ít nhất là vào lúc bấy giờ - nhưng rồi thế nào đó tôi lại không nói, một điều gì đó đã kiềm tôi lại, từ trong trái tim mình dường như tôi thấy không cần, có thể nói vậy; vì tôi nhận thấy rằng, cảm giác kia làm cho họ phấn khởi, đưa lại cho họ niềm vui. Thậm chí, và tất nhiên là có thể, mặc dù tôi không tin là mình nhầm, nhưng về sau (vì có một đôi lần họ đã hỏi, đã căn vặn tôi) tôi có ấn tượng gần như họ chủ động tìm kiếm, một cơ hội, một cách thức, nguyên cớ để tạo ra cảm giác ấy, vì một lý do nào đó, vì có nhu cầu, như thể để chứng tỏ một cái gì đó có lẽ là phương pháp xử thế của họ với các sự việc, hoặc có thể, ai mà biết được, để chứng tỏ năng lực của họ nói chung; và như thế cũng khá dễ chịu, ít nhất là với tôi. Sau đó họ nhìn tôi theo cách làm tôi phải hốt hoảng nhìn quanh, xem có người lạ nào theo dõi chúng tôi không, nhưng ánh mắt tôi chỉ bắt gặp những vầng trán ưu tư, những đôi mắt nheo nheo, những đôi môi mím chặt giống nhau - như thể bỗng nhiên họ lại nhớ ra điều gì đó và điều đó lại được chứng thực trong mắt họ, và tôi không thể nào không nghĩ rằng, có thể đó là lý do vì sao họ có mặt ở đây.
Sau đó là những người khách đến thăm chẳng hạn: tôi cũng nhìn cả họ, thử quan sát họ, cố xác định xem ngọn gió nào, công việc gì đã đem họ tới đây. Trước hết, tôi nhận thấy rằng, đa phần cứ vào cuối ngày, thông thường cứ vào đúng giờ ấy là họ đến: từ đó tôi nhận ra rằng, cả nơi đây trong Buchenwald này, tại Trại Lớn, cũng có thể có chính xác một giờ như vậy, có vẻ thế, y như bên chỗ chúng tôi ở Zeitz, không nghi ngờ gì nữa, rõ ràng ở đây cũng vào lúc giữa giờ trở về của các đội và giờ điểm danh buổi tối. Đến đây nhiều nhất là những người mang chữ P, nhưng tôi còn thấy cả những chữ J, R, T, F, thậm chí No, và ai mà biết được còn thiếu chữ nào: nhưng dù sao, có thể nói là tôi đã chứng kiến nhiều việc thú vị, đã học được nhiều điều mới mẻ từ tên gọi của họ, thậm chí nhờ thế tôi mới có cái nhìn chính xác hơn về hoàn cảnh, về những điều kiện, về cuộc sống xã hội ở đây của họ, phải nói là vậy. Các tù phạm ở Buchenwald nom hầu như đều ổn, mặt mũi họ đầy đặn, dáng dấp và bước đi của họ đều nhanh nhẹn, nhiều người được phép để tóc, và hầu như họ chỉ mặc quần áo tù kẻ sọc vào ban ngày, trong lúc làm việc, như tôi vẫn thấy ở Pjectchka. Còn nếu sau khi chia khẩu phần bánh mì bữa tối cho chúng tôi (thường là một phần ba hay một phần tư, kèm theo món phụ Zulage khi có khi không) mà chuẩn bị đi thăm bạn chẳng hạn, anh ta vẫn mặc áo sơ mi và áo len, rồi khoác thêm - trước đám bệnh nhân chúng tôi hình như anh hơi cố ý giấu, nhưng trên gương mặt, qua những cử chỉ của anh có thể nhận rõ vẻ thích thú - anh lựa ra một chiếc áo kẻ sọc hơi nhạt, màu nâu, may đúng mốt, trên lưng có một vệt cắt ở giữa và đáp lên mảnh vải áo tù hình vuông, mỗi bên ống quần có một vệt sơn dầu màu đỏ không thể xóa nổi, còn trên ngực và trên ống quần trái không thể thiếu một tam giác màu đỏ và số tù. Tôi đã phải hứng chịu nhiều phiền toái, có thể nói là thử thách từ việc anh ta chuẩn bị đón khách buổi tối. Nguyên nhân là do sự phi lý của thiết bị: chẳng hiểu sao ổ cắm điện tường lại ở đúng chân giường tôi. Lúc này dù tôi có cố gắng bằng mọi cách để không chú ý tới họ, như nhìn chăm chăm lên trần nhà trắng tinh không một gợn bẩn, ngắm cái chao đèn sơn, hay tập trung suy nghĩ, thì cuối cùng vẫn phải nhận ra Pjetchka đang cắm cúi với chiếc cà mèn và dây đun điện - vật sở hữu riêng của anh ta - phải nghe tiếng bơ sôi xèo xèo, phải hít hà mùi thơm khiêu khích của những lát hành phi, của lát khoai tây được bỏ vào, rồi sau đó có khi là món wurst trộn với Zulage, có khi tôi phải chú ý đến một tiếng chạm khẽ, rất đặc trưng, rồi bất chợt đến tiếng xèo xèo ầm ĩ - mặc dù đã vội quay đi ngay, nhưng đôi mắt kinh ngạc của tôi vẫn còn nổ đom đóm một lúc lâu - bởi cái thứ ruột vàng vành trắng: đó là trứng. Khi các món vừa chín, tất cả xong xuôi thì vị khách cũng mở cửa bước vào. “Dobre vecher!”, [tiếng Ba Lan): “Chào buổi tối!”] vị khách gật đầu thân thiện, vì anh ta cũng là dân Ba Lan; Zbisek là tên anh ta, khi đi với các từ khác hay được gọi thân mật có khi tôi lại nghe thành Zbisku; chức danh của anh ta cũng là Pfleger, ở bên kia, như tôi được biết, trong một Saal khác. Anh này cũng ăn mặc rất đàng hoàng, chân đi ủng, áo khoác ngoài màu xanh thẫm có gắn hình tam giác trên ngực, ngắn, kiểu áo thể thao hay áo đi săn, mặc dù trên lưng cũng có vết vá, tất nhiên; bên trong là áo len đen cổ cao sát cằm. Vóc dáng anh cao lớn, đầu cạo trọc không rõ do bắt buộc hay tự nguyện, khuôn mặt đầy đặn với những nét vui vẻ, láu lỉnh và thông minh, tóm lại tôi thấy anh ta là một người dễ chịu, thân thiện, mặc dù về phần mình tôi không vui lòng đổi anh với Pjetchka của chúng tôi chút nào. Sau đó họ ngồi vào chiếc bàn lớn hơn ở phía sau, bắt đầu ăn tối, trò chuyện; thỉnh thoảng có một bệnh nhân Ba Lan nhỏ nhẹ xen vào câu chuyện của họ đôi ba câu; có khi họ nhận xét này nọ, hay họ pha trò, họ chống khuỷu tay xuống mặt bàn, úp hai lòng bàn tay vào nhau thử đọ sức, trong khi đó cả căn phòng - dĩ nhiên là bao gồm cả tôi nữa - cùng vui mừng vì đa phần là Pjetchka quật ngã được cánh tay tuy nom có vẻ khỏe hơn của Zbisek: nói tóm lại là tôi hiểu họ, ở đây họ chia sẻ với nhau những thuận lợi, khó khăn, niềm vui, nỗi lo âu, tất cả mọi thứ, kể cả tài sản và khẩu phần ăn nữa - có nghĩa họ là bạn bè, như người ta thường nói. Ngoài Zbisek còn có những người khác cũng đến gặp Pjetchka, họ trao đổi với nhau một đôi câu, hoặc thỉnh thoảng trao tay rất nhanh gọn một món đồ, và dù tôi chẳng bao giờ nhìn thấy đó là thứ gì, nhưng chuyện này bao giờ cũng rõ mồn một, tất nhiên tôi nhận ra rất dễ. Ngoài ra còn có những người đến thăm mấy bệnh nhân đang nằm ở đây; họ lẩn vào khá nhanh, gần như vụng trộm. Họ ngồi xuống bên giường bệnh một chốc lát, có khi đặt lên tấm chăn một gói gì đó nho nhỏ bọc giấy thô, một cách rụt rè, gần như nhún nhường thế nào đó. Rồi sau đó, mặc dù tôi không nghe được tiếng thầm thì của họ, mà có nghe được cũng không thể hiểu nổi - nhưng hình như họ hỏi thăm: bệnh tình tiến triển ra sao, có tin gì mới không; họ thông báo: tình hình bên ngoài thay đổi thế này thế nọ; họ hỏi thăm sức khỏe của người này người kia; họ đảm bảo: sẽ chuyển lời hỏi thăm của người bệnh tới nơi, chắc chắn; họ nhớ ra: đã hết giờ, rồi họ vỗ vào cánh tay, vào vai người bệnh: không sao, lần tới họ cũng lại đến, và họ đi, cũng lặng lẽ, vội vàng và đa phần đều có vẻ hài lòng - ngoài ra, tôi thấy không có một kết quả, một ưu thế, một lợi ích rõ rệt nào khác, và như vậy tôi phải giả thiết rằng, có vẻ như họ đến duy nhất chỉ vì vài lời nói, chỉ có thể nhìn thấy người ốm, chứ không phải vì một điều gì khác. Bên cạnh đó, dù tôi có thể không biết, chính sự vội vã cũng cho thấy: rõ ràng họ đang toan tính một điều gì bí mật, chắc chỉ có thể thực hiện được nếu Pjetchka không biết, với điều kiện phải thật nhanh gọn. thậm chí tôi ngờ rằng, và qua kiểm nghiệm một thời gian dài tôi có thể khẳng định rằng sự mạo hiểm này, sự bướng bỉnh, có thể nói là ương ngạnh này, ít nhiều có liên quan đến sự kiện ấy - tôi nhận thấy thế, ít nhất là từ những nét thoáng qua, khó xác định trên gương mặt có vẻ rạng rỡ bởi một sự phản kháng thành công nào đó, như thể họ đã thay đổi được một chút gì, tạo ra một kẽ hở, một rạn vỡ nào đó trên cái trật tự đặc biệt, trên sự đơn điệu của thường lệ hằng ngày, một chút nơi cái được coi là tự nhiên, ít ra là như cách mà tôi nhìn được. Nhưng tôi còn nhìn thấy những người kỳ quặc hơn bên giường của một người bệnh nằm sát bức tường ngăn đối diện với tôi ở phía xa. Pjetchka vác anh ta vào từ buổi sáng, và sau đó loay hoay quanh anh ta khá lâu. Tôi thấy, đó có thể là một ca nặng, và nghe nói bệnh nhân là người Nga. Buổi tối người đến thăm đứng kín nửa phòng. Tôi thấy nhiều chữ cái R và các chữ khác, những chiếc mũ lông thú, những chiếc quần vải bông lạ mắt. Có những người một bên đầu để tóc rất kiểu cách, còn nửa bên kia để trọc. Những người khác tóc tai tử tế, chỉ đứng ở giữa, từ trán tới sau gáy có một vệt nhẵn kéo dài, rộng đúng bằng một vệt tông đơ. Áo khoác vẫn có miếng vá như thường thấy, và còn thêm hai gạch chéo màu đỏ, giống nhau, như khi người ta muốn xóa đi một thứ gì không cần thiết, một chữ cái, một con số, một cái dấu trong bài viết. Trên lưng những chiếc áo khoác ấy còn thấy một vòng tròn lớn màu đỏ, bên trong là một chấm lớn cũng màu đỏ rực có thể thấy từ xa, như một cái đích khêu gợi, mời gọi, ra hiệu: hãy bắn vào họ ở chỗ ấy, khi có dịp.
Họ đứng đó, quanh quẩn, thầm thì bàn tán, một người cúi xuống sửa gối, một người khác - tôi thấy - hình như đang lắng nghe lấy một lời, một ánh mắt của bệnh nhân, và bỗng nhiên tôi chỉ thấy thoáng qua một vật gì đó màu vàng, từ đâu đó đưa đến một con dao, Pjectchka đưa đến một chiếc ca sắt, có tiếng nước rớt mạnh - và nếu không tin vào mắt mình, thì lúc này mũi tôi chứng thực một cách không thể hoài nghi rằng, cái vật mà tôi vừa thoáng thấy kia, không còn phải bàn cãi gì nữa, đích thực là một quả chanh. Rồi cánh cửa ra vào mở, và tôi thật bất ngờ, vì thấy ông bác sĩ vội vàng bước vào, điều từ trước tới nay chưa có tiền lệ vào giờ này. Người ta nhanh nhẹn rẽ sang hai bên nhường lối cho ông, và ông cúi xuống xem xét, sờ nắn một thứ gì đó trên người bệnh rất nhanh, rồi lập tức bỏ đi, vẻ mặt khó đăm đăm, cau có, có thể nói là giận dữ, nhưng không nói với ai dù chỉ một lời, không nhìn ai dù chỉ một cái liếc mắt, thậm chí như ông còn muốn né tránh những cái nhìn hướng về phía mình - ít ra là tôi nhận thấy có vẻ như thế. Một lúc sau tôi thấy những người đến thăm bỗng im lặng. Một vài người tách ra khỏi đám đông, lại gần giường, cúi xuống nhìn người bệnh một lần nữa, rồi họ bỏ đi, từng người một, từng đôi một, cũng như khi đến. Nhưng lúc này họ buồn bã hơn, an bài hơn, mệt mỏi hơn một chút, đến nỗi trong giây phút ấy tôi cũng thấy thương hại họ, vì tôi phải thấy: hình như họ đã đánh mất đi mãi mãi niềm hy vọng hằng nâng niu vô cớ, niềm tin được kín đáo gìn giữ của họ. Một lát sau Pjetchka nhẹ nhàng nâng thân xác người quá cố lên vai, và vác xác đi một nơi nào đó.
Và cuối cùng phải kể đến trường hợp nhân vật của tôi. Tôi gặp anh ta trong buồng rửa mặt - vì dần dà tôi không còn nghĩ đến chuyện có thể rửa ráy ở chỗ nào khác hơn là bên trên chiếc vòi nước có thể đóng mở, bên chiếc bồn rửa trong phòng tắm ở phía cuối hành lang, và ngay cả ở đây cũng không vì trách nhiệm, mà đúng hơn chỉ là do phải phép, như tôi dần dần trải nghiệm thấy như thế; thậm chí sau một thời gian tôi còn nhận thấy, tôi gần như khó chịu vì căn phòng không có sưởi, nước thì lạnh và không có khăn lau. Cũng tại đây có thể nhìn thấy một thứ đồ dùng giống như một cái tủ màu đỏ bỏ ngỏ, có thể di chuyển được, bên trong có một cái bình - không biết ai giữ gìn, thay đổi, cọ rửa - nhưng bao giờ cũng sạch sẽ. Một bận, khi tôi đã sắp bước ra khỏi phòng tắm, thì một người mở cửa bước vào. Một người điển trai, tóc đen bóng mượt chải hất ra sau, hai bên có những lọn lật ngược lại rủ xuống trán, khuôn mặt hơi xanh như thường gặp ở những người tóc quá đen, và từ tuổi trạc trung niên, từ vẻ ngoài bảnh bao, từ chiếc áo choàng trắng tôi đã có thể nghĩ ông là bác sĩ, nếu như dòng chữ trên băng đeo tay không cho biết ông chỉ là một Pfleger, trong khi chữ T trong hình tam giác màu đỏ cho biết ông ta là người Tiệp. Ông sững lại, vẻ như bất ngờ, thậm chí hơi kinh ngạc khi nhìn thấy tôi, ông nhìn vào mặt tôi, nhìn cái cổ thò ra khỏi áo sơ mi, nhìn xương quai xanh, nhìn những ống chân tôi như thế. Ông lập tức hỏi tôi một điều gì đó, và tôi bảo ông, bằng tiếng Ba Lan mà tôi đã học mót được: “Nhe rozumje”. [“Nhe rozumje.” (phiên âm tiếng Ba Lan): “Tôi không hiểu”]. Thế là ông hỏi bằng tiếng Đức, tôi là ai, từ đâu đến. Tôi đáp: “Từ Ungar”, còn ở đây thì “từ Saal Sechs”. Thế là ông, dùng cả ngón tay trỏ ra hiệu, và bảo: “Du: warten hier. Ik: wek. Ein moment zurück. Verstehen?”*.

*[“Du: warten hier. Ik: wek. Ein moment zurück. Verstehen?” (tiếng Đức, nói kiểu giản đơn cho người nước ngoài): “Cậu: chờ ở đây. Tôi: đi một phút quay lại. Hiểu không?”].

Tôi nói: “Verstehen”. [tiếng Đức): “Hiểu”]. Thế là ông quay ra, rồi trở lại, và tôi chợt nhận ra trong tay mình một phần tư miếng bánh mì và một hộp nhỏ xinh xắn đã mở đầy thứ thịt xay màu hồng còn nguyên vẹn. Tôi ngẩng nhìn lên định cảm ơn, nhưng chỉ còn nhìn thấy cánh cửa đang khép lại phía sau ông. Khi quay lại phòng mình, tôi cố gắng kể cho Pjetchka hiểu, còn dùng đôi từ miêu tả ông ta, và anh biết ngay đó có thể là Pfleger của Saal số bảy, ở cạnh chúng tôi. Anh còn nhắc đến cả tên ông ta: tôi nghe thành Bausch, những nghĩ lại có thể anh đã nói là Bohus thì đúng hơn. Sau này tôi còn nghe người láng giềng bên cạnh cũng gọi như thế, vì trong khoảng thời gian đó thành phần bệnh nhân trong phòng tôi cũng đã thay đổi. Phía trên tôi chẳng hạn, sau khi đem ra một người vào buổi chiều, một lát sau Pjectchka mang vào một người mới trạc tuổi tôi, và như sau đó tôi được biết, cùng thuộc nòi giống với tôi, nhưng nói tiếng Ba Lan. Tên cậu ta là Kuhalski hay Kuharski, theo như cách phát âm tôi nghe được từ Pjetchka và cả Zbisek, bao giờ cũng nhấn mạnh cái đuôi “harski”. Thỉnh thoảng họ nói đùa, làm cậu ta bực mình, có lẽ còn trêu chọc, vì hay thấy cậu phát cáu lên, như có thể nhận ra qua cách nói liến thoắng, tiếng nói đang vỡ giọng có vẻ cáu gắt của cậu và trận mưa vụn rơm rơi xuống mặt tôi qua khe hở giữa những thanh gỗ của giường trên, vào những lúc như thế - tất cả những người Ba Lan trong phòng, như tôi thấy, đều được một trận cười vui vẻ. Bên cạnh tôi, thế vào chỗ của một bệnh nhân Hung là người khác, lại một cậu con trai, thoạt tiên tôi cũng không nhận ra là người thuộc nước nào. Cậu ta nói chuyện được với Pjectchka, nhưng đôi tai dần dần đã trở nên sành sỏi của tôi vẫn không thể nhận ra đó là tiếng Ba Lan. Tôi hỏi bằng tiếng Hung thì cậu ta không đáp, tuy nhiên mái tóc đỏ lởm chởm, nét mặt gần như đầy đặn, dễ coi với những mụn trứng cá rải rác, con mắt xanh tinh nhanh, hoạt bát làm tôi chợt thoáng ngờ. Trong khi cậu ta loay hoay sắp đặt, ổn định chỗ nằm, tôi nhìn thấy phía trong cổ tay cậu dấu hiệu màu xanh: những con số hàng triệu, được đánh dấu ở Auschwitz. Chỉ đến khi vào một buổi tối sáng, cửa ra vào bất chợt mở, và Bohus bước vào để đặt lên chăn của tôi - như thường lệ tuần một, hai lần, lúc nào cũng vậy - suất bánh mì và thịt hộp trợ giúp của ông, và không để tôi có thời gian kịp cảm ơn, ngay cả với Pjectchka ông cũng chỉ gật đầu chào, ông đã ra ngoài. Lúc đó mới biết hóa ra là cậu ta biết tiếng Hung, ít nhất giỏi chẳng kém gì tôi, vì cậu ta hỏi ngay: “Ai thế?”. Tôi bảo, theo tôi biết đó là Pfleger của phòng bên, tên là Bausch gì đó, thế là cậu ta sửa: “Có lẽ là Bohus”, vì đó là - theo cậu ta khắng định - một tên thường thấy ở Tiệp Khắc, cũng là quê hương của cậu ta. Tôi liền hỏi: “Sao từ trước đến giờ cậu không nói tiếng Hung?”, và cậu ta đáp: vì cậu không ưa dân Hung lắm. Tôi công nhận cậu ta có lý, và rằng, nhìn chúng tôi cũng không tìm thấy nhiều lý do để thích dân Hung. Thế là cậu ta đề nghị chúng tôi hãy nói chuyện bằng tiếng Do Thái, nhưng tôi phải thú nhận mình không biết, và thế là chúng tôi đành dùng tiếng Hung, tuy cậu ta là người Tiệp. Cậu nói tên mình: Luiz, hay có thể là Loyiz, tôi nghe không rõ lắm. Tôi cũng nói: “Nghĩa là Lajos”, nhưng cậu ta phản đối, vì đấy là tên Hung, còn cậu là người Tiệp, cậu khăng khăng giữ sự khác biệt: “Loiz”. Tôi hỏi sao cậu biết lắm thứ tiếng thế, cậu kể cậu đến từ vùng Felvidék, nhưng cùng với rất đông người thân, họ hàng chạy trốn khỏi người Hung, hay khỏi “sự chiếm đóng của Hung”, và đúng là tôi cũng nhớ đến một ngày đã lâu, khi còn ở bên nhà, có diễu hành, cờ quạt, quân nhạc và lễ hội suốt cả một ngày, để mừng Felvidék lại thuộc về Hungary. Cậu ta vào trại tập trung thì đã từ một nơi - nếu tôi nghe không nhầm - tên Terezin. Cậu ta bảo tôi: “Chắc cậu phải biết nó dưới cái tên Theresienstadt”. Tôi đáp là không, cả hai cái tên tôi đều không biết, nghe thấy thế cậu ta rất ngạc nhiên, theo kiểu giống như tôi thường ngạc nhiên về những người chưa hề nghe nói đến trạm thuế quan Csepel chẳng hạn. Rồi cậu ta giải thích đó là khu ghetto [khu tập trung người Do Thái sinh sống trong các thành phố] của Praha. Rồi cậu ta còn bảo ngoài với người Hung, người Tiệp, người Do Thái, và người Đức ra cậu còn có thể nói chuyện được với dân Slovak, dân Ba Lan, dân Ucraina, thậm chí nếu cần, cả với dân Nga nữa. Cuối cùng chúng tôi đánh bạn với nhau, tôi kể cho cậu ta nghe chuyện đã làm quen với Bohus ra sao, rồi về những ấn tượng, những cảm giác ban đầu, những suy nghĩ của tôi trong ngày đầu tiên, những điều được cậu ta cho là thú vị đến mức cậu đã dịch lại cho Pjetchka nghe làm anh cứ cười tôi mãi; cũng tương tự, về nỗi sợ hãi của tôi liên quan đến bệnh nhân người Hung, và câu trả lời của Pjetchka, theo đó thì điều ấy đã có thể diễn ra từ nhiều ngày trước đó, cái chết của ông ta chỉ ngẫu nhiên rơi vào thời điểm ấy. Tôi còn kể về cả những điều khác, mỗi tội hơi khó chịu vì nói câu nào cậu ta cũng bắt đầu bằng: “ten mátyár”, [cách phát âm sai tiếng Hung, đúng ra phải là “te magyar”] nghĩa là “cậu người Hung này”, và sau đó mới chuyển qua nói điều này điều nọ, thế nhưng cũng may là hình như Pjetchka không để ý tới cách nói của cậu, tôi thấy thế. Tôi còn nhận ra, mặc dù không nghĩ ngợi gì và cũng chẳng kết luận gì về chuyện đó, rằng thường khá lộ liễu, cậu ta hay có việc gì đó kéo dài khá lâu ở bên ngoài, và chỉ đến một lần khi cậu ta quay về phòng cùng với bánh mì và thịt hộp, dễ thấy đó là những thứ đồ nhận được từ Bohus, thì tôi mới ngạc nhiên, mà tôi đành phải công nhận là vô cớ, dù có nói gì đi nữa. Cậu ta bảo cậu cũng vô tình gặp Bohus trong buồng tắm, giống như tôi. Ông cũng hỏi han cậu, như đã hỏi tôi, và những chuyện khác đã diễn ra đúng như đã xảy ra với tôi. Nhưng có một điều khác biệt là cậu ta nói chuyện được với ông, hóa ra họ là đồng bào, Bohus rất vui vì thế, và điều này xét cho cùng là lẽ đương nhiên, cậu ta nghĩ, và tôi cũng phải thừa nhận rằng đúng là như vậy. Tất cả chuyện này - nếu xem xét một cách tỉnh táo - tôi thấy hoàn toàn rất dễ hiểu, rõ ràng và hợp lý; tôi cũng đồng quan điểm theo cách mà rõ ràng cậu ta đã làm, ít nhất là như nó được thể hiện qua câu kết luận ngắn gọn của cậu ta: “Đừng giận vì tớ đã chiếm mất người của cậu”. Thế nghĩa là từ nay cậu ta sẽ nhận được phần đáng lẽ là của tôi, và từ nay tôi có thể nhìn cậu ta đánh chén như trước nay cậu ta vẫn nhìn tôi. Tôi còn ngạc nhiên hơn, khi một phút sau đó cánh cửa mở ra và Bohus vội vàng bước vào, hơn nữa đi thẳng tới chỗ tôi. Từ đó trở đi ông đến thăm cả hai chúng tôi. Lúc thì đem riêng cho mỗi đứa một suất, lúc thì mang chung cho cả hai, tùy thuộc ông có bao nhiêu, tôi nghĩ vậy, nhưng trong trường hợp sau không khi nào ông quên đưa tay ra hiệu cho chúng tôi phải chia nhau hữu hảo. Lúc nào ông cũng cứ vội vàng, không mất thời gian trò chuyện, mặt ông lúc nào cũng ra chiều bận rộn, có lúc lo lắng, thậm chí có lúc như khó chịu hay gần như giận dữ, như người có nỗi lo giờ đây đã nhân đôi, nghĩa vụ đặt lên đôi vai đã gấp đôi, nhưng như người không thể làm gì khác hơn là chịu đựng điều đã đè lên cổ; và tôi chỉ có thể nghĩ rằng điều này như thế là bởi có vẻ như ông đã tìm thấy niềm vui ở đó; với một ý nghĩa nhất định, ông cần điều này, đây là cách thức xoay xở với mọi thứ của ông, nếu tôi có thể nói vậy; vì dù có tìm kiếm, có lật đi lật lại, suy ngẫm cách nào đi nữa, tôi cũng không có cách lý giải nào khác, nhất là khi nghĩ đến cái giá phải trả cũng như nhu cầu cao đối với những thứ của hiếm như thế này. Khi đó tôi nghĩ mình đã bắt đầu hiểu những con người này, ít nhất là về đại thể. Với toàn bộ kinh nghiệm của tôi, thâu tóm toàn bộ các mắt xích, đúng, không nghi ngờ gì nữa, tôi biết rõ nó, dù là ở dưới một hình thái khác: xét cho cùng đây cũng chỉ là một phương thức, là sự bướng bỉnh, cho dù tôi phải thừa nhận là một phương thức tinh vi, cho tới nay là hình thái hữu hiệu nhất của sự bướng bỉnh, theo hiểu biết của tôi, không cần bàn cãi.
Tôi có thể nói rằng, với thời gian người ta quen được cả với những điều kỳ lạ. Dần dần tôi đã đi bộ tới phòng điều trị, nếu buổi sáng bác sĩ ngẫu nhiên yêu cầu như vậy, chỉ chân đất, chăn dạ quấn ngoài áo sơ mi, và trong không khí giá lạnh của buổi sớm tôi còn phát hiện ra thoang thoảng một thứ mùi quen thuộc: chắc hẳn là hương vị rạo rực của mùa xuân đang đến gần, nếu tôi lưu ý đến sự chuyển dịch của thời gian. Trên đường trở về thoáng đập vào mắt tôi cảnh bên kia hàng rào dây thép gai, từ một dãy nhà màu xám có hai người mặc áo tù đang kéo một chiếc xe moóc lớn, bánh cao su to, loại có thể lắp sau xe tải, từ đống hàng chất đầy trên xe tôi thấy thò ra mấy cái chân tay người vàng vọt, những bộ phận cơ thể quắt queo, đóng băng cứng: tôi kéo cái chăn quấn quanh người lại, sợ mình bị lạnh và tập tễnh quay nhanh về căn phòng ấm áp của mình, rửa qua đôi chân cho phải phép, rồi chui vội vào giường trùm kín chăn lại. Ở đây sau đó tôi có thể trò chuyện với người bên cạnh, cho tới khi anh ta còn ở đó (vì sau một lát anh ta đã đi, “nach House” và một người đàn ông Ba Lan đứng tuổi hơn thế vào chỗ anh ta), tôi nhìn quanh những gì có thể nhìn, tôi nghe từ cái thùng loa các mệnh lệnh truyền đến, và có thể nói: chỉ chừng đó, cộng thêm một chút tưởng tượng, từ đây, từ trên giường tôi có thể có cái nhìn toàn cục, có thể theo sát, bằng cách mường tượng ra tất cả mọi sắc độ, mùi vị, nhất cử nhất động, mọi tình tiết, sự kiện lớn nhỏ của một khu trại, từ sáng sớm đến lúc đi ngủ, thậm chí có khi còn sau đó nữa. Cứ thế, “Friseure zum Bad, Friseure zum Bad” vang lên nhiều lần hằng ngày, với tần suất ngày càng dày đặc hơn, rõ ràng có một chuyến hàng mới đến. Thêm vào đó là bao lần “Leichenkommando zum Tor”, [tiếng Đức: “Đội nhặt xác ra cổng!”], nghĩa là “Đội nhặt xác ra cổng”, và nếu như họ còn yêu cầu bổ sung, thì từ đó tôi cũng có thể suy ra thực tế, chất lượng của chuyến hàng. Tôi cũng biết ra rằng những lúc như thế “Effektten”, nghĩa là các nhân viên coi kho cũng vội vàng tới kho quần áo, hơn nữa thỉnh thoảng phải “im Laufschritt”, nghĩa là vừa đi vừa chạy. Còn ví dụ nếu họ yêu cầu zvei, [tiếng Đức: “hai”] hay vier [tiếng Đức: “bốn”] Leichenträger như “mit eniem” [“Mit eniem” (tiếng Đức): “Với một”] hoặc “zvei Tragbetten sofort zum Tor!”, [Zvei Tragbetten sofort zum Tor! (tiếng Đức, đúng ra phải là: Zwei Trabaghre zum Tor!): Mang ngay hai cái cáng ra cổng] thì bạn có thể chắc chắn rằng lần này đã xảy ra tai nạn ở đâu đó, ở chỗ làm việc, nơi hỏi cung, trong hầm, trên trần nhà, ai mà biết ở đâu nữa. Tôi còn được biết “Kartoffelschäler,” nghĩa là đội gọt khoai tây không chỉ có nhóm ban ngày, mà có cả “Nachtschicht” [tiếng Đức): “ca đêm”] và nhiều điều khác nữa. Nhưng tất cả một buổi chiều, bao giờ cũng đúng vào giờ ấy, lần nào cũng vang lên một thông điệp bí ẩn: “Ela zwo, Ela zwo, aufmarschieren lassen!” - và lúc đầu tôi phải vắt óc suy nghĩ. Hóa ra thực chất nó đơn giản, nhưng phải mất một thời gian, cho đến khi từ sự yên tĩnh trang nghiêm của ngôi nhà thờ cực kì lớn sau đó, giữa những khẩu lệnh: “Mützen ab!”, “Mützen auf!” [tiếng Đức: “Bỏ mũ xuống!” “Đội mũ lên!”] đôi khi vẳng đến tiếng nhạc mỏng manh, lóc tóc, mà tôi đoán ra được rằng: ngoài kia cả trại đang điểm danh, “aufmarschieren lassen” nghĩa là xếp hàng, “zwo” là zwei “ela” rõ ràng là các chữ cái L và ä, nghĩa là Lagerältester, và theo đó thì ở Buchenwald phải có hai Lagerältester, thứ nhất và thứ hai, hay nói theo cách khác, là hai trại lớn, cùng hoạt động; và nếu tôi suy nghĩ, thì về cơ bản điều này cũng không có gì lạ ở một khu trại đã đạt đến con số chín mươi ngàn từ lâu, như tôi được biết. Dần dà phòng chúng tôi cũng trở nên yên tĩnh, Zbisek cũng đã về, nếu như đến lượt tiếp nhận khách của anh ta, và Pjetchka còn nhìn quanh lần cuối cùng, trước khi tắt điện với câu chào “dobra noc” quen thuộc. Lúc đó tôi tìm đến sự thoải mái nhất mà chiếc giường có thể mang lại và những vết thương của chúng tôi cũng cho phép, kéo chăn trùm kín tai, đi vào giấc ngủ vô tư: không, tôi không thể mong muốn gì hơn thế này, tôi công nhận tôi không thể làm được gì hơn thế này trong một trại tập trung.
Chỉ còn hai việc làm tôi hơi lo. Một đằng là hai vết thương của tôi: không ai có thể phủ nhận, chúng nằm đó, xung quanh hãy còn viêm tấy, thịt còn chưa hoại, nhưng ở rìa ngoài giờ đã có những lớp màng mỏng, đôi chỗ đóng vẩy, bác sĩ đã không còn bôi kín thuốc m quanh vòng nữa, cũng ít khi gọi tôi lên điều trị, và nếu có thì cũng làm xong nhanh gọn đến đáng ngại, và những lúc như thế gương mặt ông ta cũng có vẻ hài lòng đến đáng ngại. Đằng khác về cơ bản là mọi việc đáng mừng, không nghi ngờ gì nữa, tôi không thể phủ nhận. Nếu ví dụ Pjetchka và Zbisek, với vẻ mặt đang nhìn xa xăm, bỗng nhiên ngừng trò chuyện và giơ ngón tay yêu cầu chúng tôi cùng yên lặng, thì tôi cũng nghe thấy những tiếng động trầm, có khi đứt đoạn, giống như tiếng chó sủa từ xa xa. Phía bên kia, sau bức tường ngăn mà tôi đoán chừng là phòng của Bohus, độ này rất nhộn nhịp, có thể nghe thấy tiếng trò chuyện vọng sang, kéo dài khá lâu sau giờ tắt đèn. Tiếng còi báo động vang lên nhiều lần trong ngày nay đã trở thành chuyện bình thường, và nếu ban đêm tôi phải thức giấc theo lệnh của chiếc loa thùng: “Krematórium, ausmachen!” thì một phút sau, nhưng lần này đã rít lên gay gắt hơn: “Khematohium! Sofoht ausmachn!” từ đó tôi hiểu ra rằng người ta không muốn ánh lửa vô tình thu hút máy bay ập đến trên đầu. Tôi không biết những tay thợ cạo ngủ nghê vào lúc nào, vì tôi nghe nói rằng bây giờ có khi những người mới đến phải chân đất đứng chờ hai, ba ngày trước cửa nhà tắm mới đến lượt, và cả Leichenkommando, nghe nói, cũng làm việc liên tục quay vòng. Phòng chúng tôi không khi nào còn giường trống, ngoài những vết lở loét, vết mổ thông thường, một hôm lần đầu tiên tôi nghe một anh người Hung nằm ở giường phía bên kia nói đến cả vết thương vì đạn. Anh ta bị thương trong một chuyến đi bộ dài ngày, nếu tôi nghe không nhầm, từ một trại có tên là “Ohrdruf” (qua lời kể của anh tôi nghĩ nó cũng rộng lớn như một trại ở Zeitz), trong lúc họ vòng tránh địch, quân Mỹ, thực ra là do người ta bắn một người đi bên cạnh mệt quá ngã nhào khỏi hàng người, còn anh ta ăn đạn vào chân. Cũng may là không bị vào xương, anh ta nói thêm, còn tôi thì nghĩ chuyện đó e là không thể xảy ra đối với tôi. Cái chân tôi, dù ăn đạn vào bất cứ chỗ nào, chắc chắn chỉ có thể chạm vào xương, khỏi phải bàn cãi. Chẳng bao lâu tôi biết ra anh ra mới vào trại tập trung từ mùa thu, số tù là trên tám mươi mốt ngàn, không lấy gì làm sang cho lắm, ngay ở đây, trong phòng của chúng tôi. Nói tóm lại: gần đây, tôi nhận được những tín hiệu, động tĩnh của sự thay đổi đang lại gần, của những sự bất tiện, lúng túng, xáo trộn, lo âu, phiền toái từ mọi phía. Lúc thì Pjetchka lần lượt đến hết các giường, tay cầm một tờ giấy, và hỏi tất cả mọi người, cả tôi nữa: có đi lại được không, “laufen” [tiếng Đức): đi lại, chạy]. Tôi bảo anh ta: nye, nye, tôi không, ich kann nicht. [tiếng Ba Lan: không; ich kann nicht! (tiếng Đức): tôi không thể]. “Tag, Tag”, anh ta đáp, “du kannst”, [“Tag, tag, du kannst” (tiếng Đức): “Này, này, cậu có thể”] rồi anh ta ghi tên tôi, cũng như ghi tên tất cả những người khác trong phòng, cả tên của Kuharski, người có tới hàng ngàn vết rạch song song giống những cái miệng hé mở mà có lần tôi trông thấy khi ở phòng điều trị, nên cả hai khúc chân sưng vù. Vào một buổi tối khác, khi vừa trệu trạo nhai xong miếng bánh mì, tôi nghe radio gọi: “Alle Juden in Lager” - tất cả người Do Thái trong trại - “sofort” - ngay lập tức - “antreten!” - ra xếp hàng, nhưng giọng nói đe dọa đến mức tôi ngồi bật dậy trên giường. “Tso to robbis?”. [“Tso to robbis?” (phiên âm tiếng Ba Lan): “Làm cái gì thế?”]. Pjetchka tò mò hỏi. Tôi chỉ cho anh ta cái loa, nhưng anh chỉ cười, kiểu thường thấy ở anh, rồi phẩy tay ra hiệu: cứ nằm xuống, thong thả, làm sao phải hồi hộp, vội vàng thế. Nhưng cái loa cứ kêu, cứ rền rĩ suốt buổi tối: “Lagerschutz”, [tiếng Đức: “bảo vệ trại”] nó nói, nghĩa là nó gọi những nhân vật tai mắt có dùi cui của đội quản trại đi làm việc, và có lẽ ngay cả với họ nó cũng không thể hài lòng hoàn toàn, có vẻ như thế, vì ngay sau đó - tôi gần như không thể nghe mà không rùng mình - vì nó gọi đích danh Lagerältester và Kapo của Lagerschutz: tức hai nhân vật to nhất có thể nghĩ tới trong số các nhân vật có chức trách ở tất cả các trại phải ra ngay cổng, “aber im Laufschritt!”. [tiếng Đức: “Khẩn trương”]. Lúc khác lại toàn những lời khiển trách, cật vấn: “Lagerältester! Aufmarschieren lassen! Lagerältester! Wo sind die Juden?!”, [tiếng Đức: “Trưởng trại! Lệnh xếp hàng! Bọn Do Thái đâu?”], cái loa căn vặn, gọi, ra lệnh rè rè, loẹt xoẹt mãi, đến nỗi Pjetchka chỉ bực tức phẩy tay, hay đáp lại: “Kurvá jego maty!”. [phiên âm tiếng Ba Lan: “Con mẹ mày!”]. Vậy là tôi tin anh ta, anh ta hẳn phải biết chứ, và tôi yên tâm tiếp tục nằm xuống. Nhưng nếu tối hôm trước còn có chuyện thích hay không thích, thì ngày hôm sau không hề có ngoại lệ: “Lagerältester! Das ganze Lager: antreten!”, [tiếng Đức: “Toàn trại, xếp hàng!”] rồi một lát sau rồ lên tiếng mô tô, tiếng chó sủa, tiếng súng nổ, tiếng gậy khua, tiếng chân chạy rầm rập và theo sau là tiếng ủng nặng nề hơn, chứng tỏ rằng nếu đã đến tình thế này, và một số kẻ thích như vậy hơn, thì đám lính cũng hoàn toàn có khả năng kiểm soát mọi việc trong tay, và trong lúc này hậu quả của việc bất tuân lệnh là thế nào còn chưa ai biết, thì tất cả bỗng nhiên lạnh ngắt. Sau đó không lâu bỗng thấy ông bác sĩ bất chợt ào vào phòng, vì việc thăm bệnh đã diễn ra từ sáng theo thông lệ, cứ như ở ngoài kia không có chuyện gì. Nhưng lúc này nom ông không có vẻ lạnh lùng, không tề chỉnh như mọi khi: vẻ mặt ông nhàu nhĩ, trên chiếc áo khoác choàng không được sạch sẽ cho lắm là những vết nâu ố, đôi mắt vằn tia máu đỏ của ông nặng nề nhìn quanh: có thể thấy ông muốn tìm giường trống, không nghi ngờ gì nữa. “Wo is der...”, ông nói với Pjetchka, “der, mit dieser kleinen Wunde hier?!”. [tiếng Đức: “Nó đâu, cái thằng bị thương sơ sơ ấy đâu rồi?!”]. Ông làm một động tác dứt khoát kéo từ đùi lên hông, ánh mắt dò xét nhìn khắp lượt trên từng khuôn mặt, và trong một tích tắc bắt gặp ánh mắt của tôi; tôi chắc chắn ông phải nhận ra tôi, dù ông quay ngay đi và lại nhìm chằm chằm vào Pjetchka, chờ đợi, hối thúc, đòi hỏi, bắt buộc anh ta đưa ra câu trả lời. Tôi không nói gì, nhưng đã định bụng chuẩn bị dậy, mặc quần áo, và đi ra, tới một chỗ nào đó giữa hỗn độn ngoài kia. Nhưng đúng lúc đó, tôi bất ngờ nhận thấy rằng, Pjetchka, biểu lộ cả qua nét mặt, hoàn toàn không có một ý niệm gì về chuyện ông bác sĩ có thể nghĩ đến ai, sau một lúc bối rối bỗng như người chợt bừng tỉnh, như người cuối cùng chợt nhận ra, với một tiếng “A...h”, và với một cái khoát tay, anh ta chỉ vào cậu bé bị đạn bắn vào chân. Ông bác sĩ nhất trí với ý này ngay, như người chợt ngộ ra, như người vừa được người khác đoán ra, và giải quyết mối lo cho mình, đúng vậy. “Der geht sofort nach Hause!”, [tiếng Đức: “Nó về nhà ngay tức khắc!”], ông lập tức ra lệnh. Và khi đó xảy ra một việc rất đặc biệt, bất thường, có thể nói là bất nhã, chưa hề thấy bất kì ví dụ nào tương tự như thế trong phòng chúng tôi, và tôi không thể nhìn chuyện này mà không thấy có đôi chút khó chịu và hổ thẹn. Số là cậu bé có vết thương do đạn bắn, sau khi dậy ra khỏi giường, ban đầu chỉ chắp hai tay trước ông bác sĩ như chuẩn bị cầu nguyện, sau đó cậu tiến thẳng đến chỗ ông bác sĩ đang bất ngờ lùi dần, chưa hiểu sự việc trong khoảnh khắc ấy là thế nào, cậu ta quỳ xuống đưa hai tay về phía trước ôm lấy chân ông bác sĩ. Sau đó tôi chỉ còn nhận thấy tay ông bác sĩ vút một cái, một cái tát bốp vang lên; tôi chỉ hiểu được sự tức giận của ông, chứ không hiểu những lời ông nói, trước khi thấy ông dùng đầu gối gạt chướng ngại kia sang một bên, giận dữ lao ra khỏi phòng với vẻ mặt đỏ gay gắt hơn hẳn mọi khi. Một bệnh nhân mới được đưa đến cái giường vừa trống, lại là một đứa con trai - cái chân quấn băng cứng nom cụt ngủn đã quen với con mắt tôi chứng tỏ cậu đã rụng hết các ngón chân, tôi nói nhỏ chỉ đủ nghe: “Dzinquie, Pjetchka”. Nhưng anh ta hỏi: “Was...?”. Tôi bảo: “Aber früher, vorher...”, [tiếng Đức): “Vì việc vừa qua, lúc nãy...”], nghĩa là “vì việc vừa qua, lúc nãy...”, nhưng nhìn gương mặt ngơ ngác, hoàn toàn không hiểu gì, chứng kiến cái lắc đầu kinh ngạc khó hiểu của anh tôi nhận ra rằng, lần này có thể là chính tôi đã làm một việc khiếm nhã, và như vậy là có những việc ta nhất định phải tự mình giải quyết với bản thân, có vẻ như thế. Nhưng ban đầu, tất cả đều diễn ra đúng trình tự với lẽ công bằng (ít ra đó là ý kiến của tôi), vì sau hết thì tôi đã ở lâu hơn trong phòng, và cậu ta khỏe hơn tôi, nên không nghi ngờ gì nữa (theo ý tôi) là ở ngoài kia cậu ta có nhiều cơ hội hơn; và xét cho cùng chủ yếu là hình như tôi có khả năng dễ dàng chấp nhận sự rủi ro của người khác hơn là bản thân mình: tôi đã buộc phải rút ra kết luận như thế, dù xem xét, cân nhắc, lật đi lật lại vấn đề đến thế nào. Nhưng điều chủ yếu nhất: một mối lo như thế có ý nghĩa gì khi súng đang nổ, vì hai hôm sau cửa sổ phòng chúng tôi rung lên, và một viên đạn lạc đã cắm phập vào bức tường đối diện. Cũng ngày hôm ấy còn diễn ra một sự kiện khác, trong quá trình đó có mấy người trông có vẻ đáng ngờ liên tục đến chỗ Pjetchka chỉ để nói một vài lời, và anh ta cứ biến đi suốt, có lúc khá lâu, đến chiều tối quay về phòng ôm theo một cái gói dài, một cuộn gì đó. Tôi tưởng đó là tấm ga trải giường, nhưng không phải, vì nó có cán, vậy nghĩa là một lá cờ trắng, đoạn giữa tấm vải quấn chặt lộ ra hai đầu, mà cho đến lúc đó tôi chưa bao giờ thấy trong tay một tù phạm, một thứ khiến cả phòng trông thấy đều phải nhỏm dậy, xuýt xoa, ồ lên. Trước khi đút nó xuống gầm giường, Pjetchka còn giơ cho tất cả chúng tôi xem một lát, nhưng với một nụ cười rộng hết cỡ, và cử chỉ ôm khư khư sát vào ngực, đến nỗi cả tôi cũng có cảm giác như sắp trở thành chủ nhân của một món quà quý giá đã chờ đợi từ lâu dưới cây thông Noel. Đó là một khúc gỗ màu nâu gắn vào một ống thép xanh bóng, một đoạn nòng cắt từ súng máy, giống như ngày trước có lần tôi đã đọc trong những cuốn tiểu thuyết yêu thích về bọn kẻ cướp và các thám tử.
Hôm sau cũng hứa hẹn một ngày nhiều việc, nhưng ai có thể nhớ hết mỗi ngày ở đây, và mọi sự kiện của tất cả các ngày. Dù sao tôi cũng có thể nói: bếp ăn đã hoạt động theo đúng quy định, và ông bác sĩ cũng đa phần chính xác. Rồi vào một buổi sáng, sau cà phê sáng một lúc, trên hành lang nghe thấy những bước chân vội vàng, một tiếng thét vang, thấy thế Pjetchka vội lôi cái gói ra khỏi chỗ giấu, cặp dưới nách và biến mất. Một lúc sau, khoảng chín giờ, lần đầu tiên tôi nghe cái loa thùng ra lệnh cho bọn lính chứ không phải cho các tù phạm: “An alle SS-Angehöringen”, [tiếng Đức: “Tất cả các nhân viên SS”] và hai lần liền: “Das Lager sofort zu verlassen”, [tiếng Đức: “Rời trại ngay lập tức!”] yêu cầu các lực lượng khẩn cấp rời khỏi trại. Sau đó tôi nghe thấy tiếng súng bắn nhau lúc gần lúc xa, có lúc gần như đinh tai nhức óc ngay quanh tôi, rồi nhỏ dần, nhỏ dần, cuối cùng là im lặng, im lặng quá mức, tôi chờ đợi, lắng tai nghe, dò xét và dõi tìm tiếng khua xủng xoảng, tiếng ầm ĩ thường kéo theo khi những người mang xúp đến, cả vào giờ thường lệ, cả sau đó, và tôi không sao hiểu nổi, dù giờ chia xúp đã qua từ lâu, nhưng vô vọng. Có lẽ khoảng bốn giờ chiều, khi cái hộp loa lại bật, sau một lúc loẹt xoẹt, lạo xạo nó thông báo với tất cả chúng tôi đây là Lagerältester, Lagerältester đang nói. “Kameraden”, ông ta nói, có thể nghe thấy một điều gì đó, có thể thấy ông ta vừa phải vật lộn với một cảm xúc làm nghẹt thở, giọng ông lúc như nấc nghẹn, lúc lại cao vút, gần như rít lên, “wir sind frei!” [“Kameraden, wir sind frei!” (tiếng Đức): “Các bạn, chúng ta tự do!”] - chúng ta đã tự do, và tôi nghĩ như thế cũng có nghĩa là ông Lagerältester cũng có thể cùng chia sẻ quan điểm với Pjetchka, với ông bác sĩ và những người có cách nhìn nhận giống họ, cùng một giuộc, có vẻ như thế, vậy nên ông ta mới đứng ra thông báo sự kiện này, với niềm vui rõ rệt như thế. Sau đó ông nói một bài ngắn gọn, rất hay, sau ông ta là những người khác, bằng đủ các thứ tiếng: “Attention, attention!” bằng tiếng Pháp; “Pozór, Pozór!” bằng tiếng Séc, như tôi biết; “Vnhimanhie, vnhimanhie, ruxkie tavarischi vnhimanhie!” [phiên âm tiếng Nga: “Chú ý, chú ý, các đồng chí Nga chú ý!”] - và âm thanh trầm bổng như tiếng hát đó làm tôi nhớ đến một kỷ niệm dễ thương, một thứ ngôn ngữ mà khi tôi đến đây những người trong nhà tắm đã nói quanh tôi: “Uvaga, uvaga!”, [phiên âm tiếng Ba Lan: “Chú ý! Chú ý!”]; nghe thấy thế người bệnh Ba Lan nằm bên cạnh tôi vội nhỏm dậy, và nói với tất cả chúng tôi: “Chiha bendzs! Terás polski kommunhiki!”, [phiên âm tiếng Ba Lan: “Chắc ngươi phải có mặt! Cuộc hành quân Ba Lan!”] - và bấy giờ tôi mới nhớ ra cậu ta đã hồi hộp, đã loay hoay, bứt rứt chân tay suốt cả ngày hôm nay. Sau đó, khiến tôi vô cùng bất ngờ, đột nhiên: “Chú ý, chú ý! Đây là Ủy ban Hungary của trại...” - thật kinh ngạc, tôi thoáng nghĩ, thế mà mình không hề hay biết đến một thứ như thế. Dù lắng nghe mấy cũng vô ích, cả từ anh ta cũng như những người trước đó, tôi chỉ có thể nghe nói về tự do, không một lời ám chỉ hoặc nhắc đến món xúp chưa chia. Tôi cực kỳ hân hoan, tất nhiên, vì tự do của chúng tôi, nhưng tôi chẳng biết làm thế nào, khi mặt khác tôi buộc phải nghĩ rằng ngày hôm qua, ví dụ thế, một việc như thế này chưa thể nào diễn ra. Bên ngoài, trời tháng Tư đã tối, Pjetchka cũng đã quay về, mặt đỏ lừ trong trạng thái phấn khích, nói chẳng nên lời, khi cuối cùng loa tường, ông Lagerältester lại lên tiếng. Lần này thì ông nói với những thành viên Kartoffelschälerkommando, yêu cầu họ hãy vui lòng về lại vị trí cũ trong nhà bếp, và đề nghị tất cả những người trong trại hãy ở lại, dù có phải chờ đến tận nửa đêm, vì người ta đang nấu món xúp goulash [tiếng Hung là gulyás: món xúp thịt bò nấu với khoai tây] đặc cho chúng tôi: đến lúc ấy tôi mới yên tâm ngả đầu xuống gối, lúc ấy một điều gì đó mới từ từ nhẹ bỗng trong tôi, và chỉ khi đó tôi mới, có thể là lần đầu tiên, thực sự nghĩ đến tự do.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét