Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 6

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

6

Chỉ ở Zeitz tôi mới nhận ra rằng ở tù cũng có những ngày bình thường, thậm chí cuộc sống tù đày thực chất là những ngày thường ảm đạm. Như tôi đã ở trong một tình huống na ná như thế này, một lần trên tàu hỏa, trên đường đến Auschwitz. Ở đó tất cả tùy thuộc vào thời gian và khả năng của mỗi người. Chỉ có điều ở Zeitz - cứ dừng lại ở ví dụ của bản thân tôi - tôi cảm thấy: con tàu đã dừng lại. Nhưng mặt khác - và điều này cũng đúng - bao nhiêu thay đổi đã diễn ra trước mắt tôi, xung quanh tôi và trong bản thân tôi, chúng vụt qua với tốc độ cao đến mức tôi cũng không theo kịp nổi. Nhưng ít nhất, tôi có thể nói thêm điều này nữa: về phần mình, tôi đã đi toàn bộ chặng đường, mọi cơ may có thể xuất hiện trên con đường này, tôi đã thử hết mình. Bất luận thế nào, khi bắt tay vào một việc mới, dù ở đâu chăng nữa, thậm chí trong trại tập trung, trước hết phải làm với ý đồ tốt - ít nhất là tôi thấy như thế: trước mắt tôi cần trở thành tôi cần trở thành một tù nhân tốt, rồi trong tương lai điều gì đến sẽ đến - đại khái quan niệm của tôi là thế, tôi hình thành cách sống dựa vào đó, như nhìn chung tôi cũng thấy ở những người khác. Chẳng bao lâu sau, thật dễ hiểu, tôi nhận ra rằng những ý kiến tích cực về Arbeitslager mà tôi được nghe thấy khi ở Auschwitz chắc chắn ít nhiều dựa trên những thông tin phóng đại. Nhưng về tất cả mức độ của sự phóng đại, và chủ yếu về những suy diễn sinh ra từ đó thì tôi không - không thể lập tức xác định chính xác - cho bản thân mình, và tôi nhận thấy điều này cũng vậy ở những người khác, tôi dám khẳng định là như vậy ở toàn bộ gần hai ngàn tù phạm khác của trại này, tất nhiên trừ những người đã tự tử. Trường hợp của họ là cá biệt, và không thể nào có quy luật, không thể lấy đó làm chuẩn mực - mọi người đều công nhận. Tin tức về một vài vụ kiểu đó thỉnh thoảng cũng đến tai tôi, tôi nghe người ta tranh luận, bàn tán, một số người công khai phản đối, số khác tỏ ra thông cảm hơn, những người quen biết thì thương tiếc - nhưng nhìn chung mọi người đều luôn luôn cố gắng coi đó là hành động hiếm hoi, xa lạ đối với chúng tôi, hơi khó giải thích, có chút gì nhẹ dạ và có lẽ cũng đáng trọng, nhưng hấp tấp.
Cái chính là chúng ta đừng buông thả bản thân mình: mọi việc dẫu thế nào thì rồi đâu sẽ có đó, vì chưa bao giờ có chuyện mọi việc sẽ không trở nên ổn thỏa, Citrom Bandi giảng giải cho tôi, còn về cá nhân anh thì chính trại lao động đã dạy cho bài học khôn ngoan đó. Việc đầu tiên và quan trọng nhất trong mọi hoàn cảnh là phải tắm rửa (hàng chậu đặt song song với những ống thép đục lỗ ngoài trời, ở phía gần con đường chính của trại). Một vấn đề cốt yếu nữa - dù có, dù không - là phải chia tiết kiệm khẩu phần ăn. Bánh mì, dẫu nguyên tắc này đối với bản thân chúng tôi là khắc nghiệt đến mức nào, thì vẫn cần phải dành một phần cho bữa cà phê sáng, thậm chí phải giữ một mẩu đến bữa trưa - bất chấp sự thèm thuồng, và chủ yếu phải giữ bàn tay chỉ chực thò vào túi - chỉ có thế chúng tôi mới tránh được chẳng hạn như ý nghĩ khổ sở là mình không có gì để ăn nữa. Cái thứ trong tủ áo quần mà cho tới nay tôi vẫn xem là khăn mùi soa chính là mảnh lót chân; còn khi điểm danh bao giờ cũng đứng ở giữa hàng là chắc chắn; khi chia xúp thì không nên đứng trước, mà tốt hơn nên cố gắng đứng về phía sau, lúc đó gần như chắc chắn là người ta sẽ chia xúp đặc hơn từ đáy nồi; phải lấy búa rèn cho một cạnh chuôi thìa ăn thành dụng cụ có thể dùng như lưỡi dao: tất cả những điều đó và nhiều thứ khác nữa, toàn những kiến thức cần thiết cho cuộc sống tù đày, tôi đều học được từ Citrom Bandi, tôi nhìn anh làm và cố gắng làm theo.
Tôi chưa bao giờ nghĩ, dù đó là một thực tế: không ở đâu một nguyên tắc nhất định của lối sống, một sự mẫu mực nhất định, có thể nói là đức hạnh, lại quan trọng như trong tù, có thể thấy như vậy. Chúng tôi chỉ cần nhìn quanh Block 1, nơi ở của những tù phạm cũ, là đủ thấy. Ngôi sao vàng trên ngực họ cho ta thấy mọi thông tin chủ yếu, trong đó chữ “L” còn tiết lộ thêm họ từ Latvia xa xôi đến, chính xác hơn là từ thành phố Riga, tôi được biết. Trong số họ có những người kỳ quặc thoạt tiên hơi làm tôi sửng sốt. Nhìn từ xa họ đều là những người già lão, đầu rụt xuống tận cổ, mũi khoằm dài trên mặt, đôi vai nhô cao trong chiếc áo tù bẩn thỉu, thậm chí giữa ngày hè nóng nực họ cũng làm ta nhớ đến những chú quạ khoang rét mướt mùa đông. Cứ như chỉ bằng mỗi bước đi nặng nhọc của mình họ muốn hỏi: sự gắng sức như thế liệu có còn đáng hay không? Những dấu hỏi di động ấy - vì vẻ bề ngoài, và có lẽ vì cả vóc dáng đó của họ mà tôi không thể miêu tả họ khác hơn thế - sau này chúng tôi được biết trong trại tập trung dưới cái tên là “Hồi giáo”. Citrom Bandi cảnh báo tôi liền: “Chỉ cần nhìn họ thôi là cậu đã hết muốn sống rồi”, anh nghĩ vậy, và cũng có phần nào sự thật trong câu nói này, dù với thời gian, về sau tôi nhận ra: còn cần nhiều thứ khác nữa để người ta chán sống.
Chẳng hạn, phương châm đầu tiên là cố chấp: nó có thể có nhiều hình thái khác nhau, nhưng tôi có thể nói rằng ở Zeitz cái này cũng không thiếu, và đôi khi nó có thể trở thành sự trợ giúp to lớn cho chúng tôi, tôi nhận thấy thế. Ví dụ, tôi đã khám phá thêm qua Citrom Bandi, về cái đám người, về cái tổ chức, hay về nòi giống kỳ quặc hoặc tôi cũng không biết gọi là gì - một phiên bản của nó đang đứng phía bên trái tôi đây - mà ngay từ khi mới đến đã làm tôi hơi kinh ngạc. Tôi nghe anh bảo chúng ta gọi họ là “bọn Phần Lan”. Đúng như vậy, nếu bạn hỏi họ từ đâu đến, họ sẽ trả lời - nếu họ cho rằng bạn đáng được trả lời - rằng từ “Minkács Phần Lan” chẳng hạn, và phải hiểu đó là “Munkács”; [Munkács: tiếng Nga là Mukachevo, một thành phố nhỏ nằm trong vùng Cacpat, trước năm 1918 thuộc Đế chế Áo-Hung, từ năm 1938-1944 thuộc Tiệp Khắc (cũ), từ 1944-1991 thuộc Liên Xô (cũ), từ năm 1991 tới nay thuộc Ucraina]; hay “Sadarada Phần Lan” chẳng hạn, thì phải đoán ra là “Sátoraljaújhely” [Sátoraljaújhely: thành phố nhỏ phía Đông Bắc Hungary, sát biên giới Slovákia]. Citrom Bandi biết tới hội của họ từ khi còn ở trại lao động, và anh không đánh giá cao cái hội này. Đâu đâu cũng có thể bắt gặp họ, ở nơi làm việc, trong dòng người đi lại hay trong hàng người khi điểm danh, họ cứ vừa gật gù vừa lẩm bẩm bài kinh cầu của họ không ngừng nghỉ như một món nợ không bao giờ trả hết. Nếu như giữa chừng họ khẽ nhếch mép để nói thầm, chẳng hạn: “Có con dao bán đấy”, đừng có nghe họ. Càng phải cẩn thận hơn, dù có bùi tai, đặc biệt vào buổi sáng, nếu họ mời: “Có xúp bán đấy” vì, dù kỳ quặc, nhưng họ không động đến món xúp, thỉnh thoảng cả wurst cũng không - không có gì là được phép theo tôn giáo của họ. “Thế họ sống bằng gì?”, bạn có thể hỏi, và Citrom Bandi sẽ đáp: “Đừng bao giờ phải lo lắng cho họ”. Và đúng thế, như bạn thấy đấy, họ vẫn sống. Chỉ có họ với nhau, hay với những người Latvia, họ nói tiếng Do Thái, nhưng họ còn biết tiếng Đức, tiếng Slovákia, và ai mà biết tại sao: chỉ có tiếng Hung là không, ngoại trừ khi buôn bán, tất nhiên. Một lần - vì không có cách nào có thể tránh được - vận may đã đưa đẩy tôi lọt vào một nhóm trong số họ. Câu hỏi đầu tiên của họ là “Reds di jiddis?”. Khi tôi bảo rất tiếc là không, họ liền bỏ mặc tôi, coi như xong, họ nhìn tôi như một con số không. Tôi thử nói chuyện, thử làm cho họ chú ý, nhưng vô ích. “Di bist nist ka jid, dbist á segec”, [“Di bist nist ka jid, dbist á segec”: “Mày không phải là Do Thái, thằng nhóc lạc loài] họ lắc đầu, và tôi chỉ còn nước đứng ngây ra nhìn, những người được coi là thạo buôn bán như họ lại khăng khăng giữ một điều vô lý đến mức ấy, điều gây tác hại cho họ nhiều hơn là có lợi, nếu chỉ nhìn kết quả. Vào cái lúc đó, trong ngày hôm ấy, tôi còn nhận thấy là ở giữa đám bọn họ, đôi khi tôi thấy lúng túng, ngứa ngáy khó chịu đúng như cái cảm giác tôi đã biết từ bên nhà, như thể bản thân tôi có điều gì đó không ổn, như thể tôi không hoàn toàn đồng thuận được với một ý tưởng tử tế, tóm lại là theo một kiểu gì đó, cứ như cảm giác mình là người Do Thái, và điều này dù sao cũng hơi kỳ quặc, vì xét cho cùng tôi đang ở giữa những người Do Thái, trong một trại tập trung, tôi nghĩ.
Những lúc khác thì Citrom Bandi lại là người khiến tôi kinh ngạc. Dù là lúc đang làm việc, hay lúc giải lao tôi thường nghe thấy anh hát, và chẳng mấy chốc tôi cũng học thuộc bài hát tủ mà anh biết từ thời ở trại lao động cùng với “đại đội bị trừng phạt”.Chúng tôi gỡ mìn trên đất Ucraina/ Nhưng ở đó chúng tôi cũng không trở nên hèn nhát, bài hát bắt đầu như thế, đặc biệt có đoạn cuối tôi rất thích: “Và nếu một đồng đội ngã xuống, một người bạn/ Chúng tôi sẽ nhắn về quê hương/ Rằng/ Dù điều gì đến với chúng tôi/ Tổ quốc thân yêu ơi/ Chúng tôi không bội phản Người, không bao giờ, đất nước ơi. Một bài hát hay, không thể phủ nhận, và buồn, nhịp điệu chậm rãi hơn là dồn dập, ca từ của bài hát, dĩ nhiên, cũng đã tác động đến tôi - tôi chợt nhớ đến gã cảnh binh trên tàu hỏa, khi gã nhắc chúng tôi là người Hung: xét cho cùng chính họ cũng bị Tổ quốc trừng phạt, nếu xét một cách nghiêm túc. Có lần tôi đã nói điều này với anh. Anh không thể tìm ra lý lẽ gì để phản bác, nhưng có vẻ như anh lúng túng, có thể nói anh bực dọc. Hôm sau không rõ vào dịp nào, anh lại huýt sáo, lại lẩm bẩm một cách say sưa, rồi anh bắt đầu hát như không còn gì nữa. Anh sẽ còn hát, anh có một ý nghĩ hay nhắc đi nhắc lại, đó là anh đã “đi mòn đường Nefelejcs”, [Tên con đường nghĩa là “Đừng quên tôi”], chẳng là khi còn ở bên nhà anh sống ở phố ấy, và con phố này, kể cả số nhà được anh nhắc tới bao lần với bao nhiêu sắc thái, đến nỗi cuối cùng tôi biết mọi cám dỗ của nó, tôi cũng đã mong được đến đó, mặc dù theo trí nhớ của tôi đó thực ra chỉ là một con phố nhỏ khá vắng vẻ ở đâu đó gần cửa ga Đông. Anh hay nói tới, hay mô tả và nhắc tôi nhớ đến những nơi, những quảng trường, đường phố, những ngôi nhà mà trên đỉnh nóc hay trong các cửa hiệu có những dòng chữ, những đoạn quảng cáo quen thuộc được chiếu sáng, mà anh gọi là “ánh sáng Pest”, [Thành phố Budapest gồm hai nửa, nằm hai bên bờ sông Duna; Pest là nửa lớn hơn, ở hữu ngạn, về phía Đông], và tôi phải cải chính, tôi buộc phải giải thích cho anh biết rằng thứ ánh sáng ấy không còn nữa do luật cấm chiếu sáng, và rằng những trận bom đã thay đổi bộ mặt của thành phố ở một vài nơi. Anh nghe tôi, nhưng tôi thấy anh không có vẻ gì hứng thú với những gì tôi thông báo. Ngày hôm sau, hễ có dịp là anh lại bắt đầu nói về “ánh sáng Pest”.
Nhưng ai mà biết được hết những hình thái của sự bướng bỉnh, cố chấp, và phải nói rằng ở Zeitz tôi có thể lựa chọn giữa nhiều cách - nếu tôi biết. Tôi được nghe về quá khứ, về tương lai, và nghe nói rất nhiều, thậm chí có thể nói không ở đâu như giữa những người tù, chúng ta có thể nghe nói nhiều như thế về tự do, xét cho cùng điều này có thể lý giải được, tất nhiên tôi nghĩ như thế. Có những người khác thì tìm thấy niềm vui đặc biệt nào đó trong một câu ngạn ngữ, một câu chuyện tếu, hay một câu nói đùa. Đương nhiên, tôi cũng nghe thấy tất cả. Trong ngày có một giờ, từ khi ở nhà máy về cho đến lúc điểm danh, một giờ lúc nào cũng sôi động và thoải mái nhất, mà tôi luôn chờ đợi nhất ở trong trại này, và thường thì đó cũng là giờ ăn tối. Đúng lúc tôi đang luồn lách qua những nhóm người buôn bán, trò chuyện vãn nhộn nhịp trên sân thì một người đâm sầm vào tôi, và từ dưới vành chiếc mũ tù rộng một đôi mắt nhỏ, lo lắng nhìn tôi qua cái mũi rất đặc biệt, trên một gương mặt độc đáo. “Hê, hê”, cả hai chúng tôi cùng lên tiếng, ông nhận ra tôi, tôi cũng nhận ra ông: đó chính là con người không may mắn. Ông tỏ vẻ mừng rỡ, hỏi tôi ở đâu. Tôi bảo ở Block 5. “Tiếc quá”, ông thở dài tiếc rẻ nói ông ở nơi khác. Ông phàn nàn “chẳng nhìn thấy ai quen”, và khi tôi bảo ông tôi cũng vậy, không hiểu sao ông có vẻ buồn. “Chúng ta đã thất tán cả”, - ông nói, đối với tôi có điều chi đó mơ hồ trong câu nói, trong cái lắc đầu của ông. Rồi ông hỏi: “Cậu có biết chữ U này”, ông chỉ lên ngực, “có nghĩa là gì không?”. Tôi bảo sao lại không: “Ungar, nghĩa là người Hung”. “Không”, ông bảo, “đó là Unschuldig, nghĩa là vô tội”, rồi ông cười, gật gật đầu với vẻ mặt tư lự, như thể bằng cách nào đó ông bằng lòng với ý nghĩa này, tôi cũng không rõ vì sao. Về sau tôi còn thấy cái vẻ đó trên nét mặt của những người khác khi nghe họ nói câu đùa vui này, khá nhiều lần trong trại vào lúc ban đầu: cứ như thể chỉ là từ đó họ có thêm cảm giác ấm áp, và nó mang lại sức mạnh - minh chứng cho điều đó là những nụ cười giống nhau, là vẻ thư giãn trên mặt, và biểu hiện của một nụ cười đau đớn nhưng vẫn có vẻ gì đó tuyệt vời những khi họ nói và nghe nó vô số lần, có chút gì từa tựa như khi ta nghe một bản nhạc làm rung động con tim hay một câu chuyện đặc biệt xúc động.
Vì ở họ tôi cũng nhận ra sự cố gắng, nhận ra một mong muốn giống nhau: họ muốn chứng tỏ mình là một tù phạm tốt. Dẫu sao đi chăng nữa, thì đó chính là vì lợi ích của chúng tôi, hoàn cảnh đòi hỏi thế, có thể nói cuộc sống ở đây buộc người ta phải như vậy. Nếu các hàng đúng chuẩn theo quy định và quân số đầy đủ, thời gian điểm danh cũng ngắn hơn - ít nhất vào giai đoạn đầu. Nếu làm việc chăm chỉ, chúng tôi có thể tránh được chẳng hạn như là chuyện bị đánh đập - thường là vậy, trong đa số các trường hợp.
Thế nhưng, tôi nghĩ ít ra là lúc đầu, có lẽ hoàn toàn không chỉ riêng cái lợi này, không chỉ duy nhất điều này dẫn dắt ý nghĩ của mỗi chúng tôi, có thể nói danh dự như thế. Chẳng hạn như công việc, tôi xin bắt đầu bằng buổi chiều lao động đầu tiên: nhiệm vụ là xúc hết một toa xe sỏi màu xám. Citrom Bandi, sau khi - tất nhiên được sự cho phép của người lính gác đã đứng tuổi, thoạt nhìn thấy ông ta là loại lính có vẻ vui tính - chúng tôi cởi áo (đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy làn da nâu hơi vàng và những cơ bắp nở nang cùng một vết chàm màu đen phía dưới ngực trái của anh), nói: “Nào, hãy cho bọn này biết dân Pest làm việc thế nào!”, có vẻ như anh nghĩ tới điều này một cách hết sức nghiêm chỉnh. Và tôi có thể nói rằng nếu tính đến chuyện đây là lần đầu trong đời tôi dùng chĩa xúc, thì người lính gác đang đi đi lại lại có bề ngoài như một ông thợ cả kia chắc hẳn cũng hài lòng, và điều đó tất nhiên càng gia tăng khí thế làm việc của chúng tôi. Nhưng giữa chừng tôi có cảm giác rát bỏng trong lòng bàn tay, và thấy các đầu ngón tay mọng đỏ. Người lính gác hỏi: - “Was ist den lost?” [tiếng Đức: “Có chuyện gì thế?”]. Tôi cười và chìa bàn tay cho anh ta xem, bất ngờ anh ta tỏ ra cáu kỉnh, giật dây đeo súng một cái và hạ lệnh: “Arbeiten! Aber los!” [tiếng Đức: “Làm việc đi! Mau lên!”]. Thế là đương nhiên tôi cũng hướng sự quan tâm về phía khác. Từ lúc đó tôi chỉ chú ý tới một điều: khi nào anh ta không để mắt đến là tôi tranh thủ nghỉ một lát, và xúc vào xẻng, vào chĩa càng ít càng hay, và tôi có thể nói rằng về sau trong những thủ thuật kiểu này tôi đã tiến bộ khá nhanh, tôi trở nên thông thạo hơn nhiều trong mọi trường hợp, dù phải làm bất cứ công việc gì. Vì xét cho cùng thì ai có lợi trong việc này? - tôi nhớ có một lần, ông “chuyên gia” đã hỏi vậy. Tôi khẳng định: ở đây có điều gì đó không ổn, một cản trở nào đó, một sự trục trặc, một sự thất bại. Một lời quan tâm an ủi, một dấu hiệu, một tia sáng lóe lên ở chỗ này chỗ kia, một tí chút thôi, đối với tôi ít ra cũng có ích hơn. Vì nếu nghĩ kỹ ra thì về mặt cá nhân thực ra chúng tôi có gì phải khó chịu với nhau? Và ngay cả ở trong tù chúng tôi vẫn còn lại một cảm giác kiêu hãnh chứ, ai mà chẳng có nhu cầu thầm kín về một chút nhã nhặn, nhẹ nhàng, hơn nữa lời nói cảm thông sẽ đạt được nhiều hơn, tôi nghĩ thế.
Nhưng dẫu sao những trải nghiệm như thế cũng chưa làm tôi lung lay về cơ bản. Con tàu vẫn đi tới, nếu nhìn về phía trước tôi còn mường tượng thấy cả mục tiêu ở đằng xa, và trong thời kì đầu, thời vàng son - như sau này tôi và Citrom Bandi thường gọi, thì Zeitz, với cách sống cần thiết và chút may mắn, tỏ ra là nơi có thể chịu được, trước mắt và tạm thời, cho đến khi tương lai không giải thoát cho chúng tôi, tất nhiên. Mỗi tuần hai lần một nửa, ba lần một phần ba, và chỉ có hai lần một phần tư chiếc bánh mì. Món Zulage thì thường có. Tuần một lần khoai tây luộc (sáu củ, cho vào mũ và kèm theo đó là không có món Zulage), tuần một lần mì sợi nấu sữa. Cảm giác khó chịu ban đầu vì bị đánh thức sớm đã được giải tỏa mau chóng bởi buổi sớm mai mùa hè đẫm sương, trời quang đãng và món cà phê bốc hơi (lúc đó phải nhanh nhẹn trong nhà cầu vì ngay lập tức sẽ vang lên những tiếng quát: “Appel!”. “Atreten!”. Điểm danh sáng bao giờ cũng ngắn gọn, vì công việc đang chờ, đang thúc giục. Một cái cổng phụ của nhà máy, mà đám tù nhân chúng tôi có thể sử dụng, nằm phía bên trái đường quốc lộ, rẽ vào một con đường cát, cách trại chúng tôi chừng mười, mười lăm phút đi bộ. Từ xa đã nghe tiếng ầm ĩ, tiếng rú, tiếng gõ, tiếng thở, tiếng hộc ba, bốn lần của các miệng ống thép: tiếng chào đón của một nhà máy - với đường ngang ngõ dọc, với các cần cẩu dịch chuyển nặng nề, những máy xúc đất, những đường ray và ống khói, những tháp làm lạnh, hệ thống đường ống, những nhà xưởng giống như một thành phố thực thụ. Nhiều hố, rãnh tan hoang, những đường ống rách nát, những đống cát lớn đứt tung tóe chứng tỏ sự thăm viếng của các oanh tạc cơ. Tên nó - tôi được biết ngay trong giờ giải lao ăn trưa đầu tiên - là “Brabag,” là cách gọi ngắn gọn của “Braun-Kohl-Benzin Aktiengeshelleschaft” [Braun-Kohl-Benzin Aktiengeshelleschaft: Công ty Cổ phần Xăng Dầu-Than Nâu] một thời từng có tên tuổi trên thị trường chứng khoán, tôi nghe người ta bảo, và họ còn chỉ cho tôi thấy một người to lớn, đang chống khuỷu tay thở mệt nhọc và lôi từ trong túi ra một miếng bánh mì đã gặm dở, chính là người đã tiết lộ thông tin đó, và sau này trong trại người ta thường nói về ông một cách vui vẻ rằng, dù chưa khi nào tôi nghe ông nói thế, có thời chính ông đã là chủ nhân của cái công ty cổ phần này. Tôi nghe nói - và cái mùi của nó cũng ngay lập tức gợi nhớ đến xưởng tinh chế dầu Csepel - ở đây người ta cũng đang sản xuất xăng, nhưng nhờ một phương pháp không phải tinh chế từ dầu mỏ, mà từ nguyên liệu là than nâu. Tôi thấy ý tưởng có vẻ hấp dẫn, nhưng tất nhiên là không ai cần biết đến ý kiến của tôi, tôi công nhận điều đó. Khả năng có thể rơi vào Arbeitkommando nào là vấn đề bao giờ cũng hấp dẫn. Người thì thích xẻng, người thì thích búa chim, một số khách thích việc đặt cáp, một số khác lại thích đứng phụ việc cho máy trộn vữa, và ai biết được vì lí do thầm kín nào, sự ưa thích đáng ngờ nào gắn bó một số người vào công việc dưới cống rãnh, ngập đến thắt lưng trong bùn màu vàng hay trong dầu đen kịt - mặc dù không ai nghi ngờ sự tồn tại của một lí do như thế, vì đa số họ là người Latvia, và các bạn cùng khuynh hướng của họ - những người “Phần Lan”. Giọng điệu kéo dài, vang xa và mời gọi của từ “antreten” mỗi ngày chỉ vang lên một lần từ trên cao xuống, nghe ngọt và não nề: đó là vào buổi tối, khi nó báo hiệu giờ trở về. Giữa đám hỗn độn quanh chỗ rửa ráy, Citrom Bandi hét lên: “Dẹp ra, dân Hồi giáo!”, để tranh chỗ, và không có một chỗ nào trên cơ thể tôi thoát khỏi ánh mắt soi mói của anh. “Rửa cả chim đi, chỗ đấy hay có rận ẩn nấp đấy!”, anh bảo, và tôi vừa cười vừa nghe theo anh. Bây giờ là lúc bắt đầu của một giờ đồng hồ nhất định: làm những việc lặt vặt, nói đùa hay phàn nàn, thăm nhau, trò chuyện, buôn bán, trao đổi thông tin, tất cả chỉ có thể chấm dứt bằng tiếng khua thân thuộc của nồi niêu, cái tín hiệu thôi thúc mọi người, khiến tất cả hành động thật mau lẹ. Rồi đến điểm danh, và chỉ tùy vận may mà nó kéo dài đến khi nào. Nhưng rồi, một, hai, bất quá là ba giờ sau (giữa chừng dãy đèn pha đã bật sáng) là một đợt xô đẩy dọc theo con đường hẹp của lều trại, hai bên là những dãy hộp ba tầng, ở đây gọi là dãy “box,” những chỗ ngủ. Sau đó một lúc nữa cả lều chỉ có lờ mờ tối và tiếng hát thầm thì - đó là giờ trò chuyện, về quá khứ, về tương lai, về tự do. Tôi được biết rằng: khi còn ở bên nhà, ai nấy đều hạnh phúc đến mẫu mực, và đa số còn giàu có. Những lúc như thế này tôi còn biết thêm rằng họ thường ăn tối những gì, thậm chí thỉnh thoảng còn nghe cả những chuyện khác, các đề tài riêng tư của đàn ông. Cũng khi đó họ đã nhắc đến - điều này về sau tôi không bao giờ nghe nói tới nữa - theo giả thiết của một vài người, vì những lí do nhất định người ta còn trộn một loại an thần, chất bromua, vào xúp - họ khẳng định như vậy với vẻ mặt đồng tình và bao giờ cũng hơi bí ẩn. Những lúc như thế thể nào Citrom Bandi cũng nhắc đến phố Nefelejcs, đến ánh sáng hoặc “bọn con gái Pest” - đặc biệt vào những ngày đầu, và dĩ nhiên tôi cũng khó có thể nhận xét gì thêm về chuyện này. Một lần khác tôi bỗng nhận ra tiếng hát thầm thì, ngân nga, lúc lúc như nấc lên và ánh nến leo lét sáng từ phía một góc lều, nghe nói đang là thứ Sáu, và kia có một thầy tu, một giáo sĩ Do Thái. Tôi cũng bước lên đỉnh đống ván giường và từ đó nhìn xuống, đúng là ông ta đứng giữa một đám người, ông giáo sĩ mà tôi đã biết. Ông hành đạo trong bộ quần áo và mũ phạm nhân như thế, và tôi cũng không chú ý được lâu, bởi thay vì cầu nguyện tôi muốn đi nằm ngủ hơn. Tôi và Citrom Bandi ở gác trên cùng. Chúng tôi chia sẻ box với hai người nữa, cả hai đều còn trẻ, dễ mến và cũng là dân Budapest. Đệm nằm là một tấm gỗ, trên trải rơm và lót vải bố. Hai người chung một tấm chăn, nhưng mùa hè thì thế cũng là nhiều. Chỗ nằm không được rộng rãi cho lắm: nếu tôi trở mình thì người nằm bên phải cũng xoay người, nếu người nằm cạnh co chân lên thì tôi cũng phải co chân theo, nhưng giấc ngủ vẫn sâu và làm quên lãng tất cả - đúng là những ngày vàng.
Sau đó một thời gian ngắn tôi bắt đầu nhận thấy sự thay đổi - đầu tiên là về khẩu phần ăn. Chúng tôi chỉ có thể đoán già đoán non về việc thời kỳ nửa chiếc bánh mì đã biến đâu mất nhanh chóng thế, thay vào đó - không thể đảo ngược được - là giai đoạn một phần ba và một phần tư chiếc, và Zulage cũng không nhất thiết bao giờ cũng phải có. Cũng từ đó con tàu bắt đầu chậm dần, cuối cùng thì dừng hẳn. Tôi thử nhìn lên phía trước, nhưng chỉ thấy đến ngày hôm sau, ngày mai cũng sẽ là một ngày như thế này, nghĩa là đúng y hệt như ngày hôm nay - đó là trong trường hợp may mắn, dĩ nhiên. Tôi bắt đầu chán nản, sự hăng hái thuyên giảm, mỗi ngày thức dậy lại nặng nề hơn một chút, mỗi ngày đi nằm cũng mệt mỏi hơn một chút. Tôi đói hơn một chút, đi lại bất đắc dĩ hơn một chút, bằng cách nào đó tất cả nhọc nhằn hơn, sự chịu đựng ngay bản thân mình cũng bắt đầu trở thành một gánh nặng. Tôi (tất cả chúng tôi, tôi dám nói) không còn là những tù nhân tốt nữa, và dấu hiệu của điều này tất nhiên chúng tôi có thể nhanh chóng nhận ra nơi những người lính, những người phụ trách riêng của chúng tôi, trong số họ lần đầu tiên phải kể đến, dù chỉ bởi cấp bậc của gã, là Lagerältester.
Vẫn như trước đây, ở mọi lúc và mọi nơi chỉ thấy gã vận đồ đen. Gã thổi còi đánh thức vào buổi sáng, gã kiểm tra mọi thứ lần cuối cùng vào buổi tối, và về căn phòng của gã ở đầu mé kia thì người ta đã đồn đại khá nhiều chuyện. Gã nói tiếng Đức, dòng máu Digan - giữa chúng tôi với nhau gã chỉ được gọi là “lão Digan” - và đây là lý do chủ yếu để người ta dành chỗ cư trú cho gã ở trại tập trung, lý do thứ hai là sự khác biệt với người bình thường mà Citrom Bandi đã khẳng định về gã ngay từ cái nhìn đầu tiên. Còn cái tam giác màu xanh lá cây thì cảnh tỉnh mọi người rằng gã đã giết và cướp một phụ nữ lớn tuổi hơn mình - tin đồn vậy - nghe đâu rất giàu có, đã nuôi nấng gã, như người ta nói. Thế cũng có nghĩa đây là lần đầu tiên tôi có thể nhìn thấy một tên giết người cướp của thực thụ. Nhiệm vụ của gã là luật pháp; công việc của gã là thi hành trật tự và công bằng trong trại chúng tôi - không hoàn toàn là một ý nghĩa có thể an ủi khi thoạt nghe, mọi người đều nghĩ vậy, không loại trừ tôi. Còn về mặt khác, tôi phải công nhận: ở một điểm nhất định những sắc thái có thể lẫn lộn. Cá nhân tôi chẳng hạn có nhiều phiền toái với một trong những Stubendienst hơn, mặc dù gã là một kẻ thành thực không chê vào đâu được. Chính vì thế mà những người biết rõ gã - cũng những người đã chọn Blockältester, doctor Kovács (danh hiệu doctor ở đây - theo tôi biết - không phải là bác sĩ, mà là luật sư) - đã lựa chọn gã, như tôi nghe nói, bọn họ đều đến từ một nơi: một vùng rất đẹp gần Balaton*, thuộc khu Siófok*.
[Balaton: hồ nước ngọt lớn nhất châu Âu, chiều dài 79 km, chiều rộng trung bình 7,8 km, nằm cách Budapest trên 100 km về phía Tây, một địa danh du lịch rất nổi tiếng của Hungary]
[Siófok: thành phố du lịch nằm trên bờ Nam của hồ Balaton, còn được mệnh danh là thủ đô của Balaton]
Đó chính là người có gương mặt như sốt phát ban, mà tên gã - ai cũng biết - là Fodor. Chẳng biết đúng hay không, nhưng có một ngày sự nhất trí chung là: gã Lagerältester khoái dùng gậy và nắm đấm, vì việc này, ít nhất là theo lời đồn đại trong trại, mang lại cho gã khoái cảm nhất định, và theo những người thông thạo, gã tìm kiếm một cái gì đó liên quan đến cả đàn ông, cả bọn con trai và đôi khi cả phụ nữ. Tuy nhiên, với Fodor, trật tự không phải là lý do, mà là điều kiện có thể thay đổi, và sự cần thiết bắt buộc gã phải hành xử như vậy, vì lợi ích chung - như gã không bao giờ quên nhắc nhở. Mặt khác thì trật tự không bao giờ và càng ít khi trọn vẹn. Chính vì thế mà gã dùng chiếc cán thìa múc xúp dài bằng sắt quật vào giữa hàng người chen chúc, và chúng tôi - nếu không biết cách lại gần nồi, đặt bát của mình vào một chỗ nhất định cạnh nồi - sẽ rất dễ rơi vào con số những nạn nhân có thể tuột tay đánh rơi cà men xúp ngay lúc đó, vì - rõ ràng là, và cả tiếng ồ lên ở phía sau gã cũng báo hiệu điều đó - như vậy sẽ làm chậm trễ công việc của gã, suy ra là làm chậm chúng tôi và những người đứng đằng sau hàng, đó là lý do khiến gã kéo chân những người lơ đễnh, vì rốt cuộc là những người vô tội đang chịu tội thay cho một người. Dĩ nhiên - tôi nhận thấy - cần phải nhìn nhận sự khác biệt ở ý định, nhưng ở một điểm nhất định nào đó, tôi nói rằng, những sắc thái như thế có thể bị lẫn lộn, còn kết quả thì, theo kinh nghiệm của tôi, là tương tự, cho dù xem xét theo cách nào.
Ngoài hai kẻ đó ra, ở đây còn một gã Kapo [Kapo: người được chọn trong số phạm nhân trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã, để làm quản lí hay chỉ điểm] Đức đeo băng tay màu vàng và bao giờ cũng mặc bộ quần áo kẻ sọc là phẳng phiu, cũng may là tôi ít khi thấy hắn, sau này tôi ngạc nhiên thấy một băng đen bắt đầu xuất hiện giữa các hàng người chúng tôi, trên băng có hàng chữ khiêm tốn hơn là “Vorarbeiter”. [Vorarbeiter: đốc công, quản đốc]. Đúng lúc tôi đang ở đó, khi lần đầu tiên xuất hiện một tay cùng Block với chúng tôi, trước tôi cũng không để ý lắm tới hắn và theo trí nhớ của tôi thì hắn cũng không được người khác đánh giá cao hoặc có tiếng tăm gì, mặc dù nom hắn lực lưỡng và kềnh càng, với một chiếc băng đeo tay mới tinh, vào bữa ăn tối. Nhưng bây giờ tôi phải công nhận hắn không còn là người vô danh như trước nữa: bạn bè và người quen hầu như không thể lại gần hắn nổi, từ mọi phía vang lên những tiếng nói mừng rỡ, những lời chúc mừng, chúc may mắn cho sự thăng tiến của hắn, những bàn tay chìa ra phía hắn, nhưng hắn chỉ bắt tay một số người, còn với một số khác - tôi nhìn thấy - thì không, những người này sau đó vội vã chuồn khỏi đó. Và chỉ đến cuối mới diễn ra - ít nhất là đối với tôi - giây phút trang trọng nhất, trong sự chú ý và yên lặng đến kính nể, có thể nói là sùng kính của những người xung quanh, một cách đĩnh đạc, không hề vội vàng, không một cử chỉ hấp tấp, giữa những ánh mắt chăm chú và ghen tị, hắn bước tới nhận suất ăn thứ hai, giờ đây phải tương xứng với chức vị của hắn, phải lấy từ dưới đáy xoong, và Stubendienst đã phải múc cho hắn với sự phân biệt dành cho những người được hưởng quyền này.
Có lần thấy một người có dáng đi thẳng đuỗn, ngực vồng ra phía trước, tôi nhận ra ngay: từ trên cánh tay viên sĩ quan ở Auschwitz những chữ cái hiện rõ trước mắt tôi. Một hôm tôi cũng nằm trong nhóm lão ta phụ trách, và có thể nói, đúng là vì những người làm việc tốt gã có thể cho tay vào lửa, nhưng những kẻ biếng nhác vô dụng và những kẻ “cướp công tay trên của người khác” thì chớ có trông mong gì - theo cách nói của gã, khi mới bắt tay vào công việc. Hôm sau cùng với Citrom Bandi, chúng tôi cho rằng tốt nhất nên chuồn sang một nhóm khác.
Còn một sự thay đổi nhãn tiền nữa, và điều thú vị đó chủ yếu là những người ngoài cuộc, như những người trong nhà máy, những lính gác, và bất quá chỉ ở một vài người khả kính trong trại: tôi nhận thấy họ thay đổi. Lúc đầu tôi cũng không biết giải thích điều này ra sao: theo cách nào đó tất cả họ đều đẹp, ít ra là trong mắt tôi. Nhưng rồi qua một vài dấu hiệu tôi nhận ra rằng có thể là do chúng tôi thay đổi, tất nhiên là thế, chỉ có điều tôi khó nhận ra hơn. Chẳng hạn nếu nhìn Citrom Bandi thì tôi không thấy trên người anh có gì đặc biệt. Nhưng tôi thử nhớ lại anh, và so sánh với hình ảnh đầu tiên khi anh xếp hàng bên phải tôi, hoặc trong buổi làm việc đầu tiên, với những cơ bắp nở nang, co bóp, gân guốc dẻo dai và rắn chắc, cử động lên xuống nhịp nhàng, và khi đó tôi đã hơi ngờ vực. Chỉ đến lúc này tôi mới hiểu rằng thời gian đôi khi có thể lừa dối con mắt chúng ta, có vẻ như thế. Tôi đã bỏ qua không chú ý đến quá trình diễn ra trong cả một gia đình, ví dụ như gia đình Kollmann. Trong trại ai cũng biết họ. Họ đến từ một vùng có tên là Kisvárda, [Kisvárda: thành phố nhỏ ở Đông Bắc Hungary, nằm trong tỉnh Szabolsszatmár-Bereg, cách biên giới Ucraina 22km], từ vùng ấy ở đây còn khá nhiều người nữa, và từ cách người ta xưng hô với họ tôi suy ra chắc họ có thể là những người có uy thế. Họ có ba người: ông bố đầu hói vóc người nhỏ bé, một con trai lớn và một cậu nhỏ hơn, cả hai không giống bố, nhưng mặt mũi giống hệt nhau - theo đó, tôi nghĩ có lẽ cả hai cùng giống mẹ - cùng tóc vàng, mắt xanh như nhau. Cả ba lúc nào cũng đi với nhau, và nếu có thể: tay nắm tay. Thế mà sau một thời gian, tôi nhận thấy ông bố hay tụt lại, và hai cậu con trai thường phải giúp, phải nắm tay kéo bố cùng đi. Một thời gian sau không thấy ông bố đi cùng với hai người con nữa. Rồi không bao lâu sau người anh phải đỡ cậu em út. Sau đó một dạo cậu út cũng mất hút, chỉ còn người anh kéo lê bản thân mình. Và đến giờ tôi không còn thấy anh ta nữa. Tất cả những chuyện này, phải nói, tôi đã nhận ra, chỉ có điều không phải theo cách mà sau này - nếu suy nghĩ về nó - tôi đã tóm tắt lại, đã kể ra tất cả, mà chỉ quen dần từng nấc, từng nấc một - và như thế, rồi thực chất tôi cũng chẳng nhận ra. Mặc dù có vẻ như chính tôi cũng có thể đã thay đổi, vì tay “thợ làm đồ da” mà một hôm tôi nhìn thấy đàng hoàng đi từ lều bếp bước ra - và tôi cũng được biết hắn được phân công chỗ làm cùng những người gọt khoai tây đáng ghen tị - lúc đầu không thể nhận ra tôi. Tôi phải chứng tỏ mãi với cậu ta là tôi là dân từ xưởng “Shell”, và hỏi cậu xem liệu trong nhà bếp ngẫu nhiên có gì đút miệng được không, một chút thức ăn thừa dưới đáy nồi chẳng hạn. Cậu ta bảo để cậu ta xem, và cậu không muốn gì cho bản thân mình, nhưng ngẫu nhiên tôi có thuốc lá không, vì gã Vorarbeier nhà bếp “chết vì thuốc”, như cậu ta nói. Tôi thú nhận: không có, thế là cậu ta đi. Chẳng mấy chốc sau đó tôi nhận ra có đợi nữa cũng vô ích, và rằng tình bạn cũng chỉ là thứ hữu hạn, có vẻ như các quy luật của cuộc sống đặt ra cho nó những giới hạn - dĩ nhiên là như thế, khỏi cần bàn. Vào lúc khác thì tôi không nhận ra một sinh linh kì quặc: nó đang khật khưỡng đi về phía kia, tôi ngờ là ra phía cầu tiêu. Chiếc mũ trượt sang một bên tai, mặt đầy hốc lồi lõm, góc cạnh, trên đỉnh cái mũi vàng vọt rung rung một giọt nước. “Chàng trai lụa!”, tôi gọi, nhưng không thấy cậu ta nhìn lên. Cậu chỉ lết đi tiếp, môt tay giữ quần, và tôi nghĩ: trời ơi, thật không thể tin nổi. Một lần khác, chỉ vàng vọt và còn gầy guộc hơn, đôi mắt to hơn và cháy rực hơn, nhưng tôi nghĩ mình đã nhận ra cậu trai nghiện thuốc. Cũng vào thời gian đó trong báo cáo của Blockältester lúc điểm danh tối và sáng bắt đầu xuất hiện cách diễn đạt sau này trở nên bất biến, chỉ thay đổi về mặt con số: “Zwei im Revier”*  hay: “Fünf im Revier”*,  “Dreizehn im Revier”*, và tiếp tục như thế; rồi lại thêm một khái niệm mới là “Abgang” nghĩa là thiếu, hao hụt, rơi rụng.

[“Zwei im Revier” (tiếng Đức): Hai người trrong trạm xá]
[“Fünf im Revier” (tiếng Đức): Năm người trong trạm xá]
[“Dreizehn im Revier” (tiếng Đức): Mười ba người trong trạm xá]
[“Abgang” (tiếng Đức): mất mát, tổn thất, thiếu hụt]

Không, trong những điều kiện nhất định chẳng có ý định tốt nào là đủ. Từ khi còn ở nhà tôi đã đọc được rằng với thời gian và nỗ lực cần thiết, con người có thể quen với cuộc sống tù đày. Điều này có lẽ cũng đúng thôi, tôi không mảy may hoài nghi, giả dụ như ở trong nước, với một nhà tù đúng quy cách, kiểu nhà tù dân sự, hoặc đại loại. Chỉ có điều trong một trại tập trung, theo kinh nghiệm của tôi, đúng là không có cách nào để thực hiện việc đó. Và tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng - ít nhất trong trường hợp của tôi - không khi nào thiếu sự cố gắng, thiếu ý đồ tốt: điều nguy hiểm là người ta không cho ta đủ thời gian, đơn giản vậy thôi.
Tôi biết có ba kiểu trốn thoát - vì tôi đã thấy, đã nghe hoặc đã trải nghiệm - trong một trại tập trung. Bản thân tôi đã dùng cách thứ nhất, cách khiêm nhường nhất, nhưng bản chất của chúng ta có một vùng - điều này tôi cũng đã học được - thuộc về sở hữu của con người trong mọi lúc và không thể tước đoạt được. Có một sự thật là: ngay cả trong tù, trí tưởng tượng của chúng ta vẫn tự do. Chẳng hạn tôi có thể thực hiện một chuyện như tay vẫn cầm xẻng hay búa chim - một cách tiết kiệm, chia đều sức, bao giờ cũng chỉ bó gọn trong những động tác cần thiết nhất, nhưng bản thân tôi, thì đơn giản là không có mặt ở đó. Tuy nhiên ngay cả trí tưởng tượng cũng không hoàn toàn vô hạn, hoặc ít ra là vô hạn chỉ trong các giới hạn, tôi phát hiện ra như vậy. Vì cũng với sự cố gắng như thế tôi có thể hiện hữu ở bất cứ đâu, ở Calcutta, Florida, thậm chí ở những nơi đẹp nhất trên thế giới. Tuy nhiên điều đó xem ra không đủ sức thuyết phục, với tôi là không thể tin được, nếu như có thể nói vậy, và kết quả là hầu như trong mọi trường hợp tôi đều thấy mình đang ở nhà. Thực ra, nói cho cùng, bằng việc về nhà tôi cũng chẳng kém liều lĩnh hơn là đi Calcutta; chỉ có điều ở đây tôi đã tìm thấy một cái gì đó, một sự khiêm tốn nhất định, và có thể nói, một công việc cân bằng với nỗ lực của mình, và qua đó nó cũng ngay lập tức chứng thực cho sự cố gắng ấy. Ví dụ tôi mau chóng nhận ra: mình đã sống không hợp lý, không sử dụng tốt những ngày ở nhà, có nhiều, quá nhiều điều phải ân hận. Như vậy - tôi phải nhớ lại - có những món ăn mà tôi đã lựa chọn, đã khuấy lộn lên rồi gạt sang bên, chỉ đơn giản là vì không thích, và lúc này tôi cảm thấy đó là một sơ suất không thể hiểu và không thể sửa chữa nổi. Hoặc là sự tranh giành vô lý giữa cha và mẹ, vì cá nhân tôi. Nếu sau này về nhà, tôi nghĩ, bằng cách dùng những lời lẽ đơn giản và dễ hiểu như thế, thậm chí không chỉ dừng ở đó, như một người quan tâm đòi hỏi ở đây điều dĩ nhiên nhất, khi nào trở về nhà, dù thế nào tôi cũng chấm dứt chuyện đó, cần phải hòa thuận với nhau - tôi quyết định. Lúc còn ở nhà có những việc tôi rất lo ngại, thậm chí - thật nực cười - tôi còn sợ, như sợ một vài môn học nhất định trong chương trình, sợ thầy dạy các môn đó, sợ bị gọi lên không trả lời được, rồi cuối cùng còn sợ cha tôi, khi phải thông báo kết quả với ông. Giờ thì tôi nhớ lại tất cả những nỗi sợ ấy, tưởng tượng ra những cảnh ấy chỉ để giải khuây, sống lại chúng một lần nữa và mỉm cười. Nhưng cách giết thời gian ưa thích nhất của tôi bao giờ cũng là tưởng tượng ra cả một ngày trọn vẹn ở bên nhà, nếu có thể thì từ sáng đến tối, và vẫn tiếp tục chỉ với sự khiêm tốn như cũ. Vì xét cho cùng tưởng tượng ra một ngày đặc biệt, một ngày hoàn hảo nào đó cũng có thể mất nhiều sức lực - nên tôi thường chỉ mường tượng ra một ngày xấu, phải dậy sớm, đến trường học, lo sợ, ăn trưa dở, và bao nhiêu khả năng mà lúc đó tôi bỏ qua, thậm chí đã không nhận ra, có thể nói là vậy, và bây giờ, trong trại tập trung này, tôi cố gắng sửa sai mọi việc một cách hoàn hảo nhất có thể. Tôi đã được nghe, và giờ đây được chứng kiến: đúng là những bức tường nhà giam chật hẹp không thể giới hạn trí tưởng tượng bay bổng. Trở ngại bất ngờ chỉ ở chỗ: nếu giữa chừng trí tưởng tượng đưa đi xa tới mức tôi quên cả bàn tay mình, thì chỉ những lý do bất chợt, chính đáng nhất, dứt khoát nhất mới đưa tôi trở lại thực tế - dù sao hiện thực vẫn ở nơi này.
Cũng từ khoảng thời gian đó bắt đầu nảy sinh tình trạng thiếu quân số khi điểm danh sáng, như hôm bên Block 6, ở cạnh chúng tôi. Ai cũng biết rõ, khi đó điều gì đã có thể xảy ra, vì trong một trại tập trung, hiệu lệnh báo thức chỉ không đánh thức những ai không bao giờ còn có thể dậy được nữa mà thôi, mà số đó thì có đấy. Nhưng đó là cách chạy trốn thứ hai, và liệu có ai tránh khỏi sự cám dỗ, một lần, ít ra là một lần duy nhất, ai có thể đứng vững mà không khi nào bị lay chuyển, đặc biệt khi thức giấc vào buổi sáng, khi ta nhận ra rằng đã lại một ngày mới, khi lều đã ồn ào, trong đám người xung quanh đã lục đục dậy - tôi thì không, và chắc chắn sẽ thử, nếu như không có Citrom Bandi liên tục ngăn cản. Cà phê không quan trọng lắm, rồi sẽ có mặt lúc điểm danh sáng - người ta nghĩ vậy, tôi cũng nghĩ vậy. Tất nhiên ta không nằm ì tại chỗ - vì không ai có thể trẻ con đến thế, mà ta thức dậy, bình thường, tử tế như những người khác, và rồi... ta biết một nơi, một xó xỉnh cực kì chắc chắn nào đó, ta có thể đặt cược một ăn một trăm. Đã từ hôm qua, có thể là từ trước đó ta đã nhắm sẵn, không hề có bất kỳ dự định, ý đồ nào, chỉ ví thứ trong bản thân ta thế thôi. Bây giờ thì ta nhớ ra nó. Chẳng hạn ta chui xuống gầm các box ở dưới cùng. Hoặc ta tìm một khe hẹp, một chỗ lượn, một cái hõm chắc chắn nào đó, một góc bảo đảm. Ở đó ta lấy rơm, lấy lá, lấy chăn phủ lên mình. Giữa chừng ta phó thác mình cho ý nghĩ rằng đến giờ điểm danh ta sẽ có mặt - có thời kỳ tôi hiểu rõ, rất rõ điều này. Những kẻ táo tợn, liều lĩnh hơn thì còn có thể nghĩ một người chắc không sao: chẳng hạn họ có thể đếm nhầm - vì nói cho cùng chúng ta là những con người; rằng vắng một người duy nhất - hôm nay, chỉ đúng vào buổi sáng hôm nay - chưa chắc đã bị phát hiện, còn đến tối thì chúng sẽ lo liệu cho việc khớp quân số; những người liều nhất thì nghĩ ở chỗ đảm bảo ấy người ta sẽ không có cách gì tìm ra được. Còn những người quả cảm thực sự cũng chẳng cần nghĩ đến điều đó, vì đơn giản họ cho rằng - thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ như thế - ngủ say trong một tiếng đồng hồ đáng chấp nhận tất cả mạo hiểm và đáng trả bằng mọi giá.
Nhưng ở đây không có nhiều cơ hội cho họ đến như vậy, vì buổi sáng mọi thứ diễn ra rất nhanh, và nhìn kìa, nhóm tìm người đã được cử ra: đi trước là gã Lagäraltester mặc đồ đen, bộ râu mới cạo, bộ ria vểnh, thơm nức, theo sát gã là tay Kapo Đức, sau nữa là mấy tay Blockältester và Stubendienst lăm lăm dùi cui, gậy hèo, gậy móc, cả bọn rẽ vào Block 6. Từ bên trong vọng ra tiếng la hét, ầm ĩ, và một phút sau - hãy nghe kìa! - đã có tiếng hét vang đắc thắng của những kẻ lùng sục, lẫn với tiếng nấc nghẹn khục khặc, mỗi lúc một nhỏ dần rồi tắt hẳn. Chẳng bao lâu sau toán săn lùng xuất hiện. Thứ mà bọn họ đem ra từ trong lều - nhìn từ đây chỉ thấy như những đống vật thể không sinh khí bất động, những túm giẻ rách lùng nhùng, bị đặt, bị quẳng xuống cạnh hàng người, tôi cố gắng không nhìn nữa. Nhưng có một tiểu tiết, một hình ảnh, đường nét, dấu hiệu gợi nhớ vẫn hút tôi nhìn về phía đó, và tôi nhận ra ông: đó chính là con người rủi ro trước đây. Rồi sau đó: “Arbeitskommandos antreten!”* và chúng tôi có thể dự đoán được ngày hôm nay bọn lính sẽ nghiêm khắc hơn.
[“Arbeitskommandos antreten!” (tiếng Đức): “Đội lao động, tập hợp!]
Cuối cùng, là cách thứ ba, đúng theo nghĩa của từ này, và có lẽ là cách chạy trốn thật sự đáng phải suy nghĩ; cũng đã xảy ra một trường hợp, duy nhất chỉ một lần trong trại chúng tôi. Đám bỏ trốn là một bộ ba, đều là người Latvia, từng trải, thông thạo tiếng Đức và địa hình xung quanh, những tù phạm tự tin ở hành động của mình. Tin tức cứ thầm thì lan ra, và tôi có thể nói, sau sự thán phục ban đầu cùng sự khấp khởi ngấm ngầm cho bõ ghét bọn lính gác, ở chỗ này chỗ nọ người ta còn tỏ ra hâm mộ và suy tính đến chuyện noi gương, sốt sắng cân nhắc các khả năng, thì chúng tôi bắt đầu oán trách họ. Hôm đó, đã chừng hai ba giờ đêm, bị trừng phạt vì tội lỗi của họ, chúng tôi phải đứng xếp hàng, đúng hơn là gật gà gật gù chờ điểm danh. Tối hôm sau, khi xếp hàng chuẩn bị vào lều, tôi lại cố gắng không nhìn sang phía bên phải. Ba chiếc ghế đặt đó, bên trên có ba người ngồi, ba dạng hình người. Nom họ chính xác như thế nào, dòng chữ nghuệch ngoạc trên tờ giấy họ đeo trên cổ viết gì, tôi cho rằng đơn giản hơn là không nên quan tâm (nhưng rồi tôi cũng vẫn biết, vì trong trại người ta còn nhắc mãi tới chuyện này: “Hurrah! Ich bin wieder da!” - nghĩa là “Hurra! Tôi lại có mặt đây!”). Tôi nhìn thấy một khung giàn đóng vội, nom giống như giàn rũ quần áo đặt trên các sân nhà ở trong nước, bên trên có ba dây thòng lọng - tôi hiểu như vậy là: treo cổ. Bữa ăn tối tất nhiên không hề được nhắc tới, mà ngay tức khắc: “Appel!” rồi: “Das ganze Lager: Achtung!” [“Das ganze Lager: Achtung!” (tiếng Đức): “Toàn trại: Chú ý!” vang lên ở phía trước, to hết cỡ, do chính gã Lagäraltester điều khiển. Những người thi hành hình phạt đã tụ tập đủ, sau một lát chờ đợi, các đại diện quân sự oai vệ cũng xuất hiện, rồi tất cả đã diễn ra theo đúng cách thức của nó, phải nói rằng cũng may là cách chỗ chúng tôi đứng khá xa ở phía trước, gần khu tắm rửa, và tôi tránh không nhìn về phía đó. Tôi chú ý hơn về phía bên trái, từ phía đó bỗng nghe thấy một giọng lầm rầm, như một điệu nhạc du dương nào đó. Tôi thấy một cái đầu run rẩy trên một cái cổ gầy nhẳng hướng về phía trước, đi trong hàng người - nổi bật lên là đôi mắt và cái mũi ướt át tắm trong thứ ánh sáng gần như phi lý trong giây phút ấy: ông giáo sĩ Do Thái. Lát sau tôi hiểu cả lời ông nói, hơn nữa nhiều người đứng trong hàng cũng nói theo ông. Chẳng hạn tất cả người Phần Lan, và còn nhiều người khác nữa. Thậm chí, tôi không rõ bằng cách nào, nhưng tiếng nói đã lan sang cả Block xung quanh, vì ở các nơi đó tôi cũng nhận thấy ngày càng nhiều những đôi môi mấp máy, những đôi vai, đầu, cổ dù chỉ khẽ gật gù, nhưng dứt khoát, từ trước ra sau, từ sau lên trước. Trong lúc đó, tiếng lầm rầm ở khu giữa hàng người chỉ vừa đủ nghe thấy, đều đều vọng đi vọng lại liên miên, như tiếng thì thầm dội lên từ lòng đất: “Jiszkadal, vöjszkadal”, đủ khiến tôi nhận ra chính là “Kaddis”, bài kinh cầu hồn của người Do Thái. Và nó hoàn toàn có thể cũng chỉ sự ương ngạnh, cố chấp, sau cùng, duy nhất mà có lẽ tôi không thể không nhìn nhận rằng hơi bắt buộc, có thể nói là áp đặt và theo một ý nghĩa nào đó là đã được xác định, đồng thời là phương cách vô ích của sự ương ngạnh (vì cũng chẳng có gì thay đổi ở phía trước: ngoại trừ vài cái quẫy đạp cuối cùng của những người bị treo cổ, không có gì chuyển động, không có gì rung chuyển theo những lời này); nhưng dẫu vậy, bằng cách nào đó tôi có thể hiểu cái cảm giác mà nhờ đó gương mặt của ông giáo sĩ có vẻ gần như nhẹ nhõm, từ sức mạnh của nó cả hai cánh mũi ông phập phồng khác thường. Như thể giây phút đã chờ đợi bao lâu giờ đây mới tới, cái giây phút chiến thắng mà ông đã nhắc, tôi nhớ, từ khi ở nhà máy gạch. Và đúng là cũng chỉ đến lúc này, tôi cũng không biết tại sao lần đầu tiên tôi có cảm giác thiếu hụt nhất định, lúc này lần đầu tiên tôi thấy hơi tiếc là mình không biết cầu nguyện - ít nhất là một vài câu - bằng tiếng Do Thái.
Nhưng cả sự ương ngạnh, cả cầu nguyện và bất cứ sự trốn chạy nào cũng không giải thoát tôi khỏi một điều: đó là cái đói. Ở nhà, tất nhiên tôi cũng đã từng đói - hay ít ra là tôi tin thế; tôi đã đói trong một nhà máy gạch, trên tàu hỏa, ở Auschwitz và cả Buchenwald nữa - nhưng cảm giác đói thế này, liên tục và kéo dài, phải nói là tôi chưa hề biết đến. Tôi đã biến thành một cái hố sâu, một vực thẳm nào đó, và mọi cố gắng của tôi đều hướng tới việc chấm dứt, lấp đầy, bịt miệng cái vực thẳm không đáy, càng lúc càng đòi hỏi này. Mắt tôi, toàn bộ tri giác tôi cũng là để làm việc này, việc này chỉ đạo mọi hành động của tôi, và nếu như tôi chưa ăn gỗ, sắt, hay đá sỏi, chỉ là vì không thể nhai nổi và tiêu hóa nổi những thứ đó. Nhưng tôi đã thử ăn cát, và nếu nhìn thấy cỏ, không khi nào tôi chần chừ - có điều đáng tiếc là tôi không nhìn thấy cỏ cả trong khu nhà máy và trong trại. Chỉ vì một nhánh hành nhỏ người ta đòi đổi hai lát bánh mì, và những người may mắn khấm khá hơn cũng bán một củ cải đường hay củ cải thường để lấy chừng ấy bánh mì, tôi thường thích loại sau hơn, vì chúng nhiều nước hơn và đa số kích thước cũng lớn hơn, mặc dù những người am hiểu thì cho rằng củ cải đường có giá trị hơn, chất lượng và bổ hơn, nhưng ai mà còn kén chọn nữa, dù chúng dai và có vị cay không dễ chịu lắm với dạ dày. Thành ra tôi tạm bằng lòng với chúng, và cũng có chút an ủi, vì ít ra là những người khác cũng ăn. Bữa trưa của lính gác bao giờ cũng được đưa vào nhà máy cho họ, và tôi không thể rời mắt khỏi những người này. Nhưng tôi có thể nói họ không mang lại cho tôi nhiều niềm vui: họ ăn nhanh, chẳng cần nhai, họ ăn ngấu nghiến, tôi thấy thực ra họ chẳng có khái niệm gì về việc họ đang làm. Một lần khác, lúc tôi ở cùng đội làm trong xưởng, và ở đây một tay thợ mở đồ ăn mà ông ta mang từ nhà đến, và - tôi nhớ - tôi đã nhìn rất lâu một bàn tay màu vàng nổi đầy gân đang lấy trong lọ thủy tinh dài ra những quả đỗ xanh, từng miếng một, thấy lóe lên một điều gì đó mong manh, có thể là chút hy vọng mơ hồ. Nhưng bàn tay gân guốc sần sùi (tôi nhìn rõ tất cả những vết sần, tất cả những động tác có thể thấy trước của bàn tay ấy) cứ đưa đi đưa lại tiếp tục giữa mồm ông ta và cái miệng chai. Sau một lúc ông ta quay lưng lại, chắc không cho tôi nhìn thấy, và tôi hiểu ra, tất nhiên ông làm thế vì tình người, dù lúc ấy tôi định bảo ông cứ tự nhiên tiếp tục đi, vì đối với tôi chỉ cần nhìn thấy cũng đã quá tốt rồi, chắc hẳn còn hơn không. Tôi mua đầy một cà mèn vỏ khoai tây gọt từ hôm trước, lần đầu tiên từ một người Phần Lan. Anh ta lôi ra trong giờ nghỉ ăn trưa, rất thoải mái, và may là hôm ấy Citrom Bandi không cùng đội với tôi để có thể phản đối. Anh ta đặt trước mặt một gói giấy rách nát, moi muối hạt từ đó ra, rồi từ từ, chậm rãi dùng đầu ngón tay đưa lên miệng nếm một chút xíu, trước khi hững hờ nói: “Bán đấy!”. Thông thường giá của nó là hai lát bánh mì hay một suất bơ thực vật, nhưng anh ta đòi nửa suất xúp buổi tối. Tôi thử mặc cả, tôi viện mọi lẽ, kể cả sự bình đẳng nữa. “Di bist nist ká jid, dbist á ségec, [“Mày không phải dân Do Thái, mày là một thằng dị giáo”], mày không phải dân Do Thái”, anh ta lắc đầu theo kiểu thường thấy của người Phần Lan - đầu gật gật. Tôi hỏi vặn anh ta: “Thế tại sao tôi lại ở đây?”. “Tao làm sao biết được?”, anh ta nhún vai. Tôi bảo anh ta: “Đồ Do Thái bẩn thỉu!”. “Có thế đi nữa tao cũng không bán rẻ đâu”, anh ta đáp. Cuối cùng tôi đã mua đúng bằng giá anh ta đòi, và không biết buổi tối anh ta từ đâu xuất hiện đúng vào lúc người ta chia xúp cho tôi, và cũng không biết làm sao anh ta biết trước bữa tối là món mì sợi nấu sữa.
Tôi có thể khẳng định rằng chỉ ở trong trại tập trung ta mới có thể hiểu đầy đủ một số khái niệm. Chẳng hạn nhân vật thường thấy trong các truyện kể ngốc nghếch thời niên thiếu của tôi là “anh chàng lang thang” hay “anh chàng nhà nghèo”, người đến xin phục vụ nhà vua để cầu hôn công chúa, và chàng rất sẵn lòng vì cái giá phải trả chỉ là bảy ngày. “Nhưng đối với ta bảy ngày là bảy năm!”, nhà vua nói với chàng trai; tôi cũng có thể nói đúng như thế về trại tập trung. Chẳng hạn tôi không bao giờ tin rằng mình có thể trở thành một người già lão tàn tạ nhanh đến thế. Ở bên nhà thì cần có thời gian, ít nhất là năm, sáu chục năm, để già, còn ở đây ba tháng cũng đủ để thân thể từ bỏ tôi. Tôi có thể công bố rằng không có điều gì khổ sở, ngám ngẩm hơn là ngày lại ngày quan sát thấy, ngày lại ngày nhận biết được ta lại bị hủy hoại, lụi tàn thêm bao nhiêu. Ở bên nhà, mặc dù cũng không dành nhiều sự chú ý đến nó, nhưng bình thường tôi hài lòng với cơ thể mình, tôi thích - nói thế nào nhỉ - cái bộ khung ấy. Tôi nhớ một chiều mùa hè, tôi nằm đọc cuốn tiểu thuyết hấp dẫn trong căn phòng mờ tối, bàn tay tôi vô tình vuốt ve làn da đùi nâu trơn bóng, căng ra bởi những cơ bắp khỏe mạnh. Gần đây cũng làn da ấy nhưng đã trở nên nhăn nheo, vàng vọt và khô héo, chỗ nào cũng thấy mưng mủ, thấy phủ đầy những đốm tròn nâu, rách nát, nứt nẻ, mụn nhọt, vảy cứng, ngứa ngáy, khó chịu, nhất là ở các kẽ ngón tay. “Ghẻ!”, Citrom Bandi gật gù xác nhận khi tôi chìa ra cho anh xem. Tôi chỉ ngây ra chứng kiến cái tốc độ, cái đà xuống dốc không phanh mà mỗi ngày lớp da bọc xương của tôi cứ hao khuyết, tan rữa, bay biến dần. Ngày nào cũng một bất ngờ mới, cũng nhận ra một khiếm khuyết mới, một dị tật xấu xí mới nào đó trên cái vật thể ngày càng xa lạ, đã có thời thân tình với tôi: đó là cơ thể mình. Tôi không thể nhìn nó mà không có một cảm giác đổ vỡ, một sự kinh tởm nào đó; vì thế sau một thời gian tôi đã không cởi quần áo để tắm rửa, không đếm xỉa đến mọi bứt rứt của bản thân với những nỗ lực thừa kiểu đó, với cái lạnh, rồi tất nhiên đối với cả việc tháo bỏ đôi giày của tôi nữa.
Vật dụng này, ít nhất đối với tôi, đã gây ra rất nhiều phiền toái. Nhìn chung tôi không thể hài lòng với số quần áo được trang bị trong trại tập trung, chúng ít tính tiện dụng và nhiều khiếm khuyết, thậm chí chúng trực tiếp trở thành nguyên nhân gây ra những khó chịu - tóm lại, có thể nói: chúng chẳng ra gì. Chẳng hạn khi trời lún phún mưa - trong thời tiết chuyển mùa, mưa rất dai dẳng - quần áo vải thô trở thành một ống cứng, mà lớp da nhạy cảm của chúng tôi kiểu gì cũng muốn tránh chạm vào - nhưng vô ích, tất nhiên rồi. Áo choàng tù phạm (thứ này được phát hành khá nhiều, phải công nhận như vậy) không có tác dụng gì, chỉ thêm trở ngại, một lớp ẩm ướt mới nữa mà theo tôi chẳng có gì xử lí được, ngay cả thứ giấy thô vỏ bao xi măng mà Citrom Bandi, như nhiều người khác, đã thó cho mình được một tấm mặc vào trong áo, bất chấp mọi mạo hiểm, vì tội này rất dễ bị phát hiện: chỉ cần một gậy đập lên lưng, một gậy nữa lên ngực, và tiếng kêu sẽ làm rõ ra tội trạng. Còn nếu nó đã không kêu nữa - thì xin hỏi - còn ích gì nếu cái chất liệu ướt nhão ra đã thành một cực hình mới đó, và lại chỉ có thể âm thầm giải thoát khỏi nó?
Nhưng khó chịu nhất, xin nói, là cái giày đế gỗ. Thật ra tất cả bắt đầu với bùn đất. Nhưng ngoài ra tôi có thể nói rằng về mặt này các khái niệm đã có cho tới lúc này của tôi chưa hoàn toàn đủ. Tất nhiên ở nhà tôi cũng đã thấy, thậm chí đã lội bùn - nhưng tôi chưa hề biết rằng có lúc bùn có thể sẽ là mối lo chính, là địa bàn hoạt động trong cuộc sống của chúng tôi. Ngập đến bắp chân trong bùn, rồi bằng mọi cố gắng, bằng một động tác rút đến chụt một cái giải thoát bàn chân ra khỏi bùn, và chỉ để lại dầm chân vào trong bùn, tất cả chỉ hai, ba mươi xăng ti mét về phía trước: tôi không được chuẩn bị trước cho việc này và nếu có chuẩn bị trước cũng vô ích. Mà về đôi giày đế gỗ thì té ra sau một thời gian gót nó bị gãy, khi đó chúng tôi đành phải đi trên một cái đế phía trước dày hơn và sau một điểm nhất định nó bỗng nhiên mỏng hẳn và hơi cong lên. Trên cái đế giày như thế, chúng tôi cứ gật gù như những con lật đật. Hơn thế nữa ở chỗ đã từng có đế giày, khe hở giữa phần gót giày và đế càng ngày càng toác ra, qua đó cứ sau mỗi bước chân là bùn lạnh, sỏi vụn, đủ loại hạt sắc lạnh thoải mái chảy vào. Trong khi đó gót giày đã làm trầy hết mắt cá chân, và gây ra nhiều vết thương ở phần mềm phía dưới. Các vết thương này - theo đặc tính của chúng - sẽ rỉ nước, nước rỉ ra dấp dính và thế là sau một thời gian chúng tôi không làm cách nào giải thoát được khỏi đôi giày, không thể tháo ra nổi, nó cứ dính chặt vào chân như một bộ phận của cơ thể, cứ như là nó mọc ra từ bàn chân mình vậy. Tôi mang nó ban ngày, mang nó cả khi đi ngủ, chỉ để khỏi phải mất thời gian khi thức dậy, hoặc chính xác hơn là khi ban đêm phải nhảy từ chỗ nằm đến hai, ba, thậm chí có khi bốn lần. Vào ban đêm thì không sao: khó nhọc, vấp ngã, trượt bò trên bùn lầy bên ngoài, nhưng rồi dưới ánh sáng của các ngọn đèn pha chúng tôi cũng mò tới đích. Nhưng làm thế nào vào ban ngày, làm sao nếu ngay khi đang làm việc cơn tháo dạ ập đến, không thể tránh khỏi được? Những lúc như thế người ta lấy hết can đảm, bỏ mũ xuống và xin phép người lính gác: “Gehorsamt zum Abort, [“Gehorsamt zum Abort” (tiếng Đức): “Xin phép đi nhà vệ sinh”] tất nhiên với giả thiết ở gần đó có buồng mà tù phạm cũng có thể sử dụng. Nhưng giả dụ là có, giả dụ người lính gác tốt bụng và cho phép một lần, cho phép lần thứ hai nữa: nhưng tôi thử hỏi ai còn đủ liều lĩnh, còn đủ can đảm để thử thách lòng kiên nhẫn của người lính gác lần thứ ba? Những lúc như thế chỉ còn lại cuộc đấu tranh thầm lặng, hai hàm răng nghiến răng vào nhau, hai bên hông run rẩy thót lại, đến khi thử thách ngã ngũ, và cuối cùng hoặc cơ thể ta, hoặc ý chí ta sẽ chiến thắng.
Và như một phương cách cuối cùng - biết trước hay bất chợt - cố tình hay né tránh, là chịu đòn - ở mọi lúc mọi nơi. Tất nhiên tôi cũng được dự phần nào vào những trận đòn, không hơn nhưng cũng không kém mức bình thường, một cách trung bình, thông thường, như bất kỳ ai trong chúng tôi, đơn thuần là tương ứng với những điều kiện thông thường của trại chúng tôi. Điều khác biệt có thể chỉ là, nếu tôi cần phải nói ra: thì đó là trong điều nói trên thực chất tôi bị đánh không phải bởi một nhân vật SS - nói thế nào nhỉ - dẫu sao cũng chuyên trách, hay đúng hơn là được ủy nhiệm, hay bắt buộc làm việc này, mà bởi một gã mang tên “Todt” nào đó có hành tung mập mờ - như tôi nghe nói - một lính áo vàng của bộ phận kiểu như giám sát công việc. Gã có mặt ngay ở đó - kèm theo một tiếng hét, một cú nhảy dài mau lẹ - chỉ vì tôi đã đánh rơi một bao xi măng. Giờ đây, công việc vác xi măng được bất cứ đội lao động nào chào đón - đúng là vậy, theo kinh nghiệm của tôi - với sự hân hoan chỉ dành cho những dịp hiếm có, gần như không thể thú nhận ngay cả giữa chúng tôi với nhau. Anh cúi thấp đầu xuống, một ai đó đặt lên cổ anh một bao, anh lặc lè vác bao xi măng ấy tới xe tải, đến đây một người nào đó nhấc bao xuống, rồi anh quay lại theo một đường vòng rộng mà giới hạn được xác định bởi các khả năng tức thời, và trong trường hợp may mắn thì còn có những người đứng trước anh, nghĩa là lại bớt xén thêm được chút thời gian cho tới bao tiếp theo. Cái bao vỏn vẹn cũng chỉ khoảng mươi, mười lăm ký - trong những điều kiện ở nhà thì nó như trò trẻ con, có khi còn chơi đá bóng với nó được, nhưng ở đây tôi đã vấp, đã đánh rơi nó xuống đất. Tệ hơn là cái vỏ bao giấy đã bị nứt, và qua kẽ nứt thứ vật liệu giá trị trong bao, xi măng quý giá, chảy ra đất. Gã đã ở sát bên cạnh, tôi cảm thấy quả đấm của gã trên mặt làm tôi ngã vật ra đất, cảm thấy mũi ủng của gã đá vào mạng sườn, thấy tay gã bóp cổ, dúi mặt tôi xuống đất, vào đống xi măng: hãy vét lên, cào lên, liếm đi - như gã mong muốn một cách rồ dại. Rồi gã lôi tôi đứng dậy; gã sẽ dạy cho tôi biết: “Dir werde ich’s zeigen? Arschloch, Scheisskerl, verflucter Judehund”, [(tiếng Đức: “Tao sẽ cho mày biết tay, đồ khốn kiếp, đồ đê tiện, đồ Do Thái chó chết] rằng tôi sẽ không đánh rơi thêm một bao nào nữa, gã hứa. Từ giờ phút đó trở đi chính gã chất từng bao xi măng mới lên cổ tôi, ánh mắt gã chỉ dõi theo mình tôi trên đường đến chiếc xe tải và quay lại, và gã gọi tôi lên trước ngay cả khi lẽ ra theo hàng đúng ra phải đến lượt những người khác. Cuối cùng đã đến mức như tôi và gã chơi trò chơi với nhau, cả hai đã biết nhau, tôi thấy trên mặt gã một sự mãn nguyện, sự khích lệ nào đó, chứ chưa muốn nói là vẻ kiêu hãnh, và từ một góc độ nào đó tôi phải công nhận gã hoàn toàn có lý; dù loạng choạng, dù cúi gập người xuống, dù tối sầm mắt mũi lại, nhưng tôi vẫn trụ được, vẫn đi lại, vẫn khuân vác trên lưng mà không hề đánh rơi một bao nào, và xét cho cùng điều đó - phải công nhận - đã chứng minh gã đúng. Mặt khác, cũng từ cuối ngày hôm đó tôi cảm thấy một điều gì đó đã đổ vỡ không thể cứu vãn nổi trong tôi, từ đó mỗi sáng thức dậy tôi đều tin rằng đó là buổi sáng cuối cùng mình còn thức dậy nổi, sau mỗi bước chân tôi đều tin rằng mình không bước thêm nổi một bước nữa, sau mỗi cử động tôi đều tin rằng mình không thực hiện nổi thêm một cử động nào hết; thế nhưng rồi, sau đó tôi vẫn thực hiện bao nhiêu lần nữa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét