Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 3

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

3

Hôm sau xảy ra với tôi một việc hơi lạ. Buổi sáng tôi dậy đúng giờ, cũng như mọi khi, tôi đi đến chỗ làm việc. Có vẻ trời sẽ nóng, và hôm nay xe bus cũng nêm chật ních người. Chúng tôi đã rời khỏi những căn nhà ở ngoại vi thành phố, và đã đi qua một cây cầu ngắn chơ vơ dẫn sang đảo Csepel, từ đây con đường chạy qua một khoảng trống, những cánh đồng, bên trái là những mái thấp nom như nhà để máy bay, bên phải là vườn tược xen lẫn nhà kính nằm rải rác. Sự việc diễn ra ở đoạn đường này: xe bus phanh đột ngột, rồi từ phía ngoài tôi nghe thấy loáng thoáng một giọng nói như ra lệnh, sau đó người soát vé và vài hành khách truyền miệng đến tôi rằng nếu trong xe có hành khách là người Do Thái, hãy bước xuống. Được thôi, tôi nghĩ, chắc họ muốn kiểm tra giấy phép trước khi qua địa giới thành phố.
Đúng thế, trên quốc lộ, đứng đối diện với tôi là một cảnh binh. Không nói gì, tôi chìa ngay tấm thẻ chứng nhận. Nhưng trước hết bằng một động tác vẫy tay nhẹ, anh ta ra hiệu cho xe bus tiếp tục chạy. Tôi đã tưởng anh ta không nhận ra cái thẻ chứng nhận, và đang định giải thích cho anh ta thấy tôi làm việc trong binh xưởng, và rõ ràng tôi không có thời gian; đúng lúc ấy thì bọn con trai - cùng làm trong xưởng Shell - ầm ĩ vây quanh tôi trên mặt đường. Chúng từ sau một bờ cao ùa tới. Hóa ra chúng bị tay cảnh binh chặn lại từ chuyến xe trước, và chúng cười vì tôi cũng đã tới. Cả viên cảnh binh cũng hơi mỉm cười, cứ như anh ta cũng gián tiếp can dự vào trò đùa vui này không bằng. Tôi nhận ra ngay anh ta không ghét bỏ gì chúng tôi, dĩ nhiên chẳng có lý do nào. Dù sao tôi vẫn hỏi lũ bạn xem có chuyện gì, nhưng trước mắt chúng cũng chẳng biết gì hơn.
Sau đó viên cảnh binh còn chặn tiếp những xe bus khác đi ra từ phía thành phố bằng cách bước ra đứng trước đầu xe cách một khoảng nhất định, với bàn tay lia lên ngang mặt, còn chúng tôi thì anh ta bắt nấp sau bờ đất. Hoạt cảnh này lặp đi lặp lại nhiều lần như thế: mọi người mới đến đều bị bất ngờ, sau đó là một trận cười. Viên cảnh binh có vẻ hài lòng. Tất cả mất chừng một phần tư giờ. Một sáng mùa hè trong lành, bên bờ đất, khi nấp xuống, chúng tôi cảm thấy ánh nắng đã sưởi ấm mặt cỏ. Xa xa sau làn sương xanh mờ, nhìn rõ những bể chứa lớn của xưởng dầu. Phía sau là những ống khói nhà máy, xa hơn nữa thấy thấp thoáng một gác chuông nhà thờ có chóp nhọn. Từ các xe bus, từng nhóm hoặc có khi chỉ một gã con trai bước xuống. Trong số mới xuống có cả cậu bé rất được quý mến nhanh nhẹn, mặt tàn nhang, tóc cắt ngắn tủa ra như bàn chải, “thợ làm đồ da” - như mọi người vẫn gọi cậu, vì khác với những đứa kia đến từ các trường học, cậu ta đã lựa chọn nghề này. Sau đó là một đứa nghiện thuốc, gần như không khi nào thấy cậu ta rời điếu thuốc. Đúng là hầu hết những đứa khác đều hút, và để theo kịp chúng, mới đây tôi cũng đã hút thử; nhưng tôi thấy cậu ta thì khác, gần như cậu ta theo đuổi thói quen này với sự thèm khát cháy bỏng. Mắt cậu ta cũng lạ, ánh mắt như lên cơn sốt. Cậu ít nói và tính tình có vẻ khó gần; cậu không được bọn con trai ưa lắm. Mặc dầu vậy, có lần tôi vẫn hỏi xem cậu mê gì trong khói thuốc mà đốt nhiều thế. Cậu chỉ đáp cụt ngủn, “Thuốc rẻ hơn đồ ăn”. Tôi hơi kinh ngạc, vì tôi không thể nghĩ đến lý do này. Nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn bởi cái nhìn giễu cợt, một thái độ gần như khinh thị, khi cậu ta nhận ra sự lúng túng của tôi; tôi cảm thấy khó chịu và không hỏi thêm gì nữa. Giờ đây tôi đã hiểu hơn sự dè dặt của đám con trai đối với cậu. Sau đó lại nghe tiếng hò reo thoải mái hơn chào đón một gã trai khác: tất cả các bạn thân thiết đều gọi cậu là “chàng trai lụa”. Tôi cảm thấy cách gọi này rất trúng, vì mái tóc đen mượt bóng, đôi mắt to màu xám, và nhìn chung ở cậu toát ra vẻ mềm mại đáng yêu; chỉ sau này tôi mới biết trên thực tế biệt hiệu này còn mang một ý nghĩa khác, mà chủ yếu vì thế mọi người gán nó cho cậu, chẳng là ở nhà cậu ta khá khéo xoay xở trong đám con gái. Một chuyến xe bus đưa cả “Rozi” tới, tên thật cậu ta là Rozenfeld, nhưng tất cả đều gọi tắt như thế. Vì một lẽ nào đó cậu rất có uy tín trong đám con trai, trong những vấn đề cùng quan tâm, chúng tôi thường hay dựa vào quan điểm của cậu; cũng chính cậu hay đại diện chúng tôi đến gặp ông thợ cả. Nghe đâu cậu đang học trường thương nghiệp. Một chàng trai giỏi giang, dù với gưong mặt hơi quá dài, với mái tóc vàng lượn sóng, với đôi mắt nhỏ nhìn thẳng, màu xanh như nước, cậu làm người ta nhớ đến những bức tranh cổ trong bảo tàng, bên dưới đề dòng chữ “Hoàng tử và con chó” hay đại loại thế. Cả Moskovics cũng đã tới, một anh chàng nhỏ thó, khuôn mặt thiếu cân đối, có thể nói là xấu xí, với cái mũi to hơi hếch kèm thêm cặp mắt kính dày như đít chai - giống của bà nội tôi, và lần lượt những đứa khác. Nhìn chung, ý kiến của cả bọn cũng gần giống cách nhìn của tôi: toàn bộ vụ này có vẻ hơi bất thường, nhưng hẳn là có sự nhầm lẫn hay một cái gì đại loại như thế. Sau khi được mấy đứa cổ vũ, “Rozi” đã đến hỏi viên cảnh binh: liệu việc chúng tôi đến chỗ làm muộn có gây phiền toái gì không, và khi nào anh ta định cho chúng tôi đi làm công việc của mình. Viên cảnh binh không hề bực mình vì câu hỏi, nhưng anh ta bảo, việc này không tùy thuộc vào bản thân anh ta hay vào quyết định của anh ta. Hóa ra anh ta cũng chẳng biết nhiều hơn chúng tôi bao nhiêu: anh ta nhắc đến việc “chờ lệnh tiếp theo” nào đó sẽ thay thế lệnh cũ, theo đó trước mắt cả anh ta, cả chúng tôi đều phải chờ - đại thể anh ta giải thích thế. Tất cả mặc dù không hoàn toàn rõ ràng, nhưng về cơ bản - theo nhìn nhận của chúng tôi - có vẻ chấp nhận được. Hơn nữa chúng tôi có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của cảnh binh. Và chúng tôi cũng dễ dàng chấp nhận hơn, trong tay có thẻ chứng nhận, cũng như có con dấu của binh xưởng, chúng tôi không thấy có lý do gì phải lo ngại vì viên cảnh binh, đó là chuyện dễ hiểu. Còn anh ta thì cho rằng - theo lời anh ta - anh đang đứng trước những “chàng trai thông minh” anh còn nói thêm: anh hy vọng tới đây chúng tôi sẽ vẫn “có kỷ luật” như đến giờ phút này; tôi cảm thấy anh ta có vẻ khoái chúng tôi.
Đã bảy giờ, trong xưởng dầu lúc này công việc đã bắt đầu. Không còn gã trai nào đến theo các chuyến xe bus nữa, và viên cảnh binh hỏi có ai vắng mặt trong số chúng tôi không. “Rozi” đếm số có mặt và báo với anh ta là chúng tôi đã đủ. Khi đó viên cảnh binh cho rằng dù sao chúng tôi cũng đừng đứng chờ ở đây, ven đường quốc lộ. Nom anh ta có vẻ lo lắng, và tôi có cảm giác anh ta cũng không chuẩn bị để đón chúng tôi, giống như chúng tôi bất ngờ trước sự có mặt của anh. Anh ta thậm chí còn hỏi: “Tôi biết làm gì với các cậu đây?” và dĩ nhiên chúng tôi không giúp được anh ta trong việc này. Chúng tôi vui vẻ vây quanh anh ta, cười nói, chẳng khác gì vây quanh thầy giáo trong một chuyến đi dã ngoại, anh ta đứng giữa đám đông, lúc lúc lại đưa tay lên xoa cằm với vẻ lưỡng lự. Cuối cùng anh ta đề nghị chúng tôi vào ngôi nhà của sở thuế quan.
Chúng tôi theo anh vào một ngôi nhà cũ tróc lở, trơ trọi, một tầng, đứng ngay gần quốc lộ; đó chính là “Sở Thuế Quan”, đúng như dòng chữ trên một tấm biển rách nát treo phía ngoài. Viên cảnh binh lấy ra một chùm chìa khóa, và lựa một chiếc vừa ổ khóa. Bên trong là một không gian mát mẻ, rộng rãi, tuy hơi trống trải, vài chiếc ghế băng đặt quanh một cái bàn dài cũ kỹ. Viên cảnh binh còn mở thêm cánh cửa khác vào một phòng nhỏ hơn, có vẻ như một văn phòng. Nhìn qua khe hở trên cánh cửa, tôi thấy căn phòng trải thảm, có bàn viết bên trên đặt điện thoại. Chúng tôi nghe thấy viên cảnh binh gọi điện, rất ngắn, nhưng không nghe rõ anh ta nói gì. Nhưng tôi nghĩ có lẽ anh ta thử hỏi mệnh lệnh của cấp trên, vì khi ra (anh ta đã cẩn thận khóa kín cửa) anh ta bảo: “Không có gì cả. Vô ích. Phải chờ thôi”. Anh ta động viên chúng tôi cứ nghỉ ngơi thoải mái. Anh ta còn hỏi chúng tôi có biết trò chơi tập thể nào không. Một đứa, nếu tôi nhớ không nhầm là tay “thợ làm đồ da”, đề xuất trò chơi “đuổi bắt”. Nhưng viên cảnh binh không thích trò này, anh ta bảo, với “những chàng trai thông minh thế này”, anh ta tưởng chúng tôi phải có trò gì hay hơn thế. Anh ta còn nói đùa với chúng tôi một lúc, khi đó tôi có cảm giác anh ta đang cố gắng giải khuây cho chúng tôi để chúng tôi không có thời gian vô kỷ luật, như anh ta đã nhắc tới ngoài đường; nhưng anh ta hơi non kém trong chuyện này. Chẳng bao lâu sau anh ta bỏ mặc chúng tôi, sau khi bảo phải ra ngoài có việc. Khi anh ta ra, chúng tôi nghe tiếng khóa cửa từ phía ngoài.
Tôi không biết kể gì nhiều về những việc diễn ra sau đó. Có vẻ như chúng tôi còn phải đợi lệnh lâu. Nhưng về phần mình, chúng tôi thấy chẳng có gì phải vội: xét cho cùng chúng tôi đâu có mất thời gian của chúng tôi. Cả bọn đều nhất trí: ở trong chỗ mát mẻ thế này còn thoải mái hơn phải lao động toát mồ hôi. Ngoài xưởng dầu hầu như không có bóng mát. “Rozi” đã xin ông thợ cả cho lũ chúng tôi cởi áo. Đúng là việc này không phù hợp với những điều ghi trong quy định, vì như thế sẽ không thấy ngôi sao vàng trên người chúng tôi, nhưng vì tốt bụng, ông thợ cả vẫn đồng ý. Chỉ có nước da trắng bóc như giấy của Moskovics là hơi khổ, vì chẳng mấy chốc lưng cậu ta đã đỏ như tôm rang, và chúng tôi cười thoải mái vì những vết dài mờ mờ trên vai, do da cậu bị tróc đi từng mảng.
Thế là cả bọn nằm ngồi ngả ngớn trên những chiếc ghế băng hay ngay trên nền nhà, nhưng tôi thật khó nói chúng tôi đã giết thời gian bằng cách nào. Dẫu sao cũng được nghe vô khối chuyện tiếu lâm; thuốc lá, rồi các gói đồ ăn cũng được lôi ra. Chúng tôi còn nhắc đến ông thợ cả, chắc hẳn sáng nay ông rất ngạc nhiên không hiểu sao chúng tôi không đi làm. Các đinh đóng móng ngựa cũng được đưa ra chơi trò “Jacks”*. Trò chơi này tôi học được từ bọn con trai ở đây: mỗi người chơi sẽ ném một chiếc đinh lên cao và người thắng là người nhặt được nhiều đinh ở trước mặt mình nhất trong khoảng thời gian cần để bắt được chiếc đinh đầu tiên. “Chàng trai lụa”, với những ngón tay dài mảnh dẻ, đã thắng tất cả các ván. Còn “Rozi” thì dạy chúng tôi một bài hát mà chúng tôi đã hát đi hát lại nhiều lần. Điều thú vị là lời bài hát có thể chuyển thành ba thứ tiếng, nếu thêm đuôi es là thành tiếng Đức, thêm đuôi io là thành tiếng Ý, thêm đuôi taki là thành tiếng Nhật. Dĩ nhiên tất cả chỉ là những trò vớ vẩn, nhưng tôi vẫn thấy thích thú.
Sau đó tôi thấy có cả những người lớn tuổi. Họ cũng do viên cảnh binh đưa vào từ các chuyến xe bus như chúng tôi. Vậy là tôi hiểu, khi bỏ chúng tôi lại đây, anh ta ra quốc lộ, và làm đúng công việc mà buổi sớm anh ta đã làm. Dần dần đã tập trung được khoảng sáu, bảy người, toàn là nam giới. Nhưng tôi thấy những người này gây cho viên cảnh binh nhiều việc hơn: họ không chịu hiểu, họ lắc đầu, giải thích, chìa chứng minh thư, xoay anh ta bằng hàng loạt câu hỏi. Họ hỏi cả chúng tôi: chúng tôi là những ai, là loại người gì? Nhưng rồi họ chỉ trò chuyện với nhau, chúng tôi nhường cho họ vài chiếc ghế, họ ngồi túm tụm hoặc đứng quanh những chiếc ghế. Họ nói đủ thứ chuyện, nhưng tôi không chú ý đến họ lắm. Chủ yếu họ thử đoán xem lý do việc làm của viên cảnh binh có thể là gì, và sự kiện này có thể kéo theo những hậu quả ra sao đối với họ, mà như tôi nghe được, thì về chuyện này ý kiến của họ mỗi người mỗi khác. Tóm lại, tôi thấy các ý kiến chủ yếu phụ thuộc vào việc họ được cấp loại giấy tờ gì, theo tôi hiểu thì tất nhiên mỗi người đều có một loại giấy tờ nào đó để ra đảo Csepel, người có việc riêng, người thì đi làm việc công ích như chúng tôi.
Tôi cũng đã ghi nhận được vài khuôn mặt thú vị hơn. Chẳng hạn tôi thấy một người trong số họ không tham gia câu chuyện; từ khi mới vào ông chỉ đọc một cuốn sách, có vẻ như ông đã đem theo người. Đó là một người cao, gầy, mặc áo khoác dài màu vàng, trên khuôn mặt râu ria xồm xoàm, giữa hai nếp nhăn hằn sâu là cái miệng rộng. Ông chọn cho mình chỗ ngồi ở đầu mút một chiếc ghế đẩu, cạnh cửa sổ, hai chân bắt tréo nhau, nửa quay lưng lại với những người khác: có thể đó là lý do ông làm tôi liên tưởng tới một hành khách đã quen đi khoang riêng trên toa xe lửa, nên coi mọi lời nói, câu hỏi hoặc màn làm quen thông thường của người bạn đường tạm thời đều là vô nghĩa, và chịu đựng sự chờ đợi với vẻ chán ngán, chừng nào chưa tới đích - ít nhất ông đã gây cho tôi ấn tượng như vậy.
Tôi chú ý ngay đến một người đàn ông vẻ ngoài tươm tất, đứng tuổi hơn, tóc hai bên thái dương chớm bạc và hói trên đỉnh đầu ngay từ khi ông mới đến, lúc gần trưa: khi viên cảnh binh đưa vào, ông tỏ ra rất bực mình. Ông hỏi ở đây có điện thoại không, và ông “có thể sử dụng hay không”. Nhưng viên cảnh binh bảo ông: rất tiếc, điện thoại “chỉ được sử dụng vào mục đích công vụ”, thế là ông cau có nhăn mặt, rồi im lặng. Sau đó, từ những câu đáp rất kiệm lời cho các câu hỏi của những người khác, tôi được biết rằng cũng như chúng tôi, ông làm việc trong một nhà máy nào đó trên đảo Csepel, ông bảo mình là “chuyên gia”, nhưng không nói cụ thể hơn. Nom ông có vẻ rất tự tin và tôi có thể nói, ông nhìn nhận sự việc đại thể là giống chúng tôi, cái khác là ông có vẻ bất mãn vì bị giữ lại đây. Tôi thấy ông luôn có vẻ coi thường khi nói về viên cảnh binh. Theo ông, viên cảnh binh “nhận được một mệnh lệnh chung chung nào đó” và có lẽ anh ta “đã thực hiện quá hăng hái”. Nhưng ông cho rằng, rõ ràng rồi “các nhà chức trách” sẽ xử lý vụ này, và ông hy vọng, ông nói thêm, điều đó sẽ sớm xảy ra. Sau đó tôi không nghe ông nói nữa, và cũng quên bẵng ông. Chỉ đến tầm chiều ông mới lại làm tôi chú ý, nhưng lúc đó tôi đã mệt, và chỉ nhận thấy ông rất sốt ruột: hết ngồi xuống, lại đứng lên, khi khoanh tay trước ngực, lúc chắp tay sau lưng, chốc chốc lại liếc đồng hồ.
Rồi còn một ông vóc người nhỏ bé nom rất kỳ quặc, có cái mũi khá khác thường, khoác chiếc ba lô to kềnh, mặc đồ “chơi golf”, đi giày cao cổ quá cỡ, ngay cả ngôi sao vàng ông đeo cũng có vẻ to hơn bình thường. Một người đầy những lo âu. Ông than vãn với tất cả mọi người về “sự rủi ro” của mình. Tôi gần như thuộc làu câu chuyện của ông, vì nó cũng đơn giản và ông đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ông định đi thăm bà mẹ “ốm to” ở Csepel, ông kể. Ông đã xin nhà chức trách cấp giấy phép riêng; ông có đem theo đây và chìa ra cho mọi người xem. Giấy phép có hiệu lực đến hai giờ chiều nay. Nhưng giữa chừng đột nhiên ông lại có một việc, ông bảo, “không thể trì hoãn” - “vì công chuyện” ông nói thêm. Nhưng ở chỗ công đường đông người quá, ông chờ rất lâu mới đến lượt. Ông bảo tưởng đã phải hủy chuyến đi. Nhưng rồi ông vẫn leo lên tàu điện để tới bến xe bus cuối. Nhưng giữa đường ông đã tính toán thời gian cả đi lẫn về đối chiếu với thời hạn cho phép, và ông tính đi như thế thì thật mạo hiểm. Đến bến xe bus cuối, ông thấy chuyến xe buổi trưa vẫn còn đậu đó. Thế là - ông cho chúng tôi biết - ông đắn đo: “Mình đã mất bao công sức vì cái mảnh giấy cỏn con này! Hơn nữa”, ông nói thêm, “bà cụ đáng thương cũng đang mong”. Ông còn bảo hai vợ chồng ông đến vất vả vì bà cụ. Từ lâu họ đã khẩn khoản mời bà cụ chuyển về ở với họ trong thành phố. Nhưng bà cụ cứ lần lữa mãi, cho đến giờ thì đã muộn. Ông lắc lắc đầu liên tục, vì theo ý ông, bà cụ cứ khư khư giữ lấy ngôi nhà “bằng mọi giá”. “Mà cái nhà có tiện nghi gì cho cam”, ông than thở. Nhưng, ông tiếp tục, mình là con thì phải hiểu cho bà cụ. Khổ thân bà cụ, già rồi lại đau ốm. Ông bảo có lẽ ông “không khi nào tha thứ được” cho mình, nếu ông bỏ qua dịp này. Và thế là ông cứ trèo lên xe bus. Kể đến đây ông dừng lại một phút. Ông giơ tay lên rồi lại từ từ buông tay xuống, động tác vu vơ, trên trán ông cả ngàn nếp nhăn như những dấu hỏi, nom ông đau buồn, như một con thú gặm nhấm sa chân vào cạm bẫy. “Các vị nghĩ sao?”, sau đó ông hỏi mọi người. Vụ này liệu rồi có gì rắc rối không? Liệu họ có lưu ý đến việc giấy phép quá hạn không phải là lỗi tại ông? Rồi mẹ ông, ông băn khoăn, ông đã báo cho bà cụ biết ông sẽ đến thăm bà sẽ nghĩ thế nào, rồi ở nhà vợ ông và hai đứa bé sẽ ra sao nếu sau hai giờ ông không về đến nhà? Qua ánh mắt ông, tôi nhận ra, chủ yếu ông chờ ý kiến hay lời tuyên bố từ vị “chuyên gia” bề ngoài khả kính đã nói tới ở trên cho những câu hỏi vừa nêu. Tuy nhiên tôi thấy người kia không chú ý đến ông lắm: ông ta vừa rút ra một điếu thuốc, và giờ đây đang gõ gõ đầu điếu thuốc lên nắp cái hộp đựng thuốc lấp lánh ánh bạc, có khắc nổi mấy chữ cái và vạch kẻ. Nét mặt ông đăm chiêu và có vẻ như ông đang suy nghĩ gì lung lắm, có khi ông chẳng nghe được tẹo nào từ câu chuyện. Thế là ông nhỏ người lại quay về với sự rủi ro của mình; giá như ông chỉ đến bến xe bus chậm hơn năm phút, thì ông đã không kịp đi chuyến xe bus buổi trưa; giá không kịp chuyến xe ấy thì ông đã không chờ chuyến xe sau; và như thế nghĩa là - cứ cho là “chỉ chênh nhau có năm phút” - thì bây giờ ông “đã không ngồi ở đây, mà đang ở nhà với vợ con”, ông cứ đay đi đay lại mãi.
Tôi còn nhớ cả một người có khuôn mặt như hải cẩu: to béo, để ria mép đen, dày và đeo kính mũi gọng vàng, liên tục muốn “thưa chuyện” với viên cảnh binh. Tôi còn chú ý cả tới chuyện ông luôn cố ý làm việc đó hơi cách xa mọi người, trong một góc nhà hay bên cửa ra vào. “Thưa ngài”, - thỉnh thoảng tôi nghe thấy giọng rè rè của ông, “liệu tôi có thể thưa chuyện với ngài?”.
Hay: “Ngài sĩ quan, tôi chỉ xin ngài một phút, nếu có thể được.... Cuối cùng viên cảnh binh cũng hỏi xem ông muốn gì. Lúc đó lại thấy ông ngập ngừng. Ông ngước cặp kính mũi nghi ngại nhìn xung quanh. Và mặc dù khi đó họ đứng ở một góc nhà cách tôi khá gần, nhưng tôi không nghe được ông lẩm bẩm cái gì: ông đang muốn khẳng định một điều gì đó. Rồi trên mặt ông hiện lên một nụ cười có vẻ tin cậy và thân thiện. Cùng lúc đó lần đầu tiên ông hơi xích lại gần, rồi từng tí một ông ngả hẳn đầu vào viên cảnh binh. Đồng thời, tôi thấy ông có một cử chỉ lạ. Tôi không thật rõ ông định làm gì, thoạt tiên tôi tưởng ông định cho tay vào túi trong để lấy một thứ gì đó. Tôi còn nghĩ chắc ông muốn trình cho viên cảnh binh một thứ giấy tờ, hay một loại thẻ đặc biệt nào đó. Tôi hoài công chờ mãi không thấy ông rút gì ra, vì cuối cùng cử chỉ này dừng lại giữa chừng. Nhưng ông cũng không thôi hẳn, đúng hơn là ông chỉ bỗng nhiên dừng lại, như quên mình đang định làm gì, và đúng lúc cao trào thì ông bỏ lửng. Thế là cuối cùng bàn tay ông chỉ rà nắn bên ngoài, phía ngang ngực, như một con nhện lớn lông thưa, hay như một loài quái vật biển đang lần tìm khe hở để chui vào trong áo khoác của ông. Trong khi đó ông vẫn nói liên tục, trên mặt vẫn giữ nụ cười kia. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng vài giây. Rồi tôi thấy viên cảnh binh bằng một động tác dứt khoát, nhanh chóng kết thúc câu chuyện, thậm chí tôi thấy anh ta có vẻ khó chịu; đúng là tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện, dường như hơi khó xác định, nhưng cách hành xử của ông theo tôi cũng có vẻ đáng ngờ.
Những gương mặt và sự kiện khác thì tôi không còn nhớ lắm. Hơn nữa, thời gian càng trôi đi, các quan sát kiểu này của tôi càng thiếu rõ nét. Tôi có thể nói thêm rằng đối với lũ con trai chúng tôi, viên cảnh binh vẫn tỏ ra dễ chịu. Nhưng với mấy người lớn, tôi nhận thấy, dường như anh ta kém thân thiện hơn. Về chiều, cả anh ta cũng đã có vẻ mỏi mệt. Anh ta thường ngồi nghỉ với chúng tôi hay vào trong văn phòng, chẳng để ý đến những chiếc xe bus chạy qua nữa. Tôi nghe thấy anh ta thử gọi điện thoại vài lần, thỉnh thoảng còn thông báo kết quả: “Vẫn chưa có gì!”, nét mặt lộ rõ vẻ bực bõ. Tôi còn nhớ một tình tiết nữa. Trước đó một lát, lúc sau buổi trưa: một anh bạn - một cảnh binh khác - đến thăm anh ta bằng xe đạp. Anh kia dựa xe đạp vào bức tường phía trước, rồi cả hai vào văn phòng cẩn thận đóng kín cửa. Một lúc lâu sau họ mới bước ra. Khi chia tay họ còn đứng trước cửa nắm tay nhau mãi. Họ không nói, nhưng gật đầu và nhìn nhau theo cách như ngày xưa thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những bạn hàng nhìn nhau trong văn phòng của cha tôi, sau khi đã trao đổi với nhau về tình hình khó khăn, về việc buôn bán yếu kém thế nào. Tất nhiên, phải công nhận rằng điều đó khó có thể diễn ra giữa hai viên cảnh binh, nhưng vẻ mặt họ vẫn gợi cho tôi nhớ đến kỷ niệm kia, cũng sự lo lắng, chán chường ấy, cũng vẻ cam chịu bắt đắc dĩ ấy - về sự an bài không thể thay đổi được của mọi việc. Nhưng tôi bắt đầu thấm mệt, suốt từ đó đến cuối tôi chỉ còn nhớ mình thấy nóng quá, thấy chán và hơi buồn ngủ nữa.
Tựu trung lại, có thể nói, đã hết một ngày. Cuối cùng thì cũng có lệnh, khoảng vào lúc bốn giờ chiều, đúng như viên cảnh binh đã hứa. Theo lệnh, chúng tôi phải đi đến chỗ “cấp trên” để xuất trình giấy tờ, viên cảnh binh thông báo với chúng tôi. Về phía anh ta, thì đã được thông báo qua điện thoại, vì trước đó chúng tôi nghe thấy tiếng sắp xếp hối hả như chuẩn bị có một sự thay đổi nào đó trong phòng anh ta: tiếng chuông điện thoại gióng giả như thúc giục, sau đó anh ta cũng tìm ai đó, và xử lý nhanh gọn vài việc qua điện thoại. Viên cảnh binh còn bảo anh ta cũng không được thông báo chính xác, nhưng theo anh ta chỉ có thể là chuyện thủ tục ngắn gọn, ít nhất là xét ở góc độ pháp luật đối với những vụ rõ ràng và không có nghi vấn gì như trường hợp của chúng tôi.
Các toán người xếp hàng ba, cùng lúc đi ngược về phía thành phố, từ tất cả những điểm nằm trên đường biên quanh vùng - đấy là khi đi ngang đường tôi mới biết. Chẳng là khi qua cầu, tại chỗ ngoặt hay ngã giao nhau, chúng tôi gặp các toán người khác, đông có, ít có, gồm những người đeo sao vàng với một, hai, thậm chí có toán có tới ba cảnh binh đi cùng. Trong một toán như vậy tôi nhận ra cả viên cảnh binh đi xe đạp lúc nãy. Tôi còn nhận thấy các cảnh binh lúc này chào nhau bằng những câu ngắn kiểu nghề nghiệp, cứ như họ đã tính trước đến các cuộc gặp gỡ này, và lúc đó tôi mới hiểu rõ hơn ý nghĩa những cuộc trao đổi điện thoại lúc trước của viên cảnh binh đi cùng chúng tôi: hóa ra họ đã thống nhất thời gian với nhau, có vẻ như vậy. Cuối cùng tôi nhận ra mình đang đi giữa một hàng người dài, thỉnh thoảng, cách quãng không đều ở hai bên dòng người, lại có một cảnh binh áp giải. Chúng tôi cứ đi khá lâu như thế trên đường ô tô. Một buổi chiều mùa hè đẹp trời, quang đãng, những con phố đông đúc pha trộn đủ sắc màu như vào giờ này vẫn thế; tuy nhiên tôi chỉ còn thấy tất cả hơi nhạt nhòa. Chẳng mấy chốc tôi mất luôn cả phương hướng, vì hầu hết chúng tôi đi qua những đường phố mà tôi chưa biết. Rồi số lượng phố xá, người qua lại, và chủ yếu sự dịch chuyển chậm chạp của một đoàn người khép kín - trong những điều kiện thế này - đã chiếm hết tâm trí và nhanh chóng làm sao nhãng sự chú ý của tôi. Suốt cả chặng đường dài thực ra tôi chỉ còn nhớ tới sự hiếu kỳ có vẻ vội vàng, ngần ngại, gần như vụng trộm của dân chúng đi lại trên hè đường khi nhìn thấy đoàn chúng tôi (lúc đầu tôi còn thấy vui vui, nhưng sau một lúc tôi không để ý đến nữa), và một phút lộn xộn diễn ra sau đó. Chúng tôi đang đi trên một đường phố lớn, đông đúc ở ven đô, xung quanh là sự ồn ào không thể chịu nổi của dòng người xe chen chúc, đến một chỗ, không biết bằng cách nào, một đoàn tàu điện đã cắt ngang đoàn người, ngay phía trước tôi không xa. Chúng tôi buộc phải dừng lại chờ tàu điện đi qua - và đúng lúc ấy tôi thoáng thấy bóng một chiếc áo vàng vụt biến mất ở phía trước, trong đám bụi, trong âm thanh náo nhiệt và làn hơi khói xe cộ, chính là vị “khách đi tàu”. Loáng cái ông đã mất hút, lẫn vào dòng xe cộ và đám đông. Tôi thật sự kinh ngạc: việc diễn ra không ăn nhập với thái độ của ông trong trạm thuế quan, tôi thấy vậy. Nhưng tôi cũng đồng thời cảm nhận được một cái gì đó khác nữa, có thể nói là một cảm giác bất ngờ thú vị, vì sự đơn giản của hành động: thật thế, tôi thấy một vài người bạo gan phía trước lập tức lao theo ông. Tôi cũng ngó nghiêng xung quanh, dù chỉ là để có thêm trò vui - vì tôi thấy không có lý do gì phải chạy trốn - và tôi nghĩ mình có đủ thời gian để trốn, nhưng dẫu sao cảm giác trọng danh dự trong tôi đã tỏ ra mạnh mẽ hơn. Sau đó đám cảnh binh nhanh chóng lập lại trật tự, hàng người lại khép kín quanh tôi.
Chúng tôi còn đi một lúc nữa, sau đó tất cả diễn ra rất nhanh, bất ngờ và hơi đáng kinh ngạc. Chúng tôi rẽ ngoặt vào đâu đó, tôi thấy có vẻ như đã đến đích, vì con đường dẫn qua hai cánh cổng sắt lớn mở sẵn. Đến lúc đó tôi mới nhận ra, từ sau cổng những người khác đã đồng loạt thay thế đám cảnh binh, họ vận đồ như quân phục, trên mũ lưỡi trai có gài lông chim nhiều màu: họ là những hiến binh. Họ dẫn chúng tôi qua những con đường ngóc ngách len lỏi giữa các tòa nhà xám xịt, vào sâu mãi bên trong thì chợt hiện ra môt khoảng trống rải sỏi trắng - giống như sân của một trại lính, tôi nghĩ. Ngay lúc đó tôi thấy một dáng người cao, vẻ oai vệ, từ ngôi nhà đối diện tiến thẳng về phía chúng tôi. Anh ta đi ủng cao và mặc quân phục bó sát người có gắn những ngôi sao vàng, trên ngực vắt chéo một sợi dây da. Một bên tay anh ta tôi thấy cầm cây gậy mảnh, kiểu như roi quất ngựa, thỉnh thoảng anh ta lại vút nhẹ vào cánh ủng bóng loáng. Một phút sau, khi chúng tôi đã đứng im lặng đứng thành các hàng người bất động, tôi nhận thấy đó là một người nom rất phong độ, rắn chắc, với các đường nét nam tính gợi nhớ đến những người hùng quyến rũ trên phim ảnh, để bộ ria nâu cắt tỉa mảnh đúng mốt rất hợp với nước da sạm nắng trên khuôn mặt. Khi anh ta lại gần, đám hiến binh lệnh cho chúng tôi đứng nghiêm. Sau đó tôi chỉ còn nhớ hai ấn tượng liên tiếp nhau: giọng nói the thé chối tai giống giọng rao hàng ngoài chợ của người cầm roi ngựa làm tôi bất ngờ đến nỗi có lẽ vì thế mà tôi chẳng nhớ được bao nhiêu những điều anh ta nói. Tôi chỉ biết anh ta bảo: ngày mai anh ta mới có ý định tiến hành cuộc “điều tra” - anh ta dùng khái niệm này - về vụ của chúng tôi, rồi quay sang đám hiến binh, bằng giọng oang oang, ra lệnh cho họ hãy đem “cả lũ Do Thái” nhốt vào chỗ theo anh ta là xứng đáng với chúng tôi, nghĩa là chuồng ngựa, và khóa trái chúng tôi lại suốt đêm nay. Ấn tượng thứ hai của tôi tiếp ngay sau đó là tiếng quát tháo hỗn loạn, không thể hiểu nổi của đám hiến binh bỗng sực tỉnh, xua chúng tôi đi. Đến nỗi, thoạt tiên tôi chẳng biết quay về hướng nào, và chỉ còn nhớ lúc đó mình hơi buồn cười, phần ngạc nhiên vì sự nhốn nháo, vì cảm giác giống như tôi bất chợt rơi vào giữa một màn kịch phi lý nào đó, trong đó tôi không biết đích xác vai diễn của mình, phần khác bởi một ý nghĩ vừa thoáng xuất hiện trong tâm trí: đó là gương mặt của mẹ kế tôi, khi bà biết rằng tối nay bà đã hoài công đợi tôi về bên bàn ăn tối.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét