Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 1

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

Kertész Imre sinh ngày 9-11-1929, tại thủ đô Budapest (Hungary). Năm 1944, khi mới 14 tuổi ông bị đưa vào trại tập trung Auschwitz, sau đó vào trại Buchenwald. Năm 1945, sau khi các trại tập trung được giải phóng, ông trở về Budapest, tiếp tục đi học, ba năm sau thì tốt nghiệp trung học. Từ năm 1948-1950, ông là cộng tác viên của các báo Vilá-gosság (Ánh sáng) và Esti Budapest (Budapest Buổi chiều); năm 1951, là công nhân nhà máy; từ năm 1951-1953, làm việc tại Phòng Tuyên truyền của Bộ Mỏ và Cơ khí; từ năm 1953 trở đi là nhà văn, dịch giả tự do.
Kertész Imre sống ẩn dật nhiều năm, ít giao du với bên ngoài, miệt mài viết văn và dịch thuật. Một thời gian dài, các tác phẩm của ông không nhận được sự quan tâm của cả công chúng lẫn giới phê bình trong nước, thậm chí cả khi Không số phận xuất bản lần đầu vào năm 1975, mặc dù nhà văn nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, cho đến khi giải Nobel Văn học năm 2002 được trao cho ông “vì một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”.
Khoảng mười năm trở lại đây, ông sống tại thủ đô Berlin (Cộng hòa liên bang Đức), nhưng vẫn giữ quốc tịch Hungary.
*
Không số phận - gần như một tự truyện. Cũng như nhân vật thiếu niên trong cuốn tiểu thuyết, Kertész Imre đã từng rơi vào trại tập trung của Hitler năm 15 tuổi. Ông đã may mắn, bởi khác với hàng triệu nạn nhân của Holocaust, Kertész vượt qua được cả Auschwitz lẫn Buchenwald, và sống sót.
Tác phẩm đầy sức nặng và ám ảnh của Kertész Imre mô tả thế giới khủng khiếp và phi lí của nhà nước toàn trị kiểu phát xít, trong đó con người bị tước đoạt số phận cá nhân đến độ khả năng nhận biết thường nhật của họ đã hóa đá, biến dạng. Ẩn sâu vào đó là sự phản kháng đầy cay đắng trước cái bất nhẫn phổ quát của thế giới. Một thế giới đang thể hiện dữ tợn trong những học thuyết tự cho phép đối xử với cả một dân tộc như những sinh linh hạ cấp, tước đoạt quyền sống, xua đuổi vào các trại tập trung, và hủy diệt.
Không số phận trở thành một chương quan trọng trong số những truyền thống văn xuôi Hungary xuất sắc nhất: một tuyệt tác. Sự diễn tả lạnh lùng, chính xác đến tận chi tiết, sự trào lộng toát ra từ bi kịch, mang lại cho tác phẩm độ sâu triết luận, và tạo nên một phong cách không thể bắt chước.

1

Hôm nay tôi không tới trường. Hay đúng hơn tôi có đến, nhưng chỉ để xin phép thầy chủ nhiệm cho về. Tôi còn đưa cho thầy lá thư của cha tôi, trong đó - vin vào “những lý do gia đình” - cha xin cho tôi nghỉ học. Thầy giáo hỏi lý do gia đình là gì vậy? Tôi thưa: vì người ta gọi cha tôi đi tập trung lao động; thế là thầy không căn vặn thêm gì nữa.
Tôi không đi về nhà, mà ra cửa hàng của gia đình. Cha tôi bảo: mọi người chờ tôi ở đó. Ông còn nói thêm tôi phải gắng tới sớm, vì có thể ông sẽ cần đến tôi. Chính vì thế mà ông xin phép cho tôi nghỉ học. Hoặc là vì “tôi muốn nhìn thấy nó vào ngày cuối cùng, trước khi rời khỏi nhà”, bởi ông cũng có nói cả điều đó nữa, tuy đúng ra là vào một lúc khác. Ông đã nói với mẹ tôi, như tôi còn nhớ, khi ông gọi điện cho mẹ sáng nay. Cần biết rằng hôm nay là thứ Năm, các buổi chiều thứ Năm và Chủ nhật của tôi - theo quy định nghiêm ngặt - là thuộc về mẹ. Nhưng, cha thông báo với mẹ: “Chiều nay tôi không thể nhường thằng Gyurka* cho bà”, - rồi ông giải thích tiếp như vậy. Tuy nhiên, cũng có thể không phải vậy. Sáng nay tôi hơi buồn ngủ vì đợt báo động phòng không hồi đêm, nên có thể tôi không nhớ rõ. Có điều tôi chắc chắn rằng ông đã nói thế - nếu không phải nói với mẹ, thì với một người nào đó khác.

*[Gyurka: tên gọi thân mật của György. (Các chú thích trong sách là của người dịch)].

Tôi cũng nói với mẹ mấy lời, nhưng tôi không còn nhớ đã nói những gì. Tôi nghĩ mẹ hơi bực mình với tôi, vì tôi buộc phải nói chuyện qua loa với mẹ, khi có mặt cha ở đó: dù sao hôm nay tôi cũng phải chiều ý cha. Khi tôi sắp ra khỏi nhà, mẹ kế còn căn dặn riêng tôi đôi lời âu yếm ở phòng ngoài. Bà bảo bà tin rằng vào cái ngày đau buồn này của gia đình, “mẹ có thể trông cậy vào cách ứng xử phù hợp của con”. Tôi không biết đáp lại bà thế nào, nên tôi không nói gì. Nhưng hình như bà hiểu lầm sự im lặng của tôi, vì ngay sau đó bà tiếp tục bảo: với những lời căn dặn vừa rồi, bà không muốn chạm vào sự nhạy cảm của tôi, điều đó - bà biết - cũng bằng thừa. Vì bà hoàn toàn không nghi ngờ rằng, ở tuổi mười lăm, tôi đã là một cậu con trai lớn và tự tôi cũng ý thức được sự nghiêm trọng của tai họa giáng xuống gia đình, bà bảo thế. Tôi gật đầu. Thấy bà bằng lòng với chừng ấy. Bà làm cử chỉ như đưa tay về phía tôi, và tôi ái ngại sợ bà muốn ôm mình vào lòng. Nhưng rồi bà kìm lại, chỉ nén một hơi thở dài run run thật sâu vào lồng ngực. Tôi nhận thấy mắt bà rơm rớm ướt. Tôi thấy khó xử. Rồi tôi được phép đi.
Tôi cuốc bộ từ trường tới cửa hàng. Một buổi sáng trong lành và ấm, so với tiết đầu xuân. Tôi định cởi cúc áo, nhưng lại nghĩ: trong làn gió nhẹ thổi ngược, vạt áo khoác có thể lật ngược và che mất ngôi sao vàng*, như thế sẽ là vi phạm quy định. Trong một vài việc, giờ đây tôi cần chú ý cẩn thận hơn.

*[Sau khi quân đội phát xít Đức chiếm đóng Hungary ngày 19-3-1944, từ ngày 29-3 chính phủ Hungary khi ấy lần lượt ra hàng loạt đạo luật bài xích người Do Thái, trong đó có đạo luật bắt buộc người Do Thái phải đeo ngôi sao vàng sáu cánh, ban hành ngày 5-4-1944]

Căn hầm gỗ của chúng tôi ở gần đây, trên một con phố nhỏ. Một cầu thang dốc dẫn xuống khoảng tối mờ. Tôi thấy cha và mẹ kế đang ở trong văn phòng: một cái lồng thủy tinh chật hẹp, được chiếu sáng tựa như chiếc bể cá, ở ngay dưới chân cầu thang. Cả bác Sütő cũng có mặt, tôi biết bác từ hồi bác làm kế toán cho gia đình, đồng thời trông coi một cái kho ngoài trời khác của chúng tôi mà nay bác đã mua lại. Ít nhất thì cha và mẹ kế đã nói như vậy, bởi vì bác Sütő, xét về nòi giống hoàn toàn ổn, bác không phải đeo ngôi sao vàng, và toàn bộ chuyện này chỉ là thủ thuật buôn bán, như tôi hiểu, để bác có thể trông nom tài sản của gia đình tôi ở đó, và hơn nữa nhờ vậy chúng tôi sẽ không bị mất hẳn đi một khoản thu nhập trong một thời gian.
Tôi chào bác hơi khác so với trước đây, vì rốt cuộc, ở một khía cạnh nào đó địa vị của bác đã vượt lên trên chúng tôi; cha tôi và mẹ kế cũng tế nhị với bác hơn. Nhưng bác vẫn giữ cách xưng hô với cha tôi là “ông chủ,” với mẹ kế tôi là “bà lớn đáng kính”, như thể không có chuyện gì xảy ra, và không bao giờ bác quên hôn tay bà. Bác vẫn đón tôi bằng giọng vui đùa trước đây, hoàn toàn không để ý đến ngôi sao vàng trên áo tôi. Sau đó tôi đứng yên bên cửa, còn ba người lại tiếp tục công việc dang dở trước khi tôi đến. Tôi nhận thấy mình đã làm gián đoạn câu chuyện của ba người. Thoạt tiên tôi không hiểu họ đang nói chuyện gì. Tôi còn nhắm mắt lại trong giây lát, vì vẫn hơi hoa mắt bởi ánh nắng bên ngoài. Trong lúc ấy cha tôi nói gì đó, và khi tôi mở mắt ra nhìn, thì đến lượt bác Sütő. Trên khuôn mặt nâu, tròn vạnh của bác Sütő - với hàng ria mép mỏng, hai chiếc răng cửa trắng to bản cách nhau một khe hẹp - chỗ nào cũng thấy những đốm nắng nhảy nhót, như những mụn nhọt đang lên. Câu tiếp theo lại là cha tôi nói, ông nói về một thứ “hàng hóa” gì đó, mà “tốt hơn hết” là bác Sütő nên “đem ngay về”. Bác Sütő không phản đối; thế là cha tôi lấy từ ngăn kéo bàn ra một cái gói nhỏ, bọc giấy lụa và có buộc dây. Chỉ lúc đó tôi mới biết họ nói về thứ hàng gì, vì tôi nhận ra ngay cái gói nhờ độ dày của nó: trong gói là một cái hộp. Trong hộp là các đồ trang sức quan trọng nhất của chúng tôi và những thứ đại loại như vậy; quả thực, tôi nghĩ chính vì sự có mặt của tôi mà họ gọi nó là “hàng hóa,” kẻo tôi nhận ra. Bác Sütő nhét ngay cái gói vào cặp. Tuy nhiên sau đó có một cuộc tranh cãi nho nhỏ đã diễn ra giữa họ, bởi vì bác Sütő lấy cây bút máy của bác ra, và nhất quyết đòi viết giấy “biên nhận hàng” để đưa cho cha tôi. Bác năn nỉ mãi, mặc dù cha tôi bảo bác đừng “làm trò trẻ con” nữa, và “giữa chúng ta với nhau không cần phải làm thế”. Tôi nhận thấy bác Sütő rất hài lòng vì việc này. Bác bảo: “Tôi biết ông tin tôi, ông chủ ạ, nhưng trong cuộc sống mọi thứ phải có lề lối và cách thức của nó”. Bác còn nhờ cả mẹ kế tôi giúp: “Có đúng thế không, thưa bà?”. Nhưng mẹ kế tôi, với nụ cười mệt mỏi trên môi, chỉ bảo đại khái bà tùy cánh đàn ông giải quyết vấn đề với nhau cho thỏa đáng.
Tôi thấy hơi chán, cuối cùng bác Sütő cũng cất cây bút máy; rồi họ chuyển sang bàn tính sẽ làm gì với số ván gỗ trong cái kho này. Tôi nghe thấy cha bảo phải gấp lên, trước khi nhà chức trách “có thể nhúng tay vào chuyện làm ăn”, và cha yêu cầu bác Sütő, bằng kinh nghiệm buôn bán và hiểu biết chuyên môn của mình, giúp mẹ kế tôi trong việc này. Bác Sütő quay về phía mẹ kế, tuyên bố ngay: “Đó là lẽ đương nhiên, thưa bà. Bởi đằng nào chúng ta cũng liên hệ thường xuyên với nhau để thanh quyết toán”. Tôi nghĩ ông nói về cơ sở mà ông đang trông nom. Một lúc lâu sau ông bắt đầu chia tay. Ông nắm tay cha tôi khá lâu, mặt méo xệch đi. Tuy nhiên ông cho rằng “trong giây phút như thế này có nói gì cũng bằng thừa,” và vì thế ông chỉ nói một câu tạm biệt duy nhất với cha tôi, đó là: “Mong sớm được gặp lại, thưa ông chủ”. Cha tôi hơi mỉm cười, miệng như méo đi: “Hy vọng sẽ như thế, ông Sütő ạ”. Đúng lúc ấy mẹ kế tôi mở túi lấy ra một chiếc khăn mùi soa đưa thẳng lên mắt. Có tiếng lục khục khác lạ phát ra từ trong cổ bà. Rồi tất cả im lặng, tình huống trở nên thực sự khó xử, và tôi có cảm giác mình cũng phải làm một điều gì đó. Nhưng sự việc xảy đến bất ngờ, tôi chẳng nghĩ ra được gì khôn ngoan cả. Tôi thấy điều đó cũng khiến bác Sütő ngại ngùng: “Thưa bà”, ông nói, “bà đừng như vậy! Đừng mà!”. Nom ông có vẻ hơi hốt hoảng. Ông cúi xuống, gần như gắn môi lên mu bàn tay mẹ kế tôi, để hôn tay bà như ông thường làm. Rồi ông vội đi ra phía cửa, tôi suýt không kịp né sang một bên tránh ông. Ông còn quên không tạm biệt cả tôi. Chúng tôi vẫn còn nghe tiếng bước chân nặng nhọc giẫm trên những bậc thang gỗ một lúc sau khi ông đi khỏi.
Sau một lúc im lặng, cha tôi bảo: “Thôi, thế là ta đã nhẹ đi một việc”. Nghe vậy, mẹ kế tôi, giọng còn hơi nghèn nghẹn, hỏi lẽ ra có nên cầm cái giấy biên nhận của bác Sütő hay không. Nhưng cha tôi bảo một cái biên nhận kiểu ấy chẳng có “giá trị thực tế” gì, hơn nữa cất giấu nó còn nguy hiểm hơn cả chính cái hộp. Ông giải thích với bà rằng bây giờ là lúc “được ăn cả, ngã về không”, hơn nữa phải hoàn toàn tin tưởng vào bác Sütő, vì dù thế nào, hiện tại chúng tôi không có cách giải quyết nào khác. Nghe vậy, mẹ kế tôi liền im lặng, rồi sau đó bà nhận xét: mặc dù cha tôi có thể đúng, nhưng giá như có “một tờ biên nhận trong tay” bà vẫn thấy yên tâm hơn. Nhưng bà không đủ khả năng giải thích vì sao. Cha tôi giục bà cùng xem xét những việc đang chờ, vì như ông nói, thời gian gấp lắm. Ông muốn bàn giao cho bà các sổ sách kinh doanh, để một mình bà có thể xoay xở được, và cái cửa hàng không phải đóng cửa chỉ vì việc ông phải vào trại lao động. Giữa chừng cha còn nói qua loa với tôi vài câu. Ông hỏi nhà trường có cho tôi nghỉ học dễ dàng không, và đại loại như thế. Cuối cùng ông bảo tôi cứ ngồi yên đấy, trong khi ông làm sổ sách với mẹ kế tôi.
Chỉ hiềm một nỗi họ làm lâu quá. Tôi cố gắng kiên nhẫn một lúc và thử nghĩ đến cha tôi, đúng hơn là nghĩ đến việc ngày mai ông đi, và có lẽ sẽ còn lâu nữa tôi không được thấy ông; nhưng một lúc sau tôi mệt mỏi vì ý nghĩ này, và khi đó, vì chẳng biết làm gì khác để giúp cha, tôi bắt đầu thấy chán. Ngồi một chỗ cũng mỏi mệt, và chỉ vì muốn có sự thay đổi nào đó, tôi đứng dậy lại vòi uống nước. Hai người không nói gì. Lát sau tôi len giữa những tấm ván, vào phía sau đi giải. Khi quay ra, tôi rửa tay trên chiếc bồn lát gạch men, vòi nước đã han gỉ, rồi tôi mở cặp sách lấy đồ ăn nửa buổi gói sẵn ra ăn, và cuối cùng lại ra uống nước vòi. Cả hai vẫn không ai nói gì. Tôi ngồi xuống chỗ cũ. Thấy chán ngán khủng khiếp, lâu quá.
Khi chúng tôi lên lại mặt đường, đã quá trưa. Tôi lại bị lóa mắt, bây giờ thì do ánh sáng. Cha tôi loay hoay khá lâu với hai cái khóa sắt màu xám, tôi bắt đầu có cảm giác ông cố ý làm thế. Rồi ông đưa chìa khóa cho mẹ kế, vì ông không còn cần đến chúng nữa. Tôi biết vì ông nói thế. Mẹ kế tôi mở túi; tôi sợ bà lại lấy khăn tay, nhưng bà chỉ bỏ mấy chiếc chìa khóa vào. Chúng tôi rảo bước. Lúc đầu tôi tưởng về nhà, nhưng không phải, trước khi về chúng tôi còn đi mua đồ. Mẹ kế tôi có cả một danh mục dài tất cả những thứ mà cha tôi cần đến trong trại lao động. Hôm qua bà đã mua được một số thứ. Bây giờ phải đi tìm mua những thứ còn lại. Đi với cha và mẹ kế, tôi cảm thấy không được thoải mái lắm, đi thế này, cả ba người đều mang ngôi sao vàng. Nếu đi một mình, tôi còn cảm thấy thích thú. Nhưng đi với họ, tôi gần như khó chịu. Tôi không thể giải thích nổi tại sao. Nhưng về sau tôi cũng không để ý đến điều đó nữa. Trong các cửa hàng, đâu đâu cũng thấy đông người, trừ nơi chúng tôi vào mua chiếc ba lô: ở đây chỉ có chúng tôi là khách hàng. Không khí nồng nặc mùi vải xử lý hóa chất. Người bán hàng, một ông già nhỏ thó da vàng bợt bạt, nhưng có hàm răng giả trắng lóa và một bên tay quấn đệm chống mòn khuỷu, cùng bà vợ béo mập rất nhiệt tình tiếp chúng tôi. Họ đặt lên bàn đủ mặt hàng. Tôi nhận thấy ông già bán hàng gọi bà vợ là “con trai” và luôn miệng gọi bà chạy đi lấy hàng. Tôi biết cửa hàng này vì nó ở gần nhà, nhưng chưa vào trong lần nào. Có vẻ như nó là một cửa hàng bán đồ thể thao, dù họ còn bán những thứ khác. Gần đây nhất họ bán cả những ngôi sao vàng tự tạo, vì vải màu vàng bây giờ tất nhiên là của hiếm. (Những thứ cần cho chúng tôi, mẹ kế tôi đã lo từ trước). Nếu tôi nhìn không nhầm, phát minh của họ là vải căng lên một miếng bìa cứng, và như thế đương nhiên đẹp hơn, hơn nữa những cánh sao không bị may lệch nom nực cười như những ngôi sao tự may lấy ở nhà. Tôi nhận thấy chính họ cũng đeo các sản phẩm ấy trên ngực áo. Và có vẻ như họ chỉ đeo chúng để khuyến khích khách hàng.
Nhưng bà già đã mang hàng ra. Từ lúc trước người bán hàng đã mạn phép hỏi liệu có phải chúng tôi mua hàng để chuẩn bị đi trại lao động. Mẹ kế tôi bảo phải. Ông già gật đầu buồn bã. Ông còn giơ đôi tay nhăn nheo, đầy những vết da mồi, rồi buông xuống mặt bàn bằng một động tác cảm thông. Lúc ấy mẹ kế tôi bảo chúng tôi cần một chiếc ba lô, và hỏi xem có không. Ông già ngần ngừ, và rồi ông bảo: “Với ông bà thì có đấy”. Rồi ông quay lại bà vợ. “Con trai, lấy trong kho ra cho ông đây!”. Chiếc ba lô được ưng ý ngay. Nhưng ông già còn bắt vợ lấy thêm vài đồ vật nữa, mà theo ông “ông nhà không thể thiếu những thứ này ở nơi ông sẽ đến”. Ông nói với chúng tôi bằng giọng rất tế nhị và thông cảm, và nếu có thể, bao giờ ông cũng tránh phải nhắc tới cụm từ “lao động khổ sai”. Ông giới thiệu toàn những đồ hữu dụng, một hộp đựng thức ăn kín, dao bỏ túi, với nhiều dụng cụ bỏ trong bao đựng, túi đeo bên sườn, và những thứ khác mà theo ông người ta hay tìm mua “trong những hoàn cảnh tương tự”. Mẹ kế tôi mua con dao nhíp cho cha. Tôi cũng thích con dao. Khi đã mua đủ các thứ, ông chủ cửa hàng liền bảo vợ: “Tính tiền!”. Bà già mặc chiếc áo đen, nặng nhọc lách tấm thân kềnh càng múp míp vào giữa máy tính tiền và cái ghế đệm. Ông chủ tiễn chúng tôi ra tận cửa, rồi nói: “Mong ông khi khác cũng gặp may mắn”, rồi tin cậy ghé sát vào cha tôi, nói nhỏ thêm: “Cứ như cách chúng ta nghĩ nhé, thưa ông, cả ông và tôi”.
Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà thuê gần quảng trường, nơi có cả một bến xe điện. Khi đã lên đến tầng trên, mẹ kế tôi chợt nhớ đã quên không đổi phiếu bánh mì. Tôi phải quay lại cửa hàng bánh mì. Sau một lúc xếp hàng tôi mới lọt được vào trong quầy. Đầu tiên tôi phải đến chỗ bà vợ tóc vàng có bộ ngực phì nộn; bà ta cắt ô phiếu thích hợp, và sau đó tiếp tục đến chỗ lão thợ làm bánh mì, lão sẽ cân bánh. Lão không đáp lại lời chào của tôi, vì trong khu này mọi người đều biết lão không ưa người Do Thái. Vì thế mà lão đẩy ra cho tôi chỗ bánh mì thiếu vài deka*.
*[Deka: đơn vị đo lường Hungary, tương đương 10 gram]
Tôi nghe nói bằng cách ấy lão bớt xén được khá nhiều từ các suất bánh mì. Và bằng cách nào đó, qua cái nhìn tức tối và động tác khéo léo của lão, giây phút ấy tôi bỗng hiểu sự thật về ý nghĩ của lão, lý do lão không thể ưa người Do Thái: lão có cảm giác khó chịu vì lão đang lừa dối họ. Có thể nói, lão hành động phù hợp với niềm tin của lão, hành động của lão được dẫn dắt bởi sự phán xét của một lý tưởng, điều này thì tôi phải thừa nhận, dĩ nhiên có thể là một cái gì đó khác hẳn.
Từ quầy bánh mì tôi vội vã quay về, vì đã quá đói bụng, nên tôi chỉ định dừng lại nói nhanh với Annamária một câu, vì đúng lúc tôi leo lên cầu thang thì nó đang nhảy chân sáo từ trên xuống. Nó ở cùng tầng với nhà tôi, trong gia đình Steiner, những người mà gần đây chúng tôi thường gặp bên nhà bác Fleischman. Trước đây chúng tôi ít để ý đến hàng xóm, nhưng nay hóa ra chúng tôi cùng một chủng tộc, và vì thế cần phải có các cuộc trao đổi quan điểm nho nhỏ vào các buổi tối về những triển vọng chung. Những lúc đó, hai chúng tôi thường nói chuyện khác, và nhờ thế mà tôi biết ông bà Steiner thực ra chỉ là cô chú của con bé, vì bố mẹ nó đang trong quá trình ly dị, vẫn chưa thỏa thuận được với nhau về nó, họ đã quyết định gửi nó ở đây thì hơn là ở với một trong hai người. Nó cũng từng ở trường nội trú, cũng vì lý do giống tôi trước đây. Nó cũng trạc mười bốn tuổi, cổ cao, phía dưới ngôi sao vàng ngực bắt đầu đội áo nhú lên. Nó cũng được sai đi mua bánh mì. Nó còn muốn biết buổi chiều tôi có thích chơi bài tú lơ khơ hay không, bốn đứa, với nó và hai chị em một nhà ở trên chúng tôi một tầng. Annamária kết thân với hai chị em kia, còn tôi thì chỉ biết sơ vì thỉnh thoảng có gặp chúng trong hành lang hay dưới hầm trú ẩn. Cô em nhỏ nom chỉ khoảng mười một hoặc mười hai tuổi; cô chị lớn, tôi quen qua Annamária, cùng tuổi với nó. Thỉnh thoảng, nếu ở trong căn phòng trông ra sân của nhà mình, tôi thường thấy con bé vội vã từ nhà ra hoặc đang đi về nhà ở ngoài hành lang. Có mấy lần chúng tôi chạm trán nhau dưới cổng vào nhà. Tôi nghĩ, đã đến lúc có thể làm quen với cô nàng, và tôi cũng muốn như thế. Nhưng đúng lúc ấy tôi lại nghĩ tới cha tôi, thành ra tôi bảo Annamária, “Hôm nay thì không, vì cha tớ có giấy gọi”. Thế là nó sực nhớ ra rằng ở nhà chú nó đã nói tới chuyện của cha tôi. Nó bảo: “Tất nhiên, vậy thì thôi”. Chúng tôi im lặng một lát. Rồi nó hỏi: “Thế ngày mai?”. Tôi bảo nó, “Ngày kia thì hơn”. Rồi đột nhiên tôi nói thêm, “Có thể thôi”.
Về đến nhà, tôi thấy cha và mẹ kế đã ngồi bên bàn. Trong khi lấy thức ăn vào đĩa cho tôi, bà hỏi tôi có đói không? Tôi đáp: “Con đói kinh khủng” - bất chợt tôi chẳng nghĩ tới điều gì khác, và sự thể đúng là như vậy. Bà lấy cho tôi một đĩa đầy, nhưng chỉ đơm vào đĩa mình tí chút. Không phải tôi, mà là cha nhận thấy, và ông hỏi bà tại sao. Bà đáp đại khái là trong giờ phút này bà không thể nào nuốt nổi, và khi đó tôi cũng thấy ngay là mình có lỗi. Sự thực, cha tôi không bằng lòng vì bà làm như vậy, bởi bà không được tự bỏ bê mình lúc này, khi hơn bao giờ hết, nghị lực và sự kiên gan của bà cần đến nhất. Mẹ kế tôi không đáp, nhưng tôi nghe có tiếng động, và khi ngẩng đầu lên tôi nhận ra: bà đang khóc. Tôi lại cảm thấy hết sức lúng túng, và tôi cố chỉ dán mắt vào đĩa thức ăn của mình. Nhưng vẫn thấy cử chỉ của cha tôi đưa tay về phía bà. Một phút sau, tôi thấy cả hai ngồi im lặng, và khi cẩn thận ngước nhìn lên, tôi thấy họ nắm tay nhau và chăm chú nhìn nhau, giống như đàn ông và đàn bà hay làm với nhau.
Tôi chẳng khi nào thích nhìn cảnh này, giờ đây tôi cũng cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, xét cho cùng đây là điều hoàn toàn bình thường, tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi vẫn không thích. Không hiểu tại sao. Tôi thấy dễ chịu hơn ngay khi cha và mẹ kế tôi tiếp tục trò chuyện. Họ lại nói đến bác Sütő, đôi lời thôi, và dĩ nhiên về cái hộp và cơ sở kia của gia đình. Tôi nghe tiếng cha nói, điều làm ông an tâm là ít nhất những thứ ấy cũng “nằm trong tay người tử tế”, như ông nhận xét. Mẹ kế tôi chia sẻ sự yên tâm ấy với ông, mặc dù bà có nhắc qua đến chuyện “những bảo đảm” chỉ dựa vào mỗi lời hứa danh dự, và quan trọng là liệu như thế có đủ hay không. Cha tôi nhún vai bảo không chỉ trong đời sống kinh doanh, mà cả “trong những lĩnh vực khác của cuộc sống” cũng không bao giờ còn sự bảo đảm cho bất cứ điều gì. Mẹ kế tôi buông một tiếng thở dài vẻ đồng tình: bà ân hận vì đã nói đến việc kia, bà xin cha tôi đừng nói thế, đừng nghĩ đến những chuyện ấy nữa. Nhưng ông lại nghĩ về chuyện vắng ông, một mình mẹ kế tôi sẽ xoay xở ra sao với bao công việc trút lên bà trong thời buổi khó khăn này. Mẹ kế tôi bảo bà không đơn độc, vì có tôi ở bên bà. Mẹ con tôi, bà nói tiếp, sẽ chăm lo lẫn nhau đến khi ông trở về với chúng tôi. Và bà quay về phía tôi, hơi nghiêng đầu hỏi: “Có đúng vậy không con?”. Bà mỉm cười, nhưng môi bà run run. Tôi đáp: “Đúng thế ạ”. Cha cũng nhìn tôi, đôi mắt ông hiền từ. Cử chỉ ấy làm tôi xúc động, và muốn làm một việc gì đó chiều lòng ông, tôi đẩy đĩa thức ăn ra xa. Ông nhận ra, và hỏi vì sao. Tôi thưa, “Con không muốn ăn nữa”. Tôi thấy điều đó làm ông hài lòng: ông đưa tay vuốt tóc tôi. Và cử chỉ âu yếm ấy, lần đầu tiên trong ngày hôm nay, làm tôi thấy có gì nghèn nghẹn trong cổ họng, tôi không khóc, nhưng nôn nao. Tôi muốn giá như cha đã đi khỏi đây. Một cảm giác tồi tệ, nhưng tôi cảm nhận rõ rằng tôi không thể nghĩ điều gì khác về ông, và trong giây phút ấy tôi hết sức lúng túng. Ngay sau đó tôi đã có thể khóc, nhưng không còn thời gian nữa, vì nhà có khách.
Mẹ kế tôi đã nói về họ từ lúc nãy: chỉ toàn người thân trong gia đình, nên bà mới làm vậy. Thấy cha tôi làm một cử chỉ gì đó, bà nói thêm, “Nhưng, mọi người chỉ muốn đến chia tay ông. Đó là lẽ tự nhiên!”. Còn chưa kịp nói gì thêm thì đã có tiếng chuông cửa: chị gái mẹ kế tôi và mẹ bà đến. Lát sau cả ông bà thân sinh ra cha tôi, tức ông bà nội tôi, cũng đến. Chúng tôi vội đỡ bà nội tôi ngồi xuống chiếc đi văng, vì cả với đôi mắt kính dày như kính lúp, bà cũng gần như chẳng nhìn thấy gì, và bà cũng điếc với mức độ ít nhất là như thế. Nhưng dù sao bà vẫn muốn tham gia và góp một tay vào các việc đang diễn ra quanh bà. Những lúc đó, đâm ra lại thêm nhiều việc, vì một đằng phải liên tục quát vào tai cho bà biết việc gì đang đến đâu, đằng khác phải khéo léo ngăn bà đừng can thiệp vào, vì bà chỉ làm rối tung mọi thứ.
Thân mẫu của mẹ kế tôi đội mũ chỏm hình nón, rộng vành, phía trước còn gài ngang một chiếc lông chim. Nhưng bà bỏ mũ xuống ngay, để lộ mái tóc đẹp, thưa, trắng như tuyết, với một búi tóc nhỏ tết mảnh. Gương mặt bà mảnh dẻ, vàng vọt, đôi mắt to đen, trên cổ bà trễ xuống hai túm da nhăn nheo, nom bà giống một loài chó săn tinh khôn nào đó. Đầu bà lúc nào cũng hơi rung rung. Bà được giao việc xếp đồ vào ba lô cho cha tôi, vì bà rất thạo việc này. Bà bắt tay vào làm ngay, theo danh mục mà mẹ kế tôi đưa cho.
Nhưng chẳng có việc gì cho chị gái mẹ kế tôi làm. Bác ta già hơn em gái nhiều, và nom hai người cứ như không phải là chị em: bác nhỏ người, béo và mặt bác cứ như gương mặt một con búp bê đang ngỡ ngàng. Bác nói rất nhiều, còn khóc nữa, và ôm khắp lượt mọi người. Khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi bộ ngực mềm mềm sực nức mùi phấn xoa của bác. Khi bác ngồi xuống, toàn bộ khối thịt trên người như trút xuống đôi chân ngắn ngủn của bác. Và xin nói về ông nội tôi đôi lời: ông đứng nguyên một chỗ, bên cạnh đi văng bà nội tôi ngồi, kiên nhẫn nghe những lời ca cẩm của bà. Đầu tiên bà khóc vì cha tôi; đến khi những phiền muộn khác làm bà lãng quên việc của cha tôi. Bà kêu đau đầu, và than thở vì có tiếng ầm ào trong tai do chứng huyết áp gây nên. Ông nội tôi đã quen: ông cũng không trả lời bà. Tuy nhiên ông không rời khỏi chỗ đang đứng, từ đầu đến cuối. Không hề thấy ông cất tiếng nói, lần nào nhìn về phía ấy, tôi cũng thấy ông vẫn đứng nguyên một chỗ, trong góc phòng bắt đầu mờ mờ tối vì chiều đã muộn, chỉ còn một chút ánh sáng yếu ớt, vàng vọt đọng trên vầng trán và cánh mũi ông, trong khi hai hốc mắt và phần dưới gương mặt của ông đã lẫn vào bóng tối. Nhưng ánh mắt nhấp nháy phát ra từ đôi mắt bé xíu của ông tiết lộ rằng ông vẫn lặng lẽ dõi theo những gì đang diễn ra trong căn phòng.
Ngoài ra, còn đến thêm một người chị họ của mẹ kế tôi, cùng đi với chồng. Tôi gọi ông này là bác Vili, vì đó là tên ông. Chân bác bị một dị tật, nên một bên bác đi giày đế cao hơn, cũng nhờ thế mà bác được ưu tiên không phải vào trại lao động. Đầu bác hình quả lê, phía trên to tròn và hói, hai bên má hóp dần xuống dưới cằm. Trong gia đình mọi người tôn trọng ý kiến bác, vì trước khi mở văn phòng đua ngựa, bác đã từng viết báo. Ngay lúc này bác cũng muốn kể các tin tức đáng chú ý bác có “từ những nguồn tin cậy” mà bác gọi là “tuyệt đối xác tín”. Bác ngồi xuống một chiếc ghế bành, duỗi thẳng chân về phía trước, xoa đôi bàn tay khô khốc vào nhau, bác cho chúng tôi biết “không lâu nữa tình cảnh của chúng tôi sẽ thay đổi tận gốc rễ”, vì “các cuộc mật đàm” về chúng tôi đã bắt đầu “giữa người Đức và các cường quốc Đồng minh, thông qua các nhân mối trung lập”. Người Đức, theo cách giải thích của bác Vili, “nay chính họ cũng đã nhận ra tình trạng tuyệt vọng của họ trên các mặt trận”. Theo cách nhìn nhận của bác thì chúng tôi - “cộng đồng người Do Thái” ở Budapest, trên thực tế chính là một “cơ hội đến đúng lúc” cho họ “sử dụng thử trục lợi phe Đồng minh”, và dĩ nhiên phe Đồng minh sẽ làm mọi việc có thể để cứu giúp chúng tôi; đến đây bác nhắc tới, theo bác, “một yếu tố quan trọng” mà bác biết qua kinh nghiệm làm báo, và bác gọi nó là “dư luận thế giới”; bác nói rằng những sự kiện xảy ra với chúng tôi sẽ làm “chấn động” dư luận thế giới. Cuộc ngã giá đương nhiên sẽ rất căng thẳng, - bác tiếp tục, - và đây chính là lời giải đáp cho tính nghiêm trọng của những biện pháp chống lại chúng ta hiện thời; và những vụ việc này là hệ quả tất yếu của “ván bài lớn trong đó thực chất chúng ta là công cụ của một mưu đồ ngã giá quốc tế có tầm cỡ khủng khiếp”; nhưng bác bảo, tuy nhiên, là người biết rõ những gì “diễn ra sau hậu trường”, trước hết bác chỉ coi đó là một “trò bịp ngoạn mục” mà thôi, để đạt được sự ngã giá có lợi hơn, bác chỉ yêu cầu chúng tôi một chút nhẫn nại, trong khi chờ “các sự kiện tự chúng diễn biến”. Nghe vậy, cha tôi liền hỏi liệu điều đó có thể diễn ra trong ngày mai chăng, hay ông có thể coi cái giấy gọi cũng “chỉ là trò bịp” thậm chí ông chẳng cần vào trại lao động nữa. Nghe cha tôi nói, bác Vili hơi lúng túng. “Không, dĩ nhiên là không”, bác trả lời. Nhưng bác nói bác hoàn toàn yên tâm vì không bao lâu cha tôi sẽ trở về. “Ta đang ở giờ thứ mười hai”, bác bảo, xoa xoa hai tay vào nhau. Rồi bác còn thêm, “Giá như tôi có thể chắc chắn trong những dự đoán bất kỳ nào khác tương tự như trong việc này, thì bây giờ tôi không là một gã kiết xác thế này!”. Bác ta còn định nói nữa, nhưng mẹ kế tôi và thân mẫu bà vừa gói ghém đồ đạc vào ba lô xong, và cha tôi đã đứng dậy khoác thử xem nó nặng chừng nào.
Anh trai cả của mẹ kế tôi, bác Lajos, đến sau cùng. Bác giữ một vị trí hết sức quan trọng trong gia đình tôi, mặc dù tôi không thể nói chính xác vị trí đó là gì. Ngay lập tức bác muốn nói chuyện riêng với cha tôi. Tôi cảm thấy cha tôi khó chịu vì việc này, dù rất tế nhị, nhưng có vẻ ông gắng cho xong càng nhanh càng hay. Rồi bác bất chợt gọi tôi. Bác bảo muốn “trò chuyện với cháu một lát”. Bác lôi tôi lại một góc phòng trống, để tôi đứng sát tủ, đối diện với bác. Bác mở đầu rằng, chắc tôi đã biết ngày mai cha sẽ “xa chúng tôi”. Tôi bảo: cháu biết. Bác bảo bác muốn nghe tôi nói tôi có nhớ cha không. Tôi đáp, hơi bực mình vì câu hỏi của bác, “Tất nhiên là có”. Và cảm thấy chua đủ tôi còn nói thêm, “Cháu sẽ rất nhớ”. Nghe thế bác chỉ gật gật đầu một lát, nét mặt có vẻ phiền muộn.
Sau đó bác cho tôi biết vài việc thú vị và bất ngờ. Chẳng hạn bác bảo, một giai đoạn nhất định trong cuộc đời tôi, bác gọi là “những năm niên thiếu vô tư và hạnh phúc”, vào cái ngày đáng buồn hôm nay, đối với tôi đã khép lại. Có lẽ, bác nói, tôi chưa nghĩ đến nó dưới hình thức như thế. Tôi thú nhận: chưa. Chắc là, bác tiếp, vì thế mà những lời bác nói cũng không gây bất ngờ đặc biệt cho tôi. Tôi lại đáp: không. Khi đó bác cho biết, với sự ra đi của cha tôi, mẹ kế tôi sẽ mất chỗ dựa, và mặc dù gia đình “sẽ để mắt đến bà”, chỗ dựa chính của mẹ kế từ nay sẽ là tôi. Đúng thế đấy, bác nói, và tôi phải sớm nhận thức được “nỗi lo và thiếu thốn là gì”. Vì rõ ràng từ nay cuộc sống của tôi sẽ không dễ dàng như trước, bác không muốn giấu tôi điều này, vì bác nói chuyện với tôi “như với một người lớn”. “Giờ đây”, bác bảo, “cháu cũng chia sẻ số phận chung của người Do Thái”, rồi bác nói rõ hơn về chuyện này, bác bảo số phận này là “sự xua đuổi liên tục kéo dài hàng ngàn năm”, nhưng người Do Thái phải “chấp nhận với sự an nhiên và kiên nhẫn hy sinh”, bởi Chúa đã trừng phạt họ vì những tội lỗi của họ trong dĩ vãng, chính vì thế chỉ có thể chờ đợi sự ân xá từ chính Người; nhưng cho đến lúc đó Người mong mỗi chúng ta, trong tình hình khó khăn này, hãy vững vàng trên vị trí mà Người đã chỉ định cho chúng ta, “theo năng lực và khả năng của mình”. Chẳng hạn như tôi, theo bác, phải đứng vững trong vai trò người chủ gia đình. Rồi bác hỏi tôi có cảm thấy mình có đủ nghị lực và sự chuẩn bị sẵn sàng để đóng vai trò đó chưa. Dù không hiểu hết mạch suy nghĩ của bác, đặc biệt những điều bác nói về người Do Thái, về tội lỗi và Chúa của họ, nhưng những lời bác nói đã tác động mạnh đến tôi. Tôi đáp, “Vâng”. Bác có vẻ hài lòng. Tốt lắm, bác nói. Bác vẫn biết tôi là cậu bé thông minh, “có tình cảm sâu sắc và ý thức trách nhiệm nghiêm túc”, và giữa bao nhiêu tai họa thì đây là một niềm an ủi nhất định đối với bác, như đã rõ qua những gì bác nói. Rồi bác đưa mấy ngón tay, mặt ngoài có những nút lông, mặt trong phủ đầy nốt bạch huyết, xuống dưới cằm nâng mặt tôi lên, nói nhỏ, giọng hơi run: “Cha cháu chuẩn bị đi một chuyến xa. Cháu đã cầu nguyện cho cha chưa?”. Trong ánh nhìn của bác có cái gì đó nghiêm khắc, và có lẽ điều này đã đánh thức trong tôi cảm giác ân hận vì đã bỏ lỡ một việc có thể làm cho cha tôi, bỏi tự mình tôi không nghĩ ra nổi việc này. Nhưng giờ đây, khi bác nhắc tới, tôi bỗng cảm thấy có một gánh nặng, giống như một món nợ vậy, và để giải thoát khỏi nó, tôi thú thật, “Cháu chưa”. “Lại đây với ta!”, bác bảo.
Tôi phải cùng bác vào căn phòng trông ra sân. Chúng tôi cầu nguyện ở đây, giữa vài thứ đồ gỗ lâu không dùng đã xộc xệch. Đầu tiên bác Lajos đặt một chiếc mũ màu đen nhỏ hình tròn, vải lụa bóng lên phía sau đầu, chỗ có một khoảng trống nhỏ giữa mái tóc màu xám lưa thưa. Tôi cũng phải lấy mũ của mình từ phòng ngoài vào. Rồi bác rút trong áo khoác một cuốn sổ bìa đen có viền đỏ, lấy kính từ túi trên ra. Sau đó bác bắt đầu đọc kinh, còn tôi thì nhắc lại lời bác đọc, mỗi lần một đoạn đúng bằng đoạn bác đọc trước đó. Lúc đầu mọi việc đều ổn, nhưng chẳng bao lâu sau tôi bắt đầu thấy mệt, và hơn nữa, tôi hơi lúng túng là tôi không hiểu, dù chỉ một từ, những gì chúng tôi đang nói với Chúa, vì chúng tôi phải cầu Chúa bằng tiếng Hebrew*, mà tôi lại không biết ngôn ngữ này. Thế là để theo kịp, tôi buộc phải để ý đến cái miệng mấp máy của bác Lajos, nên cuối cùng trong tôi chỉ còn lưu lại hình ảnh cặp môi dày, ướt át cử động và âm thanh vô nghĩa của thứ ngôn ngữ xa lạ mà chúng tôi lẩm nhẩm. À, còn thêm một hình ảnh mà tôi có thể thấy phía trên vai bác Lajos, qua cửa sổ: cô chị lớn nhà trên đúng lúc ấy đang đi lướt qua trên dãy hành lang treo, đối diện với chúng tôi ở tầng trên, về phía căn hộ của họ. Hình như lúc đó tôi hơi lúng túng khi nhắc lại đoạn kinh cầu. Nhưng cầu nguyện xong, bác Lajos có vẻ hài lòng, thái độ qua gương mặt bác làm chính tôi cũng bắt đầu tin rằng chúng tôi đã làm được một điều gì đó cho việc của cha. Và quả là, xét cho cùng, thế này dù sao cũng khá hơn so với cảm giác nặng nề bị đòi hỏi lúc trước.
*[Tiếng Hebrew: tiếng Do Thái, ngôn ngữ chính thức của nhà nước Isarel hiện nay]
Hai bác cháu quay lại căn phòng sát đường phố. Đã nhập nhoạng tối. Chúng tôi đóng những cánh cửa sổ có dán giấy phòng không, ngoài kia là bầu trời màu xanh thẫm, ẩm ướt của mùa xuân. Mọi thứ giam kín chúng tôi trong căn phòng. Tiếng ầm ĩ đã làm tôi mệt mỏi. Khói thuốc khiến mắt cay sè. Tôi ngáp liên hồi. Bà cụ thân sinh ra mẹ kế tôi dọn bàn ăn. Bà đã mang đồ ăn tối đến cho chúng tôi trong một chiếc túi xách lớn. Bà kiếm được cả thịt ngoài chợ đen. Bà bảo từ nãy, khi mới đến. Cha tôi lấy tiền trong chiếc ví da, trả bà ngay lúc đó. Tất cả chúng tôi đã ngồi vào bàn ăn, thì bỗng nhiên bác Steiner và bác Fleischmann tới. Hai bác cũng muốn chia tay với cha tôi. Bác Steiner vào đề ngay, để khỏi “làm phiền mọi người”. Bác nói: “Tôi là Steiner, xin cả nhà cứ yên vị”. Bác vẫn đi đôi dép rách, áo gi lê không cài khuy để hở cái bụng phệ, miệng vẫn ngậm đầu điếu xì gà hôi sì muôn thuở. Bác có cái đầu to, mái tóc đỏ rẽ ngôi kiểu trẻ con nom ngồ ngộ. Bác Fleischmann gần như mất hút bên cạnh bác Steiner, vì vóc người nhỏ thó, bề ngoài tươm tất, mái tóc bạc trắng, da xám chì, đeo kính mắt như mắt cú mèo và nét mặt lúc nào cũng có vẻ lo âu. Bác chỉ im lặng gật gù bên cạnh bác Steiner và cứ nặn bóp các ngón tay, vẻ như cáo lỗi vì bác Steiner. Tuy nhiên, điều này tôi không dám đoan chắc. Hai ông già gắn bó với nhau không thể tách rời tuy rằng họ tranh cãi thường xuyên, vì hầu như không nhất trí với nhau trong bất cứ vấn đề gì. Họ lần lượt bắt tay cha tôi. Bác Steiner còn vỗ vỗ lên lưng cha. Bác gọi cha tôi là “ông bạn già”, và bác pha trò bằng câu nói cũ rích: “Hãy cứ cúi đầu và đừng bao giờ đánh mất sự thất vọng của chúng ta”. Bác còn nói thêm rằng từ nay trở đi các bác sẽ để ý giúp đỡ tôi và “bà trẻ” (cách bác gọi mẹ kế tôi) - nghe nói thế bác Fleischmann lia lịa gật đầu. Đôi mắt bé xíu của bác chớp liên hồi. Rồi bác kéo cha tôi sát vào bụng bác và ôm lấy ông. Sau khi hai người đi khỏi, tất cả chìm trong tiếng lách cách thìa nĩa chạm vào nhau, tiếng trò chuyện, mùi thức ăn và khói thuốc. Chỉ còn thấy những mảnh vỡ rời rạc của một gương mặt hoặc một cử chỉ từ màn sương bao phủ quanh tôi, đặc biệt là mái đầu rung rung, tóc vàng, gầy guộc của bà thân sinh ra mẹ kế tôi đi lại tiếp thức ăn vào đĩa mọi người; rồi đôi bàn tay bác Lajos giơ ra trước ngực như ngăn cản, vì đức tin của bác cấm ăn món ăn chế biến từ thịt lợn; đôi má béo mập, cái cằm cử động và đôi mắt rớm lệ của bác gái chị mẹ kế tôi; rồi đột nhiên cái đầu trọc lốc hồng hào của bác Vili hiện lên dưới quầng sáng đèn và tôi lại nghe loáng thoáng những lời bình luận đầy lạc quan của bác; tôi còn nghe thấy những lời trịnh trọng của bác Lajos được mọi người đón nhận trong im lặng, trong đó bác xin Chúa cứu giúp chúng tôi để “tất cả có thể mau đoàn tụ quanh bàn gia đình, trong yên hàn, trong tình thương yêu và sự bằng an”. Tôi gần như không nhìn thấy cha tí nào, nhưng vẫn trông thấy mẹ kế tôi chỉ vì mọi người quan tâm đến bà còn nhiều hơn đến cha, một lần bà kêu đau đầu, mấy người hỏi bà muốn uống thuốc viên hay chườm khăn ấm, nhưng bà bảo không cần. Thỉnh thoảng tôi phải để ý đến bà nội, lúc lúc lại phải dẫn bà trở lại chiếc đi văng, chú ý đến vô khối lời than phiền và đôi mắt chẳng nhìn rõ thứ gì của bà, hai mắt kính dày đã mờ vì nước mắt. Rồi cũng đến lúc tất cả mọi người rời khỏi bàn. Đó là khi bắt đầu cuộc chia tay lần cuối. Bà nội và ông nội tôi ra về trước gia đình mẹ kế tôi một lúc. Và có lẽ ấn tượng đặc biệt nhất trong buổi tối hôm ấy còn lại trong tôi là hành động duy nhất của ông nội, làm mọi người để ý đến ông: khi chỉ trong một khoảnh khắc duy nhất, nhưng mạnh mẽ và gần như vô thức, ông ngả mái đầu nhỏ nhắn lên ngực cha tôi. Cả người ông co lại và rung lên. Rồi ông khoác tay bà tôi, vội vã bước ra. Mọi người đều tránh sang bên nhường lối cho hai người. Nhiều người ôm tôi, và tôi cảm thấy những vết ướt vương trên mặt. Cuối cùng căn phòng bỗng yên lặng, vì mọi người đã về hết.
Và đến lúc tôi cũng chia tay cha. Hay đúng hơn là ông chia tay tôi. Tôi không còn nhớ chính xác từng chi tiết; hình như cha tôi ra ngoài tiễn khách, vì có một lúc còn lại mỗi mình tôi bên cái bàn la liệt thức ăn thừa, và tôi chỉ sực tỉnh khi cha tôi quay lại. Ông trở lại có một mình. Ông muốn chia tay tôi. Sớm mai sẽ không còn thời gian nữa, ông bảo thế. Đại khái ông cũng nói những điều tương tự về trách nhiệm và sự trưởng thành của tôi, những điều tôi đã nghe bác Lajos nói một lần vào buổi chiều, chỉ không có Chúa, không có những mỹ từ và ngắn hơn nhiều. Cha cũng nhắc đến mẹ tôi: theo ông, bây giờ chắc mẹ sẽ cố “lôi kéo con ra khỏi nhà để về với bà ấy”. Tôi thấy ý nghĩ này làm ông thật sự lo lắng. Cha mẹ tôi đã giằng co một thời gian dài để tranh quyền sở hữu tôi, cho đến cuối cùng khi phán quyết của tòa ưu tiên cho cha tôi, giờ đây, tôi cảm thấy mình có thể hiểu được, ông không muốn mất đi quyền được nuôi tôi chỉ bởi tình thế bất lợi của ông. Nhưng ông không vin vào luật pháp, mà dựa vào sự suy xét của tôi, và vào sự khác biệt giữa mẹ kế tôi, người đã tạo cho tôi “không khí ấm cúng gia đình”, với mẹ đẻ tôi, người đã “bỏ rơi” tôi. Tôi bắt đầu chú ý nghe ông nói, vì về tình tiết này mẹ tôi kể khác: theo mẹ, cha là người có lỗi. Vì vậy mẹ buộc phải chọn một người chồng khác, là bác Dani (thực ra là Dénes), tuần trước bác bất ngờ phải đi, cũng vào trại lao động. Nhưng trên thực tế, tôi không bao giờ được biết chính xác hơn, còn ngay lúc này cha tôi cũng lại nói về mẹ kế, ông bảo nhờ có bà mà tôi được rời trường nội trú, và chỗ của tôi là “ở trong gia đình, bên cạnh bà”. Cha còn nói nhiều về mẹ kế, giờ thì tôi đã lờ mờ hiểu vì sao bà không có mặt vào lúc này: chắc bà sẽ khó xử. Còn tôi thì bắt đầu thấy mệt mỏi. Và tôi không nhớ đã hứa với cha những gì khi ông mong muốn ở tôi điều đó. Một phút sau tôi bỗng thấy mình trong vòng tay cha tôi, ông ghì siết làm tôi bất ngờ và lúng túng sau những lời nói. Tôi không biết vì thế hay đơn giản chỉ vì mệt quá mà nước mắt tôi cứ ứa ra, hay có lẽ vì ngay từ khi mẹ kế tôi nhắc nhở lần đầu vào sáng sớm nay, bằng cách nào đó tôi đã chuẩn bị để đúng thời điểm này nhất thiết phải rơi lệ; bất kể vì lý do gì thì sự việc diễn biến như thế này là tốt, vì tôi cảm thấy cha rất hài lòng khi nhìn thấy tôi khóc. Sau đó ông giục tôi đi nằm. Tôi cũng đã quá mệt. Nhưng, tôi nghĩ, dù có thế nào, thì ít nhất chúng tôi đã tiễn cha vào trại lao động bằng kỷ niệm về một ngày tốt lành.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét