Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 7

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

7

Có thể xảy ra những trường hợp, có thể diễn ra những tình huống bằng bất cứ cách nào cũng không thể làm trầm trọng hơn, hình như thế. Tôi có thể nói rằng sau bao nhiêu cố gắng, sau nhiều thử nghiệm, nỗ lực không thành, với thời gian tôi cũng đã tìm được sự bình an, sự yên tĩnh, sự thanh thản. Chẳng hạn như một số việc mà trước đây tôi cho là rất quan trọng, gần như có ý nghĩa không thể hiểu nổi, thì nay có thể nói, trong mắt tôi, chúng đã mất hết mọi ý nghĩa. Chẳng hạn như khi đứng điểm danh, nếu mệt mỏi, tôi không còn nhìn xem ở đó là bùn hay vũng nước, đơn giản là tôi chiếm chỗ, ngồi bệt xuống đó cho tới khi nào những người bên cạnh chưa dùng sức kéo tôi đứng dậy. Lạnh, ẩm, gió hay mưa không còn làm tôi bận tâm: chúng không tác động nổi đến tôi, tôi cũng không cảm nhận được chúng. Ngay cả cái đói cũng đã qua đi; tôi vẫn đưa lên miệng tất tật những gì kiếm được, có thể ăn được, nhưng có thể nói chỉ hờ hững, máy móc, theo thói quen. Công việc ư? Tôi không còn để tâm ngay cả đến vẻ bề ngoài nữa. Nếu họ không thích, bất quá thì họ đánh, và đánh cũng chẳng sao, tôi càng tranh thủ được thời gian: ngay sau đòn đầu tiên tôi đã vội ngã vật ra đất, và sau đó còn không còn cảm thấy những cú đánh tiếp nữa, vì giữa chừng tôi đã ngủ.
Chỉ có một thứ trở nên mạnh hơn trong tôi: nỗi tức giận. Nếu ai đó làm tôi khó chịu, dù chỉ chạm vào tôi, nếu khi đi trong hàng tôi bị lỡ bước (là điều thường hay xảy ra), và ở phía sau một ai đó giẫm lên gót tôi, thì tôi có thể giết ngay người đó tại chỗ không mảy may chần chừ - dĩ nhiên là nếu tôi làm được, và nếu khi giơ tay lên tôi không quên mất mình vừa muốn làm gì. Tôi đã cãi nhau với Citrom Bandi đôi lần: anh ta trách tôi đã “buông thả bản thân”, trở thành gánh nặng cho đội, gây phiền toái cho mọi người, làm anh bị lây ghẻ. Nhưng hình như chủ yếu về mặt nào đó tôi làm anh khó chịu, làm phiền hà anh bằng cách nào đó. Tôi nhận ra điều này khi vào một buổi tối anh lôi tôi vào phòng rửa. Mặc tôi quẫy đạp và phản đối, anh dùng sức lột quần áo tôi ra, tôi đấm vào người, vào mặt anh cũng vô ích, anh xát nước lạnh lên làn da run rẩy của tôi. Tôi đã nói với anh hàng trăm lần: sự chăm sóc của anh làm tôi khó chịu, hãy để tôi yên, cút mẹ anh đi. “Tôi muốn bỏ xác ở đây ư, không muốn về nhà ư?”, anh hỏi tôi thế, và tôi không biết anh đã đọc được những gì trên nét mặt tôi, nhưng tôi thấy nét mặt anh sửng sốt, một sự hốt hoảng nào đó giống như người ta thường nhìn những kẻ đem đến hiểm họa không thể cứu vãn nổi, nhng tội phạm đã bị kết án, hay những người mang bệnh lây nhiễm vậy. Lúc đó tôi chợt nhớ đến cách nhìn nhận khi trước của anh về những người Hồi giáo. Dẫu sao từ đó trở đi tôi thấy anh tránh xa tôi, và cuối cùng tôi cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng.
Nhưng tôi không có cách nào rũ bỏ cái đầu gối mình, cảm giác đau đớn cứ đeo bám liên miên. Mấy hôm sau tôi xem nó thế nào, và mặc dù cơ thể đã làm tôi quen với nhiều thứ nhưng sự bất ngờ mới này, cái bao đỏ lựng bọc quanh đầu gối phải của tôi này, tôi vẫn thấy tốt hơn hết nên che ngay tắp lự cho khuất mắt. Dĩ nhiên là tôi biết trong trại có cả trạm Revier, nhưng trước hết do giờ khám bệnh trùng vào giờ ăn tối, mà tôi cho là ăn tối cần kíp hơn chữa bệnh, và sau đó là một vài kinh nghiệm, sự hiểu biết về bản thân nơi chốn này và về cuộc sống, đôi khi cũng không hề củng cố niềm tin của bất cứ một ai. Thêm nữa cái trạm lại ở xa, cách chỗ chúng tôi những hai lều, và một đoạn đường xa như thế, nếu không nhất thiết phải bắt buộc, thì tôi không sẵn sàng đi, nhất là đầu gối tôi lại đang rất đau. Cuối cùng Citrom Bandi và một người cùng lều vẫn đưa tôi đi, họ dùng tay làm chỗ cho tôi ngồi, kiểu như “cò tha con”, và sau khi đặt tôi lên một cái bàn, họ nhắc trước: có thể là sẽ đau, vì không thể tránh khỏi việc mổ ngay, và vì thiếu thuốc tê, người ta buộc phải làm việc đó mà không có nó. Ở mức độ của tôi có thể theo dõi được: người ta dùng dao rạch hai đường cắt chéo nhau trên gối tôi, qua đó họ lấy từ trong đùi tôi ra bao nhiêu thứ, rồi dùng giấy quấn chặt lại. Ngay sau đó tôi hỏi đến bữa ăn tối, người ta đảm bảo sẽ có sự chăm sóc cần thiết, và chẳng mấy chốc tôi thấy đúng như vậy. Món xúp hôm nay nấu bằng củ cải và su hào là thứ tôi thích, và có thể cảm thấy người ta đã múc cho Revier chỗ đặc hơn. Đêm ấy tôi ngủ lại trong lều của Revier, ở tầng trên cùng của một box, hoàn toàn một mình, chỉ có điều là rất khó chịu là đến giờ đi ngoài tôi không thể đi nổi, và ban đầu chỉ gọi thầm thì, sau tôi kêu to hơn và cuối cùng thì phải gào lên yêu cầu giúp đỡ, nhưng cũng vô ích. Sáng hôm sau, cùng với nhiều thân người khác tôi cũng bị ném lên sàn bằng sắt tây ướt át của một chiếc xe tải không nóc và được chở đến một nơi, nếu tôi hiểu đúng, có tên là “Gleina”, thực chất là nơi đặt nơi đặt nhà thương của trại chúng tôi. Ở phía sau, một người lính canh chừng chúng tôi dọc đường ngồi trên chiếc ghế chân gấp đơn giản, trên đầu gối gác một khẩu súng trường ướt nước sáng loáng, nom anh ta có vẻ bất đắc dĩ, khuôn mặt dài thuột, thỉnh thoảng lại nhăn mặt khó chịu vì một mùi khó chịu bất chợt, có lẽ do tác dụng của sự chú ý không thể tránh khỏi, tôi phải công nhận rằng không phải là vô cớ. Chủ yếu tôi bực mình vì hình như bản thân anh ta đã đi đến một kết luận nào đó, đã suy diễn ra một sự thật hiển nhiên nào đó, và tôi thấy muốn thanh minh cho bản thân mình: không hẳn chỉ một mình tôi có lỗi, và rằng ban đầu đây thực ra không hẳn chỉ một mình tôi có lỗi, và rằng ban đầu đây thực ra không phải là bản chất của tôi, nhưng tất nhiên, tôi công nhận điều này rất khó chứng minh. Khi chúng tôi tới nơi, ở đây trước hết có một ống cao su, kiểu như vòi tưới vườn bất chợt phụt nước và tôi phải chịu đựng tia nước phun xối xả vào mọi nơi, rửa sạch tất tật quần áo rách nát, những thứ dơ bẩn, và cả đám băng bằng giấy khỏi người tôi. Sau đó người ta đưa tôi vào một căn phòng, cấp cho một chiếc áo sơ mi và chỉ vào tầng dưới của một chiếc giường gỗ hai tầng, tôi có thể nằm lên một cái đệm rơm còn trống đã bị người nằm trước tôi đè bẹp dí và khá cứng, đây đó thấy những vết bẩn đáng ngờ, bốc mùi đáng ngờ, có những vết màu loang lổ đáng ngờ, rồi họ bỏ mặc tôi ở đó muốn làm gì thì làm, và trước hết tôi có thể ngủ một trận đã đời.
Hình như chúng ta luôn đem các thói quen cũ đến những nơi ở mới, có thể nói ở nhà thương ban đầu tôi cũng phải đấu tranh với nhiều cố tật, thói quen từ trước. Chẳng hạn như lương tâm: thời gian đầu tôi bị nó đánh thức vào mọi buổi sáng sớm. Khi khác, tôi lại choàng tỉnh: sợ mình ngủ quên giờ điểm danh, ngoài kia người ta đã đi tìm mình, và tôi chỉ nhận ra sự nhầm lẫn với nhịp tim chậm lại rất từ từ, nhận ra hình ảnh mở ra trước mắt, nhận ra sự thật rằng mình đang ở nhà, rằng tất cả đều ổn, cạnh đây có người đang ho, xa hơn chút người ta đang trò chuyện, đằng kia một người nào đó đang dỏng mũi, căng mắt, há mồm nhìn lên trần nhà, rằng chỉ có vết thương của mình đang đau, và bất quá mình đang khát - như thường xuyên vẫn thế - rõ ràng có thể do cơn sốt. Tóm lại là tôi cần một thời gian nhất định để hoàn toàn tin rằng không có điểm danh, không phải nhìn thấy lính gác, và cái chính là không phải đi làm - và những lợi thế này, ít nhất là đối với tôi, không một hoàn cảnh vặt vãnh nào, không bệnh tật nào có thể làm tổn hại về cơ bản. Thỉnh thoảng người ta cũng đưa cả tôi lên phòng nhỏ trên gác, ở đó có hai bác sĩ làm việc, một trẻ hơn và một đứng tuổi hơn: tôi là bệnh nhân của người sau. Một người gầy, đen, dễ có cảm tình, ông mặc com lê, đi giày, tay đeo băng và có khuôn mặt tử tế, dễ phân biệt, thân thiện và gợi nhớ đến một con cáo già. Ông hỏi tôi người vùng nào, và ông cũng giới thiệu mình từ vùng Transylvania* tới.
[Transylvania: tiếng Hung gọi là vùng Erdély, vùng đất rộng lớn trước năm 1920 thuộc lãnh thổ Đế chế Áo-Hung, sau năm 1921 thuộc Rumani]
Trong cùng lúc đó, ông đã gỡ xong những vòng băng giấy rã nát, lúc nào cũng dính cứng lại và có màu vàng xanh quấn quanh đầu gối tôi, rồi ông dùng hai tay ấn những chất dịch dồn nén trong đùi tôi ra, và cuối cùng ông dùng một dụng cụ giống chiếc kim đan nhét một miếng gạc vào giữa lớp da và thịt đùi tôi, như ông giải thích “để nó thông thoáng”, để “quá trình tự sạch” tiến triển và để vết thương không lành quá sớm. Về phần mình nghe thấy thế tôi rất sảng khoái, vì xét cho cùng tôi chẳng có việc gì ở ngoài kia, tôi không gì phải vội vàng vì sức khỏe, nếu nghĩ cho kỹ, tất nhiên. Một nhận xét khác của ông làm tôi không mê lắm. Ông bảo số vết rạch trên đầu gối tôi còn ít. Theo ông phải mở thêm một vết ở bên cạnh, và nối vết mới này với vết cắt đầu tiên bằng một đường rạch thứ ba nữa. Ông hỏi tôi có dám quyết không, và tôi thật sự ngạc nhiên, vì ông nhìn tôi như chờ câu trả lời, hay sự đồng ý của tôi, chứ đừng nói sự ủy thác của tôi. Tôi bảo ông: “Tùy bác sĩ” và ông nói ngay tốt nhất thì không nên chậm trễ. Ông tiến hành ngay tại chỗ, nhưng tôi buộc phải phản ứng hơi to tiếng, và tôi thấy điều đó làm ông khó chịu. Nhiều lần ông nhắc: “Thế này tôi không thể làm việc được”, và tôi thử thanh minh: “Không phải tại tôi”. Cuối cùng sau vài xăng ti mét ông bỏ dở, không thực hiện đến hết dự định ban đầu. Nhưng chừng ấy cũng có vẻ làm ông tạm hài lòng, như ông bảo: “Còn hơn không”, vì như thế này - theo ông - từ giờ đã có thể nặn mủ ra qua hai chỗ. Thời gian trong bệnh viện cũng trôi đi: nếu tôi không ngủ, thì đói, khát, đau đớn quanh vết thương, một câu chuyện hay những lúc đi khám vết thương cũng chiếm hết thời gian - nhưng không có việc gì làm, và có thể nói ý nghĩ thú vị rạo rực này, sự ưu đãi mang lại niềm vui không bao giờ vơi này cũng làm tôi sung sướng. Tôi còn hỏi han những người mới đến về tình hình trong trại, họ ở Block nào tới, và cụ thể họ có biết một người tên là Citrom Bandi ở Block 5 hay không, một người cao trung bình, mũi gãy, khuyết răng cửa, nhưng không một ai nhớ ra anh. Trong phòng điều trị tôi thấy đa số các vết thương cũng giống như tôi, cũng chủ yếu ở đùi hoặc bắp chân, mặc dù có những vết ở cao hơn, ở sườn, ở hông sau, ở cánh tay, thậm chí ở cổ hay cả sau lưng. Tên khoa học phổ biến của chúng là “phelegmon” [chứng viêm tấy, niêm dịch] như tôi thường nghe thấy, nguồn gốc và tần suất xảy ra cao như vậy của chúng trong những điều kiện bình thường của trại tập trung không có gì là đặc biệt và kỳ lạ, như tôi được các bác sĩ bảo thế. Sau đó một thời gian bắt đầu đến những người phải cắt một, hai ngón chân, thậm chí có khi phải cắt hết, và họ kể: ngoài trại đang là mùa đông, chân họ bị đông cứng trong đôi giày đế gỗ. Một lần khác, có một người mặc com lê do thợ may dựng, nom rõ ra là người đáng trọng, mở cửa vào phòng thay băng. Tôi nghe thấy ông ta nói nhỏ, nhưng dễ hiểu từ này: “Bonjour!”. [tiếng Pháp: “Xin chào!”]. Từ đây và từ chữ F trong tam giác tôi đoán ra ngay ông là người Pháp, còn dựa trên chiếc băng đeo tay có chữ “O.Arzt” tôi biết ông là bác sĩ trưởng của bệnh viện này. Tôi ngắm ông mãi, vì đã từ lâu tôi không nhìn thấy người nào đẹp như ông: ông không thật cao, nhưng bộ com lê ông mặc vừa vặn tôn lên những đường nét của một cơ thể cường tráng, gương mặt ông đầy đặn với những đường nét riêng không thể lẫn với một ai khác, với những sắc thái thoáng qua gợi cảm xúc và dễ nhận ra, cái cằm tròn ở giữa có một đường rãnh, nước da nâu bóng lên dưới ánh sáng, như trước đây da người ta thường bóng lên khi tôi còn ở bên nhà, giữa mọi người. Tôi đoán ông còn trẻ, có lẽ khoảng ba mươi. Tôi thấy các bác khác cũng hoạt bát hẳn lên, họ cố gắng làm vừa lòng ông, giải thích cho ông tất cả, nhưng tôi nhận ra họ không làm theo những thói quen trong trại, mà đúng hơn là theo những tập tục cũ, gợi nhớ đến những hồi ức ở bên nhà, một cách tinh tế, vui vẻ và sự cố gắng trong giao tiếp, giống như khi ta có cơ hội chứng tỏ rằng ta hiểu và nói tốt một thứ ngôn ngữ sang trọng nào đó, lúc này là tiếng Pháp. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, những cố gắng đó chẳng có ý nghĩa gì đối với ông bác sĩ trưởng: ông xem xét mọi thứ, đáp lại đôi lời hay chỉ gật gật đầu, nhưng ông làm tất cả những việc đó một cách chậm rãi, nhỏ nhẻ, với vẻ buồn buồn, trên nét mặt và trong đôi mắt nâu sẫm của ông từ đầu đến cuối hiện lên một cảm giác chán chường, gần như sầu muộn không thể thay đổi. Tôi chỉ kinh ngạc, vì không sao hiểu nổi điều gì gây nên vẻ u sầu ở một con người thành đạt và lịch lãm như thế, một con người hơn thế nữa còn đạt được vị thế cao. Tôi thử khám phá nét mặt ông, dõi theo từng động tác của ông, và chỉ dần dần tôi mới hiểu: nói gì thì nói, dĩ nhiên xét cho cùng, dẫu sao ông vẫn phải ở đây, tôi chỉ nhận ra từ từ và không còn hoàn toàn kinh ngạc, một cảm giác xâm chiếm tôi không hề giống như một sự bất ngờ vui vẻ, tôi nhận ra rằng theo đó thì tình trạng này - nói tóm lại chính sự giam hãm này làm ông khó chịu, hình như thế. Tôi đã định bảo: ông đừng buồn nữa, vì cơ sự đã thế - nhưng tôi sợ, như thế thì liều lĩnh quá, vả lại, tôi chợt nhớ ra, mình đâu có biết tiếng Pháp.
Tôi đã ngủ gần như suốt cuộc di chuyển, từ đầu đến cuối. Từ trước đó tin này đã đến tai tôi: thế vào những nhà lều ở Zeitz người ta sẽ xây những căn nhà đá làm chỗ ở mùa đông, trong đó người ta không quên dành phần cho bệnh viện. Chúng tôi lại bị chất lên xe tải - từ bóng tối tôi thấy đó là vào buổi tối, dựa trên cái rét tôi đoán đã là khoảng giữa mùa đông, và sau đó chúng tôi được đưa vào tiền sảnh chiếu sáng của một không gian vô cùng lớn, và tôi thấy những bồn gỗ nồng nặc mùi hóa chất: tôi phải ngâm mình vào bồn gỗ, ngập tới đỉnh đầu - dù có than vãn, xin xỏ, phản đối cũng vô ích - để gột rửa mình, ngoài thứ nước lạnh trong bồn, điều làm tôi rét run thêm là tôi thấy trước tôi cả những bệnh nhân khác cũng đã ngâm mình trong thứ nước màu nâu này - cả các vết thương, tất tật như thế. Và sau đó, ở đây thời gian cũng trôi đi, về cơ bản cũng như thế, chỉ có một vài khác biệt so với ở chỗ trước. Chẳng hạn ở bệnh viện mới này những chiếc giường gỗ có ba tầng. Người ta cũng ít khi đưa tôi đến bác sĩ, và như vậy ở đây các vết thương của tôi cũng tự sạch theo cách, theo khả năng có thể của nó. Hơn nữa, một thời gian ngắn sau đó bên sườn trái của tôi cũng bắt đầu đau, rồi nó nổi lên một bọc màu đỏ lựng như đã biết. Mấy hôm sau, tôi chờ nó khỏi hay điều gì đó diễn ra nhưng vô ích, thế là bất đắc dĩ tôi phải gọi hộ lý. Và sau khi giục giã, sau mấy ngày chờ đợi tôi cũng đến lượt, được đưa đến chỗ các bác sĩ ở phía cuối gian nhà. Thế là sau cái đầu gối, trên sườn trái tôi cũng thêm một miếng rạch khoảng gần bằng gang tay. Từ chỗ tôi nằm lại sinh ra một việc khó chịu, đối diện với giường có một lỗ cửa sổ nhỏ không bịt kính luôn luôn nhìn lên bầu trời màu chì, trên cái lưới sắt của nó lúc nào cũng có những thỏi nước đá có lẽ do hơi ẩm từ trong nhà bốc ra và thường xuyên phủ những lớp băng mỏng như tờ. Tôi thì chỉ mặc có đồ dành cho bệnh nhân là áo cộc không cúc và chiếc mũ len đan màu xanh được phát vào mùa đông, khoét vòng tròn hở tai và có hình vòng cung trước trán, nom hơi giống mũ của một nhà vô địch trượt băng hoặc của một diễn viên đóng vai quỷ Satan trên sân khấu, tuy nó rất hữu ích. Thế là tôi bị lạnh nhiều, đặc biệt khi tôi bị mất một trong hai tấm chăn - cho đến lúc đó tôi vẫn dùng những búi rẻ rách của nó để đắp điếm thêm cho thiếu hụt của cái kia - mà một hộ lí hỏi mượn, bảo sẽ đem lại. Tôi đã cố giữ bằng cả hai tay, túm chặt bằng một đầu chăn nhưng vô ích, anh ta tỏ ra khỏe hơn. Bên cạnh tổn thất này, một ý nghĩ làm tôi hơi khó chịu: người ta chỉ lấy chăn của những người thông thường họ coi là đằng nào cũng sắp đến hồi kết, họ chờ đợi điều đó, tôi có thể mạnh dạn nói như thế.
Một bận khác đã thấy giọng nói giữa chừng đã trở nên quen thuộc đối với tôi nhắc nhở, cũng từ một giường ở tầng dưới, nhưng từ đâu đó phía sau: lại một tay hộ lí xuất hiện, lại với một bệnh nhân mới trên tay, và anh ta đang dò xét xem có thể đặt vào giường nào, vào cạnh ai trong số chúng tôi. Nhưng người bệnh - theo chúng tôi được biết - là một ca nặng và được phép bác sĩ cho nằm giường riêng, và cậu ta hét lên bằng một giọng kinh khủng, ầm ĩ: “Tôi phản đối!”. Cậu viện lời bác sĩ: “Tôi có quyền được giường riêng! Các người hãy hỏi bác sĩ!”, rồi lại hét lên: “Tôi phản đối!”. Cuối cùng tay hộ lý, đúng ra là mấy lần bê cậu ta đi chỗ khác - đến đúng giường tôi, thế là tôi nhận ra được người nằm cùng là một gã trai cũng trạc tuổi tôi. Hình như tôi đã thấy gương mặt vàng võ và tôi mắt to cháy bỏng của cậu ta - nhưng thực ra ở đây mặt ai chả vàng vọt và mắt ai chẳng to và nóng như lên cơn sốt. Câu đầu tiên cậu hỏi là tôi có uống nước không, tôi bảo nếu có thì tôi cũng chẳng chê; câu thứ hai - ngay sau câu đầu: tôi có thuốc lá không?... và tất nhiên cả lần này cậu cũng không gặp may. Cậu gạ sẽ đổi bánh mì cho tôi, nhưng tôi bảo cậu đừng nói nữa, thế là cậu im được một lúc. Tôi ngờ là cậu đang sốt, vì cơ thể run bần bật của cậu tỏa ra hơi nóng, làm tôi thậm chí còn cảm thấy dễ chịu. Điều làm tôi hơi khó chịu là ban đêm cậu ta cựa quậy, xoay trở liên hồi, và phải nói là cậu ta không hề để ý đến những vết thương của tôi. Tôi phải bảo: “Này, đủ rồi đấy, nằm yên đi một chút!”, rồi cuối cùng cậu ta đã nghe theo lời tôi. Chỉ đến sáng ra tôi mới biết vì sao: khi phát cà phê tôi đã đánh thức cậu mãi không nổi. Vì thế tôi vội chìa cả hăng gô của cậu ra cho tay hộ lý, và đúng lúc tôi định báo cho anh ta biết, thì anh ta yêu cầu tôi đưa hăng gô một cách cáu kỉnh. Sau đó tôi lấy cả suất bánh mì của cậu ta, cũng như suất xúp vào bữa tối, và tiếp đó cứ như thế có đến khi một hôm cậu ta bắt đầu trở nên rất lạ: thế là tôi buộc phải nói, không thể giữ mãi trên giường của tôi. Tôi hơi lo, vì sự chậm trễ đúng là đã có thể nhận ra, còn nguyên nhân thì chỉ cần có chút hiểu biết - điều tôi cũng đã lường trước - là có thể tìm ra dễ dàng, nhưng cậu ta đã được đem đi cùng với những người khác, ơn Chúa không thấy họ nói gì, và trước mắt họ đã để tôi một mình không có bạn.
Cũng ở đây tôi thực sự biết hết đến các loài rận rệp. Tôi không thể nào bắt nổi lũ bọ chét, chúng nhanh hơn vì xét cho cùng chúng được nuôi dưỡng tốt hơn tôi. Lũ rận thì dễ bắt hơn, chỉ có điều bắt chúng cũng chẳng tích sự gì. Nếu đã quá bực mình với chúng, tôi chỉ cần dùng móng tay cái di một vệt bất kì trên lần vải áo đã căng trên lưng, là có thể trả thù chúng bằng những tiếng lép bép khá rõ, có thể tận hưởng thú vui hủy diệt - nhưng chỉ một phút sau tôi đã có thể lặp lại đúng chỗ cũ và đạt kết quả đúng như vậy. Chúng ở khắp mọi nơi, chúng chui vào mọi xó xỉnh, chiếc mũ màu xanh lá cây của tôi đã gần như chuyển động vì chúng. Thế mà, tôi vẫn bất ngờ nhất, kinh hoàng và sau đó là hoảng hốt, khi thấy buồn buồn ở bên sườn, và nâng tấm băng giấy lên tôi thấy chúng đang ăn thịt trên các vết thương của mình. Tôi vội vã muốn giải thoát khỏi chúng, hay ít nhất gạt, gẩy chúng đi, ít nhất bắt chúng kiên nhẫn chờ chút nữa và thú thật chưa bao giờ tôi thấy cuộc chiến nào lại vô vọng đến thế, sự phản kháng nào lại ngoan cố đến thế. Sau một thời gian tôi đành bỏ cuộc, và chỉ nhìn sự phàm ăn, lúc nhúc, tham lam, ngấu nghiến và niềm hạnh phúc không cần che đậy: cứ như thể tôi đã mơ hồ biết về điều này từ đâu đó. Khi chúng tôi nhận ra: ít nhiều tôi có thể hiểu được chúng, xét về mọi mặt. Đến nỗi cuối cùng tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm, cả sự ghê rợn cũng đã qua. Tất nhiên sau đó tôi đã không vui mừng, tôi vẫn có chút cay đắng, và tôi nghĩ xét cho cùng có thể hiểu được, nhưng đúng hơn là theo một cách chung chung nào đó, không hề tức giận, có thể nói rằng với đôi chút ngấm ngầm ưng thuận chỉ vì quy luật của tự nhiên; dẫu sao tôi cũng vội vàng đậy lại, và từ đó tôi không chiến đấu với chúng nữa, không làm phiền chúng thêm nữa.
Tôi có thể khẳng định: không có ngần ấy kinh nghiệm, không có sự bình thản hoàn thiện đến thế, cũng không có sự thấu hiểu có sức nặng đến thế, thì dường như, ta sẽ không dành cho vận may của chúng ta một cơ hội cuối cùng vì lợi ích của bản thân - nếu như có phương cách, tất nhiên. Như vậy, khi mà tôi, cùng với tất cả những người khác đã không con nhiều hy vọng được sắp xếp việc làm ở đây, tại Zeitz này nữa, thì họ chuyển trả tất cả lại cho nơi đã gửi đến: quay lại Buchenwald. Tôi chia sẻ niềm vui này với những người khác bằng tất cả khả năng còn lại của mình, tất nhiên, vì những ngày tốt lành ở đó, đặc biệt là tôi nhớ ngay đến những lần chia xúp buổi sáng. Nhưng phải công nhận, tôi đã không nghĩ đến chuyện là trước đó phải đến nơi đã, mà đi bằng tàu hỏa cùng với những điều kiện của các chuyến đi như đã biết. Dù sao tôi cũng có thể nói rằng có những sự việc mà cho đến lúc này không bao giờ tôi hiểu được, và cũng khó có thể tin được hoàn toàn. Chẳng hạn có một khái niệm có thời hay nghe nói như “di cốt” của ai đó, theo hiểu biết đến lúc đó của tôi thì nó chỉ thích ứng với một người đã khuất nào đó. Hơn nữa về phía bản thân mình tôi không thể hoài nghi, tôi đã sống, dù leo lét, dù vặn nhỏ hết cỡ, nhưng trong tôi vẫn cháy một thứ gì đó, ngọn lửa sống - như người ta thường nói, có nghĩa là cơ thể tôi đây, tôi biết rõ mọi điều về nó, chỉ có bản thân tôi không còn ở trong nó theo cách nào đó. Tôi nhận ra không mấy khó khăn rằng cái thân xác này, với những thứ khác bên cạnh nó, bên trên nó đang nằm đây, trên lớp rơm lạnh lót sàn xe đang xóc nẩy lên và nhớt nhát từ mọi thứ ẩm ướt đáng gờm này, rằng lớp băng giấy đã rách tả tơi, đã rụng xuống, tan vữa ra từ lâu, rằng áo sơ mi, quần người ta mặc cho tôi đi đường đã dính chặt vào các vết thương của tôi - nhưng tất cả những điều đó không động chạm đến tôi trực tiếp, tôi không quan tâm đến chúng, chúng không còn ảnh hưởng đến tôi, thậm chí tôi khẳng định rằng đã từ lâu tôi không thấy mình nhẹ nhõm, thanh thản, gần như mơ màng, có thể nói là thoải mái như lúc này. Sau chừng ấy thời gian rốt cuộc lần đầu tiên tôi đã giải thoát khỏi sự hành hạ của nỗi bực tức: những thân thể chen lấn không làm tôi khó chịu nữa, bằng cách nào đó tôi còn lấy làm mừng vì chúng cũng ở đây, cùng với tôi, vì chúng gần gũi và cũng giống thân thể tôi đến mức ấy, và giờ đây lần đầu tiên tôi thấy một cảm giác bất thường, trái khoáy, lúng túng, có thể nói là vụng về nào đó - có thể là tình thương, tôi nghĩ thế. Và tôi nhận thấy ở cả những người khác điều đó. Họ không còn an ủi tôi, như lúc ban đầu, bằng hy vọng nữa. Cũng có thể, điều này khiến nảy ra những biểu hiện khác, chẳng hạn như vài lời động viên, an ủi mà đôi khi còn nghe thốt lên bên cạnh những tiếng thở than thông thường, những tiếng nghiến răng, những than phiền lặng lẽ, trở nên khẽ khàng đến thế, và gần gũi thế. Nhưng tôi có thể nói những con người đó vẫn còn có khả năng không dè sẻn hành động của họ, chẳng hạn như có những bàn tay nhân ái - ai mà biết được từ xa thế nào tới - đã đưa đến chỗ tôi một chiếc hộp đồng thau, khi tôi kêu cần đi tiểu. Và khi dưới lưng tôi - tôi cũng không hề biết bằng cách nào nữa, khi nào và nhờ bàn tay của ai hay những ai - thay vì những tấm gỗ lát sàn toa bỗng nhiên là những vũng nước băng giá trên nền đất lát đá, thì tôi có thể nói việc tôi đã trở lại Buchenwald an toàn không còn nhiều ý nghĩa đối với tôi, và tôi đã quên đi từ lâu rằng đây là nơi, xét cho cùng, tôi đã từng khao khát đến. Tôi cũng chẳng còn biết mình đang ở đâu, còn trên sân ga hay đã sâu vào trong; tôi không còn nhận ra xung quanh, không thấy cả con đường, những biệt thự và pho tượng mà tôi vẫn còn nhớ rõ.
Dù thế nào, có vẻ như tôi đã phải nằm như thế khá lâu, và tôi cứ nằm yên, thanh thản, hiền lành, không tò mò, nhẫn nại, ở chỗ này, nơi người ta đặt tôi xuống. Tôi không cảm thấy lạnh, thấy đau đớn, và đúng hơn là cũng chỉ có tri giác tôi, chứ không phải làn da tôi truyền đến cho tôi biết rằng một thứ tuyết và mưa bụi giá buốt đang rơi lên mặt mình. Tôi nghĩ đến điều này điều nọ, tôi nhìn - không một động tác thừa, không hề mệt mỏi - những thứ đập vào mắt: chẳng hạn bầu trời thấp, xám xịt và vẩn đục phía trên, chính xác hơn là những đám mây mùa đông màu chì, chậm chạp lướt qua trước tầm mắt. Đây đó những tầng mây như nứt rạn bất chợt để lộ ra một khe hở, một khoảng trống sáng chói xuất hiện trong chốc lát, như sự bí ẩn bỗng nhiên lóe ra từ sâu thẳm, từ đó một tia sáng rọi trên cao xuống chỗ tôi nằm, một cái nhìn chớp nhoáng, soi mói, một con mắt khó xác định màu, nhưng dẫu sao vẫn sáng sủa, hơi giống con mắt của ông bác sĩ trước đây tôi gặp ở Auschwitz. Ngay cạnh tôi là một chiếc giày thô kệch, bên kia là chiếc mũ chụp giống mũ của tôi, lọt vào góc nhìn của tôi là một khuôn mặt giữa cái mũi và cái cằm nhọn là một rãnh sâu. Phía sau nữa là những cái đầu, những đồ vật, những thân thể - tôi đã hiểu ra, đó là những gì còn lại, nói bằng từ chính xác hơn là rác rưởi của chuyến hàng mà có lẽ họ tạm vứt xuống đây. Một khoảng thời gian sau, tôi không rõ một giờ, một ngày hay một năm sau, cuối cùng tôi nhận ra những âm thanh, những tiếng động, tiếng va chạm của việc xếp dọn. Cái đầu bên cạnh tôi chợt nhấc lên, và phía dưới ở chỗ vai thõng xuống những cánh tay mặc áo tù đang chuẩn bi được ném lên một thứ xe bò hay xe cút kít gì đó, lên đỉnh một đống xác người đã chất sẵn từ trước. Đúng lúc đó lọt đến tai tôi một giọng nói thoang thoảng, khó khăn lắm tôi mới phân biệt nổi, và trong cái âm thanh lào khào ấy, tôi nhớ ra giọng lè rè quen thuộc: “Tôi... ph...ản đ...ối...”. Trong một khoảnh khắc, trước khi văng tiếp đi, tôi cảm thấy tưởng chừng như cái thân xác ấy dừng lại giữa chừng trong không gian, như kinh ngạc, và ngay lúc đó tôi nghe thấy một giọng nói khác, rõ ràng là của người đang nhấc đôi vai kia lên. Một giọng đàn ông dễ chịu và thân thiện, cái giọng Đức hơi lạ thường thấy trong trại, theo cảm giác của tôi nó biểu hiện sự kinh hoàng, sửng sốt hơn là khó chịu: “Was? Du willst noch leben?” [tiếng Đức: “Cái gì? Mi vẫn còn muốn sống chứ?”], ông ta hỏi, và trong giây phút ấy chính tôi cũng cảm thấy đây là việc lạ lùng, không thể lý giải, một việc nhìn chung là phi lý. Thế là tôi quyết định: về phần mình tôi sẽ khôn ngoan hơn. Nhưng người ta đã cúi xuống phía trên tôi, và tôi buộc phải nheo nheo mắt vì một bàn tay đang rờ nắn thứ gì đó quanh mắt tôi, trước khi ném cả tôi vào giữa cái đống chất trên một xe cút kít nhỏ, và bắt đầu đẩy đến một nơi nào đó, mà tôi cũng chẳng mấy quan tâm là đến đâu. Tôi chỉ bận tâm đến một việc, chỉ có một ý nghĩ, một vấn đề nảy sinh trong đầu tôi trong giây phút ấy. Có thể đó là do lỗi của tôi mà tôi không biết, nhưng chưa bao giờ tôi là kẻ biết lo xa để hỏi han về những tập tục, cách thức, phương pháp ở Buchenwald, tóm lại là ở đây người ta làm như thế nào: bằng gas, như ở Auschwitz, có lẽ bằng sự trợ giúp của độc dược, hay bằng súng đạn, cũng có thể bằng một trong hàng ngàn cách khác, mà những kiến thức của tôi không đủ hiểu - tôi không thể biết. Dù thế nào tôi cũng hy vọng, nó sẽ không còn đau đớn, và có thể là kỳ quặc, nhưng điều này cũng là sự thật, nó cũng làm tôi suy nghĩ, giống như những niềm hy vọng có thật khác mà chúng ta gửi gắm vào tương lai, tôi có thể nói như thế. Và chỉ đến lúc đó tôi mới biết lòng kiêu hãnh là một cảm giác theo đuổi con người ta đến phút chót cuộc đời, vì thực tế dù sự mập mờ này có hành hạ đến mấy thì tôi cũng không hỏi, không xin một lời, thậm chí chỉ một cái liếc mắt về phía những người đang đẩy mình đi cũng không. Nhưng con đường đã đi tới một khúc quanh trên cao, và phía dưới tôi bỗng mở ra một góc nhìn rộng. Dưới kia là một khung cảnh dày xít phủ kín sườn dốc, những ngôi nhà đá nho nhỏ, các dãy nhà có lẽ mới dựng, nom buồn tẻ hơn, còn chưa sơn, làm thành một khu riêng, những hàng rào thép gai ngăn cách các khu riêng biệt, nom ngoằn ngoèo nhưng có trật tự, xa hơn là một mảng rừng cây lớn trơ trụi bao phủ bởi một lớp sương mù. Tôi không biết ở cạnh một ngôi nhà nhiều người Hồi giáo trần truồng đang đứng chờ điều gì, một vài người phụ trách đi đi lại lại, nếu tôi nhìn không nhầm thì đúng là từ những chiếc ghế thấp, từ những động tác của họ tôi bỗng nhận ra những tay thợ cạo, như thế nghĩa là đám đông đang chờ vào nhà tắm và sau đó rõ ràng là nhập trại. Nhưng phía trong nữa, trên những con đường rải đá trong trại cũng thấy những dấu hiệu nhộn nhịp, chuyển động, sinh hoạt - các tù phạm cũ, những người đau ốm, những người phụ trách, coi kho, những người may mắn được lựa chọn vào các đội lao động trong trại đi lại tấp nập, hay đang làm những việc thường ngày của họ. Chỗ này chỗ nọ có những đám khói đáng ngờ hòa lẫn các đám hơi thân thiện hơn, từ đâu đó có tiếng va chạm quen thuộc vẳng đến tai tôi, êm êm như tiếng chuông trong những giấc mơ, và ánh mắt tìm kiếm của tôi bắt gặp dưới kia một đoàn người đang khiêng những cây sào trĩu xuống dưới sức nặng của những chiếc nồi đang bốc hơi nghi ngút, và trong không khí ngai ngái từ phía xa xa, không nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mùi xúp củ cải. Đáng tiếc, vì hình ảnh ấy, cái mùi ấy đã tạo ra - từ trong lồng ngực đã tê liệt của tôi - một cảm giác mà nhịp sóng tăng dần của nó đã làm ứa đôi mắt cạn kiệt của tôi vài giọt nóng hổi, chúng lẫn vào sự ẩm ướt lạnh lẽo trên mặt tôi. Và mọi sự cân nhắc, suy nghĩ, chấp nhận, tỉnh táo đều vô ích, tôi không thể lầm khi nhận ra một khao khát đã len lỏi, một cảm giác hổ thẹn vì sự vô nghĩa của nó, nhưng vẫn càng lúc càng dai dẳng: tôi vẫn còn muốn sống thêm chút nữa trong cái trại tập trung đẹp đẽ kia.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét