Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 2

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

2

Chúng tôi tiễn cha đi đã được hai tháng. Mùa hè mới bắt đầu. Nhưng trường trung học cho nghỉ hè từ lâu rồi. Người ta lấy cớ đang có chiến tranh. Máy bay thường xuyên ném bom xuống thành phố, và từ đó đến nay đã có những đạo luật mới về người Do Thái được ban hành. Từ hai tuần nay tôi cũng phải đi làm. Trên tờ giấy chính thức người ta thông báo tôi “được phân về nơi làm việc thường xuyên”. Mục người nhận ghi: “thanh niên phụ việc học nghề Köves György”, qua đó tôi biết ngay trong vụ này có bàn tay của hội Levente*.

*[Levente: một tổ chức thành lập từ năm 1921 tại Hungary, tập hợp các thanh thiếu niên từ 13 đến 21 tuổi, theo chế độ bắt buộc, sinh hoạt và tập quân sự ít nhất bốn giờ mỗi ngày do các sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội hướng dẫn. Các đội viên Levente mặc quần áo dân sự, nhưng đội mũ thống nhất kiểu quân sự, ngày lễ có cài thêm một chiếc lông cánh ngỗng. Tổ chức này bị giải tán năm 1945 cùng một số tổ chức có xu hướng phát xít khác]

Nhưng tôi còn nghe nói dạo này trong các nhà máy hay những nơi tương tự họ đưa cả người chưa đến tuổi lao động chính thức vào làm việc, như tôi chẳng hạn. Cùng với tôi có mười tám thiếu niên khác, vì những lý do giống nhau, đều trạc tuổi mười lăm. Chỗ làm việc nằm trên đảo Csepel*, có tên là “Các xưởng tình chế dầu mỏ Shell”. Như vậy, thực chất là tôi còn được ưu tiên, vì với ngôi sao vàng, cấm không được ra khỏi đường biên thành phố. Mà tôi được nhận giấy chứng nhận hẳn hơi, với con dấu của chỉ huy binh xưởng và lời phê: “Được phép đi qua đường biên thuế quan Csepel”.

*[Csepel: một hòn đảo nằm trên sông Duna, trước đây là một khu công nghiệp của Hungary; hiện một phần đảo này là quận XXI của thành phố Budapest]

Về công việc, không thể nói là quá nặng nhọc, và như vậy, đám con trai còn khá vui vẻ: chúng tôi chỉ phụ việc cho thợ nề. Vì xưởng tinh chế dầu bị đánh bom, nên chúng tôi phải khôi phục các hư hại do oanh tạc cơ gây ra. Ông thợ cả phụ trách cũng đối xử với chúng tôi đúng mực: cuối tuần ông còn tính công trả chúng tôi, cũng như cho thợ chính thức của ông. Nhưng mẹ kế tôi chủ yếu mừng vì cái thẻ chứng nhận. Vì từ trước đến nay, hễ tôi cứ ra đường lần nào là bao giờ bà cũng rất lo lắng, không biết khi cần tôi sẽ chứng minh nhân thân thế nào. Còn từ nay bà không có gì phải lo ngại nữa vì cái thẻ chứng nhận sẽ chứng tỏ tôi không sống theo ý thích của tôi, mà tôi làm công việc có ích lợi quân sự trong nhà máy, và điều này hiển nhiên được đánh giá theo một cách khác hoàn toàn. Đây cũng là ý kiến của cả gia đình. Chỉ có bác chị gái mẹ kế tôi là ít nhiều than thở, bác bảo thế nghĩa là tôi phải làm việc chân tay, và bác nhìn tôi gần như với đôi mắt mọng nước: thế liệu tôi có còn đến trường trung học nữa hay không? Tôi bảo bác công việc chỉ làm tôi khỏe ra. Cả bác Vili cũng lập tức cho rằng tôi nói phải, bác Lajos thì nhắc: chúng ta phải chấp nhận sự sắp đặt của Chúa, rồi bác im lặng. Bác Lajos còn gọi riêng tôi ra, và nói với tôi vài câu nghiêm túc: trong đó bác nhắc tôi chớ quên rằng, ở nơi làm việc tôi không chỉ đại diện cho bản thân mình, mà còn đại diện cho “cả cộng đồng Do Thái”, và do vậy, vì họ, tôi phải chú ý tới thái độ ứng xử của mình, bởi qua đó người ta sẽ phán xét tất cả chúng tôi. Thực lòng tôi chưa nghĩ tới chuyện này. Nhưng dĩ nhiên, có thể bác nói đúng.
Thư cha tôi gửi từ trại lao động vẫn về đúng hẹn: ơn Chúa, ông vẫn khỏe mạnh, ông chịu đựng được công việc, và cách đối xử, theo ông viết, cũng con người. Gia đình cũng bằng lòng với nội dung những bức thư. Theo ý kiến của bác Lajos thì cho tới nay Chúa vẫn ở bên cha tôi, và bác nhắc tới việc phải cầu nguyện hằng ngày, để Chúa tiếp tục phù hộ cho ông, vì Người là đấng quyền năng trên tất cả. Bác Vili thì đoan chắc rằng bây giờ chúng tôi chỉ phải cầm cự “một thời gian quá độ ngắn” nữa thôi, vì, theo lời bình của bác, các cuộc đổ bộ của những cường quốc Đồng minh đã “vĩnh viễn quyết định số phận” của nước Đức.
Cho đến lúc này tôi cũng sống được với mẹ kế mà không có bất đồng quan điểm gì. Còn bà thì trái lại, bà buộc phải trở nên nhàn nhã: người ta đã ra lệnh cho bà đóng cửa hiệu, vì người có dòng máu không trong sạch không thể làm nghề buôn bán. Nhưng có vẻ như con bài mà cha tôi đặt vào tay bác Sütő đã gặp may, và thế là tuần nào bác cũng đem đến cho mẹ kế tôi phần lời sinh ra từ cơ sở kia của chúng tôi, đúng như bác đã hứa với cha tôi. Lần vừa rồi bác cũng đúng hẹn, và đặt lên bàn một khoản kha khá, tôi thấy có vẻ thế. Bác hôn tay mẹ kế và với tôi, bác cũng có đôi lời thân tình. Như thường lệ, bác hỏi han kỹ lưỡng về tình hình “ông chủ”. Đã đến lúc sắp chia tay, thì bác chợt nhớ ra điều gì.
Bác lấy từ trong cặp ra một cái bọc. Nom bác hơi lúng túng. “Thưa bà”, bác nói, “tôi hy vọng cái này sẽ hữu ích cho gia đình ta”. Trong bọc có mỡ, đường và vài thứ khác. Tôi ngờ là bác kiếm được những thứ đó ngoài chợ đen, có lẽ vì bác cũng đã đọc được quyết định: người Do Thái phải bằng lòng với khẩu phần thực phẩm cung cấp ít ỏi hơn. Ban đầu mẹ kế tôi cố từ chối, nhưng bác Sütő rất cương quyết, và cuối cùng, tất nhiên bà không thể khước từ thiện ý của bác. Khi chỉ còn hai chúng tôi, bà hỏi theo tôi bà có hành động đúng không khi nhận gói quà. Tôi bảo đúng, vì bà không thể làm mất lòng bác Sütő bằng việc không nhận, xét cho cùng bác ấy chỉ muốn điều tốt. Bà cũng nghĩ như vậy, và bà còn nói, bà tin rằng cha tôi cũng đồng ý với việc làm của bà. Đúng vậy, tôi cũng không hề nghĩ khác. Hơn nữa, bà là người biết rõ điều đó hơn tôi.
Mỗi tuần tôi vẫn đến thăm mẹ hai lần, vào những buổi chiều tôi thuộc về mẹ, như thường lệ. Với mẹ, tôi gặp nhiều khó khăn hơn. Đúng như cha tôi dự đoán trước, mẹ không thể nào chịu chấp nhận chỗ của tôi là ở bên cạnh mẹ kế. Mẹ bảo tôi “thuộc về mẹ đẻ”. Nhưng tôi được biết tòa đã xử cho tôi ở với cha, và như vậy quyết định của tòa có hiệu lực. Nhưng Chủ nhật này mẹ lại căn vặn tôi muốn sống thế nào, vì theo mẹ chỉ có duy nhất ý muốn của tôi là quan trọng, và điều này nữa: tôi có yêu mẹ hay không. Tôi trả lời: tất nhiên là tôi yêu mẹ! Nhưng mẹ giải thích, yêu có nghĩa là “gắn bó với người nào đó”, thế mà mẹ thấy tôi lại gắn bó với mẹ kế tôi. Tôi cố làm cho mẹ hiểu, mẹ nghĩ nhầm, vì không phải tôi gắn bó với mẹ kế, mà - như mẹ cũng biết - đó là quyết định của cha. Nghe thế mẹ lại bảo, đây là chuyện cuộc đời tôi, chính tôi phải quyết định chuyện này, hơn nữa “không phải là lời nói, mà việc làm mới chứng minh” tình yêu với mẹ. Tôi ra về trong cảm giác trĩu nặng: tất nhiên tôi không thể để mẹ nghĩ là tôi không yêu bà, mặt khác tôi không coi những điều mẹ nói về tầm quan trọng của ý muốn của tôi, và về việc tôi phải tự quyết định, là nghiêm chỉnh. Xét cho cùng, đây là cuộc tranh cãi của cha mẹ tôi. Trong việc này, tôi là người khó phân xử. Hơn nữa, tôi không thể nuốt lời với cha đúng vào lúc này, khi ông đang ở trong trại lao động. Nhưng dù sao, tôi vẫn bước lên tàu điện với ý nghĩ nặng nề, vì dĩ nhiên tôi gắn bó với mẹ, và tất nhiên tôi khổ tâm vì hôm nay cũng chẳng làm được gì cho bà.
Có thể cảm giác khổ tâm ấy là nguyên nhân khiến tôi cứ nấn ná mãi mới chia tay mẹ. Chính mẹ phải giục tôi về kẻo muộn, vì buổi tối người đeo sao vàng chỉ được ở ngoài đường đến tám giờ. Tôi giải thích cho mẹ, bây giờ đã có giấy chứng nhận, tôi không cần tuân thủ quá nghiêm ngặt mọi quy định.
Mặc dầu vậy tôi vẫn leo lên ngăn cuối cùng của toa phụ móc thêm trên tàu điện, cẩn thận đúng như quy định trên tàu. Tôi về đến nhà lúc gần tám giờ, dù tối mùa hè trời còn sáng, một vài ô cửa sổ đã được bịt kín bởi những tấm bảng màu đen và xanh. Mẹ kế tôi cũng đã sốt ruột, nhưng đúng hơn chỉ là do thói quen, vì tôi đã có thẻ chứng nhận. Buổi tối, như thường lệ, chúng tôi ngồi bên nhà bác Fleischmann. Hai ông già vẫn khỏe, luôn tranh cãi, nhưng cả hai đều cho việc tôi đi làm là đúng, dĩ nhiên vì cái thẻ chứng nhận. Tôi và mẹ kế không thông thạo đường đi về phía đảo Csepel, nên lần đầu tiên phải hỏi đường các bác. Bác Fleischmann khuyên nên đi tàu điện ngoại ô, bác Steiner thì bảo đi xe bus, vì theo bác, bến xe bus ở gần ngay xưởng dầu, trái lại từ bến xe điện còn phải đi bộ nhiều - sau này chứng tỏ điều bác nói đúng như vậy. Nhưng lúc đó chúng tôi còn chưa biết, và bác Fleischmann rất bực mình: “Bao giờ cũng chỉ ông là đúng” bác làu bàu. Cuối cùng hai bà vợ béo phải đứng ra can thiệp. Tôi và Annamária được một trận cười thỏa thích.
Với cô bé, tình cờ tôi rơi vào một tình huống hơi khác thường. Chuyện xảy ra lúc có báo động phòng không tối hôm kia, dưới hầm trú ẩn, đúng hơn là trong một ngách hầm tối lờ mờ dẫn ra từ hầm lớn. Lúc đầu tôi chỉ muốn chỉ cho cô nàng thấy có thể quan sát những gì diễn ra bên ngoài từ chỗ này một cách rất thú vị. Nhưng sau một phút, chúng tôi nghe có tiếng một trái bom nổ gần, toàn thân nàng bắt đầu run rẩy. Tôi cảm thấy rõ ràng, vì trong lúc sợ hãi nàng đã quàng tay ôm lấy cổ tôi, và úp mặt lên vai tôi. Rồi tôi chỉ còn nhớ tôi đã lần tìm đôi môi nàng. Chỉ còn ấn tượng mờ nhạt về sự tiếp xúc ấm nóng, ươn ướt, hơi dấp dính còn lại trong tôi. Và sự ngạc nhiên như mừng rỡ, vì dẫu sao đó cũng là nụ hôn đầu tiên của tôi với một đứa con gái, lại đúng vào thời điểm tôi không hề tính đến.
Hôm qua, ngoài cầu thang tôi mới biết, chính nàng cũng rất bất ngờ. “Tất cả chỉ là do quả bom”, nàng kết luận, về cơ bản nàng nói đúng. Rồi sau đó chúng tôi lại hôn nhau, và đó là lúc tôi học được ở nàng cách làm cho cái hôn trở nên có ấn tượng đáng nhớ lâu hơn, nhờ việc cả hai cùng dành cho lưỡi mình một vai trò nhất định.
Tối nay tôi và nàng cũng vào một phòng khác, để xem bể cá cảnh của bác Fleischmann, vì đúng là vào những dịp khác chúng tôi cũng thường xem cá cảnh. Lúc này tất nhiên chúng tôi vào đây không chỉ vì điều đó. Chúng tôi còn sử dụng lưỡi. Nhưng phải quay ra mau, vì Annamária sợ các bác có thể nghi ngờ. Sau này, qua trò chuyện, tôi được biết vài điều thú vị liên quan đến những suy nghĩ của nàng về tôi: nàng bảo trước đây nàng không tưởng tượng nổi có lúc tôi lại có ý nghĩa khác đối với nàng, hơn là một người “bạn tốt.” Khi mới quen, nàng xem tôi chỉ như một thiếu niên mới lớn. Sau này, nàng bảo, nàng có chú ý hơn, và tôi đã đánh thức ở nàng những cảm thông nhất định, có lẽ, nàng nghĩ, do sự giống nhau trong mối quan hệ với cha mẹ của hai chúng tôi, và qua những ý kiến của tôi nàng suy ra rằng trong một vài việc cách suy nghĩ của chúng tôi giống nhau, nhưng khi đó nàng chưa nghĩ đến điều gì hơn thế. Nàng có vẻ đăm chiêu, điều này thật kỳ lạ, và nàng còn bảo: “Dường như việc phải xảy ra như thế”. Nom nét mặt nàng rất lạ, gần như nghiêm khắc, và tôi cũng không tranh cãi với nàng, mặc dù tôi đồng nhất với ý nàng nói hôm qua rằng, quả bom là nguyên nhân của tất cả. Nhưng tất nhiên tôi không thể biết, có điều tôi thấy nàng thích thế hơn. Rồi lát sau chúng tôi chia tay nhau, vì ngày mai tôi phải đi làm, và khi bắt tay nàng, tôi thấy hơi nhói đau trong lòng tay vì móng tay nàng. Tôi hiểu nàng nhắc đến bí mật của chúng tôi, và gương mặt nàng như bảo: “Tất cả đều ổn”.
Thế nhưng hôm sau thái độ ứng xử của nàng khá lạ lùng. Buổi chiều, khi đi làm về, trước hết tôi tắm rửa, thay áo, thay giày, rồi dùng lược ướt chải đầu tươm tất, sau đó chúng tôi cùng lên nhà hai chị em - vì giữa chừng Annamária đã làm xong thủ tục giới thiệu tôi với họ theo kế hoạch từ trước của nàng. Mẹ hai cô bé cũng tiếp chúng tôi rất xởi lởi. (Ông bố họ cũng đang đi lao động cưỡng chế). Nhà họ rộng, có ban công, trải nhiều thảm, có mấy phòng lớn và một phòng riêng nhỏ cho hai cô con gái. Có đàn dương cầm, nhiều búp bê và những đồ chơi con gái khác. Chủ yếu chúng tôi đánh bài, nhưng hôm nay cô chị không thích. Cô muốn chia sẻ với chúng tôi một nỗi lo, một câu hỏi gần đây cô hay nghĩ đến: ngôi sao vàng gây cho cô một nỗi lo ngại nhất định. Đúng ra “ánh mắt nhìn của mọi người” làm cô thay đổi - vì cô thấy mọi người đối với cô thay đổi và từ cái nhìn của họ, cô thấy họ “căm thù” cô. Sáng nay cô cũng nhận thấy thế khi cô được sai đi mua đồ. Nhưng tôi thì nghĩ cô nhìn nhận hơi quá. Trải nghiệm của tôi ít ra không hẳn thế. Chẳng hạn ở chỗ tôi làm cũng có những tay thợ nề mà ai cũng biết là không thể chịu nổi người Do Thái, nhưng với lũ con trai chúng tôi họ vẫn thân thiện. Đương nhiên việc đó không mảy may thay đổi quan niệm của họ. Rồi tôi còn nhớ đến trường hợp lão bán bánh mì, và tôi cố giải thích cho cô hiểu, thực ra họ không thù ghét cá nhân cô - vì xét cho cùng họ đâu có quen biết cô, mà đúng hơn họ chỉ thù ghét cái tư tưởng “là Do Thái”. Cô liền bảo cô cũng vừa mới nghĩ đến điều đó, bởi vì trước khi chú ý tới nó, cơ bản cô cũng chẳng biết “là Do Thái” nghĩa là gì. Annamária nói với cô rằng chuyện ấy thì ai chẳng biết: đó là một tôn giáo. Nhưng cô không quan tâm đến nó, mà đến ý nghĩa của nó. “Cuối cùng người ta cần biết vì sao họ căm ghét mình chứ”, - cô bảo. Cô thú nhận ban đầu cô chẳng hiểu gì hết, và cô rất đau đớn khi thấy người ta ghét “chỉ vì mình là Do Thái”; khi đó lần đầu tiên, theo lời cô, cô cảm thấy một điều gì đó chia rẽ cô với mọi người, và cô thuộc về một thế giới khác so với họ. Sau đó cô đã suy nghĩ, cô đã thử tìm trong sách vở và qua các cuộc trò chuyện cô thử tìm hiểu vấn đề này, và cô nhận ra rằng người ta thù ghét chính cái đó ở cô. Theo quan niệm của cô, thực tế là “chúng ta - người Do Thái - chúng ta khác mọi người”, và sự khác biệt đó là cơ bản, đó là lý do người ta thù ghét người Do Thái. Cô còn bảo sống trong “ý thức về sự khác biệt” này là điều rất lạ lùng, và có lúc cô cảm thấy nó như một niềm tự hào, có khi lại thấy như một dạng hổ thẹn nào đó. Cô muốn biết tôi và Annamária nghĩ về sự khác biệt của chúng tôi như thế nào, và cô hỏi liệu chúng tôi tự hào hay hổ thẹn vì điều đó. Cô em gái và Annamária không biết lắm về việc này. Cả tôi cho đến giờ cũng chưa thể nghĩ ra nguyên nhân của những cảm xúc này. Hơn nữa, một con người không thể tự quyết định cho chính anh ta về sự khác biệt ấy: xét cho cùng, ngôi sao vàng là để làm chuyện đó, theo những gì tôi biết được. Tôi đã nói với cô như thế. Nhưng cô khăng khăng: “Chính chúng ta mang trong mình” sự khác biệt. Theo tôi thì dẫu sao cái ta mang trên người vẫn quan trọng hơn. Chúng tôi tranh cãi khá lâu, tôi không biết vì sao, bởi thực lòng, tôi không thấy tầm quan trọng của vấn đề. Nhưng trong cách suy nghĩ của cô bé, tôi thấy có điều gì đó làm tôi khó chịu, theo tôi tất cả đơn giản hơn nhiều. Ngoài ra, tất nhiên tôi còn muốn là kẻ chiến thắng trong cuộc tranh luận. Một vài lần, hình như Annamária cũng muốn lên tiếng, nhưng rồi chẳng có dịp nào, vì cả hai chúng tôi đều không để ý đến nàng.
Cuối cùng tôi nêu cho cô chị một ví dụ. Thỉnh thoảng, chỉ là để giết thời gian, tôi đã suy nghĩ đến việc này, và giờ đây tôi bỗng nhớ ra. Cách đây không lâu tôi có đọc một cuốn sách, một dạng giống như tiểu thuyết; về một người ăn xin và một Hoàng tử, hai người có gương mặt và vóc dáng giống nhau như hai giọt nước, vì hiếu kỳ họ đã đánh đổi số phận cho nhau, tới khi người ăn xin hóa thành Hoàng tử thật, còn chàng Hoàng tử thì hóa ra người ăn xin thật. Tôi bảo cô, hãy thử tưởng tượng chuyện đó xảy ra với mình. Tất nhiên là không có nhiều khả năng thực tế, nhưng xét cho cùng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chẳng hạn chuyện xảy ra từ khi cô còn bé tí, khi chưa biết nói, cũng không còn nhớ điều gì, và dù điều đó đã xảy ra thế nào, nhưng - giả dụ như - bằng cách nào đó người ta đã đánh tráo cô với con của một gia đình khác, một gia đình mà về mặt chủng tộc giấy tờ đều ổn thỏa: trong trường hợp giả định ấy, lúc này cô gái kia sẽ cảm thấy sự khác biệt, và cô ta sẽ mang ngôi sao vàng, trong khi cô, với những dữ kiện về bản thân, sẽ thấy mình - và cả những người khác cũng thấy cô - đúng như mọi người, cô sẽ chẳng hề nghĩ và không hề biết đến sự khác biệt. Tôi thấy cách lập luận này có vẻ tác động đến cô. Lúc đầu cô chỉ im lặng, và dần dần, rất chậm rãi, nhưng tôi cảm thấy đôi môi cô hé mở, như thể cô muốn nói một điều gì đó. Nhưng không phải, một việc khác hẳn thế đã xảy ra: cô khóc. Cô úp mặt lên vòng tay đặt trên mặt bàn, đôi vai cô rung lên từng đợt nhỏ. Tôi quá bất ngờ, mục đích của tôi đâu phải muốn làm cho cô khóc, hơn nữa tôi trở nên lúng túng trước tình cảnh này. Tôi thử cúi xuống, chạm nhẹ vào mái tóc, vào vai và cánh tay cô, như muốn xin cô đừng khóc. Nhưng với giọng cay đắng và mỗi lúc một thêm nghẹn ngào, cô kêu lên rằng nếu như những phẩm chất của chúng ta không dự phần trong đó, thì tất cả chỉ thuần túy là sự ngẫu nhiên và nếu như cô có thể là người khác với người mà cô sinh ra, thì “tất cả chẳng có nghĩa gì hết”, và rằng đây là một ý nghĩ, mà theo cô, “không thể chịu đựng nổi”. Tôi cảm thấy bối rối, vì tôi là người có lỗi, nhưng tôi đâu biết, ý nghĩ này quan trọng với cô đến thế. Lời nói đã trên đầu lưỡi, thiếu chút nữa tôi đã nói ra: cô đừng bận tâm về chuyện ấy, vì trong mắt tôi điều đó chẳng có nghĩa gì, tôi không ghét bỏ cô vì nòi giống của cô, nhưng ngay lúc đó tôi cảm thấy mình nói thế thì hơi nực cười, và tôi đã im lặng. Chỉ có điều tôi vẫn khó chịu vì không nói ra được, vì trong lúc đó đúng là ôi cảm thấy như thế, hoàn toàn độc lập với tình cảnh của mình, chứ chưa muốn nói: một cách tự do. Dù có thể trong một tình huống khác ý kiến của tôi cũng khác. Tôi không biết. Và tôi cũng công nhận tôi không có cách gì để thử nghiệm điều đó. Dẫu sao điều này vẫn làm tôi ái ngại. Và tôi không biết chính xác vì lý do gì, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy một điều gì đó mà tôi nghĩ hơi giống sự hổ thẹn.
Nhưng chỉ khi ra đến cầu thang tôi mới biết: bằng cảm giác ấy của mình tôi đã làm Annamária bực, vì tôi thấy nàng xử sự rất lạ lùng. Tôi hỏi nhưng nàng không đáp lại. Tôi thử nắm tay, nhưng nàng bứt ra khỏi tay tôi và bỏ mặc tôi trên cầu thang.
Chiều hôm sau tôi cũng hoài công đợi nàng xuất hiện. Thế là tôi cũng không thể lên chỗ hai chị em gái, vì cho tới nay chúng tôi bao giờ cũng đi cùng, nếu tôi lên một mình chắc chắn họ sẽ căn vặn vì sao. Hơn nữa, giờ đây tôi đã nhận ra những điều cô chị nói hôm Chủ nhật là có lý.
Buổi tối nàng đã đến nhà bác Fleischmann. Nhưng ban đầu chỉ bắt chuyện với tôi rất dè dặt, và gương mặt nàng chỉ dịu đi đôi chút, khi đáp lại lời nàng bảo nàng hy vọng tôi đã có một buổi chiều vui vẻ ở nhà hai chị em gái, tôi nói tôi không lên chỗ họ. Nàng tỏ ra tò mò: sao lại không, tôi bảo - và đúng thế thật, - không có nàng tôi không muốn. Tôi nhận ra câu trả lời này của tôi cũng đã làm nàng hài lòng. Sau một lúc nàng đồng ý cùng tôi vào phòng trong xem cá cảnh, và khi ở đó quay ra chúng tôi đã làm lành hẳn với nhau. Sau nữa trong buổi tối đó, nàng buông một câu duy nhất về chuyện này: “Đó là cuộc va chạm đầu tiên của chúng ta”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét