Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Không Số Phận - 5

Không số phận
(Nguyên tác: Sorstalanság)

Tác giả: Kertész Imre
Dịch giả: Giáp Văn Chung
Nhà xuất bản Lao Động - 08/2010

5

Có lẽ không một tù nhân nào - tôi nghĩ - ban đầu lại không có chút ngạc nhiên trong tình hình này: trên khu sân mà chúng tôi ra sau khi tắm dở dang, lúc đầu bọn con trai chúng tôi nhìn nhau, ngắm nghía và xoay nhau khá lâu. Tôi còn chú ý đến một người đứng gần, nom bề ngoài còn trẻ, anh ta xem xét, sờ nắn từ đầu đến chân bộ quần áo trên mình một cách kỹ lưỡng, gần như bần thần, cứ như anh chỉ muốn biết về chất lượng vải, cũng như về mức độ thật của nó. Sau đó anh ta nhìn lên, như người muốn nói một điều gì đó, nhưng khi thấy xung quanh cũng chỉ có một kiểu quần áo ấy, cuối cùng anh im lặng - ít nhất là trong lúc ấy, đương nhiên có thể lầm lẫn, nhưng tôi cảm thấy như thế. Dù cái đầu trọc và bộ quần áo tù hơi cộc bởi cái dáng cao cao, tôi vẫn nhận ra, từ nét mặt gầy xương của anh, đó là anh chàng đang yêu, người cách đây một giờ - vì chừng ấy thời gian đã trôi đi từ khi chúng tôi tới đây đến khi thay đổi vẻ bề ngoài - khó nhọc lắm mới buông cô gái tóc đen khỏi tay mình. Nhưng tôi bỗng cảm thấy rất ân hận vì một điều gì đó ở chỗ này. Khi còn ở nhà có lần tôi đã lấy hú họa từ trên giá xuống một cuốn sách nằm kín đáo hơn, đầy bụi bặm - tôi nhớ - đã từ lâu không đọc. Tác giả cuốn sách là một người tù, sau đó tôi cũng không đọc hết, vì không theo kịp luồng suy nghĩ của tác giả, hơn nữa các nhân vật đều có tên dài lê thê, ít nhất gồm ba thành phần không thể nhớ nổi, và cuối cùng vì tôi chẳng quan tâm tẹo nào, hơn nữa thú thực tôi còn hơi ngán cuộc sống của các tù nhân: thế là đến lúc cần thì tôi mù tịt. Tôi chỉ còn nhớ rằng người tù, tác giả của cuốn sách này, theo khẳng định của ông, nhớ đến ngày đầu tiên ở tù - nghĩa là ngày đã cách xa hơn - kỹ hơn là nhớ đến những ngày sau đó - nghĩa là những ngày gần với thời điểm ông viết cuốn sách hơn. Khi ấy tôi cho rằng điều này khá mơ hồ, thậm chí còn hơi phóng đại. Thế mà giờ đây tôi nghĩ có thể ông đã viết sự thật: bản thân tôi cũng nhớ đến hai ngày đầu tiên chính xác hơn những ngày tiếp sau.
Lúc đầu, có thể nói, tôi mới chỉ cảm thấy mình như một người khách trong tù, điều này có thể giải thích được, và về cơ bản mỗi chúng ta, xét cho cùng, đều có xu hướng dễ bị ảo tưởng của bản chất con người, tôi nghĩ thế. Khu sân nắng chang chang này ở đây nom có vẻ hơi trơ trụi, tịnh không thấy bóng dáng sân bóng đá, vườn rau, bãi cỏ đâu. Chỉ có một ngôi nhà gỗ đơn sơ, bề ngoài giống một nhà kho lớn: có vẻ đó là chỗ ở của chúng tôi. Tôi được biết: chúng tôi chỉ được vào đó trước khi đi ngủ vào ban đêm. Phía trước, phía sau là hàng dài những nhà kho giống như thế, chạy xa tít tắp, và phía bên tay trái cũng là một dãy đúng như thế, mặt trước, mặt sau, bên cạnh các nhà cách nhau một khoảng đều tăm tắp. Phía sau, một con đường nhựa rộng, chói mắt - lại một con đường nhựa nữa, vì từ sau khi ra khỏi nhà tắm, đường sá, những quảng trường và những tòa nhà giống hệt nhau trên khu đất rộng bằng phẳng này đã không thể phân biệt nổi, ít nhất là dưới cái nhìn của tôi. Ở những chỗ đường chính cắt qua những con đường chạy ngang nằm giữa các nhà ở, một thanh chắn đường nom giống đồ chơi, xinh xắn, sọc trắng đỏ, mảnh mai chắn ngang lối qua lại. Còn phía bên phải là hàng rào dây thép gai đã rất quen thuộc, như tôi bất ngờ được biết có mắc điện, và đúng vậy, lúc đó tôi nhận ra trên đỉnh những cột bê tông là các trụ sứ trắng, giống như ở nhà tôi đã thấy trên các đường dây tải điện và dây điện thoại. Người ta đảm bảo điện có thể giật chết người; chỉ cần bước lên con đường cát nhỏ chạy dọc theo chân hàng rào là từ chòi canh (người ta đã chỉ cho tôi thấy, và tôi nhận ra đó chính là những cái chòi mà từ ngoài ga tôi tưởng là chòi canh thú), không cần một âm thanh hay một lời nhắc nhở duy nhất, lính gác có thể bắn chết - những người đã thông thạo hơn cảnh báo từ mọi phía, làm ra vẻ quan trọng và rất hăng hái. Chẳng bao lâu nhóm người tình nguyện cũng đến, giữa những âm thanh náo nhiêt, lặc lè dưới sức nặng của những cái nồi lớn màu đỏ gạch. Từ trước đó tin đã được loan ra, chỗ nào cũng thấy kháo nhau, thấy nhắc đến, thấy truyền miệng trên khắp khu sân: “Chúng ta sắp được chia xúp!”. Khỏi phải nói, tôi cũng cho là đã đến lúc, tuy nhiên bao nhiêu gương mặt rạng rỡ, sự biết ơn, niềm vui đặc biệt có vẻ gần như con trẻ khi đón nhận tin này làm tôi thấy có chút kinh ngạc: tôi cảm thấy như thể niềm vui ấy không phải vì món xúp, mà chủ yếu là vì sự quan tâm - cuối cùng đã tới sau bao nhiêu bất ngờ ban đầu - ít ra cảm giác của tôi là như thế. Tôi còn nhận thấy rất có thể thông tin này xuất phát từ người tù có vẻ như là người hướng dẫn chúng tôi kể từ đây, chứ tôi chưa muốn nói: chủ nhà của chúng tôi. Cũng như người tù trong nhà tắm, anh ta mặc bộ quần áo hợp với vóc người, mái tóc anh ta đối với tôi quả thực đã có vẻ bất thường, bên trên chụp một chiếc mũ may từ loại nỉ dày, màu xanh đen mà ở bên nhà thường gọi là “mũ hàm ếch,” chân đi đôi giày khá đẹp màu vàng, trên cánh tay đeo chiếc băng đỏ chứng tỏ uy quyền của anh ta, và tôi bắt đầu phải công nhận: tôi phải cải chính cái hình ảnh lý tưởng vẫn được dạy dỗ ở bên nhà, rằng “không phải quần áo làm nên con người”. Trên ngực anh ta còn có một tam giác màu đỏ - để ngay lập tức cho mọi người thấy anh ta có mặt ở đây không phải vì dòng máu, mà chỉ vì cách suy nghĩ của anh ta, như không lâu sau đó tôi được biết. Đối với chúng tôi, anh ta có phần chừng mực và kiệm lời, nhưng thân thiện, anh vui vẻ giảng giải những điều cần thiết, và khi đó tôi cũng không thấy như thế có gì lạ, vì dẫu sao anh đã ở đây trước, tôi nghĩ. Nom anh cao, gầy, hơi bơ phờ, luộm thuộm, nhưng nhìn chung là một người có vẻ mặt thân thiện. Tôi còn nhận thấy anh hay đứng riêng ra một chỗ, và từ xa, đôi lần tôi bắt gặp một cái nhìn khác lạ, khó hiểu nào đó, và trên khóe miệng anh nở một nụ cười bất giác, như thể anh ngẩn ngơ nhìn chúng tôi, tôi không hiểu vì sao. Sau này người ta bảo anh là người gốc Slovákia. Một vài người trong chúng tôi nói được ngôn ngữ của anh, và họ thường tụ tập quanh anh thành một nhóm nhỏ.
Chính anh chia xúp cho chúng tôi bằng một chiếc thìa gỗ cán dài nom rất lạ, hình dạng nom đúng như một cái phễu. Hai người khác, có vẻ là phụ việc và cũng không thuộc số chúng tôi, chia cho chúng tôi những chiếc đĩa sơn đỏ và những chiếc thìa ăn cũ mòn, méo mó - hai người một chiếc, họ bảo vì số lượng không đủ, ăn xong phải trả ngay dụng cụ ăn - họ nói thêm. Một lát sau tôi cũng đến lượt. Tôi nhận được xúp, đĩa và thìa chung với tay “thợ làm đồ da”: tôi không hào hứng lắm vì không quen ăn chung đĩa chung thìa với người khác, nhưng hoàn cảnh bắt buộc - tôi nhìn nhận - đôi khi đưa đến những tình cảnh như thế. Đầu tiên cậu ta nếm trước, sau đó liền đưa thìa cho tôi. Nom mặt cậu ta rất kỳ quặc. Tôi hỏi món xúp thế nào, cậu ta bảo tôi cứ nếm thử đi. Nhưng đến lúc đó tôi đã thấy ở quanh tôi bọn con trai đứa thì sững sờ, đứa thì nhịn cười nhìn nhau. Thế là tôi cũng nếm thử: phải công nhận rằng đáng tiếc là không thể ăn nổi. Tôi hỏi cậu “thợ làm đồ da” xem nên làm thế nào, cậu ta bảo phần của cậu ta thì tôi có thể đổ bỏ. Đúng lúc đó phía sau lưng tôi vang lên một giọng nói vui vẻ: “Món này gọi là tạp pí lù”, giọng nói giải thích. Tôi liếc thấy một người đẫy đà, đã có tuổi, dưới cánh mũi là vết trắng hơn của bộ ria nhọn vừa cạo, khuôn mặt ông toát ra vẻ phúc hậu. Ông đang nói với mấy người mặt mũi nhăn nhó còn đứng quanh chúng tôi, tay vẫn cầm cặp lồng và thìa. Ông kể ông đã từng tham gia cuộc chiến tranh trước, hơn nữa từng là sĩ quan. “Tôi đã có đủ dịp để tìm hiểu kỹ về thứ xúp này”, ông bảo, cùng với các chiến hữu người Đức trên mặt trận, “những người mà bấy giờ chúng tôi cùng sát cánh chiến đấu” ông nói. Theo ông đây thực chất không là gì khác ngoài món xúp “rau sấy khô”. Dĩ nhiên, ông nói thêm một cách thông cảm, và nở nụ cười với vẻ rộng lượng nhất định, đối với dạ dày người Hung thì nó hơi lạ. Nhưng ông khẳng định, có thể quen, thậm chí cần phải quen với nó, vì trong đó “có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin”, được đảm bảo, ông giải thích, bằng phương pháp sấy khô và sự thông thạo của người Đức trong công việc này. “Hơn nữa”, ông nói thêm và lại mỉm cuời, “với một người lính tốt, nguyên tắc đầu tiên là: ăn tất cả những gì hôm nay được cấp phát, vì không biết ngày mai người ta có cho ăn nữa không”, đó là những gì ông đã nói. Sau đó đúng là ông đã ăn hết suất xúp của mình, bình thản, đều đều, không hề nhăn nhó, đến giọt cuối cùng. Nhưng tôi thì dẫu sao cũng đã hắt phần xúp của mình vào chân tường, giống như tôi nhìn thấy một vài đứa con trai và người lớn đã làm. Nhưng tôi trở nên lúng túng khi liếc thấy cái nhìn từ xa của người phụ trách chúng tôi, và tôi ngại liệu anh ta có khó chịu vì điều đó, nhưng tôi chỉ nhận ra cách thể hiện rất đặc biệt, tựa như lại thấy nụ cười khó xác định kia thoáng qua trên nét mặt anh. Rồi tôi đem trả đĩa, thế vào đó tôi nhận được một lát bánh mì dày, bên trên là một miếng màu trắng giống viên trò chơi xếp hình và cả về độ lớn cũng xấp xỉ bằng ấy: một miếng bơ - không, bơ thực vật, như người ta nói. Tôi đã ăn hết chỗ thức ăn này, mặc dù chưa hề nhìn thấy loại bánh mì như thế: lát bánh mì hình vuông, từ trong ra ngoài như được nướng từ bùn đen, bột bánh lẫn cả những sợi rơm và sạn, khi nhai thấy lạo xạo, nhưng dẫu sao cũng là bánh mì, vả lại sau chặng đường dài tôi cũng đã đói meo. Vì không có dụng cụ ăn, tôi dùng ngón tay quết miếng bơ thực vật lên bánh mì, theo kiểu Robinson, đúng như tôi nhìn thấy những người khác đã làm. Ăn xong tôi ngó quanh tìm nước, thật khó chịu nhưng té ra không có: hừ, tôi bực mình, rồi chúng tôi lại có thể bị khát như trên tàu hỏa thôi.
Lúc đó, cuối cùng chúng tôi mới để ý hơn đến một thứ mùi. Thật khó xác định: nó ngòn ngọt nhưng dính dấp, hơi lẫn thứ mùi hóa chất đã quen thuộc, đến nỗi tôi sợ miếng bánh mì vừa nuốt sẽ trào ngược ra khỏi cổ. Không khó khăn lắm chúng tôi đã phát hiện ra: thủ phạm là một ống khói, nằm bên trái về phía con đường, nhưng xa hơn nhiều. Có thể thấy ngay đó là ống khói của một nhà máy, và người phụ trách chúng tôi cũng cho mọi người biết như vậy, anh còn nói thêm: đó là của nhà máy thuộc da, cũng như nhiều người đã biết ngay từ đầu. Tôi chợt nhớ: trước đây vào Chủ nhật đôi khi tôi cùng cha đi xem bóng đá ở sân Újpest [Újpest: Tên một vùng nay là quận IV của Budapest, cũng là tên một đội bóng đá có sân vận động nằm trong khu vực này], tàu điện cũng chạy ngang qua một nhà máy thuộc da, và trên đoạn đường đó bao giờ tôi cũng phải bịt mũi lại. Mọi người còn bảo, thật may là chúng tôi sẽ không làm việc trong nhà máy ấy: nếu mọi việc tiến triển tốt, nếu chúng tôi không bị tả, kiết lỵ hay dịch bệnh khác thì, chúng tôi được trấn an, chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ được đi nơi khác dễ chịu hơn. Chính vì thế mà chúng tôi chưa đeo số trên quần áo, và nhất là trên da, giống anh chàng chỉ huy của chúng tôi, “chỉ huy Block” [Block: tòa nhà, dãy nhà, như mọi người gọi anh ta bây giờ. Nhiều người đã thấy tận mắt chữ số này: nó có màu mực xanh lá cây nhạt, họ đồn nhau, được viết lên cổ tay, được xăm, chạm bằng kim chuyên dụng, không thể rửa sạch. Gần như đúng vào lúc đó tôi nghe tiếng mấy người tình nguyện chia xúp nói chuyện với nhau. Họ cũng đã nhìn thấy những con số xăm trên tay các tù phạm cũ, trong nhà bếp. Một câu trả lời đặc biệt được truyền miệng từ người nọ sang người kia mà người ta còn cắt nghĩa và nhắc đi nhắc lại quanh tôi mãi, là câu trả lời của một tù phạm khi một người trong chúng tôi hỏi đó là cái gì: “Himmlische Telephonnummer, [Himmlische Telephonnummer (tiếng Đức): số điện thoại của Trời, hoặc số điện thoại may mắn] - tức “số điện thoại của Trời”, hình như phạm nhân ấy đã nói thế. Tôi thấy việc này nhìn chung đã làm mọi người suy nghĩ rất lung, và mặc dù không hiểu hết những từ này, rõ ràng tôi cũng lấy làm lạ. Mọi người bắt đầu vây quanh “chỉ huy Block” và hai người phụ việc, họ đi tới đi lui, căn vặn, tra vấn bằng đủ các câu hỏi, chẳng hạn như có dịch bệnh không? “Có”, đó là câu đáp; điều gì xảy với những người bệnh? “Họ chết”. Thế những người chết thì sao? “Họ bị thiêu”, chúng tôi được biết. Sự thật là, không rõ bằng cách nào, vì không theo dõi chính xác câu chuyện, nhưng tôi dần dần nhận ra, cái ống khói đối diện bên kia không phải của nhà máy thuộc da, mà là của một Crematorium, một lò thiêu xác như chúng tôi được nghe cắt nghĩa của từ này. Nếu vậy thì tôi cũng phải nhìn kỹ hơn: một cái ống khói lùn, có góc cạnh, miệng loe rộng, trên đỉnh như bị bất chợt phạt ngang một nhát. Có thể nói rằng ngoài sự kính nể nhất định, và tất nhiên ngoài cái mùi mà thực sự chúng tôi đã ngập ngụa ở trong như một thứ bùn nhão trong đầm lầy ra, tôi không cảm thấy điều gì khác. Nếu không nói là ở phía xa, chúng tôi liên tục bất ngờ khi nhìn thấy thêm một cái, rồi thêm một cái nữa và ở phía chân trời sáng rực lại thêm một cái ống khói như thế nữa, trong số đó hai cái đang nhả lên bầu trời thứ khói giống hệt như cái ở gần chúng tôi, và có lẽ những người nghi ngờ rằng còn một đám khói nữa đang cuộn lên từ phía sau một khu bãi có nhiều bờ bụi thấp kia có lý, và theo tôi, họ có quyền nghĩ: chẳng lẽ dịch bệnh lại lớn tới mức nhiều người chết đến thế?
Tôi có thể tuyên bố rằng từ buổi tối của ngày đầu tiên còn chưa tới, về cơ bản tôi đã biết đại thể mọi việc. Đúng là giữa chừng chúng tôi cũng đã đi qua nơi đi vệ sinh của khu nhà - một nơi có ba cái bệ đặt theo hàng dọc, trên mỗi bệ có hai hàng lỗ tròn, tổng cộng là sáu hàng lỗ: phải ngồi lên trên hay đi đúng lỗ, tùy từng người, tùy cảnh. Nhưng đâu có nhiều thời gian, vì chỉ lát sau đã xuất hiện một phạm nhân rất nóng nảy, tay đeo băng đen, cầm một cây gậy có vẻ nặng, thế là tất cả phải đi ngay. Thêm vài phạm nhân cũ, ăn mặc đơn giản cũng đi lại gần đó: họ có vẻ hiền lành hơn, còn vui vẻ chỉ dẫn vài lời. Với sự chỉ đạo của anh chàng “chỉ huy Block”, chúng tôi phải đi lại trên một đoạn đường dài, con đường chạy bên cạnh một khu nhà ở rất lạ: sau hàng rào dây thép gai là những nhà giống nhà kho như đã biết, giữa các ngôi nhà là những phụ nữ nom rất kỳ quái (tôi phải lập tức quay mặt đi khi trông thấy một người, qua vạt áo để hở một đứa bé đầu trọc nhẵn bóng dưới ánh nắng đang cố bám vào một cái gì đó thõng xuống lủng lẳng) và những người đàn ông còn kỳ quái hơn, nhìn chung đều mặc áo quần rách mướp, nhưng vẫn giống như quần áo người ta mặc ngoài đời thường, tôi phải nói như vậy. Khi quay lại thì tôi cũng đã nhận thấy: đó là trại của người Digan. Tôi hơi ngạc nhiên: ở bên nhà gần như tất cả mọi người, kể cả tôi, đều nhận xét rất thận trọng đối với người Digan, tất nhiên, nhưng cho đến giờ tôi chưa bao giờ nghe nói họ cũng có tội. Đúng lúc đó thì một chiếc xe đi đến, phía sau hàng rào của họ, chiếc xe do bọn trẻ con kéo, trên vai lũ trẻ quàng dây cương, nom chúng giống như những chú ngựa nhỏ; một người có bộ ria mép rậm bước đi bên cạnh, cầm trong tay cây roi. Hàng trên xe được phủ bằng chăn dạ thô, nhưng qua khe hở thấy ló ra những chiếc bánh mì, mà là bánh mì trắng, tròn dài, không thể nhầm lẫn được: từ đó tôi suy ra rằng có vẻ như dẫu sao họ cũng đứng hàng trên chúng tôi. Còn một hình ảnh khác nữa cũng lưu lại trong trí nhớ tôi trong lúc đi lại ấy: ở hướng khác, có một người mặc đồ trắng trên đường, hai bên ống quần trắng viền những sọc đỏ rộng, đội một chiếc mũ nồi to, đen, kiểu mũ mà nhân vật trong tranh các họa sĩ thời Trung cổ thường đội, tay ông ta cầm một chiếc ba toong lớn, từ đầu đến cuối ông cứ vừa đi vừa nhìn trái nhìn phải suốt, và tôi thật khó tin rằng - theo lời người ta - con người khả kính ấy cũng là một tù nhân như chúng tôi.
Tôi có thể thề rằng trên đoạn đường này tôi không hề nói chuyện với bất kỳ một người lạ nào. Thế nhưng từ khi đó trở đi, đúng là tôi có thể coi như mình đã có những hiểu biết chính xác. Ở phía bên đối diện kia, trong giây phút này, những người bạn đồng hành với tôi trên một chuyến tàu đang bị thiêu cháy, tất cả những người xin lên ô tô, những người già cả hoặc vì những lý do khác tỏ ra không thích hợp trước mặt bác sĩ, cũng như bọn trẻ con và những bà mẹ đi cùng chúng hay những người sắp làm mẹ, những người đã thấy dấu hiệu có thai, như người ta nói. Từ nhà ga họ cũng đi vào nhà tắm. Họ cũng được phổ biến về các móc treo quần áo, về những con số, về cách thức tắm đúng như chúng tôi. Đám thợ cạo cũng có mặt đúng như thế, - như người ta nói, - và người ta cũng gí xà phòng vào tay họ. Rồi sau đó họ cũng vào tới nhà tắm, trong đó, tôi nghe nói, cũng có các đường ống và vòi hoa sen: chỉ có điều từ các vòi hoa sen ấy người ta không xả nước, mà là xả hơi gas xuống đầu họ. Tất cả những điều đó không phải tôi biết ngay một lúc, mà biết dần dần từng tí một, mỗi lúc lại thêm vài tình tiết, có điều biết qua những cuộc tranh cãi, có điều phải chấp nhận và bổ sung thêm những cái mới. Giữa chừng, tôi được biết, rằng từ đầu đến cuối người ta đối đãi với họ rất vui vẻ, họ được lo lắng, được chăm sóc tử tế, bọn trẻ con chơi bóng và hát hò, và nơi họ bị xả hơi ngạt nằm giữa những thảm cỏ, vườn cây, luống hoa rất đẹp: chính vì thế tất cả những điều đó đã gây cho tôi cảm giác hơi giống trò đùa, hoặc như một trò tinh quái học trò nào đó. Thêm nữa, nếu nghĩ lại, thì tất cả, chẳng hạn việc họ đã thay đổi áo quần cho chúng tôi một cách khéo léo như thế nào, chỉ bằng sáng kiến về những chiếc móc áo và con số, hay dọa những người có tư trang bằng việc chiếu tia Röntgen, cuối cùng đều là những lời nói suông cả. Dĩ nhiên, tôi phải công nhận rằng tất cả không phải là trò đùa, nếu như nhìn từ khía cạnh khác - xin được nói như vậy - dưới con mắt tôi, và chủ yếu tôi cũng đã khẳng định được điều này qua cái dạ dày mỗi lúc như muốn lộn mửa của mình; tuy nhiên đó là ấn tượng của tôi, và về cơ bản - hoặc ít nhất tôi cũng tưởng tượng như vậy - thì điều này hẳn không thể diễn ra theo cách khác cho lắm. Rốt cuộc chỉ ở đây họ mới ngồi lại với nhau, có thể nói có lẽ họ đã chụm đầu lại với nhau, dù họ không phải là lũ học trò, mà là những người đã trưởng thành, cũng có thể, thậm chí gần như chắc chắn - tôi nghĩ - họ là những người khả kính, ăn mặc chững chạc, miệng ngậm xì gà, có cấp bậc, có khi toàn là các cấp chỉ huy, những người giờ đây không thể bị làm phiền nữa - tôi tưởng tượng thế. Một người trong số họ nghĩ đến khí gas, một người khác nghĩ ngay đến nhà tắm, người thứ ba nghĩ đến xà phòng, người thứ tư thêm vào những luống hoa, và cứ thế tiếp tục. Cũng có khi họ còn có thể tranh cãi lâu hơn về một ý tưởng nào đó, họ có thể sửa đổi, trong khi những người khác ngay lập tức sướng phát điên lên, và họ nhảy cẫng lên (không hiểu tại sao, nhưng tôi cứ đinh ninh: họ đã nhảy cẫng lên) đập lòng bàn tay vào nhau - mọi chuyện đều có thể được suy diễn ra rất cụ thể, ít nhất là đối với tôi. Sau đó, những gì các bậc chỉ huy tưởng tượng ra đã trở thành hiện thực bởi nhiều bàn tay mẫn cán và công việc hối hả, và tôi phải công nhận rằng không thể nghi ngờ thành công của các ý tưởng đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, bà cụ già nghe lời con ngoài sân ga, cậu bé đi đôi giày trắng và bà mẹ tóc vàng, bà có vóc người to lớn, ông già đội mũ phớt đen hay người bị thần kinh khi đứng trước ông bác sĩ đều đã bị như thế. Tôi nhớ đến cả ông “chuyên gia”: thật đáng thương, chắc hẳn ông ta rất kinh ngạc. “Rozi” cũng vừa lắc đầu thương hại vừa bảo: “Khổ thân Moskovics!” và tất cả chúng tôi đồng tình với cậu ta. “Chàng trai lụa” cũng kêu lên: “Jesus Maria!”. Cậu tiết lộ với chúng tôi, đúng như bọn con trai đã đoán: giữa cậu và cô gái ở nhà máy gạch quả là “đã xảy ra mọi chuyện”, và giờ đây cậu nghĩ đến hậu quả việc làm của mình, với thời gian biết đâu sẽ biểu hiện trên cơ thể cô gái. Chúng tôi công nhận cậu lo ngại hợp lý, mặc dù ngoài nỗi lo lắng, trên mặt cậu còn thấy một điều gì đó khác nữa, một biểu hiện tình cảm khó xác định, và bọn con trai - trong giây phút ấy - đã nhìn cậu với vẻ tôn trọng nhất định, điều đó đối với tôi, dĩ nhiên, không khó hiểu chút nào.
Một việc khác cũng làm tôi có đôi chút suy nghĩ vào ngày hôm đó là sự việc tôi biết được rằng, nơi này, công trình này đã có từ nhiều năm nay, nó tồn tại, hoạt động ngày này qua ngày khác giống nhau; và mặc dù tôi thấy ý nghĩ này có thể hơi thái quá - nhưng dù sao vẫn có vẻ như nó đã chờ tôi tới. Bất luận thế nào, thì “chỉ huy Block” của chúng tôi - nhiều người nhắc với sự công nhận đặc biệt nào đó, có thể nói là gần như hãi hùng - đã sống ở trại này từ cách đây bốn năm. Bấy giờ tôi mới sực nhớ ra rằng năm đó cũng là năm rất quan trọng đối với tôi, bởi vì đúng năm đó tôi ghi tên vào trường trung học. Tôi còn nhớ khá kỹ cả về buổi lễ khai giảng - hôm ấy tôi mặc bộ đồ màu xanh thẫm, nẹp áo đính dải gấp khúc, kiểu Hung, còn gọi là trang phc “Bocskai”. [Bocskai: Gọi theo tên của Bocskai István (1557-1606), Vương công của vùng Translyvania (thời kỳ 1605-1606), người đóng vai trò quan trọng trong phong trào cải cách tôn giáo, chính trị (Reformation) tại châu Âu thế kỷ 16]. Tôi cũng còn nhớ những lời của thầy hiệu trưởng - bây giờ nghĩ lại, thấy ông quả là một con người khả kính, dáng vẻ bề ngoài hơi giống một vị chỉ huy, với đôi kính mắt nghiêm nghị và bộ ria trắng rất đẹp. Để kết thúc bài nói, tôi nhớ ông đã trích lời một nhà thông thái cổ đại: “non scolae sed vitae discimus” - “không học cho nhà trường, mà cho cuộc đời”. Nếu như thế thì, tôi nghĩ, lẽ ra tôi phải học về Auschwitz từ đầu chí cuối. Lẽ ra người ta phải giảng giải công khai, tử tế, có ý nghĩa về tất cả. Chỉ có điều ở trong trường, suốt bốn năm, tôi không nghe nói về nó dù chỉ một từ. Nhưng tất nhiên, tôi thấy nếu nói về nó thì chỉ gây lo ngại mà thôi, vả lại nó cũng không thuộc về những kiến thức chung. Thiếu sót đó khiến cho đến giờ tôi mới được khai trí ở nơi này, chẳng hạn như chúng tôi đang sống trong “Kozentrationslager, một “trại tập trung”. Các trại này cũng không giống nhau, người ta giải thích thế. Ví dụ trại này là “Vernichtungslager, nghĩa là “trại hủy diệt”. Còn “Arbeitslage, nghĩa là “trại lao động”, người ta nói thêm, thì hoàn toàn khác: ở đó cuộc sống dễ chịu hơn, các điều kiện sinh hoạt và ăn uống, nghe đồn, không thể so sánh được, và điều này cũng là lẽ tự nhiên, vì xét cho cùng, mục đích ở đó khác. Chúng tôi cũng sẽ được tới một nơi như thế, nếu như giữa chừng không xảy ra chuyện gì, mà ở Auschwitz, - xung quanh tôi người ta đều công nhận, - chuyện gì đó có thể xảy ra. Bất luận thế nào cũng không nên báo ốm, người ta tiếp tục khuyên. Khu bệnh viện nằm phía đằng kia, ngay dưới chân một ống khói, như những người thông thạo khi nói với nhau chỉ gọi ngắn gọn: ở chân “Số 2”. Mối họa chủ yếu tiềm ẩn trong nước, nước không đun sôi, ví dụ như thứ nước mà tôi cũng đã uống trên đường từ nhà ga về tới nhà tắm - nhưng lúc đó thì tôi chưa thể biết. Chắc chắn, ở đó đã có biển báo, không cần bàn cãi, nhưng lẽ ra tay hiến binh cũng phải nói chứ, tôi nghĩ. Nhưng dù sao đi nữa, tôi sực nhớ, cũng phải biết kết quả cuối là quan trọng: may nhất, ơn Chúa, là tôi cảm thấy người khỏe khoắn, và tới giờ tôi cũng chưa nghe thấy bọn con trai phàn nàn.
Sau đó, trong ngày hôm ấy tôi còn làm quen với nhiều điều cần biết, nhiều khung cảnh, và các thói quen khác. Tựu trung lại, có thể nói là buổi chiều tôi nghe được khá nhiều tin tức, quanh tôi người ta nói về những viễn cảnh, khả năng và hy vọng liên quan đến tương lai của chúng tôi nhiều hơn về cái ống khói. Có những lúc, tựa như nó không hề đứng đó, vì chúng tôi chỉ để ý đến luồng hơi của nó: tất cả phụ thuộc vào hướng gió, như nhiều người nhận ra. Ngày hôm ấy lần đầu tiên tôi còn nhìn thấy đám phụ nữ. Một nhóm người hồi hộp tụ tập gần hàng rào dây thép chỉ cho tôi đúng là họ ở đó, dù tôi nhận ra họ rất khó khăn, mà chủ yếu là không nhận ra nổi họ là những phụ nữ, đang ở bên kia khoảng đồng đất sét mở ra xa xa phía trước chúng tôi. Tôi cũng hơi giật mình vì họ, và nhận thấy xung quanh tôi, sau niềm vui ban đầu, sau cảm giác hồi hộp của phát hiện, mọi người đều trở nên khá im lặng. Chỉ có một nhận xét cộc lốc, hơi khàn khàn ở rất gần đập vào tai tôi: “Họ trọc đầu”. Rồi đúng lúc đó, giữa tĩnh lặng, lần đầu tiên tôi nghe trong từng đợt gió nhẹ chiều mùa hè, rất mỏng manh, phập phồng và gần như mơ hồ không thực, nhưng không nghi ngờ gì nữa: đó là tiếng nhạc đem lại nét thanh bình, rộn rã, thứ nhạc trong khung cảnh này, cùng với những gì đập vào mắt, đã làm tất cả mọi người, kể cả tôi, hết sức kinh ngạc. Lần đầu tiên tôi đứng, lúc đó còn chưa biết để chờ điều gì, trong một hàng phía cuối khối mười hàng người trước cửa nhà của chúng tôi - cũng như trước cửa tất cả những nhà khác - toàn bộ tù nhân đều đang đứng chờ, hai bên, phía trước, phía sau, nhìn đâu cũng thấy như vậy, lần đầu tiên tôi bỏ mũ xuống khỏi đầu, đúng theo yêu cầu được phát ra, trong khi phía ngoài đường chính, có dáng ba người lính đi xe đạp, lướt qua chậm chạp, êm nhẹ không tiếng động trong làn không khí loãng của buổi hoàng hôn: tôi cảm thấy đó là một hình ảnh đẹp, trang nghiêm theo cách nào đó. Cũng lúc đó tôi nghĩ: ô hay, đúng là đã từ lâu tôi không gặp những người lính. Chỉ có điều tôi cần ngắm kỹ, những người ấy đứng phía bên kia thanh chắn đường, nghe những điều “chỉ huy Block” của chúng tôi (anh ta cũng bỏ mũ cầm tay) nói với họ từ phía bên này, họ nghe với vẻ lạnh lùng, băng giá, từ một độ cao không thể gần gũi nổi - một người trong số họ còn ghi chép gì đó vào một quyển sổ dài. Tôi thật khó nhận ra - những con người không hề đáp lại bằng một lời hay một cử chỉ nào trên con đường lớn vắng hoe kia, ở một tầm uy quyền gần như một điềm dữ kia, lại chính là thành viên của cái đơn vị hòa nhã, vui vẻ vừa đón chúng tôi sáng nay ngoài ga tàu. Cùng lúc ấy tôi nghe có tiếng động nhỏ, một giọng nói, và ở bên phải, tôi thấy một nét mặt hướng ra phía trước, thấy đường viền vồng lên của một lồng ngực: đó là ông cựu sĩ quan. Ông lẩm bẩm, giữa chừng đôi môi gần như không động đậy: “Điểm danh buổi tối”. Ông khẽ gật đầu, với một nụ cười, bằng nét mặt của người biết rằng mọi việc đang diễn ra đối với ông đều dễ hiểu, hoàn toàn sáng tỏ, và ở một mức độ nào đó đã gần như theo ý thích của ông vậy. Rồi đúng lúc đó, lần đầu tiên tôi nhìn thấy - vì bóng tối đã ập xuống với chúng tôi - màu đêm ở đây, và cả một hiện tượng này nữa: pháo hoa, pháo hoa thực sự của những ngọn lửa và tia sáng trên nền chân trời phía bên trái. Quanh tôi nhiều người thì thầm, lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại: “Những lò thiêu!...” mà sự thực, tôi có thể nói rằng những lời này giờ đây chỉ còn như sự ngạc nhiên trước một hiện tượng tự nhiên. Sau đó là: “abtreten”, [Abtreten (tiếng Đức): giải tán, lui, biến] và hình như tôi đã hơi đói, nhưng rồi tôi được biết bữa ăn tối chính là miếng bánh mì mà tôi đã ăn lúc sáng, về dãy nhà, về “Block” thì đã rõ là bên trong hoàn toàn trống rỗng, không có đồ gỗ, không trang thiết bị, thậm chí đèn cũng không, nền nhà bằng xi măng, trên cái nền này việc nghỉ đêm chỉ có thể được giải quyết giống như trong chuồng ngựa của cảnh binh: tựa lưng vào gióng chân một cậu nào đó ngồi phía sau tôi, còn người ngồi trước thì tựa vào đầu gối tôi; và vì tôi cũng đã mệt và buồn ngủ sau bao nhiêu ấn tượng, trải nghiệm và cảm giác mới, chẳng bao lâu tôi chìm vào giấc mơ.
Những ngày tiếp theo - cũng gần như những ngày trong nhà máy gạch - chỉ đọng lại trong tôi một ít chi tiết, đúng hơn là sắc thái của chúng, một cảm giác, có thể nói là một ấn tượng chung. Chỉ có điều ấn tượng này rất khó xác định. Trong những ngày này vẫn còn những điều mới biết, mới thấy và mới trải nghiệm. Thỉnh thoảng trong những ngày này, một cảm giác lạnh lẽo kỳ quặc và xa lạ đã chạm đến tôi, tôi bắt gặp cảm giác này lần đầu tiên khi nhìn thấy đám phụ nữ, một vài lần tôi thấy mình giữa đám người bơ phờ, những khuôn mặt vêu vao, những con người ngơ ngác nhìn nhau, những người cứ hỏi nhau hoài: “Thế nào? Ông thấy thế nào?” - và câu trả lời thường là im lặng, hoặc chỉ là: “Kinh khủng”. Nhưng không phải là từ này, không hẳn là ấn tượng này - tất nhiên là đối với tôi - là những gì mà tôi có thể dùng để đặc tả chính xác về Auschwitz. Trong số mấy trăm người ở cùng Block với tôi có cả ông già thiếu may mắn nọ. Nhìn ông hơi ngộ trong bộ quần áo tù rộng thùng thình, với chiếc mũ rộng lúc lúc lại trượt xuống trán. “Các vị thấy thế nào?” ông hỏi, “Ý các vị thế nào?..., nhưng dĩ nhiên chúng tôi không thể nói điều gì. Sau đó tôi không còn theo kịp những lời lắp bắp và lộn xộn của ông nữa. Ông không được suy nghĩ, hay là có nhưng lúc nào cũng chỉ có thể và cần phải nghĩ tới một điều, tới những người mà ông đã “bỏ lại ở nhà”, và vì họ ông “phải trở nên cứng rắn”, vì họ đợi ông về: vợ ông và hai đứa con - đó gần như là tất cả những gì tôi có thể nhớ. Nhưng điều lo ngại nhất ở đây của ông về cơ bản cũng như ở trong trạm thuế quan, trên tàu hỏa và trong nhà máy gạch: đó là độ dài của ngày. Ngày giữa mùa hè bắt đầu rất sớm, ngay sau lúc mặt trời mọc buổi sáng một lúc. Đến bây giờ tôi mới biết những buổi sáng mùa hè ở Auschwitz lạnh như thế nào: bọn con trai chúng tôi tụm lại ở hướng trông ra hàng rào dây thép gai của dãy nhà, ép sát vào nhau, sưởi ấm cho nhau, đối diện với vầng mặt trời đỏ rực, méo mó vừa nhô lên. Mấy tiếng sau thì chúng tôi đã phải tìm đến chỗ có bóng mát rồi. Dẫu vậy thời gian ở đây vẫn cứ trôi; tay “thợ làm đồ da” cũng có mặt ở đây với chúng tôi, và vẫn còn nghe thấy một đôi câu chuyện tiếu lâm; ở đây cũng có - không phải những đinh đóng móng ngựa mà là sỏi, để “chàng trai lụa” thắng hết của chúng tôi: và ở đây thỉnh thoảng cũng vẫn thấy giọng nói của “Rozi”: “Bây giờ ta hát bằng tiếng Nhật nhé!”. Ngoài ra mỗi ngày hai lần đi vệ sinh, buổi sáng vào nhà tắm (một chỗ giống nhà vệ sinh, nhưng thay cho các bục đặt suốt dọc theo chiều dài là những bồn tráng kẽm, bên trên chạy ống thép có khoan các lỗ nhỏ sát nhau, từ những lỗ ấy nước ri rỉ chảy ra), chia thức ăn, điểm danh buổi tối, và dĩ nhiên, cả tin tức nữa - tôi phải bằng lòng với chừng ấy, đó là trình tự của một ngày. Thêm vào đó là những ấn tượng: như sự kiện “Blocksperre”, hoặc “đóng Block”, vào tối hôm thứ hai - đó là lần đầu tiên tôi thấy chỉ huy của chúng tôi sốt ruột, thậm chí có thể nói là bực tức - với những âm thanh hỗn độn từ xa vọng lại, mà lắng tai nghe kỹ chúng tôi cho rằng mình đã nghe thấy tiếng la hét, tiếng chó sủa và tiếng súng nổ trong bóng tối hơi ngột ngạt của dãy nhà; hay một cảnh nữa, cũng phía sau hàng rào thép gai, một đoàn người đi làm về như người ta bảo, và tôi cũng phải tin, vì chính tôi cũng nhìn thấy trên các đống rách nát mà những người đi phía sau lôi về, không nghi ngờ gì nữa, đúng là những xác người, như mọi người xung quanh tôi khẳng định. Những ấn tượng đó, trong một thời gian dĩ nhiên đã đánh thức trí tưởng tượng của tôi. Tuy nhiên, tôi khẳng định, chúng không đủ để giết hết thời gian nhàn rỗi trong suốt một ngày dài. Tôi đã nhận ra: ngay cả ở Auschwitz có vẻ như cũng có thể buồn chán, cho dù ta có được ưu đãi. Chúng tôi cứ chờ đợi, chờ đợi, mà tôi nghĩ thực ra là để đừng xảy ra chuyện gì. Sự chán chường này, cùng với sự chờ đợi kỳ quặc này, tôi nghĩ, cái ấn tượng này, phải, gần như là chính nó thực sự có nghĩa là Auschwitz, tất nhiên là trong mắt tôi.
Còn một điều nữa tôi phải công nhận: ngày hôm sau tôi đã ăn hết, thậm chí ngày thứ ba tôi còn mong món xúp. Nói chung, ở Auschwitz tôi cũng phải ngạc nhiên vì trật tự ăn uống. Buổi sáng chẳng mấy chốc người ta đã mang đến một thứ nước gì đó, mà họ bảo là cà phê. Bữa trưa, nghĩa là món xúp, được đưa đến sớm bất ngờ, mới khoảng chín giờ. Nhưng sau đó không xảy ra điều gì về mặt này, cho đến tận lúc chia bánh mì và bơ thực vật vào chiều tối, trước giờ điểm danh: thế là đến ngày thứ ba tôi đã buộc phải làm quen với cảm giác khó chịu của cái đói, và tất cả bọn con trai đều ca cẩm. Chỉ có cậu nghiện thuốc bảo cảm giác ấy đối với cậu ta chẳng có gì mới, và cậu chỉ thèm thuốc - ngoài cái kiểu cách cộc lốc, lạ lùng thường thấy ở cậu ta, trên mặt cậu ta còn biểu lộ của một vẻ mãn nguyện nào đó khiến giờ tôi hơi bực mình, và cả bọn con trai, tôi nghĩ vì thế mà phẩy tay nhanh chóng cho qua.
Thật ngạc nhiên, khi tính lại vẫn là sự thực: tôi mới chỉ ở Auschwitz được đúng ba ngày. Tối ngày thứ tư tôi đã ngồi trên tàu hỏa, trong một toa xe chở bò đã quen thuộc. Đích đến, như chúng tôi được biết, là “Buchenwald” [Buchenwald: trại tập trung nằm gần thành phố Weimar, là trại lao động khổ sai, giam giữ tù nhân Do Thái, tù chính trị và tù binh làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp quân sự quanh vùng. Trại này hoạt động từ năm 1935-1945], và dù giờ đây tôi đã thận trọng hơn đôi chút với những cái tên đầy hứa hẹn như thế, nhưng sự thân thiện, có thể nói là sắc thái khó nhầm lẫn được ở mức độ nào đó của sự ấm áp, sắc thái của cảm thức dịu dàng, mơ mộng, chút ghen tị nhất định của một vài người trong đám tù phạm đi tiễn chúng tôi, không thể chi là sự nhầm lẫn, tôi cảm thấy như thế. Tôi cũng phải công nhận, trong số họ có nhiều phạm nhân cũ, thông thạo, cũng như nhiều người được trọng thị, thể hiện ở các băng đeo tay, mũ và giày họ mang trên người. Ở trên tàu tất cả cũng do họ điều hành, tôi chỉ nhìn thấy vài người lính đứng phía xa, trên đường ke. Và ở nơi yên tĩnh này, trong các sắc màu hiền hòa của buổi tối mùa hè thanh bình này, không một điều gì - bất quá chỉ có sự rộng lớn của nó - gợi cho tôi nhớ đến cái nhà ga náo nhiệt bởi sự hồi hộp, bởi ánh sáng, bởi sự chuyển động, bởi âm thanh, chỗ nào cũng phập phồng, dồn dập, nơi mà tôi đã đáp xuống cách đây đúng ba ngày rưỡi.
Về chuyến đi này, giờ đây tôi có thể kiệm lời hơn: tất cả diễn ra theo cách đã biết. Lần này chúng tôi gồm không phải sáu mươi, mà là tám mươi người, tuy nhiên bây giờ chúng tôi không có đồ đạc và cũng không phải chăm lo đến phụ nữ. Vẫn có chiếc nồi, chúng tôi vẫn chịu nóng và khát, nhưng chúng tôi ít phải chịu đựng sự cám dỗ hơn, ý nói là về mặt đồ ăn: khẩu phần - bánh mì được nhiều hơn, hai miếng bơ thực vật và một thứ gì đó, một mẩu bề ngoài gợi nhớ đến món xúc xích nhỏ nhồi thịt bò xay ở nhà, gọi là “wurst” [Wurst: món thịt dồi, giống như xúc xích] - được chia trên tàu, và tôi chén liền, trước hết vì tôi đói, sau nữa vì trên tàu cũng không biết để vào đâu, và cũng vì người ta không thông báo chuyến đi lần này sau đó cũng sẽ kéo dài ba ngày.
Chúng tôi cũng đến Buchenwald vào buổi sáng, trong tiết trời nắng nhưng nhiều mây và có những đợt gió mát nhẹ thổi, tươi mát, trong lành. Ga xe lửa ở đây, ít nhất cũng xếp sau Auschwitz, chỉ như một nhà ga tỉnh lẻ, hiền hòa. Tiếp đón đã kém phần thân thiện - ở đây không phải các phạm nhân mà là bọn lính mở cửa toa, thậm chí - tôi nhớ - phải nói đây là lần đầu tiên, một cách thực sự, tôi mới có dịp trực tiếp liên quan đến họ gần sát như thế, tiếp xúc với họ cận kề như thế. Tôi chỉ nhìn mọi việc diễn ra nhanh chóng ra sao, với sự chính xác chuẩn tắc thế nào. Một vài khẩu lệnh ngắn: “Alle raus!” [(tiếng Đức): Tất cả ra ngoài!] - “Los!” [Nhanh lên!] - “Fünferreihen!” [Xếp hàng năm!] - “Bewegt euch!” [Bước đi!], mấy tiếng kêu lịch bịch, mấy tiếng va đập, tiếng dập ủng, tiếng thúc của một mũi súng, vài tiếng kêu ngắn - và thế là đoàn người chúng tôi đã hình thành, đã di chuyển như được lên dây cót. Đến cuối đường ke, lần nào cũng bằng nửa vòng xoay giống hệt nhau, từ hai phía áp tới mỗi bên một tên lính, tôi để ý thấy cứ cách năm người một theo hàng năm, nghĩa là hai mươi lăm người mặc áo kẻ thì có hai tên lính đi cách hàng người chừng một mét, không rời mắt giây nào, hoàn toàn câm lặng, chỉ định hướng và giữ nhịp bằng bước chân, duy trì cho tất cả vận hành đều đặn - giống như thời trẻ con tôi vẫn dùng các mẩu giấy và que dẫn lũ nhộng đi vào hộp diêm - thành một dòng người chuyển động và lượn sóng không ngừng; tất cả có vẻ gì đó làm tôi hơi choáng váng, và hoàn toàn thán phục. Tôi còn hơi mỉm cười, khi nghĩ đến kiểu áp tải cẩu thả, có thể nói hơi với vẻ ái ngại của đám cảnh binh ở bên nhà, vào hôm họ dẫn đoàn chúng tôi về trại cảnh binh. Nhưng ngay cả những gì thái quá của đám cảnh binh, tôi công nhận, cũng chỉ có thể coi là trò làm bộ quan trọng ầm ĩ so với tính chuyên nghiệp lầm lì, thích hợp một cách hoàn hảo đến từng chi tiết này. Và mặc dù, tôi nhìn rõ mặt họ, màu mắt hay màu tóc họ, một vài nét riêng, thậm chí khiếm khuyết của họ, một nốt mụn trên da chẳng hạn, nhưng tôi vẫn không thể nào nắm bắt được, đến nỗi tôi đã nghi ngờ; bất chấp tất cả những gì đã thấy, liệu những kẻ đi bên cạnh chúng tôi kia có phải là những sinh linh về cơ bản giống như chúng tôi, liệu có phải dù sao họ cũng được cấu thành đại loại từ những chất liệu con người bình thường như chúng tôi? Nhưng tôi chợt nhớ ra, cách nhìn nhận của tôi như thế là sai lầm, vì tôi không thể giống như họ, dĩ nhiên.
Dù vậy tôi vẫn để ý thấy chúng tôi đang từng bước, từng bước đi dần lên một con dốc thoai thoải, trên một con đường khá tốt, nhưng không thẳng tuột như ở Auschwitz, mà vòng vèo. Những vùng phụ cận quanh tôi có nhiều vạt xanh tự nhiên, những ngôi nhà xinh xắn, xa hơn là những biệt thự ẩn sau lùm cây, những công viên, vườn tược, tất cả cảnh sắc, mọi kích thước, tỉ lệ đều khiêm nhường, tôi có thể mạnh dạn nói rằng phong cảnh nom rất thiện cảm, ít nhất là đối với những con mắt đã quen với Auschwitz. Ở bên lề đường phải, chúng tôi chợt nhận thấy một vườn thú nhỏ: cư dân là những chú hoẵng, lũ thú gặm nhấm và những loài thú khác, trong đó có cả một chú gấu nâu trụi lông xơ xác, nghe tiếng bước chân của chúng tôi nó vội vàng ngồi ở tư thế xin ăn, rồi biểu diễn ngay vài động tác gây cười trong cũi, nhưng lần này tất nhiên cố gắng của nó là vô ích. Sau đó chúng tôi đi qua một pho tượng dựng trên khoảng trống nơi con đường tách vòng ra hai ngả. Bức tượng đặt trên một bệ màu trắng và cũng được tạc từ thứ đá trắng, mềm, hạt thô và không bóng như đá làm bệ tượng, theo tôi thì đó là một tác phẩm hơi thô và cẩu thả về mặt nghệ thuật. Từ những đường rãnh trên quần áo, từ cái đầu trọc lốc, mà đặc biệt từ tổng thể hình dáng có thể thấy ngay nó muốn mô tả một tù phạm. Cái đầu chúi về phía trước, một chân vung ra phía sau như đang chạy, hai tay co quắp luồn xuống dưới cố nhấc một tảng đá hình khối vuông cực lớn lên lòng. Lúc đầu tôi chỉ nhìn nó với con mắt thưởng thức nghệ thuật - như đã được học trong nhà trường - chứ không có bất kỳ chủ ý gì, nhưng rồi tôi chợt nghĩ pho tượng chắc hẳn phải có ý nghĩa của nó, và thực chất có thể coi nó là một dấu hiệu không mấy tốt lành. Nhưng đã thấy mạng lưới dây thép gai dày đặc, rồi hai cổng sắt nằm giữa hai cột đá lớn mở ra, phía trên đập vào mắt tôi một công trình ốp kính, nom tựa cây cầu chỉ huy trên tàu thủy, liền sau đó tôi đi qua bên dưới nó: tôi đã vào trại tập trung Buchenwald.
Trại Buchenwald nằm ở lưng chừng một vùng cao đồi núi và thung lũng. Không khí trong lành, nhìn phía nào cũng thấy cảnh sắc rất đa dạng, xung quanh đâu cũng thấy rừng, dưới các thung lũng là những ngôi nhà nông dân lợp ngói đỏ. Nhà tắm nằm phía bên trái. Tù nhân đa số đều thân thiện, dù theo kiểu khác so với ở Auschwitz. Sau khi đến, ở đây cũng có nhà tắm, thợ cạo, và khử trùng, thay quần áo là những việc đã chờ sẵn chúng tôi. Các đồ lề trong phòng thay quần áo cũng đúng như ở Auschwitz. Chỉ tội ở đây phòng tắm nóng hơn, đám thợ cạo cũng làm việc cẩn thận hơn, và người phát quần áo, dù chỉ nhìn liếc qua, nhưng cũng cố gắng để ý đến kích cỡ của bạn. Sau đó bạn ra một hành lang, đứng trước một cửa đẩy bằng kính, và người ta hỏi bạn có răng vàng hay không. Rồi một người đồng bào của bạn, đầu có tóc, đã ở đây từ trước, ghi tên bạn vào một cuốn sổ lớn, rồi anh ta phát cho bạn một hình tam giác màu vàng, một miếng vải xé rộng - một tấm băng, cả hai đều bằng vải thô. Ở giữa tam giác vàng, để đánh dấu bạn cũng là dân Hungary có một chữ U [U, chữ cái đầu của từ Ungarn (tiếng Đức): Hungary], trên băng vải bạn có thể đọc thấy hàng chữ số in hoa, chẳng hạn của tôi là 64921. Tôi được biết, nên học phát âm rõ ràng, dễ hiểu và rành mạch cả bằng tiếng Đức, thế này: “Vier-un-sechzig, neun, ein-un-zwanzig”, [Vier-un-sechzig, neun, ein-un-zwanzig: 64-9-21], vì từ nay trở đi đây luôn là câu trả lời của tôi, nếu được hỏi về sự hiện diện của mình. Nhưng con số này ở đây người ta không ghi lên da bạn, và nếu như vì vậy mà bạn lo lắng hỏi từ trước, lúc vào nhà tắm, thì người tù già sẽ giơ tay lên và ngước mắt lên trần nhà phản đối: “Aber Mensch, um Gotteswillen! Wir sind doch kier nicht in Auschwitz!”, [“Khỉ ạ, lạy Chúa! Nơi chúng ta đang ở đâu phải là Auschwitz!”] ông nói. Đồng thời, cả chữ số, cả miếng tam giác này đến tối bạn phải đeo lên ngực áo, với sự giúp đỡ những người duy nhất sở hữu kim chỉ: thợ may; nếu bạn chán ngán cảnh phải đứng xếp hàng đến tối, thì bằng một phần nhất định của suất bánh mì và bơ thực vật bạn có thể làm cho họ dễ tính hơn, nhưng không có nó thì họ vẫn vui vẻ làm, vì xét cho cùng đó là trách nhiệm của họ, họ bảo thế.
Ở Buchenwald thời tiết lạnh hơn ở Auschwitz, ban ngày thường u ám và lất phất mưa. Nhưng tại Buchenwald có khi họ làm ta bất ngờ vì món xúp bột nấu với mỡ ngay từ sáng; cũng ở đây tôi học được thêm rằng suất bánh mì tử tế là một phần ba, có ngày là một nửa - chứ không phải một phần tư hay một phần năm như ở Auschwitz, rằng xúp buổi trưa đặc, trong đó có thể thấy những vẩn thịt, thậm chí gặp trường hợp may mắn có khi là cả một mẩu thịt còn nguyên, cũng tại đây tôi đã làm quen với khái niệm “Zulage” [tiếng Đức: món thêm, món bù, phụ] - từ dùng của viên sĩ quan có mặt ở đây, và vào những lúc thế này ông ta luôn luôn tỏ vẻ mãn nguyện - mà bạn có thể xin thêm ngoài một mẩu bơ thực vật hoặc một thìa mứt quả. Ở Buchenwald chúng tôi sống trong các lều, trong “Zeltlager” - “trại lều”, hay theo cách gọi khác là “Kleinlager” - “trại nhỏ”, và ngủ trên chỗ nằm trải rơm, dù không có phân cách và hơi chật, nhưng bằng phẳng. Ở đây hàng rào dây thép gai phía sau không có điện, nhưng kẻ nào bước ra khỏi lều vào ban đêm sẽ bị chó sói xé nát - người ta cảnh cáo, và sự nghiêm trọng của lời nhắc nhở ấy dù thoạt nghe có thể gây bất ngờ, nhưng xin bạn đừng hoài nghi. Còn cạnh hàng rào thép gai kia, nơi những con đường lát đá của khu trại chính, những dãy nhà đơn sơ màu xanh lá cây và những ngôi nhà đá một tầng trải ra trên sườn đồi, tối nào cũng có thể mua thìa, dao, cặp lồng và quần áo của các tù phạm địa phương và những cư dân gốc vẫn ra buôn bán. Một người trong số họ đã gạ tôi mua chiếc áo len, giá chỉ có nửa cái bánh mì, anh ta mời chào, ra hiệu, giải thích mãi - nhưng rồi tôi cũng không mua vì mùa hè tôi đâu cần tới áo len, còn mùa đông thì - tôi nghĩ - còn lâu mới tới. Vào các buổi tối đó, tôi còn thấy có rất nhiều tam giác màu khác nhau và trên các hình tam giác có vô số kiểu chữ cái, mà rốt cuộc chẳng mấy khi tôi xác định được: vậy thì Tổ quốc của ai là ở đâu? Nhưng ở ngay quanh chỗ tôi đây cũng nghe thấy nhiều giọng nói tiếng Hung lơ lớ tỉnh lẻ, thậm chí nhiều lần tôi còn nhận ra thứ ngôn ngữ lạ hoắc mà lần đầu tôi nghe thấy ở Auschwitz, trên toa xe lửa. Ở Buchenwald không có điểm danh đối với những người sống trong Zeltlager, chỗ rửa ráy ở ngoài trời, chính xác hơn là ở dưới bóng cây, cũng bố trí như ở Auschwitz, nhưng các chậu rửa bằng đá có nước nhỏ ra, phun ra hay ít nhất rỉ ra suốt ngày qua các lỗ trên đường ống, và kể từ khi rơi vào nhà máy gạch, lần đầu tiên đã xảy ra chuyện kỳ lạ ở đây là tôi có thể uống nếu khát, thm chí ngay cả khi nào bỗng thấy hứng lên muốn uống. Ở Buchenwald cũng có Crematorium, dĩ nhiên, nhưng tất cả vỏn vẹn có một, và nó cũng không phải là mục đích, bản chất, linh hồn, ý nghĩa của trại này - tôi có thể khẳng định như vậy - mà người ta chỉ dùng nó để thiêu người đã chết trong trại, trong những điều kiện sống bình thường của trại. Tại Buchenwald - có lẽ lời đồn này bắt nguồn từ những tù phạm cũ và cũng truyền đến tôi - phải thận trọng nhất với mỏ đá, mặc dù người ta nói thêm, bây giờ nó gần như đã hết hoạt động, chứ không như ngày trước, lúc họ còn làm việc trong đó. Trại này, tôi được biết, đã hoạt động bảy năm nay, nhưng còn có những trại cũ hơn nữa, trong số đó tôi được làm quen với những cái tên như “Dachau”, hay “Oranienburg” và “Sachsenhausen”.

[Dachau: trại tập trung đầu tiên của Đức Quốc xã, thành lập từ năm 1933, nằm cách thành phố München 20 km, được lấy làm mẫu mực để thiết kế những trại tập trung sau này]
[Oranienburg: tên một trại tập trung nằm ở tại Oranienburg, thủ phủ của huyện Oberhavel, một đô thị nhỏ ở Barndenburg, cách trung tâm Berlin 35 km]
[Sachsenhausen: tên một trại tập trung thành lập từ năm 1938, tại Sachsenhausen, một đô thị thuộc huyện Weimarer Land, bang Thuringe, cách thủ đô Berlin 35 km]

Cũng vào thời gian đó tôi đã hiểu nụ cười có vẻ bao dung khi nhìn thấy chúng tôi trên gương mặt của một vài nhân vật khả kính ăn vận chu tất đứng phía bên kia hàng rào thép gai, trên người họ tôi nhìn thấy những con số mười ngàn, hai mươi ngàn, cả những số có bốn và ba chữ số. Tôi được biết gần trại chúng tôi là thành phố Weimar, một nơi nổi tiếng về văn hóa, giáo dục mà tất nhiên về tiếng tăm của nó tôi đã được học từ khi còn ở nhà: tại đây, bao nhiêu người đã sống và sáng tạo, trong đó có một người mà thi phẩm “Wer reitet so spät durch Nacht und Wind”* của ông tôi đã thuộc lòng, và - như người ta đồn - cái cây tự tay ông trồng - từ đó đến nay đã thành cổ thụ, được gắn bảng tưởng niệm và quây rào thép gai để ngăn cách chúng tôi, những tù phạm - cũng nằm đâu đó trong khu trại chúng tôi - người ta bảo thế. Nói tóm lại không khó chút nào để hiểu được những gương mặt ở Auschwitz ấy: công bằng mà nói thì chẳng bao lâu sau tôi cũng đã thích Buchenwald.
*[“Wer reitet so spät durch Nacht und Wind?” (tiếng Đức): Ai cưỡi ngựa muộn màng giữa đêm khuya và gió? - câu đầu tiên trong bài thơ “Chúa rừng” của Johann Wolfgang von Goethe]
Zeitz, hay đúng hơn là trại tập trung mang tên địa danh này, cách Buchenwald một đêm đi tàu hàng, sau đó thêm hai mươi phút đi bộ, có lính áp tải trên con đường chạy qua những ruộng cày được chăm sóc cẩn thận, những phong cảnh làng quê, như chính tôi đã có cơ hội trải nghiệm. Giờ đây, ít nhất chỗ này sẽ là nơi an cư cuối cùng dành cho chúng tôi - người ta đảm bảo - chính xác hơn là cho những người nào trong số chúng tôi có tên gọi theo thứ tự ABC đứng trước chữ M; những người khác sẽ tới trại lao động ở thành phố Magdeburg mà nhờ vào những hiểu biết lịch sử, tên gọi của nó đối với tôi khá quen thuộc - chúng tôi được thông báo như vậy, khi còn ở Buchenwald, cũng vào tối ngày thứ tư, trên một bãi rộng khủng khiếp được chiếu sáng bằng đèn hồ quang, - bởi các phạm nhân ăn vận đủ các đồ khả kính khác nhau, trong tay cầm những bản danh sách dài. Tôi chỉ tiếc rằng thế là tôi phải chia tay vĩnh viễn với nhiều đứa con trai, đặc biệt là với “Rozi”, và rồi sự ngẫu nhiên của những cái tên mà theo đó chúng tôi được xếp ngồi lên chuyến tàu nào, đáng tiếc đã tách tôi ra khỏi những người khác nữa.
Có thể nói không có gì khổ sở, không có gì ngao ngán hơn những mệt nhọc khó chịu mà chúng tôi phải trải qua mỗi lần đến một trại tập trung mới, ít nhất sau Auschwitz và Buchenwald tôi đã nghiệm thấy như thế. Tuy nhiên, ngay lập tức tôi nhận ra lần này mình đã đến một trại tập trung nhỏ, sơ sài, hẻo lánh, có thể nói chỉ như một trại tập trung nhà quê. Tìm kiếm nhà tắm hay thậm chí là một lò thiêu ở nơi này chỉ vô ích: dường như những thứ trang hoàng đó chỉ thuộc về các trại tập trung có tầm quan trọng hơn. Xung quanh trại lại là một vùng đất trơ trụi buồn tẻ, chỉ từ phía cuối trại mới nhìn thấy một vệt màu xanh mờ - “vùng núi Türingia”, tôi nghe ai đó nói. Hàng rào dây thép gai, với bốn góc là chòi canh, nằm ngay sát đường quốc lộ. Bản thân trại thì hình vuông, về cơ bản là một khu bãi bụi bặm, mặt phía cổng trông ra con đường, còn ba phía kia bao bọc bi những ngôi nhà lớn hoặc các lều bạt như rạp xiếc. Việc tính đếm kéo dài, sắp xếp, xô đẩy, chen lấn té ra là để phân nhóm và dồn đến cho các lều, các “Block” - như người ta gọi chúng - theo trật tự hàng mười, những nhân khẩu tương lai của các lều. Tôi cũng bị xô đẩy về lều, chính xác hơn là đến cái lều ngoài cùng bên phải của dãy cuối cùng, nếu đứng quay mặt về phía cổng và quay lưng về phía lều để định hướng, như tôi đã đứng khá lâu, tới khi chân tê dại, dưới ánh nắng mỗi lúc một trở nên khó chịu. Tôi lướt mắt tìm bọn con trai, nhưng vô ích, quanh tôi toàn người lạ. Bên trái tôi là một người cao gầy, hơi kỳ cục, luôn lẩm bẩm gì đó và thân trên cứ nhịp nhàng gật gù từ trước ra sau, từ sau ra trước, còn bên phải tôi là một người thấp lùn vai rộng, giết thời gian bằng cách cứ sau một khoảng thời gian đều đặn lại nhổ một bãi nước bọt nhỏ, nhọn, rất chính xác xuống đám cát bụi trước mặt. Anh ta cũng nhìn tôi, lúc đầu chỉ lướt qua, rồi sau đến lần thứ hai đã soi mói hơn, bằng đôi mắt xếch, sắc lẹm. Bên dưới đôi mắt, tôi thấy một cái mũi nhỏ đến nực cười, gần như không xưong, anh ta tinh nghịch đội chiếc mũ tù lệch về một bên. Lần thứ ba anh ta hỏi, và tôi nhận ra anh thiếu mấy chiếc răng cửa, tôi từ đâu đến? Khi tôi bảo từ Budapest thì thấy anh hoạt bát hẳn lên: Đường Körút [Körút: đường vòng cung nhỏ nhất, rất sầm uất và cổ kính, của thủ đô Budapest] còn không và tàu điện số 6 có còn chạy như “lần cuối cùng anh ra đi” hay không, anh hỏi liền. Sao lại không, tôi đáp, tất cả vẫn y nguyên như thế. Anh ta có vẻ hài lòng. Anh còn tò mò muốn biết tôi đã bị “lưu lạc sang đây” thế nào, và tôi bảo: “Đơn giản thôi. Họ bắt xuống khỏi xe bus”. “Thế rồi sao?” anh hỏi tiếp, và tôi bảo: “Thế thôi, có gì hơn nữa: họ chở đến đây”. Anh có vẻ hơi ngạc nhiên, tựa như không hiểu lắm những diễn biến của cuộc sống bên nhà, và tôi muốn hỏi anh ta... nhưng không kịp, vì đúng lúc ấy tôi bị một cú tát từ phía bên kia.
Thực ra tôi đã ngã ngồi xuống đường rồi mới nghe tiếng bốp của cái tát, mạnh đến nỗi làm tôi thấy nửa mặt bên trái bỏng rát. Một người đứng trước mặt tôi, từ đầu đến chân trong bộ quần áo đi ngựa màu đen, mũ nồi đen, tóc, thậm chí cả bộ ria mép mỏng trên khuôn mặt nâu sẫm cũng màu đen, một mùi gì đó làm tôi ngạc nhiên: không nghi ngờ gì nữa, đúng là mùi nước hoa có hương ngọt ngào. Trong tiếng quát hỗn loạn tôi chỉ nghe ra được từ “Ruhe”, nghĩa là “im lặng” vang lên nhiều lần. Nói gì thì nói, nom ông ta có vẻ đáng nể, điều đó được nhấn mạnh bằng con số thấp sang trọng, cũng như chữ “Z” [Z: Chữ cái đầu của từ “Zigeuner” (tiếng Đức), nghĩa là “người Digan] bên trong hình tam giác màu xanh lá cây, ngực bên kia được trang trí bằng chiếc còi bạc lủng lẳng trên sợi dây chuyền kim loại, thêm nữa trên cánh tay có hai chữ cái “LA” màu trắng có thể nhìn thấy từ xa. Nhưng dẫu sao tôi cũng rất bực mình, vì tôi không quen bị người ta đánh, và dù đó là ai đi nữa, và dù tôi đang ngồi và chỉ trên nét mặt, nhưng tôi đã cố thể hiện dấu hiệu của sự giận dữ này. Có thể ông ta đã nhận ra điều đó, tôi nghĩ, vì tôi thấy, dù vẫn quát tháo liên hồi, nhưng ánh nhìn của đôi mắt to đen như bơi trong dầu của ông ta dần dần dịu lại, cuối cùng đã gần như có biểu hiện thanh minh, trong khi ông ta chăm chú nhìn tôi khắp lượt, từ chân lên mặt: một cảm giác khó chịu, lúng túng thế nào đó. Rồi ông ta biến mất theo lối mà mọi người dãn ra cho ông ta đi, cũng đột ngột như khi ông ta đến lúc nãy.
Sau khi tôi lò dò đứng dậy, người đứng bên phải hỏi ngay có đau không. Tôi trả lời anh ta, chủ ý và dõng dạc: không hề đau tẹo nào. “Thế thì” anh ta bảo, “tốt nhất là cậu hãy lau mũi đi”. Tôi đưa tay lên mũi: đúng là ngón tay vấy đỏ. Anh ta chỉ cho tôi cách ngả đầu ra sau để máu ngừng chảy, anh còn nói về người mặc bộ đồ đen: “Lão Digan”, rồi sau một giây suy nghĩ anh khẳng định thêm: “Một gã đồng tính, chắc chắn”. Tôi không thật hiểu anh muốn nói gì, và tôi đã hỏi anh ý nghĩa của khái niệm này. Nghe thế anh mỉm cười, và nói: “Gã ái đấy!”. Vậy là tôi đã rõ hơn về khái niệm này, tương đối đúng, tôi nghĩ thế. “Nào”, anh nói tiếp và còn đưa tay ra, “tớ là Citrom Bandi”, thế là tôi cũng nói với anh tên mình.
Anh cho tôi biết anh được đưa từ trại lao động tới đây. Người ta đã gọi anh đi ngay khi mới bắt đầu cuộc chiến, vì đúng lúc đó anh hai mươi mốt: tuổi tác, dòng máu, sức khỏe đều thích hợp với trại lao động, và từ bốn năm nay anh cũng chưa về nước. Anh từng đi gỡ mìn ở Ucraina. “Thế răng anh làm sao thế?”, tôi hỏi. “Chúng nó đánh gãy đấy”, anh đáp. Đến lượt tôi ngạc nhiên: “Thế là thế nào?”. Nhưng anh ta chỉ bảo “chuyện dài lắm” và không nói thêm nhiều về lý do. Chung quy lại là anh đã “cãi nhau với đội trưởng” và ngoài những thứ khác cả xương mũi anh cũng gãy vào dịp đó - anh cho tôi biết chừng ấy. Về công việc gỡ mìn, anh cũng nói đủ ngắn gọn: một cái xẻng, một đoạn dây thép, và cần thêm may mắn, theo cách nói của anh. Chính vì thế mà chỉ còn lại rất ít người trong “đại đội bị trừng phạt” khi người Đức đến thay thế các đơn vị lính Hung. Họ đã vui mừng, vì ngay lập tức người ta  vẽ ra một viễn cảnh công việc nhẹ nhàng hơn và sự đối xử tốt hơn. Sau đó từ trên tàu hỏa, dĩ nhiên rồi, họ đã xuống Auschwitz.
Tôi đang tò mò muốn hỏi tiếp anh thêm chút nữa, thì đúng lúc ấy có ba người quay trở lại. Trước đó khoảng chừng mười phút, từ sự kiện diễn ra ở phía trước, đúng hơn là tôi chỉ chú ý đến một cái tên, chính xác hơn là đến tiếng gọi đồng thanh ở phía trước, tất cả đều kêu một cái tên ấy: “Bác sĩ Kovács!”. Nghe tiếng gọi, một người đàn ông béo tốt, mặt hơi sệ, xung quanh đầu nhẵn thín vì máy húi tóc, còn đỉnh đầu hói tự nhiên, khiêm nhường, ngần ngại bước ra, như chiều theo tiếng kêu giục giã của đám đông, sau đó còn hai người nữa thì đã do ông giới thiệu. Rồi cùng với người mặc bộ đồ đen, cả ba đi khỏi ngay, và chỉ sau này tôi mới biết, tin tức cũng lan đến cả những hàng sau rằng thực ra chúng tôi vừa chọn chỉ huy, mà họ gọi là “Blockältester”, và các “Stubendienst” - nghĩa là “hầu phòng,” như tôi vừa dịch qua loa cho Citrom Bandi hiểu, vì anh không biết tiếng Đức. Sau đó người ta muốn dạy cho họ vài khẩu lệnh và động tác họ sẽ thường dùng, những thứ mà - người ta nhắc họ, họ lại nhắc chúng tôi - sẽ không ai dạy chúng tôi thêm một lần nữa. Một vài từ như “Achtung!” “Mützen... ab!” và “Mützen… auf!” [“Achtung! Mützen… ab! Mützen… auf” (tiếng Đức): “Chú ý! Bỏ mũ xuống! Đội mũ… lên!”] thì về cơ bản theo kinh nghiệm đến lúc này tôi đã biết, còn “Korrigiert!” nghĩa là “Chỉnh lại!” - tất nhiên là chỉnh lại mũ, còn “Aus!” [“Aus!” (tiếng Đức): “Thôi!”] - thì chúng tôi phải dập tay đánh bốp vào sát đùi, theo lời họ. Sau đó chúng tôi đã tập thử nhiều lần tất cả những động tác này. Viên Blockältester, chúng tôi được biết, những lúc như thế này còn có công việc riêng: báo cáo, việc này được ông ta thử nhiều lần trước mặt chúng tôi: Stuben-dienst, một gã mập, mặt đỏ như đang sốt phát ban, hai má màu tím - đóng vai người lính. “Block fünf”, - tôi nghe tiếng anh ta, - “ist zum Appel angetreten. Es soll zweihundert fünfzig, es ist…”* - và cứ tiếp tục thế, nhờ đó mà tôi biết tôi là nhân khẩu của Block 5, có quân số 250 người.
*[“Block fünf ist zum Appel angetreten. Es soll zweihundert fünfzig, es ist…” (tiếng Đức): “Block 5 đã có mặt theo lời kêu gọi. Quân số 250 người, có mặt…”]
Sau vài lần lặp đi lặp lại, tất cả đã rõ ràng, dễ hiểu và có thể trình diễn hoàn hảo, mọi người đều thấy thế. Rồi lại đến những phút chẳng có việc gì, và bởi vì giữa chừng tôi chú ý thấy một đống đất trên khoảng trống phía bên phải lều của chúng tôi, bên trên đống đất là một cây sào dài và có thể đoán phía sau nó là một hào sâu, tôi hỏi Citrom Bandi không hiểu thực chất nó được dùng vào việc gì. “Latrina” [Latrina (tiếng Latin): cầu tiêu ngoài trời], anh đáp ngay sau một cái liếc mắt. Anh còn hơi lắc đầu, vì thấy tôi không hiểu từ này. “Đúng là có vẻ như từ trước đến nay cậu chỉ quen bám váy mẹ”, anh bảo. Anh còn nói thêm, tôi xin dẫn nguyên văn: “Này, khi nào ỉa đầy cái rãnh kia, thì chúng ta sẽ được tự do!”. Tôi cười, nhưng anh thì giữ nguyên vẻ hơi nghiêm nghị, cứ như người đã biết chắc chắn, chứ chưa muốn nói là cứ như anh đã quyết định thế. Nhưng anh không nói thêm gì về niềm tin này nữa, vì từ phía cổng đã thấy bóng ba người lính, nom ăn vận nghiêm chỉnh và tươm tất, thong thả nhưng rất đĩnh đạc, đàng hoàng đang cùng tiến lại gần, thấy thế viên Blockältester liền hô - trong giọng anh ta có một sắc thái mới lạ, hăng hái và như hét lên - mà trong khi tập thử tôi chưa hề nghe thấy: “Achtung! Mützen… ab!”, và dĩ nhiên, giống như mọi người, giống như tôi, anh ta cũng giật mũ xuống khỏi đầu.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét